Tin Biển Đông – 05/01/2019
Biển Đông: Mỹ, Đồng Minh Tăng Cường Quân Sự
Vi Anh
Tin mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31/12/2018 đã ký ban hành luật Sáng kiến Tái bảo đảm Châu Á nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương trước những thách thức đang lên từ phía Trung Quốc. Luật này nhìn nhận vai trò đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ trong việc củng cố hoà bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương và kêu gọi việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và an ninh. Luật này Mỹ cũng qui định cấp một ngân khoản gồm 1,5 tỷ đô la mỗi năm trong 5 năm để tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, và 150 triệu đô la mỗi năm trong 5 năm cho dân chủ, pháp quyền, hỗ trợ xã hội dân sự.
Từ khá lâu Mỹ tăng cường hiện diện quân sự chống TC ở Biển Đông nhưng không hăng hái, quyết liệt như thời TT Trump. Như bây giờ đây, lần đầu Mỹ kêu gọi đồng minh tăng cương quân lực và hiện diện quân sự ở Biển Đông để tuần tra và để gửi thông điệp mạnh đến Trung Quốc.
Còn Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á – Thái Bình Dương Randy Schriver, tuyên bố ngày 27/12 được tờ News.com.au loan tải như sau, “Mỹ hoan nghênh Australia gần đây đã đẩy mạnh hoạt động hải quân ở Biển Đông. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc nhiều đồng minh và đối tác khác của Mỹ tham gia vào hoạt động này sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc.”
Ngoài ra, Mỹ còn tăng cường hải lực, không lực cho Biển Đông và lập căn cứ chiến lược ở Nam Thái bình dương Mỹ kết hợp với Úc nâng cấp Đảo Manus của Papua New Guinea thành căn cứ chiến lược để kềm hãm sự bành trướng của TC trong khu vực. Đảo Manus là một căn cứ của đồng minh trong Thế Chiến 2 chống lại Nhật Bản ở Thái Bình Dương. Trên đảo có căn cứ hải quân Lombrum có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Căn cứ này có cảng nước sâu và nhiều bến tàu, một đường băng dài 2,7 km, và các trại quân sự có thể chứa hàng chục ngàn binh sĩ Thuỷ quân Lục chiến. Căn cứ này từng tiếp đón 800 chiếc tàu, có nhiều kho nhiên liệu và một bệnh viện lớn, với 3000 giường bệnh.
Còn Anh là đồng minh lịch sử của Mỹ thì Bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson tiết lộ trên báo Anh Sunday Telegraph, số đề ngày 31/12/2018, về khả năng Luân Đôn mở thêm căn cứ quân sự mới, rất có thể là ở Đông Nam Á, tại Singapore hoặc Brunei. Đây là một chuyển động mới trong chính sách ngoại giao, quốc phòng của Anh Quốc, sau khi đã đóng cửa các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và Vịnh Ba Tư trong những năm 1960. Nhật báo Hồng Kông South China Morning
Post cho rằng nếu Anh Quốc thành lập một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, điều đó có nhiều khả năng sẽ phủ bóng đen lên quan hệ Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia đã đồng ý cho Anh Quốc mở căn cứ trên lãnh thổ của mình. Theo ông Hứa Lợi Bình (Xu Liping), giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Châu Á Thái Bình Dương thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã hội Trung Quốc: “Rõ ràng đây là động thái phô trương sức mạnh của Anh nhằm vào Trung Quốc, chứng tỏ sự can dự rõ rệt các các cường quốc bên ngoài vào vấn đề Biển Đông”.
Và Ông Nghê Lạc Hùng nhận định kế hoạch lập căn cứ Anh cho thấy là Luân Đôn ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề ra.
Còn Nhựt, chính phủ Nhật Bản hôm 18/12/2018 thông qua kế hoạch quốc phòng cho 5 năm tới. Theo đó lần đầu tiên kể từ sau Đệ nhị Thế chiến quân đội Nhật sở hữu hai hàng không mẫu hạm, mua thêm nhiều chiến đấu cơ tối tân, nhằm đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Song song đó, chính phủ Nhật dự trù mua thêm 45 phi cơ tàng hình F-35B của hãng Lockheed Martin trị giá 4 tỉ đô la, thêm vào số 42 chiếc đã đặt hàng. Ngoài ra còn mua 105 chiếc F-35As (một phiên bản khác không thể sử dụng cho hàng không mẫu hạm), 2 hệ thống phòng không Aegis Ashore để ngăn chận hỏa tiễn Bắc Triều Tiên, 4 phi cơ Boeing KC-46 Pegasus để mở rộng tầm tiếp liệu, 9 máy bay cảnh báo Northrop Grumman E-2 Hawkeye. Báo chí Nhật ước tính phí tổn tổng cộng lên đến trên 1.000 tỉ yen (8,8 tỉ đô la). Thủ tướng Shinzo Abe nhận định Nhật Bản cần phải có những phương tiện hiệu quả hơn, trước «mối đe dọa đáng lo ngại» từ các hoạt động quân sự trên biển và trên không của Trung Quốc tại châu Á. Bên cạnh đó là Bắc Triều Tiên vốn khó lường, và một nước Nga đang trỗi dậy gây khó khăn cho đồng minh Hoa Kỳ. Quyết định của Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục không chỉ nhằm mục đích xoa dịu Mỹ mà còn giúp Tokyo đối phó với Trung Quốc. Ông Akira Kato, giáo sư chính trị quốc tế và an ninh khu vực tại Đại học Tokyo cho rằng: “Ngân sách quốc phòng gia tăng của Nhật Bản là trực tiếp nhắm vào việc đối phó với mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Khoản tăng ngân sách này cũng là một phần nỗ lực của Nhật Bản để mua thêm thiết bị quân sự của Mỹ nhằm tránh xảy ra chiến tranh thương mại với Washington”.
Những chuyển động mới, tình hình tăng cường hiện diện và quân sự vào Biển Đông của Mỹ và đồng minh là đối phó, đương đầu với TC. Theo ông Schriver, các đồng minh của Mỹ như Australia, Anh, Pháp và Canada đều có động thái tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông bởi các nước này đều nhận thức rõ những hành vi TC vi phạm quy tắc và luật pháp quốc tế ở vùng biển này đều sẽ tác động tiêu cực đến tình hình toàn cầu.
Căng thẳng trên Biển Đông gần đây gia tăng sau khi Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp các đảo nhân tạo trái phép và tăng cường hoạt động quân sự hóa tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động này đi ngược cam kết của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa Biển Đông và hứng chịu nhiều chỉ trích của dư luận quốc tế.
Mỹ hồi cuối tháng 9 cũng điều tàu khu trục USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Hải quân Mỹ cáo buộc tàu khu trục lớp Type-052C của Trung Quốc đã cố tình cản trở USS Decatur theo cách không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, buộc chiến hạm Mỹ phải đổi hướng.
Trong tháng 10, máy bay, tàu chiến của 5 nước Australia, Singapore, Malaysia, New Zealand và Anh cũng tham gia cuộc diễn tập Bersama Lima ở khu vực thuộc Biển Đông ngoài khơi Malaysia và Singapore.
Còn phía TQ, họ hăm doạ Đài Loan “thống nhất hoặc là chết”. Quân đội Trung Quốc cảnh báo Đài Loan có thể chỉ đối mặt với “cái chết” nếu hòn đảo này chống lại bằng vũ lực các nỗ lực thống nhất của đại lục, và rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục “các cuộc tuần tra bao vây” trong vùng biển và không phận quanh hòn đảo.
Mỹ tuy ngưng bang giao với Đài Loan nhưng vẫn còn nghĩa vụ hiệp ước yểm trợ quân sự cho Đài Loan. Thời TT Trump, Mỹ và Đài Loan xích lại gần nhau nhiều.
TC rơi vào hoàn cảnh cô đơn vô cùng bất lợi về quân sự trong vùng Á châu Thái bình dương. Nếu có chiến tranh xảy ra Vạn Lý Trường Thành ngoài Biển Đông của TC sẽ bị Mỹ và đồng minh biến thành cát đá chìm xuống đáy biển../. (VA)
TQ: Va Chìm Tàu Cá VN Là Hợp Lý
BIỂN ĐÔNG — Nhà nước Trung Quốc ngang ngược… làm đủ mọi trò hung hăng ở Biển Đông.
Bản tin RFA ghi lời Bộ Ngoại giao TQ: Tàu TQ đâm tàu cá VN là “hành động chấp pháp bình thường”…
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng vào ngày 3-1-2019, đã trả lời báo chí rằng việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông là hành động chấp pháp bình thường.
Cụ thể, trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải buổi họp báo thường kỳ của bộ này trong đó có câu hỏi của một phóng viên về những vụ đụng độ trên biển.
Theo đó người phóng viên hỏi rằng phía Việt Nam nói tàu cá nước này nhiều lần bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tấn công ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa mà theo Trung Quốc là Tây Sa và hải sản của họ cũng bị phía Trung Quốc lấy đi. Phóng viên yêu cầu bình luận và cho biết vụ việc xảy ra bao nhiêu lần.
Ngoài ra phóng viên còn hỏi thêm “Lệnh cấm đánh bắt cá” Trung Quốc thực hiện ở biển Nam Trung Hoa (South China Sea) òa đồng thời được áp dụng cho các tàu cá của các quốc gia khác hoạt động trong cùng khu vực hay không và cơ sở của việc đó là gì.
RFA ghi lời Ông Lục Khảng trả lời câu hỏi thứ nhất rằng theo thông tin mà phía Trung Quốc có được, thì tàu công vụ của Trung Quốc chỉ hoạt động chấp pháp bình thường trong vùng biển liên quan thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Việc áp dụng các biện pháp đối với các tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép là bình thường, và các biện pháp đó được giữ ở mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật.
Ông này cho rằng theo những gì mà ông ta biết, câu hỏi của người phóng viên chỉ là trường hợp cá biệt. Theo lời của ông Lục Khảng thì mọi người đều hiểu là việc tranh chấp đánh cá theo thời gian giữa các nước láng giếng có biển là việc bình thường.
Theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, theo những gì mà phía Bắc Kinh nắm được, các ban ngành liên quan của 2 chính phủ Trung Quốc và Việt Nam vẫn giữ liên lạc bình thường trong vấn đề chấp pháp nghề cá.
Trung Quốc thường sử dụng đường lưỡi bò hay còn gọi là đường đứt khúc chín đoạn để đòi chủ quyền lên đến 90% diện tích Biển Đông.
Đây cũng là nơi một số nước trong khu vực cũng tuyên bố chủ quyền bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Những năm qua, tàu cá Việt Nam thường xuyên bị tàu cá Trung Quốc đâm va hay bắt giữ khi đang hoạt động đánh bắt cá bình thường ở khu vực ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.
Báo chí Việt Nam thường gọi là “tàu lạ” đối với những thủ phạm đâm chìm tàu cá của ngư dân trong nước.
Cũng nên nhắc tới một bản tin của Zing ngày 18/6/2018 cho biết: 20 tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc xua đuổi ở Hoàng Sa.
20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi bị tàu của Trung Quốc xua đuổi khi tránh trú tại quần đảo Hoàng Sa.
Chiều 18/6, Văn phòng ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông tin vào trưa cùng ngày, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, 20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh
Quảng Ngãi đã trú tránh ở rìa nam tây nam đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu của Trung Quốc xua đuổi.
Việt Nam Hành Động Khó Hiểu Ở Biển Đông
Phạm Trần
Mỗi ngày đi qua lại có thêm bằng chứng Lãnh đạo Việt Nam quên nhắc đến tên Biển Đông như điều kiện làm hài lòng Trung Cộng.
Bằng chứng đã thấy trong các bài diễn văn hay bài viết cuối năm kiểm điểm tình hình quốc nội và ngoại giao của hai ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Riêng ông Phúc đã không nói đến Biển Đông trong hai bài phát biểu quan trọng trước kỳ họp 6 của Quốc hội hồi tháng 10 và 11/2018.
Bài thứ nhất là Báo cáo về “Tình hình Kinh tế-Xã hội năm 2018 và Kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2019”. Bài thứ hai ghi lại phát biểu của ông Phúc tại Phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội.
Đề cập đến “quốc phòng, an ninh, đối ngoại”, ông Phúc nói: “Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tập trung chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia; góp phần nâng cao vị thế đất nước. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ; xây dựng, quản lý biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.”
Toàn là những điều chung chung, thiếu chi tiết cụ thể và ảo tưởng. Không có chữ nào nói đến tình hình phức tạp do Trung Cộng gây ra cho an ninh và ngư phủ Việt Nam đánh bắt ở hai vùng biển truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, khi ông Phúc nói Chính phủ đã “Chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển” là ông đã nói loạn cào cào, không thật. Bởi vì từ xưa đến nay, lực lượng Cảnh sát biển và Lực lượng biên phòng Việt Nam chưa bao giờ dám can thiệp, nghênh chiến hoặc đánh đuổi Hải quân Trung Cộng trá hình Hải giám khi chúng tấn công ngư dân Việt Nam ở Biển Đông.
Thậm chí báo đài chính thống của nhà nước Việt Nam còn không dám gọi đích danh quân Trung Cộng và tầu Trung Cộng mà chỉ nói bâng quơ “tầu lạ” hay “tầu nước ngoài”, mặc dù ngư phủ Việt nói thẳng đó là tầu và lính Trung Cộng.
Do đó, khi ông Nguyễn Xuân Phúc nói bừa rằng, Chính phủ do ông cầm đầu đã “Thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ; xây dựng, quản lý biên giới hòa bình, ổn định và phát triển” là ông đã nói theo miệng lưỡi của hạng người muốn cắn răng bóp bụng để được sống chung hòa bình với quân thù.
Trong bài viết khoe thành tích đầu năm 2019 nhan đế “Quyết liệt hành động để phát triển nhanh, bền vững”, thêm lần nữa ông Phúc không nói một chữ nào về tình hình Biển Đông, mặc dù hiểm họa Trung Cộng chiếm thêm biển đào của Việt Nam chưa bao giờ đến gần như năm 2018.
Trung Cộng đã hoàn tất kế hoạch “Quân sự hóa” 7 bãi đá chiếm của Việt Nam ở Trường Sa từ năm 1988 gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.
Sân bay, bến cảng, lực lượng phòng không, đài radar và lực lượng đồn trú đã sẵn sàng cho Trung Cộng sử dụng bất kỳ lúc nào có lệnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Hoa Tập Cận Bình.
Theo các nhà phân tích về nội tình Trung Cộng thì phe “diều hâu” trong Quân đội Trung Cộng đang gia tăng áp lực đòi công khai đương đấu với Hải quân Mỹ ở Biển Đông, sau vài vụ “quấy nhiễu nhẹ” giữa các tầu chiến hai nước ở Biển Đông từ giữa năm 2018.
Một trong số tướng “diều hâu” của Trung Cộng tên La Viện đã đề nghị “Phải đánh chìm tàu sân bay Mỹ” ở Biển Đông.
La Viện nói: “Mỹ sợ nhất là chết người, chỉ cần đánh chìm 2 tàu sân bay, chết 10 ngàn người là Mỹ sợ ngay”.
Theo bài dịch của Thu Thủy đăng trên báo VietTimes ở trong nước ngày 02/01/20198 thì tuyên bố của La Viện đã được đăng trên trang tin Hoa ngữ Đa Chiều “DWNews” được cho là thân cận với Bắc Kinh. Theo tin này, hôm 20/12/2018 Trung Quốc đã tổ chức tại Thâm Quyến “Hội nghị công nghiệp quân sự 2018”, La Viện, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học quân sự Trung Quốc” đã có bài phát biểu dài tập trung nói về vấn đề đối đầu Trung – Mỹ.
Ngày 23.12, toàn văn bài nói của La Viện được đăng tải trên tạp chí “Hoa Sơn cung kiếm” dưới tiêu đề “Thiếu tướng La Viện: Chiến tranh mậu dịch Trung – Mỹ là gì? Vì sao? Làm thế nào?
Lâu nay, từ Tập Cận Bình trở xuống cho đến Thủ tướng Lý Khắc Cường và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đều nằng nặc hô hoán rằng tất cả các bãi, đảo và vùng nước cung quanh ở Biển Đông là của Trung Hoa từ thời cổ đại.
Trung Cộng cũng nói không nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ, dù chỉ 1 ly. Ngược lại phía Việt Nam thì từ ông Trọng trở xuống đều ngậm môi không dám hé răng, động lưỡi.
Do đó, cả hai ông Trọng và Phúc chỉ hứa suông: “Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”, nhưng tuyệt đối tránh nói đến Biển Đông, dường như sợ làm mất lòng Trung Cộng.
Riêng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong bài viết phổ biến cuối năm 2018, lại nói khơi khơi không bằng chứng rằng: “Trên Biển Đông, chúng ta tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.“
Hai chữ “vững chắc” là chỉ chắc ở 21 vị trí đóng quân của Việt Nam ở Trường Sa vì chưa bị quân Trung Cộng tấn công, hay không có động thái gây chiến với bất kỳ lực lượng nước ngoài nào ở Biển Đông. Nên biết, ngoài Việt Nam và Trung Cộng, còn có các bên tranh chấp nhiều hay ít gồm Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á, Brunei và Đài Loan.
Mới đây, trong chuyến thăm Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Cộng Vương Nghị đã sử dụng thỏa hiệp khai thác dầu khí chung với Phi Luật Tân ở Biển Đông để áp lực Việt Nam cùng hợp tác trên vùng tranh chấp nhưng Hà Nội chưa đồng ý.
Riêng phần ông Nguyễn Phú Trọng thì đã từ lâu, ít ra trong toàn năm 2018, danh từ Biển Đông và tình hình ở đó an nguy cho Việt Nam ra sao không thuộc danh mục ông muốn nói với dân trong các cuộc tiếp xúc với Cử tri Hà Nội hay tại các buổi làm việc với cán bộ, đảng viên.
Vì vậy, nếu có thắc mắc “phải chăng lãnh đạo Việt Nam đã bị dị ứng nên ngọng miệng với hai chữ Biển Đông” không dám nói vì là vấn đế “nhậy cảm” với những ngưởi mà ông Trọng gọi là “vừa là đồng chí, vừa là anh em Trung Quốc.”
Ngoài ra ai cũng biết Lãnh đạo Việt Nam muốn cho dân ăn bánh vẽ hòa bình, ổn định giả tạo ở Biển Đông với Trung Cộng chỉ vì muốn giữ cho tròn nghĩa vụ phải tuân theo 16 chữ vàng “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, và bảo vệ tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Những chữ ma quái phù thủy này đã được phía Trung Cộng, thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trao cho Việt Nam như cẩm nang phải giữ. Ngược lại phía Trung Hoa lại không cần làm theo nên Bắc Kinh đã ngạo ngược hành động quân sự đơn phương ở Biển Đông từ bấy lâu nay.
VÕ VĂN THƯỞNG-BÁO CHÍ
Bên cạnh những bất thường quanh hai chữ Biển Đông, dư luận trong và ngoài nước cũng quan tâm không ít đến những phát biểu cuối năm của Ủy viên Bộ Chính trị, Trương Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng đối với tình trạng báo chí đã “xa rời tôn chỉ và mục đích”, hoặc có khi còn xoay chiều, làm ngươc với chỉ thị của đảng.
Cũng như hai ông Trọng và Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo, cơ quan nắm đầu báo chí và giữ vững tư tưởng đảng đã không nói, dù 1 chữ chỉ thị cho báo chí về tình hình Biển Đông.
Bởi vì, theo lời ông Thưởng, hiện nay báo chí đang phải đối mặt với tình trạng: “Xu hướng xã hội hóa thông tin, tìm kiếm thông tin ngày càng cá nhân hóa; hiểm họa tin giả; quảng cáo giảm sút; nguy cơ tụt hậu của báo chí nước ta trước sự phát triển rất nhanh của báo chí và truyền thông thế giới; biểu hiện mơ hồ về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một phận người làm báo…”
Do đó, ông Thưởng đã nói với Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 28/12/2018 rằng: “Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất; có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí.”
Ông ra lệnh: “Khắc phục tối đa bị kỷ luật ở cơ quan này chạy qua cơ quan khác, bị tước thẻ nhà báo thì vẫn mang bút danh khác… Tôi nhớ kỷ niệm năm trước, tôi đã nói báo chí phê phán người ta… nhưng tôi thấy rằng nhiều phóng viên viết bài trên báo mình rất hay nhưng rời khỏi toà soạn viết trên mạng xã hội là như con người đa nhân cách. Một mặt viết trên báo đào hoa phong nhã, tư cách sáng ngời, lên mặt phê bình người này, dạy dỗ người khác nhưng khi viết trên mạng cũng không thua kém người vô bổ vô thực, chửi tục nói phét”.
Rồi ông kêu gọi Hội Nhà báo: “Cần tăng cường nhiều hơn, có giải pháp tích cực hơn nữa nhằm phê bình những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của hội viên, cơ quan báo chí với những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc, đủ sức răn đe, tương xứng với những sai phạm. Đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm góp phần phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức Hội, hội viên và người làm báo.”
Cuối cùng, ông Thưởng nhìn nhận Đảng đang phải đối phó với “thách thức từ mạng xã hội là rất lớn” .
Ông nói: “Thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin.”
Như vậy rõ ràng, tình trạng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” không chỉ xẩy ra trong cán bộ, đảng viên mà còn đầy rẫy trong làng báo, những người lèo lái dư luận theo lệnh đảng.
Hèn chi ông Thưởng đã khôn không yêu cầu báo chí giúp đảng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, vì khi hai Lãnh đạo đầu não Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc không màng thì ai thèm quan tâm?
Phạm Trần
(01/019)
0 comments