Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 20/06/2018

Wednesday, June 20, 2018 8:01:00 PM //

Tin Việt Nam – 20/06/2018

Bình Thuận: Người dân đòi công lý

cho người biểu tình bị đánh thổ huyết

Sáng ngày 20/6, hàng chục người dân địa phương biểu tình tại trụ sở Công an thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, Bình Thuận để phản đối việc công an gây thương tích cho Nguyễn Minh Kha, người tham gia vào cuộc biểu tình phản đối dự luật đặc khu hơn một tuần trước đó.
Tối ngày 20/6, bà Nguyễn Thị Hường, mẹ của anh Nguyễn Minh Kha, cho VOA biết con bà bị công an đánh trong lúc bị công an thẩm vấn sau khi tham gia đợt biểu tình ngày 10 vào 11 tháng 6.
“Công an tới đưa giấy mời hai lần. Cháu lên nhưng không ngờ bị đánh kiểu đó. Công an xã Hòa Minh đánh cháu. Miệng nói thì tay họ đánh lên đầu, thục đầu gối vào hông, thằng con tui nó xỉu. Nó mệt quá, thở không nỗi. Họ túm lấy đầu thằng nhỏ, họ bảo thằng con tui phải nhận tội.”
Báo Pháp luật loan tin hôm 20/6 người dân Phan Rí Cửa tập trung tại trụ sở công an để làm rõ về thông tin công an gây thương tích cho Nguyễn Minh Kha, tuy nhiên, tới trưa cùng ngày, “qua vận động, người dân đã không còn tập trung tại đây và trở về nhà.”
VOA đã liên lạc với công an huyện Tuy Phong nhưng chưa được phản hồi.
Bà Hương nói hiện tại anh Khoa đang ở thành phố Hồ Chí Minh và hiện sức khỏe không tốt, nội thương nặng, sốt, và ho ra máu:
“Con tôi sức khỏe không tốt, bị nội thương trong, ho ra máu. Không điều trị tại bệnh viện vì nhà quá nghèo.”
Blogger Ngô Thanh Tú viết trên Facebook hôm 20/6: “Sáng nay Kha lại bị thổ huyết, người nhà vô cùng lo lắng trước tình hình sức khỏe của em. Kha chính là tác nhân chính để thân nhân, hàng xóm kéo nhau đến đồn công an Thị trấn Phan Rí Cửa phản đối, đòi công lý trong suốt hai ngày qua. Sáng hôm nay (20/6) người nhà lại tiếp tục lên đồn bao vây để yêu cầu công an phải có trách nhiệm với nạn nhân.”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, blogger Trịnh Kim Tiến, một nhà hoạt động có cha bị công an dùng nhục hình cho đến chết, nói với VOA rằng việc công an đánh người, ép nhận tội rất phổ biến ở Việt Nam:
“Bạn Khoa bị đánh trọng thương và đưa lên Sài gòn cấp cứu. Tôi nghĩ việc đánh người như thế là hành động man rợ, cho thấy đó là một nhà nước không pháp luật. Người dân Phan Rí kể lại là họ bị khủng bố, rất nhiều thanh niên bị bắt, đánh đập, giam cầm. Họ luôn miệng nói đây là nhà nước do dân và vì dân, nhưng trên thực tế cách hành xử, bất bớ, đánh đập người biểu tình, và cách giải quyết sau đó cho thấy họ vô cùng coi thường người dân, họ dùng bạo lực để đàn áp, cai trị người dân.”
Báo Pháp Luật trích lời ông Trần Long Khánh, Trưởng Công an huyện Tuy Phong, cho biết Nguyễn Minh Kha là người tham gia ném đá trong hai ngày 10 và 11-6 tại Phan Rí Cửa và Phan Rí Thành; Cơ quan CSĐT công an đã triệu tập Kha đến làm việc cùng nhiều người khác, lấy lời khai, và đã khởi tố bị can đối với Kha nhưng cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thượng tá Khánh cho biết Nguyễn Minh Kha và gia đình vu khống lực lượng công an cho rằng công an tấn công mình trước nên Kha đã kích động nhiều người tấn công lực lượng chức năng bằng gạch, đá vào trưa 10/6 khiến nhiều cảnh sát bị thương.
Cổng thông tin của tỉnh Bình Thuân trích lời ông Phạm Khánh Phương – Phó trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong cho biết: “Vụ việc gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ xảy ra trong 2 ngày 10 – 11/6 vừa qua là do các thế lực thù địch kích động.”
https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-dan-doi-cong-ly-cho-nguoi-bieu-tinh-bi-danh-tho-huyet/4446915.html

Những nạn nhân bị công an đánh

sau bạo động ở Bình Thuận nói gì?

Cuộc biểu tình tại tỉnh Ninh Thuận, cụ thể là thị trấn Phan Rí Cửa thuộc huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã phát triển thành một cuộc bạo động chưa từng thấy từ sau cuộc chiến năm 1975 trở lại đây. Cuộc bạo động đã để lại rất nhiều thiệt hại về tài sản công và sức khỏe của lực lượng công lực. Nhưng bên cạnh đó, sau những ngày biểu tình, an ninh tâm lý và sức khỏe của người dân Phan Rí, Phan Thiết gặp quá nhiều vấn đề bởi nguyên nhân chính là sự trục trặc trong xử lý tình huống giữa chính quyền và nhân dân.
Tại sao con, cháu chúng tôi bị bắt, bị đánh?
Một người từng tham gia biểu tình và bị công an Bình Thuận Bắt, đánh đập, tra khảo, chia sẻ: “Em lên theo giấy mời, vừa lên trụ sở công an thì nó lấy xe chở em qua điểm khác rồi bắt đầu hỏi rồi đánh em. Nó đánh em gần tắt thở luôn, nó chửi em nó kêu: “đ.. má mày, mày có khai không”, em thở không nổi em nói từ từ em khai. Nó bảo “tao công an từ Phan Thiết vào làm chứ không phải vô chơi giỡn với mày. Em ngồi em khai tới chiều luôn, nó kêu mai hoặc mốt nó gọi lại. Lúc về nhà nó hơi đau đau rồi đi biển không nổi luôn. Mai em thử mua rượu uống nhưng cũng không đỡ, đi bệnh viện kiểm tra thì họ bảo không bị gì nhưng tụ máu bầm khắp người không à.”
Nó đánh em gần tắt thở luôn, nó chửi em nó kêu: “đ.. má mày, mày có khai không”, em thở không nổi em nói từ từ em khai. – Nạn nhân
Theo thanh niên này, anh đã quá khích và ném vài cục đá trong quá trình đối mặt với lực lượng chức năng, cụ thể là lực lượng cảnh sát cơ động 113 Bình Thuận. Như quí thính giả đã biết, trong buổi trưa ngày 11 tháng 6 năm 2018, lực lượng chức năng và hệ thống công lực của Bình Thuận hoàn toàn thất thủ trước những đợt tấn công của nhân dân. Theo quan sát của chúng tôi, số nhân dân tham gia bạo động chừng ngót nghét ba ngàn người, số lượng cảnh sát cơ động phòng thủ ở phía cầu Nam để bảo vệ cửa ngõ yết hầu vào trung tâm hành chính Bình Thuận chừng 500 người có trang bị vũ khí đầy đủ.
Sau cuộc chiến lựu đạn cay của 113 với gạch đá của nhân dân biểu tình, lực lượng 113 đã rút dần vào bên trong khuôn viên Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Bình Thuận và qua trưa ngày 11 tháng 6, lực lượng này chính thức thất thủ, đầu hàng người dân để được đi ra bên ngoài. Sự đầu hàng của họ được nhân dân ghi nhận, tạo điều kiện để họ ra bên ngoài sau khi cởi bỏ áo giáp, công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp và vũ khí.
Nhưng sau đó không lâu, sau khi bỏ chạy, bỏ cả lực lượng cảnh sát 113 để thoát thân, các quan chức Bình Thuận đã cầu cứu các lực lượng liên đới của các tỉnh khác. Và một cuộc bố ráp với người tham gia biểu tình đã diễn ra trong khuôn khổ quản lý của nhà cầm quyền Bình Thuận. Nghĩa là theo nguyên tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Chính vì vậy hệ thống truyền thông phi nhà nước không thể vào bên trong khu vực những người từng biểu tình và nếu có vào bên trong, sự phản ánh của họ cũng thông qua lăng kính số liệu chính trị. Hệ quả là có nhiều vấn đề xảy ra mà ngay cả trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ hay nhà nước cũng khó ngờ tới được.
Thử hỏi mình làm nhà nước có phải vì dân không, do dân đưa mình lên mình mới ông này bà nọ, tại sao đi đánh dân như vậy. – Bà ngoại nạn nhân
Sự oan uổng và mối nguy tính mạng của người vừa trả lời phỏng vấn trên đây là sự minh chứng cho những gì chúng tôi vừa nói. Sau khi trở về từ đồn công an vì không có bằng chứng nhận 300 ngàn đồng để biểu tình, người thanh niên này về nhà với sức khỏe xuống cấp trầm trọng, nội thương đã làm anh đột quị sau khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi chừng 8h đồng hồ sau. Gia đình đưa anh vào bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn để cấp cứu nhưng không kịp, giữa đường phải quay về nhà để chuẩn bị hậu sự. Mặc dù anh vẫn còn thoi thóp sống nhưng khả năng sống được là rất thấp.
Bức xúc trước tình trạng của cháu mình, bà ngoại anh chia sẻ: “Bà đi lên theo, nó mời cháu ngoại lên, cháu ngoại đi lên vừa ngồi vào là nó hỏi chuyện hôm bữa đi biểu tình: “Đ.. má mày có khai không, công an mà nói ‘đ.. má mày, không khai là nó ký trên đầu liền hoặc đánh thốc từ dưới hai hông lên.” Rồi thì bên bệnh viện nó phối hợp với nhau, nó bảo là đau phần mềm thôi vậy mà nó cho thuốc uống tan máu bầm. Mấy thằng ở trên bệnh viện nó sợ công an nữa, nó không cho giấy chứng nhận, nó bảo phải điện được dưới công an nó mới cho. Nó làm kiểu này có phải giết người không gớm tay không, nó bao che để nó giết dân không. Thử hỏi mình làm nhà nước có phải vì dân không, do dân đưa mình lên mình mới ông này bà nọ, tại sao đi đánh dân như vậy. Công an mà bịt mặt đi đánh dân, đánh từ dưới hông thốc lên, thử hỏi còn gì người ta nữa, phải người ta chết không?”
Họ có bị ép cung?
Một người có con bị bắt sau khi biểu tình, mới được thả về, chia sẻ: “Có người mặc áo quần thường, đeo khẩu trang, mặt quần short xuống bắt con chú. Rõ ràng công an làm như thế là sai chứ không phải đúng, nó mời mà nó không bảo vệ con của chú, mà để mấy thằng kia đánh con của chú bị nội thương như thế. Chú chưa làm tới, chứ làm tới rồi chú làm, chịu đựng hai bên để đâu vào đấy rồi chú làm chứ giờ con chú nằm thế lỡ nó bị làm sao thì ai chịu trách nhiệm.”
Vị này cho rằng việc bắt con của ông là không hợp pháp, bởi vì việc bắt con của ông cũng như nhiều thanh niên khác có vẻ mờ ám và không đúng thủ tục pháp lý. Bởi theo luật hiện hành, muốn bắt một người nào đó phải có công an xã, công an phường đưa lực lượng đến gia đình, sau đó đọc lệnh bắt của Trưởng công an huyện hoặc viện trưởng viện kiểm sát. Nhưng ở đây hoàn toàn không có thủ tục này, sau khi bắt cũng không có biên bản về việc bắt giữ người. Và người tham gia đi bắt con ông cũng không mặc đồng phục ngành công an mà mặc quần ngắn và bịt khẩu trang. Điều này gây hoang mang cho gia đình ông tột độ bởi nó giống với những cuộc bắt cóc, ám toán hơn là bắt người hợp pháp.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của con ông bắt đầu có vấn đề trầm trọng, phía cơ quan công an không những không chia sẻ với gia đình nạn nhân mà phớt lờ, tránh trớ trách nhiệm. Trong khi đó, mối hoài nghi về khả năng con mình bị đánh đập dẫn đến nội thương của ông vô cùng lớn.
Điều ông mong mỏi lớn nhất hiện nay là sự việc của con ông được đưa ra ánh sáng pháp luật và an ninh bản thân ông cũng như gia đình ông được trả về đúng ý nghĩa của một người không phạm tội, không vi phạm pháp luật. Ông cho biết thêm là hiện nay, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn về nhiều mặt.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/what-the-victims-beaten-by-police-after-the-riots-in-binh-thuan-said-06192018103552.html

Vụ người Mỹ gốc Việt bị bắt ở Sài Gòn

‘tới’ Tổng thống Trump

Viễn Đông
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã được dân biểu nước này chính thức yêu cầu “can thiệp” vụ anh Will Nguyễn bị bắt trong khi tham gia biểu tình chống Dự luật Đặc khu và An ninh Mạng ở Việt Nam, một ngày sau khi thanh niên Mỹ gốc Việt này nói trên truyền hình rằng hành động của mình “sai trái với pháp luật Việt Nam”.
Trong bức thư đề ngày 19/6, ba dân biểu Jimmy Gomez, Alan Lowenthal và Luis Correa, đại diện cho các địa hạt ở California, tiểu bang nơi nhiều gốc Việt sinh sống, “thông báo” cho ông Trump viết về việc anh William Anh Nguyễn (thường gọi là Will Nguyễn) “đang bị giữ một cách bất công ở Việt Nam”.
Chúng tôi kêu gọi ngài nhanh chóng can thiệp vào vụ bắt giữ ông William Nguyễn và kêu gọi hủy bỏ mọi cáo trạng đối với ông ấy.
Thư gửi tới địa chỉ Nhà Trắng còn thuật lại chuyện người Mỹ gốc Việt cư ngụ ở tiểu bang Texas này “tham gia một cuộc tuần hành ôn hòa ở TP HCM hôm 10/6”, đồng thời trích thông tin của nhân chứng nói rằng anh Will Nguyễn “đã bị tấn công dã man” trước khi bị cảnh sát bắt.
Các đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, cùng với một số người khác, thanh niên từng theo học Đại học Yale bị nhiều người mặc thường phục và đeo khẩu trang cùng màu túm chân, tay, kéo lê trên đường phố tới một chiếc xe buýt, trong khi đầu và mặt vấy máu.
Công dân Mỹ này sau đó còn bị đá và bị chụp vào đầu một thứ giống như một chiếc túi màu vàng. Theo quan sát của phóng viên VOA tiếng Việt, Facebook đã khuyến cáo người sử dụng trước khi mở xem video bị trang này coi là “bạo lực”.
“Việc đối xử khủng khiếp như vậy với một người Mỹ là một sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Chúng ta không thể ngồi yên khi một trong các công dân của chúng ta vẫn bị một chính phủ nước ngoài giữ trái phép”, bức thư viết tiếp.
“Chúng tôi kêu gọi ngài nhanh chóng can thiệp vào vụ bắt giữ ông William Nguyễn và kêu gọi hủy bỏ mọi cáo trạng đối với ông ấy”.
Mình đã cản trở giao thông, cũng đã gây chuyện cho gia đình và bạn bè. Will sẽ không tham gia các hoạt động mà chống phá chính quyền.
Anh Will Nguyễn nói trên HTV.
Một ngày trước các dân biểu trên gửi thư cho Tổng thống Trump, Đài Truyền hình TP HCM (HTV) phát một bản tin, trong đó công dân Mỹ gốc Việt nói rằng “Will hiểu là hành động của Will là vi phạm” và “sai trái với luật pháp Việt Nam”.
“Mình đã cản trở giao thông, cũng đã gây chuyện cho gia đình và bạn bè. Will sẽ không tham gia các hoạt động mà chống phá chính quyền”, người học thạc sĩ về chính sách công tại Trường Lý Quang Diệu ở Singapore nói bằng tiếng Việt giọng lơ lớ như người nước ngoài.
Đoạn video ngắn quay bản tin của HTV chiếu trên vô tuyến có cảnh anh Will Nguyễn đứng trước một chiếc ôtô của cảnh sát, trong khi có một nhóm người không rõ là ai đứng đẩy xe về hai phía. Tuy nhiên, không thấy hình ảnh công dân Mỹ này bị kéo lê trên đường phố.
Bình luận về bài báo của tờ New York Times viết về việc anh Will Nguyễn “tự thú”, anh Kevin Webb, một người bạn lâu năm từng học ở Đại học Yale, viết trên Facebook: “Giờ các vị đã có cái các vị muốn. Giờ hãy thả cậu ấy” kèm theo thẻ #freewilly (trả tự do cho Willy – tên gọi thân mật của William Anh Nguyễn).
Trao đổi với VOA tiếng Việt sau khi báo chí Việt Nam đưa tin công dân Mỹ gốc Việt “bị truy tố tội gây rối trật tự công cộng”, anh Webb nói rằng Will “thực sự quan tâm tới người dân Việt Nam” và anh “không nghĩ Will là người có thể kích động bạo lực hay bạo loạn nơi công cộng”.
“Cậu ấy là người biết suy nghĩ, một người có học thức và lâu nay thích nghiên cứu về Việt Nam. Cậu ấy thích thú chứng kiến sự thể hiện của người dân ở mức độ chưa từng có”, anh Webb nói.
Một người bạn lâu năm khác cùng học tại Yale, chị Mary-Alice Daniel, cũng có cùng quan điểm với anh Webb khi cho rằng với tính cách của Will Nguyễn, anh “không thể là người gây rối”.
“Cậu ấy có mặt ở đó để chứng kiến điều cậu ấy nghĩ là một sự thể hiện hòa bình quyền tự do hội họp của người Việt Nam, chứ không phải vì mục đích chính trị nào”, chị Daniel nói.
Cậu ấy có mặt ở đó để chứng kiến điều cậu ấy nghĩ là một sự thể hiện hòa bình quyền tự do hội họp của người Việt Nam, chứ không phải vì mục đích chính trị nào.
Bạn học Megha Janakiraman nói.
Fadhil Daud và Megha Janakiraman, hai người bạn khác từng học tại Singapore với công dân Mỹ gốc Việt, cũng nói với VOA tiếng Việt rằng anh Will Nguyễn “yêu Việt Nam” và không phải là người có thể thực hiện việc “gây rối”.
“Các lập luận và quan điểm của cậu ấy luôn thể hiện rõ ràng và hợp lý. Kể cả trong các cuộc thảo luận sôi nổi, Will luôn có cái đầu lạnh và không phản ứng một cách thái quá. Trao đổi ý kiến một cách dân chủ là điều cậu ấy luôn đề cao”, chị Janakiraman, từng học với Will Nguyễn khóa thạc sĩ tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu ở Singapore, nói.
Đưa tin về quyết định truy tố, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời cơ quan chức năng cáo buộc anh Will Nguyễn “cùng nhiều người tụ tập, gây rối trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa”.
Nguyen William Anh đã leo lên xe đặc chủng, hô hào, kêu gọi nhiều người khác vượt qua chốt chặn…
Cáo buộc của Việt Nam.
“Ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng, quận 3, Nguyen William Anh đã trực tiếp yêu cầu những người trong lực lượng chức năng phải di dời các xe đặc chủng để đoàn người đi qua. Khi yêu cầu không được đáp ứng, Nguyen William Anh đã leo lên xe đặc chủng, hô hào, kêu gọi nhiều người khác vượt qua chốt chặn”, hãng tin của nhà nước Việt Nam viết.
Trên trang Facebook, chị Victoria Nguyễn, em gái của anh Will Nguyễn, viết: “Đừng để chuyện tuyên truyền đánh lừa bạn. CHẤM HẾT”.
https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-g%E1%BB%91c-vi%E1%BB%87t-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-%E1%BB%9F-s%C3%A0i-g%C3%B2n-l%C3%AAn-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump/4446765.html

Mất lòng tin vào chính sách đối với Trung Quốc :

Mồi lửa biểu tình ở Việt Nam

Thụy My
Những cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia tại trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam hôm 10/06/2018 cho thấy việc đoàn kết công luận và huy động các nhà bất đồng chính kiến dễ dàng như thế nào, khi có được một nhân tố chủ chốt : đó là Trung Quốc !
Các cuộc xuống đường, mà trên lý thuyết là bất hợp pháp, đã diễn ra vào Chủ nhật thứ hai tiếp đó, ngày 17/06/2018. Người dân lo sợ rằng các vùng duyên hải được chọn làm đặc khu kinh tế mời gọi đầu tư nước ngoài, có thể trở thành đầu cầu cho các doanh nghiệp Trung Quốc tràn sang Việt Nam.
Chính quyền không đánh giá đúng mức tình cảm chống Trung Quốc
Reuters ghi nhận tuy dự luật không nêu rõ tên Trung Quốc, nhưng các nhà phân tích chính trị nói rằng người Việt tin chắc như vậy. Các bài viết phổ biến trên Facebook lại càng củng cố sự nghi ngờ đã bám rễ lâu nay, rằng Bắc Kinh dùng lợi lộc để gây ảnh hưởng lên chính sách của Nhà nước.
Trung tâm của vấn đề là một hỗn hợp dễ cháy, pha trộn giữa thực tế bị Trung Quốc bức hiếp qua nhiều thế hệ, và sự thiếu niềm tin vào chính sách của đảng Cộng Sản cầm quyền là có thể làm được điều gì đó về việc này.
Chuyên gia về Đông Nam Á Murray Hiebert, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington nhận định : « Chính quyền đã đánh giá quá thấp tình cảm chống Trung Quốc tại Việt Nam. Rất nhiều người Việt thường kín đáo chia sẻ với nhau là chính phủ chưa hành động đúng mức để bảo vệ chủ quyền quốc gia trước họa xâm lăng từ Trung Quốc ».
Mạng xã hội như Facebook, được phân nửa trong 90 triệu dân Việt Nam sử dụng, càng làm cho tình cảm này dễ được hâm nóng và khó kìm nén lại.
Sau khi các cuộc biểu tình nổ ra trên nhiều tỉnh thành toàn quốc, Quốc Hội Việt Nam tuần qua đã hoãn lại việc bỏ phiếu về Luật Đặc khu cho đến tháng Mười.
An ninh được siết chặt tại các thành phố lớn hôm Chủ nhật 17/6 để ngăn ngừa biểu tình. Nhưng hàng ngàn người vẫn tuần hành ở Hà Tĩnh, nhiều người cầm theo các biểu ngữ « Không cho Trung Cộng thuê đất dù chỉ một ngày ».
Trung Quốc bức hiếp, dân Việt phẫn nộ
Căng thẳng có nguy cơ kéo dài, cùng với việc Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Một vành đai, một con đường (Nhất đới, nhất lộ hay Con đường tơ lụa mới) để đẩy mạnh hoạt động ở các nước, đồng thời có những hành động giương oai diễu võ để áp đặt yêu sách chủ quyền lên hầu như toàn bộ Biển Đông.
Trung Quốc tăng tốc xây dựng và quân sự hóa trên quần đảo Hoàng Sa – cưỡng chiếm từ tay quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1974 – cũng như tại Trường Sa. Hồi tháng Ba, Bắc Kinh còn gây áp lực khiến Hà Nội phải ngưng việc khoan dầu tại một lô quan trọng. Đây là lần thứ hai chỉ trong vòng một năm Trung Quốc có hành động ngang ngược này.
Sự phản kháng của chính quyền Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc khá hạn chế. Hôm thứ Sáu 15/6, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tránh né vấn đề, nói rằng Quốc Hội « biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước ».
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm Chủ nhật 17/6 cũng trấn an công chúng về việc Luật Đặc khu dự kiến cho thuê 99 năm, nhưng cũng không nêu tên Trung Quốc. Báo chí nhà nước dẫn lời ông Trọng : « Không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để vào đây làm rối mình ».
Các cuộc biểu tình hôm 10/6 hầu hết là ôn hòa, tuy nhiên đã trở thành bạo động ở Bình Thuận. Tại đây xe cộ ở công sở bị phá hoại, đám đông giận dữ ném đá và tấn công cảnh sát cơ động.
Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải nói rằng tâm trạng phẫn nộ đã được nung nấu từ nhiều năm qua tại Bình Thuận, nơi mà ngư dân bị Trung Quốc tấn công, đất đai bị ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân do Trung Quốc xây dựng, và nạn phá rừng do khai thác khoáng sản để xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc.
Theo ông Hải, người dân không chỉ trút cơn giận dữ lên Trung Quốc, mà còn cả với chính quyền địa phương, vẫn bị coi là tham nhũng và mờ mắt trước những mồi nhử lợi lộc của Bắc Kinh. Ông nói : « Họ chẳng chịu tìm hiểu vì sao người dân lại tức giận như thế, và cũng không giải quyết những bức xúc của dân. Lòng tin vào chính quyền ở địa phương này đã bị mất đi ».
Các nhà phân tích cho rằng số lượng người tham gia đông đảo và có phối hợp trong các cuộc biểu tình, đã làm cho những người dân bình thường thêm bạo dạn. Tuy nhiên đồng thời cũng làm khó khăn thêm cho đảng trong việc giữ được tình trạng thăng bằng hiện nay : vừa làm ngơ cho một số nhà bất đồng chính kiến, lại vừa giữ được họ trong vòng kiểm soát.
Cần biết đối thoại với dân
Reuters cho biết phía Trung Quốc cũng không hề coi các cuộc biểu tình của người Việt là chuyện nhỏ. Cơ quan ngoại giao của Trung Quốc tại Việt Nam tuần qua đã tổ chức những cuộc họp với các nhóm doanh nhân Trung Quốc, với chính quyền địa phương và báo chí.
Một trong số nhiều bài viết trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc cho biết bà Đoàn Hải Hồng (Yin Haihong) đã « yêu cầu » chính quyền Việt Nam bảo vệ các cơ sở kinh doanh và công dân Trung Quốc. Bà nói rằng đại sứ quán được chính quyền Hà Nội thông báo là những người có « động cơ chưa rõ » đã « cố ý xuyên tạc tình hình và gắn nó với Trung Quốc ».
Những cuộc biểu tình tương tự trước đó cũng đã diễn ra vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa, và kéo dài trong nhiều tháng vào năm 2016 do một thảm họa môi trường từ nhà máy Formosa của Đài Loan.
Trả lời câu hỏi của hãng tin Anh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng không nhắc đến Trung Quốc, nhưng nói rằng « những người cực đoan » đã « xúc giục biểu tình bất hợp pháp ». Bà cũng nói chính sách Việt Nam là phục vụ lợi ích của nhân dân và hỗ trợ đầu tư, kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Quynh, một luật sư được nhiều người theo dõi trên Facebook, nói rằng rõ ràng các cuộc tập hợp (ở Bình Thuận) là có tổ chức, và bạo động kịch phát do bị xúi giục. Chúng cho thấy có những kế hoạch tỉ mỉ và kiến thức về quy trình làm việc của lực lượng an ninh, và Bình Thuận là một điểm yếu.
Một số cựu đại biểu Quốc Hội cũng như đại biểu đương nhiệm cho rằng bây giờ là lúc để xem xét lại Luật Biểu tình, vốn đã bị hoãn lại nhiều lần. Hiến Pháp Việt Nam công nhận quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, nhưng những cuộc biểu tình thường bị cảnh sát dập tắt, những người tham gia bị tạm giữ do « gây rối trật tự công cộng ».
Những người khác thì khuyến cáo nên lắng nghe công luận nhiều hơn.Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó văn phòng Quốc Hội nói : « Chính quyền cần quan tâm đến những gì mà người dân đang quan tâm ». Tương tự, hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia Lê Đăng Doanh ở Hà Nội : « Điều hết sức quan trọng là chính quyền phải đối thoại với dân nhiều hơn, để giải quyết được vấn đề trước khi trở thành hệ trọng ». Hãng tin Mỹ cũng trích nhận định của chuyên gia Bernard Lapointe, Viet Dragon Securities JSC ở Thành phố Hồ Chí Minh : « Nguy cơ lớn nhất đối với Việt Nam, trong trường hợp bất bình xã hội gia tăng, là vốn đầu tư FDI sẽ bị sụt giảm ».
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20180620-mat-long-tin-vao-chinh-sach-doi-voi-trung-quoc-moi-lua-bieu-tinh-o-viet-nam

Ông Nguyễn Phú Trọng

đặt quyền lợi của đảng trước dân tộc

Kính Hòa RFA
Vào ngày 17/6/2018 Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh với cử tri Hà Nội rằng Luật an ninh mạng giúp bảo vệ chế độ của ông, sau đó mới nhắc đến việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Tại sao lại như vậy?
Đây không phải là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra những phát biểu mà trong đó ông đặt tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam lên trên dân tộc Việt Nam. Vào năm 2013, cũng trong một dịp tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội, ông đã nói rằng Hiến pháp là văn kiện quan trọng thứ hai sau cương lĩnh của Đảng Cộng sản.
Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này.
-Ông Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu này gặp nhiều chỉ trích của các nhân sĩ trí thức lúc đấy đang vận động cho một bảng hiến pháp đa nguyên cho Việt Nam. Một trong 72 nhân sĩ ký tên cho cuộc vận động lúc đó là nhà văn Phạm Đình Trọng.
“Điều ông ấy nói là vô cùng thảm hại, vô cùng nguy hại cho đất nước. Đưa cương lĩnh của đảng lên trên Hiến Pháp, lên trên Pháp luật là một điều lú lẫn, một điều xằng bậy không thể chấp nhận được.
Đây là cái nhận thức của ông ấy, chứ không phải ông ấy lỡ lời. Đây là một nhận thức sai trái, vô cùng nguy hại. Dân tộc Việt Nam có một ông đứng đầu đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì nguy hiểm quá. Với một đảng cầm quyền mà nhận thức như vậy thì đất nước Việt Nam mãi mãi là đất nước vô pháp luật.”
Ngay sau khi báo chí trong nước loan tải về phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, chúng tôi tìm cách liên lạc với Văn phòng Quốc Hội Việt Nam, để tìm kiếm lời giải thích nhưng không liên lạc được. Ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản nhưng cũng là đại biểu Quốc hội, cơ quan gồm gần 500 thành viên với tuyệt đại đa số đảng viên cộng sản, đã thông qua luật an ninh mạng ngày 12/6.
Trong bản tin của báo Tuổi Trẻ tại Sài Gòn ngày 17/6/2018, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như sau:
Có những thành phần sử dụng Internet kích động biểu tình, gây rối, lật đổ chính quyền. Chúng ta cần luật này bảo vệ chế độ này, không để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.
Ông cũng cho rằng chống chế độ thì mất nước, mất chế độ, không thể chấp nhận được, và phải có luật để bảo vệ an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ quyền công dân.
Tuy nhiên đã có nhiều chỉ trích cho rằng luật an ninh mạng lại xâm phạm đến quyền công dân khi trao cho cơ quan công an quá nhiều quyền hành, kiểm soát lời ăn tiếng nói của người dân trên mạng, thu thập thông tin cá nhân của người dùng internet mà không cần lệnh của tòa án.
Nhà báo Chu Vĩnh Hải, hiện sống ở Vũng Tàu nhận xét khái niệm an ninh quốc gia của những người cộng sản như sau:
Trong những nội dung an ninh quốc gia mà họ quan niệm thì có một quan niệm rằng khi những lợi ích của đảng cầm quyền, của chính quyền bị xâm phạm thì đó là xâm phạm lợi ích và an ninh quốc gia.
Nhà báo Phạm Chí Dũng, một người hoạt động bất đồng chính kiến ở Sài Gòn, từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, giải thích với RFA rằng những phát biểu của ông Trọng, và có thể là một vài lãnh đạo cộng sản khác nữa có nguồn gốc từ ý thức hệ của họ:
Trong ý thức hệ cộng sản thì ý thức hệ là trên hết, sau đó mới là dân tộc, và suy ra đảng là trên hết, sau đó mới đến dân tộc và nhân dân. Lý do thứ hai là nếu như hồi năm 2011 nổ ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, ông Trọng đã phải nhận định về sự tồn vong của chế độ, lo lắng về sự tồn vong của chế độ, ông dùng cái cụm từ đó. Bây giờ ông ta hoảng sợ, chỉ nghĩ đến chế độ thôi. Bảo vệ chế độ và an ninh quốc gia, trong não trạng của những người cầm quyền thì hai cái đó là một, lấy cái này hổ trợ cái kia, lấy cái này làm cái cớ để thực hiện cái kia.”
Trong ý thức hệ cộng sản thì ý thức hệ là trên hết, sau đó mới là dân tộc, và suy ra đảng là trên hết, sau đó mới đến dân tộc và nhân dân.
-Ông Phạm Chí Dũng.
Ngay trước khi luật an ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 12/6, liên tục trong các ngày 10,11, tháng sáu những cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn người dân Việt Nam đã nổ ra trên cả nước chống dự luật ba đặc khu, vì lo ngại đến an ninh quốc gia.
Sau khi luật an ninh mạng được thông qua, hai chuyên gia kinh tế mà đài RFA tiếp xúc tỏ ra rất lo ngại rằng an ninh quốc gia của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vì dưới sức ép của luật an ninh mạng các công ty phương Tây có thể rút đi, nhường chổ cho các công ty Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy cho biết rằng hiện người dùng Việt Nam đã bắt đầu sử dụng các điện thoại do Trung Quốc sản xuất như Hoa Vi, ZTE, trong khi đó các điện thoại này đã bị Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cấm bán trong khuôn viên của cơ quan này vào đầu tháng 5/2018 vì lo ngại là Bắc Kinh có thể thiết kế những chi tiết kỹ thuật để nghe lén.
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long từ Hoa Kỳ cho rằng Luật An ninh mạng sẽ làm mất tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam bởi vì thay vì lắng nghe tiếng nói của người dân, lại đi bịt miệng họ bằng đạo luật này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mr-trong-taks-cyber-security-06192018115736.html

VN với tự do Internet và nhà báo ‘xung kích’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị báo chí cách mạng ‘phải là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng’ nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/06.
Trước đó, trong phát biểu liên quan đến luật An ninh mạng bị một phần dư luận phản đối gần đây, Thủ tướng Phúc nói rằng Việt Nam ‘vẫn có tự do Internet’.
Theo các báo Việt Nam đăng tin về Lễ gặp mặt kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6-2018), tổ chức hôm 20/06 ở Hà Nội, Thủ tướng Phúc nói:
“Báo chí cách mạng thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin, truyền thông, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng và Nhà nước.”
Nội dung được trích thuật cũng nhắc lại con số về “đội ngũ hơn 36.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ, và hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo” ở Việt Nam.
‘Cần phấn đấu có nhiều Viettel hơn nữa’
Internet ‘cần tự do’ và QH cần thận trọng
Tại sao VN tiếp đón hàng không mẫu hạm Mỹ?
Tương lai bất định của dân chủ
Tuy thế, ngoài các nhiệm vụ làm phục vụ đường lối của Đảng Cộng sản, ông Phúc cũng yêu cầu báo chí:
“Cần thông tin nhanh nhạy, chính xác, khách quan, trung thực; vừa là kênh phổ biến, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, vừa thực hiện tinh thần gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân,”
Các nhà báo cũng cần “phản ánh kịp thời nguyện vọng, ý kiến, phản ánh kịp thời thông tin đến quần chúng nhân dân để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp với phương châm 10 chữ: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.
Hôm 18/06, nhận xét về Luật An ninh mạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Việt Nam “vẫn cho có tự do Internet” và “vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài”.
Ông Phúc nói:
“Chúng ta vẫn có tự do Internet, vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài, nhưng cơ sở dữ liệu về Việt Nam phải đưa về Việt Nam để kiểm soát.”
Theo báo Thanh Niên hôm 18/06, trong buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, ông Phúc cũng nói:
“Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo để không bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục”
Cùng thời gian, TBT Đảng CSVN, GS Nguyễn Phú Trọng cũng nói lòng yêu nước chân chính ‘bị lợi dụng’ trong sự kiện biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng.
Phát biểu khi tiếp xúc cử tri ở Hà Nội hôm 17/06, TBT Trọng mô tả các cuộc biểu tình tại một số thành phố và địa phương, trong đó có vụ trở thành bạo động ở Bình Thuận, là ‘có bàn tay của phần tử phá hoại’ và ‘không loại trừ có yếu tố nước ngoài’.
Internet và mạng xã hội Việt Nam
Hồi tháng 11/2017, nhân một lễ kỷ niệm 20 năm Internet vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Trương Minh Tuấn nhận định về sức lan tỏa của Internet ở Việt Nam:
“Từ người nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được những thông tin cần thiết trên Internet. Chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen, cuộc sống của chúng ta hiện nay.”
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nêu ra mặt mà nhà chức trách ở Việt Nam cho là tiêu cực của Intenet:
Cụ thể, hiện nay lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạoBộ trưởng Trương Minh Tuấn
“Cụ thể, hiện nay lượng thông tin xấu độc xuất hiện trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, nhất là tin giả, tin xuyên tạc, bịa đặt, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo.”
Cũng hôm 18/06, báo Quân đội Nhân dân có bài của tác giả Bắc Hà phản bác lại các ý kiến lo ngại về Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua tuần trước.
“Những băn khoăn, lo lắng về Luật An ninh mạng vi phạm hiệp định WTO, CPTPP và các doanh nghiệp mạng lớn như Google, Facebook sẽ rời khỏi Việt Nam có đúng không? Câu trả lời là “không”.
Tuy thế, điều tờ báo này đăng tải có vẻ hơi khác với phát biểu của Thủ tướng Phúc, về máy chủ.
Theo tác giả Bắc Hà thì:
“Theo Tờ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cho biết, các hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) mà Việt Nam tham gia và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh.
“Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, Internet và các dịch vụ trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặt máy chủ ảo tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp.”
Trong khi đó, Thủ tướng Việt Nam nói là “vẫn cho phép máy chủ đặt ở nước ngoài”.
Có vẻ như ở Việt Nam vẫn có sự chưa rõ ràng về máy chủ và dịch vụ ‘đám mây điện toán’.
Chống tham nhũng ‘vì đạo đức cách mạng’
Tổng Bí thư Trọng nói về biểu tình
VN: ‘Bảo trợ chính trị’ đang gây nguy hại cho chế độ?
Báo Sóng Thần chống tham nhũng trước 1975
Các quan chức Việt Nam thường nhắc đến vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm (Google), mạng xã hội, mà không phân biệt với dịch vụ lưu trữ và phân phối dữ liệu qua ‘cloud computing’.
Trên thực tế, các đại gia công nghệ mạng như Google, Facebook vẫn dùng lại dịch vụ ‘cloud computing’ do các công ty như Akamai, Amazon, Cisco, Equinix, Rackspace cung cấp.
Trang web của Akamai giới thiệu họ đang vận hành 240 nghìn máy chủ, đặt ở 130 quốc gia và tải dòng dữ liệu 95 exabyte một năm.
Việc đặt các máy chủ ở Việt Nam, kể cả khi nếu xảy ra, chỉ có thể tác động một phần rất nhỏ đến các công ty dịch vụ dữ liệu.
Về báo chí, điều giới chỉ trích thường nêu ra không phải là ở Việt Nam có tự do báo chí hay không mà là nước này chưa có truyền thông tư nhân hoặc các cơ sở truyền thông độc lập với đảng phái chính trị, các nhóm lợi ích.
Hồi 2017, cũng nhân sự kiện 20 năm mở cửa cho Internet, Freedom House, tổ chức đánh giá dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, xếp hạng Việt Nam 76/100 trên mức thang tự do Internet.
Trên thang 0-100, với 0 tự do nhất, và 100 ít tự do nhất, Việt Nam vẫn nằm trong những nước “Không có tự do Internet” cùng với Trung Quốc và Nga, theo báo cáo công bố hôm 14/11 của tổ chức này.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44526058

Người chất vấn đại biểu Quốc hội:

‘Tôi sẽ còn tiếp tục’

Người phụ nữ trong clip chất vấn đại biểu Quốc hội nói với BBC rằng bà “sẽ còn chất vấn chủ tịch Quốc hội và thủ tướng về trách nhiệm của các vị này”.
Tính đến chiều 20/6, clip một phụ nữ gọi điện chất vấn khoảng 20 đại biểu Quốc hội về việc họ nhấn nút biểu quyết luật An ninh mạng hôm 12/6 đã nhận được 11.000 lượt share và 6.000 lượt like trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Tâm, người phụ nữ trong clip, lần lượt đặt câu hỏi: “Ông/bà nhấn nút “tán thành” hay “không tán thành” khi nhấn nút biểu quyết luật An ninh mạng hôm 12/6 tại nghị trường?”
Trong số những người được hỏi, đại biểu Trần Thị Phương Hoa hỏi lại: “Tại sao chị được quyền hỏi hỏi tôi về việc ấy?” rồi cúp máy.
Các đại biểu còn lại, người thì “trả lời loanh quanh”, người thì nói “đang bận họp” hoặc số điện thoại trong tình trạng “không liên lạc được”.
Chỉ có một đại biểu trong số những người được hỏi, bà Vũ Thị Lưu Mai trả lời rằng bà đã “không tán thành” luật An ninh mạng.
Trả lời BBC hôm 20/6, bà Nguyễn Thị Tâm tự giới thiệu “là một nông dân bị mất đất sống tại Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội”.
Bà nói thêm: “Tôi gọi điện cho các đại biểu Quốc hội ở Hà Nội căn cứ vào luật Tổ chức Quốc hội và Hiến pháp về việc người dân có quyền giám sát đại biểu và đó là quyền công dân.”
“Sau khi gọi cho họ thì tôi rút ra đại biểu Quốc hội không phải là như những gì họ tuyên truyền.”
“Họ không đại diện cho nhân dân và không phải do dân bầu ra.”
“Hầu hết những đại biểu Quốc hội mà tôi gọi trả lời loanh quanh, thậm chí cúp máy ngay khi nghe tôi hỏi.”
“Thực tế những gì đang diễn ra tại Việt Nam khiến tôi cũng như nhiều người dân khác không tin được vào lời của đại biểu Quốc hội.”
“Theo tôi, các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là Đảng cử, Đảng bầu luôn, chứ lá phiếu của người dân không có giá trị.”
“Các cuộc bầu cử chỉ là hình thức mị dân và những ứng viên tự do đều rớt từ vòng gửi xe.”
“Tôi và những nông dân bị mất đất đã gửi đơn khiếu kiện đến Thường vụ Quốc hội từ nhiều năm trước và nhận ra các đại biểu Quốc hội không quan tâm đến khiếu kiện của người dân.”
“Nếu như toàn dân nâng cao kiến thức pháp luật, quan tâm đến quyền công dân và cử tri, thì các đại biểu Quốc hội sẽ phải trở về đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình.”
Bà Nguyễn Thị Tâm cho biết thêm: “Trong thời gian tới, tôi sẽ còn tiếp tục chất vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về trách nhiệm quản lý đất nước của các vị này.”
“Nếu họ không trả lời tôi thì điều đó cho thấy họ không phải là công bộc của dân như họ vẫn tuyên truyền.”
Trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến ủng hộ hành động của bà Nguyễn Thị Tâm, nhưng cũng có ý kiến nói bà “lợi dụng việc thực hiện quyền giám sát để có hành vi phá rối”.
Những người này cho rằng người dân muốn chất vấn thì phải “gửi ý kiến bằng văn bản tới Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp”.
https://www.bbc.com/vietnamese/44530249

Tp. HCM: Nổ tại trụ sở công an phường,

1 nữ cán bộ bị thương

Chiều 20/6, hãng tin AFP trích các nguồn tin địa phương cho biết vụ nổ xảy ra tại trụ sở Công an phường 12, nằm trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, khiến một nữ công an bị thương.
Theo Tuổi Trẻ Online, tại hiện trường, phía trước trụ sở Công an phường 12, nhiều mảng kính lớn vỡ vụn văng ra đường, một chiếc xe máy biến dạng hoàn toàn nằm trên lề đường, cách khoảng 3m trước trụ sở công an phường.
AFP nói nụ nổ chiều ngày 20/6 xảy ra gần nơi diễn ra cuộc biểu tình hơn một tuần trước đó, khi ấy hàng ngàn người xuống đường tại công viên Hoàng Văn Thụ, cũng thuộc quận Tân Bình, để phản đối dự luật đặc khu.
Một nhân chứng nói với AFP rằng có hai tiếng nổ liên tiếp xảy ra: “Tôi chạy đến hiện trường, tôi thấy khói nghi ngút, cảnh tượng rất hỗn loạn … cho đến bây giờ tôi vẫn còn sợ.”
Báo Tuổi trẻ trích lời các nhân chứng cho thấy hai tiếng nổ lớn phát ra từ phía trụ sở công an phường, khi những người xung quanh đến nơi thì nhìn thấy chiếc xe máy vỡ vụn ngay trước trụ sở và một nữ công an được đưa đi cấp cứu.
VNExpress nói vụ nổ lớn phát ra từ chiếc xe máy ở sân trụ sở Công an phường 12, quận Tân Bình, khiến nữ cán bộ tiếp dân bị thương.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, người phát ngôn Công an TP HCM cho VNExpress biết lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân. Tuy nhiên, trang này trích lời ông Quang nói “chưa thể xác định vụ nổ do bom, xăng, tự nổ hay do tác động từ bên ngoài.”
AFP nhận định các vụ nổ bom, dù là những vụ nổ bom nhỏ, rất hiếm hoi xảy ra ở nước Việt Nam do cộng sản lãnh đạo, nơi những tiếng nói bất đồng chính kiến bị kiểm soát chặt chẽ và các nhà hoạt động thường xuyên bị bỏ tù.
https://www.voatiengviet.com/a/tp-hcm-no-tai-tru-so-cong-an-phuong-1-nu-can-bo-bi-thuong/4446827.html

Thêm hai tỉnh Thái Bình và Dak Lak

 lên tiếng về biểu tình chống đặc khu

Thêm hai tỉnh Thái Bình và Dak Lak vào ngày 20 tháng 6 lên tiếng về tình hình biểu tình chống dự luật đặc khu và an ninh mạng.
Tại Thái Bình có hai nhân viên của 2 bệnh viện bị kỷ luật với cáo buộc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội về biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu.
Truyền thông trong nước, vào ngày 20 tháng 6, dẫn lời của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Dịu cho biết hai điều dưỡng viên làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình và Bệnh viện Y học Cổ truyền Thái Bình trong hai ngày 6 và 7 tháng 6 đã gửi tin nhắn trên mạng xã hội Facebook đến bạn bè để kêu gọi biểu tình phản đối dự luật đặc khu.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình yêu cầu lãnh đạo của bệnh viện đình chỉ công tác 15 ngày đối với hai điều dưỡng viên để xác minh, sau khi hai điều dưỡng viên thừa nhận đã xóa tin nhắn cũ và gửi lại tin nhắn mới kêu gọi bạn bè không nên chia sẻ thông tin liên quan đến biểu tình.
Tin cho biết thêm Hội Đồng Kỷ luật của hai bệnh viện vừa nêu tại Thái Bình vào ngày 19 tháng 6 đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo và thuyên chuyển hai nhân viên này.
Trong cùng ngày 20 tháng 6, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Lắk, Thượng tá Bùi Trọng Tuấn cho báo giới biết lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý 10 vụ việc bị cáo buộc tụ tập, tuyên truyền biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 6, tại một số địa phương trong tỉnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dak-lak-and-thai-binh-provinces-on-the-mass-protest-against-sezs-06202018091141.html

Tại sao lại là Bình Thuận?

Nhà báo Đồng Chuông TửGửi cho BBC từ Bình Thuận
Hơn một tuần đã trôi qua, sau sự kiện biểu tình căng thẳng của người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước, phản ứng thời hạn cho thuê đất lên đến 99 năm ở Luật đơn vị hành chính đặc biệt (gọi tắt là Luật đặc khu), cũng như tố giác Luật an ninh mạng vi hiến, mà truyền thông báo chí Việt Nam mô tả sự kiện là “gây rối”, “tụ tập đông người trái phép”, thì đến thời điểm này, có vẻ như “tình hình nhiều địa phương đã trở lại ổn định về an ninh trật tự, kinh tế xã hội”, đặc biệt là ở tỉnh Bình Thuận.
Cuộc biểu tình ở địa bàn tỉnh Bình Thuận trong hai ngày, chủ nhật 11/6 và thứ hai 12/6, đặt trong bối cảnh chung là nổi trội, nóng bỏng gay gắt và gây nhiều thiệt hại nhất về tài sản công. Sự kiện Bình Thuận hút dư luận Việt Nam và dư luận thế giới lên cao, mặc dù buổi lễ khai mạc thể thao World Cup 2018 lớn nhất hành tinh đang diễn ra sôi nổi ở Nga.
Sau khi cuộc biểu tình trở nên bạo động ở Bình Thuận, giới quan sát – phân tích chính trị, giới nghiên cứu các phong trào xã hội dân sự ở Việt Nam và toàn cầu, thường đặt ra câu hỏi rằng “tại sao lại là Bình Thuận?” hoặc “chuyện gì đang thực sự xảy ra ở tỉnh Bình Thuận?”
Câu trả lời, quả thật không dễ dàng có đáp án đầy đủ, chi tiết nếu không phải là người dân địa phương sở tại nhưng không quá khó để tổng quát kết luận trong nhận diện tình hình chung của đất nước.
Hậu biểu tình: Việt Nam khởi tố nhiều người
Tổng Bí thư Trọng nói về biểu tình
Mối nguy của kinh tế VN khi bất mãn gia tăng
Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí?
Thứ trưởng công an vào Bình Thuận
‘Bức xúc không nhỏ’
Địa thế tự nhiên của Bình Thuận giống như hình con ngựa đang phi tốc độ vừa phải, đầu ngoái nhìn, cái chót đuôi ngoắc về huyện đảo Phú Quý. Con ngựa hiền lành ấy, luôn luôn cúc cung tận tụy với định phận, vất vả mệt nhoài cơm áo với cuộc sống, tại sao trong ngày chủ nhật 11/6 và thứ hai 12/6 vừa qua, bỗng trở nên bất kham, không kiềm chế được tính khí thường ngày của mình?
Ngư dân Việt Nam nói chung, trong đó có ngư dân Bình Thuận khi đi đánh bắt xa bờ, thậm chí đánh bắt trong vùng ngư trường truyền thống thôi, cũng không yên ổn, thiệt hại về người và tài sản ngày càng nhiều.Nhà báo Đồng Chuông Tử
Dường như có điều gì đang xảy đến với cánh đồng cỏ xanh tươi, núi đồi thơ mộng, xinh đẹp trong lành, đại dương phong phú dư dật hải sản ở xứ “nắng như phan gió ngỡ là tha thiết” này ?
Bình Thuận, với192 km chiều dài bờ biển, gần 1,4 triệu dân số, mật độ bình quân 167 người/km2, kinh tế mũi nhọn vẫn là kinh tế biển, phần nhỏ hơn phân bố ở các ngành nghề khác như nông nghiệp, thương mại, du lịch… nhưng cũng không đáng kể.
Có một điều lạ trong cách xác định vị trí địa lí của tỉnh này, đó là có sự nhập nhằng của cơ quan nhà nước về cách gọi tên vùng miền trong văn bản hành chính ngành, có ngành gọi miền Đông Nam bộ, có ngành gọi miền Nam Trung bộ. Sự không thống nhất trong cách phân loại vùng cũng gây khó khăn cho việc quy hoạch chiến lược, sách lược lẫn khả năng nắm bắt nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế.
‘Tôi bị bắt khi đang uống cà phê ở Sài Gòn’
LS Nguyễn Văn Đài nói lý do sang Đức
Báo VN sửa lời phát ngôn Chủ tịch Quang
Kiểm soát và quản lý mạng ở ‘VN khác TQ’
Tỉnh Bình Thuận bao trùm trong lòng mình là diện tích biển trải dài, nghề nghiệp chính từ hàng trăm năm qua của phần đông người dân, vẫn là đánh bắt cá, gần bờ và xa bờ. Nhưng kể từ khi Trung Quốc xác lập đường lưỡi bò, đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo, lập thành phố mới ở các đảo chiếm được của Việt Nam, tuyên bố chủ quyền lãnh hải mới, thì ngư dân Việt Nam nói chung, trong đó có ngư dân Bình Thuận khi đi đánh bắt xa bờ, thậm chí đánh bắt trong vùng ngư trường truyền thống thôi, cũng không yên ổn, thiệt hại về người và tài sản ngày càng nhiều.
Đó là một bức xúc không phải là nhỏ đối với ngư dân, những người lấy biển làm nhà, làm nguồn sống chính đáng và năng lực đóng thuế lớn.
Trong ngổn ngang bức xúc nội tại của nó, cách điều hành, lãnh đạo của chính quyền cấp tỉnh có góp phần, chắc chắn là như vậy. Còn mức độ nghiêm trọng cụ thể của nó thì cần phải thanh tra – kiểm tra, nhận diện, đánh giá lại khoa học, khách quan và công khai minh bạch. Có nhiều quan điểm trong nhân dân tỉnh Bình Thuận bao gồm trí thức, văn nghệ sĩ và người dân đa ngành nghề khác, khi được người viết hỏi, nói rằng “có sự yếu kém trong quản lí, có thái độ thờ ơ vô cảm lẫn vun vén ở đó và đặc biệt phe cánh lợi ích nhóm cao”.
Thêm nữa, vấn đề đất đai trong toàn tỉnh cũng hết sức nóng, chưa hạ nhiệt. Cách thu hồi đất, công tác đền bù giải tỏa mặt bằng cũng gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Ít nhất, trong các vấn đề nội hàm của tỉnh, có sinh sôi, chứa đựng một bếp lửa đang âm ỉ nhiệt.
Từ những dự án ’đáp xuống’
Nổ ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4
Nhiều công nhân người Việt từng đi làm trong nhà máy này, cho biết ” tình hình an ninh trật tự, giữa người Việt và người Trung Quốc trong đó rất phức tạp, bất ổn. Nhiều vụ đánh chém nhau đổ máu, thương tích lớn có dấu hiệu bị giấu giếm, bưng bít”Nhà báo Đồng Chuông Tử
Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 ‘kiểm điểm’
Trước tiên, phải kể đó là dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, đặt ở huyện Tuy Phong, đây là dự án trọng điểm quốc gia về nâng cao năng lực cung ứng điện phía nam.
Sẽ không đáng nói, nếu dự án này không gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Sự khiếu nại, kiến nghị giải quyết trong nhân dân về vấn đề trên của nhà máy, nhiều năm qua không được thỏa mãn. Ngay cả khi báo chí vào cuộc phản ánh và phản ứng, cách giải quyết cũng thật sự còn hời hợt, đùn đẩy trách nhiệm và tích lũy không khí tiêu cực.
Nhiều công nhân người Việt từng đi làm trong nhà máy này, cho biết ” tình hình an ninh trật tự, giữa người Việt và người Trung Quốc trong đó rất phức tạp, bất ổn. Nhiều vụ đánh chém nhau đổ máu, thương tích lớn có dấu hiệu bị giấu giếm, bưng bít”.
Vấn đề sức khỏe người dân cũng cực kì quan ngại. Hiện nay, từ không khí cho đến mạch nước ngầm đều ô nhiễm đáng báo động. Cả tình hình bệnh tật hiểm nghèo của người dân quanh nhà máy nói riêng, cũng gia tăng khủng khiếp.
Mặt khác, những dự án của các công ty, tập đoàn tư nhân cũng đã góp sức “xâu xé” Bình Thuận đáng gờm. Những dự án khai thác đá, khai thác titan mặc nhiên ồn ào, xả khói bụi mù mịt và mặc nhiên ô nhiễm môi trường mà ít khi bị nhắc nhở, xử lí nghiêm, dù đơn thư tố giác ngày càng vàng ố, nhòe mực.
Thậm chí, người dân trong tỉnh còn kháo nhau rằng “tỉnh bảo kê công ty nọ, mắc nợ tập đoàn kia hàng ngàn hàng trăm tỉ đồng, nên nó muốn có lô đất nào cũng được hết”. Dư luận này, có thật hay không, cơ quan nào có trách nhiệm “xóa tan”, trả lại sự trong sạch cho chính quyền địa phương? Dĩ nhiên, không phải cơ quan của tỉnh làm việc đó.
Tóm lại, những dư luận này, cũng đang lớn dần lên, trở thành một cái bếp lửa chứa nhiệt lớn khác.
Đến biểu tình bạo động
Mặt khác, đảng cũng nên nghiên cứu, đánh giá lại về khía cạnh dư luận của nhiều chủ trương, chính sách mà đã vấp phải làn sóng phản đối dâng cao trong một thập niên trở lại đâyNhà báo Đồng Chuông Tử
Trong phần bình luận trực tiếp xung quanh Bàn tròn thứ Năm, chủ đề ‘Luật an ninh mạng: ‘ hôm 14/6/2018, trên BBC News Tiếng Việt, người viết có nhận định nguyên nhân biểu tình trở nên bạo động ở Bình Thuận, trong đó có sự tích tụ tỏa nhiệt của những cái bếp lửa ấy.
Điều đáng nói, chính quyền và bộ máy tuyên truyền “hậu biểu tình” đã không dám nhìn vào sự thật hiện tình của đất nước, nhận diện cách quản lí nhà nước còn hạn chế cũng như hình thức trình những dự án luật có phần nóng vội, ngược quy trình trong đảng và trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho lợi ích nhóm “làm ăn”.
Với hằng hà bài giảng của giáo trình chống biểu tình đã cũ rích từ vài chục năm qua mà hiệu quả của nó, có vẻ vẫn còn tồn đọng ít nhiều niềm tin, song hiện nay phần lớn người dân đã dự đoán, xác định được “bài vở” đó.
Việc chính quyền và bộ máy tuyên truyền cố tình nhận diện sai sự thật, sẽ dẫn đến cách ứng xử tình huống sai, biện pháp đưa ra “lệch pha” tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đây là một điều hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng lớn lao và thậm chí nó định đoạt sự tồn vong của thể chế.
Mặt khác, đảng cũng nên nghiên cứu, đánh giá lại về khía cạnh dư luận của nhiều chủ trương, chính sách mà đã vấp phải làn sóng phản đối dâng cao trong một thập niên trở lại đây. Bởi mức độ và tầng suất của những làn sóng trên, ở nhiều lĩnh vực ngày càng rầm rộ, dày đặc và quy mô.
Cũng như việc nên đặt sự kiện biểu tình ở Bình Thuận và nhiều địa phương khác vừa qua, trong chuỗi các sự kiện nóng bỏng, gây chia rẽ lớn trong nhân dân vào trong bối cảnh giai đoạn lịch sử của nó, chứ không nên xé lẻ sự vụ đơn thuần bột phát, vì nó gượng gạo, méo mó và phiến diện.
Thiết nghĩ, chính quyền cũng nên dũng cảm nhìn nhận sai lỗi của mình trong cách điều hành, quản lí và lãnh đạo. Biết mình có lỗi, thì xin lỗi không có gì đáng xấu hổ cả. Xin lỗi chỉ làm mình tốt lên, đẹp lên trong mắt người dân mà thôi.Nhà báo Đồng Chuông Tử
Thêm nữa, sự phát triển phong phú đa dạng của nền kinh tế một quốc gia, nhiều khi còn được “phát hiện” ra nhờ vào các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân, để điều chỉnh, sửa đổi bổ sung luật pháp, chứ không thể đánh đồng biểu tình hoàn toàn là tình trạng xấu xí, cần nghiêm trị hết được.
Hơn hết thảy, để xảy ra tình trạng biểu tình, trở nên quá khích và bạo động như ở Bình Thuận mới đây, đâu chỉ là lỗi ở một phía người dân. Thiết nghĩ, chính quyền cũng nên dũng cảm nhìn nhận sai lỗi của mình trong cách điều hành, quản lí và lãnh đạo. Biết mình có lỗi, thì xin lỗi không có gì đáng xấu hổ cả. Xin lỗi chỉ làm mình tốt lên, đẹp lên trong mắt người dân mà thôi.
Cầm bằng không chịu nhận lỗi, hèn nhát đổ thừa, tuyên truyền phiến diện và mạnh mẽ trừng phạt, điều đó là không đắc nhân tâm và nó không khác gì một hình thức khác của bạo động. Mà sự bạo động của chính quyền dành cho người dân, thực sự rất nguy hiểm, giống như kiểu góp thêm “nhiều dầu” vào ngọn lửa “lòng dân” đang cháy hừng hực, lan tỏa rộng rãi.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà báo, nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa người Chăm, đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi Bàn tròn thứ Năm có sự tham gia của tác giả.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-44547370

GM Hoàng Đức Oanh:

‘Cần chỉnh 3 điều khiến dân khốn đốn’

Khánh An-VOA
Một giám mục Công giáo Việt Nam, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, vừa gửi một thư ngỏ cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang để bày tỏ những ý kiến “rất thành thật” và thẳng thắn về Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng (ANM), trong bối cảnh mà ông nói “đất nước nguy ngập”.
Nguyên Giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum cũng đề nghị Chủ tịch nước thả hết những người biểu tình bị bắt, “mau chóng ra luật biểu tình”, “tôn trọng ý dân” và bỏ cả hai dự luật.
“Có bao giờ đất nước Việt Nam khổ đến thế này không? Tại sao người Việt không thương dân Việt mà phải ‘đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc (Lê Duẩn) cả mấy chục năm, để rồi ngày nay lại tạo điều kiện dâng đất cho ngoại bang?”, thư của GM. Hoàng Đức Oanh viết.
Lá thư được gửi đi sau khi Quốc hội Việt Nam, theo trong thư, đã “biểu quyết vội vàng dự luật An ninh mạng” mà “không thèm quan tâm ý dân”, và vấn đề hiện chỉ còn tùy thuộc vào chữ ký của Chủ tịch nước.
Trong lá thư dài 4 trang, GM Hoàng Đức Oanh phân tích những lý do vì sao người dân phản đối hai dự luật. Ông nói cả hai dự luật đều “lỗi thời, lạc hậu và nguy hiểm”.
“Dân chúng tôi chống Tàu và chống 2 dự luật đơn giản là sợ mất nước?”, thư viết.
Với những cuộc biểu tình rầm rộ của người dân vào ngày 10/6 để phản đối hai dự luật, GM. Hoàng Đức Oanh nói việc để xảy ra xô xát là điều đáng tiếc, nhưng ông đặt câu hỏi “Công bằng mà xét, lỗi và trách nhiệm thuộc về ai? Nhà nước hay người dân?”
Trong cuộc trò chuyện với Khánh An của VOA Tiếng Việt, GM. Hoàng Đức Oanh cho biết thêm về nguyên cớ khiến ông phải gửi thư ngỏ cho Chủ tịch nước.
GM. Hoàng Đức Oanh: Với tư cách là một công dân yêu nước, tôi thấy tình hình đất nước nguy ngập, đặc biệt với hai dự thảo luật là Luật An ninh mạng và Luật về 3 đặc khu kinh tế. Cả hai đều không thích hợp và tác hại đến quyền lợi của đất nước Việt Nam. Một cái là bịt miệng người ta, rồi từ đó có thể tiến hành biết bao nhiêu điều khác, như đặc khu kinh tế chẳng hạn. Vả lại, kinh nghiệm cho thấy là Tàu cộng đã bỏ tiền ra, 90% các dự án [tại Việt Nam] là Tàu cộng trúng thầu. Và khi trúng thầu thì họ làm rất giả dối, tốn kém và không có hiệu quả tốt đẹp cho đất nước. Nhìn thấy nguy cơ đó và với lòng yêu nước, tôi phải lên tiếng thôi.
VOA: Khi gửi bức thư với những lời lẽ như vậy, Đức cha có e ngại đã “đụng chạm” quá mức các lãnh đạo Việt Nam hay không?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ là mình rất thành thật. Tôi không chống đối ai, và cả với những người anh em Cộng sản. Với niềm tin của tôi, tất cả đều là anh em của nhau, là công dân Việt Nam. Tôi không chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản và tôi càng không chấp nhận hệ thống điều hành đất nước. Tôi ý thức là tất cả mọi điều đều phát xuất từ Điều 4 Hiến pháp, rồi từ đó họ quyết định hết tất cả. Và cuối cùng thì kinh nghiệm cho thấy bao nhiêu năm trời họ không giải quyết được gì mà chỉ càng bế tắc thêm.
VOA: Với dự luật về đặc khu, các lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ không đề cập một chữ nào đến Trung Quốc nhưng tại sao người dân lại chống đối. Vậy Đức cha nhận xét thế nào về yếu tố Trung Quốc trong sự phản đối của dân chúng đối với Luật Đặc khu?
GM. Hoàng Đức Oanh: Không cần phải nói đến từ “Trung Quốc”. Quý vị đó phải hiểu rằng với kinh nghiệm của đất nước, với 3 địa điểm làm đặc khu đó, với tình hình Việt Nam đã bị lấn chiếm Hoàng Sa, Trường Sa cũng như trong 90% các dự án mà Tàu cộng trúng thầu, chúng tôi nghĩ rằng 3 địa điểm đó rất nguy hiểm cho an ninh, quốc phòng, kinh tế… nên chúng tôi mới chống đối.
VOA: Đức cha nhận xét thế nào về cách chính quyền đối phó với các cuộc biểu tình gần đây tại Việt Nam?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi rất ngạc nhiên. Vì khi dân chúng nói lên ý kiến của mình khi thấy nguy cơ mất nước đến nơi, với hai dự luật lạc hậu, nguy hại cho đất nước và tương lai của dân chúng nên họ rất ôn hòa biểu tình. Trong khi đó, lực lượng an ninh thay vì giữ gìn trật tự, phục vụ người dân thì lại đàn áp, đánh đập. Chính vì thế tôi muốn lên tiếng nói thay cho nhiều người khác, thay cho những người thấp cổ bé miệng để nói với ông Chủ tịch nước, nhưng vì gửi thư bao nhiêu lần không được nên tôi phải gửi thư ngỏ [trên mạng].
VOA: Theo Đức cha, trong tình hình lúc này, Luật biểu tình cần thiết như thế nào?
GM. Hoàng Đức Oanh: Tôi nghĩ đáng lẽ Quốc hội phải giải quyết Luật biểu tình trước để có một khuôn phép cho dân cứ thế mà làm. Chứ Hiến pháp thì công nhận [quyền biểu tình], nhưng ra luật thì cứ hoãn miết. Trong khi đó, Luật An ninh mạng cũng cần thiết nhưng luật này thì lại không phải về an ninh, mà là chặn lại quyền tự do ngôn luận, biểu đạt ý kiến của dân.
VOA: Luật Đặc khu được cho là một chủ trương quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Nếu yêu cầu hủy bỏ dự luật, Đức cha có những đề xuất gì cho các lãnh đạo hay không?
GM. Hoàng Đức Oanh: Trong thời đại hiện đại rồi, có rất nhiều cách. Trong thư, tôi có nói đến 3 điểm. Thứ nhất, bỏ Điều 4 Hiến pháp. Thứ hai, bỏ cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bởi vì như ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Đến cuối thế kỷ này cũng chưa biết XHCN đi tới đâu, thành hình thế nào?”, mà bây giờ mình mông lung như vậy.
Thứ ba, quyền tư hữu đã bị tước đoạt thì phải trả lại quyền tư hữu. Tất cả mọi điều xảy ra khốn đốn cho dân tộc Việt Nam từ trước tới nay, dưới chế độ Cộng sản, là phát xuất từ 3 điểm đó.
VOA: Cám ơn GM. Hoàng Đức Oanh.
______________________________________________________________
GM. Micae Hoàng Đức Oanh sinh năm 1938 tại Hà Nội. Từ lúc còn là chủng sinh tại tiểu chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, ông đã có thành tích học tập xuất sắc nên được tuyển chọn theo học triết học và thần học tại Giáo hoàng Học viện Thánh Piô Đà Lạt. Sau khi chịu chức linh mục tại Sài Gòn vào năm 1968, ông được điều về làm phó xứ ở Pleiku và làm Hiệu trưởng Trường tư thục Minh Đức. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ Giáo sư Tiểu chủng viện Thừa sai Kon Tum, Tổng đại diện giáo phận Kon Tum và được bổ nhiệm làm Giám mục Kon Tum vào năm 2003.
GM. Micae Hoàng Đức Oanh là một trong những lãnh đạo Công giáo có tầm ảnh hưởng vì ông mạnh mẽ lên tiếng trước những vấn đề xã hội quan trọng, liên quan đến vận mệnh đất nước và quyền lợi của người dân.
https://www.voatiengviet.com/a/gm-hoang-duc-oanh-can-chinh-3-dieu-khien-dan-khon-don/4445699.html

‘Chúng tôi đi Đức còn bốn người khác vẫn trong tù’

“Việc tôi được trả tự do và xuất cảnh sang Đức là quá trình rất dài,” luật sư Nguyễn Văn Đài từ Berlin nói với BBC.
Đêm 7/06/2018, ông Đài và cộng sự bà Lê Thu Hà được đưa khỏi nhà tù, tới sân bay quốc tế Nội Bài rời Việt Nam.
Cùng đi với hai tù nhân vừa được thả là vợ luật sư Đài, bà Vũ Thị Minh Khánh.
Vụ án Nguyễn Văn Đài: bắt thêm 4 người
Y án sơ thẩm cho bốn thành viên Hội Anh Em Dân Chủ
‘Uất ức’ về mức án cho LS Đài và 5 nhà hoạt động
Ông Đài và bà Thu Hà bị bắt tạm giam từ tháng 12/2015.
Trong phiên tòa sơ thẩm hôm 5/4/2018, ông bị kết án 15 năm tù, 5 năm quản chế. Bà Lê Thu Hà bị án 9 năm tù, 2 năm quản chế.
Cùng bị xét xử với hai người là bốn thành viên thuộc Hội Anh em Dân chủ.
Chỉ ít hôm sau phiên phúc thẩm ngày 4/06, ông Đài cùng bà Thu Hà được đưa sang Đức. Bốn người kia vẫn tiếp tục thụ án.
BBC đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Đài về vấn đề này:
Luật sư Nguyễn Văn Đài: Ngay sau khi bị bắt [16/12/2015], tôi nói với cơ quan an ninh điều tra rằng nếu họ bắt tôi với mục đích để cầm tù tôi lâu dài ở Việt Nam thì tôi không có gì để nói cả. Họ cứ đưa tôi ra tòa xét xử với những gì mà họ cho là bằng chứng phạm tội mà họ có trong tay. Tôi không bao giờ hợp tác với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án trong suốt quá trình tố tụng.
Nếu họ bắt tôi với mục đích nhằm đẩy tôi đi nước ngoài thì lần này tôi vui lòng rời khỏi Việt Nam.
Sau đó bốn ngày, họ vào trại giam, đồng ý cho tôi làm đơn để đi định cư ở nước ngoài theo diện nhân đạo.
Đến ngày 12/5/2016, họ vào trại giam khuyên tôi đi định cư ở Úc. Họ nói tới thời điểm đó chưa có một quốc gia nào nhận tôi mặc dù phía Việt Nam đã nỗ lực làm việc với các nước.
Vào thời điểm đó, vợ tôi đã hai tháng không gửi quà vào cho tôi và tôi không biết thông tin gì về vợ tôi cả. Tôi yêu cầu họ cung cấp thông tin đầy đủ về tình trạng sức khỏe của vợ tôi thì tôi mới đưa ra quyết định có đi hay không.
Sau này tôi được biết lúc đó vợ tôi đang đi vận động cho tôi ở Mỹ và rất nhiều nước khác. Họ đã không đưa cho tôi thông tin đầy đủ cho nên tôi đã quyết định không đi Úc vào thời điểm 5/2016.
Đến 1/11/2016, họ cho tôi gặp vợ tôi sau gần một năm bị tạm giam. Trong lần gặp đó, vợ tôi nói chính phủ Đức nói sẵn sàng tiếp nhận nếu gia đình tôi muốn đi. Vậy là gia đình tôi đã quyết định lựa chọn đi định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức.
HRW: ‘Việt Nam không có phiên toà thực sự’
Luật sư Đài được giải Nhân quyền của Đức
Gia đình LS Đài ‘không chấp nhận luật sư chỉ định’
Bắt đầu từ 1/11/2016, gia đình tôi và những người bạn ở Đức bắt đầu vận động để tôi được sớm trả tự do và đi định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức.
BBC: Ông đã bị bắt tạm giam từ 2015, đến 4/2018 thì bị đưa ra xét xử sơ thẩm. Ông nói rằng ông đã nhận được lời đề nghị và ông đã chấp nhận rời khỏi Việt Nam để đi định cư ở nước ngoài từ cuối 2016. Vậy tại sao tiến trình định cư không được thúc đẩy sớm hơn để ông có thể ra khỏi Việt Nam sớm mà không cần qua phiên tòa xét xử?
Luật sư Nguyễn Văn Đài: Tôi được biết là bạn bè tôi đã vận động để tôi được ra đi mà không qua xét xử.
Tuy nhiên, sau này, khi họ tiến hành điều tra bổ sung tôi với tội danh “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân “theo Điều 79 và bỏ [tội danh theo] Điều 88 đi, trong quá trình họ cho tôi xem hồ sơ thì tôi biết rằng từ cuối 2016 họ đã có sự chuẩn bị, tập hợp hồ sơ nhằm chuyển tội danh, kết tội tôi theo Điều 79.
Mục đích của họ trước khi đẩy tôi đi nước ngoài là muốn làm một mẻ lưới lớn, bắt tất cả các thành viên của Hội Anh em Dân chủ, đe dọa những người không bị bắt để tìm cách thúc đẩy họ chạy trốn ra nước ngoài. Họ muốn xóa Hội Anh em Dân chủ trên đất nước Việt Nam rồi họ mới cho tôi đi.
BBC: Phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào đầu tháng 6/2018, tức là khá nhanh sau phiên tòa sơ thẩm. Ông và cộng sự Lê Thu Hà đã không kháng cáo, trong lúc bốn người còn lại thì có. Lý do gì khiến ông và bà Lê Thu Hà quyết định không kháng cáo?
Luật sư Nguyễn Văn Đài:Tất cả các phiên tòa xét xử ở Việt Nam nhằm vào những người bất đồng chính kiến, hoạt động nhân quyền, hoạt động chính trị đối lập như chúng tôi đều là những phiên tòa hết sức bất công.
Cộng sự LS Đài ‘sẽ tự bào chữa’
Luật sư VN ‘vô vọng trong các vụ an ninh’?
Xử nặng bất đồng, VN đang ‘lợi bất cập hại’
Tôi đã trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm hồi năm 2007, và phiên tòa sơ thẩm tháng 4/2018. Đó đều là những phiên tòa hết sức phi lý, bất công.
Trong suốt phiên tòa sơ thẩm 5/4/2018, đại diện Viện Kiểm sát không hề hỏi sáu bị cáo chúng tôi bất kỳ câu hỏi nào. Đây là chuyện không thể xảy ra ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Về nguyên tắc, luật Việt Nam yêu cầu tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát phải chất vấn các bị cáo để làm rõ tất cả các chứng cứ trong quá trình điều tra để làm rõ sự thật vụ án, nhưng họ không hề hỏi tôi một câu nào. Cho nên tôi cho rằng nếu kháng cáo, mọi việc cũng sẽ diễn ra tương tự như vậy.
Thêm nữa, tôi cũng muốn bản án sơ thẩm nhanh chóng có hiệu lực để chúng tôi có thể rời khỏi Việt Nam sớm hơn.
BBC:Sau hơn 10 ngày rời khỏi Việt Nam, ông có cảm nhận thế nào khi rời từ môi trường trong tù sang một môi trường hoàn toàn khác biệt, và có lẽ là điều kiện sống cũng tốt hơn nhiều so với điều kiện sống nói chung của người dân ở trong nước?
Luật sư Nguyễn Văn Đài: Cảm giác khó tả. Tôi từng sống ở Đức cách đây 29 năm và khi đó tôi hoàn toàn có cơ hội ở lại nước Đức như các Việt kiều đang định cư tại Đức bây giờ, nhưng tôi vẫn đã quyết định trở về Việt Nam vào cuối 1990 với cuộc sống rất khó khăn.
Sau khi học [luật] xong, tôi đã dấn thân vào con đường đấu tranh. Trong suốt hơn 10 năm qua, tôi chịu rất nhiều cảnh cơ cực. Tôi đã một lần vào tù bốn năm và chịu bốn năm quản chế. Tôi đã từng bị đánh, có một lần bị đập vỡ đầu, phải khâu bốn mũi. Một lần tôi bị đánh, bị ném ra bờ biển trong một buổi tối mùa đông giá lạnh, bị cướp hết cả tài sản tiền bạc. Rồi tôi tiếp tục bị bắt, bị xử 15 năm tù.
Trong suốt thời gian tạm giam hai năm rưỡi vừa qua trong trại tạm giam B14, tôi đã phải đối diện với rất nhiều ‘chiêu trò’ nhằm áp chế tinh thần chúng tôi.
Tôi trở lại Đức với cảm giác trở lại nơi mình từng sinh sống trong gần một năm. Cảm giác như đó cũng là quê hương của mình.
Sống trong sự an toàn, không sợ an ninh rình rập theo dõi, không phải chịu sự đối xử bất công trong nhà tù, tôi cảm giác vừa vui mừng, vừa đau buồn. Đồng bào, anh em đấu tranh của tôi thì người phải trốn chạy ra nước ngoài, người đang phải lẩn trốn ở đất nước Việt Nam, đều đang trong cảnh rất khó khăn. Tôi cảm thấy thương và buồn cho thân phận của đất nước, dân tộc mình.
BBC: Cùng được thả khỏi nhà tù và cùng được đưa sang Đức với ông là cộng sự của ông, bà Lê Thu Hà. Ông từng ở Đức trước đây, có lẽ vẫn ít nhiều cảm thấy quen thuộc cả về cuộc sống lẫn ngôn ngữ Đức. Nhưng với bà Lê Thu Hà, có lẽ đây là lần đầu tiên bà ấy sang Đức phải không? Vì sao bà Hà cũng được bảo lãnh để sang Đức cùng ông?
Luật sư Nguyễn Văn Đài: Tôi và cô Hà bị bắt đầu tiên, chỉ có hai người chúng tôi thôi. Bốn người kia mãi về sau họ mới bắt.
Thủ tục bảo lãnh để chúng tôi được sang Đức định cư đã được tiến hành trước khi bốn người đó bị bắt. Những người vận động đã vận động cho cả hai chứ không phải cho riêng mình tôi. Tôi và cô Hà đều nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ phía Đức như nhau, hoàn toàn bình đẳng không có gì khác biệt.
Khi tới Đức, cô Hà có gặp một số vấn đề về sức khỏe, có hơi choáng ngợp trước cuộc sống ở nước Đức. Đến hôm nay cô ấy đã trở lại tương đối bình thường. Tôi hy vọng cô Hà sẽ sớm hội nhập được cuộc sống ở nước Đức như tôi.
BBC: Có bốn người khác bị bắt và cùng bị đưa ra xét xử với ông và bà Hà, hiện vẫn đang ở trong tù tại Việt Nam với các mức án nặng. Họ là những người đã nghe theo lời kêu gọi, hay sự vận động của ông, hoặc bởi họ tin tưởng ông, hoặc vì lý do gì khác liên quan tới ông mà họ mới bị bắt, bị xử tù. Bây giờ ông đã sang Đức, vậy ông có kế hoạch hay ý tưởng gì để giúp đỡ cho bốn người còn lại để họ cũng được sớm ra tù không?
Luật sư Nguyễn Văn Đài: Chắc chắn là có. Với những người vẫn cương quyết ở lại Việt Nam, chúng tôi sẽ vận động để họ sớm được tự do. Với những người thấy cần thiết phải đi định cư ở nước ngoài, chúng tôi sẽ vận động để họ và gia đình sớm được rời khỏi nhà tù để đi định cư.
Trong 10 ngày vừa qua, tôi đã gặp gỡ các vị dân biểu của Quốc hội Đức, gặp Bộ ngoại giao Đức. Tôi đã nói chuyện với họ, đề đạt với họ những mong muốn của tôi là họ tiếp tục vận động, đấu tranh cho những người bạn của tôi đang còn trong tù.
Sắp tới, tôi đã nhận được lời mời đi sang Hoa Kỳ và đi thăm một số nước khác. Trong quá trình làm việc với chính phủ các nước khác, tôi cũng sẽ vận động để cho những người bạn của tôi sớm được rời khỏi Việt Nam nếu họ muốn, hoặc được ra khỏi tù và ở lại Việt Nam, nếu họ mong muốn như vậy.
BBC:Có một số luật sư từng bị bắt, từng bị xét xử, từng bị vào tù và bị quản chế tương tự như ông, ví dụ như luật sư Lê Công Định hay luật sư Lê Thị Công Nhân. Họ hiện vẫn đang ở Việt Nam, còn ông thì đi ra nước ngoài. So sánh cách đấu tranh của ông với của hai người kia, ông thấy có điểm gì giống, điểm gì khác nhau?
Luật sư Nguyễn Văn Đài: Chúng tôi dù cùng đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, nhưng mỗi người có một sự lựa chọn rất khác nhau.
Luật sư Định sử dụng những bài viết của mình trên Facebook để giúp người dân hiểu về luật pháp, nhân quyền. Chị Công Nhân chọn cách giúp đỡ nhân đạo cho những người bị cầm tù hay những người yếu thế trong xã hội.
Tôi đấu tranh theo cách khác. Tôi cổ súy cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, tiến tới việc hình thành các đảng phái chính trị ở Việt Nam. Mỗi người có một lựa chọn khác nhau nhưng điều mà tôi lựa chọn thì phiêu lưu, mạo hiểm và nguy hiểm hơn sự lựa chọn của người khác.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44527899

Phạm Minh Chính và Đặc khu Vân Đồn (Phần 1)

Cát Linh, RFA
Phần 1: Đặc khu Vân Đồn mang ‘quốc tịch Trung Quốc’ từ lúc chưa ra đời

Cuộc gặp năm 2013
Đồng ý trả lời phỏng vấn với RFA về vấn đề này, nhà báo Nguyễn An Dân, người có nhiều sự quan tâm và nghiên cứu về đặc khu kinh tế, xác nhận về mốc thời gian của ý tưởng đặc khu đã có từ thời ông Võ Văn Kiệt và thêm rằng chủ trương đặc khu Vân Đồn là do “nhìn về sự thành công của Thẩm Quyến vào thập niên 90.”
“Cơ sở hình thành nên đặc khu là đã có từ lâu. Còn ông Phạm Minh Chính là người được lựa chọn vì trong quá trình luân chuyển cán bộ thì ông ấy từ Thứ trưởng Công an về làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, thành ra ổng là người thực hiện đề án này. Bất kỳ ai ngồi vào vị trí Bí thư Quảng Ninh cũng phải thực hiện (đề án). Tuy nhiên thực hiện như thế nào và thực hiện đến đâu thì nó phụ thuộc vào bản lĩnh của Bí thư Tỉnh uỷ.”
Đề cập trực tiếp đến Vân Đồn, nhà báo Nguyễn An Dân khẳng định “Ông Phạm Minh Chính là người thực hiện theo chủ trương lớn của Đảng.”
Tuy nhiên, tạm thời khoan đề cập đến nhân vật Phạm Minh Chính, mà hãy tìm hiểu việc ông Phạm Minh Chính đã đề xuất đề án đặc khu ở Quảng Ninh như thế nào, bằng cách quay lại diễn biến của 5 năm trước, năm 2013.
Ngày 14 tháng 3 năm 2013, trên trang báo nội bộ của Khoa Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc – CCSEZR (China Center for Special Economic Zone Research) thuộc trường Đại học Thâm Quyến (Shenzhen University) đăng tải một bài báo bằng Anh ngữ với tiêu đề: Việt Nam học hỏi về Đặc khu kinh tế của người Trung Quốc (Vietnam study Chinese special economic zone).
http://www.ccsezr.org/enews/news_detail.php?newsid=3019&iframeid=101
Nội dung của bài báo cho biết đoàn đại biểu gồm 5 chuyên gia của CCSEZR được mời đến tỉnh Quảng Ninh vào ngày 19 tháng Giêng năm 2013 để trao đổi và truyền đạt kinh nghiệm về chiến lược kiến trúc hình thành phát triển cho đặc khu kinh tế (SEZ) Vân Đồn.
Dẫn đầu đoàn đại biểu này là Giáo sư, Tiến sĩ, bà Đào Nhất Đào (Tao Yitao),  Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc, cũng chính là kiến trúc sư trưởng của chiến lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.
Cơ sở hình thành nên đặc khu là đã có từ lâu. Còn ông Phạm Minh Chính là người được lựa chọn vì trong quá trình luân chuyển cán bộ thì ông ấy từ Thứ trưởng Công an về làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh, thành ra ổng là người thực hiện đề án này. Bất kỳ ai ngồi vào vị trí Bí thư Quảng Ninh cũng phải thực hiện (đề án). Tuy nhiên thực hiện như thế nào và thực hiện đến đâu thì nó phụ thuộc vào bản lĩnh của Bí thư Tỉnh uỷ
-Nhà báo Nguyễn An Dân

Đón tiếp phái đoàn Thẩm Quyến có ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ; bà Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh uỷ, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Nội dung buổi gặp do CCSEZR ghi lại cho biết, 5 vị giáo sư Trung Quốc đã tư vấn về các vấn đề khác nhau như: Điều kiện cơ bản, thiết kế chức năng, lựa chọn vị trí địa lý, định vị ngành, chính sách ưu đãi, quản lý kinh tế xã hội, vốn nước ngoài và quản lý nhân tài cho các đặc khu kinh tế của Việt Nam.
Đối lại, các quan chức Việt Nam bày tỏ rằng họ đã được truyền cảm hứng trong việc tham vấn và khẳng định điều này rất quan trọng cho việc xây dựng các mô hình đặc khu kinh tế ở Việt Nam.
Để kiểm chứng, chúng tôi liên lạc ông Đỗ Thông, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban tỉnh Quảng Ninh, người có mặt trong chuyến đi đó và được trả lời rằng:
“Xin lỗi tôi không biết về vấn đề này.”
Chi tiết về chuyến viếng thăm này không được loan trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh. Mãi cho đến ngày 23 tháng 8 năm 2013, trang báo mạng của Quảng Ninh và Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh mới đăng tin về chuyến đi khảo sát của Đoàn chuyên gia Trung tâm nghiên cứu đặc khu kinh tế Trung Quốc thuộc Trường Đại học Thâm Quyến tại Quảng Ninh.
Mục đích chuyến đi khảo sát này nhằm chuẩn bị cho hội thảo quốc tế về xây dựng và phát triển khu kinh tế Vân Đồn. Kết thúc chuyến đi, ông Chung Nhược Ngu, Trợ lý Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc mong muốn hai bên sẽ nhanh chóng thành lập tổ công tác nghiên cứu về đặc khu kinh tế.
Tham dự bên phía tỉnh Quảng Ninh đương nhiên không vắng mặt ông Phạm Minh Chính, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh.
Đánh giá, nhận xét toàn bộ những dữ kiện trên từ năm 2013, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Phạm Chí Dũng, cũng là người dành rất nhiều sự quan tâm đến dự thảo Luật Đặc khu khẳng định rằng có cơ sở để kết luận Phạm Minh Chính có liên quan mật thiết đến Luật Đặc khu.
“Khi còn là Bí thư Quảng Ninh, Phạm Minh Chính là 1 trong những người chỉ đạo, xây dựng qui chế đặc khu cho Vân Đồn, và là cơ sở tiền đề cho luật Đặc khu sau này.”
Nói về cuộc gặp giữa Phạm Minh Chính và bà Đào Nhất Đào trong thời gian đã qua, ông Phạm Chí Dũng nhận xét là rất “đáng chú ý” và “có vẻ 2 bên rất thân mật với nhau.”
Một cơ sở nữa để cho thấy sự có mặt của Phạm Minh Chính ngay từ thưở đặc khu Vân Đồn đang trong lúc “thai nghén” được ông Phạm Chí Dũng tiết lộ:
“Trong đề xuất của tỉnh Quảng Ninh cho Chính phủ lúc đó, thời gian cho nước ngoài thuê đất, Quảng Ninh đề xuất đến 120 năm chứ không phải chỉ có 99 năm như dự luật Đặc khu.
Thì người ta có thể đặt 1 câu hỏi rất lớn, 1 sự nghi ngờ rất lớn, là vì động cơ nào? Vì động cơ nào mà Phạm Minh Chính và tỉnh Quảng Ninh lại lập 1 đề xuất quá ưu đãi, quá đặc biệt, và có thể nói không khác gì chuyện “bán đất, bán nước.”
Tân Hoa Xã ngày 12 tháng 9 năm 2016 có bài viết đưa tin từ tỉnh Quảng Ninh cho biết cần 12 tỷ USD để xây dựng đặc khu kinh tế hành chính Vân Đồn.
Tân Hoa Xã trích lời ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Kinh tế tỉnh Quảng Ninh trả lời báo Tuổi trẻ trong nước về số vốn đầu tư của Quảng Ninh lúc đó đã đáp ứng được 1.8 tỷ USD.
Tuy nhiên, cả Tân Hoa Xã lẫn truyền thông trong nước không nói rõ nguồn gốc của 1.8 tỷ USD này.
Trong đề xuất của tỉnh Quảng Ninh cho Chính phủ lúc đó, thời gian cho nước ngoài thuê đất, Quảng Ninh đề xuất đến 120 năm chứ không phải chỉ có 99 năm như dự luật Đặc khu. Thì người ta có thể đặt 1 câu hỏi rất lớn, 1 sự nghi ngờ rất lớn, là vì động cơ nào? Vì động cơ nào mà Phạm Minh Chính và tỉnh Quảng Ninh lại lập 1 đề xuất quá ưu đãi, quá đặc biệt, và có thể nói không khác gì chuyện ‘bán đất, bán nước’
-TS.Phạm Chí Dũng

Đây chính là câu hỏi mà nhà báo Nguyễn An Dân đặt ra về sự minh bạch đối với số vốn đầu tư của Quảng Ninh. Vì theo ông, vào năm 2014, chính phủ Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn về ngân sách, phải “vay nóng” Singapore hoặc quỹ Bảo hiểm xã hội 1 tỷ USD để cân đối chi thu, thì việc nhà nước hỗ trợ Quảng Ninh trong khoản 1.8 tỷ USD này là không có cơ sở.
Thêm vào đó, theo phân tích của nhà báo Nguyễn An Dân, thời điểm năm 2014, Việt Nam chưa xây dựng hoàn chỉnh khung định hình cơ bản cho đặc khu cũng như chưa có chiến lược, quy luật cụ thể. Do đó, không thể nghĩ rằng các quốc gia khác sẵn sàng bỏ tiền vào đầu tư ở đặc khu Vân Đồn.
Từ  đó, ông nêu ra kết luận: Phải chăng 1,8 tỷ USD Quảng Ninh đã có là từ nguồn huy động của nước có chung đường biên giới?
1,8 tỷ USD là 1% GDP của Việt Nam, một con số không nhỏ. Huy động được con số này, phải chăng chỉ có Phạm Minh Chính?
Theo ông Phạm Chí Dũng, ông trả lời vấn đề này theo cách đánh giá tư duy chung trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
“Với não trạng chung trong Đảng thì nó tựa tựa như nhau. Nếu không phải Phạm Minh Chính mà 1 nhân vật khác thì cũng phải thi hành chủ trương từ cấp trên mà thôi. Chỉ có điều nếu là người khác thì có thể về mặt kỹ thuật nó sẽ khác đi.”
Một góc nhìn khác, trong đó có 1 yếu tố tích cực từ nhà báo Nguyễn An Dân được ông chia sẻ:
“Ông Phạm Minh Chính không phải như những lãnh đạo Đảng hay lãnh đạo địa phương khác mà chờ phía trên giao việc. Mà ông muốn chủ động trong công việc.
Thứ 2, ông Phạm Minh Chính viết rất nhiều sách về kinh tế thị trường định hướng XHCN, rồi ổng có nghiên cứu từ thời ổng là Tuỳ viên sứ quán ở Đông Âu trong giai đoạn Đông Âu chuyển hoá từ độc tài sang dân chủ.
Từ đó mới sinh ra là ông Phạm Minh Chính cũng muốn tích cực làm đặc khu này.”
Tuy nhiên, nhà báo Phạm An Dân cũng đã nói thêm: “Bên cạnh đó có những vấn đề khác, chẳng hạn ông Phạm Minh Chính chưa hiểu hết ý đồ của Trung Quốc.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pham-minh-chinh-and-van-don-sez-part1-06192018143537.html

Phạm Minh Chính và Đặc khu Vân Đồn (Phần 2)

Cát Linh, RFA
Phần 2: Phạm Minh Chính, Đào Nhất Đào, Vân Đồn và Một vành đai, một con đường
Trong phần 1, chúng tôi đã trình bày về sự ra đời của dự án đặc khu kinh tế, đặc biệt là đặc khu Vân Đồn, Quảng Ninh.
Sự liên kết giữa hai nhân vật quan trọng là ông Phạm Minh Chính là bà Đào Nhất Đào ảnh hưởng như thế nào trong sự hình thành thành đặc khu Vân Đồn cũng như dự thảo luật Đặc khu?
Đào Nhất Đào và Vân Đồn
Một năm sau chuyến thăm của đoàn đại biểu gồm 5 chuyên gia của CCSEZR đến tỉnh Quảng Ninh ngày 19 tháng Giêng năm 2013, bà Đào Nhất Đào đã quay lại Việt Nam vào ngày 19 tháng 3 năm 2014 để tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế.
Tại đây, bà Đào Nhất Đào dành những lời nhận xét khá ưu ái khi trả lời phóng viên Báo Quảng Ninh về tiềm năng phát triển của đặc khu Vân Đồn:
“Theo đánh giá của tôi, Vân Đồn hiện có những điều kiện thuận lợi hơn Thâm Quyến ngày trước rất nhiều: Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, nằm trong tam giác kinh tế phía Bắc, có những điều kiện thuận lợi về thiên thời, địa lợi và ưu thế đi sau, hiện chỉ còn thiếu nhân hòa.”
Nhấn mạnh ngay sau đó, bà đưa ý kiến về giải pháp, đó là: “Để có được điều này, theo tôi Chính phủ Việt Nam phải giao cho Quảng Ninh những cơ chế đặc thù.”
Làm sao để bù “nhân hoà”? Thế nào là cơ chế đặc thù?
Đáng chú ý, bà Đào Nhất Đào là cố vấn, kiến trúc sư trưởng của chiến lược ‘Một vành đai, Một con đường’ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những chuyên gia kinh tế gọi nhận định đây là chiến lược có tham vọng nhân rộng ra cả Châu Á.
Vân Đồn và Một vành đai, một con đường
Rất nhiều các nhà nghiên cứu chính trị kinh tế trên thế giới đã đưa ra những quan ngại về ảnh hưởng của chiến lược Vành đai, con đường đối với những quốc gia nó liên kết.
Tờ Tuổi Trẻ ngày 18 tháng 4 có một bài viết trong đó trích dẫn ý kiến của Ông Peter Cai, chuyên gia tư vấn tại Viện Lowy (Úc) chuyên nghiên cứu chiến lược “Vành đai, Con đường”, nhận định rõ ràng rằng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc sẽ mở rộng ở những quốc gia mà “Vành đai, Con đường” liên kết.
Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS), có trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ nhận định trong 1 báo cáo ngày 17 tháng 4 rằng “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh là thật ra nhằm phục vụ mục đích mở rộng ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.
Một báo cáo khác của các nhà nghiên cứu Mỹ về 15 dự án cảng biển do Trung Quốc cấp vốn ở Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, Úc, Oman, Malaysia, Indonesia, Djibouti và những quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kết luận rằng các dự án này không được xúc tiến theo hướng “có lợi cho đôi bên” như Bắc Kinh tuyên bố. Thay vào đó, các khoản đầu tư dường như để tạo ra ảnh hưởng chính trị, lén lút mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc và dựng lên một môi trường chiến lược có lợi cho Bắc Kinh trong khu vực.
Ông Phạm Chí Dũng chia sẻ thêm những nhận định về vai trò của đặc khu ở Việt Nam.
Bà Đào Nhất Đào, kiến trúc sư trưởng của Một vành đai, một con đường phải tiếp xúc với ông Phạm Minh Chính, trên cương vị bà Đào Nhất Đào là người chủ trì đề án và ông Phạm Minh Chính là người đứng đầu địa phương Vân Đồn nơi sẽ hình thành đặc khu. Hai tư tưởng lớn, 1 bên là phía ông Tập Cận Bình, một bên là tư duy của bên Đảng thì việc bà Đào Nhất Đào và ông Phạm Minh Chính kết nối với nhau là đương nhiên thôi
-Nhà báo Nguyễn An Dân

“Đặc khu chính là môi trường vô cùng thông thoáng để rửa tiền, mà cơ quan pháp luật không thể làm gì khác. Chưa kể là trong đặc khu có thể sản xuất vũ khí, nói chung là kinh doanh trái pháp luật khá nhiều chuyện mà phap luật không thể sờ gáy được.
Có một điều cực kỳ nguy hiểm ở mặt đối ngoại là đã có những nhà đầu tư chiến lược nhắm sẵn đặc khu rồi.
Trong những nhà đầu tư đó có những nhà đầu tư bị nghi ngờ lớn là có quan hệ chân trong chân ngoài với nước ngoài, chính xác là với Trung Quốc.”
Phạm Minh Chính, Đào Nhất Đào và Vân Đồn
Trở lại với kế hoạch đặc khu Vân Đồn của Quảng Ninh, hay nói cách khác là sản phẩm của Phạm Minh Chính.  Ngày 27 tháng Giêng năm 2018, phái đoàn Quảng Ninh do Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn chuyến đi thăm Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc (Đại học Thâm Quyến), theo lời mời của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến đi này cũng do trang báo nội bộ của Khoa Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc – CCSEZR (China Center for Special Economic Zone Research) thuộc trường Đại học Thâm Quyến (Shenzhen University) đưa tin.
Cũng cần phải nói rõ là phái đoàn Việt Nam trong chuyến đi này trên thực tế là Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Lý do là trước đó, báo chính phủ cho đăng tải Quyết định số 56/QĐ-TTG về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 11 tháng 1 năm 2018.
Ban Chỉ đạo này do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  làm Trưởng ban. Hai Phó trưởng ban là ông Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Uông Chu Lưu, Uỷ viên Ban Châp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và 25 uỷ viên khác.
Trong bài viết của trang CCSEZR, đáng chú ý là bà Đào Nhất Đào với văn phong vừa phải của nhà ngoại giao, gọi ông Phạm Minh Chính là “người bạn cũ của CCSEZR”. Ngược lại, đáp lại là lời phát biểu của ông Phạm Minh Chính được ghi rằng: “Trở lại Đại học Thâm Quyến lần này cho tôi cảm giác ấm áp như trở về nhà, được gặp lại những anh chị em trong gia đình.”
http://www.ccsezr.org/enews/news_detail.php?newsid=3986
Trong bài phát biểu của mình, ông Phạm Minh Chính xin được tư vấn từ CCSEZR về ba vấn đề, trong đó có câu hỏi: “Thời gian sử dụng đất có phải là 70 hay 99 năm không?
Nhìn lại tất cả những sự kiện gắn kết giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc, đại diện là Khoa Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện là đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh, sau này là Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, đã chỉ ra rất rõ phần nào sự ảnh hưởng rõ rệt của Bắc Kinh ở đặc khu Vân Đồn.
Phân tích cụ thể hơn là từ nhà báo Nguyễn An Dân:
Đặc khu chính là môi trường vô cùng thông thoáng để rửa tiền, mà cơ quan pháp luật không thể làm gì khác. Chưa kể là trong đặc khu có thể sản xuất vũ khí, nói chung là kinh doanh trái pháp luật khá nhiều chuyện mà phap luật không thể sờ gáy được…Trong những nhà đầu tư có những nhà đầu tư bị nghi ngờ lớn là có quan hệ chân trong chân ngoài với nước ngoài, chính xác là với Trung Quốc
-TS.
Phạm Chí Dũng
“Khi Trung Quốc họ biết Việt Nam có chủ trương làm đặc khu ở Vân Đồn, và khi ông Tập Cận Bình đưa chiến lược Một vành đai, một con đường ra thì Trung Quốc muốn kết nối với Việt Nam vào trong chiến lược này. Thì bắt buộc phải  kết nối đặc khu Vân Đồn vì vị trí quan trọng về địa chính trị của nó, là cửa khẩu của Việt Nam. Như thế, đương nhiên bà Đào Nhất Đào, kiến trúc sư trưởng của Một vành đai, một con đường phải tiếp xúc với ông Phạm Minh Chính, trên cương vị bà Đào Nhất Đào là người chủ trì đề án và ông Phạm Minh Chính là người đứng đầu địa phương Vân Đồn nơi sẽ hình thành đặc khu.
Hai tư tưởng lớn, 1 bên là phía ông Tập Cận Bình, một bên là tư duy của bên Đảng thì việc bà Đào Nhất Đào và ông Phạm Minh Chính kết nối với nhau là đương nhiên thôi.”
Vì sao Vân Đồn lại được Bắc Kinh dành cho nhiều “thiện chí” đến thế? Theo nhà báo Nguyễn An Dân, đó là xét theo địa chính trị, và Trung Quốc cần Vân Đồn hơn là Vân Phong và Phú Quốc. Thêm vào đó, Vân Đồn không gặp trở ngại về vai trò của chính quyền địa phương như Vân Phong và Phú Quốc.
Vân Đồn án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra Vịnh Bắc Bộ chỉ cách Hải Nam của Trung Quốc 200 hải lý, một vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Đông Bắc.
Vân Đồn có trở thành đặc khu hay không? Luật Đặc khu có được thông qua vào tháng 10 tới hay không? Điều này ông Phạm Chí Dũng cho rằng hoàn toàn có thể, nếu không có sức đấu tranh của toàn dân, toàn xã hội phản đối những điều bất công, bất cập, bất hợp lý và nguy hiểm trong dự luật này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pham-minh-chinh-and-van-don-sez-part2-06192018150126.html

Cảnh sát Singapore

phá đường dây kết hôn giả với phụ nữ Việt

Một đường dây kết hôn giả giữa phụ nữ Việt và người Singapore bị lực lượng chức năng nước này phá vỡ. Có 17 nghi phạm liên can.
Mạng báo Strait Times của tiểu quốc Singapore loan tin này vào ngày 19 tháng 6. Theo đó Cơ Quan Cửa Khẩu & Nhập Cư Singapore bắt đầu tiến hành điều tra về đường dây vừa nêu từ tháng 3 năm ngoái sau khi nhận được tin báo về một cặp kết hôn giả.
Viên chức điều tra chính có tên Ong Teck Wee cho Strait Times biết qua thú nhận của một cặp đầu tiên, sau đó nhóm điều tra phát hiện thêm những cặp kết hôn giả khác.
Theo viên chức Ong Teck Wee thì động cơ chung của những người đàn ông Singapore tham gia đường dây là vì cần tiền.
Nhóm những người đàn ông liên can trong đường dây được cho biết có độ tuổi từ 23 đến 45. Họ nhận được khoản tiền từ 800 đến 4.500 đô la để tham gia. Một người trong nhóm này được viên chức điều tra Singapore tiết lộ là nhân viên khách sạn ở độ tuổi 45 tham gia vì đang bị nợ chừng 10 ngàn đô la.
Phía các phụ nữ Việt bị đường dây phát hiện có độ tuổi từ 22 đến 28. Họ chi cho người cầm đầu đường dây, ông Jeremy Tan Chin Hock, và những tay môi giới từ 6 ngàn đến 16 ngàn đô la để có thể tiếp tục sống ở Singapore.
Đường dây được hình thành cách đây 4 năm.
Vào tháng giêng năm nay, Jeremy Tan Chin Hock, bị kết án 24 tháng tù giam và phạt 42 ngàn đô la do vi phạm Luật Nhập cư của Singapore.
Bản án được đánh giá là nặng nhất sau khi Luật Nhập Cư của Singapore có sửa đổi vào năm 2012; theo đó hình thức ‘hôn nhân vụ lợi’ tức không cưới nhau vì tình bị hình sự hóa theo luật.
Ngoài ra còn 11 người khác gồm 6 người Singapore và 5 phụ nữ Việt Nam bị kết án từ 6 đến 18 tháng tù giam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/immigration-investigators-bust-one-of-the-biggest-sham-marriage-syndicates-06202018103328.html

Bí thư Sài Gòn mượn bản đồ quy hoạch

của dân Thủ Thiêm

Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, vào chiều ngày 20/6, có cuộc tiếp xúc với người dân khiếu kiện Thủ Thiêm theo lời hứa đưa ra hôm 29/5.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này cùng ngày theo đó nhiều người dân quận 2 (Thủ Thiêm) đã có mặt từ sớm để tham dự sự kiện này.
Tin cho biết tại buổi gặp mặt với bí thư Nhân, tất cả người dân có mặt đều bày tỏ bức xúc xung quanh chính sách di dời, thu hồi và đền bù không thoả đáng của chính quyền địa phương. Cụ thể, nhiều chất vấn được đặt ra xung quanh việc giá đất đền được áp dụng theo nghị định 22 từ năm 1995 trong khi đã có nghị định mới thay thế để áp giá đền bù. Nhiều hộ dân cũng cho biết phần diện tích được giải toả nằm ngoài ranh quy hoạch và không hề có quyết định thu hồi đất nhưng chính quyền vẫn giải toả và đền bù không thoả đáng. Ngoài ra, chính sách tái định cư còn nhiều bất hợp lý với việc xếp tái định cư người dân không đúng theo quyết định 367. Người dân cũng tổng hợp và đưa ra 3 bản đồ kèm diễn giải quy định pháp luật để chứng minh đất đai của những hộ dân bị giải toả không nằm trong phần được quy hoạch…Đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại đất đai của bà con từ hàng chục năm nay mà chính quyền không hề có những động thái tích cực để giải quyết.
Về phía Ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, khi người dân trưng ra bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cung cấp bản đồ này cho ông và lãnh đạo thành phố để bổ sung hồ sơ.
Người dân kỳ vọng cuộc gặp mặt với bí thư Nhân sẽ giúp thúc đẩy cơ quan thẩm quyền công bố kết luận thanh tra về tính pháp lý của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là việc công bố rõ quy mô dự án cho người dân biết.
Tình trạng kéo dài suốt 20 năm qua khiến nhiều người dân rơi vào cảnh sống vô cùng khó khăn, khiếu kiện nhưng không được cơ quan chức năng nào giải quyết.
Trước buổi gặp mặt ngày 20 tháng 6 như vừa nêu, tổ đại biểu quốc hội Thành Phố Hồ Chí Minh cũng đã có cuộc tiếp xúc cử trị quận 2 vào 9/5.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bi-thu-sai-gon-muon-ban-do-quy-hoach-cua-dan-thu-thiem-06202018100231.html

Biểu tình tại Đài Loan

đòi công lý cho nạn nhân Formosa

Một nhóm gần chục tổ chức hoạt động và những công dân Việt Nam hiện đang làm việc ở Đài Loan vào ngày 20 tháng 6 tiến hành biểu tình tại Đài Bắc nhằm lên tiếng đòi công lý cho những nạn nhân thảm họa môi trường Formosa tại các tỉnh miền Trung từ tháng 4 năm 2016.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, một trong những người tham gia cuộc biểu tình cho Đài Á Châu Tự Do biết:
“Mục đích cuộc biểu tình là tiếp tục theo dõi Formosa mà cách đây 2 năm có nói một lần rồi: thứ nhất yêu cầu Formosa công bố dữ liệu về ô nhiễm môi trường tại Việt Nam; thứ 2 yêu cầu Formosa phải có trách nhiệm về mặt xã hội trong việc gây ô nhiễm môi trường và không đồng lõa với nhà cầm quyền Việt Nam bách hại những người tranh đấu cho nạn nhân Formosa.”
Cụ thể có một số người bị bỏ tù do lên tiếng về thảm họa mà nhà máy gang thép của Formosa gây nên từ việc xả hóa chất độc hại ra biển. Đó là các anh Nguyễn Văn Hóa bị tuyên án 7 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ chỉ vì sử dụng flycam để quay cảnh người dân biểu tình tại nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Anh Hoàng Đức Bình bị tuyên án 14 năm tù với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ…’ và ‘chống người thi hành công vụ’ liên quan đến các bài viết trên blog về thảm họa Formosa.
Anh Nguyễn Nam Phong bị tù 2 năm với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’ vì anh này là tài xế từ chối yêu cầu của lực lượng chức năng mở cửa xe khi đang chở Linh Mục Nguyễn Đình Thục và anh Hoàng Đức Bình.
Anh Trần Hoàng Phúc bị kết án 6 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ do hoạt động giúp những nạn nhân thảm họa môi trường Formosa.
Anh Bạch Hồng Quyền hiện phải lánh nạn vì bị cáo buộc ‘gây rối trật tự’ do tổ chức cuộc tuần hành kỷ niệm một năm thảm họa môi trường Formosa.
Và cựu tù chính trị Thái Văn Dung, bị cơ quan chức năng Việt Nam truy nã với cáo buộc vi phạm lệnh quản chế liên quan vụ án 14 thanh niên Công giáo & Tin Lành với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.
Sau khi gây nên thảm họa môi trường hủy hoại sinh vật biển do thải hóa chất độc hại trực tiếp ra vùng biển Việt Nam gây tác hại nặng nề, vào ngày 30 tháng 6 năm 2016, đại diện Nhà máy Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh lên truyền hình Việt Nam xin lỗi và thông báo trao cho chính phủ Hà Nội 500 triệu đô la Mỹ để bồi thường cho người dân bị tác động cũng như khắc phục thảm họa ô nhiễm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/activists-protest-to-ask-for-the-justice-of-formosa-victim-06202018092028.html

Vũ ‘nhôm’ tiêu hơn 13 triệu đô la của ngân hàng

nhưng không nhớ

Truyền thông nhà nước hôm 20 tháng 6 đưa thông tin từ cơ quan Công an cho biết Vũ ‘nhôm’, tức Phan Văn Anh Vũ, đã không thành khẩn khai báo và hiện vẫn không nhớ đã sử dụng khoản tiền hơn 13 triệu đô la làm gì. Đây là khoản tiền Vũ ‘nhôm’ nhận từ ông Trần Phương Bình, nguyên tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quảng trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á, người bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại ngân hàng Đông Á.
Vũ ‘nhôm’ là một đại gia bất động sản tại thành phố Đà Nẵng và là một sĩ quan công an, người đang bị tạm giữ và phải đối mặt với một loạt các buộc bao gồm tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, và làm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 200 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á.
Theo cơ quan điều tra, ông Trần Phương Bình khai báo đã chỉ đạo nhân viên mua 13,4 triệu đô la cho Vũ ‘nhôm’. Tuy nhiên Vũ ‘nhôm chỉ thừa nhận nhờ ông Bình mua 3,2 triệu đô la còn 10,2 triệu đô la là tiền vay của Vũ ‘nhôm’ từ ông Bình, đến nay chưa trả. Cơ quan điều tra xác định đây là việc vay mượn cá nhân nên Vũ ‘nhôm’ phải có trách nhiệm trả khoản tiền 13,4 triệu đô la cho ông Bình.
Vào cuối tuần trước, Văn phòng Đất đai thành phố Đà Nẵng và các tổ chức công chứng đã tiến hành việc phong tỏa, không cho mua bán, chuyển nhương, tặng cho, ủy quyền tài sản của vợ chồng Vũ ‘nhôm’ để phục vụ công tác điều tra theo cáo buộc chiếm đoạt tài sản.
Các tài sản được cơ quan chức năng kê biên thuộc Vũ ‘nhôm’ theo truyền thông trong nước cho biết bao gồm căn nhà tại đường Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng mà gia đình Vũ ‘nhôm’ đang sinh sống, toàn bộ số cổ phần của ngân hàng Đông Á mà Vũ ‘nhôm’ đứng tên sở hữu và công ty Bắc Nam 79 mà Vũ ‘nhôm’ làm chủ. Ngoài ra cơ quan điều tra cũng kê biên thêm các tài sản gồm đất đai ở Sài Gòn, và thành phố Nam Định do Vũ ‘nhôm’ đứng tên.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vu-aluminum-spent-usd-13-mil-but-cannot-remember-06202018085624.html

Sắp xử phúc thẩm

3 thành viên Phong trào Chấn Hưng Nước Việt

Ba 3 thành viên Phong trào Chấn Hưng Nước Việt là ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc sẽ bị đưa ra xử phúc thẩm vào ngày 10 tháng 7 năm 2018 tại Tòa án Hà Nội.
Theo Giấy báo số 8099 của Tòa án cấp cao Hà Nội được luật sư Hà Huy Sơn chụp lại và đăng tải trên Facebook cá nhân cho biết, lý do đem vụ án ra xử phúc thẩm là có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm ngày 31/1/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 19 tháng 6, Luật sư Hà Huy Sơn đưa ra nhận định trước phiên xử:
“Tôi thì nhận định phiên phúc thẩm cũng sẽ không có tình tiết gì mới cho đến nay. Không biết là đến phiên xử thì các bị cáo có thay đổi gì về quan điểm hay không. Tóm lại, tôi cho rằng nếu không có gì mới thì bản án khó có thể có sự thay đổi so với bản án sơ thẩm.”
Theo Luật sư Hà Huy Sơn thì tòa án không có nghĩa vụ thông báo cho người nhà biết thông tin sắp diễn ra phiên xử. Ông nói tiếp:
“Đây là phiên tòa công khai thì theo quy định người nhà cũng có thể tham dự như một người dân bình thường. Còn thực tế tòa có thực hiện cái quyền đấy của công dân hay không thì tôi cũng chưa biết được.”
Vào ngày 31 tháng 1 năm 2018,  tòa án Hà Nội xét xử sơ thẩm 3 nhà hoạt động thuộc Phong trào Chấn Hưng Nước Việt với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88, bộ luật hình sự Việt Nam. Các bị cáo bị tuyên các mức án như sau: ông Vũ Quang Thuận bị tuyên 8 năm tù giam và 5 năm quản chế; ông Nguyễn Văn Điển 6 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế; sinh viên Trần Hoàng Phúc 6 năm tù giam cùng 4 năm quản thúc tại gia.
Hội Đồng Xét Xử cho rằng cả 3 nhà đấu tranh đã có hành vi ‘tàng trữ tài liệu, làm, đăng tải các video có nội dung tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên mạng Internet’.
Trong phiên tòa này có 7 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho ba người nhưng luật sư cho biết các luận chứng bào chữa của họ đều bị thẩm phán bác bỏ mà không suy xét.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appellate-trial-of-3-activists-06192018111430.html

Tags:

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.