Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 17/05/2019

Friday, May 17, 2019 5:52:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 17/05/2019

Lực lượng Hải quân: Công cụ chính giúp TQ


theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông


Hải quân Trung Quốc đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy quân sự hóa, gia tăng sức ép đối với khu vực nhằmtheo đuổi và đạt được các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông.

Cách đây đúng 10 năm (5/2009 – 5/2019), Trung Quốc đã ngang nhiên đưa ra yêu sách chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông theo bản đồ “đường 9 đoạn”. Theo hai công hàm gửi đến Liên hợp quốc, Trung Quốc tuyên bố “có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và các vùng nước liền kề, có quyền chủ quyền và quyền tài phán với các vùng nước liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển”.

Tháng 7/2016, Toà trọng tài quốc tế, được thành lập và trao quyền theo các điều khoản của UNCLOS, về cơ bản kết luận rằng yêu sách của Trung Quốc là không phù hợp với UNCLOS. Vốn luôn tẩy chay quá trình phân xử, Bắc Kinh phản đối kịch liệt phán quyết này. Quan điểm củaTrung Quốc là ưu tiên duy trì lập trường “không thể tranh cãi” cho những tranh chấp liên quan đến mình, đồng thời sử dụng lực lượng hải quân để từng bước củng cố ảnh hưởng ở

Biển Đông. Hiện nay, nước này có khoảng 500 tàu chiến các loại, hơn 350.000 nhân lực và khoảng 710 máy bay. Hải quân Trung Quốc được chia làm ba hạm đội bao gồm Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Bắc Hải và Hạm đội Nam Hải. Hạm đội Đông Hải này được Trung Quốc thành lập từ năm 1949 và có căn cứ chính ban đầu đặt tại Thượng Hải. Tới năm 1955, căn cứ chính này được chuyển tới Ninh Ba, Chiết Giang. Hạm đội này có phạm vi hoạt động từ phía Nam Thanh Đảo cho tới hết đảo Đài Loan. Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc đã từng có kinh nghiệm thực chiến khi hạm đội này chạm chán với hải quân Đài Loan trong quá khứ. Lực lượng chính của hạm đội này bao gồm bốn tàu khu trục tên lửa Sovremenny, bốn tàu ngầm điện – diesel lớp Kilo. Ngoài ra hạm đội này còn có một lượng lớn tàu đổ bộ tấn công các loại, nhiêu hơn mọi hạm đội còn lại của Trung Quốc. Hạm đội Bắc Hải được Trung Quốc thành lập từ năm 1950, có căn cứ chỉ huy đặt tại Thanh Đảo. Hạm đội này của Trung Quốc có vùng hoạt động từ Thanh Đảo cho tới toàn bộ vùng biển trong khu vực biển Hoàng Hải khu vực tiếp giáp giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên nhưng chỉ kéo dài xuống tới Thanh Đảo, từ phía Nam Thanh Đảo trở xuống thuộc trọng trách của Hạm đội Đông Hải. Trong biên chế của Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc hiện có năm tàu ngầm hạt nhân lớp Han “Type 091” và một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Xia “Type 092”, đây cũng là tàu ngầm lớp Xia duy nhất Trung Quốc hiện có. Điểm đáng chú ý là hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc chưa từng tham chiến ở bất cứ đâu. Hạm đội Nam Hải được Trung Quốc thành lập từ năm 1949, có phạm vi hoạt động từ phía cuối đảo Đài Loan cho tới vùng biển tiếp giáp Vịnh Bắc Bộ. Sở chỉ huy của hạm đội này đặt tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm ở trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên các tàu mặt nước của hạm đội Nam Hải lại được đóng tại Trạm Giang. Hải Nam chỉ là nơi đóng quân của các tàu ngầm thuộc hạm đội Nam Hải. Đây được coi là lực lượng có các đơn vị không quân hải quân mạnh nhất của Trung Quốc với tổng cộng 6 căn cứ không quân hải quân ở Lăng Thuỷ, Hải Khẩu, Tam Á, Trạm Giang và Quế Bình. Hạm đội Nam Hải là lực lượng nòng cốt được Trung Quốc sử dụng để theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Hạm đội này thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận, tiến hành quân sự hóa tại các thực thể do nước này chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Với mục tiêu đó, hải quân Trung Quốc leo thang thách thức tàu chiến, máy bay Mỹ bằng nhiều “động thái chiến tranh ấm” (Acts of Warm War). Có thể kể ra hàng loạt vụ áp sát, ngăn chặn nguy hiểm ở Biển Đông như vụ chiến đấu cơ F-8II của Trung Quốc va chạm máy bay do thám EP-3E của Mỹ năm 2001; tàu Trung Quốc quấy nhiễu tàu Impeccable năm 2009; tàu ngầm Trung Quốc phá cáp sonar của tàu khu trục USS John S. McCain năm 2009…Hành động “chiến tranh ấm” này còn diễn ra ở Biển Hoàng Hải như vụ tàu tuần tra Trung Quốc hăm dọa tàu USNS Bowditch năm 2002; “tàu cá lưới rà” của Trung Quốc ngăn cản hoạt động của tàu do thám USNS Victorious năm 2009.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ năm 2014, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng “Trường thành Cát” (Great Wall of Sand) ở Biển Đông. Nước này xây dựng các đảo nhân tạo ở tốc độ và quy mô chưa từng có. Không chỉ vậy, Trung Quốc “quân sự hóa” các thực thể này với doanh trại, hệ thống ra-đa, ụ pháo và đường băng quân sự. Mỹ đã can dự và khuyến khích Trung Quốc tham gia cuộc chơi với hy vọng nước này tuân thủ luật lệ. Nhưng trước mỗi phản ứng “thụ động” của Mỹ, Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn. Mỹ vẫn có thể triển khai tàu chiến và máy bay tới các khu vực nhưng mỗi ngày qua đi, các vùng biển và vùng trời lại nguy hiểm hơn.

Hải quân Trung Quốc tiếp tục hành xử quyết đoán với các bên tranh chấp khác ở các vùng biển. Sự kiện tàu Cowpens năm 2013 tiếp tục như “một gáo nước lạnh.” Không chỉ thế, Trung Quốc còn gửi tàu do thám cuộc tập trận RimPac 2014 khi chính nước này được mời tham dự. Sau sự kiện này, người ta kỳ vọng Trung Quốc dần chấp nhận việc các nước có quyền tiến hành hoạt động do thám, quân sự ở vùng EEZ của nước khác. Tuy nhiên chỉ một tháng sau đó, chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm máy bay do thám P-8A Poseidon của Mỹ khi bay cách Hải Nam khoảng 216km.

Chiến lược lâu dài và tiếp tục được Trung Quốc áp dụng tại Biển Đông là chia rẽ, đe doạ, dụ dỗ và đẩy lùi các quốc gia đối địch tại Đông Nam Á nhằm có được và củng cố quyền kiểm soát trên biển của Trung Quốc. Nhiều bằng chứng chứng minh nhận định này: việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại nửa phía bắc Biển Đông; chiếm đoạt một cách cưỡng ép các thực thể đất liền và các vùng nước xung quanh không có bất kỳ giới hạn nào trên gần

khắp toàn bộ Biển Đông; dùng nội luật để hợp pháp hóa quyền quản lý của Tỉnh Hải Nam đối với các thực thể và vùng nước xung quanh ở Biển Đông, gồm cả các thực thể mà Trung Quốc không chiếm đóng; và việc bồi đắp, thay đổi những thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trở thành các căn cứ quân sự. Với việc xây dựng đường băng, nhà chứa máy bay, bến cảng, các điểm bố trí tên lửa, và các công cụ phục vụ cho chiến tranh điện tử, những căn cứ này phục vụ cho mục đích đe doạ Trung Quốc không tìm cách giấu giếm, đó là tấn công những vị khách không mời, bao gồm tàu và máy bay của Philippines và Việt Nam.




Mỹ – Philippines tập trận chung


gần vùng biển tranh chấp ở Biển Đông


Lực lượng tuần duyên của Mỹ và Philippines vừa khởi động một cuộc tập trận chung gần khu vực tranh chấp ở Biển Đông.Các quan chức của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines thông báo, cuộc tập trận diễn ra gần bãi cạn Scarborough, phía Tây đảo Luzon. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Philippines được tổ chức gần bãi cạn này. Ba tàu của Mỹ và Philippines đã được triển khai tham gia diễn tập mô phỏng hoạt động tìm kiếm cứu nạn tàu chìm.

Giới chức trách Philippines cho biết, hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc được điều đến để theo dõi sát cuộc tập trận này. Một trong số các tàu của Trung Quốc đã tiến gần cách tàu của Philippines chỉ 5km, song không thực hiện bất kỳ động thái nào nhằm cản trở cuộc tập trận này.



Tháng trước, các lực lượng của Mỹ và Philippines đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung hàng năm khác, trong đó bao gồm kịch bản chiếm lại một hòn đảo ở xa bị chiếm đóng.

Đồng thời, lần đầu tiên Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines đầu tháng này cũng đã tiến hành tập trận chung ở Biển Đông.




Tư lệnh Hải Quân Mỹ kêu gọi


Úc, Indonesia tuần tra Biển Đông



Đô đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Mỹ hôm qua 16/05/2019 kêu gọi Hải Quân Úc và Indonesia hiện diện thường xuyên hơn trên Biển Đông, kể cả việc tuần tra vì tự do hàng hải. Theo ông, mỗi quốc gia Đông Nam Á đều phải kiên quyết đáp trả việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.

Tuyên bố trên đây được đưa ra trong khuôn khổ vòng công du của đô đốc Richardson trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore. Theo ông, cả Úc và Indonesia đều ủng hộ mạnh mẽ trật tự luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ nhấn mạnh, các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải sẽ thách đố chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc trên biển.

Tuần trước Hoa Kỳ đã khiến Trung Quốc tức giận khi điều hai chiến hạm đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của Đá Ga Ven và Đá Gạc Ma ở Trường Sa, bị Bắc Kinh chiếm đóng từ năm 1988.

Washington rất muốn Úc cũng có những hoạt động tương tự, nhưng cho đến nay chính quyền của thủ tướng Scott Morisson vẫn chưa đáp ứng. Phát ngôn viên Công Đảng Richard Marles tháng 7/2018 nói rằng mọi khả năng sẽ được xem xét.

Giám đốc điều hành Viện Chính Sách Chiến Lược Úc Peter Jennings nhận định, nếu đi vào bên trong khu vực 12 hải lý sẽ chứng tỏ rằng không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Úc thường xuyên tuần tra Biển Đông, nhưng chưa bao giờ vào trong khu vực lãnh hải này. Nếu Công Đảng thắng cử, thì rất có thể đề nghị của Mỹ sẽ được thực hiện.

Lần đầu tiên từ 7 năm tuần duyên Mỹ-Philippines tập trận

Trong một diễn biến khác, tuần dương hạm Bertholf của lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ được bổ sung cho Đệ thất Hạm đội, đã tập trận với Philippines tại Biển Đông. Tờ Stars and Stripescủa lực lượng viễn chinh Mỹ hôm 16/05/2019 cho biết đây là lần đầu tiên kể từ 7 năm qua có sự phối hợp với tuần duyên Philippines.

Chiếc Bertholf cùng với hai chiến hạm BRP Batangas và BRP Kalanggaman đã thực hiện các kịch bản tìm kiếm, cứu nạn và các hoạt động khác tại bãi cạn Scarborough, bị Trung Quốc chiếm từ năm 2012.

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản hôm qua ghi nhận, các tàu tuần duyên Trung Quốc tại vùng biển này đã dừng lại và quan sát cuộc tập trận Mỹ-Philippines nhưng không can thiệp.

Phó đô đốc Linda Fagan thuộc bộ chỉ huy lực lượng tuần duyên khu vực Thái Bình Dương tuyên bố : « Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi duy trì các mối quan hệ chặt chẽ và bền vững với các đối tác trong vùng, và quan trọng nhất là kiên quyết bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở ».




Đô đốc Mỹ nêu biện pháp tránh tính toán sai lầm


 trên Biển Đông


Tư lệnh hải quân Mỹ cho rằng tàu chiến Trung Quốc khi tăng cường hoạt động trên biển cần tuân theo luật quốc tế nhằm ngăn tính toán sai lầm.

“Điều chúng tôi hy vọng và khuyến cáo mạnh mẽ là khi hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động, họ cần tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây là cách mà các quốc gia cạnh tranh với nhau”, Đô đốc John Richardson, tư lệnh hải quân Mỹ, nói trong họp báo qua điện thoại với một số phóng viên hôm nay.

Tuyên bố được Tư lệnh hải quân Mỹ đưa ra khi trả lời câu hỏi về tác động và rủi ro khi hải quân Trung Quốc gia tăng hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Theo ông Richardson, việc Trung Quốc xây dựng lực lượng hải quân tương xứng với nền kinh tế và lợi ích ngày càng mở rộng là điều “tự nhiên” và các quốc gia không nên quan ngại về sự cạnh tranh trên biển.

“Tuy nhiên, việc tuân thủ trật tự dựa trên pháp luật và minh bạch trong mọi hoạt động, dù là ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các bên liên quan”, Đô đốc Richardson nhấn mạnh.

Khi được hỏi về chiến dịch tuần tra tự do hàng hải của hai tàu chiến Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Đô đốc Richardson khẳng định hải quân Mỹ luôn ủng hộ tự do hàng hải, hàng không theo luật biển quốc tế UNCLOS và thường xuyên thực hiện các chiến dịch tuần tra trên khắp thế giới.

“Hải quân Mỹ đã duy trì sự hiện diện thường xuyên ở Biển Đông trong hơn 70 năm qua. Các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải không phải là hành động khiêu khích dưới bất cứ hình thức nào, chỉ là hoạt động bình thường ủng hộ luật pháp quốc tế”, ông nói.

Đề cập tới cuộc diễn tập chung trên biển giữa Mỹ và ASEAN, Đô đốc Richardson cho biết “việc chuẩn bị đang diễn ra”. Ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết, khẳng định ASEAN có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực nên “Mỹ rất trông đợi thực hiện cuộc diễn tập”.

Tư lệnh Hải quân Mỹ nhắc lại trong hội nghị an ninh hàng hải IMDEX vừa diễn ra ở Singapore, ông nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ trật tự dựa trên quy tắc, thách thức những yêu sách biển thái quá trên thế giới, ảnh hưởng đến các vùng biển tự do và rộng mở. “Khi thực hiện những điều này, Mỹ không đơn độc mà hợp tác với các nước cùng có quan điểm”, ông nói.

Trả lời câu hỏi của VnExpress về kế hoạch tàu sân bay thứ hai của Mỹ thăm Việt Nam, ông nói Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và hy vọng tàu này “sẽ sớm đến”, nhưng cho biết hiện vẫn còn quá sớm để đề cập đến thời gian cụ thể. “Quan hệ đối tác Việt – Mỹ là mối quan hệ đang lên, trong đó có sự hợp tác giữa hải quân Việt Nam và hải quân Mỹ”, ông nhấn mạnh.




Vấn đề tranh chấp Biển Đông


trong quá trình thực hiện “Tầm nhìn 2025” của ASEAN


“Tầm nhìn 2025” được ASEAN đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 ở Kuala Lumpur tháng 11/2015, với mục tiêuxây dựng một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, cùng chia sẻ tiến bộ xã hội và thịnh vượng trong một cộng đồng chung. Từ đó đến nay, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm hiện thực hóa “Cộng đồng ASEAN” vào năm 2025. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn và một trong số đó chính là vấn đề tranh chấp Biển Đông hiện nay.

Mục tiêu đặt ra trong “Tầm nhìn 2025” của ASEAN bao hàm vấn đề giải quyết các tranh chấp Biển Đông

ASEAN hướng tới xây dựng một “Cộng đồng Chính trị – An ninh” vào năm 2025 “đoàn kết, dung nạp và tự cường. Theo đó, người dân sẽ được sống trong một môi trường an toàn, an ninh và hài hòa, theo đuổi các giá trị khoan dung và ôn hòa cũng như đề cao các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN. ASEAN sẽ luôn gắn kết, có khả năng thích hợp và ứng phó trong xử lý các thách thức đối với hòa bình và an ninh ở khu vực, và đóng vai trò trung tâm trong việc định hình cấu trúc an ninh khu vực, đồng thời làm sâu sắc quan hệ với các đối tác bên ngoài và cùng đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định toàn cầu”, theo Tuyên bố về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Về an ninh – chính trị, ASEAN hướng tới 4 mục tiêu, gồm: (1) Hoạt động theo luật lệ, hướng tới và lấy người dân làm trung tâm. (2) Duy trì hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, trong đó có Biển Đông. (3) Tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. (4) Nâng

cao năng lực thể chế và sự hiện diện của ASEAN. Về kinh tế, ASEAN 2025 có 5 mục tiêu lớn, gồm: (1) Nền kinh tế thống nhất và liên kết cao. (2) Năng động, đổi mới và cạnh tranh. (3) Kết nối kinh tế và liên kết theo ngành. (4) Tự cường, dung nạp và chú trọng tới người dân. (5) Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, chủ yếu thông qua các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs/CEPs) với các đối tác.

Trong các nội dung được các nước ASEAN cam kết nhằm hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2025 có 4 nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, gồm: (1) Xây dựng cộng đồng dựa trên luật lệ, tuân thủ triệt để các nguyên tắc cơ bản, các giá trị và chuẩn mực chung của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử quan hệ hòa bình giữa các quốc gia. (2) Xây dựng một khu vực giải quyết các tranh chấp và khác biệt bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực và áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp hòa bình, trong khi tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và thúc đẩy các hoạt động ngoại giao phòng ngừa và các sáng kiến giải quyết xung đột. (3) Xây dựng một cộng đồng tăng cường an ninh hàng hải và hợp tác hàng hải vì hòa bình và ổn định ở trong và ngoài khu vực, thông qua các cơ chế của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt và áp dụng các nguyên tắc và công ước về hàng hải được quốc tế công nhận. (4) Một cộng đồng tăng cường đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN và duy trì vai trò động lực chủ đạo trong định hình cấu trúc khu vực được xây dựng trên cơ sở các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Những thách trong vấn đề Biển Đông đối với quá trình hiện thực hóa “Tầm nhìn 2025”

Thứ nhất, đó là vấn đề tưduy chủ quyền quốc gia vẫn chi phối hợp tác nội khối, cản trở tiến trình hội nhập của ASEAN trong xây dựng thể chế an ninh chung. Các lãnh đạo ASEAN sẽ khó lòng chấp nhận nhượng bộ một phần chủ quyền và thẩm quyền quốc gia cho một cơ chế siêu quốc gia. Đối với các nước này, hội nhập khu vực sâu hơn được hiểu là hội nhập để bảo vệ và thúc đẩy chủ quyền và an ninh thể chế thông qua hợp tác liên chính phủ. Các nước thành viên ASEAN hi vọng giành được nhiều lợi ích quốc gia nhờ tăng cường hợp tác kinh tế nhưng có thể hi sinh nguồn lợi này nếu chúng đe dọa tới chủ quyền quốc gia.

Trong bối cảnh đó, mẫu số lợi ích chung lớn nhất mà các thành viên ASEAN có thể tìm được hiện nay là duy trì hoà bình, ổn định, đồng thời hạn chế sự can thiệp của các nước lớn vào tình hình nội trị của các nước thông qua việc xây dựng và củng cố lòng tin. Hiện nay các sáng kiến của ASEAN chỉ dừng ở mức độ đối thoại và tham vấn, không có kênh ra quyết sách chung. Bước phát triển tiếp theo là ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của tất cả các nước thành viên được cho là khó có khả năng xảy ra bởi nhiều vấn đề phức tạp về chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, nhân quyền sẽ tiếp tục là các vấn đề nhạy cảm, cản trở các nước ASEAN đạt được tiến triển thực chất. Với tình hình hiện nay, quá trình xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử thực chất ở Biển Đông sẽ rất khó khăn và phức tạp do Trung Quốc chủ yếu dùng tiến trình này để “câu giờ” đồng thời hạn chế sự can dự của các cường quốc bên ngoài đối với những vấn đề liên quan. Một số nước ASEAN phụ thuộc chặt chẽ về kinh tế với Trung Quốc sẽ ngăn cản đồng thuận của ASEAN trong một số vấn đề thực chất liên quan đến phạm vi áp dụng, hiệu lực của văn kiện, danh mục các hoạt động bị cấm, các chương trình hợp tác…

Thứ hai, xuất hiện nhiều nhân tố bên ngoài làm giảm đoàn kết nội bộ trong ASEAN. Đáng chú ý nhất, Trung Quốc trở thành nhân tố cơ bản chia rẽ ASEAN, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Trong tiến trình hội nhập, tính trung tâm của ASEAN đang bị suy yếu bởi một số nhân tố cấu trúc mà trong trường hợp này là sự thay đổi phân bổ quyền lực và sức mạnh trong khu vực. Tương quan lực lượng thay đổi chủ yếu từ sự trỗi dậy và can dự của Trung Quốc đã làm thay đổi bối cảnh khu vực và quốc tế, đặc biệt trong một số trường hợp sự can dự của Trung Quốc được cho là đe doạ tới sự ổn định kinh tế, chính trị của khu vực. Trung Quốc được coi là nhân tố khiến ASEAN phân cực hóa và gia tăng chia rẽ trong hợp tác kinh tế và vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, do:  (1)Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, chiếm khoảng 19,4% nhập khẩu và 11,4% xuất khẩu của khối. Do Trung Quốc gần như là đối tác thương mại hàng đầu, nhiều nước thành viên không sẵn sàng đi ngược lại đòi hỏi Trung Quốc, một số nước công khai ưu tiên quan hệ với Trung Quốc hơn là củng cố tính trung tâm của ASEAN. (2) Hiệu ứng li tâm do nhân tố Trung Quốc có thể thấy rõ nhất trong tranh chấp Biển Đông, tác động lôi kéo của Trung Quốc khiến ASEAN không thể hình thành một lập trường chung trong vấn đề này. Tháng 7/2012 ở Phnôm Pênh, lần đầu tiên các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung tại cuộc họp thường niên do Trung Quốc lôi kéo, mua chuộc nước chủ nhà Campuchia. Nếu nước chủ tịch đưa ra quan điểm gần với Bắc Kinh, các ASEAN rất khó khăn để tìm được lập trường dung hoà. Tháng 7/2016, Campuchia đứng về phe Trung Quốc, phản đối ASEAN đề cập đến phán quyết. Tháng 10/2016, trong chuyến thăm của Tập Cận Bình, Trung Quốc cam kết viện trợ kinh tế trị giá hơn 600 triệu USD và ký 31 thoả thuận hợp tác với Campuchia. Trước chiến lược “chia để trị” các nước khu vực của Trung Quốc, một số nhà ngoại giao của Singapore cáo buộc Trung Quốc can dự vào vấn đề nội bộ của ASEAN và cố gắng gây chia rẽ khu vực.




Quy định về nghiên cứu khoa học biển trong UNCLOS


và việc TQ lợi dụng quy định này


để theo đuổi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông


Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) quy định rất rõ về việc các nước, các tổ chức tiến hành nghiên cứu khoa học biển, xuất phát từ nhu cầu và mục đích chính đáng. Tuy nhiên, những năm qua Trung Quốc đã lợi dụng các nội dung của UNCLOS về hoạt động nghiên cứu khoa học biển để phục vụ cho việc theo đuổi, đạt được các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.

Quy định của UNCLOS về hoạt động nghiên cứu khoa học biển

Từ Điều 238 đến Điều 241 của UNCLOS quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Cụ thể: Điều 238 quy định về quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, trong đó xác định tất cả các quốc gia, bất kể vị trí địa lý thế nào, cũng như các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, đều có quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, với điều kiện tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác như đã đuợc quy định trong Công ước. Điều 239 quy định về nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học biển. Trong đó, quy định các quốc gia và tổ chức quốc tế có thẩm quyền khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học biển theo đúng Công uớc.

Tại Điều 240, UNCLOS quy định các nguyên tắc chung chi phối việc chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học biển, trong đó xác định công tác nghiên cứu khoa học biển phải phục tùng các nguyên tắc sau đây: Công tác này được tiến hành nhằm vào những mục đích hoàn toàn hòa bình. Công tác này được tiến hành bằng cách dùng các phương pháp và phương tiện khoa học thích hợp phù hợp với Công uớc. Công tác này không cản trở một cách vô lý những việc sử dụng biển hợp pháp khác phù hợp với Công uớc và nó phải được quan tâm đến trong các việc sử dụng này.Công tác này được tiến hành theo đúng mọi quy định tương ứng đuợc thông qua để thi hành Công ước, kể cả các quy định nhằm bảo vệ và giữ gìn môi trường biển.

Điều 241 quy địnhviệc không thừa nhận công tác nghiên cứu khoa học biển với tư cách là cơ sở pháp lý cho một yêu sách nào đó. Công tác nghiên cứu khoa học biển không tạo ra cơ sở pháp lý cho một yêu sách nào đối với một bộ phận nào đó của môi trường biển hay của các tài nguyên của nó.

TQ đang lợi dụng UNCLOS để phục vụ yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông

Trung Quốc đã lợi dụng và tìm cách hướng lái Điều 238 quy định về “quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, trong đó xác định tất cả các quốc gia, bất kể vị trí địa lý thế nào, cũng như các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, đều có quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, với điều kiện tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác như đã được quy định trong Công ước”. Nước này cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học biển của mình ở Biển Đông là chính đáng và là hoạt động bình thường đơn thuần là khoa học. Vì vậy, nước này đã đưa tàu thuyền đến các vùng biển tranh chấp, thậm chí xâm phạm vùng biển các nước để tiến hành cái gọi là nghiên cứu khoa học biển. Để tránh chỉ trích từ các

nước, Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học biển. Chỉ tính từ cuối năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, khảo sát khoa học biển với nhiều nước khu vực và có thể được coi là một thành công về chiến lược của Trung Quốc. Với Philippines, Trung Quốc đã công khai việc đưa tàu nghiên cứu khoa học tới khu vực Benham Rise để cùng với các nhà khoa học Philippines tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đại dương tại khu vực này theo thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ hai nước (15/2/2018). Trung Quốc ca ngợi hai bên sẽ tiếp tục tiến hành một số hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên chung ở Biển Đông. Với Myanmar, cùng với các khoản hỗ trợ đầu tư về kinh tế, trong lĩnh vực khoa học, Trung Quốc (17/1/2018) đã lần đầu tiên cử tàu khảo sát “Hướng Dương Hồng 3” tới Vùng đặc quyền kinh tế của Myanmar tại Ấn Độ Dương để cùng với các nhà khoa học Myanmar tiến hành khảo sát và nghiên cứu khoa học biển với hành trình trải dài hơn 680 hải lý. Với Pakistan, Trung Quốc đã lần đầu tiên cử tàu khảo sát “Thực nghiệm 3” tới khu vực Makran của Pakistan để phối hợp với các nhà khoa học nước này triển khai dự án nghiên cứu khảo sát khoa học biển (13/1-7/2/2018), trong phạm vi 700km và ở độ sâu 3.000m. Với Pháp, Trung Quốc đã phối hợp với Tàu Tara của Pháp tiến hành khảo sát khoa học về sự thay đổi của hệ sinh thái và các bãi san hô tại khu vực gần đảo Hải Nam, Hồng Công, Hạ Môn và Thượng Hải.

Tại Điều 241 UNCLOS quy định rõ rằng việc không thừa nhận công tác nghiên cứu khoa học biển với tư cách là cơ sở pháp lý cho một yêu sách nào đó. Công tác nghiên cứu khoa học biển không tạo ra cơ sở pháp lý cho một yêu sách nào đối với một bộ phận nào đó của môi trường biển hay của các tài nguyên của nó. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để củng cố và đưa ra các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hồi đầu năm 2018, Trung Quốc đã gửi kết quả khảo sát lên Tổ chức Thủy văn quốc tế để đề nghị đặt tên gọi và công nhận chủ quyền cho 05 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise. Sau đó,Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines đã phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt.

Trung Quốc còn sử dụng danh nghĩa hợp tác nghiên cứu khoa học để xoa dịu quan ngại của các nước về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua hoạt động này để giành vai trò dẫn dắt trong “hợp tác cùng khai thác” theo chủ trương của Trung Quốc, đồng thời tìm cách củng cố các bằng chứng đòi hỏi “chủ quyền” tại các vùng biển tranh chấp. Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát, thăm dò tài nguyên với các nước không chỉ nhằm cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khu vực biển quốc tế trong đó có Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hoạt động này còn nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cường quốc biển” vào giữa thế kỷ 21. Thông qua việc triển khai các phương tiện tham gia, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm được sự gắn kết về chính trị, kinh tế với các nước, mà còn khảo sát được địa hình, địa chất đáy biển phục vụ cho các hoạt động quân sự của nước này, nhất là để xây dựng phương án tác chiến của tàu ngầm và tàu sân bay, thu thập tin tức về bố trí lực lượng của các nước. Ngoài ra, hoạt động hợp tác khảo sát nghiên cứu khoa học biển với các nước còn giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là “cường quốc biển có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và cùng các nước xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”.

Trung Quốc còn thường sử dụng danh nghĩa các hoạt động khảo sát, khảo cổ ở Biển Đông để tạo dư luận và củng cố các tuyên bố chủ quyền. Như việc khảo cổ ở Biển Đông, Trung Quốc luôn cho rằng nơi nào có hiện vật nguồn gốc Trung Hoa, nơi đó là vùng lãnh thổ do người Trung Hoa chiếm cứ và khai thác, bởi họ có ý đồ sẽ hậu thuẫn cho mục tiêu dịch chuyển không gian hàng hải đến toàn bộ dân chúng. Điều đó cho thấy, khảo cổ học dưới nước mang ý nghĩa chính trị trong vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia. Chính vì vậy, mục đích của Trung Quốc tập trung vào khảo cổ học không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà quan trọng hơn là nâng cao địa vị cường quốc hải dương của Trung Quốc với thế giới và từng bước độc chiếm Biển Đông. Khảo cổ giúp Trung Quốc tìm kiếm các chứng cứ lịch sử, yêu cầu UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của họ là di sản văn hóa thế giới. Nó thực chất là thủ đoạn ngụy tạo những chứng cứ lịch sử về sự hiện diện, khai phá của cư dân Trung Quốc trên các quần đảo. Việc đưa hàng loạt các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm xuống biển Đông cho thấy,

Trung Quốc đang không ngừng đầu tư chế tạo các tàu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và khoa học trái phép, nhằm hiện thực hóa âm mưu hết sức nguy hiểm là tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ và vơ vét tài nguyên ở 80% diện tích Biển Đông. Các tàu khảo sát vật lý địa cầu dưới đáy biển này đóng vai trò như những tên “lính tiên phong”, sẽ tiến hành thăm dò, lấy mẫu các tầng đất đá, nghiên cứu cấu tạo các tầng địa chất dưới đáy biển để tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện hiện của các mỏ dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các giàn khoan tiến hành thăm dò chất lượng và trữ lượng dầu trong các mỏ ngầm dưới đáy biển. Điều đó cho thấy, chính quyền Bắc Kinh đã lộ rõ chân tướng của một kẻ luôn muốn độc chiếm Biển Đông, nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên dầu khí phong phú ở vùng biển này, phục vụ cho cơn khát năng lượng của một nền kinh tế hiện đang phát triển quá nóng của Trung Quốc.

Một khía cạnh nữa mà Trung Quốc lợi dụng UNCLOS trong hoạt động nghiên cứu khoa học biển là trong lĩnh vực truyền thông để biện minh cho ý đồ của mình. Trung Quốc viện dẫn các điều khoản của UNCLOS để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và tính chính danh trong hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Báo chí và giới chức Trung Quốc tích cực tuyên truyền, bao biện về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong hợp tác nghiên cứu khảo sát khoa học biển, khi cho rằng hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát khoa học biển của Trung Quốc với các nước là một nội dung quan trọng được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), nhằm giúp Trung Quốc từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng “Cường quốc biển”, phục vụ triển khai “Con đường tơ lụa trên biển” và cùng với các nước khác xây dựng một “Cộng đồng chung vận mệnh”. Nhiều bài báo ca ngợi rằng hoạt động hợp tác khảo sát khoa học biển là nỗ lực của Trung Quốc trong việc chủ động chia sẻ kinh nghiệm với các nước để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, phát hiện và khai thác các nguồn tài nguyên biển nhằm mang lại lợi ích cho các nước.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.