Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Hoàng Sa: Hết đỏ lại xanh!

Friday, January 18, 2019 4:50:00 PM // ,

Trân Văn
19-1-2019
Một cuộc biểu tình năm 2016 tại Hà Nội tưởng niệm những người lính hy sinh tại Hoàng Sa. Ảnh: Reuters
Thứ bảy này – 19 tháng 1 năm 2019 – là tròn 45 năm Trung Quốc cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19 tháng 1 năm 1974).
Nhiều năm gần đây, cứ vào dịp này, những người Việt sử dụng mạng xã hội lại nhắc lẫn nhau đừng quên một phần lãnh thổ đang nằm trong tay ngoại bang và năm nay, tất nhiên cũng thế. Chỉ có một điều khác với thông lệ là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam cũng… nhắc.
Ở Đà Nẵng, một “Đoàn công tác” của UBND huyện Hoàng Sa (cơ quan hành chính mà trên danh nghĩa đang quản lý – điều hành quần đảo Hoàng Sa) đã đến thăm các cá nhân từng sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trước khi toàn bộ quần đảo này bị Trung uốc cưỡng chiếm (1).
Năm nay còn có hai cơ quan trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM (Báo Tuổi Trẻ, Nhà Văn hóa Thanh Niên) và một doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM ra Quảng Nam và Đà Nẵng tổ chức ngày hội có tên là “Mùa xuân biển đảo” như một cách nhắc nhở, khơi gợi ý thức trách nhiệm đối với chủ quyền quốc gia ở biển Đông (2).
Chưa kể, một số cơ quan truyền thông chính thức như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM,… còn đăng hàng loạt tin, bài vừa nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, vừa lên án hành động xâm lăng của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông.
Dẫu có ít nhất ba bài liên quan đến sự kiện 19 tháng 1, dẫu dẫn ý kiến của một số cá nhân từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa như những nhân chứng cho sự thật: Hoàng Sa là của Việt Nam (!), dẫu đưa ý kiến của ông Võ Ngọc Đồng, nhân vật đang giữ vai trò Chủ tịch huyện Hoàng Sa làm tựa cho bài tường thuật về hoạt động của “Đoàn công tác” vào dịp tròn 45 năm Trung Quốc cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cùa Việt Nam (Người Việt Nam vẫn luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19 tháng 1) nhưng tờ Tuổi Trẻ đóng chặt diễn đàn của cả ba bài để độc giả không thể nói ra, nói vào.
Khác với Tuổi Trẻ, Thanh Niên mở diễn đàn cho bài “45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông” và tính đến 10 giờ 30 tối 18 tháng 1 năm 2019, có 42 độc giả bình luận về bài viết này. Cả 42 bình luận ấy chỉ xoay quanh vài ý: Khen tờ báo dũng cảm! Cảm ơn vì công khai đề cập tới sự thật. Bất ngờ vì đã lâu lắm không thấy báo chí chính thức, trong đó có cả Thanh Niên nhắc đến Hoàng Sa và vạch trần dã tâm của Trung Quốc. Khẳng định sẽ ủng hộ tờ báo và hy vọng Thanh Niên sẽ còn tiếp tục nói nữa (3)!
Chắc chắn khi mở diễn đàn cho độc giả gửi bình luận, tờ Thanh Niên đã tổ chức canh gác diễn đàn rất chặt chẽ, kiểm soát các bình luận rất kỹ để ấn phẩm online không bị đình bản ba tháng như tờ Tuổi Trẻ, song các bình luận dù chỉ khen vẫn tạo cho thiên hạ cảm giác nghi ngại: Chẳng lẽ Hoàng Sa của Trung Quốc? Chẳng lẽ Việt Nam đã bị thống thuộc nên không dũng cảm, không dám đề cập? Chỉ cần khẳng định sự thật, Hoàng Sa là của Việt Nam, nhắc nhở người Việt rằng Trung Quốc đã chiếm đóng lãnh thổ của họ suốt 45 năm và dã tâm của Trung Quốc không chỉ có vậy… đã đủ khiến họ cảm động, tri ân?
Tại sao lại kỳ quái như vậy?
***
Hoàng Sa tất nhiên là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam và rõ ràng Trung Quốc đã cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là sự thật nhưng được đề cập đến những điều đó hay không lại là chuyện khác. Thực tế cho thấy, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam đã thiết lập hệ thống đèn tín hiệu riêng cho việc đề cập đến Hoàng Sa nói riêng cũng như biển Đông nói chung.
Lúc này, hệ thống đèn tín hiệu ấy đang xanh, song nó đã từng đỏ nhiều lần, thậm chí sắc đỏ của hệ thống đèn còn đỏ hơn vì máu của những cá nhân dám kháng cự lệnh không được bày tỏ. Lê Đức Dục, tác giả bài “Tình yêu biển đảo và lời nhắc nhớ” mà tờ Tuổi Trẻ mới đăng hôm 17 tháng 1, vừa ôn lại trên facebook chuyện xảy ra cách nay năm năm, cũng vào dịp người Việt muốn nhắc nhau nhớ về quần đảo Hoàng Sa.
Vào trung tuần tháng 1 năm 2014, UBND huyện Hoàng Sa và báo Tuổi Trẻ đã đột ngột hủy “Lễ Thắp nến tri ân – Hướng về Hoàng Sa”, nhằm tưởng niệm 74 người Việt từng hiến mạng để giữ gìn chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Tuy Ban Tổ chức hoạt động tri ân – tưởng niệm có cả Trưởng ban Tổ chức của Thành ủy Đà Nẵng, lẫn Giám đốc Sở Nội vụ của UBND thành phố Đà Nẵng nhưng họ không cưỡng được lệnh phải hủy buổi tri ân – tưởng niệm đến vào giờ chót. Lê Đức Dục may mắn hơn nhiều người trong Ban Tổ chức vì ít ra cũng có thể ngậm ngùi “Xin tưởng niệm một chương trình tưởng niệm” trên facebook (4).
Đó cũng là lý do dù hệ thống đèn tín hiệu ấy đang xanh nhưng Thuan Van Bui vẫn nửa đùa, nửa thật: Nếu có chiếc xe hơi nào đó liên tục đậu – chắn lối ra vào nhà, đừng nhắc, đừng cãi, cũng đừng đập phá vì tất cả đều là “hạ sách”. Hãy dùng “thượng sách” là lấy một tờ giấy, dùng bút dạ, viết một trong các câu: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Đả đảo Trung Quốc xâm lược. Phản đối lệ thuộc toàn bộ vào Trung Quốc… rồi dán vào đầu xe, đuôi xe, bảo đảm không đầy năm phút, công an sẽ bu đen, bu đỏ để lôi cái xe đó đi… Và có cho thêm tiền cũng không ai dám đậu xe trước cửa nhà mình nữa! Đập phá những xe đậu ngang ngược vừa mất tiền đền, vừa làm cho những thằng đậu xe vô ý thức nhơn nhơn tự đắc (5).
***
Sau dịp phải tưởng niệm 45 năm ngày người Việt bị tước đoạt quần đảo Hoàng Sa, tháng tới, sẽ tròn 40 năm ngày Trung Quốc xua quân tràn qua biên giới để “dạy Việt Nam một bài học”, có facebooker như Chanh Tam đòi bạch hóa ai đã cấm đề cập về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ai ra lệnh đục bỏ các bia ghi chiến tích chống quân xâm lược Trung Quốc, ai để các nghĩa trang liệt sĩ trong cuộc chiến ấy hoang tàn, lạnh lẽo.
Cựu Tổng Biên tập Sài Gòn Tiếp Thị – tờ báo đã bị giải thể – kể rằng, khi bị kiểm điểm vì “100 bài viết có vấn đề”, Phó ban Tuyên giáo của Thành ủy TP.HCM đã chì chiết về Ký sự “Biên giới tháng Hai” (mô tả sự bạc bẽo đối với những người đã bỏ mạng khi chống quân xâm lược Trung Quốc) rằng: Chuyện người ta muốn quên thì các đồng chí moi lại! Để làm gì? Có phải chuyện của các đồng chí không?.. Nay, Chanh Tam thắc mắc: Người ta là ai? Ai có quyền buộc nhớ hay quên lịch sử?
Chanh Tam kể thêm rằng một nhà nghiên cứu mà facebooker này biết chắc chắn được tiếp cận “Thoả thuận cấp cao của hai đảng về bình thường hoá quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc” đã từng thì thào rằng, một trong những thỏa thuận giữa các cấp cao hai bên là phải chỉ đạo không nhắc lại quá khứ không tốt đẹp…
Báo chí chính thức có thể phải chấp nhận kỉ luật tuyên truyền của đảng nhưng không thể đồng tình lấy một thỏa thuận của hai đảng thành luật pháp của đất nước. Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao có thể là một biện pháp chính trị cần thiết nhưng chỉ đạo biến nó thành điều cấm kỵ, gieo rắc sợ hãi và hèn yếu như vừa qua là trách nhiệm của Ban Tuyên giáo.
Không ai, không thế lực nào có thể đứng trên lịch sử. Đã đến lúc đảng phải minh bạch trách nhiệm này trước nhân dân. Chúng ta đã làm một lũ vô ơn, bội bạc như vậy đủ rồi (6).
Chú thích

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.