Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 07/08/2018

Tuesday, August 7, 2018 8:09:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 07/08/2018

Người biểu tình chống Luật Đặc khu

bị đe dọa nhốt chung với phạm nhân HIV/AIDS

Khánh An-VOALuật sư Đặng Đình Mạnh, người tư vấn cho 11 trong số 20 người bị kết án vì tham gia biểu tình chống dự luật Đặc khu ở Đồng Nai, hôm 7/8 gửi đơn lên cơ quan hữu quan, đề nghị kiểm tra, giám sát và xử lý việc nhiều thân chủ của ông tố cáo họ bị quản giáo ngăn cản kháng cáo và đe dọa sẽ “nhốt chung với những người bị bệnh HIV” nếu không nghe theo.
Trước đó trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 30/7, Tòa án Nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tuyên án 20 người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng các mức án tù từ 8 – 18 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Bị đe dọa
Sau phiên xử, gia đình của 11 trong số 20 người đã đến nhờ LS. Đặng Đình Mạnh tư vấn về thủ tục kháng cáo. LS. Mạnh cho VOA biết thêm vào ngày 7/8:
“Cách đây khoảng ba ngày, chúng tôi liên tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ gia đình họ cho biết những người đang bị giam bị cán bộ quản giáo đe dọa là không được phép kháng cáo. Nếu kháng cáo, sẽ đưa họ qua giam chung với những người bị bệnh HIV”.
Theo lời LS. Mạnh, những người bị đe dọa đều là nữ giới và đang bị giam tại Cơ sở giam giữ thuộc Công an TP. Biên Hòa.
Trong đơn gửi cho Ban chỉ huy của trại giam và Viện Kiểm sát, HĐND tỉnh Đồng Nai, LS. Mạnh nói ông không ông “không tự tiện suy diễn sự việc được thực hiện có hệ thống hoặc có chủ trương”, nhưng “sự phản ánh nhiều trường hợp về chung một sự việc của các gia đình bị cáo như vậy cho thấy đây không chỉ là hành vi đơn lẻ”.
Thân nhân của các nữ tù nhân đang bị giam giữ tại trại giam này cho VOA biết người thân của họ đang trong tình trạng rất sợ hãi. Có người còn trách gia đình rằng “Ở bên ngoài làm gì mà để cho bả [cán bộ trại giam] chửi em”, đồng thời yêu cầu gia đình “chạy tiền cho cán bộ”, với giá 4 triệu đồng, để không bị chuyển sang nhốt chung với người nhiễm HIV/AIDS.
Bất công
Cáo trạng của VKSND TP. Biên Hòa trong phiên sơ thẩm nói 20 người biểu tình đã “lấn chiếm hết lòng đường, ngăn cản các phương tiện lưu thông qua lại, gây ách tắc giao thông”, và “Mặc dù lực lượng công an đã phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật, không được tụ tập thành đám đông trên đường nhưng đám đông đã không chấp hành mà tiếp tục quay lại ngã tư Lạc Cường chuyển hướng vào đường Dương Tử Giang”, trích báo Pháp Luật.
Tuy nhiên theo lời kể của một người dân, có người thân tham gia trong đoàn biểu tình bị bắt, thì họ đã bị công an dẫn vào con đường này để chặn bắt. Người dân không muốn nêu tên, vì lý do an ninh, kể lại với VOA:
“Hôm biểu tình là công an dẫn đường đấy chứ, tới ngã tư Lạc Cường thì đoàn biểu tình xin quay về hướng cũ, nhưng họ không cho. Họ kêu ‘Đi vào đường đấy đi, đường kia đang cấp cứu kẹt xe rồi. Nó dồn mình vào đường đó rồi bắt hết”.
Bản án tù đối với 20 người biểu tình ở Đồng Nai đã bị dư luận và một số tổ chức nhân quyền lên án. Theo LS. Đặng Đình Mạnh, việc “gán ghép” một bản án hình sự cho những người tham gia biểu tình là một điều rất bất công, khi họ chỉ đơn thuần thể hiện quyền biểu đạt đã được Hiến pháp quy định.
Ông phân tích: “Thứ nhất, họ không có hành vi gây rối. Hầu như tất cả họ khi tham gia biểu tình hôm đó thì mỗi người đều mang biểu ngữ ‘Phản đối Luật Đặc khu’, ‘Phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm’. Việc họ cầm các biểu ngữ đi trên đường là họ đang thực hiện quyền biểu đạt ý chí. Quyền biểu đạt ý chí thông qua một cuộc biểu tình là hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp Việt Nam”.
Ngoài ra, theo LS. Mạnh, trong bối cảnh Việt Nam chưa đưa ra luật biểu tình thì không thể đánh giá hành vi biểu tình là có hợp pháp hay không.
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng đã diễn ra rầm rộ trên khắp các tỉnh thành Việt Nam vào ngày 10/6, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Hàng trăm người đã bị bắt và nhiều người bị kết án sau đó bằng các tội danh hình sự.
Trước sức ép mạnh mẽ của công chúng, Quốc hội Việt Nam đã quyết định hoãn việc thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-bieu-tinh-chong-luat-dac-khu-bi-de-doa-nhot-chung-voi-pham-nhan-hiv-aids/4517076.html

Anh Huỳnh Đức Thanh Bình bị khởi tố

Một trong 5 người bị bắt vào ngày 7 tháng 7 vừa qua tại Việt Nam cùng với ông Michael Phương Minh Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt, là anh Huỳnh Đức Thanh Bình, bị khởi tố với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền..
Bà Nguyễn Thị Huệ, mẹ của anh Huỳnh Đức Thanh Bình cho Đài Á Châu Tự Do biết vào ngày 6/8 bà đã nhận được Giấy Thông báo từ Cơ quan An Ninh Điều Tra Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 25 tháng 7.
Theo giấy thông báo, anh Huỳnh Đức Thanh Bình, sinh năm 1996, hiện ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh, bị khởi tố và tạm giam với cáo buộc tham gia tổ chức gọi là ‘Quốc Nội Quật Khởi’, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 109 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Anh này được cho biết đang bị giam tại Nhà Tạm Giữ của Cơ quan An Ninh Điều Tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Anh Huỳnh Đức Thanh Bình bị bắt cùng cha là ông Huỳnh Đức Thịnh, và ông Michael Phương Minh Nguyễn, facebooker Trần Long Phi, Facebooker Quốc Báo.
Vào ngày 2 tháng 8, gia đình ông Michael Phương Minh Nguyễn tổ chức họp báo tại California với sự tham dự của dân biểu Hoa Kỳ Mimi Walters. Gia đình ông Michael Nguyễn cho biết ông bị tạm giữ để điều tra liên quan đến cáo buộc có hành vi lật đổ chính quyền theo điều 109 Bộ Luật Hình sự. Dân biểu Mỹ lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay cho công dân Mỹ gốc Việt Michael Phương Minh Nguyễn
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/one-of-the-five-detainees-charged-with-subversion-08072018085035.html

Lên tiếng về những trường hợp biểu tình ôn hòa

bị truy tố, phạt tù

Có 5 tổ chức xã hội dân sự độc lập và gần 50 cá nhân từ ngày 4 tháng 8 ra một bản Tuyên bố yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho những người biểu tình ôn hòa hôm 10 tháng 6 phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.
Bản tuyên bố nêu rõ dự luật đặc khu ở 3 huyện Vân Đồn, Bắc Vân Phong , Phú Quốc, là một bất công so với 710 huyện còn lại ở Việt Nam. Trong khi đó luật an ninh mạng bị cáo buộc nhằm mục đích bịt miệng người dân.
Các tổ chức xã hội dân sự độc lập và cá nhân ký tên vào Tuyên bố cho rằng việc người dân biểu tình để phản đối hai dự luật vừa nêu là một tín hiệu đáng mừng về sự sáng tạo của công dân cho sự tồn vong của đất nước. Mặc dù như vậy, 52 người biểu tình bị bắt ở TP. Biên Hòa và 20 người khác bị truy tố với những tội danh mơ hồ vì hành động của họ không gây phương hại tới bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Bản tuyên bố còn yêu cầu chính quyền TP. Biên Hòa phải trả tự do ngay cho 20 người biểu tình ôn hòa bị kết án và hủy bỏ những bản án được gọi là “phi nhân” đối với họ.
Ngoài ra các tổ chức và cá nhân ký tên trong tuyên bố còn yêu cầu chính quyền trả lại những tài sản đã thu giữ của người biểu tình, cũng như xin lỗi và đền bù thiệt hại những người bị bắt, đánh đập và giam giữ trong suốt những năm qua. Bản tuyên bố còn thúc giục Quốc hội Việt Nam nhanh chóng đưa ra luật bảo vệ quyền biểu tình của người dân vốn đã được quy định trong Hiến pháp.
Cũng tin liên quan, Luật sư Đặng Đình Mạnh người bào chữa cho vụ án xét xử 20 bị cáo bị bắt, truy tố vì tham gia biểu tình ngày 10 tháng 6 vừa qua ở TP. Biên Hòa ngày 7 tháng 8 đã gửi một bản kiến nghị đến Công an tỉnh Biên Hòa về tình trạng nhân viên trại giam đe dọa ngăn cản quyền kháng cáo của những bị cáo này.
Chiều cùng ngày, luật sư Đặng Đình Mạng nói với RFA rằng người thân các bị cáo tới thăm và được cho biết:
Chúng tôi có nghe họ [người thân các bị cáo] phản ánh rằng con em họ, nhất là các bị cáo nữ đã bị cán bộ quản lý trại giam đe dọa nếu ai kháng cáo họ sẽ cho ở chung phòng với những phạm nhân bị HIV. Ý họ nói họ tránh việc kháng cáo của các bị cáo.
Chúng tôi hết sức bức xúc và thực ra đây là việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Luật sư Mạnh cũng cho biết ngay trong chiều cùng ngày đã tới gặp quan lý trại giam Công an TP. Biên Hòa tuy nhiên người đại diện nói rằng sự việc không có bằng chứng, chỉ là những lời nói qua lại. Mặc dù vậy người này cho biết sẽ tiến hành kiểm tra.
Chị Nguyễn Thị Kim Vui, là chị gái của hai chị em ruột Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Nguyễn Thị Trúc Anh, những người bị tuyên phạt 10 tháng tù giam vì tham gia biểu tình ở TP. Biên Hòa hôm 10/6, nói với RFA rằng thân nhân của chị cũng bị trại giam ngăn cản kháng cáo:
Nghe hai đứa khóc nói rằng trong đó quản giáo nói vậy nhưng không rõ có thật không. Chúng nó nói quản giáo bảo không làm đơn kháng cáo.
Chị Nguyễn Thị Kim Vui cho biết gia đình vẫn làm đơn kháng cáo vì họ cho rằng con em họ bị oan chỉ vì những hành động yêu nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/statement-on-arresting-and-jailing-peaceful-demonstrators-08072018090650.html

Bác sĩ Hồ Hải rút đơn kháng cáo

Phiên tòa phúc thẩm xử bác sĩ Hồ Văn Hải về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam’ dự kiến diễn ra vào ngày 7/8 đã bị đình chỉ sau khi vị bác sĩ này quyết định rút đơn kháng án, chấp nhận mức án tù 4 năm đã tuyên ở tòa sơ thẩm. Truyền thông trong nước loan tin này nhưng không cho biết nguyên nhân tại sao bác sĩ Hồ Hải quyết định rút đơn kháng cáo.
Trong phiên xử sơ thẩm vào ngày ½ vừa qua, bác sĩ Hồ Hải đã bị tuyên 4 năm tù và 2 năm quản chế với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự cũ.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát viết rằng bác sĩ Hồ Hải đã dùng máy tính của phòng khám lên mạng viết blog và facebook, phát tán nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, nói xấu đảng và nhà nước. Cáo trạng cũng cáo buộc bác sĩ Hồ Hải đã lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng trong nước để viết các bài viết có nội dung bôi nhọ, vu khống lãnh đạo đảng, nhà nước, kêu gọi nhân dân tham gia biểu tình chống công ty Formosa, tẩy chay bầu cử hội đồng nhân dân các cấp.
Bác sĩ Hồ Hải, 52 tuổi, đã từng là bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 2004, ông mở phòng khám đa khoa tư nhân. Ông bị bắt vào ngày 2/11/2016.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/jailed-activist-withdraw-appeal-08072018094501.html

Người Việt tị nạn ở Đông Nam Á

ngày càng gặp khó khăn

Kính Hòa RFA
Hình ảnh thuyền nhân và người tị nạn Việt Nam đứng trên trang đầu của truyền thông quốc tế cách đây mấy mươi năm, sau chiến tranh Việt Nam.
Những tưởng hình ảnh đó không còn nữa, nhưng nó vẫn còn ở các trại tạm cư Đông Nam Á, nhất là Thái Lan và Philippines.
Luật sư Trịnh Hội, điều hành tổ chức Voice chuyên giúp đỡ người tị nạn Việt Nam, từ Bangkok, Thái Lan cho Kính Hòa Đài RFA biết câu chuyện người tị nạn hiện nay.
Luật sư Trịnh Hội: Những người tị nạn Việt Nam là những người vì lý do này hay lý do khác trốn qua bên đây từ nhiều năm qua. Có người đã ở đây hai ba chục năm rồi. Có những người thì mới qua. Hiện nay nhóm bất hợp pháp sống ở đây rất đông, có thể mấy chục ngàn, nếu không muốn nói là cả trăm ngàn.
Nhưng nếu nói về những người tị nạn, đã xin được tị nạn thì khoảng 1 ngàn mấy 2 ngàn người.
Kính Hòa: Tức là trong những người này có những người rời Việt Nam vì lý do chính trị, cũng có những người vì lý do kinh tế?
Luật sư Trịnh Hội: Dĩ nhiên rồi, con người chúng ta rời đất nước thì với nhiều lý do, kinh tế, chính trị, tôn giáo.
Kính Hòa: Nếu chúng ta xếp chung một nhóm chính trị và tôn giáo thì họ có khoảng bao nhiêu phần trăm?
Luật sư Trịnh Hội: Chúng ta cần phân biệt, những người đang tầm trú, tức là xin đi tị nạn nhưng chưa được tị nạn, và những người đã được Cao ủy Liên hiệp quốc công nhận là tị nạn rồi.
Con số đang xin tị nạn tôi nghĩ khoảng 1000 người. Những người đã được công nhận tị nạn rồi chắc độ khoảng vài trăm trở lại.
Kính Hòa: Việc đàn áp tôn giáo và chính trị trong nước có vẻ tăng lên trong thời gian hai năm qua, sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh có quan sát thấy những người chạy trốn có tăng không?
Luật sư Trịnh Hội: Dạ đúng. Chúng ta cần hiểu rằng một người được gọi là tị nạn nếu có một sự sợ hãi thật sự vì năm lý do, mà lý do chính trị chỉ là một. Ngoài ra còn những lý do khác như chủng tộc, tôn giáo, những thành phần xã hội,… thành thử cũng giống như những sắc dân khác đi tị nạn, người Việt chúng ta rời Việt Nam vì nhiều lý do chứ không phải một lý do duy nhất.
Kính Hòa: Những công việc gì anh và Voice làm để giúp đồng bào tị nạn?
Luật sư Trịnh Hội: Cách đây 26 năm là lần đầu tiên tôi giúp cho đồng bào mình làm thanh lọc ở Hong Kong. Sau đó qua bên Philippines ở 10 năm, thì giúp cho những người bị rớt thanh lọc bị kẹt lại. Nhờ sự vận động của chúng ta thì đại đa số đã được đi định cư rồi. Hiện giờ bên Phi còn kẹt ba hồ sơ mà thôi. Sau đó thì tới Thái Lan. Bên này có một nhóm thuyền nhân trước đây thì đã được giúp sang Canada vừa qua 108 người, và còn một số hồ sơ còn kẹt lại. Trong tương lai thì Voice và Voice Canada sẽ đứng ra giúp đỡ 50 người tị nạn. Trong 50 người này, đa số được công nhận là tị nạn, còn một số nhỏ thì chưa.
Trong tương lai thì Voice và Voice Canada sẽ đứng ra giúp đỡ 50 người tị nạn. Trong 50 người này, đa số được công nhận là tị nạn, còn một số nhỏ thì chưa. – LS. Trịnh Hội
Kính Hòa: Anh có thể nói rõ cho quí khán thính giả biết thanh lọc là gì vậy?
Luật sư Trịnh Hội: Từ năm 1975 đến năm 1989 thì những người vượt biên đến được một nơi như Thái Lan hay Mã Lai, thì họ đi định cư thẳng, không phải qua thanh lọc, sau một thời gian ở trại khoảng 3, 6 tháng hay một năm. Nhưng đến năm 89 thì có đặt ra một hệ thống để xem một người nào đó có phải là thật sự tị nạn hay không, theo đúng luật tị nạn quốc tế.
Từ năm 89 cho đến năm 97 thì khi những trại tị nạn đóng cửa thì những người thuyền nhân, tầm trú đều phải trải qua thanh lọc. Trong chương trình đó nước sở tại, hoặc là Cao ủy sẽ phỏng vấn để biết người nào đó có phải là tị nạn hay không.
Kính Hòa: Những người rớt thanh lọc trở về Việt Nam có bị phiền toái gì không?
Luật sư Trịnh Hội: Có chứ. Tôi nhớ lần đầu tiên về Việt Nam vào năm 1996 để tìm hiểu xem những người hồi hương có bị sách nhiễu hay không, thì cái mức độ sách nhiễu, ai bị sách nhiễu nó phù thuộc vào thời gian họ hoạt động trong trại, hoặc cái nơi mà họ quay về.
Kính Hòa: Hiện nay những quốc gia tiếp nhận người tị nạn đang có những vấn đề chính sách đối nội, chính sách nhập cư của họ trở nên khắt khe hơn, như vậy công việc của Voice có khó khăn hơn?
Luật sư Trịnh Hội: Vâng, mỗi năm mỗi khó hơn. Ví dụ như trước đây ở bên Phi Luật Tân thì không cần tiền bạc gì, hiện nay thì chính phủ Canada bắt chúng ta phải trang trải mọi chi phí để giúp những người tị nạn trong một năm đầu.
Khó khăn hơn, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta cố gắng thì cộng đồng của chúng ta vẫn có thể giúp đỡ được. Hiện bên Canada có một chương trình bảo trợ tư nhân. Cộng đồng mình càng lên tiếng mạnh mẽ càng tìm ra được nhiều người bảo trợ thì càng giúp được nhiều hơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-refugees-more-difficulies-08072018112108.html

Tác giả ‘Chết khi đang còn sống’ nói bị đe dọa

“Mẹ xin con đấy, con đừng viết báo ở Kinh Môn. Bọn nó đang thuê người giết con và làm hại gia đình mình đấy. Mẹ nghe thấy và sợ lắm…,” là dòng tin nhắn mẹ nhà báo tự do Đỗ Cao Cường gửi cho anh hôm 2/8.
Những lời đe dọa như thế này Cường không lạ lẫm.
“Mẹ tôi nói rằng có một nhóm thanh niên nói từ Kinh Môn đến. Vì chắc tôi vừa đăng phóng sự Kinh Môn gần đây nên họ tưởng tôi lại quay lại làm tiếp phóng sự.”
“Họ nói theo kiểu đe dọa, đánh tâm lý. Từ những người họ hàng, những người dân sống xung quanh cũng bị đánh tâm lý.”
“Tôi không ở nhà lúc đó nhưng chuyện này xảy ra nhiều lần lắm rồi. Họ từng nói với tôi là ‘mày bỏ cái chuyện đó đi, không có ngày tao đánh chết’.”
Cách đây 3 tháng, khi công bố phóng sự “Chết khi đang còn sống”, Cường đã biết anh chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, một điều anh đã quá quen sau nhiều năm làm phóng sự điều tra.
Tống Văn Công ‘về già mới chợt tỉnh’
VN: Làm báo kiểu làm… tiền!
Trao giải ‘giấy mời’ làm việc với công an VN
Từng công tác tại nhiều báo đài trong nước, nhưng anh Cường giờ là một ký giả tự do, dấn thân vào các vụ điều tra cưỡng chế đất đai, các vụ nhà máy gây ô nhiễm môi trường.
Và vụ nhà máy thép Hòa Phát ở Kinh Môn, Hải Dương là một trong những vụ việc anh liều lĩnh thực hiện.
Phóng sự ‘Chết khi đang còn sống’
Anh Cường cho biết, ‘Chết khi đang còn sống’ phản ánh chân thực về ba doanh nghiệp công ty xây dựng Đông Nam Á, công ty chế biến xuất nhập khẩu Đà Nẵng và công ty thép Hòa Phát, vốn có nhà máy xây dựng ở Hải Dương bị nhiều người dân tố cáo là làm ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phóng sự dài gần 40′ hầu hết là các cuộc phỏng vấn với hàng chục người dân địa phương ở nhiều xã trong huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đan xen hình ảnh ống khói đen thải ra từ các nhà máy là những lời kể của khoảng gần 50 người dân sống lân cận than phiền và cáo buộc về lượng khí thải khói bụi hôi hám, khó thở, và tiếng ồn nhức óc, nứt nhà.
Một phó thôn ở xã mà anh Cường đến phỏng vấn cho biết trong thống kê năm vừa qua, riêng ở thôn ông có khoảng 6-7 người chết vì ung thư, hầu hết lại trong độ tuổi 40-60.
Trẻ nhỏ thường xuyên bị bệnh về hô hấp, người già thì đi bệnh viện thường xuyên.
BBC không có điều kiện để xác thực thông tin trong phóng sự của nhà báo Đỗ Cao Cường, tuy nhiên, truyền thông trong nước nhiều năm qua cũng đã đưa tin về “làng ung thư ở Kinh Môn” và các hậu quả môi trường và sức khỏe từ các nhà máy của ba doanh nghiệp nói trên.
Báo Người Tiêu Dùng hồi 11/4 đưa tin hình ảnh ống khói đen của nhà máy thép Hòa Phát ở Hải Dương.
Cũng theo báo này người dân ở xã Duy Tân, Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn “cho biết nhà máy Hòa Phát xả thải khiến người dân khó thở. Mùi khí thải bay vào trong nhà khiến họ không ngủ nổi. Dù đóng chặt các cửa, họ cũng chẳng mấy khi có được giấc ngủ ngon.
“Chưa kể, mùi khí thải không phải thứ độc hại duy nhất nhà máy thải ra. Ngoài khí thải, còn có mạt sắt. Thứ kim loại nặng này bám cả vào đồ ăn, thức uống hàng ngày của người dân.”
Còn theo bài báo Điện tử tỉnh Hải Dương, đăng hôm 25/1, tờ báo nhận được đơn kiến nghị với gần 500 chữ ký của các hộ dân thuộc các xã Phạm Mệnh, An Sinh, Duy Tân và Hiệp Sơn (Kinh Môn) phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy của Công ty XNK Đà Nẵng gây ra.
‘Đã quen và chấp nhận’
Đỗ Cao Cường nói anh cũng từng nhận được nhiều lời đe dọa, bị tấn công khi làm những phóng sự điều tra khác.
“Nhưng được cái này thì mất cái kia, mình an toàn thì mình không thể làm được gì cho xã hội.
Đỗ Cao Cường nói anh đã “quen rồi và chấp nhận” nhưng nói sẽ phải “cẩn thận hơn để gia đình đỡ bị đe dọa.”
“Nhưng tôi chẳng thể dừng bước khi mình đi qua những làng ung thư, và chứng kiến bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu khuôn mặt ốm đau bệnh tật… Mình thấy vô cùng thương xót.”
“Nhận thức của nhiều người dân hạn chế, nhiều lúc thờ ơ vô cảm, nhưng mình có nhận thức khách quan thì phải lên tiếng.”
“Một xã hội không có phản hồi là một xã hội chết. Có những con người sinh ra rồi chết đi nhưng chưa chắc họ đã sống. Còn có những người họ chết trẻ nhưng với những gì họ làm, con cái của họ có thể ngẩng cao đầu với xã hội.”
Đỗ Cao Cường còn được biết đến với nhiều phóng sự độc lập như Xác sống ở Hà Nội, Làng chết ở Hải Phòng, Lời kêu cứu muộn màng…
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45068083

‘Nhà báo thúc thủ’

Cát Linh, RFA
Chuyện gì đang xảy ra với báo chí Việt Nam?
Phần 1: ‘Nhà báo thúc thủ’
Một hiện tượng mới
Vấn đề gây tranh cãi không phải đó là nhà báo nổi tiếng nào? Lộ tin nhắn gì? Mà sâu xa hơn nữa có lẽ cần phải đặt câu hỏi về giá trị của báo chí trong xã hội hiện tại ra sao?
Đối diện với điều này, nhà báo Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị cho rằng những sự việc thế này đã nhen nhúm từ khi chiến dịch chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng “rờ tới những cán bộ cao cấp”.
“Trong nước thì thực tế tham nhũng đã có sự cấu kết với truyền thông, thậm chí là mỗi 1 thế lực đều có dựa vào, tìm đồng minh ở truyền thông. Trong số đó cũng có những nhà báo cũng có thể là đứng ở chỗ này chỗ kia, băng nhóm này băng nhóm kia. Không loại trừ chuyện đó.”
Nhưng tôi nghĩ khoảng 10 năm độ lại đây, thì những ông quan, băng nhóm chính trị cũng rất biết cách sử dụng công cụ truyền thông để tạo ra những tin fake hay những kiểu gây rối trong dư luận. Mỗi kỳ đại hội hay mỗi dịp có xung đột về quyền lực giữa các thế lực với nhau thì thường trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những trang thông tin như vậy. Còn đây là hiện tượng gọi là mới xuất hiện trong đời sống báo chí của Thành phố Hồ Chí Minh. – Nhà báo Tâm Chánh
Quan điểm của ông đối với vụ lộ tin nhắn của nhà báo chuyên nghiệp là không loại trừ kịch bản của một băng nhóm nào đó am hiểu rất rõ trò chơi của truyền thông.
Ông nói tiếp:
“Chắc chắn không phải bình thường rồi. Nhưng tôi nghĩ khoảng 10 năm độ lại đây, thì những ông quan, băng nhóm chính trị cũng rất biết cách sử dụng công cụ truyền thông để tạo ra những tin fake hay những kiểu gây rối trong dư luận. Mỗi kỳ đại hội hay mỗi dịp có xung đột về quyền lực giữa các thế lực với nhau thì thường trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những trang thông tin như vậy. Còn đây là hiện tượng gọi là mới xuất hiện trong đời sống báo chí của Thành phố Hồ Chí Minh.”
Nếu nhận xét đây là hiện tượng mới xuất hiện trong đời sống báo chí của TP.HCM thì trước đây như thế nào? Câu trả lời này xin dành cho nữ ký giả Bích Vy – Võ Thị Hai, người đã trải qua hơn nửa thế kỷ làm báo ở Việt Nam và hải ngoại.
Trước tiên bà nói về một bộ phận báo giới Việt Nam từ năm 1986 đến 2004, một thời điểm bà cho là còn lạc quan và có ‘chỗ thở’ cho báo chí nhà nước.
“Hình như đó là 1 điều may mắn. Có những nhà lãnh đạo họ vẫn còn ý thức về lực lượng báo chí. Mặc dù ngay từ lúc đầu họ đã khẳng định người làm báo là 1 lực lượng tuyên truyền chính sách của Đảng, và những tờ báo là công cụ tuyên truyền không hơn không kém. Nhưng ít ra cũng có những lúc họ ‘mở’, đặc biệt là sau thời kỳ đổi mới kinh tế từ năm 1986 trở đi, thì đôi khi họ cũng cho phép nhà báo được mở ra 1 phong trào chống tiêu cực để làm trong sạch nội bộ của cán bộ Đảng viên.”
Hình như đó là 1 điều may mắn. Có những nhà lãnh đạo họ vẫn còn ý thức về lực lượng báo chí. Mặc dù ngay từ lúc đầu họ đã khẳng định người làm báo là 1 lực lượng tuyên truyền chính sách của Đảng, và những tờ báo là công cụ tuyên truyền không hơn không kém. Nhưng ít ra cũng có những lúc họ ‘mở’, đặc biệt là sau thời kỳ đổi mới kinh tế từ năm 1986 trở đi, thì đôi khi họ cũng cho phép nhà báo được mở ra 1 phong trào chống tiêu cực để làm trong sạch nội bộ của cán bộ Đảng viên. – Nhà báo Bích Vy Võ Thị Hai
‘Nhà báo thúc thủ’
Thế nhưng, sau đó bộ mặt của báo chí Việt Nam đã thay đổi rất nhiều về chính sách quản lý. Bà Bích Vy – Võ Thị Hai cho biết chính quyền Việt Nam đã bắt đầu áp đặt 1 chính sách mới, nhiều cái kỳ lạ mà thời kỳ của bà không có.
“Ví dụ họ đóng cửa các tờ báo online, họ phạt, họ rút thẻ nhà báo, họ bắt bỏ tù các nhà báo. Thời kỳ tôi chưa có chuyện đó.
Lúc đó tôi đã bắt đầu hình dung ra được là giới báo chí ở Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn hết sức đau buồn. Họ sẽ không làm gì được. Họ sẽ không viết gì được.”
Theo một nguồn tin riêng, chưa được kiểm chứng, bà cho biết có những tập đoàn tài chính mua chuộc nhà báo, tặng quà, phong bì cho các ký giả, trao những phần thưởng gọi là học bổng cho con em của các nhà báo.
“Tôi nghĩ rằng rõ ràng làng báo đã đi vào con đường cùng. Còn có chuyện nữa là nhà nước Việt Nam bắt đầu cài người vào các tờ báo. Từ hồi thời tôi đã có thấy rồi, tức từ năm 1996 tôi đã thấy hiện tượng này.”
Theo bà Bích Vy, rất khó để định nghĩa về một nhà báo là ai trong thời kỳ này. Vì họ không thể làm gì cả ngoài chuyện họ tường thuật, đưa tin theo lệnh của chính quyền.
Bản chất của sự việc này cũng được nhà báo Tâm Chánh đưa ra quan điểm tương tự.
“Từ sau cuộc PMU18, báo chí trong nước chủ yếu thông tin lại các cuộc tham nhũng mà các cơ quan chức năng người ta điều tra ra, chứ báo chí  thực sự đã gần như không còn thấy xuất hiện, nhất là các điều tra liên quan thế lực tham nhũng ở cấp cao.
Chủ yếu là tường thuật lại ý kiến của lãnh đạo, kết quả thanh tra, tường thuật lại các vụ án là chính.”
Một vấn đề ai cũng biết, đó là báo chí chính thống ở Việt Nam được gọi là báo chí của Đảng và nhà nước. Hàng tuần định kỳ, Ban Tuyên giáo có định hướng tuyên truyền, chủ yếu là nói những vấn đề nên hay không nên, đưa những nội dung tin gì…
Có lẽ lúc đó niềm tin về sự cải tiến xã hội, về một, hai cá nhân lãnh đạo mà họ nghĩ là họ có thể nương tựa được nó còn lớn. Họ chưa bị đặt vô thảm cảnh như bây giờ. Mình thấy cái thảm cảnh đó ngày càng rõ cùng với những diễn biến lớn của đất nước mà hồi thời chúng tôi chưa có. Bây giờ nó bộc ra và các nhà báo coi như hoàn toàn thúc thủ. – Nhà báo Bích Vy Võ Thị Hai
Do đó, theo nhà báo Tâm Chánh, trong bối cảnh như thế, các nhà báo có thể có những thông tin từ nhiều cơ quan khác nhau, không loại trừ cả các cơ quan cấp cao và những người có thẩm quyền trong từng vụ việc. Nhưng ông vẫn khẳng định:
“Làm báo thì mình có thể có những nguồn tin riêng, có những mối quan hệ đặc biệt để có nguồn tin, nhưng anh cộng tác để trở thành công cụ cho 1 nhóm chính trị nào đó thì tôi nghĩ là không tốt, không đúng.”
Giữa một không khí như thế, nhà báo Tâm Chánh cho rằng rất khó để có thể nói đây có phải thật sự là những cuộc chống tham nhũng thật sự hay không hay những thế lực chính trị đấu đá nhau. Đứng trước những “ngã ba” như thế, ông nói rằng các nhà báo có tay nghề và tâm nghề cùng với sự tỉnh táo thì người ta luôn có sự dè dặt.
Bên cạnh những cây bút như thế, thì theo nhận định của bà Bích Vy, 99% người làm báo ở Việt Nam hiện nay là những người bồi bút. Bà dùng từ “hiện nay”, có nghĩa rằng đã từng có một “ngày kia” không như thế hay chăng? Câu trả lời của bà là: “Từng như thế.”
Nhưng, bà cho biết thêm về sự khác biệt.
“Có lẽ lúc đó niềm tin về sự cải tiến xã hội, về một, hai cá nhân lãnh đạo mà họ nghĩ là họ có thể nương tựa được nó còn lớn. Họ chưa bị đặt vô thảm cảnh như bây giờ. Mình thấy cái thảm cảnh đó ngày càng rõ cùng với những diễn biến lớn của đất nước mà hồi thời chúng tôi chưa có. Bây giờ nó bộc ra và các nhà báo coi như hoàn toàn thúc thủ.”
Trong bối cảnh như thế, có 1 số cây bút phải dè dặt như lời nhà báo Tâm Chánh đã nói, thì nhà báo Bích Vy khẳng định “Hoặc anh từ bỏ cây bút, làm nghề khác để giữ lương tâm của người làm báo hoặc vì chén cơm manh áo chấp nhận bị sử dụng và bẻ cong ngòi bút.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/What-happening-for-state-media-in-vn-part1-08062018145120.html

Nước sông Bùi đang ở mức cao

Ban Chỉ huy Phòng Chống thiên tai và Tìm kiếm nạn nhân thành phố Hà Nội vào chiều thứ Ba 7 tháng 8 cho biết mực nước trên sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao. Vì nước sông ở mức cao như thế cần thực hiện phương án di dời người dân ra khỏi các khu vực trũng, thấp, có vị trí nguy hiểm.
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm nạn nhân thành phố Hà Nội cho biết như trên tại buổi họp giao ban báo chí thường kỳ Thành uỷ Hà Nội vào ngày 7 tháng 8.
Cũng trong buổi họp, tình hình ngập úng ở huyện Chương Mỹ được cho biết là vẫn còn khá nghiêm trọng tại 1 số địa bàn như Thuỷ Xuân Tiên, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ…Do đó phương án bảo đảm đời sống người dân tại đây đang được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm nạn nhân thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Ghi nhận từ truyền thông cho biết hiện tại những người dân vùng bị ngập lụt ở Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức đang vướng phải các căn bệnh ngoài da như nước ăn chân, viêm kết mạc…
Dự báo nói tình hình này sẽ kéo dài trong nửa đầu tháng 8 này cùng với khả năng địa bàn Hà Nội tiếp tục có mưa to.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Bui-river-reaching-to-high-level-hn-prepares-for-bad-status-08072018092254.html

Từ rác thải ở Chương Mỹ,

nghĩ tới khủng hoảng ‘thừa’ ở Việt Nam

Viết từ Sài Gòn
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 39km đường chim bay, hơn 2 tuần nay người dân xã Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ đang phải sống chung với nước bẩn và rác ngập. Sau nhiều nỗi lo về sản xuất, sinh hoạt, học hành… của con cái, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật bởi biển rác đang lấn át sân nhà.
Rác thải sinh hoạt, xác động vật, túi nillon, rác nhựa, gỗ…cơ hà các loại rác liên tục tấp vào sân và nhà nhiều gia đình trong các thôn đang ngập lụt ở Chương Mỹ. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao rác được dọn hàng ngày, tập kết hàng tuần vẫn còn nhiều đầy rẫy, bốc mùi khắp nơi mặc cho nước có về hay không?
Tôi từng gặp nhiều người phụ nữ than phiền về việc rác đâu ra nhiều thế, ở thành phố thì đi đâu cũng thấy thùng rác, ở nông thôn thì lâu lâu mới có một ngày không nghe mùi mắm thối, mùi xác cá mà theo họ thực ra là mùi từ các bãi rác phát ra
Để trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ phải kể đến thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.
Tôi từng gặp nhiều người phụ nữ than phiền về việc rác đâu ra nhiều thế, ở thành phố thì đi đâu cũng thấy thùng rác, ở nông thôn thì lâu lâu mới có một ngày không nghe mùi mắm thối, mùi xác cá mà theo họ thực ra là mùi từ các bãi rác phát ra, theo gió phân tán đến các khu vực chung quanh. Và nhiều người trong số họ đều đồng tình rằng: “khủng hoảng thừa” trong tiêu dùng của người Việt là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này.
Với cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp, mặc dù du lịch, dịch vụ, công nghiệp và các ngành khác có xu hướng tăng trong những năm gần đây nhưng mức thu nhập cao vẫn chỉ nằm trong một nhóm nhỏ… Đa số người lao động chọn lựa các mặt hàng phổ dụng ở phân khúc bình dân. Từ thức ăn, nước uống, áo quần, đồ chơi trẻ con… các mặt hàng giá rẻ mà đa số xuất xứ từ Trung Quốc được tiêu dùng nhiều do phù hợp với mức chi tiêu của người dân.
Nhiều người chọn lựa việc mua nhiều đồ với mức giá rẻ để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng bội thực của gia đình. Thay vì mua một quả táo Mỹ, quả lê Hàn, hay là vài quả chuối Việt ở siêu thị với mức giá vài chục ngàn động, nhiều bà nội trợ buộc phải chọn mua một nải chuối với mức giá mười hoặc mười mấy ngàn đồng hoặc một ký táo được dán mác Mỹ ở chợ với giá vài chục ngàn đồng, một ký chôm chôm, ký cam không rõ nguồn gốc với giá từ 15 đến 25 ngàn đồng… Rẻ, nhiều… Rác thải cũng từ đó mà ra.
Một cuộc khủng hoảng thừa thức ăn, rác thải xuất hiện khi hàng mua về với giá rẻ chưa sử dụng đã hư hỏng, buộc phải loại bỏ. Với việc túi nillon được sản xuất hàng loạt với mức giá rẻ bèo, chỉ cần ghé chợ mua một ít tôm cá, trái cây, bún, tỏi, hành… mỗi thứ một ít, người nội trợ được miễn phí mang về ít nhất vài cái túi nilong đủ màu, đủ kích cỡ.
Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn rác thải đến từ các nguồn khác, nhất là rác thải y tế từ các bệnh viện, từ vô vàn thuốc giả được kê bán theo đơn hoặc tự phát mua theo nhu cầu. Các bệnh viện ồ ạt thải rác chưa qua xử lý, người tiêu dùng mặc sức mua thuốc giá rẻ về rồi thải ra khi thấy thuốc không chất lượng hoặc đôi khi may mắn uống vài viên đã lành và cũng chẳng mảy may để ý đến những đợt phát thuốc từ thiện miễn phí hoặc bán thuốc, thực phẩm chức năng gần hết hạn sử dụng với giá khoảng 50% dưới danh nghĩa ‘hỗ trợ giá’ trong các bệnh viện, để rồi họ mua về và lại thải ra… Cơ bản là vì mức giá rẻ và họ không cần để ý đến.
Theo một thống kê gần đây trên các trang báo trong nước, nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa,, như vậy mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam.
Một khối lượng rác quá khổng lồ so với số lượng nhà máy xử lý rác đếm được trên đầu ngón tay ở Việt Nam!
Rõ ràng, ở Việt Nam đang tồn tại song song một cuộc ‘khủng hoảng thừa’ và một cuộc ‘khủng hoảng thiếu’.
Người ta thừa đủ thứ từ thức ăn, nước uống không đảm bảo chất lượng, vệ sinh… Thừa nguyên vật liệu dởm để tạo ra những công trình cũng thừa không kém bởi mọc ra mà không thể sử dụng. Một cuộc khủng hoảng thừa về những y bác sĩ không có tâm đức, về những nhà giáo sẵn sàng mang học sinh đi bán hoặc bán dâm, bán điểm, thừa những kẻ không biết xấu hổ.
Cuộc khủng hoảng thừa về nông sản hàng năm với đầu ra không có hoặc hàng không đảm bảo chất lượng.
Việt Nam thừa một số lượng khổng lồ giáo sư tiến sĩ được phong hàm và vẫn thừa nhiều vị trí cần được phong hàm bởi số lượng hiện tại chưa đủ để đọ với các nước trong khu vực, mặc dù phong ra chỉ để được gọi là giáo sư, tiến sĩ giấy.
Việt Nam thừa một khoản nợ công mà nhân dân đang còng lưng nộp thuế, lệ phí đủ kiểu vẫn không hiểu vì sao món nợ này ngày càng trương nở ra khi mức GDP năm sau cao hơn năm trước mà số tiền vay mượn cũng ngày càng tăng tỷ lệ.
Nhưng vẫn thiếu?
Việt Nam thừa một số lượng khổng lồ giáo sư tiến sĩ được phong hàm và vẫn thừa nhiều vị trí cần được phong hàm bởi số lượng hiện tại chưa đủ để đọ với các nước trong khu vực, mặc dù phong ra chỉ để được gọi là giáo sư, tiến sĩ giấy.
Những hàng hóa chất lượng Made in Việt Nam tốt hơn hàng Trung Quốc, nguồn nhân lực chuyên môn cao cho các ngành công nghệ, những công trình đúng chất lượng với số tiền đầu tư, những cuộc chuyển đổi ngành nghề được chuẩn bị sẵn về tính chuyên môn, chất lượng cũng như lòng tự trọng, những y bác sĩ tâm huyết với nghề, những thầy cô giáo tận tâm truyền đạt kiến thức, dẫn dắt thế hệ tương lai vào đời…
Những người lãnh đạo đã làm tròn chức trách, những chính sách đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu…?
Liệu đến bao giờ một người dân có quyền được hưởng những gì mà họ đáng được có?
Trở lại với vấn đề người dân Chương Mỹ đang phải đối mặt với nước ngập và rác thải, tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của hai người đàn ông trong một quán cà phê ở Hà Nội. Một trong hai người họ nói rằng anh ta đứng ngồi không yên bởi đang buộc phải nghĩ phương án đối phó nếu sự cố vỡ thủy điện Hòa Bình xảy ra, bởi theo tính toán của giới chuyên môn, Hà Nội có thể bị nhấn chìm hơn 30m nếu điều đó xảy ra. Nhưng người còn lại thì lại bảo rằng anh chưa lo đến chuyện đó bởi vấn đề anh nghĩ bây giờ là liệu có ai nghĩ được làm sao ngăn điều đó xảy ra. Anh ta bảo lấy làm lạ là sao người dân Chương Mỹ có thể chung sống được với tình cảnh đó mà không tự hỏi nguyên nhân và hỏi xem ai phải chịu trách nhiệm cho chuyện này, bởi lẽ suy cho cùng, tìm được căn cốt của vấn đề mới có thể giải quyết được vấn đề một cách có khoa học nhất.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/flood-in-chuongmy-and-surplus-crisis-08062018131201.html

Slovakia cho cảnh sát khai chứng

vụ Trịnh Xuân Thanh

Bộ Nội vụ Slovakia sẽ cho phép cảnh sát khai chứng trong cuộc điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh, người mà Đức nói bị các điệp viên Việt Nam bắt cóc đưa về Việt Nam thông qua ngã Slovakia.
Vụ bắt cóc, theo cáo giác, xảy ra trong chuyến công du đến Slovakia của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hồi tháng 7 năm ngoái.
Các công tố viên Đức cho rằng ông Thanh, người lúc đó đang làm hồ sơ xin tỵ nạn ở Đức, đã bị nhân viên mật vụ Việt Nam ‘bắt cóc’ trên đường phố ở Berlin và được đưa về Việt Nam. Sau đó, ông Thanh đã bị đưa ra xét xử và bị kết án chung thân.
Tuần trước, nhật báo Dennik N của Slovakia dẫn lời một số sỹ quan cảnh sát nước này xác nhận rằng ông Thanh đã bị bí mật đưa về Việt Nam trên một phi cơ công vụ của chính phủ Slovakia.
Ông Thanh đã bị bắt đưa vào một chiếc xe van từ Berlin đến Bratislava qua ngõ Prague, sau đó được dồn chung vào phái đoàn của ông Tô Lâm rồi rời khỏi Slovakia trên phi cơ của chính phủ nước này, tờ Dennik N tường thuật.
Vụ việc đã làm quan hệ giữa Đức và Việt Nam trở nên căng thẳng và khiến Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế. Một tòa án Đức hồi tháng 7 đã kết án một người đàn ông Việt Nam 3 năm 10 tháng tù sau khi ông này thú nhận đã giúp đỡ mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh.
Slovakia cho đến nay vẫn tìm cách tránh liên can và cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 3/8 đã phủ nhận mọi sự dính líu của Chính phủ Slovakia trong vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh và gọi mọi cáo buộc là ‘khoa học viễn tưởng’.
Hôm thứ Hai ngày 6/8, Bộ Nội vụ Slovakia ra thông cáo: “Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova đã quyết định rằng các cảnh sát được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam từ Đức đưa về Việt Nam”.
Cáo buộc về sự dính líu của chính phủ Slovakia đã gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền gồm ba đảng của nước này. Đối tác phụ trong liên minh là Đảng Most-Hid hôm 6/8 nói rằng họ sẽ không thể ở lại trong liên minh nếu tin tức mà báo chí loan tải được xác nhận là có thật.
Thủ tướng Peter Pellegrini hôm 6/8 nói rằng ông sẽ điều Bộ trưởng Sakova và Cảnh sát trưởng Milan Lucansky đến Đức để hợp tác với cảnh sát nước này điều tra vụ việc.
https://www.voatiengviet.com/a/slovakia-cho-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-khai-ch%E1%BB%A9ng-v%E1%BB%A5-tr%E1%BB%8Bnh-xu%C3%A2n-thanh/4516268.html

Thạc sĩ chống tham nhũng ở VN:

 ‘Lố bịch’ hay ‘muộn còn hơn không’?

Chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên ở Việt Nam đang chịu sự hoài nghi và mỉa mai từ công chúng, các nhà nghiên cứu và một số tờ báo. Ở góc nhìn khác, có những người cho rằng đến bây giờ Việt Nam mới đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng là chậm hơn các nước khác, nhưng chậm còn hơn không.
Có tên đầy đủ là Chương trình Đào tạo Thạc sĩ Luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng, chương trình được Đại học Quốc gia Hà Nội công bố hôm 2/8, và do Khoa Luật của trường thực hiện.
Báo chí trong nước tường thuật vắn tắt rằng chương trình nhắm mục tiêu đào tạo ra các chuyên gia có kiến thức “toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng” cho các cơ quan tổ chức đang tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Những người theo học trong chương trình cần phải có bằng cử nhân ngành luật hoặc gần với ngành này, như quản lý nhà nước, quản lý công hay chính trị học, theo các báo. Trường bắt đầu tuyển sinh khoá đầu tiên vào giữa tháng 9 tới.
Các giảng viên của Khoa Luật ĐHQG Hà Nội sẽ đảm nhiệm phần lớn việc giảng dạy, bổ sung cho họ là các giáo sư nước ngoài hoặc từ các trường đại học Việt Nam khác, cũng như các chuyên gia tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác, các báo cho hay.
Dẫn lại thông tin từ lễ công bố chương trình, các báo cho biết, từ năm 2012, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội đã dạy về phòng chống tham nhũng như là một môn học riêng, trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam thực hiện một chỉ thị của thủ tướng về đưa phòng chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy.
… việc đấu đá đấy được biện minh đó là việc làm trong sạch bộ máy, rồi chống tham nhũng, v.v và v.v… Và trong bối cảnh trớ trêu như vậy, người dân mới thấy chuyện đào tạo thạc sĩ về cái chuyên ngành như thế là cái trò lố bịch.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Trong suốt 5 ngày kể từ lễ công bố, dư luận trên mạng xã hội liên tục thể hiện nhiều ý kiến hoài nghi về tác dụng của chương trình.
Nhiều người khác nhau cho rằng việc đào tạo này chỉ lãng phí vì tình trạng tham nhũng ở Việt Nam mấy chục năm nay không có gì thay đổi. Một số người gọi chương trình là “trò hề” hoặc “tào lao”. Trong khi đó, có những người suy diễn xa hơn rằng kiến thức về chống tham nhũng có thể giúp cho một số kẻ biết cách che đậy để tham nhũng một cách tinh vi hơn, bài bản hơn.
Trên báo chí chính thống, sự hoài nghi tương tự được thể hiện qua các bài báo như “Nói thẳng: ‘Thạc sĩ chống tham nhũng’, buồn cười quá!” trên tờ Người Lao Động, hay bài “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng: Đào tạo để làm gì?” trên Đất Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng, lý giải với VOA rằng sở dĩ nhiều người Việt Nam ngờ vực và châm biếm về chương trình vì lâu nay chính quyền thường “xảo ngôn” khi nói về các sự việc, “làm méo mó” ý nghĩa của các khái niệm.
Trong quan điểm của vị tiến sĩ, cái gọi là chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là “các cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền”.
Ông nói:
“Tất cả những vụ án vừa rồi, diệt ông này, diệt ông kia, đốt lò, thì đều nhân danh chống tham nhũng, thật ra là chuyện phe phái đấu đá lẫn nhau. Nhưng việc đấu đá đấy được biện minh đó là việc làm trong sạch bộ máy, rồi chống tham nhũng, v.v và v.v… Và trong bối cảnh trớ trêu như vậy, người dân mới thấy chuyện đào tạo thạc sĩ về cái chuyên ngành như thế là cái trò lố bịch”.
Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đứng thứ 107 trong số 180 nước, có tiến bộ một chút so với thứ hạng 113 trên 176 của năm 2016, nhưng vẫn trong nhóm các nước có tình trạng tham nhũng cao.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/3/2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, nói: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn. Chống lại cơ chế xin cho, chúng tôi chống lại có khi ‘chết’ trước”.
Giảng dạy cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trong hệ thống công quyền nắm được thế nào là tham nhũng, hay tham nhũng có thể bị xử lý như thế nào lẽ ra là nên có lâu rồi.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng
Trong các cuộc thảo luận trên mạng Internet, nhiều người dẫn lại phát ngôn cách đây hơn 2 năm của ông Đạt để nhấn mạnh quan điểm rằng việc đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng sẽ không đem lại tác động gì đáng kể, trong bối cảnh tham nhũng diễn ra tràn lan từ cấp trung ương cho đến cấp xã.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, có cách nhìn khác. Bà cho hay rằng chương trình ra đời là kết quả của tâm huyết, nhiều nỗ lực, thậm chí là sự khổ công của nhiều người tại Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.
So với nhiều nước khác đã có đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng từ lâu, ngay như nước láng giềng Trung Quốc cũng theo thể chế cộng sản đã cho thí điểm đào tạo ngành này từ đầu năm 2011, nữ tiến sĩ cho rằng Việt Nam “đã muộn, nhưng muộn còn hơn không”.
Bà nói:
“Giá như nó được triển khai sớm hơn. Lẽ ra phải từ rất sớm thì mới đúng. Lạm quyền và tham nhũng là vấn đề của nhân loại chứ không của riêng Việt Nam. Giảng dạy cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trong hệ thống công quyền nắm được thế nào là tham nhũng, hay tham nhũng có thể bị xử lý như thế nào lẽ ra là nên có lâu rồi”.
Singapore chưa phải là một nước dân chủ, nhưng nền pháp trị của người ta rất rạch ròi … Luật pháp nghiêm minh, minh bạch và quản trị tốt thì lập tức tham nhũng sẽ giảm
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nhà xã hội học Khuất Thu Hồng nói thêm rằng, chương trình đào tạo nói riêng và Việt Nam nói chung có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm hay và thành công về chống tham nhũng đã được đúc kết ở nhiều nước, ví dụ như các nước Bắc Âu hay Mỹ.
Trong khi đó, tiến sĩ Quang A nêu ý kiến rằng Việt Nam không cần đi đâu xa mà hãy “học” Singapore ngay trong khu vực. Theo ông, chống tham nhũng hiệu quả không nhất thiết phải gắn với thể chế dân chủ vì thực tế cho thấy có những nước dân chủ nhưng tham nhũng vẫn cao, và ngược lại.
Ông nói:
“Singapore chưa phải là một nước dân chủ, nhưng nền pháp trị của người ta rất rạch ròi. Pháp luật là trên hết, không có ai là ngoại trừ cả. Quản trị đất nước một cách minh bạch, hiệu quả. Chuyện minh bạch là rất quan trọng trong chống tham nhũng. Luật pháp nghiêm minh, minh bạch và quản trị tốt thì lập tức tham nhũng sẽ giảm”.
Theo vị tiến sĩ, tuy Việt Nam khác Singapore ở quy mô lãnh thổ và dân số, song nếu các nhà lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính trị quyền lực nhất của Đảng Cộng sản thật sự cứng rắn, họ vẫn có thể kiểm soát hay thậm chí định đoạt số phận của các lãnh đạo cấp tỉnh, những người thường được người dân và đôi khi cả báo chí gọi là “những ông vua con”.
Trên mạng Internet, nhiều người kêu gọi phải có các biện pháp quyết liệt hơn, như thay thế luật phòng chống tham nhũng bằng luật “tiêu diệt tham nhũng”, các quan chức chính quyền phải kê khai tài sản và công bố một cách nghiêm túc, những tài sản bất minh không thể chứng minh nguồn gốc phải bị tịch thu. Họ khẳng định phải xem cuộc chiến chống tham nhũng là chuyện sống còn với cả quốc gia.
https://www.voatiengviet.com/a/thac-si-chong-tham-nhung-o-vn-lo-bich-hay-muon-con-hon-khong/4515847.html

Bộ Công an Việt Nam tổ chức lại bộ máy

Chiều 7/8, Bộ Công an Việt Nam tổ chức họp báo về việc triển khai Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an và sơ kết công tác công an 6 tháng đầu năm 2018.
Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an chủ trì buổi họp báo.
Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thông tin được quan tâm nhất là thông báo rằng tổ chức bộ máy của cơ quan Bộ Công an gồm các đơn vị cấp cục, so với bộ máy tổ chức cũ giảm 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.
Ở Công an địa phương sáp nhập 20 Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy vào Công an tỉnh, thành phố và tinh gọn tổ chức Công an cấp tỉnh, cấp huyện, giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội.
Trang web chính phủ Việt Nam nói theo Nghị định định số 01/NĐ-CP được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành hôm 06/08/2018, về cơ bản chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an không thay đổi.
”Xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của Bộ Công An,” Thiếu tướng Lương Tam Quang khẳng định trong buổi họp báo.
Ông Quang cũng cho hay: “Đây là cuộc cách mạng lớn của Bộ Công an, thực hiện đúng chủ trương của Đảng”.
Theo Nghị định, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an sẽ không tổ chức cấp Tổng cục, thực hiện tinh gọn các cơ quan của Bộ Công an thành đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45102208

Những bất lợi cho nhà cầm quyền VN hiện nay

Nguyễn Ngọc Già
Với tình hình hiện nay, những hình ảnh và phát ngôn dưới đây sẽ vô vàn bất lợi.
“Diễn sâu”
Đó là khái niệm dùng cho lãnh vực nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng.
Tuy nhiên, sau này nghĩa “diễn sâu” biểu lộ sự giễu nhại dành cho những màn diễn, thoạt xem qua ngỡ là nhập vai, nhưng chỉ cần để ý một chút, người xem nhận ra ngay tính chất “thô và phô” của nó. Đồng thời nghĩa “diễn sâu” còn nhằm mục đích phê phán “tác giả và diễn viên” đang quá coi thường khán thính giả trong lãnh vực nghệ thuật.
Trang facebook của Luật sư Lê Luân, ngày 5/8/2018 có status ngắn với tựa “xã hội diễn cảnh” [1], trong đó đưa những tấm ảnh hai viên công an nam và hai viên công an nữ đang cùng nhau giúp đỡ hai bà già bị ngã xe đạp cùng những trái cam rớt xuống đường. Sáu nhân vật trong ảnh cho thấy, sự việc diễn ra tại hai địa điểm khác nhau, nhưng cùng chuyển đến một thông điệp dễ hiểu: Giới công an là những người luôn có mặt mọi nơi giúp dân.
Tấm hình cho thấy “tay nghề” của “nhiếp ảnh gia” và những “người mẫu ảnh” rất thô vụn và ngây ngô, như nhiều phản hồi đã chỉ ra, ví dụ như: cam được sắp xếp “ngay hàng thẳng lối”; tại sao cứ phải là cam mà không là thứ khác? Tại sao cứ phải là một nam và một nữ công an trong mỗi tấm ảnh? Tại sao cứ phải là bà già ngã xe đạp? Công an cũng có thể giúp dân nhiều việc khác, đâu phải cứ đỡ người và lụm cam?! v.v… Những bức ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng, bởi nó đoạt giải thưởng nhiếp ảnh gì đó.
Liên quan đến những bức ảnh, trang facebook “Dân chủ cho Việt Nam”, ngày 07/8/2018, ngay lập tức “truy lùng” thông tin [2] và trình ra cho độc giả lai lịch của bà già ngã xe đạp của một trong hai tấm ảnh nói trên. Dù không biết độ chính xác tới đâu, nhưng trong đó cho biết, bà già tên là Nguyễn Thị Lửng, sinh năm 1949 hiện là hội viên hội Cựu Chiến Binh Việt Nam, do ông Trần Hanh ký. Dường như, thông tin này càng giúp cho “thế lực thù địch” có thêm chứng cớ để thuyết phục độc giả rằng, giới công an và truyền thông đang mải miết… “diễn sâu” (!).
Bộ VH-TT-DL cùng Bộ TT-TT với quyền bộ trưởng mới vừa thay thế ông Trương Minh Tuấn nên coi lại “tác phẩm này” gắn với thông tin mà RFA cho biết [3], ông Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, ở xã Bàn Tân Định 1, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang qua đời vào trưa ngày 2 tháng 8 năm 2018. Ông Anh – theo gia đình cho biết – bị chết trong khi làm việc với công an và gia đình của nạn nhân cho rằng có sự khuất tất trong vụ án mạng này. Và cái chết của ông Hứa Hoàng Anh không phải là cái chết đầu tiên bị nghi ngờ do phía công an gây ra.
Phát ngôn
Trang facebook có tên Bùi Long Quân ngày 02/8/2018 đăng tải một video clip với độ dài hai phút, do một phóng viên phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Phúc [4] trong tư cách Thủ tướng, xung quanh vấn đề “Luật Đặc Khu”, trong đó ông Phúc phát ngôn: “Nhật Bản và Trung Quốc là những đất nước lãnh đạo của chúng ta” – Một phát ngôn rất tai hại.
Phát ngôn như vậy không dành cho những chính khách chuyên nghiệp, đặc biệt trong tình hình Việt Nam hiện nay, mà lẽ ra ông Nguyễn Xuân Phúc nên hiểu rõ trong tư cách Thủ tướng của một quốc gia.
Trong một diễn biến cũng liên quan đến đất đai và rất nóng hiện nay – vụ đất tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức – Hà Nội, cựu đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho biết [5]: “…Thư gửi qua “Chuyển phát nhanh”, song đến nay đã hơn 2 tháng mà chẳng một ai hồi âm hay phúc đáp cả! Cụ Kình nhờ tôi hỏi giúp việc này. Tôi có điện hỏi bà Lê Thị Nga, được bà cho biết là chưa nhận được, và đề nghị tôi nhắn cụ Kình gửi lại cho riêng bà, đừng gửi cho ai khác…”, dù lá thư của công dân Lê Đình Kình viết từ hôm 28/5/2018.
Bà Lê Thị Nga được biết là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thuộc Quốc hội nước CHXHCNVN. Vì lẽ đó, với tư cách một “đại biểu nhân dân”, bà Nga không được bảo rằng “chưa nhận được” và cũng không được phép bảo công dân Lê Đình Kình “gửi lại cho riêng bà, đừng gửi cho ai khác”. Đó không phải là tư duy của một công bộc đang nhận lương từ dân, đặc biệt công bộc Lê Thị Nga lại có chuyên môn thuộc lãnh vực”pháp trị”.
Tốt nhất, bà Lê Thị Nga hãy yêu cầu bộ phận văn thư hành chánh (tức cấp dưới của bà) trả lời cho bà biết để xử lý.
[1} https://www.facebook.com/luatsuluanle[2] https://www.facebook.com/danchuvanhanquyen/?hc_ref=ARTSI_d-8cd5e8zOG_FVIR6lE08gVKGQyklfgWnrlSRRFglPiKLiDEtozGIM0Nm1078&fref=nf[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/one-vietnamese-citizen-dead-when-police-investigated-relating-protests-08062018085253.html[4] https://www.facebook.com/builong.quan[5] https://baotiengdan.com/2018/08/06/khung-hoang-dong-tam-chia-khoa-giai-quyet-dang-nam-trong-tay-ai/* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/government-faces-disadvantages-08072018113800.html

Mở rộng điều tra vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình

Ông Bùi Trọng Đắc, giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo và là chủ tịch hội đồng thi Trung Học Phổ Thông 2018 của tỉnh Hòa Bình bị xem xét trách nhiệm tại cuộc họp của Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình ngày 6 tháng 8.
Tuy nhiên Ban cán sự Đảng UBND tỉnh này thống nhất chưa tạm đình chỉ công tác ông Đắc trong vụ việc gian lận chấm thi tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Một lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình cho báo Thanh Niên biết đây là việc liên quan tới công tác cán bộ nên sẽ do Thường vụ Tỉnh ủy quyết định.
Trước đó, khi bắt đầu có dư luận về điểm thi bất thường tại tỉnh này, ông Bùi Trọng Đắc khẳng định kết quả thi tại Hòa Bình là trung thực, khách quan và nhấn mạnh mình sẽ chịu trách nhiệm về kết quả này.
Vào chiều ngày 2 tháng 8, ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình xác nhận có dấu hiệu bất thường trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.
Sáng ngày 3 tháng 8, Giám đốc Công an tỉnh Hoà Bình Phạm Hồng Tuyến cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, để điều tra những sai phạm tại Hội đồng thi THPT quốc gia năm 2018 của địa phương này.
Đến nay có 4 người trong Tổ chấm thi trắc nghiệm bị triệu tập gồm: Ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Hòa Bình; ông Đỗ Mạnh Tuấn – Hiệu phó Trường Lạc Thủy; ông Nguyễn Khắc Tuấn – cán bộ Sở GD&ĐT Hòa Bình; ông Đào Ngọc Thuật – Giáo viên Trường THPT Mường Bi.
Ông Nguyễn Tân Hưng – giáo viên Trường Trung học Đại Đồng cũng được mời đến Cơ quan điều tra.
Riêng ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục được mời đến Cơ quan An ninh để bàn giao tài liệu, máy tính của phòng để cơ quan này điều tra.
Ngoài Hòa Bình, vừa qua hai tỉnh Hà Giang và Sơn La cũng là những địa phương bị nêu có gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-edu-officials-of-hoa-binh-province-investigated-in-the-high-school-graduation-exam-fraud-08072018092421.html

Tố cáo tham nhũng qua điện thoại, email

Thanh tra Chính phủ hôm 7/8 cho biết đã hoàn thiện việc xử lý các thông tin tố cáo, phản ánh và tham nhũng qua điện thoại và hộp thư điện tử email.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ tháng 8/2018, Thanh tra Chính phủ nói đã trình Thủ tướng chỉ thị việc tăng cường ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó hoàn thiện Quy chế nắm tình hình, xử lý các thông tin tố cáo, phản ánh về tham nhũng qua điện thoại và hộp thư điện tử của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, hoàn thành báo cáo Chính phủ về minh bạch tài sản thu nhập năm 2017.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết Cục Phòng, chống tham nhũng (Cục VI) thời gian qua đã rất tích cực làm tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất được giao. Tuy vậy cơ quan này cần sớm báo cáo báo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để thực hiện một số nhiệm vụ phức tạp, vướng mắc. Cục Phòng, chống tham nhũng được nói cần phải nắm tình hình để có Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng cho sát yêu cầu thực tế.
Từ nhiều năm nay Cục Phòng, chống tham nhũng đã có 3 số điện thoại nóng và email để tiếp nhận tố cáo của người dân về tham nhũng. Được biết, dù số lượng cuộc gọi và phản ánh khá nhiều nhưng báo cáo tổng hợp của các bộ ngành và địa phương gửi về Thanh tra Chính phủ đều không có vi phạm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/inform-corruption-by-phone-and-email-08072018103642.html

Hơn 5600 văn bản trái luật trong năm 2017

Đã có hơn 5600 văn bản trái luật được ban hành tại Việt Nam năm 2017. Báo Tiền Phong trích nguồn tin riêng cho biết như vậy hôm 7/8 vào lúc Bộ Tư pháp có báo cáo gửi Thủ tướng chính phủ về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2017.
Cụ thể, qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền, các bộ, các cơ quan ngang bộ và địa phương đã phát hiện hơn 5600 văn bản trái pháp luật. Trong đó có hơn 1200 văn bản sai về thẩm quyền ban hành; hơn 3800 văn bản sai về căn cứ pháp lý, cách thức trình bày văn bản; và 574 văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Riêng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2017 đã phát hiện 157 văn bản trái luật về nội dung, thẩm quyền ban hành, gồm 26 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và 131 văn bản của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tin nói các văn bản trái luật về kinh tế đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư kinh doanh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-5600-unlawful-documents-were-issued-in-2017-08072018102820.html

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất

của Trung Quốc  trong ASEAN: Đáng mừng hay đáng lo?

Hòa Ái, phóng viên RFA
Vào cuối tháng 7 vừa qua, Đại sứ quán Trung Quốc cho biết Việt Nam đã vượt qua Malaysia, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN và sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế nhận định gì trước thông tin vừa nêu
Lập kỷ lục mới trong khối ASEAN
Số liệu ghi nhận mới nhất về quan hệ thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc được ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đưa ra hôm 26 tháng 7 cho thấy, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước, trong 6 tháng đầu năm 2018, ước đạt 66 tỷ đô la Mỹ (USD). Đây được cho là kỷ lục lần đầu tiên với mức kim ngạch thương mại trung bình hàng tháng vượt quá con số 10 tỷ USD.
Trong lãnh vực đầu tư, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc còn cho biết vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc (FDI) tại Việt Nam đã vượt mức 2,1 tỷ USD trong năm 2017, là con số cao nhất từ trước đến nay và hiện đang đứng thứ 6 trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 163 dự án mới, tổng vốn đầu tư đăng ký là 330 triệu USD, tính đến nửa đầu năm 2018.
Truyền thông quốc nội, những ngày vừa qua đăng tải ý kiến của một số các chuyên gia trong nước cho rằng đây là cơ hội tốt cho Việt Nam trong việc bổ sung thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, cũng như có cơ hội mới để ký kết các đơn hàng với những tập đoàn bán lẻ của Hoa Kỳ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đồng thời là cửa ngõ trong khối ASEAN thu hút các nhà sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc sang. Lý do được nêu ra vì Việt Nam có lợi thế về thuế suất, chi phí đất đai và giá nhân công thấp so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, theo như chuyên gia Max Brown, của Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Quốc tế Dezan Shira nhận định.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ hàng hóa khó xuất khẩu sang Mỹ sang các thị trường khác. Do đó, khả năng hàng hóa giá rẻ là có khả năng. Bởi vì không tiêu thụ ở Mỹ với giá cao thì bán giá thấp hơn. Và nếu Việt Nam biết buôn bán, chúng ta cầm cửa ngõ của ASEAN, chúng ta nên chớp lấy thời cơ này buôn bán với Trung Quốc
-Giáo sư Nguyễn Mại
Giáo sư Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư cũng nhận định với RFA đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam:
“Chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm cách tiêu thụ hàng hóa khó xuất khẩu sang Mỹ sang các thị trường khác. Do đó, khả năng hàng hóa giá rẻ là có khả năng. Bởi vì không tiêu thụ ở Mỹ với giá cao thì bán giá thấp hơn. Và nếu Việt Nam biết buôn bán, chúng ta cầm cửa ngõ của ASEAN, chúng ta nên chớp lấy thời cơ này buôn bán với Trung Quốc.”
Nhiều quan ngại bất lợi cho Việt Nam
Song song với những nhận định về các cơ hội tốt cho Việt Nam, Đài RFA ghị nhận có không ít ý kiến trái chiều của giới chuyên môn.
Báo giới Việt Nam dẫn lời của Chuyên gia kinh tế trưởng, thuộc Mekong Economics, ông Adam McCarty nói rằng Việt Nam có thể bị gộp với Trung Quốc khi bán hàng sang Mỹ và các thị trường khác trên thế giới, điển hình như mặt hàng thép xuất khẩu từ Việt Nam.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia từng làm việc trong Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc và là nhà quan sát tình hình kinh tế Việt Nam đưa ra nhận định đồng quan điểm với ông Adam McCarty:
“Trước mắt tôi chưa nhìn thấy cái lợi rõ ràng như thế nào. Bởi vì nếu Việt Nam trở thành một nơi tuồn hàng sang các nước khác trên thế giới, thì các nước khác sẽ áp thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng đó, đặc biệt là Mỹ. Chẳng hạn như Việt Nam đã để cho Trung Quốc tuồn thép, nhôm để xuất sang Mỹ và Mỹ đã quyết định áp thuế nhập khẩu lên hơn 250%.”
Hồi hạ tuần tháng 5 năm 2018, Bộ Thương mại Mỹ thông báo áp mức thuế chống bán phá giá 256,44% lên sản phẩm thép cuộn từ Việt Nam, nhưng có nguồn gốc Trung Quốc sau khi có kết luận rằng những sản phẩm này đã né tránh thuế chống bán phá giá của Mỹ.
Một vài chuyên gia kinh tế ở Việt Nam, mà Đài RFA trao đổi, còn nói rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI), đặc biệt đến từ Trung Quốc sẽ tạo ra sự cạnh tranh bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến sản xuất nội địa và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tuy gắn thương hiệu “Made in Vietnam”, nhưng thực chất chỉ mang lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà phần lớn đến từ Trung Quốc. Từ trong nước, Tiến sĩ Ngô Trí Long đưa ra nhận định của ông:
Giả sử Trung Quốc phát biểu là sẽ thông qua Việt Nam để làm một cầu nối, làm một bàn đạp để bán hàng hóa Trung Quốc. Nếu Việt Nam không cảnh giác, không thực thi đúng những cam kết với quốc tế, cũng như không công khai minh bạch đúng luật lệ quốc tế thì trước sau Việt Nam cũng bị loại ra khỏi thương trường quốc tế.”
Một điểm quan trọng đáng chú ý nữa mà Tiến sĩ Nicholas Chapman nêu lên, được Báo mạng Zing.vn dẫn lời là khi Việt Nam tăng cường xuất khẩu ra thị trường thế giới thì các công ty Trung Quốc có nhiều khả năng tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam, sẽ khiến cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc càng trở nên chênh lệch, có thể làm tình hình tệ hơn. Số liệu của Tổng Cục Hải quan ghi nhận Việt Nam đang chịu mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, ở mức cao 22, 7 tỷ USD trong năm 2017. Đại sứ quán Trung Quốc trong cuộc họp báo, vào ngày 26 tháng 7, cho biết hai nước đang làm việc về vấn đề thâm hụt thương mại này.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng nhấn mạnh về lãnh vực đầu tư, Việt Nam cần đặc biệt chú ý các nhà đầu tư Trung Quốc hầu như đầu tư bằng hình thức chuyển giao công nghệ vào thị trường Việt Nam các công nghệ lạc hậu, lỗi thời, có thể thấy qua những dự án bauxite ở Tây Nguyên, nhà máy nhiệt điện than, các nhà máy luyện thép…không mang lợi ích cho Việt Nam bao nhiêu, mà trái lại gây ra hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường.
Trả lời câu hỏi của RFA liên quan lo ngại của dư luận trong nước về yếu tố Trung Quốc sẽ đầu tư mạnh vào ba đặc khu kinh tế, nếu như Dự luật Đơn vị Hành chính-Kinh tế đặc biệt được Quốc Hội thông qua, Tiến sĩ Vũ Quang Việt phân tích:
Giả sử Trung Quốc phát biểu là sẽ thông qua Việt Nam để làm một cầu nối, làm một bàn đạp để bán hàng hóa Trung Quốc. Nếu Việt Nam không cảnh giác, không thực thi đúng những cam kết với quốc tế, cũng như không công khai minh bạch đúng luật lệ quốc tế thì trước sau Việt Nam cũng bị loại ra khỏi thương trường quốc tế
-Tiến sĩ Ngô Trí Long

“Các đặc khu đó, ví dụ như Vân Đồn thì cơ bản họ muốn mở ra để cho Trung Quốc sang đánh bạc. Và có thể cảnh trí ở đây đẹp ở miền Bắc, gần Vịnh Hạ Long thì Trung Quốc được quyền mua đất đai để làm địa ốc và được quyền nhượng lại cho con cháu của họ dài lâu trong 99 năm. Đó là một hình thức nhượng tô chứ còn gì nữa? Cảng ở Vân Đồn không phải là cảng nước sâu, thì làm sao trở thành một trung tâm cảng có thể cạnh tranh với Hong Kong và các nơi khác? Phú Quốc thì cũng vậy thôi. Khu vực đó làm gì có cảng nước sâu? Làm sao cạnh tranh được với Singapore? Rồi cũng là nơi đánh bạc thôi. Còn Bắc Vân Phong đúng là cảng nước sâu. Nhưng mục đích mở đặc khu ở Bắc Vân Phong làm gì trong một khu không có sản xuất gì cả và ở Việt Nam thì chỗ đó rất xa với Hà Nội và Sài Gòn, là các trung tâm tiêu thụ, mà có cảng Đà Nẵng rồi thì cần gì đến cảng ở Bắc Vân Phong. Chỗ đó có thể sẽ thành căn cứ quân sự của Trung Quốc.”
Cơ hội thoát Trung?
Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, trong một chương trình “Diễn đàn Kinh tế” mới đây với RFA cho rằng Việt Nam cần thiết bắt lấy cơ hội “Thoát Trung” trong bối cảnh mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra, với một số giải pháp mà ông đưa ra, trong đó chú trọng về giáo dục để nâng cao tay nghề và tăng năng suất lao động cũng như đánh giá lại vai trò của đầu tư nước ngoài, không ưu đãi bằng các biện pháp thiển cận, bất chấp môi sinh bị tàn phá…
Đài RFA cũng nghi nhận nhận định của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ, trong một bài viết đăng tải trên trang Facebook cá nhân, với lập luận “Việc Việt Nam lập các đặc khu, tham gia vào kế hoạch và thi hành các chính sách theo yêu cầu của Trung Quốc sẽ tự đẩy mình vào vòng tay của Trung Cộng”. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh rằng điều này chỉ đem lại sự thiệt thòi và một sự thua cuộc thấy được cho Việt Nam, và do đó Hà Nội càng thắt chặt mối quan hệ với Bắc Kinh thì sẽ tự rước họa cho chính mình.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-becomes-china-biggest-trading-partner-gained-or-lost-08062018143252.html

Chiến tranh thương mại:

Việt Nam ‘cần dứt khoát thoát Trung’

Trung Quốc đang có cuộc chiến thương mại gia tăng với Hoa Kỳ kể từ tháng Bảy, trong lúc có lo ngại tăng trưởng của các quốc gia khác bị ảnh hưởng.
Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc nói sẽ áp thuế mới lên 5.200 sản phẩm Hoa Kỳ nếu Washington tiến hành áp thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ đôla.
Từ Washington DC, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, bày tỏ quan điểm riêng về cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và tác động tới Việt Nam.
BBC:Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng nhắm vào Trung Quốc, EU và cả không ít các đối tác đồng minh như Canada, Hàn Quốc có vẻ đã thực sự bắt đầu. Hiện theo ông quan sát thì các giới chỉ trích chủ yếu ở Phương Tây nói gì về chính sách này của Tổng thống Trump?
Phạm Đỗ Chí: Chính phủ Donald Trump đã tuyên bố nhiều lần rằng thuế quan (tariffs) là cần thiết để cắt giảm thậm hụt mậu dịch với EU và các đồng minh khác như Canada, Nhật và Hàn Quốc.
Dĩ nhiên phương Tây chỉ trích và lên án mạnh mẽ thuế quan là chính sách thương mại dân túy (America First) và không khác gì chủ nghĩa bảo hộ (protectionism). Họ chống lại đương nhiên cũng vì quyền lợi quốc gia của họ.
Điều phấn khởi là Mỹ và EU mới đây đồng ý hoãn lại việc đánh thuế quan và thương lượng để tháo gỡ rào cản thương mại. Đây phải là dấu hiệu rất khích lệ.
Nếu cuộc chiến lan rộng nó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và mọi quốc gia khác trên thế giới, vì giá sản phẩm sẽ tăng cao hơn cho mọi người tiêu thụ.Phạm Đỗ Chí
BBC: Mục đích thực sự đi xa hơn ngoài các biểu quan thuế khổng lồ nhắm vào hàng Trung Quốc của ông Trump là gì?
Thuế quan Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc nhắm vào việc cắt giảm thâm hụt mậu dịch, bảo vệ tài sản trí tuệ, để tạo nền thương mại công bằng (fair trade).
Ông Trump đã hứa nhiều lần ngay lúc còn là ứng cử viên TT năm 2016. Và ông cương quyết giữ lời hứa này. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lan rộng, người ta cũng hiểu rằng đây không phải là cuộc chiến hoàn toàn về kinh tế mà còn về chính trị và quân sự để tái xác định siêu cường số một của Hoa Kỳ, kiểu “một hòn đá hạ hai con chim”, trước tham vọng bá quyền công khai toàn cầu của Trung Quốc.
BBC:Có quan điểm ở Việt Nam lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam, có quan điểm khác vui mừng thấy Bắc Kinh bị tổn thươn. Vậy thái độ nào và hành động nào là phù hợp hơn cả vào lúc này?
Phải nói ngay là một thành phần nhỏ đang thiên về Trung Quốc và muốn Trung Quốc chiến thắng. Một cách thẳng thắn, tôi phải đưa ra ngay một thí dụ là có hẳn một nhóm trí thức, có cấp bằng Cao học hay Tiến sĩ, đang nghiên cứu việc thành lập và quản trị 3 đặc khu kinh tế và hành chính theo hướng làm lợi cho Trung Quốc, mong muốn Trung Quốc làm đầu tàu hướng dẫn “phát triển Việt Nam”. Họ kêu gọi cả người viết tham dự nhiều buổi hội thảo ở Hà nội hay Paris từ dạo đầu năm và nhờ mời thêm một số cựu lãnh đạo Mỹ đảng Dân chủ. Tất nhiên lương tâm một con dân gốc Việt bắt tôi phải từ chối.
Những dấu hiệu hiện tại chưa cho thấy rõ Việt Nam bị thiệt hại hay hưởng lợi bao nhiêu trong cuộc chiến thương mại này. Song nếu cuộc chiến lan rộng nó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam và mọi quốc gia khác trên thế giới, vì giá sản phẩm sẽ tăng cao hơn cho mọi người tiêu thụ.
Nhưng quan trọng nhất là về phương diện tiền tệ, sự phá giá của tiền đồng VNĐ theo đuôi một cách bắt buộc tiền Nhân dân tệ —giống như trường hợp nhiều nước Đông Nam Á khác đang chịu cùng áp lực để giữ cạnh tranh cho hàng hoá, sẽ tạo nhiều áp lực khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Đơn cử một trường hợp nợ ngắn hạn bằng USD mà các nước này đã mượn trong 5-7 năm qua vì lãi suất Mỹ thấp. Nay lúc tiền Mỹ lên giá mạnh, gánh nợ ngắn hạn sẽ đưa các nước này vào khủng hoảng tiền tệ. Thí dụ của Thái Lan các năm 1997-98 còn rõ trong trí nhớ nhiều chuyên gia: tiền baht đã mất nửa giá từ 25 baht/$1 xuống 50 baht/$1; và cố gắng bảo vệ tỷ giá đã làm tiêu tan sạch cả khối dự trữ quốc gia hàng trăm tỷ đô của ngân hàng trung ương nước này.
Lối ứng xử khôn ngoan của Việt Nam là hãy dứt khoát thoát Trung, hướng theo thế giới tự do bằng những cải cách thể chế cấp thiết.TS Phạm Đỗ Chí
Tham vọng bá quyền ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông và toàn cầu phải khiến Việt Nam lo ngại cho tương lai bị Hán hóa. Nếu Hà Nội đứng về phía Bắc Kinh, tiếp tay với Trung Quốc tránh né thuế quan của Mỹ bằng cách xuất khẩu qua những Đặc khu Kinh tế đang theo đuổi, Mỹ sẽ làm cho Việt Nam thiệt hại bằng trừng phạt trả đũa. Nên nhớ Mỹ hiện đang có thâm hụt mậu dịch với Việt Nam. Và Mỹ sẽ gây áp lực giảm nó.
Do đó, lối ứng xử khôn ngoan của Việt Nam là hãy dứt khoát thoát Trung, hướng theo thế giới tự do bằng những cải cách thể chế cấp thiết mà giới trí thức và các tổ chức xã hội dân sự đã đề xuất trong vài năm nay. Và khôn ngoan điều chỉnh guồng máy sản xuất theo hướng thị trường Âu Mỹ đòi hỏi để nắm được thời cơ mới do cuộc thương chiến toàn cầu gây ra.
Về tiền tệ, nếu tiền đồng giảm tới mức 24,500-25,000 VNĐ/$1, đó sẽ là áp lực tiền tệ đã nêu trên. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đừng cố bảo vệ tỷ giá bằng cách dùng khối dự trữ ngoại tệ như hiện nay: con số ít ỏi trên 70 tỷ đôla (tuy là kỷ lục cho Việt Nam) sẽ có thể bay mất trong vòng 1 tháng do nhu cầu dân chúng và giới đầu cơ quốc tế.
TS Phạm Đỗ Chí muốn cám ơn Kỹ sư Dương Chí Thành về vài góp ý quan trọng cho bài phỏng vấn.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-45083424

Việt Nam xuất khẩu dầu do ‘tồn kho cao’?

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào cuối tháng Tám trước nguồn tin cho rằng nguyên nhân là do lượng hàng tồn kho cao.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có công suất 200.000 thùng/ngày, hiện đang hoạt động ở 55% công suất, Giám đốc điều hành, ông Turki Al-Ajmi, nói với Reuters.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam cho phép xuất khẩu các sản phẩm dầu sản xuất trong nước, Reuters nhận định.
Cơ sở này, khi hoạt động với công suất tối đa, sẽ cung cấp khoảng 720.000 mét khối (560.000 tấn) dầu mỏ và 150.000 tấn hóa dầu mỗi tháng, tạo tác động đáng kể đến thị trường trong nước và khu vực, ông Turki Al-Ajmi nói.
Nghi Sơn dự kiến sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, đã bán các lô xăng và dầu diesel đầu tiên vào tháng Bảy.
VN bắt thêm bốn người liên quan đến vụ dầu khí
Đường 9 đoạn ‘ăn vào 67 lô dầu khí VN’?
Nga khai thác dầu khí ở vùng biển Việt Nam
‘Căng thẳng biển Đông ảnh hưởng hoạt động của PVN’
Nghi Sơn, cùng Dung Quất – hiện hoạt động với công suất 130.000 thùng/ngày từ năm 2009 – có thể đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nhiên liệu của Việt Nam về các sản phẩm nhiên liệu tinh chế.
Phó Tổng giám đốc Công ty Lọc dầu hóa Nghi Sơn, ông Đinh Văn Ngọc nói với Reuters rằng quá trình khởi động nhà máy “diễn ra suôn sẻ mà không gặp bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào.”
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được thiết kế chủ yếu để tinh chế dầu thô nhập khẩu từ Kuwait.
Việt Nam đang phải vật lộn để duy trì sản lượng dầu thô và khí đốt trong bối cảnh sản lượng từ các mỏ trọng điểm giảm và áp lực từ Trung Quốc trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Dự án lọc dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư lên tới 9 tỷ đô la, nằm ở phía nam Hà Nội, có 35,1% vốn thuộc Idemitsu Kosan Co của Nhật Bản, 35,1% của Kuwait Petroleum, 25,1% của PetroVietnam và 4,7% của Mitsui Chemicals Inc.
Nghi Sơn sẽ bán tất cả các sản phẩm xăng, dầu và khí đốt hóa lỏng cho thị trường địa phương, trong khi các sản phẩm khác, bao gồm hóa dầu, sẽ được xuất khẩu, ông Ngọc nói.
Việt Nam đã nhập 5,56 triệu tấn nhiên liệu tinh chế trong năm tháng đầu năm 2018, tăng 11% so với một năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
Xuất khẩu do tồn kho?
Trước đó, hãng tin Reuters đưa tin Lọc dầu Nghi Sơn xin phép chính phủ cho xuất khẩu do tồn kho cao và do các hợp đồng nhập khẩu đã ký trước đây khiến nhu cầu nhiên liệu trong nước bị hạn chế.
Các đề xuất này được đưa ra khi nguồn cung dầu dự kiến sẽ ‘chảy’ từ các dự án mới của Malaysia và Trung Quốc. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tăng công suất lên hơn 50% kể từ đầu năm nay và điều này góp phần vào việc tồn kho cao.
Một trong ba nguồn tin giấu tên nói với Reuters: “Chúng tôi đã bán một phần sản lượng nhiên liệu cho thị trường địa phương, nhưng thương nhân địa phương và người tiêu dùng không thể tiêu thụ tất cả các sản phẩm của chúng tôi vì họ đã đặt hàng dài hạn với các nhà cung cấp quốc tế, nên việc tiêu thụ các sản phẩm dầu thương mại chính thức của chúng tôi bị đình lại.”
Bộ Công Thương chưa có bình luận gì về việc này.
Sản lượng dầu nhập khẩu của Việt Nam trong tháng Bảy giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2016, theo số liệu của Thomson Reuters Eikon.
Dự trữ nhiên liệu ở mức cao trong bối cảnh tiêu thụ trong nước thấp và sản lượng dầu tinh chế tăng cao, một nguồn tin từ ngành công nghiệp tinh chế dầu tại Việt Nam cho Reuters hay.
“Việt Nam đang dư thừa dầu diesel và xăng. Doanh số bán xăng đặc biệt tệ hại với mức chiết khấu rất lớn”, nguồn tin này bổ sung.
‘Ưu tiên sử dụng xăng dầu Nghi Sơn’
Trước đó, dự án Lọc dầu Nghi Sơn từng đội vốn từ 6,1 tỷ đô la lên 9,2 tỷ đô la khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gặp khó do không có cơ sở pháp lý để rót thêm tiền, theo VnExpress.
Việc này từng đẩy Lọc dầu Nghi Sơn vào nguy cơ vỡ nợ nếu PVN không hoàn thành thủ tục góp vốn, do các bên cho vay sẽ không giải ngân.
Dự án Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng hàng loạt ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm.
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm.
Đầu tháng Năm, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã cho ra đời dòng xăng dầu thương mại đầu tiên, xuất xưởng hơn 5.000 m3 xăng RON92.
Về lo ngại sản phẩm của Nghi Sơn sẽ “ế”, tại cuộc họp giao ban trực tuyến sáu tháng giữa Chính phủ và địa phương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đề xuất các bộ, ngành cần có chính sách hạn chế nhập khẩu xăng dầu để ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này, vẫn theo VnExpress.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45093770

Vì sao ba đặc khu là cách TQ ‘gây áp lực’ với VN?

Ba đặc khu ở Việt Nam ‘có vị trí’ trong một ‘Trật tự mới’ về chính trị và địa chính trị mà Trung Quốc đang thiết lập trong khu vực và ở Biển Đông mà Trung Quốc biết rõ giá trị nên đang ‘tạo áp lực mạnh’ với Việt Nam, theo một nhà sử học và Trung Quốc học.
Nếu áp lực này dẫn đến thành công, thì Trung Quốc giành ‘thắng lợi’, còn nếu Việt Nam ‘không chịu khuất phục’, thì Trung Quốc sẽ gặp rủi ro là ‘mắt xích đầu tiên’ của Con đường Tơ lụa trên Biển do Trung Quốc vạch ra và đang thi triển sẽ bị ‘đứt đoạn’, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine nói với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư mùa Hè này ở Warsaw, thủ đô Ba Lan.
“Ba đặc khu ở Việt Nam là một cách mà Trung Quốc làm áp lực với Việt Nam từ đất liền ra biển. Ngoài biển, họ làm áp lực từ Hoàng Sa và Trường Sa, tất nhiên là họ qua cái đó, họ làm cho Việt Nam sợ,” nhà nghiên cứu Trung Quốc học nói.
‘Đổ tiền cho đặc khu có rủi ro tầm quốc gia’Trung Quốc phải làm sao để Việt Nam chịu phục tùng và nếu Việt Nam chịu phục tùng, thì họ thắng. Việt Nam không chịu phục tùng thì có thể cái mắt xích đầu của ‘Con đường Tơ lụa’ trên biển có thể bị đứtGiáo sư Ngô Vĩnh Long
Luật đặc khu: Chưa xét trong phiên họp tháng 8
Từ sáp nhập Hà Nội liên hệ tới Luật Đặc khu
“Nếu Việt Nam sợ mà không dám có ý kiến khác với Trung Quốc, thì những nước khác mà không bị thiệt hại bằng Việt Nam, họ nói anh Việt Nam bị thiệt hại như vậy mà không làm gì, thì tại sao chúng tôi phải đưa cổ ra để chống lại chiến lược của Trung Quốc là bao vây Biển Đông và bao vây Việt Nam.”
Bình luận về điểm đáng bàn về mặt địa chính trị của ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn trong liên hệ với điều được cho là Trật tự mới Trung Quốc (Pax Sinica), Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
“Duyên hải của Việt Nam gần như chạy dọc hết vùng Biển Đông, mà Trung Quốc muốn đi qua Ấn Độ Dương và từ Ấn Độ Dương đi sang Phi Châu, sang Âu Châu, thì phải đi qua Biển Đông.
“Bây giờ Trung Quốc muốn bắt nạt Việt Nam, và nếu Việt Nam sợ, mà Trung Quốc có thể chiếm Biển Đông hay là cưỡng bức một phần nào Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ có thể từ đó bành trướng ra các nước khác, mà quan trọng nhất là Việt Nam.
“Trung Quốc phải làm sao để Việt Nam chịu phục tùng và nếu Việt Nam chịu phục tùng, thì họ thắng. Việt Nam không chịu phục tùng thì có thể cái mắt xích đầu của ‘Con đường Tơ lụa’ trên biển có thể bị đứt.”
Hạt nhân Trật tự TQ và thế đứng VN
Bình luận về hạt nhân chính trong Trật tự mới của Trung Quốc (Pax Sinica) ở khu vực, đặc biệt liên quan tới Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:
‘Tôi hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng về ba đặc khu’
Ba lý do khiến Luật đặc khu ‘có thể được thông qua’
Vị trí đặc khu ‘xứng đáng có tương lai khác’
“Ngày xưa Pax Sinica bắt buộc các nước khác là chư hầu theo Trung Quốc, rồi sau này, Trung Quốc là một nước lớn, thì từ Hải Nam đi xuống dưới thì phải qua cửa ngõ của Biển Đông. Mà cửa ngõ ở Biển Đông, cửa ngõ ngoài biển và cửa ngõ trên đất liền là do Việt Nam thủ giữ.
“Thành ra phải làm sao cho Việt Nam chịu mở cửa thì Trung Quốc mới thành công để bành trướng ra các nước khác, đó là lý do tại sao mà Trung Quốc đã rất ‘hùng hổ’ trong hơn mười năm qua ở vùng Biển Đông.”
Nếu Việt Nam vận động thế giới, hay VN cho biết rằng thế giới cần VN để mới có thể có an ninh trên Biển Đông và qua đó là an ninh các khu vực khác, thì các nước khác sẽ ủng hộ VNGiáo sư Ngô Vĩnh Long
Trước câu hỏi, nếu trong toàn bộ Trật tự mới đó của Trung Quốc, có một nhân tố nào đó có thể gây ảnh hưởng, rủi ro tới an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có thế ứng xử và thế đứng ra sao, nhà sử học từ Đại học Maine nói:
“Trước hết Việt Nam không phải là nước độc nhất chống đối Trung Quốc, Biển Đông rất quan trọng trong vấn đề di chuyển của thế giới. Chúng ta đã biết là khoảng 60% hàng hóa di chuyển trên biển là qua vùng Biển Đông.
“90% của tất cả các hàng hóa đó đi dọc theo bờ biển Việt Nam, cho nên thế đứng của Việt Nam là nếu Việt Nam vận động thế giới, hay Việt Nam cho biết rằng thế giới cần Việt Nam để mới có thể có an ninh trên Biển Đông và qua đó là an ninh các khu vực khác, thì các nước khác sẽ ủng hộ Việt Nam.
“Nhưng Việt Nam phải vận động tích cực, chứ không phải là cứ ‘thò ra, thụt vào’, nếu làm như vậy, mấy nước khác sẽ nói là họ không phải là những nước bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp, mà Việt Nam bị đe dọa trực tiếp mà không làm gì, bây giờ họ không có cách gì để làm khác nếu như Việt Nam không ủng hộ họ,” Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45088355

Việt Nam mất 500 triệu đô la Mỹ do mã độc

Việt Nam bị thiệt hại 542 triệu tám trăm ngàn đô la Mỹ, tương đương 12 300 tỉ đồng vào năm ngoái vì các cuộc tấn công máy tính bằng mã độc.
Thông tin này được các chuyên gia đưa ra tại một hội thảo ở Hà Nội hôm 31/7 vừa qua do hiệp hội này phối hợp với Đại sứ quán Israel tổ chức.
Tại hội thảo, ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam cho biết có đến 50% các cơ quan và tổ chức ở Việt Nam không thể phát hiện kịp thời khi hệ thống máy tính của mình bị tấn công. Các tay tin tặc xâm nhập những hệ thống máy tính để đánh cấp thông tin, bí mật của nhà nước, bí mật kinh doanh, thông tin cá nhân, chiếm quyền kiểm soát hệ thống máy tính…
Điều rất đáng lo, theo ông Khánh là các phương tiện mà bọ tin tặc sử dụng là rất hiện đại.
Theo thông tin của Báo Người lao động tại Việt Nam, trích dẫn nguồn từ một công ty an ninh mạng thì chỉ trong sáu tháng đầu năm 2018, đã có hơ 1 tỉ file, email, các đường dẫn web site bị nhiễm mã độc được phát hiện ở Việt Nam. Con số này được cho biết là cao nhất Đông Nam Á.
Trong bối cảnh Việt Nam vừa thông qua luật An ninh mạng vào tháng 6 vừa qua, người đại diện Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam cho rằng công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng tại Việt Nam đang đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Theo ông Vũ Quốc Khánh, các cơ quan doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực đầu tư về nhân sự trong ngành công nghệ thông tin, phối  hợp làm việc giữa các doanh nghiệp và hiệp hội.
Luật an ninh mạng mới của Việt Nam dù được chính phủ nói là để đảm bảo an toàn mạng cho người dùng nhưng lại bị giới chỉ trích cho rằng được đặt ra để bóp nghẹt tự do internet, khi yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng trao cho cơ quan an ninh thông tin người sử dụng mà không cần lệnh tòa án.
Luật này là một trong những lý do làm bùng nổ những cuộc biểu tình lớn vào ngày 10/6 vừa qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/loss-bcs-of-malwares-08072018082745.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.