Tin khắp nơi – 20/06/2019
Thursday, June 20, 2019
9:19:00 PM
//
- TinThế giới
,
Slider
Tổng thống Trump: Áp thuế với hàng TQ,
Mỹ bỏ túi 500 tỷ USD mỗi năm
Nhà lãnh đạo Mỹ cam kết sẽ không để thiệt “dù chỉ 10 cent” trong giao dịch thương mại với Trung Quốc.“Chúng ta sẽ có thêm khoản tiền 500 tỷ USD mỗi năm, các bạn có tưởng tượng được không, đó là 500 tỷ USD”, – Tổng thống Donald Trump khẳng định trước những người ủng hộ trong bài phát biểu vận động tranh cử tại bang Florida tối 18/6 (giờ địa phương), đồng thời tuyên bố trong giao dịch thương mại với Trung Quốc, Mỹ sẽ quyết không để thiệt “dù chỉ 10 cent”.
Ở một khía cạnh khác, ông Trump cũng dành lời khen và gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là “một vị Chủ tịch tuyệt vời”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng “việc có một thỏa thuận với Trung Quốc là tốt, nhưng nếu không có cũng vẫn tốt”.
Theo ông Trump, các công ty Mỹ đang phải rời khỏi Trung Quốc là do không có được những điều kiện kinh doanh thuận lợi, cũng như việc tỷ giá của đồng tiền quốc gia Trung Quốc – đồng Nhân dân tệ – đang quá thấp. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định “sẽ không cho phép Trung Quốc đánh cắp công nghệ , cũng như việc làm ở Mỹ”.
Cũng trong buổi vận động tranh cử, ông Trump có đề cập đến việc ông đã có cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình vào hôm thứ Ba, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có dịp tọa đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh đến việc ông Trump tuyên bố “phía Mỹ đang rất quan tâm đến mối quan hệ kinh tế – thương mại Mỹ-Trung” và bày tỏ hy vọng rằng các phái đoàn thương mại của hai nước sẽ nối lại đàm phán để tìm ra giải pháp cho các vấn đề hiện nay. Bản thân ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố sẵn sàng tọa đàm với ông Trump.
Trong tuần trước, Tổng thống Trump có nói rằng ông sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa 300 tỷ USD còn lại của Trung Quốc, nếu trong tiến trình Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại Nhật Bản, cuộc tọa đàm giữa ông với Chủ tịch Tập Cận Bình không diễn ra.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump cam kết rằng lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hiện chưa phải chịu thuế bổ sung của Mỹ có thể sẽ bị áp thuế ở mức 25% hoặc “cao hơn đáng kể”. Trước đó, ông cũng đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ mức 10% lên 25%.
http://biendong.net/diem-tin/28829-tong-thong-trump-ap-thue-voi-hang-tq-my-bo-tui-500-ty-usd-moi-nam.html
Mỹ dọa can thiệp sau vụ tàu cá Philippines bị đâm chìm,
chuyên gia TQ lên án gay gắt: Có ý đồ phá hoại!
Một nhà nghiên cứu có tên Chen Xiangmiao bình luận rằng phía Mỹ đã “phóng đại vụ va chạm” giữa tàu cá Trung Quốc và tàu cá Philippines, Thời báo Hoàn cầu viết.Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Emmanuel Pinol shows a June 10 photo of the damaged Filipino fishing boat F/B GEM-VER after it was hit by a Chinese vessel at the Recto bank during a press conference on June 17, 2019.
“Những phát biểu thiếu trách nhiệm của phía Mỹ về vụ tai nạn đâm tàu xảy ra giữa tàu cá Trung Quốc và tàu cá Philippines đã cho thấy rõ nước này có ý đồ muốn phá hoại” mối quan hệ của Trung Quốc với Philippines nói riêng và các quốc gia trong khu vực nói chung, cũng như “gây bất ổn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, tờ Thời báo Hoàn cầu – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia nước này.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim đã tuyên bố về khả năng Mỹ ra tay can thiệp sau vụ tàu cá Philippines bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông hôm 9/6 vừa qua.
Cụ thể, theo lời ông Kim, thì cái được gọi là “sự cố va chạm” giữa tàu cá 2 nước Trung Quốc – Philippines có thể kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) được kí kết giữa Mỹ và Philippines.
Phát ngôn của Đại sứ Mỹ đã nhận nhiều lời chỉ trích gay gắt từ giới chuyên gia Trung Quốc, theo Thời báo Hoàn cầu.
Một nhà nghiên cứu có tên Chen Xiangmiao bình luận rằng phía Mỹ đã “phóng đại vụ va chạm”, vì “câu hỏi về việc Biển Đông có nằm trong phạm vi của hiệp ước MDT vẫn còn đang bỏ ngỏ”.
“Phát ngôn của ông Kim là không có cơ sở, vì vụ va chạm chỉ là một tai nạn xảy ra giữa các ngư dân, chứ không có cuộc tấn công quân sự nào, và vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra”, ông Chen cho biết.
Tại cuộc họp báo ngày thứ 2 (17/6) vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã gửi lời chia sẻ và động viên các ngư dân Philippines đã bị đẩy vào tình huống hiểm nghèo sau vụ tai nạn, và cho biết phía Bắc Kinh sẽ tiếp tục tiến hành điều tra toàn diện, thấu đáo và có trách nhiệm.
Ngoài ra, ông Lục còn khẳng định rằng phía Trung Quốc mong muốn và sẵn sàng tăng cường liên lạc với phía Philippines nhằm củng cố niềm tin, xóa bỏ những hoài nghi giữa hai nước, trao đổi kết quả điều tra và làm rõ nguyên nhân gây ra vụ việc ngày 9/6, Thời báo Hoàn cầu cho hay.
Bên cạnh đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như cũng ám chỉ tới phát ngôn trước đó của Đại sứ Mỹ, cụ thể là câu nói sau đây của phát ngôn viên Lục Khảng:
“Dù là hành động móc nối vụ tai nạn với mối quan hệ và tình hữu nghị của hai nước Trung Quốc – Philippines hay chính trị hóa vụ tai nạn này, thì đó đều là những hành động không thích hợp. Phía Trung Quốc rất coi trọng vấn đề an ninh hàng hải và sẵn sàng tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng trong khu vực.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Philippines đã bác bỏ cáo buộc rằng tàu cá của nước này đã “đâm chìm tàu Philippines rồi bỏ chạy” trong một thông cáo được phát trên Facebook. Thông cáo này thậm chí còn cáo buộc ngược rằng tàu Trung Quốc bị “7-8 tàu Philippines bao vây”, và đã bị xóa chỉ sau vài giờ.
Trong thông cáo được đăng lại sau đó, và phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/6, chi tiết “7-8 tàu Philippines bao vây” tàu cá Trung Quốc đã bị lược bỏ.
http://biendong.net/doc-bao-viet/28828-my-doa-can-thiep-sau-vu-tau-ca-philippines-bi-dam-chim-chuyen-gia-tq-len-an-gay-gat-co-y-do-pha-hoai.html
Mỹ – Trung đang cạnh tranh xuất khẩu
máy bay do thám không người lái ở Đông Nam Á
Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ (1/6) cho biết, Công ty Insitu trực thuộc tập đoàn Boeing đã được giao hợp đồng chế tạo 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle cho Chính phủ Việt Nam, giới chuyên gia, học giả và truyền thông đã đưa ra nhiều nhận định về vấn đề này.Máy bay do thám hàng đầu của Mỹ
ScanEagle là máy bay không người lái không vũ trang, được sử dụng để giám sát và thu thập thông tin tình báo. Phiên bản hiện hành ScanEagle 2, có trọng lượng cất cánh tối đa 26kg, độ dài 1,71m, sải cánh 3,11m, được xếp vào loại máy bay không người lái nhỏ. Dù không được trang bị vũ khí, nó có thể mang các thiết bị giám sát có trọng lượng khoảng 5kg, bao gồm các máy quay video quang học, hồng ngoại, có độ phân giải cao, cho phép người điều khiển theo dõi các mục tiêu đứng yên hoặc đang di chuyển. ScanEagle có thể bay với tốc độ từ 93 tới 111km/h, đạt được độ cao gần 6.000m. Máy bay sẽ cất cánh từ một máy phóng khí nén và hạ cánh nhờ hệ thống thu hồi UAV mang tên SkyHook. Với kích thước, trọng lượng và cấu trúc như vậy, UAV ScanEagle có khả năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không trong thời gian dài, lên tới 18 giờ. ScanEagle là lựa chọn phổ biến trong thực hiện hoạt động theo dõi, giám sát trên không và đang được vận hành bởi quân đội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia, Lithuana, Pakistan và Anh. Nó cũng được Hải quân Singapore sử dụng và được phóng từ nhiều loại tàu khác nhau, gồm cả tàu hộ tống tên lửa.
Mỹ gia tăng thách thức Trung Quốc
Giới chuyên gia nhận định, những nước Đông Nam Á tiếp nhận máy bay trinh sát không người lái của Mỹ đều là những nước có lợi ích trên Biển Đông. Theo Mike Yeo, chuyên gia của tờ Defense News cho rằng việc Mỹ quyết định trang bị cho các quốc gia Đông Nam Á máy bay trinh sát không người lái ScanEagle thể hiện cam kết đảm bảo an ninh của Washington với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Phía Mỹ cho rằng, máy bay không người lái ScanEagle sẽ hỗ trợ những nước này tăng cường Nhận thức về các vấn đề hàng hải (MDA) trên lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của họ. Trong khi đó, heo định nghĩa của Tổ chức Hàng hải quốc tế. Được biết, MDA là sự hiểu biết về tất cả các khu vực “trên, dưới, liên quan, liền kề hoặc giáp biển, đại dương hay tuyến đường hàng hải” mà có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, kinh tế và môi trường của một quốc gia. MDA đặc biệt quan trọng đối với chính phủ các quốc gia ven biển bởi các hoạt động thương mại dựa vào hàng hải và các hoạt động khác như đánh bắt cá đóng vai trò không hề nhỏ đối với sự phát triển kinh tế trong khu vực.
Cũng có ý kiến cho rằng đây là ví dụ mới nhất thể hiện sự quyết đoán của Mỹ trong khu vực khi căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh đang gia tăng và ý định của chính quyền ông Trump là đẩy mạnh việc xuất khẩu vũ khí Mỹ ra nước ngoài. Tờ China Military dẫn lời Trương Quân Xã, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ luôn có ý định khai thác lợi ích từ các cuộc xung đột, tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp quốc phòng của nước này và cải thiện cơ hội việc làm. Ông cáo buộc Washington đã làm gia tăng căng thẳng tại Trung Đông và Đông Âu để thực hiện mục đích của mình. Theo ông Trương Quân Xã, việc Mỹ bán máy bay UAV cho các nước láng giềng của Trung Quốc có nguy cơ gây gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Tuy nhiên, nhà phân tích Mike Yeo nhận xét, đây là cách nhìn khá đơn giản và không thực sự chính xác. Ông cho rằng, mặc dù có nhiều phỏng đoán về một cuộc đối đầu toàn diện liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông hay tham vọng khẳng định sự hiện diện trong khu vực nhưng xét về sự gia tăng năng lực quân sự của Trung Quốc, ScanEagles sẽ không nằm trong danh sách thiết bị quân sự được sử dụng trong cuộc chiến này.
Hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng hiện có một loạt thách thức mà các quốc gia tiếp nhận ScanEagle tại Đông Nam Á đang phải đối mặt, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở Eo biển Malacca, Biển Sulu và một số vùng biển khác. Những vấn đề chính, nhận được sự quan tâm hàng đầu là cuộc chiến chống khủng bố ở miền nam Philippines và các vụ cướp biển ở Eo
biển Malacca, Eo biển Singapore, tranh chấp trên Biển Đông. Ngoài ra còn có những thách thức hàng hải khác như tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp, nạn buôn người, buôn lậu, trộm cắp nguyên liệu và tội phạm xuyên quốc gia. Mặc dù những quốc gia nằm trong chương trình có lực lượng hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển dày dặn kỹ năng và kinh nghiệm nhưng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực nghiêm trọng, việc sở hữu máy bay không người lái có thể hoạt động suốt 18 giờ sẽ tạo ra lợi thế nhất định trong việc chống lại vô số thách thức hàng hải kể trên.
Thậm chí chỉ cần một số lượng nhỏ máy bay ScanEagle cũng có thể đóng góp đáng kể vào việc cải thiện khả năng MDA của các quốc gia ven biển. Lợi thế của loại máy bay không người lái này là nó có thể được vận hành ở bất kỳ vị trí nào trên không phận mở, không cần đến đường băng. Do hoạt động được ở độ cao gần 6.000 m, nên các cảm biến của nó có thể bắt được những hình ảnh bao quát và xa hơn so với thiết bị quan sát của một con tàu đang di chuyển trên mặt nước. Tính ưu việt của các cảm biến quang học tích hợp trên máy bay ScanEagle đã được chứng minh rõ ràng qua sự cố xảy ra giữa các tàu chiến của Nga và Mỹ trên biển Philippines hồi tuần trước. Hải quân Mỹ đã công bố nhiều hình ảnh tĩnh về cuộc chạm trán thông qua video được quay từ cảm biến của ScanEagle.
Phản ứng của Trung Quốc
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngang nhiên cho rằng Mỹ bán UAV trinh sát cho Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam là hành động “hủy hoại các hợp các hợp tác và ổn định trong khu vực”, cáo buộc đây là “kế hoạch mới của Mỹ nhằm thu hút ngoại tệ sau bê bối máy bay 737 MAX”; ngang nhiên cáo buộc việc Mỹ bán các UAV ScanEagle cho một số nước láng giềng Trung Quốc là để “kích động xung đột“ giữa Trung Quốc và các nước này.
Tờ báo trên còn cho rằng “trong bối cảnh thương chiến với Trung Quốc đang ngày càng căng thẳng, chính quyền Donald Trump sẽ cảm thấy rất vui nếu các công ty Mỹ vẫn kiếm được tiền, nhưng sẽ đặc biệt vui hơn nếu điều đó chọc tức được Bắc Kinh”; đồng thời tìm cách hạ uy tín của Mỹ và chia rẽ quan hệ giữa Mỹ với các nước ASEAN khi cho rằng “người Mỹ sẽ biết cách làm thế nào để các thiết bị của họ không thể kết hợp được với công nghệ của những quốc gia khác. Khi đó, những quốc gia mua vũ khí Mỹ sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất: hoặc đáp ứng mọi điều kiện được Mỹ đưa ra hoặc không thể nâng cấp hệ thống vũ khí của mình”. Đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu còn tìm cách “lên án” Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi cáo buộc “cho dù Trump đã làm tổng thống, máu kinh doanh của ông ta vẫn còn đó. Ông ấy sẽ làm mọi thứ miễn là đem lợi cho nước Mỹ cho dù có hi sinh lợi ích của người khác. Điều đó lý giải tại sao ông ta phát động chiến tranh thương mại ở khắp nơi và xúc tiến việc bán các máy bay không người lái của Mỹ, trong lúc trù dập các thành tựu của tập đoàn Trung Quốc”.
Cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ – Trung ở Đông Nam Á
Thị trường vũ khí Đông Nam Á ngày càng “nóng”, chủ yếu do tình hình Biển Đông, khiến Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ về vai trò thống trị nguồn cung ở khu vực này. Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết, đầu năm 2017 đến nay, có xu hướng nổi bật rằng Đông Nam Á đang trở thành khu vực mua vũ khí nhiều nhất thế giới, với tổng giá trị tăng hơn 6% từ giai đoạn 2007-2011 so với 2012-2016. Trong cuộc đua sắm vũ khí, các nước Đông Nam Á là thị trường lý tưởng đối với các nhà thầu quốc phòng thế giới khi có tiền, có năng lực sử dụng các vũ khí hiện đại, và đang đối mặt với sức ép thật sự, mà gần đây chủ yếu do tình hình Biển Đông, để tăng cường mua sắm.
Bà Tina Kaidanow, Phó vụ trưởng Vụ Các vấn đề chính trị – quân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đối với Mỹ, khu vực Đông Nam Á ngày càng quan trọng trên thế giới. Chúng tôi cam kết đóng góp vào việc phát triển, hợp tác trên bình diện song phương và đa phương với các nước trong khu vực. Sự hiện diện của phái đoàn Mỹ hôm nay là một minh chứng, nhưng chưa phải là điều lớn nhất trong cam kết này.
Vấn đề địa chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định, khi các nước cần phải gia tăng năng lực để chống lại mưu đồ và những hành vi bành trướng trên Biển Đông. Do vậy, bà Kaidanow cho biết một nhiệm vụ trong chuyến công du là gặp gỡ và thảo luận việc mua bán vũ khí với “một số nước Đông Nam Á”. “Chúng tôi mong họ cân nhắc mua vũ khí Mỹ, không chỉ là vấn đề an ninh mà còn là cân bằng sức mạnh khu vực”.
Tại thị trường Đông Nam Á, Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ để trở thành nhà cung cấp hàng đầu. Đến nay, Mỹ đã bán vũ khí cho các nước trong khu vực như Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines… Khi được hỏi về sự lo ngại cạnh tranh giữa Mỹ đối với những “đối thủ” như Trung Quốc trong miếng bánh xuất khẩu vũ khí, bà Kaidanow khẳng định: “Không, tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi thực sự tin rằng vũ khí của chúng tôi là tốt nhất thế giới”. Tuy nhiên, việc mua vũ khí từ Mỹ có nhiều nhược điểm dễ khiến đối tác nản lòng. Ngoài vấn đề giá cả còn là khâu thủ tục phức tạp, việc xử lý đơn hàng rất mất thời gian, các điều kiện đi kèm cũng ngặt nghèo, và thường được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố như nhân quyền chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế.
So với đó, “vũ khí Trung Quốc cũng rất mạnh mà giá cả lại cạnh tranh trên thị trường, việc mua bán có thể bao gồm chuyển giao công nghệ hoặc các khoản vay, hoặc quá trình phê duyệt không khó khăn như so với Mỹ”, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, nhận định trong một báo cáo hồi tháng 8/2017. Sức mạnh đáng gờm của tàu sân bay Mỹ Mỹ sở hữu hơn một nửa số tàu sân bay trên thế giới, với sức mạnh đáng gờm cùng những trang bị tối tân như lò phản ứng hạt nhân, tên lửa tầm trung và vũ khí tầm gần.
Trên thực tế, ngày càng nhiều nước Đông Nam Á chọn Trung Quốc là “nhà thầu” cung cấp để hiện đại hoá kho vũ khí. Dữ liệu của SIPRI cho biết Trung Quốc đã bán vũ khí cho 7 nước ở Đông Nam Á kể từ năm 2006. Cuối năm 2016, Malaysia và Trung Quốc ký kết hợp đồng quốc phòng trị giá 278 triệu USD, lớn nhất từ trước đến nay, để cùng đóng 4 tàu tuần tra bờ biển. Cũng trong năm này, chính quyền Thái Lan đạt thoả thuận mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc trị giá 1 tỷ USD. Indonesia, một trong những nước có nền quân đội hàng đầu trong khu vực, lâu nay thường chọn bạn hàng lớn gồm cả Mỹ và Trung Quốc. Giai đoạn 2005-2009, Indonesia đã mua nhiều tên lửa chống hạm C-802, các tên lửa phòng không di động, radar từ Trung Quốc, cùng nhiều vũ khí cho tàu chiến…
Trong khi đó, Mỹ đã bán nhiều loại vũ khí cho Indonesia như máy bay hạng nhẹ, trực thăng Bell-412, trực thăng chiến đấu, tiêm kích F-16C, tên lửa và bộ phận dò sonar chống tàu ngầm… Tuy nhiên, Giáo sư Thayer cho rằng việc Indonesia mua nhiều vũ khí từ Trung Quốc “không nhất thiết phản ánh mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh mà bỏ qua Mỹ. Indonesia chỉ muốn đa dạng hoá nguồn gốc hệ thống vũ khí của họ”.
Tờ Asia Times nhận định một lý do khác tạo cơ hội cho các nhà thầu Trung Quốc trong khu vực là khi các nước muốn thông qua các vụ mua bán vũ khí để tạo ra lợi thế hơn so với Mỹ trên bàn đàm phán. Và Bắc Kinh đang tận dụng rất tốt chính sách mới thân thiện với Trung Quốc mà Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte chủ trương.
Bên cạnh đó, khi Quốc hội Mỹ cấm xúc tiến hợp đồng bán 26.000 khẩu súng cho Philippines vào năm ngoái nhằm thể hiện sự phản đối chiến dịch chống ma tuý mà Tổng thống Duterte tiến hành, Trung Quốc ngay lập tức thấy cơ hội để bán súng trường cho lực lượng hành pháp Philippines. Đến cuối năm 2017, Trung Quốc đã bán hàng nghìn khẩu súng trường cho Lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines (PNP). Giá trị của một hợp đồng 3.000 súng bàn giao hồi giữa tháng 10 năm ngoái trị giá 3,3 triệu USD, thể hiện “mối quan hệ hợp tác và thân thiện”.
Tuy nhiên, cũng vì tình hình Biển Đông căng thẳng mà có thể phát sinh diễn biến “gậy ông đập lưng ông”. Khi Indonesia mua nhiều vũ khí từ Trung Quốc, số vũ khí này có thể được dùng để chống lại chính các tàu Trung Quốc nếu chúng tiếp cận gần vùng biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông. Kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra với Malaysia. Sau khi hoàn thành hợp đồng đóng 4 tàu với Trung Quốc, họ có thể dùng chính những tàu này để xua đuổi các tàu cảnh sát biển Trung Quốc thường tới gần vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia trên Biển Đông.
Nhưng giới quan sát cũng nhận định Trung Quốc vẫn còn nhiều át chủ bài để sẵn sàng chống trả khi cần thiết, nên họ vẫn tự tin bán vũ khí cho cả những nước có thái độ với mình. “Nó có vẻ nghịch lý nhưng vẫn là điều hợp lý. Việc làm ăn luôn đi trước. Tôi sẽ lo lắng hơn nếu Trung Quốc không chịu bán vũ khí. Đó chính là dấu hiệu của sự phản đối”, trang Forbes dẫn lời ông Fabrizio Bozzato, nhà nghiên cứu tại Hội nghiên cứu chiến lược Đài Loan, Trung Quốc.
Phản ứng chính thức của Việt Nam
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin Mỹ bán 6 máy bay trinh sát không người lái ScanEagle cho Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực an ninh quốc phòng được triển khai phù hợp theo đúng các thỏa thuận đã đạt được như Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011 và tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Mỹ năm 2015”.
Ngoài ra, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các bên cần nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 đồng thời phải có những đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/28802-my-trung-dang-canh-tranh-xuat-khau-may-bay-do-tham-khong-nguoi-lai-o-dong-nam-a.html
Tổng thống Trump đã được thông báo
về cuộc tấn công hỏa tiễn ở Saudi Arabia
Tin từ CAIRO, Ai Cập — Vào hôm thứ Tư (19 tháng 6), đài truyền hình Al Masirah TV cho biết nhóm Houthis liên kết với Iran của Yemen vừa tấn công một nhà máy điện ở thành phố al-Shuqaiq, nằm ở tỉnh Jizan phía nam của Saudi Arabia.Cuộc tấn công được thực hiện bằng một hỏa tiễn hành trình, nhưng phía chính quyền Saudi không lập tức xác nhận vấn đề này. Các viên chức Hoa Kỳ nói rằng họ có biết về các bài báo viết về một cuộc tấn công hỏa tiễn vào “cơ sở hạ tầng quan trọng” của vương quốc, nhưng lại không đưa ra thông tin chi tiết về thiệt hại hoặc thương vong.
Theo Reuters, cuộc xung đột Yemen được phần lớn khu vực xem là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran. Nhưng phía Houthis từ chối việc nhận bất kỳ mệnh lệnh nào từ Teheran, đồng thời tuyên bố họ chiến đấu để chống nạn tham nhũng. Houthis đã lật đổ chính phủ được quốc tế công nhận và được Saudi hậu thuẫn ở thủ đô Sanaa vào cuối năm 2014, hiện đang đẩy mạnh các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào Saudi Arabia trong những tháng gần đây, khi căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ gia tăng.
Tại Washington, phát ngôn viên Sarah Sanders của Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Trump đã được thông báo về các bài báo đưa tin về một cuộc tấn công hỏa tiễn ở Saudi Arabia. Phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, Tư lệnh Hải quân Rebecca Rebarich cho biết các cuộc tấn công này là “một nguyên nhân gây lo ngại và (đặt) nhiều mạng sống vô tội vào vòng nguy hiểm.”
Gần đây, Washington và Riyadh đổ lỗi cho Teheran về các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman, cùng bốn tàu ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất vào tháng trước, cả hai đều xảy ra gần Eo biển Hormuz, một tuyến đường quan trọng cho các nguồn cung cấp dầu toàn cầu. Phía Iran không nhận trách nhiệm trong vấn đề này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-da-duoc-thong-bao-ve-cuoc-tan-cong-hoa-tien-o-saudi-arabia/
Ngũ Giác Đài: Đợt triển khai thêm quân
ở Trung Đông có phi đạn Patriot
Đợt triển khai mới nhất bổ sung thêm một ngàn quân sang Trung Đông được loan báo đầu tuần này sẽ bao gồm một tiểu đoàn phi đạn Patriot, máy bay trinh sát có người lái và không người lái cùng ‘các khả năng nghênh cản khác,’ Ngũ Giác Đài tuyên bố hôm 19/6.“Hoa Kỳ không mưu tìm xung đột với Iran, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng tư thế và sẵn sàng bảo vệ lực lượng và các lợi ích của Mỹ trong khu vực,” Reuters dẫn lời một phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cho biết.
Các mối lo ngại về đối đầu giữa Iran và Hoa Kỳ tăng cao từ sau vụ tấn công hai tàu dầu tại cửa ngõ Vùng Vịnh hồi tuần trước mà Washington quy trách nhiệm cho Tehran thực hiện. Iran một mực phủ nhận liên can.
https://www.voatiengviet.com/a/ngu-giac-dai-noi-dot-trien-khai-them-quan-o-trung-dong-co-phi-dan-patriot-/4965944.html
Ưu tiên hợp tác kinh tế của Mỹ
trong chiến lược mới ở châu Á
Mỹ sẽ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo an ninh năng lượng cho các nước đối tác trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do thông qua việc thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đầu tư vào khu vực này trên nguyên tắc ‘công bằng và tự do’, các quan chức Mỹ cho biết ở một diễn đàn mới đây ở thủ đô Washington D.C. Và sự hợp tác kinh tế mang tính chất mở cho mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc, miễn là nước này tuân thủ những chuẩn mực cao trong giao thương và đầu tư mà Mỹ yêu cầu.Các quan chức liên quan của Mỹ đã đưa ra những bình luận vừa kể tại một buổi hội thảo có chủ đề ‘Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do ở đông nam Á: Báo cáo về tình trạng của các trụ cột kinh tế’ do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức hôm 18/6.
Cách đây gần một năm, vào tháng 7 năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố các sáng kiến năng lượng và cơ sở hạ tầng trị giá 113 triệu đô la Mỹ để hiện thực hóa Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do. Trong đó, gần 50 triệu đô la được dành cho chương trình Asia EDGE, một ý tưởng thúc đẩy an ninh năng lượng và xây dựng thị trường năng lượng cho khu vực, vào 30 triệu dành để tiếp sức cho đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đối tác của Mỹ.
Bên cạnh đó, tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành đạo luật BUILD vốn nhằm để tăng gấp đôi năng lực tài chính phát triển của chính phủ Mỹ lên 60 tỷ đô la để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân Mỹ đầu tư vào các cơ hội chiến lược ở nước ngoài.
‘Không loại trừ ai’
“Tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được xây dựng dựa trên những nguyên tắc được chia sẻ rộng rãi trên khắp khu vực thông qua đảm bảo tự do vùng biển và vùng trời, giúp cho các nước có chủ quyền không bị cưỡng ép từ bên ngoài, thúc đẩy các nguyên tắc kinh tế dựa trên thị trường, môi trường đầu tư mở, thương mại công bằng và có qua có lại, hỗ trợ quản trị tốt và tôn trọng các quyền cá nhân,” bà Sandra Oudkirk, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm làm đại diện của Mỹ ở APEC, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, phát biểu trong bài diễn văn chủ đề tại buổi hội thảo.
Bà nhắc lại Tổng thống Trump từng khẳng định ở Việt Nam rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘nằm trong số những ưu tiên quan trọng nhất của Mỹ’.
“Hợp tác với các nước đối tác và các định chế khu vực như ASEAN và APEC là then chốt. Sự ủng hộ đối với tính trung tâm của ASEAN là hòn đá tảng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi,” bà nói và nhắc lại lời Ngoại trưởng Pompeo rằng APEC là ‘hòn đá tảng trong trụ cột kinh tế của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’.
“Chiến lược của chúng tôi mang tính hội nhập. Như Ngoại trưởng Pompeo đã nói nhiều lần rằng tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không loại trừ bất cứ quốc gia nào,” bà Oudkirk nói với ẩn ý rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. “Chúng tôi cố gắng làm việc với bất cứ ai để thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do.”
“Miễn là sự hợp tác đó tuân thủ những chuẩn mực cao nhất rằng những người dân chúng ta đòi hỏi tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là quan niệm của chỉ riêng nước Mỹ mà là được nhiều quốc gia trong khu vực chia sẻ,” bà nói thêm.
Bà cho biết chiến lược của Mỹ cũng như của các nước đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực đều đi theo cam kết là ‘đề cao trật tự dựa trên luật lệ’. Bắc Kinh thường bị Mỹ chỉ trích là tìm cách phá hoại trật tự dựa trên luật lệ nhất là với các hành động mạnh bạo của họ trên Biển Đông.
Nguồn vốn khổng lồ cho cơ sở hạ tầng
Về vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc đã tranh thủ lôi kéo các nước thông qua Ý tưởng Vành đai-Con đường, bà Oudkirk thừa nhận rằng các quốc gia đang phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cần đến 1.700 tỷ đô la tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng mỗi năm.
“Không có bất kỳ chính phủ đơn lẻ nào có số tiền lớn như vậy,” bà nói. “Đó là lý do tại sao chiến lược của chúng tôi tìm cách tạo ra những điều kiện cần thiết để khai thác nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.
Bà dẫn số liệu của một công ty tài chính cho biết các trung tâm tài chính trên thế giới đang tích trữ số vốn lên đến 70.000 tỷ đô la Mỹ và số tiền này đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư sinh lợi.
“Chúng tôi tin rằng tầm nhìn kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chúng tôi có thể bắc cầu giữa nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn vốn hiện có,” bà nói và cho biết khu vực tư nhân ‘là một trong những điểm mạnh lớn nhất của Mỹ’ và rằng ‘không có ai đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhiều bằng các doanh nghiệp Mỹ’.
Bà dẫn ra số liệu cho thấy đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Mỹ đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 10 năm từ năm 2007 cho đến 2017, đạt mức 940 tỷ đô la. Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đầu tư trực tiếp của Mỹ đã hỗ trợ 5,1 triệu việc làm trong năm 2016.
An ninh năng lượng
Về lĩnh vực năng lượng, trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, Mỹ có chương trình Asia EDGE (viết tắt từ tiếng Anh là Enhancing Development and Growth through Energy – có nghĩa là Thúc đẩy Phát triển và Tăng trưởng thông qua Năng lượng) nhằm để phát triển năng lượng bền vững và các thị trường năng lượng ổn định trên khắp khu vực.
“Asia EDGE hướng đến củng cố an ninh năng lượng cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi, tạo ra những quy định cởi mở và hiệu quả dựa trên các thị trường năng lượng minh bạch, cải thiện mối quan hệ thương mại năng lượng tự do, công bằng và có qua có lại và mở rộng quyền sử dụng năng lượng đáng tin cậy với giá cả vừa phải cho khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” bà Oudkirk phát biểu.
Theo đó, chương trình Asia EDGE cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật để giúp các nước nâng cấp môi trường quy định và các quy trình thủ đắc liên quan đến năng lượng, tận dụng các nguồn vốn tư nhân cũng như nguồn quỹ phát triển của chính phủ để giúp các nước xây dựng các lưới điện thông minh và cơ sở hạn tầng năng lượng hiện đại.
Bà Oudkirk đã đề cập đến chương trình ITAN của Mỹ dành cho năng lượng trong khu vực (từ viết tắt tiếng Anh của Infrastructure transaction and Assistance Network – tức Mạng lưới Hỗ trợ và Giao dịch Cơ sở Hạ tầng). Đây là chương trình nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà bà nhấn mạnh là ‘chất lượng cao và bền vững’.
Bà đưa ra những ví dụ về những thành công của các chương trình này như chương trình đối tác điện hóa cho Papua New Guinea trong khi giúp cho nước này tránh ‘gánh nặng nợ nần không bền vững’, chương trình của Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID giúp chính phủ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.
Nhật Bản cũng đã dành ra 10 tỷ đô la để cấp vốn cho chương trình Asia EDGE để kích thích đầu tư vào các dự án của khu vực tư nhân, bà cho biết. Còn ở Philippines, Mỹ đã hỗ trợ cho chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của nước này vốn được gọi là chương trình ‘Build, Build, Build’ tức ‘Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng’.
Trong khuôn khổ Luật BUILD mà Tổng thống Trump ký ban hành hồi năm ngoái, Cơ quan Tín dụng Phát triển của Mỹ đã được cải cách thành Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (International Development Finance Corporation hay viết tắt là DFC). Cơ quan này sẽ chính thức ra mắt vào ngày 1/10 năm nay, bà Oudkirk cho biết.
DFC sẽ có khả năng cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tiến hành các nghiên cứu khả thi để thúc đẩy sự can dự tốt hơn của các doanh nghiệp Mỹ vào giai đoạn ban đầu của các dự án.
Riêng về khai thác năng lượng trên Biển Đông, bà Oudkirk nói rằng ‘nước Mỹ có chính sách mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua rằng các nước phải được khai thác và sản xuất tất cả các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ cho dù đó là nguồn lợi hải sản hay dầu khí’.
Ông Brian Churchill, cố vấn cao cấp của Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC), cho biết DFC sẽ có chức năng cấp vốn cho các dự án riêng lẻ như các dự án năng lượng gió hay năng lượng mặt trời, bảo hiểm về rủi ro chính trị cho các doanh nghiệp làm ăn ở các nước bất ổn và hỗ trợ tài chính cho các khoản nợ cho đến quỹ đầu tư cổ phần cá nhân.
Ông khẳng định rằng các dự án của các doanh nghiệp Mỹ trong khu vực sẽ ‘không xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia bên ngoài’, ‘được xây dựng bền vững’, ‘minh bạch từ đấu thầu cho đến vận hành và bảo trì’, ‘tính đến các tác động môi trường’, ‘cố gắng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nhiều nhất có thể’.
Những chuẩn mực mà ông Brian đưa ra tương phản với các dự án đầy tai tiếng trong khuôn khổ Ý tưởng Vành đai-Con đường của Trung Quốc vốn bị cáo buộc là ‘không minh bạch,’ ‘tham nhũng,’ ‘gây ô nhiễm môi trường,’ ‘không đem lại lợi ích cho lao động địa phương,’ và ‘không bền vững vì gây gánh nặng nợ nần.’
https://www.voatiengviet.com/a/%C6%B0u-ti%C3%AAn-h%E1%BB%A3p-t%C3%A1c-kinh-t%E1%BA%BF-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-trong-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-m%E1%BB%9Bi-%E1%BB%9F-ch%C3%A2u-%C3%A1/4966336.html
Mỹ muốn hạn chế visa H-1B đối với các nước
buộc doanh nghiệp nước ngoài lưu trữ dữ liệu
Hoa Kỳ đã thông báo cho Ấn Độ biết đang cân nhắc đề ra quota cho loại visa đến Mỹ làm việc H-1B đối với các nước ép buộc các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu ở địa phương, ba nguồn thạo tin cho Reuters biết.Chương trình visa phổ biến H-1B hằng năm đưa lao động bậc cao từ nước ngoài vào Mỹ làm việc. Kế hoạch giới hạn chương trình này được tiết lộ chỉ vài ngày trước chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tới thăm New Delhi.
Các công ty như Mastercard và chính phủ Mỹ không hài lòng trước những luật lệ mới của Ấn về lưu trữ dữ liệu. Ấn là nước nhận nhiều visa H-1B nhất, chủ yếu là nguồn lực tại các đại công ty kỹ nghệ.
Cảnh báo của Mỹ được đưa ra trong lúc căng thẳng mậu dịch gia tăng giữa hai nước Mỹ-Ấn đưa tới những hành động áp thuế quan ăn miếng trả miếng trong những tuần gần đây. Từ Chủ nhật, Ấn ban hành thuế cao hơn lên một số hàng hóa của Mỹ, chỉ vài ngày sau khi Washington rút lại một ưu đãi thương mại quan trọng dành cho New Delhi.
Hai giới chức cao cấp trong chính phủ Ấn hôm 19/6 cho Reuters biết tuần rồi họ được thông báo về kế hoạch của chính phủ Mỹ muốn đặt số lượng visa H-1B cấp cho công dân Ấn ở mức từ 10-15% trong tổng số quota dành cho loại visa này hằng năm.
Hiện trong số 85 ngàn visa làm việc H-1B Mỹ cấp hàng năm, không có giới hạn quota đối với từng nước cụ thể và ước tính 70% số visa này rơi vào tay công dân Ấn.
Cả hai giới chức được Reuters dẫn nguồn đều nói rằng kế hoạch này có liên hệ tới chuyện Ấn Độ thúc đẩy ‘địa phương hóa dữ liệu’ mà qua đó họ có thể có được sự kiểm soát tốt hơn về dữ liệu và kìm hãm quyền lực của các công ty quốc tế. Các doanh nghiệp Mỹ lâu nay tích cực vận động chống lại các quy định địa phương hóa dữ liệu trên khắp thế giới.
Muồn nguồn tin biết rõ về các cuộc thương lượng Mỹ-Ấn xác nhận với Reuters rằng Mỹ muốn giới hạn visa H-1B để đáp lại các luật lệ lưu trữ dữ liệu trên toàn cầu và rằng chuyện này không chỉ nhắm mục tiêu riêng Ấn Độ.
Tháng Ba năm nay, Đại diện Thương mại Mỹ nhấn mạnh đến “các cản trở chính đối với thương mại kỹ thuật số”, viện dẫn những giới hạn nhắm vào dòng lưu chuyển dữ liệu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam cùng các nước khác.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền Trump sẽ thúc đẩy dòng dữ liệu tự do xuyên biên giới, không chỉ hỗ trợ cho các công ty Mỹ mà còn để đảm bảo quyền riêng tư cho khách hàng.
https://www.voatiengviet.com/a/my-muon-han-che-visa-h1b-doi-voi-cac-nuoc-buoc-doanh-nghiep-nuoc-ngoai-luu-tru-du-lieu/4965941.html
Mỹ dọa phạt New Delhi
về việc ép nước ngoài lưu trữ dữ liệu ở Ấn Độ
Trọng NghĩaSau khi có tin về Mỹ có thể siết chặt cấp visa lao động H-1B cho người Ấn, nhằm trả đũa Ấn Độ buộc các công ty nước ngoài lưu trữ dữ liệu tại nước này, ngoại trưởng Ấn Độ hôm nay 20/06/2019 xác nhận New Delhi đang đàm phán với Mỹ về vấn đề này.
Theo hãng tin Anh Reuters, chương trình visa H-1B cho phép lao động có tay nghề cao đến Mỹ làm việc. Ấn Độ là nước nhận visa lao động loại này nhiều nhất, với đa số người xin cấp đến từ những công ty công nghệ lớn của Ấn Độ.
Tuy nhiên, trong một phóng sự điều tra độc quyền công bố hôm qua 19/06, hãng Reuters cho biết là Washington đã thông báo cho New Delhi biết Mỹ đang xem xét việc hạn chế cấp visa loại H-1B cho các nước có chủ trương ép buộc các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia họ đang hoạt động.
Theo ba nguồn tin thông thạo được Reuters trích dẫn, trong trường hợp Ấn Độ, Washington muốn đáp trả các quy định cứng rắn về lưu trữ dữ liệu mà Ngân Hàng Dự Trữ Ấn Độ bắt đầu áp dụng từ năm 2018, đòi các công ty thanh toán nước ngoài lưu trữ dữ liệu ở Ấn Độ để ngân hàng nước này có thể dễ dàng giám sát.
Theo Reuters, báo chí Ấn Độ đã tiết lộ rằng Ngân Hàng Dự Trữ Ấn Độ mới đây đã hứa xét lại quy định của mình, sau khi gặp phản ứng quan ngại từ nhiều công ty và quan chức Mỹ.
Nếu bị siết visa H-1B, ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ có khả năng bị thiệt hại, vì rất nhiều kỹ sư và nhà phát triển công nghệ Ấn đã được qua Mỹ làm việc cho các đối tác trong khuôn khổ chương trình H-1B.
Không chỉ nhắm riêng Ấn Độ
Cũng theo Reuters, một nguồn thạo tin khác trong lĩnh vực công nghệ tại Washington đã tiết lộ rằng kế hoạch giảm visa H-1B không nhắm riêng vào Ấn Độ mà sẽ được áp dụng cho mọi quốc gia có chính sách « địa phương hóa dữ liệu ».
Chính sách bắt buộc các công ty ngoại quốc phải lưu trữ dữ liệu ngay trên lãnh thổ của quốc gia – nơi các công ty này hoạt động, nhằm tăng khả năng kiểm soát – là một xu hướng được thấy tại nhiều nước. Luật an ninh mạng Việt Nam là một ví dụ cho xu hướng đòi hỏi địa phương hóa dữ liệu này.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190620-my-doa-phat-new-delhi-ve-viec-ep-luu-tru-du-lieu-o-an-do
Tin nói Apple muốn chuyển bớt
dây chuyền sản xuất từ TQ sang Đông Nam Á
Công ty Apple yêu cầu các nhà cung cấp chính của họ đánh giá phí tổn của việc chuyển dời 15%-30% năng suất của họ từ Trung Quốc sang Đông Nam Á trong lúc công ty sửa soạn tái cấu trúc dây chuyền cung ứng, Reuters dẫn tường trình của Nikkei Asian Review cho biết hôm 19/6.Nikkei dẫn nhiều nguồn tin cho biết yêu cầu của công ty Apple là hậu quả của cuộc tranh chấp thương mại kéo dài giữa hai nước Mỹ-Trung nhưng một giải pháp thương mại sẽ không làm cho công ty thay đổi quyết định.
Công ty chế tạo iPhone này đã thấy rõ những rủi ro khi lệ thuộc nhiều vào việc sản xuất ở Trung Quốc là rất lớn và đang gia tăng, tờ Nikkei nói.
Trước đây trong tháng, cơ quan đánh giá tín dụng Fitch cho biết các đại công ty như Apple, Dell hay HP là những ứng viên khả dĩ bị vào danh sách đen nếu Trung Quốc lập danh sách đen các công ty Mỹ để trả đũa những chế tài đối với công ty Huawei Trung Quốc.
Theo tường trình của Nikkei, các công ty lắp ráp iPhone chủ yếu như Foxconn, Pegatron, Wistron hay các công ty sản xuất MacBook như Quanta Computer, hoặc công ty làm iPad như Compal Electronics, chẳng hạn, đã được Apple yêu cầu đánh giá các lựa chọn bên ngoài Trung Quốc.
Bản tin này cũng cho hay các nước đang được cân nhắc thay thế bao gồm Mexico, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Malaysia. Ấn và Việt Nam nằm trong số các địa điểm được ưa chuộng đối với việc sản xuất điện thoại thông minh, Nikkei dẫn các nguồn ẩn danh cho hay.
https://www.voatiengviet.com/a/tin-noi-apple-muon-chuyen-bot-day-chuyen-san-xuat-tu-trung-quoc-sang-dong-nam-a-/4965939.html
Những người ủng hộ tại Florida
nêu lý do muốn Trump thắng cử 2020
Anthony ZurcherPhóng viên BBC Bắc MỹTối thứ Ba tại Orlando, Florida, ông Donald Trump “chính thức” khởi động cuộc chạy đua cho chức tổng thống của mình.
Tất nhiên, mọi người đều biết ông sẽ tái tranh cử. Đó không phải là một bất ngờ.
Ông Trump đã nộp hồ sơ tranh cử năm 2020 ngay sau ngày nhậm chức tháng 1 năm 2017 và ông đã tổ chức các cuộc mít tinh theo phong cách chiến dịch thường xuyên trên khắp các bang chiến trường quan trọng kể từ đó.
Hôm thứ Ba tại Florida – một trong những chiến trường bầu cử lớn nhất, một tiểu bang mà tổng thống nhất định phải giành chiến thắng vào năm 2020 – ông Trump đã có một buổi ra mắt – một phép thử cho chiến dịch vận động dân Mỹ ủng hộ ông thêm bốn năm nữa, trước một đám đông đội mũ đỏ phủ kín sân vận động 20.000 chỗ ngồi. Vấn đề không phải là ông Trump có tái tranh cử hay không, mà là ông ấy sẽ chạy đua thế nào..
Paul Manafort, cựu giám đốc tranh cử của Trump bị bỏ tù
Trump nói sẵn sàng ‘nhận’ tin xấu về đối thủ từ nước ngoài
Lầu Năm Góc: ‘Không được chính trị hóa quân đội’
Các cuộc vận động của Trump luôn là ‘cho và nhận’, với việc tổng thống thử các kịch bản phát biểu để xem những người ủng hộ ông phản ứng như thế nào. Và phản ứng của đám đông trước bài phát biểu dài 78 phút của ông Trump đã đưa ra một số manh mối về những gì ông có.
Bài diễn văn có những nội dung có thể đoán trước như tự hào với tình trạng kinh tế Mỹ, điều mà ông cho rằng “có lẽ là nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta”. Ông nói về việc nới lỏng quy định, tăng chi tiêu quân sự, đàm phán thương mại, cải cách thuế, an ninh biên giới và tư pháp. Tất cả đều nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người nghe.
Robert Adamson, một nhân viên bán bảo hiểm ở Merritt Island, Florida nói:
“Những gì ông ấy đã làm cho đất nước này, như đem ngành sản xuất trở lại, phục hồi ngành thép của chúng tôi, tăng lương trung bình cho người dân, người Mỹ đang quay trở lại đất nước mình – đó là những điều tuyệt vời”.
Tuy nhiên, hiện tượng Trump chưa bao giờ chỉ gói gọn trong các vấn đề chính sách – nó lớn hơn việc “đưa ra lời hứa và thực hiện những lời hứa “, như Phó Tổng thống Mike Pence nói trong bài phát biểu giới thiệu hết sức xã giao của mình.
Thành công của ông Trump là về thái độ và khả năng kết nối với những người ủng hộ, để khiến họ cảm thấy như họ là một phần trong phong trào của ông. Và đó là một lần nữa được thể hiện ở Orlando.
Paul Barka, một nhân viên bảo trì của một trường đại học ở Tampa, Florida, nói: “Tôi nghĩ rằng ông ấy cộng hưởng với mọi người vì ông ấy đã từng là một người bình thường”.
“Ông ta không nói chuyện như một chính trị gia bóng bẩy. Còn về việc thỉnh thoảng ông ấy cầu thả, thô lỗ hoặc bất lịch sự cũng không sao cả.”
Đã có lúc, tổng thống thăm dò ý kiến khán giả về việc liệu ông nên giữ khẩu hiệu “Make America Great Again” cho chiến dịch năm 2020 của ông hay chọn “Keep America Great”. Lời đáp chói tai với lựa chọn thứ hai dường như làm ông ngạc nhiên.
Người ủng hộ cũng đồng thanh tán thành khi ông cảm ơn thư ký báo chí sắp mãn nhiệm Sarah Huckabee Sanders, người đã nhanh chóng cầm micro nói rằng bà vinh dự thế nào khi được ngồi hàng ghế đầu để chứng kiến lịch sử.
Bà là một trong những người bảo vệ tổng thống nhiệt tình nhất, và đám đông đã thể hiện tình yêu của họ.
“Bà ấy là một chiến binh,” Christopher Dunn, một sinh viên tốt nghiệp đi du lịch đến cuộc biểu tình từ phía bắc Florida cùng một số người bạn. “Đó vốn không phải là xung đột mà chúng tôi muốn, chúng tôi muốn một người không chịu cúi mình.”
Nếu nhìn cuộc vận động hôm thứ Ba như một dấu hiệu, thì chủ đề quan trọng của chiến dịch tái tranh cử tổng thống sẽ là tìm kiếm sự minh oan – minh oan cho các nhà phê bình nhắm đến ông trên phương tiện truyền thông sử dụng “tin giả”, trong Đảng Dân chủ và trong giới tinh hoa của quốc gia. Đó là tất cả một phần của “đầm lầy”, mà Trump nói đã chiến đấu chống lại ông “rất dữ dội và thô bạo”.
Tổng thống đóng khung rằng sự minh oan cá nhân là một chiến thắng cho những người ủng hộ ông – một số người, ông nhắc nhở họ, đã được Hillary Clinton dán nhãn “đáng trách” vào năm 2016.
Tổng thống cũng đưa ra những cảnh báo đen tối về những gì có thể xảy ra nếu đảng Dân chủ đánh bại ông vào năm 2020.
“Họ đang nhắm đến bạn,” ông nói. “Họ đang cố gắng xóa bỏ di sản của bạn về chiến dịch vĩ đại nhất và có lẽ cuộc bầu cử vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước.”
Để đảm bảo thông điệp rõ ràng, ông nói thêm: “Họ muốn tiêu diệt bạn và họ muốn phá hủy đất nước chúng ta”.
Bên ngoài sân vận động vài giờ trước khi sự kiện diễn ra, dưới ánh nắng Florida, một số ít người biểu tình chống Trump – những kẻ phản diện trong phim của tổng thống – vẫy những quả bóng bay “bé Trump” và cầm những tấm biển tự chế.
Kim Porteous, chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Quốc gia Florida cầm một tấm biển ghi: “2020 – Bất cứ ai khác tranh cử cũng được “.
Amy Mercado, một nhà lập pháp Dân chủ từ Orlando, đứng gần đó, và nói rằng bà dự kiến tổng thống sẽ ném “thịt đỏ” vào căn cứ của mình.
“Họ biết những gì họ muốn nghe”, cô nói, “và đó là những gì ông ấy sẽ nói với họ.”
Tuy nhiên cô cũng nói thêm tổng thống không chỉ động viên những người ủng hộ trung thành của mình – ông còn tạo động lực cho cả phe đối lập. Và không giống như năm 2016, đảng Dân chủ hiện biết tổng thống của Trump là người như thế nào và họ sẽ tìm cách để đổi phó.
Đó có thể là những gì diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2020 – một trận chiến nhiều ngã rẽ và đam mê, được thúc đẩy bởi động cơ và ác cảm đối với phe đối lập.
Hôm thứ Ba tại Orlando, ông Trump cho thấy ông vẫn có thể thu hút một đám đông khổng lồ sẵn sàng cho các trận chiến chính trị sắp tới.
Ít nhất là trong đêm này, sự nhiệt tình trong phe ủng hộ tổng thống đối với những bài hùng biện của ông vẫn không suy yếu, mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy một con đường khó khăn phía trước cho tổng thống. Trong thực tế, sự ủng hộ có thể lớn hơn chính bởi những cuộc thăm dò bi quan đó, suy nghĩ ‘họ đối đầu với ta’.
Đó là cuộc chiến của ông Trump và những người trung thành với ông chống lại đảng Dân chủ, truyền thông, thế giới – và, nếu coi bài phát biểu của ông là một cẩm nang thì nó đã truyền đạt chính xác những điều tổng thống muốn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48691358
Los Angeles chuẩn bị kế hoạch
phế truất thị trưởng Eric Garcetti
Theo tin từ đài KTLA5, Thị Trưởng 2 nhiệm kỳ của thành phố Los Angeles, ông Eric Garcetti đang phải đối mặt với những lời phàn nàn về tình trạng vô gia cư đang ngày càng lan rộng, và một nỗ lực nhằm phế truất ông đang được tiến hành.Vào năm 2016, ông Garcetti đã kêu gọi cử tri vay mượn 1.2 tỷ mỹ kim để xây dựng nhà cửa cho người vô gia cư. Tuy nhiên, hiện tại ông đang phải tìm cách giải thích vì sao vấn đề vô gia cư tại thành phố đang ngày càng tệ hơn. Theo đài KTLA5, những dữ kiện được công bố vào tháng này cho thấy lượng người vô gia cự tại Los Angeles đã tăng 16% so với năm ngoái, lên đến 36,300 người – bằng với dân số của một thành phố nhỏ. Dữ kiện này lại không khiến người dân sống hoặc làm việc ở trung tâm thành phố ngạc nhiên. Vì họ có thể nhìn thấy nhiều lều trại trên các vỉa hè của những người vô gia cư cách Tòa Thị Chính không quá xa và mùi hôi thối từ sự phóng uế bừa bãi tràn ngập không khí.
Bà Alexandra Datig, người đứng đầu kế hoạch kêu gọi phế truất ông Garcetti, cho biết cuộc khủng hoảng vô gia cư đang dần trở thành “tình trạng khẩn cấp” tại thành phố. Mặc dù việc kêu gọi cử tri ủng hộ việc phế truất không có nhiều khả năng để thành công, nhưng nỗ lực này đại diện một tuyên bố mang tính biểu tượng về tình trạng bất ổn của công chúng đối với vấn đề này.
Vào thứ tư (ngày 19 tháng 6), Thị Trưởng Garcetti có một bài phát biểu chi tiết về vấn đề vô gia cư. Ông đã công bố nguồn tài trợ mới để tăng cường dọn dẹp xung quanh các khu dân cư vô gia cư song song việc cung cấp phòng vệ sinh và vòi hoa sen công cộng. Thành phố cũng có thể sẽ thuê những người vô gia cư để dọn dẹp xung quanh các khu vực. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/los-angeles-chuan-bi-ke-hoach-phe-truat-thi-truong-eric-garcetti/
ICE xác nhận việc bắt giữ và trục xuất
sẽ nhắm vào các gia đình di dân
Tin từ Washington, D.C. — Vào hôm Thứ Tư (ngày 19 tháng 6), Quyền chủ tịch Cơ Quan Thực Thi Di Trú Và Quan Thuế (ICE), Mark Morgan xác nhận rằng cơ quan của ông đang chuẩn bị cho một kế hoạch mới để bắt giữ và trục xuất các gia đình di dân với các lệnh trục xuất.Theo ông Mark, kế hoạch này sẽ răn đe người dân Trung Mỹ về việc đến Hoa Kỳ. Khác với Tổng Thống Trump – người vào tối thứ Hai (ngày 17 tháng 6) tuyên bố chính quyền sẽ bắt đầu trục xuất “hàng triệu” người di dân không có giấy tờ vào tuần tới – ông Morgan đã không cung cấp khung thời gian hoặc phạm vi cụ thể cho kế hoạch nói trên. Ông cho biết ICE sẽ tăng cường nỗ lực tìm kiếm và trục xuất những người lẽ ra phải đến tòa án di dân, nhưng lại không xuất hiện tại phiên điều trần của họ.
Vào Thứ Tư, ông Morgan đã lặp lại một đề nghị “tự trục xuất” được đưa ra bởi ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney vào năm 2012 và kêu gọi những gười di dân không có giấy tờ liên hệ với văn phòng ICE địa phương của họ, tập hợp gia đình của họ và làm việc với cơ quan về việc trục xuất.
Theo đài CBS, bất kỳ vụ trục xuất quy mô lớn nào cũng có khả năng nhận được sự phản đối mạnh mẽ từ công chúng. Ảnh hưởng đến không chỉ những người di dân không có giấy tờ với các lệnh trục xuất đang chờ giải quyết, mà còn hàng triệu gia đình với các thành viên là công dân Hoa Kỳ. Một viên chức chính quyền cao cấp nói với CBS rằng Tòa Bạch Ốc ước tính rằng hơn 1 triệu trong số khoảng 10.5 triệu người di dân không có giấy tờ ở Mỹ đang chờ giải quyết lệnh trục xuất. Tuy nhiên, ông Morgan dường như đã giới hạn nhóm những người sẽ bị trục xuất theo kế hoạch trên. Ông cho biết ICE sẽ chỉ tập trung vào những người di dân không xuất hiện tại tòa án sau khi nhận được lệnh trục xuất. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ice-xac-nhan-viec-bat-giu-va-truc-xuat-se-nham-vao-cac-gia-dinh-di-dan/
Mỹ đẩy mạnh trục xuất để làm chùn bước di dân
Giới hữu trách di trú Mỹ muốn trục xuất các gia đình vừa đặt chân tới Mỹ bất hợp pháp để làm nản chí số di dân Trung Mỹ đang đổ về biên giới Hoa Kỳ qua ngõ Mexico, Reuters dẫn lời một giới chức chính phủ dẫn đầu nỗ lực này cho biết ngày 19/6.Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) sẽ nhắm mục tiêu trục xuất các gia đình đã nhận được lệnh từ tòa di trú Mỹ yêu cầu phải rời khỏi Hoa Kỳ, ông Mark Morgan, quyền giám đốc ICE, cho báo giới biết.
ICE “gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các cá nhân từ các nước Tam giác Phía Bắc rằng: Chớ tới đây. Chớ liều lĩnh,” ông Morgan nhấn mạnh, ý nhắc tới ba nước Guatemala, Honduras và El Salvador.
“Một khi quý vị đã trải qua quá trình tố tụng hợp pháp và có phán quyết cuối cùng, quý vị sẽ bị trục xuất,” Reuters dẫn phát biểu của ông Morgan.
Hôm 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức khởi động nỗ lực tái tranh cử với lời cam kết sẽ tiếp tục mạnh tay với di dân bất hợp pháp.
Theo Reuters, số di dân bị chặn bắt vì vượt biên từ Mexico vào Mỹ bất hợp pháp trong tháng 5 tăng lên cao nhất kể từ năm 2006 tới nay. Đa số xuất thân từ Trung Mỹ tìm đường vào Mỹ xin tị nạn. Quá trình xin tị nạn như thế này thường kéo dài nhiều năm và nhiều gia đình được tại ngoại trên đất Mỹ trong khi chờ tòa di trú ra phán quyết về việc trục xuất.
https://www.voatiengviet.com/a/my-day-manh-truc-xuat-de-lam-chun-buoc-di-dan-/4965948.html
Cựu phụ tá Hope Hicks từ chối trả lời Hạ Viện
các câu hỏi về tổng thống Trump
Tin Washington DC – Cựu phụ tá của Tổng Thống Donald Trump, cô Hope Hicks, vào thứ Tư, 19 tháng 6, đã từ chối trả lời các câu hỏi về thời gian làm việc của cô tại Tòa Bạch Ốc, trong buổi điều trần riêng tại Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện.Dân Biểu Dân Chủ David Cicilline của Rhode Island nói rằng, cô Hicks trả lời một số câu hỏi, nhưng từ chối hầu hết các câu hỏi còn lại, viện dẫn quyền miễn trừ hoàn toàn đối với các công việc của cô tại Tòa Bạch Ốc. Ông Cicilline cáo buộc các luật sư của tổng thống đã hướng dẫn cô Hicks từ chối trả lời, và nói rằng việc này sẽ khởi đầu cho một quá trình kiện tụng.
Dân Biểu Dân Chủ Ted Lieu của California cho biết cô Hicks vẫn cư xử lịch sự, và ông nghĩ rằng cô chỉ đơn giản dựa theo hướng dẫn của Bộ Tư Pháp để từ chối các câu hỏi liên quan đến giai đoạn làm việc tại Tòa Bạch Ốc. Ông Lieu cũng đe dọa rằng Ủy Ban Tư Pháp sẽ nhờ đến tòa án để buộc cô Hicks phải quay lại để trả lời các câu hỏi của các nhà lập pháp.
Quyền miễn trả lời mà Tòa Bạch Ốc hướng dẫn cho cô Hicks trên thực tế đã được nhiều tổng thống vận dụng trong nhiều thập niên qua. Bộ Tư Pháp lý luận rằng điều này đại diện cho sự phân quyền của các nhánh trong chính phủ. Quốc Hội không thể bắt buộc tổng thống và các phụ tá của ông đến để trả lời các câu hỏi của nhánh lập pháp. Ủy Ban Tư Pháp trước đó đã định hỏi cô Hicks về điều mà họ gọi là tội cản trở công lý và các vi phạm tài chính trong giai đoạn tranh cử.
Buổi điều trần của cô Hicks là lần đầu tiên một cựu phụ tá Tòa Bạch Ốc xuất hiện để trả lời các câu hỏi, liên quan đến cuộc điều tra của đảng Dân Chủ về cáo buộc Tổng Thống Trump cản trở công lý. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/cuu-phu-ta-hope-hicks-tu-choi-tra-loi-ha-vien-cac-cau-hoi-ve-tong-thong-trump/
Châu Âu họp thượng đỉnh chọn lãnh đạo
Mai VânLãnh đạo 28 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu – kể cả thủ tướng Anh Theresa May – họp lại tại Bruxelles trong hai ngày kể từ hôm nay 20/06/2019. Chương trình nghị sự rất rộng, nhưng quan trọng nhất là việc chọn ra lãnh đạo mới cho các định chế châu Âu.
Đây là một vấn đề rất gay go trong bối cảnh là 3 tuần lễ đã trôi qua từ cuộc bầu cử Nghị Viện, nhưng vẫn chưa thấy rõ những ai có thể nắm giữ ba chức vụ đứng đầu Ủy Ban Châu Âu, Hội Đồng Châu Âu và ngoại giao.
Không một ai chờ đợi là Liên Hiệp Châu Âu đạt đồng thuận sau hai ngày họp lần này.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Piere Bénazet đã đặc biệt lưu ý đến bất đồng đang tồn tại về người chủ tịch tương lai của Ủy Ban Châu Âu :
« Trong trò chơi cân nhắc mà 28 nước đang tiến hành để chọn ra lãnh đạo tương lai cho các định chế châu Âu, có một gương mặt nổi bật, ông Manfred Weber, người Đức ở vùng Bayern, 47 tuổi, chủ tịch nhóm nghị sĩ Bảo Thủ ở Nghị Viện Châu Âu, người đã đóng vai trò đầu đàn của phe bảo thủ trong cuộc bầu cử vừa qua.
Tuy nhiên, ông Weber không được Pháp cũng như nhiều nước khác ủng hộ, vì ông bị cho là thiếu uy thế chính trị để gánh vác vai trò hàng đầu trong các định chế của Liên Hiệp Châu Âu.
Từ mấy thập niên nay, nguyên thủ và thủ tướng chính phủ các nước châu Âu đều luôn luôn chọn những người trong hàng ngũ của mình để cử làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Theo họ, chỉ có một cựu thủ tướng mới có thể nói chuyện ngang hàng với các lãnh đạo châu Âu, và có thế mới làm được việc.
Thế nhưng, quan điểm này lại đối nghịch với lập trường của Đức và một số nước khác. Họ khẳng định là sẽ phi dân chủ khi không chọn người đứng đầu một đảng đã về đầu trong cuộc bầu cử Nghị Viện, cho dù đảng này đã mất uy phong.
Chính bất đồng ý kiến nghiêm trọng nói trên đã khiến cho việc đề cử kéo dài, tạo nên cơ may cho những ứng viên khác, như bà Margrete Vestager, thuộc cánh tự do hay Frans Timmermans, thuộc cánh tả Anh, hoặc là ủy viên châu Âu mãn nhiệm người Pháp Michel Barnier. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190620-lien-hiep-chau-au-hop-thuong-dinh-de-chon-lanh-dao
Pháp : Cựu tổng thống Sarkozy
sẽ phải ra tòa về tội “tham nhũng”
Trọng NghĩaTrong phiên xét xử ngày 18/06/2019, Tòa Phá Án Pháp đã bác bỏ những kháng cáo cuối cùng của cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, cùng với người bạn luật sư Thierry Herzog của ông và cựu thẩm phán cấp cao Gilbert Azibert.
Phán quyết của Tòa Phá Án đã mở đường cho việc đưa cựu tổng thống Pháp ra tòa tiểu hình để xét xử về tội « tham nhũng và hối mại quyền thế » trong vụ án được mệnh danh là vụ « nghe lén ».
Theo AFP, lần đầu tiên trong lịch sử nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, một cựu tổng thống Pháp bị đưa ra xét xử vì tội tham nhũng và lạm quyền.
Ông Sarkozy bị truy tố về tội hối lộ một thẩm phán cao cấp ở Tòa Phá Án Pháp. Sự vụ bị phát giác do điện thoại của cựu tổng thống bị Tư Pháp « nghe lén ». Trong vụ này, ông Sarkozy bị tình nghi đã tìm cách nhờ luật sư của ông tìm kiếm những thông tin bí mật về quyết định của thẩm phán Tòa Phá Án liên quan đến ông. Cựu Tổng thống Pháp sẽ bị xét xử dựa trên những chứng cứ được ghi lại từ việc nghe lén các cuộc điện đàm giữa ông và luật sư Herzog.
Hai ông Herzog và Azibert cũng bị truy tố về tội « vi phạm bí mật nghề nghiệp ».
Xin nhắc lại là Tư Pháp nước Pháp từ năm 2014 đã bắt đầu điều tra một khoản tài trợ bất hợp pháp trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007 của ông Sarkozy, bị nghi ngờ nhận tiền của cố lãnh đạo Libya Kadhafi.
Các nhân viên điều tra đã theo dõi các cuộc điện đàm giữa ông Sarkozy cùng luật sư Herzog và phát hiện ra mối quan hệ chặt chẽ với thẩm phán Aziber, người đã tiết lộ nhiều thông tin bí mật của Tòa Phá Án về diễn tiến cuộc điều tra nhắm vào vụ tiền tài trợ từ Libya.
Ông Aziber bị nghi là đã cung cấp thông tin với hy vọng có được sự ủng hộ của ông Sarkozy trong cuộc tranh giành một chức vụ quan trọng tại Monaco.
http://vi.rfi.fr/phap/20190620-phap-cuu-tong-thong-sarkozy-se-phai-ra-toa-ve-toi-tham-nhung
Bà Laura Codruta Kovesi
là ‘người đốt lò’ của Romania
Không cần phải có lãnh đạo đảng cầm quyền hay tổng thống vào cuộc, nữ công tố 43 tuổi ở Romania đem 1250 quan chức tham nhũng ra xử.Tất cả chỉ nhờ cơ chế pháp quyền độc lập ở quốc gia hậu cộng sản nhưng nay, người hùng chống tham nhũng đã bị loại bỏ, và chỉ có EU muốn tuyển bà.
Vụ Trần Bắc Hà và tham nhũng ngân hàng
VN tiếp tục ‘dẹp tham nhũng lộng quyền’
Đuổi hết công an giao thông?
Sinh năm 1973, bà Laura Codruta Kovesi là trưởng cơ quan Anti-Corruption Directorate (DNA) của Romania, được thành lập từ 2003 để điều tra và chống tham nhũng.
Ở vai trò công tố, bà Kovesi đã nổi tiếng trên khắp châu Âu vì nỗ lực chống tham nhũng.
Romania bị cho là một trong những quốc gia hậu cộng sản ở Đông Âu mắc bệnh khá nặng về cả “tham nhũng quyền lực” và “bảo kê kinh tế” cho các nhóm lợi ích.
Tờ The Economist ở Anh viết:
“Chính trị Romania nói thẳng ra là nhầy nhụa tham nhũng. Các bố già trong đảng chính trị chia chác chức vụ và các hợp đồng công. Các đại gia (oligarchs) làm ông chủ đài truyền hình sẽ dùng chúng như công cụ tuyên truyền để triệt hạ danh tiếng của đối thủ, hoặc để bố trí cho tay chân (cronies) tái đắc cử. “
Tờ báo nhận định, “Những chính trị gia trong sạch như tổng thống Klaus Iohannis, và đảng ‘Liên đoàn Cứu quốc Romania (USR) chỉ là thiểu số.”
“Trong EU, chỉ có Hungary, Hy Lạp và Bulgaria đứng thấp hơn Romania trong bảng xếp hạng tham nhũng của Transparency International.”
Một báo Anh khác, tờ Telegraph hồi 2016, chỉ ba năm sau khi bà Kovesi lên nhậm chức năm 2013, cơ quan chống tham nhũng Romania đã bắt hàng trăm quan chức.
“Trong số họ có một thủ tướng tại chức khi bị bắt và xử, năm bộ trưởng, 16 đại biểu quốc hội, năm thượng nghị sĩ, 97 thị trưởng và phó thị trưởng, 32 giám đốc doanh nghiệp nhà nước, và 497 quan chức các cơ quan công.”
Đánh bạc nghìn tỷ: Tướng CA nói về ‘tổ ong’ và ‘não bé’
Việt Nam 2018 qua chùm tranh biếm họa
HN có số đảng viên Cộng sản bị kỷ luật ‘tăng đều’
Theo chính lời bà Laura Codruta Kovesi, chỉ số đem người bị bắt ra xử vào năm 2015 là 93%.
Một nghiên cứu của Nghị viện EU ước tính Romania mất đi 15% GDP vì tham nhũng.
Người dân Romania nay không còn cảm thấy những kẻ có quyền và hay coi thường pháp luật là bất khả xâm phạmBà Kovesi
Bản thân bà Kovesi không tin rằng nhiệm kỳ lãnh đạo DNA của bà giúp Romania hết tham nhũng.
Nhưng ít ra, theo bà khi trả lời báo Anh hồi 2016, người dân Romania nay không còn cảm thấy “những kẻ có quyền và hay coi thường pháp luật là bất khả xâm phạm”.
Bị chống lại ở Romania nhưng được EU tôn trọng
Tuy nhiên, theo báo Anh, Financial Times (05/2019), bà Kovesi bị nhiều thế lực chống lại và đã mất chức giám đốc DNA hồi 2018.
Một trong những cáo buộc chống lại chính bà hiện nay là cơ quan điều tra DNA dùng công cụ nghe lén để thu thập bằng chứng tham nhũng.
Tại Romania, điều này “gợi lại hoạt động bị căm ghét của an ninh Securitate thời Ceausescu”, theo Financial Times.
Cũng sau khi mất chức ở Romania, bà lại trở thành một trong hai ứng viên hàng đầu để lãnh đạo cơ quan công tố Liên hiệp châu Âu.
Người thứ nhì là ông Jean-François Bohnert, ứng viên của Pháp.
Điều đáng lưu ý là chính phủ Romania cực lực phản đối việc bà Laura Codruta Kovesi trở thành ứng cử viên cho chức vụ trưởng công tố của EU.
Phóng viên BBC tại Đông Âu, Nick Thorpe nhận định rằng bà Laura Codruta Kovesi trở thành “kẻ thù số một” của chính phủ Romania do đảng Dân chủ Xã hội (gốc cộng sản) lãnh đạo.
Dự kiến cơ quan ‘European Public Prosecutor’s Office’ được khai trương vào 2020.
Ai lên nắm cơ quan này cũng sẽ có quyền lực lớn để điều tra các vụ lạm dụng quỹ EU ở các nước thành viên.
Romania, Bulgaria, Slovakia đều đã bị điều tra vì các vụ dùng sai quỹ EU và Bucharest từng bị buộc phải hoàn trả 41 triệu euro vì chi tiêu sai tiền EU trợ cấp cho nông nghiệp.
Tại Slovakia, nhà báo Jan Kuciak bị bắn chết trong vụ án làm rung động nước này sau khi ông điều tra các vụ lừa đảo tiền triệu liên quan đến trợ cấp của EU.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48704262
Vụ Khashoggi : Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh
kết luận của báo cáo viên LHQ
Mai VânSau 6 tháng điều tra, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vụ hành quyết không xét xử, bà Agnès Callamard, đánh giá là đã có đủ bằng chứng để mở điều tra về lãnh đạo Ả Rập Xê Út, bao gồm cả thái tử Mohamed ben Salmane trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, ngày 02/10/2018 tại lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul.
Bà Callamard yêu cầu thi hành các biện pháp trừng phạt đối với thái tử Ả Rập Xê Út do vai trò của ông trong vụ ám sát này. Thổ Nhĩ Kỳ rất hoan nghênh kết luận trên.
Thông tín viên RFI, Anne Andlauer, tường thuật từ Istanbul :
“Thổ Nhĩ Kỳ nôn nóng chờ đợi báo cáo này hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ngay từ lúc tin cái chết của Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul được xác nhận, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã dốc sức để sự vụ có tiếng vang, cổ vũ cho một cuộc điều tra quốc tế.
Đây là cũng điều mà báo cáo của Liên Hiệp Quốc đề xuất, khiến Thổ Nhĩ Kỳ rất hài lòng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Cavusoglu trên Twitter phản ứng ngay : Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của báo cáo viên để làm sáng tỏ vụ ám sát Khashoggi và để buộc những kẻ chịu trách phải trả lời về hành động của họ.
Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đề nghị mở điều tra hình sự quốc tế về trách nhiệm các viên chức, lãnh đạo cao cấp Ả Rập Xê Út, kể cả thái tử. Đây là điều mà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từng đòi hỏi. Ankara tố cáo công khai thái tử Mohammed ben Salmane đã ra lệnh ám sát Khashoggi.
Ankara giờ đây cho rằng báo cáo Liên Hiệp Quốc xác nhận là Thổ Nhĩ Kỳ có lý. Từ nhiều tháng qua, nước này luôn tố cáo phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhẹ tay với Ả Rập Xê Út để bảo vệ quyền lợi kinh tế.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190620-vu-khashoggi-tho-nhi-ky-hoan-nghenh-ket-luan-cua-bao-cao-vien-lhq
Vệ Binh Cách Mạng Iran tuyến bốbắn hạ
máy bay “gián điệp” không người lái của Hoa Kỳ
Tin từ DUBAI, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất — Vào hôm thứ Năm (20/6), trang web tin tức Sepah News của nhóm Vệ binh Cách mạng cho biết, các thành viên Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran vừa bắn hạ một máy bay “gián điệp” không người lái của Hoa Kỳ tại tỉnh Hormozgan phía nam, nằm trên vùng Vịnh.Hãng thông tấn nhà nước IRNA cũng đăng tin tương tự, đồng thời xác định máy bay không người lái này là một chiếc RQ-4 Global Hawk. Theo thông tin trên trang web của công ty sản xuất Northrop Grumman, hệ thống máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk (UAS) có thể bay cao trong hơn 30 giờ, thu thập hình ảnh cận thời gian thực có độ phân giải cao của các vùng đất rộng lớn trong mọi loại thời tiết.
Hạm trưởng hải quân Bill Urban, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, cho biết không hề có máy bay nào của Hoa Kỳ bay qua Iran vào hôm thứ Tư (19/6). Ông Urban đã từ chối bình luận thêm. Trong những ngày gần đây, quân đội Hoa Kỳ đã xác nhận một nỗ lực của Iran trong việc bắn hạ một máy bay không người lái của Hoa Kỳ vào tuần trước, cũng như việc các lực lượng Houthi liên kết với Iran ở Yemen bắn hạ thành công một chiếc máy bay không người lái vào ngày 6 tháng 6.
Vào hôm thứ Tư (19/6), một viên chức an ninh cao cấp của Iran cho biết Iran sẽ phản ứng mạnh mẽ với mọi hành vi vi phạm không phận của họ.
Căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ đã tăng mạnh kể từ năm ngoái, khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận nguyên tử năm 2015 giữa Iran và các cường quốc, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nước này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ve-binh-cach-mang-iran-tuyen-bo-ban-ha-may-bay-gian-diep-khong-nguoi-lai-cua-hoa-ky/
Hàn Quốc thúc giục Bắc Triều Tiên họp thượng đỉnh
Mai VânTrong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần tới đây ghé thăm Hàn Quốc, chính quyền Seoul vào hôm qua, 19/06/2019 đã lên tiếng thúc giục Bình Nhưỡng tham gia một thượng đỉnh Liên Triều trước chuyến thăm của ông Trump.
Phát biểu tại diễn đàn của Atlantic Council tại Washington, đại diện Hàn Quốc Lee Do-Hoon đã kêu gọi Bắc Triều Tiên bật đèn xanh cho một hội nghị thượng đỉnh thứ tư giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Theo Lee Do Hoon, tổng thống Hàn Quốc đã gởi lời mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên cùng họp thượng đỉnh, do đó ông kêu gọi « Bắc Triều Tiên đáp ứng lời mời họp thượng đỉnh Liên Triều, nếu có thể trước chuyến thăm Hàn Quốc của tổng thống Mỹ vào tuần tới đây ».
Trên nguyên tắc, ông Trump sẽ ghé Hàn Quốc gặp tổng thống Moon Jae-In sau cuộc họp G20, dự trù diễn ra tại Nhật Bản trong hai ngày 28-29/06.
Hoa Kỳ vẫn « mở rộng cánh cửa » cho đối thoại với Bình Nhưỡng
Cũng phát biểu tại diễn đàn ở Washington, đại diện Mỹ đặc trách Bắc Triều Tiên Stephen Biegun đã bắn tin cho biết là Washington sẵn sàng nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Theo ông Biegun : « Cánh cửa vẫn mở rộng cho đàm phán…và chúng tôi hy vọng trong một thời gian không xa nối lại được tiến trình đối thoại một cách có thực chất ».
Theo ông Biegun, Hoa Kỳ muốn thảo luận trên tất cả các cam kết mà hai lãnh đạo đã đưa ra trong cuộc gặp đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018, gồm cả vấn đề an ninh của Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, đặc sứ Mỹ vẫn nhấn mạnh là để đối thoại có tiến bộ thì Bắc Triều Tiên phải có những bước « có ý nghĩa và kiểm chứng được » trên vấn đề từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Xin nhắc lại đàm phán Mỹ-Bắc Triều Tiên về hạt nhân đi vào bế tắc từ sau thất bại của cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà Nội, vào tháng 2/2019.
Hàn Quốc gởi 50.000 tấn gạo giúp Bắc Triều Tiên
Trên bình diện nhân đạo, Seoul vào hôm qua, thông báo nhanh chóng gửi 50 000 tấn gạo đến Bắc Triều Tiên, thông qua Chương Trình Lương Thực Thế Giới PAM.
Đây là lần đầu tiên từ năm 2010 mà Seoul trợ giúp lương thực cho người láng giềng phương Bắc.
Bộ trưởng bộ Thống Nhất Kim Yeon Chul giải thích là việc phân phối sẽ do PAM và Bình Nhưỡng quyết định. Khoản viện trợ tiếp theo sẽ tùy thuộc vào tình hình và kết quả của đợt trợ giúp thứ nhất này.
Hồi đầu tháng 6 này, Seoul thông báo đã tháo khoán 8 triệu đô la trợ giúp nhân đạo cho Bắc Triều Tiên.
Vào tháng 5, truyền thông Bắc Triều Tiên đã báo động về nạn hạn hán nghiêm trọng nhất từ hơn một thế kỷ nay tại miền Bắc.
Bắc Triều Tiên mất mùa, thiếu ăn liên tục. Nạn đói những năm 1990 đã làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190620-han-quoc-thuc-giuc-bac-trieu-tien-hop-thuong-dinh
Lãnh đạo Hong Kong phớt lờ thời hạn chót
của người biểu tình?
Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam, hôm 20/6 dường như phớt lờ thời hạn chót mà người biểu tình đặt ra, yêu cầu bà phải rút lại dự luật dẫn độ các nghi can sang Trung Quốc, theo Reuters.Hãng tin Anh cho rằng động thái này nhiều khả năng sẽ dẫn tới làn sóng phản đối mới ở Hong Kong.
Bà Lam, vốn được Bắc Kinh hậu thuẫn, trước đó đã đình chỉ dự luật cho phép dẫn độ các nghi phạm ở cựu thuộc địa của Anh sang Trung Quốc đại lục để bị xét xử.
Tuy nhiên, một số nhóm sinh viên yêu cầu bà tới 5 giờ chiều ngày 20/6 phải hủy bỏ hoàn toàn dự luật này.
XEM THÊM:
Thủ lĩnh biểu tình Hong Kong muốn truyền cảm hứng cho người Việt
Họ cũng yêu cầu chính quyền phải hủy bỏ mọi cáo trạng đối với những người bị bắt trong các cuộc biểu tình tuần trước, đồng thời chấm dứt gọi các cuộc biểu tình là hành động gây bạo loạn.
Các nhà hoạt động tuyên bố sẽ bao vây cơ quan lập pháp của Hong Kong vào ngày 21/6 nếu các yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Reuters cho rằng lời đe dọa này sẽ gây ra thêm căng thẳng ở Hong Kong, cũng như đặt dấu hỏi mới về khả năng lãnh đạo trung tâm tài chính này của bà Lam.
Hãng tin Anh cũng đưa tin thêm rằng khoảng vài chục người biểu tình đã tập hợp một cách ôn hòa bên ngoài trụ sở chính quyền tối 20/6.
https://www.voatiengviet.com/a/l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-hong-kong-ph%E1%BB%9Bt-l%E1%BB%9D-th%E1%BB%9Di-h%E1%BA%A1n-ch%C3%B3t-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-/4966770.html
TQ cảnh báo Mỹ chớ “mở hộp Pandora” Trung Đông
Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ “mở hộp Pandora” ở Trung Đông sau khi Washington tuyên bố triển khai thêm 1.000 quân đến khu vực này trong bối cảnh căng…Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu ngày 18.6 ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ “mở hộp Pandora” ở Trung Đông sau khi Washington tuyên bố triển khai thêm 1.000 quân đến khu vực này trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên duy trì lý trí và kiềm chế, không thực hiện bất kỳ hành động nào kích động leo thang căng thẳng trong khu vực và không mở chiếc hộp Pandora” – AFP dẫn lời Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại Bắc Kinh ngày 18.6.
“Đặc biệt, Mỹ nên thay đổi hành vi gây áp lực tối đa” – ông Vương Nghị nói thêm.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và coi Vệ binh Cách mạng Iran là tổ chức khủng bố.
Ngày 17.6, Mỹ gia tăng sức ép lên Iran bằng thông báo triển khai bổ sung 1.000 quân tới Trung Đông, sau khi tung ra những bức ảnh mới cáo buộc Iran tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman vào tuần trước.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng thời kêu gọi Iran đưa ra quyết định khôn ngoan và đừng dễ dàng từ bỏ thỏa thuận hạt nhân sau khi Tehran tuyên bố sẽ vượt giới hạn dự trữ uranium trong 10 ngày tới nếu các cường quốc thế giới không thực thi các cam kết theo thỏa thuận.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo hôm 8.5 rằng, Iran sẽ ngừng tuân thủ các giới hạn đối với trữ lượng uranium làm giàu và nước nặng được quy định trong thỏa thuận hạt nhân, nhằm trả đũa việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Iran dọa sẽ tiến xa hơn nữa trong việc giảm bớt các cam kết hạt nhân vào ngày 8.7 trừ khi các đối tác còn lại của thỏa thuận là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga giúp xóa bỏ trừng phạt của Mỹ, đặc biệt cho phép Iran bán dầu.
“Quyết tâm của Trung Quốc bảo vệ thỏa thuận toàn diện là không thay đổi. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên để tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận hạt nhân Iran ” – Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh
http://biendong.net/diem-tin/28827-tq-canh-bao-my-cho-mo-hop-pandora-trung-dong.html
Phía sau chuyến thăm Triều Tiên
của ông Tập Cận Bình
Nhiều nhà phân tích nhận định, bán đảo Triều Tiên đã trở thành một chiến trường ngoại giao khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington.Trung Quốc quyết đấu tới cùng với Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Thanh niên Trung Quốc đua nhau bỏ việc, chẳng cần kế hoạch dự phòng
Trước Trung Quốc, Mỹ từng ‘hạ gục’ Nhật trên chiến trường thương mại
Chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Triều Tiên sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước cao nhất của một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm nước này trong suốt 14 năm qua, và điều này sẽ làm nổi bật mối quan hệ song phương chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm này của ông Tập diễn ra trong bối cảnh chỉ một tuần trước khi ông có một cuộc gặp bên lề hội nghị G20 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo SCMP.
“Lãnh đạo Trung-Triều sẽ xem xét sự phát triển của mối quan hệ song phương và tiến hành trao đổi những quan điểm sâu sắc về sự phát triển của quan hệ Trung-Triều trong một kỷ nguyên mới, và vạch ra tiến trình phát triển trong tương lai”, tờ Tân Hoa Xã hôm 18/3 viết.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm 18/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, chuyến thăm của ông Tập nhằm mục đích “tạo ra một động lực mới” cho mối quan hệ Trung-Triều trong năm hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và thúc đẩy các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hiện đang bị đình trệ.
“Liên quan tới quá trình phi hạt nhân, như tôi đã nói, kết quả cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng Hai ở Hà Nội thật sự là có một chút bất ngờ. Nhưng sau đó, tất cả mọi người đều thực sự mong chờ các cuộc đối thoại được nối lại theo chiều hướng tốt”, ông Lục cho biết.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ về một cuộc gặp với ông Kim sau khi ông Trump đã nhận được “một bức thư tốt đẹp” từ nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tuần trước. Đồng thời, trường phái đoàn đàm phán vấn đề hạt nhân, ông Lee Do-hoon cũng cho biết Washington đã liên hệ với phía Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump hôm 18/3 đã xác nhận ông sẽ có một cuộc gặp với ông Tập vào tuần tới ở thành phố Osaka, Nhật Bản. Cụ thể trên Twitter, ông Trump cho biết ông và ông Tập đã có “một cuộc trò chuyện điện thoại tốt đẹp” và “sẽ có một cuộc gặp” tại hội nghị G20, nơi ông và ông Tập sẽ cố làm giảm căng thẳng của cuộc thương chiến kéo dài hơn 1 năm qua.
Theo nhiều nhà phân tích nhận định, bán đảo Triều Tiên đã trở thành một chiến trường ngoại giao khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington. Cụ thể, ông Cha Du-hyeogn, một học giả thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Asan cho biết Trung Quốc và Mỹ đang tranh giành tầm ảnh hưởng lên khu vực bán đảo Triều Tiên.
Phía sau chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình
Trung Quốc đang cố khôi phục tầm ảnh hưởng của mình trên Bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP
“Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Singapore giữa Trump và Kim hồi năm ngoái, Mỹ và Triều Tiên đã trở thành những nhân tố đóng vai trò quan trọng duy nhất về vấn đề bán đảo. Trung Quốc có thể muốn khôi phục tầm ảnh hưởng của mình và trở thành một nhân tố quan trọng hơn”, ông Cha nói.
“Nhưng Bắc Kinh thiếu đi cái gọi là cạnh tranh chiến lược với Washington, có nghĩa là họ không thách thức các biện pháp trừng phạt do Mỹ đặt ra để nhằm buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Trên thực tế, dường như Trung Quốc sẽ cố thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán nhằm mục đích phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, ông nói thêm.
Trong khi đó, một số nhà phân tích khác lại nhận định ông Tập sẽ tận dụng chuyến thăm này để tăng cường đòn bẩy ngoại giao của Trung Quốc lên mặt trận hạt nhân Triều Tiên, nâng cao vị thế của mình với Mỹ. Cụ thể, một nguồn tin ngoại giao cho biết, Bắc Kinh dự kiến sẽ đề nghị hỗ trợ Bình Nhưỡng một lượng lớn hàng cứu trợ nhân đạo với mục đích làm suy giảm tác động của những lệnh trừng phạt từ phía Washington.
Ngoài ra, tờ Nhật báo Nhân dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết ông Tập sẽ hội đàm với ông Kim về hợp tác kinh tế và thương mại trong chuyến thăm này. Cụ thể, tờ báo này trích dẫn lời ông Zheng Jiyong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Phục Đán cho biết, Bình Nhưỡng sẽ từng bước cải cách nền kinh tế nước này và giới thiệu kế hoạch sản xuất công nghiệp với Trung Quốc.
Ông Lu Chao, một chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh lại cho rằng, sự hợp tác kinh tế giữa Trung-Triều ở quy mô lớn sẽ khó xảy ra, nhưng ở mức nhỏ thì có thể.
“Ví dụ, Trung Quốc có thể xuất khẩu nhu yếu phẩm hàng ngày cho Triều Tiên. Và nếu cần thiết, Bắc Kinh có thể sẽ hỗ trợ lương thực cho nước này. Tôi tin rằng các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Bình Nhưỡng sẽ thay đổi, bởi vì đó là một cách tiếp cận thực tế hơn để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên của Trung Quốc là vững vàng và sẽ không thay đổi…Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng và Washington tiếp tục các cuộc đối thoại”, ông Lu nói.
Theo ông Boo Seung-chan, giáo sư Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, Trung Quốc hiện đang đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình. “Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian tích cực để tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”, ông Boo nói.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28790-phia-sau-chuyen-tham-trieu-tien-cua-ong-tap-can-binh.html
Chuyên gia TQ: Nước Mỹ ích kỷ mắc bệnh đố kỵ
và đãng trí có thể trở thành bá quyền tự hủy
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Mỹ không thể đánh giá thấp sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh.Vào ngày 13/6, Viện nghiên cứu thực tiễn và tư tưởng kinh tế Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa đã tổ chức hội thảo thảo luận về các vấn đề thương mại Mỹ-Trung.
Các chuyên gia tham dự hội cho rằng, việc khơi mào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh cho thấy sự thiếu nhận thức và suy xét của Washington đối với vấn đề của chính mình và việc đó đã gây ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Đồng thời họ cáo buộc, Mỹ đang thực hiện một ý đồ ích kỷ bằng cách làm tăng các rào cản thương mại, hy sinh lợi ích nhân loại chỉ để đạt được mục tiêu “nước Mỹ trên hết”.
Lỗi tại cơ cấu kinh tế
“Mỹ khơi mào xung đột thương mại vì về cơ bản xã hội kinh tế nội địa Mỹ đã xuất hiện các vết nứt giống như động đất. Họ đang nhờ vào xung đột thương mại để nhanh chóng chuyển mâu thuẫn trong nước thành mâu thuẫn quốc tế”, Viện trưởng viện nghiên cứu thực tiễn và tư tưởng kinh tế Trung Quốc Lý Đạo Quỳ nhận định.
Phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân Trung Quốc Ngô Hiểu Cầu thì cho rằng bản chất của cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-Trung là việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc một cách có chiến lược.
“Mỹ là quốc gia phát triển nhất về kinh tế và là quốc gia có nhiều người giành giải thưởng Nobel về kinh tế nhất. Nhưng đáng ngạc nhiên, các nguyên tắc kinh tế của họ lại hoàn toàn không phù hợp với lẽ thường. Mỹ không nên nghĩ rằng thuế quan cao có thể đảm bảo rằng lợi ích quốc gia sẽ không bị tổn thất. Nếu nó đơn giản như thế, bất cứ ai cũng có thể làm được. Trên thực tế, chỉ riêng sự mở cửa, cạnh tranh và thị trường hóa đã có thể giúp quốc gia trở nên phồn vinh”, ông Ngô nói.
“Thâm hụt thương mại của Mỹ về cơ bản là do cơ cấu kinh tế tiêu thụ quá mức và ý thức tiết kiệm thấp”, ông Bạch Trọng Ân – Viện trưởng Học viện quản lý kinh tế, Đại học Thanh Hoa nói.
“Cấu trúc này không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước của Mỹ và tất nhiên họ phải mua sản phẩm của các quốc gia khác nên thâm hụt thương mại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng một bộ phận người Mỹ đã bỏ qua vấn đề của chính họ mà chuyển trách nhiệm sang Trung Quốc. Vấn đề này không nên đổ tại Trung Quốc được”, ông Bạch chỉ trích.
Kiềm chế Trung Quốc, Mỹ cũng thiệt hại
Ông Lý Đạo Quỳ cho rằng, nước Mỹ đang mắc phải hai căn bệnh, một là ‘bệnh đố kỵ’ và hai là ‘chứng bệnh đãng trí’.
“Trước đây, Mỹ đã đưa ra Đạo luật thuế quan Smoot-Hawley, tăng thuế quan, làm xáo trộn thương mại thế giới và số người thất nghiệp đã tăng lên đáng kể. Mới chỉ có chưa được 90 năm trôi qua mà Mỹ đã quên đi bài học cay đắng của đạo luật đó. Ngày nay, mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung là mắt xích quan trọng nhất của mối quan hệ thương mại thế giới. Việc Mỹ gây ra một cuộc xung đột thương mại lớn trên thực tế đã dẫn đến sự phá hủy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, dẫn đến một phản ứng dữ dội và nghiêm trọng”, chuyên gia Trung Quốc cáo buộc.
Trong khi, ông Lưu Đào Hùng – Bí thư đảng ủy Học viện Khoa học xã hội, Đại học Thanh Hoa, nói: “Việc gây ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là không phù hợp với dòng chảy của lịch sử. Nạn nhân nghiêm trọng nhất của cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung không phải là Trung Quốc và Mỹ mà là toàn thế giới”.
Ông này nhấn mạnh: “Hệ thống phân công lao động quốc tế tỉ mỉ và chuyên sâu được hình thành bởi xu hướng toàn cầu hóa trong vài năm qua sẽ trở nên hỗn loạn bởi xung đột thương mại và nền kinh tế toàn cầu sẽ phải chịu tác động lớn. Cách mà Mỹ gây ra xung đột thương mại hàng loạt là ý đồ ích kỷ để đạt được mục tiêu “nước Mỹ trên hết” mà hy sinh lợi ích của cả nhân loại”.
“Trung Quốc có một vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mức thuế cao mà Mỹ áp đặt lên các sản phẩm của Trung Quốc sẽ làm suy yếu lợi ích của thế giới. Các tập đoàn Mỹ chắc chắn sẽ phải đối mặt với áp lực giá cả, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến sự tăng giá hàng hóa trong nước và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người Mỹ”, Hứa Hiến Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dữ liệu xã hội và kinh tế Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa chỉ ra, “Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc bằng cách tạo ra xung đột thương mại, nhưng đồng thời điều này sẽ gây hại cho thế giới và gây hại cho chính nước Mỹ”.
“Tại thời điểm mới thiết lập quan hệ ngoại giao, trao đổi thương mại song phương chỉ là 2,5 tỷ USD. Năm ngoái, trao đổi thương mại song phương đã tăng 252 lần lên 633,5 tỷ USD”, Nguyễn Tông Trạch – Viện phó thường trực Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc chỉ ra, “Không tồn tại vấn đề trong câu hỏi ai sẽ chịu thiệt trong sự bùng nổ tăng trưởng này. Mỹ luôn tuyên bố đã chịu thiệt hại nhưng trên thực tế, đây là một tình huống đôi bên cùng có lợi”.
Mỹ có thể trở thành “bá quyền tự hủy”
Một số chuyên gia tại hội thảo cho biết, không thể đánh giá thấp sức mạnh kinh tế của Trung Quốc: “Trung Quốc không muốn đấu trong cuộc xung đột thương mại này nhưng không có nghĩa là Trung Quốc sợ”.
Ông Ngô Hiểu Cầu cảnh báo, từ khi cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung bùng nổ cho đến hiện tại, chính phủ Mỹ không hề có giới hạn nên Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ nhất.
“Trung Quốc có chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất. Không nên đánh giá thấp sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc cần chuyên sâu cải cách một cách chắc chắn, tiến hành mở cửa mạnh hơn đồng thời chúng ta nên chú ý hơn đến việc hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp và mang lại cho các doanh nghiệm một triển vọng ổn định. Chúng ta cũng nên xây dựng những chính sách phong phú và đa dạng để ứng phó với các biến số có thể xảy ra”.
“Trung Quốc và Mỹ cuối cùng vẫn là nên quay lại hợp tác. Hợp tác là lựa chọn chính xác duy nhất giữa hai nước”, ông Nguyễn Tông Trạch chỉ ra, “Có một thế lực tại Mỹ muốn chia cắt hai nước. Điều này đã vi phạm dòng chảy lịch sử và vi phạm lợi ích của người dân cả hai nước.
Chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, quốc gia lớn mạnh cần sự công nhận từ cộng đồng quốc tế. Nhưng ngày nay, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ của chính phủ Mỹ đã khiến chính một số học giả Mỹ cũng lo ngại rằng nước này đang trở thành “bá quyền tự hủy”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28822-chuy%C3%AAn-gia-tq-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%B9-%C3%ADch-k%E1%BB%B7-m%E1%BA%AFc-b%E1%BB%87nh-%C4%91%E1%BB%91-k%E1%BB%B5-v%C3%A0-%C4%91%C3%A3ng-tr%C3%AD-c%C3%B3-th%E1%BB%83-tr%E1%BB%9F-th%C3%A0nh-b%C3%A1-quy%E1%BB%81n-t%E1%BB%B1-h%E1%BB%A7y.html
Philippines hết “ảo tưởng về anh bạn TQ”
sau vụ tàu cá ngư dân bị đâm chìm, bỏ mặc ở Biển Đông
Sau những động thái “đường mật” dành cho nhau trong mối quan hệ gần gũi giữa chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte và Trung Quốc suốt thời gian qua, dư luận người dân Philippines đã bị sốc sau khi xảy ra vụ việc một tàu cá của nước này đã bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm hôm 9/6 và bỏ mặc. Họ chỉ may mắn sống sót khi được tàu Việt Nam phát hiện và cứu vớt.Diễn biến vụ việc tàu cá Philippines bị tàu TQ đâm chìm rồi bỏ mặc
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana 12/6 cho biết một tàu cá Trung Quốc đã đâm vào một tàu đang neo đậu của Philippines mang số hiệu F/B GIMVER 1 hôm 9/6 ở khu vực gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).Cú đâm của tàu cá Trung Quốc “khiến tàu Philippines bị chìm”, khi đó trên tàu có 22 thuyền viên. Nghiêm trọng và đáng phê phán hơn là tàu Trung Quốc đã “bỏ mặc 22 ngư dân” Philippines giữa biển, thay vì giải cứu họ.
Trung Quốc cũng được biết đến với nhiều hành động vô nhân đạo trước đó đối với ngư dân Philippines khi thường xuyên cướp bóc ngư cụ và cá của tàu Philippines tại bãi cạn Scarborough, vùng biển phía Tây của Philippines. Tại đảo Thị Tứ (vốn thuộc chủ quyền Việt Nam hiện do Philippines chiếm đóng), Trung Quốc đã đồn trú tàu thuyền quân sự và dân sự cải trang nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho các cơ sở của Philippines.
Philippines lên án, chỉ trích hành động của TQ và cám ơn sự giúp đỡ của Việt Nam
Phản ứng đầu tiên từ Bộ Quốc phòng. “Chúng tôi lên án hành động của tàu cá Trung Quốc khi ngay lập tức rời khỏi hiện trường và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines. Đây không phải là hành động của những người có trách nhiệm và thiện chí”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng gửi lời cảm ơn tới thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của một tàu cá Việt Nam vì đã tới giải cứu các ngư dân Philippines gặp nạn. Ông Lorenzana cũng kêu gọi mở một cuộc điều tra về vụ va chạm, đồng thời khẳng định “các biện pháp ngoại giao” nên được tiến hành để ngăn chặn một vụ việc tương tự tái diễn.
Lực lượng Vũ trang Philippines cho rằng hành động của tàu Trung Quốc không phải ngẫu nhiên và được xem là chiêu “đánh rồi chạy”. Bởi theo lẽ thường, tàu Trung Quốc nên dừng lại và cứu ngư dân Philippines chứ không phải “cố tình tắt đèn để tránh bị nhận dạng”. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines, Đại úy Arman Balilo, cho biết lúc xảy ra vụ va chạm, tàu Philippines đang đậu gần bãi Cỏ Rong. Vụ
việc xảy ra chưa đầy 2 tháng sau chuyến thăm lần thứ tư của Tổng thống Philippines Duterte tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã nói rõ về “tầm quan trọng của láng giềng tốt” và “cách hành xử đúng đắn” về các vấn đề ở biển Đông, theo Rappler.
Đây không phải lần đầu tiên các tàu của Trung Quốc và Philippines chạm trán tại bãi Cỏ Rong. Bãi Cỏ Rong được cho là nơi có trữ lượng 5,4 tỷ thùng dầu và 1.560 tỷ m3 khí tự nhiên. Trước đó, vào tháng 6/2018, lực lượng Trung Quốc cũng bị phát hiện bắt giữ ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi tháng 5 đã bày tỏ sự quan ngại hiếm hoi về các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, khu vực mà ông cảnh báo có thể trở thành “điểm nóng”. Trước đó, hồi tháng 4, tổng thống Philippines cũng từng cảnh báo Trung Quốc tránh xa một đảo tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí để ngỏ khả năng xung đột quân sự nếu Bắc Kinh chiếm hòn đảo này.
Phản ứng từ giới chuyên gia Philippines. Trang tin Rappler ngày 12/6 dẫn lời chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal nhận định: “Đã đủ lý do cho chính quyền Philippines cân nhắc nghiêm túc lại chính sách quan hệ hữu hảo ngả về Trung Quốc”. Antonio Carpio – một trong những chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Philippines nhận định: “Đây có thể gọi là vụ đâm chìm tàu đầu tiên đối với một tàu cá của Philippines gây ra bởi 1 tàu Trung Quốc trên Biển Đông”. Trong khi đó, Jay Batongbacal – Giám đốc của Viện nghiên cứu hàng hải và luật biển của Đại học Philippines cũng nhận định đây là vụ việc là vô tiền khoáng hậu. Ông cho rằng đây là chỉ dấu cho chính sách bành trướng ngày càng gia tăng trên Biển Đông của Trung Quốc.
Tàu TQ cũng thường xuyên hành xử hung hãn, đâm chìm tàu cá các nước trong đó có Việt Nam
Vụ việc gần đây nhất xảy ra hôm 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc (BKS 44101) đâm chìm. Khi bị đâm chìm, tàu cá Quảng Ngãi chỉ nổi phần mũi, năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi này và sau đó được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn, rời khu vực bị nạn để tiếp tục đánh bắt hải sản.
Ngày 2/6 vừa qua một tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Nam khi đang đánh bắt cá ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã bị tàu của Trung Quốc mang số hiệu 46305 áp sát, tịch thu toàn bộ số mực đánh bắt được lên đến 2 tấn, ước tính thiệt hại là khoảng hơn 250 triệu đồng. Đây là lần thứ 2 trong vòng khoảng 2 tháng qua, tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công khi đang hoạt động trong ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Để công luận thấy rõ về hành vi của Trung Quốc trên biển, Thành phố Đà Nẵng vừa qua đưa tàu cá của một ngư dân bị tàu sắt Trung Quốc tông chìm năm 2014 đến Nhà trưng bày Hoàng Sa. Con tàu này bị tàu vỏ sắt Trung Quốc tông chìm khi đang đánh bắt hợp pháp ở ngư trường Hoàng Sa vào ngày 26/5/2014, cách giàn khoan Hải Dương 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 17 hải lý. Khi ấy, 10 ngư dân ở trên tàu bị hất văng xuống biển. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn huy động hàng trăm tàu, trong đó có cả máy bay, tàu quân sự, để đe dọa, uy hiếp, làm hư hỏng nặng các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển và các tàu đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam.
http://biendong.net/bien-dong/28803-philippines-het-ao-tuong-ve-anh-ban-tq-sau-vu-tau-ca-ngu-dan-bi-dam-chim-bo-mac-o-bien-dong.html
Bắc Kinh bóp nghẹt hệ thống bầu cử Hồng Kông
như thế nào ?
Trọng ThànhPhong trào chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc, tại Hồng Kông tháng 6/2019, buộc chính quyền và Bắc Kinh lùi bước. Dự luật bị đình lại. Phong trào dân chủ Hồng Kông giành thắng lợi hiếm hoi. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cảnh báo: Bắc Kinh chỉ tạm nhân nhượng. Về dài hạn, Trung Quốc đang thực thi kế hoạch bóp nghẹt hệ thống bầu cử tại cựu thuộc địa
Anh Quốc, vốn mang nhiều chất dân chủ. RFI giới thiệu nhận định của nhà bình luận chính trị Hồng Kông Tang Phổ (Sang Pu), trên mạng Asialyst (1).
1 – Thao túng quy chế bầu cửlãnh đạo đặc khu
Nhà bình luận Tang Phổ, trong bài « Trung Quốc hủy hoại dần mòn hệ thống bầu cử Hồng Kông như thế nào ? », trước hết nhấn mạnh đến sự thao túng của chính quyền Trung Quốc đối với việc bầu cử lãnh đạo đặc khu hành chính và Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông (tên viết tắt là LegCo, hay Nghị Viện đặc khu).
Trước hết là vấn đề lãnh đạo đặc khu Hồng Kông. Kể từ khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, người đứng đầu đặc khu này được bầu 5 năm một lần. Cử tri Hồng Kông không có quyền bầu trực tiếp lãnh đạo Hồng Kông. Người đảm nhiệm chức vụ này do một ủy ban bầu cử (có tên « Tuyển cử ủy viên hội ») quyết định.
Theo lịch trình mà Luật cơ bản của Hồng Kông vạch ra, đặc khu này sẽ phải trở thành « một nền dân chủ thực thụ », có nghĩa là lãnh đạo đặc khu phải được bầu lên thông qua con đường phổ thông đầu phiếu, sau khi được một ủy ban – mang tính đại diện thực sự – lựa chọn theo thể thức dân chủ (điều 45), cũng như việc mọi dân biểu của Nghị Viện cũng phải được chọn ra thông qua con đường phổ thông đầu phiếu (điều 68).
Tuy nhiên, hy vọng Hồng Kông đi đến một dân chủ thực sự đã bị bóp nghẹt. Ngày 31/08/2014, Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc đã dội gáo nước lạnh vào niềm hy vọng le lói của cử tri Hồng Kông, khi chính thức thông báo thể thức siết chặt việc bầu lãnh đạo đặc khu mới, kể từ năm 2017.
Ủy ban 1.200 thành viên (Tuyển cử ủy viên hội), với đa số thành phần do Bắc Kinh kiểm soát (2), có trách nhiệm chọn ra từ hai đến ba ứng cử viên chính thức, tranh cử chức vụ đứng đầu đặc khu, để sau đó đưa ra cho cử tri bỏ phiếu. Quy định này chặn đứng khả năng thực thi các nguyên tắc hướng đến dân chủ trong Luật cơ bản (Basic Law), hay Hiến pháp của Hồng Kông. Theo quyết định từ Bắc Kinh, tất cả các đảng phái chính trị tại Hồng Kông, hay cử tri Hồng Kông, dù với số lượng bao nhiêu, đều không có quyền trực tiếp cử người ra tranh chức lãnh đạo đặc khu.
Quyết định của Quốc Hội Trung Quốc gây một làn sóng phản kháng chưa từng có, với phong trào bất tuân dân sự « Cách mạng Dù vàng », kéo dài hơn 2 tháng. Tuy nhiên, Bắc Kinh không đổi ý. Lãnh đạo Hồng Kông như vậy vẫn tiếp tục được bầu lên theo thể thức « bất công » lâu nay.
2 – Thao túng quy chế bầu cử Nghị Viện
Bên cạnh quy chế bầu lãnh đạo đặc khu, nhà bình luận chính trị Tang Phổ cũng chỉ trích cơ chế bầu cử Nghị Viện Hồng Kông hiện hành. Nghị Viện Hồng Kông với 70 nghị sĩ, được chia thành hai khối. Khối 35 dân biểu do cử tri 5 quận của Hồng Kông bầu lên trực tiếp và khối 35 nghị sĩ khác. Trong khối 35 nghị sĩ thứ hai, có 30 người được đại diện của khoảng 30 nhóm ngành nghề, và 5 người còn lại do 400 thành viên các hội đồng địa phương bầu chọn.
Các lực lượng chính trị dân chủ Hồng Kông nhìn chung được sự ủng hộ của khoảng từ 55 đến 60% cử tri đặc khu. Nhưng việc thiết kế quy chế bầu cử theo kiểu này đã cho phép Bắc Kinh gần như thao túng được toàn bộ các quyết định quan trọng.
Việc thiết kế hệ thống Nghị Viện theo hai nhóm đã tạo một rào cản khó vượt qua. Bởi một đề xuất lên Nghị Viện chỉ được thông qua, nếu được thông qua với đa số phiếu trong cả hai nhóm nghị sĩ. Mà chính quyền Trung Quốc lại đã có được sự ủng hộ của khoảng hai phần ba trong số đại diện các nhóm ngành nghề.
Viễn cảnh cải cách hướng đến cử tri bầu trực tiếp toàn bộ 70 nghị sĩ Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông trở nên bất khả thi sau quyết định của Quốc Hội Trung Quốc, chỉ chấp nhận thể thức bầu dân chủ nói trên, một khi thể thức bầu lãnh đạo đặc khu theo quy định mới được thông qua. Mà bầu theo thể thức mới có nghĩa là người dân Hồng Kông chỉ được phép chọn lựa người lãnh đạo trong số các ứng viên đã được Bắc Kinh phê chuẩn.
3 – Gài người vào các tổ chức dân chủ để gây chia rẽ
Theo nhà bình luận chính trị Tang Phổ, thì quy chế bầu cử Nghị Viện đối với nhóm 35 dân biểu cử tri bầu trực tiếp tại các đơn vị địa lý – hành chính, nhìn chung khuyến khích nhiều ứng cử viên quyết định lập ra các đảng phái chính trị mới. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự nở rộ của nhiều đảng phái dân chủ ở Hồng Kông trong thập niên vừa qua. Để thể hiện sự khác biệt với các đảng phái truyền thống, họ phải tỏ ra sáng tạo, thậm chí cực đoan hơn. Các đảng phái chính trị mới cũng mở rộng cửa cho người dân tham gia. Đây chính là một cơ hội khiến Bắc Kinh thao túng một số đảng mới, để thực hiện chính sách « chia để trị ».
Một trong các biện pháp chủ yếu của chính quyền Trung Quốc là đưa người vào một số đảng mới xuất hiện, và sử dụng các tổ chức này để reo rắc tư tưởng cực đoan, mỵ dân, nhằm gây chia rẽ, xung đột nội bộ, khiến dân chúng ít tin tưởng hơn vào các đảng phái dân chủ… Cùng một chiến thuật này đã được Bắc Kinh sử dụng tại Đài Loan, Úc, Canada và thậm chí tại Mỹ.
Nhà bình luận chính trị Tang Phổ đặc biệt nhấn mạnh đến thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm chia rẽ các nhóm được coi là « ôn hòa » với các nhóm « triệt để », giữa các lực lượng dân chủ truyền thống với các nhóm ủng hộ tự trị hay độc lập cho Hồng Kông. Vụ rối loạn tại khu Mongkok năm 2016 bị điểm mặt là có bàn tay của Trung Quốc. Một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Tháng 10/2016, một người tên là Win-kin Cheng đã bị một tòa án cấp quận của Hồng Kông kết án, vì đã tìm cách hối lộ một số chính trị gia ủng hộ tự trị cho Hồng Kông (trong đó có ông Lương Tụng Hằng (Sixtus Leung), đảng Yongspiration – Thanh Niên Tân Chánh), nhằm thuyết phục họ ra ứng cử, nhằm phân tán phiếu bầu cho các ứng cử viên khác (không có chính trị gia nào chấp nhận). Win-kin Cheng khai đã nhận tiền của một doanh nhân Trung Quốc họ Lý. Theo Minh Báo Hồng Kông, thì môi giới cho Win-kin Cheng và doanh nhân họ Lý gặp nhau là một số người có quan hệ thân cận với Văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại đặc khu Hồng Kông.
4 – Một số thủ đoạn mới để loại trừ các ứng cử viên dân chủ
Theo nhà bình luận chính trị Tang Phổ, thì kể từ năm 2016, chính quyền Trung Quốc thúc đẩy Hồng Kông có thêm một số biện pháp mới để loại trừ các ứng cử viên dân chủ ngay từ vòng đăng ký tranh cử, và trong trường hợp đã đắc cử, ứng cử viên đắc cử vẫn có thể bị loại do vướng vào quy định tuyên thệ không đúng cách.
Kể từ năm 2016, những người muốn tranh cử dân biểu phải ký vào một tờ khai in sẵn, khẳng định tôn trọng Luật cơ bản, đặc biệt là điều 1, đòi hỏi phải chấp nhận Hồng Kông là một bộ phận « không thể tách rời » của Trung Quốc. Những người muốn ứng cử cũng phải khẳng định trung thành với chính quyền Hồng Kông, bằng văn bản viết. Chính quyền Hồng Kông dành cho người đứng đầu ủy ban tổ chức bầu cử quyền hạn rất lớn trong việc thẩm định việc một cử tri có trung thành với Luật cơ bản một cách « thành thực » hay không.
Theo nhà bình luận Tang Phổ, chính quyền Hồng Kông liên tục chuyển dịch « lằn ranh đỏ », tùy theo đòi hỏi chính trị nhất thời, đi ngược lại Quy ước về quyền dân sự và chính trị của chính đặc khu Hồng Kông, khiến cán cân chính trị tại Hồng Kông ngày càng nghiêng về phe thân Bắc Kinh. Thể thức thẩm định độc đoán này hiện có xu hướng mở rộng sang các cuộc bầu cử địa phương, sắp diễn ra. Thể thức này hiện đã được một tòa án cấp dưới chấp thuận.
Việc không tuân thủ đúng quy định về tuyên thệ nhậm chức dân biểu cũng có thể bị coi là một tiêu chí để loại trừ một ứng cử viên đắc cử. Trong những đợt bầu cử trước, nhiều nghị sĩ phe dân chủ đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc đọc sai lời tuyên thệ, hoặc mang trang phục với dấu hiệu phản kháng, để thể hiện sự bất tuân đối với chính quyền đặc khu và Bắc Kinh, nhưng cho dù lời tuyên thệ bị đọc sai (ví dụ như đọc sai chữ « Trung Quốc » hay biến lời tuyên thệ thành một câu hỏi chẳng hạn), các tân nghị sĩ vẫn có thể đọc lại.
Giờ đây, theo cách giải thích về điều 104 Luật cơ bản Hồng Kông của Ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc (2016), người đắc cử dân biểu không có quyền tuyên thệ lần thứ hai để sửa sai. Tòa thượng thẩm Hồng Kông đã chấp nhận cách giải thích của Quốc Hội Trung Quốc. Theo ông Tang Phổ, cách giải thích này là hết sức phi lý, chưa có tiền lệ và hoàn toàn không dựa vào luật Hồng Kông. Chưa kể việc điều 104 Luật cơ bản Hồng Kông không hề nói đến việc tân dân biểu phải tuyên thệ trung thành nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Ngày 15/12/2017, phe dân chủ mất đa số tuyệt đối tại Nghị Viện, do một số dân biểu bị loại, vì các siết chặt nói trên.
Nhà bình luận chính trị Tang Phổ cũng nhấn mạnh đến chiến lược tổng thể của chính quyền Trung Quốc, cùng chính quyền Hồng Kông, đang hủy hoại dần dần từng bước một các định chế dân chủ tại Hồng Kông, như « bóc hành theo từng lớp vỏ ». Phương thức mà Bắc Kinh đang làm không khác những gì mà chính quyền phát xít Đức đã làm trước đây đối với các lực lượng chính trị cộng sản, nghiệp đoàn, các tổ chức của người Thiên Chúa giáo, người Do Thái… trước và trong Thế Chiến Hai (3).
Ghi chú :
1) Bài« Hong Kong : comment Pékin déconstruit patiemment le système électoral », Asialyst, 16 juin 2019 (người dịch sang tiếng Pháp David Bartel). Bài viết nằm trong cuốn China’s Sharp Power in Hong Kong, tác phẩm tập thể do Benny Yiu Ting-tai và một số lãnh đạo phong trào Occupy Central phụ trách.
2) Quy định thành phần hơn 1.000 thành viên ủy ban bầu chọn lãnh đạo đặc khu, trong Luật cơ bản Hồng Kông, được đánh giá là có lợi cho việc Bắc Kinh đưa người thân cận vào định chế quan trọng này.
3) Ông Tang Phổ cũng dự đoán Bắc Kinh trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các thủ đoạn nhằm hủy diệt dân chủ tại Hồng Kông, như sắp xếp lại các đơn vị bầu cử, kể từ cuộc bầu cử các hội đồng cấp quận năm 2019 (bổ sung thêm 21 đơn vị), cho phép người dân có giấy tờ thường trú – trong đó có nhiều thành phần thân cận với chế độ Bắc Kinh – bỏ phiếu, đầu tư tài lực hậu thuẫn để các ứng viên thân Bắc Kinh mua chuộc cử tri… hay giải tán một số đảng phái chính trị (như Đảng Dân Tộc Hồng Kông).
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190620-bac-kinh-bop-nghet-he-thong-bau-cu-hong-kong
Bắc Kinh, đối tác nặng ký giúp Bình Nhưỡng
nối lại đàm phán với Mỹ về hạt nhân
Thanh HàSau Seoul đến lượt Bắc Kinh trở thành trung gian để Bình Nhưỡng nói chuyện với Washington. Theo giới phân tích, trong nhãn quan của chính quyền Kim Jong Un, tiếng nói của ông Tập Cận Bình với Donald Trump sẽ có trọng lượng hơn so với những nỗ lực của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Ông Tập Cập Bình đến Bình Nhưỡng lần này để đáp lễ Kim Jong Un đã bốn lần sang Bắc Kinh trong 15 tháng vừa qua. Đây là một chuyến công du mang nặng tính biểu tượng. Lần gần đây nhất một nguyên thủ Trung Quốc đến Bình Nhưỡng là hồi năm 2005 và thân phụ của ông Kim Jong Un, là Kim Jong Il, cũng đã dành cho ông Hồ Cẩm Đào những nghi lễ trang trọng nhất. Vào lúc đó, Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín nhất hành tinh. Giờ đây, quốc gia đông bắc Á này là một trong những địa điểm du lịch được người Trung Quốc ưa chuộng.
Khác với thời đại của hai thế hệ lãnh đạo trước, (Kim Nhật Thành/Kim Il Sung và Kim Jong Il) đương kim chủ tịch Bắc Triều Tiên đã hai lần bắt tay tổng thống Hoa Kỳ sau hàng loạt vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Về phía Bắc Kinh, từ khi lên cầm quyền năm 2012 ông Tập Cận Bình liên tục củng cố địa vị. Trung Quốc dưới năm tháng của ông Tập Cận Bình đã khẳng định là một siêu cường trên thế giới, cạnh tranh quyết liệt với Mỹ về kinh tế, ngoại giao và cả về quân sự. Lần này nguyên thủ Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu các doanh nhân đến Bình Nhưỡng. Hơn thế nữa, ông Tập là nhà lãnh đạo quốc tế đón tiếp Kim Jong Un nhiều nhất, kể từ khi ông này lên kế nghiệp cha, cuối năm 2011.
Nhìn từ Bắc Triều Tiên, trong 9 năm qua, Kim Jong Un đã ba lần bắt tay tổng thống Hàn Quốc, hai lần họp thượng đỉnh với nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump, thăm Hà Nội và gặp các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam… Nếu tính luôn chuyến công du Bình Nhưỡng lần này của ông Tập Cận Bình thì đây là lần thứ năm, lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Trung Quốc gặp nhau.
Các hoạt động đối ngoại kể trên của Kim Jong Un được giới quan sát đánh giá là rất quan trọng, thể hiện sự năng động và tinh tế trong chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng.
Kể từ khi chuyển hướng, ngừng khiêu khích cộng đồng quốc tế để chuẩn bị đàm phán với Hoa Kỳ, chính quyền Bình Nhưỡng đã xích lại gần với Seoul. Bởi Hàn Quốc vừa là đồng minh thân cận của Mỹ tại đông bắc Á vừa là nước láng giềng anh em với Bắc Triều Tiên. Nhưng vài tuần trước khi đến Singapore bắt tay Donald Trump, ông Kim Jong Un và phu nhân đã đáp tàu hỏa từ Bình Nhưỡng đến thẳng Bắc Kinh.
Chế độ Kim Jong Un từ tháng 4/2018 liên tục thúc đẩy quan hệ Liên Triều, cởi mở với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhưng không bao giờ lơ là với Bắc Kinh, kể cả sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 02/2019.
Điều này khiến giới quan sát khẳng định rằng trong đàm phán Mỹ- Bắc Triều Tiên về hạt nhân, Bắc Kinh là “kênh trên đối thoại ưu tiên” của Bình Nhưỡng, bởi Tập Cận Bình có nhiều lá chủ bài hơn là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Thứ nhất, về chiến lược và kinh tế, từ giữa thế kỷ 20, Bắc Kinh là điểm tựa an toàn cho gia đình họ Kim.
Thứ hai, trên cương vị thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có quyền phủ quyết lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm vào chế độ Kim Jong Un và lợi ích kinh tế của Trung Quốc đối với nước láng giền này không nhỏ.
Điểm thứ ba, là ông Tập Cận Bình có nhiều lá chủ bài để thuyết phục tổng thống Trump ở Nhà Trắng hơn Moon Jae In.
Donald Trump vừa khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai, nên cũng cần lấy điểm với cử tri Mỹ. Khi cả hai ông Trump và Tập cùng muốn nhanh chóng tạm khép lại cuộc chiến thương mại thì rõ ràng lãnh đạo Bắc Kinh mới chính là chìa khóa giúp Bình Nhưỡng nhanh chóng đạt được mục tiêu mong muốn.
Không biết có một sự tình cờ hay không, mà vào hôm nay, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên tuyên bố rằng để tháo gỡ bế tắc trong hồ sơ hạt nhân, cả Washington lẫn Bình Nhưỡng cần có thái độ “uyển chuyển“.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190620-bac-kinh-doi-tac-nang-ky-giup-binh-nhuong-noi-lai-dam-phan-voi-my-ve-hat-nhan
Vụ tàu cá Philippines bị tàu TQ đâm chìm: Ngư dân
nói một đằng, chính phủ tuyên bố một nẻo – Lạ lùng?
Tuyên bố của một số quan chức cấp cao Philippines có nhiều điểm trái ngược hoàn toàn với lời khai của các thuyền viên của chiếc tàu cá bị tàu Trung Quốc đâm chìm, theo Rappler.Các thuyền viên tàu cá GEM-VIR1 trong ngày đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Rappler.
“Nhân chứng duy nhất” nói gì?
Trái với tuyên bố được đưa ra trước đó của dinh Tổng thống Philippines Malacañang và Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, ông Emmanuel Piñol, các thuyền viên của tàu cá GEM-VIR1 đều đã tỉnh giấc khi chiếc tàu bị đâm hôm 9/6 trên Biển Đông, Rappler đưa tin.
Theo những phát biểu được đưa ra trong các cuộc họp báo và phỏng vấn về vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc và tàu cá Philippines hôm 9/6, phát ngôn viên của dinh Tổng thống Malacañang và Bộ trưởng Nông nghiệp Piñol đều khẳng định rằng thuyền viên phụ trách việc nấu ăn cho tàu GEM-VIR1 – ông Richard Blaza – là người duy nhất còn thức và là nhân chứng duy nhất khi vụ việc xảy ra.
“Chỉ có duy nhất một thuyền viên chứng kiến vụ việc, vì khi đó những người còn lại đều đang say ngủ”, phát ngôn viên Panelo tuyên bố trong cuộc họp báo tại dinh Malacañang vào ngày hôm qua (18/6).
Tuy nhiên, chính ông Blaza – thuyền viên được các quan chức chính phủ cho là nhân chứng duy nhất – lại đưa ra phát ngôn trái ngược.
Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn do Bộ trưởng Nông nghiệp Piñol tổ chức hôm 17/6, ông Blaza đã khẳng định rằng ông đã đánh thức thuyền trưởng và các thuyền viên còn lại trước khi tàu cá Trung Quốc đâm vào họ. Do đó, theo lời ông này, thì các thuyền viên đều nhận thức được sự việc xảy ra.
“[Tàu cá Trung Quốc] di chuyển với tốc độ rất nhanh, nên tôi đã đánh thức thuyền trưởng và những thuyền viên khác. Tôi đánh thức họ vì biết rằng tàu chúng tôi sắp bị đâm”, ông Blaza nói.
Cũng theo lời nhân chứng này, thuyền trưởng Junel Insigne đã cố gắng lái chiếc tàu cá lệch ra khỏi hướng di chuyển của tàu Trung Quốc, nhưng điều đó đã quá muộn.
Theo Rappler, lời kể của ông Blaza trùng khớp với câu chuyện của ít nhất 4 thuyền viên khác của tàu cá GEM-VIR1. Sau đây là lời kể của 4 thuyền viên trên:
Cirilo Escuterio: Một trong những thuyền viên của chúng tôi đã la lớn: “Dậy ngay đi, có một chiếc tàu đang tiến đến và chuẩn bị đâm vào chúng ta”. Sau đó người này đã chạy tới buồng của thuyền trưởng, và bảo ông ấy rằng “Thuyền trưởng, hãy cho tàu chạy đi, chúng ta sắp bị đâm rồi”.
Joven Jacinto: Khi mọi người bắt đầu la hét thì tôi mới tỉnh giấc. Khi tôi tỉnh hẳn, thì thấy mọi người đều đang chạy tán loạn.
Antonio Torres Jr: Tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng la thất thanh: “Tàu kìa! Tàu kìa! Chiếc tàu kia sắp đâm vào chúng ta đến nơi rồi”. Tôi đã chạy vội xuống boong tàu, và khi nhìn ra thì thấy có một con tàu sắp sửa đâm vào phần đuôi tàu của chúng tôi thật.
JP Gordiones: Khi đó tôi đang ở phía trong cabin thì nghe thấy có người hét lên rằng có một chiếc tàu lao tới. Sau đó tôi đã chạy ra phía ngoài.
Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ 2, ông Blaza còn cho biết ông chỉ nhìn thấy ánh đèn trong cabin của tàu cá Trung Quốc. Trong khi đó, thì các thuyền viên còn lại và thuyền trưởng của tàu cá Philippines bị đâm chìm đều nói rằng họ chỉ có thể nhận ra đó là tàu Trung Quốc khi chiếc tàu này tiến lại gần và bật đèn sáng để xem xét tình hình sau vụ va chạm.
Tất cả các thuyền viên đều đưa ra ý kiến thống nhất rằng tàu Trung Quốc đã chiếu đèn rọi vào họ, sau đó lẳng lặng lùi tàu và biến mất, bỏ mặc các ngư dân Philippines không rõ sống chết ra sao sau khi tàu bị đâm chìm.
Ngư dân nói một đằng, quan chức tuyên bố một nẻo
Vì sao chi tiết trên lại quan trọng như vậy? Đó là bởi nhiều quan chức chính phủ Philippines cho rằng khi vụ việc xảy ra, chỉ có duy nhất ông Blaza chứng kiến, và họ dựa trên điều này để tuyên bố rằng họ “không chắc chắn” tàu Trung Quốc cố ý đâm vào tàu Philippines. Tuy nhiên, các thuyền viên của chiếc tàu chìm lại khẳng định chắc chắn rằng đó là hành động cố ý.
Ông Blaza đã được mời tới cuộc phỏng vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines bởi quan chức này cho rằng ông là nhân chứng duy nhất.
Thuyền trưởng Insigne cũng đã được mời tới dinh Tổng thống để tham gia trò chuyện cùng Tổng thống Rodrigo Duterte và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines, tuy nhiên ông này đã đổi ý vào phút chót, một phần do tuyên bố “không chắc chắn” Trung Quốc cố tình gây ra vụ việc ngày 9/6 của Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi khiến ông và những người khác cảm thấy mất niềm tin.
http://biendong.net/bi-n-nong/28824-vu-tau-ca-philippines-bi-tau-tq-dam-chim-ngu-dan-noi-mot-dang-chinh-phu-tuyen-bo-mot-neo-la-lung.html
BTQP Philippines: Ít nhất thuyền trưởng TQ
phải xin lỗi và bồi thường ngư dân bị chìm tàu
Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 19/6 tiếp tục lên tiếng xoay quanh vụ tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu cá Philippines ngày 9/6 rồi bỏ mặc 22 ngư dân nước này.Trả lời câu hỏi về việc liệu chính phủ Philippines có yêu cầu chính phủ Trung Quốc xin lỗi và bồi thường cho vụ việc hay không, ông Lorenzana nói, “Tôi nghĩ là hợp lý khi yêu cầu thuyền trưởng [tàu cá Trung Quốc] xin lỗi và bồi thường thiệt hại”.
Trong tin nhắn văn bản sau khi tham dự một diễn đàn ở Manila ngày 19, bộ trưởng Lorenzana nhấn mạnh đối tượng mà ông đề cập trong phần trả lời trước đó là thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của tàu cá Trung Quốc gây ra sự cố.
Bộ Nông nghiệp Philippines ước tính, tàu cá F/B GEM-VER bị đâm thiệt hại vào khoảng 2.2 triệu Peso (tương đương 984 triệu VNĐ).
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ sự cảm thông đối với các ngư dân Philippines gặp nạn, nhưng Đại sứ quán nước này tại Manila bác bỏ cáo buộc tàu cá Trung Quốc bỏ mặc người bị nạn, với lý do “thuyền trưởng Trung Quốc đã có ý định cứu người nhưng lo sợ bị các tàu cá Philippines khác tấn công”.
Cũng tại diễn đàn này, ông nhắc lại nhận định đã được đưa ra từ ngày hôm qua, rằng vụ việc ngày 9/6 ở Bãi Cỏ Rong trên biển Đông là một tai nạn hàng hải – trái ngược với đánh giá của Quân đội Philippines (AFP), rằng sự việc trên “khác xa một vụ tai nạn”.
Dù nêu quan điểm mới theo lập trường của tổng thống Rodrigo Duterte rằng vụ đâm tàu là một sự cố trên biển, ông Lorenzana cho biết vẫn lên án hành động bỏ mặc, không giải cứu ngư dân Philippines gặp nạn của tàu Trung Quốc. Ông khẳng định “Tuyên bố của tôi vẫn như vậy”.
Trong khi đó, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr ngày 17/6 đã nêu vụ đâm tàu nói trên ra một diễn đàn ở Liên hợp quốc, và cáo buộc hành động không giải cứu người bị nạn trên biển là “trọng tội”.
http://biendong.net/bi-n-nong/28823-btqp-philippines-it-nhat-thuyen-truong-tq-phai-xin-loi-va-boi-thuong-ngu-dan-bi-chim-tau.html
Malaysia ‘không hài lòng’
về cuộc điều tra vụ bắn hạ máy bay MH17
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 20/6 nói rằng Nga đã bị biến thành “vật tế thần” trong vụ bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia Airlines năm 2014, đồng thời đặt dấu hỏi về tính khách quan của các cuộc điều tra, theo Reuters.Nhóm quốc tế thực hiện cuộc điều tra về vụ rớt máy bay này hôm 19/6 nói rằng ba người Nga và một người Ukraine đối mặt với các cáo trạng giết người vì cái chết của 298 người trên khoang chiếc máy bay bị bắn hạ ở miền đông Ukraine.
Nhóm do Hà Lan đứng đầu nói rằng các lệnh bắt giữ quốc tế đối với bốn nghi can đã được phát đi.
XEM THÊM:
3 người Nga, 1 người Ukraine bị buộc tội bắn hạ chuyến bay MH17 năm 2014
“Chúng tôi rất không hài lòng vì ngay từ đầu đây đã là một vấn đề chính trị nhằm cáo buộc Nga gây ra hành động sai trái”, ông Mahathir nói với các phóng viên tại một sự kiện của chính phủ, theo Reuters.
“Ngay cả trước khi điều tra, họ đã nói tới Nga rồi. Và giờ họ nói có bằng chứng. Chúng tôi khó có thể chấp nhận chuyện đó”.
Trưởng công tố viên Hà Lan, Fred Westerbeke, nói rằng các nghi can chịu trách nhiệm đưa một tên lửa do Nga sản xuất vào miền đông Ukraine “với mục tiêu bắn hạ một máy bay”.
Nga cho rằng các cáo trạng đối với các nghi can người Nga vô căn cứ.
https://www.voatiengviet.com/a/malaysia-kh%C3%B4ng-h%C3%A0i-l%C3%B2ng-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%99c-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-v%E1%BB%A5-b%E1%BA%AFn-h%E1%BA%A1-m%C3%A1y-bay-mh17/4966941.html
0 comments