Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chương trình Thời sự thứ Năm, 06/06/2019

Thursday, June 6, 2019 5:04:00 PM // ,

Cherry Radio
Cẩm Nhung | 06/06/2019 | 

Nguồn: https://www.cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-nam-06062019-rd2304527


Tin nước Úc:
- Victoria: Tiếp tục thảo luận đề xuất xây dựng mô hình mới trong lực lượng cứu hỏa
- Victoria: Giám đốc Ngân khố được trang bị xe Lexus sang trọng làm xe công vụ
- Tin Úc: Tập đoàn News Corp sẽ cắt giảm hơn 50 vị trí
- Mill Park: Đâm chủ nhà trọng thương, nữ sinh thuê nhà bị kết án 42 năm tù giam
- Dandenong: Vụ cướp hung tợn bằng rìu xảy ra tại một căn nhà chứa đầy ma túy
- Di trú: Úc lên kế hoạch bảo vệ sinh viên quốc tế ở trong và ngoài khuôn viên các trường đại học
- Tin Úc: Nhiều cử tri do dự đã quyết định bầu cho Liên đảng vào phút chót
- Ngân hàng HSBC dự đoán giá nhà sẽ tăng nhẹ vào năm 2020
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ngày 5/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước đến Anh bằng việc cùng Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Thủ tướng Anh Theresa May, lãnh đạo 14 quốc gia khác và khoảng 60.000 người dân tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày quân Đồng minh đổ bộ vào bãi biển Normandy (6/6/1944-6/6/2019) diễn ra tại thành phố Portsmouth, Vương quốc Anh. Sau khi dự Lễ kỷ niệm 75 năm ngày quân đồng minh đổ bộ vào bãi biển Normandy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên máy bay tiếp tục chuyến công du châu Âu đến Cộng hòa Ireland và Cộng hòa Pháp.
Các thỏa thuận giữa nhà lãnh đạo hai nước Triều Tiên và Mỹ đạt được tại Singapore năm ngoái có thể gặp rủi ro bởi sự tính toán của Mỹ. Đây là tuyên bố mới nhất được phía Triều Tiên đưa ra ngày 4/6, theo đó, Triều Tiên hối thúc Mỹ đưa ra đề xuất mới để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ Mỹ nên nghĩ tới lựa chọn chiến lược đúng đắn để duy trì các thỏa thuận mà hai bên đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên vào tháng 6/2018, trước khi quá muộn. Theo người phát ngôn, Mỹ nên thay đổi phương thức tính toán và đáp ứng đề nghị của Triều Tiên sớm nhất có thể, bởi sự kiên nhẫn của Bình Nhưỡng là có giới hạn. Trước đó, Triều Tiên nhiều lần yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt đối với nước này để đổi lấy sự cam kết về giải trừ hạt nhân từng phần của Triều Tiên.
Trung Quốc và Nga hôm 5/6 đã nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho thời đại mới. Quyết định trên được đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow. Dự kiến, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga, hai bên ký khoảng 30 thỏa thuận và đưa ra tuyên bố về việc tăng cường sự ổn định chiến lược. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở St. Petersburg với tư cách là khách mời danh dự.
Ông Prayuth Chan-ocha đã được Quốc hội Thái Lan bầu tiếp tục giữ chức Thủ tướng nước này trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Ông Prayuth Chan-ocha đã nhận được 500/747 phiếu ủng hộ trong phiên họp của lưỡng viện Quốc hội Thái Lan. Đối thủ của ông Prayuth, ứng viên của liên minh do đảng Vì nước Thái đứng đầu, ông Thanathorn Juangroongruangkit, giành được sự ủng hộ của 244 nghị sỹ. Theo Hiến pháp, kết quả bầu Thủ tướng sẽ được Chủ tịch Hạ viện trình lên Nhà vua Thái Lan Rama 10 phê chuẩn và nội các mới sẽ được công bố trong tháng 6/2019. Như vậy, sau 5 năm trở thành người đứng đầu Chính phủ Thái Lan sau cuộc đảo chính quân sự, ông Prayuth đã tiếp tục được bầu giữ chức Thủ tướng, lãnh đạo Thái Lan trong 4 năm tới thông qua cuộc bầu cử hợp hiến.
Cơ quan tuần tra biên giới Mỹ cho biết trong tháng Năm, số hộ gia đình di cư bị bắt giữ tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico đã lên mức kỷ lục. Cơ quan chức năng đã bắt giữ 132.887 người trong tháng Năm, con số lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua. Trong số này, con số người lớn đi kèm trẻ em, được tính là hộ gia đình, bị bắt giữ lên đến 84.542, một con số kỷ lục. Trong khi có 11.507 trẻ em đi một mình và 36.838 người lớn đi một mình. Cơ quan tuần tra Biên giới cảnh báo cơ quan này không có đủ năng lực tài chính hoặc cơ sở vật chất thiết yếu để cung cấp cho dòng người di cư trên. Hồi năm ngoái, đã có sáu trẻ em trong số trẻ di cư thiệt mạng sau khi bị bắt giữ.
Đại sứ Nga tại Bình Nhưỡng Alexander Matsegora cho biết Moskva đã viện trợ bổ sung 3.950 tấn lúa mì cho Triều Tiên để giúp nước này đối phó với tình trạng hạn hán nghiêm trọng hiện nay. Việc chuyển hàng viện trợ nêu trên được thực hiện trong khuôn khổ đóng góp của Nga cho ngân sách của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho năm 2019. Ngoài ra, hồi tháng Hai, Ba và Tư vừa qua, Nga đã chuyển 3 chuyến hàng viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Cùng ngày, Hàn Quốc cũng đã thông qua khoản viện trợ nhân đạo trị giá 8 triệu USD cho Triều Tiên trong bối cảnh các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đang bế tắc và quan hệ liên Triều cũng rơi vào tình trạng trì trệ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, hiện có khoảng hơn 10 triệu người Triều Tiên, chiếm 40% dân số nước này đang sống trong tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 5/6 đưa tin, nước này đã lần đầu tiên phóng thử thành công tên lửa Trường Chinh 11 từ boong một tàu lớn ở Hoàng Hải vào lúc 4h sáng. Đây là bước đi mới nhất trong chương trình không gian tham vọng của Bắc Kinh. Tên lửa Trường Chinh 11 được thiết kế để triển khai nhanh chóng và phóng từ các bệ phóng di động như tàu biển, mang theo 7 vệ tinh nhân tạo, gồm một chiếc để đo sức gió ở bề mặt biển nhằm dự báo bão. Những năm gần đây, Trung Quốc đã coi chương trình không gian là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đua nhằm bắt kịp Mỹ và trở thành một cường quốc không gian vào năm 2030. Bắc Kinh cũng có kế hoạch bắt đầu xây dựng trạm không gian riêng vào năm 2020.
Các nghị sĩ bang New York, Mỹ vừa thông qua dự luật cấm cắt bỏ móng vuốt mèo. Đây là một bước đi mới đưa New York trở thành bang đầu tiên tại Mỹ có luật ngăn cấm việc này với một loài thú cưng. Với dự luật mới, các bác sĩ thú y sẽ bị phạt tiền tới 1.000 USD nếu thực hiện thủ thuật cắt bỏ móng vuốt mèo. Luật cấm cắt bỏ móng vuốt mèo đã được thông qua cả hai viện của cơ quan lập pháp bang New York. Móng vuốt mèo nối liền với xương con vật. Do đó, việc cắt bỏ chúng đòi hỏi các bác sĩ thú y phải can thiệp cả vào phần gân và dây thần kinh của mèo nếu muốn loại bỏ tận gốc móng, vuốt của chúng. Những người ủng hộ dự luật cho rằng, việc loại bỏ móng vuốt mèo là một việc làm dã man khi gây ra nỗi đau đớn cũng như khó chịu suốt đời với một con vật.
Rất nhiều con sông trên thế giới đang bị nhiễm kháng sinh. Đây là kết quả từ cuộc khảo sát đầu tiên trên toàn cầu về vấn đề này. Các nhà nghiên cứu tại Trường đại học tổng hợp York của Anh đã khảo sát các con sông ở 72 nước thuộc 6 châu lục trên thế giới. Kết quả là 65% địa điểm được xác định nhiễm kháng sinh. Cá biệt ở Bangladesh, có con sông có mức độ nhiễm kháng sinh quá 300 lần so với mức độ an toàn. Kết quả trên nghiêm trọng hơn dự đoán của các nhà khoa học. Liên Hợp Quốc coi đây là vấn đề có quy mô như biến đổi khí hậu.
Ngày 4/6, giới chức y tế thành phố Paris, Pháp đã kêu gọi trẻ em, phụ nữ mang thai sống ở khu vực gần nhà thờ Đức Bà tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ chì. Tại Pháp, những quan ngại về vấn đề sức khỏe của người dân do hậu quả của vụ hỏa hoạn nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris đang hiện hữu. Khuyến cáo được đưa ra sau khi một em bé được phát hiện có nồng độ chì cao trong máu. Giới chức y tế Paris cho biết, một cuộc điều tra đã được triển khai nhằm đánh giá liệu nguyên nhân khiến nồng độ chì của em bé tăng cao có phải là do vụ cháy nhà thờ Đức Bà hay không.
Tại Mexico, lực lượng an ninh bang Sinaloa, vừa phát hiện 3 cơ sở điều chế ma túy tại khu vực El Dorado, từng là địa bàn hoạt động của trùm ma túy khét tiếng El Chapo. Đáng chú ý là các cơ sở trên có khả năng sản xuất tới 17 tấn methamphetamine. Các cơ sở này bị phát hiện sau khi nhà chức trách địa phương ghi nhận sự gia tăng nhiệt độ tại khu vực El Dorado. Tuy nhiên, khi lực lượng an ninh đột nhập vào các cơ sở này những người làm việc ở đó đã chạy trốn, chỉ thu được tại hiện trường các thiết bị và nguyên liệu để điều chế ma túy.
Tại Nhật Bản, phụ nữ bị bắt buộc phải đi giày cao gót đến công sở như là cách thể hiện ý thức làm việc chuyên nghiệp. Ngày 4/6, hàng chục nghìn phụ nữ tại Nhật Bản đã ký một bản kiến nghị kêu gọi nước này bỏ quy định trên để tránh ảnh hưởng sức khỏe. Lá đơn với gần 19.000 chữ ký là một phần của phong trào #KuToo do thủ lĩnh Yumi Ishikawa khởi xướng trên Twitter. Phong trào #KuToo bắt đầu vào đầu năm 2019 khi Ishikawa chia sẻ trên mạng xã hội về việc cô phải đi giày cao gót tại khách sạn để làm việc và kêu gọi hãy giải thoát cho phụ nữ Nhật Bản khỏi những đôi giày cao gót tra tấn họ mỗi ngày tại nơi làm việc.
Tin thể thao:
Ronaldo lập hat-trick, Bồ Đào Nha vào CK Nations League: Vừa qua, Bồ Đào Nha chạm trán Thụy Sỹ ở bán kết Nations League. Thụy Sỹ đã chơi không tệ, tuy nhiên, họ không thể cản nổi sức mạnh của siêu sao Cristiano Ronaldo. Ronaldo đã lập hat-trick trong đó có một siêu phẩm sút phạt mở tỷ số phút 25 và 2 bàn thắng ở phút 88 và 90. Bàn thắng duy nhất của Thụy Sỹ được ghi bởi Ricardo Rodriguez trên chấm phạt đền ở phút 57. Thắng chung cuộc 3-1, Bồ Đào Nha giành quyền vào chơi trận chung kết Nations League vào ngày 9/6. Họ sẽ gặp đội thắng giữa Anh và Hà Lan ở trận bán kết hai diễn ra tối 6/6.
Buffon chia tay PSG: Trên trang cá nhân, thủ thành Gianluigi Buffon xác nhận sẽ không gia hạn hợp đồng với PSG và rời đội bóng ngay Hè 2019. Thủ thành 41 tuổi đầu quân cho PSG Hè năm ngoái sau nhiều năm gắn bó với Juventus. Anh có 25 trận ra sân cho PSG mùa giải qua, giúp đội bóng Paris vô địch Ligue 1 nhưng lại thất bại trước MU ở đấu trường Champions League. Buffon cho biết anh sẽ trở lại quê nhà Italy. Có tin đồn Buffon được Juve liên hệ mời làm HLV thủ môn. Trong khi đó, PSG đang liên hệ với người đại diện của thủ thành Keylor Navas.
Vụ Sarri tới Juve gặp khó: Sau chức vô địch Europa League cùng Chelsea, Maurizio Sarri đã trở về Italy gặp đại diện của Juventus. Truyền thông Anh cho biết, Sarri trước đó đã nộp đơn từ chức lên lãnh đạo Chelsea. Thương vụ này chỉ chờ thỏa thuận giữa Chelsea và Juventus. Tuy nhiên, rắc rối mới nảy sinh trên bàn đàm phán. Theo Sky Sports, Chelsea đòi 5,3 triệu bảng tiền giải phóng hợp đồng cho Sarri nhưng Juve chưa chấp thuận. Rất có thể trở ngại trong đàm phán đã khiến Chủ tịch của Fabio Paratici của Juve úp mở rằng Sarri không phải là ứng viên duy nhất họ đang tiếp cận. Bên cạnh đó, ông Paratici cho rằng thời gian sẽ chốt hợp đồng của một HLV không phải một sớm một chiều.
Hoàn tất kiểm tra y tế, Real Madrid đón bom tấn thứ 3: Đài RMC (Pháp) loan tin hậu vệ trái Ferland Mendy đã trở thành “bom tấn” thứ 3 của Real Madrid sau khi đội bóng Tây Ban Nha và Lyon chốt giá chuyển nhượng 50 triệu euro. Real đã cử 2 bác sĩ sang Pháp để tiến hành các thủ tục kiểm tra sức khỏe cho Ferland Mendy. Mọi thứ đã hoàn thành tốt đẹp. Ít ngày tới, Mendy sẽ có mặt tại Bernabeu. Cầu thủ 23 tuổi sẽ đặt bút ký vào bản hợp đồng có thời hạn tới Hè 2025 giống như Luka Jovic và Eder Militao.
MU chọn Sebastian Haller thay thế nếu Lukaku ra đi: Ole Gunnar Solskjaer đã chốt được phương án thay thế Romelu Lukaku nếu tiền đạo người Bỉ gia nhập Inter Milan. Người được chọn là tiền đạo của Eintracht Frankfurt Sebastian Haller. Chân sút 24 tuổi ghi 20 bàn thắng và có 12 kiến tạo cho đội bóng Đức mùa qua. MU đã theo dõi Haller mấy tháng nay. Trong một diễn biến khác, MU đã chuẩn bị sẵn 84 triệu bảng để hỏi mua trung vệ Napoli Kalidou Koulibaly. Đây là mục tiêu mua sắm từ lâu của họ nhưng Napoli đòi phí chuyển nhượng rất cao nên MU vẫn đắn đo. Real cũng muốn mua Koulibaly nhưng cũng bị hét giá quá cao.
Juventus nhắm mua 3 ngôi sao: Truyền thông Italy đều thống nhất với nhau về 3 ngôi sao trên TTCN Juventus đang theo đuổi là Paul Pogba (MU), Mauro Icardi (Inter Milan) và Federico Chiesa (Fiorentina). Pogba sẵn sàng trở lại Juve nhưng MU đòi giá cao và Juve đang thương lượng gán cầu thủ vào hợp đồng chuyển nhượng. Federico Chiesa được cho là đã đồng ý gia nhập Juve nhưng Fiorentina không muốn bán nên phải tiếp tục thương lượng. Icardi đã đạt thỏa thuận cá nhân với Juve và có thể thỏa thuận với Inter sẽ sớm được thống nhất.
Man City chọn được người thay Fernandinho: Theo báo Tây Ban Nha, Man City đã đặt vấn đề với Atletico Madrid và cho đội bóng Tây Ban Nha biết họ sẵn sàng trả 62 triệu bảng để giải phóng hợp đồng của tiền vệ 22 tuổi Rodri. City coi Rodri như là sự thay thế cho Fernandinho nhưng Rodri vẫn chưa quyết định tương lai. Man City vẫn chưa thực hiện vụ áp phe nào cho mùa giải tới nhưng rất có thể đó chỉ là vấn đề thời gian sau khi City tiếp tục thất bại ở Champions League và gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của Liverpool ở giải Ngoại hạng.
Marco Reus giành giải cầu thủ hay nhất Bundesliga 2018/19. Tiền đạo Marco Reus của Borussia Dortmund vừa vinh dự được các đồng nghiệp bầu chọn là cầu thủ hay nhất Bundesliga 2018/19. Đây là lần thứ 3 anh giành được giải thưởng này (2 lần trước vào các năm 2012 và 2014). Anh cùng với Jadon Sancho và Axel Witsel là 3 cầu thủ Dortmund góp mặt trong đội hình tiêu biểu.
Liverpool vớ bẫm từ cúp C1 và Ngoại hạng Anh. Theo tính toán của Mirror, với chức vô địch Champions League, Liverpool đã nhận được 98,5 triệu bảng tiền lợi tức từ truyền hình, hơn bất cứ CLB nào tham dự giải đấu năm nay. Ở đấu trường Premier League, Liverpool cũng thu về tới 152,4 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình, vượt qua cả nhà vô địch Man City (151 triệu bảng). Tính tổng cộng, đội chủ sân Anfield đã thu về 250,9 triệu bảng tiền lợi tức truyền hình từ 2 giải đấu lớn.
Liverpool tăng sức chứa sân Anfield. Dự kiến vào tháng 9 này tập đoàn Fenway Sports Group, chủ sở hữu của Liverpool, sẽ đệ trình phương án mở rộng sân Anfield và theo tờ The Times, kế hoạch của họ sẽ là một sức chứa mới vượt ngưỡng 60.000 chỗ ngồi. Được biết dự án này đã được FSG tính toán trong nhiều năm kể từ sau khi họ từ bỏ ý định xây hẳn một sân mới.
Mặt tối” của mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh
Chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Anh diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Truyền thông Anh gọi đây là chuyến thăm “khác thường” nhất trong lịch sử ngoại giao nước này những thập niên gần đây, bởi sau khi ông Trump rời Anh ngày 5/6 thì chỉ 2 ngày sau Thủ tướng Theresa May cũng từ chức.
Tuy nhiên, cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo đương nhiệm khi mối quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời và tình hình hai nền kinh tế thuộc top 5 thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, cũng được đánh giá tác động không nhỏ tới những diễn biến hiện tại ở Anh, đặc biệt trong bối cảnh chính trường nước này đang “rối như tơ vò” vì bài toán “chia tay” Liên minh châu Âu (EU).
Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ tới Anh vốn đã được hai bên nhất trí từ hồi tháng 1/2017 khi bà May là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump lúc ông vừa lên cầm quyền.
Tại thời điểm đó, Tổng thống Trump được xem như “làn gió mới” trong chính trường Mỹ, còn Thủ tướng May vẫn đang kỳ vọng vào khả năng sẽ đưa được nước Anh rời EU để tìm một chân trời phát triển độc lập, trong đó phải kể đến tiềm năng thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do riêng với Mỹ.
Chính vì vậy, hai bên từng coi việc Tổng thống Mỹ tới Anh là cơ hội để tán thưởng “mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ, thúc đẩy các kênh kết nối thương mại và tái khẳng định hợp tác an ninh.” Nói cách khác, Mỹ và Anh từng cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ mang một ý nghĩa biểu tượng, đó sẽ là “thời điểm vàng” tiếp thêm động lực cho “mối quan hệ đặc biệt” đã tồn tại hơn 7 thập niên, nhất là khi nước Anh đang trong tiến trình rời EU.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ấy, một Brexit hỗn loạn, chìm nghỉm trong chia rẽ nội bộ tại Anh và hơn 2 năm cầm quyền đầy biến động trên mọi mặt trận của Tổng thống Trump đã biến “thời điểm vàng” thành “thời điểm nhạy cảm.” Cũng trong 2 năm qua, “mối quan hệ đặc biệt” Anh-Mỹ rơi vào căng thẳng do phát sinh không ít những mâu thuẫn trong các vấn đề nóng như Iran, kế hoạch sử dụng công nghệ 5G của Trung Quốc và chính sách biến đổi khí hậu.
Không ít lần, những dòng chia sẻ trên trang Twitter của Tổng thống Trump nhắm vào các vấn đề nội bộ của Anh khiến cả chính giới lẫn người dân Anh tức giận. Một báo cáo của ủy ban Thượng viện Anh công bố cuối năm ngoái thừa nhận rằng chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm tổn hại mối quan hệ Anh-Mỹ.
Chuyến thăm của ông Trump tới Anh đã liên tục bị trì hoãn, một phần do những bất đồng phát sinh giữa hai đồng minh từng rất khăng khít này. Ngay cả chuyến thăm đầu tiên hồi tháng 7 năm ngoái của ông Trump tới Anh cũng không giúp khỏa lấp những căng thẳng giữa hai bên, thậm chí, “mặt tối” của mối quan hệ Mỹ-Anh càng thêm “lộ sáng.”
Khó có thể đánh giá chuyến thăm lần này của ông Trump sẽ mang lại điều gì cho quan hệ Mỹ-Anh ở thời điểm Thủ tướng May sẽ tuyên bố chính thức từ chức. Hơn nữa, việc Tổng thống Mỹ tới Anh vào thời điểm này, được cho xuất phát từ tính toán lợi ích của Washington, tìm cách hối thúc London “theo chân” Mỹ trừng phạt tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei. Dẫu vậy, thời điểm Anh có thể ủng hộ đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương vô điều kiện, như khi cùng Mỹ tấn công Iraq hay không kích Syria, dường như đã qua.
Brexit là cú chuyển mình về chính trị lớn nhất tại Anh kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai và nếu thực sự xảy ra, Anh sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các mối quan hệ với Mỹ khi lơi dần quan hệ với 27 quốc gia còn lại của EU. Những người ủng hộ Brexit luôn coi một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ có vai trò đặc biệt quan trọng cho thành công của Anh hậu Brexit. Vì vậy, chuyến thăm đã được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy cho tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận thương mại độc lập Anh-Mỹ.
Phát biểu trong họp báo sau hội đàm, như thường lệ, Tổng thống Mỹ không tiếc lời ca ngợi tiềm năng hợp tác thương mại song phương và không quên cam kết một thỏa thuận thương mại “phi thường” giữa hai nước.
Ông chủ Nhà Trắng nhận định mọi thứ sẽ sẵn sàng trên bàn đàm phán ngay sau khi Anh hoàn tất Brexit và ước tính quy mô trao đổi thương mại khi hai bên kích hoạt thỏa thuận này sẽ lớn gấp đôi, thậm chí gấp ba so với mức hiện tại. Đó là những lời hứa hẹn theo đúng phong cách lâu nay của nhà lãnh đạo Mỹ, người đi lên từ một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản vốn thành bại dựa trên những bản quy hoạch trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế ra sao sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán.
Bản thân Thủ tướng May dù khẳng định quan hệ đối tác giữa Anh và Mỹ sẽ “vĩ đại” và thậm chí còn có thể “vĩ đại hơn” khi có thể nắm bắt được những cơ hội trước mắt như thỏa thuận thương mại rộng hơn, hợp tác kinh tế quy mô lớn hơn, nhưng vẫn thận trọng cho rằng điểm thúc đẩy hai bên đạt được thỏa thuận thương mại là cả hai cùng đàm phán để nhất trí những điều khoản nên có trong thỏa thuận này.
Điều này ngụ ý quan điểm của bà May cũng như Chính phủ Anh về việc Dịch vụ Y tế công (NHS) tại Anh có nên trở thành một điều khoản đàm phán trong thỏa thuận thương mại với Mỹ, theo yêu cầu của Tổng thống Trump hay không.
Bà May và không ít quan chức Anh từng khẳng định NHS không phải lĩnh vực có thể đem ra thỏa thuận, mua bán và trở thành mục tiêu tiếp cận của các công ty tư nhân Mỹ. Chỉ từ một điểm điển hình này cũng đủ thấy hai bên có thể vấp phải những bất đồng không dễ hóa giải khi đàm phán thỏa thuận. Và với chiến thuật đàm phán nghiêng về sức ép của chính quyền Tổng thống Trump, không ai có thể đảm bảo một quá trình đàm phán thương mại “êm đẹp” cho nước Anh.
Một vấn đề nóng khác mà hai đồng minh lâu đời còn đang vướng mắc là kế hoạch của Chính phủ Anh cho phép tập đoàn Huawei tham gia một cách hạn chế trong việc xây dựng mạng lưới 5G tại Anh.
Kế hoạch này đi ngược với ý định của Mỹ muốn các đồng minh tránh sử dụng công nghệ và thiết bị do Huawei cung cấp.
Việc Tổng thống Trump ca ngợi mối quan hệ đồng minh lâu năm và quan hệ đối tác tuyệt vời trong lĩnh vực tình báo giữa hai nước, được hiểu là cách ông chủ Nhà Trắng thúc ép Anh cần lựa chọn duy trì mối quan hệ thân cận vốn mang lại những lợi ích an ninh (do việc hợp tác tình báo) với Mỹ. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều khó khăn bởi người kế nhiệm bà May mới thực sự chịu trách nhiệm tháo gỡ nút thắt này cùng Mỹ.
Đến thăm Anh trong những ngày London rối loạn vì bài toán Brexit, với phong cách thường thấy, Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra những nhận định “mang tính can thiệp” vào tiến trình vốn đang đầy mâu thuẫn này tại Xứ sở sương mù.
Tổng thống Trump thẳng thừng bày tỏ nếu được đặt vào vị trí người kế nhiệm Thủ tướng May, ông sẽ không e ngại rời bàn đàm phán với EU nếu không có cơ hội đạt được một thỏa thuận công bằng như mong muốn và ủng hộ Brexit không thỏa thuận.
Trong khi dư luận Anh vẫn đang giằng co giữa các phương án Brexit, thì nhận định của ông Trump dường như thổi thêm luồng gió cho “cánh buồm” của phe ủng hộ Brexit “cứng,” dứt bỏ EU bằng mọi giá.
Không khó hiểu khi ông Trump công khai ủng hộ ứng cử viên hàng đầu cho vị trí thay thế bà May là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người cũng từng ngụ ý rằng Anh sẽ ra đi dù có hay không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới, và gọi ông Johnson là “lựa chọn hoàn hảo.”
Với vị thế của nhà lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới, nhận định của Tổng thống Mỹ chắc hẳn ít nhiều tác động vào “vòng xoáy chính trị” tại nước chủ nhà.
Trên thực tế, chuyến thăm này chưa chỉ rõ hướng giải quyết những bất đồng hiện tại giữa hai nước. Trong cuộc họp báo với Tổng thống Trump sau hội đàm, Thủ tướng May vẫn thận trọng lưu ý rằng hai bên đang có cách tiếp cận khác nhau trong nhiều vấn đề. Tuy nhiên, bà May cũng khẳng định rằng “hợp tác và thỏa hiệp là nền tảng cơ bản làm nên những quan hệ đồng minh vững mạnh.”
Món quà Thủ tướng May tặng nhà lãnh đạo Mỹ là một phiên bản mô phỏng của Hiến chương Đại Tây Dương, vốn được xem là “biểu hiện cho vai trò then chốt của Anh và Mỹ trong việc hình thành trật tự đa phương thời hậu chiến,” được treo trên tường phòng cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, người đầu tiên dùng cụm từ “quan hệ đặc biệt” để định hình mối quan hệ hai nước từ năm 1946. Có thể hiểu Anh vẫn muốn đảm bảo một mối quan hệ mới chặt chẽ với Mỹ hậu Brexit.
Dẫu vậy thì với một nhân vật khó đoán như Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ có thể sẽ đối mặt với những khía cạnh gai góc hơn nữa.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 06/06/2019 là 1 AUD = 0.696 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 06/06/2019 là 1 AUD = 16,316 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 35 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, buổi sáng có sương giá ở khu vực phía Bắc, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5 đến 16 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, chiều tối có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 12 đến 23 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào dọc theo khu vực ven biển, sóng lớn có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 20 độ.
Tại Melbourne, buổi sáng trời nhiều mây, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 15 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.