Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 09/01/2017

Monday, January 9, 2017 6:39:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 09/01/2017

Việt Nam : Giáo hội bảo vệ các nạn nhân ô nhiễm Formosa

Nhật báo công giáo La Croix hôm nay 09/01/2017 cho biết, giám mục và hàng giáo phẩm ở giáo phận Vinh từ sáu tháng qua đã sát cánh với các ngư dân và những người kinh doanh nhà hàng khách sạn ở Kỳ Anh. Họ không thể tiếp tục công việc lâu nay từ khi nhà máy thép Formosa Đài Loan gây ra thảm họa sinh thái.
Đặc phái viên của tờ báo tại Vinh mô tả một bức tường dài 10 kilomet, phía trên là hàng rào kẽm gai, điểm xuyết bằng những tháp canh, che khuất mọi tầm nhìn vào Formosa Ha Tinh Steel Corporation. Đó là một phức hợp luyện kim rộng mênh mông, do tập đoàn Đài Loan Formosa xây dựng từ năm 2009 dọc theo bờ biển của huyện Kỳ Anh. Linh mục Phêrô Trần Đình Lai thở dài : « Không ai được phép vào ». Ông là chánh xứ Đông Yên, giáo xứ Kỳ Anh mới, nơi cư ngụ của 5.000 gia đình ngư dân bị Formosa cưỡng chế đất.
Cha Phêrô Lai là một trong những người đầu tiên được các ngư dân trong giáo xứ báo động về tình trạng ô nhiễm biển hôm 06/04/2016, khi các lò luyện thép của Formosa chạy thử lần đầu tiên. Những ngày sau đó, hàng trăm ngàn con cá đã bị chết, không chỉ trên biển hay trên các bãi biển, mà cả tại các hồ nuôi cá vốn rất nhiều ở miền Trung Việt Nam. Cha Lai nói : « Chúng tôi không biết chất hóa học nào đã được đổ ngoài biển, chỉ biết rằng người thợ lặn được điều ra để kiểm tra ống xả thải từ Formosa ra biển đã bị tử vong ngay lập tức ».
Từ ngày 6/4, chính phủ Việt Nam không hề cho phép lấy mẫu hay phân tích hóa học, nên dân chúng chỉ có thể đưa ra những giả thiết nhằm lý giải thảm họa đại quy mô này. Đức giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh ghi nhận : « Có lẽ là kim loại nặng và phénol, những chất này không thể được xả thẳng ra biển như thế ».
Bản thân đức giám mục Nguyễn Thái Hợp biết được về thảm họa này hôm 20/4, nhờ một bài viết can đảm trên Facebook, nay đã bị xóa. Vị giám mục kể lại : « Tôi đã đến hiện trường ít lâu sau khi các linh mục vùng này xác nhận sự kiện ». Hôm 27/4, lá thư đầu tiên của Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận Vinh đã được công bố, yêu cầu thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia quốc tế và cho tạm ngưng hoạt động nhà máy thép, đồng thời cấm bán các loại hải sản nhiễm độc.
Ngày 13/5, trong lá thư ngỏ thứ hai, đức giám mục Phaolô Hợp, đồng thời là chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhận định có khoảng « hai triệu người » bị mất nguồn thu nhập – đến nay đã chín tháng trôi qua : ngư dân, người bán tôm cá, người sản xuất muối, chủ các hồ nuôi cá, chủ nhà hàng, khách sạn…Ngài ghi nhận : « May thay, một số gia đình có con cái ở Sai Gòn hay ở nước ngoài gởi tiền về giúp ». Bản thân giám mục Nguyễn Thái Hợp đã tài trợ cho các thanh thiếu niên trong giáo phận mà gia đình không còn thu nhập nào.
Hậu quả cũng bi thảm đối với môi trường. Cha Phaolô Hợp nhấn mạnh : « Cần phải mất nhiều thập niên nữa, hệ sinh thái mới có thể phục hồi được ». Nhiễm độc kim loại nặng mang lại những hệ quả độc hại cho sức khỏe con người, vì những chất độc chết người này tập trung vào hệ thực vật và động vật biển.
Theo đức giám mục Phaolô Hợp và linh mục Phêrô Lai, « khoảng hai chục » người dân ở Kỳ Anh đã tử vong, sau khi ăn tôm cá đánh bắt được trong vùng, nhưng không thể cung cấp được con số cụ thể. Ngài cho biết : « Không thể tham khảo được bệnh án của những người đã chết trong năm tỉnh liên quan, đồng thời việc xét nghiệm máu những người này cũng bị cấm ».
Hồi tháng Năm, cha Phêrô Trần Văn Khuê, quản nhiệm giáo họ Phan Thôn và là cha tuyên úy tại các bệnh viện ở Vinh, đã được khẩn cấp mời đến để làm phép xức dầu thánh cho « một người đàn ông bị chứng khó tiêu, người nổi đầy mụn nhọt. Trước đó một hôm, bệnh nhân đã ăn một con tôm hùm lưới được ở gần Kỳ Anh. Người này sau đó đã tử vong ». Cha Phêrô Khuê càng bị sốc vì sự kiện này hơn do « chính quyền và các cơ quan truyền thông nói dối, lặp đi lặp lại là không còn nguy hiểm, người dân lại có thể tiêu thụ hải sản ».
Trước sự thụ động của chính quyền, giáo phận Vinh đã mời một ủy ban của Quốc hội Đài Loan sang Việt Nam. Tháng Tám, họ đã đến được tận Kỳ Anh và gặp gỡ các linh mục. Qua lời mời của đoàn dân biểu này, một linh mục ở Vinh vào đầu tháng 12 đã ra điều trần trước Quốc hội Đài Loan, nói rõ tình hình.
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp giải thích : « Chính quyền Đài Bắc tích cực giúp đỡ chúng tôi, vì tổng thống đương nhiệm rất quan tâm đến hình ảnh Đài Loan trên trường quốc tế, và Formosa đã từng gây ra các vụ ô nhiễm trong quá khứ ».
Kiến nghị buộc Formosa phải giải trình
Giáo phận Vinh còn đấu tranh trên mặt trận pháp lý, để mỗi người thất nghiệp bất đắc dĩ được bồi thường. Chính phủ bắt đầu phát tiền cho các ngư dân đang gặp khó khăn, nhưng không thể làm hài lòng cả hai triệu người. Về phía giáo phận đã thành lập một ủy ban trợ giúp các nạn nhân đối với những trường hợp cấp thiết nhất. Từ ngày 1 tháng Giêng, mỗi linh mục thuộc giáo phận Vinh bắt đầu cho chuyền tay một bản kiến nghị. Một khi thu thập được 150.000 chữ ký của người Việt, Quốc hội Đài Loan có thể triệu tập các lãnh đạo Formosa và buộc họ phải giải trình.

Bộ trưởng lý giải vụ cá chết ‘trượt’ các sự kiện nổi bật

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà mới lên tiếng về việc không đưa vụ cá chết ở biển miền Trung vào danh sách các thành quả mà ngành do mình quản lý đạt được năm 2016.
Trả lời trang Soha News hôm 7/1, ông Hà nói rằng top các sự kiện trong năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường “mang tính chất động viên, khích lệ và cho thấy mình làm được điều gì có đóng góp cho sự phát triển đất nước”.
Vì thế, ông cho rằng việc đưa sự cố môi trường mà công ty Đài Loan Formosa đã thừa nhận trách nhiệm gây ra ở các tỉnh miền Trung vào các sự kiện đó là “không phù hợp”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được trích lời nói thêm rằng cá nhân ông “đồng tình với ý kiến là đối với môi trường hiện nay thì không chỉ bầu chọn các sự kiện cơ quan nhà nước đã làm được mà phải đánh giá vào tiêu chí dựa trên thực tế hiện nay”, theo Soha News.
Ông Hà được dẫn lời nói tiếp: “Cụ thể, ngoài những việc đã làm tốt thì các việc về môi trường đặt ra vấn đề phức tạp, bức xúc, nóng bỏng của năm như các sự cố môi trường cũng phải coi là sự kiện và kể cả địa phương nào làm tốt, làm chưa tốt về môi trường cũng cần phải đánh giá. Khi đó, yêu cầu của người dân sẽ được đáp ứng và muốn làm như vậy thì sẽ cần phải bổ sung, xây dựng, hoàn thiện tiêu chí đánh giá về các vấn đề môi trường…”
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho hay rằng ông có nắm được các thông tin trái chiều về việc không đưa sự cố biển miền trung vào danh sách 10 sự kiện tiêu biểu.
Ông nói tiếp rằng việc lập danh sách các dự kiện liên quan tới môi trường sau này “có thể được công khai trên mạng hoặc thông qua báo chí để mọi người trong xã hội đều có thể lựa chọn một cách khách quan, chính xác nhất”, theo Soha News.
Sau phản hồi của ông Hà, luật sư Trần Vũ Hải, một người nhiều lần lên tiếng về sự cố môi trường Formosa, viết trên trang Facebook cá nhân: “Sự kiện thảm hoạ môi trường biển do Formosa gây ra 4 tỉnh miền Trung là sự kiện lớn nhất trong năm của Việt nam năm 2016. Bộ TN và MT có trách nhiệm lớn nhất trong sự kiện này, tuy nhiện theo biện hộ của Bộ Trưởng Trần Hồng Hà, do Bộ TN và MT chỉ xếp các sự kiện “tích cực” nên không xếp sự kiện này vào 10 sự kiện nổi bật nhất về tài nguyên và môi trường ở Việt nam, dù có xét. Như vậy, chính Bộ TN và MT thừa nhận bộ này thực hiện không tốt trách nhiệm ngay theo khía cạnh “tích cực”, tức thừa nhận thất bại của chính Bộ TN và MT trong vụ việc này?”
Chính phủ Việt Nam hồi giữa năm ngoái xác định Formosa đã gây ra thảm họa cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, và cho biết rằng công ty của Đài Loan này đã “nhận trách nhiệm” và đền bù 500 triệu đôla.
Tuy nhiên, kết luận đó vẫn chưa làm nguôi ngoai những người dân bị tác động trực tiếp của “thảm họa môi trường biển”, dẫn tới nhiều vụ phản đối và khiếu kiện thời gian qua.

Phó Thủ tướng yêu cầu

kiểm soát Formosa trước khi cho hoạt động

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên Môi trường phải tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, chỉ khi đáp ứng các điều kiện mới cho phép hoạt động.
Ông Trịnh Đình Dũng đã khẳng định như vừa nêu khi tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 9/1 của ngành tài nguyên môi trường, để tổng kết năm 2016 và triển khai hoạt động năm 2017.
Theo đó, đối với nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường, công tác quản lý môi trường.
Được biết Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 4 năm ngoái đã xả thải không qua xử lý ra môi trường biển, gây ra thảm họa môi trường 4 tỉnh ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị tới Thừa Thiên Huế và bồi thường cho chính phủ Việt Nam 500 triệu USD.
Thảm họa môi trường đã làm hàng trăm ngàn ngư dân và gia đình 4 tỉnh miền Trung mất việc làm, mất sinh kế và cho đến nay hoạt động nghề biển vẫn chưa thể hồi phục.
Tuy nhiên, trong 10 sự kiện môi trường hàng đầu của năm 2016 mà Bộ Tài Nguyên- Môi trường công bố vào đầu tháng 1 vừa qua, không có thảm họa môi trường do Formosa gây nên như vừa nêu.

Việt Nam Lào Campuchia tăng cường hợp tác quốc phòng

Hai Bộ trưởng Quốc Phòng Campuchia và Lào đã có chuyến viếng thăm Việt Nam trong cùng ngày 9/1/2017.
Chiều 9/1/2017 tại Trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ở Đà Nẵng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Đại tướng Tia Banh. Hai vị Bộ trưởng đã ký kế hoạch hợp tác năm 2017. Theo đó, năm 2017 là năm bầu cử Hội đồng cấp xã phường ở Campuchia, Việt Nam hợp tác với Campuchia nhằm duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu biên giới, làm thất bại điều gọi là âm mưu lợi dụng vấn đề biên giới để xuyên tạc, chia rẽ quan hệ hai nước.
Trước đó trong buổi sáng 9/1/2017, cũng tại Bộ tư lệnh Quân khu 5 ở Đà Nẵng, Thượng tướng Chansamone Channhalat, Bộ trưởng Quốc phòng Lào đã cùng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam ký kế hoạch hợp tác năm 2017. Một trong những nội dung cho thấy hai bên Lào Việt tăng cường trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển lâm sản trái phép qua biên giới, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự khu vực biên giới giữa hai nước.

Việt Nam thảo luận mua hỏa tiễn đất đối không của Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ đang thảo luận tích cực về thương vụ New Dehli bán cho Hà Nội hỏa tiễn đất đối không Akash. Hệ thống phòng không này có khả năng đánh chặn máy bay có và không có người lái của địch quân. Tờ Thời báo Ấn Độ Times of India đưa tin này hôm nay 9/1/2017. Bản tin không đề cập thời gian và địa điểm nơi diễn ra các cuộc họp vừa nêu.
Tin cho biết Aksah là loại được thiết kế có thể thay thế loại hỏa tiễn SAM-6 Kvadrat của Nga đã lỗi thời. Radar của hỏa tiễn Aksah cũng được cho biết có thể cùng lúc phát hiện 64 máy bay địch trong phạm bi bán kính 60 kilomet.
Hà Nội và New Delhi đã mở thảo luận để duyệt lại thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương đạt được hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Trong các cuộc thảo luận duyệt xét này, Ấn Độ cũng đã đồng ý huấn luyện phi công Việt Nam điều khiển chiến đấu cơ SU-30, một loại máy bay tiêm kích đa năng do Nga sản xuất.
Năm ngoái, Ấn Độ và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, quyết định  này được mô tả là vì hai quốc gia có những lợi ích chung. Và trong bối cảnh Ấn Độ ràng buộc sâu hơn về quốc phòng và an ninh với các  quốc gia Đông Nam Á.

Đài Loan ‘bắt 40 người Việt’

Một tàu đánh cá của Đài Loan chở “di dân lậu” người Việt đã bị chặn bắt ngoài khơi bờ biển Nghi Lan hôm 6/1.
CNA dẫn lời lực lượng tuần duyên hôm 7/1 nói rằng 40 người trên tàu là các di dân bất hợp pháp từ Việt Nam gồm 25 đàn ông và 15 phụ nữ. Ngoài ra, trên tàu còn có một thuyền trưởng, thuyền viên Đài Loan và Indonesia.
Con tàu đăng ký ở Cao Hùng, miền nam Đài Loan, sau đó đã được giao cho văn phòng công tố Nghi Lan để xử lý và điều tra vì vi phạm luật nhập cư.
Một bức ảnh được truyền thông Đài Loan đăng tải cho thấy những người Việt bị bắt mặc áo có đánh số và đeo khẩu trang, và bên cạnh họ là một người lính vũ trang đứng canh.
Kênh Focus Taiwan dẫn lời quan chức cho biết rằng những người Việt bị bắt tới Trung Quốc rồi lên tàu cá đi Đài Loan trong chuyến hải hành mất khoảng 4 ngày.
Theo lực lượng tuần duyên Đài Loan, các công dân Việt Nam phải trả mỗi người từ 4 nghìn cho tới gần 7 nghìn đôla Mỹ cho chuyến đi này.
Một quan chức của cơ quan này được CNA dẫn lời nói rằng trước đây, những người Việt muốn nhập cư trái phép vào Đài Loan thường hùn tiền mua tàu cá ở Trung Quốc rồi sau đó bỏ tàu đó khi họ đặt chân tới Đài Loan.
Vụ việc mới nhất cho thấy các “di dân lậu” người Việt đã “thay đổi chiến thuật”, theo CNA.
Đài Loan là một trong những thị trường thu hút nhiều lao động người Việt. Theo số liệu thống kê được báo trong nước loan tải, có hàng chục nghìn công nhân Việt Nam đang làm việc ở Đài Loan.

Tranh cãi về văn bản Bộ Y tế đề xuất ‘buộc’ hiến máu

Một trong hai đề xuất trong Báo cáo đánh giá tác động liên quan một dự thảo luật của Bộ Y tế được cho là buộc người dân phải hiến máu ít nhất một lần mỗi năm đang gây tranh cãi.
Hôm 9/1, Bộ Y tế công bố dự thảo Luật về máu và tế bào gốc.
Báo cáo đánh giá tác động đi kèm dự thảo có phương án đề nghị quy định bắt buộc người dân hiến máu 1 năm/lần, ngoại trừ trường hợp không thể hiến máu.
Theo đó, mỗi người dân trong độ tuổi 18 – 60 và đủ điều kiện sức khỏe đều phải hiến máu ít nhất một lần mỗi năm.
Đại diện Bộ Y tế cho biết có hai phương án: một là bắt buộc hiến máu, hai là tình nguyện hiến máu như hiện nay nhưng tăng kinh phí vận động tuyên truyền.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nói luật này có thể đổi là “Luật hiến máu và hiến tế bào gốc” và “đây là điều văn minh và nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã có quy định tương tự”.
Tuy nhiên, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cho hay trong tờ trình, Bộ Y tế đề xuất “nên lựa chọn giải pháp 2 [Quy định việc hiến máu là tự nguyện] để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội”.
‘Phản tác dụng’
Hôm 9/1, trả lời BBC từ tỉnh Quảng Trị, ông Bùi Minh Tuấn, thường được biết đến với biệt danh Yahama Trung tá, nói: “Việc ai đó đi hiến máu là tình nguyện, thế mà cũng có “định mức” từ Bộ Y Tế hẳn hoi cơ đấy.”
“Tôi thấy thế này, người ta đi hiến máu thì nhiều, rồi chẳng hiểu nó đi đâu hết. Mỗi lần cần máu lại cứ phải mua với giá cực đắt, hoặc phải cầu cứu mọi người.”
“Cá nhân tôi hoàn toàn không nhất trí về việc ép buộc. Từ một vấn đề mang tính thiện nguyện sao lại chuyển qua ép buộc người dân?”
“Máu cũng là một phần của cơ thể con người thì tại sao lại ép buộc? Thậm chí nếu để tình trạng ép buộc này xảy ra thì những người dân có thói quen đi hiến máu từ trước giờ sẽ không còn hào hứng nữa.”
“Việc ép buộc sẽ làm phản tác dụng. Nói thẳng là Bộ Y tế không có quyền làm điều này.”
Cùng ngày, trao đổi với BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải cho hay: “Về báo cáo đánh giá liên quan dự thảo luật về việc hiến máu thì bản thân Bộ Y tế đã bác phương án 1 mang tính ép buộc vì chắc họ cũng biết điều này không phù hợp.”
“Do đó, đương nhiên họ lựa chọn phương án 2, tức phương án tăng kinh phí.”
Truyền thông Việt Nam ghi nhận, so với năm 2003, cả nước có 21% máu hiến tặng là tình nguyện [người hiến được trả tiền] thì năm 2016 khoảng 98% máu hiến tặng là hoàn toàn tình nguyện là “một bước tiến rất dài”.

Đặt tượng Hưng Đạo Đại Vương trong vườn nhà

mà cũng bị ngăn cấm

Thêm một câu chuyện mà có lẽ chỉ xảy ra tại Việt Nam. Một người dân tỉnh Lâm Đồng đã lên mạng, nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ bằng cách lên tiếng, vấn kế để gia đình được đặt pho tượng Hưng Đạo Đại Vương trong vườn nhà của mình mà không bị chính quyền làm khó dễ.
Trang mạng Sài Gòn Báo đã đăng tải của một sinh viên trường Cao Đẳng Y Tế Lâm Đồng có tên là Tống Hồ Kim Quy. Gia đình Kim Quy có rẫy trồng cà phê tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Bố mẹ Kim Quy do đọc sách sử, cho nên rất ngưỡng mộ các vị anh hùng dân tộc đã có công chống giặc Tàu giữ nước. Gia đình Kim Quy đã ky cóp để dành tiền mua một bức tượng nghệ thuật vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, do các nghệ nhân đá Non Nước Đà Nẵng điêu khắc, phiên bản do hội Mỹ Thuật Việt Nam thực hiện.
Gia đình Kim Quy đã làm đơn gởi chính quyền cấp xã, huyện để xin phép, nhưng không được trả lời. Gia đình hỏi ý kiến sở Văn Hoá Thông Tin tỉnh, thì họ bảo:  Nếu bức tượng nghệ thuật vị anh hùng dân tộc mà đặt trong khuôn viên gia đình thì không có trở ngại. Bức tượng này không thuộc vào một tôn giáo nào.
Tuy nhiên khi gia đình đã đặt bức tượng lên bục, thì chính quyền địa phương can thiệp, đòi tháo dỡ bức tượng, không cho đặt lên bục mà phải để xuống đất. Gia đình thấy làm như vậy là bất kính với Tổ Tiên nên không đồng ý.
Trong đoạn cuối bức thư, Kim Quy đã viết: “…Theo tôi nghĩ, nền văn hoá Việt bao gồm cả thờ cúng Tổ Tiên, là nền văn hoá “Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”. Thiết nghĩ, chúng ta cần xiển dương, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc mọi thời đại.
Để dạy cho con cháu nhớ về cội nguồn và sự hi sinh xương máu của Tổ Tiên nước Việt, đã giữ lấy giang sơn cho chúng ta ngày hôm nay.
Chúng tôi kêu gọi cộng đồng lên tiếng đồng lòng hướng về lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Để tôn vinh những anh hùng đã xả thân vì Tổ Quốc.
Trong lúc, đất nước đang còn nhiều những kẻ thù nhòm ngó muốn xâm lược. Chúng tôi cầu cứu cộng đồng mạng lên tiếng tìm cách giúp đỡ chúng tôi bảo vệ bức tượng trang nghiêm trên bục mà không bị chính quyền địa phương ép để xuống sân. Thành tâm tri ân…”
Công đồng mạng đã lên tiếng ủng hộ gia đình Kim Quy. Có người nói rằng chính quyền CSVN chỉ quen thói hạch sách dân vì luật pháp không rõ ràng. Họ luôn sợ hãi những hành động thể hiện lòng yêu nước được phổ biến rộng trong người dân, nên tìm cách ngăn cản.
Đoàn Hưng / SBTN

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.