Đại-Dương: Thế giới chuẩn bị chiến tranh?
12/03/2019
Vựa Trí thức RAND (The RAND Corporation think tank) đã tập trận hàng năm trên computer và đưa ra tuyên bố Lỗ hổng An ninh của Hoa Kỳ (America’s Security Deficit) bằng kết luận “Hoa Kỳ sẽ thua trong cuộc đối đầu quy ước với Trung Cộng và Nga”.
RAND lập luận “mặc dù Hoa Kỳ chi tiêu 700 tỉ USD/năm cho một loạt siêu-vũ-khí, kể cả Hàng không mẫu hạm tàng hình, nhưng, không thể ngăn Nga, Trung Cộng tràn ngập đồng minh Mỹ ở Baltics hoặc Đài Loan.
Những căn cứ tiếp vận đồ sộ và 58 Lữ đoàn Tác chiến của NATO khắp Châu Âu thực tế không thể phòng chống được hỏa tiễn hành trình, phi cơ tự hành (không-người-lái, drone), trực thăng vì Bộ Binh đã loại phần lớn lực lượng phòng không cơ động. Do đó, cần đầu tư 24 tỉ USD cho hoả tiễn để bắn hạ phi cơ, hoả tiễn, drones bay tới.
RAND khen ngợi chính quyền Donal Trump đề ra ngân sách quốc phòng năm 2020 gồm có “giải nhiệm Hàng không mẫu hạm USS Harry Truman sớm hơn hàng thập niên và cắt giảm hai Thuỷ bộ hạm. Tiền dôi ra sẽ đầu tư các Căn cứ Không Quân và hệ thống phòng thủ hoả tiễn; đồng thời, bố trí phản lực cơ tàng hình F-35 của Thủy quân Lục chiến có thể cất cánh từ các phi đạo dã chiến nhỏ”.
Không ai muốn chiến tranh, đặc biệt đối với thế chiến. Nhưng, ngăn chặn nó xảy ra như thế nào đòi hỏi trí tuệ của loài người trước tham vọng ích kỷ của một số lãnh tụ hoặc quốc gia.
Phản ứng của Hoa Kỳ
Thứ nhất, chặn đứng sự tái phát triển của chủ nghĩa cộng sản dù núp dưới bất cứ chiêu bài nào. Tổng thống Donald Trump đã phát biểu rõ ràng tại các diễn đàn quốc tế cũng như quốc nội. Chấm dứt chính sách ngoại của Tổng thống Barack Obama tại Cuba. Ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc Venezuela và Ba Tây. Khuyến khích Chủ tịch Kim Chính Ân từ bỏ chính sách khép kín.
Thứ hai, chặn đứng chính sách bành trướng kinh tế thông qua hoạt động “thương mại ăn cướp” và “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh. Đòi Bắc Kinh phải tuân theo các điều đã cam kết khi gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO). Ngày 28/02/2019, Uỷ ban Giái quyết Tranh chấp WTO đồng ý với khiếu nại năm 2016 của Hoa Kỳ về việc Trung Cộng trợ giá nông sản 100 tỉ USD vượt quá quy định của WTO. Bắc Kinh có thể kháng cáo để kéo dài tình trạng trợ giá. Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Tập Cận Bình vừa giăng bẫy nợ vừa tăng cường sự thống trị kinh tế và quân sự. Đã có 6 quốc gia rơi vào bẫy nợ và 26 nước khác gặp nguy cơ. Áp lực bẫy nợ giúp Bắc Kinh thiết lập các căn cứ quân sự ở Djibouti, Hy Lạp, Châu Mỹ La Tinh, Nam Á, Ấn Độ Dương … TT Trump quyết định sử dụng biện pháp quan thuế để tức tốc chặn đứng kiểu thương mại ăn cướp của Trung Cộng từng làm cho hầu hết các quốc gia trên thế bị thâm thủng mậu dịch với Bắc Kinh. Quyết định này giúp cho Hoa Kỳ mà nhiều quốc gia khác cũng thoát khỏi chiếc bóng ma thương mại của Trung Cộng.
Thứ ba, triệt hạ mọi hành động sao chép kỹ thuật, ăn cắp tài sản trí tuệ của Bắc Kinh khiến Trung Cộng khó tăng cường tiềm lực kinh tế và quân sự đe doạ tới cộng đồng quốc tế. Dư luận thế giới cho rằng lực lượng quân sự của Trung Cộng đang ngang bằng với Hoa Kỳ nhờ sao chép kỹ thuật thông qua các hệ thống truyền thông hiện đại. Tạp chí An ninh Quốc tế ngày 8 tháng 3-2019 lập luận “sản xuất vũ khí hiện đại đòi hỏi cơ sở hạ tầng và khối trí tuệ to lớn nên khó làm giả”. Do đó, một quốc gia không dễ dàng có được công nghệ quân sự hiện đại. Trong lãnh vực kỹ thuật quân sự thì quốc gia có nhiều vũ khí hiện đại sẽ không hẵn càng có nhiều hơn.
Thứ tư, gia tăng sức mạnh quân sự: (a) Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Nguyên tử Tầm trung (INF) ký với Liên Sô năm 1987. Trung Cộng đứng ngoài INF nên tự do phát triển Lực lượng Nguyên tử Tầm trung đe doạ Châu Á buộc Hoa Kỳ phải tìm biện pháp trực diện. (b) Không Quân Mỹ đang thử nghiệm kiểu drone XQ-58A Valkyrie giống như Tiêm kích cơ F-35 thu nhỏ với tốc độ gần-siêu-âm (Mach 0.9) tương đương 691dặm/giờ, bán kính tác chiến 1,500 dặm, mang theo 500 cân Anh, có thể xuất phát từ phi trường dã chiến để phối hợp tác chiến cùng các loại chiến đấu cơ, trinh sát cơ, tiên báo cơ, tiếp xăng cơ. Valkyries giá rẻ có thể tràn ngập, ném bom, gây nhiễu, phát hiện và phơi bày hệ thống phòng thủ hoả tiễn, cảm tử với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ của F-22 hoặc F-35. (c) Hoa Kỳ đóng thiết giáp hạm có nhiệm vụ phá huỷ các bộ cảm biến dưới đáy biển, cắt cáp ngầm của Bắc Kinh và chịu được các cú va chạm với tàu bè của Trung Cộng. Bởi lẽ, các khu trục hạm Mỹ thường bị hư hại khi va chạm. Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ưa sử dụng chiến thuật đâm vào tàu nhau. (d) Từ khi tái khởi động Bộ tứ Kim cương (QUAD) năm 2018 gồm có Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc Đại Lợi hình như chưa gắn bó giữa bốn cường quốc biển vì sự thay đổi chính trị ở Tân Đề Ly và Canberra nên coi như lực lượng dự trữ. Các liên minh song phương và tam phương sẽ đóng vai trò quan trọng hơn cho nền an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. (e) Anh, Pháp, Úc đã thực hiện các cuộc tuần tra (FONOP) trên Biển Nam Trung Hoa.
Phản ứng của quốc tế
Thứ nhất, các cường quốc Châu Âu muốn độc lập hơn với Hoa Kỳ, nhưng, thiếu khả năng phòng thủ trước lực lượng quân sự vượt trội của Nga. Thực tế, an ninh Châu Âu vẫn do Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảm trách. Các quốc gia Baltics và Đông Âu rất cần và tin vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ.
Thứ hai, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Đông Nam Á (AEC) muốn đóng vai trò quan trọng hơn trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thịnh vượng và cởi mở, nhưng, khó tìm sự đồng thuận khi một thành viên bị Bắc Kinh mua chuộc. Chủ trương bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh và sự tôn trọng chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ đã kéo một số quốc gia ASEAN thận trọng hơn đối với Trung Cộng. Tổng thống Rodrigo Duterte công khai nguyền rũa Tổng thống Barack Obama mà bây giờ đã đòi và được Hoa Kỳ cam kết sẽ tôn trọng Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương năm 1951. Mã Lai Á ngưng các dự án hạ tầng trị giá 22 tỉ USD với Trung Cộng và Thủ tướng Mahathir Mohamad công khai khuyên Manila hãy thận trọng với Bắc Kinh. Indonesia tuyên bố quyền-chủ-quyền trên Biển Bắc Natuna nhằm phản bác tuyên bố “vùng chồng lấn” của Bắc Kinh.
Thứ ba, dù không từ bỏ chính sách bành trướng bá quyền, nhưng, Bắc Kinh đang cố tránh rơi tình trạng bị “bề hội đồng” trên các phương diện ngoại giao, kinh tế, quân sự mà cố nín thở chờ Tổng thống Donald Trump mãn nhiệm kỳ.
Con đường tránh thế chiến
Thứ nhất, Hoa Kỳ phải tránh tình trạng “hai đánh một không chột cũng què” bởi vì Quân đội Mỹ hiện nay không đủ khả năng tiến hành một lúc hai cuộc chiến tranh rưởi như trước kia. Người Mỹ phải đặt quyền lợi quốc gia trên đảng phái, sắc tộc, cá nhân để tập trung sức mạnh tổng hợp khiến cho bất cứ quốc gia nào cũng phải gườm khi muốn nổ súng.
Thứ hai, Biển Đông Á (gồm Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa) đang tiềm ẩn nguy cơ Thế chiến cao hơn hết. Giao tranh chủ yếu sẽ xảy ra trên biển là nơi Hoa Kỳ và các Hải Quân đồng minh chiếm ưu thế về vũ khí (kể cả nguyên tử), phương tiện, kinh nghiệm hải chiến.
Thứ Ba, không một quốc gia nào có khả năng đơn phương ngăn chặn được tham vọng vô bờ của Nga và Trung Cộng, ngoại trừ Hoa Kỳ. Vì thế, hợp tác chặt chẽ với người Mỹ là con đường duy nhất để duy trì nền an ninh thế giới và chủ quyền quốc gia, hạnh phúc dân tộc.
Đại-Dương , Mar 12, 2019
Tài liệu tham khảo:
RAND Corp wargames: U.S. loses to combined Russia/China forces (American Thinker)
China May Be Using the Belt and Road Initiative to Covertly Develop Military Infrastructure Abroad (VICE news)
Tom Cotton: China risking military conflict in the South China Sea (Washington Examiner)
Is China’s Path to Military Parity With the US Through Intellectual Property Theft Doomed? (Diplomat)
A Mini F-35?: Don’t Go Crazy Over the Air Force’s Stealth XQ-58A Valkyrie (National Interest)
US Asia Strategy: Beyond the Quad (Diplomat)
U.S. Sees Rising Chinese Military Activity in South China Sea (Bloomberg)
The US Air Force just tested a stealth combat drone for suicide missions against Russia and China (Business Insider)
China and North Korea’s Worst Fear: The U.S. Navy Starts Building New ‘Battleships’ (National Inter
https://baotgm.net/dai-duong-the-gioi-chuan-bi-chien-tranh/
0 comments