Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Cựu binh Trung Quốc kể với báo Úc về vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989

Tuesday, June 4, 2019 5:11:00 PM // ,

Ông Li Xiao Ming, cựu binh Trung Quốc, nói ra sự thật về Thảm sát Thiên An Môn để sự kiện này không bị lãng quên theo ý đồ của chính quyền Trung Quốc. (Ảnh: SBS)

Cựu binh Trung Quốc kể với báo Úc về vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989Một cựu quân nhân Trung Quốc gần đây đã kể lại với tờ báo SBS của Australia về vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, để đảm bảo rằng những sự kiện đó sẽ “không bao giờ bị lãng quên”.
Ba mươi năm trước, Li Xiao Ming, một trung úy trong Sư đoàn 116 của quân đội Trung Quốc, đã được điều động tới trung tâm Bắc Kinh để đàn áp phong trào dân chủ do sinh viên lãnh đạo đã bắt đầu vào giữa tháng Tư.
Sau nhiều tuần biểu tình và tuyệt thực, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh cho quân đội nghiền nát cuộc biểu tình bằng súng ống và xe tăng vào ngày 4/6/1989. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố 23 “kẻ bạo loạn phản cách mạng” đã bị tiêu diệt, sau đó sửa thành 300 vì con số 23 thấp một cách vô lý.
Các thống kê từ phương Tây cho biết số người bị giết hại là khoảng vài trăm cho đến vài nghìn người. Một tài liệu mật được công bố năm 2017 của Anh Quốc cho biết số người thiệt mạng ít nhất là 10.000 người.

Một người đạp xe kéo những người bị thương sau khi họ đụng độ với binh lính Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn. Cuộc đàn áp đã khiến Bắc Kinh bị lên án và rơi vào tình trạng bị cô lập ngoại giao kéo dài đến cuối những năm 1990.
Ông Li, hiện 55 tuổi, đang sống ở Melbourne, Australia cùng với gia đình, nói với SBS rằng ông vẫn còn nhớ cuộc thảm sát đó một cách sống động.
“Mặc dù tôi đã không bắn ai, [nhưng] vì tôi đã phục vụ trong quân đội, vai trò của tôi với tư cách là một người tham gia đàn áp là sai, nó chống lại nhân lọai, vì vậy tôi vẫn cảm thấy hối tiếc và rất buồn… mặc dù nó đã xảy ra cách đây 30 năm.
Sau khi học xong trung học năm 1983, ông Li gia nhập quân đội và học trường quân sự, một quyết định mà mẹ ông đưa ra để tiết kiệm tài chính cho gia đình.

Li Xiao Ming gia nhập Quân đội Giải phóng Nhân dân sau khi ông tốt nghiệp trung học. (Ảnh: SBS)
“[Vào] trường quân sự có nghĩa là bạn được cung cấp thức ăn và chỗ ở… chúng tôi thậm chí còn được cho một ít tiền tiêu vặt, vì vậy [gia đình] chúng tôi sẽ tiết kiệm được tiền.”
Năm 1989, sư đoàn của ông đóng quân ở tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc Trung Quốc nhận được lệnh thiết quân luật.

Những sinh viên tuyệt thực trên Quảng trường Thiên An Môn đã làm một tấm bảng yêu cầu đối thoại trực tiếp với chính phủ. (Ảnh: Jian Liu cung cấp).
“Chúng tôi đã nhận được lệnh thiết quân luật vào ngày 20/5 lúc 10 giờ. Chỉ lệnh là chúng tôi sẽ được đưa đến Thẩm Dương [thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh] để duy trì luật pháp và trật tự vì sinh viên ở nhiều thành phố lớn trên khắp Trung Quốc đã biểu tình.”
Nhưng vào buổi chiều, mệnh lệnh đó đã thay đổi và sư đoàn của ông Li được yêu cầu tiến về phía Bắc Kinh.
Ông Li cho biết ông rất may mắn khi các lãnh đạo sư đoàn của ông đã phớt lờ các mệnh lệnh để tiến về Quảng trường Thiên An Môn sau khi nghe về cuộc tàn sát đang diễn ra, giữ cho tiểu đoàn quân của họ ở phía đông thành phố, nơi tình hình ít căng thẳng hơn và giả vờ đài phát thanh liên lạc đã gặp trục trặc.
 
Biểu ngữ trong phong trào dân chủ Thiên An Môn của giới học sinh sinh viên: “Cho chúng tôi dân chủ hoặc cho chúng tôi cái chết”. ĐCSTQ đã chọn vế sau, tàn sát nhân dân của mình. (Ảnh: upmitter.com).
Ông nói rằng sư đoàn của ông chỉ đến đó sau khi vụ xả súng kết thúc, vào sáng ngày 5/6.
“Tôi thấy mình trong những người sinh viên đó.”
Ông Li cho biết ông thông cảm với phong trào sinh viên và nhu cầu của họ đối với quyền được tự do ở Trung Quốc.
“Tôi đã từng là một sinh viên trước khi tôi gia nhập quân đội”, anh ấy nói. “Tôi nhớ lại các sinh viên đi vào các đường phố và biểu tình chống tham nhũng, đòi hỏi sự công bằng… vì vậy tôi nghĩ, ‘mình có khi đã là người bị giết’.”
Cảm giác day dứt đã khiến ông Li quyết định rời khỏi lực lượng vũ trang và lên tiếng với thế giới về vụ Thảm sát Thiên An Môn, một sự kiện mà ngày nay không mấy người Trung Quốc biết đến.
“Tôi nghĩ rằng tôi có trách nhiệm nói ra sự thật với thế giới; rằng đó không chỉ là một ‘sự cố’, mà đó là một vụ thảm sát.”
Ông Li nói rằng ông đã không bắn hoặc giết bất cứ ai ở Thiên An Môn, và ông cũng không nhìn thấy bất kỳ thi thể nào khi sư đoàn quân đội của ông đến quảng trường vào ngày 5/6. Các thi thể đã được dọn dẹp và phi tang ngay trong ngày 4/6.
Ông Li cho biết ông nhìn thấy những gì còn sót lại trên mặt đất cho thấy “dấu hiệu của cái chết”.

Đám đông tụ tập tại tượng Nữ thần Dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào khoảng thời gian giữa những ngày 30/5 – 3/6/1989. Một cô gái cầm biểu ngữ mang dòng chữ, có nghĩa “Thức tỉnh”. (Ảnh: Shelley Zang)
Ông nói: “Có những vệt máu trên mặt đất, tôi nhìn thấy những vết đạn, đống quần áo và rất nhiều dấu vết… và tôi cảm thấy đau lòng”.
Cho đến khi ông Li đến Úc vào năm 2000 bằng visa sinh viên và ông được tiếp cận với các phương tiện truyền thông không có sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.
“Khi tôi đến Úc, tôi đã thấy và đọc rất nhiều điều về sự kiện đẫm máu vào ngày 4/6 khiến tôi rất buồn”, ông Li nói với SBS.
Ông cũng đã gặp Phương Chính (Fang Zheng), người sinh viên đã bị xe tăng nghiền nát đôi chân vào ngày 4/6 trong khi cố gắng bảo vệ người bạn cùng lớp.
Ông Li cũng gặp nhiều người biểu tình trước đây và các nhà lãnh đạo sinh viên có liên quan đến cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn, nhưng ông Li nói rằng gặp với ông Phương Chính là một trong những tình huống khó khăn nhất.
“Tôi nghĩ rằng anh ấy cảm thấy rất kỳ lạ khi chúng tôi gặp nhau vì anh ấy là nạn nhân của ngày 4/6, còn tôi lúc đó là người đang phục vụ trong quân đội, hai người ở hai vị trí khác nhau. Nhưng khi chúng tôi nói chuyện với nhau, anh ấy đã hiểu tôi, và anh ấy biết rằng không phải tất cả binh lính đều là kẻ giết người, rất nhiều binh lính làm việc cho quân đội cũng như tôi, nhưng họ không bắn sinh viên và thậm chí có cảm tình với sinh viên”.
Cũng như ông Phương Chính, ông Li đang nói về cuộc Thảm sát Thiên An Môn để sự kiện này không bị lãng quên theo ý đồ của chính quyền Trung Quốc.

Li Xiao Ming, thứ hai từ trái sang, gặp cựu sinh viên biểu tình Feng Zheng, thứ năm từ trái, tại Đài Bắc, Đài Loan. Người phụ nữ trong ảnh là Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (Ảnh: SBS)
Suốt 30 năm kể từ ngày thảm sát, chính quyền Trung Quốc liên tục ngăn cấm và kiểm duyệt bất kỳ thông tin nào về sự kiện đẫm máu này. Thảm sát Thiên An Môn vẫn là một trong những chủ đề nhạy cảm và bị kiểm duyệt nhất ở Trung Quốc, nơi chính quyền cố gắng không ngừng nghỉ để loại bỏ sự kiện này ra khỏi lịch sử, theo SBS.
Ở Trung Quốc đại lục, bất kỳ việc đề cập sự kiện 4/6 mà không đúng với đường lối của nhà nước đều bị cấm. Kiểm duyệt trực tuyến được tăng cường hàng ngày. Những người sống sót và các thành viên trong gia đình bị quản lý và giám sát chặt chẽ, họ bị ngăn cấm không được nói chuyện với các nhà báo nước ngoài.
Ông Li nói đó là một trong những lý do chính khiến ông muốn rời khỏi Trung Quốc.
“Đó là lý do tại sao tôi chuyển đến Úc, ở đây lần đầu tiên tôi có thể nói chuyện cởi mở về những gì đã xảy ra”.

Ông Li Xiao Ming hiện sống tại Australia. Bức ảnh này được chụp khi ông đang ở Đài Bắc, Đài Loan vào cuối tháng 5 năm 2019
Ông cho biết: “Tôi nghĩ rằng rất khó để có được công lý và mang lại sự thật cho những gì đã xảy ra vào ngày 4/6/1989 nhưng tôi nghĩ một ngày nào đó, không quan trọng là mất bao lâu, dù là 30 năm hay 50 năm nữa, tôi tin rằng công lý sẽ đến với Trung Quốc, rằng những người có trách nhiệm sẽ phải chịu trách nhiệm, nhưng điều này rất, rất khó.”
Ông Li đã bỏ công việc làm kỹ sư ba năm trước để dành nhiều thời gian viết một cuốn sách ghi lại những hồi ức của ông về cuộc thảm sát. Ông nói rằng: ”đó là cách của ông đảm bảo rằng những gì đã xảy ra là không bao giờ lãng quên”.
Ngân Hà

Tags: ,

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.