Đoàn Việt Nam lúng túng tại kiểm điểm ICCPR: cũng tại người dân hiểu biết hơn xưa
Tuesday, March 19, 2019
5:30:00 PM
//
Nhân Quyền
,
Slide
Nguồn: Việt Báo Online
Tác giả: Ts. Nguyễn Đình Thắng
19/03/2019
Những ai theo dõi cuộc kiểm điểm (Cuộc kiểm điểm là diễn đàn ngoài nước cho người dân không tiếng nói ở trong nước) trong 2 ngày 11 và 12 tháng 3 vừa qua của LHQ đối với Việt Nam về thực thi Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) đều thấy sự lúng túng và mất bình tĩnh của đoàn Việt Nam trước các câu hỏi chính xác, cụ thể và dai dẳng của các uỷ viên của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ, cơ quan thực hiện cuộc kiểm điểm.
Từ lúng túng…
Đoàn đại diện chính quyền Việt Nam, mà trưởng đoàn là Thứ Trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Khánh Ngọc, chỉ được chuẩn bị để nói về chính sách, về luật pháp và về các số thống kê một chung chung. Họ bị bất ngờ khi 18 thành viên của Uỷ Ban Nhân Quyền LHQ luân phiên nêu các hồ sơ cụ thể và yêu cầu đoàn Việt Nam trả lời tường tận.
Chẳng hạn, có thành viên đặt câu hỏi về hồ sơ của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo Nguyễn Hữu Tấn đã chết trong đồn công an, và những thân nhân đã bị chính quyền hăm doạ trả thù vì không đồng ý với kết luận của công an là nạn nhân đã tự sát bằng dao rọc giấy. Đoàn Việt Nam lờ đi không trả lời.
Hoặc, một số thành viên đã nêu vấn đề Hội Cờ Đỏ nhiều lần và yêu cầu đoàn Việt Nam cho biết là đã điều tra, khởi tố và trừng phạt các thủ phạm và bồi thường cho các nạn nhân ra sao. Đoàn Việt Nam lờ đi không trả lời.
Các vấn đề tù nhân lương tâm, luật sư nhân quyền bị bách hại, các cộng đồng tôn giáo bị đàn áp, tình trạng người Hmong và người Tây Nguyên bị trở thành vô quốc gia vì không chấp nhận bỏ đạo, các tổ chức xã hội dân sự độc lập bị cấm hoạt động, các người đấu tranh nhân quyền bị chặn xuất cảnh, các người biểu tình ôn hoà bị đánh đập và bắt bớ, các cộng đồng bị cưỡng chế đất đai… đã được các thành viên của UBNQLHQ tuần tự nêu lên một cách rành mạch và cụ thể. Đoàn Việt Nam lờ đi không trả lời.
Quang cảnh cuộc kiểm điểm ICCPR đối với Việt Nam tại LHQ, Geneva ngày 11/03/2019 (ảnh BPSOS)
Đến nói bừa
Nhưng lờ cũng không được vì các thành viên của UBNQLHQ nhắc tới nhắc lui cùng một số câu hỏi, đến nỗi vị trưởng đoàn Việt Nam đã lên giọng trách UBNQLHQ là không “fair” (không công bằng) vì được cho quá ít thì giờ để trả lời quá nhiều câu hỏi. Ông này lại còn chê rằng các uỷ viên của UBNQLHQ không đủ sức để hiểu cặn kẽ hệ thống luật Việt Nam. Có lúc ông này lại còn cảnh giác rằng Việt Nam có thể chế riêng; UBNQLHQ hoặc bất kỳ thế lực nào bên ngoài đều không có quyền đặt định. Thậm chí, Ông Khánh còn cáo buộc rằng một số câu hỏi của UBNQLHQ là vô căn cứ, là dựa trên những nguồn không đáng tin cậy.
UBNQLHQ đã ôn tồn nhắc đoàn Việt Nam rằng:
(1) Việt Nam đã bỏ 2 chu kỳ kiểm điểm và do đó UBNQLHQ tất nhiên có rất nhiều câu hỏi cho thời gian 17 năm giữa 2 kỳ kiểm điểm;
(2) đoàn Việt Nam sẽ có 48 tiếng đồng hồ sau cuộc kiểm điểm để trả lời trên văn bản nên không phải lo là không đủ thời gian;
(3) các thành viên của UBNQLHQ đọc kỹ và hiểu rõ luật Việt Nam nhưng muốn biết sự ứng dụng của luật vào những trường hợp cụ thể ra sao;
(4) UBNQLHQ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, nhưng khi Việt Nam đã ký công ước ICCPR thì phải tuân thủ và vai trò của UBNQLHQ là theo dõi sự tuân thủ ấy;
(5) UBNQLHQ nhận được thông tin từ nhiều nguồn đáng tin cạy, độc lập với nhau và với chính quyền Việt Nam.
Cuối cùng, vị Chủ Tịch của UBNQLHQ yêu cầu Việt Nam trả lời vào đề, bằng văn bản, các câu hỏi cụ thể của UBNQLHQ nội trong 48 tiếng.
Phỏng vấn một số tham dự viên trong 15 phút nghỉ giải lao, Geneva, ngày 11/03/2019 (ảnh BPSOS)
Các nguồn thông tin độc lập
Để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm ICCPR vừa qua, BPSOS và các tổ chức cộng sự đã bỏ ra khoảng 1 năm để thực hiện trên chục bản báo cáo từ tháng 4 năm ngoái đến ngay sát cuộc kiểm điểm. Các tổ chức cộng sự gồm có: Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam, Liên Minh Chống Tra Tấn – Việt Nam, Hội Đoàn Kết Phật Giáo và Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu.
Chỉ vài tiếng trước khi cuộc kiểm điểm bắt đầu, BPSOS và các tổ chức cộng sự vẫn tiếp tục cập nhật cho UBNQLHQ các thông tin mới nhất. Nhiều tổ chức XHDS khác cũng thế.
Đó là yếu tố đã khiến cho các thành viên của UBNQLHQ nắm vững các hồ sơ cụ thể, hiểu sâu từng vấn đề một và đã hỏi những câu hỏi chính xác, đến nơi đến chốn làm cho đoàn của chính phủ Việt Nam lúng túng và bị động.
BPSOS và các tổ chức cộng sự đã lấy thông tin từ đâu?
Thông tin này đến từ chính các nạn nhân và nhân chứng ở trong nước qua các bản báo cáo đúng thủ tục và tiêu chuẩn của LHQ. Trong 5 năm qua, BPSOS đã huấn luyện gần 2 nghìn thành viên của các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc về cách thu thập và phối kiểm chứng cứ, và khoảng 150 người biên soạn báo cáo từ các chứng cứ ấy. Đến nay, khoảng 200 bản báo cáo đã được nộp cho LHQ. Kết quả là Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về bị báo cáo.
Muốn học về báo cáo, một cộng đồng phải tiếp cận được chương trình huấn luyện trực tuyến của BPSOS. Muốn thế, mỗi cộng đồng phải có ít nhất một máy vi tính và vài chiếc điện thoại thông minh để sử dụng chung. Hàng năm, BPSOS đều kêu gọi đồng hương ở hải ngoại đóng góp cho phần chi phí này.
Nói cách khác, sự lúng túng và bị động của đoàn Việt Nam tại cuộc kiểm điểm vừa qua là do các nạn nhân và nhân chứng đã cung cấp thông tin gốc, những người tình nguyện đã tích cực viết báo cáo hoặc dịch các bản báo cáo sang tiếng Anh để gửi đi, những nhà hảo tâm đã cung cấp dụng củ hoặc tài chính để mua các dụng cụ kỹ thuật, và những người trong tuần qua đã bỏ công đến Geneva để trình bày thực trạng ở Việt Nam với UBNQLHQ.
Khi những người này xem lại video trực tuyến của cuộc kiểm điểm, xin hãy thấy công lao của chính mình trong đó. Và những ai chưa góp phần cho cuộc kiểm điểm lần này, xin hãy nghĩ đến những gì mình có thể và cách nào góp phần cho các cuộc kiểm điểm sẽ còn diễn ra nhiều nữa trong tương lai.
Họp báo tường thuật cuộc kiểm điểm ICCPR đối với Việt Nam, Geneva, ngày 12/03/2019 (ảnh BPSOS)
--------
0 comments