Bản tin ngày 19-3-2019
Tin Biển Đông
BBC có bài phỏng vấn GS Nguyễn Đình Phú: Đường Lưỡi bò và cuộc chiến âm thầm của một người Việt ở Mỹ. Ông Phú cho biết: “Qua theo dõi, nghiên cứu, tôi thấy chính phủ Trung Quốc luôn có dã tâm độc chiếm Biển Đông, và Đường Lưỡi bò phi pháp là một phương tiện”. Bên cạnh các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, củng cố căn cứ trên các đảo nhân tạo, tập trận thường xuyên và ra lệnh cấm bắt cá, Trung Quốc còn tiến hành cuộc “xâm lược mềm” bằng các bản đồ, ấn phẩm chứa đựng yêu sách của Bắc Kinh.
Để thúc đẩy cuộc “xâm lược mềm” này, “gần đây Trung Quốc đã đứng ra thành lập nhiều tạp chí khoa học quốc tế, như công ty xuất bản MDPI có trụ sở tại Thuỵ Sĩ do người Trung Quốc làm chủ đang vận hành hàng chục tạp chí với số lượng xuất bản vô cùng lớn. Nhiều bài báo đăng trên các tạp chí này trong thời gian gần đây có chèn Đường Lưỡi bò”.
Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc tuyên bố xây căn cứ hậu cần chiến lược ở đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa, Zing đưa tin. Theo đó, chính quyền đảo Hải Nam vừa “ngang nhiên công bố dự định phát triển cơ sở hạ tầng, biến đảo Phú Lâm và hai đảo lân cận là đảo Cây và đảo Duy Mộng” trở thành “căn cứ hậu cần và dịch vụ chiến lược then chốt” của Trung Quốc. Cả 3 hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa này của Việt Nam hiện đều bị Trung Quốc chiếm đóng.
Một quan chức địa phương tên Zhang Jun tiết lộ rằng, kế hoạch phát triển “Tam Sa” ở đảo Phú Lâm “dựa trên một phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2018 và chỉ thị của chính quyền trung ương tại Bắc Kinh vào tháng 4/2018”.
Mời đọc thêm: Trung Quốc ngang nhiên lên kế hoạch phát triển “thành phố Tam Sa” (DT). – Chủ tàu cá Quảng Ngãi kể lại việc bị tàu Trung Quốc xịt vòi rồng, ép va vào đá (NLĐ). – Ngư dân Quảng Ngãi kể lúc bị tàu Trung Quốc uy hiếp ở Hoàng Sa (Zing). – Ngóng chồng ở Hoàng Sa (NNVN). – Little Saigon: Hội luận ‘Con Đường Thoát Trung,’ vận hội mới cho Việt Nam (NV).
Tin nhân quyền
Trong phiên xử ngày 18/3/2019, TAND Cấp cao TP HCM tuyên y án sơ thẩm với 5 thành viên “Liên minh dân tộc Việt Nam”, báo Người Lao Động đưa tin. Các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Phan Trung, Từ Công Nghĩa bị cáo buộc “đã có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia”.
Trong phiên tòa sơ thẩm, ông Vịnh bị tuyên 15 năm tù, ông Hoàn 13 năm, ông Độ 11 năm, ông Nghĩa 10 năm và ông Trung 8 năm tù. Sau hình phạt tù còn có 3 năm quản chế tại địa phương. Các bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng trong phiên tòa phúc thẩm họ bị tuyên y án. Cũng không lạ vì các tội phạm chính trị hiếm khi được giảm án.
Tình tiết không xuất hiện trên các báo “lề đảng”: Sau khi bị tuyên án, năm thành viên Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết bị y án hô to “đả đảo phiên tòa bất công”, theo RFA. Bà Lê Thị Thập, vợ ông Vịnh, kể lại diễn tiến vụ xử: “Họ cũng chỉ có đọc và tuyên thôi. Thẩm phán thì cũng nhảy vào miệng các bị cáo chốt và nói, chứ các bị cáo cũng không được nói hẳn đầu đuôi. Cũng như phiên tòa trước, họ cũng bác bỏ hầu hết các lời biện hộ của luật sư”.
LS Đặng Đình Mạnh cho biết “ông rất cảm phục những người này”, lập trường của họ không hề thay đổi trước những bản án hà khắc và sự đàn áp của an ninh, tòa án. Ông Mạnh nói thêm, “bài bào chữa của ông nêu ra 5 ý kiến để tranh luận với Viện kiểm sát nhân dân TPHCM, tuy nhiên phía chính quyền tỏ ra hời hợt trong tranh luận”.
Mời đọc thêm: Nhóm Liên Minh Dân Tộc Việt Nam bị CSVN xử y án rất nặng (NV). – “Đả đảo cộng sản” (FB Nguyễn Thúy Hạnh). – Đằng sau ‘Bộ Công an xây dựng dự án Luật Biểu tình’ là gì? (Blog VOA). Báo “lề đảng”: Y án sơ thẩm đối với 5 bị cáo là thành viên của ‘Liên minh dân tộc Việt Nam’ (Tin Tức). – Tuyên y án Lưu Văn Vịnh cùng 4 đồng phạm (CL). – Y án sơ thẩm nhóm phản động ‘Liên minh dân tộc Việt Nam’ (TP).
Dự án khai thác dầu khí của PVN ở Venezuela
Được Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng bật đèn xanh, các báo “lề đảng” tiếp tục có bài phê phán vụ PVN đầu tư ở Venezuela vượt quyền Quốc hội, đồng thời ám chỉ vai trò của “đồng chí X” trong thương vụ này. Báo Giáo Dục VN có bài: Chỉ “sâu chúa” mới dám và vượt mặt Quốc hội, ném chục ngàn tỉ ra ngoài như thế?
Bài viết nhận định: “Ý kiến cho rằng cơ quan chức năng ‘phớt lờ báo cáo Quốc hội’ là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên đây không thuộc trách nhiệm của PVN hay PVEP mà là trách nhiệm của Chính phủ”. Nhiều người hiểu rằng từ “sâu chúa” ám chỉ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật liên quan tới nhiều đường dây quyền lực, từng lũng đoạn nền kinh tế và tàn phá đất nước.
Báo Dân Việt bàn về tình trạng “ném tiền qua cửa sổ” của Tập đoàn dầu khí PVN. Bài viết lưu ý vụ PVN vội vã vượt quyền các cơ quan lãnh đạo cao nhất của chế độ, để nộp phí “bonus” cho Venezuela, đợt 1: 300 triệu Mỹ kim, đợt 2: 142 triệu Mỹ kim. “Ngạc nhiên hơn là các chuyên gia đàm phán PVN đã cài điều kiện cực kỳ bất lợi khi chấp nhận 15 ngày sau thời hạn này, nếu không nộp đủ tiền, ‘toàn bộ cổ phần’ của PVN trong liên doanh sẽ ‘tự động bị chuyển’ cho đối tác Venezuela”.
Mời đọc thêm: Dự án tỷ USD ở Venezuela: Chưa làm gì, PVN ‘hoa hồng’ ngay trăm triệu USD (VNN). – Petro Vietnam đầu tư ra nước ngoài: Nguy cơ “sa lầy” loạt dự án lớn (VnEconomy). – Ngoài dự án tại Venezuela đang “sa lầy”, các dự án ở nước ngoài của PVN ra sao? (BizLive). – Bộ Chính trị – Nhân tai ‘chưa bao giờ như thế này’! (Blog VOA/TD). – Những người thợ săn hối lộ của Việt Nam nhắm vào dự án dầu ở Venezuela (NAR/ TD). – Trần Thị Sánh: PVN không thể quyết định đầu tư sang Venezuela (TD).
“Củi” dầu khí và vụ án Oceanbank mở rộng
VOV đưa tin: Cựu Tổng Giám đốc Vietsovpetro chuẩn bị hầu tòa vì lạm dụng chức vụ. Theo đó, TAND TP Hà Nội sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP) vào ngày 21/3/2019. Vụ án có 2 bị cáo là ông Từ Thành Nghĩa, cựu Tổng GĐ VSP và ông Võ Quang Huy, cựu kế toán trưởng VSP.
Theo VKSND Tối cao, “với vai trò là lãnh đạo, cán bộ của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, trong năm 2013 – 2014, 2 bị cáo trong vụ án đã quyết định việc gửi tiền của VSP vào OceanBank”.
Mời đọc thêm: Triệu tập nguyên TGĐ OceanBank Nguyễn Minh Thu tới phiên xử vụ VSP (CL). – Vụ án tại Vietsovpetro: Tòa triệu tập nguyên Tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu (Tin Tức). – Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn xin vắng mặt phiên tòa xử 2 cựu lãnh đạo Vietsovpetro (ĐTCK).
Vụ án Vũ “nhôm”
Ngày 18/3/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố thêm 5 cựu cán bộ lãnh đạo tại Đà Nẵng, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Các ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND TP, Phan Xuân Ít, cựu Phó Văn phòng UBND TP, Lê Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cung ứng tàu biển Đà Nẵng, Nguyễn Đình Thống, cựu GĐ Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng và Phan Minh Cương, cựu Tổng GĐ Công ty CP Xây dựng 79
Cả năm bị cáo bị khởi tố liên quan đến tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Báo Người Đưa Tin dẫn lời người trong cuộc hé lộ buổi khám xét nhà cựu Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Tổ trưởng tổ dân phố nơi ông Nguyễn Ngọc Tuấn cư ngụ, cho biết: Công an đến từ sáng, “đọc lệnh khám nhà xong thì công an làm việc. Có ông Tuấn ở trong nhà. Tôi không thấy cảnh sát đọc lệnh khởi tố hay bắt giam gì. Có thể họ đã thực hiện việc này trước đó… Công an đã lập biên bản và thu giữ một số tài liệu gì đó”.
Trang Bảo Vệ Pháp Luật đặt câu hỏi: Ông Nguyễn Ngọc Tuấn và “bộ sậu” đã giúp Vũ nhôm mua rẻ đất vàng như thế nào? Theo kết quả điều tra, ông Tuấn và các đồng phạm đã cùng nhau hạ thấp giá đất “vàng” ở Đà Nẵng, tạo điều kiện các công ty của Vũ “nhôm” thu gom đất công sản với giá rẻ, “gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng”.
Bài báo cho biết: Lúc còn là Phó GĐ Sở XD, ông Tuấn “đã ký 5 văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng các nhà, đất công sản không sát với giá thị trường, gây thiệt hại đối với ngân sách Nhà nước hơn 56 tỷ đồng”. Đến lúc làm Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Tuấn ký tiếp 2 văn bản đồng ý cho Vũ “nhôm” sở hữu dự án Khu đô thị Harbour Ville, “gây thiệt hại đối với ngân sách Nhà nước hơn 90 tỷ đồng”.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi về vụ khởi tố cựu PCT UBND TP Đà Nẵng: Công ty I.V.C liên quan thế nào? Bài báo cho biết: Công ty I.V.C đăng ký trụ sở tại số nhà 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Căn nhà này từng là trụ sở báo Đại Đoàn Kết ở miền Trung, đã được bán như cho, biến thành nhà riêng của ông Phan Văn Anh Vũ.
Mời đọc thêm: Loạt cựu quan chức Đà Nẵng bị khởi tố liên quan đến sai phạm của Vũ ‘nhôm’ (VNF). – Thêm nhiều cựu lãnh đạo ở Đà Nẵng bị khởi tố liên quan Vũ “nhôm“ (VOV). – Khởi tố thêm năm đối tượng liên quan sai phạm của Phan Văn Anh Vũ (ND). – Khởi tố, khám xét nhà nguyên phó chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn (NLĐ). – Video: Khám nhà các quan chức liên quan đến vụ án Vũ ‘nhôm’ (TTXVN). – Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cùng nhiều cán bộ Đà Nẵng bị khởi tố vì hành vi nào? (TN). – Cựu Phó chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn từng xin nghỉ hưu sớm (VNN).
Những kẻ thi hành luật bảo vệ kẻ hiếp dâm
Công an vừa có kết luận bao che cho kẻ hiếp dâm trong vụ bé gái 9 tuổi bị dâm ô: Công an xác định “không có hành vi hiếp dâm”, báo Thanh Niên đưa tin. Trước đó, bé gái 9 tuổi bị xâm hại ở vườn chuối ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội khiến nhiều người bất bình vì bé gái không chỉ bị hiếp mà còn bị hành hung đến gãy tay và xương hàm.
Tuy nhiên, trung tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ, khẳng định “không có hành vi hiếp dâm trong vụ này”. Dù trước đó, chính công an huyện này thừa nhận “quá trình xâm hại bé V.N.Q, bị can Trình dùng vũ lực khiến nạn nhân bị rạn xương tay phải, gãy 1 răng hàm dưới”. Nhiều người đặt câu hỏi: Có lẽ thủ phạm có “ô dù” nên rất ung dung sau khi phạm tội ác với trẻ nhỏ.
Thiếu tá Tống Quang Hiếu, Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Chương Mỹ giải thích kẻ xâm hại bé gái ở vườn chuối được tại ngoại do “phạm tội ít nghiêm trọng”, theo VietNamNet. Ông Hiếu cho biết, “với các chứng cứ và lời khai ban đầu, cơ quan công an khởi tố nghi phạm theo khoản 1, điều 146, bộ luật Hình sự. Đây là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, được tại ngoại và dùng biện pháp ngăn chặn cấm khỏi đi nơi cư trú”.
Trái với nước Mỹ, nơi luật pháp bảo vệ trẻ em nên những con yêu râu xanh khó thoát tội. Ngược lại, ở Việt Nam, luật pháp bảo vệ các quan chức, lãnh đạo, nên tội nói xấu, phê phán lãnh đạo luôn được xem nghiêm trọng và bị xử nặng hơn gấp nhiều lần so với tội hiếp dâm.
Không đồng ý với kết luận của công an, Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN đề nghị bắt giam kẻ xâm hại bé gái 9 tuổi trong vườn chuối, VietNamNet đưa tin. Hội này gửi văn bản đến GĐ Công an và Viện trưởng VKSND TP Hà Nội, đề nghị “chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục bắt giam nghi can Nguyễn Trọng Trình… để điều tra, làm rõ về hành vi xâm hại tình dục bé gái 9 tuổi trong vườn chuối”.
Trong văn bản có đoạn: “Vụ án xảy ra đối với cháu Q. là vụ án nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, thân thể của nạn nhân. Việc cháu Q. bị gãy răng hàm dưới, rạn xương tay phải chứng tỏ có sự vật lộn dùng bạo lực và trước đó có sự đe dọa dùng bạo lực rất mạnh”.
Trang Đời Sống và Pháp Luật đưa tin vụ nữ sinh bị sàm sỡ trong thang máy chung cư: Người đàn ông bị phạt 200.000 đồng. Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cho biết đã quyết định xử phạt hành chính ông Đ.M.H, “người đàn ông bị tố sàm sỡ, cưỡng hôn cô gái trong thang máy chung cư Golden Palm ở phường Nhân Chính”. Mức phạt “quá nặng”: 200.000 đồng, như muốn khuyến khích ông này tái phạm!
Rất lạ là báo chí đồng loạt dùng cụm từ “cưỡng hôn” trong trường hợp này, trong khi hành động của người đàn ông này là “cưỡng dâm”, vì “cưỡng hôn” là cưỡng ép người nào đó lấy một người khác làm chồng hoặc làm vợ. Còn “cưỡng dâm” là dùng sức mạnh cưỡng ép người phụ nữ làm những chuyện dâm ô để cho thỏa sự dâm dục của kẻ cưỡng dâm.
Mời đọc thêm: Vụ bé gái 9 tuổi bị dâm ô: “Không có hành vi…hiếp dâm” (KT). – Xâm hại bé gái 9 tuổi đến rạn xương, gãy răng vẫn được tại ngoại (TN). – Xôn xao gã bán thịt hại đời bé gái được tại ngoại (ĐV). – Xâm hại bé gái 9 tuổi đến rạn xương tay: Trưởng công an huyện giải thích lý do cho bị can tại ngoại (NLĐ). – Lý do kẻ xâm hại bé gái ở vườn chuối được tại ngoại sau 9 ngày tạm giữ điều tra (GĐM). – Vụ bé gái bị xâm hại trong vườn chuối: ‘Đủ yếu tố cấu thành tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi’ (PNVN).
– Vụ bé gái 9 tuổi ở Hà Nội bị gã bán thịt xâm hại: Xót xa những lời gan ruột của người cha (ĐS&PL). – Kẻ xâm hại bé gái tại Chương Mỹ được tại ngoại: Cục Trẻ em phản đối (VOV). – Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị bắt giam kẻ xâm hại cháu bé 9 tuổi (VTC). – Vụ bé gái 9 tuổi bị xâm hại ở Hà Nội: Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị công an tiếp tục bắt tạm giam nghi phạm (TQ). – Cưỡng hôn dâm nữ sinh trong thang máy, bị phạt… 200.000 đồng (TT). – Cô gái bị sàm sỡ trong thang máy: Phạt hành chính ‘yêu râu xanh’ 200.000 đồng (TN). – Đối tượng sàm sỡ cô gái trong thang máy không đến xin lỗi (ANTĐ).
Tài xế vs BOT
RFA tổng kết tình hình tài xế chống BOT ‘bẩn’: Số bị giải tán, người bị bắt. Bài viết lưu ý chuyện BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, một trong các trạm BOT tai tiếng nhất ở miền Bắc, vừa chính thức hoạt động trở lại sau khi các tài xế phản đối trạm này bị đàn áp rất mạnh. “Một số tài xế phản đối BOT đã bị bắt giam với tội gây rối trật tự. Một tài xế bị bắt giam gây phản ứng mạnh mẽ trong công luận là ông Hà Văn Nam, tài xế ở tỉnh Thái Bình”.
Bài báo cho biết: “Ngay khi BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài thu phí trở lại, Đội CSGT số 15 được huy động phối hợp với các đơn vị cảnh sát cơ động, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, công an huyện Sóc Sơn và các lực lượng chức năng khác tại cơ sở, trực suốt ngày đêm”, ngay cả BOT Cai Lậy cũng chưa được bảo vệ bởi lực lượng đông đảo như vậy.
Báo Đất Việt đặt câu hỏi về chuyện kiểm tra BOT Ninh Lộc: Vì sao mời công an vào cuộc? Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng TCĐB VN giải thích: “Mời thêm các bên vào làm việc thì sẽ có sự giám sát chéo lẫn nhau, dư luận cũng không nghĩ rằng đây là chuyện riêng của ngành giao thông mà có sự cả nể… Chứ không có vấn đề gì khác”. Trước đó, một nhóm tài xế nghi ngờ số liệu của TCĐB “không đúng nên đã tổ chức căng lều cạnh trạm BOT để tự đếm”.
Mời đọc thêm: Nhìn thẳng, nói thật: Ai đứng sau dự án BOT gây nhiều tranh cãi? (DV). – Thanh tra đột xuất việc thu phí tại trạm BOT Ninh Lộc (TT). – Bộ Giao thông kiểm tra thu phí tại trạm BOT Ninh Lộc (VNE). – Bộ GTVT sẽ kiểm tra việc thu phí tại Trạm BOT Ninh Lộc (NLĐ). – Tài phí “méo mặt” với mức thu phí xe tải trên 18 tấn cao nhất nước tại BOT Ninh Lộc (GDTĐ). – ‘Nhìn’ từ BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài: Mất 10 nghìn đồng, hay mất niềm tin? (VNF). – Khối tài sản kếch xù của ông chủ BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài (VNN).
Môi trường tiếp tục bị tàn phá, ô nhiễm
Báo Công An TP HCM đưa tin: Formosa Hà Tĩnh dùng xỉ thải để làm công trình khi chưa được đồng ý. Theo đó, lãnh đạo Hà Tĩnh phát hiện Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa (FHS) xây thêm công trình không phép từ đầu tháng 7/2018, nên đã yêu cầu đình chỉ công trình này, lúc đó đã hoàn thành được 31%, nhưng không có biện pháp trừng phạt hay cưỡng chế tháo dỡ nào.
Ngày 18/3/2019, ông Trần Xuân Tiến, GĐ sở Xây dựng Hà Tĩnh, cho biết: “Đến thời điểm này, Công ty FHS vẫn chưa có hồ sơ văn bản gửi sở ban ngành tỉnh Hà Tĩnh về vật liệu xỉ thép. Hiện Formosa đang thuê các viện nghiên cứu thị nghiệm vật liệu này”.
Tuy nhiên, quan chức Bộ TN-MT khẳng định xỉ thép Formosa dùng làm công trình không ảnh hưởng môi trường, theo báo Thanh Niên. Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nói rằng, loại xỉ thép Formosa dùng làm đường công vụ tại khu liên hợp gang thép FHS “không gây ảnh hưởng đến môi trường và được phép sử dụng”, theo đúng cái cách lãnh đạo ngành môi trường đã hợp thức hóa chuyện Formosa đầu độc biển miền Trung hồi năm 2016.
Vấn nạn ở TP.HCM: Báo động ô nhiễm không khí, nguồn nước ở các vùng ven, trang Môi Trường Đô Thị đưa tin. Theo đó, “những dòng kênh đen ngòm bốc mùi hôi khủng khiếp, những cột khói đen được xả từ các công ty, xí nghiệp phủ kín cả một vùng, những bãi rác tự nhiên chất đống tồn tại qua năm tháng” đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở các vùng quận, huyện ngoại thành TP HCM.
Mời đọc thêm: Yêu cầu Formosa dừng dùng xỉ thép làm công trình (VNN). – Tổng cục Môi trường lên tiếng vụ Formosa dùng xỉ thép san nền (PLTP). – Formosa dùng xỉ thép để san lấp, xây dựng: Hợp quy chuẩn môi trường? (DT).
– Không khí rơi vào ‘vùng cam’ (TN). – Ô nhiễm không khí giết chết nhiều người hơn khói thuốc lá (TP). – Người dân Biên Hòa bức xúc do suối Linh bị ô nhiễm (ND). – Gia Lai: Cần xử lý ngay trang trại gây ô nhiễm (MTĐT). – Biến đổi khí hậu khiến cây cối tiết ra chất độc chết người (TT).
Hàng trăm học sinh nhiễm sán lợn
Thông Tấn Xã VN đưa tin vụ trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: 209 trường hợp kết quả dương tính. Trong khoảng 2000 trẻ được đưa đến Hà Nội xét nghiệm sán và một số ký sinh trùng khác trong các ngày cuối tuần qua, đã có “209 trường hợp trẻ ở Bắc Ninh sau khi được gia đình đưa đi xét nghiệm có kết quả dương tính với ấu trùng sán lợn”. Các bệnh viện cảnh báo con số này nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Hàng chục học sinh bị nhiễm ký sinh trùng sán dây lợn, ai chịu trách nhiệm? LS Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng: “Trường học đã ký hợp đồng với Công ty Hương Thành, công ty này lại cung cấp thực phẩm không đảm bảo ATTP để chế biến bữa ăn cho các học sinh, thức ăn đó là nguyên nhân dẫn đến hàng chục học sinh bị nhiễm sán dây lợn. Vậy Công ty H.T phải chịu trách nhiệm theo quy định, song song đó là trách nhiệm của nhà trường”.
Vấn nạn an toàn vệ sinh thực phẩm đã được cảnh báo từ ít nhất hai thập niên qua bởi cả các trang “lề đảng” và “lề dân”, nhưng lãnh đạo, quan chức CSVN không quan tâm. Đến nay, do vụ hàng trăm học sinh mầm non, tiểu học ở Bắc Ninh bị nhiễm sán, hậu quả quá lớn, các lãnh đạo mới bắt đầu “tát nước theo mưa”. VOV đưa tin: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế tổ chức xét nghiệm sán lợn ngay tại Bắc Ninh.
Nếu thật sự quan tâm, Thủ tướng không đợi đến lúc này mới yêu cầu Bộ Y tế và nhiều bộ, ngành khác vào cuộc. Nếu thật sự có trách nhiệm, Thủ tướng phải yêu cầu các bộ, ngành xem lại toàn bộ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ít nhất là ở tỉnh Bắc Ninh, chứ không chỉ trong vấn đề sán lợn.
Không đợi Thủ tướng yêu cầu, công an và các bộ, ngành vào cuộc vụ học sinh nhiễm sán lợn: Trụ sở công ty được cho là cung cấp thực phẩm đã gỡ biển, đóng kín cửa, báo Người Lao Động đưa tin. Người dân gọi đây là “mất bò mới lo làm chuồng”, trong khi không ít phụ huynh ở Bắc Ninh đã lên tiếng tố cáo từ lúc công ty này còn ngang nhiên đưa thực phẩm bẩn vào trường học.
VTC có clip, ghi lại “cảnh hỗn loạn ở Trường mầm non Mão Điền”. Theo đó, “sáng nay 18/3, hàng chục phụ huynh đã kéo tới trường mầm non Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh để ‘truy vấn’ Hiệu trưởng. Xô xát nhẹ đã xảy ra và lực lượng công an phải có mặt để vãn hồi trật tự”:
Infonet đặt câu hỏi vụ hàng trăm trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Bữa ăn trường học bị bỏ ngỏ? BS Nguyễn Trọng An đặt câu hỏi: “Chúng ta đều biết rằng sức khỏe của trẻ em là phụ thuộc vào ăn uống, dinh dưỡng hàng ngày. Mặc dù ngành Y tế và Giáo dục đã ban hành nhiều quy định về Bảo đảm ATVSTP cho bữa ăn cho học sinh, tuy nhiên thực hiện rất hạn chế. Thực tế bữa ăn của trẻ ở trường học đã bị bỏ ngỏ từ lâu rồi”.
Mời đọc thêm: Phụ huynh lo lắng kết quả xét nghiệm vụ trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: “Tôi muốn làm 2 nơi để so sánh” (DS). – Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành vào cuộc vụ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh (NB&CL). – Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra vụ nhiễm sán lợn tại Bắc Ninh (TTXVN). – Vụ hàng chục học sinh nhiễm sán lợn, trách nhiệm thuộc về ai? (CL&XH). – Bắc Ninh đình chỉ một loạt cán bộ sau vụ trẻ nhiễm sán lợn (TP).
– Video: Sự nguy hiểm của sán lợn và cách phòng tránh lây nhiễm (TTXVN). – Video: ‘Quá độc ác khi đưa thực phẩm bẩn vào trường học vì lợi nhuận’ (Zing). – Vụ hơn 100 học sinh mầm non đồng loạt bị phát hiện nhiễm sán: Công ty cung cấp thực phẩm đã “âm thầm” gỡ biển hiệu từ lúc nào (TQ).
– Vụ trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: Thêm 1 trường mầm non bị các phụ huynh ‘truy vấn’ (PNVN). – Sự thật thông tin Chủ tịch Bắc Ninh có quan hệ họ hàng với chủ doanh nghiệp cung cấp ‘thịt bẩn, gà thối’ (VTC). – Doanh nghiệp, nhà trường cung cấp thịt bẩn bị xử lý ra sao? (Zing). – Nếu 209 trẻ nhiễm sán do thực phẩm bẩn từ bếp ăn của trường, ai sẽ bị xử lý? (GĐM). – Phụ huynh trẻ nghi nhiễm sán lợn: Thà bỏ công, bỏ việc cũng không cho con ăn trưa ở trường (TQ).
https://baotiengdan.com/2019/03/19/ban-tin-ngay-19-3-2019/
0 comments