Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 24/06/2018

Sunday, June 24, 2018 5:39:00 PM //

Tin Việt Nam – 24/06/2018

Người Việt Nam ở Úc và Philippines biểu tình

phản đối luật Đặc khu và An ninh mạng

Tiếp theo sau những cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng của hàng nghìn người dân trong nước hôm 10/6 vừa qua, người Việt Nam tại nước ngoài hôm 24/6 cũng xuống đường phản đối hai luật này và kêu gọi điều tra, truy tố những kẻ đã tham gia đánh người biểu tình ôn hoà.
Tại khu chợ Inala ở Brisbane, Úc, khoảng 300 người Việt đã tập trung biểu tình phản đối hai luât. Những người biểu tình cho rằng dự luật Đặc khu với điều khoản cho người nước ngoài thuê đất đến 99 năm sẽ cho phép người Trung Quốc vào chiếm đất. Những người biểu tình hô to khẩu hiệu phản đối luật Đặc khu và phản đối Trung Quốc.
Trong khi đó, tại Manila, Philippines, khoảng 15 người Việt đã tập trung trước đại sứ quán Việt Nam để phản đối hai luật và kêu gọi điều tra, truy tố những kẻ đã đánh đập người biểu tình ôn hoà ở Việt Nam. Những người biểu tình kêu gọi Chủ tịch nước không ký luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua hôm 12/6. Đây là luật bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích là sẽ góp phần hạn chế quyền tự do biểu đạt của người dân trong nước. Cảnh sát Philippines cũng có mặt nhưng chủ yếu để bảo vệ an toàn cho người biểu tình có mặt tại đây.
Các cuộc biểu tình rầm rộ của hàng ngàn người Việt Nam hôm 10/6 đã bị an ninh mặc thường phục và công an đàn áp, với hàng chục người bị bắt giữ, đánh đập, kéo lê trên đường phố. Chính quyền Việt Nam sau đó đã quyết định khởi tố khoảng 40 người trên cả nước với các tội danh như gây rối trật tự công cộng, phá hoại tài sản, tuyên truyền chống nhà nước và kích động người dân biểu tình.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-overseas-protest-06242018084214.html

Tòa đại sứ Hoa Kỳ rất quan tâm

vụ Chánh Trị Sự Hứa Phi bị công an chìm hành hung

Ngay sau khi các cơ quan truyền thông hải ngoại nhận được và chuyển tải tin chánh trị sự Hứa Phi của Cao Đài bị công an CSVN hành hung, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có phản ứng.
Vào chiều Thứ Bảy 23/06, bác sĩ Đỗ Văn Hội, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ, và cũng là đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Và Hải Ngoại Việt Nam, cho biết văn phòng của ông đã nhận được thư điện tử của bà Jessica Farmer từ tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Mặc dù khi đó là ngoài giờ làm việc ở Việt Nam, bà Farmer vẫn viết thư trả lời rằng, tòa đại sứ Hoa Kỳ rất quan tâm về việc này, và sẽ nêu vấn đề với nhà cầm quyền CSVN. Tòa đại sứ cũng ngỏ ý muốn tiếp tục được thông báo về tình hình sức khỏe của chánh trị sự Hứa Phi, kể cả liệu ông có được điều trị y tế hay không.
Xin được nhắc lại, vào chiều Thứ Sáu 22/06, một đám người mặc thường phục đến nhà chánh trị sự Hứa Phi ở tỉnh Lâm Đồng. Họ gõ cửa rồi ập vào đánh ông đến bất tỉnh rồi cắt râu ông. Chánh trị sự Hứa Phi, người cũng là một đồng chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, tin rằng vụ hành hung này có liên quan đến một bức thư ông mới nhận được từ tòa đại sứ Úc, mời ông vào Sài Gòn gặp các viên chức tòa đại sứ vào ngày 25 tháng 6. Úc và Việt Nam đang chuẩn bị tiến hành cuộc đối thoại nhân quyền thường niên.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/toa-dai-su-hoa-ky-rat-quan-tam-vu-chanh-tri-su-hua-phi-bi-cong-an-chim-hanh-hung/

Dân biểu Czech: Việt Nam là “tội phạm có tổ chức”

Một dân biểu Czech đã tuyên bố rằng “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu”. Sau ba ngày im lặng, đại sứ CSVN tại Cộng Hòa Czech hôm Chủ Nhật 24/06 mới lên tiếng về tuyên bố này.
Tuyên bố của Chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Lubomir Zaoralek đưa ra hôm 21 tháng 6, trong một cuộc họp về ngân sách cho ngành ngoại giao Cộng Hòa Czech. Ông Zaoralek- cũng là một cựu ngoại trưởng- còn cáo buộc thêm rằng visa cho sinh viên Việt Nam vào Czech là công cụ để đưa tội phạm vào nước này. Ông cũng nói các băng đảng Trung Cộng và Việt Nam đang sản xuất chất gây nghiện Pervitin để bán vào Đức và Czech.
Báo mạng Vietinfo.eu của cộng đồng người Việt sinh sống tại Đông Âu thuật lại những tuyên bố này của dân biểu Czech, đồng thời kêu gọi phía Việt Nam có phản ứng. Tờ báo mạng còn mỉa mai rằng, nhà cầm quyền trong nước dường như còn “lo dẹp dân biểu tình chống bán đất 99 năm và ‘khoá miệng’ người dân bày tỏ quan điểm cá nhân bằng luật an ninh mạng”.
Tới hôm Chủ Nhật, trang mạng của đài tiếng nói Việt Nam VOV mới dẫn lời đại sứ CSVN tại Czech, ông Hồ Minh Tuấn, nói rằng tuyên bố của chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Czech là “hoàn toàn không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước những năm qua”. Cũng theo VOV, tòa đại sứ CSVN đang tìm cách phản đối qua kênh ngoại giao chính thức.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/dan-bieu-czech-viet-nam-la-toi-pham-co-to-chuc/

Việt Nam phản ứng

trước cáo buộc là “tội phạm có tổ chức”

Ngày 24/6, trang web của đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời của ông Hồ Minh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết, phát biểu của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Séc là “hoàn toàn không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước những năm qua”.
Cũng theo VOV, Đại sứ quán Việt Nam tại Séc đang xem xét ý kiến phản đối phát biểu của ông Zaoralek thông qua kênh ngoại giao chính thức.
Hôm 21/6/2018, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Séc cho rằng, “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu”.
Trang Vietinfo.eu, một trang tin tức của cộng đồng người Việt sinh sống tại Châu Âu thuật lại những chỉ trích gay gắt của cựu Ngoại trưởng Séc trong khuôn khổ bàn luận về vấn đề ngân sách tài chính năm 2017 của ngành ngoại giao nước này.
Theo ông Zaoralek, visa cho sinh viên Việt Nam vào Séc là công cụ để đưa tội phạm vào nước này. Ông cũng nói rằng các băng nhóm Trung Quốc và Việt Nam đang sản xuất chất gây nghiện Pervitin để bán vào Đức và Séc.
Hôm 13/6 vừa qua, hãng tin AFP trích thông tn từ cảnh sát Séc cho biết cảnh sát nước này đã phá vỡ một đường dây buôn ma tuý gồm 60 người do 3 người Việt Nam cầm đầu, một người trong số này hoạt động tại Séc, hai người còn lại hoạt động ở các nước khác. Những người này hiện đã bị truy tố và nếu bị kết án thì có thể sẽ phải đối mặt với án tù từ 10 đến 18 năm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-reaction-organized-crime-06242018082407.html

Môi Trường Ô Nhiễm Bi Đát

Trần Khải
Chỗ nào cũng ô nhiễm… Từ không khí tới nước uống, từ núi tới biển…
Báo Môi Trường & Đô Thị kể: Vũng Tàu lo mất khách vì núi rác từ biển.
Tại Vũng Tàu, các bãi tắm lo mất khách vì núi rác từ biển
Theo báo Người lao động ghi nhận từ khu vực Bãi Trước đến Bãi Dứa (TP Vũng Tàu) xuất hiện nhiều loại rác, chủ yếu là củi mục, bèo, thân cây súng… Đây là lượng rác đại dương, trôi dạt từ vùng cửa sông Cần Giờ, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây theo gió về các bãi tắm ở Vũng Tàu.
TP Vũng Tàu đã chỉ đạo Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị huy động toàn bộ công nhân để làm sạch các bãi biển, đồng thời kết hợp với nhiều đơn vị kịp thời dọn rác để phục vụ du khách trong mùa cao điểm du lịch.
Báo Dân Việt kể chuyện Bình Định ô nhiễm: Sau tấm biển bảo vệ môi trường là đống rác “khủng”…
Bến thuyền Nhân Ân (thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) chìm ngập trong rác thải suốt 10 năm nay. Trong khi đó, nhiều biện pháp tuyên truyền bảo vệ môi trường được triển khai nhưng… đành bất lực.
Ông Nguyễn Công Danh (38 tuổi, trú thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận) cho biết: “Không những người ở chợ mà người ở các làng khác cũng mang rác đến đây đổ. Nhà tôi luôn phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm vì mùi thối, chịu đựng không nổi”.
Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp kể chuyện Nghệ An: Người dân “tố” trang trại du lịch sinh thái gây ô nhiễm môi trường.
Cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn bởi hệ luỵ ô nhiễm môi trường kể từ khi có dự án trang trại sinh thái đi vào hoạt động trong suốt những năm qua.
Đây là thực trạng mà hàng trăm người dân sinh sống ở xóm 9, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đang “tố” trang trại sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy hải do Công ty CP đầu tư và xây dựng Đại Huệ (Cty Đại Huệ) làm chủ đầu tư triển khai tại địa phương này.
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, tình trạng ô nhiễm môi trường dẫn tới nguồn nước ngầm lâu nay sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày ở xóm 9, xã Nghi Hưng không sử dụng được khiến người dân bực dọc. Họ cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên là do tác nhân trực tiếp từ việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của Cty Đại Huệ không được xử lý khiến nguồn nước ngầm xung quanh bị ô nhiễm.
Bản tin VTV kể: Bình Định xử phạt Bisuco gần 2 tỷ đồng vì gây ô nhiễm môi trường.
UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đường Bình Định đóng tại huyện Tây Sơn gần 2 tỷ đồng về hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, thời gian qua, Nhà máy đường Bình Định của Công ty CP Đường Bình Định xả nước thải tại cửa xả số 2 của nhà máy trực tiếp ra sông Kôn. Kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho thấy có 6 thông số môi trường thông thường trong nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, chỉ tiêu coliform vượt đến 8.000 lần với lượng nước thải là 1.900 m3/ngày đêm, 5 chỉ tiêu khác liên quan đến ô nhiễm môi trường của nhà máy này vượt từ 1,1 đến 2,6 lần so với quy chuẩn quy định.
Bản tin CafeLand/SGĐT kể: Tình trạng san lấp, lấn chiếm, đổ rác thải, phế liệu… ven sông, kênh, rạch ở TPSG đang diễn ra ngày càng trầm trọng, có nguy cơ mất kiểm soát. Hệ quả ngập lụt xảy ra thường xuyên hơn, người dân sống ven kênh, rạch bị mắc bệnh ngày càng nhiều…
Theo thống kê, TPSG có khoảng 2.900 tuyến kênh, rạch các loại và đan xen nhau. Ngoài giao thông đường thủy, những kênh rạch này còn điều tiết nước thải, ô nhiễm môi trường cũng như mang lại cảnh quan thiên nhiên, môi trường sống cho người dân. Thế nhưng, hiện rất khó để tìm được những kênh rạch trong xanh ở TP vì tất cả đã bị lấn chiếm theo nhiều cách khác nhau.
Trên địa bàn TP, quận 8 có nhiều kênh, rạch nhất. Nằm lân cận với các quận trung tâm 1 và 5, các kênh, rạch ở đây nhếch nhác vì rác, gây mất vẻ mỹ quan đô thị, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Báo Nhân Dân kể: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Cà Mau.
…Án ngữ ngay cửa ngõ vào thị trấn Sông Đốc là CCN Sông Đốc, nơi tập trung hơn mười cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản và sản xuất bột cá. Một thời, các nhà máy này là niềm tự hào, bởi vừa phục vụ đắc lực cho ngành nghề mũi nhọn của tỉnh Cà Mau, vừa tạo thêm việc làm, giúp nhiều ngư dân địa phương có thu nhập ổn định. Nhưng giờ đây, các cơ sở này đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Ông Trần Minh Thế (khóm 12, thị trấn Sông Đốc), sống gần CCN này cho biết: Khi sản xuất, mùi hôi thối từ các nhà máy bốc lên rất khó chịu. Trẻ em, người già ở đây thường mắc bệnh về đường hô hấp. Vật dụng sinh hoạt để ở hiên nhà chỉ chừng năm đến mười phút là tro bụi đã dính đầy, có mùi hôi tanh.
Thê thảm ô nhiễm…
https://vietbao.com/p123a282508/moi-truong-o-nhiem-bi-dat

CSVN Bán Nước, Bán Luôn Trời

Vi Anh
Nhiều dấu chỉ cho thấy CSVN âm mưu bán đất nước, bán luôn bầu trời VN cho TC với dự luật Đặc Khu và Luật An ninh mạng, khiến dân chúng VN trong ngoài nước đứng lên biểu tình lớn nhứt.
Bộ Chánh trị Đảng Nhà Nước CSVN sai khiến Quốc Hội CS thông qua Luật Đặc khu cho ngoại quốc phần chắc là cho TC mướn 99 năm, miễn thuế rất nhiều, cho người TQ qua đặc khu làm việc không cần chiếu khán nhập cảnh của VN. Cho mướn ngay ba khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là ba vùng hiểm yếu về an ninh quốc phòng của đất nước VN.
Dân chúng VN trong lẫn ngoài nước đồng lòng, đồng loạt đứng lên biểu tình, phản đối Đảng Nhà Nước bán đất, bán nước cho quân Tàu Cộng. Có nơi như Phan Rí Cửa thuộc tỉnh Phan Thiết đồng bào đốt xe công an, đốt trụ sở ủy ban, cảnh sát quá sợ lột áo, năn nỉ bà con cô bác. Tổng Bí Thư Đảng CSVN quá sợ đêm khuya ra lịnh cho chánh phủ tuyên bố lùi việc bỏ phiếu sang phiên họp thứ 6 vào tháng 10.
Thế là bước đầu người dân VN đã thắng, CS đã thua. Nhưng nhân dân Việt quá rành CS vốn gian ác nên đề cao cảnh giác phòng thủ âm mưu CS lùi một bước rồi sẽ tiến hai bước. Không sai, CS lợi dụng khi dân chúng bận bịu tiếp tục tổ chức biểu tình chống dư luật Đặc khu, Quốc Hội CSVN xuất kỳ bất ý biểu quyết thông qua Luật An Ninh Mạng, làm nhanh như chạy tang cha mẹ chết.
Luật Đặc khu CS chỉ tuyên bố lùi việc bỏ phiếu thông qua sang phiên họp thứ 6 vào tháng 10 cuối năm, chớ không nói huỷ bỏ. Thế là ‘ý đồ’ của CSVN quá rõ. CSVN muốn làm luật bán đất và bán trời trong một thời gian ngắn. Luật bán đất VN cho TC bị dân chúng chống quá mạnh và quá nhiều  chưa làm được, nên phải hoãn binh chi kế. Lợi dụng thời cơ dân chúng nhất tề chống luật bán đất, CSVN thông qua luật  bán trời VN cho TC với Luật An Ninh Mạng.
Bán đất là bán địa lý chánh trị, quân sự của các đặc khu hiểm yếu của đất nước VN cho quân Tàu chiếm làm con ngựa thành Troie, cho đội quân thứ năm của quân Tàu Cộng phục kích sẵn trong nước VN, biến VN thành một vùng thuộc địa ‘da beo’ của TC.
Còn Đảng Nhà Nước CSVN làm được Luật An Ninh Mạng, là để bán vùng trời, bán không phận, bán không gian mạng cho TC. Facebook và Google của Mỹ sẽ phải rút khỏi VN vì CSVN đòi những điều mà hai công ty cung ứng dịch vụ tin học cho người dân Việt xài nhiều nhứt phải rút, không thể chấp nhận được. Đó là máy chủ phải đặt ở VN, phải ngăn chận những thông tin, nghị luận bất lợi cho CSVN và nhứt là phải báo cáo danh tánh của những người tranh đấu cho tự do, dân chủ nhân quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Ngoài ra Bộ Công an CSVN sẽ bắt các công ty  Mỹ Facebook và Google phải áp dụng nhiều thủ tục, nhiều điều kiện, xin nhiều giấy phép hơn, để một mặt kiểm soát chặt hơn và mặt khác đòi thêm tiền hối lộ. Và Bộ Tài Chánh CSVN sẽ đòi tăng thuế và nhiều lệ phí không tên khác.
Google, Facebook bị đuổi ra khỏi không gian thực và không gian ảo tức không gian mạng VN, thì các công ty của TC Baidu, Tencent, Weibo sẽ nhảy vào VN chiếm chỗ, sẵn ổ mà đẻ ra cả bầy tuyên truyền cho CS và đồng thời bịt miệng, che mắt người đấu tranh cho tự do, dân chủ và chủ quyền của VN. Truyền thống của TC đi làm ăn ngoại quốc, các công ty của TC không bắt buộc bảo vệ thông tin của người dùng một cách triệt để như các công ty Mỹ, nên rất thích hợp với nhu cầu của CSVN. Baidu, Tencent, Weibo họ vừa hợp tác với Đảng Nhà Nước CSVN, vừa hợp tác với chính phủ TC, nhân dân VN sẽ đối diện với một nguy cơ, một rủi ro rất cao, có thể là mất nước trong tương lai.
Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long [Đại học Maine, Hoa Kỳ], “đạo luật an ninh mạng mà Quốc hội Việt Nam vừa thông qua là một bản sao của đạo luật an ninh mạng của Trung Quốc. Vì đạo luật này mà Google và Facebook không thể hoạt động tại Hoa Lục. Nhưng Việt Nam, theo lời giáo sư Long, không thể tạo nên cho mình những công ty riêng, và vì thế sẽ lệ thuộc ngày càng nặng vào Trung Quốc.”
Chính một số giới chức quân sự CSVN cũng bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ vì nó đe dọa sự toàn vẹn của không phận Việt Nam.
Cho đến giờ phút này coi như Đảng Nhà Nước CSVN đã có Luật An Ninh Mạng để bán trời cho TC. Chuyện này không khó khắc phục với sự giúp đỡ của lớp trẻ VN trong nước rất có khiếu về Tin học và các chuyên viên ngoại quốc và VN hải ngoại sẽ giúp gần 51 triệu người Việt đang dùng các trang mạng xã hội. Chưa chi đã có người chỉ cách  cho đồng bào trong nước rồi. Chỉ cần nhờ đồng bào hải ngoại mở Google, Facebook ở ngoại quốc như Mỹ, Pháp, Úc, v.v… các nước tự do, dân chủ thì vượt tường lửa của CSVN dễ như chơi. Cũng như kiểu VOA giúp người Việt trong nước vượt tường lửa của CSVN chống phá làn sóng của đài qua việc gởi email cho Đài, Đài sẽ trả lời kèm theo cách vượt tường lửa của CSVN. VOA có phổ biến công khai bí quyết này.
Còn luật Đặc Khu thì bà con cô bác, nhứt là lớp trẻ làm một điều mà công an, cảnh sát không ngờ như anh chị em đi xe hơi dùng tiền lẻ để trả các trạm BOT thu tiền qua trạm, gây cảnh kẹt xe, khiến CS phải xả trạm hay bỏ trạm. Với luật Đặc khu, đồng bào ở Saigon tổ chức biểu tình đợt hai vào Chủ Nhựt 17/7 (giờ VN) bằng cách dùng xe gắn máy. Hàng chục ngàn chiếc, một xe chở một người, cầm bích chương, biểu ngữ, hô khẩu hiệu ‘Không cho TC mướn đất dù chỉ một ngày’, chạy trên các đường huyết mạch của thành phố. Khác với các kỳ biểu tình trước đây, cuộc biểu tình này tuyệt đối không ai cầm ‘cờ máu’ cờ đỏ sao vàng của CSVN. Tiêu biểu như trên đường Hoàng văn Thụ, bùng binh các đường chánh Saigon, Chợ lớn, Gia Định đổ về Phi trường Quốc tế Tân Sơn Nhứt. Thử tưởng tượng trên 10.000 Honda và 20 ngàn người chiếm bùng binh này thì làm sao vào ra Tân Sơn Nhứt. Cảnh sát Saigon có vẻ tâm phục đồng bào làm cái chuyện người dân Việt phải làm. Trong đoàn xe gắn máy biểu tình có cha mẹ, anh em, bạn bè, đồng bào của cảnh sát đang chống buôn dân bán nước, nên Cảnh sát đứng sát lề, nhìn đoàn người biểu tình với tâm phục thể hiện qua đôi mắt, cửa sổ của tâm hồn.
Còn ở Miền Trung, tin Reuters cho biết hàng ngàn người dân Hà Tĩnh, đa số là giáo dân hôm Chủ nhật 17/06/2018 đã biểu tình ôn hòa chống lại dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
Đồng bào người Việt từ Bắc chí Nam, qua Trung, ra hải ngoại, nam nữ, già trẻ, lao động trí óc, chân tay không say sưa chiến thắng, mà bình tĩnh, kiên trì chuẩn bị, tổ chức một phong trào đấu tranh chống Đảng Nhà Nước CSVN bán đất, rước voi về dày mộ tổ tiên. Tinh thần bất khuất, quyết tâm  và ý chí kiên trì bảo vệ giang sơn gấm vóc vùng lên thành cuộc đấu tranh toàn dân toàn diện chống quân Tàu Cộng và tay sai là Việt Cộng toan bán nước, bán trời cho quân Tàu.
Cuộc tổng biểu tình vừa rồi là một bước ngoặt tiến lên giai đoạn mới toàn dân, toàn diện đấu tranh, làm cho Đảng Nhà Nước thấy rõ, và nhân dân không phân biệt Bắc, Nam, Trung, Hải ngoại, đoàn kết nhau trong việc giữ nước, cứu nước, chống quân Tàu Cộng và Việt Cộng mưu toan chiếm quê cha đất tổ, chiếm chủ quyền lãnh thổ và không phận của dân tộc Việt chúng ta.
Thói thường trong chiến tranh chánh trị kiên trì thì sẽ thắng. Giữa đường bỏ cuộc sẽ thua. Đất nước còn là còn tất cả, đất nước mất là mất tất cả. Thua là CS Trung Quốc với sự tiếp tay của CSVN sẽ biến VN thành thuộc địa và thôn tính VN thành một tỉnh của TC, xoá tên VN trên bản đồ thế giới./.(VA)
https://vietbao.com/p123a282475/csvn-ban-nuoc-ban-luon-troi

66 Thầy Cô Thanh Hóa Lo Lắng

HANOI — Chuyện bi thảm vẫn xảy ra trong ngành giáo dục…
Báo Giáo Dục VN kể: Nhiều năm cống hiến, hàng chục giáo viên ở Thanh Hóa vẫn vô thừa nhận.
Dù đã được cấp trên đồng ý thực hiện hợp đồng chỉ tiểu biên chế nhưng giáo viên vẫn chưa được tuyển dụng khiến họ lo lắng trước năm học mới.
Vừa qua, 66 giáo viên tại Thanh Hóa đã vô cùng hoang mang, lo lắng trước thềm năm học mới không biết số phận sẽ đi về đâu.
Các giáo viên không thể không lo lắng bởi cấp trên đã cho phép các trường trung học phổ thông thực hiện hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao từ năm 2011. Việc này cũng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng ý năm 2016. Tuy nhiên đến nay họ vẫn bị “bỏ rơi”.
Theo các giáo viên, trong suốt quá trình công tác họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều giáo viên có trình độ giỏi, và có nhiều học sinh giỏi đã đạt giải trong các năm học.
Bản tin GDVN ghi lời một giáo viên ẩn danh:
“Trong suốt quá trình công tác, chúng tôi luôn được Hội đồng nhà trường nơi công tác đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu.
Đồng thời, chúng tôi được tổ chuyên môn nhận xét, đánh giá xếp loại giỏi hàng năm.
Việc chậm được giải quyết khiến chúng tôi không yên tâm công tác, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.”
Cũng theo các giáo viên, trong số 66 giáo viên hợp đồng, rất nhiều người có trình độ Thạc sỹ và đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh; có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh; có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao cấp ngành.
Đặc biệt, có giáo viên còn có nhiều học sinh giỏi quốc gia, được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa…
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2011, căn cứ tình hình thực tế của các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và năng lực chuyên môn của giáo viên, Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông đã làm tờ trình gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa xin thỏa thuận hợp đồng giáo viên.
Đặc biệt trong nhóm 66 giáo viên, người ít thâm niên  nhất là 9 năm giảng dạy…
Bản tin ghi  thêm:
“Hầu hết các giáo viên trên là những giáo viên công tác lâu năm trong ngành giáo dục (người ít nhất là 9 năm) và có rất nhiều thành tích nổi bật, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển ngành giáo dục Thanh Hóa.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các giáo viên trên vẫn chưa được tuyển dụng mà không hiểu lý do gì?
Trong khi đó, mới đây, tỉnh Thanh Hóa đã thông qua “Đề án sắp xếp các trường Trung học phổ thông công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025″.
Nhiều giáo viên trong số 66 trường hợp nêu trên đang công tác tại các trường thuộc diện giải thể, sáp nhập hết sức lo lắng trước thềm năm học mới.”
https://vietbao.com/p124a282496/66-thay-co-thanh-hoa-lo-lang

Thư Sài Gòn

Xuân Niệm

Giá Trứng, Taxi, Nông Sản, Siêu Thị, Sắt Thép…
Cái gì cũng lên giá… Vậy là đáng lo ngại. Dân cả nước đều lo ngại.
Báo Người Lao Động kể: Giá trứng gà, vịt tăng liên tục trong 2 tháng gần đây và đang đứng ở mức kỷ lục khi giá bán lẻ vượt ngưỡng 26.000 đồng/chục (trứng gà), 33.000 đồng/chục (trứng vịt).
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết vừa được Sở Tài chính TP SG chấp thuận tăng giá bán lẻ trứng trong chương trình bình ổn thị trường. Cụ thể, trứng gà tăng thêm 2.000 đồng, lên mức 26.000 đồng/chục; trứng vịt tăng 1.000 đồng, lên 33.000 đồng/chục do giá nguyên liệu tăng mạnh trong thời gian qua.
Báo Nông Nghiệp kể: Bộ Giao thông vừa bác bỏ đề nghị của Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam mở rộng dịch vụ GrabTaxi ra ngoài 5 tỉnh, thành.
Trước đề nghị của Công ty TNHH Grab Taxi về việc mở rộng dịch vụ GrabTaxi ra nhiều tỉnh, thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai, Bộ Giao thông mới đây đã yêu cầu GrabTaxi không triển khai ứng dụng công nghệ kết nối vận tải trên địa bàn các tỉnh này.
Báo Tiền Phong kể: Nhân viên ngân hàng Nông nghiệp mua dứa ủng hộ nông dân.
Đồng cảm với bà con nông dân, hàng trăm nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) tại Hà Nội sáng nay 22/6 đã mua dứa cho bà con nông dân Thanh Hoá với phương châm “mỗi trái dứa một tấm lòng”.
Báo Kinh Tế & Đô Thị kể: Thời gian gần đây, rất nhiều sinh viên đến siêu thị Big C để mua giấy A4 nhãn hiệu WOW, sản phẩm nhãn hàng riêng (HNR) của Big C thuê nhà máy giấy Bãi Bằng sản xuất, chất lượng không thua kém hàng chính hãng, nhưng giá rẻ hơn. Việc làm này không chỉ giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm giá rẻ, chất lượng đảm bảo mà còn hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất.
Bản tin Vinanet kể: Xuất khẩu sắt thép sang Ukraine tăng 282,6% về lượng so với cùng kỳ năm trước và tăng 485,2% về trị giá.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2018 sắt thép của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài mặc dù giảm 4,1% cả về lượng và kim ngạch so với tháng liền kề trước đó, đạt 462.035 tấn, trị giá 354,45 triệu USD, nhưng so với cùng tháng năm 2017 thì tăng rất mạnh 36,2% về lượng và tăng 44,7% về kim ngạch.
Cục Hải quan TP SG cho biết, tính đến giữa tháng 6-2018, tại các cảng biển thành phố còn lưu giữ 3.220 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan, trong đó 2.255 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan tồn đọng quá 90 ngày. Phần lớn hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái với 2.181 container.
Bản tin VOV kể: Để giúp nông sản Việt hết “bí” đầu ra, cần ưu tiên phát triển nông nghiệp CN cao, liên kết chuỗi giá trị và cùng nông dân đối mặt với áp lực thị trường.
Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” cứ liên tục tái diễn nhiều năm nay, và danh sách các mặt hàng nông sản ế, giá rẻ như cho, nằm chờ “giải cứu” cứ ngày càng kéo dài. Từ đầu năm đến nay, trên cả nước có hàng loạt mặt hàng nông sản thay nhau “kêu cứu”, trong đó phải kể đến củ cải (Mê Linh, Hà Nội), su hào (Tứ Kỳ, Hải Dương), dưa hấu (Quảng Ngãi), dứa (Phú Hòa, Phú Yên), khoai lang (Phú Thiện, Gia Lai), thanh long (Bình Thuận), chuối (Đồng Nai)… Hay thực trạng giá sữa ở Củ Chi, TP HCM rẻ như nước lã khiến nông dân nuôi bò sữa lao đao, nhiều hộ phải bán bò, thua lỗ nặng.
Báo Tin Tức kể: Các nhà sản xuất thịt heo Mỹ đang chịu thêm áp lực sau khi Bắc Kinh quyết định tăng thuế bổ sung với các mặt hàng nhập vào nước này từ tháng tới.
…Theo tính toán của một chuyên gia trong ngành, mức thuế thịt heo Mỹ phải gánh sẽ tăng lên mức 88% từ tháng tới, sau khi cộng thêm cả 10% thuế giá trị gia tăng. Hiện lợi nhuận của một số nhà chế biến thịt heo Mỹ đang “rơi” xuống mức thấp nhất trong ba năm, một phần nguyên nhân do lo ngại gia tăng về thương mại với Trung Quốc và Mexico.
Báo Công Thương kể: Hải Phòng đón dự án sản xuất linh kiện ô tô hơn 17 triệu USD.
Ngày 21/6/2018, tại Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã diễn ra lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Pyeong Hwa Automotive.
…PHA lựa chọn khu công nghiệp Hải Phòng (DEEP C) II thuộc khu kinh tế ĐìnhVũ – Cát Hải làm địa điểm đầu tư nhà máy đầu tiên của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á. Dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô của công ty có diện tích 7 ha với tổng vốn đầu tư 16,7 triệu USD, dự kiến khi đi vào hoạt động vào tháng 9/2019 sẽ đưa ra thị trường 7,5 triệu sản phẩm phụ tùng ô tô/năm, tạo gần 300 công ăn việc làm tại thành phố.
Bản tin Vinanet kể: Xuất khẩu nhóm hàng giày dép chiếm 6,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước 5 tháng đầu năm.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu giày dép sang thị trường nước ngoài tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 6,24 tỷ USD; Trong đó, riêng tháng 5/2018 xuất khẩu tăng 22,1% so với tháng liền kề trước đó và cũng tăng 11,2 % so với tháng 5/2017, đạt 1,54 tỷ USD.
Mỹ là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại giày dép của Việt Nam, chiếm 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước, đạt 2,31 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2017.
https://vietbao.com/p111/tin-ngay

Biểu Tình Khổng Lồ Lần Đầu Tiên Như Cơn Lốc

Phạm Gia Đại
Nhà báo Phạm Chí Dũng, cựu đảng viên Đảng Cộng Sản, nói :”Một mùa xuân Ả Rập đã bắt đầu trỗi dậy tại Việt Nam”, sau khi các cuộc biểu tình rộng lớn nhất kể từ nhiều năm nay đã bùng phát (WagingNonViolence). Trong cuối tuần lễ vào ngày 9-10 tháng 6 vừa qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường chống lại hai dự luật về An Ninh Mạng và thiết lập nhượng 99 năm các Đặc Khu Kinh tế (EEZs) cho Tầu Cộng. Cuộc biểu tình được khởi đầu với khoảng 50 ngàn công nhân nhà máy sản xuất giầy  Pouchen tại khu vực công nghiệp Tan Tao, trong thành phố Sàigòn, là khu vực kinh tế lớn nhất của nước nằm ở Đông Nam Châu Á này.
Hàng ngàn người đã tụ tập suốt từ bắc chí nam, xuyên qua 13 thành phố lớn, mang theo các biểu ngữ như “Nói Không Với dự luật EEZs”, “Không Cho Thuê dù chỉ Một Ngày”, “Luật An Ninh Mạng là Bịt Miệng Dân Chúng”.  Biểu tình là sự bùng phát những bất mãn chất chứa bao nhiêu năm của người dân đối với nạn tham nhũng có hệ thống, chống lại sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và trên lãnh vực rộng lớn, và nhất là chống lại sự phản ứng quá yếu ớt của nhà nước cộng sản Việt Nam trước sự vi phạm của Tầu Cộng  vào chủ quyền của VN trong vùng Biển Đông giầu tài nguyên.
Trong một bài viết cho Hội Nhà Báo Độc Lập, ông Dũng cho biết các cuộc biểu tình này đánh dấu “lần đầu tiên kể từ khi cộng sản chiếm đoạt miền Nam năm 1975, là một hành động trực tiếp thách đố nhà nước cầm quyền.
Biểu tình đã nổ ra một tuần lễ sau khi Quốc Hội bù nhìn của cộng sản tuyên bố sẽ thông qua hai dự luật vào ngày 12 và 13 tháng 6, trong tiến trình thảo luận kéo dài cả tháng kể từ ngày 20 tháng 5. Dân chúng kêu gọi biểu tình trên các mạng lưới xã hội thông dụng nhất trong nước như Facebook (trên 40 triệu người sử dụng), và Twitter (trên 60 triệu người sử dụng).
Các lực lượng đàn áp của nhà nước cộng sản bao gồm cả công an thường phục đã khóa trái cửa  (như gia đình cô luật sư Lê Thị Công Nhân tại Hà Nội) hay ngăn chặn các nhà tranh đấu không được ra khỏi nhà tại các thành phố lớn. Nhiều nhà tranh đấu, biết trước các thủ đọan này, nên đã âm thầm rời nhà của họ đi lánh nạn ở nơi khác để tranh cảnh bị công an nhốt trong nhà, có thể gây nguy hại cho những người thân của họ đang bị bệnh.
Trong ngày 10 tháng 6, nhà nước cộng sản đã huy động hết các lực lượng đàn áp kể cả các nhóm côn đồ để trấn áp người biểu tình, bắt bớ giam cầm, và đánh đập họ dã man. Cảnh sát tại Sàigòn còn sử dụng máy phát âm dùng cho tần số cao (Long Range Acoustic Devices) mà họ mua được của Mỹ nhắm trang bị cho các tầu tuần duyên của VN, để trấn áp người biểu tình; các máy này phát ra các âm thanh cực mạnh có thể làm tổn thương trầm trọng cơ thể hay tổn hại cơ quan thính giác của người biểu tình.
Tại hai thành phố Phan Rí và Phan Thiết, trung tâm của tỉnh Bình Thuận, cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi phun nước vào cư dân. Người dân đã tấn công ném đá và gạch vào các đơn vị cảnh sát đặc biệt. Cảnh sát đã đầu hàng và phải gỡ bỏ các máy móc trấn áp này và rút về đồn. Tuy vậy cho mãi đến ngày 12 tháng 6, cảnh sát công an địa phương mới lấy lại được sự kiểm sóat, và bắt giữ hơn 500 người (theo truyền thông và phía cảnh sát đã tiết lộ). Các người bị bắt đã mất hết tiền bạc, điện thoại cầm tay, và các vật dụng cá nhân khi bị bắt giữ, và bị đánh đập tàn nhẫn tại các đồn cảnh sát công an hay trại tạm giam, và còn bị đe dọa đưa ra tòa. Những biểu tình yêu nước chống Tầu Cộng của họ bị gán cho tội: “Phá rối trật tự xã hội”.
Mục đích ra luật An ninh Mạng để cho nhà nước cầm quyền có thể có thêm uy thế buộc các công ty ngoại quốc trao cho họ những tin tức, dữ liệu về các cá nhân, và có thể kiểm soát các mạng trên internet, làm im tiếng các chỉ trích nhà nước, và có thể truy tố ra tòa các nhà tranh đấu đòi quyền tự do ngôn luận căn bản. Vì lý do đó, cơ quan Ân Xá Quốc Tế và Nhân Đạo Quốc Tế (Amnesty International and Human Rights Watch) đã kêu gọi Hà Nội không thông qua dự luật này. Tuy nhiên riêng Hoa Kỳ và Canada chỉ thúc giục Việt Nam trì hoãn bỏ phiếu cho dự luật đó để bảo đảm nó tuân thủ theo các nguyên tắc quốc tế mà thôi.
Những người biểu tình xuống đường vì họ lo ngại nhượng đất ba vùng trọng yếu của tổ quốc là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Nha Trang), và Phú Quốc (Kiên Giang) là bước đầu cho các nhà đầu tư Trung Cộng chiếm đọat đất đai VN, và đem các công nhân không có tay nghề vào những vùng đất này.
Nhiều kinh tế gia kỳ cựu của VN như Pham Chi Lan nói rằng – CSVN đã ký kết một số hiệp ước tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu, với Hoa Kỳ, và nhiều nước khác – thì không có nhu cầu thiết lập các vùng đặc khu kinh tế nữa để thu hút đầu tư ngoại quốc làm gì. Theo Le Hoai Anh, những vùng đặc khu kinh tế như vậy sẽ giúp cho Trung Cộng đóng thuế rất ít hay không phải đóng thuế gì cả  khi đến khai thác các đặc khu này.
Trong một phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do (Free Asia Radio), một tiểu thuyết gia, cũng là một người lính cộng sản trước kia Nguyen Ngoc cho biết: “tôi quyết định tham gia biểu tình bởi vì luật về đặc khu EEZs sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh đất nước, và luật an ninh mạng sẽ giết chết tiếng nói yêu chuộng tự do ngôn luận của người dân. Mọi điều sẽ bị đẩy lùi về phía sau, trong khi chúng ta cần tiến về phía trước.”
Về phía nhà nước, và quốc hội do đảng cộng sản nắm giữ tuyên bố sẽ dời biểu quyết về dự luật đặc khu cho đến phiên sau vào tháng 10, nhưng dự luật về an ninh mạng đã được quốc hội của họ thông qua và sẽ thành đạo luật vào tháng Giêng năm 2019. Mặc dù bị đàn áp, người ta vẫn trông chờ nhiều cuộc biểu tình sẽ nổ ra trong tương lai khi quốc hội bù nhìn này nhóm họp lại vào tháng 10 sắp tới.
Nhìn trở lại lịch sử hai nước Việt và Tầu, người Tầu đã xua quân qua tấn công VN 22 lần trong mấy ngàn năm qua, và gần đây, theo nhà sử học Dao Tien Thi, họ lại xua 60 ngàn quân đánh vào 6 tỉnh biên giới của VN năm 1979. Năm 1989, Trung cộng lại xâm chiếm các hòn đảo trong khu vực Trường Sa của VN, và biến các hòn đảo này thành các căn cứ quân sự, lắp đặt các dàn hỏa tiễn tối tân, các cơ sở nhân tạo, và biến Biển Đông thành biển hồ của họ.
Trước tình hình đó, nhà cầm quyền CSVN lại tỏ ra thân Tầu, trấn áp các cuộc biểu tình chống Tầu, và kết án các nhà họat động chống Tầu, nhiều người đã bị đưa ra tòa với những bản án thật nặng nề.
Tuy nhiên, đàn áp chỉ làm gia tăng thêm thành phần chống đối lại nhà nước cộng sản bởi vì càng ngày càng nhiều người lưu tâm đến vấn đề chính trị. Cộng sản VN cần phải cải tổ sâu rộng, thực hiện các bầu cử tự do, và phải tôn trọng nhân quyền để giảm thiểu những bất mãn trong xã hội. Cựu phó chủ tịch văn phòng của quốc hội Nguyen Si Dung nói: “Nhà nước phải quan tâm đến những gì mà người dân của họ đang quan tâm.” Nếu nhà nước với chế độ một đảng tiếp tục duy trì bạo lực, không giải quyết những đau buồn cho người dân, thì đất nước sẽ rơi vào nội loạn. (Tin Tổng Hợp và dịch từ Yahoo)./. PGĐ
https://vietbao.com/p112a282482/bieu-tinh-khong-lo-lan-dau-tien-nhu-con-loc

Không chịu nộp phí,

tài xế tông barie BOT Tân Đệ qua trạm

TTO – Khoảng 2 tháng nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt tài xế cho xe tông thẳng qua barie tại trạm thu phí BOT Tân Đệ (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) để phản đối việc thu phí.
Giảm giá vé cho dân sống gần trạm BOT TASCO Quảng Bình
Bị dân ‘vây’, trạm BOT Tasco Quảng Bình miễn phí vé
Tranh cãi về đường BOT một nơi trạm thu phí một nẻo ở Thái Bình
Tài xế cho rằng trạm đã hết thời gian thu phí
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại hiện trường, có đến hàng trăm lượt tài xế kiên quyết không đóng phí vì cho rằng trạm đã hết thời gian thu phí từ lâu. Tài xế cứ thế tông xe vào thanh barie để qua trạm.
Một số tài xế khác “cẩn thận” hơn thì xuống xe để nhấc thanh barie sang một bên và lái xe qua.
Mỗi khi barie bị hất sang một bên thì các nhân viên lại phải chạy đến để gạt trở lại. Điệp khúc “hất ra gạt vào” diễn ra cả trăm lượt mỗi ngày tại trạm, ngay cả khi có mặt lực lượng cảnh sát giao thông chốt trực tại đây.
Trao đổi về việc nhiều người dân kiên quyết không nộp phí qua trạm BOT Tân Đệ, tài xế Nguyễn Đức Cường (50 tuổi, trú tại TP Thái Bình) cho rằng với việc cải tạo, nâng cấp 5,5km đường quốc lộ 10 (đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ), đáng lý Bộ Giao thông vận tải phải trích tiền từ nguồn phí bảo trì đường bộ.
Theo ông Cường, thực tế chủ đầu tư Tasco chỉ cải tạo đoạn đường trên với cốt đường có sẵn nhưng lại thu phí suốt từ năm 2009 đến nay là điều quá “kinh khủng” khi mức thu không hề rẻ, thấp nhất 35.000 đồng/xe và cao nhất 180.000 đồng/xe.
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Nguyễn Quang Linh (47 tuổi, trú phường Kỳ Bá, TP Thái Bình), cho rằng đoạn đường tránh thị trấn Đông Hưng dài 6,5km nằm cách đoạn đường cầu La Uyên – cầu Tân Đệ gần 20km, hoàn toàn không “ăn nhập” gì với nhau nên việc cho phép được thu bù để hoàn vốn ở trạm BOT Tân Đệ là quá vô lý.
Tasco khẳng định thời gian thu đến năm 2021
Liên quan đến việc tài xế phản đối thu phí, đại diện Công ty Cổ phần Tasco tái khẳng định dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ và đoạn tránh thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình theo hình thức hợp đồng BOT đã được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Ban ngành, UBND tỉnh Thái Bình chấp thuận.
Việc thu phí ở trạm Tân Đệ được thực hiện theo hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải, theo đó thời gian thu dự kiến kết thúc vào tháng 1-2021.
“Tuyến tránh Đông Hưng chỉ là một hạng mục của dự án đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ, được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và hạng mục này đã có trong hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải”, đại diện Tasco cho hay.
Về mức thu phí, theo Công ty Cổ phần Tasco, đoạn La Uyên – Tân Đệ và đoạn tuyến tránh thị trấn Đông Hưng (từ ngã ba Đợi đến gần ngã tư Gia Lễ) có tổng mức đầu tư trên 970 tỉ đồng. Mức thu phí tại trạm Tân Đệ được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 137/2016 của Bộ Tài chính.
Mức thu của dự án đã được tính toán theo phương án tài chính tại hợp đồng đã ký kết với Bộ Giao thông vận tải, phù hợp với đặc thù của mỗi dự án.
Theo công bố của Bộ Giao thông vận tải, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ (bao gồm tuyến tránh Đông Hưng) có tổng mức đầu tư trên 1.000 tỉ đồng, khởi công vào ngày 7-9-2008 và hoàn thành vào ngày 31-3-2018.
Theo UBND huyện Vũ Thư, trạm thu phí BOT Tân Đệ đi vào hoạt động từ năm 2002 để phục vụ thu phí hoàn vốn cầu Tân Đệ và đến năm 2009 kết thúc hoàn vốn. Từ năm 2009 cho đến nay, trạm hoạt động thu phí để hoàn vốn dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ).
Tuy nhiên, ngày 28-1-2015, Thủ tướng Chính phủ có công văn về việc đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến tránh thị trấn Đông Hưng, Thái Bình và đồng ý bổ sung đoạn tránh này vào hợp đồng BOT dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ.
Theo đó, thời gian thu phí bắt đầu từ tháng 7-2017 đến tháng 9-2021, trong đó sử dụng 60% doanh thu của trạm thu phí BOT Tân Đệ để hoàn vốn đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ và 40% doanh thu để hoàn vốn đường tránh thị trấn Đông Hưng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 23-6, đại diện UBND tỉnh Thái Bình cho biết mới đây tỉnh cũng đã có buổi làm việc cùng với lãnh đạo Tổng Cục đường bộ Việt Nam liên quan đến tình trạng nhiều tài xế không nộp phí nhưng vẫn đi qua trạm.
Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình thống nhất cắt cử lực lượng CSGT ra để điều tiết, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực trạm thu phí BOT Tân Đệ, tuy nhiên việc các tài xế nộp phí hay không nộp phí khi qua trạm thì phía Tasco phải chủ động.
“Lực lượng chức năng của tỉnh chỉ đảm bảo về mặt an ninh trật tự trên địa bàn và xử lý những trường hợp cố tình hủy hoại tài sản có liên quan, riêng về công tác thu phí như thế nào thì Tasco phải chủ động bố trí lực lượng”, đại diện UBND tỉnh cho hay.
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Huyện – tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – nhấn mạnh Công ty CP Tasco triển khai thu phí tại trạm BOT Tân Đệ là theo đúng các quy định và chưa hết thời gian thu phí.
Ông Huyện cho biết Tổng cục đã có văn bản đề nghị UBND và Công an tỉnh Thái Bình quan tâm, làm rõ cũng như có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp cố tình cản trở hoạt động thu phí tại trạm BOT Tân Đệ.
https://tuoitre.vn/khong-chiu-nop-phi-tai-xe-tong-barie-bot-tan-de-qua-tram-20180622180006354.htm

Trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức để đổi lấy FTA?

Khánh An-VOA
Trong lúc phiên tòa xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức đang hé lộ dần các thông tin “gây căng thẳng” và “hồi hộp” từ các nhà điều tra, luật sư người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf, nhận định với VOA rằng có phần chắc hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU sẽ không được ký kết nếu như không có một giải pháp cho vụ bắt cóc kiểu “chiến tranh Lạnh” này.
Trong email trả lời phỏng vấn của VOA về thông tin cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh sắp được Việt Nam trao trả lại Đức, Luật sư Schlagenhauf nói bà không thể bình luận chi tiết về điều này, nhưng dẫn chứng nhiều bài báo Đức với “nhiều nguồn khác nhau” tiết lộ Việt Nam sẽ trả thân chủ của bà về Đức vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới, thực hiện lời hứa đối với chính phủ Đức rằng Việt Nam muốn kết thúc “tình trạng xung đột” với Đức.
Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị Hà Nội truy nã, đã bất ngờ biến mất khỏi Đức vào cuối tháng 7 năm ngoái trong lúc đang xin tị nạn ở nước này.
Chính phủ Đức nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh tại một công viên ở Berlin. Vài ngày sau, ông Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam và Hà Nội nói rằng ông này tự ra đầu thú.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra những căng thẳng ngoại giao lớn giữa hai nước. Berlin gọi đây là một vụ vi phạm luật pháp Đức và quốc tế “chưa từng có”, và ra lệnh trục xuất nhân viên sứ quán Việt Nam tại Berlin với lý do “persona non grata” (không được hoan nghênh”).
Berlin còn yêu cầu Hà Nội phải trả Trịnh Xuân Thanh lại để nước này giải quyết đơn xin tị nạn của ông Thanh.
Một nhà nghiên cứu kinh tế-chính trị của Việt Nam, TS. Phạm Chí Dũng, nhận định với VOA rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là một trong ba “vướng mắc” mà Hà Nội đang cần phải tháo gỡ với Berlin để thúc đẩy cho việc ký kết hiệp định tự do thương mại với châu Âu, được xem là một trong những chính sách kinh tế ưu tiên hàng đầu sau khi Hiệp định Đối tác Thương mại Tự Do Xuyên Thái Bình Dương (TPP) rơi vào trạng thái bất định sau khi Hoa Kỳ rút lui.
TS. Phạm Chí Dũng cho biết thêm: “Vào tháng 2/2018, tại Brussels, trụ sở của Liên minh châu Âu, đã phát ra tín hiệu là chính thức đặt vấn đề nhân quyền là quan trọng nhất đối với hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu, trong đó phải giải quyết được 3 vấn đề là vụ Trịnh Xuân Thanh, thứ hai là vấn đề công đoàn độc lập và thứ ba là cải thiện lao động cưỡng bức tại Việt Nam”.
Việc ký kết FTA với EU càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam đang bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt về thuế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, thép, nhôm (vì có xuất xứ từ Trung Quốc)…, và Liên minh châu Âu vẫn chưa quyết định hủy bỏ “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam vì tình trạng đánh bắt thủy sản lậu
“Thị trường Liên minh châu Âu là một thị trường rất đắc địa đối với Việt Nam. Và nếu như vì vụ Trịnh Xuân Thanh hay vì vi phạm nhân quyền… mà Việt Nam bị hạn chế xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì đó là một thiệt thòi rất lớn”, TS. Phạm Chí Dũng nhận xét.
Theo ông, động thái phóng thích Luật sư Nguyễn Văn Đài, người mà theo TS. Phạm Chí Dũng, là “nhân vật bất đồng chính kiến nguy hiểm nhất đối với chính quyền Việt Nam”, gần đây cho thấy Hà Nội đang chịu một sức ép rất lớn từ phía người Đức.
Ông phân tích: “Việt Nam từ đầu năm 2018 đã rất hy vọng vào hiệp định này và cho báo chí tuyên truyền rằng cuối tháng 3 là hoàn tất bản thảo để Việt Nam ký với Ủy ban châu Âu, để từ đó, UB châu Âu trình lên Cộng đồng châu Âu rồi Nghị viên châu Âu, và có thể hoàn tất, ký kết ngay trong năm 2018. Nhưng từ cuối tháng 3 tới nay, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào về việc hoàn tất bản thảo giữa Nghị viện châu Âu và Việt Nam. Hiện số phận hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và châu Âu đang treo lơ lửng và phụ thuộc vào người Đức”.
Trong khi đó, Luật sư Petra Schlagenhauf cho rằng việc thả ông Đài “chắc chắn cho thấy, bằng cách nào đó, Việt Nam đang nỗ lực xoa dịu xung đột với Đức và châu Âu”.
Chính phủ Đức hiện đang tiến hành xét xử những người liên quan đến vụ bắt cóc, trong đó có Nguyễn Hải Long, người bị cáo buộc là gián điệp đã thuê chiếc xe để sử dụng trong vụ bắt cóc.
Tin mới nhất từ thoibao.de cho biết cảnh sát Đức đã xác nhận có cuộc gọi từ Berlin vào số máy có đuôi 8888 của Bộ trưởng Công an Tô Lâm ngay trước khi vụ bắt cóc diễn ra. Cùng thời điểm này, Séc cũng ghi nhận có một cuộc gọi từ máy ông Đào Quốc Oai, cậu của Nguyễn Hải Long, cho ông Tô Lâm.
Các giới chức Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Tô Lâm, đã bị Đức cáo buộc sử dụng máy bay mượn của Slovakia để thực hiện vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhân một chuyến công tác đến nước này.
Slovakia phủ nhận đã giúp Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc và không có bằng chứng cho thấy ông Thanh có mặt trên máy bay.
Theo LS. Petra Schlagenhauf, phiên tòa “gay cấn” tại Đức sẽ tiếp tục kéo dài cho đến ít nhất là tháng 8 năm nay.
Ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang chịu 2 án tù chung thân tại Việt Nam về tội tham ô tài sản.
https://www.voatiengviet.com/a/tra-trinh-xuan-thanh-cho-duc-de-doi-lay-fta/4451288.html

Dư luận ‘ném đá’

các ‘hot girl’ bình luận bóng đá trên VTV

Chương trình “Nóng cùng World Cup” của truyền hình nhà nước Việt Nam với những cô gái ‘xinh đẹp’ nhưng ‘ít kiến thức bóng đá’ bình luận World Cup bị công chúng trong nước phản ứng dữ dội. Nhiều người cho rằng VTV đang “khai thác phụ nữ” để câu view.
Bên cạnh những chuyên gia bóng đá hay người nổi tiếng có nhiều am hiểu về môn thể thao này, VTV còn mời tới 32 cô gái có ngoại hình hấp dẫn và “nóng bỏng” đại diện cho các đội bóng đồng hành cùng chương trình trong suốt một tháng diễn ra giải vô địch bóng đá thế giới.
Hot girl bình luận World Cup: Coi thường phụ nữ đội lốt tôn vinh?
Zing News
Tuy nhiên, các cô gái trẻ mà truyền thông trong nước và mạng xã hội gọi là ‘hot girl’ bị cho là “dù sở hữu thân hình quyến rũ và gương mặt xinh đẹp” nhưng “thiếu hiểu biết về bóng đá.”
Một trong những ‘hotgirl’ tham gia bình luận trên VTV có tên Đặng Ngân đã trở thành tâm điểm chỉ trích khi đưa ra một phát ngôn “hồn nhiên” trong trận đấu Ai Cập-Uruguay rằng “em thích Salah và mong anh ấy ra sân. Nhưng em mong Uruguay chiến thắng… Thực ra em hâm mộ đội tuyển Pháp.”
Đặng Ngân là người đẹp đại diện cho đội tuyển Pháp của chương trình “Nóng cùng World Cup”.
Trong khi đó một ‘hotgirl’ đại diện cho đội tuyển Brazil cũng đã “gây bão” khi nói trong phần bình luận trận Brazil gặp Thụy Điển. Cao Diệp Anh cho biết cô là fan hâm mộ của Brazil “từ khi còn học cấp 1. Nghĩa là vào những năm 2000, 2002. Thế hệ của Ronaldo, Ronaldinho, Pele.”
Pele là huyền thoại của bóng đá Brazil và ông đã giã từ sân cỏ vào năm 1974.
Truyền thông trong nước đã đăng tải những phát ngôn mà họ cho là “ngô nghê” của các nữ bình luận viên này và chúng thậm chí bị chế hài trên mạng xã hội.
Cũng có những người không chú ý tới các phần bình luận của những cô gái này mà chỉ để tâm tới trang phục áo cổ khoét sâu và váy ngắn của họ.
VTV đã cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn chính trị, xã hội hay định kiến về vai trò, vị trí (của) nữ giới.
Facebooker có tên Hirota Fushihara
Những hình ảnh của họ đã được chia sẻ lại trên mạng xã hội, hầu hết là từ nhiều tài khoản Facebook của nam giới, với những lời bình luận như “giải trí, rửa mắt thôi mà.”
VTV cho rằng với việc mời các cô gái tham gia bình luận World Cup, họ đang tôn vinh phụ nữ vào vị trí trang trọng trong một chương trình phát sóng quan trọng.
Mặc dù vậy, công chúng và các trang mạng trong nước lại cho rằng việc mời các ‘hotgirl’ bình luận World Cup là sự “coi thường phụ nữ đội lốt tôn vinh”, theo nhận định của Zing News.
Trong khi đó, Dân Việt đặt nghi vấn liệu chương trình này có phải là một “trò chơi kỳ thị phụ nữ của đàn ông?”
Bình luận về việc VTV đưa những phụ nữ “đẹp nhưng thiếu kiến thức” lên chương trình này, một người dùng Facebook có tên Hirota Fushihara viết trên trang cá nhân rằng “Chọn những người như vậy tạo nên một hình ảnh cố định về nữ giới theo góc nhìn hẹp của một số người đàn ông.”
Facebooker này đặt câu hỏi: “VTV đã cung cấp cho chúng ta một tầm nhìn chính trị, xã hội hay định kiến về vai trò, vị trí (của) nữ giới.”
Nhiều bình luận viên nữ đã trở thành nổi tiếng trên các chương trình thể thao như ESPN hay Fox Sports vì kiến thức của họ về thể thao.
Tuy nhiên việc dùng phụ nữ để kéo khán giả đến với chương trình là một bước thụt lùi trong phát triển xã hội, theo nhận định của Tuổi Trẻ.
https://www.voatiengviet.com/a/du-luan-nem-da-cac-hot-girl-binh-luan-bong-da-tren-vtv/4450489.html

Tags:

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.