Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 10/01/2019

Thursday, January 10, 2019 2:32:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 10/01/2019

Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục

bị đóng cửa một thời gian nữa

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/1 tuyên bố ông có quyền ban bố tình trạng khẩn cấp để xây dựng bức tường ở biên giới phía Nam với Mexico nếu ông không đạt được thỏa thuận với Quốc hội về việc cấp tiền xây tường trong lúc Đảng Dân chủ muốn thử thách sự kiên quyết của Đảng Cộng hòa trong chuyện này.
Vào ngày thứ 19 chính phủ liên bang bị đóng cửa một phần do bất đồng về việc xây tường biên giới, ông Trump nói với các phóng viên ở Nhà Trắng rằng ông có thể sẽ tiến đến tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không thể làm việc cùng nhau để giải quyết thế bế tắc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và những người cùng đảng Dân chủ có kế hoạch xúc tiến một dự luật để ngay lập tức mở cửa trở lại Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái và một vài cơ quan khác vốn đã bị đóng cửa kể từ rạng sáng ngày 22/12.
Phe Dân chủ rất muốn buộc Đảng Cộng hòa phải chọn giữa việc cấp ngân sách cho Sở thuế (IRS) trực thuộc Bộ Tài chính vào lúc cả bộ máy đang chuẩn bị vào guồng để hoàn thuế cho hàng triệu người dân Mỹ hay là tiếp tục để nó bị đóng cửa.
Trong một động thái phản công, chính quyền Trump hôm 8/1 nói rằng thậm chí khi không được cấp ngân sách mới, IRS vẫn có thể bằng cách nào đó đảm bảo rằng những tấm séc hoàn thuế này sẽ được gửi đi.
Tại Nhà Trắng, ông Trump nói với các phóng viên rằng ông đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bài diễn văn trên truyền hình vào tối ngày 8/1 bởi vì ông nghĩ rằng ông có thể đạt được thỏa thuận với Quốc hội.
“Bởi vì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận, tôi có thể đi con đường đó. Tôi hoàn toàn có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu muốn,” ông Trump nói.
Trong diễn văn truyền hình tối ngày 8/1, ông Trump đã kêu gọi Quốc hội cấp cho ông 5,7 tỷ đô la trong năm nay để xây dựng bức tường nhưng lại không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để ông có thể sử dụng ngân sách quân sự trang trải cho bức tường. “Bao nhiêu máu của người Mỹ phải đổ nữa trước khi Quốc hội thực thi chức trách của mình?” ông đặt vấn đề với hàm ý nói đến những vụ giết người do di dân lậu thực hiện.
Vào ngày 9/1, ông Trump đã đến Điện Capitol để dự một buổi ăn trưa làm việc với phe Cộng hòa ở Thượng viện và sau đó ông đã nói là ông không lay chuyển trong lập trường cứng rắn của ông đối với bức tường.
“Chúng tôi không nói gì khác hơn là sự đoàn kết,” ông nói với các phóng viên. Ông cho biết ‘một vài’ thượng nghị sĩ đã nói về chiến lược nhưng ‘Đảng Cộng hòa đoàn kết. Chúng tôi muốn an ninh biên giới.’
Khi được hỏi sau đó liệu ông có ấn tượng gì trong cuộc gặp với Tổng thống Trump là tình trạng đóng cửa sẽ sắp sửa chấm dứt hay không, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tim Scott cho biết: “Không hề. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ ở trong tình trạng này một thời gian nữa.”
Lãnh đạo phe Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell đã bắt đầu phiên họp Thượng viện hôm 9/1 với lời đả kích phe Dân chủ đã không ủng hộ yêu sách của ông Trump về cấp tiền xây tường biên giới.
Về phần mình, bà Pelosi và lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện đã hòa cùng các nhân viên liên bang bị nghỉ việc trong một cuộc gặp với báo chí trước khi ông Trump đến Điện Capitol. Bà Pelosi nói rằng ông Trump ‘đã chọn bức tường thay vì nhân viên liên bang. Tổng thống cần phải chấm dứt việc đóng cửa chính phủ một cách vô lý của ông ấy.’
Trong tuần này, bà Pelosi có kế hoạch bỏ phiếu cho từng dự luật một để cấp ngân sách hoạt động cho các cơ quan liên bang từ Bộ An ninh Nội địa cho đến Tư pháp, Ngoại giao, Nông nghiệp, Thương mại và Lao động.
Bằng cách tận dụng thế đa số của phe Dân chủ để đẩy những dự luật này qua Hạ viện, bà Pelosi đang hy vọng sẽ có đủ Thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ bà và từ bỏ ván bài bức tường của ông Trump. Tuy nhiên, có nghi ngờ liệu kế hoạch của bà Pelosi sẽ thành công hay không trong việc buộc Thượng viện phải hành động.
Ông Mitch McConnell không hề lay chuyển trong lập trường cứng rắn của ông là không đưa bất cứ dự luật cấp ngân sách cho chính phủ nào mà không có sự ủng hộ của ông Trump ra Thượng viện bỏ phiếu bất chấp việc một số thượng nghị sĩ Cộng hòa ôn hòa đã kêu gọi ông chấm dứt thế bế tắc.
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-m%E1%BB%B9-c%C3%B3-th%E1%BB%83-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-b%E1%BB%8B-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-m%E1%BB%99t-th%E1%BB%9Di-gian-n%E1%BB%AFa/4736663.html

Hạ viện quyết bác tường biên giới,

Trump cắt ngang cuộc họp

Các lãnh đạo Dân chủ hàng đầu cho hay Tổng thống Donald Trump bước ra khỏi cuộc họp với lãnh đạo Quốc hội trong lúc các cuộc thương lượng để chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ tiếp tục bế tắc.
Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, Chuck Schumer, cho biết trong cuộc gặp hôm nay 9/1 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump hỏi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng bà có đồng ý cấp quỹ cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico theo đề nghị của ông hay không.
AP dẫn lời ông Schumer thuật lại rằng khi bà Pelosi trả lời ‘Không’ thì Tổng thống Trump đứng dậy tuyên bố ‘Vậy thì không có gì phải bàn cả,’ và bỏ ra ngoài.
Thượng nghị sĩ Schumer nói hành động của ông Trump là hết sức đáng tiếc.
Tổng thống Trump cũng lên Twitter đăng tin về cuộc họp, với dòng chữ ‘hoàn toàn mất thời gian.’
Ông Trump viết trên Twitter rằng khi bà Pelosi từ chối tường biên giới, ông đã nói ‘bye-bye, không điều gì khác có tác dụng.’
https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-quyet-bac-tuong-bien-gioi-trump-cat-ngang-cuoc-hop-/4736079.html

Chính phủ Mỹ đóng cửa: Lỗi tại ai?

Ngày càng có nhiều người dân Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump về tình trạng đóng cửa một phần khiến hàng trăm ngàn viên chức nhà nước liên bang không nhận được lương mặc dù các cử tri Cộng hòa đa số ủng hộ việc ông không ký đạo luật ngân sách mà không bao gồm khoản tiền 5,7 tỷ đô la từ thuế để trang trải cho bức tường biên giới, theo một cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos thực hiện và công bố hôm 8/1.
Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 1 cho đến ngày 7/1 cho thấy 51% người Mỹ trưởng thành tin rằng ông Trump ‘đáng phải chịu phần lớn trách nhiệm’ cho việc đóng cửa chính phủ vốn đã bước vào ngày thứ 18. So với lần thăm dò trước từ 21 cho đến 25/12, số người quy lỗi cho ông Trump đã tăng 4 điểm phần trăm.
Có 32% người được vấn ý buộc tội phe Dân chủ trong Quốc hội và 7% chỉ mũi dùi vào phe Công hòa ở Quốc hội, theo kết quả trưng cầu. Những con số này không thay đổi so với lần thăm dò trước.
Ông Trump đã nói là ông vẫn để cho Chính phủ đóng cửa một phần cho đến khi nào Quốc hội phê chuẩn ngân sách cho bức tường biên giới.
Mặc dù các vụ vượt biên trái phép vào lãnh thổ Mỹ đã giảm đáng kể trong những năm gần đây nhưng ông Trump vẫn khăng khăng cho rằng bức tường biên giới là cần thiết để ngăn chặn ‘cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh quốc gia’.
Sự ủng hộ của công chúng Mỹ đối với bức tường biên giới đã thay đổi đáng kể trong vòng vài năm qua khi vấn đề này trở thành trọng tâm trong nghị trình của ông Trump. Cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 41% số người được hỏi ủng hộ xây thêm bức tường biên giới, tức là giảm 12% so với cuộc thăm dò tương tự hồi đầu năm 2015.
Cũng theo kết quả cuộc thăm dò này, chỉ 35% người Mỹ trưởng thành ủng hộ một dự luật ngân sách bao gồm cấp tiền cho bức tường và 25% ủng hộ quyết định của ông Trump là để cho chính phủ đóng cửa đến chừng nào Quốc hội chuẩn thuận ngân sách cho bức tường.
Tuy nhiên, các cử tri Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ việc ông Trump theo đuổi bức tường biên giới. Họ liên tục xếp vấn đề di dân là mối quan tâm hàng đầu của họ cho đất nước. Có 71% các cử tri Cộng hòa cho biết họ muốn xây thêm hàng rào ở biên giới và 54% người Cộng hòa ủng hộ ông Trump đóng cửa chính phủ cho đến khi nào Quốc hội cấp tiền cho bức tường.
https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-m%E1%BB%B9-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-l%E1%BB%97i-t%E1%BA%A1i-ai-/4736662.html

Đóng cửa chính phủ Mỹ:

Lựa chọn nào cho Tổng thống Trump?

Tổng thống Donald Trump gọi biên giới Mỹ – Mexico là cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia trong khi Đảng Dân chủ cáo buộc ông bắt giữ con tin Mỹ trước mối đe dọa giả mạo. Hậu quả của việc họ từ chối tài trợ xây dựng bức tường của ông Trump là chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong 19 ngày.
Hai bên tiếp tục đào sâu vấn đề về bài diễn văn quốc gia vào tối hôm thứ Ba – vậy chuyện gì đang xảy ra?
Trump ‘bye bye’ đàm phán về đóng cửa chính phủ
Trump sẵn sàng đóng cửa chính phủ Mỹ ‘nhiều năm’
Đóng cửa chính phủ: 13 ảnh hưởng tiêu cực
Khi đất nước chờ đợi Washington tiến lên, đây là một vài lựa chọn mở ra cho ông Trump, theo phân tích của Anthony Zurcher của BBC.
1. Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Bài diễn văn của tổng thống không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói với phóng viên hôm thứ Tư rằng việc này “chắc chắn vẫn còn trên bàn”.
Nếu ông Trump sử dụng quyền lực tổng thống của mình, ông có thể bỏ qua Quốc hội và đạt được việc xây dựng bức tường thông qua nguồn lực quân sự.
Giới chỉ trích có thể coi đây là sự lạm dụng quyền lực một cách trắng trợn, và ngay cả sau khi ông Trump soạn thảo tuyên bố của mình, ông phải thông báo cho Quốc hội chính xác những quyền lực mà ông đang sử dụng.
Sau đó, Quốc hội có thể vô hiệu hóa nó bằng một cuộc bỏ phiếu của cả Thượng viện và Hạ viện – nhưng theo luật pháp Hoa Kỳ, việc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp sẽ vẫn cần Tổng thống ký để nó có hiệu lực.
Trong tình huống như vậy, dường như ông Trump sẽ không thông qua, gây ra cuộc chiến pháp lý giữa hai nhánh của chính phủ.
Nhưng Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia năm 1976, đưa ra thẩm quyền đơn phương cho tổng thống trong trường hợp khẩn cấp, cũng như lịch sử tòa án về việc trì hoãn các quyết định an ninh quốc gia của tổng thống, có thể có lợi cho ông.
Trong khi tranh luận rằng có một cuộc khủng hoảng cần giải quyết, ông Trump nói rằng 300 công dân Mỹ chết mỗi tuần vì heroin, “90% heroin đó tràn qua từ biên giới phía nam của chúng ta”.
Đúng là gần như tất cả heroin vào Mỹ là từ Mexico, nhưng theo Cơ quan Quản lý Thực thi Ma túy của ông Trump, hầu hết heroin vào Mỹ qua các cảng nhập cảnh hợp pháp. Vì vậy, việc xây dựng bức tường sẽ không có hiệu quả.
Và trước cuộc bầu cử một năm, có vẻ như tổng thống sẽ không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn cho biện pháp gây tranh cãi như vậy từ chính đảng của ông.
Như Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói với BBC hôm thứ Tư: “Chúng ta phải thận trọng trong việc tán thành rộng rãi việc sử dụng quyền hành pháp.”
Anthony Zurcher: Donald Trump sắp hết tác dụng đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Đảng Dân chủ.
Mối đe dọa “khẩn cấp quốc gia” chỉ là lá bài duy nhất còn lại của ông – nhưng tối thứ Ba, có lẽ là cơ hội tốt nhất để sử dụng là bài, khi ông có thể thực hiện nó trước quốc gia.
Trong khi thực hiện bước đi như vậy sẽ cho phép tổng thống tuyên bố rằng ông đang hành động trong khi chuyển trận chiến sang tòa án, thậm chí một số người bảo thủ lo sợ rằng nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu.
Đảng Dân chủ có thể kết luận ông đang lừa gạt – đưa tổng thống trở lại điểm xuất phát.
2. Trump thỏa thuận với quốc hội
Ông Trump đã gặp các nhà lãnh đạo quốc hội tại Nhà Trắng hôm thứ Tư trong một nỗ lực khác để giải quyết việc đóng cửa chính phủ, chỉ để kết thúc việc không đạt được thỏa thuận khi Đảng Dân chủ vẫn kiên quyết không tài trợ xây dựng bức tường.
Trong khi đó, áp lực đang gia tăng ở Capital Hill – như có những nỗ lực ngăn cản.
Hôm thứ ba, Đảng Dân chủ trong Thượng viện đã không thông qua dự luật chính sách ở Trung Đông của lưỡng đảng trong sự phản đối, và có thể tiếp tục chặn luật đóng cửa chính phủ trong sự phản đối.
“Chúng ta không thể tiếp tục, với việc chính phủ đóng cửa, người dân không nhận được tiền lương và bị tổn hại,” Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Patty Murray của Washington nói với CNN sau cuộc bỏ phiếu.
Cùng lúc đó, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Hakeem Jeffries, nói với các phóng viên sau cuộc họp kín của Đảng Dân chủ rằng “với mỗi ngày trôi qua”, đảng của ông hy vọng sẽ có thêm nhiều sự sẵn sàng đàm phán từ Đảng Cộng hòa.
Ông Jeffries nhắc lại rằng Đảng Dân chủ Hạ viện sẵn sàng sử dụng luật trước đây của Đảng Cộng hòa Thượng viện để mở lại chính phủ.
“Điều đó với tôi dường như là một sự thỏa hiệp hợp lý,” ông nói. “Những gì chúng tôi đang nói là chúng tôi sẽ không để bị ép vào một cuộc thảo luận mà chúng tôi phải chịu nhường hàng tỷ đô la cho một bức tường biên giới mà không ai tin rằng nó sẽ có hiệu quả.”
Tất cả chín đại biểu quốc hội (gồm một người của Đảng Cộng hòa) của các quận giáp Mexico đều phản đối bức tường của ông Trump.
Anthony Zurcher: khi việc đóng cửa chính phủ trở nên tồi tệ hơn, sẽ ngày càng khó khăn hơn cho ông Trump trong việc giữ cho Đảng Cộng hòa trong Quốc hội không bị phá vỡ hàng ngũ.
Đã có ba thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi mở lại chính phủ mà không cần phải có tiền tài trợ xây dựng bức tường. Khi Hạ viện bỏ phiếu về dự luật của Đảng Dân chủ để mở lại chính phủ, bảy người Cộng hòa đã cùng tham gia.
Trong tương lai số phiếu chắc chắn sẽ tăng lên. Các thành viên của cả hai viện đều đang tìm kiếm một lối thoát trong các cuộc đàm phán để thoát khỏi mớ hỗn độn này.
Nếu đảng Cộng hòa không thể đưa ra cho đảng Dân chủ bất cứ điều gì để giải quyết tình trạng cho những người di cư không có giấy tờ ở Mỹ, thì kết quả rất có thể sẽ mới, khoản tiền tài trợ an ninh biên giới mơ hồ mà không cung cấp tiền một cách rõ ràng cho tổng thống để xây dựng bức tường như đã hứa của ông.
3. Tiếp tục đóng cửa chính phủ
Khoảng 800.000 công nhân liên bang dự kiến sẽ lỡ tiền lương đầu tiên trong tuần này nếu tổng thống và các nhà lập pháp không thể đạt được thỏa hiệp.
Nhiều người đã bị nghỉ phép – tạm thời nghỉ việc – nhưng những người được coi là thiết yếu đã làm việc từ ngày 22 tháng 12 mà không được trả tiền.
Và nếu việc đóng cửa một phần kéo dài đến cuối tuần, nó sẽ trở thành vụ đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trong 19 ngày qua, các nhân viên liên bang đã chia sẽ nỗi lo lắng của họ về việc trả tiền thuê nhà, thanh toán các khoản tín dụng và mua thức ăn. Hàng trăm người phải kêu gọi trợ giúp hoặc kiếm việc làm thêm để đủ sống.
Nhân viên an ninh sân bay, những người đang làm việc không công, bắt đầu bỏ việc hoặc đang cân nhắc nghiêm túc việc đó trước việc đóng cửa chính phủ, theo các quan chức.
Hàng nghìn công nhân hợp đồng – những người không được hưởng bất kỳ tiền lương trả chậm nào từ quốc hội – và các doanh nghiệp nhỏ làm việc với các cơ quan liên bang cũng đang phải chịu cảnh như vậy.
Anthony Zurcher: trong những ngày đầu đóng cửa chính phủ có các báo cáo rằng Nhà Trắng không xem xét đầy đủ hệ quả của một giai đoạn kéo dài mà không có các khoản tiền chi trả đầy đủ của chính phủ.
Con số 800.000 được trích dẫn phần nhiều là các nhân viên liên bang – hầu hết trong số họ nằm rải rác ở Hoa Kỳ và không phải là nhân viên văn thư ở Washington – chỉ bắt đầu nhận ra tác động đầy đủ.
Chính quyền đang hứa rằng việc hoàn thuế sẽ được xử lý đúng hạn và hỗ trợ lương thực liên bang sẽ tiếp tục, nhưng có vẻ như chính quyền đã không nhận ra đây là một hệ quả có thể xảy ra khi họ bắt đầu điều đó.
Đây có thể là đóng cửa chính phủ “một phần”, nhưng tác động đến cuộc sống của người Mỹ – và với toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ – là rất đáng kể và gia tăng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46823039

Những vấn đề Mỹ và Trung Quốc

sẽ không bao giờ thỏa hiệp

Cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc với những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên một thỏa thuận cụ thể giữa hai bên dường như là vẫn đang ngoài tầm với.
TQ ‘ủng hộ’ Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai
Trump ‘bye bye’ đàm phán về đóng cửa chính phủ
Tiếp tục đồn đoán Kim – Trump ‘gặp nhau ở Việt Nam’
Trump có đang thua cuộc chiến thương mại với TQ?
Có rất ít những chi tiết mấu chốt được rút ra từ cuộc đàm phán chỉ ra mức độ khó khăn mà Washington và Bắc Kinh sẽ phải phải đối mặt trong thời gian tới để giải quyết những vấn đề phức tạp.
Những vấn đề chính giữa hai bên bao gồm: sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường, cùng với đó là tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
Nếu không có sự thay đổi căn bản về cấu trúc nền kinh tế từ phía Trung Quốc, cả hai sẽ khó tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề này.
1. Sở hữu trí tuệ
Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các doanh nghiệp Mỹ và buộc họ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc.
Các công ty Mỹ thì cho rằng chính quyền Trung Quốc luôn thiên vị và đưa ra những quy tắc có lợi cho doanh nghiệp địa phương .
Phía Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này.
“Không có điều luật nào ở Trung Quốc nói rằng bạn phải giao tài sản trí tuệ của mình cho các công ty Trung Quốc,” Tiến sỹ Trương Huy Đào (Wang Huiyao), Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc và toàn cầu hóa, nhóm chuyên gia tư vấn cho chính phủ Trung Quốc.
“Nhưng chính phủ cũng cảm nhận được mối lo ngại từ phía Mỹ và có ý định sẽ trừng phạt những loại vi phạm này, nếu chúng thực sự xảy ra.”
Để giải quyết mối lo ngại này, Bắc Kinh đã thành lập một tòa án về sở hữu trí tuệ và đang soạn thảo điều luật khiến giới chức Trung Quốc khó khăn hơn trong việc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ của họ cho Trung Quốc.
Tuy nhiên các luật sư phía Mỹ chỉ ra rằng bộ máy tư pháp của Trung Quốc nằm dưới sự điều hành của Đảng Cộng sản, và như thế các quyết định về pháp l‎ý sẽ được đưa ra theo cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc mong muốn, đặc biệt là khi có sự tham gia của một doanh nghiệp nhà nước.
2. Tiếp cận thị trường
Thành công của nền kinh tế Trung Quốc có được dựa trên cách tiếp cận mục tiêu, trung tâm và được thiết kế nhằm có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước.
Điều này hoàn toàn trái ngược với cách vận hành của các công ty Mỹ.
Mỹ cho rằng Trung Quốc hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước một cách không công bằng, cho họ những khoản vay lãi suất thấp và giúp đỡ những doanh nghiệp này cạnh tranh với các công ty nước ngoài một số ngành như hàng không vũ trụ, sản xuất chip điện tử và ô tô điện – đưa họ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ.
Phía Mỹ cho rằng ngay cả các công ty tư nhân Trung Quốc cũng có được những lợi thế, bởi vì các công ty nước ngoài khi cố gắng cạnh tranh ở Trung Quốc không có được những mối quan hệ hay quy mô đủ mạnh trong một thị trường khép kín, nơi mà họ cần những đối tác địa phương để hoạt động.
Trung Quốc đã hứa sẽ mở cửa thêm nhiều lĩnh vực kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài, nhưng điều này là vô nghĩa trừ khi họ cho phép các công ty của mình hoạt động độc lập.
3. Kế hoạch “Made in China 2025″
Lộ trình phát triển công nghiệp của Trung Quốc có lẽ là trở ngại lớn nhất cho hai bên.
“Made in China 2025″ mang đến nhiều mối lo cho phía Mỹ và Mỹ coi kế họach này của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp đối với vị thế của Mỹ trong những ngành như hàng không vũ trụ, chất bán dẫn và 5G.
“Những gì phía Mỹ muốn là thay đổi căn bản cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc,” Christopher Balding, cựu giáo sư tại Đại học Bắc Kinh cho hay.
“Họ muốn Trung Quốc trở thành một quốc gia ‘bình thường’ theo định hướng thị trường. Tuy nhiên Trung Quốc lại không muốn điều đó.”
Cả hai quốc gia đều đang gặp nhiều khó khăn từ chiến tranh thương mại và dự báo về tăng trưởng toàn cầu của hai bên cũng bị ảnh hưởng.
Vì vậy, cả hai đang cố gắng tìm ra một thỏa thuận mà họ “có thể hợp tác cùng”, như Wilbur Ross đã nói.
Nhưng đừng nhầm lẫn – ngay cả khi họ đi đến một thỏa thuận, cuộc cạnh tranh giữa hai quốc gia này vẫn còn đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46825229

Đàm phán Mỹ-Trung kéo dài quá thời hạn

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến kéo dài sang ngày thứ 3 sau khi cả 2 bên chưa thể tìm được tiếng nói chung cho một giải pháp về cuộc chiến thương mại.
Cuộc đàm phán Mỹ-Trung kéo dài 2 ngày bắt đầu từ hôm 7/1 tại Bắc Kinh là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa quan chức 2 nước kể từ sau khi cuộc gặp giữa lãnh đạo 2 nước ở Argentina đầu tháng 12/2018.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ năng lượng Mỹ phụ trách các vấn đề dầu mỏ, Steven Winberg nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng cuộc đàm phán đã diễn ra tốt đẹp.
“Tôi xác nhận rằng chúng tôi sẽ tiếp tục vào ngày 9/1″, ông Winberg nói nhưng từ chối trả lời các câu hỏi khác.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/1 cho biết sẽ đưa ra các tuyên bố sau khi các cuộc đàm phán kết thúc nhưng không đưa ra mốc thời gian cụ thể.
“Cả 2 bên vẫn đang nghiên cứu để tìm cách đảm bảo Trung Quốc sẽ tuân theo các cam kết của mình”, tờ Wall Street Journal đưa tin. Phái đoàn Mỹ dự kiến sẽ rời Bắc Kinh vào chiều nay 9/1.
Trên Twitter của mình vào tối 8/1, Hu Xijin, biên tập viên của tờ Hoàn Cầu thời báo cho biết các cuộc đàm phán đã không thể kết thúc sau 2 ngày đàm phán khó khăn.
“Tôi nghe nói họ sẽ tiếp tục vào ngày mai. Điều này gửi đi một tín hiệu rằng 2 bên đang đàm phán nghiêm túc và làm việc thực sự để giải quyết các bất đồng”, Hu viết.
Ngay trong ngày đầu tiên của của cuộc đàm phán, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận thương mại với Mỹ đã bất ngờ xuất hiện và đưa ra những tuyên bố ngắn gọn về cuộc họp.
Các nhà quan sát cho rằng sự xuất hiện của ông cho thấy giới chức lãnh đạo Trung Quốc đang hết sức quan tâm tới các cuộc thương thảo với người Mỹ.
Theo các nhà phân tích, việc đàm phán Mỹ-Trung kéo dài quá thời hạn là một vấn đề tốt, cho thấy 2 bên đều đang rất nghiêm túc trong việc đưa ra một thỏa thuận chi tiết hơn.
Nhà kinh tế Hu Xingdou tới từ Bắc Kinh tin rằng đây là dấu hiệu chứng tỏ cả 2 bên đều muốn đạt được thỏa thuận, đặc biệt là Trung Quốc bởi nền kinh tế của Bắc Kinh có dấu hiệu suy yếu dù đang bước vào giai đoạn quan trọng.
http://biendong.net/diem-tin/25736-dam-phan-my-trung-keo-dai-qua-thoi-han.html

Mỹ có thể dùng Ngân hàng Thế giới để chống TQ

Ngân hàng Thế giới (WB) có thể trở thành một “cây gậy” để Tổng thống Mỹ Donald Trump chống lại Trung Quốc, sau khi ông Jim Yong Kim từ chức chủ tịch tổ chức này và Nhà Trắng có tiếng nói lớn trong việc chọn người thay thế.
Giới chức Mỹ từ trước đã gây áp lực để WB cho Trung Quốc vay ít hơn, cũng như cảnh báo về ảnh hưởng của Bắc Kinh. Lần này là cơ hội để Mỹ đưa một nhân vật diều hâu lên lãnh đạo WB, mở ra một mặt trận mới cho cuộc chiến thương mại, giới quan sát nhận định.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng nhiều công cụ để gây sức ép kinh tế lên Trung Quốc.
Thuế đã được áp lên khoảng 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dù chính sách tăng thêm thuế đang được hoãn lại để chờ đàm phán với Bắc Kinh. Chính phủ Mỹ cũng thực hiện các
biện pháp nhằm giảm đầu tư từ Trung Quốc vào các công ty Mỹ và tăng cường xử lý những vụ tội phạm đánh cắp sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại.
Sau khi ông Kim bất ngờ từ chức hôm 7/1, chấm dứt hơn 6 năm lãnh đạo tổ chức cho vay toàn cầu, WB có thể trở thành một mặt trận mới cho căng thẳng Mỹ – Trung.
Mỹ là cổ đông lớn nhất của WB với 16% cổ phần. Washington gần đây ủng hộ tăng quỹ lên 13 tỷ USD, và theo truyền thống những lãnh đạo trước đây của WB đều do Mỹ lựa chọn. Dù ông Kim có đối thủ từ Nigeria và Colombia vào năm 2012 nhưng rất khó để đại diện các nước đang phát triển lên được vị trí dẫn dắt định chế này.
Ngay cả khi ông Kim còn đang lãnh đạo thì WB đã bị kéo vào căng thẳng Mỹ – Trung.
Tháng trước, Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass nói trước Quốc hội Mỹ rằng WB đã đồng ý giảm cho Trung Quốc vay vì áp lực của Mỹ. Năm ngoái, lượng tiền WB cho Trung Quốc vay giảm gần 30%, xuống 1,8 tỷ USD.
Bất hòa có thể leo thang hơn nữa nếu WB trở thành đối trọng rõ ràng hơn với các kế hoạch phát triển của Trung Quốc.
Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc về cơ bản là chương trình cho vay hỗ trợ phát triển. Bộ Tài chính Mỹ từ lâu đã thúc giục các chính phủ công khai những nguồn mà họ đang vay tiền, với ý là những dự án hạ tầng do các nước như Trung Quốc tài trợ có thể đi cùng thòng lọng ẩn.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25733-my-co-the-dung-ngan-hang-the-gioi-de-chong-tq.html

Ứng viên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

ủng hộ Công tố viên đặc biệt

Người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp, ông William Barr, tuyên bố sẽ cho phép Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hoàn thành cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa cho biết hôm 9/1.
Ông Graham nói với các phóng viên rằng ông Barr đã đảm bảo với ông là cuộc điều tra sẽ tiếp diễn. “Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng ông ấy đánh giá rất cao ông Mueller và ông ấy cam kết sẽ để cho ông ấy hoàn thành công việc,” ông Graham nói.
Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức cuộc điều trần xác nhận cho ông Barr vào ngày 15 và 16/1. Ông Barr đã bị Đảng Dân chủ chỉ trích vì ông lên tiếng phàn nàn về cuộc điều tra của ông Mueller.
Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện, hồi tháng trước cho biết một bản ghi nhớ mà ông Barr viết có nội dung chỉ trích cuộc điều tra của ông Mueller vềsự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ, do đó ông này không còn đủ điều kiện làm Bộ trưởng Tư pháp.
Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người đang giám sát việc can thiệp bầu cử của Nga, đang chuẩn bị rời Bộ Tư pháp trong những tuần tới khi ông Barr sắp sửa nhậm chức, một quan chức Bộ này cho biết hôm 9/1.
https://www.voatiengviet.com/a/%E1%BB%A9ng-vi%C3%AAn-b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-t%C6%B0-ph%C3%A1p-m%E1%BB%B9-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-c%C3%B4ng-t%E1%BB%91-vi%C3%AAn-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/4736653.html

Chủ tịch tài chính Thượng viện quyết

không cho Trump thêm thẩm quyền thuế quan

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ Charles Grassley hôm 8/1 tuyên bố Quốc hội sẽ không chấp thuận bất kì sự mở rộng thẩm quyền hành pháp nào của Tổng thống Donald Trump đối với thuế quan và các biện pháp khắc phục thương mại khác.
“Chúng tôi sẽ không trao cho ông ấy thêm bất kì thẩm quyền lực nào nữa. Chúng tôi đã cho ông ấy quá nhiều rồi,” ông Grassley, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Iowa, nói với các phóng viên khi đáp lại một bản tin của Bloomberg cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị một dự luật mà sẽ tìm cách cho ông Trump thẩm quyền rộng lớn để áp các mức thuế quan mới nhằm phá vỡ các hàng rào thương mại phi thuế quan của các nước khác.
Ông Trump trước đây đã tìm cách mở rộng thẩm quyền của ông về thương mại với một nỗ lực vào năm ngoái thông qua một luật cho phép “thuế quan đối ứng” và sẽ từ bỏ những nguyên tắc chính đã được thống nhất tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
Thương mại đã trở thành một trong những ưu tiên chính của chính quyền, với việc ông Trump tìm kiếm các hiệp định thương mại mới với Trung Quốc, Canada, Mexico, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản. Washington đã thương thuyết lại hiệp ước thương mại Bắc Mỹ với hai nước láng giềng Mexico và Canada, dù vẫn chưa được phê chuẩn bởi Quốc hội mới.
Thuế quan nhắm vào thép và nhôm của Canada và Mexico đang gây tổn hại cho nông dân và “những thứ đó phải được loại bỏ” để để thuyết phục các nhóm lợi ích nông nghiệp ủng hộ Quốc hội phê chuẩn thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ-Mexico-Canada, ông Grassley nói.
https://www.voatiengviet.com/a/chutich-tai-chinh-thuong-vien-quyet-khong-cho-trump-them-tham-quyen-thue-quan/4736260.html

Giám đốc tài chính Huawei sẽ bị buộc tội

câu kết lừa đảo hàng loạt tổ chức tài chính thế giới?

Giới chức Mỹ cáo buộc CFO Mạnh Vãn Chu đã lừa dối các ngân hàng quốc tế thực hiện các giao dịch với Iran bằng cách tuyên bố rằng hai công ty ở Iran và Mauritius độc lập hoàn toàn với Huawei.
Vụ điều tra mà phía Mỹ đang tiến hành chống lại giám đốc tài chính của Huawei , bà Mạnh Vãn Chu, người bị bắt giữ tại Canada vào năm ngoái, cho đến nay tập trung chủ yếu vào mối quan hệ đáng nghi ngờ giữa Huawei và hai công ty khác bao gồm một công ty bán thiết bị viễn thông có hoạt động tại Tehran và công ty khác sở hữu công ty trên đăng ký kinh doanh tại Mauritius.
Theo Reuters, giới chức Mỹ cáo buộc CFO Mạnh Vãn Chu đã lừa dối các ngân hàng quốc tế thực hiện các giao dịch với Iran bằng cách tuyên bố rằng hai công ty kể trên độc lập hoàn toàn với Huawei trong khi đó trên thực tế, Huawei sở hữu hai công ty này.
Huawei không ngừng tuyên bố rằng hai công ty Skycom Tech và công ty vỏ bọc Canicula Holdings tồn tại hoàn toàn độc lập.
Tuy nhiên, theo hồ sơ doanh nghiệp và nhiều tài liệu khác mà Reuters có được từ Iran và Syria, Huawei, hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, có mối liên hệ chặt chẽ với hai công ty trên, mức độ ràng buộc lớn hơn rất nhiều so với kỳ vọng của công chúng.
Một nhà điều hành cao cấp của Huawei đã được bổ nhiệm làm quản lý của công ty Skycom tại Iran. Đồng thời, ít nhất có ba cá nhân người Trung Quốc đã ký hợp đồng mở tài khoản cho Huawei và Skycom tại Iran. Cũng theo Reuters, một luật sư người Trung Đông khẳng định rằng Huawei thực hiện các hoạt động tại Syria thông qua công ty Canicula.
Thông tin về mối liên hệ giữa Huawei và hai công ty nói trên sẽ tiếp tục củng cố cho quan điểm của phía Mỹ chống lại bà Mạnh Vãn Chu, con gái của nhà sáng lập công ty Huawei. Thông tin đã phủ nhận tuyên bố của Huawei rằng Huawei chỉ là một đối tác kinh doanh.
Giới chức Mỹ khẳng định Huawei sở hữu Skycom, sử dụng công ty này để bán thiết bị viễn thông vào Iran và chuyển tiền ra ngoài thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế. Bởi bị lừa gạt, các ngân hàng đã chuyển hàng trăm triệu USD tiền giao dịch trong hệ thống ngân hàng và như vậy vi phạm quy định trừng phạt kinh tế mà Washington đang áp dụng ở thời điểm đó.
Bà Mạnh không phản hồi thông tin của Reuters, Huawei cũng từ chối bình luận, phóng viên Reuters không thể liên lạc được với Canicula. Bộ Tư pháp Mỹ từ chối không đưa ra bình luận nào.
Ngày 11/12/2018, bà Mạnh đã được tại ngoại nhờ số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD và hiện tại bà vẫn đang ở Vancouver trong khi Washington đang cố gắng tìm cách dẫn độ bà. Tại Mỹ bà Mạnh sẽ đối diện với cáo buộc câu kết để lừa đảo nhiều tổ chức tài chính quốc tế, án phạt tối đa 30 năm tù cho mỗi tội danh. Cho đến nay, các cáo buộc chưa được công bố ra công chúng.
http://biendong.net/diem-tin/25738-giam-doc-tai-chinh-huawei-se-bi-buoc-toi-cau-ket-lua-dao-hang-loat-to-chuc-tai-chinh-the-gioi.html

Venezuela: Cuộc khủng hoảng

khiến cả triệu người bỏ nước ra đi

Nền kinh tế của Venezuela đang rơi tự do.
Tình trạng siêu lạm phát, bị cắt điện, thiếu thực phẩm, thuốc men đã khiến hàng triệu người Venezuela bỏ đất nước ra đi.
Nhưng người đàn ông mà nhiều người nói là phải chịu trách nhiệm cho tình trạng kiệt quệ của đất nước, Nicolás Maduro, đang chuẩn bị tuyên thệ để nắm giữ ghế tổng thống thêm sáu năm nữa.
Nghề xa xỉ làm túi xách bằng tiền giấy
Chuyện ‘yêu’ ở Venezuela thời khủng hoảng kinh tế
Venezuela sắp giống ‘khủng hoảng Địa Trung Hải’
Điều gì đang xảy ra với nền kinh tế Venezuela, vì sao lại dẫn tới tình cảnh như hiện nay, và ông Maduro cùng chính phủ ông đã làm những gì để ngăn chặn việc quốc gia suy sụp?
Điều gì đang xảy ra tại Venezuela?
Có thể nói vấn đề lớn nhất mà người dân Venezuela đang phải đối diện với cuộc sống hàng ngày là tình trạng siêu lạm phát. Điều đó có nghĩa là chi phí cho mọi thứ, từ thức ăn thực phẩm cho tới các hóa đơn, đều tăng chóng mặt, trong lúc đồng tiền tiếp tục mất giá.
Theo một nghiên cứu do Quốc hội, hiện do phe đối lập kiểm soát, đưa ra, thì tỷ lệ lạm phát hàng năm của Venezuela đạt mức khủng khiếp 1.300.000% trong 12 tháng, tính đến 11/2018.
Đến cuối năm 2018, giá cả cứ 19 ngày lại tăng gấp đôi.
Như vậy nghĩa là gì?
Theo Miami tờ Herald, giá một phần bánh mỳ kẹp thịt – món ăn truyền thống trong dịp Giáng Sinh – thì có giá cao hơn một tháng lương tối thiểu trong 12/2018.
Điều này khiến nhiều người dân Venezuela chật vật, phải vật lộn trong việc trang trải cho các sinh hoạt hết sức căn bản như thực phẩm và đồ vệ sinh cá nhân.
Tại sao xảy ra tình trạng này?
Trên giấy tờ, Venezuela lẽ ra phải là một quốc gia giàu có bởi nước này có những nguồn trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới.
Maduro cáo buộc Mỹ âm mưu giết ông ta
Mỹ tính đưa Venezuela vào danh sách khủng bố
Thế nhưng việc dựa quá nhiều vào dầu lửa – chiếm khoảng 95% thu nhập xuất khẩu của nước này – khiến cho đất nước trở nên mất an toàn khi giá dầu tụt mạnh vào năm 2014.
Điều đó có nghĩa là Venezuela phải đối diện với tình trạng thiếu ngoại tệ, dẫn tới việc gặp khó khăn khi muốn nhập khẩu hàng hóa với khối lượng, mức độ như trước. Các mặt hàng nhập khẩu trở nên ngày càng khan hiếm.
Kết quả là các công ty phải tăng giá, và lạm phát tăng lên.
Thêm vào nữa là việc chính phủ sẵn sàng in thêm tiền và đều đặn tăng mức lương tối thiểu nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người nghèo ở Venezuela, dẫu cho số tiền họ nhận được nhanh chóng mất giá.
Chính phủ cũng ngày càng phải vật lộn duy trì uy tín tài chính sau khi nước này không chi trả được một số khoản trái phiếu chính phủ đã đáo hạn.
Với việc các chủ nợ khó có thể chấp nhận rủi ro để đầu tư vào Venezuela, chính phủ lại đi in thêm tiền, và điều đó càng khiến cho đồng tiền nước này mất giá thêm, và lạm phát càng tăng thêm.
Chính phủ đã làm những gì?
Chính phủ quyết định tung ra một loại tiền mới, gọi là “đồng bolivar chủ quyền”, theo đó bỏ đi năm số 0 đằng sau “đồng bolivar mạnh mẽ”, và liên hệ đồng tiền mới với petro, một loại tiền mã hóa (cryptocurrency) từ 8/2018.
Chính phủ cũng bắt đầu cho lưu hành tám loại tiền giấy mới, có mệnh giá 2, 5, 10, 20, 50, 100, 200 và 500 bolivar chủ quyền, cùng hai loại đồng tiền xu mới.
Cạnh đó là một số biện pháp mới, gồm: tăng lương tối thiểu lên 34 lần so với trước; hạn chế chính sách trợ giá hào phóng đối với nhiên liệu đối với những ai không có “căn cước Đất mẹ” và tăng VAT từ 4% lên 16%.
Hiệu quả thế nào?
Đồng tiền tệ mới tiếp tục mất giá kể từ khi được tung ra, và mức lương tối thiểu lại tăng tiếp. Thêm nữa, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán mức lạm phát có thể tăng lên tới 10.000.000% (mười triệu phần trăm) tính đến cuối năm 2019.
Người dân đổ lỗi cho ai?
Hầu hết sự giận dữ đều nhắm vào chính phủ Xã hội chủ nghĩa, vốn đã nắm quyền từ 1999, đầu tiên là dưới sự lãnh đạo của ông Hugo Chávez đã quá cố, và nay là ông Nicolás Maduro.
Ông Chávez điều hành vào lúc tại Venezuela có tình trạng bất bình đẳng to lớn; các chính sách mới được đưa ra áp dụng nhằm giúp người nghèo thay đổi tình thế.
Trong số này có những thứ như kiểm soát giá, là chính sách do Tổng thống Chávez đưa ra, nhằm khiến các mặt hàng căn bản có mức phải chăng hơn cho người nghèo. Giá cả được kiểm soát đối với các mặt hàng bột mỳ, dầu ăn và đồ vệ sinh cá nhân, và điều đó khiến một số ít các công ty Venezuela chuyên sản xuất những mặt hàng này trở nên kinh doanh không có lời.
Những người chỉ trích cũng nói chính sách kiểm soát ngoại tệ mà Tổng thống Chávez đưa ra hồi 2003 khiến cho việc buôn bán đô la trên thị trường chợ đen trở nên nhộn nhịp.
Những người khác thì đổ lỗi về các vấn đề Venezuela cho phe đối lập thù nghịch bên trong đất nước và “các lực lượng đế quốc” như Mỹ và quốc gia láng giềng Colombia.
Họ nói các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến đất nước gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu các khoản nợ.
Thường thì họ được hưởng lợi từ các chương trình xã hội của chính phủ, và nói rằng dù có thiếu thốn nhưng họ vẫn có đời sống tốt đẹp hơn so với trước khi ông Chávez lên nắm quyền, 1999.
Cũng một phần nhờ có lực lượng trung thành này mà Tổng thống Marudo được đủ phiếu bầu trong kỳ bầu cử 2018.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phe đối lập đã tẩy chay kỳ bầu cử, và có nhiều nhóm khác đã bị cấm tham gia tranh cử.
Điều gì đang diễn ra với người dân Venezuela?
Khoảng 3 triệu người, chiếm chừng 10% dân số, đã quyết định rời đi kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu nghiêm trọng, 2014, theo các số liệu của Liên hiệp quốc.
Cuộc di dân ồ ạt này là một trong những cuộc ra đi bắt buộc lớn nhất tại Tây Bán cầu.
Trong số những người ra đi hồi tháng Giêng có một thẩm phán Tòa án Tối cao và là người từng trung thành với ông Maduro, ông Christian Zerpa. Ông nói ông ra đi để phản đối việc tổng thống nắm tiếp nhiệm kỳ thứ hai.
Thẩm phán Venezuela trốn sang Mỹ
Một triệu di dân Venezuela nhập cảnh Colombia
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Delcy Rodríguez cho rằng đó là các con số không chính xác, và nói chúng đã bị thổi phồng bởi “các quốc gia thù nghịch”, nhằm kiếm cớ can thiệp quân sự.
Hầu hết mọi người chạy sang quốc gia láng giềng Colombia, rồi từ đó đi tiếp tới Ecuador, Peru và Chile. Những người khác đi theo ngả phía nam tới Brazil.
Khoảng hơn 200 ngàn người Venezuela đã tới Tây Ban Nha. Nhiều người trong số họ là con cháu của những người Tây Ban Nha từng sang Venezuela thời thập niên 1950, 1960.
Tuy nhiên, chỉ có một phần rất nhỏ được Tây Ban Nha cấp quy chế tị nạn – chỉ 15 trong tổng số 12.875 trường hợp trong năm 2017.
Những người ở lại thì sao?
Mọi thứ vẫn tiếp tục khó khăn. Giá tiếp tục tăng bất chấp các nỗ lực của chính phủ trong 2018.
Khủng hoảng Venezuela qua các khu chợ và nhà xác
Các chủ lao động thì nói họ không biết làm sao họ có thể trả được mức lương tối thiểu tăng gấp 60 lần kể từ tháng Tám tới nay. Lần tăng cuối cùng là trong tháng 11, nay đang ở mức 4.500 đồng bolivar một tháng, đáng giá hơn 6 đô la Mỹ một chút trên thị trường chợ đen.
Các kệ hàng ở siêu thị vẫn trống trơn, và tại một số thành phố đã xảy ra tình trạng thiếu nước, thiếu điện do hệ thống cơ sở hạ tầng của Venezuela thiếu sự đầu tư, bảo dưỡng.
Các bệnh viện công lâm vào tình trạng nguy ngập chết người do thiếu điện, nước.
Những người không thể ra đi thường phải dành thời gian nhiều ngày thậm chí nhiều tuần để tìm kiếm những loại thuốc y tế cần thiết.
Thực phẩm khan hiếm khiến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tăng cao kỷ lục.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46823162

Venezuela: TT Maduro đe dọa

các nước đòi ông từ bỏ quyền hành

Thùy Dương
Hôm nay 10/01/2019, Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức tổng thống Venezuela nhiệm kỳ 2. Kết quả bầu cử tổng thống hôm 20/05/2018 bị phe đối lập Venezuela và một phần cộng đồng quốc tế phản đối, nhất là nhóm Lima, gồm các nước châu Mỹ La Tinh cộng thêm Canada, hôm thứ Sáu 04/01, đã tuyên bố phủ nhận tính chính đáng của tổng thống Nicolas Maduro.
Từ Caracas, thông tín viên RFI Benjamin Delille cho biết chi tiết :
“Nicolas Maduro không đánh giá cao tuyên bố của nhóm các nước mà ông gọi là “băng đảng Lima”. Hôm thứ Sáu tuần trước, 13 trong tổng số 14 nước của nhóm Lima đã kêu gọi ông từ bỏ quyền hành, để ủng hộ Quốc Hội trong tay phe đối lập nước này.
Tổng thống Venezuela cảnh báo : “Tôi cho các chính phủ thuộc băng đảng Lima 48 giờ để điều chỉnh lại chính sách can thiệp thô thiển. Nếu không, chính phủ Venezuela sẽ áp dụng các biện pháp ngoại giao khẩn cấp nhất và nghiêm ngặt nhất, để bảo vệ sự toàn vẹn, chủ quyền và phẩm giá của đất nước chúng tôi”.
Nhóm Lima cho rằng kỳ bầu cử hôm 20/05/2018 không tự do và minh bạch. Điều này, theo Nicolas Maduro, che giấu mục đích thực sự của các nước nói trên.
Ông Maduro cho rằng các nước thuộc nhóm Lima phục tùng Hoa Kỳ : “Đằng sau tuyên bố của băng đảng Lima, một cuộc đảo chính đang được tiến hành và được chỉ đạo từ Washington, nhằm chống lại chính phủ mà tôi đang lãnh đạo, một chính phủ chính đáng và hợp hiến”.
Trước lời kêu gọi thảo luận và cởi mở, tổng thống Venezuela tấn công đáp trả. Vì thế, không có bao nhiêu nước cử người đến dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Maduro vào hôm nay, thứ Năm.
Chỉ có 3 nước khẳng định sự tham dự : Bolivia, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190110-venezuela-tt-nicolas-maduro-de-doa-cac-nuoc-keu-goi-ong-tu-bo-quyen-hanh

Châu Âu: hoãn bỏ phiếu

về hiệp định thương mại tự do Việt Nam

Nghị viện và Hội đồng Châu Âu nên hoãn phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) cho đến khi nào chính phủ Hà Nội thực hiện các bước cụ thể cải thiện hồ sơ nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Một biện pháp mới nhất nhằm hạn chế các quyền con người là cho thực thi Luật an ninh mạng kể từ ngày 1 tháng 1 vừa qua.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo với kêu gọi như vừa nêu vào ngày 10 tháng 1. Theo đó Ủy ban châu Âu được ủy nhiệm đàm phán với Việt Nam, đã đệ trình phiên bản cuối cùng của hiệp định vào tháng 10 năm 2018, để Hội đồng và Nghị viện châu Âu phê duyệt chuẩn trước kỳ bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 sắp tới.
Do áp lực từ cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu, một số đảng trong Nghị viện Châu Âu hiện đang cố gắng tiến tới thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam, ngay cả khi Việt Nam đã liên tiếp bỏ qua những kêu gọi giải quyết các hồ sơ nhân quyền trong nước. Tiến trình bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận EVFTA được dự định diễn ra vào tuần tới.
Vào tháng 9 năm 2018, 32 thành viên của Nghị viện châu Âu đã ký vào một thư ngỏ nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về việc Việt Nam liên tục đàn áp nhân quyền và kêu gọi chính phủ Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền trước bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào về thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam. Những lo ngại tương tự đã được đặt ra với thứ trưởng thương mại Việt Nam hồi tháng 10 tại một cuộc gặp tại Nghị viện châu Âu, và một lần nữa trong một nghị quyết khẩn cấp vào tháng 11 năm 2018.
Tuy nhiên, không có kêu gọi nào trong số đó được đáp ứng và chính phủ Hà Nội ngày càng tăng cường những cuộc đàn áp đối với các nhà hoạt động cho nhân quyền, môi trường, những nhà bất đồng chính kiến, blogger…
Theo Human Rights Watch, Luật an ninh mạng mới của Việt Nam dường như nhằm mục đích đóng cửa con đường duy nhất còn lại để người Việt Nam bày tỏ sự bất đồng quan điểm của họ.
Ông John Sifton, Giám đốc vận động châu Á của Human Rights Watch cho rằng Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu cần gửi một thông điệp rõ ràng rằng thỏa thuận này không thể được thông qua cho đến khi chính phủ Việt Nam nghiêm túc trong việc giải quyết các vấn đề nhân quyền.
Vẫn theo ông John, Việt Nam nên hiểu rằng nếu châu Âu trì hoãn thỏa thuận thì đó sẽ là lỗi của Hà Nội, chứ không phải Brussels.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/eu-postpone-vote-on-vietnam-free-trade-agreement-01102019073510.html

Quốc hội Anh có ngăn được viễn cảnh Brexit

 không thỏa thuận?

Chris MorrisPhóng viên BBC News
Một vấn đề lớn đặt ra cho các dân biểu mong muốn tránh khỏi một viễn cảnh Brexit không thỏa thuận. Đó là họ không thể chỉ nói rằng đa số các thành viên trong Hạ viện không tán thành với phương án Brexit không thỏa thuận, mà họ cần chứng minh đa số họ ủng hộ cho một kết quả thay thế khác.
Brexit: Chính phủ Anh chao đảo trong sóng gió
Theresa May thoát hiểm phiếu bầu tín nhiệm
Thủ tướng Anh dám để Brexit ‘rơi tự do’
‘Scotland cần được trao thêm quyền lực’
Việc Anh rời khỏi EU – dù có hay không có thỏa thuận – đã trở nên mặc định vào thời điểm hiện tại.
Nếu như thỏa thuận bà May đàm phán với EU không được Hạ viện thông qua, Anh vẫn sẽ rời EU với không thỏa thuận, bởi vì việc ra khỏi EU đã được đưa vào điều luật chính thức của quốc gia này.
Luật ra khỏi EU xác định ngày 29/03/2019 là ngày Anh chính thức rời EU.
Điều khoản 50
Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon áp dụng cho các quốc gia muốn rời khỏi EU và đưa ra mức thời hạn hai năm cho tiến trình rời khỏi khối này.
Vào cuối giai đoạn, “hiệp ước sẽ dừng áp dụng cho quốc gia đó” trừ khi Điều 50 được rút lại hoặc gia hạn thêm.
Do vậy, cách khả thi nhất để ngăn chặn một viễn cảnh Brexit không thỏa thuận, hay dưới bất cứ hình thức Brexit nào, đó là rút lại Điều khoản 50.
Tòa án Công lý châu Âu hiện đã phán quyết Anh hoàn toàn có thể tự làm điều đó mà không cần hỏi ý kiến của 27 quốc gia khác.
Như thế, Anh sẽ vẫn duy trì tư cách thành viên EU cùng các điều khoản hiện có – bao gồm một số chính sách quan trọng và việc duy trì ngân sách.
Dường như rất có khả năng Hạ viện sẽ bỏ phiếu rút lại Điều khoản 50 trừ khi có thêm một cuộc trưng cầu dân ý khác, hoặc có lẽ là một cuộc bầu cử khác, trong đó người dân ủng hộ cho việc Anh ở lại EU.
Chính phủ từ chối ý tưởng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác- và thời gian để thực hiện việc này trước tháng 3 cũng đã chấm dứt.
Gia hạn điều khoản 50
Một cách khác để tránh viễn cảnh Brexit không thỏa thuận xảy ra trong ngắn hạn đó là kéo dài và gia hạn thời gian cho Điều khoản 50.
Chính phủ Anh sẽ cần đề xuất việc này và cần sự chấp thuận từ các dân biểu.
Nhưng, điều quan trọng, không giống như phương án rút lại Điều 50 Hiệp ước Lisbon, khi tiến hành gia hạn điều khoản này, chính phủ Anh sẽ cần sự đồng ý của tất cả 27 quốc gia EU khác.
Như vậy, Anh có lẽ sẽ cần phải thuyết phục 27 quốc gia EU rằng có điều gì đó rất quan trọng xảy đến với chính giới Anh nhằm đảm bảo chắc chắn cho sự gia hạn – đó có thể là một cuộc bầu cử, hay một cuộc trưng cầu dân ý khác.
Một trong những hạn chế với phần còn lại của EU đó là các cuộc bầu cử tại châu Âu sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 và Nghị viện châu Âu mới (khi đó Anh sẽ không có thành viên tham dự nếu như Brexit xảy ra) sẽ họp lần đầu tiên vào tháng 7.
Dân biểu Anh có thể làm gì lúc này?
Đó là việc đề nghị bổ sung các điều luật.
Một đề nghị sửa đổi đối với Dự thảo luật Tài chính, theo đó hạn chế hạn chế chính phủ có quyền tăng thuế, đã được các dân biểu ủng hộ với 303 phiếu thuận và 296 phiếu chống vào tối thứ Ba (8/1/2019).
Một sửa đổi khác cũng được đưa ra vào hôm thứ Tư (9/1/2019), trong đó dân biểu Tory đã hợp sức với đảng Lao Động để ‘đánh bại’ chính quyền Thủ tướng Theresa May. Điều này đồng nghĩa chính phủ sẽ phải quay lại Quốc hội với những kế hoạch mới trong vòng ba ngày tới.
Dự luật thương mại có thể là một mục tiêu khác – nó sẽ rất cần thiết trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, để cố gắng giữ các khoản giao dịch của Anh đi cùng điều khoản hiện tại với các quốc gia khác trên thế giới.
‘Phiếu bầu chỉ định’
Đó là lý do tại sao ngày càng nhiều dân biểu ủng hộ ý tưởng nắm giữ một số “phiếu bầu chỉ định” với các kết quả tiềm tàng khác nhau, nhằm cố gắng tìm ra một giải pháp thay thế cho khả năng Brexit không thỏa thuận.
Các dân biểu cho rằng chính phủ sẽ không thể phớt lờ áp lực chính trị nếu như ý định của Hạ viện được thể hiện rõ ràng.
Ba bộ trưởng đã tuyên bố công khai rằng họ sẽ từ chức nếu chính phủ theo đuổi kế hoạch Brexit không thỏa thuận, trong khi những người khác được cho là có ý tưởng tương tự như vậy. Một số ít nghị sĩ khác thì nói rằng họ sẽ rời khỏi đảng.
Bộ trưởng Lao động và Lương hưu, Amber Rudd, được cho là đã nói với nội các vào hôm thứ Ba (8/1/2019) rằng sẽ thật bi quan cho chính phủ nếu họ chấp nhận một Brexit không thỏa thuận và nó có thể sẽ khiến Anh trở thành một quốc gia ngày càng vơi đi sự ‘an toàn’.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46829640

Brexit: Hạ Viện Anh buộc thủ tướng May

đề xuất kế hoạch B sớm hơn

Việc xem xét thỏa thuận rút nước Anh khỏi Liên Hiệp Châu Âu diễn ra tại Hạ Viện trong không khí rất căng thẳng. Các dân biểu đã thông qua những điều sửa đổi bổ sung để buộc thủ tướng Theresa May phải đệ trình một kế hoạch Brexit mới sau 3 ngày, nếu kế hoạch đầu tiên không được Hạ Viện chấp thuận vào thứ Ba tuần tới.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix giải thích :
« Các dân biểu nước Anh rất tức giận trước điều mà họ gọi là trò chơi mà chính phủ tiến hành từ một tháng nay và cho biết đã thông qua những điều sửa đổi bổ sung, theo đó chính phủ chỉ có 3 ngày, chứ không phải 21 ngày như dự kiến trước đây, để trình giải pháp mới trong trường hợp kế hoạch Brexit bị bác bỏ vào thứ Ba tới đây.
Các dân biểu tố cáo thủ tướng Theresa May thực hiện một chiến lược khiến mọi chuyện trở nên tệ hại hơn, khi bà lùi 1 tháng ngày bỏ phiếu kế hoạch Brexit và cố làm mất càng nhiều thời gian càng tốt cho tới ngày 29/03, ngày mà theo lý thuyết, nước Anh phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, để gây sức ép buộc các dân biểu phải tán thành thỏa thuận rút nước Anh khỏi Liên Hiệp do thiếu giải pháp thay thế cho kế hoạch Brexit-không thỏa thuận mà theo đánh giá chung là gây hại cho sự thịnh vượng của đất nước.
Vì thế, các dân biểu một lần nữa cho thấy là họ muốn lấy lại quyền kiểm soát, nhưng chính phủ vẫn nắm lá bài chủ : hiện giờ hai bên chưa đạt được sự nhất trí nào về một giải pháp thay thế, dù là Brexit-không thỏa thuận, hay tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới…
Thủ tướng Theresa May hy vọng chính điều đó sẽ có lợi cho kế hoạch hiện tại của bà. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190110-brexit-ha-vien-anh-buoc-thu-tuong-may-som-de-xuat-ke-hoach-b

Nga “nghiến răng” bán cho TQ công nghệ tối tân,

đổi lấy việc tu sửa tàu sân bay Kuznetsov

Moscow đã cung cấp những công nghệ cao để Bắc Kinh trang bị các khu trục hạm của mình vũ khí tối tân để đổi lấy việc Trung Quốc giúp nâng cấp chiếc tàu sân bay Kuznetsov.
Next Big Future cho biết, Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc các công nghệ mà giúp quốc gia này đạt được đột phá công nghệ quan trọng. Những công nghệ này giúp Bắc Kinh sử dụng vũ khí công nghệ cao cho các khu trục hạm tối tân nhất của mình.
Được biết rằng từ giờ Trung Quốc có thể chế tạo các cánh tuốc bin tương đương với sản phẩm do Nga chế tạo, giúp họ hoàn thiện các động cơ trên những tàu khu trục hạm mang tên lửa tối tân nhất của mình.
Cụ thể, các công nghệ của Nga sẽ được sử dụng trên những tàu chiến Type 055 đang được Trung Quốc tích cực nghiên cứu chế tạo trong vài năm gần đây. Nhờ đó, người Trung Quốc sẽ dễ
dàng trang bị cho các tàu chiến của mình pháo điện từ ưu việt hơn hẳn so với hệ thống pháo thông thường.
Cùng với đó, dự kiến Trung Quốc sẽ sửa chữa hoặc nâng cấp các tàu sân bay của Nga, bởi vì sau khi tai nạn xảy ra với ụ nổi lớn duy nhất, Nga không thể tự tu sửa khí tài hải quân cỡ lớn.
Như vậy, Nga cần Trung Quốc để tái trang bị chiếc tàu sân bay Kuznetsov duy nhất mà phần thân, mặt tàu và các bộ phận khác đã bị hư hỏng trước đó. Trong tương lai, Nga sẽ nhờ Trung Quốc sửa chữa tất cả các tàu chiến cỡ lớn của mình, hoặc phải sản xuất ụ nổi mới.
Next Big Future cho biết rằng, điều này cho thấy Trung Quốc vẫn cần các công nghệ nước ngoài, mặc dù có những bước tiến đáng kể nhằm lấp đầy các thiếu hụt về công nghệ. Về phần mình, Nga không thể đảm bảo việc bảo dưỡng kỹ thuật và nâng cấp khí tài quân sự của Liên Xô mà thiếu sự trợ giúp từ bên ngoài.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25732-nga-nghien-rang-ban-cho-tq-cong-nghe-toi-tan-doi-lay-viec-tu-sua-tau-san-bay-kuznetsov.html

Mỹ – Trung đại chiến,

 ’gấu Nga’ ung dung hưởng lợi

Các chuyên gia kinh tế của Nga nhận định, nước Nga không nên quá tích cực tham gia vào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vì tác động tiêu cực ngược lại sẽ mạnh hơn nhiều.
Cuộc chiến giành ngôi bá chủ
Trong vài thế kỷ qua, các cuộc chiến thương mại thường là những biểu hiện cao độ của một cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ kinh tế toàn cầu.
Giữa thế kỉ 17, bất chấp sự thống trị trên biển của Hà Lan, nước Anh đã thông qua cái gọi là “Đạo luật hàng hải”, độc quyền cho phép duy nhất tàu thuyền người Anh được chở hàng hóa về mẫu quốc từ các quốc gia ngoài châu Âu.
Vì vậy mà một thế kỷ rưỡi sau, hoàng đế Napoleon của nước Pháp đã cố gắng bóp ghẹt thương mại của Anh quốc với châu Âu, bằng việc tuyên bố chế độ “Phong tỏa lục địa”.
Vào cuối thế kỷ 19, thủ tướng Otto von Bismarck cũng đẩy mạnh việc áp dụng bảo hộ thuế quan nhằm bảo vệ thị trường nội địa đang lên của Đế quốc Đức.
Nhìn từ hiện tại, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là sự lặp lại các sự kiện lịch sử diễn ra trong quá khứ của chủ nghĩa tư bản.
Những động thái đầu tiên của cuộc chiến thương mại được Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động và kéo dài suốt trong năm 2018, dự đoán sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.
Nước Mỹ là siêu cường duy nhất của thế giới, thế lực bá chủ toàn cầu trong nhiều thập niên trở lại đây, thực sự đang lo lắng vì sự đe dọa cạnh tranh vị trí số một từ một quốc gia khác trên phạm vi toàn cầu, cụ thể là Trung Quốc.
Những tương quan Mỹ – Trung hiện nay cho thấy, mô hình hiện đại hóa nền kinh tế của Bắc Kinh diễn ra khá hiệu quả. Được xem là “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc không che giấu ý đồ tranh đoạt vị trí bá chủ thế giới từ tay người Mỹ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang ở giai đoạn “đình chiến” trong thời gian 90 ngày, sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được một đồng thuận bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires (Argentina) đầu tháng 12/2018.
Tuy nhiên, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể tin rằng cuộc xung đột lớn nhất trong lịch sử thương mại toàn cầu hiện đại sẽ được giải quyết bằng những cuộc đối thoại chóng vánh. Mâu thuẫn giữa hai siêu cường kinh tế thế giới đã tích lũy trong nhiều năm, vậy nên giải pháp cho vấn đề tranh chấp không thể được xóa bỏ trong thời gian ngắn.
Theo nhà kinh tế học Alexander Zotin của Học viện Ngoại thương Liên bang Nga, “ít có khả năng thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký kết trong năm 2019. Một kịch bản có thể diễn ra là việc kéo dài thời gian hòa hoãn thêm 90 ngày, và sẽ thêm tiếp tục thêm 90 ngày nữa của Mỹ”.
Ông Zotin tin rằng, nếu Mỹ vẫn tăng thuế từ 10 % hiện nay lên 25 %, thì quy mô tác động lên nền kinh tế Trung Quốc sẽ vào khoảng 1% GDP. Theo đó, cuộc chiến thương mại này sẽ vượt ra ngoài quy mô song phương và gây ra những hậu quả toàn cầu.
Nhà phân tích kinh tế Ivan Lizan, người đứng đầu dự án “SONAR-2050″ nhấn mạnh, trong hệ thống tư bản, những mâu thuẫn sẽ được tích lũy từ quá trình chuyển đổi biện chứng từ số lượng sang chất lượng. Do đó, chiến tranh thương mại là khúc dạo đầu cho những cuộc chiến thực sự.
Chiến tranh thế giới sẽ diễn ra khi nào và dưới hình thức nào thì vẫn chưa rõ ràng. Nhưng trong năm tới, cuộc khủng khoảng kinh tế có thể diễn ra song song: nền kinh tế Mỹ đang trên bờ vực khủng hoảng và hàng loạt vấn đề lớn khác ở Trung Quốc.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng “áp lực và đè bẹp” Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên. Trong đó, vụ bắt giữ con gái của người sáng lập tập đoàn Huewei Meng Wanzhou tại Canada, chỉ là màn khởi đầu, chưa rõ hồi kết.
Do đó, ông Lizan tin rằng, Mỹ sẽ áp dụng chính xác vào Trung Quốc “bộ công cụ trừng phạt” mà họ đã sử dụng để chống lại Nga. Điều khác biệt duy nhất là Trung Quốc sẽ khiến Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn, bởi vì nếu với Nga, Mỹ tỏ ra kiêu ngạo, còn với Trung Quốc họ phải mặc cả.
Vậy nên, Bắc Kinh vẫn có cơ hội theo đuổi những kế hoạch của mình. Trung Quốc sẽ gắng sớm hoàn thành bước đột phá trong việc phát triển công nghệ robot và thay thế nhập khẩu các sản phẩm bán dẫn, từ đó làm giảm đáng kể lợi thế của Mỹ trong lĩnh vực này. Trung Quốc sẽ cố gắng bằng mọi cách trì hoãn Mỹ thực hiện một cuộc chiến tranh quy mô lớn.
Nước Nga “tọa sơn quan hổ đấu”
Theo tờ “Quan điểm” (Vzglyad) của Nga, trong năm 2018, kim ngạch thương mại Nga – Trung gần cán đến mốc đề ra là 100 tỉ USD. Tính đến tháng 10 năm 2018, kim ngạch song phương đạt mức 87,2 tỉ USD, tăng 28,2 % so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Nga sang Trung Quốc tăng 44 % (đạt 47,97 tỉ USD), nhiều hơn so với khối lượng xuất khẩu của Bắc Kinh sang Nga 13 % (đạt 39,27 tỉ USD).
Theo nhận định của đại diện “Tổ chức tư vấn tài chính FOC” tại Nga Moses Furschik, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa gây ảnh hưởng và sẽ khó có thể gây ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu tài nguyên năng lượng . Vì cuộc chiến hiện nay diễn ra theo 2 hướng chính là hàng hóa công nghệ cao và nguyên liệu thô (nông sản, kim loại và hóa học).
Trong hướng đầu tiên về công nghệ, Nga không phải là người chơi chính, do đó nếu cuộc chiến thương mại tiếp diễn, hậu quả sẽ chỉ là việc tăng chí phí nhập khẩu hàng hóa công nghệ cao, từ đó làm tăng chí phí trong chuỗi sản xuất.
Theo hướng phát triển thứ 2 của chiến tranh thương mại, Furschik giả định, hậu quả cũng sẽ không rõ ràng, khi các sản phẩm nông nghiệp của Nga sẽ có thêm cơ hội cạnh tranh so với các đối thủ đang bị hạn chế thuế quan. Trong lĩnh vực kim loại, Nga cũng sẽ nhận được những lợi ích phân phối từ nhiều phía.
“Như vậy, trong mọi trường hợp, nước Nga không nên quá tích cực tham gia vào cuộc chiến thương mại này, vì tác động tiêu cực ngược lại sẽ mạnh hơn nhiều”, ông Moses Furschik nhấn mạnh.
Đối với Nga, điều quan trọng hiện nay cần hiểu chính xác là, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là tranh chấp thương mại và thuế quan, mà là một cuộc đối đầu phức tạp, bao trùm lên cả kinh tế, chính trị, quân sự và là “thùng thuốc súng tiềm ẩn”, nhà nghiên cứu Georgy Kocheshkov nhận định.
Ngoài ra, sau một thời gian, cuộc xung đột này có thể sẽ mở rộng về thành phần tham gia, khi mà báo chí Mỹ đã và đang thúc đẩy mong muốn của Washington nhằm tạo ra một mặt trận rộng lớn chống Trung Quốc. Thành phần bao gồm tất cả đồng minh của Mỹ như Liên minh châu Âu, các nước thuộc khối NAFTA, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong tình huống này, ông Kocheshkov tin rằng, điều rất quan trọng đối với Nga là “cần giữ vai trò một cách thực dụng nhất”. Tất nhiên , Nga sẽ rất khó hạn chế khả năng trung lập theo các lệnh trừng phạt của Mỹ. Song, người Nga không nên quên việc các công ty Trung Quốc từ chối hợp tác với Matxcơva, dưới áp lực cấm vận của Washington trước đây.
Ngoài ra, Nga cũng sẽ không quên về sự chuyển đổi “lợi ích thực dụng” của Trung Quốc sang phía Mỹ trong Chiến tranh lạnh vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước.
Hiện tại, nước Nga có nhiều cơ hội để hợp tác phát triển với Trung Quốc, bởi vì Mỹ cho đến nay vẫn chưa có mong muốn đàm phán nghiêm túc để gỡ bỏ mâu thuẫn với Matxcơva. Tuy vậy, suy cho cùng, nước Nga vẫn cần và nhất thiết thể hiện “tính trung lập” trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25737-my-trung-dai-chien-gau-nga-ung-dung-huong-loi.html

Nga chỉ trích Nhật bóp méo thỏa thuận về quần đảo Kuril

Nga bác bỏ các tuyên bố của Nhật rằng đôi bên có thể sớm đạt được một hiệp ước nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài nhiều thập kỷ về một quần đảo, đồng thời cáo buộc Tokyo bóp méo các thỏa thuận đạt được với Moscow nhằm phá thế bế tắc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thúc đẩy một hiệp ước với Nga quanh quần đảo và chuẩn bị hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng này, nhưng Moscow cho thấy không sẵn lòng nhượng bộ quyền kiểm soát, theo Reuters.
Nga và Nhật Bản tranh chấp về quần đảo mà binh sĩ Xô Viết đã chiếm giữ trong những ngày cuối cùng của Thế Chiến II. Người Nga gọi quần đảo này là Kuril trong khi Nhật gọi đó là Các vùng lãnh thổ phía bắc.
XEM THÊM:
TT Putin: Mỹ hiện diện ở Nhật khiến khó ký hòa ước
Bộ Ngoại giao Nga cuối ngày 9/1 cho biết đã triệu tập đại sứ Nhật tại Moscow để phản đối các bình luận của Tokyo mà chính quyền của Tổng thống Putin nói rằng đã “hoàn toàn bóp méo bản chất của các thỏa thuận giữa lãnh đạo Nga và Nhật về việc thúc đẩy tiến trình đàm phán”.
Theo Reuters, Nga cho rằng các tuyên bố của Nhật là “một nỗ lực nhằm làm trầm trọng một cách giả tạo bầu không khí quanh vấn đề hiệp ước hòa bình để áp đặt kịch bản xử lý của mình lên phía kia”.
Trước đó, Nhật cho rằng cần phải đạt được một sự thấu hiểu với những người Nga sống trên quần đảo về việc chuyển giao quyền kiểm soát cho Nhật.
Bộ Ngoại giao Nga cũng phản đối các bình luận mà Bộ này cho là của Tokyo về việc Moscow từ chối trả bồi thường cho Nhật vì đã “chiếm đóng” quần đảo.
Chánh văn phòng nội các Nhật, ông Yoshihide Suga, nói hôm 10/1 rằng Tokyo đã thể hiện quan điểm của mình với Moscow, nhưng từ chối bình luận về các chi tiết, theo Reuters.
Ông nói rằng Nhật “tiếp tục bền bỉ nỗ lực dựa trên chính sách cơ bản nhằm giải quyết vấn đề quần đảo và đạt được một hiệp ước”.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-ch%E1%BB%89-tr%C3%ADch-nh%E1%BA%ADt-b%C3%B3p-m%C3%A9o-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-qu%E1%BA%A7n-%C4%91%E1%BA%A3o-kuril/4736943.html

Số phận Carlos Ghosn

khiến giới đầu tư ngoại quốc ở Nhật Bản lo ngại

Trọng Nghĩa
Carlos Ghosn là ví dụ thành công hiếm hoi của một lãnh đạo tập đoàn lớn người nước ngoài ở Nhật Bản. Sự suy sụp đột ngột của ngôi sao này, kèm theo là cách đối xử khắc nghiệt đối với ông đã tạo nên một cú sốc nơi các doanh nhân ngoại quốc khác, bắt đầu lo lắng trước nguy cơ bị kẹt vào cái bẫy của những quy định mà họ không nắm chặt.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong giới kinh doanh, trường hợp Carlos Ghosn đã được bàn tán xôn xao từ lúc nhân vật này bị bắt vào ngày 19/11/2018 ở Tokyo, khi máy bay riêng ông vừa đáp xuống.
Về phía Nhật Bản, người ta luôn nhấn mạnh trên tính chất cá biệt của vụ việc. Ông Seiji Nakata, chủ tịch hãng tài chính Daiwa Securities chẳng hạn, khẳng định rằng vụ Carlos Ghosn là « một vấn đề đặc thù ». Ông cho biết là có tiếp xúc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài và « họ không hề tỏ ra lo lắng. »
Thế nhưng, khi trả lời AFP, một số người, xin ẩn danh, đã có nhận định khác, xem vụ việc đó là « một cơn chấn động ». Một lãnh đạo công ty hoạt động ở Nhật ghi nhận : « Carlos Ghosn là một biểu tượng thành công kiểu Pháp, và vụ việc đã làm giảm nhuệ khí của giới trẻ đang lao vào địa hạt kinh doanh và quản lý ».
Cách xử sự « bên trọng bên khinh »
Dù ông Ghosn có tội hay không, luật pháp sẽ phán xét, nhưng trước mắt, cách ngành tư pháp Nhật đối xử với cựu lãnh đạo Nissan, và hiện vẫn là chủ tịch tổng giám đốc Renault, đã gây sốc. Ông Ghosn hiện vẫn bị tù, và đã bị giam như thế 50 ngày, trong lúc những lãnh đạo khác người Nhật, có khi còn chẳng hề bị câu lưu, như trong vụ bê bối Toshiba.
Lãnh đạo công ty Pháp mà AFP đã hỏi ở trên ghi nhận : « Người ta có cảm giác là có tình trạng bên trọng bên khinh, ông Ghosn phải chịu cảnh như thế vì ông là người nước ngoài ».
Bên cạnh đó, đã từng có nhiều vụ lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản bị bắt và giam giữ nhiều ngày, nhưng không gây ồn ào như trong vụ Carlos Ghosn. Theo một đại diện cộng đồng người Pháp tại Nhật Bản, « một cách xử lý như thế, kèm theo với việc dàn dựng ồn ào về mặt truyền thông, đã tạo nên cảm giác bất an nơi những người chủ doanh nghiệp khác ».
Theo luật sư Nobuo Gobara, dạn dầy kinh nghiêm về những loại hồ sơ này, đây không « chỉ là vấn đề của riêng ông Ghosn, mà là một vấn đề quan trọng tác động đến Nhật Bản trong tư cách một đất nước và một xã hội ».
Theo luật sư Gobara, cần xét lại vấn đề quyền hạn của các công tố viên, cũng như thái độ của tập đoàn Nissan, đã mở điều tra nội bộ rồi chuyển thẳng hồ sơ cho ngành tư pháp thay vì trực tiếp đối chất trước với ông Ghosn.
Luật sư này không ngần ngại kết luận : « Nếu quý vị là lãnh đạo công ty nước ngoài có thu nhập cao, tôi nghĩ là khi thấy sự vụ như thế, quý vị sẽ sợ khi đến làm việc ở Nhật Bản ».
Theo AFP, giờ đây, nhiều người đang lo ngại mình có thể trở thành nạn nhân của luật pháp Nhật rất khó hiểu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190110-so-phan-carlos-ghosn-khien-gioi-dau-tu-ngoai-quoc-o-nhat-ban-lo-ngai

Thủ tướng và toàn bộ nội các Đài Loan

 từ chức sau thất bại bầu cử

Thủ tướng Đài Loan William Lai hôm 10/1 cho biết ông cùng toàn bộ nội các đang sắp sửa từ chức, gần hai tháng sau khi đảng cầm quyền vẫn luôn ủng hộ giải pháp độc lập cho Đài Loan bị đánh bại trong các cuộc bầu cử địa phương.
Theo Reuters, thất bại bầu cử là một thách thức lớn đối với Tổng thống Thái Anh Văn, người đang ngày càng bị chỉ trích nặng nề ở trong nước về chương trình cải cách của bà, trong khi phải đối mặt với các mối đe dọa mới từ Trung Quốc, nơi luôn luôn coi hòn đảo là lãnh thổ của mình.
Sự ra đi của ông Lai đã được dự đoán rộng rãi. Đây là một thông lệ tiêu biểu ở Đài Loan. Các lãnh đạo sẽ ra đi khi đảng của họ bị đánh bại trong một cuộc bầu cử lớn. Đảng DPP đã đại bại hồi tháng 11 năm ngoái trước Quốc dân đảng, phe đối lập thân Trung Quốc.
Nội các từ chức khi thủ tướng từ chức cũng là một thông lệ ở Đài Loan.
“Đã đến lúc. Tôi sẽ triệu tập một cuộc họp nội các đặc biệt vào ngày mai và từ chức cùng với toàn bộ nội các”, Reuters dẫn lời ông Lai nói với các phóng viên trong quốc hội, ông cho biết thêm là Tổng thống Thái Anh Văn đã chấp thuận đơn từ chức của ông.
Bà Thái, cũng thuộc đảng DPP, được dự kiến sẽ giới thiệu một thủ tướng mới, theo ông Lai, và bà sẽ bổ nhiệm các vị trí cấp bộ sau đó.
Tại Đài Loan, Tổng thống đắc cử sẽ bổ nhiệm thủ tướng, là người thành lập nội các và điều hành chính phủ hàng ngày.
Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho biết bà Thái, người sẽ đối mặt với cuộc bầu cử tổng thống trong một năm nữa, phải dồn nỗ lực để giành sự hậu thuẫn của công chúng cho chính sách của bà về quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Đài Loan vốn phụ thuộc vào xuất khẩu trong một năm đầy những thách thức giữa bối cảnh cuộc tranh chấp thương mại Mỹ- Trung.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng này đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan dân chủ về dưới sự cai trị của Bắc Kinh, và thúc giục “thống nhất” với hòn đảo.
Ông Tập đã tăng áp lực lên Đài Loan kể từ khi bà Thái trở thành tổng thống vào năm 2016.
Bà Thái nói chính quyền của bà sẽ suy gẫm về thất bại bầu cử, nhưng nhất quyết bảo vệ nền dân chủ Đài Loan trước các mối đe dọa mới từ Trung Quốc.
Một số người trong đảng lãnh đạo đã thúc giục bà Thái đừng ra tái cử. Bản thân bà Thái không nói rõ liệu bà có ra tranh cử tổng thống vào năm 2020 hay không.
Theo một báo cáo trong tuần này của Moody, cơ quan xếp hạng tín dụng, căng thẳng mới nhất với Trung Quốc đã tác động tiêu cực lên Đài Loan và làm tổn thương nền kinh tế của hòn đảo tự trị này.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-va-toan-bo-noi-cac-dai-loan-tu-chuc-sau-that-bai-bau-cu/4737111.html

Tổ chức 18.000 đợt tập trận,

khả năng thực chiến của quân đội TQ ra sao?

Trong năm 2018, quân đội Trung Quốc đã tiến hành hơn 18.000 cuộc tập trận song năng lực thực chiến vẫn được xem là ‘tụt hậu’.
Quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện trong năm 2019.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giới quan sát nhận định trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung không ngừng gia tăng và lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 10 tới, quân đội Trung Quốc sẽ còn đẩy mạnh công tác huấn luyện trong năm 2019.
Mới đây, Tân Hoa Xã tiết lộ khoảng 2 triệu quân nhân Trung Quốc đã tham gia hơn 18.000 cuộc diễn tập nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ trong năm 2018. Năm 2019 được xem là năm chứng kiến số lượng diễn tập “khủng hơn nữa” của Trung Quốc.
Dù không đưa ra con số cụ thể so sánh với số lượng các cuộc diễn tập được tổ chức vào năm 2017, song Tân Hoa Xã cho hay so với năm 2016, Trung Quốc tiến hành gần 100 cuộc diễn tập có quy mô lớn hơn vào năm 2018.
Trong khi đó, hôm 8/1, tờ PLA Daily đưa tin các trung đoàn trên toàn lãnh thổ Trung Quốc cũng đã bắt đầu triển khai huấn luyện sau khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đưa ra mệnh lệnh đầu tiên trong năm 2019.
Tờ PLA Daily đồng thời khuyến cáo quân nhân Trung Quốc cần chăm chỉ huấn luyện hơn, tránh thờ ơ với công tác sẵn sàng chiến đấu.
“Một số sĩ quan và binh sĩ cho rằng họ có thể trải qua nghiệp binh trong hòa bình và một số đơn vị đã lơ là công tác huấn luyện. Họ thờ ơ trước trách nhiệm phải luôn sẵn sàng tham chiến và dẫn tới kết quả đáng thất vọng”, PLA Daily bình luận.
Một số nhà phân tích cho rằng lời kêu gọi quân đội Trung Quốc tăng cường huấn luyện được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu nguội lạnh. Nói cách khác, cuộc đua giữa Mỹ – Trung không chỉ dừng lại ở các vấn đề chiến lược mà mở rộng sang cả chiến tranh thương mại trong lĩnh vực công nghệ và an ninh.
Nhà bình luận ở Bắc Kinh Zhou Chenming nhận định sự xuất hiện của tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 7/1 cho thấy, Mỹ sẽ tăng cường hoạt động ở Biển Đông trong năm 2019.
Phía hải quân Mỹ thì khẳng định tàu USS McCampbell chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
“Bán đảo Triều Tiên có thể quay trở lại thành điểm nóng trong năm 2019. Quan trọng hơn, vấn đề Đài Loan đang là mối đe dọa nghiêm trọng. Do đó, quân đội Trung Quốc cần phải sẵn sàng đối phó”, ông Zhou chia sẻ.
Tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu Yue Gang cho rằng, công tác huấn luyện ngày càng được chú trọng kể từ sau chiến lược hiện đại hóa quân đội được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình công bố vào năm 2015.
Cũng theo ông Yue, trong nhiều năm qua, quân đội Trung Quốc chưa tham gia thực chiến nên năng lực chiến đấu bị giới hạn. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào ngày 1/10, quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện.
“Một số loại vũ khí mới cũng sẽ được ra mắt trong sự kiện này”, ông Yue nói.
Trong những nằm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh tiến hành các cuộc diễn tập chung với nhiều đội quân trên thế giới.
Cụ thể, hồi năm ngoái, 3.200 binh sĩ Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Nga mang tên Vostok-18. Trước đó, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự đợt diễn tập RIMPAC ở Hawaii.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25752-to-chuc-18000-dot-tap-tran-kha-nang-thuc-chien-cua-quan-doi-tq-ra-sao.html

Thiếu người kế nghiệp, động lực 40 năm

giúp TQ phát triển rực rỡ không còn sung sức

Trung Quốc chuẩn bị chứng kiến làn sóng nghỉ hưu của các ông trùm doanh nghiệp, những người đã thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế và tạo ra tầng lớp trung lưu Trung Quốc.
Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Hàng trên, từ trái qua: Chủ tịch GCL Power Zhu Gongshan, Chủ tịch WH và CEO Wan Long, nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei; Hàng dưới, từ trái qua: nữ Chủ tịch Longfor Properties Wu Yajun, nhà sáng lập và Chủ tịch Country Garden Yang Guoqiang, và Chủ tịch Cao Dewang của Fuyao Glass. Ảnh: SCMP.
Cha truyền nhưng con không nối
Những thay đổi ở tầng lớp kinh doanh “chóp bu” sẽ tác động mạnh mẽ đến tương lai của Trung Quốc, khi nền kinh tế thứ 2 thế giới tăng tốc độ chuyển đổi từ sản xuất sang đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực như thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo.
Các doanh nghiệp tư nhân, động lực phát triển kinh tế của Trung Quốc hầu hết đều thuộc sở hữu gia đình, chủ yếu là những ông lớn làm chủ đế chế trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa cải cách 40 năm trước.
Nhưng có vẻ như một kế hoạch cha truyền con nối rõ ràng hóa ra không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Một số người thừa kế thuộc thế hệ thứ 2, được giáo dục ở phương Tây, muốn chứng tỏ bản thân bằng cách mở ra các doanh nghiệp riêng hoặc nắm bắt các cơ hội khác.
Song Qinghui, nhà kinh tế trưởng của trung tâm nghiên cứu Qinghui, Thâm Quyến cho biết, sự thành công trong lĩnh vực kinh doanh tư nhân là rất quan trọng đối với sức khỏe và sự ổn định kinh tế của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp tư nhân đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển nhảy vọt của nền kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua. Họ cũng đã tích lũy được một lượng lớn của cải. Chất lượng và thành công của sự kế thừa có thể quyết định tương lai của nền kinh tế Trung Quốc trong vài thập kỷ tới.
Các lãnh đạo doanh nghiệp của Trung Quốc không còn ở độ tuổi sung sức, phản ánh tổng thể dân số già tại nước này: cứ 3 lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân niêm yết trên thị trường chứng khoán đại lục thì có một người trên 55 tuổi; 15% trong số đó hơn 60 tuổi, theo dữ liệu của Shanghai Wind Information.
Tuy nhiên, rất ít trong số họ tìm được phương án tiếp theo.
Khủng hoảng người kế nhiệm
Theo một nghiên cứu của công ty kiểm toán PwC, trong số các doanh nghiệp gia đình đại lục được khảo sát, chỉ có 21% có kế hoạch kế nhiệm, thấp hơn 28 điểm % so với mức trung bình toàn cầu.
Một phần lý do là thế hệ thứ hai thấy các công ty mà họ đứng ra thừa kế có giá trị gia tăng thấp hơn các lĩnh vực khác như ngân hàng, đầu tư và công nghệ, cuộc khảo sát cho biết. Một số khác muốn trở thành động lực cho nền kinh tế mới.
Ví dụ như Jean Liu, con gái của Liu Chuanzhi, người sáng lập Lenovo. Thay vì thừa kế công việc kinh doanh của cha, cô đã đầu quân cho Goldman Sachs vào năm 2002, sau đó tham gia khởi nghiệp Didi Chuxing vào năm 2014 với tư cách là giám đốc điều hành.
Cũng phải kể đến Jack Ma, một ví dụ của việc chọn người ngoài để tiếp quản công ty.
Song cách này không tồn tại lâu trong các doanh nghiệp gia đình vì người ngoài thường ít được tin tưởng hơn thành viên trong gia đình.
Zhu Xinli, người sáng lập Tập đoàn sản xuất nước trái cây tư nhân lớn nhất Trung Quốc Huiyuan Juice Group, đã thuê một quản lý vào năm 2013 để kế nhiệm ông.
Nhưng một năm sau, người quản lý từ chức, Zhu trở lại, và hội đồng quản trị đã bổ nhiệm con gái của ông là Zhu Shengqin làm thành viên như bước đệm để tiếp quản việc kinh doanh.
Zhou Xiaoguang, người sáng lập ra nhà sản xuất trang sức NeoGlory Group, cũng đã từng thuê 3 giám đốc bên ngoài điều hành công ty, trước khi con trai bà tiếp quản lại cơ nghiệp vào năm 2011.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25751-thieu-nguoi-ke-nghiep-dong-luc-40-nam-giup-tq-phat-trien-ruc-ro-khong-con-sung-suc.html

Trung – Mỹ tạm “chững” cuộc chiến mậu dịch

nhưng rất “căng” về Đài Loan

Quan hệ Trung – Mỹ tưởng như dịu đi sau khi cuộc chiến mậu dịch có được 90 ngày “ngừng bắn” thì ngay đầu năm mới đã căng thẳng trở lại với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Sáng kiến tái bảo đảm Châu Á 2018 (Asia Reassurance Initiative Act 2018, ARIA) với nội dung tăng cường hỗ trợ, kể cả bán vũ khí cho Đài Loan. Và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
đưa ra “Phương án Đài Loan” gồm 5 điểm thay thế cho Phương án “Giang Trạch Dân 8 điểm” trước đây nhằm thực hiện thống nhất Đài Loan.
Ông Donald Trump ký Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á với cam kết: Mỹ sẽ tiếp tục định kỳ bán vũ khí phòng ngự cho Đài Loan để đối phó lại sự uy hiếp từ Trung Quốc Đại Lục.
Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á
Ngày 31.12.2018 theo giờ Washington, ngay trước khi bước vào năm mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA) được cho là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trước những thách thức đang lên từ phía Trung Quốc. Thông báo của Nhà Trắng viết: “Tổng thống Donald Trump đã kí ban hành ‘Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á 2018′, nhằm thiết lập chiến lược đa phương để bảo vệ an ninh, lợi ích kinh tế và giá trị của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Đạo luật cũng bao gồm cam kết của Mỹ trong 5 năm tới mỗi năm chi ngân khoản gồm 1,5 tỷ đô la để tăng cường sự hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh chiến lược trong khu vực trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và an ninh.
Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA) được ông Donald Trump ký hôm 31.12.2018 khiến Trung Quốc tức giận, phản ứng quyết liệt.
Đây là dự luật đã được các Thượng nghị sĩ Cory Gardner, Ed Markey, Marco Rubio và Ben Cardin giới thiệu vào tháng 4.2018, trong đó kêu gọi đối thoại giữa 4 nước là Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, hay còn được biết đến là Tứ giác kim cương. ARIA đã được Thượng nghị viện thông qua ngày 4.12 và Hạ nghị viện phê chuẩn hôm 12.12.2018.
Đạo luật này được ông Trump ký ban hành đúng vào dịp kỉ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ và 40 năm “Luật quan hệ với Đài Loan” của Mỹ có hiệu lực. Đạo luật này tập trung làm rõ mục tiêu chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan. Ngoài ra còn làm rõ và khẳng định mối quan hệ giữa Washington với các quốc gia đồng minh trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Australia.
Theo trang tin Đa Chiều, trong vấn đề Đài Loan, Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm Châu Á (ARIA) cam kết: Mỹ sẽ tiếp tục định kỳ bán vũ khí phòng ngự cho Đài Loan để đối phó lại sự uy hiếp từ Trung Quốc Đại Lục và khuyến khích các quan chức cao cấp tiến hành đi thăm Đài Loan theo quy định mà “Luật du lịch Đài Loan” đã mở ra.
Ngoài ra, ARIA khẳng định: Mỹ căn cứ theo Luật quan hệ với Đài Loan và “3 bản thông cáo chung Trung – Mỹ”, thực hiện những cam kết với Đài Loan. Mỹ phản đối thay đổi hiện trạng, ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp giữa hai bên bờ eo biển với phương thức cả hai bên đều có thể chấp nhận.
Ông Trump sau đó đã phát biểu: đối với vấn đề Đài Loan ông đồng nhất với mục tiêu của quốc hội về việc bảo vệ an ninh và thực lực của Mỹ, nhưng chuyện liên quan đến đối ngoại quân sự và ngoại giao  trong ARIA là thuộc chức quyền của ông với vai trò thống soái hải, lục, không quân theo hiến pháp.
Đa Chiều cho biết, Đài Bắc đã lập tức hoan nghênh và bày tỏ cảm ơn. Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ, Quốc hội Mỹ không phân biệt đảng phái đã thể hiện sự coi trọng và ủng hộ quan hệ Mỹ – Đài cũng như hòa bình và ổn định của khu vực. Ông Hoàng Trọng Ngạn, người phát ngôn của Tổng thống Thái Anh Văn cho rằng, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp Mỹ – Đài Loan, ổn định cục diện Đông Á là rất quan trọng đối với các bên trong khu vực, trong đó có Mỹ và Đài Loan.
Trung Quốc phản ứng quyết liệt với ARIA
Ngày 2.1, phát biểu tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, phát ngôn viên Lục Khảng khi trả lời câu hỏi của một phóng viên về bình luận của phía Trung Quốc trước việc ông Donald Trump ký ban hành Đạo luật ARIA đã nói: “Đạo luật này đã đi ngược lại nguyên tắc Một Trung Quốc và quy định của 3 bản tuyên bố chung Trung – Mỹ, can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc. Trung Quốc bất bình mạnh mẽ và kiên quyết phản đối phía Mỹ cố ý ký ban hành luật này, đã nghiêm khắc can thiệp với phía Mỹ”.
Ông Lục Khảng nói: “Xin phía Mỹ hãy lưu ý, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu tại cuộc mít tinh kỉ niệm 40 năm ngày công bố “Thư gửi nhân dân Đài Loan” đã nhấn mạnh: “Vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và tình cảm của nhân dân Trung Quốc, không cho phép bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài”.
“Chúng tôi nhắc nhở phía Mỹ cần tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và 3 bản thông cáo chung Trung – Mỹ, không được thực thi những nội dung trong ARIA, thận trọng xử lý ổn thỏa các vấn đề
liên quan đến Đài Loan để tránh làm tổn hại đến đại cục quan hệ Trung – Mỹ và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất “Phương án Đài Loan” 5 điểm
Sáng 2.1.2019, khi phát biểu trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày ban hành “Thư gửi nhân dân Đài Loan” (năm 1979) tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định quyết tâm thống nhất Đài Loan và kêu gọi ủng hộ giải pháp “Một nước hai chế độ”.
Sau khi điểm lại lịch sử 70 năm chia cắt hai bờ eo biển Đài Loan, khẳng định nhiệm vụ lịch sử không thay đổi giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đã đưa ra 5 phương châm (hay Phương châm 5 điểm) để thực hiện mục tiêu thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan, bao gồm: 1. Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc và thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; 2. Tìm kiếm phương án “hai chế độ” cho Đài Loan, làm phong phú thêm thực tiễn hòa bình thống nhất; 3. Kiên trì nguyên tắc Một Trung Quốc, bảo vệ tương lai thống nhất hòa bình; 4. Đi sâu phát triển kết nối giữa hai bờ eo biển Đài Loan để củng cố nền tảng cho việc thống nhất hòa bình; 5. Thực hiện sự hòa hợp về tâm hồn giữa nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan để tăng cường nhận thức chung về thống nhất hòa bình.
Ông đề xướng trên cơ sở “Nhận thức chung 1992 chống Đài Loan độc lập”, các chính đảng, các giới hai bên lần lượt cử nhân sĩ đại diện để hiệp thương dân chủ rộng rãi về quan hệ hai bên eo biển và tương lai dân tộc, thúc đẩy đạt được sự sắp xếp có tính chế độ về phát triển hòa bình quan hệ hai bên bờ”.
Ông Tập Cận Bình nói, thống nhất đất nước sẽ không tổn hại lợi ích chính đáng của bất cứ quốc gia nào, bao gồm lợi ích kinh tế ở Đài Loan, sẽ chỉ mang lại cơ hội phát triển nhiều hơn cho các nước. Ông khẳng định: “Tổ quốc nhất định thống nhất, đương nhiên sẽ thống nhất”, “Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, hai bên eo biển có cùng một lịch sử và sự thực pháp lý, bất cứ ai, bất cứ thế lực nào cũng không thể thay đổi được”.
Trang tin Đa Chiều nhận định, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình thể hiện ý đồ rõ ràng: tuyên bố Đại Lục chính thức khởi đầu tiến trình thống nhất. Trong đó, tại điểm thứ 2 của Phương châm 5 điểm “Tìm kiếm phương án “hai chế độ” cho Đài Loan, làm phong phú thêm thực tiễn hòa bình thống nhất” ông Tập Cận Bình đã nói rõ: “chế độ khác nhau không phải là trở ngại cho thống nhất, càng không phải là cớ để chia cắt. Việc đề xuất một nước hai chế độ chính là nhằm chiếu cố đến tình hình hiện thực của Đài Loan, sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến và đề nghị của các giới ở hai bên eo biển…Sau khi thống nhất, tài sản cá nhân, tín ngưỡng tôn giáo, quyền lợi hợp pháp của nhân dân Đài Loan sẽ được bảo đảm đầy đủ”.
Một điều đáng lưu ý là, trong “Thư gửi nhân dân Đài Loan” năm 1979 có đề cập đến “kỳ vọng vào 17 triệu nhân dân Đài Loan, cũng kỳ vọng vào nhà đương cục Đài Loan”, còn trong bài phát biểu lần này, ông Tập Cận Bình chỉ nhắc đến “kiên trì phương châm kỳ vọng vào nhân dân Đài Loan” chứ không nhắc gì đến chính quyền Đài Loan nữa, cho thấy dù chính đảng nào cầm quyền ở Đài Loan thì Trung Quốc Đại Lục cũng vượt qua chính phủ ở Đài Bắc, trực tiếp ra tay với dân chúng Đài Loan để thúc đẩy thống nhất.
Đặc biệt, trong bài nói của mình, ông Tập Cận Bình khẳng định: “Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, bảo lưu áp dụng mọi biện pháp cần thiết đối phó với các thế lực bên ngoài mưu đồ phá hoại tiến trình thống nhất”. Tại cuộc họp báo chiều ngày 2.1, khi có phóng viên hỏi “thế lực bên ngoài” cụ thể là gì, ông Lục Khảng đã trả lời: “Thông điệp mà Chủ tịch Tập truyền đi rất rõ ràng, Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực tuyệt đối không phải nhằm vào nhân dân Đài Loan mà là các thế lực bên ngoài can thiệp và số rất ít phần tử chia rẽ “Đài Loan độc lập” cùng hoạt động chia cắt của chúng. Lập trường này của Trung Quốc trước nay không hề thay đổi”.
Đài Loan thẳng thừng bác bỏ đề xuất của ông Tập Cận Bình
Phản ứng trước “Phương châm 5 điểm” thống nhất Đài Loan mà ông Tập Cận Bình đưa ra, ngay chiều ngày 2.1, bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan đã khẳng định: “Chúng tôi từ trước đến nay không chấp nhận “Nhận thức chúng 1992”; Đài Loan quyết không chấp nhận Một nước hai chế độ”. Bà nói: “Trước nay chúng tôi không chấp nhận “Nhận thức chung 1992”, nguyên nhân căn bản do Bắc Kinh định nghĩa về “nhận thức chung” này là “Một Trung Quốc, một nước hai chế độ”…Tôi khẳng định lại, Đài Loan quyết không chấp chấp nhận “một nước hai chế độ”, tuyệt đại đa số dân ý Đài Loan cũng kiên quyết phản đối, đó mới là ‘nhận thức chung của Đài Loan’ ”.
Bà cũng bày tỏ: “Chúng tôi muốn ngồi vào bàn nói chuyện, nhưng là quốc gia dân chủ, bất cứ cuộc hiệp thương chính trị, đàm phán liên quan đến hai bên eo biển đều cần phải được nhân dân Đài Loan ủy quyền và giám sát và tiến hành theo mô thức giữa chính phủ với chính phủ hai bên bờ. Với nguyên tắc đó, không có bất cứ ai, bất cứ đoàn thể nào có quyền thay mặt cho nhân dân Đài Loan tiến hành hiệp thương chính trị [với Đại Lục]”.
Được biết, đây là lần đầu tiên bà Thái Anh Văn chính thức công khai bày tỏ thái độ không chấp nhận “nhận thức chung 1992”.
“Nhận thức chung 1992” hay còn gọi “Thỏa thuận chung 1992” là thuật ngữ chính trị chỉ việc hai tổ chức không chính thức của Đại Lục và Đài Loan là Hiệp hội quan hệ hai bên Eo biển và Quỹ giao lưu Eo biển gặp gỡ tại Hongkong, cùng nhau thỏa thuận miệng “Đại Lục và Đài Loan cùng thuộc một nước Trung Quốc”.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25745-trung-my-tam-chung-cuoc-chien-mau-dich-nhung-rat-cang-ve-dai-loan.html

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung:

Bắc Kinh hy vọng tìm được lối thoát

Thanh Hà
Phái đoàn Mỹ rời Bắc Kinh sau ba ngày đàm phán với đại diện Trung Quốc về mậu dịch. Bộ Thương Mại Trung Quốc trong thông cáo ngày 10/01/2019 đánh giá cuộc họp mở ra hôm đầu tuần đặt “nền tảng” cho việc “giải tỏa” những lo ngại của đôi bên. Giới tài chính thất vọng vì đôi bên không đưa ra những kết quả cụ thể nào.
Cuộc họp ban đầu được dự trù mở ra trong hai ngày 07 và 08/01/2019, nhưng sau đó đã được kéo dài thêm cho đến chiều ngày 09/01/2019. Thông cáo được công bố trên trang mạng của bộ Thương Mại Trung Quốc không đi sâu vào chi tiết những điểm được phái đoàn Mỹ và Trung Quốc đề cập đến tại Bắc Kinh lần này, nhưng phía Trung Quốc hài lòng khi thấy “vì lợi ích chung, đôi bên đã thảo luận một cách thấu đáo và đã đi sâu vào chi tiết trên các vấn đề mậu dịch cũng như là về cơ cấu”.
Tại Washington, thông cáo của bộ Thương Mại Mỹ được công bố hôm 09/01/2019 chỉ nêu lại những điểm chính từ sau cuộc đối thoại giữa tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Trung Quốc ông Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Achentina hôm 01/12/2018.
Cuộc đọ sức thương mại giữa Washington và Bắc Kinh không chỉ liên quan đến khoản nhập siêu hơn 350 tỷ đô la của Hoa Kỳ với bạn hàng Trung Quốc. Nhà Trắng còn chỉ trích Bắc Kinh đóng cửa thị trường với các doanh nghiệp Mỹ. Tổng thống Trump tố cáo các tập đoàn Trung Quốc “ăn cắp” công nghệ cao của Hoa Kỳ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Cuộc họp vừa qua tại Bắc Kinh không cho phép đôi bên đưa ra những thông báo cụ thể, chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Điều này khiến các nhà đầu tư thất vọng.
Hôm nay, chứng khoán tại các thị trường tài chính ở Tokyo, Seoul hay Thượng Hải sụt giá. Tại châu Âu, vào giờ mở cửa, chỉ số của Paris hay Frankfurt có dấu hiệu trồi sụt thất thường. Mọi hy vọng giờ đây hướng về cuộc gặp được dự trù vào cuối tháng này giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn bên lề Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos (22-25/01/2019).
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190110-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-bac-kinh-hy-vong-tiem-duoc-loi-thoat

Trung Quốc ‘ủng hộ’ Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai

Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un kết thúc chuyến thăm Trung Quốc bất ngờ với sự ủng hộ của Bắc Kinh cho hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump, truyền thông Trung Quốc cho biết.
Ông Trump và ông Kim gặp nhau lần đầu vào tháng 6/2018, nhưng tiến trình phi hạt nhân hóa từ thời điểm đó đã bị đình trệ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết ông hy vọng hai nhà lãnh đạo “đạt được sự thỏa hiệp”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Tiếp tục đồn đoán Kim – Trump ‘gặp nhau ở Việt Nam’
Hà Nội: địa điểm cho hội nghị Trump-Kim lần 2?
Kim Jong-un cảnh báo ‘sẽ đổi hướng’ vấn đề phi hạt nhân hóa
Mỹ ban hành đạo luật mới để tăng cạnh tranh với Trung Quốc
Năm địa điểm hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim có thể diễn ra
Trung Quốc là đồng minh chính và đối tác thương mại quan trọng của Bắc Hàn.
Ông Tập cho biết Trung Quốc ủng hộ Bắc Hàn và Mỹ “tổ chức các hội nghị thượng đỉnh và đạt được kết quả, đồng thời ủng hộ các bên liên quan giải quyết các mối quan ngại thông qua đối thoại”.
Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng đóng “vai trò tích cực và mang tính xây dựng” đối với việc duy trì hòa bình và đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, theo Tân Hoa Xã.
‘Quan ngại’ về phi hạt nhân hóa
Thông tấn xã KCNA của Bắc Hàn cũng lặp lại tương tự rằng Trung Quốc ủng hộ lập trường của miền Bắc.
“Ông Tập Cận Bình nói rằng các vấn đề do Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đưa ra là những yêu cầu chính đáng và ông hoàn toàn đồng ý rằng quyền lợi hợp lý của Bình Nhưỡng cần được giải quyết,” KCNA viết.
Bài báo cho biết ông Kim bày tỏ “quan ngại” về việc chưa có tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa nhưng nói thêm rằng “lập trường của Bình Nhưỡng về theo đuổi một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại vẫn không thay đổi”.
Trước đó, trong diễn văn mừng năm mới, ông Kim nói vẫn cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng cảnh báo rằng ông sẽ thay đổi hướng đi nếu Mỹ vẫn áp chế tài.
Truyền thông Nam Hàn và Hoa Kỳ những ngày qua nhiều lần đưa tin về khả năng Việt Nam sẽ là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Hôm 8/1, báo The Korea Herald đưa tin Hà Nội từng nói với ngoại trưởng Bắc Hàn hồi tháng 11 rằng Việt Nam muốn tổ chức cuộc gặp.
Tờ báo cũng nói Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, khi hai người gặp nhau ở Nam Hàn đầu tháng 12, hãy ủng hộ việc tổ chức cuộc gặp tại Việt Nam.
The Korea Herald nói Việt Nam muốn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ở Đà Nẵng.
Cùng ngày, báo The Korea Times đưa tin Việt Nam “ngày càng có thể là địa điểm khả dĩ nhất”.
Tin không chính thức nói một quan chức ngoại giao Mỹ, Mark Lambert, vừa thăm Việt Nam và Mông Cổ tháng 12.
Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho đã thăm chính thức Việt Nam tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, hãng CNN hôm 8/1 tường thuật chính phủ Mỹ đã gửi người tới Bangkok, Hà Nội và Hawaii trong lúc đi tìm địa điểm cho khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong Un.
Nguồn tin nói với CNN rằng Mỹ vẫn chưa quyết định nơi nào, và danh sách địa điểm cũng chưa gửi cho Bắc Hàn.
CNN nói sẽ còn cần thêm các cuộc thảo luận để chọn ngày gặp và địa điểm.
Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ vòng thảo luận cấp chuyên viên kế tiếp sẽ diễn ra khi nào.
“Các thảo luận đang diễn ra,” một người phát ngôn ngoại giao Mỹ nói với CNN.
“Sẽ còn nhiều thảo luận trước khi chúng tôi đạt được mục tiêu.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46791142

Trung Quốc phô trương ảnh hưởng trên Bắc Triều Tiên

Thanh Hà
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên kết thúc chuyến công du Trung Quốc hôm qua (09/01/2019). Tại Bắc Kinh, một lần nữa Kim Jong Un khẳng định cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân. Là điểm tựa chính của Bình Nhưỡng cả về mặt ngoại giao lẫn kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên và Mỹ “tiến thêm một bước” xích lại gần nhau và đánh giá “tích cực” những nỗ lực của Bắc Triều Tiên nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho bán đảo Triều Tiên.
Theo nhận định của Stéphane Lagarde, thông tín viên đài RFI tại Bắc Kinh, chuyến công du Trung Quốc lần thứ tư của Kim Jong Un trong vòng chưa đầy một năm, là cơ hội để chính quyền Tập Cận Bình phô trương ảnh hưởng của mình với chế độ Bình Nhưỡng.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo gần như không rời nhau đến nửa bước trong hơn 24 giờ trong lúc ông Kim Jong Un có mặt tại Bắc Kinh . Đài truyền hình trung ương trong bản tin sáng sớm hôm nay (10/01/2019) mở đầu bằng một bài tường thuật dài hơn 10 phút để tổng kết về chuyến công du của ông Kim Jong Un.
Nào là ống kính của các phóng viên ảnh, nào là dàn nhạc của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc, rồi hàng đoàn học sinh hát mừng lãnh tụ Bắc Triều Tiên đến thăm… Hai ông Tập Cận Bình và Kim Jong Un hội đàm quanh một chiếc bàn gỗ sơn mài tại Đại Lễ Đường Nhân Dân. Lãnh đạo hai nước bắt tay nhau trong buổi dạ tiệc đánh dấu 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Vào trưa hôm qua, hai ông Tập và Kim đã dùng bữa trưa tại một nhà hàng 5 sao.
Báo chí Trung Quốc bình luận: Bình Nhưỡng đang muốn đi theo mô hình tư bản đỏ của Trung Quốc. Dường như ông Kim Jong Un còn noi gương ông Tập Cận Bình trong cách ứng xử thoải mái, và điều này giải thích một số những thay đổi về phong cách của lãnh đạo Bắc Triều Tiên trong những tháng gần đây.
Trong bối cảnh đó Bắc Kinh khuyến khích Mỹ và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau. Rõ ràng là chuyến công du Trung Quốc lần này của ông Kim đem lại kết quả. Sáng nay, hãng tin KCNA thông báo ông Tập Cận Bình dường như đã nhận lời mời chính thức viếng thăm Bình Nhưỡng.
Thượng đỉnh Kim – Trump đã “cận kề”
Tại Seoul, tổng thống Hàn Quốc ngày 10/01/2019 tuyên bố : chuyến công du Bắc Kinh của Kim Jong Un báo trước thượng đỉnh lần thứ nhì giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã “cận kề”. Tuy nhiên Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng nên đưa ra những quyết định “táo bạo và thực tế” cho tiến trình giải trừ hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190110-trung-quoc-pho-truong-anh-huong-voi-bac-trieu-tien

Truyền thông TQ vô tình

làm lộ bí mật của ông Kim Jong-un

Phải chăng truyền thông Trung Quốc đã vô tình để lộ một trong những bí mật quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Triều Tiên?
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 8-1 đã đưa lên tài khoản Twitter chính thức một đăng tải dường như để lộ ngày sinh của ông Kim Jong-un giữa lúc nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Bắc Kinh lần thứ 4 để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Ngày 8-1 là sinh nhật lần thứ 35 của ông Kim Jong-un, điều đó có nghĩa là ông ấy sẽ tổ chức sinh nhật trong chuyến thăm từ ngày 7-1 tới 10-1 ở Trung Quốc”- tờ báo trực thuộc quản lý của chính phủ Trung Quốc chia sẻ trên Twitter.
Đăng tải này được cho là đã vô tình tiết lộ một trong những bí mật nhà nước được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của Triều Tiên.
Sinh nhật của ông nội và cha của ông Kim, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và Kim Chính Nhật (Kim Jong-il), từ lâu đã được coi là ngày quốc lễ tại Bình Nhưỡng và thường được tổ chức long trọng với các hoạt động như diễu hành, duyệt binh, các sự kiện nhằm thể hiện lòng trung thành của người dân. Trong khi đó, ngày sinh của ông Kim Jong-un dường như vẫn là một bí ẩn.
Các nguồn tin nói rằng ngày 8-1 trên lịch của Triều Tiên vẫn là ngày làm việc bình thường.
Giới quan sát cho rằng lý do ngày sinh của ông Kim Jong-un không được công khai có khả năng liên quan tới việc tuổi của ông tương đối trẻ và ở vị trí của ông, tuổi tác cũng là một yếu tố để đánh giá mức độ tôn trọng.
Một khả năng khác là việc tổ chức các hoạt động kỉ niệm rầm rộ vào mùa đông là tương đối tốn kém. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng đơn giản chỉ là quá sớm để thực hiện các hoạt động sinh nhật hoành tráng.
Lần gần đây nhất Triều Tiên dường như nhắc tới ngày sinh của ông Kim là năm 2014 khi cựu sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, bạn thân của ông Kim, đã hát bài chúc mừng sinh nhật ông tại một sự kiện ở Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, các khán giả Triều Tiên không được xem đoạn video ghi lại màn trình diễn. Truyền thông Triều Tiên chỉ đưa tin là cựu ngôi sao NBA đã “hát một bài đặc biệt” cho ông Kim.
Người đầu tiên hé lộ ngày sinh của ông Kim là đầu bếp riêng người Nhật Bản của ông Kim Jong-il, Kenji Fujimoto. Hàn Quốc cũng ghi nhận ngày 8-1 là ngày sinh của ông Kim Jong-un nhưng không nắm được năm sinh chính xác.
Theo các nhà phân tích, tới Bắc Kinh trong dịp sinh nhật, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên dường như kỳ vọng sẽ mang về nhiều món quà, trong đó “món quà” được quan tâm nhất được cho là việc nới lỏng lệnh trừng phạt, tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng.
http://biendong.net/diem-tin/25739-truyen-thong-tq-vo-tinh-lam-lo-bi-mat-cua-ong-kim-jong-un.html

TQ phát triển radar theo dõi

khu vực rộng hơn 3 triệu km vuông

Hệ thống radar này sẽ được đặt trên tàu để giám sát các vùng biển tiếp giáp với Trung Quốc.
Các nhà khoa học quân sự Trung Quốc đang phát triển hệ thống radar có kích thước nhỏ gọn, nhưng có khả năng giám sát khu vực rộng hơn 3,4 triệu km vuông cho nhóm tàu sân bay của hải quân. Hệ thống radar cho phép chiến hạm Trung Quốc phát hiện sớm hơn các mối đe dọa từ chiến hạm, máy bay chiến đấu và tên lửa của đối phương, theo các nhà khoa học tham gia chương trình phát triển radar vượt đường chân trời (OTH) của Trung Quốc, SCMP đưa tin ngày 9/12.
“Dựa vào các công nghệ truyền thống, hệ thống theo dõi và giám sát của chúng tôi chỉ quản lý khoảng 20% khu vực biển giáp Trung Quốc. Với hệ thống mới chúng tôi có thể theo dõi được toàn bộ khu vực”, theo giáo sư Liu Yongtan thuộc khoa kỹ thuật điện tử thông tin của Viện Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân. Liu phụ trách chương trình phát triển radar OTH và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao giải thưởng cho nhà khoa học xuất sắc nhất đất nước hôm 8/1.
Hệ thống radar OTH của Trung Quốc sẽ được đặt trên một tàu biển, sóng radar được truyền lên tầng điện ly và phản xạ lại, vệ tinh hoặc máy bay tiếp sóng sẽ chuyển hướng sóng radar đến tàu sân bay. Các nhà khoa học Trung Quốc đang tìm giải pháp khắc phục khó khăn khi chế tạo trạm radar OTH nổi như điều chỉnh tần số radar, khử cực và định hướng để phù hợp với khoảng cách của mục tiêu và điều kiện tầng điện ly.
Trung Quốc không phải nước duy nhất phát triển công nghệ chế tạo radar OTH trên biển. Năm 2016, hãng Raytheon của Mỹ được cấp bằng sáng chế cho một hệ thống tương tự. Thiết kế của Raytheon bao gồm một tàu radar phát sóng và một số tàu tiếp nhận gắn ăng ten, có tầm phát hiện hơn 1.000 km và có thể giám sát diện tích hơn 1 triệu hải lý vuông, tương đương 3,4 triệu km vuông – xấp xỉ diện tích Ấn Độ.
Radar OTH mặt đất được Mỹ và Liên Xô phát triển trong Chiến tranh Lạnh, giúp quân đội hai nước giám sát hàng ngàn km lãnh thổ. Sóng radar được phát hướng lên tầng điện ly, tầng khí quyển này sẽ phản xạ sóng điện từ về mặt đất.
Hệ thống radar OTH đòi hỏi mức năng lượng khổng lồ, xây trên khu vực có diện tích rộng và địa hình bằng phẳng. Các trạm radar OTH dễ bị tấn công do phải bố trí cố định khiến nhiều lực lượng vũ trang chuyển sang sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm trên không.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25743-tq-phat-trien-radar-theo-doi-khu-vuc-rong-hon-3-trieu-km-vuong.html

Trung Quốc triển khai tên lửa để ‘bảo vệ lãnh thổ’

Trung Quốc tuyên bố đã triển khai tên lửa “có khả năng đánh trúng các tàu loại trung bình và lớn”, sau khi Hải quân Mỹ thực hiện hoạt động “tuần tra tự do hàng hải” gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông, CNN dẫn lại truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Tin cho hay, việc triển khai tên lửa đạn đạo DF-26 tại vùng cao nguyên xa xôi nằm ở tây bắc Trung Quốc được kênh truyền hình trung ương nước này là CCTV đưa tin hôm 8/1, một ngày sau khi tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ là USS McCampell áp sát Hoàng Sa.
Theo CNN, DF-26 với đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường có khả năng đánh trúng mục tiêu ở cách xa hơn 5 nghìn km.
XEM THÊM:
Việt Nam lên tiếng việc tàu khu trục Mỹ áp sát Hoàng Sa
Hãng tin Anh hôm 7/1 trích lời nữ phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết, tàu USS McCampbell đã thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý thuộc Quần đảo Hoàng Sa, “để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức.”
Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng hành vi của tàu Hoa Kỳ đã vi phạm luật Trung Quốc và luật pháp quốc tế, và Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối.
Tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời một chuyên gia giấu tên nói rằng việc triển khai DF-26 là sự nhắc nhở rằng “Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ”.
Theo CNN, hệ thống tên lửa DF-26 được đưa vào sử dụng tháng Tư năm ngoái, và lần đầu được biết tới trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2015.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-tri%E1%BB%83n-khai-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-%C4%91%E1%BB%83-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-l%C3%A3nh-th%E1%BB%95-/4737196.html

Người Hong Kong sẽ bị bỏ tù

nếu xúc phạm quốc ca Trung Quốc

Chính phủ Hong Kong hôm 9/1 đưa ra một dự luật gây tranh cãi nhằm hình sự hóa việc xúc phạm quốc ca của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc cho phép cảnh sát nhiều thời gian hơn để điều tra những người phạm tội và yêu cầu các trường học đưa chủ đề này vào sách giáo khoa, theo South China Morning Post (SCMP).
Dự luật, dự kiến sẽ được trình lên Hội đồng Lập pháp vào ngày 23/1, sẽ cho các giới chức hai năm để truy tố bất kỳ ai bị cho là xúc phạm quốc ca.
Chính phủ nói rằng cảnh sát sẽ cần có nhiều thời gian hơn để điều tra những vụ xúc hạm quốc ca được báo cáo xảy ra tại các sự kiện thể thao và trên mạng internet.
Giám đốc Cục Hiến pháp và Đại lục, Patrick Nip Tak-kuen, được SCMP trích lời nói dự luật sẽ không được sử dụng để trừng trị bất cứ ai đã xúc phạm quốc ca trong quá khứ trước khi nó được hội đồng lập pháp đặc khu thông qua.
“Luật này không phải là duy nhất,” ông Nip nói. “Chúng tôi phải xem xét việc thực thi một cách hiệu quả của dự luật, cho phép hai năm để cảnh sát điều tra thì không phải là quá lâu.”
Dự luật này cũng nói rằng người đứng đầu ngành giáo dục sẽ bị yêu cầu phải đưa ra hướng dẫn cho việc đưa quốc ca vào giáo dục tiểu học và trung học, gồm cả các trường được trợ cấp, quốc tế và đặc biệt. Tuy nhiên dự luật này không nói cụ thể về bất kỳ sự trừng phạt nào đối với các trường học từ chối làm việc này.
Đối với các nhà lập pháp và các quan chức đứng đầu, việc nhậm chức của họ được ghi tại Mục 3 của dự luật, và có nghĩa là quốc ca sẽ được xướng lên trước khi họ nhậm chức, theo SCMP.
Hiện tại, quốc ca không được xướng lên lại các lễ nhậm chức ở Hội đồng Lập pháp, nơi mà trong những năm gần đây chứng kiến việc những nhà lập pháp ủng hộ dân chủ phản đối, làm gián đoạn các buổi họp hoặc cố tình bóp méo lời tuyên thệ.
Sáu thành viên lập pháp được bầu chọn đã bị loại trong năm 2016 và 2017 vì thái độ của họ khi tuyên thệ.
Mặc dù dự luật sẽ được trình lên Hội đồng Lập pháp trong tháng này nhưng vẫn không rõ liệu nó sẽ được thông qua hay không trước kỳ nghỉ hè của cơ quan này bắt đầu vào tháng 7.
Một số nhà lập pháp ủng hộ dân chủ tuyên bố sẽ phản đối dự luật trong khi các nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh tin rằng bộ luật mới nên được thông qua vào tháng 7.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Trung Quốc đề xướng Luật Quốc ca Toàn quốc trên toàn đất nước vào năm 2017. Dự luật này được đưa vào ‘tiểu hiến pháp’ của Hong Kong, hay Luật Cơ bản (Basic Law), và điều đó có nghĩa là chính phủ Hong Kong phải áp dụng bộ luật này.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-hong-kong-se-bi-bo-tu-neu-xuc-pham-quoc-ca-trung-quoc/4735993.html

Ông Kim Jong Un muốn ‘đạt kết quả’ với TT Trump

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã nói với lãnh đạo của nước đồng minh lớn duy nhất của nước này là Trung Quốc rằng ông muốn “đạt các kết quả” về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong cuộc họp thượng đỉnh thứ hai với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Theo AP, thông tin này được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải hôm 10/1, một ngày sau khi ông Kim rời Bắc Kinh trên đoàn tàu đặc biệt sau hai ngày thăm thủ đô Trung Quốc.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi Triều Tiên tiến hành các biện pháp táo bạo hơn nhằm giải trừ hạt nhân và rằng Hoa Kỳ nên thưởng cho hành động đó.
Theo AP, ông Moon cũng muốn các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Bình Nhưỡng được dỡ bỏ để Seoul có thể tái tục các dự án hợp tác kinh tế hiện bị ngưng trệ với nước láng giềng.
XEM THÊM:
Ông Kim làm gì ở Trung Quốc trước cuộc gặp với ông Trump?
Nguyên thủ Hàn Quốc nói thêm rằng xử lý vấn đề trừng phạt Bắc Hàn là điểm mấu chốt để Bình Nhưỡng nhanh chóng phi hạt nhân hóa và nhận được các biện pháp đối ứng từ Mỹ.
Ông Moon nói rằng điều đó nên nằm đầu trong nghị trình của cuộc họp thượng đỉnh thứ hai được nhiều người kỳ vọng giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump.
Theo AP, ông nói tại một cuộc họp báo rằng “Bắc Hàn biết rằng nước này cần có các bước đi phi hạt nhân hóa rõ ràng để các biện pháp trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ và Hoa Kỳ cũng nhận thấy rằng các biện pháp đối ứng là điều cần thiết nhằm đáp lại các biện pháp phi hạt nhân hóa của Bắc Hàn”.
Ông Moon nói như trên chỉ một vài ngày sau khi ông Kim sử dụng bài diễn văn nhân dịp năm mới để nói rằng ông sẵn sàng tái tục hai dự án hợp tác liên Triều lớn đã bị ngưng trệ.
Ông Kim cũng nói thêm rằng ông sẵn sàng có các bước đi khác nếu Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đơn phương cũng như các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vẫn được duy trì.
https://www.voatiengviet.com/a/%C3%B4ng-kim-jong-un-mu%E1%BB%91n-%C4%91%E1%BA%A1t-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-v%E1%BB%9Bi-tt-trump/4737098.html

Trên đường đào tẩu,

bà Yingluck “mua đứt” 1 công ty cảng lớn của TQ

Bà Yingluck đã trở thành chủ tịch của một công ty lớn ở Trung Quốc từ ngày 12/12.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn Guancha.cn cho hay, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã trở thành tân chủ tịch và người đại diện pháp lý của Công ty Cảng container Quốc tế Sán Đầu (SICT) ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Được biết, cảng container quốc tế Sán Đầu là một trong 25 cảng lớn ở Trung Quốc. Việc thay đổi chủ sở hữu đã diễn ra vào ngày 12/12. Công ty SICT đăng ký vốn điều lệ là 88 triệu USD và là một thành viên của mạng lưới cảng toàn cầu thuộc tập đoàn Hutchison Ports. Trong số các cổ đông của công ty SICT, có cả những cơ quan giám sát tài sản quốc gia ở Sán Đầu.
SICT hiện đang vận hành các chuyến vận tải biển nối liền Đại lục, Hồng Kông và Hàn Quốc.
Tháng 8/2017, bà Yingluck đã bí mật rời khỏi Thái Lan. Các nguồn tin tiết lộ bà đã đi qua Campuchia, bay tới Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trước khi tới Anh bằng hộ chiếu của một quốc gia khác.
Tháng 9/2017, Tòa án Tối cao Thái Lan đã tiến hành phiên xét xử vắng mặt đối với bà Yingluck vì những sai sót nghiêm trọng trong chương trình trợ giá gạo khiến Thái Lan thất thoát hàng tỷ USD. Theo phán quyết của tòa, bà Yingluck lĩnh án 5 năm tù và phải bồi thường thiệt hại.
Hiện tại, các bên liên quan vẫn chưa đưa ra bình luận nào.
Tuần trước, bà Yingluck đã cùng anh trai Thaksin trở về thăm quê ở Sán Đầu. Theo các nguồn tin, gia tộc của anh em cựu thủ tướng Thái Lan ban đầu mang họ Khâu, đã di cư tới Thái Lan vào năm 1860 và cải họ sang Shinawatra.
http://biendong.net/diem-tin/25741-tren-duong-dao-tau-ba-yingluck-mua-dut-1-cong-ty-cang-lon-cua-tq.html

Hé lộ thỏa thuận ngầm liên quan vấn đề Biển Đông

mà TQ ra sức thuyết phục Malaysia

Theo Wall Street Journal, năm 2016, Trung Quốc đã đề nghị giúp bảo lãnh quỹ 1MDB của chính phủ Malaysia trong tâm điểm bê bối tham nhũng hàng tỷ USD để đổi lại một số điều kiện.
Tranh thủ quan hệ Mỹ – Malaysia rạn nứt
Malaysia, quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và nằm trên tuyến đường biển trọng yếu, là một đồng minh được đánh giá cao trong cuộc đua giành hưởng ở châu Á của Mỹ và Trung Quốc.
Vào tháng 7/2015, tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin, 681 triệu USD có nguồn gốc từ 1MDB đã chảy vào tài khoản cá nhân của thủ tướng Malaysia khi đó,  ông Najib Razak. Văn phòng của ông Najib sau đó giải thích, số tiền này là một món quà từ một người Ả Rập Saudi mà họ không nhận ra và phần lớn số tiền này đã được trả lại.
Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu điều tra. Theo các quan chức của cả hai nước, cuộc điều tra đã làm hỏng mối quan hệ của Washington với ông Najib.
Năm 2016, các quan chức Trung Quốc nói với phía Malaysia rằng Trung Quốc sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để khiến Mỹ và các quốc gia khác bỏ qua các cáo buộc rằng các đồng minh của ông Najib Razak đã chiếm đoạt quỹ 1MDB.
Phía Trung Quốc cũng đề nghị theo dõi nhà và văn phòng của các phóng viên WSJ ở Hồng Kông, những người đang theo sát vụ việc, để tìm hiểu ai đã cung cấp thông tin, theo biên bản các cuộc họp mật giữa qua chức 2 nước.
Sun Lijun, khi đó là người đứng đầu lực lượng an ninh nội địa của Trung Quốc, phát biểu rằng chính phủ Trung Quốc đang giám sát các phóng viên tại Hồng Kông theo yêu cầu của Malaysia, bao gồm việc khai thác toàn bộ văn thiết bị máy tính, điện thoại, web phục hồi dữ liệu và giám sát hoạt động đầy đủ, theo một bản tóm tắt của Malaysia về cuộc họp. Ông Sun hiện vẫn không phản hồi yêu cầu bình luận từ WSJ.
Đổi lại, Malaysia dành các dự án đường sắt và đường ống cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài Vành đai, Con đường của Trung Quốc.
Trong vài tháng, ông Najib, người bác bỏ mọi hành vi sai trái liên quan đến quỹ 1MDB, đã ký dự án đường sắt, đường ống dẫn dầu và các thỏa thuận khác với các công ty nhà nước Trung Quốc, đưa Malaysia trở thành quốc gia nhận tiền tài trợ từ sáng kiến Vành đai, Con đường nhiều thứ 2 sau Pakistan.
Giữa năm 2017, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đưa ra các khoản vay đầu tiên. Vào mùa thu, ngân hàng này đã cung cấp đến 80% trong số 2,5 tỷ USD cam kết để xây dựng đường ống, mặc dù tiến độ thực hiện dự án chưa đáp ứng, theo các quan chức Malaysia.
“Cài” vấn đề Biển Đông trong thỏa thuận ngầm
Ông Najib cũng bắt đầu đàm phán bí mật với lãnh đạo Trung Quốc để cho các tàu hải quân Trung Quốc cập cảng tại 2 cảng của Malaysia, theo 2 nguồn tin. Đây sẽ là một sự nhượng bộ đáng kể đối với Bắc Kinh, tạo ra ảnh hưởng lớn hơn ở Biển Đông, nhưng thỏa thuận này đã không được thông qua.
Ghi chép từ cuộc họp cũng cho biết, Malaysia đang nỗ lực tăng cường quan hệ song phương, dẫn việc ông Najib lên tiếng ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Lào.
Một quan chức an ninh quốc gia Mỹ coi các nỗ lực của Trung Quốc tại Malaysia là nỗ lực đầy tham vọng nhất của Bắc Kinh để thúc đẩy chương trình này nhằm giành được lợi thế địa chiến lược. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận rằng tiền trong chương trình đã được sử dụng để giúp bảo lãnh cho quỹ 1MDB.
Ông Najib đã biết về các cuộc họp giữa Malaysia – Trung Quốc hồi năm 2016, theo nguồn tin của WSJ. Khi được hỏi, cựu thủ tướng đã đưa ra một tuyên bố rằng dự án đường sắt sẽ mang lại hàng chục ngàn việc làm cho Malaysia và nói rằng dưới sự lãnh đạo của ông, đất nước này đã trải qua 9 năm tăng trưởng kinh tế liên tục.
Thủ tướng đương nhiệm của Malaysia Mahathir Mohamad, người đã đánh bại ông Najib trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018 đang hoãn lại các dự án của Trung Quốc. Ông Najib cũng bị cáo buộc tội danh rửa tiền.
Chính phủ mới Malaysia đã phát hiện ra các tài liệu, bao gồm biên bản các cuộc họp giữa Trung Quốc – Malaysia trong nhiều tháng, sau khi lục soát văn phòng của ông Najib.
Các tài liệu mô tả một kế hoạch được các quan chức Malaysia đề xuất để các công ty nhà nước Trung Quốc xây dựng 2 dự án lớn với sự tài trợ từ các ngân hàng Trung Quốc. Một là tuyến đường sắt East Coast trị giá 16 tỷ USD, sẽ là tuyến đường sắt xuyên Malaysia, nối hai cảng biển. Dự án còn lại là Đường ống Trans Sabah trị giá 2,5 tỷ USD, sẽ được xây dựng một phần trên phần đảo Borneo của Malaysia.
Theo một ước tính trước đó của một tư vấn Malaysia, xây dựng dự án đường sắt chỉ tốn 7,25 tỷ USD.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25735-he-lo-thoa-thuan-ngam-lien-quan-van-de-bien-dong-ma-tq-ra-suc-thuyet-phuc-malaysia.html

Indonesia cam kết hợp tác với ASEAN

trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Indonesia muốn hợp tác với các nước ASEAN khác để củng cố cơ cấu khu vực thông qua hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Retno Marsudi nói trong bài phát biểu hàng năm hôm 9/1 được báo The Straits Times trích dẫn.
Quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới này định tập trung vào việc duy trì sự ổn định, an ninh và phúc lợi ở các khu vực xung quanh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nơi được coi là “chiến khu địa chiến lược duy nhất.”
“Tất cả chúng ta phải đảm bảo rằng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương không trở thành nơi tranh đoạt tài nguyên thiên nhiên, xung đột khu vực và sự ưu việt hàng hải,” bà Retno được báo The Straits Times dẫn lời nói tại sự kiện có sự tham gia của các đại sứ và nhà ngoại giao nước ngoài ở Jakarta.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo lần đầu tiên giới thiệu viễn kiến của Indonesia cho khái niệm về một vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 năm ngoái ở Singapore. Nó dựa trên các nguyên tắc chính là sự rộng mở, bao quát, hợp tác, đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế và tính trung tâm của ASEAN.
ASEAN cho đến nay vẫn chưa thống nhất được tiếng nói về vấn đề này và có thể bàn bạc chi tiết trong hội nghị các bộ trưởng ngoại giao vào tuần sau tại Chiang Mai, Thái Lan.
Bà Retno cũng nói ASEAN phải chủ động ứng phó với những diễn biến trong khu vực và trở thành động lực thay đổi, theo The Straits Times.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định và an ninh ở Biển Đông, bà nói Indonesia sẽ đảm bảo rằng Tuyên bố về Cách Ứng xử của Các bên, được ASEAN và Trung Quốc dàn xếp vào cuối năm ngoái, có thể được thi hành đầy đủ, và một thỏa thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ được hoàn tất trong vòng ba năm tới như dự kiến, báo Times cho biết.
Indonesia cũng có kế hoạch giới thiệu một số sáng kiến để mở rộng quan hệ đối tác trong khu vực, bao gồm Diễn đàn Indonesia-Nam Thái Bình Dương và Đối thoại hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
https://www.voatiengviet.com/a/indonesia-cam-ket-hop-tac-voi-asean-trong-an-do-duong-thai-binh-duong/4736257.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.