Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chương trình Thời sự thứ Năm, 23/05/2019

Thursday, May 23, 2019 7:20:00 PM // ,

Cherry Radio
Cẩm Nhung | 23/05/2019

Nguồn: https://www.cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-nam-23052019-rd2304517


Tin nước Úc:
- Victoria: Dự thảo ngân sách của tiểu bang sẽ mang đến những bất ngờ cho người dân
- Thornbury: Truy nã ba người đàn ông cầm hung khí xông vào siêu thị để cướp tiền
- Melbourne: Chủ quán cà phê phải trả lại $38,000 tiền lương bị ăn chặn cho 32 nhân viên
- Tổ chức Giám sát Tài chính Úc nới lỏng quy định, người mua nhà sẽ có thể vay nhiều tiền hơn
- Tin Úc: Người phụ nữ Úc gốc Hoa đầu tiên đắc cử vào Hạ viện
- Di trú: Sau bầu cử liên bang, số người Úc muốn sang New Zealand tăng vọt
- Tin Úc: Ngân hàng Dự trữ Úc đưa ra tín hiệu giảm tỷ lệ lãi suất vào tháng Sáu
- Victoria: Bóc lột hai người lao động Malaysia, chủ nông trại trái cây bị phạt tiền $144,000
- Tin vắn
Tin thế giới:
Từ ngày 23/5 cho đến hết ngày 26/5, cử tri 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đi bầu cử Nghị viện châu Âu khóa mới cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Cử tri châu Âu được kêu gọi đi bầu 751 nghị sĩ châu Âu, mỗi nước tự chọn một ngày phù hợp để tổ chức bầu cử, trong khoảng thời gian từ 23-26/5. Số ghế nghị sĩ dành cho mỗi nước phụ thuộc vào dân số của nước đó. Trong Nghị viện châu Âu sắp mãn nhiệm, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu chiếm đa số, đứng thứ nhì là Liên minh Xã hội Dân chủ trung tả cùng 6 đảng phái khác, trong đó đảng Cực hữu và đảng Chống hội nhập châu Âu. Xu hướng cực hữu bài châu Âu đang tiến nhanh và được dự báo sẽ có kết quả tốt hơn trong kỳ bầu cử này. Kết quả bầu cử Nghị viện sẽ xác định ai sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và là cơ sở phân chia các chức vụ cao cấp nhất trong bộ máy hành pháp châu Âu.
Ngày 22/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ cáo buộc của phe Dân chủ về hành vi "che đậy" cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời thúc giục đảng Dân chủ chấm dứt điều mà ông gọi là "các cuộc điều tra giả tạo." Trước đó cùng ngày, Tổng thống Trump đã đột ngột chấm dứt cuộc thảo luận với nghị sỹ hàng đầu của đảng Dân chủ là Chủ tịch Hạ viện – bà Nancy Pelosi - và lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện – ông Chuck Schumer - về gói chi tiêu ngân sách dành cho hạ tầng cơ sở, cũng với lý do để phản đối “các cuộc điều tra giả mạo." Việc Tổng thống Trump đột ngột dừng đàm phán với hai lãnh đạo chủ chốt của đảng Dân chủ đã làm mất tia hy vọng về sự hợp tác hiếm hoi giữa hai đảng nhằm sửa chữa và nâng cấp các cơ sở hạ tầng công cộng đã xuống cấp.
Mỹ vừa phát tín hiệu cho thấy, các nước châu Âu đang nhận thức rõ ràng hơn về những rủi ro mà Huawei mang lại, đặc biệt là việc tích hợp thiết bị của Huawei vào mạng 5G. Theo một quan chức chính quyền Mỹ, tuy các nước châu Âu sẽ không đưa ra lệnh cấm Huawei ngay lập tức nhưng nhiều nước sẽ sớm cấm sử dụng thiết bị của Huawei vào mạng 5G. Quan chức Mỹ nói trên từ chối cung cấp tên của những nước đã thay đổi lập trường quan điểm và cho biết các cuộc đàm phán hiện đang được giữ kín. Hồi tháng trước, Bloomberg từng cho biết, Chính phủ Anh nhiều khả năng sẽ thắt chặt các quy định giám sát hoạt động của Huawei, tuy nhiên không cấm hoàn toàn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/5 cho biết, ông đã quyết định đề cử bà Barbara Barrett, cựu Chủ tịch Tập đoàn hàng không vũ trụ Mỹ vào vị trí Bộ trưởng Không quân nước này. Nếu được Thượng viện thông qua, bà Barrett sẽ tiếp quản vị trí của người tiền nhiệm là bà Heather Wilson, người đã từ chức vào hồi tháng 3 sau hơn 2 năm đảm nhiệm vị trí này, để trở lại ngành giáo dục và trở thành Giám đốc Trường Đại học Texas tại El Paso. Việc từ chức sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 31/5 tới. Trước khi được Tổng thống Donald Trump đề cử vào vị trí Bộ trưởng Không quân Mỹ, bà Barrett đã từng làm đại sứ Mỹ tại Phần Lan giai đoạn từ năm 2008 đến 2009.
Thủ tướng Anh vừa công bố bản thỏa thuận Brexit, trong đó nhiều điều khoản được xem là nhượng bộ, với kỳ vọng bản thỏa thuận sẽ được mang ra bỏ phiếu tại Quốc hội. Đây được xem là những nỗ lực cuối cùng của bà May trong bối cảnh nội bộ đảng Bảo thủ gia tăng áp lực lên vị trí Thủ tướng của bà. Các nội dung đề xuất mới của bà May có nhiều chi tiết thể hiện thái độ nhượng bộ, thậm chí trái ngược hoàn toàn với quan điểm và chủ trương trước đó của bà. Theo bà May, đây là cơ hội cuối cùng cho nước Anh có một bản thỏa thuận rời đi nếu Quốc hội không bỏ phiếu, thậm chí có thể không xảy ra Brexit.
Cảnh sát tuần tra Mỹ đã kịp thời giải cứu 16 người nghi ngờ là nạn nhân buôn người bị nhốt trong một thùng gỗ trên chiếc xe kéo ở Texas.Vụ việc xảy ra ở hạt Atascosa. Phát hiện chiếc bán tải kéo theo xe chở gỗ không động cơ có biểu hiện nghi vấn, cảnh sát đã dừng xe để kiểm tra. Khi đến gần chiếc xe kéo, họ nghe những tiếng gõ vào gỗ nên dỡ các khối gỗ xuống. Kết quả là lực lượng chức năng Mỹ phát hiện lớp dưới cùng là một không gian rỗng rất nhỏ, có 16 người bị nhồi nhét ở bên trong. Những người này bị nhốt ít nhất 4 tiếng đồng hồ, một số bắt đầu đuối sức vì mất nước, 2 phụ nữ đã được đưa đến bệnh viện. Tài xế đã bị bắt. Vụ việc đang được điều tra.
Ngày 22/5, cảnh sát Nigeria cho biết một toán cướp có vũ trang đã sát hại ít nhất 20 người trong các vụ tấn công khác nhau xảy ra tại bang Katsina, Tây Bắc nước này. Người phát ngôn cảnh sát bang Katsina, ông Gambo Isah cho biết toán cướp đi xe máy lao vào một ngôi làng thuộc tỉnh Batsari ở bang này và xả súng vào nhiều người, khiến 18 người thiệt mạng. Bang Katsina cách thủ đô Abuja của Nigeria khoảng 350 km về phía Bắc. Trong những tháng gần đây, tại đây thường xuyên xảy ra các cuộc tấn công bạo lực. Các tay súng có vẻ muốn cướp tiền mặt, gia súc và đồ ăn, không truyền bá tư tưởng cực đoan dù chúng cũng đốt phá nhà cửa và bắt cóc con tin.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định sẽ không dung thứ cho bất kỳ ai gây rối an ninh, phá vỡ tiến trình dân chủ và sự đoàn kết của nước này. Đây là cam kết được Tổng thống Joko Widodo đưa ra ngày 22/5. Cam kết cứng rắn này đưa ra trong bối cảnh đã có ít nhất 6 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương trong các cuộc bạo loạn ở Thủ đô Jakarta. Hiện cảnh sát đã xác định được kẻ chủ mưu các cuộc bạo loạn và đang tiến hành truy xét. Chính phủ Indonesia đã tạm thời hạn chế quyền truy cập vào phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội, các ứng dụng tin nhắn… để ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch.
Các đồng minh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa qua. Theo kết quả bầu cử cuối cùng được công bố ngày 22/5, trong số 12 ghế bầu lại tại Thượng viện, có 9 ghế thuộc về những người được Tổng thống Duterte hậu thuẫn. Còn tại Hạ viện, các đồng minh của Tổng thống Duterte vẫn giữ quyền kiểm soát. Như vậy, kết quả này sẽ mở đường cho các đề xuất mới của Tổng thống Duterte về chính sách chống tội phạm và sửa đổi hiến pháp dễ dàng được thông qua tại Quốc hội.
Nhắn tin trong lúc lái xe là hành vi vi phạm luật giao thông và đã bị cấm tại hầu hết quốc gia. Trong khi đó, nhắn tin khi đi bộ thường được xem là an toàn hơn nhưng thực tế cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Nguy cơ va chạm giao thông luôn thường trực nếu người đi đường mất tập trung, vừa đi bộ vừa nhìn vào điện thoại. New York đang đề xuất dự luật cấm người đi bộ sử dụng các thiết bị di động khi sang đường. Các hành vi bị cấm bao gồm: nhắn tin, kiểm tra email và lướt mạng Internet. Người vi phạm có thể bị phạt từ 25 - 250 USD. Hiện nay, Honolulu là thành phố đầu tiên của Mỹ cấm hành vi vừa đi đường vừa nhắn tin. Sắp tới, New York, Stamford và New Jersey có thể là những thành phố tiếp theo thông qua luật cấm hành vi này.
Chính phủ Nhật Bản muốn tên của người dân sẽ xuất hiện theo thứ tự họ và tên, không phải là tên rồi mới đến họ như truyền thông nước ngoài hiện vẫn sử dụng. Ngoại trưởng Nhật Kono Taro lấy ví dụ: Tên của Thủ tướng Shinzo Abe theo cách viết hiện nay sẽ được sửa theo thứ tự họ trước, tên sau thành Abe Shinzo. Điều này cũng giống như tên gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Mong muốn thay đổi cách gọi tên này đã có từ năm 2000. Đến triều đại Lệnh Hòa mới, để chuẩn bị cho các sự kiện quốc tế lớn sắp diễn ra tại Nhật Bản như Hội nghị thượng đỉnh G20 và Olympic - Paralympic năm 2020, Chính phủ Nhật Bản muốn sự thay đổi cách đọc tên sẽ được chính thức thực hiện.
Ngày 21/5, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ đã tổ chức cuộc họp báo bất thường tại trụ sở LHQ, yêu cầu Mỹ ngay lập tức trả lại tàu hàng bắt giữ trước đó của Bình Nhưỡng. Đại sứ Triều Tiên Kim Song cho rằng, động thái bắt giữ tàu của Mỹ đi ngược lại với tinh thần tuyên bố chung của Chủ tịch Triều Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018. Theo ông Kim Song, Mỹ nên cân nhắc và suy nghĩ về hậu quả từ những hành động của nước này đối với các diễn biến trong tương lai và Mỹ nên trả lại tàu hàng của Triều Tiên ngay lập tức. Trước đó, vào ngày 9/5, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đã bắt giữ tàu Wise Honest có trọng tải 17.600 tấn của Triều Tiên với cáo buộc tàu chuyên chở than bất hợp pháp, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và LHQ.
Tin thể thao:
World Cup 2022 sẽ có 32 đội tham dự: FIFA đã chính thức từ chối đề xuất 48 đội tham dự ở World Cup 2022. Như vậy, sẽ chỉ có 32 đội tham dự ở kỳ World Cup này. FIFA cho biết “sau một quá trình tham vấn” thì việc mở rộng số đội tham dự World Cup 2022 lên 48 đội là điều “không thể thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại" do những khó khăn về hậu cần. Phải đến World Cup 2026 ở Mỹ, Canada và Mexico thì lần đầu tiên số đội tham dự mới được nâng lên thành 48 đội.
MU ngừng theo đuổi Jadon Sancho: Theo ESPNFC, MU đã ngừng theo đuổi tài năng trẻ của Dortmund, Jadon Sancho. Đội bóng của Đức yêu cầu mức giá 90 triệu bảng (102 triệu euro) trong thương vụ này. Mặc dù Sancho vẫn là mục tiêu của MU, tuy nhiên đội bóng chủ sân Old Trafford sẽ chuyển hướng sang những mục tiêu khác như Daniel James, cầu thủ chạy cánh của Swansea, tiền vệ Sean Longstaff của Newcastle cũng như Saul Niguez của Atletico Madrid. HLV Solskjaer muốn tăng cường ít nhất 1 trung vệ đẳng cấp vào mùa Hè này và ông rất quan tâm tới Harry Maguire (Leicester), Kalidou Koulibaly (Napoli) và De Ligt (Ajax).
Sarri muốn đưa Pogba về Juventus: Tờ Tuttosport (Italy) cho biết HLV Maurizio Sarri sẽ đưa Paul Pogba quay về Juventus nếu ông được bổ nhiệm làm HLV của “Bà đầm già” vào Hè năm nay. Pogba đang không hạnh phúc ở MU sau khi “Quỷ đỏ” không giành được vé dự Champions League mùa sau. Cầu thủ người Pháp đã được liên hệ gia nhập Real Madrid, mặc dù vậy, Juventus vẫn nằm trong trái tim của Pogba. Tuy nhiên, MU không có ý định bán Pogba trong mùa Hè này, khi mà HLV Ole Gunnar Solskjaer đã khẳng định rằng muốn xây dựng đội bóng quanh cầu thủ người Pháp.
Barcelona muốn chiêu mộ Llorente: Theo Daily Mail (Anh), Barcelona muốn chiêu mộ tiền đạo của Tottenham, Fernando Llorente trong mùa Hè này. Hợp đồng của chân sút người Tây Ban Nha với Tottenham sẽ đáo hạn vào cuối tháng Sáu năm nay. Chân sút 34 tuổi này dự kiến sẽ tìm kiếm bến đỗ mới trong mùa Hè 2019. Mặc dù Barca được cho là đã tiến sát tới việc giành sự phục vụ của Antoine Griezmann, tuy nhiên đội bóng xứ Catalunya vẫn muốn chiêu mộ thêm 1 tiền đạo nữa để dự phòng cho Luis Suarez. Do vậy Barca đã để mắt tới Llorente.
MU có cách “câu” Toby Alderweireld: Theo báo Anh, MU sẵn sàng để Eric Bailly sang Tottenham để thuyết phục Spurs để Toby Alderweireld đi theo chiều ngược lại. Trung vệ người Bỉ là mục tiêu mua sắm của MU từ lâu nhưng Spurs tỏ ra khá cứng rắn trong vụ này. Nhưng MU tin rằng nếu họ để Bailly tới Spurs thì sẽ thuyết phục được Spurs để Alderweireld tới Old Trafford. Về phần Bailly, anh không còn là lựa chọn số 1 cho vị trí trung vệ đá chính trong đội hình của Ole Gunnar Solskjaer nếu sẵn sàng ra đi tìm kiếm cơ hội mới và Spurs là lựa chọn không tồi dù Arsenal cũng muốn có anh trong đội ngũ.
Townsend giành giải Bàn thắng đẹp nhất Ngoại hạng Anh. Cầu thủ chạy cánh của Crystal Palace, Andros Townsend đã vượt qua nhiều ứng viên để giành giải Bàn thắng đẹp nhất Ngoại hạng Anh 2018/19. Pha lập công của Andros Townsend vào lưới Man City xảy ra ở vòng 18, ngày 22/12/2018.
Antonio Conte đạt thỏa thuận làm HLV Inter Milan: Theo TMW, Antonio Conte đã đạt thỏa thuận dẫn dắt Inter Milan từ mùa tới. Các cuộc thương lượng giữa hai bên tiến triển nhanh đến mức Inter có thể thông báo về hợp đồng với Conte vào ngày 28/5. Thông tin này được được đưa ra ngay sau khi Conte thắng kiện Chelsea và buộc đội bóng Anh phải bồi thường cho ông 9 triệu bảng sau khi Chelsea sa thải Conte. Dự kiến, Conte kí hợp đồng có thời hạn 3 năm với Inter và hưởng lương 10 triệu euro/mùa còn Luciano Spalletti sẽ từ chức sau khi mùa giải này kết thúc.
Mkhitaryan bị chỉ trích vì không dự trận chung kết Europa League. Tiền vệ Henrikh Mkhitaryan sẽ không tham dự trận chung kết Europa League, diễn ra tại Azerbaijan. Lý do là bởi những bất đồng chính trị giữa hai quốc gia Armenia quê hương anh với quốc gia tổ chức trận chung kết Azerbaijan. LĐBĐ Azerbaijan khẳng định rằng họ đảm bảo các yêu cầu về an toàn cho tiền vệ ngôi sao của Arsenal, còn việc "Micky" có tham dự hay không hoàn toàn xuất phát từ quan điểm cá nhân cầu thủ này.
ĐT Đức bỏ qua Kroos và Gotze. HLV ĐT Đức Joachim Loew đã công bố danh sách triệu tập đội hình chuẩn bị cho 2 trận đấu vòng loại EURO 2020 đầu tháng sau. Danh sách triệu tập của ĐT Đức lần này có 3 sự vắng mặt đáng chú ý. Đầu tiên là thủ thành Marc-Andre ter Stegen, tiền vệ Toni Kroos và tiền vệ Mario Gotze.
Vé cả mùa MU vẫn "cháy hàng". Theo số liệu mới công bố, BLĐ MU rất hài lòng khi CĐV mua sạch 52.000 vé trọn mùa trong khoảng thời gian rất ấn tượng. Bên cạnh đó, phía "Quỷ đỏ" chuẩn bị nâng cấp sân nhà Old Trafford với kế hoạch thay mới toàn bộ 75.000 ghế ngồi với chi phí lên tới 3 triệu bảng.
Djokovic thừa nhận khó vô địch Roland Garros: Novak Djokovic cho biết Rafael Nadal là ứng viên vô địch số 1 ở Roland Garros và rất khó cho anh để có thể chinh phục giải đấu này lần thứ 2 trong sự nghiệp. Sau khi vô địch Madrid Masters, Djokovic bị Nadal đánh bại ở chung kết Rome Masters và anh tin tay vợt Tây Ban Nha vẫn là ứng viên vô địch lớn nhất ở giải Grand Slam trên sân đất nện.
Saudi Arabia và Israel “lợi dụng” Mỹ để loại “cái gai trong mắt” Iran?
Lo ngại trước tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, Saudi Arabia và Israel đang muốn “lợi dụng” Mỹ để loại bỏ “cái gai trong mắt” là Iran?
LTS: Aaron David Miller là một chuyên gia tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, đồng thời là một nhà đàm phán về Trung Đông trong chính quyền Mỹ. Richard Sokolsky là một chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và là cựu thành viên của Văn phòng Chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Hai chuyên gia có bài viết với nhan đề "Saudi Arabia và Israel đang đẩy Mỹ vào cuộc chiến với Iran. Trump không nên mắc bẫy" đăng trên CNN ngày 21/5/2019.
Bài viết này như sau:
Đồng minh không cùng lợi ích
Tháng 2/2019, một cuộc họp về Trung Đông với sự sắp xếp của chính quyền Tổng thống Trump đã được tổ chức. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đăng tải trên Twitter rằng cuộc gặp này là để "thúc đẩy lợi ích chung trong cuộc chiến với Iran".
Dòng tweet này sau đó đã bị xóa đi và đăng tải lại với nội dung được điều chỉnh, thay vì là "cuộc chiến với Iran" thì trở thành "sự đương đầu với Iran" nhưng hàm ý mà Thủ tướng Israel muốn truyền tải thì gần như không thay đổi. Trong khi đó, một hãng truyền thông của Saudi Arabia có quan hệ với Thái tử Mohammad bin Salman (MBS) cũng hối thúc Mỹ tiến hành các cuộc "tấn công phẫu thuật" (surgical strikes- hàm ý chỉ các cuộc tấn công nhanh và chính xác) nhằm chống lại Iran sau khi vương quốc này cáo buộc Tehran dùng máy bay không người lái tấn công một đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia.
Hiện tại, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran được cân bằng một cách mong manh, ví như một người đang đi trên dây, không hòa bình nhưng cũng chưa bị đẩy tới mức chiến tranh. Việc chính quyền Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tiến hành chiến dịch gây sức ép tối đa về kinh tế lên Tehran đã làm gia tăng sự bấp bênh trong quan hệ hai bên, đẩy Mỹ và Iran vào vòng xoáy nguy hiểm khi mà chỉ 1 hành động gây leo thang là chiến tranh quân sự có nguy cơ sẽ xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh thiếu một kênh liên lạc trực tiếp để giảm căng thẳng 2 bên.
Nhà bình luận Aaron David Miller và Richard Sokolsky trên CNN cho rằng trong khi cả Saudi Arabia và Israel luôn lên tiếng ủng hộ các chính sách cứng rắn của Mỹ với Iran thì Washinton nên cân nhắc về việc phát động chiến tranh với Tehran bởi lợi ích của 2 nước trên và lợi ích của Mỹ không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ ngăn cản Tehran phát triển vũ khí hạt nhân, ít nhất là cho đến năm 2030 cũng như giám sát nghiêm ngặt các chương trình hạt nhân của Tehran. Theo quan điểm của Aaron David Miller và Richard Sokolsky, giống như nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ trang khác, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn có những hạn chế nhưng đây có lẽ là thỏa thuận tốt nhất có thể đàm phán được trong thời điểm hiện tại khi đáp ứng được mục tiêu cao nhất của Mỹ là ngăn cản Iran với vũ khí hạt nhân thống trị khu vực.
Tuy nhiên, chính phủ Israel và Saudi Arabia “không hề ưa gì” thỏa thuận này. Saudi Arabia quan tâm đến tham vọng địa chính trị tại vùng Vịnh của Iran, trong khi Israel “lo ngay ngáy” kho vũ khí hạt nhân của Iran. Nói cách khác, nếu Mỹ và Iran hòa giải, điều ấy sẽ gây nguy hiểm cho ảnh hưởng và an ninh của Saudi Arabia và Israel trong khu vực.
Thành công trong nỗ lực thuyết phục chính quyền Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Riyadh và Tel Aviv đã đạt được mục tiêu và lợi ích của mình. Trái lại, Mỹ thì không thế bởi Washington sẽ không còn khung kiểm soát nào hạn chế các chương trình hạt nhân, cũng như không có cơ chế nào để tham gia đối thoại với Iran. Chiến lược trừng phạt trở thành một lựa chọn mặc định của Mỹ. Mặc dù thành công trong việc "bóp nghẹt" nền kinh tế Iran nhưng rõ ràng trừng phạt không phải là cách để kiềm chế tham vọng hạt nhân hay tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Sai lầm của Saudi Arabia và Israel khi đối phó với Iran
Tháng 11/2018, Tổng thống Trump đã khen ngợi Saudi Arabia là "một đồng minh tuyệt vời trong cuộc chiến chống Iran vô cùng quan trọng của chúng ta". Tuy nhiên, thay vì có những bước đi hiệu quả nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực, các chính sách của Thái tử Saudi Arabia đã vô tình mở rộng tầm ảnh hưởng của Tehran.
Cuộc chiến tranh kinh tế với Qatar do Saudi Arabia khởi xướng đã gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Ngoài ra, cuộc chiến của Saudi với sự hậu thuẫn của Mỹ nhằm chống lại lực lượng nổi dậy Houthi do Iran ủng hộ đã khiến tình hình Yemen thêm tồi tệ hơn đồng thời tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố như al Qaeda hay IS phát triển. Điều này đã đem đến cho Tehran thắng lợi về mặt tuyên truyền khi khiến hình ảnh của Saudi và Mỹ xấu đi trong khi ảnh hưởng của Iran không mấy suy giảm.
Trong khi đó ở Syria, Israel cũng tìm mọi cách để kiềm chế Iran. Iran đang ngày gia tăng ảnh hưởng ở quốc gia Trung Đông này không chỉ với chính quyền Tổng thống Assad mà còn với các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại đây. Tehran cũng không có ý định sẽ rời Syria. Tuy nhiên, các chính sách của chính phủ Israel với người Palestine tại dải Gaza đã đẩy những người Hồi giáo Palestine vào phạm vi ảnh hưởng của Iran và chống lại Israel trong một loạt các động thái leo thang căng thẳng gần đây.
Chiến tranh với Iran là một cái “bẫy”
Iran không phải mối đe dọa hiện hữu của Mỹ nhưng Saudi Arabia và Israel thì khác. Hai nước này có nhiều lý do để lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran cũng như ảnh hưởng của Tehran với các quốc gia láng giềng. Do đó, cả Saudi và Israel đều muốn Mỹ đối đầu với Iran mặc dù 2 nước này không muốn bị lôi vào cuộc chiến này. Saudi Arabia sẽ bị đe dọa trước các tên lửa đạn đạo của Iran và nước này lo ngại sự tấn công của Tehran có thể phá hủy các cơ sở sản xuất dầu của mình. Trong khi đó, Israel không muốn lao vào một cuộc chiến với lực lượng Hezbollah mà Iran hậu thuẫn với 130.000 vũ khí tên lửa.
Mỹ không muốn và không nên lao vào một cuộc xung đột với Iran, không chỉ vì lợi ích của Mỹ mà còn vì Israel, Saudi Arabia và dĩ nhiên cả Iran. Mỹ nên tránh chiến tranh với Iran bằng mọi giá, trừ khi Tehran đe dọa đến các lợi ích cốt lõi của Mỹ như: ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố chống lại Mỹ ở trong và ngoài nước, bảo vệ dòng chảy dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư, ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Israel và Saudi Arabia đều có những lo sợ có thể hiểu được và những bất an trước Iran. Tuy nhiên, không giống như Thủ tướng Netanyahu và Thái tử MBS - những người hầu như không hứng thú với việc quan hệ với Iran, chính quyền Tổng thống Trump nên nỗ lực mở các kênh liên lạc trực tiếp với Iran. Thứ mà cả Mỹ và Iran đều thiếu để đi đến đối thoại và cải thiện quan hệ 2 bên chính là niềm tin.
Do đó, một cuộc trao đổi nghiêm túc và thẳng thắn giữa 2 bên có thể giúp tránh leo thang căng thẳng và thậm chí mở ra những khía cạnh mà hai bên có thể đàm phán được mặc dù triển vọng đàm phán vẫn còn rất mong manh. Thay vì nghe theo các đồng minh Saudi Arabia và Israel, chính quyền Tổng thống Trump cần tính tới các nhu cầu và lợi ích của chính mình. Căng thẳng Mỹ-Iran chỉ hạ nhiệt khi hai nước bước đầu xây dựng được niềm tin cũng như các quốc gia khác không nên "châm dầu vào lửa" bằng bất cứ hành động can thiệp hay khiêu khích nào.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 23/05/2019 là 1 AUD = 0.687 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 23/05/2019 là 1 AUD = 16,074 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Sáu tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 35 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 20-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 21 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 25 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 25 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào. Gió di chuyển với vận tốc từ 25-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 19 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.