Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Biển Đông : Malaysia chống chiến thuật « chia rẽ Đông Nam Á » của Bắc Kinh

Sunday, May 19, 2019 6:09:00 PM // ,

RFA
Tú Anh
18/05/2019


Thủ tướng Malaysia Mahathir (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 20/08/2018.Reuters
Sau Philippines, Malaysia là mục tiêu thứ hai của Trung Quốc trong chiến thuật bẻ gãy từng thành viên Đông Nam Á để thống trị Biển Đông. Nhưng Mahathir không phải là Duterte. Theo South China Morning Post hôm 18/05/2019, Kuala Lumpur từ chối đàm phán song phương với Bắc Kinh.
Phát biểu trên đài phát thanh độc lập Malaysia BFM 89.9 hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Saifuddin Abdulla cho biết sẽ không có chuyện đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo ông, xung khắc chủ quyền tại Biển Đông cần phải được giải quyết trong khuôn khổ đàm phán đa phương, và Trung Quốc phải đàm phán với 10 nước ASEAN.
Theo các nguồn tin riêng của South China Morning Post , « Bắc Kinh đã gợi ý với Kuala Lumpur thành lập một cơ chế tham khảo song phương » để hai bên thảo luận « riêng với nhau » những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Nhưng Ngoại trưởng Malaysia bác bỏ ý kiến này. Ông giải thích : Đó là chiến thuật của Bắc Kinh đàm phán riêng với từng nước nhỏ ở Đông Nam Á theo kiểu lấy thịt đè người để rồi khi họp chung lại, ASEAN bị phân hóa lập trường, không thảo luận chung được, cuối cùng chỉ thụ động thông qua theo ý Trung Quốc.
Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật « chia để trị » với Kuala Lumpur nhằm vô hiệu hóa Malaysia, như đã thành công trong việc trói tay Philippines của tổng thống Duterte trong hồ sơ Biển Đông. Philippines bỏ qua một bên chiến thắng trên mặt luật pháp quốc tế, đánh đổi chủ quyền quốc gia để được tài trợ xây dựng hạ tầng cơ sở, South China Morning Post nhắc lại.
Tuy nhiên, Trung Quốc đụng phải lập trường cứng rắn của Kuala Lumpur từ khi thay đổi đa số cầm quyền.
Thời thế cũng thuận lợi hơn cho các nước Đông Nam Á.
Được South China Morning Post đặt câu hỏi, chuyên gia Trung Quốc Trương Minh Lượng, đại học Tế Nam, phân tích : Chiến tranh thương mại với Mỹ buộc Trung Quốc tìm cách tạo thế bình ổn với các nước láng giềng, nhưng chiến thuật « chia để trị » có khả năng đụng phải sự đề kháng của Malaysia.
Với sự lãnh đạo của thủ tướng Mahathir, Kuala Lumpur thấy rõ tình hình sáng sủa hơn và lợi thế của Malaysia so với Trung Quốc. Do vậy, không có lý do để thảo luận riêng với Bắc Kinh.

-----------
Trò ‘chia để trị’ nguy hiểm của Trung Quốc với ASEAN
Tác giả: Tang Siew Mun
Ngày đăng: 2019-05-19
Nguồn: Tang Siew Mun, “China’s dangerous divide and conquer game with ASEAN“
Biên dịch: Anh Thư
***
Trong khi Bắc Kinh cẩn trọng gây dựng quan hệ gần gũi với ASEAN, dường như họ đang để mất động lực này khi tranh chấp lãnh thổ nảy sinh ở vùng biển chiến lược. Diễn biến mới nhất đã diễn ra hôm 23/4/2016 khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo rằng Trung Quốc, Brunei, Campuchia và Lào đạt được một “sự đồng thuận” về Biển Đông. Bốn điểm trong cái gọi là sự đồng thuận này bao gồm:
– Trước tiên, những bất đồng trên Biển Đông không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN, và vấn đề này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc-ASEAN.
– Thứ hai, quyền lợi của tất cả các quốc gia là độc lập lựa chọn cách thức giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế cần được xác nhận. Áp đặt một cách tiếp cận đơn phương là sai.
– Thứ ba, theo Điều 5 của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc và ba nước tin rằng các bên liên quan nên giải quyết tranh chấp và những vấn đề lãnh thổ và trên biển thông qua đối thoại và tham vấn.
– Thứ tư, Trung Quốc và các nước ASEAN có năng lực cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông, và các nước ngoài khu vực cần đóng một vai trò xây dựng, thay vì ngược lại.
Trong khi 4/10 quốc gia ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei, có tuyên bố chủ quyền chồng lấn về một phần Biển Đông với Trung Quốc, ASEAN đã nhất quán thông qua và áp dụng phương châm rằng họ sẽ không về bên nào trong tranh chấp chủ quyền. Tranh chấp giữa các nước liên quan cần phải được giải quyết một cách hòa bình, nhất quán với luật pháp quốc tế và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC) mà Trung Quốc đã ký năm 2003.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ASEAN sẽ tự tách biệt mình khỏi vấn đề Biển Đông. Đầu tiên và trước nhất, ASEAN có lợi ích hợp pháp để đảm bảo rằng tự do hàng hải và hàng không, cũng như an toàn đi lại trong vùng biển chiến lược này được duy trì và an ninh khu vực sẽ không bị phương hại. Trên thực tế, sẽ là vô trách nhiệm với ASEAN nếu gạt sang bên vấn đề Biển Đông do nguy cơ gây phương hại của nó đến mối quan hệ nồng ấm và cùng có lợi hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các bên đạt được “sự đồng thuận” cần ghi nhận rằng ASEAN là cơ chế rõ ràng duy nhất để quản lý tranh chấp Biển Đông, khi tất cả các bên tranh chấp có thể tham gia các cuộc thảo luận hợp lý về chủ đề gây chia rẽ này. Họ cần ghi nhớ rằng chính sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã dẫn đến việc kết thúc đàm phán DOC vào năm 2002. Căng thẳng và bất tín gia tăng giữa ASEAN và Trung Quốc trong vài năm qua cần hai bên hợp tác chặt chẽ hơn nữa để hướng đến Bộ quy tắc ứng xử (COC) chính thức và mang tính ràng buộc để thúc đẩy hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
COC là hy vọng tốt nhất của ASEAN và Trung Quốc để định hình lại mối quan hệ chiến lược mong manh hiện tại. Việc gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi các cuộc thảo luận ASEAN có thể giúp Trung Quốc giữ thể diện, song chiến thắng ngoại giao này sẽ dẫn đến cái giá chiến lược khá đắt khi đẩy các bên tranh chấp lại gần hơn với Mỹ và Nhật Bản. Sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông khiến các nước ASEAN quan ngại dễ dàng ủng hộ sự tái cân bằng của Mỹ với châu Á hơn.
Tương tự, hành động của Bắc Kinh cũng tạo thuận lợi cho việc chấp thuận vai trò an ninh mở rộng của Nhật Bản trong khu vực. Sự đồng thuận 4 điểm sẽ tác động đến nội bộ ASEAN theo ba cách. Thứ nhất, Lào sẽ trở thành trung tâm chú ý và đặt ra vấn đề liệu Vientiane có thể thực hiện nghĩa vụ Chủ tịch ASEAN của họ một cách khách quan mà không “khuất phục” trước đòi hỏi của Trung Quốc hay không. Thứ hai, trong số 3 nước có sự đồng thuận, chỉ duy nhất Brunei là quốc gia có tranh chấp. Thứ ba, Trung Quốc sẽ bị xem là hủy hoại sự đoàn kết của ASEAN.
Bắc Kinh sẽ hứng chịu sự chỉ trích mạnh mẽ hơn như từng xảy ra vào năm 2012, khi gây áp lực lên Campuchia để ngăn cản việc đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Uy tín của ASEAN đã bị đặt dấu hỏi khi lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung trong lịch sử của mình. Bất chấp ý định của Trung Quốc thế nào, sự đồng thuận 4 điểm này sẽ được xem là một nỗ lực phá vỡ sự gắn kết và nhất trí trong ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Chiến thuật “chia để trị” của Trung Quốc là một trò chơi nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng của nó sẽ dẫn đến một ASEAN suy yếu, nơi 10 quốc gia thành viên sẽ trở nên nhạy cảm hơn không chỉ với ảnh hưởng của Trung Quốc mà còn với các cường quốc ngoài khu vực. Một ASEAN mạnh mẽ và gắn kết có thể duy trì tính trung tâm của họ sẽ đảm bảo rằng khu vực Đông Nam Á vẫn là một khu vực mở, toàn diện và ổn định, ủng hộ Trung Quốc cũng như các đối tác bên ngoài quan trọng khác trong nỗ lực đạt được tăng trưởng kinh tế và an ninh tập thể. Có thể sẽ là phản tác dụng với Trung Quốc khi thách thức tính trung tâm của ASEAN, song quan trọng hơn, các nước ASEAN cần nhận ra rằng sẽ đạt được rất ít thứ từ việc chia rẽ nội bộ.
Tác giả Tang Siew Mun là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusuf Ishak, Singapore.
-------------

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.