Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 05/08/2018

Sunday, August 5, 2018 10:42:00 AM // ,

Tin khắp nơi – 05/08/2018

Hoa Kỳ cảnh báo Nga và Trung Cộng vì

đề nghị xóa bỏ biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn

Washington DC – Hôm nay 4 tháng 8, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng cảnh báo Nga, Trung Cộng, và một số quốc gia vì đề nghị xóa bỏ biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn, đang được thực hiện để buộc Bắc Hàn phải từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.Ông Pompeo đưa ra ý kiến trên sau khi một báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc cho thấy Bắc Hàn không những không chấm dứt các chương trình hỏa tiễn và nguyên tử, mà còn vẫn vi phạm lệnh trừng phạt Liên Hiệp Quốc, trong đó có việc vận chuyển sản phẩm xăng dầu bất hợp pháp. Phát biểu bên lề một Diễn Đàn An Ninh Châu Á tại Singapore, ông Pompeo nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ có được những báo cáo mới và đáng tin cậy, viết rằng Nga cũng đang vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, bằng cách cho phép các công ty Nga liên doanh với các công ty Bắc Hàn, đồng thời cấp giấy phép làm việc mới cho công nhân Bắc Hàn. Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ sẽ “rất nghiêm túc” xem xét mọi sự vi phạm, kêu gọi thế giới lên án đề nghị của Nga và Trung Cộng.
Reuters cho biết một báo cáo kéo dài 6 tháng của một nhóm chuyên gia độc lập, giám sát việc thực hiện biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, đã được đệ trình lên Ủy Ban Trừng Phạt Bắc Hàn thuộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tối hôm qua. Trong báo cáo dài 149 trang, nhóm chuyên gia viết rằng Bình Nhưỡng tiếp tục thách thức các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, thông qua sự gia tăng lớn trong việc vận chuyển sản phẩm xăng dầu bất hợp pháp, cũng như việc vận chuyển than trên biển trong năm 2018. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-canh-bao-nga-va-trung-cong-vi-de-nghi-xoa-bo-bien-phap-trung-phat-doi-voi-bac-han/

Ngoại trưởng Mỹ thăm Indonesia

để củng cố quan hệ song phương

Trọng Nghĩa
Ghé thăm Jakarta, chặng cuối trong vòng công du Đông Nam Á lần này, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc tiếp xúc vào hôm nay 05/08/2018 với tổng thống Indonesia Joko Widodo, sau khi hội đàm với đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi vào hôm qua. Ngoài các vấn đề song phương, hai bên còn đề cập đến chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương mới của Mỹ, và đặc biệt là hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Theo lời ngoại trưởng Indonesia, trong cuộc gặp giữa hai ông Pompeo và Widodo, hai bên đã thảo luận về vấn đề Triều Tiên, đặc biệt là về sự kiện Bắc Triều Tiên sẽ tham dự Á Vận Hội sắp mở ra tại Jakarta, với việc tổng thống Indonesia đã gởi thư mời lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đến Jakarta dự lễ khai mạc.
Nhân buổi gặp, tổng thống Indonesia còn đề nghi Mỹ tiếp tục duy trì Jakarta trong danh sách các nước được hưởng chế độ ưu đãi thuế quân của Mỹ. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại thứ tư và đối tác đầu tư thứ sáu của Indonesia. Vào tháng 07 vừa qua, Jakarta đã cấp tốc gởi một phái đoàn qua Mỹ để vận động Washington duy trì quan hệ thương mại tốt vào lúc mối đe dọa chiến tranh thương mại bùng lên.
Riêng trong buổi hội đàm hôm qua giữa hai ngoại trưởng, theo ghi nhận của nhật báo Singapore The Straits Times, bà Retno Marsudi đã thảo luận với đồng nhiệm Mỹ về khái niệm đang được Hoa Kỳ thúc đẩy là kiến tạo một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.
Phía Indonesia đã nhắc lại một số điểm mà Jakarta cho là nguyên tắc chủ đạo trong việc phát huy vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đó là không loại trừ bất kỳ nước nào, rộng mở, ưu tiên cho hợp tác, có thói quen đối thoại, và đặc biệt là tôn trọng luật pháp quốc tế và tính chất trung tâm của Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180805-ngoai-truong-my-tham-indonesia-de-tang-cuong-quan-he-song-phuong

Đệ nhất phu nhân Melania ủng hộ ngôi sao bóng rổ

sau lời lăng mạ của Trump

Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania Trump lên tiếng ủng hộ LeBron James hôm thứ Bảy sau khi Tổng thống Donald Trump đả kích ngôi sao bóng rổ NBA này trên Twitter bằng những lời lẽ dè bỉu trí tuệ của anh.
Một phát ngôn viên của bà Melania Trump nói trong một thông cáo rằng James “đang nỗ lực làm những việc tốt” với một ngôi trường mới mà anh tài trợ dành cho trẻ em chịu thiệt thòi ở thành phố Akron, bang Ohio. Phát ngôn viên này nói thêm rằng đệ nhất phu nhân “sẵn lòng đến tham quan” ngôi trường.
“Có vẻ như LeBron James đang nỗ lực làm những việc tốt thay mặt cho thế hệ kế tiếp của chúng ta và như bà ấy vẫn luôn làm, Đệ nhất Phu nhân khuyến khích tất cả mọi người đối thoại cởi mở về các vấn đề mà trẻ em ngày nay phải đối mặt,” phát ngôn viên của đệ nhất phu nhân Stephanie Grisham nói trong một thông cáo.
Phát biểu của bà được đưa ra vài giờ sau khi tổng thống đả kích James trên Twitter và dè bỉu trí tuệ của anh, khơi ra những tuyên bố phản bác và tuyên bố ủng hộ thay mặt cầu thủ bóng rổ này.
Sau cuộc phỏng vấn của người dẫn chương trình Don Lemon của đài CNN với James trong tuần này về ngôi trường mới mở của anh, ông Trump tweet: “LeBron James vừa được phỏng vấn bởi gã dốt nhất trên truyền hình, Don Lemon. Anh ta làm cho Lebron sáng dạ, một điều không dễ làm đâu.”
Ông Trump dường như cũng bày tỏ sự ủng hộ của ông dành cho Michael Jordan, huyền thoại bóng rổ thường được so sánh với James trong cuộc tranh luận ai là cầu thủ NBA lỗi lạc nhất.
Jordan lên tiếng ủng hộ James vào ngày thứ Bảy, nói rằng ngôi sao NBA này đang “làm một việc tuyệt vời cho cộng đồng của anh ấy.”
Lemon phỏng vấn James về trường tiểu học “I Promise” (Tôi hứa) của anh tại Akron được khánh thành trong tuần này. Trường này được lập ra để phục vụ hơn 200 trẻ em gặp nhiều nguy cơ và gia đình của các em.
James, một ngôi sao lâu năm của đội Cleveland Cavaliers và gần đây đã kí hợp đồng với đội Los Angeles Lakers, cũng chỉ trích ông Trump trong cuộc phỏng vấn với CNN, nói rằng tổng thống đang sử dụng thể thao để tìm cách “chia rẽ” nước Mỹ.
Bà Melania hồi tháng 5 đã ra mắt cương lĩnh chính thức của bà trong vai trò đệ nhất phu nhân. Chương trình này, có tên là “Be Best,” tập trung vào trẻ em với ba trọng tâm chính là phúc lợi, chiến đấu với nạn lạm dụng chất opioid và hành vi tích cực trên mạng xã hội.
https://www.voatiengviet.com/a/de-nhat-phu-nhan-melania-ung-ho-ngoi-sao-bong-ro-sau-loi-lang-ma-cua-trump/4513942.html

Mỹ ‘không can dự’

vào vụ mưu sát tổng thống Venezuela

Một quan chức Nhà Trắng hôm 5/8 bác bỏ cáo buộc cho rằng Hoa Kỳ đứng sau âm mưu ám sát sử dụng thiết bị không người lái, đúng lúc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại một sự kiện quân sự hôm 4/8.
“Tôi có thể dứt khoát nói rằng hoàn toàn không có sự dính líu của chính phủ Mỹ vào chuyện này”, ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nói trên chương trình “Fox News Sunday”, theo Reuters.
Đề cập tới chuyện tham nhũng và đàn áp tràn lan ở Venezuela, ông Bolton cũng cho rằng chính quyền của ông Maduro có thể đứng sau vụ nổ.
Cố vấn an ninh quốc gia này nói rằng không loại trừ khả năng chính quyền của ông Maduro “dựng lên” vụ này, đồng thời cho biết thêm rằng không có công dân Mỹ nào bị thương trong vụ nổ.
“Nếu chính phủ Venezuela có thông tin cụ thể cho thấy khả năng vi phạm luật hình sự Mỹ mà họ muốn trao cho chúng tôi, chúng tôi sẽ nghiêm túc xem xét”, ông Bolton nói.
Theo Reuters, ông Maduro thường chỉ trích Mỹ, vốn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Venezuela, “âm mưu” tìm cách lật đổ ông để chấm dứt gần hai thập kỷ thực thi chủ nghĩa xã hội ở quốc gia Nam Mỹ này.
Một nhóm ít tiếng đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công hôm 4/8. Ông Maduro không bị thương trong vụ nổ.
Venezuela hiện đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trong năm thứ năm liên tiếp, gây ra nhiều hệ lụy ở nước này và khiến hàng chục nghìn người bỏ nước sang Colombia và Brazil.
https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-can-du-vao-vu-muu-sat-tong-thong-venezuela/4514504.html

Venezuela: Maduro ‘thoát vụ tấn công drone’

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro nói ông thoát vụ ám sát liên quan đến một chiếc drone mang theo chất nổ.
Ông Maduro đang diễn thuyết tại một sự kiện quân sự ở Caracas khi vụ tấn công xảy ra.
Đoạn băng ghi hình cho thấy tổng thống đột nhiên nhìn lên phía trên – giật mình – và hàng chục binh sĩ bỏ chạy.
Venezuela: Maduro thắng nhiệm kỳ hai
Venezuela: Cấm đối lập tranh cử năm 2018
Tổng thống Venezuela kêu gọi đối thoại
Venezuela: Trump cảnh báo Maduro
Ông Maduro quy trách nhiệm cho Colombia về vụ tấn công nhưng Bogota nói đó là cáo buộc “vô căn cứ”.
Bảy người lính bị thương, và nhiều người sau đó bị bắt, chính quyền Venezuela cho hay.
Vụ này xảy ra thế nào?
Ông Maduro phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 81 năm thành lập quân đội quốc gia.
Hai chiếc drone nạp chất nổ đã nổ tung gần nơi tổng thống đứng, Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodriguez nói.
Venezuela kêu gọi bầu tổng thống sớm
Venezuela sẽ nâng lương tối thiểu 40%
Lệnh trừng phạt của Mỹ với Venezuela ‘vẫn tiếp tục’
Ông Maduro sau đó phát biểu: “Một vật thể bay phát nổ gần tôi gây ra một vụ nổ lớn. Vài giây sau đó là vụ nổ thứ hai.”
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các vệ sĩ dùng khiên chống đạn che chắn cho ông Maduro.
Ông Maduro cáo buộc nước láng giềng Colombia và các phần tử ở Mỹ xúi giục “một âm mưu cánh hữu” để ám sát ông.
Ông nói thêm rằng mình “tin chắc rằng” Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos “đứng sau vụ tấn công này”.
Nhà lãnh đạo Venezuela, người trước đây đã cáo buộc Hoa Kỳ âm mưu chống lại ông, không đưa ra bằng chứng nào cho cáo buộc.
Ông Rodriguez cáo buộc phe đối lập cánh hữu của Venezuela thực hiện vụ tấn công.
“Sau khi khi thua cuộc bầu cử, họ lại tiếp tục thất bại”, Rodriguez nói.
Ông ám chỉ cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5/2018, sự kiện mà ông tái đắc cử thêm nhiệm kỳ sáu năm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45073980

Brazil: Cựu TT Lula

được chỉ định ra tranh cử dù đang bị tù

Thanh Hà
Ngày 04/08/2018, đảng Lao Động Brazil chính thức chỉ định cựu lãnh đạo Lula da Silva ra tranh cử tổng thống vào tháng 10/2018, cho dù ông đang bị cầm tù vì tội tham nhũng.
Tám năm sau khi rời khỏi chiếc ghế tổng thống, ông Lula vừa được đảng Lao Động chỉ định đại diện cho đảng này để ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Tuy nhiên, gần như chắc chắn là tư pháp Brazil sẽ bác đơn ra tranh cử của ông Lula.
Bầu cử tổng thống Brazil năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày mồng 7 và 28/10/2018. Bị giam từ tháng 4, với bản án 12 năm tù vì tội tham nhũng, nhưng cựu tổng thống Lula, 72 tuổi, hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận, với khoảng 30% tỷ lệ ủng hộ. Thành tích này cao gấp đôi so với các đối thủ khác bên cánh tả Brazil.
Đọc thêm : Brazil : Lula, nạn nhân của nền dân chủ còn mong manh
Hai nhiệm kỳ tổng thống (2002-2010) của ông Lula da Silva được xem là một chu kỳ kinh tế thịnh vượng, với tỷ lệ tăng trưởng trên dưới 4% một năm. Tổng thống Lula được mệnh danh là một nhà lãnh đạo “xả thân vì những người nghèo khó”.
Nhờ chính sách trợ cấp xã hội của ông, hàng triệu người dân Brazil thoát khỏi cảnh bần cùng. Nhưng từ đó tới nay, Brazil rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180805-brazil-dang-bi-cam-tu-cuu-tong-thong-lula-duoc-chi-dinh-ra-tranh-cu

Trung Quốc: Studio của Ngải Vị Vị bị phá hủy

Nghệ sĩ bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc nói nhà chức trách Bắc Kinh phá hủy studio của ông.
Trong một loạt clip đăng trên Instagram cho thấy căn xưởng cũ bị phá hủy, Ngải Vị Vị nói rằng ông không được báo trước’về quyết định này.
Một studio khác của ông ở Thượng Hải đã bị phá hủy năm 2011. Ông cũng cho biết thời điểm đó mình không nhận được cảnh báo nào.
Ngải Vị Vị: ‘Nghệ thuật là phản kháng’
Ngải Vị Vị và chính sách bán sỉ của Lego
Vì sao vẽ Mao?
Trung Quốc bác chỉ trích về Lưu Hiểu Ba
Nghệ sĩ 66 tuổi này sống ở Đức kể từ khi rời Trung Quốc năm 2015. Ông là nhà chỉ trích mạnh mẽ chính quyền Trung Quốc.
Trên Instagram, ông nói “vĩnh biệt” không gian nghệ thuật mà ông sử dụng từ năm 2006.
Một trong những trợ lý của Ngải Vị Vị nói với AFP rằng hợp đồng thuê nhà hết hạn năm ngoái nhưng họ “đơn giản là không thể” chuyển đi vào thời điểm đó vì một lượng lớn tác phẩm đang để ở đó.
Người này nói rằng họ không được cảnh báo về thời điểm phá hủy studio.
Trung Quốc đáp trả Mỹ về vụ Lưu Hiểu Ba
TQ kiểm duyệt bài viết ‘tiêu cực’ về Bắc Kinh
Trung Quốc tảo mộ ‘ảo’
Trung Quốc xử tù chung thân ông Tôn Chính Tài
Là con trai của Ngải Thanh, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Trung Quốc, Ngải Vị Vị thiết kế sân vận động ‘Tổ Chim’ của Bắc Kinh cho Thế vận hội 2008 nhưng từ đó ông trở thành nhà chỉ trích thẳng thắn chính quyền Trung Quốc.
Ông bị bắt giam vài tháng vào năm 2011 và bị tịch thu hộ chiếu. Sau đó ông đến sống ở Berlin vào năm 2015.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45073981

Thương mại:

Trung Quốc lại tố cáo Mỹ “bắt chẹt”

Thanh Hà
Sau khi Trung Quốc loan báo việc chuẩn bị áp thuế trên 5.200 mặt hàng nhập từ Mỹ để trả đũa việc Washington đòi đánh thuế thêm trên hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ, Hoàn Cầu Thời Báo ngày 04/08/2018 đánh giá là Bắc Kinh đã đưa ra những biện pháp “chừng mực và hợp lý” để trả đũa điều bị tờ báo gọi là hành vi “bắt chẹt” của Washington.
Bộ Thương Mại Trung Quốc vừa quyết định lập danh sách 5.200 sản phẩm của Mỹ, trị giá 60 tỷ đô la, và Bắc Kinh dự trù đánh thuế từ 5 đến 25 % trên các mặt hàng này.
Theo tờ báo, đây là biện pháp nhằm đáp trả việc chính quyền Trump đòi đánh thuế trên 200 tỷ hàng Trung Quốc bán sang Mỹ. Đối với Hoàn Cầu Thời Báo: “Áp lực tối đa và hành vi bắt bí của Nhà Trắng đã quá rõ ràng”, có điều việc “bắt chẹt Trung Quốc là phương pháp không có hiệu quả”.
Tại Washington, trong một loạt tin nhắn qua Twitter ngày 04/08/2018 tổng thống Mỹ Donald Trump đã tự ca ngợi chính sách bảo hộ do ông đề xuất khi cho rằng : việc đánh thuế nhôm và thép của Trung Quốc đang đem lại “tác động tích cực to lớn cho nền công nghiệp luyện kim” của Hoa Kỳ (…), “đem về những khoản tiền khổng lồ cho đất nước (…).
Còn về chính sách đánh thuế nhập khẩu nhắm vào hàng Trung Quốc, nguyên thủ Mỹ khẳng định: “Hàng rào quan thuế sẽ giúp cho nước Mỹ giàu có hơn so với ngày hôm nay. Chỉ có những người ngu mới bất đồng về chuyện đó”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180805-thuong-mai-trung-quoc-lai-to-cao-my-bat-chet

Hạt hạnh nhân Mỹ ‘tuồn’ vào Trung Quốc

 qua ngả Việt Nam

Hàng chục nghìn tấn hạt hạnh nhân của Mỹ được cho là đã vào thị trường Trung Quốc qua ngả Việt Nam, trong khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn chưa hạ nhiệt.
Các nông dân sản xuất hạt hạnh nhân ở Mỹ, nhất là tại tiểu bang California, đang vấp phải khó khăn từ mọi phía. Giá loại hạt này đã giảm hơn 10% trong vòng hai tháng qua vì vụ mùa bội thu cũng như việc Trung Quốc áp thuế nặng, theo Wall Street Journal.
Tờ báo này đưa tin, tới gần đây, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu hạnh nhân lớn thứ hai của Mỹ sau Liên hiệp châu Âu.
Trung Quốc giờ áp thêm 50% thuế đối với hạt hạnh nhân nhập khẩu từ Mỹ, và một số doanh nghiệp Trung Quốc cho biết họ mua thêm hạt trồng ở trong nước và từ các nhà sản xuất của nước khác như Australia và châu Phi.
Theo Wall Street Journal, xuất khẩu hạnh nhân sang Trung Quốc vào tháng Sáu chỉ còn khoảng một nửa so với cùng kỳ một năm trước.
Tờ báo nói rằng trong khi phần lớn hạt hạnh nhân Mỹ được chuyển trực tiếp tới Trung Quốc qua đường chính ngạch hoặc qua Hong Kong, những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã đưa một lượng lớn loại hạt này vào Trung Quốc qua ngả Việt Nam bằng đường bộ.
Theo luật, các cư dân địa phương trên các tỉnh biên giới ở Trung Quốc được phép mang theo gần 1.200 đôla giá trị hàng hóa từ Việt Nam sang mà không phải trả thuế nhập khẩu.
Nhưng nay, hạt hạnh nhân đã bị loại khỏi danh sách miễn thuế theo chính sách áp dụng đối với các thị trấn vùng biên.
Wall Street Journal đưa tin rằng không có dữ liệu chính thức về khối lượng hạt hạnh nhân được vận chuyển qua biên giới từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Tờ báo này dẫn lời Hiệp hội hạt hạnh nhân của California ước tính rằng gần 20 nghìn tấn hạt Hoa Kỳ xuất sang Việt Nam tính tới tháng Bảy năm 2017 rốt cuộc đã được tiêu thụ ở Trung Quốc.
Trong cùng khoảng thời gian đó, Mỹ đã vận chuyển gần 64 nghìn tấn hạt này tới Trung Quốc và Hong Kong.
Về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại của Hiệp hội hạt Điều Việt Nam, cho rằng, “dù còn khá sớm để đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tuy nhiên nhiều khả năng hạt điều Việt Nam có thể được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh này”.
Hãng tin của nhà nước nói rằng “hiện Mỹ đang là một trong những quốc gia xuất khẩu hạnh nhân đứng đầu thế giới. Do vậy, nếu bị Trung Quốc áp thuế lên sản phẩm này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu sản phẩm này của Mỹ”.
“Trong khi đó, hạnh nhân chỉ là một trong 12 loại hạt trong các loại hạt quả khô quốc tế, có thể bị thay thế bằng loại hạt khác khi có giá nhập khẩu quá cao”, VNA nhận định.
“Đây sẽ là cơ hội để ngành điều Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhân điều vào thị trường Trung Quốc”.
Việc vận chuyển hàng hóa qua nước thứ ba là một phần tranh cãi trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hoa Kỳ hồi tháng Năm nâng mức thuế đánh vào thép từ Việt Nam mà Washington nói là xuất xứ từ Trung Quốc.
Hãng Reuters dẫn thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ đưa tin rằng hải quan nước này sẽ thu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam, nhưng sử dụng vật liệu nền xuất xứ từ Trung Quốc.
Thép chống gỉ từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 40%.
Bộ trên cũng tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tương tự đối với thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội từ Việt Nam vốn làm từ thép cán nóng từ Trung Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/hat-hanh-nhan-my-tuon-vao-trung-quoc-qua-nga-viet-nam/4514379.html

Hàn Quốc: Hàng chục ngàn phụ nữ biểu tình

chống camera quay lén

Thụy My
Một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại Seoul hôm 04/08/2018 đòi hỏi chính quyền Hàn Quốc mạnh tay hơn đối với « những người quay lén dưới váy phụ nữ ». Sự kiện này đã thu hút con số kỷ lục phụ nữ tham dự là 70.000 người, theo các nhà tổ chức.
Như vậy mặc dù trời nóng đến trên 37°C, đã có thêm 10.000 phụ nữ nữa tham gia các cuộc biểu tình diễn ra hàng tháng, kể từ tháng Năm. Phong trào phản kháng này ngày càng thu hút đông đảo phụ nữ Hàn Quốc, đã mạnh dạn lên tiếng sau làn sóng #MeToo.
Giới nữ xuống đường để tố cáo một hiện tượng được gọi là « molka » đang tăng lên : những video quay lén phụ nữ đang trong toa-lét, ở trường học, trên những chuyến tàu, trong phòng thử quần áo…Gần như mỗi ngày đều đọc thấy trên báo chí các vụ bắt quả tang những người đàn ông đang quay lén các cô, các bà.
Những kẻ biến thái lại là giáo viên, bác sĩ, mục sư, quan chức chính phủ, cảnh sát và thậm chí có cả một thẩm phán. Hầu hết thủ phạm khi ra tòa thường được lãnh án treo. Những người biểu tình đòi hỏi trừng phạt nặng nề hơn, và đóng các trang web phổ biến những video loại này.
Trên quảng trường Gwanghwamun hôm thứ Bảy 04/08, người biểu tình hô vang « Toa-lét nữ ở nước này chi chít camera quay lén ! ». Một số căng biểu ngữ « Chúng tôi không thể tiếp tục sống như thế », « Hàn Quốc, đất nước của camera quay trộm ». Họ kêu gọi chính quyền « trấn áp loại tội phạm này ». Đa số đội nón, đeo kính mát và khẩu trang để giấu mặt, do sợ bị trả thù hoặc quấy nhiễu trên internet.
Theo AFP, số vụ báo cảnh sát bị camera quay lén từ 1.100 năm 2010 đã lên đến 6.500 trường hợp vào năm ngoái.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180804-70-ngan-phu-nu-bieu-tinh-o-seoul-chong-camera-quay-len

Bắc Hàn: hành động phía Mỹ ‘đáng báo động’

Ngoại trưởng Bắc Hàn gọi hành động của Mỹ là “đáng báo động” khi hai bên lại có lời qua tiếng lại liên quan chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Ri Yong-ho đưa ra lời lẽ trên khi đáp lại ý kiến của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, người đã thúc giục các nước khác tiếp tục các áp lực đối với Bắc Hàn.
Một hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt giữa hai bên ở Singapore h tháng 6/2018 đã chứng kiến Bắc Hàn đồng ý hành động theo hướng phi hạt nhân hóa.
Bắc Hàn lại ‘triển khai tên lửa mới’
Bắc Hàn ve vãn TQ nhưng ‘muốn học VN’
Nhưng các chi tiết vẫn còn mơ hồ và Liên Hợp Quốc nói các chương trình hạt nhân của Bắc Hàn vẫn tiếp tục.
Tuy nhiên những gì đáng báo động là những động thái khăng khăng được thể hiện ở phía Mỹ muốn quay trở lại lề lối cũ, đi xa ý định của nhà lãnh đạo nước nàNgoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho
Tại một diễn đàn khu vực, cũng tại Singapore, ông Pompeo nói điều quan trọng là phải duy trì “áp lực ngoại giao và kinh tế” với Bắc Hàn để đạt được “việc phi hạt nhân hóa cuối cùng và có thể kiểm chứng đầy đủ”.
Bình Nhưỡng hiện đang chịu các biện pháp trừng phạt của quốc tế và Hoa Kỳ về các chương trình hạt nhân và thử nghiệm tên lửa.
Trao thư mới
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishna nói các thảo luận về chương trình hạt nhân của Bắc Hàn tại diễn đàn khu vực Asena có một số tin tốt lành.
Bắc Hàn vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân?
Bắc Hàn ‘bắt đầu tháo dỡ’ cơ sở thử vũ khí
“Mọi người nói rằng có một số tiến bộ và rằng cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore đã không làm thay đổi giọng điệu của các đối thoại” và ông hy vọng đi này sẽ giúp các bên trên đường “giải quyết hòa bình của các vấn đề còn tồn tại”, ông được hãng tin AFP dẫn lời nói.
Ông Pompeo nói ông hy vọng tất cả các nước tuân thủ các biện pháp cấm vận, và chỉ ra rằng có những tin tức nói Nga đã vi phạm lệnh cấm vận bằng việc cho phép hàng nghìn lao động Bắc Hàn vào nước này, điều mà Nga đã bác bỏ.
Đáp lại, ông Ri nói rằng Bắc Hàn “vững vàng” trong cam kết tại hội nghị thượng đỉnh tháng Sáu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Ông nói thêm: “Tuy nhiên những gì đáng báo động là những động thái khăng khăng được thể hiện ở phía Mỹ muốn quay trở lại lề lối cũ, đi xa ý định của nhà lãnh đạo nước này.”
Ông Ri và ông Pompeo chỉ đối mặt ngắn gọn, trao đổi nụ cười, bắt tay và có vài lời ngắn gọn.
Cũng tại cuộc họp hôm thứ Bảy 04/8, phái đoàn Mỹ đã gửi một lá thư từ ông Trump tới ông Kim.
Hiện chưa rõ nội dung của bức thư này là gì.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45070951

Báo cáo mật LHQ: Triều Tiên chưa ngừng

chương trình hạt nhân, phi đạn

Triều Tiên vẫn chưa đình chỉ các chương trình hạt nhân và phi đạn vi phạm các chế tài của Liên Hiệp Quốc, theo một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc mà hãng tin Reuters cho biết họ đã xem qua hôm thứ Sáu.
Báo cáo sáu tháng, được soạn thảo bởi các chuyên gia độc lập giám sát việc thi hành các chế tài của Liên Hiệp Quốc, được trình lên ủy ban chế tài Triều Tiên của Hội đồng Bảo an vào cuối ngày thứ Sáu, Reuters đưa tin.
“(Triều Tiên) vẫn chưa đình chỉ các chương trình hạt nhân và phi đạn của mình và tiếp tục thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an bằng việc gia tăng ồ ạt các vụ chuyển sản phẩm dầu mỏ phi pháp từ tàu này qua tàu kia, cũng như chuyển than trên biển trong năm 2018,” các chuyên gia viết trong bản báo cáo dài 149 trang, Reuters cho biết.
Hãng tin này nói phái bộ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc không hồi đáp yêu cầu bình luận về báo cáo.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết Triều Tiên đang hợp tác quân sự với Syria và vẫn đang tìm cách bán vũ khí cho phiến quân người Houthi ở Yemen.
Bình Nhưỡng cũng vi phạm một lệnh cấm hàng dệt may bằng cách xuất khẩu hơn 100 triệu đôla hàng hóa từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018 sang Trung Quốc, Ghana, Ấn Độ, Mexico, Sri Lanka, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Uruguay, báo cáo nói.
Báo cáo được đưa ra trong khi Nga và Trung Quốc gợi ý Hội đồng Bảo an thảo luận về việc giảm bớt các chế tài sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un hội kiến lần đầu tiên vào tháng 6 và ông Kim cam kết làm việc hướng tới giải trừ hạt nhân.
Mỹ và các thành viên khác trong hội đồng đã nói rằng phải thực thi nghiêm ngặt các chế tài này cho tới khi Bình Nhưỡng hành động.
Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc nói các vụ chuyển sản phẩm dầu mỏ phi pháp từ tàu này sang tàu kia trên vùng biển quốc tế đã “gia tăng về phạm vi, qui mô và độ tinh vi.” Họ nói một chiêu thức chính của Triều Tiên là tắt hệ thống theo dõi của tàu, nhưng Triều Tiên cũng đang cải trang các tàu và sử dụng các tàu nhỏ hơn.
Hội đồng Bảo an đã đồng lòng chế tài Triều Tiên kể từ năm 2006 trong một nỗ lực nhằm chặn đứng nguồn tài trợ cho các chương phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng, cấm các mặt hàng xuất khẩu bao gồm than, sắt, chì, đồ dệt may và hải sản, và giới hạn nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.
Các chuyên gia nói “hợp tác quân sự bị cấm chỉ với Cộng hoà Ả-rập Syria vẫn tiếp tục không suy giảm.” Họ nói rằng các kĩ thuật viên Triều Tiên tham gia vào các hoạt động phi đạn đạn đạo và các hoạt động bị cấm khác đã đến thăm Syria vào năm 2011, 2016 và 2017.
Báo cáo cho biết các chuyên gia đang điều tra các nỗ lực của Bộ Thiết bị Quân sự Triều Tiên và Công ty Mậu dịch Khai khoáng Triều Tiên (KOMID) nhằm cung cấp vũ khí thông thường và phi đạn đạn đạo cho nhóm phiến quân người Houthi ở Yemen.
Một nước, không được nêu tên, cho các chuyên gia xem một bức thư đề ngày 13 tháng 7 năm 2016 từ một thủ lĩnh người Houthi mời người Triều Tiên đến gặp gỡ tại Damascus “để thảo luận vấn đề chuyển giao công nghệ và các vấn đề khác đôi bên cùng quan tâm,” theo bản báo cáo.
Các chuyên gia nói rằng tính hữu hiệu của các chế tài tài chính đang bị “các hành vi gian trá” của Triều Tiên làm suy yếu một cách có hệ thống.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-mat-lien-hiep-quoc-trieu-tien-chua-ngung-chuong-trinh-hat-nhan-phi-dan/4513888.html

Syria: Không quân Nga

oanh kích Daech tại miền nam

Trọng Thành
Hôm qua 04/08/2018, không quân Nga mở một đợt tấn công lớn nhiều vào nhiều vị trí của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở tỉnh miền nam Soueida, nằm sát biên giới với Jordani. Theo các nhà quan sát, đợt không kích này là nhằm chuẩn bị cho một chiến dịch mới nhằm vào các lực lượng Daech tại tỉnh chiến lược này.
Thông tín viên Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :
« Theo một số nguồn tin quân sự Syria, hôm thứ Bảy này, không quân Nga đã khởi sự một ‘‘đợt không kích dữ dội’’ chống lại nhiều vị trí của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại vùng sa mạc phía đông bắc tỉnh Soueida, miền nam Syria.
Các oanh tạc cơ Nga đã liên tục thả bom tại hẻm núi chiến lược Safa, nơi xuất phát của đợt tấn công của Daech, ngày 25/07, khiến hơn 250 người thiệt mạng tại Soueida. Đợt không kích này nhằm dọn đường cho một chiến dịch mới của quân đội Syria nhắm vào một căn cứ địa của Daech, đe dọa các tuyến đường hướng về Irak ở phía đông, và Jordani, ở phía nam.
Trang mạng Al-Masdar News, nhìn chung được thông tin tốt, cho biết quân đội Syria đã huy động nhiều lực lượng nhằm tăng viện cho đợt tấn công mới này. Chiến dịch diễn ra sau khi quân đội Syria trong tuần vừa qua đã xóa xổ căn cứ cuối cùng của quân thánh chiến tại Yarmouk, thuộc tỉnh miền nam Daraa, nằm sát cao nguyên Golan ».
Daech giết hại một con tin người Druze
Vẫn về tình hình tại tỉnh miền nam Syria, Soueida, theo truyền thông địa phương, Daech đã hành quyết một trong số hàng chục con tin người Druze bị bắt giữ trong đợt tấn công ngày 25/07. Cộng đồng người Druze, một nhánh của hệ phái Hồi Giáo Shia, là cư dân chiếm đa số tại tỉnh Soueida. Daech không tuyên bố nhận trách nhiệm, nhưng gia đình của nạn nhân, một sinh viên 19 tuổi, cho biết đã nhận được ảnh và video về vụ hành quyết nói trên.
Tổ chức Daech vốn nổi tiếng về việc sử dụng các vụ hành quyết man rợ như một phương tiện tuyên truyền, tuy nhiên, theo một tổ chức phi chính phủ, đây là lần đầu tiên sau một thời gian khá dài, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo trở lại với biện pháp này.
Theo Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, vụ hành quyết xảy ra sau khi đàm phán giữa chính quyền Damas và Daech thất bại.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180805-syria-khong-quan-nga-oanh-kich-daech-tai-mien-nam

Iran: Dân chúng lo ngại hậu quả

từ biện pháp trừng phạt của Mỹ

Thanh Hà
Hai ngày trước khi biện pháp trừng phạt Teheran do Washington ban hành có hiệu lực, biểu tình chống lạm phát tiếp tục diễn ra tối hôm qua, 04/08/2018 tại nhiều thành phố ở Iran. Đây là đêm thứ năm liên tiếp mà biểu tình nổ ra.
Theo thông tín viên đài RFI Shiavos Ghazhi tại Teheran, người dân Iran rất lo ngại trước tình trạng đồng rial trượt giá, kinh tế sa sút.
“Đồng Rial tuột dốc đương nhiên tác động đến vật giá, đặc biệt giả cả những mặt hàng thiết thực nhất với đời sống hàng ngày tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Ông Hossein là chủ một cửa hiệu ngay tại khu chợ của thành phố. Khu chợ này được lập ra để bán hàng rẻ cho người dân Iran. Ông cho biết giá các sản phẩm làm ra tại Iran trong hai tháng qua tăng ít nhất là 40%. Đối với những mặt hàng ngoại quốc nhập vào Iran, thì giá cả tăng lên thêm từ 100 đến 150%. Sức mua của người dân Iran giảm mạnh. Hàng hóa bán ra bị giảm đi phân nửa vì hiện tượng đời sống đắt đỏ này.
Vật giá leo thang, các hoạt động kinh tế bị xấu đi là những yếu tố gây lo ngại cho dân chúng ở đây. Họ chờ đợi là tình hình còn xấu đi thêm nữa một khi biện pháp của Mỹ trừng phạt Iran bắt đầu có hiệu lục kể từ 0giờ, ngày Thứ Ba, mồng 7 tháng 8.
Fatemeh, một phụ nữ độ 50 tuổi, không có việc làm, đi chợ với con gái, đã than phiền: Ở đây cái gì cũng đắt. Tôi đi chợ nhưng nhiều gian hàng trống rỗng. Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó ? Tôi cũng chẳng biết nữa.
Chính quyền Iran có đưa ra một số biện pháp để ngăn chận đồng tiền bị mất giá và kềm hãm lạm phát, không có kết quả. Nhiều người dân Iran lo ngại rằng với đợt trừng phạt mới của Mỹ, đời sống càng thêm chật vật. Đó chính là lý do khiến nhiều cuộc biểu tình liên tục diễn ra tại nhiều thành phố ở các tỉnh trên toàn quốc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180805-iran-dan-chung-lo-ngai-hau-qua-tu-bien-phap-trung-phat-cua-my

Nóng dữ khiến đỉnh núi cao nhất Thụy Điển mất chóp

Trọng Thành
Đợt nóng dữ dội tại vùng Bắc cực trong những ngày gần đây gây nhiều hậu quả bất ngờ tại Thụy Điển. Bên cạnh nhiều trận cháy rừng lớn, nhiều người Thụy Điển sững sờ khi đỉnh núi cao nhất Thụy Điển đột ngột tụt xuống hàng chục centimét. Tháng 7/2018 vừa qua là tháng nóng chưa từng thấy trong lịch sử quốc gia Bắc Âu này.
Thông tín viên Frédéric Faux tường trình từ Stockholm :
Tại một quốc gia tương đối bằng phẳng như Thụy Điển, đỉnh nam rặng núi Kebnekaise ở miền bắc đất nước là một niềm tự hào dân tộc. Đỉnh núi cao hơn 2.100 mét này từng là đỉnh cao nhất của vương quốc Bắc Âu. Hàng năm hơn 10.000 người leo lên đỉnh Kebnekaise, và dưới chân núi là một tuyến đường mòn được rất nhiều người lui tới.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã khiến người khổng lồ Thụy Điển phải chịu thua, cho dù ngọn núi này nằm bên trong vùng Bắc Cực. Từ hai thập niên nay, băng sơn trên đỉnh núi đã ngày càng thu hẹp lại do các đợt nóng vào tháng Bảy. Năm nay, đỉnh Kebnekaise đã mất đi mỗi ngày 14 centimét.
Kết cục không tránh khỏi đã được đại học Stockholm thông báo. Từ mấy ngày nay, băng sơn của đỉnh Kebnekaise không còn là điểm cao nhất của Thụy Điển nữa. Thay vào đó là một đỉnh núi khác ở phía bắc, không có băng bao phủ, có độ cao 2096 mét.
Sau các trận cháy rừng lịch sử tại Thuỵ Điển mùa hè năm nay, việc băng hà trên đỉnh Kebnekaise tan chảy nhắc với người Thụy Điển là, giống như phần còn lại của châu Âu, kể từ giờ họ cũng là nạn nhân của các đợt nóng mùa hạ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180805-oknong-du-khien-dinh-nui-cao-nhat-thuy-dien-mat-chop

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.