Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 05/01/2019

Saturday, January 5, 2019 2:34:00 PM // ,

Đắk Lắk ra quyết định thi hành án

đối với nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy


Tin từ Dak Lak- Ngày 04/01/2019, toà án nhân dân CSVN thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định buộc nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy phải thi hành án tù 2 năm 9 tháng ngay lập tức. Quyết định này được đưa ra hơn 1 tháng sau khi cô Huỳnh Thục Vy bị Toà án nhân dân thị xã Buôn Hô kết án cô về cáo buộc xúc phạm quốc kỳ theo Điều 279 của Bộ luật hình sự 1999.
Theo quyết định này, cô Huỳnh Thục Vy sẽ phải có mặt tại trụ sở của cơ quan thi hành án thuộc công an thị xã Buôn Hô trong vòng 7 ngày tới để thi hành án, bằng không, cô sẽ bị cưỡng chế buộc thi hành.
Trong phiên toà ngày 30/11/2018, toà tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam nhưng cho hoãn thi hành án vì đương sự đang còn nuôi con nhỏ. Theo luật Việt Nam, phụ nữ có con nhỏ thì được hoãn thi hành án cho đến khi đứa con đó đủ 3 tuổi. Con gái của cô Huỳnh Thục Vy mới hơn 2 tuổi và lẽ ra cô được hoãn thi hành án ít nhất gần 1 năm nữa.
Gần đây, cô Huỳnh Thục Vy có thông báo trên Facebook rằng cô đang mang thai đứa con thứ 2.  Với việc kết án nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy, Việt Nam chịu sự chỉ trích của nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch).
Cô Huỳnh Thục Vy là một người hoạt động nhân quyền rất mạnh mẽ. Cô là đồng sáng lập Hội Phụ nữ Nhân quyền, và là Đồng Chủ tịch của Mạng lưới Các Tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập Việt Nam.  Cô có nhiều bài viết giá trị cổ suý cho dân chủ và nhân quyền, và là tác giả của cuốn “Nhận Định Sự Thật – Tự Do & Nhân Quyền.”
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/dak-lak-ra-quyet-dinh-thi-hanh-an-doi-voi-nha-hoat-dong-huynh-thuc-vy/

Công an Sài Gòn đánh đập bà Dương Thị Tân,

 bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Trí Dũng

Tin từ Sài Gòn – Ngày 04 tháng 01, 2019, lực lượng công an Sài Gòn đã đánh đập bà Dương Thị Tân và bắt giữ con trai bà là anh Nguyễn Trí Dũng.
Một số nhà hoạt động ở Sài Gòn đưa tin, mật vụ đã bắt giữ anh Nguyễn Trí Dũng và đưa anh đi mà không thông báo cho gia đình. Bà Tân cho biết anh Dũng định lên ủy ban nhân dân phường nhưng bị bắt khi vừa định rời khỏi nhà.  Vợ anh Dũng cho biết mật vụ đã bắt giữ anh và tống anh lên xe rồi đưa đi. Anh Dũng không mang theo điện thoại nên gia đình không biết chuyện gì đã xảy ra.  Bà Tân cho biết mật vụ cũng xông vào nhà bà và đánh bà ở trong sân. Bà bị nhiều cú đạp và đấm, tuy nhiên, do phải tập trung chăm sóc mấy đứa cháu nội nên bà không thể đi khám bệnh.
Không rõ việc đàn áp nhằm vào gia đình bà Tân có liên quan gì đến cưỡng chế đất ở khu Vườn Rau không. Bà Tân là vợ cũ của ông Nguyễn Văn Hải hay còn được gọi với cái tên Điếu Cày, và anh Nguyễn Trí Dũng là con của hai người.
Ông Nguyễn Văn Hải bị kết án với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” với mức án 12 năm tù giam. Tuy nhiên, ông được phóng thích ngày 21/10/2014 nhưng buộc phải lưu vong ở Hoa Kỳ từ đó.
Bà Tân đã nhiều lần bị công an Sài Gòn đánh đập khi bà đấu tranh đòi tự do cho ông Hải. Bà tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ tù nhân lương tâm và gia đình của họ cũng như những người hoạt động cổ suý nhân quyền và dân chủ.
Tin giờ chót cho biết anh Nguyễn Trí Dũng đã ra khỏi đồn công an và trở về nhà.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/cong-an-sai-gon-danh-dap-ba-duong-thi-tan-bat-giu-nha-hoat-dong-nguyen-tri-dung/

Hơn 2/3 gia đình người Việt Nam bị đuổi

khỏi Làng Nổi ở Biển Hồ của Cambodia

Tin Kampong Chhnang, Cambodia – Một viên chức địa phương của Cambodia, ông Sun Sovannarith hôm thứ Sáu 4 tháng Giêng cho biết, hơn 2/3 của khoảng 2,300 gia đình người Việt Nam sinh sống trên ghe thuyền tại khu Làng Nổi của Biển Hồ, Cambodia sẽ bị đưa ra khỏi nơi đây.
RFA dẫn lời viên chức trên cho biết các gia đình người Việt Nam này sẽ bị đưa ra khỏi vùng sông nước Biển Hồ, bất chấp dư luận lo ngại về tình trạng thiếu tiện nghi cũng như cơ sở hạ tầng tại khu vực tái định cư dành cho họ nằm sâu trong đất liền. Theo RFA thì giới chức thẩm quyền Cambodia trước đó đã đưa tổng cộng khoảng 700 gia đình rời khỏi Biển Hồ đến định cư tại vùng đất thuộc tỉnh Kampong Chhnang cách đó khoảng 1 kí lô mét và một khu vực khác ở quận Rolea B’ier cũng của tỉnh này. Số gia đình còn lại tiếp tục sống tại Biển Hồ và sinh kế bằng cách giăng lưới bắt cá, và nuôi cá bè dưới chiếc ghe mà họ trú ngụ. Tuy nhiên, ông Sun Sovannarith cũng nói thêm rằng các gia đình này cũng phải rời khỏi Biển Hồ vào tháng 7 năm 2019 tới. Ông cho rằng các gia đình có nuôi cá bè tại Biển Hồ sẽ tiếp tục trú ngụ để có thời gian thu hoạch cá và cũng để chờ đợi chính quyền địa phương hoàn tất việc xây dựng khu tái định cư.
Theo ông Sun Sovannarith, các dự án xây dựng khu tái định cư bao gồm cơ sở cung cấp điện, nước cũng như trung tâm y tế dành cho những người sinh sống hợp pháp lâu nay tại Cambodia, còn người không có giấy tờ hợp lệ thì sẽ bị trục xuất về Việt Nam. Ông Soeng Sen Karuna, phát ngôn viên của tổ chức Quyền Dân Sự Adhoc nói rằng, các gia đình người Việt Nam hiện tiếp tục cư trú tại Làng Nổi ở Biển Hồ thêm vài tháng, cho đến khi nào giới chức thẩm quyền địa phương xóa sạch tệ nạn tham nhũng. Soeng Sen Karuna tiết lộ rằng, các gia đình Việt Nam có nuôi cá đã hối lộ giới chức chính phủ để xây dựng các cấu trúc bất hợp pháp tại Biển Hồ. Theo ông, Biển Hồ là vùng sông nước công cộng nên không thể để kéo dài việc xây dựng một khu dân cư tại đây.
Song Châu
https://www.sbtn.tv/hon-2-3-gia-dinh-nguoi-viet-nam-bi-duoi-khoi-lang-noi-o-bien-ho-cua-cambodia/

Nhân quyền Việt Nam 2018:

Nhà tù trong nhà tù (Phần I)

Hòa Ái, phóng viên RFA
Phần I: Chính phủ và Nhân quyền: Tiếp tục xu thế mạnh tay đàn áp
Vào ngày 22 tháng 1 năm 2019, Việt Nam sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đài RFA điểm lại tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2018 vừa qua.
Các bản án tù nặng nề
Chính quyền Việt Nam, trong năm 2018 bị các tổ chức nhân quyền thế giới lên án và chỉ trích gay gắt qua bản án tổng cộng 66 năm tù giam và 17 năm quản chế dành cho 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động cổ súy cho dân chủ ở Việt Nam.
Không chỉ thế, Chính quyền Việt Nam còn tuyên những bản án lên đến 20 năm đối với các nhà hoạt động ôn hòa vì môi trường, vì dân quyền như trường hợp của ông Lê Đình Lượng, ở Nghệ An và vẫn y án tại phiên tòa phúc thẩm bất chấp những lời kêu gọi của quốc tế rằng Hà Nội nên “trả tự do vô điều kiện và ngay lập tức” cho người dân trong nước vì họ không có tội khi thực hiện các quyền được quy định trong Hiến pháp Việt Nam.
Mạnh tay đàn áp
Tình hình nhân quyền của Việt Nam rõ ràng không riêng gì trong năm 2018, mà có thể nói cả 3 năm từ năm 2016, năm 2017 và năm 2018 càng ngày càng xuống dốc, một cú xuống dốc khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến trong 3 năm qua kể từ khi tôi ra tù
-Blogger Nguyễn Ngọc Già
Xu thế đàn áp mạnh tay được Hà Nội gia tăng kể từ sau các cuộc biểu tình của đông đảo người dân nổ ra khắp các tỉnh, thành hồi trung tuần tháng 6 để phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng. Hàng trăm người bị bắt giữ và hằng chục người bị đem ra xét xử. Trong đó, có không ít cư dân mạng bị tuyên án tù do bày tỏ chính kiến của họ qua mạng xã hội. Ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm khẳng định với RFA rằng tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2018 tồi tệ hơn năm trước đó:
“Số lượng người bị bắt theo thống kê chính thức của Hội Cựu Tù nhân Lương tâm là 51 người, so với 38 người hồi năm 2017. Con số này tăng và có đặc điểm khác nhau ở chỗ là số lượng cựu tù nhân lương tâm bị bắt lần thứ nhì thì ít đi, tuy nhiên số xuất nhiện những người mới là các nhà hoạt động trẻ và thậm chí giới đấu tranh dân chủ nhân quyền ở Việt Nam chưa hề biết cho đến khi họ bị bắt. Họ là những người hoạt động rất độc lập. Họ chia sẻ qua Facebook những tâm tư, tình cảm, chính kiến của họ về các vấn nạn xã hội và họ bị khép tội theo các điều luật như Điều 258 cũ hay Điều 88 ‘tuyên truyền chống phá’ hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ chống nhà nước’. Chúng ta thấy con số này nhiều hơn năm ngoái. Thành ra, tôi nghĩ tình hình nhân quyền năm 2018 so với năm 2017 thì ngày càng tệ hơn.”
Diễn tiến của tình hình nhân quyền tại Việt Nam gây phẫn nộ đối với dư luận trong và ngoài nước qua các thông tin liên tục xuyên suốt trong năm 2018, liên quan hành động của chính quyền bắt giữ người trái pháp luật, tra tấn ép cung cho đến các phiên tòa với những bản án phi lý được định sẵn, có tên gọi là “phiên tòa bỏ túi” được ghi nhận ngày càng nhiều và càng tùy tiện.
Tuyên bố của Chính phủ
Trong khi đó tại Diễn đàn phiên họp thường niên thứ 73 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), vào ngày 27 tháng 9 năm 2018, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu rằng Việt Nam đang phấn đấu hơn nữa cho công bằng cũng như đảm bảo quyền cho mọi người dân.
Còn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, vào đầu tháng 12 vừa qua, đăng đàn tuyên bố Việt Nam thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của LHQ và sẽ báo cáo tại kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, diễn ra vào ngày 3 tháng 12 ở Hà Nội, Chánh văn phòng Bộ Ngoại Giao, ông Đặng Hoàng Giang cho biết Bản báo cáo UPR của Việt Nam phản ánh đầy đủ bằng chứng Việt Nam thực hiện khuyến nghị về nhân quyền của LHQ qua việc sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh về quyền con người như Hiếp pháp 2013, Bộ Luật Hình Sự, Bộ Luật Dân Sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số tổ chức nhân quyền như Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người, có trụ sở ở Pháp cũng như giới đấu tranh dân chủ ở trong nước phản bác rằng Bản báo cáo UPR của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2019 là bản báo cáo tuyên truyền, bởi vì các quyền tự do căn bản của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng qua các luật định mới được Quốc Hội thông qua và ban hành, mà điển hình là Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019. Tù nhân nhân quyền-Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu lên nhận định của ông với RFA:
“Theo ý kiến của tôi thì tình hình nhân quyền của Việt Nam rõ ràng không riêng gì trong năm 2018, mà có thể nói cả 3 năm từ năm 2016, năm 2017 và năm 2018 càng ngày càng xuống dốc, một cú xuống dốc khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến trong 3 năm qua kể từ khi tôi ra tù. Chúng ta thấy qua danh sách (những người bị bắt giữ và bị giam tù) do Hội Cựu Tù nhân Lương tâm thống kê, thì liệu nhà cầm quyền Việt Nam sẽ xoay sở ra sao ngay trước mắt trong cuộc điều trần UPR? Đó là điều rất khó xoay sở cho họ ở tầm vóc quốc tế.”
Với những gì chúng ta chứng kiến, và những gì chúng ta trao đổi với tổ chức thành viên thì tình hình nhân quyền Việt Nam không được cải thiện. Trái lại tình hình còn xấu đi, và chúng ta có những chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội
-Bà Sonia Tancic
Sau khi Bộ Ngoại Giao Việt Nam công bố Báo cáo quốc gia về nhân quyền UPR chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, vào ngày 16 tháng 12 công khai đệ trình báo cáo về Việt Nam lên Hội đồng Nhân quyền LHQ, khẳng định Hà Nội chỉ cải thiện một chút ít, tính từ thời điểm Kiểm điểm UPR năm 2014 cho đến hiện tại, tiếp tục hạn chế các quyền tự do của người dân Việt Nam như tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo…
Cùng trong thời gian trung tuần tháng 12, các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ đến trụ sở LHQ ở Geneve, Thụy Sĩ để tham gia vào các cuộc gặp gỡ, thảo luận và hội luận nhằm báo động với các quốc gia thành viên LHQ về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Bà Sonia Tancic, đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền LHQ chia sẻ với RFA khi bà tham dự tiền Hội nghị UPR:
“Với những gì chúng ta chứng kiến, và những gì chúng ta trao đổi với tổ chức thành viên thì tình hình nhân quyền Việt Nam không được cải thiện. Trái lại tình hình còn xấu đi, và chúng ta có những chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội.”
Những “chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội” của Chính quyền Việt Nam mà đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền LHQ đề cập đến cụ thể như thế nào, mời quý khán thính giả cùng độc giả theo dõi trong Phần II của loạt bài ghi nhận của RFA về “Nhân quyền Việt Nam 2018: Nhà tù trong nhà tù”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-in-vietnam-2018-prisons-within-prisons-01032019113359.html

Nhân quyền Việt Nam 2018:

Nhà tù trong nhà tù (Phần II)

Hòa Ái, RFA
Phần II: Người dân và Nhân quyền: Phản kháng trong nghịch cảnh
Gia tăng bắt bớ và giam cầm
Theo số liệu ghi nhận của “The 88 Project” (Dự án 88), một website lưu trữ thông tin về tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm tại Việt Nam, hiện có 210 người bị cầm tù ở Việt Nam bởi do những hoạt động ôn hòa của họ vì dân chủ, nhân quyền của quốc gia.
Các tổ chức nhân quyền thế giới lên tiếng chỉ trích Chính quyền Việt Nam đối xử tàn bạo với dân chúng trong năm 2018 qua động thái gia tăng bắt bớ hàng loạt nhà báo, blogger, tín đồ tôn giáo, người đi biểu tình và các nhà hoạt động vì môi trường, vì nhân quyền, vì quyền lợi của công nhân…cũng như tuyên các bản án quá nặng đối với họ.
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2018 bị đánh giá là năm tồi tệ nhất trong những năm gần đây, qua những bằng chứng mà các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm tố cáo họ phải chịu đựng hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt ở trong tù như không được thăm gặp gia đình, không được điều trị bệnh thích hợp, không được nhận thư từ sách vở theo quy định của trại giam, bị chuyển trại xa nhà mà gia đình không được báo trước hay bị đầu độc trong thức ăn, bị phạm nhân giam cùng buồng sách nhiễu, dọa giết… đến mức họ phải tuyệt thực trong nhiều ngày để phản kháng như trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức và Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Trong luật quy định hình thức kỷ luật cao nhất đối với một người tù, nếu như họ có vi phạm gì thì tối đa chỉ có 10 ngày. Thế nhưng bằng thông tư đó, người ta bị giam đến 3 tháng. Trong thông tư đó, quy định tất cả những người không nhận tội là phải giam riêng, cho nên họ lấy cái cớ đó để biệt giam. – Blogger Điếu cày
Cựu tù nhân lương tâm Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, người bị Chính phủ Hà Nội tống xuất sang Mỹ tị nạn, nhấn mạnh về tình trạng tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm Việt Nam bị biệt giam 3 tháng trong tù theo Thông tư 37 của Bộ Công An, là một thông tư mật mà dư luận trong và ngoài nước ít biết đến.
“Trong luật quy định hình thức kỷ luật cao nhất đối với một người tù, nếu như họ có vi phạm gì thì tối đa chỉ có 10 ngày. Thế nhưng bằng thông tư đó, người ta bị giam đến 3 tháng. Trong thông tư đó, quy định tất cả những người không nhận tội là phải giam riêng, cho nên họ lấy cái cớ đó để biệt giam.
Về nguyên tắc theo luật pháp, khi trại giam ban hành một quyết định kỷ luật phạm nhân thì phạm nhân phải được 1 bản và gia đình phạm nhân phải được 1 bản quyết định kỷ luật đó. Và, trại phải thông báo cho gia đình biết về quyết định kỷ luật đó để gia đình không đi thăm vì không được thăm gặp trong thời gian bị kỷ luật. Tuy nhiên, trại giam không bao giờ thông báo cũng như không bao giờ trao bản quyết định kỷ luật cho người tù.
Bằng Thông tư 37 của Bộ Công An, họ xây dựng một khu cách ly riêng và khu đó thì không bao giờ nhìn thấy tù hình sự, cũng như không một tù hình sự nào được bước vào; ngoài những người được cắt cử vào để đưa cơm, nước hoặc làm vệ sinh trong đó…Tức là bằng thông tư đó, họ mới xây dựng an ninh theo kiểu ‘nhà tù trong nhà tù’ như thế.”
Phản kháng
Vượt ra khỏi phạm vi các chắn song sắt của nhà tù, gia đình của những tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm gặp không ít những sách nhiễu từ phía chính quyền và trại giam. Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, phụ trách Quỹ 50K nói với RFA rằng gia đình của những người biểu tình phản đối hai dự Luật Đặc khu và An ninh mạng ở Bình Thuận bị tuyên án tù rất sợ hãi mỗi khi có tổ chức hay cá nhân nào liên lạc để hỗ trợ cho họ trong hoàn cảnh khó khăn, vì họ bị chính quyền địa phương răn đe, hăm dọa.
Đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do (gọi tắt là Lao động Việt), bà Ca Dao cũng cho RFA biết về trường hợp của 15 công nhân ở Đồng Nai bị trở thành tù nhân lương tâm, vì đi biểu tình chống dự Luật Đặc khu hồi tháng 6. Gia đình của các công nhân tù nhân lương tâm này thuật lại rằng họ phải đưa cho trại giam 800 ngàn đồng để được vào thăm thân nhân, nhưng không được gửi lại bất cứ thứ gì cho người thân ở trong tù. Bà Ca Dao chia sẻ thêm:
“Khi mà tiếp xúc với gia đình thì qua gia đình chúng tôi được biết tinh thần của các công nhân này rất kiên cường. Họ vẫn khẳng định rằng họ biểu tình vì lòng yêu nước. Và ngay cả những gia đình của họ cũng vậy, họ nói rằng nếu con em họ ra tù thì chúng tôi cũng sẵn sàng cùng đi biểu tình một lần nữa nếu mà có các cuộc biểu tình bảo vệ đất nước, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.”
Bên cạnh rất nhiều trường hợp bị bắt giam và cầm tù, trong năm 2018, một số nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền buộc phải trốn chạy ra khỏi nước để lánh nạn đàn áp mạnh tay từ phía Chính quyền Việt Nam. Cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương, thành viên của Phong trào Lao động Việt là một trường hợp điển hình. Anh Đoàn Huy Chương chia sẻ với RFA:
“Đối với những người đang hoạt động hiện nay, có một số phải vượt biên. Vì nếu ở lại thì theo tôi nghĩ sẽ có thể phải lãnh những bản án không dưới 20 năm tù. Đó là một sự đàn áp rất thê thảm và đó cũng là điều bất hạnh cho những người đấu tranh ở đất nước Việt Nam.”
Cựu tù nhân lương tâm Đoàn Huy Chương cho biết thêm mặc dù bị nhiều giới hạn trong hoàn cảnh sống của một người vô tổ quốc, anh vẫn tiếp tục công việc đấu tranh của mình:
“Đối với bản thân tôi thì tôi làm bên lãnh vực về công nhân. Khi ở trong nước, thì tôi đi đến từng khu công nghiệp, gặp từng người công nhân, nói chuyện với họ để cho họ biết công đoàn là gì, quyền lợi của người công nhân như thế nào. Còn khi vượt biên qua nước thứ hai rồi thì tôi bị hạn chế. Tuy nhiên, từ sự hạn chế đó mình nảy ra những ý tưởng vẫn tiếp tục đấu tranh. Tôi làm về truyền thông livestream vào mỗi buổi tối để nói về thực trạng của xã hội Việt Nam, nói về quyền lợi của người lao động, nói về Luật Lao động cho người công nhân biết để bảo vệ họ.”
Đối với những người đang hoạt động hiện nay, có một số phải vượt biên. Vì nếu ở lại thì theo tôi nghĩ sẽ có thể phải lãnh những bản án không dưới 20 năm tù. Đó là một sự đàn áp rất thê thảm và đó cũng là điều bất hạnh cho những người đấu tranh ở đất nước Việt Nam. – Anh Đoàn Huy Chương
Kể từ năm 2017, sau sự kiện Chính quyền Việt Nam bắt giữ tất cả thành viên chủ chốt của Hội Anh Em Dân Chủ và tuyên các bản án tù nặng nề đối với họ trong năm 2018, giới quan sát tình hình Việt Nam nhận định động thái này cho thấy Hà Nội không chỉ nhằm mục đích “xóa sổ” Hội Anh Em Dân Chủ, mà còn nhắm vào đàn áp các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam. Thế nhưng trái lại, các tổ chức xã hội dân sự mới lần lượt hình thành, góp phần đẩy mạnh hơn nữa những hoạt động dân chủ hóa tại Việt Nam, mặc cho sự bắt bớ vẫn gia tăng như Nhóm Hiến Pháp, có đến 9 thành viên bị bắt hồi tháng 9 vừa qua.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, giới đấu tranh dân chủ tại Việt Nam cho rằng phong trào dân chủ ở trong nước dù bị lắng xuống bởi Hà Nội thẳng tay đàn áp, nhưng giới đấu tranh vẫn có những phương thức hoạt động song hành cùng chủ trương đàn áp đó của chính phủ. Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nói về cách thức hoạt động mới của Hội Anh Em Dân Chủ:
“Có một điều may mắn là sau khi tôi được trả tự do và bị trục xuất sang Cộng Hòa Liên Bang Đức thì tôi ngay lập tức liên lạc với tất cả các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ còn lại ở trong nước. Chúng tôi đưa ra quan điểm là tất cả hoạt động ở trong nước sẽ chuyển sang hoạt động bí mật, còn các hoạt động công khai thì sẽ do các thành viên ở hải ngoại đảm nhận. Mặc dù hoạt động ở trong nước hiện nay không công khai được, nhưng mục đích chính của Hội Anh Em Dân Chủ là xây dựng và phát triển lực lượng của mình ở trong các giới như học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân.”
Những cá nhân và tổ chức hoạt động nhân quyền, dân chủ ở trong nước mà Đài RFA tiếp xúc, cho biết năm 2018 dù là năm mà nhân quyền Việt Nam bị tuột dốc khủng khiếp, nhưng càng khiến cho tinh thần đấu tranh của họ càng lên cao vì cuộc đấu tranh này không phải là cuộc đấu tranh đơn độc của chỉ dân chúng tại Việt Nam mà thôi.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-in-vn-2018-prisons-within-prisons-ha-01042019145644.html

Cải cách tư pháp và vị trí của người luật sư

Diễm Thi, RFA
Tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Mốc thời gian này không còn bao xa và một thành phần quan trọng trong lĩnh vực tư pháp là người luật sư đến nay được nhìn nhận thế nào?
Cải cách chậm và chưa thực chất
Nhận xét về việc cải cách tư pháp khi chỉ còn một năm nữa là cán mốc theo nghị quyết năm 2005, nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng diễn tiến của cải cách tư pháp so với diễn tiến của xã hội là quá chậm. Ông dẫn lời ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương từng nói là ‘bây giờ người dân không tin vô quyết định gì của chính quyền hết’, vậy thì quyết định của tòa án người dân cũng không tin.
Luật sư Phạm Công Út, người từng lên tiếng tố cáo thẩm phán và chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, bị xóa tên khỏi danh sách luật sư đồng thời thu hồi thẻ luật sư vào năm ngoái nhận định về việc cải cách tư pháp:
“Theo tôi thì cải cách tư pháp là do Việt Nam phải ký kết với các quốc gia khác cho luật pháp phải tương đồng để các quốc gia khác có thể bảo vệ công dân của họ ở Việt Nam, cũng như Việt Nam có thể bảo vệ công dân mình ở nước khác.
Ngày xưa tôi là thẩm phán, và khi tập huấn thì thẩm phán Hoa Kỳ có nói với các thẩm phán Việt Nam qua phiên dịch rằng, Việt Nam muốn hội nhập với thế giới thì phải hội nhập luôn cả luật pháp.”
Ngày xưa tôi là thẩm phán, và khi tập huấn thì thẩm phán Hoa Kỳ có nói với các thẩm phán Việt Nam qua phiên dịch rằng, Việt Nam muốn hội nhập với thế giới thì phải hội nhập luôn cả luật pháp. - LS. Phạm Công Út
Với luật sư Minh Thọ ở Sài Gòn thì vai trò của luật sư trong nền tư pháp hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là theo pháp luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung 2015, hiệu lực từ 1/1/2018, có một số thay đổi tiến bộ. Ông dẫn chứng cụ thể Điều 74 quy định thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng như sau:
“Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.”
Như vậy, kể cả khi chưa có quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra, thì người bào chữa là luật sư được quyền tham gia tố tụng từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra. Luật sư Minh Thọ nêu thêm ý kiến:
“Trên văn bản pháp lý là vậy, nhưng hình như trên thực tế thì hẳn nhiên không phải đơn giản như vậy. Hơn nữa, trình độ kiến thức hiểu biết về pháp luật của người dân chưa cao, họ chưa hiểu được các quyền của mình theo luật định. Vì thế, các vụ người dân mời luật sư từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra, là khá hiếm hoi. Chính vì thế, những vụ người dân “khi đi trai tráng, khi về bằng cáng (băng ca), thậm chí mất mạng, mà theo cơ quan công an, là do người dân “tự tử” ở trụ sở công an vẫn diễn ra.”
Liên đoàn luật sư: Cánh tay nối dài của đảng
Quy định đầu tiên tại Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi năm 2012 thì nhiệm vụ của Đoàn luật sư là ‘Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề.’
Vậy thực chất các luật sư được bảo vệ ra sao sau khi nhập đoàn luật sư và đóng phí thành viên để hành nghề?
Luật sư Võ An Đôn, người bị tước thẻ hành nghề vào năm 2017 vì lên tiếng cho nhân quyền cho RFA biết:
“Theo tôi biết thì đoàn luật sư là một tổ chức độc lập với cơ quan nhà nước nhưng thực tế thì nó cánh tay nối dài của đảng và chính quyền, chịu sự lãnh đạo của hai nơi này cho nên người đứng đầu của các đoàn luật sư là đảng viên. Trên lý thuyết thì liên đoàn luật sư và đoàn luật sư phải bảo vệ các luật sư thành viên của mình trong quá trình hành nghề, nhưng thực tế thì họ chẳng làm được gì hết.
Nếu luật sư nào mà đụng chạm tới các cơ quan tiến hành tố tụng như tòa án, cơ quan điều tra hay viện kiểm sát thì đoàn luật sư không can thiệp bởi vì họ sợ đụng chạm đến chính quyền.”
Trên lý thuyết thì liên đoàn luật sư và đoàn luật sư phải bảo vệ các luật sư thành viên của mình trong quá trình hành nghề, nhưng thực tế thì họ chẳng làm được gì hết. – LS. Võ An Đôn
Luật sư Ngô Anh Tuấn nhấn mạnh ở Việt Nam không có luật sư độc lập:
“Gia nhập đoàn luật sư là thủ tục bắt buộc đối với bất kỳ luật sư nào, dù hoạt động theo mô hình công ty luật, văn phòng luật sư hay hành nghề theo tư cách cá nhân. Hoạt động theo tư cách cá nhân không đồng nghĩa với việc không phải gia nhập đoàn luật sư nào đó. Nói cách khác, sau khi lấy chứng chỉ hành nghề luật sư, luật sư đó không đương nhiên được hoạt động hành nghề.”
Luật sư Minh Thọ cũng cùng ý kiến khi ông cho rằng trong một thể chế không tam quyền phân lập, thì đương nhiên là luật sư khó có thể có vai trò độc lập trong lĩnh vực tố tụng.
Nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng điều cần thiết là phải có một tòa án bảo hiến độc lập vì khi sự xét xử vi phạm bộ luật và hiến pháp và có tòa án bảo hiến một cách độc lập, thì lúc đó vai trò của bất kỳ bên nào tham gia tố tụng như chánh án, viện kiểm sát lẫn luật sư đều được bảo vệ. Ở đây không phải chỉ nâng cao vai trò của luật sư mà là nâng cao vai trò của luật và tính hiệu quả của việc thực thi pháp luật.
Vai trò mờ nhạt của luật sư trong các vụ án chính trị
Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định “Vai trò của luật sư trong các vụ án dân sự nhỏ còn có hiệu quả, nhưng những vụ án quy mô càng lớn, ảnh hưởng chính trị của vụ án càng lớn thì vai trò của người luật sư càng nhỏ lại.”
Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước mà RFA ghi nhận được thì những vụ án chính trị, mà trong pháp luật hình sự gọi đó là các tội về ‘xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống phá nhà nước’…, thì dường như bản án đã có sẵn, nên tiếng nói của luật sư tại tòa chỉ nhằm mục tiêu chứng tỏ dân chủ và minh bạch.
Luật sư Phạm Công Út nhận định trước đây, tất cả diễn ra trong bốn bức tường, nếu thẩm phán không tôn trọng luật sư, mạt sát luật sư không ai biết. Bây giờ thì mọi sự đã khác nhờ có công nghệ thông tin. Ông nói:
“Bây giờ khi luật sư bị xúc phạm mà báo chí lên tiếng là mệt rồi, bởi quy chế của bên ngành tòa án rất khắc nghiệt với những thẩm phán xét xử mà tạo dư luận, tạo điểm nóng. Chính vì những áp lực đó mà họ buộc phải nén lòng, nhưng bản án tuyên thì ngược lại. Khi họ thỏa mãn các yêu cầu của luật sư như triệu tập thêm người làm chứng, triệu tập giám định viên hay thậm chí cả điều tra viên thì họ cũng đồng ý để lộ ra sự thật khách quan diễn ra tại tòa”.
Ông nói thêm rằng tòa án tỏ ra tôn trọng luật sư bởi họ sợ dư luận lên án. Họ thỏa mãn tất cả các yêu cầu của luật sư nhưng bản án đưa ra là án bỏ túi, theo nghi vấn của ông.
Vai trò của luật sư trong các vụ án dân sự nhỏ còn có hiệu quả, nhưng những vụ án quy mô càng lớn, ảnh hưởng chính trị của vụ án càng lớn thì vai trò của người luật sư càng nhỏ lại. – Nhà báo Nguyễn An Dân
Còn với Luật sư Võ An Đôn, người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ án  về tôn giáo, sắc tộc thì cho rằng vai trò của luật sư chỉ là cầu nối thông tin giữa bị can, bị cáo và gia đình cũng như bị can, bị cáo và dư luận thôi:
“Thực tế mà nói thì luật sư Việt Nam chỉ đóng vai trò hình thức để thể hiện tính dân chủ trong các phiên tòa thôi chứ tiếng nói luật sư không ảnh hưởng gì đến việc xét xử hết bởi vì khi xét xử các vụ án chính trị thì các cơ quan nội chính gồm công an, viện kiểm sát và tòa án đã họp và ra một mức án cụ thể. Luật sư có cũng như không mà thôi, trừ khi luật sư chạy án thì có tác dụng”.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong số ít các luật sư tham gia bảo vệ pháp lý cho các nhà bất đồng chính kiến thì khẳng định việc luật sư bị “gạt ra ngoài” trong các vụ án nêu trên thường diễn ra ngay từ giai đoạn điều tra. Tuy nhiên khi luật sư tham gia tố tụng tại tòa thì phần này được giảm xuống:
“Luật sư được hỏi, tranh luận, đối đáp bình thường – việc hạn chế ở đây đó là có (đặc biệt là tỉnh lẻ) nhưng không nhiều – tuy nhiên, những ý kiến của luật sư được lắng nghe tới mức độ nào thì cho tới giờ chưa có số liệu thống kê. Theo quan điểm của riêng tôi là không đáng kể.”
Chính quyền Hà Nội nhận được trợ giúp khá nhiều từ các nước khác, nhất là các nước theo hệ thống tam quyền phân lập như Hoa Kỳ. Đảng cộng sản ra nghị quyết về cải cách tư pháp và lãnh đạo Việt Nam luôn tuyên bố đang đi theo chiều hướng dân chủ, tôn trọng Hiến Pháp cũng như qui trình tố tụng để bảo đảm công bằng cho mọi thành phần dân chúng khi phải ‘đáo tụng đình’. Thế nhưng như những trình bày vừa nêu thì khoảng cách giữa tuyên bố cải cách tư pháp và thực tiễn thi hành vẫn còn khá xa.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-role-of-lawyers-in-judicial-reform-in-vn-01042019144318.html

Chủ tịch nước Việt Nam kêu gọi

không để phần tử xấu xâm nhập nội bộ công an

Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu trong Hội nghị Công an toàn quốc 2019 hôm 3/1/2019 trong đó nhấn mạnh vấn đề chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ngành này.
Có 5 điểm được ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài nói chuyện của mình, trong đó có điểm thứ 3 được ông này nói với ngành công an như sau:
“Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh, không để kẻ địch, phần tử xấu thâm nhập, lôi kéo, móc nối, tác động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo đảm mọi chủ trương, đường lối của Đảng phải được thực hiện có hiệu quả trong thực tế.
Đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái; vạch trần những âm mưu và hành động lợi dụng một số vụ án, vụ việc tiêu cực để làm tổn hại tới khối đại đoàn kết toàn dân, hạ thấp vai trò, uy tín của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang nhân dân.”
Bên cạnh đó, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam nhắc đến điểm thứ 2 đó là” Không ngừng đổi mới các mặt công tác để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, ngăn ngừa khủng bố, gây rối, phá hoại; ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và các vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự….”
Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng kêu gọi “chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.”
Có thể thấy trong chỉ vài ngày đầu năm mới, 2 người đứng đầu đảng cộng sản, nhà nước và chính phủ đều có bài phát biểu quan trọng tập trung vào điều mà họ gọi là các “thế lực thù địch” chống phá đảng và nhà nước Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-president-talk-about-bad-elements-in-police-force-01052019104224.html

Dư luận xôn xao vụ xe biển xanh

ưu tiên đón vợ con Bộ trưởng ở cầu thang máy bay

Từ chiều tối ngày 4/1, dư luận trong nước xôn xao thậm chí bất bình sau khi có tin từ báo Người Lao Động và mạng xã hôi cho biết một xe biển xanh (của chính phủ) vào khu vực hạn chế tại sân bay quốc tế Nội Bài, tới chân cầu thang máy bay đón người nhà một vị lãnh đạo cấp bộ ngành, gây chậm trễ cho những người khác cùng đi máy bay.
Mạng xã hội Facebook chỉ rõ đó là vợ con của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.
Tuy nhiên, vào ngày 5/1, VOV phỏng vấn đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc và được cho biết, ngày 3/1 đơn vị này nhận được công văn của Văn phòng Bộ Công thương về việc đón tiễn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác sẽ đi công tác tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 3 đến ngày 4/1/2019. Cụ thể, Theo công văn mà VOV có được, ông Tuấn Anh sẽ rời thành phố Hồ Chí Minh đi Hà Nội vào lúc 17h00 ngày 4/1 trên chuyến bay VN262. Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho phép các cơ quan liên quan cho phép cán bộ của Bộ Công thương được đón Bộ trưởng tại khu vực sân đỗ máy bay và nhà ga VIP A.
Theo báo Giao thông, cảng vụ hàng không miền Bắc cho biết Bộ Công thương cũng đã được cấp thẻ kiểm soát an ninh hàng không dài hạn có giá trị 1 năm.
Theo quy định của Bộ GTVT về chương trình an ninh hàng không, người, phương tiện thường xuyên, chuyên trách đưa đón các Uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương đảng, Uỷ viên Trung ương đảng, Bộ trưởng và các chức vụ tương đương trở lên, Bí thư, Phó Bí thư tỉnh huỷ, thành uỷ trực thuộc trung ương, Chủ tịch hội đồng nhân dân, Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc đối tượng được cấp thẻ kiểm soát an ninh dài hạn.
Tuy nhiên, theo trang tin Soha, trong hai ngày 3 và 4 tháng 1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đang có các hoạt động tại Hà Nội. Trang tin này trích tin từ ngay chính cổng thông tin của Bộ Công thương cho biết trong ngày 3/1, ông Bộ trưởng dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Trong ngày 4/1, ông Bộ trưởng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Khammany Inthirah, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tại trụ sở.
Cũng theo cổng thông tin của Bộ Công thương, vào chiều ngày 4/1, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho ông Lê Triệu Dũng.
Sau khi có những thông tin không thống nhất về chuyện đi và về của Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh và xe biển xanh đón gia đình riêng của ông ở chân cầu tháng máy bay, ngày 5/1, ông Trần Hoài Phương- Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết cơ quan này đã giao cán bộ kiểm tra thông tin vụ xe biển xanh và khi có thông tin cụ thể sẽ cung cấp đến báo chí.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thời gian qua đã kêu gọi việc làm trong sạch đảng và đảng viên phải gương mẫu.
Tại Hội nghị toàn quốc về học tập, quán triệt Nghị quyết trung ương 8 ở Hà Nội vào ngày 23/11/2018, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh chính kêu gọi đảng viên cao cấp phải có trách nhiệm nêu gương, kiểm soát không để vợ, chồng, con sống xa hoa, phô trương, lãng phí, vi phạm pháp luật.
Trong khi đó, bài báo về vụ xe biển xanh đóng vợ con cán bộ ở chân cầu tháng máy bay trên trang Vietnamnet đã bị rút xuống mà không rõ lý do.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/public-upset-about-minister-car-used-for-private-family-01052019092854.html

Báo nhà nước gỡ bài

“Bộ Chính trị duyệt tăng mức đầu tư Metro TPHCM”

 050119_3a
Đến sáng ngày 5/1/2019, các bài viết về việc “Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý duyệt tăng 51.712 tỷ đồng (tương đương 2,23 tỷ USD) cho 2 tuyến Metro TPHCM” đã bị gỡ bỏ, hoặc dẫn qua 1 bài viết khác.
Theo một bài báo duy nhất còn lại trên mạng báo Nhịp cầu đầu tư, Văn phòng Trung ương đảng Cộng sản ngày 4/1 có thông báo gửi Ban cán sự đảng Chính phủ, đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải và Thành ủy TP.HCM, Bộ Chính trị đã đồng ý Chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2009 là 17.388 tỉ đồng, nay điều chỉnh tăng lên 47.325 tỉ đồng.
Dự án tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư được UBND TP.HCM duyệt năm 2010 là 26.116 tỉ đồng, nay điều chỉnh tăng lên 47.891 tỉ đồng.
Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng – bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có ký trình Bộ Chính trị xem xét việc điều chỉnh tổng mức đầu của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên (Q.1 – Q.9) và tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương (Q.12).
Thông tin việc Bộ Chính trị đồng ý duyệt tiền ngân sách nhà nước khiến dư luận dậy sóng, luật sư Trần Vũ Hải viết trên FB cá nhân:
“Hoan hô Bộ chính trị 16 người đã làm thay việc của 490 đại biểu Quốc hội duyệt tăng vốn cho dự án Metro tại Tp.HCM. Theo tiền lệ này, sắp tới nước ta không cần cơ quan dân cử nữa nhỉ? Cám ơn Bộ chính trị rất tài, đã tiết kiệm tiền dân!”
Theo luật Ngân sách 2015, Quốc hội mới là cơ quan “quyết định chính sách cơ bản về tài chính – ngân sách nhà nước”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/state-media-withdraw-article-about-metro-benthanh-suoitien-01052019091952.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.