Học thuyết Trump khiến ngoại giao Hoa Kỳ thành công
- Thứ Tư, 02/01/2019
Bài viết của tướng Mỹ Anthony Tata, đưa ra những nhận định tổng quan về chiến lược hành động của Tổng thống Trump đã giúp chính sách ngoại giao của nước Mỹ trong năm qua thành công như thế nào.
Từ việc “nhấn nút tắt” cho những lời đe dọa tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đến việc đánh bại tổ chức khủng bố IS tại Iraq và Syria, chống lại Nga bằng cách khẳng định rằng thành viên khối NATO phải “công bằng” để tự bảo vệ chính họ. Tổng thống Trump đang đánh thẳng vào tất cả các trụ cột quan hệ quốc tế, ông Anthony viết.
Chúng ta có một Học thuyết Trump đang dần hình thành, với một số điều trong đó đã trở thành Chiến lược An ninh Quốc gia. Chúng bao gồm:
1. ‘Nước Mỹ Trên Hết’ (America First) là tất cả những gì chúng ta thực hiện.
2. Không có “những cuộc chiến mãi mãi” khiến quốc gia phải trả giá.
3. Cam kết cùng đồng minh vì lợi ích cho cả Hoa Kỳ lẫn các quốc gia thành viên.
4. Tăng ngân sách quốc phòng nhằm chống lại Nga và Trung Quốc.
5. Đánh bại khủng bố từ tận gốc rễ.
6. Trao toàn quyền cho chỉ huy tiếp tục các hoạt động chiến đấu.
7. Tận dụng toàn diện các nhân tố quyền lực – ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế – nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược.
Thuật ngữ “America First” không chỉ là một khẩu hiệu, đó là một triết lý, theo ông Anthony Tata.
Trong khi cựu Tổng thống Obama tin rằng một nước Mỹ yếu hơn sẽ làm thế giới mạnh hơn, Tổng thống Trump lại tin rằng chủ nghĩa đặc biệt của Mỹ thúc đẩy thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Với sức mạnh và đòn bẩy được tăng cường trên toàn thế giới, Mỹ có thể định hình các sự kiện hỗ trợ cho nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản, ông Anthony nhận định.
Ngoài ra, các cam kết dài hạn ở “những quốc gia hoặc khu vực không đe dọa đến lợi ích sống còn của Hoa Kỳ” không phục vụ cho mục đích nào của Tổng thống Trump hoặc nước Mỹ. Vì vậy, rút quân khỏi Syria là ví dụ hoàn hảo về Học thuyết Trump. Thay vì ở lại quá lâu và bị cuốn vào một cam kết lâu dài, tổng thống đang rút quân đội Mỹ trở về để có thể giữ nguồn tài nguyên cho các cuộc chiến khác.
Sự tương tác của Tổng thống Trump đối với các quốc gia NATO và vùng Vịnh là 2 ví dụ về cách tiếp cận liên minh của ông. Thông điệp mà Tổng thống Trump gửi tới những quốc gia NATO rất rõ ràng: Chia sẻ công bằng, tăng cường khả năng phòng phủ của chính các quốc gia đó và ngưng lợi dụng Mỹ.
Thông điệp tổng thống Mỹ gửi tới Ả Rập Xê Út cũng rõ ràng không kém: Nếu bạn muốn chống lại sự bá quyền của Iran ở Trung Đông, thì không có nơi nào thích hợp để làm điều đó hơn là tại Syria.
Chính bởi Tổng thống Trump đã bày tỏ quá rõ ràng với các đồng minh, các quốc gia NATO hiện đang tự giác chi nhiều tiền hơn cho an ninh quốc phòng của chính họ, và Ả Rập Xê Út đang triển khai quân đội để chiến đấu với ISIS và thăm dò Iran tại Syria, theo ông Anthony.
Ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ trong hai năm qua đạt quy mô lịch sử. Các ưu tiên được nêu bật trong chi tiêu ngân sách đã nhấn mạnh tới sự cần thiết phải chống lại Nga và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực tên lửa, hạt nhân và không gian mạng. Nước Mỹ đang trong một cuộc chạy đua vũ trang với 2 đối thủ này sau khi bị tụt lại phía sau dưới thời Obama.
Tổng thống Trump đã sớm trao cho các tướng lĩnh thẩm quyền cần thiết cho việc thực thi trách nhiệm trong lĩnh vực của mỗi người, chủ trương này ngay lập tức đã đem lại hiệu quả tích cực và là nguyên nhân hàng đầu giúp liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Syria đánh bại ISIS một cách nhanh chóng.
Triều Tiên là một ví dụ hoàn hảo cho việc đạt được tất cả các mục tiêu xác đáng về ngoại giao, thông tin, và quân sự. Ngoại trưởng Mike Pompeo và Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley là những người đã tiến hành các bước ngoại giao trên mặt trận này.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã triển khai một lực lượng khổng lồ gồm máy bay ném bom, hàng không mẫu hạm và máy bay chiến đấu tới Biển Nhật Bản và đảo Guam.
Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đã khai thác tối đa các biện pháp kinh tế buộc Trung Quốc phải ủng hộ Mỹ trong các nỗ lực trừng phạt Triều Tiên.
Nhìn chung, Học thuyết Trump là một trong những đòn bẩy của tất cả các bộ phận chính phủ để Mỹ đạt được các mục tiêu chiến lược. Học thuyết đó đang phát huy hiệu quả và là một mô hình cho chính quyền trong tương lai.
* Tướng Anthony J. Tata là cựu phó Tổng chỉ huy lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan và tác giả của cuốn sách “Dark Winter.”
Theo Facebook: Lê Diễn Đức
0 comments