Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Các loại vũ khí chủ chốt được TQ phô trương trong lễ duyệt hạm quốc tế tại Thanh Đảo

Tuesday, April 23, 2019 5:58:00 PM // ,

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng hải quân hôm 23/4, Trung Quốc huy động 32 tàu chiến và 39 máy bay chiến đấu, trong đó nhiều tàu chiến mới như tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục mới, các loại máy bay chiến đấu.
Tàu sân bay Liêu Ninh
Đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Trung Quốc. Nó được đặt theo tên tỉnh Liêu Ninh nơi con tàu được tân trang. Sau một số lần chạy thử, tàu được đánh số 16 và chính thức bàn giao cho Hải quân Trung Quốc vào cuối tháng 9/2012. Nguyên bản của tàu này do Liên Xô đóng cho Hải quân Liên Xô với tên ban đầu là Varyag. Trung Quốc đã mua thanh lý lại từ Ucraina vào năm 1998, khi đó chỉ có khung tàu mà không có động cơ, bánh lái và phần lớn các hệ thống vận hành khác. Năm 2002, chiếc tàu được vận chuyển về cảng Đại Liên và hoàn thiện tại đó. Mục đích mua tàu không được công khai cho đến tận tháng 6/2011 khi chiếc tàu được đóng xong hoàn toàn. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo rằng tàu Liêu Ninh được sử dụng vào mục đích nghiên cứu và huấn luyện. Sự kiện đầu tiên đánh dấu sự tôn tại của tàu Lieu Ninh là vào tháng 9/2012, khi đó tại cảng Đại Liên, tàu Liêu Ninh đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc và được ra mắt với sự có mặt tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Do vốn là tàu Varyag, nên Liêu Ninh có thể xem là thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Nó có chiều dài khoảng 304,5 m, rộng 37 m. Lượng giãn nước là 58.500 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 32 knot (hay 37 hải lý/giờ). Hệ thống vũ khí đáng chú ý của Liêu Ninh là Type 1030 CIWS và tên lửa FL-3000N. Theo thiết kế, nó có thể được trang bị 8 súng phòng không AK-630 AA, 8 CADS-N-1 Kashtan CIWS, 12 tên lửa hải đối hải P-700 Granit SSM, 18 bệ phóng tên lửa hải đối không 3K95 Kinzhal SAM VLS và hệ thống pháo phản lực chống ngầm RBU-12000 UDAV-1 ASW. Mặc dù đã thành công khi công khai về chiếc tàu sân bay đầu tiên, song tàu Liêu Ninh vẫn được đánh giá thấp và chưa thể có mặt trên danh sách các tàu sân bay mạnh và có thể hoạt động ổn định trên thế giới.
Tàu Type 001A
Tàu sân bay lớp 001A là một tàu sân bay được hạ thủy vào năm 2017 để phục vụ Quân Giải phóng Nhân dân của Trung Quốc. Đây là tàu sân bay thứ hai của nước này sau tàu Liêu Ninh và là chiếc tàu đầu tiên được chế tạo trong nước. Tàu sân bay này được Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc đóng tại Đại Liên. Tàu sân bay Type 001A đã trải qua 3 đợt thử nghiệm trên biển trong năm 2018 và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. Dựa trên thiết kế của tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc chế tạo Type 001A từ năm 2013, với một số cải tiến như nâng cấp hệ thống radar, tích hợp trung tâm chỉ huy và đặc biệt là mở rộng nhà chứa máy bay, cho phép tàu có thể mang theo 32 tiêm kích J-15 thay vì 26 chiếc. Tuy nhiên, Type 001A vẫn sử dụng kiểu cất cánh nhảy cầu truyền thống, vốn bị coi là thiết kế lạc hậu và hạn chế tải trọng của các tiêm kích hạm. Điều này khiến Type 001A nhiều khả năng vẫn chỉ được sử dụng trong các nhiệm vụ tác chiến biển gần của Trung Quốc. Sau khi được biên chế chính thức, tàu sân bay nội địa này sẽ được đặt theo tên một tỉnh của Trung Quốc. Trước đó, Type 001A đã trải qua ba đợt thử nghiệm trên biển vào tháng 5, 8, 10/2018.
Tàu ngầm hạt nhân lớp mới
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 095 đóng vai trò hộ tống dưới nước cho nhóm tàu tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc. Hải quân nước này dự kiến biên chế tới 8 tàu ngầm Type 095. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Type 095 có độ ồn thấp hơn nhiều so với mẫu tiền nhiệm Type 093B nhờ sở hữu công nghệ giảm thiểu tiếng ồn tốt. Ngoài ra, tàu cũng được trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), giúp nó có thể hoạt động trong thời gian dài dưới nước.
Tàu khu trục mới
Tàu khu trục Type 055 hoàn tất quá trình thử nghiệm trên biển từ hồi tháng 8/2018. Khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường này có lượng giãn nước tới 12.000 tấn, lớn hơn rất nhiều so với các tàu khu trục thông thường và sẽ đóng vai trò hộ tống chính trong nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của Bắc Kinh. Type 055 được thiết kế dựa trên tàu khu trục mang tên lửa Type 052D và được hải quân Trung Quốc kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ của lớp tàu khu trục tàng hình Zumwalt Mỹ. Về vũ khí, Type-055 được cho là có 128 ống phóng thẳng đứng (VLS) để khai hỏa tên lửa phòng không và các loại đạn khác, nhiều hơn 6 ống so với tuần dương hạm lớp Ticonderoga, lớp tàu mặt nước được trang bị nhiều vũ khí nhất của hải quân Mỹ.
Máy bay chiến đấu
Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 FC-31 “Gyrfalcon” được phát triển bởi Tập đoàn máy bay Thẩm Dương. Định danh FC cho biết đây là dự án do tư nhân phát triển độc lập, khác với dòng J-20 của tập đoàn Thành Đô được quân đội Trung Quốc cấp vốn đầu tư. FC-31 có kích thước nhỏ hơn tiêm kích tàng hình J-20 và có thể ứng dụng nhiều cải tiến từ siêu tiêm kích F-35C của hải quân Mỹ. Máy bay có thể mang tối đa 8 tấn vũ khí, gồm hai tấn ở khoang vũ khí giấu trong thân và 6 tấn trên các giá treo dưới cánh. Trong khi đó, máy bay trinh sát và cảnh báo sớm JK-600 sẽ được trang bị radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) và biên chế cho tàu sân bay sử dụng máy phóng điện từ trong tương lai của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng xác nhận oanh tạc cơ chiến lược mới H-20 sẽ gia nhập biên đội máy bay chiến đấu J-20, máy bay vận tải Y-20 và trực thăng Z-20 trong chuỗi máy bay mới có số hiệu 20 thuộc không quân PLA. Dự án H-20 được Bắc Kinh tiến hành từ đầu những năm 2000 nhưng mới được xác nhận vào 2016. Theo các chuyên gia, H-20 ứng dụng thiết kế cánh bay (flying wing) tương tự mẫu B-2 Spirit của Mỹ, tối ưu cho tầm bay xa và khả năng tàng hình trước radar. H-20 được cho là đạt tầm bay 10.000 km và sử dụng 4 động cơ phản lực WS-10 không có chế độ đốt tăng lực. Biến thể H-20 hoàn chỉnh dường như mang được 20 tấn vũ khí gồm bom và tên lửa hành trình với tầm bắn tới 2.000 km, cũng như một số vũ khí tương lai như tên lửa tàng hình GB-6A.
Giới chức và chuyên gia Trung Quốc nói gì?
Trong phát biểu ngày 20/4, Phó tư lệnh Hải quân Trung Quốc Khâu Diên Bằng tái khẳng định lập trường của Trung Quốc rằng các lực lượng vũ trang của họ không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai và dù có chuyện gì xảy ra thì họ cũng sẽ không bao giờ “theo đuổi bá quyền”. Theo nhà nghiên cứu Zhang Junshe của Trung Quốc, việc nước này mời lực lượng hải quân các nước tham gia hoạt động diễu binh là một chỉ dấu cho thấy sự “cởi mở và tự tin” của Trung Quốc. Song Zhongping, nhà bình luận quân sự của kênh Phoenix TV tại Hồng Công, cho biết cuộc duyệt binh “sẽ phản ánh khả năng chiến đấu thực sự của hải quân” Trung Quốc. “Với rất nhiều đội tàu nước ngoài tham gia lễ kỷ niệm, cuộc diễu hành nên có sự xuất hiện của các tàu chiến đang hoạt động và sẵn sàng chiến đấu. Cuộc duyệt binh nhằm mục đích cho thấy khả năng chiến đấu của hải quân Trung Quốc, nhưng tàu Type 001A chưa chính thức đi vào hoạt động vì chưa sẵn sàng chiến đấu”, nhà bình luận Song nhận định.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.