Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 13/01/2019

Sunday, January 13, 2019 4:01:00 PM //

Tin Việt Nam – 13/01/2019

Dân phong toả bãi rác Nam Sơn,

phản đối ô nhiễm, Hà Nội ứ rác

Hàng trăm người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chặn xe vào bãi rác Nam Sơn trong 3 ngày qua để phản đối tình trạng bãi rác gây ô nhiễm. Truyền thông trong nước hôm 13/1 cho biết như vừa nêu.
Theo truyền thông trong nước, việc người dân phong toả bãi rác đã khiến rác ở thành phố Hà Nội mấy ngày nay ngập ứ vì bãi rác Nam Sơn là nơi xử lý rác của 4 quận nội thành với công suất trên 4.000 tấn mỗi ngày.
Theo Zing, người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn đã kiến nghị nhiều lần về tình trạng bãi rác ô nhiễm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và được chính quyền hứa đến 2018 sẽ giải quyết xong việc đền bù đất và di dời người dân khỏi khu vực ô nhiễm. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, người dân cho biết vẫn chưa thấy có tiến triển gì.
Theo báo Lao Động, vào tháng 10/2017, người dân cạnh khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng chặn xe chở rác trong nhiều ngày liên tiếp khiến hàng trăm tấn rác tồn đọng khắp thị xã Sơn Tây và các quận huyện nội thành.
Zing trích lời của ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết, sáng ngày 13/1, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã về địa phương để lắng nghe ý kiến người dân.
Theo Vietnamnet, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội gần đây đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xủ lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn. Mức giá hỗ trợ được tính theo khoảng cách từ chỗ ở đến nơi xử lý từ 0 mét đến 1000 mét với các mức giá khác nhau, thấp nhất là 27.000 đồng/30 ngày mỗi người và cao nhất là 133.000 đồng/ 30 ngày mỗi người.

Hết năm 2018, nhà của ca sĩ Mỹ Linh

vẫn chưa bị dỡ bỏ

Tin Hà Nội —  Báo Lao Động ngày 13 tháng 1 năm 2019 loan tin, đại diện Uỷ ban xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, 18 công trình vi phạm trên đất rừng ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú đã không đạt kế hoạch cưỡng chế xong trong tháng 12 năm 2018. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có 15/18 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn bị cưỡng chế. Tuy nhiên, nhà của ca sĩ Mỹ Linh không hề có tên trong danh sách 18 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ phải cưỡng chế.
Lãnh đạo của xã này giải thích, công trình nhà của gia đình Mỹ Linh là vi phạm xây dựng trước năm 2010. Hiện thanh tra thành phố đã tiến hành thanh tra toàn diện vi phạm đất rừng ở hai xã Minh Trí và Minh Phú, nên xã đang chờ kết luận của thanh tra để sau đó xem xét tới công trình nhà của gia đình cô ca sĩ này.
Theo kết luận của sở tài nguyên môi trường, năm 2001, gia đình Mỹ Linh mua 12.691 m2đất của một công nhân Lâm trường. Việc mua bán này được Uỷ ban xã xác nhận. Sau đó, Uỷ ban huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở 600 m2trên tổng diện tích 12.691 m2đất rừng phòng hộ. Đến năm 2009, gia đình cô ca sĩ xây dựng các công trình nhà ở, phòng thu và các công trình khác trên diện tích đất này. Việc xây dựng của gia đình Mỹ Linh được kết luận là không cung cấp được giấy phép xây dựng cho đoàn thanh tra.
Trước đó, vào giữa tháng 11 năm 2018, thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn đã thông báo sẽ cưỡng chế các công trình xây dựng của gia đình Mỹ Linh và các gia đình khác trong tháng 11. Nhưng không hiểu vì khuất tất gì mà đến nay nhà của cô ca sĩ này vẫn chưa ai dám đụng đến.
An Nhiên

Thầy cô giáo thi giáo viên giỏi,

học sinh yếu không được đi học

Tin Hải Phòng —  Báo Vietnamnet loan tin, sáng ngày 11 tháng 1 năm 2019, sở giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng tổ chức đợt cuối cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm học 2018-2019 tại 2 trường tiểu học.
Để phục vụ cho cuộc thi thành tích này, toàn bộ học sinh đang học tại 2 trường được chọn nếu có học lực yếu hoặc không trả lời được các câu trả lời mà thầy cô đã chuẩn bị sẵn đều phải nghỉ học 3 ngày liên tiếp, chỉ những học sinh giỏi mới được đi học.
Phụ huynh có tên Nguyễn Thị Thu H., có con đang theo học ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết, do con chị không trả lời được các câu hỏi mà cô giáo hỏi thử trên lớp nên không được đi học trong 3 ngày diễn ra cuộc thi. Chỉ những học sinh học giỏi, năng nổ phát biểu mới được vào danh sách đi học. Chị H. cho rằng, hành động này của ngành giáo dục Hải Phòng là phân biệt trẻ, dễ gây tổn thương tâm lý, khiến học sinh tự ti. Đồng thời thể hiện rõ việc thi cử của các giáo viên chỉ là bệnh thành tích.
Trước đó, các trường liên quan đến cuộc thi đã phát đi thông báo cho các phụ huynh với nội dung: “Học sinh được giáo viên chủ nhiệm lựa chọn tham gia các tiết dạy của giáo viên dự thi có mặt tại trường theo sự dặn dò của giáo viên chủ nhiệm. Học sinh khác nghỉ học. Trân Trọng”.
Ông Nguyễn Xuân Trường, giám đốc Sở giáo dục và đào tạo Hải Phòng cho biết, đây là chuyện bình thường. Nhằm giúp các giáo viên dạy đúng đối tượng, mang học sinh khác đến trường thì không đúng kiểu, xây dựng bài không chuẩn. Một lãnh đạo khác thì cho rằng, nếu các học sinh đều đi học thì lớp chật, hết chỗ để đoàn đánh giá và dự giờ.
An Nhiên

30 sinh viên Việt Nam “biến mất” tại Nam Hàn

Báo Soha ngày 12 tháng 1 năm 2019 loan tin, The Korean Times dẫn lời lãnh đạo trường trường Đại học quốc gia Gyeongsang (GNU) ở Jinju, tỉnh Nam Gyeongsang cho biết, 30 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường này đã biến mất từ năm ngoái.
30 sinh viên này nằm trong nhóm 300 du học sinh Việt Nam đăng ký chương trình học tiếng Hàn tại trường. Nhưng nhóm này đã không theo học được một năm nay. Nhà trường đã mất liên lạc và không nhận được bất kì một cuộc gọi nào từ những sinh viên đã “mất tích” này.
Đại diện trường cho biết, chưa thể xác nhận nhóm sinh viên trên có đi làm bất hợp pháp hay không, nhưng không loại trừ khả năng này vì nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra tại các trường đại học tư. Sau sự việc này, nhà trường sẽ theo dõi chặt chẽ nhóm sinh viên Việt Nam nhập cảnh từ năm 2017.
Bên cạnh đó, trường Đại học quốc gia Gyeongsang sẽ giao cho Văn phòng Hợp tác Quốc tế và Đối ngoại phụ trách sinh viên ngoại quốc thay vì khoa ngôn ngữ như hiện nay, để tránh tình trạng sinh viên bỏ trốn để làm việc bất hợp pháp. Ngoài ra, các trường đại học cũng đang hạn chế dần việc hỗ trợ visa do xảy ra trường hợp sinh viên bỏ học, ra ngoài làm việc bất hợp pháp và tăng cường các tiêu chuẩn đầu vào trong năm học tới để kiểm soát chặt chẽ sinh viên ngoại quốc nộp đơn theo học tại các khoa ngôn ngữ.
Hiện tại, văn phòng xuất nhập cảng đang phối hợp với Bộ Giáo dục Nam Hàn điều tra nơi ở của nhóm sinh viên Việt Nam mất tích này.
An Nhiên

Bảng quy hoạch mọc lên sau vụ cưỡng chế

vườn rau Lộc Hưng, cư dân phẫn nộ

Nhà chức trách Quận Tân Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Bảy đã cắm các bảng quy hoạch trên một khu đất vừa bị cưỡng chế giải phóng mặt bằng trong những ngày gần đây, khơi lên sự phẫn nộ của những cư dân mất nhà cửa và cáo buộc của họ rằng chính quyền đang bắt đầu nỗ lực “cướp đất.”
Khoảng 200 căn nhà và cấu trúc ở khu đất vườn rau Lộc Hưng thuộc phường 6, nơi sinh cư của nhiều thế hệ giáo dân Công giáo người bắc di cư vào nam từ năm 1954, đã bị phá sập vì bị cho là xây dựng trái phép trong khi nhà chức trách xúc tiến kế hoạch xây dựng một cụm trường học đạt chuẩn quốc gia trên khu đất này.
Cư dân khẳng định họ có chủ quyền đối với khu đất và đã không được giới hữu trách tham khảo ý kiến về dự án thi công. Một cư dân bị mất nhà nói với VOA rằng ba bảng quy hoạch đã nhanh chóng được dựng lên trong ngày thứ Bảy để xác lập quyền quản lí khu đất.
“Chúng tôi có kéo nhau ra (khu đất) lúc 1 giờ 30 chiều để phản bác việc nhà nước tự dựng bảng quy hoạch trên đất của chúng tôi khi chưa có quyết định thu hồi,” ông Cao Hà Trực nói với VOA qua điện thoại tối ngày thứ Bảy. “Tôi khẳng định chính quyền cố tình cướp đất của chúng tôi.”
Những video đăng trên mạng xã hội cho thấy người dân tụ tập tại một góc đường la lối và chỉ trỏ đầy phẫn nộ trước một tấm bảng quy hoạch trong khi lực lượng an ninh mặc sắc phục lảng vảng xung quanh theo dõi. Không có vụ đụng độ nào được báo cáo.
Trước đó một lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Quận Tân Bình nói với báo Tuổi Trẻ rằng hai đợt cưỡng chế vào ngày 4 và 8 tháng 1 mà quận thực hiện đã được chính quyền thành phố chấp thuận, và rằng họ tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất.
Vị lãnh đạo không được nêu danh tính này cũng khẳng định quận thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình như lập biên bản, ban hành quyết định, thông báo, niêm yết trước khi cưỡng chế.
Nhưng cư dân khu vườn rau bác bỏ những tuyên bố đó.
Ông Trực nói nhà chức trách “chưa bao giờ” chính thức làm việc với ông về quyết định cưỡng chế và họ từ chối giải thích khi được ông và người nhà yêu cầu.
“Khi chúng tôi hỏi là, ‘ông phó chủ tịch, ông cho tôi coi giấy tờ quyết định cho ông vô nhà tôi dọn đồ mà không xin phép,’ thì ông ấy nói là, ‘Tao không cần giấy tờ gì hết, tao không phải đưa quyết định gì cho mày,’” ông kể.
VOA không thể liên lạc được ngay tức thì với Ủy ban Nhân dân Phường 6 Quận Tân Bình để yêu cầu bình luận.
Trong khi đó nhà chức trách Quận Tân Bình cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền về vụ cưỡng chế bằng cách kêu gọi người dân ủng hộ dự án xây trường học “vì sự nghiệp giáo dục của quận nhà,” theo một tờ thông báo của Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình.
Ban Tuyên giáo cũng nói rằng Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt “mức giá hỗ trợ” là 7.055.000 đồng một mét vuông cho các hộ dân tại “khu vực đất công cộng.”
Ông Trực, 47 tuổi và có bốn người con, cho biết hiện ông đang ở nhờ nhà của bố đẻ gần đó cùng với 24 anh em trong gia đình. Nhưng ông nói ông còn may mắn hơn rất nhiều người đang không có chỗ ở. Cú sốc mất đất đai và nhà cửa choán hết tâm trí của nhiều người và đặc biệt đau đớn khi dịp tết đang đến gần.
“Người người, nhà nhà đang rạo rực, chuẩn bị vui đón xuân thế mà… Sao chúng tôi lại không được rộn ràng theo???” một cư dân chia sẻ trên Facebook kèm theo những hình ảnh nhà cửa bị đập phá tan hoang. “Lòng dạ nào, tâm trí nào nữa mà đón tết.”

Chính quyền đề nghị hỗ trợ

hơn 7 triệu đồng/m2 đất khu vườn rau Lộc Hưng

Chính quyền quận Tân Bình vừa có thông báo hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đối với các trường hợp sử dụng đất tại khu vườn rau Lộc Hưng vừa bị cưỡng chế trong hai ngày 4 và 8/1 vừa qua mà chính quyền gọi là khu đất công trình công cộng.
Hôm 13/1, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thông báo này được Hội đồng hỗ trợ của Dự án đầu tư xây dựng cụm trường học công lập đạt chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng phường 6, quận Tân Bình đưa ra, với sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Theo công văn đề ngày 10/1/2019.
Cũng theo báo Pháp Luật, ngoài tiền hỗ trợ đất, các trường hợp đang canh tác hoa màu bị ảnh hưởng bởi quá trình giải toả, không thể tiếp tục trồng rau, sẽ được Uỷ ban Nhân dân quận hỗ trợ chi phí tương đương doanh thu ba tháng (có mức từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng). Điều kiện được hỗ trợ là người dân có canh tác thực tế tại khu đất đến hết ngày 3/1/2019. Ngoài ra quận cũng hứa đào tạo chuyển đổi nghề, tổ chức đào tạo chuyển đổi ngành nghề Theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kinh phí đào tạo do quận chi trả.
Hôm 12/1, người dân khu vườn rau Lộc Hưng cho đài Á Châu Tự Do biết hôm 11/1 họ bất ngờ nhận được bản sao của văn bản có con dấu cảu Ban Tuyên giáo quận về “một số nội dung, chủ trương, chính sách, hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng cụm trường học theo tiêu chuẩn quốc gia tại phường 6, quận Tân Bình”. Văn bản không có ngày tháng, không có chữ ký được đăng tải trên trang web của phường 6 cho biết Uỷ ban Nhân dân thành phố phê duyệt mức giá hỗ trợ là 7.055.000 đồng/m2 cho các hộ dân ở đây căn cứ vào quá trình canh tác và sử dụng đất nông nghiệp tại khu vực đất công cộng phường 6.
Chị Trần Minh Thi, một người dân ở Lộc Hưng có nhà bị phá trong quá trình cưỡng chế cho biết chị rất hoang mang khi thấy công văn này của Ban Tuyên giáo: “Bây giờ cưỡng chế đất của chúng tôi thế là sai pháp luật. Bây giờ giải quyết vấn đề đó đi, đừng nói vấn đề giá cả. Ban Tuyên giáo đưa ra cái này làm hoang mang chúng tôi thêm, chứ không làm gì được cho chúng tôi cả”. Chị Thi đặt câu hỏi: “Ban Tuyên giáo đâu có quyền đưa ra cái này?
Theo nguyên tắc, ban tuyên giáo có nhiệm vụ tham mưu công tác xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, chủ trương, quan điểm và chính sách của đảng trong lĩnh vực tuyền truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và một số lĩnh vực xã hội.
Vụ cưỡng chế đất ở vườn rau Lộc Hưng thời gian qua đã gây chú ý rộng rãi trong dư luận. Những người dân ở Lộc Hưng được RFA tiếp xúc cho biết nhiều người bị cưỡng chế là những người đã sống nhiều đời tại vườn rau và đất của họ là do cha ông để lại từ thời Pháp, có giấy tờ khế ước. Người dân cũng cho biết chính quyền đã không thông báo chính thức cho người dân về việc cưỡng chế, làm họ bị bất ngờ không kịp dọn đồ trước cưỡng chế.
Báo trong nước trích thông tin từ UBND quận Tân Bình cho biết, đã có 112 căn nhà bị cưỡng chế trong các ngày 4 và 8/1 vừa qua và đây là các nhà xây trái phép. Chỉ có 134 hộ đã đăng ký sử dụng đất với chính quyền địa phương. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng khẳng đinh đây là đất công và đã được quy hoạch để xây trường học.
Một số luật sư biết về trường hợp cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng cho rằng chính quyền địa phương đã làm sai quy trình khi không thông báo cho người dân quyết định thu hồi đất và quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên chính quyền cho biết họ đã có thông báo cho người dân về việc cưỡng chế.

Đài Loan vẫn truy tìm người Việt ‘mất tích’,

kêu gọi tự thú

Đài Loan tiếp tục tìm kiếm một nửa trong số gần 150 người Việt “mất tích” nhiều ngày qua, sau khi tới hòn đảo này du lịch hồi tháng trước, trong khi kêu gọi những người cư trú bất hợp pháp ra đầu thú.
Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan (NIA) hôm 11/1 cho biết như vậy, sau khi nói đã “mở rộng vận động và khoan hồng cho người nước ngoài cư trú hoặc lưu trú quá hạn tự thú về nước”.
Tin cho hay, các cơ quan đại diện của nhiều nước có đông công dân ở Đài Loan như, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines, đã tham dự chiến dịch vận động và nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường ý thức tố giác các chủ thuê hoặc môi giới lao động trái phép.
NIA cho biết rằng tính đến cuối tháng 10 năm 2018, tổng số người nước ngoài cư trú hoặc lưu trú bất hợp pháp là 88 nghìn người, và số người có ý định ở lại Đài Loan có chiều hướng tiếp tục tăng lên, “gây lo ngại về trật tự, an ninh xã hội”.
Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan cho biết đã và đang đẩy mạnh “cơ chế động viên đối tượng tự đến cơ quan trình báo” để “nâng cao hiệu quả truy bắt xử lý, cũng như giảm bớt những rủi ro phát sinh về an toàn tính mạng, đồng thời đảm bảo nhân quyền cho những người nước ngoài ở lại quá hạn”.
NIA cũng kêu gọi người dân “nếu quen biết trường hợp người nước ngoài đã ở lại Đài Loan quá hạn, nên động viên họ đến cơ quan chức năng “tự thú” để tránh những rủi ro cạm bẫy không may xảy ra, hoặc rơi vào tình thế bị lừa bán cho những kẻ buôn người, trở thành người bị hại trong thời gian ở lại Đài Loan”.
Cơ quan này nói thêm rằng những người tự đến trình diện sẽ được hưởng khoan hồng, trong khi những người khác nếu bị bắt “sẽ bị xử theo hình phạt nặng”.
Chiến dịch vận động tự thú này của Đài Loan được thực hiện trong bối cảnh vẫn tiếp tục truy tìm gần 100 du khách người Việt biến mất sau khi tới hòn đảo này du lịch dịp Giáng sinh 2018.
Trong số hơn 50 người đã được tìm thấy trong số gần 150 người Việt “mất tích”, báo chí Đài Loan nói rằng có hơn 20 người ra đầu thú cảnh sát.
Truyền thông hòn đảo này còn đưa tin rằng một số người Việt khai rằng họ đã phải trả khoảng 650 đôla để đi du lịch ở Đài Loan, và một số cho biết họ bỏ trốn với hy vọng tìm được việc làm bất hợp pháp để kiếm tiền.
Các hình ảnh được nhiều tờ báo và truyền thông xã hội đăng tải cho thấy người Việt cư trú bất hợp pháp đã bị cảnh sát Đài Loan phát hiện trốn trong tủ lạnh hay gầm giường và bị bắt giữ trong thời gian qua.
Những ai lưu trú tại Đài Loan trái phép có thể bị phạt tới 3 năm tù giam và phải trả tiền phạt khoảng 2.900 đôla. Ngoài ra, những người che giấu cho những ai vi phạm cũng đối mặt với án tới 2 năm tù giam.
https://www.voatiengviet.com/a/đài-loan-vẫn-truy-tìm-người-việt-mất-tích-kêu-gọi-tự-thú/4740854.html

Mỹ: FBI bắt nữ nghi can

cán chết chủ tiệm nail gốc Việt

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm 11/1 đã bắt giữ nữ nghi can cán chết chủ tiệm nail gốc Việt 51 tuổi sau khi bà đuổi theo cô này để đòi tiền sơn sửa móng.
Thông cáo của cảnh sát Las Vegas, thành phố nơi vụ việc xảy ra, cho biết, nhóm điều tra do FBI chỉ huy đã bắt cô Krystal Whipple và không xảy ra sự chống cự nào.
Vụ giữ người được tiến hành 8 ngày sau khi cơ quan chức năng công bố ảnh của nghi can và kêu gọi người dân giúp truy tìm thủ phạm.
Nữ nghi can 21 tuổi đã dùng chiếc xe đánh cắp cán chết bà Nhu “Annie” Ngoc Quynh Nguyen cuối năm 2018, sau khi bà chủ gốc Việt này chặn trước xe cô để đòi 35 đôla tiền sửa móng mà cô định quỵt.
Hôm 7/1, theo AP, mẹ và bà của cô Whipple đã xuất hiện trên chương trình truyền hình chào buổi sáng của kênh ABC để kêu gọi cô đầu thú.
Thân mẫu của nữ nghi can cũng đã ngỏ lời xin lỗi gia đình nạn nhân đồng thời bày tỏ hy vọng rằng họ có thể tha thứ cho con mình.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, tới ngày 13/1, chiến dịch kêu gọi gây quỹ do con gái út của bà Annie khởi xướng đã nhận được đóng góp hơn 37 nghìn đôla, gấp gần bốn lần so với mục tiêu ban đầu.
Cô Christy Le cho biết rằng tang lễ đã được tổ chức cho mẹ cô cuối tuần qua, và một phần khoản đóng góp trên trang gofundme được dùng để trang trải chi phí tổ chức cũng như trả nợ cho mẹ và số còn lại sẽ dùng vào trả học phí đại học cho cô.
https://www.voatiengviet.com/a/mỹ-fbi-bắt-nữ-nghi-can-cán-chết-chủ-tiệm-nail-gốc-việt/4740909.html

Vì sao không công bố

phiếu tín nhiệm của ông Trọng?

Khác hẳn với lối nhanh nhảu công bố kết quả phiếu bầu ‘tôi bất ngờ’ 100% cho ghế tổng bí thư của Nguyễn Phú Trọng đại hội 12 vào đầu năm 2016 và ’99,79%’ cho ghế chủ tịch nước của cùng chủ thể tại hội nghị trung ương 8 vào tháng 10 năm 2018, cho tới nay vẫn chẳng hiện ra bất kỳ một dấu hiệu nào đảng sẽ công bố kết quả ‘phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư’, đặc biệt là kết quả phiếu tín nhiệm dành cho ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng, sau khi Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2018 đã lặng trôi qua khá lâu.
‘Tốt khoe xấu che’
Theo một cơ chế đặc thù riêng có của đảng Cộng sản Việt Nam và rất ăn nhập với ‘đảng anh’ ở Trung Quốc, toàn bộ hệ thống tuyên giáo, báo đảng lẫn hơn 800 tờ báo nhà nước đều không ngoài vòng kiểm soát của Ban Tuyên giáo trung ương, Ban Bí thư và đứng trên tất cả là tổng bí thư. Ứng với truyền thống ‘tốt khoe xấu che’ đã tồn tại quá dai dẳng trong nội bộ đảng từ nhiều năm qua, kết quả các cuộc bỏ phiếu hoặc lấy phiếu tín nhiệm quan trọng được tính toán có ‘giải mật’ hay không không chỉ nhắm đến mục tiêu ‘khai sáng’ cho dân chúng và cho cả ‘các thế lực thù địch trong và ngoài nước’, mà còn phụ thuộc vào những tính toán lợi ích của cán cân quyền lực trong đảng nghiêng về ai hoặc bị chi phối bởi thế lực chính trị nào vào từng thời điểm.
Bầu không khí lặng ngắt không chịu công bố phiếu tín nhiệm của Hội nghị trung ương 8 năm 2018 lại giống hệt cái tâm thế ngậm hột thị sau Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015.
Hội nghị trung ương 10 ấy đã chỉ được tổ chức vào tháng Giêng năm 2015, tức trễ đến gần hai tháng so với kế hoạch, với nội dung quan trọng nhất là lấy phiếu tín nhiệm cho cuộc đua ‘thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 12’. Không biết vô tình, hữu ý hay do một sự sắp xếp thiên linh của trời đất, ngay trước Hội nghị trung ương 10 đã xảy ra cái chết của Nguyễn Bá Thanh – cựu bí thư Đà Nẵng và khi đó là trưởng ban Nội chính trung ương, cũng là một quan chức được Nguyễn Phú Trọng sủng ái và muốn đưa vào Bộ Chính trị nhưng đã thất bại.
Như một điềm xấu với Trọng…
Theo rất nhiều nguồn tin không chính thức và cả báo chí quốc tế mà cho tới nay vẫn không bị phản ứng hay cải chính nào của bất kỳ cơ quan có trách nhiệm nào của đảng hay chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành kẻ vượt mặt Nguyễn Phú Trọng trong diễn ra tại Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015, với kết quả Dũng xếp đầu bảng trong khi Trọng chỉ lót chót thứ 8.
Đó là thất bại chấn động thứ hai của Nguyễn Phú Trọng kể từ lúc nước mắt nhòe cặp kính lão tại Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012 vì không cách nào kỷ luật được ‘đồng chí X’ bởi có đến 3/4 Ban chấp hành trung ương khi đó vẫn còn lao theo tâm thế ‘còn bạc còn tiền còn đệ tử’ để dồn phiếu cho một kẻ được biết như ‘trùm tham nhũng’. Hai thất bại đó có lẽ đã để lại một nỗi đau lớn lao và thầm kín không thốt nên lời mà một người nặng về sĩ diện và thể diện như ông Trọng quá khó để tự giải tỏa, nếu không tìm được cơ hội phục hồi và lấy lại những gì đã mất.
Cơ hội đó đã đến vào năm 2018, khi Nguyễn Tấn Dũng đã phải nghậm ngùi ‘trở về làm người tử tế’, còn một quan chức được đồn đoán có mối quan hệ thân tình và móc xích với ‘Anh Ba X’ là Trần Đại Quang thì đã thình lình hóa thân thành người thiên cổ vào tháng 9 năm 2018, để lại cái ghế chủ tịch nước trống hơ hoác mà việc ngồi vào đấy trở thành cơ hội hiếm có.
‘36% phản trắc’?
Có thể hình dung ra một ẩn ý của Nguyễn Phú Trọng khi ông ta muốn tổ chức Hội nghị trung ương 9 chỉ hai tháng sau Hội nghị trung ương 8: sau khi được ‘nhất thể hóa’ một cách thần tốc để ngồi luôn vào cái ghế của kẻ mới chết là Trần Đại Quang, ông Trọng muốn tái hiện thành tích ‘100% nhất trí’ mà các đại biểu của đại hội 12 đã dành cho ông ta – ứng cử viên duy nhất cho chức tổng bí thư – tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, sau khi một ứng cử viên thuộc vị thế ‘có tôi không có anh’ là Nguyễn Tấn Dũng đã không thể ngờ được là bị mất đi cơ hội ‘tiếp tục cống hiến cho cách mạng’ sớm đến thế.
Trước khi Hội nghị trung ương 9 diễn ra, một số cựu thần trong đảng đã lên tiếng yêu cầu cần công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư – một điệu bộ khá tương đồng với phong trào ‘ủng hộ tổng bí thư’ ồn ào trước đại hội 12, trong quá trình ‘đốt lò’ từ năm 2016 đến nay và khi Nguyễn Phú Trọng sắp bước vào cuộc bỏ phiếu lịch sử tại quốc hội để trở thành ‘tổng chủ’. Cùng lúc, khẩu khí của Nguyễn Phú Trọng cho thấy dường như ông ta tự tin và nghiêng về khả năng sẽ cho công khai kết quả này. Hơn nữa từ đầu năm 2018 đến nay, ‘công khai’ có vẻ là một phương châm cũng như một thủ thuật chính trị được ông Trọng ưa chuộng sử dụng nhiều hơn.
Đã có nhiều dự đoán của giới thạo tin chính trị cho rằng sẽ không ngạc nhiên nếu ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng về đầu trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trong khi những ‘con ngựa’ về đích tiếp theo sẽ không ngoài những nhân vật như Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc… Sau khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã trôi qua, phản ánh của một ít nguồn tin trên mạng xã hội dường như đã xác nhận thứ tự về đích này.
Tuy nhiên, lại chẳng có bất kỳ thông tin nào về kết quả cụ thể bao nhiêu phiếu tín nhiệm dành cho từng chóp bu. Hiện tượng trống vắng thông tin này là khác hẳn với một bật mí từ trong nội bộ về việc có đến 36% ủy viên trung ương bỏ phiếu không đồng ý cách chức quan chức Tất Thành Cang tại Hội nghị trung ương 9.
Trong khi vẫn mất biệt những con số cụ thể về kết quả phiếu tín nhiệm, hiện tượng ‘36%’ trên đã khiến một số dư luận không thể không nghi ngờ về khả năng Nguyễn Phú Trọng – cho dù có cán đích đầu tiên chăng nữa – nhưng có thể đã phải nhận một tỷ lệ phiếu thuận không mấy vẻ vang, thậm chí kết quả phiếu tín nhiệm của ông ta còn có thể giảm sút trầm trọng so với kết quả ’99,79%’ mà ông ta nhận được tại Quốc hội vào tháng 10 năm 2018 khi sắp đặt để ngồi ngay vào cái ghế của kẻ vừa ‘không may qua đời’ là Trần Đại Quang.
Mà nếu không đạt được số phiếu tín nhiệm đủ cao để đủ thuyết phục quần thần, Nguyễn Phú Trọng đã không thể ‘rửa mặt’ trọn vẹn cho scandal Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015.
Và nếu quả thực đã không xảy ra cái ‘100% nhất trí’ cho Nguyễn Phú Trọng đứng đầu bảng thăm dò tín nhiệm tại Hội nghị trung ương 9, đó chính là một thất bại đáng mất ngủ của ông Trọng. Khi đó, hẳn ông ta phải đau đầu nghĩ ngợi về liệu có một mối liên hệ bền chắc giữa sự biến mất của một số đông phiếu tín nhiệm mà lẽ ra phải dành cho ông ta, với cái tỷ lệ 36% của Ban chấp hành trung ương, tức vào khoảng hơn 70 người – không đồng ý cách chức Tất Thành Cang?
Và một giả thiết kinh khủng hơn nhiều nhưng không phải là không thể: liệu đã bắt đầu hiện ra một lực lượng ‘chống Trọng’ ngay trong nội bộ cao cấp của đảng cầm quyền? Liệu cái tỷ lệ ‘36% phản trắc’ kia có bỏ phiếu nghịch dành cho Nguyễn Phú Trọng mà đã khiến thành tích phiếu tín nhiệm của ông ta rớt thảm hại?
Cuối cùng và theo một thông lệ bất thành văn, toàn bộ hệ thống tuyên giáo và báo đảng im như hến về kết quả phiếu tín nhiệm tại Hội nghị trung ương 9. Chẳng dại gì tự rước vào thân cơn lôi đình của ‘Tổng chủ’.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.