Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 26/06/2018

Saturday, June 23, 2018 6:50:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 26/06/2018

Bình Thuận khởi tố thêm

22 người tham gia biểu tình phản đối luật Đặc khu

Công an tỉnh Bình Thuận hôm 23/6 cho truyền thông trong nước biết cơ quan này vừa quyết định khởi tố thêm 22 người về tội Gây rối trật tự công cộng, Huỷ hoại tài sản và Chống người thi hành công vụ. Đây là những người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu hôm 10 và 11/6 vừa qua.
Như vậy, tính đến thời điểm này, công an Bình Thuận đã khởi tố tổng cộng 34 người về cùng tội danh trong vụ biểu tình vừa qua. Theo cơ quan công an, 33 người trong số này đã bị tạm giam, 1 người bỏ trốn
Báo chí trong nước trích thông tin từ công an tỉnh cho biết, tại cơ quan điều tra, các nghi phạm đều thừa nhận hành vi, tỏ ra ăn năn hối hận. Một số người cho biết đã được cho tiền để kích động, đập phá.
Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, Trưởng phòng tham mưu công an tỉnh Bình Thuận cho biết cơ quan này đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, củng cố hồ sơ để khởi tố thêm nhiều người.
Tại tỉnh Ninh Thuận, cơ quan cảnh sát điều tra thành phố Phan Rang – Tháp Chàm hôm 23/6 cũng cho biết đã bắt giam một người có tên Nguyễn Thị Như Hoà (44 tuổi) về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đây là nghi can thứ hai ở tỉnh này bị khởi tố về hành vi nói trên tính từ hôm 18/6 đến nay.
Liên quan đến cuộc biểu tình hôm 10 và 11/6, hàng ngàn người dân ở nhiều tỉnh thành đã đổ ra đường phố để phản đối dự luật đặc khu trong đó có điều khoản cho người nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm. Nhiều người lo lắng nếu luật được quốc hội thông qua, người Trung Quốc sẽ vào chiếm đất.
Công an và lực lượng an ninh đã được huy động để đàn áp các cuộc biểu tình ôn hoà. Tuy nhiên, tại Bình Thuận, cuộc biểu tình sau đó đã biến thành bạo động khi hàng trăm người biểu tình tràn vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân tỉnh, đập phá, đốt xe. Một số người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát.
Sau cuộc bạo động ở Bình Thuận, công an đã triệu tập nhiều người để điều tra. Một nhân chứng ở Bình Thuận, người đã tham gia biểu tình và ném đá cảnh sát là anh Nguyễn Minh Kha, 18 tuổi, cho đài ACTD biết anh đã bị công an điều tra đánh đập đến thương tích nặng. Hiện anh đã phải vào Sài Gòn để điều trị. Tuy nhiên, công an địa phương cho báo chí biết Kha đã bỏ trốn khỏi địa phương và phát lệnh truy nã.

Chức sắc Cao Đài tố cáo Công an địa phương đánh đập

trước đối thoại nhân quyền Việt – Úc

Một chức sắc Cao Đài ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho Đài Á Châu Tự Do biết ông đã bị công an địa phương mặc thường phục đến nhà vào chiều ngày 22/6, đánh đập đến bất tỉnh rồi cắt râu của ông.
Người bị đánh là ông Hứa Phi, chánh trị sự đạo Cao Đài, đồng Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn. Nói với đài ACTD qua điện thoại vào tối ngày 23/6, ông Hứa Phi cho biết:
“Lúc 17 giờ người ta kêu cửa, tôi mới vừa mở thì người ta ập vào người ta đánh. Người ta đánh rất là thê thảm. Người ta mặc đồ thường thôi. Nhưng người ta gọi người ta bảo muốn trao đổi chút xíu. Lúc đó tôi đang ăn cơm. Tôi bảo chờ chút xíu. Tôi vừa mở cửa ra là người ta ập vô đánh liền. Đánh bất tỉnh xong, người ta cắt râu, cạo râu tôi. Xong hàng xóm thấy mới báo cho gia đình tôi. Gia đình tôi vô đem tôi về nhà nhưng đang đêm thì xe công an cản đường. Lẽ đương nhiên sự việc này là công an làm chứ không ai làm hết.’
Ông Hứa Phi cho biết ông không có hận thù với ai. Tuy nhiên ông đặt nghi vấn vụ đàn áp này có liên quan đến giấy mời ông mới nhận được từ Đại sứ quán Úc, mời ông lên Sài Gòn để gặp các viên chức đại sứ quán vào ngày 25/6 tới. Úc và Việt Nam sắp tổ chức đối thoại nhân quyền thường niên. Trước các đối thoại nhân quyền với Việt Nam,  viên chức đại sứ quán các nước thường mời những nhà hoạt động dân sự, đại diện tôn giáo đến để trao đổi tình hình.
Ông Hứa Phi cũng là người đã lên tiếng phản đối những đàn áp của chính quyền Việt Nam đối với các tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo cho người dân trong nước.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Hứa Phi bị đánh đập, sách nhiễu bởi công an. Trong tháng 1 vừa qua, ông đã liên tục nhận nhiều giấy mời và triệu tập lên gặp công an để trả lời việc đã ‘xúc phạm dân tộc và cung cấp tin tức không đúng sự thật’, nhưng ông đã từ chối không đi gặp vì cho rằng lý do nêu trên các giấy mời là sai.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế. Báo cáo lên án chình quyền Việt Nam tiếp tục kiểm soát, đàn áp những tổ chức tôn giáo không chịu sự kiểm soát của nhà nước. Việt Nam sau đó đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

Giám đốc công an Đà Nẵng sắp bị ‘giám sát tài sản’

Do không thể giải thích rõ ràng bằng cách nào mua nổi một căn biệt thự xa hoa, giám đốc công an thành phố Đà Nẵng sẽ bị “giám sát tài sản”.
Đây là thông tin do Bí thư thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tiết lộ hôm Thứ Sáu  22/06, trong một buổi tiếp xúc cử tri thành phố của các đại biểu quốc hội từ Đà Nẵng. Truyền thông trong nước đưa tin, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu và Sơn Trà, ông Nghĩa cho biết ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản đang cùng với đảng ủy công an trung ương thành lập một đoàn giám sát để “giám sát tài sản” đại tá Lê Văn Tam.
Dư luận tại Đà Nẵng từ hồi tháng 4 vừa qua xôn xao với những thông tin và hình ảnh trên mạng xã hội Facebook về căn biệt thự được lượng giá hơn 4 triệu Mỹ kim, tọa lạc trong khu vực gọi là “Làng biệt thự Euro Village” ven sông Hàn. Căn biệt thự được cho là của trùm bất động sản kiêm sĩ quan tình báo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm”, tặng cho đại tá Tam.
Lên tiếng với báo chí trong nước khi đó, ông Tam xác nhận căn biệt thự đúng là nơi cư ngụ của gia đình ông, nhưng không phải do Vũ “Nhôm” tặng. Nay căn biệt thự xa hoa của giám đốc công an Đà Nẵng lại thu hút chú ý của công luận một lần nữa, trong bối cảnh mới đây tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng tuyên bố, việc kê khai tài sản quan chức là rất khó và nhạy cảm vì liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân.
Tuyên bố của ông Trọng lập tức bị giới phân tích chỉ trích là mâu thuẫn và gian trá. Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận định, ông Trọng là người giương cao ngọn cờ chống tham nhũng. Việc kê khai tài sản quan chức là công cụ hữu hiệu nhất để phòng và chống tham nhũng, nhưng ông lại không muốn dùng đến. Tiến sĩ Nguyễn Quang A xác định, tuyên bố mới đây của ông Trọng chứng tỏ cái gọi là “chống tham nhũng” của ông ta chỉ là giả tạo, mà thật sự là cuộc đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản.
Huy Lam / SBTN

Tòa đại sứ CSVN tại Pháp

cũng can dự vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Cảnh sát Đức điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm Thứ Ba 19/06 tuần này công bố thêm nhiều chi tiết tại tòa án ở Berlin xét xử nghi can mật vụ CSVN Nguyễn Hải Long.
Theo báo mạng ThờiBáo.de, các chi tiết đáng chú ý mới được phanh phui bao gồm các cuộc xét nghiệm DNA đã xác nhận các vết máu loang trong chiếc xe bắt cóc là của Trịnh Xuân Thanh. Những cọng tóc tìm thấy trên chiếc xe Volkswagen T5 bảng số Cộng Hòa Czech là của cô Đỗ Thị Minh Phương, tình nhân của ông Thanh.
Một chi tiết khác có thể gây chú ý đối với người Việt Nam, đó là bộ trưởng công an CSVN Tô Lâm có số máy điện thoại di động với số đuôi 8888, vốn được coi là “số đẹp” mà nhiều người ở Việt Nam sẵn sàng trả những số tiền lớn để có được.
Cảnh sát điều tra Đức cũng cho biết, đã có một nhóm mật vụ CSVN từ Pháp sang Berlin, và nhóm này đã sử dụng những chiếc điện thoại cầm tay với sim của Pháp. Đặc biệt những sim điện thoại này đều được kích hoạt ngay trước vụ bắt cóc ít ngày, tại khu vực khuôn viên tòa đại sứ CSVN tại Paris. Chính vì khám phá này, giới hữu trách Đức nay nghi ngờ có sự can dự của tòa đại sứ CSVN tại Pháp trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Theo một nguồn tin từ nhà báo Bùi Tín đang sống tại Paris, chính phủ Pháp đang chuẩn bị trục xuất một viên chức tòa đại sứ CSVN tại Paris, nhưng danh tính nhân vật này chưa được tiết lộ.
Huy Lam / SBTN

Việt Nam khởi công

nhà máy điện mặt trời lớn nhất Châu Á

Ngày mai thứ bảy 23 tháng 6 Việt Nam khởi công nhà máy điện mặt trời Dầu tiếng 1 và Dầu tiếng 2 tại tỉnh Tây Ninh. Dự án Nhà máy điện mặt trời này được cho là lớn nhất Việt Nam và cả Châu Á.
Mạng Chính Phủ Việt Nam loan tin nói rõ thỏa thuận triển khai dự án nhà máy điện mặt trời Dầu tiếng 1 và Dầu tiếng 2 do Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Xuân Cầu của Việt Nam và đối tác Thái Lan- Công ty TNHH B. Grimn Power Public ký kết tại Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế lần thứ 8 diễn ra vào 15 và 16 tháng 6 tại Thái Lan.
Theo nội dung thỏa thuận, dự án điện mặt trời Dầu tiếng 1 và 2 với tổng mức đầu tư lên tới hơn 9.000 tỷ đồng có công suất dự kiến lên tới 2000 MW và được xây dựng trên đất bán ngập Hồ Dầu Tiếng, và sẽ vận hành vào năm 2019.
Công nghệ sử dụng được nói sẽ là công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực năng lượng điện mặt trời hiện nay.
Phát triển các dạng năng lượng điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió là một trong những mục tiêu được chính phủ Hà Nội cổ xúy. Tuy nhiên cho đến nay những dự án thuộc lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế. Trong khi đó nhiệt điện than bị cho gây ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục được triển khai ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam.
Mạng báo Thanh Niên vào ngày 22 tháng 6 loan tin dẫn tính toán của Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (Green ID) thì tính đến đầu năm ngoái, vốn đầu tư vào nhiệt điện than ở Việt Nam lên gần 40 tỷ đô la Mỹ. Trong số này 52% đến từ các ngân hàng nước ngoài và 31% không rõ nguồn. Số đến từ nước ngoài có đến phân nửa vay của Trung Quốc

VC Siết Kỹ Thêm Báo Quốc Nội

HANOI — Trong khi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị cho báo chí trong nước đối phó và “tẩy trắng” các thông tin ngoài luồng, một nhà báo về hưu từ Sài Gòn nói rằng thực tế giới báo chí trong nước không có quyền gì gọi là lên tiếng.
Bản tin VOA ghi lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đề nghị các phóng viên và nhà báo hãy “tích cực đưa tin phản bác những thông tin sai trái trên mạng xã hội” ngay trước ngày kỷ niệm Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Thủ tướng Phúc đưa ra lời kêu gọi này, chỉ một tuần sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật An ninh mạng – một dự luật bị nhiều người chống đối vì cho rằng luật này sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát thông tin trên mạng, đồng thời hạn chế các quyền con người và quyền công dân.
Trong buổi gặp mặt báo chí hôm 20/6 tại Hà Nội, người đứng đầu chính phủ Việt Nam gọi các nhà báo lão thành và những người đứng đầu các cơ quan báo chí là ‘đồng chí’, và ‘lưu ý’ họ rằng hiện nay “trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều với luận điệu sai trái, bị các đối tượng phản động lợi dụng”, theo truyền thông trong nước.
Thủ tướng Phúc đề nghị “báo chí phải chủ động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền” và “tích cực đưa tin phản bác.”
Ông Phúc cho rằng “các thông tin sai trái trên mạng xã hội cần được phản biện, phản bác công khai, kịp thời” để “củng cố niềm tin của nhân dân” và “giới đầu tư trong và ngoài nước.”
VOA cũng ghi nhận:
“Nhà nước Việt Nam gần đây đã thực hiện nhiều bước để siết chặt tự do trên mạng bằng cách yêu cầu Google và Facebook xóa bỏ những thông tin và clip mà chính quyền cho là ‘độc hại.’ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cuối năm ngoái cho biết Google và Facebook đã ngăn chặn và gỡ bỏ hàng nghìn video ‘xấu độc’ và các thông tin ‘bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.”
Hà Nội đã thành lập Lực lượng 47 với 10.000 “chiến sĩ đấu tranh trên mạng” để “phản bác các quan điểm sai trái” và Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng với chức năng “bảo vệ Tổ quốc.”
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017 vào cuối năm ngoái, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, nói “Việt Nam là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.” Nhưng cùng với đó là sức mạnh ngày càng lớn của những người dùng mạng xã hội, viết blog, đưa ra những quan điểm trái chiều với truyền thông chính thống.”
Trong khi đó, một bản tin trên BBC ghi lời người trong nước nói thẳng: ‘Báo chí trong nước đâu có quyền gì đâu’…
Một cựu phó tổng biên tập ở TP.SG nói với BBC rằng trách nhiệm báo chí Việt Nam “phải bảo vệ chế độ hợp lòng dân” nhân ngày 21/6.
Bản tin này ghi rằng hôm 21/6, trả lời BBC từ TP.SG ông Nguyễn Trung Dân, cựu phó tổng biên tập tờ Du Lịch, nói: “Thủ tướng nói vậy là cái lý của ông ấy.”
“Báo chí phải có trách nhiệm của họ. Đâu phải chế độ nào cũng đúng đâu.”
“Báo chí phải bảo vệ chế độ đúng, hợp lòng dân, còn không thì bảo vệ người dân.”
“Theo tôi thấy, báo chí trong nước bây giờ đâu có quyền gì đâu. Cũng khổ cho các tổng biên tập vì họ không có bản lĩnh gì. Tất cả phải tuân theo một chỉ đạo chung của Ban Tuyên giáo.”
Bình luận về sự việc các báo phải sửa phát ngôn của Chủ tịch Trần Đại Quang về luật Biểu tình mới đây, ông Dân cho biết: “Tôi cũng ngạc nhiên là vì ông Quang là lãnh đạo đương chức mà các báo dám sửa bài thì khiến mình đặt câu hỏi phải chăng ý của Ban Tuyên giáo khác ý của chủ tịch nước à?”
“Vụ này chứng tỏ đã có sự chỉ đạo thô lỗ, thô bạo với báo chí. Vì chức năng của báo chí là phản ánh trung thực, người làm báo không có quyền cắt xén lời của người ta.”
Về việc các báo không tường thuật các vụ biểu tình gần đây mà chỉ miêu tả đó là “tụ tập đông người”, cựu phó tổng biên tập nhận định: “Trong khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai nói thẳng đó là biểu tình thì các báo lại dùng lời lẽ dẫn người ta đi xa sự thật thì quá tệ.”
“Làm báo như vậy là bồi bút. Nếu báo chí cứ viết đúng sự thật thì người dân cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.”
“Còn với những bài viết về luật An ninh mạng và luật Đặc khu trên mặt báo thì Đảng quyết rồi, mọi thứ quyết hết rồi, báo chí chắc chắn phải nói theo Đảng thôi, làm sao nói khác được?”
“Vói chính thể Cộng sản thì họ không chấp nhận chuyện báo chí có tự do, nhiều chiều, khác với báo ở nước tư sản hoặc tại chính thể khác.”
“Nhưng lẽ ra là nhà báo thì anh không nói điều mà người ta bắt anh phải nói mà anh thấy đó là điều sai trái.”

Human Rights Watch kêu gọi Liên Âu

hỗ trợ người dân Việt Nam đòi nhân quyền

Ủy viên thương mại Liên Âu Cecilia Malmstroem vào ngày Thứ Hai 25/05 sẽ đàm phán với Bộ trưởng Công Thương CSVN Trần Tuấn Anh về việc hoàn tất Hiệp Định Thương Mại Tự Do Liên Âu – Việt Nam EVFTA. Tổ chức Human Rights Watch hôm Thứ Sáu 22/06 kêu gọi Liên Âu hãy nhân cơ hội này hỗ trợ người dân Việt Nam đòi hỏi những bước tiến về nhân quyền.
Liên Âu từng tuyên bố rằng chính sách thương mại của họ là một công cụ để thúc đẩy nhân quyền, phù hợp với thỏa ước thành lập và cam kết của các ngoại trưởng. Nhưng văn bản của thương ước chỉ có những điều khoản mơ hồ, có thể dẫn tới “những biện pháp đơn phương” để phản ứng với những vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Theo Human Rights Watch, vấn đề là những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đã diễn ra từ lâu và mang tính hệ thống. Nhà cầm quyền CSVN nằm trong số những chính phủ hà khắc nhất thế giới. Họ hạn chế nghiêm ngặt các quyền căn bản như tự do diễn đạt, lập hội, tụ tập và tôn giáo. Họ sở hữu và kiểm soát mọi phương tiện truyền thông trong nước và kiểm duyệt mạng Internet. Tòa án và tất cả các bộ đều thuộc quyền kiểm soát của đảng cộng sản. Nghiệp đoàn độc lập bị cấm, các tổ chức xã hội, tôn giáo và những nhóm độc lập khác bị cai quản chặt chẽ. Luật an ninh mạng được thông qua mới đây đòi hỏi các nhà cung cấp internet phải giao nộp thông tin về người dùng, xóa bỏ nội dung bị công an cho là không thích hợp, và ngưng cung cấp dịch vụ cho những người dùng bị nhà cầm quyền thù ghét. Những người đã xuống đường biểu tình chống luật này và luật đặc khu đã bị công an sách nhiễu, câu lưu và hành hung.
Human Rights Watch kêu gọi bà Malmstroem hãy nắm lấy cơ hội này, sử dụng quyền lực mặc cả đáng kể của Liên Âu để đòi hỏi CSVN chấp nhận những điều kiện rõ ràng với những hậu quả rõ ràng, nhằm thúc đẩy nhân quyền cho người dân Việt Nam.
Huy Lam / SBTN

Liệu phải lo khi Mỹ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ?

Chính quyền của tổng thống Donald Trump vào ngày 19 tháng 6 năm 2018 thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sau khi lên án thói “đạo đức giả” của một số quốc gia thành viên trong Hội đồng này.
Một làn sóng phản ứng nổ ra đối với quyết định đó của Washington. Giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam cũng có những phản ứng khác nhau liên quan vấn đề này.
Ý kiến trái chiều
Một luồng ý kiến cho rằng việc Hoa Kỳ ra khỏi Hội đồng Nhân Quyền (UNHRC) là một sự bất lợi lớn cho phong trào nhân quyền tại Việt Nam.
Facebooker Trịnh Hữu Long chia sẻ trên tài khoản cá nhân rằng: “Việc Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ là bất lợi lớn cho giới hoạt động nhân quyền thế giới nói chung và giới hoạt động Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh Kỳ Kiểm điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) sắp tới vào tháng 1/2019.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS chuyên lên tiếng cho những thành phần bị áp bức tại Việt Nam,  lại có ý kiến khác cho rằng việc tác động ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên nhân quyền Việt Nam là rất ít.
Ông nhận định: “ Vì khi Việt Nam ngồi trong cái ghế 2003 đến 2016 của UNHRC, thì trên nguyên tắc Việt Nam phải đại diện cho vấn đề chung về nhân quyền của thế giới, thì đáng ra Việt Nam phải tuân thủ, mà chúng ta biết Việt Nam vẫn có tù nhân lương tâm, vẫn đàn áp tôn giáo vẫn thực hiện tra tấn nên thành ra nó không ảnh hưởng gì hết.”
Đồng quan điểm này, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa- một cựu tù chính trị hiện sống tại Hải Phòng, giải thích:
“Nhiều người họ nghĩ rằng là Mỹ có tiếng nói rất quan trọng trong Hội đồng Nhân quyền LHQ và người cộng sản Việt Nam rất ngại tiếng nói của Hoa Kỳ, nhưng mà ta thấy tiếng nói của Hoa Kỳ tại Hội đồng nhân quyền LHQ ngày càng mất giá trị, bởi vì trong hội đồng LHQ còn có Nga, Trung Quốc. Vì vậy tôi nghĩ Mỹ rút khỏi hội đồng nhân quyền LHQ để phản đối cái chức năng, cái không được đảm bảo của hội đồng nhân quyền của quốc tế và nhân dân toàn quốc đặc biệt tại Việt Nam.”
Còn theo ý kiến của Facebooker Trịnh Hữu Long thì dù bị chỉ trích vì tính kém hiệu quả, nhưng Hội đồng Nhân quyền vẫn là cơ chế nhân quyền tốt nhất mà nhân loại từng có. Theo anh này thì việc Mỹ bỏ đi sẽ khiến những thành viên khác như Trung Quốc và Nga có thể thao túng Hội đồng, và còn có thể đưa ra các nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền hay không?
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng điều đó chỉ là một phần nào, ông cho biết thêm “Tại các buổi họp của hội đồng này, nếu như có tiếng nói của Hoa Kỳ , thì chúng ta có thêm được một cái phương tiện để chúng ta nêu vấn đề nhân quyền tại Việt Nam tại UNHRC, tuy nhiên đây không phải là cơ chế duy nhất của LHQ về nhân quyền, nó còn ủy ban nhân quyền LHQ, nó còn có văn phòng của các báo cáo viên đặc biệt của LHQ về từng lĩnh vực nhân quyền. Thì công việc nó vẫn chạy và chúng ta vẫn nộp báo cáo thì họ vẫn lên tiếng như thường.”
Dựa dẫm hay độc lập
Facebooker Trịnh Hữu Long nêu ra lý do vì sao cần có Hoa Kỳ trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc “Xưa nay giới hoạt động Việt Nam vẫn coi Hội đồng Nhân quyền như một diễn đàn để một là kêu oan, hai là chính danh hoá hoạt động của mình. Giờ Hội đồng bị Mỹ bỏ rơi có nghĩa là giới hoạt động đã mất đi một chỗ dựa,”
Facebooker Kiến Thành cũng chia sẻ rằng việc Hoa Kỳ rút khỏi UNHRC sẽ khiến chính quyền Việt Nam thích thú vì bớt đi được một tiếng nói thường xuyên lên tiếng chỉ trích họ.
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa thì lại có ý kiến khác:
“Tôi tin rằng thứ nhất tiếng nói của hội đồng nhân quyền LHQ trong thời gian qua không còn tác dụng bao nhiêu đối với các chế độ độc tài, cho nên dù LHQ có tiếng nói manh mẻ với chế độ độc tài các nước đặc biệt là Việt Nam, thì tôi thấy chính quyền CSVN họ vẫn không giảm sút việc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền.”
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết thêm “UNHRC không phải là nơi đặt vấn đề một cách mạnh mẻ đối với các quốc gia ngay cả thành viên của hội đồng mà đang vi phạm nhân quyền, thành ra nó rất là hời hợt trong vấn đề tạo áp lực lên các quốc gia. Nên thành ra có hay không trong hội đồng này thì tiếng nói của Hoa Kỳ nó cũng không tăng cũng chẳng giảm.”
Một số nhà hoạt động chia sẻ trên trang cá nhân của mình rằng Mỹ rút khỏi UNHRC thì Mỹ sẽ không cần phải bỏ ra số tiền quá lớn cho Hội đồng này nữa và sẽ dùng phần lớn số tiền đó để chi phí cho những hoạt động đối thoại song phương và có thể gây áp lực mạnh mẻ hơn với các nước vi phạm nhân quyền.
Nhiều người tham gia đấu tranh lâu nay ở Việt Nam cho rằng sự hỗ trợ từ bên ngoài; đặc biệt khi phong trào còn non trẻ, là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, vấn đề chủ động, độc lập, ‘tự thân vận động’ vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

VN Đưa Nửa Triệu Thợ Ra Hải Ngoại

HANOI — Vậy là Hà Nội đang xuất cảng tới nửa triệu người lao động…
Bản tin RFA kể rằng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết hiện có khoảng 500 ngàn người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài và tổng số tiền mà các lao động này gửi về nước mỗi năm khoảng 3 tỷ USD (tương đương hơn 76 ngàn tỷ đồng.)
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không quay về nước hoặc ở lại lao động bất hợp pháp đang xảy ra ở một số nơi. Đặc biệt là Hàn Quốc với tỷ lệ bỏ trốn lên đến 50% đã khiến việc ký kết hợp đồng tiếp nhận lao động giữa hai nước trở nên khó khăn.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu vào năm 2018 đưa 110 ngàn lao động đi làm việc nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ này cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường mới và siết chặt quản lý để bảo đảm thị trường các nước cũ.
Được biết, trong vòng 4 năm từ 2014 đến 2017, Việt Nam xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100 ngàn người một năm. Năm 2017, số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đạt mức kỷ lục với 135 ngàn người.
Một bản tin trên báo Pháp Luật hôm Thứ tư cho biết là trong vòng 6 tháng, 60.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cục Quản lý lao động ngoài nước ngày 19-6 đã tổ chức buổi họp báo thông tin về kết quả thực hiện công tác sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2018 tại Hà Nội.
Phó Cục trưởng Nguyễn Gia Liêm ước tính trong sáu tháng đầu năm, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt khoảng 60.000 người. Tính trong năm tháng đầu năm, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 42,95% kế hoạch năm 2018. Theo kế hoạch, trong năm nay sẽ đưa 110.000 người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, tiếp theo là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia…
Trong năm tháng đầu năm, Cục đã hoàn tất thủ tục trình Bộ cấp mới giấy phép cho 25 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp có giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay là 328.
Tình hình lao động at5i VN có nhiều trở ngại, theo bản tin VOV hôm Thứ Ba 19/6/2018: Doanh nghiệp FDI sa thải khá nhiều lao động trên 35 tuổi…
Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tình hình sa thải lao động trên 35 tuổi diễn ra khá nhiều ở các doanh nghiệp FDI
Tình hình “sa thải” người lao động (NLĐ) trên 35 tuổi diễn ra khá nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thông tin trên được ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tại Hội thảo chuyên đề lao động trong khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Bộ KHĐT và Bộ LĐTBXH phối hợp tổ chức tại Hà Nội, sáng ngày 19/6/2018.
Ông Hiểu cho rằng, các doanh nghiệp FDI “sa thải” NLĐ trên 35 tuổi bởi một số ngành, nghề không còn phù hợp. Doanh nghiệp “sợ” phải trả lương cao, đóng BHXH cao hơn cho NLĐ có thâm niên. Bên cạnh đó, một số lao động sau tuổi 35 không đáp ứng được yêu cầu công việc, trong lúc nguồn lao động trẻ dồi dào. Hậu quả là NLĐ mất việc làm, bất ổn an sinh xã hội.

Lương Xuân Việt Thăng Cấp Thiếu Tướng Tại Nam Hàn

230618_3a
  SEOUL/WASHINGTON — Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt đã được thăng cấp Thiếu Tướng sau lễ gắn 2 sao  tại Nam Hàn hôm Thứ Năm..
Các thông tin này đã đăng trên trang Facebook của Destiny Nguyen và trên email của nhà hoạt động BMH.
Theo tin BMH, lễ gắn Cấp Bậc Thiếu Tướng của Tướng Lương Xuân Việt…  tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn Tám / Cam Humphreys, gần Anjeong-Riand Pyeongtaek, Đại Hàn Dân quốc… vào lúc 1:30 trưa, ngày Thứ Năm, 21 tháng 6, 2018 (giờ Đại Hàn)..
Trong khi đó, trên FB Destiny Nguyen có đăng thêm một số hình ảnh từ Korea trong buổi lễ thăng cấp của Thiếu Tướng Lương Xuân Việt tại Quân Đoàn 8 Nam Hàn.
Thiếu Tướng Lương Xuân Việt sinh ra tại miền Nam Việt Nam và sang định cư tại Hoa Kỳ khi Sài Gòn sụp đổ 1975.
Là con trai duy nhất trong gia đình 8 chị em gái , ba ông là một cựu sĩ quan TQLC VNCH thiếu tá Lương Xuân Đương.
Bản thân TT Lương Xuân Việt tự nhận mình là người Mỹ gốc Việt bằng sự chọn lựa của chính mình và là một quân nhân Hoa Kỳ nhưng luôn hãnh diện là “quân nhân (hậu duệ) VNCH thế hệ hai.
Trong bài phát biểu tại lễ thăng cấp hôm nay ông đã làm cho cả khán phòng xúc động khi nhắc đến người cha quá cố của mình và lòng biết ơn đối với những chiến sĩ quân lực VNCH. Qua hình ảnh hào hùng và sự hy sinh, gian khổ để bảo vệ miền Nam Việt Nam đã cho ông thấy được giá trị của sự tự do
Ông nói:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Tôi xin đứng nghiêm chào (salute) các vị về sự hy sinh cao cả mà quý vị đã trải qua.“
Ông cũng không quên nhắc đến công ơn gia đình và diễn tả người vợ bằng hai câu Chinh phụ ngâm:
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên.“
Thiếu tướng Lương Xuân Việt trong bất kỳ một bài phát biểu nào cũng đều nghĩ về danh dự của những chiến sĩ VNCH. Trước đó trong một cuộc phỏng vấn ông nói:
“Tôi nghĩ tôi rất may mắn vì tôi đang sống ở một nước tự do và tôi là sĩ quan của một cường quốc, tôi cũng rất may mang trong người dòng máu dân tộc của bốn ngàn năm văn hiến. Trong máu tôi có dòng máu của Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền.
“Tổ quốc sẽ mãi mãi ghi ơn anh em chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.”
Thiếu tướng Lương Xuân Việt hiện là sĩ quan gốc Việt cao cấp nhất trong quân đội Hoa Kỳ và cũng là ngừoi Mỹ gốc Việt đầu tiên mang cấp tướng.
Trong khi đó, nhà hoạt động BMH ghi nhận rằng:
“Sau khi được phu nhân và cô con gái, cả hai trong quốc phục Áo Dài và hai con trai gắn 2 sao mới vào quân phục, sau khi tuyên thệ Ông đã ngỏ lời cùng quan khách, thượng cấp và chiến hữu.. Khi nhắc đến gia đình, thân phụ đã quá cố là Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến / QLVNCH Lương Xuân Đương, và sự quan tâm của những người chị, em gái trong gia đình dành cho ông và ông đã khóc. Ông cũng không quên nhắc đến, ca ngợi và vinh danh sự hy sinh của những Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, kể cả những Chiến Sĩ Đồng Minh của Quân Lực Hoa Kỳ và Đại Hàn Dân Quốc để bảo vệ tự do cho Miền Nam  Việt Nam…”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.