Bộ mặt nực cười, hổ lốn, dơ bẩn, bỉ ổi của CSVN trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày
Bộ mặt được khắc họa chân thật nhưng nực cười, hổ lốn, dơ bẩn, bỉ ổi của CSVN trong cuốn Đêm Giữa Ban Ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên
Phạm Mạnh Hảo (Danlambao) - Vũ Thư Hiên (VTH) sn 1933, 86 tuổi, hiện đang tị nạn CS ở Paris, Pháp, là con cụ Vũ Đình Huỳnh, thư ký của HCM. VTH có thời gian sống gần HCM, gần tới mức ông kể có lần xoáy thuốc lá thơm của ông Hồ, nghe buồn cười. Là người sống trong lòng chế độ, gần những lãnh đạo, lãnh tụ, những đảng viên cấp cao CS VN nên hồi ký chính trị của ông, Đêm Giữa Ban Ngày, ngồn ngộn tư liệu, đầy tính chân thật. Từ năm 1967-1976, ông đi tù vì bị coi là thành phần xét lại chống đảng. Tôi đọc hồi ký này, chỉ trích những đoạn tôi cho là đắc nhất đưa vào bài viết này để quý độc giả thấy bộ mặt thật của Hà Nội. Nguyên cuốn sách thì dày cộm, không thể trích nhiều và nó muốn qua hải quan phải mất 5 đô la Mỹ. Cứ có tiền là qua, khỏi cần biết đây là thứ bom tàn phá ý thức hệ CS được nói một cách chân thật.
CS thì khôi hài, lố bịch. Làm lãnh tụ còn đạo văn, hóa ra cái họ dạy người là đểu, giả, vậy mà còn dạy người khác. VTH viết: “Hai trước tác được xem như sách gối đầu giường là cuốn Chủ Nghĩa Mác và Vấn đề văn hóa VN và cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi của Trường Chinh. Về sau, khoảng đầu thập niên 50, Vũ Thư Hiên tình cờ vớ được cuốn Chủ Nghĩa Mác & Công Cuộc Phục Hưng Nền Văn Hóa Pháp của Roger Garaudy (nguyên ủy viên bộ chính trị ĐCS Pháp, trong thập niên 60 tuyên bố tự do sáng tác, không cần đến chủ nghĩa hiện thực XHCN, bị các giới chức văn hóa VN lên án dữ dội, coi như một thứ hoa độc trong văn học). Đọc xong, Vũ Thư Hiên mới ngã ngửa ra rằng ông Trường Chinh đáng kính của ông là một bản sao tuyệt vời của cuốn này trong trước tác Chủ Nghĩa Mác và Vấn đề văn hóa VN, được ca tụng như một văn kiện có tính chất cương lĩnh. Bố cục cuốn sách hầu như giữ nguyên, thậm chị Trường Chinh trích dẫn đúng những đoạn mà Roger Garaudy trích dẫn Mác, Engels, và cả Jean Fréville. Tiếp theo là sự phát hiện đáng buồn về cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Định Thắng Lợi. Nó quá giống cuốn Trì Cửu Chiến Luận (Bàn Về Đánh Lâu Dài) của Mao Trạch Đông.
Nếu hai tác phẩm của Trường Chinh là đạo văn thì cuốn Sửa Đổi Lề Lối Làm Việc của HCM là đạo văn nốt. Nó là bản diễn Nôm cuốn Chỉnh Đốn Văn Phong của Mao Trạch Đông cộng một chút Sự Tu Dưỡng Của Người Đảng Viên CS của Lưu Thiếu Kỳ. ”
Giữa đồng chí với nhau, họ đối xử với nhau đểu cáng, dối trá, bỉ ổi, không đẹp như cái trình ra cho đời trên tivi, trên báo chí là CS đoàn kết, văn minh, đạo đức. VTH viết: “Vào thời kỳ có cuộc đấu tranh giữa hai đường lối, việc có nhiều nhân vật cao cấp bị công an mật theo dõi không còn là chuyện lạ. Thậm chí các công an viên được phân công theo dõi Võ Nguyên Giáp còn khoe với bạn bè công việc vinh quang của họ. Đến nhà cách mạng cao niên rất mực hiền lành Tôn Đức Thắng cũng không thoát khỏi con mắt cú vọ của Lê Đức Thọ (LĐT làm Trưởng ban Tổ chức TW, trong đảng, ông đứng thứ 2, chỉ sau Lê Duẩn tổng bí). Cụ TĐT đâu phải là người thèm muốn chức quyền. Với đám con cháu, cụ Tôn nói: “Tụi bay đừng có kêu tao bằng phó chủ tịch nước, nghe ngứa con ráy lắm! Người ta đặt đâu, tao ngồi đó, chứ tao không màng cái chức chi hết. “Ngoài việc dự các nghi lễ long trọng bắt buộc phải có mặt cụ, cụ không có làm việc gì khác ngoài việc cụ thích thú hơn cả là sửa xe đạp. Làm phó chủ tịch nước, ông thợ máy ngày trước buồn tay buồn chân. Hết xe đạp hỏng cho cụ sửa, anh em bộ đội bảo vệ và nhân viên phục vụ phải lấy xe đạp của người nhà mang vào cho cụ kẻo cụ ngồi không cụ buồn. Thương cụ quá, đôi khi họ còn làm cho xe trục trặc dắt đến cho cụ sửa giùm. Một người bạn Vũ Thư Hiên quen thân với cụ Tôn, cha anh trước kia là đàn em cụ, đến thăm cụ, cụ dắt tay vào buồng riêng thì thào: “Mày có thấy lính kín theo mày tới đây không mày?” Anh ngạc nhiên quá. Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu: “Là tao lo cho tụi bay, chứ tao hổng lo cho tao. Trong nhà tao nè, lính kín hổng có thiếu. “
Cũng chuyện nội bộ CS VN, đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một kẻ phản bội, khi bị bắt đã khai và làm vỡ một số cơ sở đảng. VTH viết: “Sau khi Nguyễn Chí Thanh chết, tên ông được đặt cho đường phố, chân dung ông ta được in trên những con tem. Thế rồi bỗng nhiên người ta im lặng hẳn về viên đại tướng lừng danh và tên tuổi NCT chìm vào quên lãng.
Chuyện này có nguyên nhân. Số là 2 năm trước khi cái chết của NCT (1967), ông Đặng Xuân Thiều trong lúc hấp hối đã cho mời một số đồng chí ở Trung ương Đảng tới để trối trăng về vụ NCT phản bội, xưng khai, làm vỡ một số cơ sở đảng. Ông chỉ ra những nhân chứng: “Trước đây chúng tôi không nói vì thấy NCT vẫn tích cực tham gia công tác cm, thôi thì việc quá khứ rồi, bỏ qua cho hắn, cho có cơ hội lập công chuộc tội. Sau đó thì không nói được nữa – Bác và Bộ chính trị quá tín hắn, cho hắn phụ trách toàn việc lớn, nói ra mang vạ vào thân. Nay tôi sắp chết, phải nói lại việc này kẻo tủi cho vong linh các đồng chí đã hy sinh không được ai nhắc đến, tên phản bội thì được ca ngợi như anh hùng.” Trung Ương kiểm tra lại thì thấy đúng mới lẳng lặng dẹp sự xưng tụng kia đi, chỉ còn một con đường ở TP HCM là còn giữ tên NCT. Người ta chưa thay vì ngượng, chẳng lẽ lại cho “bọn ngụy” biết tại sao phải thay tên đường. “
Hồi 1930, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh có khẩu hiệu quái lạ: “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Sau khi được nửa nước VN rồi thì CS đối xử với trí thức lệch lạc. VTH viết: “Đảng đối xử với trí thức rất không công bằng. Đảng tập hợp họ, bảo họ chỉnh huấn để củng cố và nâng cao lập trường thì họ thành tín như những cậu học trò nhỏ ngồi nghe cán bộ đảng dạy bảo. Ngỡ ngàng trước những tín điều lạ tai, lòng nhủ rằng mình mang nhiều tư tưởng của các giai cấp bóc lột nên không hiểu nổi những điều đảng dạy, họ tin cậy đưa tay cho đảng dìu dắt, hùng hổ xỉ vả nhau về những khuyết điểm có thật và không có thật đối với cách mạng, cặm cụi viết những bản tự kiểm thảo trước đảng, hy vọng được đảng tha thứ mọi lỗi lầm, để được đi theo đảng đến chân trời cộng sản.
Đảng bảo phải hạ phóng (xuống cơ sở), ba cùng (cùng ăn, ở, lao động), thế là họ bỏ luôn bàn giấy, phòng thí nghiệm, giảng đường, ba lô lên vai xuống nông thôn, chịu cực, chịu khổ, ba cùng với nông dân, ngày ngày tu dưỡng hòng có được những đức tính của người dân cày chẳng cần học cũng có…
Đảng hô hào phóng tay phát động quần chúng làm cải cách ruộng đất thì họ lăn lộn ngày đêm nơi bùn lầy nước đọng “thăm nghèo hỏi khổ, bắt rễ xâu chuỗi” (vận động bần cố nông đấu tranh với địa chủ bằng cách từ một nông dân bị bóc lột nặng nề nhất lôi kéo nông dân khác). Cùng với đội với đoàn họ mẫn cán thực hiện định mức thành phần (không xuất phát từ tình hình cụ thể phù hợp hay không, chẳng hạn người ta đề ra 5% địa chủ thì đội cải cách cứ tìm đủ số), tìm ra cho bằng được, cho đủ số kẻ thù theo chỉ tiêu đảng đặt ra, hăng hái lôi bọn “cường hào, ác bá” ra đấu tố, ra pháp trường. Đến khi đảng ngượng ngùng tuyên bố sửa sai thì họ mới ngã ngửa ra rằng họ, những trí thức, lẽ ra phải lấy nhân ái làm đầu, thì đã theo đảng nhúng tay vào máu. Do quá tin đảng, họ nhắm mắt tuân theo, không suy nghĩ, ai ngờ cùng với chủ thuyết lấy đấu tranh giai cấp làm động lực tiến hóa, đảng đã gây ra vô vàn bi kịch trong đời sống một dân tộc hiền hòa.
Nhưng rồi bị đảng dẻo mỏ thuyết phục rằng sai lầm là nhất thời, thắng lợi là cơ bản, họ lại lẽo đẽo theo đảng, dùng uy tín của trí thức, lôi kéo nhân dân vào những phong trào lẩm cẩm, thậm chí phản khoa học như cấy dày để tăng sản lượng lúa, cắt đuôi, cắt tai, cắt tuyến giáp trạng lợn cho lợn mau lớn, tăng năng suất vận tải bằng một xe kéo nhiều rơ-moóc… Kịp tới khi những cánh đồng cấy dày chỉ cho rơm chứ không cho thóc, những con lợn bị cắt đuôi, cắt tai, cắt tuyến giáp trạng lăn đùng ra chết tốt (người tò mò có thể tìm thấy trong thư viện những bài báo cổ động những phong trào lẩm cẩm này trong chính báo Nhân Dân những thập niên 50-60), những xe tải kéo nhiều rơ-moóc hỏng hàng loạt thì họ mới ngã ngửa ra lần nữa, chợt thấy đảng chẳng phải là trí tuệ và lương tâm thời đại như báo đảng quảng cáo, mà chỉ là một mớ tả pí lù những kiến thức chấp vá học mót ở những thầy mo bên Tàu.”
HCM đối xử với đàn em không công bằng. Hồ thì đầy cao vọng, nhưng khi mắc lỗi thì vì là lãnh tụ tối cao, Hồ phải chịu trách nhiệm trước hết chứ, đằng này Hồ đổ cho đàn em là Trường Chinh chịu trách nhiệm chính… Lãnh tụ tối cao mà không biết việc trong nước xảy ra thế nào là bậy, là trái với kiến thức thông thường. Trong một tỉnh, cứ còn một người dân đói rét, bất hạnh là tỉnh trưởng phải nhận là lỗi của mình. Ông Hồ cũng tương tự. VTH viết: “Cha Vũ Thư Hiên, thư ký của HCM, là cơ sở cách mạng, là nơi qua lại của các ông Trường Chinh, Xuân Thủy, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long, Nguyễn Duy Trinh, Lê Quang Đạo, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Khuất Duy Tiến, Đặng Châu Tuệ, Đặng Kim Giang, Bùi Lâm, Đặng Việt Châu. Cha VTH khẳng định người chịu trách nhiệm chính trong sai lầm cải cách ruộng đất là HCM chứ không phải Trường Chinh, như có sự ngộ nhận kéo dài nhiều năm. Trường Chinh là con dê tế thần cho cái sai lầm của ông Hồ.
Con người rất đáng kính trọng, Hoài Thanh, tác giả tập phê bình Thi Nhân Việt Nam nổi tiếng, sống trong chế độ mới đã trở thành kẻ uốn gối khom lưng, nịnh bợ, hèn nhát. Mỗi lần lãnh tụ nói chuyện, Hoài Thanh ngồi ở hàng đầu, chực sẵn để khi lãnh tụ xuống giọng chấm câu hoặc hết đoạn thì đứng lên vỗ tay làm gương cho cử tọa vỗ theo. VTH không hiểu tác giả của Thi Nhân Việt Nam. Ông hiển nhiên có một chỗ trên chiếu danh cho bậc lão làng văn chương, ông còn muốn gì nữa?
Đảng viên cấp cao, bộ trưởng bộ thông tin tuyên truyền, Trần Huy Liệu, người cùng với Cù Huy Cận và Nguyễn Lương Bằng, thay mặt chính phủ nhận sự thoái vị và ấn tín của vua Bảo Đại gặp Mao Trạch Đông thì rất buồn cười. VTH viết: “Trần Huy Liệu điên tiết vì bức ảnh đăng trên Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh với dòng chú thích: “Đồng chí Trần Huy Liệu, trưởng đoàn đại biểu VN đã được hân hạnh Mao Chủ Tịch cho bắt tay” nhân forum Bắc Kinh 1965. HCM an ủi ông Liệu: “Người ta ai mà chả rứa, thiên triều mà!” Một hôm Vũ Thư Hiên đến chơi thấy ảnh Mao Trạch Đông vẫn thường treo không còn chỗ cũ. Ông Liệu nói: “Tao cũng như bác Hồ, tao ỉa vào thiên triều, tao là thằng dân tộc chủ nghĩa.”
Đó là trong nội bộ với nhau đã đểu cáng, giữa các nước CS với nhau cũng hạ tiện, không “đạo đức, văn minh, trí tuệ” như báo đảng quảng cáo. VTH viết về cách Bắc Việt đối xử với văn hóa phẩm Liên Xô và cả các nước khác: “Xã hội VN trong những năm ấy là xh khép kín. Một lỗ thủng để dân chúng có thể nhòm được ra ngoài là sơ suất của ngành an ninh, là trọng tội đối với kẻ đã dám khoét cái lỗ thủng đó hoặc phát hiện ra nó để sử dụng. Mọi thứ sách báo nước ngoài đều là sách báo địch, mọi thứ đài nước ngoài đều là đài địch, trừ các sản phẩm văn hóa của các nước XHCN. Sau đại hội XX ít lâu, sách báo Liên Xô và các nước Đông Âu cũng bị cấm nốt, cũng bị coi là văn hóa phẩm độc hại. (Giới thạo tin kể rằng chủ tịch hội đồng bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosyghin (1904-1981) trong cuộc hội đàm với thủ tướng Phạm Văn Đồng năm (1965?) đã hỏi thẳng về chuyện báo chí LX bị cấm bán, PVĐ chối. Kosyghin đề nghị dừng hội đàm để cả hai cùng ra phố xem thực hư ra sao thì PVĐ thoái thác. Để giữ hòa khí với nước đàn anh, người ta vẫn mua sách báo LX với khối lượng lớn như trước, nhưng chở thẳng tới các nhà máy giấy để tái chế. ) Tin của VN thông tấn xã cũng chia làm nhiều loại: loại thường, loại mật và loại tối mật. Tin mật hay tối mật không phải lấy từ tin tình báo mà lấy từ đài phát thanh nước ngoài, vẫn là thứ bị cấm ngặt không ai được nghe. Cán bộ cơ sở và dân thường nghe loa truyền thanh cũng đủ. Người dân, kể cả trí thức kỹ thuật hay trí thức nhân văn chỉ còn tự túc món ăn tinh thần bằng những câu chuyện ngồi lê đôi mách.
Ở VN, kiến thức được chia thành hai loại : chính thống và phi chính thống. Người giám định duy nhất có thẩm quyền là Đảng, hiện thân trong cái gọi là Ban Tuyên Giáo, Ban Tuyên Huấn, Ban Khoa Giáo, Ban Văn Hóa Tư Tưởng,… Những gì không được các ban nói trên cho là chính thống thì nhân dân không được dùng. Vì thế các vụ đốt sách Victor Hugo, Shakespeare, Guy de Maupassant, Molìere,… đập đĩa nhạc của Beethoven, Verdi, Mozart,… được lặp lại nhiều lần không phải là chuyện lạ.”
Cũng là CS cả mà CS VN sớm đầu tối đánh với Trung Cộng, thay đổi xảo quyệt chứ không trung thành gì với Tàu Cộng. Những năm 50, theo Mao là đúng, tư tưởng Mao được ghi vào điều lệ đảng là kim chỉ nam cho đảng CS VN. Chế Lan Viên, nhà thơ vào hạng “quan chức văn nghệ”, chuyên đánh Nhân Văn Giai Phẩm có thơ:
Bác Mao không ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao.
Đến 1979, hai nước Cộng Sản nện nhau, CS VN chửi Mao & những người theo Mao không ra gì. Nay thì CSVN hèn nhát, lúc nào cũng mong lấy lòng Tàu mà không được như Tổng bí chủ tịt Trọng nói với Tập Cận Bình: “Trà VN không ngon bằng trà TQ. CS VN sợ Tàu Cộng một phép, rất hài hước. VTH viết: “Kể từ ngày hồng quân TQ theo lệnh Đặng Tiểu Bình vượt biên giới vào VN để “dạy cho bọn côn đồ VN một bài học” thì ngành truyền thông VN quay ngoắc 180 độ chửi bới chủ nghĩa Mao & những người lãnh đạo TQ sau Mao hết lời. Vũ Thư Hiên đọc cuốn Chủ nghĩa Mao Không có Mao của NXB Thông tin Lý luận 1982 và rùng mình trước sự tráo trở. Cứ như trước đây họ chưa từng nuốt chửng từng lời của bác Mao vĩ đại. “
Kết luận: CS, ở đây là HCM, dám nói Mahatma Gandhi, hay thánh Gandhi ở Ấn Độ đấu tranh bất bạo động là cải lương, là đánh đĩ chính trị, chỉ có dứt khoát đánh thực dân Pháp, đế quốc Mỹ mới là con đường duy nhất đúng. Chủ nghĩa Mác – Lênin, theo CS VN, là đỉnh cao trí tuệ nhân loại, đảng viên là người tốt, giỏi nhất. Đảng CS là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ, là lương tâm thời đại. Đọc Đêm Giữa Ban Ngày ta thấy ngược lại, CS VN là xấu xa, là thấp kém, hổ lốn vì không theo trật tự mà lương tri thông thường chấp nhận.
Đà Nẵng 16-3-2019.
0 comments