Tin Việt Nam – 17/06/2019
Monday, June 17, 2019
6:52:00 PM
//
Slider
,
Tin Việt Nam -
Vụ chặn xe Đồng Nai
cho thấy ‘giang hồ’ hết sợ công an?
Công an Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai thông báo họ đã bắt thêm một người bị cho là có liên quan đến vụ giang hồ “vây chặn” xe chở công an hôm 12/06/2019.
Một nam thanh niên có hỗn danh là Tuấn “nhóc”, sống ở địa bàn thành phố Biên Hòa đã bị bắt để điều tra.
Một người khác, có biệt danh là Giang “36″ bị bắt trước đó về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ngoài hai người này, công an Việt Nam cũng đang tiếp tục truy bắt các nghi phạm vụ “gây rối trật tự công cộng”.
Vụ ‘giang hồ’ chặn xe chở công an ở Hiệp Hòa, Biên Hòa ngày 12/6 đã gây xôn xao dư luận, theo Đài Tiếng nói Việt Nam hôm 17/06/2019.
Sau va chạm trong một quán ăn, ba người đàn ông mà sau được biết là cán bộ công an, lên xe hơi để đi nhưng bị chặn lại.
“Hàng trăm thanh niên xăm trổ vây kín chiếc xe, người ngồi trong xe cũng không dám bước ra ngoài và chiếc xe bị xịt lốp để không thể di chuyển.”
Chỉ hàng trăm cảnh sát tới can thiệp thì vụ việc mới được giải tỏa sau hai giờ liền, theo các báo Việt Nam.
Các trang mạng xã hội như Facebook ở Việt Nam cũng chia sẻ nhiều câu chuyện về việc ‘giang hồ’ và các băng nhóm ngoài lề “nay hết sợ công an”.
Nhà báo Trương Huy San viết trên Facebook cá nhân hôm 17/06:
“Các băng nhóm giang hồ, xưa kia, có “luật” không đụng công an. Khi các băng đảng ở Đồng Nai chặn công an giữa thanh thiên, có nghĩa, công an ở đây không còn là lực lượng mà bọn chúng kiêng nể nữa.”
Rất xấu hổ khi chứng kiến vài sỹ quan công an khúm núm trước một ông trùm khi ông này đang ngồi với sếp họ. Nhà báo Trương Huy San
Ông cũng viết:
“Các nhà báo ở một tỉnh miền Trung kể, các anh rất xấu hổ khi chứng kiến vài sỹ quan công an khúm núm trước một ông trùm khi ông này đang ngồi với sếp họ.
Chẳng có địa phương nào mà cảnh sát không biết ai đánh bạc, ai tín dụng đen… Chỉ là chúng ta không biết ai đã trói tay ai. Khi giang hồ không còn nể mặt công an rất có thể bọn chúng đã cho rằng công an còn đen hơn chúng.”
Gần đây tại Việt Nam có hiện tượng một số gương mặt tiêu biểu của giới giang hồ hoặc người có hành vi xấu lại được một bộ phận công chúng thán phục.
Việt Nam an toàn đến đâu?
Các trang lữ hành nước ngoài như Lonely Planet, TripAdvisor đều cho Việt Nam là nước “tương đối an toàn cho người nước ngoài”, ít có tội ác bạo lực dù có nạn móc túi, lừa đảo vặt.
Tuy thế, theo Bộ Ngoại giao Mỹ trong báo cáo OSAC cho người Mỹ ở nước ngoài, thì từ 2017, số vụ ngoại kiều bị cướp giật tại Việt Nam tăng lên mạnh.
Một khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Anh nói nếu bạn là nạn nhân của tội phạm, báo cáo với cảnh sát Việt Nam về vụ việc “là quá trình kéo dài và khó khăn”.
Còn với người dân Việt Nam, các vấn đề của ‘xã hội đen’ không chỉ đơn thuần là cướp giật, trộm cắp, tệ nạn xã hội.
Bộ đội Biên phòng VN đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm biên giới, trong đó có tội phạm ma túyChủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân
Theo các bài báo ở Việt Nam, tội phạm tại nước này là một phần của nền kinh tế ngầm và cơ chế khai thác các nguồn lợi ‘ngoài luồng’ như ma tuý, mại dâm, buôn lậu tầm vóc lớn và bảo kê trong kinh doanh.
Việt Nam cũng đang là điểm trung chuyển cho nhiều đường dây tội ác quốc tế, buôn bán thuốc nổ, ma tuý, các loại động vật quý hiếm, mang thai hộ phi pháp và buôn người.
Điều đã được chính bộ máy thừa nhận là có những công an hợp tác với băng đảng tội phạm.
Trước diễn đàn Quốc hội đầu tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm nêu ra cam kết “kiên quyết loại trừ chiến sĩ công an bảo kê tội phạm”.
Nhưng hiện tượng công an “bảo kê” không chỉ giới hạn ở cấp thấp.
Hồi cuối 2018, tòa án Việt Nam đã xử hai cựu tướng công an “bảo kê cho đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ”.
Hồi tháng 3/2017 khi đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã khen ngợi lực lượng này đóng vai trò “quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm biên giới, trong đó có tội phạm ma túy.”
“Thành tích phát hiện và xử lý các hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép hàng nghìn bánh heroin qua biên giới của Bộ đội Biên phòng là rất xuất sắc,” bà Kim Ngân nói.
Có vẻ như từ đó đến nay, việc chuyển ma tuý vào Việt Nam không giảm.
Hồi tháng 5/2019, báo VN viết “chưa đầy hai tháng qua, hàng loạt đường dây ma tuý bị triệt phá tại TP HCM với số lượng tang vật từ vài trăm kg đến cả tấn”.
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị phạt hành chính
vì rời nơi cư trú không xin phép
Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, người đang được tạm hoãn thi hành án phạt tù, bị xử phạt vi phạm hành chính với cáo buộc đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Bà Huỳnh Thục Vy, vào ngày 17 tháng 6 đăng tải trên trang Facebook cá nhân một biên bản xử phạt hành chính do Ủy ban Nhân dân phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh ĐăkLăk ban hành vào ngày 14 tháng 6 năm 2019 với quyết định xử phạt hành chính 2.500.000 đồng đối với bà Huỳnh Thục Vy.
Văn bản vừa nêu do Chủ tịch phường, ông Đinh Quốc Hùng ký và trong văn bản ghi rõ nguyên nhân xử phạt vi phạm hành chính là do bà Huỳnh Thục Vy được tạm hoãn thi hành án phạt tù, bị xử phạt vi phạm hành chính với cáo buộc đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Văn bản xử phạt hành chính còn yêu cầu bà Huỳnh Thục Vy phải nộp phạt trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày có hiệu lực là ngày 14 tháng 6 và bà Huỳnh Thục Vy sẽ bị cưỡng chế thi hành, trong trường hợp không thi hành đóng phạt.
Vào tối ngày 17 tháng 6, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy lên tiếng với RFA liên quan văn bản xử phạt hành chính này:
“Từ hồi phiên tòa đưa ra quyết định cấm mình rời khỏi nơi cư trú, nhưng thực ra mình rời khỏi nơi cư trú nhiều lần vì có rất nhiều công việc cần phải đi ra khỏi phường và hôm trước họ đưa cho mình một cái biên bản về việc vi phạm hành chính. Bây giờ họ lại đưa quyết định xử phạt hành chính, theo đúng trình tự pháp luật của Nhà nước Việt Nam quy định. Theo quan điểm của mình thì phiên tòa xét xử mình hồi tháng 11 năm ngoái, mình xem cả bản án và tất cả lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú hay cấm xuất cảnh là đàn áp nhân quyền đối với mình và mình không có tội gì cả khi mình chỉ sơn lên lá cờ. Mình đã tuyên bố là mình vô tội.
Năm 2011, ba cha con mình đã bị xử phạt hành chính vì viết blog và đăng tải các bài viết chỉ trích chính quyền trên mạng. Mặc dù bị phạt rất nặng nhưng gia đình mình đã không nộp phạt vì mình coi thường và chối bỏ những quyết định và các lệnh mà chính quyền này áp đặt lên bản thân và gia đình mình. Mình coi các công việc mình làm là theo lương tâm và không có vi phạm luật pháp nêu đứng dưới góc nhìn của công ước quốc tế. Để thể hiện sự bất tuân dân sự thì mình không sẽ bao giờ đóng phạt hết.”
Hồi cuối tháng 11 năm 2018, nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy bị tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh ĐăkLăk tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc ‘xúc phạm quốc kỳ’ theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự – “Xúc phạm Quốc kỳ”. Tuy nhiên, bà Huỳnh Thục Vy có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tạm hoãn thi hành án cho đến khi con của bà tròn 3 tuổi và trong thời gian tạm hoãn thi hành án, bà Huỳnh Thục Vy không được phép rời khỏi nơi cư trú.
Ngay sau khi bản án được tuyên đối với nhà hoạt động nữ Huỳnh Thục Vy, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo chỉ trích rằng Chính quyền Hà Nội quyết định bỏ tù nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy chỉ vì hoạt động xịt sơn lên cờ đỏ sao vàng cho thấy mức độ cực đoan của biện pháp tấn công vào các nhà hoạt động và giới bloggers ở Việt Nam.
Một nhà hoạt động bị hành hung
sau khi đến Trại Nam Hà
Một nhà hoạt động vừa bị hành hung khi đến thăm những tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Trại giam Nam Hà hôm 16 tháng 6.
Ông Trương Minh Hưởng, 70 tuổi, một dân oan Hà Nam thường xuyên xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, cho biết bị công an tỉnh Hà Nam đánh gãy rẻ xương sườn số 10 sau khi ông đến thăm 7 tù nhân lương tâm ở trại giam Nam Hà. Ông Hưởng đăng tải trên Feacebook cá nhân sau khi đi chụp x-quang ở bệnh viện về.
Xác nhận với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 17/6, ông Trương Minh Hưởng cho biết:
“Tôi bị an ninh tỉnh Hà Nam đánh lúc 1 giờ ngày 16. Sau khi tôi được biết tất cả anh em có quan tâm đến những người tù nhân lương tâm để đồng hành cùng gia đình tù nhân lương tâm để thăm gặp và động viên, thì sáng hôm qua tôi có ra đồng hành cùng mọi người. Sau khi gia đình người ta thăm gặp xong, chúng tôi cũng có một bữa cơm đạm bạc để thể hiện tình cảm, chia sẻ các câu chuyện về tù nhân lương tâm thì an ninh cũng đã ngồi ở bàn uống nước mía theo dõi.
Sau khi mọi người xong thì ra về. Trên đường ra về tôi đi xe máy đi trước, về đến dốc Gần Vồng, tôi rẽ về đường du lịch Tam Trúc để về nhà tôi cho gần. Đi được gần 500m có 4 thanh niên phóng xe đuổi theo. Tôi vừa dừng xe là họ ép xe đánh luôn. Người ta dùng mũ cối đấm đá vào mặt, vào người tôi liên tiếp. Đầu sưng, ngực cũng sưng, sáng nay tôi đi chứng thực thì rẽ xương sườn gãy làm đôi.”
Vẫn theo ông Trương Minh Hưởng, sau khi bị hành hung, ông có gọi điện thoại cho nhóm hoạt động từ Hà Nội thì xe của nhóm đã vòng về để đưa ông về nhà an toàn.
Theo thông tin đăng tải trên Facebook nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, nhóm các nhà hoạt động tại Hà Nội vào sáng ngày 16/6 đã đến trại giam Nam Hà, trực thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an huyện Kim bảng, tỉnh Hà Nam, để thăm gặp gia đình 7 tù nhân lương tâm đang bị giam tại đây gồm ông Lê Đình Lượng, Lê Thanh Tùng, Phan Kim Khánh, Hồ Đức Hoà, Vũ Quang Thuận, Phạm Văn Trội, Nguyễn Viết Dũng.
Trong đó, có 4 người vừa bị kỷ luật là Lê Đình Lượng, Nguyễn Viết Dũng, Lê Thanh Tùng, Phan Kim Khánh. Nguyên nhân được cho là do 4 người ở các phòng khác nhau đã có dịp gặp gỡ nhau khi lao động lợp lại mái nhà, rồi bàn bạc viết đơn gửi Quốc Hội kiến nghị để người tù trại Ba Sao được gọi điện, viết thư, và được tiếp tế đồ ăn…
Thêm 246 người Việt làm việc bất hợp pháp
bị bắt tại Đài Loan
Hôm 15/6, Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan (NIA) đã bắt giữ 413 công nhân nhập cư vì làm việc bất hợp pháp, trong đó phần lớn là công dân Việt Nam và Indonesia, chủ yếu trong các nhà máy và công trường xây dựng, theo Taiwan News.
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, NIA đã tiếp tục bắt giữ những người lao động nhập cư đã quá hạn thị thực. Vào tháng Năm, cơ quan này đã thực hiện một cuộc truy quét trên toàn quốc và bắt giam những người nhập cư đang làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan.
NIA cho biết, vào 15/6, họ đã huy động một lực lượng đặc nhiệm để tiến hành kiểm tra trên 173 địa điểm và bắt giữ 413 người làm việc bất hợp pháp, cũng như 118 người sử dụng lao động và môi giới lao động, theo tin của Thông tấn Đài Loan (CNA).
Trong số những người bị bắt có 246 người Việt Nam và 130 người Indonesia, cũng theo CNA.
Phần lớn các lao động nam bị bắt tại các công trường và nhà máy xây dựng, trong khi nhiều phụ nữ bị phát hiện làm bồi bàn trong các nhà hàng và nhân viên trong tiệm massage, theo tin của trang HK.on.cc. Đây là cuộc đột kích thứ hai của NIA trong tháng này.
Ông Chiu Feng-kuang, lãnh đạo Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan, nhắc nhở các công dân nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan hãy ra đầu thú càng sớm càng tốt, vì một chương trình khoan hồng kéo dài 6 tháng cho các lao động người nước ngoài bất hợp pháp sẽ kết thúc vào ngày 30/6. Ông Chiu nói rằng vẫn còn những người làm môi giới cho lao động nhập cư hoặc khách du lịch nước ngoài vào làm việc với mức lương thấp.
Ông kêu gọi công chúng không tuyển dụng người nước ngoài không có giấy phép làm việc phù hợp, hoặc nếu không sẽ phải đối mặt với mức phạt từ 150.000 Đài tệ (4.700 đôla) đến 750.000 Đài tệ (23.800 đôla).
Trước đó, vào hôm 15/3, Taiwan News đưa tin, lực lượng tuần duyên Cao Hùng, ngày 14/3 đã bắt giữ 22 công dân Việt Nam với cáo buộc làm việc bất hợp pháp khi đột xuất kiểm tra một công trình xây dựng dưới lòng đất ở thành phố Hsinchu.
Theo South China Morning Post, hiện ước tính có khoảng 25 ngàn lao động Việt đang “mất tích” ở Đài Loan. Tuy nhiên, tờ báo của Hong Kong không cho biết thêm về nguồn công bố con số trên. VOA tiếng Việt không thể độc lập kiểm chứng thông tin này.
Nợ công của Việt Nam gây tranh cãi,
chuyên gia cảnh báo rủi ro
Vấn đề nợ công của Việt Nam mới đây lại được báo giới trong nước mổ xẻ, lưu ý đến áp lực “vay nợ mới chỉ để trả nợ cũ” và ngân sách không dư bao nhiêu tiền để đầu tư, phát triển. Hai chuyên gia kinh tế, tài chính bình luận với VOA rằng tổng số nợ của Việt Nam vẫn đang ngày càng tăng là “rất nguy hiểm”, đặt ra nguy cơ “vỡ nợ”.
Các trang VietNamNet và Tin tức Việt Nam hôm 17/6 dẫn dữ liệu trong một báo cáo của chính phủ trình quốc hội, cho hay năm 2018 Việt Nam có nợ công đạt ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi người dân gánh hơn 32 triệu đồng nợ công.
Theo hai báo mạng, tỷ lệ nợ công Việt Nam đã giảm xuống mức tương đương với 58,4% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP), cũng là mức thấp nhất 3 năm qua, song chính phủ đang đối mặt thách thức về trả nợ do “thu không bù nổi chi”.
Thu ngân sách năm 2019 dự kiến “vẫn thấp hơn chi ngân sách 222 nghìn tỷ đồng”, bài báo của VietNamNet cho biết, vì vậy, chính phủ “vẫn phải vay nợ thêm” để bù đắp cho phần chi nhiều hơn thu này.
Tổng mức vay của ngân sách Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ lên tới hơn 425 nghìn tỷ đồng, trong đó phần vay để bù đắp bội chi là 224 nghìn tỷ đồng còn vay để trả nợ gốc là trên 200 nghìn tỷ đồng, VietNamNet tường thuật.
Cùng lúc, Tin tức Việt Nam trích lại lời phát biểu của đại biểu quốc hội Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) tại một phiên thảo luận mới đây rằng “sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ”.
Về bức tranh toàn cảnh gồm nợ công và ngân sách Việt Nam, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế uy tín, nói với VOA rằng chi trả nợ chiếm 24-25% tổng chi ngân sách, bên cạnh đó là 65-70% chi thường xuyên, phần chi cho đầu tư “không còn được bao nhiêu”.
Ông Doanh đưa ra cảnh báo:
“Hiện nay, Bộ Tài chính, chính phủ phải phát hành trái phiếu. Cái trái phiếu đó dùng để chi trả nợ. Trong đó có trả nợ lãi và một phần trả nợ gốc, cho nên là tổng số nợ ngày càng tăng lên chứ chưa giảm đi được, và đó là vấn đề rất nguy hiểm”.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt, nói với VOA rằng dùng nợ mới để trả nợ cũ không phải là cách để giải quyết nợ công vì “cuối cùng dư nợ không thay đổi”. Điều quan trọng, theo ông Hiếu, là phải có khả năng để trả để dư nợ giảm dần.
Tiến sĩ Hiếu có chung suy nghĩ như nhà kinh tế Lê Đăng Doanh về mối nguy mà Việt Nam phải đối mặt. Ông Hiếu nói:
“Dùng nợ cũ để trả nợ mới ở Việt Nam gọi là tái cơ cấu nợ. Nhưng nếu chúng ta sử dụng ‘tái cơ cấu nợ’ chỉ để trì hoãn việc trả nợ thì điều này rất nguy hiểm vì đến cuối cùng dư nợ cứ thế tăng mãi. Cái rủi ro, cái nguy hiểm của tái cơ cấu nợ là chúng ta có một cái ảo tưởng là mình có trả nợ, nhưng thực tế là nợ càng ngày càng lớn, và nó tạo ra rủi ro về tài chính cho quốc gia”.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng có hơn 30 năm kinh nghiệm ở Mỹ, Đức và Việt Nam đưa ra đề xuất rằng Việt Nam nên đặt ra ngưỡng về nợ công bằng con số tuyệt đối, thay vì một tỷ lệ phần trăm so với GDP.
Ông Hiếu cho rằng nếu áp dụng như vậy, nợ công sẽ được khống chế và giảm dần, ngược lại, với cách tính bằng tỉ lệ phần trăm, khi GDP tăng, số nợ công cũng gia tăng và khó kiểm soát.
Cũng góp ý về cách kiềm chế nợ công, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
“Điều quan trọng của Việt Nam là phải cắt giảm chi thường xuyên và phải tinh giản bộ máy”.
Theo báo cáo của chính phủ được báo chí trích đăng, Việt Nam phải trả tổng cộng khoảng 250 nghìn tỷ đồng năm 2018. Trong đó, trả nợ trong nước là 198 nghìn 907 tỷ đồng và trả nợ nước ngoài là hơn 51 nghìn tỷ đồng. Trong phần trả nợ trong nước, chiếm gần một nửa là để trả lãi.
VietNamNet dẫn lời ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho hay rằng “một trong các vấn đề tác động đến sự an toàn nợ công của Việt Nam là việc các khoản vay sắp đến hạn trả”.
Một ví dụ được đưa ra là nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn sau 5 năm vay. “Một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020… làm gia tăng áp lực trả nợ vào thời gian tới”, bài báo có trích lời ông Hiển cho hay.
CSVN lo sợ “cách mạng màu” ở Việt Nam
Tin Vietnam.– Ngày 17 tháng 6 năm 2019 Đài VOV đăng bài viết của ông Võ Văn Thưởng -trưởng ban tuyên giáo Trung ương Cộng sản- với nội dungcho rằng chính truyền thông xã hội là nguyên nhân châm ngòi, kích động, tổ chức, và thông tin để dẫn đến việc các chế độ ở Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh bị suy yếu nhanh chóng. Đây là các cuộc “cách mạng màu”.
Tại Việt Nam, ông Thưởng nói rằng, “hệ sinh thái” mạng xã hội đã hình thành tầng lớp Key Opinion Leader, những người có “thương hiệu”, hoặc “người bình thường” có thông tin gây ra sức hút với dư luận. Đã có một số có động cơ “không trong sáng, nền tảng văn hóa thấp”, bất mãn chế độ đã khơi gợi những cảm xúc xấu xa, ảo tưởng quyền lực bàn phím để điều hướng dư luận. Một số được nuôi dưỡng bởi thế lực thù địch bên ngoài.
Theo ông Thưởng, những người này đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của độc tài đảng CSVN, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo sự bất đồng trong đảng và người dân, thực hiện “diễn biến hòa bình”, đòi lật đổ chế độ, lôi kéo, kích động người dân biểu tình trái phép, chống đối, bạo loạn. Thí dụ như sự việc Formosa Hà Tĩnh, phản đối dự luật đặc khu, Luật An ninh mạng.
Ông Thưởng chỉ ra giới bất đồng đã nhận được sự giúp sức “không trong sáng” từ những thông tin mật trong nội bộ các cơ quan đảng, nhà nước, thậm chí có cả chuyện bắt tay với những người mà ông Thưởng gọi là “âm binh”. Đây là việc “đi đêm” với các nhân tố mạng xã
hội để tạo “sóng” dư luận, là điều không thể chấp nhận. Ông Thưởng nhắc nhở nhà cầm quyền không thể chủ quan, lơ là nên cần phải chủ động để nhận diện, ngăn chặn kịp thời.
Tình hình biểu tình Hong Kong hiện nay đang có tác động đến người dân Việt Nam, và điều này đã làm chính quyền CSVN phải lo ngại.
An Nhiên
Việt Nam xác nhận
tàu cá Việt Nam cứu ngư dân Philippines
Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hôm 17/6 xác nhận với truyền thông trong nước rằng tàu cá của ngư dân Việt Nam thuộc địa phương này đã cứu 22 ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm ở Bãi Cỏ Rong hôm 9/6 vừa qua.
Theo truyền thông trong nước, tàu cá có số hiệu TGTG-90983-TS của chủ tàu là Ngô Văn Thẻng, ở thị xã Gò Công, đã đưa 22 ngư dân Philippines vào bờ an toàn và bàn giao cho Hải quân Philippines vào ngày 14/6. Sau đó tàu này vẫn tiếp tục đi sản xuất do mới đi khai thác được một tháng.
Hôm 15/6, hãng tin ABS – CBN đã có cuộc phỏng vấn với những ngư dân tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm và các ngư dân này cũng xác định tàu cá Việt Nam đã cứu họ. Một ngư dân nói với ABS – CBN rằng ông ta biết được những người cứu mình là người Việt Nam vì ngư dân Việt Nam đã nói với họ bằng tiếng Anh rằng “Việt Nam? Philippines? Bạn bè”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines hôm 14/6 cho biết việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines là không cố ý và thuyền trưởng tàu Trung Quốc đã tìm cách cứu các ngư dân Philippines nhưng đã phải bỏ cuộc vì bị những tàu Philippines khác bao vây.
Trung Quốc cũng tuyên bố không phải tàu cá Việt Nam đã cứu những ngư dân Philippines mà một tàu Philippines khác đã cứu họ.
Tuy nhiên, đại tá Jonathan Zata, phát ngôn nhân của Hải quân Philippines hôm 15/6 nói với báo chí rằng “Chính tàu cá Việt Nam đã giải cứu ngư dân chúng tôi, không phải tàu cá Philippines”.
0 comments