Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Giỗ đầu của LS Lê Đình Hồ

Wednesday, January 23, 2019 7:19:00 PM // ,

Tác giả: Nguyễn văn Trị
23/01/2019

Kính thưa Quý vị,
SGT hân hạnh nhận được bài viết của Ông Nguyễn Văn Trị, người chỉ quen biết và sống chung với LS Lê Đình Hồ có 7 tháng sau 30/4/75, nhưng suốt thời gian hơn 40 năm qua, đã để lại trong tâm hồn Ông, những rung động sâu xa và thức ngộ tuyệt vời về tình bạn, “Dù chỉ là mấy tháng phù du, nhưng sau cả hàng chục năm xa cách mất biệt tin nhau, chúng tôi vẫn nhớ và nghĩ đến nhau. Tình cảm giữa tôi và Hồ là thế đó. Nên khi được tin Hồ nằm xuống, tôi đau xé lòng.” Nhận xét về cuộc đời và cái chết của LS Lê Đình Hồ, Ông cũng khẳng định, chính lý tưởng đã làm cho LS Lê Đình Hồ trở thành bất tử: “LS Lê Đình Hồ đã có một cuộc sống đầy hoạt động sôi nổi và có lý tưởng dẫn dường, nên khi trái tim anh dừng đập, chỉ là sự kết thúc của một sứ mệnh và sứ mệnh khác sẽ bắt đầu ở một thế giới khác, chúng ta tin là có thật”.
Chân thành cảm ơn Ông Nguyễn Văn Trị, và sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng Quý vị, nguyên văn bài viết của Ông.
Trân trọng,
Hữu Nguyên

Nhớ Lê Đình Hồ
Ngày giỗ đầu của bạn…

Hình trên: LS Lê Đình Hồ và tác giả (bên phải), nhân dịp tác giả ghé thăm Sydney.
Ngày đến tuổi nghỉ hưu, Nguyễn văn Tri viết lên fb đôi dòng tâm trạng, đại khái từ nay thế sự xa rồi, mình được thảnh thơi… Thế là ngay buổi tối hôm đó, ông bạn Lê Đình Hồ từ bên nước Úc gọi về cự nự tôi một trận: “Mình không thể hiểu nổi sao Trị lại chấp nhận hai tiếng NGHỈ HƯU? Tôi ghét ông dùng chữ HƯU nhé. Ông đừng dùng sự nghỉ ngơi, để trốn tránh trách nhiệm với cuộc đời, mà phải nhớ rằng, sống trên cuộc đời này là phải xả thân, phải cống hiến, cho đến khi sức cùng lực tận nhé…”.
Mô Phật, chỉ có thể là khẩu khí của Lê Đình Hồ, một người bạn mà cuộc đời đã đưa đẩy chúng tôi đến với nhau sau 30-4-1975. Lúc đó Hồ học năm cuối trường Luật và tôi học sau anh 2 lớp. Chúng tôi đều độc thân, sống xa gia đình, gặp nhau tại Saigon trong những ngày loạn quân loạn quan nên có chung hoàn cảnh dễ gần gũi và thân thiết nhau hơn.
Ở chung một thời gian tại cư xá dành cho sinh viên QT sống xa nhà, rồi vì hoàn cảnh, chúng tôi buộc phải chia xa mà không ngờ từ đó mất liên lạc nhau cho đến hàng chục năm trời.
Rồi một hôm, đâu khoảng năm 1997, bất ngờ tôi nhận được điện thoại từ xa của bạn. Hai người nói chuyện vui như mở hội. Hồ cho biết đã định cư tại Úc cùng gia đình, học lại Luật, tốt nghiệp và đang hành nghề luật sư, vừa học Master ngành Chính trị tại đại học NSW.
Từ đó, chúng tôi nối liên lạc với nhau và thường thư từ qua lại. Từ ngày ra khỏi đất nước chưa bao giờ Hồ quay về VN. Do còn mẹ già nên thỉnh thoảng bạn cho vợ con về thăm bà nội. Những lần đó, gia đình Hồ đều ghé nhà thăm vợ chồng tôi, nên tình cảm của hai gia đình trở nên thân thiết.
Năm 2002, Hồ gởi thư mời tôi sang Úc, với nội dung viết cho ông Tổng Lãnh Sự Úc là do hoàn cảnh anh ấy không thể về VN được, nên đề nghị LS Úc cấp visa cho tôi đi thăm bạn. Lại một khẩu khí nữa của Lê Đình Hồ, đến nỗi khi đọc bản copy lá thư, tôi nghĩ chắc họ sẽ từ chối, nhưng cuối cùng tôi đã được cấp visa.
Đó là chuyến đi mà tôi không thể nào quên trong đời. Những ngày sống với bạn và gia đình bên ấy là những ngày lưu dấu biết bao tình cảm. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng cặp kè bên nhau. Buổi sáng, sau khi đưa con đến trường, Hồ dẫn tôi đến văn phòng. Bạn tiếp thân chủ, tôi ngồi đọc sách. Buổi trưa chúng tôi đi ăn, buổi chiều chúng tôi ngồi ở những quán xá, uống bia với bạn của Hồ, bạn của tôi, ban đêm Hồ dẫn tôi đến casino, khu King Cross tham quan cho biết. Có buổi khuya chúng tôi phóng xe ra tận biển, chỉ để hít thở gió biển và ngắm trăng sao. Về tới nhà, chúng tôi nói chuyện tới sáng, đến nỗi vợ bạn nhắc cả hai phải chợp mắt một lát!
Mười ngày ở Sydney thật sự là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong cuộc đời của tôi.
Những năm sau có dịp công tác nước Úc, tôi ghé thăm Lê Đình Hồ. Hồ đến khách sạn ngủ lại với tôi. Có lần thấy Hồ ở lại văn phòng ban đêm, ngạc nhiên tôi hỏi, Hồ trả lời có nhiều vụ kiện phức tạp cần đọc hồ sơ nên ngủ lại cho tiện. Khi tôi yêu cầu phải đưa đến thăm gia đình, Hồ chiều ý nhưng khi gặp nhau, dù cũng hỏi thăm, chụp hình chung, tôi thoáng đọc trong mắt vợ chồng bạn sự xa cách. Hồ và bà xã đều giấu tôi về chuyện hai người sống ly thân và sau này tôi mới biết.
Trở về với công việc của Lê Đình Hồ, ngoài hành nghề luật sư tại Tòa Thượng thẩm bang NSW, bạn còn dành thời gian nghiên cứu về luật pháp và soạn tự điển. Năm 1995, Lê Đình Hồ xuất bản cuốn tự điển Phân giải Chính Trị và Bang giao Quốc tế, dày 734 trang gây nhiều tiếng vang trong giới học thuật, trường đại học tại Úc và Hoa kỳ. Với tâm huyết làm được điều gì đó hữu ích cho đời và thế hệ trẻ, nhất là sinh viên Việt Nam du học về ngành luật, chính trị, bang giao quốc tế, và cho những ai quan tâm đến các lãnh vực này. Lê Đình Hồ đã dành nhiều năm trời biên soạn cuốn Tự điển Pháp luật Anh Việt – Việt Anh (năm 2004),dày 1881 trang, với nội dung và cách giải thích sự kiện luật pháp, chính trị có liên kết với thực tế xảy ra trên thế giới. Cuốn sách được đón nhận với sự khâm phục từ giới chính trị gia và luật gia hàng đầu tại Hoa Kỳ và Úc. Ngay chính cố TNS John McCain đã viết trong lời giới thiệu: “Ông Lê Đình Hồ biên soạn cuốn tự điển này, trước tiên để giúp đỡ đồng hương của ông, thông hiểu những yếu tố căn bản pháp lý về mậu dịch quốc tế. Cuốn tự điển song ngữ này là một văn kiện quan trọng và đúng lúc, để giúp chúng ta xây dựng sự thông hiểu chung đó…” (trang ii).
Trong thời gian biên soạn tự điển, đó là những năm VN mới nối lại bang giao với HK nên chưa có những công cụ truyền thông hiện đại như bây giờ. Có một vài tài liệu xuất bản từ thời VNCH, Lê Đình Hồ đã nhờ tôi vào thư viện Quốc gia tìm kiếm, photo rồi gởi bằng fax qua Úc. Tôi rất hứng thú được góp phần nhỏ vào sự ra đời của cuốn tự điển do bạn biên soạn. Tôi còn nhớ, khi Hồ yêu cầu viết vài dòng cảm nghĩ, về sự hữu dụng của cuốn tự điển, cho sinh viên và những ai làm việc về luật pháp tại VN, tôi rất muốn, nhưng sự “khôn ngoan” của người sống trong xã hội này, mách bảo tôi là không nên, vì e rằng các hoạt động chính trị nào đó của Lê Đình Hồ ở nước ngoài có thể làm khó cho mình ở trong nước, nhất là khi tôi còn đi làm việc!
Lê Đình Hồ thương quý bạn đến mức, muốn để hình ảnh hay thủ bút của bạn vào tác phẩm của mình, nên đã yêu cầu tôi, gởi qua tấm hình chụp chung với Tổng thống HK Bill Clinton để bạn cho vào tự điển khi nói đến một thuật ngữ ngoại giao có dẫn chứng câu nói của TT Hoa Kỳ (trang 1104).
Tuy thành công về sự nghiệp, nhưng cuộc sống gia đình của Lê Đình Hồ không xuôi chèo mát mái. Hết duyên với người vợ đầu, Lê Đình Hồ nối duyên với người vợ sau và có thêm 3 cháu nhỏ. Tưởng bạn sẽ được hạnh phúc với tổ ấm sau cùng, trong ngôi nhà ngập tràn tiếng nói cười hồn nhiên của bầy con trẻ, nhưng ngờ đâu, đúng 1 giờ trưa [giờ VN – SGT chú] ngày 23/1/2018, bạn tôi đã mãi mãi nằm xuống bởi 3 phát súng oan nghiệt.
Tôi bàng hoàng đến độ sững sờ, và cho đến mấy ngày sau vẫn không tin được đó là sự thật – mình đã mất một người bạn chí cốt trên cuộc đời. Một người bạn để cho tôi hiểu, không nhất thiết phải kề cận bên nhau mới là bạn thân. Năm 1975, tôi và Hồ mới biết nhau và sống chung với nhau được 7 tháng. Trong thời gian đó chúng tôi hiểu nhau, chia sẻ tâm sự, ngủ chung một chiếu ở cư xá, hút chung điếu thuốc và cùng vẽ vời một tương lai chung. Cuộc đời thú vị và ý nghĩa nhất là khi ta có một người bạn thân, và một người bạn đời thủy chung. Dù chỉ là mấy tháng phù du, nhưng sau cả hàng chục năm xa cách mất biệt tin nhau, chúng tôi vẫn nhớ và nghĩ đến nhau. Tình cảm giữa tôi và Hồ là thế đó. Nên khi được tin Hồ nằm xuống, tôi đau xé lòng.
Năm ngoái, vào đêm 29 Tết, tôi một mình vào quán cóc ven đường tìm bàn trống gọi bia, đĩa mồi, để uống khóc nhớ bạn.
Tối qua nhận được tin nhắn của con gái bạn từ Sydney: “Chú ơi, ngày mai giỗ đầu ba cháu”… Tôi bần thần cả người, chẳng muốn làm gì cả. Thế là bạn tôi đã đi xa một năm rồi ư?
Ngày động quan Lê Đình Hồ, có rất nhiều chính trị gia, trí thức, và người dân Sydney tiễn đưa. Đám tang có rất nhiều bậc cao tăng, tụng kinh cầu siêu tịnh độ, vì lúc sinh thời LS Lê Đình Hồ đã đóng góp rất nhiều công sức cho Giáo hội Phật Giáo Úc châu. Ngoài việc hành nghề, LS Hồ sẵn lòng tư vấn miễn phí, cho những người Việt thu nhập thấp cần sự trợ giúp pháp lý. Anh tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng, với chính kiến riêng của mình, nên có nhiều người hiểu, quý mến anh, nhưng cũng có không ít người không đồng ý với anh. Cái chết của anh đến nay, dù thủ phạm đã bị bắt giữ chỉ sau ít tháng, nhưng vẫn chưa đủ chứng cứ để đưa ra tòa xét xử. Dù kẻ thủ ác phải đền tội, nhưng mãi mãi, gia đình mất đi một người chồng, người cha, người anh em, và tôi mất đi một người bạn. Một sự mất mát không gì có thể bù đắp được.
Vài ngày sau khi Lê Đình Hồ mất, tôi đã viết trên tờ Saigon Times của nhà báo Hữu Nguyên, là tờ báo Lê Đình Hồ làm Cố Vấn Pháp Lý trong hàng chục năm, những dòng tiếc thương:
LS Lê Đình Hồ đã có một cuộc sống đầy hoạt động sôi nổi và có lý tưởng dẫn dường, nên khi trái tim anh dừng đập, chỉ là sự kết thúc của một sứ mệnh và sứ mệnh khác sẽ bắt đầu ở một thế giới khác, chúng ta tin là có thật.
Một con người dũng cảm và nhiệt huyết với cuộc đời, và thiết tha phụng sự như thế, thì cái kết thúc của anh hôm nay, cũng là một bản hùng ca. Cái chết của anh nói lên một điều, vì anh mạnh mẽ quá, kiên cường quá, nên địch thủ của anh, phải dùng đến phương tiện đê tiện, hèn hạ nhất để bịt miệng anh. Luật sư Lê Đình Hồ luôn sống mãi trong lòng bè bạn, trong sự biết ơn của những người mà vì họ, anh bảo vệ, những người thân yêu mà khi anh mất đi, mới có người mới nhận ra cái cao cả của anh. Thương tiếc cho một tài năng lớn, chỉ mới toả sáng ở một góc trời. Với anh, tuổi 65 chỉ mới chớm nở của tinh hoa phát tiết, vì có lần anh nói với tôi: “Trị biết không? Ông Trump đến 71 tuổi mới bước vào làng chính trị!”. Dù chỉ là một câu chia sẻ vui giữa bạn bè, nhưng tôi tin, anh vẫn là người chiến sỹ, đang dấn thân cho những điều cao đẹp, mà trong suốt cuộc đời, anh kiên trì theo đuổi.
Nhớ LĐH – Ngày giỗ đầu của bạn… 23/1/2019

Nguyễn Văn Trị

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.