Tin khắp nơi – 17/06/2019
Monday, June 17, 2019
6:46:00 PM
//
- TinThế giới
,
Slider
Vùng Vịnh : Mỹ tuyên bố
« bảo đảm » lưu thông tại eo biển Ormuz
Tú AnhNgoại trưởng Mỹ một lần nữa quy trách nhiệm cho Iran trong vụ hai tàu chở nhiên liệu bị tấn công trong biển Oman hôm thứ Năm 13/06/2019. Còn Teheran tiếp tục cáo buộc Washington, trong lúc Ryad đe dọa Iran.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ Fox News hôm Chủ Nhật, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tỏ thái độ chừng mực, không đề cập đến các biện pháp quân sự hay kinh tế để trừng phạt Iran sau vụ hai tàu chở nhiên liệu bị tấn công. Cáo buộc « chính quyền Hồi giáo Iran phá hoại thương mại quốc tế, ngăn chặn lưu thông trong eo biển Ormuz », ngoại trưởng Mỹ cam kết là sẽ sử dụng tất cả « các biện pháp ngoại giao và các biện pháp khác để bảo đảm lưu thông trên con đường hàng hải quốc tế huyết mạch của toàn thế giới ».
Sau khi Hoa Kỳ và Anh Quốc cáo buộc Teheran, hôm qua, đến lượt Ả Rập Xê Út tố cáo đích danh Iran. Thái tử nối ngôi Mohamed Ben Salman tuyên bố là « không muốn chiến tranh nhưng sẽ phản ứng chống lại những mối đe dọa chủ quyền và quyền lợi sống còn của vương quốc ». Người nắm thực quyền tại Ả Rập Xê Út chỉ trích Iran không biết tôn trọng Nhật Bản, tấn công tàu của Nhật trong lúc thủ tướng Shinzo Abe đến Teheran làm trung gian hoà giải khủng hoảng hạt nhân.
Trong khi đó, tại Teheran, sau giới lãnh đạo chính trị, đến lượt quân đội Iran lên tiếng phủ nhận cáo buộc tấn công trên biển Oman. Tham mưu trưởng liên quân, tướng Mohammad Baqeri, qua trích dẫn của hãng tin Fars lý giải : « Nếu muốn phong tỏa biển Oman thì quân đội Iran thừa sức làm và làm công khai không cần che giấu ».
Về phần hai chiếc tàu chở nhiên liệu, AFP trích dẫn hai chủ tàu, theo đó cả hai chiếc đều bị hư hại nhưng được hộ tống về đến bến cảng của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập an toàn.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190617-vung-vinh-my-tuyen-bo-bao-dam-luu-thong-tai-eo-bien-ormuz
Hoa kỳ cân nhắc tất cả lựa chọn với Iran,
bao gồm khả năng tấn công quân sự
Tin từ Washington, DC — Xuất hiện trên chương trình Face the Nation hôm Chủ nhật (16 tháng 6), Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét “tất cả lựa chọn” – bao gồm cả tấn công quân sự – để ngăn chặn các hành động hiếu chiến của Tehran.Bình luận của ông Pompeo đươc đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Iran, về các cuộc tấn công gần đây vào tàu chở dầu dân sự ở Trung Đông. Khi được hỏi liệu chính quyền có được ủy quyền hợp pháp để tấn công Iran mà không có sự chấp thuận của Quốc hội hay không, ông Pompeo tin rằng điều này là khả thi.
Vào tuần trước, ông Pompeo và các viên chức Hoa Kỳ khác từng cáo buộc chính phủ Iran tấn công hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman, một tuyến đường thủy quan trọng gần Bán đảo Arabian (Arabian Peninsula) để xuất cảng dầu mỏ. Ông Pompeo cho biết tình báo Hoa Kỳ cho rằng Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công. Đây là một đơn vị quân đội tinh nhuệ được cho là có nhiệm vụ mở rộng tầm ảnh hưởng của Tehran trên toàn thế giới. Vào Chủ nhật, ông Pompeo lặp lại các cáo buộc. Ông nói rằng các cuộc tấn công, cũng như quyết định đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu nguyên tử của Iran là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump đưa ra quyết định đúng đắn khi rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Mặc dù các đồng minh châu Âu vẫn đang tuân theo thỏa thuận nguyên tử này, nhưng Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận vào tháng 5 năm 2018, vì cho rằng đó là thỏa thuận một chiều.
Đảng Dân Chủ lo lắng rằng hai nước sẽ châm ngòi một cuộc xung đột toàn diện, khi những viên chức chính phủ cứng rắn ở cả Tehran và Washington liên tục công kích lẫn nhau. Ông Pompeo cho biết Tòa Bạch Ốc chỉ tìm cách bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ ở ngoại quốc và không tìm cách đối đầu. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-can-nhac-tat-ca-lua-chon-voi-iran-bao-gom-kha-nang-tan-cong-quan-su/
QUỐC TẾ
Những nghi vấn
quanh vụ tấn công hai tàu dầu trên biển Oman
Thùy DươngNgày thứ Năm 13/06/2019, một tầu dầu của Na Uy và một tàu chở khí đốt của Nhật Bản bị tấn công tại vùng biển Oman. Tổng thống Mỹ Donald Trump tố cáo Iran là thủ phạm. Teheran bác bỏ. Chính quyền Đức và Nga tỏ ra thận trọng. Còn Pháp thì vẫn giữ yên lặng. Tất cả đều lo ngại bạo lực leo thang trong khu vực.
Trong băng vidéo do bộ Quốc Phòng Mỹ công bố, người ta thấy một đội tuần tra của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran gỡ một trái mìn dính vào thân một trong hai chiếc tàu chở dầu bị tấn công hôm thứ Năm trên biển Oman, phía nam eo biển Ormuz, một tháng sau vụ tấn công nhắm vào 4 tầu chở dầu khác cũng trong vùng biển Oman.
Trả lời phỏng vấn của báo Le Figaro, nhiều chuyên gia cho biết đoạn băng vidéo mà Lầu Năm Góc công bố có nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ. RFI Việt ngữ lược dịch bài viết đăng trên báo Le Figaro ngày 15/06/2019.
Băng vidéomà Lầu Năm góc công bố khiến người ta đặt ra những câu hỏi gì ?
Theo một chuyên gia làm việc tại vùng Vịnh, con tàu xuất hiện trong vidéo của Lầu Năm Góc đúng là tàu của Iran, rất giống với mẫu tàu Kuch WPB của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng mà Iran đã giới thiệu trong một buổi lễ với sự hiện diện của lãnh đạo Hải Quân của Vệ Binh Cách Mạng, đô đốc Ali Fahdavi.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định là vidéo của bộ Quốc Phòng Mỹ « đặt ra nhiều nghi vấn hơn là mang lại các câu trả lời. Thật đáng ngạc nhiên là Vệ Binh Cách Mạng Iran lại để bị quay vidéo. Hoặc là họ đã trở nên quá ngốc nghếch mà không biết rằng quân đội Mỹ và
liên quân quốc tế chống cướp biển đang giám sát vùng biển này, hoặc là họ không quan tâm đến việc bị gài bẫy, hoặc đó là sự dối trá ».
Một câu hỏi khác được đặt ra : Làm thế nào mà con tàu được cho là của Iran lại có thể tiến đến gần tàu chở dầu mà hệ thống bảo vệ tự động của tầu dầu này lại không được kích hoạt. Một chuyên gia nhấn mạnh là các tàu lưu thông ở eo biển Ormuz đều rất lưu ý đến điều này.
Một chi tiết khác cũng khiến các chuyên gia lúng túng. Có bao nhiêu người có mặt trên con tàu được cho là của Iran đến để gỡ mìn chưa nổ trên tàu dầu ? Một chuyên gia quân sự am hiểu về vùng biển ở vùng Vịnh cho biết thường một con tàu như vậy có 3-4 người, họ được tổ chức rất tốt và hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng, hình ảnh trong vidéo cho thấy trên tàu này có ít nhất 6 người, họ đều tỏ ra thoải mái, không lo lắng gì, trong khi việc gỡ mìn rất phức tạp, thường mất nhiều thời gian hơn gấp 200 lần so với việc thả thủy lôi.
Tóm lại, vidéo cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, trong khi quân đội phương Tây, kể cả quân đội Hoa Kỳ, khi tuần tra trong vùng biển này đều biết là Vệ Binh Cách Mạng Iran là lực lượng có tính chuyên nghiệp rất cao. Thêm vào đó, cũng theo chuyên gia quân sự này, việc tấn công tàu dầu khi đó đang dừng lại là điều đáng ngạc nhiên. Một chuyên gia khác thì cho rằng nguyên tắc cốt lõi của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran là không để lại dấu vết về các vụ tấn công, nhưng các vụ tấn công này lại đi ngược lại với nguyên tắc trên.
Chuyên gia kết luận là việc sử dụng một con tầu có thể bị nhận diện rõ ràng như vậy trong một vùng biển được giám sát chặt chẽ cho thấy thủ phạm có thể hoạt động ngay trước mũi quân Mỹ và làm rối loạn giao thông hàng hải trong khu vực. Hoặc có thể đây là một chiến dịch nhằm « đổ tiếng xấu » cho Iran. Cách nay một tuần, ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố là sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và gây áp lực đối với các nước không tuân thủ lệnh trừng phạt Teheran, Hoa Kỳ sẽ không thể được an toàn nữa.
Vụ tấn công này có lợi cho ai ?
Vụ này không có lợi cho các lãnh đạo trung dung, ôn hòa quanh tổng thống Iran Hassan Rohani và ngoại trưởng Javad Zarif, cũng không có lợi cho Dubai, vốn lo ngại sẽ phải trả giá nếu xảy ra bạo lực tại vùng biển ở vùng Vịnh, trong khi nền kinh tế đang « hụt hơi ». Vụ này cũng không mang lại ích lợi gì cho tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn phản đối chiến tranh với Iran, vì cuộc chiến với Teheran sẽ đẩy giá dầu lửa lên cao, làm tăng gánh nặng cho các thương vụ của Mỹ.
Trái lại, trong hai vụ tấn công tầu dầu này, rõ ràng người được hưởng lợi là những người ủng hộ leo thang quân sự và hành động chống Iran : Ả Rập Xê Út và Israel, Abu Dhabi và những nhân vật diều hâu quanh Donald Trump, trong đó có John Bolton, lãnh đạo Hội đồng an ninh quốc gia, cũng như phe cực đoan ở Teheran.
Trong số các giả thuyết được đặt ra, có một điều hiển nhiên là những người tham gia vụ tấn công tàu dầu đã thành công trong việc ngầm phá hoại hoạt động trung gian hòa giải của Nhật Bản, vì vụ tấn công này xảy ra đúng vào lúc thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp gỡ lãnh đạo tinh thần tối cao Iran, Khamenei. Vụ tấn công lần này cũng phá hủy mọi nỗ lực trung gian hòa giải của Qatar, Oman và Đức sau vụ tấn công bốn tàu dầu cách nay một tháng, vốn được cho là do lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran gây ra.
Nói tóm lại, một chuyên gia nhận định « hoặc đó là do một nhóm phiến loạn Iran đã thoát khỏi sự kiểm soát của giáo chủ Khamenei, hoặc là do các lực lượng tình báo Israel, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất không muốn có một thỏa thuận mới với Iran ».
Nếu vụ tấn công các tàu dầu là do Iran gây ra, thì thông điệp mà Teheran muốn nhắn gửi là gì ?
Nhà nghiên cứu Dina Esfandiary, thuộc King’s College, Luân Đôn, nhận định Teheran muốn cho Donald Trump thấy rằng Iran sẽ không « để yên » trước chính sách gây áp lực tối đa mà Mỹ đang áp đặt lên Teheran. Điều đó cũng khớp với lời cảnh báo gần đây nhất của ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Chuyên gia Esfandiary cũng cho rằng vụ tấn công có thể là kết quả của sự bất đồng trong nội bộ chế độ Iran ; những người tiến hành vụ tấn công hai tàu dầu là những người không muốn Teheran mở ra một cuộc đối thoại mới với Washington.
Nhưng giả thuyết nói trên khiến các nhà phân tích ngạc nhiên. Một chuyên gia về Iran cho rằng điều đó có nghĩa là đang có một rạn nứt nghiêm trọng giữa lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran và giáo chủ Khamenei, lãnh đạo của lực lượng này. Nói cách khác, giáo chủ không còn uy quyền đối với toàn bộ hoặc một phần lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran và những người muốn các biện pháp trừng phạt được đẩy mạnh để tăng mức ảnh hưởng của họ trong lĩnh vực kinh tế.
Nhưng dường như không ai tin rằng giáo chủ Khamenei đã mất quyền kiểm soát đối với một bộ phận lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran. Các vụ tấn công, xảy ra đúng vào ngày lãnh đạo tinh thần tối cao Khamenei đón tiếp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, là một điều sỉ nhục không thể tưởng tượng nổi đối với giáo chủ Khamenei.
Iran đang lo ngại là Donald Trump sẽ tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2020. Từ nay cho tới lúc đó, và thậm chí là từ trước cho đến nay, vẫn tồn tại hai phe quanh giáo chủ Khamenei. Một bên là những người muốn Teheran kiên trì, không ra khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và chờ đợi với niềm hy vọng là sau Donald Trump nước Mỹ sẽ có một tổng thống mới thuộc phe Dân Chủ. Trái lại, phe có quan điểm cứng rắn thì ủng hộ Iran ra khỏi thỏa thuận và cương quyết đáp trả « sự phản bội » của Mỹ, dù có phải đẩy lãnh đạo tinh thần tối cao Khamenei đến chân tường.
Đây có thể gọi là một việc chưa từng có trong suốt nhiều năm qua. Các vụ tấn công tàu dầu theo kiểu « đục nước béo cò » vẫn chưa thôi « làm tốn giấy mực ».
Thị trường dầu lửa bị tác động thế nào sau các vụ tấn công này ?
Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu xuất khẩu dầu lửa của Trung Động bị nghẽn lại. Gần ½ lượng dầu lửa Trung Quốc nhập khẩu có xuất xứ từ vùng Vịnh. Tác động đối với Washington hạn chế hơn vì Hoa Kỳ có sản lượng dồi dào khí đốt có nguồn gốc từ đá phiến. Dầu lửa nhập từ vùng Vịnh chỉ chiếm 8% tổng lượng chất đốt tiêu thụ tại Mỹ.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể khiến nhu cầu dầu lửa của Trung Quốc giảm xuống. Hôm thứ Sáu 14/06, Cơ quan năng lượng quốc tế IEA lại một lần nữa giảm dự báo về mức tăng nhu cầu dầu lửa trong năm 2019. IEA đặc biệt nhắc tới việc các căng thẳng kinh tế quốc tế ngày càng trầm trọng và lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, có một vài yếu tố đẩy giá dầu xuống thấp, chẳng hạn hồi tuần trước Mỹ lại tăng mức dự trữ dầu lửa.
Simon Redmond, thuộc cơ quan thẩm định tài chính Standard & Poors S&P kết luận là cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, thì không ai tưởng tượng rằng eo biển Ormuz có thể bị đóng lại. Ngay cả trong chiến tranh Iran – Iraq trong những năm 1980-1988 thì eo biển Ormuz cũng chưa từng bị đóng.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190617-nhung-nghi-van-quanh-vu-tan-cong-hai-tau-dau-tren-bien-oman
Ngoại trưởng Mỹ: TT Trump
sẽ nêu vấn đề Hong Kong với chủ tịch TQ
Tổng thống Trump sẽ nêu lên các cuộc biểu tình ở Hong Kong với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc họp song phương tiềm năng bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản trong tháng này.Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Mỹ hôm 16/6, theo AFP.
“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có cơ hội gặp Chủ tịch Tập trong vài tuần nữa tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi chắc chắn điều này sẽ nằm trong các vấn đề họ thảo luận”, ông Pompeo nói trong cuộc phỏng vấn trên chương trình “Fox News Sunday”.
XEM THÊM:
Đối mặt với lời kêu gọi từ chức, lãnh đạo Hong Kong xin lỗi
“Chúng ta chứng kiến những gì đang xảy ra, đang diễn ra ở Hong Kong. Chúng ta thấy người dân Hong Kong nói về những điều họ coi trọng”.
Theo AFP, ông Trump tuần trước nói rằng ông hy vọng người biểu tình Hong Kong, vốn xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, sẽ “giải quyết được” vụ việc với Trung Quốc, nhưng không lên án dự luật mà nay đã bị đình chỉ vô thời hạn.
Ông Pompeo nhấn mạnh rằng “tổng thống luôn luôn là người mạnh mẽ bảo vệ nhân quyền”, và rằng việc ông Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc cho thấy rằng nguyên thủ Mỹ sẵn lòng đối đầu với Bắc Kinh.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay sẽ được tổ chức ở thành phố Osaka của Nhật Bản từ ngày 28 tới 29 tháng Sáu.
https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-tt-trump-s%E1%BA%BD-n%C3%AAu-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-hong-kong-v%E1%BB%9Bi-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-tq/4961113.html
Các nguy cơ của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung toàn diện
Giới phân tích cho rằng, các chính trị gia Mỹ cần tính toán cẩn thận các hệ lụy khi cạnh tranh Mỹ – Trung bùng phát thành chiến tranh lạnh toàn diện.Tuần trước, giáo sư sử học Stephen Wertheim thuộc Đại học Columbia đã cho đăng tải một bài xã luận trên tờ New York Times cảnh báo về các nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Wertheim lo lắng, quan điểm ở Washington về hiện trạng mối quan hệ với Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong vài năm trở lại đây, trên khắp chính trường. Các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ dường như cũng “chủ chiến” với Trung Quốc như Tổng thống Donald Trump.
Theo ông Wertheim, cách tiếp cận bài Trung của chính quyền ông Trump đang đẩy Mỹ vào nguy cơ leo thang căng thẳng với Trung Quốc tới mức hai bên sẽ không thể hợp tác nữa.
Hiện có thể hơi sớm để gióng lên hồi chuông báo động liên quan đến nếp nghĩ ở Washington về sự trỗi dậy của một cuộc chiến tranh lạnh mới. Song, việc tính toán cẩn thận các khía cạnh của cuộc đối đầu Mỹ – Trung cũng rất quan trọng.
Bất chấp sự “phân tách” đang tiếp diễn, mối quan hệ Mỹ – Trung chặt chẽ hơn cũng như đóng vai trò quan trọng với nội bộ mỗi nước, hơn nhiều so với mối quan hệ Mỹ – Liên Xô vào năm 1945.
Mối quan hệ kinh tế, xã hội và chính trị mà Trung Quốc và Mỹ thiết lập kể từ những năm 1990 đã giúp đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói và thông qua đó biến đổi nền kinh tế của cả hai nước.
Hàng triệu người qua lại giữa hai nước và vốn hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng được tăng cường. Các khác biệt “nền văn mình” giữa Trung Quốc và Mỹ (hoặc giữa Mỹ và Nhật) không ngăn cản hai bên phát triển một trong những mối quan hệ kinh tế hiệu quả nhất trong lịch sử thế giới.
Những điểm bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington chắc chắn tồn tại. Các quan ngại về sự chiếm đoạt công nghệ là có thật, mặc dù có lẽ ít xuất hiện hơn so với những huyên náo trong hai năm vừa qua. Quân đội Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Theo tạp chí The Diplomat, ông Wertheim chỉ ra rằng, Mỹ và Trung Quốc vẫn cần phải cùng nhau bắt tay giải quyết các vấn đề kiểm soát toàn cầu. Sự biến đổi khí hậu có thể là vấn đề lớn nhất trong số này, nhưng còn nhiều lĩnh vực khác mà hai nước có thể hưởng lợi từ hợp tác.
Mỹ và Liên Xô đã hợp tác trong nhiều vấn đề toàn cầu, dù vẫn xem nhau là mối đe dọa hiện hữu. Xét quy mô mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington và Bắc Kinh nhiều khả năng có nhiều lĩnh vực hợp tác hơn.
Ông Wertheim đã đúng về tính thống nhất trong việc thay đổi thái độ của các chính trị gia Mỹ đối với Trung Quốc. Sự chuyển biến đó càng đáng chú ý hơn trong bối cảnh phân cực của chính giới Mỹ.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 cũng có thể làm cho mọi thứ tồi tệ hơn, tạo ra lối cường điệu hóa mà sự đồng thuận lưỡng đảng thường mang tới. Trong số các ứng cử viên chủ chốt, cho đến nay chỉ có mình ông Joe Biden đưa ra lưu ý tiết chế về Trung Quốc.
Điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét đến việc ông Biden luôn tương thích dễ dàng với hầu hết sự đồng thuận chính sách đối ngoại của lưỡng đảng kể từ những năm 1990.
Cạnh tranh đang có nguy cơ phát triển “toàn diện”, đến mức khiến chiến tranh lạnh dường như là hậu quả tất yếu. Ngay cả những nhân vật có quan điểm diều hâu về Trung Quốc ở Washington được cho cần phải đánh giá cẩn thận về những gì tạo nên mặt tích cực trong mối quan hệ Mỹ – Trung.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28729-cac-nguy-co-cua-cuoc-canh-tranh-my-trung-toan-dien.html
Tại sao Mỹ thành cường quốc bóng đá nữ ?
Anh VũỞ Cúp thế giới bóng đá nữ 2019, vẫn lại là đội tuyển Mỹ, đương kim vô địch thế giới, được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu đoạt cúp vàng. Đó là vị thế quen thuộc của các cô gái Mỹ mỗi lần đến với ngày hội lớn bóng đá thế giới. Do đâu mà Mỹ trở thành cường quốc bóng đá nữ ?
Trong làng bóng đá nữ thế giới, tuyển Mỹ có một bề dày thành tích đáng kinh nể: 3 danh hiệu vô địch thế giới, 4 huy chương Vàng Olympic. Từ Cúp thế giới bóng đá nữ lần thứ nhất năm 1991 tại Trung Quốc, các cô gái Mỹ luôn có mặt trên bục danh dự nhận huy chương. Ngoài 3 lần nhận cúp vàng, tuyển nữ Mỹ hai lần là Á quân, 3 lần đứng vị trí thứ 3. Tại Olympic Rio 2016, tuyển nữ Mỹ đứng thứ 5, đó là kết quả thi đấu tồi tệ nhất của các nữ cầu thủ xứ “cờ hoa”.
Từ khi bóng đá nữ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại Olympic Atlanta, đội tuyển Mỹ mới chỉ biết đến có 2 trận thua trên tổng số 26 trận thắng và 5 trận hòa. Ở khu vực châu lục, cũng vẫn là các cầu thủ nữ Mỹ thống trị sân chơi với 10 danh hiệu vô địch Gold Cup. Với thành tích như vậy, khi FIFA xếp hạng bóng đá nữ 2003, tuyển nữ chưa bao giờ bị xếp dưới hạng 2.
Ở Mỹ, bóng đá không phải là môn thể thao được ưa chuộng, đội tuyển nam của nước này thi thoảng mới có mặt ở Cúp thế giới, với thành tích cao nhất vào đến tứ kết World Cup 2002. Câu hỏi đặt ra cho nhiều nhà quan sát bóng đá : Vì sao bóng đá nữ của Mỹ lại có thể ngự trị thế giới một cách ổn định như vậy ?
2014: Hơn một nửa nữ cầu thủ trên thế giới là người Mỹ
Sự phát triển mạnh mẽ của bóng đá nữ ở Mỹ được xác nhận bởi con số của FIFA công bố năm 2014 : 15,9 triệu cô gái Mỹ chơi bóng đá trên tổng số 30,1 triệu cầu thủ nữ trên cả thế giới.
Hiện tại ở Mỹ có khoảng từ 400 đến 500 đội bóng trẻ cho các cầu thủ nữ từ 18 đến 22 tuổi. Đây là điều hiếm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ở Mỹ người ta đào tạo các nữ cầu thủ từ tuổi thiếu nhi. Lên đến đại học, các cô gái vẫn có thể tiếp tục chơi bóng trong các đội tuyển của các trường đại học, một nguồn lực quan trọng của các đội bóng chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia Mỹ.
Năm 1972, Mỹ ban hành điều luật mang tên gọi « Title IX » bắt buộc các trường đại học phải có chương trình thể thao dành riêng cho nữ. Môn bóng đá nữ mới chỉ đi vào chuyên nghiệp với giải vô địch quốc gia đầu tiên ( WUSA) từ năm 2001. Sau đó đến năm 2013, giải đổi tên thành Giải vô địch bóng đá nữ Mỹ NWSL viết tắt của National Women’s Soccer League, gồm 9 đội tham dự.
Về phần các nhà quản lý bóng đá, Liên Đoàn Bóng Đá Mỹ có hẳn một chiến lược đào tạo phát triển bóng đá trẻ trong giới nữ. Bóng đá nữ Mỹ phát triển rộng rãi trong môi trường cạnh tranh rất cao. Hơn 6000 câu lạc bộ tư nhân mời các huấn luyện viên chuyên nghiệp nước ngoài. Đó là trường hợp của Paul đến từ nước Anh từ 10 năm qua để làm công việc huấn luyện các lớp cầu thủ trẻ tại học viện bóng đá LA Premier FC, tại Los Angeles. Paul Hennessey cho biết :
« Số lượng các cô gái chơi bóng đá đã tăng theo cấp số nhân trong 9-10 năm qua, nhất là ở lớp các cầu thủ rất trẻ. Tôi nghĩ điều này bắt nguồn từ việc các em nhỏ ngày càng có nhiều hình mẫu từ các cầu thủ lớn và nhờ có việc tiếp cận dễ dàng môn thể thao này. Trong số các đội bóng hay nhất tại Cúp thế giới thì đội tuyển nữ Mỹ là một trong những đội mạnh nhất…
Tôi nghĩ cách chơi bóng của nữ rất kỹ thuật.Có rất nhiều đường chuyền, các cầu thủ chạy chỗ giữa các tuyến cũng rất nhiều. Nhịp độ trận đấu phụ thuộc chủ yếu vào các đường chuyền bóng hơn là về sức mạnh thể lực ».
Điều đáng nói nữa là, đại đa số các nữ cầu thủ Mỹ chơi bóng đá từ độ tuổi rất trẻ. Như ghi nhận của ông Mark Parson, huấn luyện viên người Anh của câu lạc bộ nữ Portland trong giải chuyên nghiệp quốc gia bóng đá Mỹ.
Như trường hợp của Ashley, 13 tuổi, tiền đạo có triển vọng của học viện bóng đá Premier FC. Các cô gái ở học viện bóng đá đều hy vọng được Liên Đoàn Bóng Đá Mỹ để mắt tới. Ước mơ của cô bé là tiếp tục được chơi bóng khi vào đại học và cao hơn là được tham gia đội tuyển quốc gia.
Theo học tại học viện bóng đá L.A Premier FC , Ashley luyện tập bốn buổi một tuần. Những ngày cuối tuần, ngoài giờ lên lớp, cô bé dành toàn bộ thời gian cho các trận đấu bóng. Đó là sự đầu tư không chỉ về thời gian mà cả tiền bạc nữa. Bố mẹ cô chi ra không dưới 4000 đô la mỗi năm để cho con gái theo học ở học viện bóng đá này.
Tất cả các bậc phụ huynh ở Mỹ cho con tham gia học viện bóng đá đều có chung một hy vọng là con mình sẽ có được học bổng khi vào đại học nhờ bóng đá. Bằng cách đó họ còn tiết kiệm được tới 200 nghìn đô la chi cho học phí ở bậc đại học.
Nữ hơn nam về đẳng cấp nhưng thua kém về lương bổng
Bóng đá nữ phát triển mạnh mẽ từ sau chiến thắng của đội tuyển quốc gia ở Cúp thế giới lần thứ nhất 1991. Liên tục giành các danh hiệu lớn, đội tuyển quốc gia Mỹ lại càng làm dấy lên niềm tự hào của người Mỹ cùng niềm đam mê bóng đá ở các cô gái đang tuổi lớn, cần có những thần tượng để noi theo.
Bóng đá nữ không chỉ rất phổ biến hơn mà thành tích của các cô gái cũng cao hơn các cầu thủ nam. Thế nhưng các cầu thủ nữ luôn phải đấu tranh để có được mức lương bình đẳng với nam.
Graham Hays – Nhà báo ESPN giải thích về sự cách biệt quyền lợi giữa các cầu thủ nữ và nam.
Các nhà tài trợ khác, bản quyền truyền hình cũng khác biệt. Rất khó cho các trận đấu của các cô mà không được truyền thông chú ý, được phát trên truyền hình, vì thế mà ít nhà tài trợ quan tâm. Sự khác biệt giữa bóng đá nam và nữ nhìn chung, đó là vấn đề tài chính, chủ sở hữu và nhà tài trợ và truyền hình.
Trước ngày lên đường dự Cúp thế giới 2019 tại Pháp, các nữ cầu thủ Mỹ đã kiện lên Liên Đoàn Bóng Đá Mỹ vì bị phân biệt đối xử với mức lương của họ thấp hơn cầu thủ nam 38%.
Alex Morgan – Đội trưởng đội tuyển Mỹ cho biết:
Là rất bình thường khi chúng tôi là những người phất cờ đấu tranh nữ quyền so với các môn thể thao khác. Phụ nữ là nạn nhân của sự bất bình đẳng thường nhật trong thể thao. Tôi nghĩ, chúng tôi là người đi tiên phong trong môn bóng đá nữ và chúng tôi tiếp tục đấu tranh ».
Tại Cúp thế giới Pháp 2019, đội tuyển Mỹ có hai mục tiêu : Giành danh hiệu vô địch thế giới bóng đá nữ lần thứ 4 để có ngày đạt được bình đẳng với nam giới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190616-tai-sao-my-thanh-cuong-quoc-bong-da-nu
Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án
báo New York Times « bội phản »
Tú AnhNew York Times vừa bị tổng thống Donald Trump lên án là « hèn hạ, không nghĩ đến hậu quả ». Trích dẫn các nguồn tin cao cấp, nhật báo khắc tinh của chủ nhân Nhà Trắng, tiết lộ Washington gia tăng chiến dịch tấn công mạng vào nước Nga.
Từ Washington, thông tín viên Loubna Anaki tường thuật :
« Cũng như thông lệ, qua mạng xã hội Twitter, tổng thống Donald Trump tấn công New York Times như sau : Các cơ quan truyền thông bê bối sẵn sàng nói bất cứ chuyện gì mà không cần nghĩ đến hậu quả. Đúng là bọn hèn.
Đòn tấn công mới này diễn ra sau khi New York Times công bố một kết quả điều tra về cuộc chiến tranh mạng giữa Nga và Mỹ. Theo tiết lộ của một số viên chức cao cấp, Washington dường như đã gia tăng các chiến dịch tin học xâm nhập vào hệ thống tải điện của Nga. Nếu cần, Mỹ có thể làm cho nước Nga chìm trong bóng tối một cách dễ dàng.
Cũng theo nhật báo Mỹ, Donald Trump không được thông báo về chi tiết của các chiến dịch tối mật này vì người ta sợ « phản ứng » của ông hoặc là sợ ông « nói với các nhà lãnh đạo nước ngoài ». Theo dẫn chứng của New York Times, chuyện này đã một lần xảy ra vào năm 2017 : Khi chuyện trò với ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, tổng thống Donald Trump đã đề cập đến một cuộc hành quân bí mật ở Syria.
Trên Twitter, tổng thống Donald Trump không ngần ngại cáo buộc New York Times có hành động giống như là một sự phản bội và một lần nữa lên án nhật báo thiên tả là kẻ thù của nhân dân.
New York Times phản ứng tức khắc, khẳng định đã nhờ các viên chức an ninh Mỹ kiểm soát lại bài báo trước khi đăng để tránh mọi rủi ro. Nhật báo này cũng than phiền là tổng thống có những lời lẽ nguy hiểm khi cáo buộc báo chí phản quốc ».
Chiến dịch tái tranh cử tổng thống
Ngày thứ Ba 18/06/2019, tại Orlando, bang Florida, tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử, dự trù có 100.000 người tham dự sự kiện. Theo AFP, Donald Trump đặc biệt tin tưởng vào hai lá chủ bài của ông là khả năng « đoàn kết cử tri Cộng Hoà và kích động tinh thần đám đông ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190617-tong-thong-my-donald-trump-len-an-bao-new-york-times-boi-phan
SpaceX Kiện Chính Phủ Mỹ
Vì Bị Gạt Khỏi Bản Hợp Đồng Tên Lửa
Tháng 10/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra một quyết định với ba bản hợp đồng phát triển tên lửa gồm có:1. Giao kèo trị giá 967 triệu USD với United Launch Services, cơ quan trực thuộc United Launch Alliance (ULA) – là dự án hợp tác giữa Boeing và Lockheed Martin.
2. Hợp đồng trị giá 791.6 triệu USD với Orbital Sciences, một nhánh của Northrop Grumman.
3. Hợp đồng trị giá 500 triệu USD với Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ do Jeff Bezos sáng lập.
Việc đầu tư tên lửa hàng không vũ trụ không phải điều xa lạ ở Mỹ. Nhiều năm qua, các chương trình không gian của Mỹ dựa nhiều vào động cơ tên lửa có nguồn gốc Nga, hiển nhiên là việc tự lực cánh sinh trong chế tạo tên lửa du hành có ý nghĩa quan trọng trong cả vị thế nước Mỹ lẫn khía cạnh an ninh quốc gia. Như vậy, danh sách hợp đồng của chính phủ thiếu mất SpaceX, công ty tiên phong trong việc sản xuất tên lửa nhà làm, giúp Mỹ thoát cảnh dựa dẫm công nghệ của Nga.
Không lực Mỹ chi ra 2.25 tỷ USD đầu tư vào ngành tên lửa, và không hề có SpaceX. Tại sao?
Trong bản hợp đồng ghi rõ “để phát triển Hệ thống Phóng Thử nghiệm cho chương trình Tàu Phóng Tiên tiến Dùng một lần”. Lầu Năm Góc đang nhắm tới việc sử dụng tên lửa dùng một lần trong các sứ mệnh Vũ trụ tương lai, chứ không tận dụng triệt để công nghệ tên lửa tái chế mà SpaceX rất giàu kinh nghiệm.
Để đạt được mục tiêu, Lầu Năm Góc quyết định đầu tư vào hệ thống phóng tàu Vulcan Centaur của ULA, hệ thống OmegA của Northrop Grumman và New Glenn của Blue Origin. SpaceX không được lợi ích gì, dù là công ty hàng không vũ trụ nổi tiếng.
Nhưng khía cạnh đáng chú ý là Northrop Grumman nhắm tới việc OmegA là tên lửa dùng một lần. ULA tiếp tục duy trì dòng Vulcan Centaur là tên lửa dùng một lần, vẫn có kế hoạch nâng cấp để tái chế được một phần. Còn mô hình thiết kế tên lửa của Blue Origin không khác dòng Falcon của SpaceX, nhắm thẳng tới việc tái chế hoàn toàn tên lửa để tiết kiệm chi
phí và giảm rác thải sau mỗi lần phóng. Vì vậy, không thể lấy lý do “tên lửa của SpaceX toàn là hàng tái chế” để gạt SpaceX sang một bên c; hai trong ba công ty vừa nêu có kế hoạch thiết kế tên lửa tái chế được.
Tại sao gọi là “trọng” trách? Vì nó rất nặng nề
Lầu Năm Góc cũng tuyên bố nhắm tới việc cắt giảm chi phí phát triển, để đảm bảo chỉ có hai công ty lớn đủ khả năng cung cấp hệ thống phóng những kiện hàng lớn nhất, phức tạp nhất lên không. Có lẽ đây là lý do chính khiến SpaceX bị loại.
Với khả năng nâng được 25 tấn hàng hóa lên quỹ đạo thấp, ULA tuyên bố Vulcan Centaur sẽ cho Không Lực khả năng chở hàng vượt trội hơn mọi hệ thống hiện có. Nhận thấy hợp đồng với ULA trị giá 967 triệu USD. Tên lửa OmegA của Northrop Grumman nhắm tới tải trọng 10.1 tấn tên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh, tương đương với tải trọng 24-28 tấn lên quỹ đạo thấp. Blue Origin có con số ấn tượng hơn cả. Tên lửa New Glenn của họ dự kiến sẽ nâng được 45 tấn hàng hóa lên quỹ đạo thấp.
Có một vấn đề: chưa một lời hứa nào trở thành sự thật, vì cả ULA, Northrop Grumman và Blue Origin chế tạo xong một hệ thống tên lửa. Trong khi đó, Falcon 9 của SpaceX đã đưa được hàng hóa nặng 22.8 tấn lên quỹ đạo thấp, Falcon Heavy – hệ thống tên lửa mạnh nhất hành tinh với hai lần thử nghiệm thành công – có tải trọng 63.8 tấn lên quỹ đạo thấp.
Theo lời SpaceX, hai hệ thống tên lửa của họ đã bay thành công 70 chuyến, phục vụ cả các công ty tư nhân lẫn cơ quan nhà nước, “nhận được vô số giải thưởng danh giá và tiết kiệm được cho Bộ Quốc phòng hàng triệu USD”. Ngoài ra còn có Starship, hệ thống được phát triển song song với Falcon 9 và Falcon Heavy, với lời hứa mang được 150 tấn hàng lên quỹ đạo thấp.
Ta cũng đã hiểu SpaceX phàn nàn gì
Những con số không biết nói dối, cũng dễ hiểu sự thất vọng của SpaceX khi bị Lầu Năm Góc gạt sang một bên.
Như đã giải thích trong đơn gửi Tòa Khiếu kiện Liên Bang hôm 22/05/2019, việc Không lực Mỹ bỏ qua SpaceX khi chọn ra ứng cử viên nhận Hợp đồng Dịch vụ Phóng tàu vũ trụ (LSA) là “không rõ ràng”. Tuy nhiên cũng phải xem xét lại: Lầu Năm Góc chú tâm vào việc hoàn thiện tên lửa Starship, dù dự án có tải trọng lớn nhất trong cả 4 người đấu thầu nhưng cũng sẽ mang rủi ro cao nhất. SpaceX có lý của riêng mình, rằng hai hệ thống còn lại của họ đều có khả năng đáp ứng nhu cầu của Lầu Năm Góc, khi Falcon Heavy có tải trọng lớn hơn cả 3 hệ thống đang được xây dựng bởi ULA, Northrop Grumman và Blue Origin.
Hơn nữa, dựa theo bản kế hoạch sẵn có của SpaceX, Falcon 9 và Falcon Heavy sẽ đều được sử dụng trong các sứ mệnh trước 2025. Sau 2025, SpaceX sẽ hoàn thiện Starship và đưa hệ thống mới vào sử dụng.
Khi so sánh những quả tên đang hoạt động ổn định với những hệ thống vẫn còn đang được nghiên cứu chế tạo, có thể thấy đâu là sự lựa chọn tốt hơn. SpaceX nhận định: việc Không lực Mỹ loại công ty của Musk ra khỏi danh sách trúng thầu là bất công, yêu cầu tòa “ra chỉ thị dừng các hoạt động đầu tư và nghiên cứu ULA, Blue Origin và Northrop dưới danh nghĩa Hợp đồng Dịch vụ Phóng tàu vũ trụ LSA”. SpaceX muốn mở lại phiên đấu thầu xem ai sẽ giành được hợp đồng trị giá cả triệu USD.
Hợp đồng quan trọng ra sao với SpaceX?
Có thể suy luận rằng, hai hệ thống tên lửa bị Không lực khước từ, Falcon 9 và Falcon Heavy, đã đang vận hành bình thường rồi, nên SpaceX không cần thêm vốn để phát triển chúng nữa. Trong trường hợp này, việc đầu tư vào Starship có thể coi là “mang rủi ro lớn”, bằng việc không chọn SpaceX, Không lực Mỹ quyết định quay sang phương án an toàn hơn.
Nếu đó là động cơ của Lầu Năm góc, việc bỏ qua SpaceX mới hợp lý.
Không ngạc nhiên khi SpaceX của Elon Musk không hài lòng với kết quả cuối cùng, khi xét tới những dự án tương lai. Theo dự tính, nội trong năm 2020, Lầu Năm Góc sẽ tiến hành Giai đoạn 2 của dự án Hợp đồng Dịch vụ Phóng tàu Vũ trụ LSA, có tên gọi Thu lợi từ Dịch vụ Phóng tàu vũ trụ. Đây là lúc Lầu Năm Góc chọn ra hai công ty duy nhất thực hiện hợp đồng phóng lên không 25 vệ tinh phục vụ mục đích an ninh quốc gia, dự án kéo dài cho tới năm 2027.
Không ai cấm SpaceX tham gia đấu thầu Giai đoạn 2, nhưng sau khi thấy chính quyền Mỹ đầu tư tới 2.25 tỷ USD vào Vulcan Centaur, OmegA và New Glenn trong Giai đoạn 1, có thể nhận định đây sẽ là những hệ thống sẽ được tin dùng trong Giai đoạn 2.
SpaceX muốn “sân chơi vũ trụ” phải công bằng, và để lách qua được khe cửa hẹp của Giai đoạn 2, họ phải thắng kiện. Nhưng liệu vụ việc có giống con kiến kiện củ khoai?
Đây không phải lần đầu tiên SpaceX đệ đơn kiện cơ quan chính phủ Mỹ, với mục đích làm rõ quá trình đấu thầu. Trước đây, ULA là công ty duy nhất được quyền phóng vệ tinh cho chính phủ Mỹ, cho tới khi SpaceX kiện chính phủ năm 2014. Họ chỉ rút đơn khi chính quyền Mỹ đồng ý cho công ty tư nhân tham gia đấu thầu hợp đồng liên quan tới an ninh quốc gia. Đây là thời điểm SpaceX thay đổi cục diện “sân chơi vũ trụ”.
Trong vụ kiện mới, SpaceX yêu cầu tòa án giữ bí mật những chi tiết quan trọng. Nên phải đến khi mọi việc được phân xử xong, chúng ta mới biết được kết quả cuối cùng.
https://nguoivietphone.com/a10764/spacex-kien-chinh-phu-my-vi-bi-gat-khoi-ban-hop-dong-ten-lua
Google Cũng Đang ChuyểnDây Chuyền Sản Xuất
Phần Cứng Ra Khỏi Trung Quốc
Khoảng giữa tháng 06/2019, Alphabet, công ty mẹ củ Google, đang chuyển một số dây chuyền sản xuất thiết bị kiểm soát nhiệt độ Nest và phần cứng máy chủ ra khỏi Trung Quốc để tránh bị ảnh hưởng xấu từ chính sách tăng thuế của chính phủ Mỹ. Theo đó, Google đã chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất bo mạch chủ cho thị trường Mỹ sang Đài Loan nhằm tránh bị áp mức tăng thuế 25%.Dù quan chức Mỹ xác định các bo mạch chủ được sản xuất tại Trung Quốc tiềm ẩn các mối đe dọa an ninh mạng nhưng Google không đề cập tới vấn đề trong các cuộc thảo luận với những nhà cung cấp của họ. Hàng rào thuế quan cũng buộc Google phải đẩy dây chuyền sản xuất thiết bị điều nhiệt Nest cho thị trường Mỹ sang Đài Loan và Malaysia.
Ngoài Google, nhiều công ty khác cũng đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Foxconn cũng cho biết có đủ năng lực để chuyển dây chuyền sản xuất iPhone cho thị trường Mỹ ra bên ngoài Trung Quốc nếu cần thiết.
Trong số các sản phẩm của Google có nguy cơ bị đánh thuế cao, bo mạch chủ là sản phẩm quan trọng nhất. Hãng xây dựng các trung tâm dữ liệu riêng tại Mỹ và nhiều nước khác. Những trung tâm có nhiệm vụ đảm bảo cho các dịch vụ của Google hoạt động trơn tru và mỗi trung tâm cần rất nhiều bo mạch.
https://nguoivietphone.com/p160a10757/google-cung-dang-chuyen-day-chuyen-san-xuat-phan-cung-ra-khoi-trung-quoc
Jessica Préalpato,
đầu bếp bánh ngọt giỏi nhất 2019
Tuấn ThảoTheo bình chọn của ‘‘World’s 50 Best Restaurants’’, gồm các nhà hàng trứ danh nhất thế giới, danh hiệu ‘‘đầu bếp bánh ngọt tài ba nhất’’ năm 2019 lần đầu tiên được trao cho một phụ nữ : Jessica Préalpato. Cô hiện đang làm việc cho khách sạn Plaza Athénée ở Paris, dưới sự điều hành của đầu bếp cực kỳ nổi tiếng Alain Ducasse.
Năm nay 32 tuổi, Jessica Préalpato sinh trưởng ở vùng Landes (Mont de Marsan), nơi nổi tiếng với các đồi thông mênh mông bạt ngàn. Lớn lên trong một gia đình chuyên làm bánh ngọt từ nhiều thế hệ, Jessica từ nhỏ đã thừa hưởng năng khiếu chế biến các món tráng miệng từ song thân. Sau khi tốt nghiệp trường chuyên ngành khách sạn Biarritz, cô bắt đầu làm việc cho nhiều nhà hàng danh tiếng, học hỏi thêm từ các bậc đàn anh như Philippe Labbé (Chèvre d’Or), Philippe Etchebest (Hostellerie de Plaisance), Frédéric Vardon (nhà hàng 39V).
Sau một thời gian làm việc cho khách sạn 5 sao Park Hyatt Paris Vendôme, Jessica Préalpato về đầu quân cho Plaza Athénée và Alain Ducasse, thường tập hợp xung quanh
ông một đội ngũ hùng hậu, gồm khá nhiều tên tuổi của ngành ẩm thực, điển hình là Cédric Grolet, vô địch bánh ngọt năm 2018.
Kể từ năm 2015 cho tới nay, Jessica Préalpato là một trong một phụ nữ hiếm hoi chuyên chế biến bánh ngọt cho một nhà hàng 3 sao theo cách xếp hạng của quyển sách bìa đỏ Michelin. Trước Jessica, có cô Christelle Brua, đầu bếp đầu tiên làm việc cho một nhà hàng ba sao (Pré Catelan), Christelle Brua cũng là người phụ nữ đầu tiên được vinh danh là “đầu bếp bánh ngọt xuất sắc nhất thế giới 2018″, đồng hạng nhất với Cédric Grolet, theo bình chọn của tổ chức Les Grandes Tables du Monde. Cô Christelle Brua cũng vừa được Điện Élysée tuyển về làm đầu bếp chính (chuyên về các món tráng miệng).
Về phần Jessica Prealpato, sở dĩ cô được giới phê bình vinh danh (World’s 50 Best Restaurants) là vì cô là cánh chim đầu đàn của phong trào “desséralité” hiện đang rất thịnh hành, kết hợp hai chữ dessert (món tráng miệng) và naturalité (tính tự nhiên). Trong quyển sách hướng dẫn cách làm bếp cùng tên, cô chủ trương làm các món tráng miệng với hình thức đơn giản chứ không cầu kỳ, nhưng đổi lại, hương vị vẫn tinh tế trong cách kết hợp hòa quyện các mùi vị với nhau.
Trong số các món sở trường của Jessica Prealpato, có món bánh làm với cây rhubarbe (đại hoàng), hoa bia, hoặc là các loại dâu tây (dâu rừng thì càng tốt). Cô tạo ra các món tráng miệng giữ nguyên gu tự nhiên của sản phẩm, dùng vị ngọt sẵn có của trái cây chứ không thêm đường, điển hình là món dâu tây kết hợp với mùi cây thông (linh sam), Jessica dùng vị béo của sữa chua và hương đậm nồng của cây thông (biểu tượng truyền thống của vùng Landes) để làm cho vị ngọt của trái dâu tây càng thêm nổi bật.
Tuy làm các món ngọt, nhưng Jessica Prealpato cho biết cô không bao giờ sử dụng kem hay mousse trong các món tráng miệng của mình, bởi vị các loại này thường chế biến với trứng và đường. Cô chủ yếu dựa trên một chút vị mặn, vị chua hay thậm chí vị đắng, để làm tăng lên mùi hương tự nhiên của hoa quả và trái cây. Nhờ cách kết hợp táo bạo này, cô Jessica cho ra đời nhiều món ngọt khác lạ : chẳng hạn như chanh với rong biển, mạch nha với hoa bia, artisô với vani, quả anh đào với trái ôliu …
Trên thế giới, cô Jessica Préalpato có lẽ là một trong những đầu bếp hiếm hoi dùng giấm và muối để ‘‘làm tăng’’ cảm giác có thêm vị ngọt mỗi khi thực khách nếm món ăn. Do không dùng kem hay mousse để chế biến các món ngọt, cho nên cái giá mà Jessica chấp nhận phải trả là các món tráng miệng của cô không phải lúc nào cũng đẹp mắt, điều mà các blogger chuyên về ẩm thực hay các fan chuyên dùng Instagram thường hay chỉ trích.
Jessica Prealpato cho biết là trong số các khách hàng, có một số cho biết họ cảm thấy ‘‘thất vọng’’ vì các món tráng miệng không cầu kỳ tính vi như các món ăn thường được dọn trong các khách sạn 5 sao. Đổi lại các món ngọt của Jessica thường tối giản, đơn sơ và có lúc rất mộc và thô, điển hình là các hũ sữa chua.
Có lẽ cũng vì cô xuất thân từ một gia đình làm bánh cho nên khi chọn con đường này, Jessica đã không muốn làm các kiểu bánh quen thuộc, y hệt như gia đình cô. Khi vào nghề, Jessica đã loại bỏ hầu hết các thành phần truyền thống của ngành bánh ngọt như kem, bơ, trứng, cô cũng ít dùng chocolat vì các món này thường đi kèm với đường.
Điều đó giải thích vì sao, nhiều thực khách không thích các món ngọt của cô, do đa số thường quen ăn ngọt khi dùng các món tráng miệng. Có một điều rất lạ là vào thời đại cực thịnh của các mạng xã hội, hầu hết các tài khoản của các đầu bếp tên tuổi thu hút hàng trăm ngàn, đồi khi cả triệu người theo dõi, ngược lại Jessica Préalpato tuy là đầu bếp bánh ngọt tài ba nhất thế giới, nhưng cô chỉ có khoảng 20.000 người hâm mộ.
http://vi.rfi.fr/phap/20190617-jessica-prealpato-dau-bep-banh-ngot-gioi-nhat-nam-2019
Châu Âu tiết lộ
dự án chế tạo máy bay tiêm kích đời mới
Thanh HàTriển Lãm Quốc Tế Hàng Không – Không Gian 2019 khai mạc tại Le Bourget, ngoại ô Paris. Sự kiện nổi bật năm nay là Pháp và hai đối tác châu Âu trình làng dự án chung chế tạo chiến đấu cơ đời mới mang tên Hệ Thống Phòng Thủ Tương Lai SCAF.
Từ ngày 17 đến 23/06/2019, Triển Lãm Quốc Tế về Hàng Không – Không Gian tại Le Bourrget dự trù đón hơn 140.000 khách tham quan và các quan chức trong ngành công
nghiệp chế tạo máy bay. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khai mạc cuộc triển lãm lần thứ 53. Đội bay Patrouille de France bay biểu diễn chào mừng sự kiện này. Triển lãm Le Bourget là điểm hẹn của các hãng sản xuất máy bay dân sự, quân sự và một số đối tác trong lĩnh vực thám hiểm không gian.
Tổng thống Macron đã cùng với bộ trưởng Quân Lực Pháp, Florence Parly, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, Urula Von der Leyen, và lãnh đạo bộ Quốc Phòng Tây Ban Nha, Margarita Robles, chứng kiến buổi ra mắt dự án sản xuất chiến đấu cơ châu Âu SCAF, thay thế thế hệ máy bay tiêm kích Rafale của Pháp và Eurofighter của châu Âu vào khoảng năm 2040. Ban đầu, đây là dự án do Paris và Berlin khởi động, nhưng Madrid đã được mời tham gia.
Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Đức và Tây Ban Nha ký kết một thỏa thuận khung quy định vai trò của mỗi bên trong dự án dài hơi này. Về phía Pháp, có tập đoàn chế tạo máy bay quân sự Dassault Aviation tham dự. Airbus của châu Âu đương nhiên có một chỗ đứng quan trọng trong dự án SCAF.
Riêng trong lĩnh vực hàng không dân sự, các nhà sản xuất dự báo lượng máy bay được sử dụng trên thế giới sẽ tăng lên gấp đôi trong hai thập niên tới, đạt ngưỡng 44.000 chiếc. Tuy nhiên, thách thức lớn mà các hãng hàng không và nhà sản xuất phải vượt qua là làm thế nào giảm bớt mức độ thải khí gây ô nhiễm bầu khí quyển. Hiện tại, 25 % lượng khí thải CO2 là do ngành hàng không gây ra.
Một lần nữa, triển lãm tại Le Bourget là đấu trường giữa hai gã khổng lồ Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Tập đoàn Mỹ sẽ phải lấy lại uy tín với khách hàng sau hai vụ tai nạn Boeing 737 MAX mà tới nay toàn bộ máy bay 737 MAX vẫn bị cấm bay.
http://vi.rfi.fr/phap/20190617-chau-au-tiet-lo-du-an-che-tao-may-bay-tiem-kich-doi-moi
Paris mở rộng vòng tay với người tị nạn
Trọng ThànhÍt hôm trước Ngày người Tị Nạn Thế Giới, hôm qua, 15/06/2019, thành phố Paris tổ chức một cuộc cổ vũ cho việc tiếp đón người tị nạn. Khoảng 50 hiệp hội đoàn kết với người tị nạn đã tham gia vào buổi này.
Suốt ngày hôm qua, tại khu Champ-de-Mars, gần tháp Eiffel, đã diễn ra nhiều cuộc giới thiệu về các hoạt động đón tiếp, hỗ trợ, cùng thảo luận bàn tròn… do các hiệp hội tổ chức. Đây là lần thứ hai Paris tổ chức ngày đoàn kết với người di cư, tị nạn. Đây cũng là một cơ hội để người dân Paris tiếp xúc với các hiệp hội, để góp phần mình vào việc đón tiếp, và hỗ trợ người tị nạn mau chóng hội nhập vào xã hội Pháp.
Bà Dominique Versini, trợ lý đô trưởng, khẳng định : « Chúng tôi (tức Tòa thị chính Paris) ủng hộ phong trào xã hội dân sự, phong trào công dân này, phong trào của các hiệp hội, bởi vì chúng ta là một thành phố mở rộng cho người tị nạn. Paris chính là hiện thân của các giá trị cao quý của nền Cộng hòa Pháp, của Tự do, Bình đẳng và Bác ái ».
Ngày biểu dương lực lượng vì người tị nạn cũng giới thiệu cả những hoạt động thể thao, võ thuật, giải trí, như môn võ Kapoera xuất phát từ Brazil, hay môn Quán khí đạo, từ vùng Viễn Đông. Nhiều người tị nạn đã đến với các môn võ này để lấy lại niềm tin vào bản thân, sau một hành trình gian nan.
Ngày 20/06, Tòa thị chính Paris sẽ khai trương Nhà cho người Tị Nạn tại quận 14, đúng dịp Ngày người Tị Nạn Thế Giới. Đây là nơi mà những người buộc phải sống tha hương có thể tìm đến để có được các thông tin hữu ích, giúp họ hội nhập.
Cũng ngày hôm qua, một công trình nghệ thuật sắp đặt hoành tráng của nghệ sĩ Saype – người mang hai quốc tịch Pháp – Thụy Sĩ – chính thức khai trương. Từ đỉnh tháp Eiffel có thể chiêm ngưỡng tác phẩm với bề mặt khoảng 15.000 m2 này.
Hình tượng trung tâm của tác phẩm là chuỗi tay nắm tay dài trải dài gần 600 mét, trên thảm cỏ Champ-de-Mars : Biểu tượng cho Tình Đoàn Kết bất chấp khoảng cách. Công trình nghệ thuật của Saype được làm bằng sơn tự hoại 100%. Tác phẩm sẽ tự động biến mất từ từ sau một tuần lễ, mà không để lại hậu quả gì cho mặt đất.
Tác phẩm mang tên « Beyond the Walls » được sáng tác nhằm vinh danh những người cứu nạn trên biển, thuộc hiệp hội SOS Méditerranée / SOS Địa Trung Hải. Cùng với nhiều hiệp hội khác, SOS Địa Trung Hải đã không quản gian truân, cứu vớt hàng chục nghìn người liều mình vượt biển từ châu Phi sang châu Âu tìm nơi lánh nạn trong những năm gần đây.
http://vi.rfi.fr/phap/20190616-paris-mo-rong-vong-tay-voi-nguoi-ti-nan
Báo cáo của SIPRI :
Số đầu đạn hạt nhân trên thế giới giảm
Thanh HàTrong báo cáo công bố ngày 17/06/2019, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm-SIPRI đưa ra hai nhận định : số đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã giảm trong năm 2019, nhưng tình hình lại đáng lo ngại do các quốc gia làm chủ phương tiện phòng thủ này không ngừng hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử.
Theo báo cáo 2019 của viện SIPRI, đầu năm nay, 9 cường quốc nguyên tử trên thế giới nắm giữ 13.865 đầu đạn hạt nhân, con số này thấp hơn 600 đơn vị so với hồi 2018 và đã giảm đi rất nhiều so với đỉnh điểm hồi thập niên 1980. Khi đó, số đầu đạn hạt nhân trên thế giới đã lên tới khoảng 70.000.
Chín nước hiện đang có vũ khí hạt nhân gồm : Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Pakistan và Bắc Triều Tiên.
Mỹ và Nga hiện vẫn kiểm soát hơn 90 % kho vũ khí nguyên tử của thế giới. Theo phân tích của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm, kho vũ khí hạt nhân của thế giới giảm mạnh trong bốn thập niên qua chủ yếu là nhờ Washington và Matxcơva đã giảm lượng vũ khí nguyên tử của mỗi bên. Năm 2010, Nga và Mỹ đã ký kết hiệp định cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược New Start và văn bản này có hiệu lực đến năm 2021. Giám đốc SIPRI Shannon Kile nhấn mạnh là khúc mắc nằm ở chỗ, cho tới nay, Nga và Hoa Kỳ chưa tiến hành bất kỳ một cuộc đối thoại “đáng tin cậy” nào cho giai đoạn hậu 2021.
Trong khi đó, một số quốc gia mới tham dự vào câu lạc bộ các thành viên hạt nhân của thế giới như Ấn Độ, Pakistan lại tăng cường sức mạnh hạt nhân tại vùng biên giới giữa hai nước. Điều này làm dấy lên mối lo ngại trước viễn cảnh một cuộc xung đột nguyên tử có nguy cơ bùng nổ.
Sau cùng, SIPRI lưu ý : Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đang lao vào một cuộc chạy đua nhằm hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, thế giới ngày nay có ít đầu đạn nguyên tử hơn, nhưng đó lại là những loại vũ khí “mới hơn và tối tân hơn”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190617-bao-cao-cua-sipri-so-dau-dan-hat-nhan-tren-the-gioi-giam
Ông Putin: Thương chiến Trung-Mỹ
là ‘Cuộc chiến không luật lệ’
Theo ông Putin, ‘Chiến tranh Thương mại Trung-Mỹ’ hiện nay là ‘cuộc chiến không quy tắc luật lệ’ với sự áp đặt của Mỹ.Trong nền kinh tế đang diễn ra cuộc đấu không có luật lệ quy tắc, cần những nỗ lực tập thể để khôi phục sự công bằng – Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ 5, đang được tổ chức ở thủ đô Dushanbe của Tajikistan.
Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ 5 được tổ chức từ ngày 14 đến 16/6 ở thủ đô Dushanbe của Tajikistan; diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 19, được tổ chức từ ngày 12 đến 14/6 ở Bishkek, Kyrgyzstan.
Theo nhà lãnh đạo Nga, trên thế giới đang bùng ra cuộc chiến tranh thương mại thực sự, ví dụ như giữa Mỹ và Trung Quốc (China-us trade war), đó là điều thật sự đáng tiếc.
Đây là “cuộc chiến không quy tắc luật lệ” với sự hăm dọa và mánh khóe loại bỏ đối thủ cạnh tranh bằng phương pháp phi thị trường, do phía Mỹ đưa ra. Do đó, hơn bao giờ hết, “hiện nay cần đến nỗ lực tập thể của chúng ta để tìm lối thoát ra khỏi tình huống này” – ông Putin tuyên bố.
Theo lời ông, cần phải khôi phục niềm tin, phê duyệt chuẩn mực công bằng của tương tác kinh tế. Bước đi đầu tiên cộng đồng quốc tế cần làm là cần đưa lĩnh vực xã hội-nhân đạo, ví
dụ như nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị y tế…, ra khỏi các hạn chế thương mại và trừng phạt.
Ông lưu ý rằng chủ đề này đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint-Peterburg (SPIEF 2019), diễn ra từ ngày 6-8 tháng 6 vừa qua.
Tổng thống Putin cũng đề cập đến vấn đề phát triển tương tác giữa các nước châu Á, ông lưu ý rằng khu vực này hiện đang giữ vai trò động lực tăng trưởng của toàn cầu. “Với tư cách là người điều phối mục kinh tế của Hội nghị về các biện pháp xây dựng niềm tin và tương tác ở châu Á, phía Nga đặc biệt coi trọng hoạt động theo hướng này” – Tổng thống Nga cho biết.
Ông Putin nhắc rằng, theo sáng kiến của Nga năm 2015 trong khuôn khổ Diễn đàn đã thành lập “Hội đồng kinh doanh” với sự tham gia của các doanh nhân từ những nước thành viên Hội nghị về các biện pháp xây dựng niềm tin và tương tác ở châu Á, và tiến tới hội nghị thượng đỉnh hiện tại đã chuẩn bị Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Chúng tôi ủng hộ mở rộng thương mại tương hỗ, phản đối chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, trừng phạt bất hợp pháp, chống hạn chế và rào cản với động cơ chính trị, chúng tôi hướng tới tăng cường hợp tác đầu tư sâu rộng toàn diện, mở rộng sản xuất tập thể trên cơ sở quy tắc phổ quát của WTO, tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và tính toán đến lợi ích của nhau” – ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý rằng, hiện đang có sự ủng hộ ngày càng rộng từ các nước thành viên Hội nghị về các biện pháp xây dựng niềm tin và tương tác ở châu Á đối với ý tưởng kết nối các tiến trình hội nhập phát triển trong khuôn khổ Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), cũng như với sáng kiến ”Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28733-ong-putin-thuong-chien-trung-my-la-cuoc-chien-khong-luat-le.html
Thổ Nhĩ Kỳ pháo kích Hama và Idlib để trả đũa Syria
Thanh HàBộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/06/2019 thông báo đã ra lệnh tấn công hai khu vực Idlib và Hama tại miền tây Syria, nhằm trả đũa việc quân đội chính quyền Damas nã pháo vào nhiều trạm quan sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.
Thông tín viên Paul Khalifeh trong khu vực gửi về bài tường trình :
“Đây là lần đầu tiên kể từ khi quân đội Syria mở cuộc tấn công Idlib và khu vực phía bắc Hama, pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ nhập cuộc. Phía Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào các vị trí của Syria, chỉ vài giờ sau khi một số trạm quan sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị quân đội của Damas pháo kích. Các trạm quan sát này được dựng lên nhằm giám sát tình trạng ngừng bắn, nhưng thỏa thuận đã bị phá vỡ từ hôm 30/04/2019. Cách nay hai ngày, quân đội chính phủ Syria đã tấn công các vị trí của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Damas cáo buộc Ankara ủng hộ phe nổi dậy và quân thánh chiến.
Cuộc đọ sức giữa pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lần này diễn ra trong bối cảnh quân đội của chính quyền Damas một lần nữa đã thất bại trong việc giành lại ngọn đồi Tall Malah ở phía tây bắc Hama mà quân thánh chiến đã chiếm giữ trong tuần qua.
Việc chiếm giữ cao điểm chiến lược này đã cắt đứt tuyến đường tiếp tế của quân đội chính phủ Syria. Damas đã thất bại nặng nề trong cuộc tấn công mở ra cuối tuần qua. Năm quân nhân bị bắt giữ và khoảng 20 người tử vong, theo nhiều nguồn tin thân cận với Damas.
Theo Đài quan sát nhân quyền Syria, trong 48 giờ qua, không quân Syria và Nga đã tiến hành khoảng 100 phi vụ tấn công nhắm hỗ trợ cho cuộc tấn công trên bộ. Bất chấp hỏa lực dồn dập như vậy, vẫn không có sự thay đổi đáng kể nào trên các chiến tuyến này.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190617-tho-nhi-ky-syria-tra-dua-quan-doi-syria-tan-cong-tho-nhi-ky-phao-kich-hama-va-idlib
Cựu thành viên phong trào Thiên An Môn
đòi LHQ điều tra vụ thảm sát
Trọng NghĩaCùng với 21 người khác, Vương Đan, gương mặt sinh viên tiêu biểu của phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn tại Trung Quốc vào năm 1989, hôm nay 17/06/2019, kêu gọi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mở điều tra về vụ đàn áp đẫm máu mà chế độ Bắc Kinh đã tiến hành cách nay 30 năm.
Theo hãng tin Anh Reuters, với sự hỗ trợ của tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc Chinese Human Rights Defenders, nhóm cựu thành viên phong trào Thiên An Môn cho biết đã gửi đơn khiếu nại lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, nhân dịp tổ chức nhân quyền cao cấp nhất của Liên Hiệp Quốc mở khóa họp 3 tuần kể từ ngày 24/06.
Trong một thông cáo, nhóm này xác nhận : « Chúng tôi yêu cầu Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc điều tra các vi phạm thô bạo về quyền con người và các quyền tự do cơ bản mà chính phủ Trung Quốc đã tiến hành khi cho quân đội tấn công vào các cuộc biểu tình ôn hòa».
Nhóm này cũng yêu cầu có biện pháp chống lại một « mô hình vi phạm nhân quyền một cách nhất quán trong ba thập niên qua bằng cách truy bức các công dân Trung Quốc đã dám phá vỡ màn im lặng » mà chính quyền áp đặt trên các sự kiện ngày 03-04/06/1989.
Theo thông báo, chính quyền Bắc Kinh luôn liệt chủ đề Thiên An Môn vào diện cấm kỵ, không hề mở điều tra công khai và không cho phép mở điều tra độc lập về sự kiện này.
Theo ông Vương Đan, hiện định cư tại Mỹ, « vụ thảm sát 30 năm trước vẫn chưa kết thúc. Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn xác định rằng các nạn nhân vụ thảm sát là thành phần tội phạm, và nhiều người lưu vong vẫn bị tước quyền trở về đất nước của mình ».
Trung Quốc chưa bao giờ cung cấp chính xác số người chết vì bạo lực năm 1989, nhưng các nhóm nhân quyền và nhân chứng cho rằng số nạn nhân có thể lên đến hàng ngàn.
Về khả năng Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mở điều tra về vụ Thiên An Môn, Reuters nêu bật thực tế là, kể từ khi được thành lập năm 2006 đến nay, cơ chế bao gồm 47 thành viên này chưa bao giờ thông qua một nghị quyết nào về Trung Quốc. Trong Hội Đồng, Bắc Kinh luôn được sự hậu thuẫn của các nước đang phát triển.
Một phát ngôn viên của Hội Đồng Nhân Quyền, có trụ sở tại Genève, Thụy Sĩ, đã từ chối trả lời hãng tin Anh và nhấn mạnh rằng các thông tin liên quan đến thủ tục khiếu nại thuộc diện bí mật.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190617-cuu-thanh-vien-phong-trao-thien-an-mon-doi-lhq-dieu-tra-vu-tham-sat
Hong Kong: Joshua Wong ra tù,
nói Carrie Lam ‘phải từ chức!’
Phong trào phản đối bà Carrie Lam dự đoán tăng mạnh vào 17/6, khi lãnh đạo phong trào Dù Vàng, Joshua Wong, ra tù.Nhà hoạt động sinh viên nổi tiếng nhất Hong Kong, Joshua Wong, kêu gọi bà Carrie Lam từ chức, ngay sau khi anh ra tù hôm 17/6.
Wong, gương mặt đại diện của phong trào Dù Vàng năm 2014, đã có bài phát biểu sau một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hong Kong.
“Hàng triệu người Hong Kong đã xuống đường biểu tình trong vài tuần qua, cho thấy tinh thần và nhân phẩm của người Hong Kong. Điều chúng tôi khẩn thiết yêu cầu là bà Carrie Lam phải từ chức và phải bãi bỏ luật dẫn độ. Cái mà chúng tôi cố gắng làm chỉ là thông qua bất tuân dân sự, và các hành động trực tiếp, cho cả thế giới và cộng đồng quốc tế thấy rằng người Hong Kong sẽ không im lặng dưới sự đàn áp của Chủ tịch Tập Cận Bình, và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam,” Joshua Wong phát biểu.
“Bà Lam cần từ chức, nếu không, tôi đảm bảo rằng, trước lễ kỷ niệm 22 năm ngày Hong Kong được trả về Trung Quốc, không chỉ 1 hay 2 triệu người mà còn nhiều hơn nữa sẽ tham gia cùng chúng tôi chiến đấu cho tới khi chúng tôi dành lại được quyền tự do và quyền con người cơ bản,” Joshua Wong nói thêm.
Các nhà tổ chức biểu tình cho biết gần hai triệu người đã xuống đường hôm Chủ Nhật 16/6, yêu cầu bà Lam từ chức trong một sự việc đang trở thành thách thức khó khăn nhất đối với quan hệ với Trung Quốc kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho đại lục 22 năm trước.
Wong, người chịu hai án tù vào năm 2017 và 2018 do tham gia vào phong trào Dù Vàng, được thả tự do hôm 17/6 sau khi được giảm án 1 tháng.
Bà Carrie Lam không còn đủ tiểu chuẩn để trở thành một lãnh đạo Hong Kong,” Wong nói với các phóng viên tại khu vực nhà tù. “Bà ta cần chịu trách nhiệm và từ chức.”
Việc Wong được trả tự do sẽ thúc đẩy thêm các cuộc biểu tình và tăng thêm sức ép lên lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam, theo báo giới.
Hong Kong bị choáng sau đợt biểu tình
Hong Kong: dân lại biểu tình lớn vì luật dẫn độ
Cô gái ngồi thiền: Biểu tượng biểu tình ở Hong Kong
4 điều cần biết về biểu tình ở Hong Kong
Các cuộc biểu tình xảy ra vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang vật lộn với cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng sâu rộng, nền kinh tế suy thoái và căng thẳng về chiến lược trong khu vực, theo Reuters.
Các chính trị gia phe đối lập ở Hong Kong nhắc lại lời kêu gọi của người biểu tình rằng bà Lam nên từ chức, và bãi bỏ luật dẫn độ, thậm chí ngay cả sau khi bà Carrie Lam xin lỗi rằng chính phủ của bà đã xem xét dự luật này.
“Chính phủ của bà ta không thể là một chính phủ hiệu quả, và sẽ có rất nhiều, rất nhiều khó khăn để tiếp tục”, nhà lập pháp kỳ cựu của Đảng Dân chủ James To nói với đài truyền hình RTHK.
“Tôi tin rằng chính phủ sẽ chấp nhận đơn từ chức của bà ấy.”
Tuy nhiên, tờ China Daily cho biết các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ bà Lam, trong khi chỉ trích sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc khủng hoảng.
“Sự ủng hộ của Trung Quốc đối với bà Lam sẽ không dao động, không chùn bước trước bạo lực trên đường phố cũng như sự can thiệp có chủ đích của các chính phủ nước ngoài,” tờ China Daily cho biết trong một bài xã luận.
Dù bà Lam trì hoãn dự luật, nó vẫn chưa được bãi bỏ hoàn toàn, mặc dù lo ngại ngày càng tăng cả trong nước và quốc tế rằng Hong Kong – một trung tâm tài chính – có thể bị xói mòn bởi những thay đổi trong luật pháp, theo Reuters.
“Chúng tôi không thể chấp nhận lời xin lỗi của bà Lam. Nó không loại bỏ được những đe dọa đối với chúng tôi,” nhân viên xã hội Brian Chau, một trong số hàng trăm người biểu tình đã ở lại qua đêm tại quận Admiralty quanh trụ sở chính phủ và cơ quan lập pháp, nói.
Một số người biểu tình đã dọn rác bỏ lại sau cuộc diễu hành khổng lồ nhưng yên bình, trong khi những người khác hát ‘Hallelujah, một bài hát phúc âm đã trở thành một biểu tượng của cuộc biểu tình chống lại bà Lam.
Các trụ sở chính phủ sẽ đóng cửa vào thứ Hai. Cảnh sát mặc đồng phục đứng rải rác mà không trang bị vũ khí chống bạo loạn, trái ngược với những cuộc giao tranh bạo lực gần đây giữa cảnh sát và người biểu tình, theo Reuters.
Phong trào chống bà Lam được dự đoán sẽ tăng mạnh vào sáng thứ Hai 17/5, khi Joshua Wong, một trong những lãnh đạo phong trào dân chủ Dù Vàng của Hong Kong, được trả tự do.
Wong, 22 tuổi, và đảng Demosisto dân chủ ủng hộ anh đã đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình của Dù Vàng năm 2014.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48659133
Hồng Kông : Do đâu người dân thắng được
trận đấu chống dự luật dẫn độ ?
Trọng NghĩaDù phong trào đấu tranh chống dự luật cho phép dẫn độ qua Trung Quốc chưa chấm dứt, nhưng phải công nhận rằng trong cuộc đọ sức này, người biểu tình Hồng Kông đã giành được một chiến thắng rõ rệt, với việc trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 15/06/2019 phải đình chỉ vô thời hạn kế hoạch thông qua dự luật gây tranh cãi, sau hàng loạt cuộc xuống đường rầm rộ của người dân.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là do đâu mà lần này phong trào đòi dân chủ lại thành công, trong khi mà cách nay 5 năm, vào năm 2014, những cuộc biểu tình đòi dân chủ « Occupy Central » đã bị chính quyền thẳng tay đàn áp và hoàn toàn thất bại.
Giới phân tích đã nêu lên nhiều lý do, nhưng một trong những nguyên nhân được nhiều người nhấn mạnh là việc chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng bỏ rơi chính quyền đặc khu Hồng Kông trên hồ sơ dự luật dẫn độ, ngay sau khi thấy dư luận Hồng Kông sôi sục, đặc biệt là với cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật 09/06, huy động được cả triệu người.
Dĩ nhiên là thoạt đầu, khi trưởng đặc khu Hồng Kông đưa ra dự luật dẫn độ, Bắc Kinh đã hoàn toàn tán đồng. Thế nhưng, khi tình hình xấu đi do phong trào phản đối của người dân ngày càng mạnh, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Hồng Kông lùi bước vì không thể để cho tình hình xấu đi thêm trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối phó với những hồ sơ hệ trọng hơn nhiều.
Báo chí Hồng Kông khẳng định rằng trước khi loan báo quyết định đình chỉ dự luật dẫn độ, trưởng đặc khu Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm 15/06 đã kín đáo đến Thâm Quyến thỉnh thị ý kiến của Ủy Viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc chuyên trách vấn đề Hồng Kông.
Các nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tham khảo đều cho rằng Trung Quốc đã bật đèn xanh cho lãnh đạo Hồng Kông lùi bước, vì không muốn bị vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Hồng Kông, vào lúc đang phải tập trung đối phó với cuộc chiến thương mại và công nghệ với Mỹ.
Trung Quốc lo sợ phản ứng của giới kinh doanh
Trung Quốc đặc biệt lo ngại khi thấy cộng đồng kinh doanh tại Hồng Kông không tán đồng dự luật dẫn độ và đã ít nhiều cho thấy thái độ ủng hộ những người biểu tình.
Hai tập đoàn đa quốc gia quan trọng là HSBC và Standard Chartered chẳng hạn, đã áp dụng chế độ giờ làm việc linh hoạt vào thứ Tư 12/06, khi phong trào phản đối dự luật dẫn độ kêu gọi tổng đình công. Để so sánh, vào năm 2014, Phòng Thương Mại Hồng Kông và của một số quốc gia khác đã công khai chống lại chiến dịch bất tuân dân sự, cảnh báo về những tác động tiềm tàng đối với kinh tế.
Đối với Bloomberg, đúng là từ ngày được trả về Trung Quốc vào năm 1997 đến nay, tầm quan trọng của Hồng Kông ngày càng giảm sút. Năm 1997, trọng lượng của đặc khu này đối với Trung Quốc là khoảng 16%, vào năm ngoái 2018, tỷ lệ này còn không đầy 3%.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là vai trò của Hồng Kông không còn cần thiết nữa, và đặc khu kinh tế vẫn là một cửa ngõ để Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.
Giới ngân hàng quốc tế vẫn tin tưởng Hồng Kông trong tư cách là nơi ký kết các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc vì nơi này có hệ thống pháp lý độc lập, chính quyền tương đối trong sạch, với các quyền tự do dân sự, trong đó có tự do thông tin. Bất cứ điều gì làm mất đi những lợi thế đó sẽ xua đuổi giới doanh nhân và tài chính quốc tế, đe dọa vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông.
Rõ ràng là Trung Quốc đã thấy rằng so với các thiệt hại kinh tế và tài chính một khi dự luật dẫn độ được thông qua, thì lợi ích chính trị của việc khống chế chặt chẽ Hồng Kông quả là không đáng kể. Hơn nữa, theo Bloomberg, sở dĩ Bắc Kinh dễ dàng bỏ rơi lãnh đạo Hồng Kông, đó là vì dự luật dẫn độ, dù được Trung Quốc tán thành, nhưng không hoàn toàn xuất phát từ chỉ đạo trực tiếp của Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190617-hong-kong-do-dau-nguoi-dan-thang-duoc-tran-dau-chong-du-luat-dan-do
Hồng Kông, thất bại hiếm hoi của Tập Cận Bình
Thụy MyCác cuộc biểu tình khổng lồ ở Hồng Kông và sự lùi bước của chính quyền địa phương là thất bại hiếm hoi của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên về lâu về dài ông Tập có thể sẽ cố gắng tăng cường khống chế đặc khu.
Đúng ba mươi năm sau vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn, người quyền lực nhất Trung Quốc đã chọn lựa « rút lui chiến thuật » trước làn sóng phản kháng tại Hồng Kông – hiện vẫn được hưởng chế độ đặc biệt – theo phân tích của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít ở Hồng Kông.
Chuyên gia về Trung Quốc học cho rằng, các nhà lãnh đạo cộng sản « đã cảm thấy sợ hãi. Họ lo ngại sẽ ảnh hưởng tới Hoa lục, và sự kiện này nói lên rất nhiều về nỗi ám ảnh đối với sự an toàn của đảng Cộng Sản ».
Bằng chứng cho sự lo sợ này là Bắc Kinh đã che đậy các cuộc biểu tình tập hợp cả triệu người trong hai Chủ nhật liên tiếp tại Hồng Kông. Hôm nay 17/06/2019, báo chí Nhà nước chỉ đưa tin sơ sài về việc hoãn lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đã đổ dầu vào lửa tại đặc khu, nhưng không hề nhắc đến cuộc biểu tình khổng lồ hai triệu người hôm qua.
Nhà chính trị học Lâm Hòa Lập (Willy Lam), trường đại học Trung Quốc ở Hồng Kông khẳng định, dù gì đi nữa « các nhà trí thức và cư dân những thành phố lớn vẫn biết được những gì diễn ra tại Hồng Kông ». Theo ông, sự lùi bước của chính quyền đặc khu có thể « khuyến khích »những người đấu tranh cho dân chủ ở đại lục, cho dù « vẫn rất khó khăn » để có thể tổ chức được một phong trào phản kháng.
Nhà lãnh đạo 1,4 tỉ người bất lực trước một lãnh thổ 7 triệu dân
Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông được coi là phản ứng với bước ngoặt độc tài của Tập Cận Bình từ khi ông ta lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Bill Bishop, biên tập trang web Sinocism nhận xét như trên. Ông nói : « Đảng với người đứng đầu là Tập Cận Bình đã tạo ra một hình ảnh đáng lo ngại. Những cuộc biểu tình là một sự đồng tình bác bỏ cái ý tưởng Hồng Kông về lâu về dài sẽ bị Trung Quốc nuốt chửng ».
Ngay từ tuần trước, Bắc Kinh đã bắt đầu giữ khoảng cách với dự luật dẫn độ, nói rằng đó là sáng kiến của trưởng đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Nhưng không ai tin rằng bà Lâm có thể tự ý quyết định mà không cần được Bắc Kinh bật đèn xanh. Victoria Hui, nhà chính trị học ở trường đại học Notre Dame, Hoa Kỳ khẳng định việc rút lại dự luật là « một thất bại cho Tập Cận Bình ».
Ông Lâm Hòa Lập nhắc nhở : « Tập Cận Bình cố đưa ra hình ảnh một người dân tộc chủ nghĩa cứng rắn. Sự kiện Hồng Kông đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh này : Nhà lãnh đạo 1,4 tỉ người Trung Quốc đã bất lực trong việc kiểm soát một lãnh thổ chỉ có 7 triệu dân ».
Lên ngôi từ cuối năm 2012, ông Tập đã tăng cường quyền lực của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong xã hội, và tung ra chiến dịch chống tham nhũng nhắm vào các đối thủ chính trị. Năm 2017, Tập Cận Bình nắm trọn mọi quyền hành, « tư tưởng » của ông được chính thức đưa vào Hiến Pháp, ngang hàng với nhà sáng lập Mao Trạch Đông.
Nhưng theo chuyên gia Cabestan, từ một năm qua, Tập Cận Bình phải đối mặt với sự chống đối trong nội bộ, cùng với cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ và tình trạng kinh tế tăng chậm lại. Chỉ dấu cho thấy sự căng thẳng trong đầu não chế độ Bắc Kinh : Hội nghị Trung ương Đảng từ 15 tháng qua vẫn chưa thấy tổ chức.
Một lá bài cho Donald Trump
Cái tát được đám đông biểu tình Hồng Kông tặng cho ông Tập, vào lúc chủ tịch Trung Quốc cuối tháng này sẽ có dịp gặp tổng thống Mỹ Donald Trump nhân hội nghị G20 ở Nhật Bản.
Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận sẽ có cuộc gặp giữa Tập và Trump, nhằm làm dịu bớt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước, hay không. Nhưng Washington đã bắt đầu dùng đến lá bài Hồng Kông, khi đe dọa sẽ hủy bỏ những ưu đãi thương mại lâu nay vẫn dành cho cựu thuộc địa Anh, nếu dự luật dẫn độ được thông qua. Ông Bill Bishop cảnh báo, trong bối cảnh thương chiến đang gay gắt, « cú đòn sẽ rất nặng nề đối với nền kinh tế Hồng Kông ».
Theo hiệp ước ký kết với Luân Đôn khi trao trả cho Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông được hưởng quy chế đặc biệt cho đến năm 2047. Nhưng Bắc Kinh có thể siết chặt lại các quyền tự do của người Hồng Kông « một cách khéo léo khó nhận ra » - chuyên gia Bishop dự đoán.
Nhà chính trị học độc lập Hua Po ở Bắc Kinh nhận định, sau khi bị người Hồng Kông kịch liệt khước từ, Tập Cận Bình « cần xuất hiện một cách thật cứng rắn. Ông ta sẽ không dễ dàng nhượng bộ ». Dự luật dẫn độ chỉ bị hoãn lại vô thời hạn chứ chưa bị hủy bỏ. Theo chuyên gia này, Tập Cận Bình « sẽ đợi cho cơn giận dữ của người Hồng Kông từ từ dịu xuống, rồi trừng phạt một số các nhân vật cấp tiến ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190617-hong-kong-that-bai-hiem-hoi-cua-tap-can-binh
Hong Kong biểu tình,
ông Tập ăn bánh sinh nhật Putin tặng
Dù biểu tình ở Hong Kong sôi sục, đài báo Trung Quốc vẫn tỏ ra bình thường và tập trung vào tin Chủ tịch Tập thăm Tajikistan và nhận quà từ Tổng thống Putin.Cùng thời gian, có bình luận trên báo Hong Kong rằng người dân ở đây đang đấu tranh chống một triết lý chính trị cấm đoán của Bắc Kinh, và nếu Hong Kong thất bại, Trung Quốc sẽ làm như vậy ở Đài Loan và Biển Đông.
Biểu tình Hong Kong: Giới vận động VN nghĩ gì?
Joshua Wong ra tù, tăng áp lực lên bà Carrie Lam
Đụng độ tại biểu tình hơn nửa triệu người ở Hong Kong
Hôm 16/06, Chủ tịch Tập Cận Bình đã về lại Bắc Kinh sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Kyrgyzstan và Taijikistan.
Ông dự Thượng đỉnh lần thứ 5 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cơ chế ra đời từ sáng kiến của Trung Quốc nhằm tăng liên kết với Trung Á, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Nhân dân Nhật báo chạy tin trang nhất về chuyến thăm và nhắc đến sự hiện diện của ông Tập tại Hội nghị CICA – Giao lưu và Xây dựng Niềm tin châu Á ở Tajikistan.
Tân Hoa Xã nhấn mạnh đến tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đích thân mang bánh sinh nhật tới khách sạn ở Dushanbe,Tajikistan hôm 15/06 để tặng Chủ tịch Tập nhân ngày sinh 66 của ông.
Trong chuyến thăm đến Moscow gần đây, ông Tập Cận Bình gọi ông Putin là “người bạn tốt nhất”.
Phát biểu của ông Tập Cận Bình, rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ gây hại cho ai, và không bao giờ phản bội bạn bè” tại hội nghị CICA được báo Trung Quốc đăng tải đồng loạt.
Trường kỳ chống Mỹ?
Truyền thông Trung Quốc không đề cập nhiều đến các cuộc biểu tình từ một tuần qua ở Hong Kong mà nhắc đến “cuộc chiến trường kỳ” trong thương mại với Mỹ.
Sang ngày 17/06, tờ China Daily của chính phủ Trung Quốc, trong ấn bản cho Hong Kong trích lại lời một phát ngôn viên của đặc khu hành chính nhấn mạnh rằng: Chính phủ Hong Kong tôn trọng, trân quý các giá trị cơ bản đã làm nơi đây thành một xã hội văn minh, tự do, cởi mở và đa nguyên.”
Hiện chưa rõ đây có phải là thông điệp được Bắc Kinh chuẩn thuận, đánh dấu một thay đổi trong cách ứng xử trước làn sóng biểu tình ồ ạt, nhưng theo chính phủ Hong Kong thì họ “có mục tiêu phục hồi ổn định càng nhanh càng tốt, tránh xảy ra thương tích cho bất cứ ai”.
Cũng có bình luận rằng Trung Quốc bận tâm hơn với cuộc thương chiến Mỹ – Trung trước G20 tại Nhật Bản tháng này, khi chủ tịch Tập có cơ hội gặp TT Trump.
Một loạt báo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh và Thượng Hải đăng các bài nêu cao quyết tâm “không lùi bước”, “chiến đấu đến cùng” với Mỹ.
Nhưng Trung Quốc cũng phản đối thái độ của Hoa Kỳ về Hong Kong.
Tuần qua, một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập phó đại sứ Mỹ Robert Forden tới để phản đối việc Washington lên án dự luật dẫn độ Hong Kong.
Cho tới tuần trước báo chí Trung Quốc gợi ý rằng người Hong Kong “bị các thế lực nước ngoài” khuấy động.
Không chỉ chính phủ Mỹ, mà lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Quốc hội, bà Nancy Pelosi cũng đã lên tiếng nói Trung Quốc “đang làm suy yếu dân chủ ở Hong Kong”.
Tháng 5 vừa qua, bà Pelosi cũng đón bà Anson Chan, cựu thư ký Hội đồng Điều hành Hong Kong (thời Chủ tịch Đặc khu Đổng Kiến Hoa) tới thăm Mỹ.
Bà Anson Chan tuần trước lên tiếng phê phán chính quyền của bà Carrie Lam về cách đối xử với người biểu tình.
Cũng có ý kiến từ Hong Kong, của nhà báo kỳ cựu Philip Bowring nêu hướng giải thích khác, vì sao người Hong Kong biểu tình.
Theo ông Bowring, đổ cho người nước ngoài là vô lý vì “ngoại kiều luôn có thể rời đi, còn người dân Hong Kong thì không”, nên họ đấu tranh là vì tương lại của mình.
Ông cũng nêu sự liên quan đến Đài Loan và Biển Đông trên tờ South China Morning Post.
“Nếu cuộc thảo luận ở Hong Kong bị cấm chỉ vì ai đó dám đặt câu hỏi về chủ quyền Trung Quốc, thì người ta mất bao lâu nữa, trước khi lệnh cấm như vậy sẽ áp dụng cho các vấn đề lớn hơn: Đài Loan, Tây Tạng, Biển Đông, và chỉ thảo luận không thôi cũng có bị cho là phản quốc và phê phán Đảng Cộng sản TQ bị coi là lật đổ?”
Còn về bà Carrie Lam, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, tờ Sunday Times 16/06 ở Anh cho rằng bà đã “trượt tay, làm rớt trái bóng” mà Bắc Kinh ném cho.
Báo Anh cũng nói bà Lam theo Công giáo, từng học ở Cambridge, và cả chồng bà (người Hoa) và hai con đều có quốc tịch Anh.
Đi lên từ vai trò quan chức hành chính, bà đã không tỏ ra là một lãnh đạo chính trị cho Hong Kong, theo Sunday Times.
Tờ báo này tin rằng bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) “sẽ bị Bắc Kinh loại sau một thời đoạn khả dĩ để không khó coi”, nhưng ai lên thay bà thì cũng chỉ “diễn thuê” cho Trung Quốc ở vai trò đó mà thôi.
Nhà hoạt động sinh viên nổi tiếng ở Hong Kong, Joshua Wong, sau khi ra tù hôm 17/6 đã kêu gọi bà Carrie Lam từ chức ngay.
Trả lời BBC News, Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) nói chính cách biện pháp cứng rắn của chính quyền “đang biến cả một thế hệ người bình thường ở Hong Kong thành bất đồng chính kiến”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48664523
Trung Quốc sẽ không để
Đặc khu trưởng Hong Kong từ chức
Bắc Kinh sẽ không để đặc khu trưởng Hong Kong, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, từ chức ngay cả nếu như bà này có nguyện vọng như thế.Một quan chức thân cận với vị nữ đặc khu trưởng Hong Kong đang phải đối đầu với phản đối của người dân được Reuters dẫn lời như vừa nêu vào ngày 17 tháng 6.
Nguyên văn lời của người mà Reuters cho biết tham gia và những cuộc họp trong thời gian diễn ra biểu tình chống dự luật dẫn độ tại đặc khu hành chánh Hong Kong được nêu rõ là ‘Chuyện từ chức sẽ không xảy ra.’
Lực lượng chống đối dự luật dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Hoa Lục để xét xử làm bùng nổ đợt biểu tình được cho là lớn nhất tại đặc khu này kể từ khi Anh Quốc trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Do phản đối dữ dội từ người dân, vào ngày chủ nhật 16 tháng 6, Đặc khu trưởng Hong Kong phải tuyên bố hoãn vô thời hạn việc bàn thảo dự luật này; đồng thời lên tiếng xin lỗi.
Tuy nhiên những người dân tại Hong Kong đòi hỏi bà đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức. Tin cho biết hơn 2 triệu người mặc đồ đen xuống đường biểu tình tại Hong Kong trong ngày chủ nhật 16 tháng 6 hô vang khẩu hiệu yêu cầu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức đặc khu trường.
Bất ổn tại Hong Kong nổ ra sau nhiều năm người dân đặc khu giận dữ về sự can thiệp mỗi lúc một tăng từ phía chính phủ Bắc Kinh; mặc dù đặc khu này được hưởng qui chế ‘một quốc gia, hai thể chế’ theo thỏa thuận giữa Anh và Trung Quốc khi London trao trả Hong Kong lại cho Bắc Kinh vào năm 1997.
Cũng tin liên quan Hong Kong, thủ lĩnh trẻ Hoàng Chi Phong vào ngày 17 tháng 6 ra tù ra khỏi nhà tù sau hơn 1 tháng bị tống giam vì bản án “khinh miệt phán quyết của tòa án”.
Ngay sau khi ra khỏi tù anh Hoàng Chi Phong tuyên bố : “Người Hồng Kông sẽ không im lặng trước sự đàn áp của Tập Cận Bình!”
Anh tuyên bố bất kể chuyện gì xảy ra cũng sẽ sớm trở lại để tham gia vào cuộc biểu tình của người dân Hong Kong chống lại dự thảo luật dẫn độ
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-lam-no-step-down-06172019111352.html
Trung Quốc: Gia tăng đột kích
nhắm vào người đào tẩu Bắc Hàn
Ít nhất 30 người trốn thoát khỏi Bắc Hàn đã bị vây bắt trong một loạt các cuộc đột kích khắp Trung Quốc kể từ giữa tháng 4/2019, thân nhân của họ và các nhóm hoạt động cho biết.Một thập kỷ sau khi bỏ lại gia đình để chạy trốn khỏi Bắc Hàn, một người đào thoát xúc động khi bà gọi điện cho con trai 22 tuổi lần đầu vào tháng 5/2019 sau khi anh này cũng trốn sang Trung Quốc.
Người đào tẩu Bắc Hàn bị bắt cóc?
Số phận của những quan chức Bắc Hàn đào tẩu
Những phụ nữ Bắc Hàn trốn khỏi ngành nô lệ tình dục
Tin tặc lấy được dữ liệu của người đào tẩu Bắc Hàn
Theo Reuters, trong khi nói chuyện với con trai qua điện thoại những ngày sau đó, bà hoảng hốt khi biết căn “nhà an toàn” nơi con trai bà và bốn người đào thoát khác đang ẩn náo bị chính quyền Trung Quốc đột kích.
“Tôi nghe thấy những tiếng nói, có người nói “im mồm” bằng tiếng Trung,” người phụ nữ này nói với điều kiện ẩn danh để bảo vệ sự an toàn của con trai. “Sau đó, đường dây bị cắt đứt, và tôi nghe nói sau đó con tôi đã bị bắt.”
Người phụ nữ, hiện đang sống ở Nam Hàn, cho biết bà nghe đồn rằng con trai mình đang bị giam tại một nhà tù Trung Quốc gần biên giới Bắc Hàn, nhưng không có tin chính thức.
Ít nhất 30 người trốn thoát khỏi Bắc Hàn đã bị vây bắt trong một loạt các cuộc đột kích khắp Trung Quốc kể từ giữa tháng 4/2019, thân nhân của họ và các nhóm hoạt động cho biết.
Không rõ liệu đây có phải là một phần trong cuộc đàn áp lớn hơn của Trung Quốc hay không, nhưng giới hoạt động nói rằng các cuộc đột kích đã phá vỡ mạng lưới môi giới không chính thức, các tổ chức từ thiện và người trung gian được gọi là “Đường sắt ngầm”.
Y.H.Kim, chủ tịch của Hiệp hội Nhân quyền Người tỵ nạn Bắc Hàn, nói: “Việc trấn áp này khá nghiêm trọng.”
‘Bầu cử’ ở Bắc Hàn nghĩa là gì?
Bắc Hàn nói gì về vụ sứ quán ở Madrid bị đột nhập?
Nhân quyền của Bắc Hàn: Điều Trump-Kim không bàn tới
Điều đáng lo ngại nhất đối với giới hoạt động là các vụ bắt giữ xảy ra cách xa biên giới Bắc Hàn và gồm các cuộc đột kích nhắm vào ít nhất hai ngôi “nhà an toàn”.
“Đột kích “nhà an toàn”? Tôi chỉ thấy hai hoặc ba lần,” Kim nói. Người này rời Bắc Hàn năm 1988 và đóng vai trò người trung gian trong 15 năm qua, kết nối các nhà tài trợ với các nhà môi giới giúp đỡ người đào thoát.
“Bạn bị có thể bị bắt trên đường, trong lúc di chuyển. Nhưng bị bắt tại “nhà an toàn” thì rất hiếm.”
“Các vụ bắt giữ gia tăng có thể do nhiều yếu tố, gồm tình trạng kinh tế xấu đi ở Bắc Hàn khiếnTrung Quốc lo ngại về làn sóng người tỵ nạn,” Kim Seung-eun, mục sư tại Nhà thờ truyền giáo Seoul, nói.
“Hồi thập niên 1990, khi nạn đói diễn ra ở Bắc Hàn, có tới nửa triệu người đào thoát đã đến Trung Quốc,” ông Kim nói. “Những vụ bắt giữ mới đây cho thấy Trung Quốc muốn ngăn chặn điều này xảy ra một lần nữa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48605530
TQ cùng lúc phải đối mặt với hai thách thức lớn
liên quan “lợi ích cốt lõi”
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra quyết liệt, Trung Quốc lại phải đối mặt với hai thách thức liên quan đến hai vấn đề mà nước này xác định là “lợi ích cốt lõi” không thể mặc cả, gồm Đài Loan và Hong Kong.Sự mở rộng can dự và giao thiệp của Mỹ đối với Đài Loan
Mỹ được xem là đang xúc tiến việc cung cấp hợp đồng vũ khí trị giá đến trên 2 tỉ USD cho Đài Loan, bao gồm việc bán xe tăng M1A2 Abrams của tập đoàn Gerneral Dynamics Corp, các loại đạn chống tăng, đạn phòng không Raytheon Co, tên lửa Javelin, tên lửa chống tăng TOW và tên lửa đất đối không vác vai. Đài Loan hiện đang rất quan tâm tới việc làm mới các loại xe tăng chiến đấu của mình do Mỹ sản xuất, trong đó có xe tăng M60 Patton. Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Mỹ luôn cam kết cung cấp cho Đài Loan vũ khí để tự vệ, giúp hòn đảo này nâng cao khả năng chiến đấu cũng như củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹvà Đài Loan.
Rõ ràng, với Mỹ thì Đài Loan là nhân tố quan trọng trong cuộc chơi địa chính trị trước đối thủ Bắc Kinh. Điều này trở thành thách thức trực tiếp cho Trung Quốc đại lục khi nước này vẫn nhiều lần nhấn mạnh Đài Loan là một “lợi ích cốt lõi”. Chính vì thế, chính sách đối với Đài Loan mà Mỹ đang theo đuổi có thể cũng ẩn chứa thách thức ngược lại cho Washington vì Bắc Kinh có thể phản ứng mạnh để trả đũa, khiến quan hệ hai bên thêm căng thẳng. Hồi tháng 3/2019, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, Washington đã phản ứng tích cực với các yêu cầu của Đài Bắc về việc bán vũ khí mới để tăng cường phòng thủ trước áp lực từ Trung Quốc.Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận hoặc xác nhận việc bán hoặc chuyển nhượng vũ khí tiềm năng cho tới khi chúng được chính thức thông báo trước Quốc hội.Cơ quan quốc phòng Đài Loan xác nhận đã yêu cầu những vũ khí đó và yêu cầu này đang được tiến hành bình thường.
Tác động tất yếu của động thái mở rộng giao thiệp giữa Mỹ và Đài Loan là phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều căng thẳng. Từ ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn được giới quan sát đặt ra câu hỏi sẽ quyết định mức độ quan hệ thế nào với Đài Loan. Nay thì thỏa thuận mới cho thấy Washington dù có thể thừa nhận yêu cầu của Bắc Kinh về chính sách một Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn muốn Đài Loan đủ sức tự vệ. Bên cạnh đó, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ có nhiều chỉ dấu nâng cấp quan hệ với Đài Bắc, điển hình là đưa Đài Loan vào nhóm đối tác trong Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc công bố hồi đầu tháng.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây, Người phát ngôn Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và thận trọng xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan để ngăn chặn làm tổn hại đến quan hệ song phương, hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Tại đối thoại Shangri-La tại Singapore tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phong Hòa đã cảnh báo Mỹ không can thiệp vào các tranh chấp an ninh tại Đài Loan và Biển Đông. Khi được hỏi về kế hoạch mua vũ khí mới này, cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết, những lời đe dọa của ông Ngụy tại Shangri-La và các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc càng cho thấy tầm quan trọng trong việc củng cố năng lực quốc phòng của Đài Loan.
Làn sóng biểu tình dân chủ phản đối TQ tại Hong Kong
Âm ỉ và có khi bùng phát mạnh mẽ trước đây, hôm 9/6 một lần nữa làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc lại diễn ra dữ dội tại Hong Kong. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc xét xử. Theo hãng Reuters trích ước tính từ những người tổ chức biểu tình cho biết con số người tham gia biểu tìnhlên tới hơn nửa triệu người, lớn hơn con số 500.000 người biểu tình hồi năm 2003 phản đối chính phủ có kế hoạch thắt chặt luật an ninh quốc gia. Những người chỉ trích dự luật cho rằng dự luật sẽ khiến bất cứ người nào ở Hong Kong cũng dễ dàng bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc những sai phạm kinh doanh khó tránh và làm nguy hại đến hệ thống luật pháp bán tự trị của Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong nói rằng dự luật nhằm lấp vào những lỗ hổng trong luật hiện tại của Hong Kong bằng cách cho phép chính quyền Hong Kong được quyết định tuỳ theo từng trường hợp có gửi người đến các lãnh thổ khác hay không. Các vùng lãnh thổ này bao gồm Macau, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, vốn là những nơi chưa ký các thoả thuận dẫn độ chính thức với Hong Kong. Trong khi đó, hồi tháng trước, các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã gặp giới chức Hong Kong để bày tỏ quan ngại về dự luật này. Đại diện Mỹ cũng
đã lên tiếng phản đối dự luật và cảnh báo giới chức Hong Kong rằng dự luật có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ Mỹ – Hong Kong.
http://biendong.net/bien-dong/28737-tq-cung-luc-phai-doi-mat-voi-hai-thach-thuc-lon-lien-quan-loi-ich-cot-loi.html
Lý sự của kẻ cùn
Lý sự cùn của Trung Quốc đang thách thức cộng động quốc tếHơn một tuần trôi qua, dư luận Philippines tiếp tục sôi sục về vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gemvir-1 của Philippines, tại khu vực thuộc bãi Cỏ Rong hôm 9-6 vừa qua.
Sau vụ va chạm với tàu Trung Quốc, 22 ngư dân Philippines phải nhảy xuống biển. Những ngư dân Philippines nói rằng: nếu không có tàu Việt Nam cứu hộ, chắc chắn, mạng sống của họ đã bị đe dọa vì tàu Trung Quốc, sau hành động dã man, đã bỏ mặc mạng sống của 22 ngư dân Philippines trên biển.
Trong thông cáo được phát đi ngày 12-6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất hành vi “hèn nhát” của tàu cá Trung Quốc và những người đi trên tàu đó, vì đã bỏ mặc những ngư dân Philippines.
Đồng thời, ông Delfin Lorenzana cũng không quên cảm ơn các thủy đoàn của tàu Việt Nam đã cứu sống ngư dân của nước mình.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, thậm chí còn dùng những lời lẽ mạnh mẽ hơn khi cho rằng, hành động bỏ mặc các ngư dân Philippines của những người đi trên tàu Trung Quốc là “mọi rợ và vô cùng tàn nhẫn”.
Bình luận về hành động này, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr thì dùng cụm từ “thật đáng khinh bỉ và lên án”.
Trong khi đó, phía Trung Quốc ra sức thanh minh, thanh nga về vụ việc, cho rằng, vụ chìm tàu cá Philippines ở Biển Đông là “tai nạn thông thường”, đồng thời, la lối Manila đang âm mưu “chính trị hóa” sự việc.
Trung Quốc cũng lớn tiếng phủ nhận cáo buộc của phía Philippines về hành động “đâm tàu bỏ chạy” và đổ lỗi choPhilippines. Trong thông cáo được đưa ra tối ngày 14/6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã la lối rằng tàu cá của họ đột nhiên bị “7-8 tàu cá Philippines bao vây”, khiến tàu Trung Quốc vô tình đâm tàu Philippines, nhưng lại không thể cứu ngư dân Philippines vì… sợ các tàu xung quanh (?).
Cả hai bên đều đang chao chát. Màn đấu khẩu chưa kết thúc.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế, nhất là các bên cùng có tuyên bố đòi hỏi lợi ích ở biển Đông, trong đó có Philippines, không lạ gì cách hành xử kiểu “cả vú lấp miệngem”, dối trá, đi ngược lại sự thật lịch sử của Trung Quốc lâu nay.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng 6/2019 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã tuyên bố: “Trong suốt 70 năm qua kể từ ngày thành lập nước, Trung Quốc chưa bao giờ phát động một cuộc chiến hay xung đột, hay xâm lược quốc gia khác hay lấy dù chỉ một tấc đất của nước khác”.
Tuyên bố của ông Ngụy Phượng Hoàng thật đáng xấu hổ và không thể thuyết phục được ai.
Việt Nam- nơi vừa tổ chức kỷ niệm 40 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc tháng 2/1979 đương nhiên phản đối Trung Quốc.
Các tướng lĩnh nước này, trong đó có Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chuẩn Đô Đốc Hải quân Việt Nam, nguyên Phó Tham Mưu Trưởng kiêm Trưởng Phòng Tác chiến Quân chủng Hải quân Việt Nam giai đoạn 1988, Đại úy Võ Minh Đức, nguyên sĩ quan lục quân thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói: Trung Quốc từng xâm lược Việt Nam nhiều lần; phát biểu của ông Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ‘lôm côm’, rất xấc xược và ngang ngược, coi thường luật pháp quốc tế và người dân Việt Nam.
Còn quốc tế bình luận sao về điều này ?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore, mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn đài RFA, phân tích: Ngụy Phượng Hòa đã nói dối một cách trắng trợn. Sự thật họ đã xâm lược Việt Nam năm 1979.
Năm 1974 thì họ chiếm Hoàng Sa là xâm lược. Năm 1988 họ giết 64 người lính hải quân Việt Nam và lấy đảo, đấy là xâm lược. Họ dẹp bỏ nhà nước Tây Tạng đi, đấy cũng là xâm lược. Chỉ cần nói như thế thì cũng đủ biết họ nói dối một cách trắng trợn.
Lẽ ra, TS Hà Hoàng Hợp cần phải kể thêm sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi giữa năm 2014. Khi đó, biện minh cho hành động ngang ngược của mình, Trung Quốc cũng la lối om sòm rằng: hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 là hoạt động dầu khí bình thường của một doanh nghiệp Trung Quốc ở khu vực phía nam đảo Trung Kiến của Tây Sa (đảo Tri Tôn của Hoàng Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời lu loa: phản ứng của Việt Nam đối với sự việc này là hành động là quấy nhiễu, khiến “Trung Quốc buộc phải tăng cường lực lượng bảo vệ an ninh tại hiện trường, ngăn chặn, để duy trì trật tự sản xuất và tác nghiệp trên biển cũng như đảm bảo an toàn hàng hải”.
Còn nhớ khi đó, cộng động quốc tế đã thật bất bình và nực cười trước sự lu loa vô lối của Trung Quốc.
Trở lại với tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Tại sao tại một hội nghị tầm cỡ quốc tế như Đối thoại Shangri-La 2019, Ngụy Phượng Hòa lại có thể đưa ra tuyên bố trái ngược lịch sử như vậy?
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng:Mục đích họ hàm ý: tôi nói dối đấy, các bạn biết tôi nói dối đấy nhưng các bạn chẳng làm gì được tôi.
Lý sự của kẻ cùn ! Nhưng chỉ có điều, cái lý sự cùn ấy lại đang thách thức tất cả các nước khác và cộng đồng quốc tế.
http://biendong.net/dam-luan/28735-ly-su-cua-ke-cun.html
Trước thượng đỉnh Mỹ – Trung, Bắc Kinh muốn
‘đôi bên cùng thắng’, nhưng sẵn sàng cứng rắn
Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể muốn thỏa thuận đôi bên cùng có lợi hoặc “tranh đấu đến cùng” giữa căng thẳng thương mại với Mỹ.Theo tạp chí Qiushi (Cầu Thị), giới lãnh đạo Trung Quốc muốn thỏa thuận đôi bên cùng có lợi nhằm chấm dứt căng thẳng thương mại với Mỹ, nhưng nhấn mạnh sẽ duy trì quan điểm cứng rắn nếu cần.
Trong các bài viết, tạp chí này làm rõ quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chiến tranh thương mại với Mỹ, đưa ra các vấn đề tranh cãi thể hiện Trung Quốc đang chiếm lợi thế trong xung đột, đồng thời chất vấn ý nghĩa của việc Washington “khởi xướng tranh chấp”, tờ South China Morning Post nêu lại những ý chính.
Theo đó, Trung Quốc sẵn sàng cho mâu thuẫn kéo dài dù muốn tránh điều này vì không mang lại lợi ích cho phía nào.
Các bài viết được đăng trước thềm hội nghị G20 ở Nhật Bản với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh vẫn chưa xác nhận khả năng hai lãnh đạo sẽ gặp nhau bên lề hội nghị.
Bài viết chính dài khoảng 13.000 từ về quan hệ Mỹ – Trung đưa ra giải thích về quan điểm của đảng, phân tích khả năng mâu thuẫn sẽ dẫn đến mối quan hệ cùng thua hoặc cùng thắng, đối đầu hoặc hợp tác, đóng cửa hay mở cửa, độc quyền hay cạnh tranh, đơn phương hay đa phương.
Bài viết cũng nhắc lại việc Bắc Kinh chỉ trích chiến thuật của Washington trong 11 vòng đàm phán kết thúc vào đầu tháng 5, nhưng vẫn đề cập đến khả năng nối lại đàm phán.
Liên quan đến khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung bên lề hội nghị G20, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận cảnh báo Mỹ cần cân nhắc kỹ trước khi dùng vấn đề Hồng Kông để gây sức ép.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay Tổng thống Trump sẽ thảo luận về vấn đề trên với Chủ tịch Tập tại cuộc gặp.
“Mỹ nên hiểu một chính phủ phải làm gì để đối phó với bạo động ở bất cứ quốc gia nào có luật pháp. Làm sao có thể đạt được sự nhân nhượng của Trung Quốc trên bàn đàm phán
bằng các ủng hộ những kẻ bạo loạn”, bài báo viết. Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về bài báo trên.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28734-truoc-thuong-dinh-my-trung-bac-kinh-muon-doi-ben-cung-thang-nhung-san-sang-cung-ran.html
Tại sao TQ ngày nay không thể dẫn đầu về công nghệ?
Trung Hoa từng có một nền văn minh đi đầu về công nghệ trên mọi phương diện, từ khoa học về vũ trụ đến khoa học nhân thể, từ tư tưởng, học thuyết tới các tác phẩm triết học đa dạng hàng nghìn năm trước. Những năm gần đây, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ khiến nhiều người nhận định quốc gia này có thể trở lại vị thế cường quốc công nghệ. Đáng tiếc, cú ngã của Huawei đã khiến hàng loạt người phải nhìn nhận lại, ngay cả những quan điểm bảo thủ cũng khó lòng giữ vững lập trường.Khi thương chiến Mỹ – Trung mới manh nha, không ít người cho rằng, Trung Quốc mạnh và có thực lực về công nghệ, có dòng chảy lịch sử bảo chứng cho quốc gia này giữ vững đế chế công nghệ với những thành tựu huy hoàng của mình. Nhưng thực tế lại cho thấy, Trung Quốc đang ngày càng yếu thế một cách rõ rệt, những “thành tích” hào nhoáng chỉ là lớp vỏ ngụy trang cho một nền tảng lung lay kém vững chắc. Cho dù Trung Quốc sản xuất sản phẩm đi khắp nơi, nhưng họ lại không nắm giữ được công nghệ lõi, không tạo ra một hệ sinh thái có thể ràng buộc người dùng trên toàn thế giới.
Lối văn hóa “mì ăn liền” và chỉ chú trọng trên bề mặt của Trung Quốc hiện nay, có thể nói là đối lập hoàn toàn so với nền văn minh Hoa Hạ rực rỡ một thời. Một quốc gia muốn dẫn đầu về công nghệ cần phải khích lệ sự sáng tạo. Mà điều kiện tiên quyết để con người có thể sáng tạo và ứng dụng công nghệ là tự do tư tưởng, tín ngưỡng và chuẩn mực đạo đức cao. Cả yếu tố này đều không tồn tại dưới chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày nay, có chăng chỉ là trong lịch sử văn minh Hoa Hạ xa xưa.
Trung Quốc ngày nay không hề có cái gốc của sáng tạo – tự do tư tưởng và tín ngưỡng
Tự do tư tưởng, tín ngưỡng là gốc rễ của sáng tạo. Khi tư tưởng không bị đóng khung bởi các quan niệm cũ, bảo thủ thì sáng tạo mới nảy mầm. Tự do tín ngưỡng thúc đẩy con người tìm hiểu về quy luật nhân sinh, vũ trụ, tôn trọng và hài hòa với tự nhiên. Đó là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng sự sáng tạo. Thực tiễn cho thấy các nhà khoa học hàng đầu của thế giới, các phát minh công nghệ mang tính lịch sử của loài người đều đến từ các nhà khoa học tín Thần, những người giàu đức tin và tuyệt đối trân quý quy luật vận hành của vạn vật, của vũ trụ.
Nhưng hiện nay, Trung quốc là nơi tư tưởng con người bị khống chế mạnh mẽ nhất, nơi chính tín bị đàn áp khốc liệt nhất.
Trung Quốc dùng toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo, văn hóa, mạng lưới thông tin, tường lửa để tạo ra nội dung thông tin và tuyên truyền mà họ muốn có.
Trong lĩnh vực giáo dục, chính phủ tìm đủ phương thức để nhồi nhét hệ tư tưởng của mình vào đầu người dân, từ mầm non tới đại học. Nhiều sự kiện lịch sử đã bị chính quyền bóp méo, có thể kể đến như kháng chiến chống Nhật, chiến tranh biên giới Việt – Trung, Polpot của Campuchia, Hoàng Sa – Trường Sa thuộc Trung Quốc v.v..
Trong lĩnh vực văn hóa, chính phủ tuyên truyền về tư tưởng “dân tộc đại Hán vĩ đại”, Trung Quốc là trên hết, người Trung Quốc là trên hết (như thế là yêu nước), đánh đồng khái niệm yêu thể chế, chính trị, chính quyền là yêu nước… Việc này không khỏi khiến chúng ta nhớ đến cách mà Hitler dùng học thuyết tiến hóa để kích động người Đức tin rằng chủng tộc của họ – chủng tộc Aryan là thuần khiết, thượng đẳng, cao quý và vĩ đại nhất thế giới, họ có quyền nhục mạ, tàn sát thế giới còn lại ngoài kia…
Đáng chú ý hơn, chính quyền tìm mọi cách bưng bít thông tin, chỉ cung cấp những tin tức mà nhà nước muốn cho người dân biết. Chính quyền không ngại làm giả làm giả thông tin, ngụy tạo thông tin.
Ví như trong sự kiện “Lục Tứ” năm 1989, ĐCSTQ tuyên bố sinh viên là “côn đồ gây bạo loạn”, thẳng thừng đưa quân đội đi “dẹp bạo loạn”. Thế nhưng ngay sau cuộc thảm sát “Lục
Tứ”, chính quyền lại tuyên bố “Quân đội chưa từng nổ súng vào bất kỳ ai, quảng trường Thiên An Môn không có bất cứ thương vong nào.”
Khi đàn áp Pháp Luân Công, chính quyền dàn dựng lên cái gọi là “Tự thiêu ở Thiên An Môn” để gán cho Pháp Luân Công là tà giáo, kích động thù hận trên toàn thế giới, không ngừng tuyên truyền về vụ tự thiêu dàn dựng này, thậm chí còn đưa vào trong sách giáo khoa tẩy não học sinh.
Tại Trung Quốc, các mạng xã hội như Google hay Facebook không thể xâm nhập thị trường. Chỉ các hãng của Trung Quốc – những nền tảng công nghệ đi sau, thừa hưởng và sao chép lại các tính năng của Google, Facebook, Twitter – được phép tiếp cận thị trường hơn 1,5 tỷ dân này. Kết quả là có những cụm từ khóa tìm kiếm hoàn toàn không ra kết quả chính xác khi bạn dùng ứng dụng này. Chẳng hạn, khi bạn tìm kiếm từ khóa “Thảm sát Thiên An Môn” thì hình ảnh ghê sợ về vụ thảm sát sẽ không xuất hiện, chỉ hiện ra hình ảnh đất nước Trung Quốc tươi đẹp mà thôi.
Sự phát triển công nghệ của Trung Quốc không dựa trên chuẩn mực đạo đức cao – bởi thế nền tảng bảo vệ cho thành quả sáng tạo không còn
Ở Trung Quốc cổ đại, khoa học và công nghệ rất tiên tiến. Trung Quốc từng rất tiên tiến và đi trước thời đại. Trung Quốc từng có kiến thức chuyên môn rộng lớn trong các ngành y dược, nông học, thiên văn học, xây dựng và thủ công nghiệp, bao gồm làm gốm, dệt, in, sản xuất đồ thủ công và chế biến thực phẩm… Trung Quốc có những phát minh đi đầu nhân loại, chẳng hạn như la bàn, thuốc súng, nghề làm giấy hay nghề in. Tuy nhiên, với người Trung Quốc cổ mà nói, đây là chỉ “thuật”, liên quan đến những thứ như là “phương thuật”, “thuật số” và “kỹ thuật”… Cái mà họ chú trọng hơn cả là “Đạo”, phải nhìn nhận rõ đâu là căn bản của sự vật, đâu là khởi nguyên của sự vật; đâu là nguyên nhân, nguyên nhân đưa đến kết quả gì.
Trung Quốc có những phát minh đi đầu nhân loại.
Các phát minh sáng tạo và nghiên cứu cơ bản đều phải tĩnh tâm xuống để làm, phải dựa vào sự hứng thú, nghị lực, sự cống hiến lâu dài, đòi hỏi phải có một môi trường lớn mà tâm thái người dân trầm ổn. Để sáng tạo nảy mầm và phát triển, người sáng tạo nhất định phải có lòng tự trọng, tôn trọng, biết lắng nghe, và đặc biệt là sự sáng tạo của họ phải được tôn trọng và được bảo vệ thích đáng. Bởi vậy mới nói rằng, nền tảng cho sáng tạo là chuẩn mực đạo đức cao, thể hiện ở mức thấp nhất là chuẩn mực của khuôn khổ pháp luật, ở một thể chế thượng tôn pháp luật, một xã hội coi trọng các chuẩn mực, phẩm giá của con người chứ không phải là tìm kiếm lợi nhuận bằng các thủ đoạn tàn khốc từ “giả dối – độc ác – tranh đấu”.
Thời điểm ĐCSTQ lên cầm quyền đã bắt đầu quá trình phát triển kinh tế xã hội khá muộn. Để có thể bắt kịp các nước phát triển, nhà cầm quyền theo khuynh hướng bắt chước công nghệ của các nước tiên tiến thông qua việc: (i) cưỡng ép chuyển giao công nghệ (Trung quốc đưa vào Luật đầu tư về điều kiện này); (ii) nuôi dưỡng mạng lưới gián điệp công nghệ để ăn cắp công nghệ trên khắp toàn cầu; (iii) chấp nhận hàng nhái, hàng giả và luật hóa việc này khiến mọi thương hiệu lớn nhất trên thế giới đều không thể cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái khi kinh doanh tại quốc gia này. Mặc dù việc bắt chước công nghệ có thể tạo ra sự tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, nhưng nó lại gây nên nhiều rủi ro tiềm ẩn hoặc thậm chí thất bại trong việc phát triển dài hạn bởi vì nó triệt tiêu sáng tạo.
Các mục tiêu phát triển kinh tế của chính quyền đã dẫn đến hệ quả là người dân Trung Quốc bị bức ép đến mức chỉ để tâm vào kiếm tiền cho nhanh, đầu cơ trục lợi, giở mọi mánh khóe, làm không được thì trộm. “Trộm kỹ thuật” đã trở thành một nghề nghiệp chính đáng “cao cấp”, hoàn toàn không có cảm giác xấu hổ về đạo đức của người Hoa Hạ “lễ nghi chi bang” nữa.
Theo báo cáo công bố năm 2017 của Ủy ban bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, Trung Quốc mỗi năm gây thiệt hại cho Mỹ từ 225 – 600 tỷ USD thông qua việc làm hàng giả, phần mềm lậu và ăn cắp bí mật công nghiệp của Mỹ, thống kê trên chưa bao gồm việc vi phạm quyền sáng chế phổ biến ở Trung Quốc. Báo cáo còn nêu, trong ba năm qua Mỹ đã thiệt hại 1200 tỷ USD do bị đánh cắp sở hữu trí tuệ, phần lớn do Trung Quốc gây ra. Báo cáo tháng 11/2015 của văn phòng Cục tình báo quốc gia Mỹ cho thấy hoạt động gián điệp kinh tế của hacker máy tính gây thiệt hại cho Mỹ 400 tỷ USD mỗi năm, 90% hoạt động gián điệp đến từ Trung Quốc.
Quay trở lại mà nói, dựa vào làm giả làm nhái, trộm cắp chắp vá lung tung thì chắc chắn không thể tạo nên một hệ thống khoa học kỹ thuật hoàn chỉnh được.
Không quá khi nói rằng sự suy thoái về đạo đức trong lĩnh vực học thuật có thể nói đã chặn đứng con đường sáng tạo khoa học công nghệ kỹ thuật của người Trung Quốc.
Tháng 3/2015, nhà xuất bản BMC của Anh đã thu hồi 43 bài luận văn giả, trong đó có 41 bài là của các học giả đến từ Trung Quốc.
Tháng 8/2015, nhà xuất bản học thuật nổi tiếng Springer Nature của Đức thu hồi 64 bài luận văn giả, toàn bộ những bài này là của Trung Quốc.
Tháng 10/2015, nhà xuất bản học thuật nổi tiếng Elsevier thu hồi 9 bài luận văn đăng trên 5 loại tập san, toàn bộ luận văn này cũng của học giả Trung Quốc.
Ngày 20/4/2017, tạp chí Springer của Đức đã tiêu hủy một loạt 107 bài viết đến từ Trung Quốc đăng trên tập san Tumor Biology từ năm 2012 đến 2016, những bài viết này bị nghi là làm giả từ khâu đánh giá đến thẩm định, việc làm giả này là có hệ thống và có tổ chức.
Trung Quốc ngày nay, dễ nhận thấy con đường mà họ giỏi nhất chính là đánh cắp công nghệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Ngày 26/9/2018, Nhật báo Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ công bố 4 thủ đoạn chính mà Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Bao gồm:
Gây sức ép với đối tác Mỹ trong công ty liên doanh Trung – Mỹ từ bỏ công nghệ của họ;
Sử dụng tòa án tuyên bố bằng sáng chế của công ty Mỹ không hợp lệ;
Dùng danh nghĩa điều tra chống độc quyền và qua đó tịch thu các tài liệu công nghệ của công ty Mỹ;
Yêu cầu công ty Mỹ cung cấp chi tiết các công thức hoặc quy trình sản xuất cho các chuyên gia Trung Quốc để xem xét, nhưng những công nghệ này nhanh chóng rơi vào tay các công ty Trung Quốc.
Dù vậy, Trung Quốc vốn không dẫn dắt về công nghệ, nên thành tựu luôn đi sau, luôn không có đột phá. Nhiều năm qua, người ta vẫn luôn băn khoăn, vì sao hơn mấy chục năm mở cửa phát triển mà Trung Quốc chưa tạo ra được một thương hiệu quốc tế nổi tiếng nào? Vì sao những phần cốt lõi của các sản phẩm được mệnh danh là cao cấp có sở hữu độc quyền phần lớn đều dựa vào nhập khẩu? Vì sao những chi tiết nhỏ như bu-lông của hàng không mẫu hạm, máy bay quân sự, đường sắt cao tốc đều phải nhập khẩu?
Nói gần hơn nữa, nền tảng cuộc cách mạng công nghệ thông tin 4.0 chính là hệ sinh thái công nghệ, tức là môi trường để các nền tảng công nghệ khác ứng dụng trên đó. Như vậy, quốc gia nào sở hữu hệ sinh thái công nghệ thì quốc gia đó có lợi thế về công nghệ thông tin. Khi Huawei ăn cắp công nghệ sản xuất smartphone cao cấp, về chip, về máy tính… nhưng lại phụ thuộc vào hệ sinh thái công nghệ do Mỹ dẫn đầu và phụ thuộc vào nền tảng công nghệ bán dẫn cho Nhật dẫn đầu (khi sản xuất chip) nên Huawei khó có thể tồn tại.
Con đường nào cho công nghệ và trí tuệ Hoa Hạ thăng hoa trở lại?
Người Trung Quốc thông minh, cần cù và chưa bao giờ ngừng nỗ lực để tồn tại, để sáng tạo. Dù sự sáng tạo của họ đang bị kìm hãm bởi vô vàn rào cản hữu hình và vô hình. Nhưng một khi có cơ hội, họ nhất định sẽ đạt được những thành tựu công nghệ mà họ đã từng có và xứng đáng có.
Để một lần nữa quay lại đỉnh cao của thế giới về công nghệ, Trung Quốc buộc phải trở thành một quốc gia khích lệ sáng tạo. Trung Quốc có quyền mơ ước và có thể mơ ước về điều đó. Nhưng để đạt được điều ấy, chính quyền và nhân dân Trung Quốc phải lựa chọn gỡ bỏ triệt để rào cản sáng tạo đang tồn tại. Hãy học chính tổ tiên của họ về tự do tư tưởng và tôn giáo, về tuyên dương chữ Đức trong mọi hành vi, hoạt động, khuôn khổ pháp lý của mình. Nhưng điều này chẳng khác gì với việc phải thay đổi tận gốc rễ thể chế chính trị mà họ đang bảo hộ. Sự thay đổi này cũng phải hy sinh lợi ích của nhóm cầm quyền.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28725-tai-sao-tq-ngay-nay-khong-the-dan-dau-ve-cong-nghe.html
Chủ tịch TQ thăm Triều Tiên
theo lời mời của lãnh tụ Kim
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thực hiện chuyến công du hai ngày đến Triều Tiên từ 20/6, Reuters dẫn truyền thông hai nước loan tin hôm 17/6.Ông Tập sẽ trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên công du Triều Tiên trong vòng 14 năm.
“Cả hai bên sẽ trao đổi quan điểm về tình hình bán đảo (Triều Tiên) và thúc đẩy tiến bộ mới trong quyết tâm chính trị về vấn đề bán đảo,” phát thanh viên của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho biết trong một bản tin phát sóng buổi tối 17/6.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, chuyến thăm của ông Tập diễn ra theo lời mời của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Sau hội nghị thượng đỉnh bất thành giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và ông Kim tại Hà Nội hồi đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã nối lại một số cuộc thử nghiệm vũ khí và cảnh báo “về những hậu quả thực sự không mong muốn,” nếu Hoa Kỳ không linh hoạt hơn.
Chuyến thăm của ông Tập tới Triều Tiên khởi động một loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao quanh bán đảo Triều Tiên, với việc ông Trump sẽ tới thăm đồng minh Hàn Quốc sau hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này tại Osaka, Nhật Bản.
Dinh Tổng thống Hàn Quốc hôm 17/6 nói rằng Tổng thống Moon Jae-in và ông Tập sẽ tổ chức một cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 này.
Kể từ tháng 3/2018 cho đến nay, ông Kim đã thực hiện bốn chuyến thăm đến Trung Quốc, cũng theo CCTV.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc gần nhất đến Triều Tiên là ông Hồ Cẩm Đào, thăm Bình Nhưỡng vào năm 2005.
https://www.voatiengviet.com/a/chu-tich-tq-tham-trieu-tien-theo-loi-moi-cua-lanh-tu-kim/4962109.html
Philippines đưa vụ tàu cá lên Liên Hiệp Quốc
Philippines hồi cuối tuần qua đã quyết định đưa vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong hôm 9/6 lên Liên Hiệp Quốc, đề nghị đặt ưu tiên trong việc bảo vệ ngư dân trên biển.Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Teodoro Locsin, viết trên tài khoản Twitter của mình rằng ông đã ủy quyền cho đại sứ quán Philippines ở London gửi đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế của UN (IMO). Bộ trưởng Locsin đồng thời công bố thông báo của chính phủ Philippines gửi IMO, khẳng định 22 ngư dân Philippines đã bị bỏ mặc và có thể đã thiệt mạng nếu không có sự trợ giúp của một tàu cá Việt Nam sau đó.
Sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc tàu cá Philippines giữa biển, chính phủ Philippines cũng đã gửi công hàm ngoại giao phản đối đến Trung Quốc.
Tuy nhiên phía Trung Quốc khẳng định việc đâm chìm tàu là không cố ý và bác bỏ thông tin rằng tàu Trung Quốc đã cố ý bỏ mặc ngư dân Philippines mà không cứu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-turns-to-un-06172019085816.html
Sau tuyên bố dậy sóng của BNG TQ,
đến lượt quan chức Philippines
có tuyên bố “lạ lùng” về vụ tàu cá bị đâm chìm
Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Emmanuel Piñol ngày hôm nay (17/6) đã tuyên bố rằng vụ tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm “chỉ cần được giải quyết ở cấp Bộ là đủ”.Việc tàu cá Philippines bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông hôm 9/6 là “một tai nạn trên biển đơn giản” đang bị “thổi phồng”, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Emmanuel Piñol tuyên bố ngày hôm nay (17/6), ABS-CBN đưa tin.
Tàu cá Philippines đã neo đậu gần bãi Cỏ Rong khi bị tàu cá Trung Quốc đâm trúng, khiến chiếc tàu bị chìm và 22 thuyền viên phải lênh đênh trên biển trong nhiều giờ trước khi được
tàu cá Việt Nam giải cứu, theo thông cáo của Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Delfin Lorenzana.
Các thuyền viên “không có lời than phiền nào” về Tổng thống Rodrigo Duterte – người cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận công khai nào về vụ va chạm ngày 9/6, Bộ trưởng Nông nghiệp Piñol nói với phóng viên của đài ABS-CBN.
“Tôi không hiểu tại sao mọi người lại kéo Tổng thống [Duterte] vào vụ việc này. Theo quan điểm của Bộ Nông nghiệp chúng tôi, thì đây chỉ là một tai nạn trên biển đơn giản, và chỉ cần được giải quyết ở cấp Bộ là đủ”, quan chức này khẳng định.
“Tôi không hiểu vì sao mọi người lại thổi phồng chuyện này lên quá mức như thế”, ông Piñol nói thêm.
Vị Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines cũng đã nhắc tới một số bài đăng và bình luận trên mạng xã hội cho rằng vụ việc được “dàn dựng” nhằm khiến căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc leo thang. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ giả thuyết này, và cho rằng đó là “chuyện tưởng tượng, hoang đường”.
Được biết, vào sáng ngày hôm nay (17/6), Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã có cuộc trò chuyện với thuyền trưởng tàu cá GEM-VIR1 và thuyền viên phụ trách việc nấu ăn trên tàu này, ông Richard Ablaza. Theo thông tin của ABS-CBN, ông Ablaza là thuyền viên duy nhất còn thức trước khi chiếc tàu bị đâm.
“Tôi không nghi ngờ lời kể của ông ấy, vì ông ấy được gì khi nói dối cơ chứ? Tôi tin vào câu chuyện của ngư dân đó”, ông Piñol nói.
“Cho dù hành động đâm tàu là cố ý hay vô tình, thì vụ việc này vẫn cần được điều tra rõ ràng”, vị Bộ trưởng này cho biết.
Trước đó, hai trong số các thuyền viên của tàu GEM-VIR1 cho biết họ đã phải lênh đênh trên biển khoảng 2 tiếng đồng hồ trước khi được tàu cá Việt Nam giúp đỡ.
Chủ sở hữu chiếc tàu cá vừa bị đâm chìm cho biết người này đã mất số hải sản trị giá 700.000 peso (gần 315 triệu VND) và khoản đầu tư trị giá 500.000 peso (gần 225 triệu VND), theo lời ông Piñol.
Tổng thống Duterte không thường xuyên nhắc đến vấn đề tranh chấp trên biển với Bắc Kinh, do ông muốn có được những khoản đầu tư từ nền kinh tế lớn số 2 thế giới, ABS-CBC cho hay.
Tuy nhiên, tháng trước, ông này đã bất ngờ có phát ngôn cứng rắn đối với Trung Quốc: “Tôi yêu Trung Quốc… nhưng chúng tôi cần hỏi cho rõ, ‘Liệu một quốc gia tuyên bố chủ quyền với cả một vùng biển có đúng đắn hay không?”
http://biendong.net/bi-n-nong/28742-sau-tuyen-bo-day-song-cua-bng-tq-den-luot-quan-chuc-philippines-co-tuyen-bo-la-lung-ve-vu-tau-ca-bi-dam-chim.html
Tiết lộ câu nói của quan chức Philippines về TQ
khiến thuyền trưởng tàu cá bị đâm chìm
bỏ cuộc gặp với TT Duterte
Báo ABS-CBN cho biết thuyền trưởng tàu cá Philippines bị đâm chìm đã quyết định không đến dự cuộc gặp với Tổng thống Duterte sau khi nhận được cuộc điện thoại bất ngờ từ vợ mình.Truyền thông Philippines vừa qua đã đồng loạt đưa tin về việc thuyền trưởng tàu cá GEM-VIR1 bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông hôm 9/6 bất ngờ từ chối gặp gỡ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại dinh Tổng thống Malacañang.
Cụ thể, theo báo Rappler, ngày hôm nay (17/6), trong khi đang trên đường tới dinh Tổng thống Malacañang để tới gặp Tổng thống Duterte, thì thuyền trưởng Junel Insigne đã bất ngờ đổi ý và yêu cầu những người hộ tống (trong đó có các quan chức cấp cao của cục Thủy sản và Tài nguyên Thủy sản Philippines) cho ông quay về nhà.
Một quan chức của cục này đã tiết lộ với Rappler rằng, trong một trao đổi qua điện thoại trướng đó, thuyền trưởng Insigne đã bày tỏ sự sợ hãi rằng mình có thể bị bắt khi tới điện Malacañang.
Tuy nhiên, báo ABS-CBN đã trao đổi với vợ của thuyền trưởng Insigne và nhận được lời giải thích khác về quyết định bất ngờ trên.
Cụ thể, theo ABS-CBN, khi ông Insigne cùng các quan chức cục Thủy sản đang trên đường tới thị trấn lân cận để đi tàu tới Manila, thì ông này đã nhận được một cuộc điện thoại yêu cầu trở về nhà từ vợ mình. Được biết, vợ ông Insigne đã gọi điện cho ông ngay khi hay tin cuộc họp khẩn cấp với nội các của Tổng thống Duterte bất ngờ bị hủy bỏ.
Bà này không tiết lộ thêm chi tiết về cuộc nói chuyện với chồng mình, tuy nhiên trước đó vợ chồng ông Insigne từng chia sẻ rằng họ cảm thấy mất tinh thần vì một câu nói của Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi hôm 16/6 vừa qua.
Theo lời kể của ông Insigne, trong một cuộc họp kín với các thuyền viên của tàu cá GEM-VIR1, Bộ trưởng Cusi đã nói với họ rằng vụ va chạm có thể không phải là hành động có chủ ý, bởi chỉ có phần đuôi tàu bị đâm.
22 thuyền viên của tàu cá GEM-VIR1 đã được một tàu cá Việt Nam giải cứu sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, và đã được hải quân Philippines đưa về đất liền an toàn hôm thứ 6 (14/6) vừa qua.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã mở cuộc điều tra về vụ tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 9/6, vụ việc mà phát ngôn viên của Tổng thống Duterte đã chỉ trích mạnh mẽ là hành động “dã man và gây phẫn nộ”.
Cho đến nay, Tổng thống Duterte vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận công khai nào về vụ việc này. Tuy nhiên, tháng trước, ông từng chỉ trích hành vi của Trung Quốc trong một bài phát biểu của mình: “Tôi yêu Trung Quốc… nhưng chúng tôi cần hỏi cho rõ, ‘Liệu một quốc gia tuyên bố chủ quyền với cả một vùng biển có đúng đắn hay không?”
Ngoại trưởng Philippines cũng cho biết ông đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc sau khi vụ va chạm xảy ra.
Hôm thứ 5 tuần trước, phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra phát ngôn chính thức về vụ việc ngày 9/6, trong đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng tuyên bố đó chỉ là “một tai nạn trên biển thông thường”, đồng thời còn chỉ trích Manila đang “chính trị hóa vụ tai nạn khi chưa có thông tin xác minh rõ ràng”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/28741-tiet-lo-cau-noi-cua-quan-chuc-philippines-ve-tq-khien-thuyen-truong-tau-ca-bi-dam-chim-bo-cuoc-gap-voi-tt-duterte.html
Philippines muốn xét xử
thủy thủ đoàn TQ đâm chìm tàu cá ở Biển Đông
Philippines cho rằng cần phải trừng phạt tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu nước họ hôm 9/6 và bày tỏ thất vọng khi Bắc Kinh không hành động.“Chúng tôi kịch liệt lên án hành động vô trách nhiệm của thủy thủ đoàn Trung Quốc, bày tỏ sự thất vọng sâu sắc nhất trước việc chính phủ Trung Quốc từ chối thừa nhận tội lỗi của những người làm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc thủy thủ đoàn Philippines”, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo ngày 16/6 ra tuyên bố.
“Những người liên quan phải chịu trách nhiệm theo các hiệp ước quốc tế và luật pháp Philippines”, bà nói thêm. “Chúng tôi thúc giục Bộ Ngoại giao yêu cầu chính phủ Trung Quốc tìm ra những người phải chịu trách nhiệm và công nhận quyền tài phán của Philippines, để các thủy thủ bị xét xử tại tòa án của chúng tôi”.
Tàu Trung Quốc Yuemaobinyu 42212 đâm chìm tàu cá Philippines Gemvir-1 tại bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đêm 9/6. Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila nói rằng tàu Yuemaobinyu 42212 bị nhóm tàu Philippines bao vây và đâm phải tàu Gemvir-1 trong lúc tháo chạy. Thuyền trưởng Trung Quốc muốn cứu các ngư dân Philippines nhưng sợ bị bao vây và chỉ rời đi sau khi thấy nhóm ngư dân được một tàu Philippines khác giải cứu, không có chuyện “đâm rồi bỏ chạy”.
Thông tin từ phía Trung Quốc mâu thuẫn với lời kể của các thuyền viên Philippines rằng họ được tàu cá Việt Nam cứu. Đại tá Jonathan Zata, phát ngôn viên hải quân Philippines, hôm 15/6 khẳng định không có tàu Philippines nào khác trong khu vực vào thời điểm Gemvir-1 bị đâm chìm và tàu cá Việt Nam đã giải cứu ngư dân nước này.
Manila ngày 13/6 yêu cầu Bắc Kinh điều tra sự việc và trừng phạt thích đáng thủy thủ đoàn Trung Quốc, gọi hành động bỏ chạy và bỏ mặc ngư dân là “vô nhân đạo”. Philippines đã đệ trình sự việc lên Tổ chức Hàng hải quốc tế của Liên Hợp Quốc (IMO) và kêu gọi các thành viên Liên Hợp Quốc quan tâm hơn nữa đến việc bảo đảm tính mạng cho ngư dân trong những tai nạn hàng hải.
http://biendong.net/bi-n-nong/28717-philippines-muon-xet-xu-thuy-thu-doan-tq-dam-chim-tau-ca-o-bien-dong.html
Ông Duterte yêu cầu TQ rút khỏi đảo Thị Tứ
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu Trung Quốc hãy rời đảo Thị Tứ và gọi sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo là bất hợp pháp.Ông Duterte nói tuyên bố của mình không phải là một lời cảnh báo mà là một lời khuyên với Bắc Kinh. Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Philippines gọi sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ là bất hợp pháp.
“Tôi không nài ép hay cầu xin, tôi chỉ nói Trung Quốc rời đảo Pagasa vì chúng tôi có binh lính ở đây. Nếu Trung Quốc xâm phạm hòn đảo thì sẽ là một câu chuyện khác. Tôi sẽ ra lệnh cho quân đội ‘chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ cảm tử’ trong trường hợp đó”, – ông Duterte nói trong bài phát biểu. Pagasa là cách người Philippines sử dụng để gọi đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tổng thống Duterte, người thúc đẩy mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi năm 2016, từng nhiều lần nói rằng ông sẽ không gây chiến với Bắc Kinh bởi điều này chẳng khác gì “tự sát”. Tuy nhiên, Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, cho biết Manila đã trao công hàm phản đối tới Bắc Kinh về sự hiện diện của các tàu gần đảo Thị Tứ.
Thời gian gần đây, Quân đội Philippines thường xuyên cáo buộc sự hiện diện của một lượng lớn tàu, thuyền Trung Quốc gần khu vực đảo Thị Tứ, động thái khiến Manila đặt câu hỏi về ý định của Trung Quốc và ra công hàm phản đối.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, không nhắc trực tiếp đến sự phản đối của Manila mà cho biết đàm phán song phương về Biển Đông được tổ chức ở Philippines ngày 3/4 đã diễn ra trên tinh thần “thẳng thắn, thân thiện và xây dựng”. Cả hai bên tái khẳng định các vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bằng biện pháp đối thoại giữa các bên trực tiếp liên quan, ông này nói.
Thị Tứ là đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa về diện tích tự nhiên. Trung Quốc và Philippines nhiều năm qua tranh chấp và đòi tuyên bố chủ quyền với hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện Philippines đang chiếm đóng trái phép hòn đảo này.
Liên quan tới việc các nước trong khu vực tranh chấp và chiếm đóng trái phép các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với các đảo trong quần đảo Trường Sa. Mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là hành vi xâm chiếm trái phép và vi phạm luật pháp quốc tế.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28722-ong-duterte-yeu-cau-tq-rut-khoi-dao-thi-tu.html
0 comments