Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Người Việt Giữ Nước Việt

Saturday, May 11, 2019 6:53:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 11/05/2019

Mỹ gửi tên lửa đánh chặn

và tàu chiến tới Trung Đông

Mỹ đang gửi một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran.
Một chiến hạm, chiếc USS Arlington, với các phương tiện đổ bộ và phi cơ trên tàu, cũng sẽ gia nhập với Hàng không Mẫu hạm USS Abraham Lincoln, nhóm tấn công ở vùng Vịnh.
Và oanh tạc cơ B-52 của Mỹ đã đến một căn cứ ở Qatar, Lầu Năm Góc cho biết.
Mỹ nói các động thái này là một phản ứng trước mối đe dọa có thể có của Iran đối với các lực lượng Mỹ trong vùng, mà không nêu rõ. Iran bác bỏ và nói cáo buộc này là vô nghĩa.
Mỹ gọi Vệ binh Cách mạng của Iran là ‘khủng bố’ và đáp trả
Mỹ tăng áp lực trừng phạt lên Iran
Hạt nhân Iran: Mỹ ủng hộ cáo buộc của Israel
Pháp lên án Mỹ về lệnh trừng phạt Iran
Tehran đã mô tả các hoạt động triển khai là “chiến tranh tâm lý” nhằm đe dọa nước này .
Iran cũng gợi ‎ý rằng họ có thể tiếp tục các hoạt động hạt nhân làm giàu uranium.
Tại sao Mỹ gửi thêm lực lượng?
Lầu Năm Góc cho biết quân lực Mỹ đang đối phó với mối đe dọa có thể đối với các lực lượng Mỹ, nhưng không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào liên quan đến các mối đe dọa đó.
Tuyên bố mới nhất của Lầu Năm Góc hôm thứ Sáu, 10/5/2019 chỉ nói rằng Washington “sẵn sàng bảo vệ quân lực và các lợi ích của Mỹ trong khu vực”, đồng thời cho biết Mỹ không tìm kiếm xung đột với Iran.
Có khoảng 5.200 binh sỹ Mỹ hiện đang được triển khai ở nước láng giềng Iraq.
Các đồng minh chính của Châu Âu của Hoa Kỳ, cùng với Nga và Trung Quốc, không đồng ý. Vì vậy, chính quyền Trump đã tăng cường áp lực với TehranJonathan Marcus, Phóng viên Quốc phòng BBC
Hệ thống Patriot có thể chống lại hỏa tiễn đạn đạo, tên lửa hành trình và phi cơ tiên tiến.
Các quan chức nói với truyền thông Hoa Kỳ rằng USS Arlington đã được lên kế hoạch đi đến khu vực này, nhưng việc triển khai được thực hiện để tăng cường các năng lực kiểm soát và chỉ huy.
USS Abraham Lincoln đã đi qua Kênh đào Suez hôm thứ Năm, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết.
Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran dẫn lời một giáo sĩ cấp cao của Iran, Yousef Tabatabai-Nejad, nói rằng hạm đội quân đội Mỹ có thể bị “phá hủy bằng một hỏa tiễn”.
Tình trạng quan hệ Mỹ-Iran
Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt mà Mỹ và các quốc gia khác đã đồng ý với Iran vào năm 2015.
Theo thỏa thuận, Iran đã đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm của mình và cho phép các thanh sát viên quốc tế đổi lại biện pháp trừng phạt.
Tháng trước, Mỹ cũng đã đưa lực lượng Vệ binh Cách mạng ưu tú của Iran vào danh sách đen, chỉ định đây là một nhóm khủng bố nước ngoài.
Nhà Trắng đã tiến hành chấm dứt miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với năm quốc gia – Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ – vẫn đang mua dầu của Iran.
Các lệnh trừng phạt đã dẫn đến suy thoái mạnh mẽ trong nền kinh tế của Iran, đẩy giá trị đồng tiền của nước này xuống mức thấp kỷ lục, xua đuổi các nhà đầu tư nước ngoài và gây ra các cuộc biểu tình.
Chính quyền Trump hy vọng sẽ buộc Iran phải đàm phán một “thỏa thuận mới” không chỉ bao gồm các hoạt động hạt nhân mà còn cả chương trình hỏa tiễn đạn đạo và điều mà giới chức gọi là “hành vi ác độc” của Iran ở Trung Đông.
Iran đã nhiều lần đe dọa trả đũa các biện pháp của Mỹ bằng cách chặn eo biển Hormuz – mặc dù khoảng 1/5 tổng số dầu được tiêu thụ trên toàn cầu.
Đầu tuần này, Iran tuyên bố đình chỉ hai cam kết theo thỏa thuận năm 2015 để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ đã áp đặt trở lại.
Iran cũng đe dọa sẽ đẩy mạnh làm giàu uranium nếu nước này không được bảo vệ khỏi các tác động của lệnh trừng phạt trong vòng 60 ngày.
Các cường quốc châu Âu nói họ vẫn cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng họ “từ chối bất kỳ tối hậu thư” nào từ Tehran để ngăn chặn sự sụp đổ của nó.
Cuộc chiến thực sự liên quan số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran đã bắt đầuJonathan Marcus, Phóng viên Quốc phòng BBC
Sức ép hay còn hơn thế?
“Cuộc chiến thực sự liên quan số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran đã bắt đầu,” Jonathan Marcus, phóng viên quốc phòng của BBC nhận định.
“Trong năm kể từ khi chính quyền Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận, Iran và tất cả các bên khác đã tiếp tục bất chấp. Và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cơ quan giám sát hạt nhân toàn cầu, đã nhiều lần dành cho Tehran các chứng nhận về tình trạng “sạch sẽ”…
“Nhưng sự tuân thủ của Iran không phải là vấn đề đối với chính quyền Trump vốn nói rằng đơn giản đây là một thỏa thuận tồi tệ. Các đồng minh chính của Châu Âu của Hoa Kỳ, cùng với Nga và Trung Quốc, không đồng ý. Vì vậy, chính quyền Trump đã tăng cường áp lực với Tehran.
“Áp lực đối với nền kinh tế của Iran đã rất nghiêm trọng và chính phủ Iran đã quyết định hành động – nói rằng họ sẽ không còn tôn trọng các hạn chế trong việc lưu trữ uranium và nước nặng, và đưa ra thời hạn cho các bên khác thực hiện các cam kết của họ.
“Một vài tháng khó khăn của ngoại giao còn nằm ở phía trước và không có gì đảm bảo thành công. Chính quyền Trump phải nhìn thấy mục tiêu cuối cùng của họ – sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân – như bây giờ đang ở trong tầm nhìn. Nhưng nguy cơ xung đột – mặc dù vô tình thay vì được thiết kế – đang gia tăng,” phóng viên quốc phòng của chúng tôi bình luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48237735

Mỹ cảnh báo tàu buôn

về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của Iran

Các thương thuyền Mỹ, kể cả các tàu chở dầu đi ngang qua các tuyến đường thủy ở Trung Đông có thể bị Iran nhắm tấn công. Cơ quan Quản trị Đường Thủy Hoa Kỳ khuyến cáo về mối đe dọa do Tehran đặt ra nhắm vào các lợi ích của Mỹ và các đối tác.
Quân đội Hoa Kỳ trong tuần này cho biết đã điều thêm một số máy bay ném bom B-52 sang Trung Đông để đáp ứng với tình hình trước điều mà chính quyền Tổng thống Trump gọi là “những chỉ dấu rõ ràng” về mối đe dọa từ Iran đối với các lực lượng của Hoa Kỳ ở Trung Đông.
Iran bác bỏ khuyến cáo của Hoa Kỳ và gọi đây là “tin tình báo giả.”
Trong khuyến cáo phổ biến hôm thứ Năm, Cơ quan Quản trị Đường Thủy Hoa Kỳ (MARAD) nói rằng kể từ đầu tháng 5, khả năng Iran hoặc các nhóm thân Iran trong khu vực có thể ra tay chống các lợi ích của Hoa Kỳ và các đối tác của Hoa Kỳ đã gia tăng.
MARAD loan báo các mục tiêu có thể bị nhắm tấn công gồm các cơ sở hạ tầng sản xuất dầu, sau khi Teheran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, tuyến đường thủy nơi qua lại của gần một phần ba dầu thô xuất khẩu trên thế giới.
Theo khuyến cáo này, Iran hoặc các nhóm thân Iran có thể nhắm tấn công các thương thuyền quốc tế, kể cả các tàu dầu, hoặc các tàu hải quân của Mỹ trong Biển đỏ, Eo biển Bab-el-Mandeb hoặc Vịnh Ba Tư.
Hàng triệu thùng dầu hàng ngày được vận chuyển qua eo biển Hormuz để tới các thị trường trên toàn cầu.
Căng thẳng đã tăng giữa Tehran và Washington từ năm ngoái, khi chính quyền Tổng thống Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế 2015 với Iran, và bắt đầu leo thang các biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế nền kinh tế của Tehran.
Phó đô đốc Jim Malloy, chỉ huy Hạm đội thứ năm của Hải quân Hoa Kỳ đặt căn cứ ở Bahrain, hôm thứ Năm nói với Reuters rằng các lực lượng của Hạm đội đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng chiến, mặc dù quân đội Mỹ không mưu tìm hoặc chuẩn bị chiến tranh với Iran.
MARAD nói thêm rằng các tàu treo cờ Mỹ được khuyến khích liên lạc với Hạm đội thứ năm – hạm đội có nhiệm vụ bảo vệ các tàu thương mại qua lại trong khu vực.
https://www.voatiengviet.com/a/my-canh-bao-tau-buon-ve-nguy-co-xay-ra-tan-cong-cua-iran/4912686.html

Cuộc chiến thương mại:

Trump nói quan hệ Mỹ-Trung vẫn ‘rất mạnh’

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói các cuộc đàm phán nên tiến triển theo “nguyên tắc”
Tổng thống Donald Trump nói rằng quan hệ Mỹ-Trung vẫn “rất mạnh” mặc dù hai nước đang ở trong một cuộc chiến thương mại.
Ông Trump cho biết các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục ngay cả sau khi thời hạn cho việc thỏa thuận đã kết thúc hôm thứ Sáu.
Kết quả, Mỹ đã tăng thuế lên 25% từ 10% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la của Trung Quốc.
Trung Quốc nói rằng nước này lấy làm “hối tiếc sâu sắc” với hành động này và sẽ phải thực hiện “các biện pháp trả đũa cần thiết”.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng xác nhận vào thứ Sáu rằng các cuộc đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra hai ngày sau khi các cuộc đàm phán “trung thực” và “mang tính xây dựng” trước đó vừa kết thúc.
Trump nói nước Mỹ ‘đã đầy’, nhưng có đúng thế không?
Số người Mỹ đòi luận tội ông Trump tăng
Ông Trump nói gì?
Bên cạnh các mức thuế mới được áp dụng vào thứ Sáu, ông Trump cho biết sẽ bắt đầu một quá trình áp dụng mức thuế 25% đối với số hàng hóa còn lại trị giá hơn 325 tỷ đô la của Trung Quốc.
Thuế quan thu được sẽ được sử dụng để mua hàng nông sản của Mỹ, sau đó sẽ được sử dụng cho “hỗ trợ nhân đạo”, ông Trump nói.
Tổng thống đã tweet rằng, tùy thuộc vào kết quả của các cuộc đàm phán trong tương lai, thuế quan “có thể hoặc không” được gỡ bỏ.
Ông Trump trước đó nói ông “không vội vàng” trong việc đạt được thỏa thuận thương mại sau hai ngày đàm phán song phương.
Mới gần đây, Mỹ và Trung Quốc dường như đã có thể chấm dứt nhiều tháng căng thẳng về thương mại.
Các nhà phê bình chỉ ra trên Twitter rằng Trung Quốc sẽ không phải người sẽ phải chịu thuế, mà chính là các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, và cuối cùng là người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Phản ứng của Trung Quốc là gì?
Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận việc tăng thuế của Mỹ trên trang web của mình.
“Hy vọng rằng Hoa Kỳ và phía Trung Quốc sẽ làm việc cùng nhau… để giải quyết các vấn đề hiện có thông qua hợp tác và tham vấn”, theo một tuyên bố.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng hôm thứ Sáu (10/5), với chỉ số Hang Seng tăng 1% và Shanghai Composite tăng gần 2%.
Trump tăng gấp đôi thuế quan lên hàng hóa TQ
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung qua năm biểu đồ
Tăng thuế sẽ tác động đến những gì?
Thương chiến Mỹ-Trung đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu trong suốt năm qua và gây ra sự không chắc chắn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Mặc dù ông Trump đã giảm thiểu tác động của thuế quan lên nền kinh tế Hoa Kỳ, việc tăng thuế có thể tác động đến một số công ty và người tiêu dùng Mỹ khi các công ty có thể chịu thêm vài chi phí, giới phân tích cho biết.
Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á nói: “Đây sẽ là cú sốc lớn với nền kinh tế.
“Tất cả các công ty Mỹ đột nhiên đối mặt với việc tăng 25% chi phí, và rồi bạn phải nhớ rằng người Trung Quốc sẽ trả đũa.”
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo rằng leo thang tranh chấp thương mại đe dọa việc làm trên khắp châu Âu.
“Không có mối đe dọa lớn hơn đối với sự tăng trưởng thế giới,” ông Le Maire nói với CNews.
Phóng viên kinh tế của BBC Andrew Walker cho biết tác động trực tiếp của cuộc chiến thương mại sẽ là Mỹ và Trung Quốc.
Nhưng ông cũng nói thêm là nó sẽ gây ra hệ lụy cho nhiều bên, nói rằng việc giảm nhu cầu nhập khẩu ở Mỹ và Trung Quốc có thể làm tổn thương các nhà cung cấp ở những nơi khác trên thế giới.
Ai sẽ phải trả giá?
Việc tăng thuế của ông Trump đã khiến nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc và Mỹ bất ngờ, làm tăng thêm nỗi lo lắng của họ về khả năng đầu tư và chuỗi cung ứng.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cho biết việc đổ chi phí lên khách hàng Mỹ có thể là cách duy nhất để bù đắp cho tỷ lệ lợi nhuận giảm dần.
“Các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải chịu và chuyển mức phí gia tăng lên người tiêu dùng,” Herbert Lun, một nhà sản xuất thiết bị điện tử chăm sóc tóc của Trung Quốc, nói với Financial Times.
Nông dân Mỹ cũng khổ. Các lô hàng đậu nành – một trong những cây trồng xuất khẩu nông sản có giá trị nhất của Hoa Kỳ – sang Trung Quốc đã sụt giảm.
Liệu một thỏa thuận thương mại có thể kết thúc sự cạnh tranh của hai bên?
Tại sao Mỹ và Trung Quốc bất hòa?
Trung Quốc là mục tiêu thường xuyên của sự tức giận của Donald Trump, với việc tổng thống Mỹ chỉ trích sự bất cân bằng thương mại giữa hai nước và các quy tắc sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, mà ông nói là gây khó khăn cho các công ty Mỹ.
Một số người ở Trung Quốc coi cuộc thương chiến là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của họ, với các chính phủ phương Tây ngày càng lo lắng về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trên thế giới.
Cả hai bên đã áp thuế quan lên hàng hóa của nhau trị giá hàng tỷ đôla. Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, vì ông Trump cũng cảnh báo rằng ông có thể “sớm” đưa ra mức thuế 25% lên hàng hóa trị giá 325 tỷ đôla của Trung Quốc.
Không rõ chính xác điều gì dẫn đến những hành động mới đây nhất của tổng thống Hoa Kỳ, mà dường như làm Trung Quốc ngạc nhiên.
Trước các cuộc thảo luận, Ông Trump đã nói Trung Quốc “phá vỡ thỏa thuận” và sẽ phải trả giá vì điều đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48229298

Nguy cơ thương chiến Mỹ – Trung leo thang

Chỉ với hai dòng chữ trên mạng Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tác động mạnh lên cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung và thị trường toàn cầu, khiến cục diện đàm phán có nguy cơ thay đổi.
Trung Quốc ngày 6-5 cho biết phái đoàn của nước này đang chuẩn bị lên đường đến Mỹ, chuẩn bị cho cuộc đàm phán thương mại song phương từ ngày 8-6. Từ chỗ được dự đoán hai nước có thể đạt được thỏa thuận ngay cuối tuần này, cuộc đàm phán rơi vào căng thẳng và thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.
Trung Quốc choáng váng
“Chúng tôi đang cố gắng thu thập thêm thông tin từ tình hình. Điều tôi có thể nói là đoàn Trung Quốc đang chuẩn bị đến Mỹ để đàm phán thương mại” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo sáng 6-5, sau nửa ngày im lặng trước tuyên bố của ông Trump.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không nói rõ liệu Phó thủ tướng Lưu Hạc có dẫn đầu đoàn đàm phán lần này hay không. “Điều vô cùng quan trọng là chúng tôi vẫn hi vọng Mỹ nỗ lực cùng Trung Quốc để đạt được sự nhất trí và một thỏa thuận có lợi cho đôi bên dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau” – ông Cảnh Sảng nói.
Trưa 5-5, giờ Mỹ, tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố trên Twitter kế hoạch tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, vì tiến độ đàm phán không như ông mong đợi.
Theo đó, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 10-5 và dọa tiếp tục tăng thuế với 325 tỉ USD hàng hóa còn lại. Mức thuế sẽ ảnh hưởng hơn 5.000 loại hàng hóa của Trung Quốc từ thực phẩm đến dược phẩm, may mặc, hàng điện tử…
Với lời đe dọa này, ông Trump dường như muốn sử dụng chiến thuật cũ “gây sức ép tối đa” nhằm tạo áp lực buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán tuần này.
Thời điểm công bố kế hoạch thuế cũng cho thấy lời đe dọa của ông Trump chỉ nhằm ghi điểm trong mắt người dân Mỹ. Theo Wall Street Journal, các quan chức thương mại Mỹ cho rằng cần thời gian để thông báo đến các doanh nghiệp về việc tăng thuế, trong bối cảnh chính quyền Mỹ thời gian qua vẫn luôn thận trọng trong việc áp thêm thuế ngõ hầu tránh bị kiện tụng.
 Tương lai nào?
Trung Quốc có lý do để nổi giận, khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence từng tuyên bố việc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan cứng rắn của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ là một phần của mọi thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Trước đó, tờ Wall Street Journal đưa tin động thái của chính quyền Trump khiến nhiều quan chức Trung Quốc bất ngờ và Bắc Kinh đang cân nhắc việc nối lại cuộc đàm phán vào ngày 8-5. Tổng biên tập Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng bóng gió rằng ông Lưu Hạc sẽ không đến Washington. Ông Lưu trước đó từng hủy chuyến công du đến Mỹ năm ngoái, sau khi Washington cương quyết đòi tăng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do đó, tương lai của cuộc đàm phán vẫn là điều khó dự đoán nhưng sẽ không còn lạc quan như trước đây. Trong khi một số nhà kinh tế tin tưởng chiến thuật của ông Trump sẽ tạo động lực cho các nhà đàm phán hai nước, nhiều người tỏ ra lo ngại.
“Trung Quốc sẽ không nhượng bộ điều mà Mỹ muốn với một cây gậy to treo trên đầu. Nếu mức thuế mà ông Trump đe dọa được áp dụng vào ngày 10-5, Trung Quốc buộc phải phản ứng” – cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc Zhou Xiaoming nói.
Reuters dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc cũng cho rằng động thái của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc cứng rắn hơn và cuộc chiến thương mại kéo dài, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. “Nhiều khả năng chúng ta sẽ thấy một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn” – chuyên gia này cho biết.
* Ông Bùi Ngọc Sơn (chuyên gia kinh tế của Viện Kinh tế chính trị thế giới): Việt Nam cần phát huy mặt hàng xuất khẩu thế mạnh
Việt Nam là nước phụ thuộc xuất khẩu. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tăng lên có thể dẫn tới suy giảm thương mại toàn cầu, khiến kinh tế Việt Nam cũng bị tác động giảm theo.
Tuy nhiên, cũng có những lợi thế khi mà các lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cho Việt Nam trong xuất khẩu, với hàm lượng xuất khẩu do chính người Việt tạo ra như nông lâm thủy sản, hàng thiết yếu như dệt may, da giày, hàng tiêu dùng… sẽ bị tác động ít hơn, nên cần phải đẩy mạnh xuất khẩu.
Đó là hàng tiêu dùng thông thường trong cuộc sống, khi kinh tế suy giảm họ có thể cắt giảm hàng xa xỉ, công nghệ cao, làm thay đổi tác động chuỗi sản phẩm, nhưng hàng thiết yếu sẽ có lợi thế. Theo đó, chính sách ứng phó cần chú trọng việc điều chỉnh tỉ giá ổn định đảm bảo hàng xuất khẩu có mức giá ổn định, cạnh tranh.
Hai là cố gắng tìm cách đạt được các hiệp định thương mại tự do (FTA) với thị trường lớn và quan trọng, còn với Mỹ muốn làm được phải chứng minh được các chính sách ưu đãi, cơ chế thị trường và cạnh tranh.
* Ông Lê Quốc Phương (nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương): Thận trọng đón dòng vốn từ Trung Quốc
Quan hệ thương mại Mỹ – Trung căng thẳng chắc chắn tác động đến Việt Nam vì chúng ta là nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào thương mại thế giới, nhu cầu thế giới. Có tác động bất lợi là các nước sẽ bảo hộ mạnh sau cuộc chiến Mỹ – Trung và Việt Nam xuất sang các nước khó khăn hơn.
Tuy nhiên, cũng có thuận lợi là khi Mỹ và Trung Quốc càng xảy ra căng thẳng thương mại thì Mỹ sẽ thiếu hụt một số hàng hóa nhất định, vì hiện nay nhập siêu của Mỹ với Trung Quốc lớn nhất.
Nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ cũng có nhiều điểm tương đồng với hàng Trung Quốc, nên Việt Nam có khả năng đáp ứng và nếu ta biết tận dụng cơ hội. Đồng thời, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc có thể chảy sang Việt Nam để tránh cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng đánh giá kỹ lưỡng dòng vốn này nhằm thu hút được các dự án chất lượng cao.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27845-nguy-co-thuong-chien-my-trung-leo-thang.html

Hoa Kỳ và Trung Cộng kết thúc

đàm phán thương mại mà không đạt được thỏa thuận

Tin Washington DC – Các nhà đàm phán Hoa Kỳ và Trung Cộng đã kết thúc vòng đàm phán thương mại vào sáng thứ Sáu, 10 tháng 5, mà không đạt được thỏa thuận.
Tổng Thống Donald Trump nói rằng các cuộc thảo luận giữa hai bên sẽ được tiếp tục trong tương lai, trong khi đó, lệnh đánh thuế của Hoa Kỳ đối với hàng Trung Cộng có thể sẽ được duy trì, hoặc có thể sẽ được dỡ bỏ, tùy theo kết quả của các cuộc đàm phán sắp tới.
Các thông điệp của Tổng Thống Trump, được đăng lên Twitter, đã gởi tín hiệu đến thị trường tài chính rằng, bất chấp các bước lùi giữa 2 phía trong tuần trước, các cuộc đàm phán tại Washington vào thứ Năm và thứ Sáu vẫn chưa dẫn đến một thất bại hoàn toàn. Các dòng tweet của tổng thống được đăng lên sau khi nhà đàm phán hàng đầu Trung Cộng, Phó thủ tướng Lưu Hạc, và phái đoàn rời khỏi khách sạn ở Washington DC.
Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng, các đại diện hai nước đã có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng, và cho biết sẽ không còn cuộc họp nào khác trong ngày thứ Sáu.
Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Cộng đưa tin rằng hai bên đã đồng ý sẽ gặp nhau lần nữa tại Bắc Kinh trong tương lai. Trước đó trong ngày, Tổng Thống Trump nói rằng ông không quá vội vã trong việc phải đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Cộng. Trong ngày thứ Sáu, Hoa Kỳ đã tăng thuế đối với 200 tỷ Mỹ kim hàng Trung Cộng từ 10% lên 25%, khiến giới đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ vượt tầm kiểm soát. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-trung-cong-ket-thuc-dam-phan-thuong-mai-ma-khong-dat-duoc-thoa-thuan/

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục

sau thất bại ở Washington

Trọng Thành
Cuộc thương lượng Mỹ – Trung trong hai ngày tại Washington kết thúc hôm qua, 10/05/2019, không đạt kết quả, trong bối cảnh tổng thống Trump liên tục gia tăng áp lực lên Bắc Kinh. Ngay sau khi đàm phán kết thúc, Mỹ và Trung Quốc tuyên bố sẽ nối lại thương lượng.
Hãng tin Anh Reuters dẫn lời phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), dẫn đầu đoàn đàm phán, hôm qua, 10/05/2019, cho hay : Bắc Kinh và Washington đồng ý tiếp tục đàm phán về các bất đồng thương mại song phương tại thủ đô Trung Quốc.
Trong một đoạn video được phổ biến trên trang mạng của Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc (CCTV), lãnh đạo đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc khẳng định : « Thương thuyết sẽ không bị đứt đoạn ». Phó thủ tướng Trung Quốc giải thích : « một số thất bại nhỏ là điều bình thường và không thể tránh khỏi trong quá trình thương lượng ». Ông Lưu Hạc cũng tỏ ra « lạc quan chừng mực » về triển vọng đàm phán tương lai, bởi khác biệt giữa hai bên rất lớn về « nhiều vấn đề mang tính nguyên tắc ».
Về phía Hoa Kỳ, trong một thông điệp gửi lên Twitter, tổng thống Trump cho biết : trong hai ngày vừa qua, hai bên « đã có nhiều trao đổi thẳng thắn và xây dựng về bản chất của mối quan hệ thương mại giữa hai nước ». Donald Trump khẳng định không vội vã ký kết một thỏa thuận với Trung Quốc, đàm phán sẽ tiếp tục, và Hoa Kỳ có thể đơn phương ra quyết định tăng hoặc xóa bỏ các khoản thuế với hàng Trung Quốc trong thời gian thương lượng sắp tới.
Reuters dẫn hai nguồn tin gần gũi với hồ sơ này, theo đó trên thực tế, trong cuộc thương lượng kéo dài 90 phút hôm qua, hai bên đã không đạt được một tiến bộ đáng kể nào. Các nhà thương thuyết Mỹ đã không chấp nhận đề xuất mới của Trung Quốc. Cụ thể là theo ông Lưu Hạc, thay vì ra luật để thực thi các đòi hỏi của Hoa Kỳ, Bắc Kinh chỉ chấp nhận ban bố một số nghị định. Đây chính là điều mà các nhà đàm phán Mỹ bác bỏ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190511-dam-phan-tai-washington-bat-thanh-my-trung-tuyen-bo-tiep-tuc-thuong-luong

Tăng thuế: Mỹ-Trung ai thiệt, ai hơn?

Đợt leo thang thuế quan mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này khó lòng đạt được một thỏa thuận cho phép Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến thắng trong khi ông Trump dường như đang có ưu thế khi leo thang cuộc chiến này, các chuyên gia cho biết.
Bắt đầu từ rạng sáng ngày 10/5 giờ miền đông nước Mỹ, Hoa Kỳ đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la giá trị hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh đáp trả tức thì với tuyên bố họ sẽ phản công. Đợt đánh thuế này xảy ra sau khi ông Trump gia tăng áp lực với cáo buộc Bắc Kinh rút lại cam kết trên một số nội dung của một thỏa thuận đang hình thành.
Để lỡ thời cơ?
“Nếu Mỹ muốn thắng để ông Trump có thể tuyên bố chiến thắng, ông ấy phải cho thấy có sự thay đổi đáng kể trong hành động của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ, về ăn cắp trên mạng, về ép buộc chuyển giao công nghệ,” ông Steve Okun, chuyên gia thương mại và cố vấn cao cấp tại hãng tư vấn McLarty Associates, nói trên kênh CNBC.
“Về mặt chính trị, rất khó để cho Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để cho mọi người nhìn thấy là nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ,” ông nói thêm.
Mỹ và Trung Quốc đang thương thảo một thỏa thuận thương mại trong vòng vài tháng qua. Các nhà đầu tư và các phân tích gia hy vọng rằng hai bên có thể giải quyết xung đột bằng cách đạt được một thỏa thuận nào đó.
“Tôi nghĩ rằng cơ hội đạt được thỏa thuận đã giảm đáng kể, và khả năng các cuộc đàm phán có thể đổ vỡ đang tăng lên,” ông Nick Marro, một chuyên gia phân tích tại tạp chí Economist, nói trên chương trình ‘Capital Connection’ của CNBC hôm 10/5.
Ông nói rằng việc tăng thuế này đã xóa bỏ hết những ‘thiện chí’ và ‘thời cơ tích cực’ tích lũy được trong các cuộc gặp trước đây giữa hai nước.
Kịch bản tốt nhất đối với cả hai bên là tiếp tục đàm phán, các phân tích gia nói, nhưng việc leo thang thuế quan trong tuần này cũng làm tăng khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận.
Ông Stefan Legge, một giảng viên và nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ, dự báo chiến tranh thương mại sẽ kéo dài chừng nào cả hai nền kinh tế có thể chịu được.
Bắc Kinh thiệt nhiều hơn?
Hầu hết các phân tích gia đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu chiến tranh thương mại kéo dài. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, theo ước đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Trong khi đó, Mỹ đang có tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động lành mạnh và Phố Wall ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp cho chính quyền Trump có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc.
Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,2% trong quý đầu năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đang dao động ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm, và sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ trong năm nay đã củng cố lòng tin của nhà đầu tư cho dù niềm tin đó có được trong lúc có hy vọng vào việc hai nước sắp đạt được thỏa thuận.
“Mỹ nhập khẩu khoảng 540 tỷ đô la hàng Trung Quốc vào năm ngoái, và xuất sang Trung Quốc 120 tỷ,” ông Robert E Scott, nhà kinh tế tại Viện Chính sách Kinh tế (EPI) nói với kênh Al Jazeera. “Cả hai con số đó đều không là bao so với quy mô kinh tế Mỹ, vốn đã đạt được 21.100 tỷ đô la trong quý đầu tiên.”
Ông Scott cũng nói rằng tỷ lệ này của Trung Quốc lớn hơn nhiều.
“Tổng số 540 tỷ đô la hàng xuất khẩu của họ đến Mỹ trong năm 2018 chiếm 4% của nền kinh tế 13.400 tỷ của họ,” ông phân tích. “Nói cách khác, Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn bảy lần so với Mỹ khi thương mại bị gián đoạn trong cuộc tranh chấp này.”
Do sức mạnh của đồng đô la Mỹ, sự suy yếu của đồng nhân dân tệ Trung Quốc và các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải hấp thụ chi phí bổ sung, Scott tin tưởng rằng tác động của chiến tranh thương mại đối với kinh tế Mỹ là ‘nhỏ và có thể xoay sở được’.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác tin rằng lập trường của chính quyền Trump có lẽ không mạnh mẽ như tựa đề các bài báo thể hiện.
“Cho đến nay, các công ty Mỹ đã hấp thụ phần lớn chi phí của thuế quan, nhất là đối với những hàng hóa đã bị đánh thuế ở mức chỉ 10%,” ông Andrew Coflan, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc ở Eurasia Group, nói với Al Jazeera.
“Tuy nhiên, 25% sẽ khó khăn hơn rất nhiều để tiếp thu nếu tính đến mức lời trong chuỗi cung ứng toàn cầu,” ông Coflan nói thêm. “Những chi phí này sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng. Điều này sẽ dẫn đến vừa lạm phát vừa mất việc làm, hai thách thức mà chính quyền Trump đã không phải đối mặt.”
Nhưng ngay cả khi Mỹ cảm thấy sức nóng, Trung Quốc vẫn là bên bị tổn thương kinh tế nhiều hơn do họ dựa nhiều hơn vào xuất khẩu và gánh nợ ngày càng tăng của họ.
Các cuộc đàm phán bế tắc hồi tuần trước được cho là do Trung Quốc muốn thực thi các cam kết bằng quy định hơn là bằng luật pháp mà các quy định này có thể bị chính quyền thay đổi dễ dàng.
Ông Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, nói rằng có khả năng Trung Quốc trở cờ trên những cam kết trước đó của họ về trợ cấp và mở cửa ngành nông nghiệp, nhất là ngành thịt lợn và đậu nành.
Ảnh hưởng Mỹ đến đâu?
Tuy nhiên có điều mà nhiều chuyên gia đồng tình là cho dù Mỹ có ở trong vị trí tốt hơn Trung Quốc trong chiến tranh thương mại thì những hậu quả của nó là không thể tránh khỏi.
“Nếu thuế quan của ông Trump phát triển thành cuộc chiến thương mại toàn diện, tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ bị kéo xuống, có khả năng là 0,5% và thị trường chứng khoán thậm chí còn bị ảnh hưởng lớn hơn nữa,” ông Hufbauer nói thêm và đề cập đến sự bất ổn của thị trường mà bất định trong chiến tranh thương mại gây ra.
Ông Hufbauer nói thêm rằng trong trường hợp leo thang hơn nữa, người tiêu dùng có thể thấy nhiều mặt hàng tăng giá đáng kể, trong khi các doanh nghiệp Mỹ có thể bị thiệt hại.
“Ở phía nhập khẩu của Mỹ, một loạt các mặt hàng tiêu dùng bày bán trong các cửa hàng như Walmart và Target sẽ đắt đỏ hơn,” ông nói. “Còn ở phía xuất khẩu, sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sẽ ứ đọng. Các hãng dịch vụ doanh nghiệp lớn như Ngân hàng JPMorgan Chase sẽ thiệt hại và xuất khẩu những sản phẩm công nghệ cao của Mỹ như máy bay và turbine sẽ giảm.”
Trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn, một số nhà phân tích tin rằng chính quyền Trump sẽ lùi lại ở miệng vực.
“Tôi vẫn nghĩ là họ sẽ đạt được thỏa thuận,” ông Edward Alden, chuyên gia cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, được Al Jazeera dẫn lời nói.
Thị trường chứng khoán Mỹ muốn nhìn thấy các dấu hiệu gần đạt đến thỏa thuận, Alden nói thêm.
“Phía Trung Quốc đang bị thiệt hại nhiều hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể duy trì được cuộc chiến lâu dài.”
Lợi thế tái tranh cử?
Đảng Cộng hòa ủng hộ rộng rãi việc Tổng thống Trump trấn áp hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ, thao túng thị trường và các hàng rào thương mại khác của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số nghị sỹ Cộng hòa đang trở nên mất kiên nhẫn và nản lòng với thiệt hại lớn từ chiến tranh thương mại của ông Trump, hơn một năm sau khi ông Trump gọi tranh chấp thương mại là ‘dễ thắng lợi’.
Sự nản lòng đó dễ thấy nhất ở những bang nông nghiệp vốn chịu thiệt thòi nhiều nhất trước các sắc thuế trả đũa của Trung Quốc đối với hàng nông nghiệp Mỹ và điều đó đặt ra nguy cơ cho chiến lược tái tranh cử của ông Trump, nhất là ở các bang miền Trung Tây.
Rất nhiều nông dân đã nói với tôi: cuộc chiến này làm tổn hại chúng tôi tạm thời, nhưng Tổng thống đang làm đúng bởi vì anh không thể để Trung Quốc lợi dụng chúng ta trong thương mại quốc tế,” Thượng nghị sỹ Cộng hòa Chuck Grassley của bang Iowa nói trong cuộc phỏng vấn với NPR sau khi ông Trump tuyên bố tăng thuế quan.
“Do đó, tôi nghĩ rằng đã đến lúc thương thảo một thỏa thuận mạnh, có thể thực thi để nông dân và thậm chí là những người không phải nông dân có thể có được sự chắc chắn mà họ cần,” ông Grassley nói.
Một số Thượng nghị sỹ Cộng hòa hôm 7/5 đã cảnh báo phó Tổng thống Mike Pence rằng sự bất lực của ông Trump trong việc đạt được thỏa thuận với Trung Quốc đang gây tổn thương cho kinh tế nông nghiệp.
“Có cảm giác rất mạnh ở những vùng nông nghiệp rằng họ đang bị đưa ra làm con chốt thí trong toàn bộ sự việc này,” Thượng nghị sỹ Cộng hòa Pat Roberts của tiểu bang Kansas, chủ tịch Ủy ban Nông nghiệp Thượng viện, được tờ The Hill dẫn lời cho biết.
“Tổng thống đang đi đúng cuộc chiến,” Dân biểu Cộng hòa Mike Conaway của bang Texas, một thành viên cao cấp của Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện, nói. “Lời khuyên duy nhất của tôi đối với Tổng thống và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và những người khác là hãy giải quyết việc này càng nhanh càng tốt bởi vì chúng ta đang chứng kiến người dân Mỹ đang chịu đựng mỗi ngày.”
Cuộc chiến của ông Trump với Trung Quốc diễn ra vào lúc ông đang có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong nhiệm kỳ của ông và nền kinh tế khỏe mạnh – hai nhân tố giúp ông có lợi thế trong cuộc chiến thương mại.
Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được đón nhận nhiều hơn ở những bang công nghiệp như Ohio, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vốn giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm 2016. Những bang này đóng vai trò then chốt trong chiến lược tái tranh cử của ông.
Mặc dù Đảng Dân chủ đồng ý rộng rãi với những chỉ trích của ông Trump nhắm vào Trung Quốc, không có khả năng họ dành cho ông Trump sự ủng hộ trong lúc cuộc chiến thương mại gây thiệt hại ngày càng nhiều. Nếu thương thuyết bất thành thì các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ sẽ tận dụng để công kích thành tích kinh tế và khả năng thương thuyết của ông Trump.
Dân biểu Dân chủ Tim Ryan của bang Ohio, một ứng viên Tổng thống vào năm 2020, nói ông chia sẻ quan ngại của ông Trump về giao thương với Trung Quốc, nhưng chỉ trích việc ông Trump thiếu chiến lược ‘một cách nguy hiểm’.
“Điều đó làm thị trường chao đảo, nó không đem đến sự ổn định và ông ấy không có kế hoạch nào hết. Do đó, tôi sẽ không ủng hộ nó đâu,” ông Ryan nói.
“Một ngày bạn ủng hộ ông ấy, bạn nghĩ rằng ông ấy nói điều gì đó có ý nghĩa, rồi một ngày sau đó ông ấy đổi ý,” ông Ryan nói thêm.
https://www.voatiengviet.com/a/t%C4%83ng-thu%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9-trung-ai-thi%E1%BB%87t-ai-h%C6%A1n-/4912802.html

TT Trump cho khởi động thủ tục áp thuế

 trên hầu hết hàng Trung Quốc

Trọng Nghĩa
Theo đúng chiến thuật áp lực tối đa, tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 10/05/2019 đã ra lệnh cho các cơ quan hữu trách khởi động thủ tục áp thuế đối với hầu như toàn bộ các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước các đòn tấn công liên tiếp của Mỹ, Bắc Kinh cho biết sẽ trả đũa, nhưng vẫn duy trì các cuộc đàm phán.
Trong một bản thông cáo báo chí, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác nhận rằng tổng thống Trump « đã ra lệnh cho chúng tôi bắt đầu tiến trình tăng thuế trên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc, được ước tính khoảng 300 tỷ đô la ».
Thủ tục này, trên nguyên tắc sẽ bắt đầu được thực hiện kể từ thứ Hai, 13/05.
Cho đến nay, trên tổng số hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, chỉ mới có hơn 250 tỷ đô la là bị áp thuế trừng phạt, với mức thuế đã tăng vọt từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa kể từ ngày 10/05.
Theo hãng tin Pháp AFP, việc khởi động thủ tục đánh thuế không có nghĩa là 300 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ bị tăng thuế ngay. Tiến trình này phải lần lượt qua nhiều khâu, từ thông báo công khai, cho đến tham khảo ý kiến trước khi quyết định áp thuế hay không.
Nói cách khác, biện pháp tăng thuế quan sẽ không thể có hiệu lực trước vài tháng tới đây. Quyết định của tổng thống Mỹ do đó là một hình thức cho thấy là Washington không hề nới lỏng gọng kềm trên Bắc Kinh.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190511-tt-trump-cho-khoi-dong-thu-tuc-ap-thue-tren-hau-het-hang-trung-quoc

Mỹ lo Nga nắm ưu thế với Tuyến đường biển Bắc

Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ lo ngại về yêu sách của Nga đối với Tuyến đường biển phía Bắc vì nó mang lại cho Nga ưu thế vượt trội Mỹ.
Hôm 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tham gia Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 11 của Hội đồng Bắc Cực tại Rovaniemi, Phần Lan.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Mike Pompeo cảnh báo những lo ngại về tuyến đường biển Bắc mà Nga đang thúc đẩy khai thác.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, Nga đang mở rộng “nhu cầu bất hợp pháp” trên tuyến đường biển phía Bắc – vốn là một tuyến đường tự nhiên và yêu cầu các quốc gia khác yêu cầu Nga hợp tác sử dụng chung tuyến đường này.
Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Nga dọa dẫm sẽ đánh chìm bất cứ các tàu nào không tuân thủ yêu cầu của Moscow, hàm ý nhắc tới tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Nga sẵn sàng hỗ trợ cho tất cả các tàu thuyền đi qua Tuyến đường Biển Bắc.
Không quá khó hiểu về những lo ngại của Ngoại trưởng Mỹ.
Tuyến đường biển Bắc chạy dọc bờ biển Bắc Cực của Nga từ Biển Kara đến Eo biển Bering, giúp vận chuyển nhiên liệu, khí tự nhiên hóa lỏng, hàng hóa từ châu Âu sang châu Á theo một hải trình gần hơn tới 9 ngày so với hải trình đi qua Kênh đào Suez.
Một con tàu đi từ Hàn Quốc đến Đức sẽ mất khoảng 34 ngày qua kênh đào Suez nhưng chỉ mất 23 ngày nếu chọn tuyến đường biển Bắc.
Như vậy, tuyến đường biển Bắc có thể coi là một đối thủ đáng gờm của Kênh đào Suez, thậm chí có thể vượt trội hơn do hải trình ngắn hơn dẫu chỉ hoạt động đối với một số tháng mùa hè trong năm.
Theo các nhà phân tích, với đặc điểm là dân cư thưa thớt trên chiều dài đường đi, Tuyến đường biển Bắc ít có khả năng cạnh tranh với tuyến vận chuyển qua kênh đào Suez về vận tải hàng hóa.
Tuy nhiên, nó hoàn toàn vượt trội hơn Kênh đào Suez đối với việc vận chuyển nhiên liệu hóa thạch phục vụ các thị trường đơn lẻ, không có các điểm dừng giữa đường.
Tuyến đường biển Bắc trải dài gần hết chiều dài lãnh thổ Nga và đây là một lợi thế rất lớn mà Nga có đặc quyền sở hữu.
Với lợi thế này, Moscow có quyền thu phí quá cảnh, cung cấp dịch vụ tàu phá băng hộ tống. Ưu thế quân sự cũng củng cố cho sự đảm bảo của Nga đối với sự an toàn của tuyến hàng hải này.
My lo Nga nam uu the voi Tuyen duong bien Bac
Tuyến đường biển Bắc trải dài khắp lãnh thổ Nga.
Đây cũng là một “điểm cộng” đối với tuyến đường biển Bắc, khác xa với các tuyến hàng hải khác như: tình trạng cướp biển gia tăng quanh vùng Sừng Châu Phi, tắc nghẽn nhiều hơn ở eo biển Malacca hay việc có nhiều cuộc tấn công khủng bố hơn ở kênh đào Suez.
Vốn là một tuyến đường biển tự nhiên, Moscow không mất công sức và các tranh chấp địa chính trị, pháp lý để khai thác tuyến đường Biển Bắc như trường hợp của kênh đào Suez.
Trước khi được quốc hữu hóa bởi chính quyền Ai Cập vào năm 1956, kênh Suez nằm trong bàn tay của phương Tây. Nhưng sau đó, Washington đã tận dụng cuộc đối đầu giữa liên quân Anh- Pháp- Israel với Ai Cập, ủng hộ Ai Cập bằng các động thái quân sự và trừng phạt mạnh mẽ vào các nước đồng minh, từ đó, Mỹ có ưu chế địa chính trị với quốc gia kiểm soát hoạt động của kênh đào Suez.
Trước một đối thủ mạnh của kênh đào Suez như tuyến đường biển Bắc, Mỹ không thể bỏ qua lợi ích mà tuyến hàng hải này mang lại cho Nga.
Điều đó cũng lý giải vì sao ông Mike Pompeo lại muốn nhắc tới việc Nga đe dọa các tàu thuyền muốn sử dụng tuyến đường biển Bắc có thể sẽ bị đánh chìm nếu không muốn sử dụng dịch vụ cung cấp an ninh cho họ.
Nga cũng đã nâng cấp và hiện đại hóa các căn cứ quân sự của nước này ở dọc Bắc Cực, đảm bảo các hoạt động an ninh cho tuyến hàng hải, vừa bảo vệ chủ quyền của nước Nga.
Một điều mà Mỹ hết sức chú ý nữa là, Nga sỡ hữu nguồn tài nguyên vô cùng phong phú ở cực Bắc. Nếu tăng cường các tuyến vận tải biển trên tuyến đường biển Bắc thì Nga sẽ có cơ hội thúc đẩy việc bán lượng tài nguyên khổng lồ của họ tại khu vực này ra thế giới.
My lo Nga nam uu the voi Tuyen duong bien Bac
Dự án nhà máy khí hóa lỏng trên băng Yamal của Nga.
Nước này đã xây dựng căn cứ sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng ở Bán đảo Yamal và đã xuất khẩu khí đốt từ năm 2017.
Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, lại được hậu thuẫn bởi tuyến đường vận chuyển thuận lợi, sức cạnh tranh của nguồn năng lượng Nga sẽ vượt trội hơn so với Mỹ.
Trong bối cảnh đó, các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ dù có được tung ra mạnh mẽ thế nào cũng sẽ không có hiệu quả.
Điều đáng chú ý nhất là tuyến đường biển Bắc còn giúp các nước Baltic có cơ hội đưa hàng hóa sản phẩm của họ ra thị trường châu Á, đặc biệt là nền kinh tế lớn nhất thế giới như Trung Quốc – một cách mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, càng thúc đẩy hoạt động vận tải trên tuyến đường biển Bắc, các nước Baltic lại càng phải phụ thuộc vào các hoạt động đảm bảo an ninh toàn tuyến của Nga.
Nếu hoạt động của tuyến đường biển Bắc thuận lợi, thu hút sự chú ý của các nước Baltic thì nguồn lợi kinh tế này sẽ khiến họ dần trở nên thiếu sự gắn kết với Washington hay với liên minh quân sự của Mỹ ở châu Âu – NATO.
Hoạt động vận tải trên tuyến đường Biển Bắc.
Vốn đang đẩy mạnh hiện diện quân sự ở Baltic và Đông Âu, chắc chắn Mỹ không thể ngồi yên nhìn Nga đưa tuyến vận tải chiến lược của họ thọc sâu vào Baltic và dần dần lôi kéo đi các đồng minh của mình.
Sự lo ngại của Mỹ về tuyến đường biển Bắc của Nga cũng có thể được coi là một cái cớ để Washington thúc đẩy hơn nữa hoạt động quân sự của họ ở các vùng biển quốc tế.
“Chúng tôi đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự, tăng cường sự hiện diện của lực lượng, xây dựng lại hạm đội tàu phá băng của chúng tôi, mở rộng tài trợ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và tạo ra một vị trí quân sự cấp cao hơn, mới mẻ hơn trong quân đội của chúng ta” – Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trước các Bộ trưởng của Hội đồng Bắc Cực.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27839-my-lo-nga-nam-uu-the-voi-tuyen-duong-bien-bac.html

Hoa Kỳ: Đảng Dân Chủ vẫn chia rẽ

trước việc truất phế tổng thống

Một số nghị sĩ Dân Chủ cương quyết muốn truất phế tổng thống và hôm thứ Năm 09/05/2019 đã đệ trình một kiến nghị tập hợp được hơn 10 triệu chữ ký. Tuy nhiên, giới lãnh đạo trong đảng không tán thành việc khởi động thủ tục này, cho dù rất bực tức và nói đến tình trạng “khủng hoảng về hiến pháp” vì Nhà Trắng không đáp ứng các yêu cầu của Hạ Viện đòi có được toàn bộ báo cáo của công tố viên đặc biệt Mueller, cũng như muốn nghe điều trần của ông Mueller và cựu luật sư Nhà Trắng Don McGahn.
Thông tín viên RFI, Anne Corpet, tường thuật từ Washington:
“Chính ông Trump đã buộc chúng ta phải truất phế ông ấy”. Cho dù tuyên bố như trên, nhưng bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện cũng nói thêm: “Đây là một hướng đi gây ra rất, rất nhiều chia rẽ”. Lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Hạ Viện Mỹ không tán đồng chút nào việc truất phế khó thành công này.
Phe đối lập Dân Chủ chiếm đa số ở Hạ Viện, nhưng tại Thượng Viện, để có được phiếu của 20 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa cần thiết cho việc truất phế không phải dễ. Hơn nữa, thủ tục truất phế sẽ tạo cho tổng thống Mỹ hình ảnh ông là nạn nhân bị phe đối lập truy bức.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Dân Chủ, vì rất bực tức trước thái độ của chủ nhân Nhà Trắng, đã công khai vận động cho việc truất phế. Theo họ, ít ra là thủ tục này cho phép họ có được những tài liệu mà Nhà Trắng dứt khoát không chịu đưa ra.
Dư luận dân chúng cũng bắt đầu có thay đổi: Một kiến nghị truất phế tổng thống đã được đưa lên Quốc Hội hôm thứ Năm 09/05 với 10 triệu chữ ký. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới nhất, thì 45% người Mỹ tán đồng việc truất phế tổng thống. Tuy vẫn là thiểu số, nhưng tỷ lệ này đã tăng 5% so với kết quả thăm dò hồi tháng Tư vừa qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190511-hoa-ky-dang-dan-chu-van-chia-re-truoc-viec-truat-phe-tong-thong

Ngũ Giác Đài chuyển 1,5 tỷ ngân quỹ

sang thi công tường biên giới

Ngũ Giác Đài chuyển 1,5 tỷ đô la thoạt đầu định để hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan và các dự án khác qua giúp chi trả cho việc xây 80 dặm tường rào dọc theo biên giới Mỹ-Mexico, các giới chức cho biết ngày 10/5.
Động thái này theo sau quyết định của Ngũ Giác Đài hồi tháng Ba chuyển 1 tỷ đô la từ các tài khoản ngân sách nhân sự quân đội sang ủng hộ việc xây tường rào.
Ngân khoản tổng cộng 2,5 tỷ đô la đáp ứng tuyên bố của Tổng thống Trump về tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới, nơi lực lượng Bảo vệ Biên giới và Hải quan đang đối mặt với ngày càng nhiều di dân từ Trung Mỹ tìm cách vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan công bố quyết định chấp thuận chuyển 1,5 tỷ sang cho việc thi công tường rào biên giới hôm 10/5.
Theo dự kiến, Ngũ Giác Đài sắp tới cũng sẽ chuyển tới 3,6 tỷ đô la từ ngân sách xây dựng quân sự sang chi trả cho việc xây tường biên giới. Chi tiết kế hoạch này chưa được loan báo chính thức.
(Theo AP)
https://www.voatiengviet.com/a/ngu-giac-dai-chuyen-mot-ty-ruoi-ngan-quy-sang-thi-cong-tuong-bien-gioi-/4912809.html

Khuyến cáo khả năng ùn tắc tại các cửa khẩu Mỹ

Các nhóm đại diện cho các hãng hàng không lớn và các công ty du lịch lớn của Mỹ ngày 10/5 thúc giục lãnh đạo Thượng viện ủng hộ thêm ngân quỹ cho các nhân viên Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan (CBP) giữa lúc chính quyền Trump loan báo sẽ chuyển thêm nhân sự tới biên giới với Mexico.
Các hãng hàng không như United Airlines, Southwest Airlines, tập đoàn Fedex, Hiệp hội Lữ hành Hoa Kỳ, Hiệp hội Vận tải Hàng không ủng hộ việc bổ sung ngân quỹ khẩn cấp và khuyến cáo tác động của việc chuyển thêm nhân lực từ sân bay và các cửa khẩu khác tới biên giới Tây Nam.
Tuần rồi, Tòa Bạch Ốc yêu cầu 4,5 tỷ đô la cho các hoạt động tại biên giới Mỹ-Mexico, viện lý do làn sóng người tị nạn băng vào biên giới.
Trước đó trong năm, chính quyền Trump đã chuyển 300 nhân viên CBP tới đây.
Một phát ngôn nhân của CBP ngày 10/5 xác nhận cơ quan này đang điều động thêm 186 nhân viên CBP tới hỗ trợ các nhân viên Tuần tra Biên giới tại biên giới Tây Nam.
CBP cùng thông báo với các nhóm đại diện các hãng hàng không và công ty du lịch vừa kể về việc thuyên chuyển nhân lực tới biên giới Tây Nam trong vài tuần tới.
Thư ngỏ của các nhóm đại diện các hãng hàng không và các công ty du lịch gửi Quốc hội nói với lưu lượng du khách quốc tế tăng, thiếu ngân quỹ sẽ tạo ra những khó khăn tại các cửa khẩu, gây ảnh hưởng tới dòng lưu thông hàng hóa thông quan và cả hành khách.
Đầu tháng này, các sân bay lớn, các nhóm công đoàn và các doanh nghiệp khác ủng hộ dự luật của Thượng viện đưa ra hồi tháng Tư mà theo đó sẽ thuê mướn thêm ít nhất 600 nhân viên CBP mỗi năm. Thư ngỏ hôm nay lưu ý trì hoãn việc này sẽ khiến hành khách tại các phi trường thêm mất thời gian chờ đợi và sẽ bị hụt các chuyến bay.
https://www.voatiengviet.com/a/khuyen-cao-kha-nang-un-tac-tai-cac-cua-khau-my-/4912804.html

Venezuela: Chính quyền Maduro

tố cáo cựu lãnh đạo tình báo “phản quốc”

Trọng Thành
Chính quyền Venezuela tiếp tục chiến dịch chống lại « những kẻ phản quốc », bị cáo buộc đứng sau « cuộc đảo chính » bất thành. Hôm qua, 10/05/2019, tổng thống Maduro cáo buộc cựu lãnh đạo cơ quan tình báo là điệp viên của Mỹ.
Theo AFP, trong một phát biểu trên truyền hình, tổng thống Venezuela khẳng định đã có các bằng chứng là ông Christopher Figuera đã được CIA tuyển mộ, cách đây hơn một năm, và nhân vật này đã làm chấp nhận làm việc cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tổng thống Nicolas Maduro không cung cấp một bằng chứng cụ thể nào.
Theo tổng thống Venezuela, cựu lãnh đạo Sebin, tức cơ quan tình báo của Venezuela, chính là người đứng sau « cuộc đảo chính » bất thành ngày 30/04. Ông Christopher Figuera đã bỏ trốn kể từ đó. Tổng thống Venezuela đe dọa sẽ truy bắt cựu lãnh đạo tình báo, và buộc người này phải trả giá vì tội phản bội.
Cũng hôm qua, nghị sĩ Edgar Zambrano, cánh tay phải của lãnh đạo đối lập, bị chuyển đến một nhà tù quân đội. Ông Edgar Zambrano bị bắt cách nay ba hôm. Ông bị chính quyền Venezuela cáo buộc đứng sau cuộc nổi dậy ngày 30/04. Nghị sĩ Zambrano nằm trong số 10 dân biểu bị chính quyền Venezuela truy tố vì tội « phản quốc », do vai trò tích cực trong cuộc nổi dậy. Việc dân biểu đối lập bị chuyển đến trại giam quân đội được coi như một dấu hiệu cứng rắn hơn của chính quyền Maduro với Quốc Hội, do đối lập kiểm soát.
Trong số 10 người bị truy tố, ba dân biểu hiện đang tị nạn trong một số sứ quán ở Caracas. Một người khác thông báo đã lánh nạn sang Colombia.
Trong khi đó, chính quyền Venezuela quyết định mở cửa lại biên giới với Brazil, vốn bị đóng cửa để ngăn cản nỗ lực của đối lập Venezuela đưa viện trợ vào trong nước, hồi tháng 2/2019.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190511-venezuela-chinh-quyen-maduro-cao-buoc-cuu-lanh-dao-tinh-bao-%C2%AB-phan-boi-%C2%BB

70 nước trên thế giới

kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân

Trọng Nghĩa
Trong một bản tuyên bố được chính thức công bố hôm qua 10/05/2019, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, 70 quốc gia trên thế giới đã kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ tất cả « vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và các chương trình liên quan ». Đối với các nước ký tên, chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên là một « mối đe dọa nghiêm trọng » đối với sự ổn định của thế giới.
Đây là một văn kiện do Pháp soạn thảo và đưa ra xin chữ ký từ một tuần lễ nay. Trong số các nước ký vào bản tuyên bố này, có Mỹ, Hàn Quốc cùng nhiều nước Á, Âu, Phi và Mỹ La Tinh. Riêng hai nước ủng hộ Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc thì không ký tên vào bản tuyên bố.
Theo một nguồn tin ngoại giao, có khoảng 15 nước đã yêu cầu được ký tên vào văn kiện này ngay sau khi Bắc Triều Tiên cho thử nghiệm tên lửa trở lại.
Các bên ký kết đã « khuyến khích Bắc Triều Tiên tránh bất kỳ hành động khiêu khích nào… tiếp tục thảo luận với Mỹ về phi hạt nhân hóa ».
Bắc Triều Tiên đã cho phóng hai tên lửa tầm ngắn hôm 09/05, chỉ 5 ngày sau vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn và pháo phản lực khác. Loạt thử nghiệm này đã khiến tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại sau hon một năm yên tĩnh: từ tháng 11/2017, Bình Nhưỡng không hề thực hiện bất kỳ vụ phóng tên lửa nào.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un năm ngoái cũng tuyên bố chấm dứt thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Trump: Bắc Triều Tiên không nuốt lời hứa khi thử lại tên lửa
Việc Bình Nhưỡng thử nghiệm tên lửa trở lại không làm cho tổng thống Mỹ lo lắng. Trả lời phỏng vấn báo Mỹ Politico hôm 10/05/2019, ông Trump cho rằng Bắc Triều Tiên chỉ thử nghiệm các tên lửa tầm ngắn, không vi phạm các cam kết lãnh đạo mà Kim Jong Un từng đưa ra.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190511-70-nuoc-tren-the-gioi-keu-goi-bac-trieu-tien-tu-bo-vu-khi-hat-nhan

Áo Vàng Pháp hồi 26: Biểu tình thưa thớt,

bạo động ở Nantes và Lyon

Trọng Nghĩa
Sau gần 6 tháng biểu tình liên tục mỗi thứ Bảy, nhân lần xuống đường gọi là hồi 26 vào hôm nay, 11/05/2019, những người Áo Vàng Pháp đã muốn chuyển trọng tâm về hai thành phố lớn ở địa phương, Nantes ở miền tây nước Pháp, và Lyon ở đông nam. Tại Paris, một chủ đề được người Áo Vàng nêu bật là bảo vệ giáo chức. Tuy nhiên, số lượng người xuống đường đã giảm sút hẳn.
Theo số liệu tạm thời của bộ Nội Vụ Pháp, tính đến 14 giờ trưa nay, giờ Paris, trên toàn nước Pháp chỉ có 2.700 người tham gia những cuộc biểu tình tuần hành của phong trào Áo Vàng. Tại Paris, số người xuống đường chỉ là 600.
Đây là những con số thấp hẳn so với thứ Bảy tuần trước (04/05/2019), khi cũng vào lúc 14 giờ, có 3.600 người biểu tình trên toàn quốc, trong đó có 1.000 người ở Paris.
Tình chung cả ngày, vào tuần trước, bộ Nội Vụ đã thống kê được khoảng 19.000 người biểu tình ở Pháp, một con số từng được cho là thấp nhất kể từ khi phong trào bùng lên ngày 17/11/2018.
Theo ghi nhận sơ khởi của AFP, tại thủ đô Paris, hàng trăm người Áo Vàng đã bắt đầu tuần hành vào khoảng 13 giờ trưa nay dưới trời mưa. Đoàn người xuất phát từ khu đại học Jussieu, tức Paris 6 và 7. Họ muốn bày tỏ thái độ ủng hộ các giáo chức, mà theo họ, đang bị bộ luật mới của bộ trưởng Giáo Dục Blanquer đe dọa.
Như những tuần trước, biểu tình đã bị cấm ở khhu vực đại lộ Champs-Élysées, phủ tổng thống Pháp, trụ sở Quốc Hội, cũng như khu vực Nhà Thờ Đức Bà.
Còn tại Nantes, đúng với lo ngại của chính quyền, bạo động đã nổ ra nhân cuộc biểu tình của những người Áo Vàng, mà một nguồn tin cảnh sát ước lượng tập hợp được 2.200 người. Chính quyền thành phố đã tăng cường lực lượng an ninh sau khi được báo là sẽ có khoảng « 500 phần tử cực tả » len lỏi vào đoàn biểu tình để gây sự.
Tại Lyon, một trung tâm biểu tình khác được phe Áo Vàng chọn làm tâm điểm hồi 26, theo AFP, có khoảng 2.500 người xuống đường, và xô xát cũng bùng lên giữa lực lượng an ninh và người biểu tình.
http://vi.rfi.fr/phap/20190511-ao-vang-phap-hoi-26-bieu-tinh-thua-thot-bao-dong-o-nantes-va-lyon

Hải Quân Ấn Độ và Pháp tập trận rầm rộ,

 Trung Quốc trong tầm nhắm

Trọng Nghĩa
Vào hôm qua, 10/05/2019, trên vùng biển Ấn Độ Dương, ngoài khơi bang Goa ở miền tây Ấn Độ, Hải Quân Pháp và Ấn Độ đã khai mạc một cuộc tập trận với quy mô lớn, huy động đến hai hàng không mẫu hạm, trong đó có chiếc tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đang có mặt tại châu Á. Dù không được bên nào nêu đích danh, nhưng Trung Quốc được cho là đối tượng mà cả Pháp lẫn Ấn đều dè chừng.
Cuộc tập trận huy động đến hơn một chục chiến hạm và tàu ngầm từ cả hai phía. Về phía Pháp, ngoài tàu sân bay Charles de Gaulle, còn có hai khu trục hạm FNS Forbin và FNS Provence, hộ tống hạm FNS Latouche-Tréville, tàu tiếp liệu FNS Marne, và một tàu ngầm hạt nhân không được nêu tên.
Lực lượng Hải Quân Ấn Độ cũng huy động tàu sân bay INS Vikramaditya, tàu khu trục INS Mumbai, hộ tống hạm INS Tarkash, tàu tiếp liệu INS Deepak và tàu ngầm INS Shankul.
Cuộc tập trận quy mô được hai nước tiến hành trong bối cảnh những tuyến đường vận tải chiến lược trên Ấn Độ Dương bị nhiều thế lực dòm ngó. Theo hãng tin Pháp AFP, dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng cả Ấn Độ lẫn Pháp đều quan ngại trước sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, cũng như các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.
Chuẩn đô đốc Olivier Lebas – chỉ huy hạm đội Pháp tham gia cuộc tập trận đã bày tỏ thái độ tin tưởng là hai nước Ấn và Pháp « có thể đem lại sự ổn định cho một khu vực mang tính chiến lược, có vai trò quan trọng cho thương mại quốc tế ».
Thế thống trị lâu nay của Ấn Độ tại vùng Ấn Độ Dương hiện đang bị Trung Quốc thách thức, với những hoạt động dùng tiền thu phục các láng giềng của New Delhi, kèm theo đó là việc triển khai tàu chiến và tàu ngầm dọc theo những tuyến đường biển, cũng như việc xúc tiến dự án Một Vành Đai Một Con Đường mà Ấn Độ không tán đồng.
Về phần Paris thì chuẩn đô đốc Didier Maleterre, chỉ huy lực lượng Hải Quân Pháp trong khu vực đã nhận định rất ngoại giao là ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc không hung hăng như tại Biển Đông : « Tại Ấn Độ Dương, người ta không thấy những gì mà người ta đã thấy tại vùng biển quanh Trung Quốc, như các hoạt động bồi đắp, cải tạo ở quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa ».
Đối với ông Maleterre, chiến lược Con Đường Tơ Lụa Mới của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó có phần liên quan đến Ấn Độ Dương, « là một chiến lược chủ yếu mang tính chất kinh tế, nhưng có lẽ cũng mang một mục đích khác ».
Nhân vật lãnh đạo Hải Quân Pháp này không nói rõ mục đích khác đó là gì, nhưng nói thêm rằng có những « kịch bản » cho từ 10 đến 15 năm tới đây, dù không nghiêm trọng như ở vùng biển sát cạnh Trung Quốc, nhưng « rõ ràng có thể dẫn đến căng thẳng. »
Vào đầu tháng 4 vừa qua, Pháp đã khiến Trung Quốc nổi giận khi cho hộ tống hạm Vendémiaire đi ngang eo biển Đài Loan. Chính quyền Bắc Kinh đã chỉ trích một hành động xâm phạm lãnh hải Trung Quốc, trong lúc Paris xem đấy là việc thể hiện quyền tự do hàng hải.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190511-hai-quan-an-do-va-phap-tap-tran-ram-ro-voi-trung-quoc-trong-tam-nham

Đặc nhiệm Pháp giải cứu con tin ở Burkina Faso,

chưa rõ thủ phạm

Trọng Thành
Hôm qua, 10/05/2019, đặc nhiệm Pháp đã giải cứu thành công bốn con tin bị bắt tại Burkina Faso. Hai quân nhân hy sinh trong một cuộc can thiệp được đánh giá là « cực kỳ phức tạp ». Tuy nhiên, hiện tại chính quyền Pháp vẫn chưa xác định được danh tính của các thủ phạm.
Theo các nhà quan sát, có một số chỉ dấu cho thấy nhóm Ansarul Islam, một lực lượng thánh chiến, khủng bố, theo hệ phái Salafi hoạt động ở miền tây châu Phi có thể là thủ phạm vụ bắt hai du khách Pháp tại Bénin làm con tin. Tuy nhiên, hiện tại « còn quá sớm để thông báo » về điều này, là thông điệp hôm qua của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, thì còn có hai tổ chức khủng bố khác hoạt động tại khu vực này. Một là nhóm Mặt Trận Giải Phóng Macina trung thành với Al-Qaida. Và lực lượng thứ hai là tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vùng sa mạc Sahara, có quan hệ gần gũi với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Trung Cận Đông.
Chiến dịch giải cứu đêm thứ Năm, qua sáng thứ Sáu 10/05, có sự tham gia của quân đội Burkina Faso. Tổng cộng bốn kẻ bắt con tin bị bắn chết, hai trốn thoát. Lực lượng giải cứu bất ngờ phát hiện ra, bên cạnh hai du khách Pháp, còn có một công dân Mỹ và một công dân Hàn Quốc cũng bị bắt làm con tin.
Hôm nay, vào lúc 18 giờ, giờ Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón hai công dân Pháp, cùng với con tin người Hàn Quốc được giải cứu, tại sân bay quân sự Villacoublay, vùng Paris. Lễ truy điệu quốc gia hai quân nhân Pháp, hy sinh trong chiến dịch giải cứu, sẽ diễn ra tại Điện Invalides, ngày thứ Ba, 14/05.
http://vi.rfi.fr/phap/20190511-vu-dac-nhiem-phap-giai-cuu-4-con-tin-o-burkina-faso-hien-chua-biet-duoc-danh-tinh-cac-

Báo Nga: Mỹ dùng Hải quân để làm ngoại giao

Sau mỗi lần đe dọa, gây sức ép bằng các tuyên bố ngoại giao, Mỹ thường điều các tàu Hải quân nhằm thể hiện uy lực trên biển.
Tin tức RT hôm 6/5 đăng tải bình luận cho rằng, Mỹ đang sử dụng Hải quân để gây uy lực cho các quốc gia khác nếu chính sách ngoại giao thông thường chưa đủ mạnh mẽ.
Các lực lượng Hải quân Mỹ đã trở thành “vật bán kiên cố” ở các tuyến đường thủy quốc tế ngoài khơi bờ biển Iran, cách Washington gần 11.000 km đường.
Sự hiện diện của Hải quân Mỹ được cho là nhằm đảm bảo sự thống trị của quân đội Mỹ trên toàn khu vực song các triển khai mạnh mẽ ở đây được cho là nhắm vào Iran – quốc gia đang cố gắng chống lại các biện pháp trừng phạt đơn phương từ Mỹ.
Động thái điều tàu Hải quân và lực lượng tấn công đến Vịnh Ba Tư của Mỹ được báo Nga nhận định rằng, chúng thể hiện các biện pháp ngoại giao của Mỹ là chưa hiệu quả.
Khi các biện pháp ngoại giao là chưa đủ, luôn có Hải quân hỗ trợ.
Nhà Trắng đã công bố hôm 5/5 rằng, hoạt động của nhóm tấn công gồm tàu sân bay USS Abraham Lincoln và lực lượng ném bom tinh nhuệ đã được triển khai đến Trung Đông để gửi đi “một tin nhắn rõ ràng và không thể nhầm lẫn” tới Iran.
Tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra chỉ vài giờ sau khi Iran phát đi tuyên bố cho rằng sẽ tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ bằng cách bán dầu ở “thị trường đen”.
Đặc biệt, sự quyết tâm của Iran khi tuyên bố như vậy còn thể hiện cho Washington thấy rằng, họ đang được đồng minh của Mỹ là châu Âu hết sức ủng hộ. EU đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm đưa lượng xuất khẩu dầu mỏ Iran về con số 0 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Sử dụng sức mạnh của các hàng không mẫu hạm Mỹ để “gửi tin nhắn” đến các quốc gia được mô tả là “một hình thức ngoại giao”.
Hồi tháng 4 vừa qua, ngay cả Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman cũng chứng minh điều này khi lập luận rằng, “mỗi tàu sân bay hoạt động ở Địa Trung Hải vào thời điểm này đại diện cho 100.000 tấn chính sách ngoại giao quốc tế”.
Iran đã phản pháo lại Washington cho rằng, do các hoạt động của tàu Hải quân Mỹ tại khu vực, nếu có giao tranh nổ ra thì chính Washington sẽ là người chịu trách nhiệm.
“Nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra giữa Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Bộ Tư lệnh Trung tâm Hải quân Mỹ (CENTCOM), thì không còn nghi ngờ gì nữa, Mỹ sẽ phải
chịu trách nhiệm cho tình huống như vậy” – Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cảnh báo.
Theo vị này, các chính sách ngoại giao của họ buộc phải thay đổi theo hướng nghiêm trọng hơn do chính cách hành động của Mỹ và Hải quân Mỹ. Đây không hơn không kém là hành vi “bắt nạt” của Mỹ trong chính sách ngoại giao của Mỹ đối với quốc gia Hồi giáo này khi họ vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Không chỉ trong trường hợp Iran, Mỹ cũng đã sử dụng tàu Hải quân để đối phó với chính sách của Trung Quốc không chỉ bởi các động thái quân sự trái phép của nước này trên Biển Đông mà còn do cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, Mỹ đã đẩy mạnh hoạt động hải quân ở Biển Đông. Washington khẳng định rằng các tàu của họ được quyền đi qua biển này, với lý do nguyên tắc tự do hàng hải quốc tế.
Mỹ cũng định kỳ gửi tàu chiến để thăm dò các tuyến đường thủy mà Trung Quốc trái phép tuyên bố chủ quyền.
Đầu tuần này, Hải quân Mỹ cũng tuyên bố hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Mỹ đã đi tới gần phạm vi 12 hải lý ngoài khơi quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đang kiểm soát trái phép.
Động thái này diễn ra hàng tháng sau hàng loạt tuyên bố chỉ trích Trung Quốc của Washington. Mỹ đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động Hải quân bất chấp các yêu sách của Bức Kinh trong khu vực.
Động thái đưa tàu Hải quân đến điểm nóng với Trung Quốc diễn ra cũng rất nhanh chóng sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật nhắc đến tiến trình đàm phán thương mại chậm tiến triển giữa hai nước.
Sau các tuyên bố của Tổng thống Mỹ trên Twitter cá nhân, động thái triển khai Hải quân của Mỹ vừa nhằm nhắc nhở Trung Quốc về các yêu sách trên Biển Đông, vừa cho thấy cảnh báo vũ lực của Washington trước cuộc chiến ngoại giao, thương mại khó thành công với Trung Quốc.
Bên cạnh chính sách đối với Iran, Trung Quốc, Mỹ cũng sử dụng Hải quân để cảnh báo Nga ở “sân sau” của Moscow.
Hồi tháng 1/2019, một khu trục hạm của Mỹ đã tiến vào Biển Đen để tiến hành các hoạt động an ninh hàng hải và tăng cường ổn định hàng hải khu vực.
Các nhiệm vụ tương tự đã được thực hiện trong khu vực vào năm 2018.
Động thái điều tàu khu trục tới khu vực Biển Đen của Mỹ là bước đi sau khi Washington chỉ trích Nga bắt giữ tàu Hải quân Ukraine trong vùng biển chung.
Với vai trò là một trong số các quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, Mỹ đã chỉ trích Nga bằng hàng loạt các tuyên bố ngoại giao sắc lạnh, cảnh báo sẽ dùng “gậy” với Nga, bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Việc sử dụng sức mạnh Hải quân để thúc đẩy lợi ích quốc gia là một đặc quyền không chỉ dành riêng cho Washington. Nga và Trung Quốc cũng đang mang tâm thế sử dụng sức mạnh Hải quân để củng cố vị thế quân sự của mình với thế giới nhưng  Washington lại dùng Hải quân đi sau các tuyên bố ngoại giao để gia tăng quan điểm đe dọa, cảnh báo các quốc gia khác nếu các phản ứng của họ không vừa ý Mỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27838-bao-nga-my-dung-hai-quan-de-lam-ngoai-giao.html

Tiết lộ cực sốc về độ nguy hiểm của pháo Triều Tiên

Nếu chiến tranh lại xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, trong những giờ đầu, chỉ cần sử dụng pháo truyền thống hoặc tên lửa đạn đạo là Triều Tiên đã có thể khiến 250.000 người thiệt mạng.
Trên đây là cảnh báo được đưa ra trong một báo cáo của Tập đoàn Rand 1/2019. Con số thương vong đó chỉ là ở thủ đô Hàn Quốc, và Mỹ gần như không thể làm gì với điều này.
Triều Tiên hiện có siêu pháo Koksan 170mm được coi là lá bài chính, không chỉ trong phòng thủ mà cả đe dọa hủy diệt thủ đô Seoul khi được triển khai ở gần khu phi quân sự (DMZ). Pháo này được lắp trên một xe tăng và bắn xa 60km theo bất kể hướng nào. Vì các pháo
thủ hoạt động bên ngoài vũ khí này, trong khi lực lượng không quân khó có thể bảo vệ được họ nên Triều Tiên đã nghĩ ra một phương tiện tự nạp đạn sau khi khai hỏa.
Khoảng 10 triệu người sống trong tầm bắn phá tính từ DMZ phía Triều Tiên. Trong số này có dân số của thủ đô Seoul cùng hàng chục nghìn lính Mỹ và Hàn Quốc đóng chốt trên bán đảo. Hầu hết họ sống trong tầm bắn 40km của pháo Triều Tiên, nhưng Triều Tiên có một số loại thậm chí có thể bắn xa 200km, ảnh hưởng thêm 22 triệu người nữa. Đây quả thực là một bài toán khó cho việc bảo vệ Hàn Quốc và bảo vệ các lực lượng liên quân.
“Các dự đoán bảo thủ về một viễn cảnh tấn công đều tính đến hỏa lực ban đầu nhằm vào các mục tiêu quân sự, có thể dẫn đến thương vong rất lớn”, hãng tin Business Insider dẫn lời tướng lục quân Mỹ Vincent Brooks, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. “Một cuộc tấn công lớn hơn nhằm vào dân thường sẽ dẫn đến thương vong hàng nghìn người và tiềm tàng ảnh hưởng đến hàng triệu người khác… chỉ trong 24 giờ đầu tiên”.
Triều Tiên có trong tay hàng nghìn khẩu pháo có thể bắn hàng chục nghìn quả đạn trong 10 phút tấn công. Siêu pháo Koksan 170 mang được cơ số đạn 12 viên trước khi có thể tự nạp tiếp. Vì các kho đạn cũng như các khẩu pháo dễ bị máy bay kẻ thù tấn công nên Triều Tiên đã xây hàng nghìn boongke dưới lòng đất gần DMZ để trữ đạn và chứa pháo.
Do vậy, ở loạt đạn mở đầu, pháo Triều Tiên có thể sử dụng chiến thuật mà các nhà hoạch định quân sự thường gọi là “bắn và chạy”. Các khẩu pháo sẽ chạy ra khỏi boongke để nhả đạn xong lại quay về nơi trú ẩn để nạp đạn và chuẩn bị cho đợt bắn mới ngay sau đó. Điều này khiến cho hỏa lực của quân đồng minh khó lần theo dấu để tiêu diệt.
http://biendong.net/bi-n-nong/27875-tiet-lo-cuc-soc-ve-do-nguy-hiem-cua-phao-trieu-tien.html

Chìa khóa nào giúp mở lại “hồ sơ” Triều Tiên?

Giới phân tích cho rằng, sự đảm bảo an ninh từ Mỹ và Trung Quốc sẽ là chìa khóa để chấm dứt chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Thế khó của ông Trump
Thất bại trong việc thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân thông qua các Hội nghị Thượng đỉnh đã khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump đau đầu tìm kiếm giải pháp.
Thỏa thuận khung mà hai bên ký kết vào năm 1994, theo đó Triều Tiên nhất trí đóng băng và cuối cùng dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân đổi lại việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, cùng các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân đã không đạt được kết quả. Thách thức càng trở nên nan giải hơn khi biện pháp truyền thống là tăng cường viện trợ và nới lỏng các biện
pháp trừng phạt cũng không mấy phát huy tác dụng. Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Trump từng nghĩ đến giải pháp quân sự, nhưng giải pháp này lại tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát một cuộc chiến tranh mới trên Bán đảo Triều Tiên.
Thượng nghị sỹ Mỹ Lindsey Graham cho rằng, bất cứ cuộc xung đột nào cũng có thể xảy ra, nhưng ông có lẽ chưa mường tượng được hậu quả khi Mỹ bị sa lầy vào cuộc chiến như vậy. Giả sử Triều Tiên có năng lực tấn công các mục tiêu bằng đầu đạn hạt nhân, Nhật Bản, Hàn Quốc và các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam và Okinawa sẽ là những nơi đầu tiên nằm trong tầm ngắm. Ước tính, thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng và thương vong có thể đạt đến con số hàng triệu.
Theo ông Bennett Ramberg, nhân viên thuộc Cơ quan phụ trách vấn đề chính trị và quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, dưới thời Tổng thống George H W Bush, điểm mấu chốt của vấn đề chính là đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. Chương trình hạt nhân đóng vai trò “sống còn” đối với Triều Tiên bởi nó không chỉ giúp Bình Nhưỡng tăng cường sức mạnh quân sự mà còn đối phó với những mối đe dọa từ bên ngoài. Đó là lý do tại sao điều kiện đưa ra để Triều Tiên giải trừ kho vũ khí hạt nhân không hề đơn giản.
Còn nhớ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 tại Singapore tháng 6/2018, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung, nêu rõ: Tổng thống Trump cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, còn Chủ tịch Kim Jong Un khẳng định một cách chắc chắn sẽ hoàn toàn phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Ngay cả trong cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Triều tháng 4/2019, Tổng thống Putin cũng nhắc lại vấn đề này. Thế nhưng đến nay, chưa bên nào xác định được việc đảm bảo an ninh sẽ bao gồm những gì, với thời gian bao lâu. Tất cả vẫn xoay quanh câu hỏi: Liệu có bất kỳ sự đảm bảo an ninh nào để Triều Tiên xúc tiến việc giải trừ vũ khí hạt nhân hay không?
Đảm bảo an ninh – bài toán khó
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và giai đoạn sau đó, cam kết “đảm bảo an ninh” đã vượt ra ngoài các tuyên bố trên giấy tờ. Đối với Mỹ, việc đảm bảo an ninh bao gồm xây dựng căn cứ, triển khai lực lượng, khí tài quân sự trên lãnh thổ hay các vùng biển của đồng minh. Kết quả là Mỹ đã tạo dựng được một mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn tham gia hệ thống phòng thủ chung. Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản đã được hưởng nhiều lợi ích từ cam kết của Mỹ. Thế nhưng Triều Tiên lại không bao giờ có được sự đảm bảo như vậy. Bởi tình hình chính trị và quân sự phức tạp trên Bán đảo Triều Tiên, sự đảm bảo về an ninh của Mỹ với Bình Nhưỡng sẽ khác biệt hoàn toàn với những nước đồng minh.
Khi lý giải điều gì sẽ giúp đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, giới quan sát cho rằng, đảm bảo thứ nhất là các bên cùng ký kết Hiệp ước Hoà bình chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài từ năm 1953 đến nay. Thứ hai là Mỹ cần phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Bán đảo Triều Tiên. Cuối cùng là bình thường hoá quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ.
Theo nhà phân tích Bennett Ramberg, nếu Mỹ thực hiện đúng cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên thì điều này sẽ tạo cơ sở vững chắc để Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân, chấm dứt mọi sự răn đe, hướng đến xây dựng lòng tin vững chắc giữa các bên, tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước.
Vấn đề hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên không thể thiếu sự can dự của Trung Quốc. Vào tháng 9/2018, tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã đặt nền móng cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí loại bỏ các trạm kiểm soát, rút binh sỹ, gỡ mìn và vũ khí ra khỏi khu vực phi quân sự cùng với một vùng cấm bay, chấm dứt tập trận gần các địa điểm đó. Dẫu vậy, những bước đi khởi đầu đầy thiện chí này sẽ dễ sụp đổ nếu hai bên không giải quyết được vấn đề mang tính chiến lược là đảm bảo an ninh cho đối tác.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc – đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, vốn ủng hộ việc phi hạt nhân hóa, sẽ đóng vai trò quan trọng. Trước hết, với tư cách là láng giềng trực tiếp của Triều Tiên, Trung Quốc luôn có mục tiêu thiết lập một cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên. Thứ hai với vai trò là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên, Trung Quốc luôn khẳng định cần tôn trọng các mối quan tâm chính đáng về an ninh của Bình Nhưỡng và khuyến khích các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên. Đây cũng chính là lí do vì sao nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn đến thăm Trung Quốc trước khi cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra.
Thứ ba, quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cần sự hợp tác của Bắc Kinh kết hợp với nhóm thanh tra quốc tế để xác định và phá hủy các bãi thử cũng như kho lưu trữ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Sự hiện diện của Trung Quốc sẽ giúp Triều Tiên cảm thấy an tâm hơn và bớt lo ngại về nguy cơ bị Mỹ tấn công trong suốt thời gian này.
Các bên cần phải làm gì?
Cùng với việc loại bỏ vĩnh viễn vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên Bán đảo Triều Tiên, việc đảm bảo an ninh sẽ yêu cầu các bên thông báo trước về các cuộc tập trận cũng như giới hạn quy mô tập trận để không gây leo thang căng thẳng. Song song với đó là thực hiện những biện pháp minh bạch, xây dựng sự tin tưởng.
Theo ông Bennett Ramberg, để tránh nguy cơ bị tấn công bất ngờ, Triều Tiên và Hàn Quốc nên thông qua Hiệp ước Bầu trời mở, cho phép máy bay giám sát cài cảm biến bay qua lãnh thổ của nhau để quan sát hoạt động quân sự của mỗi bên. Bên cạnh đó, Mỹ, Trung Quốc hoặc một bên thứ 3 cần cung cấp vệ tinh không gian để theo dõi hoạt động quân sự rộng rãi hơn bên trong và xung quanh Bán đảo Triều Tiên, nhằm kịp thời thông báo cho các bên liên quan những dấu hiệu đáng ngờ.
Nhà phân tích này cũng cho rằng, việc mở các văn phòng liên lạc chung tại Bình Nhưỡng và Washington là rất cần thiết, giúp các bên thảo luận về tình hình an ninh, thiết lập tiêu chuẩn chung để dỡ bỏ biện pháp trừng phạt kinh tế với Triều Tiên. Về lâu dài sẽ là bình thường hóa quan hệ và trao đổi đại sứ giữa Mỹ với Triều Tiên.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/27855-chia-khoa-nao-giup-mo-lai-ho-so-trieu-tien.html

Tiết lộ gây ngỡ ngàng về ý định vũ khí hạt nhân của TQ

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tiết lộ một thông tin cực kỳ bất ngờ về việc Trung Quốc muốn tham gia vào một “thỏa thuận” hạt nhân với Mỹ và Nga để cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân. Nếu thông tin này được xác nhận là chính xác thì đây là điều hoàn toàn bất ngờ bởi lâu nay Trung Quốc vẫn được cho là không muốn tham gia vào các thỏa thuận cắt giảm vũ khí trong bối cảnh nước này đang cấp tập ra sức tăng cường sức mạnh quân sự cho mục đích vươn rộng ra khắp bên ngoài.
“Chúng tôi đang nói về một thỏa thuận hạt nhân. Theo đó, chúng tôi sẽ chế tạo ít đi, họ cũng chế tạo ít đi (vũ khí) và có thể thậm chí là hủy bỏ hỏa lực cực mạnh mà chúng tôi đang sở hữu lúc này”, Tổng thống Trump hôm qua (3/5) cho các phóng viên biết tại Nhà Trắng khi nói về cuộc điện đàm của ông này với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Theo lời ông Trump, ông và người đồng cấp Putin đã thảo luận về khả năng ký kết “một thỏa thuận ba bên” với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết thêm rằng, Bắc Kinh “rất muốn là một phần của thỏa thuận đó”. Tổng thống Trump đã nêu ra vấn đề thỏa thuận vũ khí trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Trung Quốc và họ “quan tâm đến thỏa thuận đó hơn cả vấn đề thương mại”, ông Trump nói.
Trước đó, hồi đầu tháng này, trong một cuộc họp với đại diện thương mại của phía Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng đã phàn nàn về mức độ tăng chi tiêu quốc phòng nhanh chóng của Bắc Kinh, nói rằng tất cả số tiền đó có thể được tiêu dùng tốt hơn vào các mục đích khác. “Tôi cho rằng, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu tất cả chúng ta phối hợp cùng nhau và chúng ta không chế tạo những vũ khí đó nữa”, Tổng thống Trump khi đó đã nói như vậy.
Tổng thống Trump xác nhận, ông có “một cuộc hội đàm vui vẻ và kéo dài” với người đồng Putin, miêu tả đó là “cuộc nói chuyện hiệu quả.”
Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders xác nhận, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ đã diễn ra và chủ đề được thảo luận bao gồm khả năng ký một thỏa thuận hạt nhân mới giữa Washington, Moscow và Bắc Kinh.
“Họ đã thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân, cả mới và gia hạn, cũng như khả năng đàm phán với Trung Quốc về vấn đề này”, bà Sanders cho các phóng viên biết.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump hồi đầu năm nay đã gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước đồng minh Châu Âu của Mỹ, khi thông báo chính thức rút ra khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Nhiều nước, trong đó có Nga, đã và đang phản ứng mạnh mẽ trước việc Mỹ rút
khỏi INF bởi họ lo sợ hành động của Mỹ sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, đẩy toàn cầu với mối đe dọa diệt chủng vì loại vũ khí có sức hủy diệt kinh người này.
INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây. Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km). Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở Châu Âu.
Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm hiệp ước. Mỹ tố cáo Nga chế tạo các tên lửa bị cấm trong hiệp ước. Trong khi đó, Nga tố ngược lại rằng Mỹ không tuân thủ INF khi thiết lập các căn cứ quân sự ở Đông Âu có khả năng không chỉ phòng thủ mà còn tấn công được và có thể nhằm vào Nga. Bất chấp những lời cáo buộc trên, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama trước đó đã quyết định không từ bỏ thỏa thuận này.
Nếu Mỹ rút ra khỏi INF thì sẽ chỉ còn Hiệp ước Cắt Giảm Vũ khí Chiến lược (START MỚI) là bước cản trở cuối cùng đối với viễn cảnh phổ biến vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Hiệp ước này có thời hạn đến năm 2021 và Washington chưa quyết định có làm mới nó hay không.

http://biendong.net/bi-n-nong/27876-tiet-lo-gay-ngo-ngang-ve-y-dinh-vu-khi-hat-nhan-cua-tq.html

Hình ảnh vệ tinh về tàu sân bay ‘khủng’ nhất của TQ

Hình ảnh vệ tinh được các chuyên gia Mỹ phân tích cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc xây dựng tàu sân bay thứ 3 và cũng là hàng không mẫu hạm lớn nhất từ trước tới nay của nước này.
Hãng tin Reuters ngày 7-5 cho biết các hình ảnh vệ tinh chụp từ tháng 4 được Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở tại Mỹ) cung cấp cho thấy hoạt động đóng một con tàu lớn đáng kể gần đây tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Bắc Kinh không chính thức xác nhận đang đóng tàu sân bay thứ 3. Thời gian cũng như quy mô chương trình tàu sân bay của nước này hiện vẫn là bí mật quốc gia.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết Trung Quốc đang đóng hàng không mẫu hạm này. Tuần trước, Lầu Năm Góc cũng cho biết Bắc Kinh đã bắt đầu đóng tàu sân bay thứ 3 nhưng không công bố hình ảnh nào.
Hình ảnh của CSIS cho thấy phần mũi tàu sân bay thứ 3 có chiều ngang mặt trước rộng 30m, trong khi một đoạn thân tàu rộng 41m. Phía trên con tàu là các cần trục.
Giới phân tích cho rằng tàu sân bay này, với tên gọi là Type 002, nhỏ hơn các tàu sân bay 100.000 tấn của Mỹ, nhưng lớn hơn tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp có độ giãn nước đầy tải 42.500 tấn.
“Hiện các chi tiết liên quan tới tàu sân bay Type 002 không nhiều, nhưng những gì chúng ta thấy được ở xưởng đóng tàu Giang Nam khớp với các mô tả trước đó về tàu sân bay thứ 3 của hải quân Trung Quốc” – trang web ChinaPower của CSIS cho biết.
Trong khi đó, nhà phân tích Matthew Funaiole của CSIS kết luận: “Từ những gì chúng ta xem được, có thể thấy đã diễn ra nhiều hoạt động (đóng tàu sân bay ở xưởng Giang Nam) trong 6 tháng qua”.
Đây dự kiến là tàu sân bay hiện đại và lớn nhất của Trung Quốc, có khả năng dẫn đầu một nhóm tác chiến tàu sân bay có hoạt động đầy đủ trong bối cảnh Bắc Kinh cố gắng bắt kịp Mỹ về sức mạnh hải quân.
Theo Lầu Năm Góc, tàu sân bay thứ 3 lớn hơn hai tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc là Liêu Ninh (tân trang lại từ tàu mua của Ukraine) và Type 001A (tự đóng). Hàng không mẫu hạm này có thể được trang bị một hệ thống phóng máy bay công nghệ cao.
Hiện không rõ liệu Type 002 sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân giống một số tàu sân bay của Mỹ hay không. Trung Quốc có khoảng 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng cho đến nay không có tàu nổi nào chạy bằng năng lượng hạt nhân như thế.
Hai tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc, trong đó có tàu Type 001A dự kiến đưa vào biên chế năm 2020, khá nhỏ vì có sức chứa chỉ 25 máy bay, ít hơn nhiều so với sức chứa của tàu sân bay Mỹ.
Theo Hãng tin Reuters, quân đội các nước châu Á và phương Tây cũng như các nhà phân tích an ninh khu vực đang săn tìm thông tin về tàu sân bay thứ 3 đầy bí ẩn của Bắc Kinh.
Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói rằng nước này sẽ có ít nhất 6 tàu sân bay vào năm 2035, trong đó có 4 tàu sân bay chạy năng lượng hạt nhân.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/27852-hinh-anh-ve-tinh-ve-tau-san-bay-khung-nhat-cua-tq.html

China Mobile Bị Cấm Hoạt Động Tại Mỹ

Vì Nguy Cơ An Ninh Quốc Gia

Khoảng đầu tháng 05/2019, quyết định của Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã chặn đứng nỗ lực nhiều năm của China Mobile trong việc tiếp cận khách hàng Mỹ. Công ty đã tìm cách bán dịch vụ thoại quốc tế cho người Mỹ từ năm 2011. Tuy nhiên, Chủ tịch FCC Ajit Pai cho rằng cấp giấy phép cho China Mobile có thể cho phép chính phủ Trung Quốc tổ chức hoạt động gián điệp về hệ thống liên lạc nhạy cảm của Mỹ. Ông Pai phát biểu tại cuộc họp mở hàng tháng của FCC: “Có rủi ro lớn rằng chính phủ Trung Quốc sẽ dùng China Mobile để thực hiện các hành vi gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, thực thi pháp luật và lợi kích kinh tế Mỹ”.
Theo trang CNN, Cục Viễn thông và thông tin quốc gia thuộc Bộ Thương mại trước đây từng khuyến nghị FCC từ chối yêu cầu của China Mobile. Trong hồ sơ gửi lên FCC, Cục viết: “Vì China Mobile là đối tượng để chính phủ Trung Quốc khai thác, gây ảnh hưởng và kiểm soát, cục tin rằng cấp giấy phép cho China Mobile… có thể gây ra nguy cơ đối với hành pháp và an ninh quốc gia đáng kể, không thể chấp nhận được”.
Theo Cục Viễn thông và thông tin quốc gia thuộc Bộ Thương mại, cho phép China Mobile tiếp cận thị trường viễn thông Mỹ có thể khiến hoạt động gián điệp Trung Quốc tăng đột biến. Các cuộc gọi hay liên lạc khác từ các cơ quan chính phủ Mỹ ra nước ngoài có thể đi qua mạng của China Mobile, kể cả khi họ không phải khách hàng của nhà mạng. China Mobile không xin bán dịch vụ di động trực tiếp cho người Mỹ.
Quyết định của FCC không có nhiều ảnh hưởng đến thu nhập của China Mobile. Dịch vụ gọi quốc tế chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong doanh thu công ty.
https://nguoivietphone.com/a10592/china-mobile-bi-cam-hoat-dong-tai-my-vi-nguy-co-an-ninh-quoc-gia

Trung Quốc:

đàm phán thương mại với Mỹ không tan vỡ

Nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Trung Quốc nói rằng việc hai bên không đạt được thỏa thuận trong cuộc chiến thuế quan với Mỹ tại Washington “chỉ là một bước lùi nhỏ” và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục dù cho thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ tăng, theo AP.
Phát biểu với các phóng viên trước khi rời Washington để trở về Bắc Kinh hôm thứ Sáu, Phó Thủ tướng Lưu Hạc nói ông “lạc quan một cách thận trọng”, nhưng muốn đạt thỏa thuận, chính quyền của Tổng thống Trump phải đồng ý ngưng áp dụng các thuế xuất có tính cách trừng phạt mà người Mỹ đã áp dụng đối với hàng tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Trong những bình luận trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, CCTV, ông Lưu cho biết những khác biệt quan điểm còn lại với Mỹ là những vấn đề cốt yếu liên quan đến những nguyên tắc, ông nhấn mạnh: “và chúng ta sẽ không nhượng bộ trên các vấn đề nguyên tắc.”
Tuy nhiên, ông Lưu Hạc nói theo ông thì các cuộc đàm phán đã không tan vỡ. Đài truyền hình Phoenix của Hồng Kông dẫn lời ông Lưu Hạc:
“Trái lại, tôi nghĩ đó chỉ là một bước lùi nhỏ trong các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia, đó là điều không thể tránh khỏi.”
Ông Lưu khẳng định “ý kiến của phía Trung Quốc là thuế quan đánh trên hàng hóa Trung Quốc là điểm khởi đầu của các xích mích về thương mại giữa hai bên, và phải được hủy bỏ hoàn toàn một khi đạt được thỏa thuận.”
Các cuộc đàm phán đã không tan vỡ.Trái lại, tôi nghĩ đó chỉ là một bước lùi nhỏ trong các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia, đó là điều không thể tránh khỏi.”
Phó Thủ Tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán cấp cao TQ
Chính quyền của Tổng thống Trump đã tăng thuế quan đánh trên hàng tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc, từ 10% lên tới 25%, bắt đầu từ ngày thứ Sáu 10/5.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer còn cho biết là Hoa Kỳ đang chuẩn bị nới rộng phạm vi áp dụng các mức thuế đó để áp dụng đối với 300 tỷ đô la hàng Trung Quốc chưa bị áp thuế nhập khẩu, và như vậy kể như Mỹ sẽ đánh thuế toàn bộ các sản phẩm nhập từ Trung Quốc.
Ông Lưu cho biết hai bên cũng không đồng ý về lượng hàng hóa mà Trung Quốc cam kết mua từ Hoa Kỳ để giúp giảm mức thâm hụt thương mại của Mỹ trong các giao dịch với Trung Quốc.
Vẫn theo AP, Phó Thủ Tướng Trung Quốc dẫn đầu đoàn đàm phán cấp cao tới Washington đã tìm cách hạ thấp quy mô và tác động của cuộc tranh chấp với Washington, nói rằng Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh và sẽ vượt qua mọi vấn đề do cuộc xung đột này gây ra.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dam-phan-thuong-mai-voi-my-khong-tan-vo/4913346.html

Cựu giám đốc Interpol Mạnh Hoành Vĩ

bị Bắc Kinh kết tội nhận hối lộ

Các công tố viên Trung Quốc hôm thứ Sáu nộp hồ sơ chính thức truy tố cựu giám đốc Interpol Mạnh Hoành Vĩ về tội lạm quyền và nhận hối lộ.
Reuters đưa tin này, nói rằng đây là bước pháp lý tiếp theo trước khi đưa ông Mạnh ra tòa án xét xử.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Interpol, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế có trụ sở tại Pháp, cho biết ông Mạnh đã từ chức Chủ tịch của tổ chức này, vài ngày sau khi vợ ông báo cáo ông mất tích sau khi về thăm quê nhà Trung Quốc.
Hồi tháng 3, Đảng Cộng sản Trung Quốc nói theo kết quả cuộc điều tra riêng của họ về ông Mạnh thì ông đã tiêu những số tiền lớn từ ngân quỹ nhà nước, lạm quyền, và không tuân theo các quyết định của đảng.
Vợ ông đã bác bỏ những cáo buộc đó, nói rằng vụ chồng bà bị bắt là do động cơ chính trị.
Các công tố viên cho biết đã nộp hồ sơ truy tố ông Mạnh tại tòa án ở thành phố Thiên Tân, gần Bắc Kinh.
Các công tố viên cho biết đã buộc tội ông Mạnh về tội danh nhận một số tiền hối lộ rất lớn, lạm dụng quyền lực thời ông là Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo Cục Cảnh sát biển.
Tuyên bố ngắn của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết ông Mạnh đã được thông báo về quyền của ông, và các công tố viên đã lắng nghe quan điểm của luật sư, nhưng không cho biết luật sư bảo vệ ông Mạnh là ai. Thông báo không cho biết thêm chi tiết nào khác.
Ông Mạnh Hoành Vĩ trở thành Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế-Interpol vào cuối năm 2016 khi Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực vận động để đưa người vào các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế. Ông là người Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo Interpol trong lịch sử 95 năm của tổ chức này.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-giam-doc-interpol-bi-bac-kinh-ket-toi-nhan-hoi-lo/4912629.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.