Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chủ trương, quan điểm của Đức liên quan vấn đề Biển Đông

Wednesday, June 19, 2019 6:55:00 PM // ,


Đức tuy điều tàu chiến tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, song nước này có lợi ích trong khu vực và nhiều lần kêu gọi giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.


Đức có lợi ích thiết thực ở Biển Đông

Biển Đông có tầm quan trọng và vị thế địa chiến lược trọng yếu không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với khu vực Đông Á và thế giới. Trước hết vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Trung Đông - châu Á. Là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu.

Điểm trọng yếu thứ hai của Biển Đông là các đảo, quần đảo ngoài khơi, như Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm ở vị trí trung tâm - một trong những nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua nhất trên thế giới. Các quần đảo này đóng vai trò cực kỳ quan trọng với tư cách là các vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông. Đồng thời là các cơ sở hậu cần phục vụ các hoạt động biển xa, như kiểm soát các tuyến hàng hải đi qua lại trên Biển Đông, dùng cho mục đích quân sự như đặt trạm radar, các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền... Các chiến lược gia phương Tây cho rằng quốc gia nào kiểm soát được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ kiểm soát và khống chế được toàn bộ Biển Đông.

Ngoài ra, khu vực Biển Đông còn có những eo biển quan trọng đối với nhiều quốc gia và với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á. Đó là các eo biển: Malacca, Luzon, Lombok, Sunda, Makascha và Ombai-Wetar. Đặc biệt, eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia, Malaysia và Singapore) có vị trí vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua Biển Đông. Đây cũng là eo biển có lượng tàu thuyền đi qua nhộn nhịp và lượng dầu vận tải hàng năm qua đây chiếm vị trí thứ 2 thế giới, sau eo biển Homuz (Cộng hòa Iran). Ba eo biển thuộc chủ quyền Indonesia là Sundan, Lombok và Makascha đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì lý do nào đó. Tuy nhiên, nếu phải vận chuyển qua các eo biển này thì hàng hóa giữa Ấn Độ Dương sang ASEAN và Bắc Á sẽ chịu cước phí cao hơn vì quãng đường dài hơn. Eo biển Luzon nằm giữa đảo Luzon của Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan, là cửa liên thông của tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông với khu vực Tây Bắc và Bắc Thái Bình Dương.

Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và điểm gần nhất của tuyến vận tải biển này chỉ cách Côn Đảo (Việt Nam) chừng 38 km. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại qua lại Biển Đông, bao gồm 200 tàu chở dầu, 50% số tàu này có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% từ 30.000 tấn trở lên. Các tuyến đường biển nói trên là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của nhiều nước châu Á. Hơn qua vùng Biển Đông với gái tị thương mại khoảng 5,3 nghìn tỷ USD. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ.

Do đó, giới chuyên gia nhận định Biển Đông là tuyến đường thủy quốc tế quan trọng và Đức là cường quốc thương mại. Ông Walter Ladwig, thuộc khoa nghiên cứu chiến tranh tại King’s College, London cho biết, hoàn toàn hợp lý nếu Đức muốn thực hiện phần của mình để giúp đảm bảo là quyền tự do hàng hải được tôn trọng trong vùng biển quốc tế được cho phép theo luật quốc tế. Cùng quan điểm trên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định Biển Đông là một giao lộ hàng hải đối với các nhà xuất khẩu Đức. Hàng hóa Đức trị giá khoảng 117 tỷ đô la đã được vận chuyển qua Biển Đông vào năm 2016, khiến Đức trở thành nước có lưu lượng thương mại lớn thứ 9 đi qua khu vực này. Đối với Đức, di sản của hai cuộc chiến tranh thế giới có thể khiến họ gặp khó khăn hơn Pháp, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Philippines khi tham gia các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.

Quan điểm chính thức của Đức về vấn đề Biển Đông

Trong những tháng gần đây, các quan chức chính phủ Đức chưa thể thống nhất quan điểm về kế hoạch điều tàu tham gia các hoạt động vì tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu ở Biển Đông. Điều đó không chỉ phản ánh về nước Đức có vị thế là cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu và có vai trò dẫn đường cho EU, mà còn là một quốc gia có chính sách đối ngoại và quốc phòng chịu ảnh hưởng của hai cuộc thế chiến cũng như 45 năm đất nước và chính trị bị chia cắt kể từ năm 1945.

Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của Đức cũng đã đưa ra những tuyên bố cứng rẳn, ủng hộ việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dựa theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Cụ thể:

Đại sứ Đức tại Philippines Thomas Ossowski (6/2014) vừa tuyên bố chính phủ Đức đang theo dõi sát sao tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, giữa lúc Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) ở vùng biển Việt Nam; đồng thời khẳng định Đức rất quan tâm tới việc duy trì an ninh cho các tuyến đường biển và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Đại sứ Ossowski còn kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Khi tiếp Tổng thống Philippines Aquino tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel (9/2014) cho biết Đức ủng hộ Philippines trong việc tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông; khẳng định việc dàn xếp các tranh chấp quốc tế cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của UNCLOS” và “đó là cách rất hiệu quả để giải quyết những bất đồng”. Bà Merkel nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ những lo ngại về căng thẳng gia tăng tại một khu vực trên thế giới và chúng tôi tin vào các biện pháp tiếp cận tích cực và cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin vào việc giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Đức Angela Merkel (29/10/2015) cho rằng tranh chấp ở Biển Đông là một “cuộc xung đột nghiêm trọng”, kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh cãi với Mỹ về vấn đề lãnh hải ở Biển Đông và gợi ý rằng tranh chấp nên được đưa ra tòa án quốc tế. Theo bà Angela Merkel, điều quan trọng là tuyến đường thương mại trên biển vẫn rộng mở dù có tranh cãi.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer (17/6/2015) cho biết, Đức khẳng định ủng hộ quan điểm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời không đồng tình những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

Trong cuộc họp giữa Bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước Đức và Australia (6/9/2016), lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung hối thúc các quốc gia liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giải quyết hòa bình vấn đề này trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Tuyên bố nêu rõ: “Các Bộ trưởng đã thừa nhận rằng hòa bình và ổn định ở Biển Đông là một vấn đề gây quan ngại toàn cầu. Họ đã hối thúc tất cả các bên kiềm chế, làm dịu căng thẳng và giải quyết những tranh chấp một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”; đồng thời tái khẳng định với tất cả các nước tầm quan trọng của việc duy trì trật tự quốc tế hiện hành trên cơ sở các nguyên tắc.”

Khi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Angela Merkel (7/2017) khẳng định Đức ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế. Theo bà Angela Merkel, với tư cách là nước đầu tàu trong EU, có kinh nghiệm xử lý các tranh chấp trên biển, Đức khẳng định ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đối với vấn đề Biển Đông, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng khẳng định Đức ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông; ủng hộ lập trường giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Cùng quan điểm với chính giới, truyền thông Đức nhiều lần lên án Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng trên Biển Đông. Các báo điện tử lớn nhất của Đức như Toàn cảnh Frankfurt, Sóng Đức và Thế giới đã đồng loạt có các bài viết lên án Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng các đảo trên Biển Đông. Báo điện tử “Toàn cảnh Frankfurt” chỉ trích Trung Quốc muốn tạo sự đã rồi trên Biển Đông, đồng thời dẫn lời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Trung Quốc không nên có các hành động “hiếu chiến” trên Biển Đông và nhấn mạnh trong quá trình xử lý tranh chấp lãnh thổ, Bắc Kinh đã không tuân thủ đúng các tiêu chuẩn và quy định của luật pháp quốc tế. Trong khi đó, báo điện tử Sóng Đức phản ánh về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo trên Biển Đông, với chùm 10 ảnh cập nhật về những hoạt động cải tạo này cùng các bình luận đi kèm ở mỗi ảnh. Còn tờ Thế giới cho rằng những hành động cải tạo đảo của Trung Quốc đã làm cho Mỹ “không thể ngồi yên” và buộc phải thể hiện thái độ phản đối rõ ràng.

Không những vậy, giới học thuật Đức cũng đã tổ chức các hội thảo quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông. Tại hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông được tổ chức tại Viện Á-Phi thuộc trường Đại học Hamburg (19/5/2017), có Giáo sư-tiến sỹ Thomas Engelbert thuộc Viện Á-Phi; tiến sỹ Bill Hayton, chuyên gia của Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh; tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á cùng nhiều học giả hàng đầu của Đức nghiên cứu về châu Á, Đông Nam Á và Biển Đông tham dự. Buổi hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan truyền thông tại Đức như kênh truyền hình Deutsche Welle, hệ thống truyền thông của Đại học Hamburg cùng khoảng 100 khách mời đến từ nhiều quốc gia như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ... Phát biểu khai mạc hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Engelbert nhấn mạnh vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là chủ đề mang tính thời sự toàn cầu, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong những năm qua, rất nhiều hội thảo quốc tế về chủ đề này đã được tổ chức ở nhiều nước nhằm phản ánh sự thật khách quan và thực trạng tranh chấp trên Biển Đông. Theo giáo sư-tiến sỹ Engelbert, việc tổ chức hội thảo lần này góp phần giúp giới học giả, các nhà nghiên cứu và người dân Đức có thêm thông tin một cách khách quan về vấn đề Biển Đông, qua đó có thể góp tiếng nói ủng hộ lẽ phải, sự thật lịch sử và lên án những hành động trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay. Tiến sỹ Bill Hayton tập trung phân tích về vấn đề lịch sử tuyên bố chủ quyền của các bên ở Biển Đông cũng như lý giải vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay và toan tính của Trung Quốc thông qua yêu sách phi lý của cái gọi là “đường 9 đoạn”.

Nhìn chung, tuy chưa điều tàu chiến tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, song Đức cũng như các nước đồng minh đều đặc biệt quan tâm, theo dõi về diễn biến tình hình khu vực, đồng thời cam kết sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.