Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 09/01/2017

Monday, January 9, 2017 6:41:00 PM // , ,


Tin khắp nơi – 09/01/2017

Thượng nghị sĩ Ted Cruz và thống đốc Texas

tiếp Tổng thống Đài Loan

Trung Quốc hôm thứ Hai đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự tiếp xúc nào giữa nhà lãnh đạo Đài Loan và các giới chức Hoa Kỳ. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz và Thống đốc bang Texas Greg Abbott.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với các nhà báo rằng Trung Quốc phản đối các hành động “can thiệp và phá hỏng mối quan hệ Mỹ – Trung”.
Cuộc gặp đã diễn ra tại Houston, nơi bà Thái Anh Văn dừng chân trên đường đến Trung Mỹ.
Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, ông Cruz cho biết đoàn đại biểu nghị viện Houston đã nhận được một lá thư “khó hiểu” từ lãnh sự quán Trung Quốc yêu cầu họ không xúc tiến cuộc gặp gỡ với bà Thái Anh Văn.
Ông Cruz nói trong một tuyên bố: “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cần phải hiểu rằng ở Mỹ, chúng tôi tự quyết định về việc gặp gỡ với khách của chúng tôi”. Ông nói thêm rằng “Người Trung Quốc đừng dùng quyền phủ quyết đối với những người gặp gỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp đón bất cứ ai, kể cả những người Đài Loan, khi chúng tôi thấy phù hợp”.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết thực chất các cuộc thảo luận bao gồm việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng sự hiện diện của Đài Loan trong việc giúp đỡ cho nông dân, các chủ trang trại và chủ doanh nghiệp nhỏ trong tiểu bang của ông.
Trong khi đó, ông Abbott cho biết nội dung trao đổi giữa hai bên là về triển vọng thương mại trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên và hợp tác trong việc phát triển các cơ sở y tế.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khiến Trung Quốc giận dữ chỉ trích khi ông điện đàm với bà Thái Anh Văn ngay sau khi đắc cử hồi tháng 11.
Kể từ năm 1979, Mỹ đã công nhận quan điểm chính thức của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Ông Trump sau đó đã đặt câu hỏi rằng tại sao Hoa Kỳ lại bị trói buộc bởi chính sách này, trừ phi Trung Quốc có những nhượng bộ về thương mại.
Đáp trả lại, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chính sách một Trung Quốc là nền tảng của mối quan hệ Mỹ – Trung và kêu gọi ông Trump nên “hiểu tầm quan trọng này”.
Ông Trump đã loại việc gặp bà Thái trong chuyến đi của bà tới Mỹ lần này và nói rằng sẽ “hơi không thích hợp” để gặp gỡ bất cứ ai trước khi ông lên nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.

Ông Trump thừa nhận Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chấp nhận kết luận của cơ quan tình báo Hoa Kỳ về việc Nga tham gia vào các cuộc tấn công mạng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chánh văn phòng sắp nhậm chức của ông Trump cho biết hôm Chủ nhật và nói thêm rằng ông Trump có thể sẽ có hành động đáp trả Nga.
Theo ông Reince Priebus, ông Trump tin rằng Nga đứng đằng sau vụ xâm nhập vào các tổ chức của đảng Dân chủ, mặc dù ông không nói rõ liệu Tổng thống đắc cử có đồng ý rằng vụ tấn công là do Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo hay không.
Đây là lần đầu tiên một thành viên cấp cao trong nhóm của Tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa xác nhận việc ông Trump chấp nhận là Nga đã chỉ đạo vụ tấn công mạng và sau đó tiết lộ các email của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Trước đó, ông Trump bác bỏ các cáo buộc nói rằng Nga đứng đằng sau vụ tấn công tin tặc hay đã giúp ông giành chiến thắng. Ông nói vụ xâm nhập có thể là do Trung Quốc hay một hacker béo phì “nặng 400 pound” ngồi trên giường của ông thực hiện.
Chỉ còn chưa đầy hai tuần là tới ngày nhậm chức (20/1), ông Trump đang chịu áp lực ngày càng tăng từ những người trong cùng đảng Cộng hòa về việc phải chấp nhận những phát hiện của cơ quan tình báo về vụ tấn công mạng của Nga và những âm mưu khác của Moscow nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11.
Một báo cáo tình báo của Mỹ hồi tuần trước cho biết ông Putin đã chỉ đạo một chiến dịch gây ảnh hưởng phức tạp, bao gồm các cuộc tấn công mạng nhằm bôi nhọ ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, và hỗ trợ cho ông Trump.
Báo cáo trên được thực hiện dưới sự ủy quyền của Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama hồi tháng 12. Báo cáo kết luận rằng việc kiểm phiếu không bị ảnh hưởng bởi sự can thiệp của Nga, nhưng không đưa ra đánh giá là liệu nó có ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bầu cử bằng cách khác hay không.
Hôm thứ Sáu, sau khi nhận được báo cáo ngắn từ các lãnh đạo của cơ quan tình báo Mỹ, ông Trump đã không hề đề cập cụ thể đến vai trò của Nga trong chiến dịch tranh cử.
Trong một tuyên bố, ông thừa nhận rằng “Nga, Trung Quốc, các nước khác, các nhóm bên ngoài và mọi người luôn cố gắng phá vỡ cơ sở hạ tầng mạng của các tổ chức chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức của chúng ta, bao gồm Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ”.
Cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa Priebus cho biết ông Trump dự tính sẽ ra lệnh cho cơ quan tình báo đưa ra khuyến nghị nên làm thế nào. Ông Priebus nói: “Có thể sẽ có hành động đáp trả” và thêm rằng không có gì sai trái trong việc cố gắng có mối quan hệ tốt đẹp với Nga và các nước khác.
Hai thượng nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa đã kêu gọi ông Trump trừng phạt Nga để đáp trả cho kết luận của cơ quan tình báo Hoa Kỳ rằng ông Putin đã đích thân chỉ huy các nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của Mỹ.

Căng thẳng Mỹ-Bắc Triều Tiên tăng cao

về việc Bình Nhưỡng sắp thử phi đạn

SEOUL —
Căng thẳng tăng cao giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên về việc Bình Nhưỡng có thể thử hỏa tiễn liên lục địa không gây phản ứng mạnh ở Đông Á.
Hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này hôm Chủ nhật nói rằng Bắc Triều Tiên có thể phóng thử một phi đạn liên lục địa từ bất cứ một địa điểm nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đáp lại rằng việc phóng hỏa tiễn liên lục địa là “một đe dọa nghiêm trọng” đối với Hoa Kỳ, và ông không loại bỏ việc sẽ bắn hạ hỏa tiễn nếu nó bay vào lãnh thổ của Hoa Kỳ hoặc các đồng minh.
Bộ trưởng Carter nói: “Nếu điều đó xảy ra, nếu nó đe dọa chúng ta, nếu nó đe dọa các nước bạn và đồng minh của chúng ta, chúng tôi sẽ bắn hạ nó.”
Nam Triều Tiên
Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói tuyên bố sẽ thử tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên là “đáng tiếc” và sẽ bị quốc tế trừng phạt, nhưng không bình luận về khả năng Mỹ sẽ có hành động quân sự.
Phát ngôn viên Moon Sang-kyun của Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói: “Nếu Bắc Triều Tiên bất chấp cảnh cáo của chúng tôi và cứ thử hỏa tiễn liên lục địa, họ sẽ chịu các lệnh trừng phạt và sức ép mạnh hơn từ Nam Triều Tiên và từ cộng đồng quốc tế.”
​Phát triển vũ khí
Phóng thử hỏa tiễn liên lục địa sẽ là một chiến công vượt bậc về công nghệ chưa từng có của Bắc Triều Tiên. Nước này đã phóng bốn vệ tinh bằng tên lửa đẩy Taepodong-2. Chương trình không gian của Bắc Hàn bị lên án là màn che cho âm mưu thù địch nhằm phát triển khả năng hạt nhân và phi đạn đạn đạo bị Liên hiệp quốc cấm.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hồi năm ngoái nêu rõ rằng mục tiêu của chính phủ ông là đạt đến khả năng ngăn chặn hạt nhân đáng tin cậy. Các biện pháp chế tài quốc tế không ngăn được Bắc Triều Tiên tăng mạnh các nỗ lực của họ. Năm 2016, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm hạt nhân hai lần và phóng tên lửa 24 lần.
Tuần trước Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nói rằng “mỗi một ngày chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên đi qua, thì mối đe dọa càng trở nên nghiêm trọng hơn”
Bắc Triều Tiên được cho là có khả năng tấn công các nước lân cận như Nam Triều Tiên và Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân. Nhưng khả năng Bắc Triều Tiên vươn đến lục địa Mỹ vẫn còn là nghi vấn.
Mặc dù Bình Nhưỡng tuyên bố đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để gắn vào hỏa tiễn tầm xa, nước này chưa chứng minh khả năng đó. Phóng thử một phi đạn liên lục địa sẽ là bước kế tiếp trong chương trình phát triển các công nghệ này của Bắc Triều Tiên.
Hăm dọa
Nam Triều Tiên xem tuyên bố sẽ phóng thử hỏa tiễn liên lục địa của chế độ Kim Jong Un là một nỗ lực nhằm buộc chính phủ của Tổng thống tân cử Donald Trump phải giao tiếp với Bắc Hàn trong nhiệm kỳ của ông.
Người phát ngôn Jeong Joon-hee của Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên phát biểu: “Bằng hành động duy trì quyết tâm sẽ tiếp tục phóng tên lửa và gây hấn, Bắc Triều Tiên muốn có một sự thay đổi trong thái độ của Mỹ và chuyển trách nhiệm về phía Mỹ khi Bắc Triều Tiên phóng hỏa tiễn trong tương lai.”
Trong những ngày đầu năm mới 2017, Ông Trump đã khiến dư luận đồn đoán về khả năng Mỹ sẽ có hành động quân sự đối với việc Bắc Triều Tiên phóng phi đạn với một tin nhắn trên Twitter rằng: “Chuyện đó không thể xảy ra,” để đáp lại thông điệp đầu năm của lãnh tụ Kim Jong Un hàm ý Bắc Triều Tiên sẵn sàng phóng thử hỏa tiễn liên lục địa.
Ông Chung Sung-yoon, một chuyên gia của Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên ở Seoul, nói: “Về ngoại giao lẫn chính trị, nếu Bắc Hàn phóng hỏa tiễn liên lục địa nhằm vào Hoa Kỳ trước khi ông Trump phác thảo xong chiến lược an ninh cho vùng Đông Bắc Á, điều đó sẽ mang lại một kết quả ngược lại với chính sách cứng rắn của ông Trump đối với Bắc Triều Tiên.”
Trung Quốc
Bắc Kinh và Tokyo không đưa ra một phản ứng mạnh chính thức nào hôm thứ Hai đối với tuyên bố sẽ phóng thử hỏa tiễn liên lục địa của Bắc Triều Tiên và phản ứng của Mỹ.
Tuần trước, ông Trump chỉ trích Trung Quốc trong một thông báo trên Twitter về việc Bắc Kinh không kìm chế được mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Mặc dù 90% giao dịch thương mại của Bắc Triều Tiên lệ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh không muốn tăng áp lực kinh tế lên nước đồng minh này vì sợ dẫn đến bất ổn ở biên giới và sợ Mỹ gia tăng hiện diện trên Bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Cảnh Sảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tuần trước bênh vực cho nỗ lực của nước ông nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên bằng đường lối hòa bình, và kêu gọi chính quyền của ông Trump “tránh những bình luận và hành động làm leo thang căng thẳng.”

Mexico bắt nghi can bắn viên chức Mỹ

Một nghi can trong vụ bắn viên chức lãnh sự Mỹ ở Mexico đã bị bắt giữ ở thành phố Guadalajara hôm 8/1.
Reuters trích văn phòng công tố tiểu bang Jalisco viết trên Twitter rằng các mật vụ Mexico đã thực hiện vụ bắt giữ, nhưng không cho biết thêm chi tiết về họ tên của nghi can cũng như động cơ của vụ việc.
Ông Christopher Ashcraft bị một tay súng bắn bị thương khi đang rời khỏi một bãi đỗ xe hôm 6/1. Hiện viên chức này đang trong tình trạng ổn định trong bệnh viện.
Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin nói rằng ông Ashcraft bị bắn vào ngực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cám ơn chính phủ Mexico “nhanh chóng bắt giữ nghi can”.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ trước đó đã treo thưởng 20 nghìn đôla cho ai cung cấp thông tin giúp nhận dạng được tay súng.
Guadalajara là thành phố lớn thứ hai của Mexico, và là một phần của tiểu bang Jalisco, nơi thường xảy ra tình trạng bạo lực do các băng đảng ma túy gây ra.

Ông Obama nói đã “đánh giá thấp”

tác động của Nga đối với bầu cử

Sau khi có kết luận của tình báo Hoa Kỳ là Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông đã “đánh giá thấp” tác động của chiến dịch đưa thông tin sai lạc và xâm nhập máy tính đối với một nền dân chủ.
Còn 12 ngày nữa là rời nhiệm sở, ông Obama nói với ABC News (chương trình This Week) rằng ông không nghĩ rằng ông đánh giá thấp Tổng thống Nga Vladimir Putin, người bị cộng đồng tình báo Mỹ cáo buộc đã ra lệnh thực hiện nỗ lực làm suy yếu hệ thống bầu cử dân chủ Mỹ, cũng như làm suy yếu đối ứng cử viên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, đối thủ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Mặc dù vậy, ông Obama nói: “Tôi nghĩ rằng, trong thời đại thông tin mới này, tôi đã đánh giá thấp mức độ mà việc đưa thông tin sai lạc và xâm nhập trên mạng, v.v… có thể có tác động vào các xã hội cởi mở của chúng ta, các hệ thống mở của chúng ta, để họ luồn vào các hoạt động dân chủ của chúng ta theo những cách thức mà tôi nghĩ rằng đang gia tăng nhanh chóng”.
Ông cho biết ông đã công bố một báo cáo tình báo được rút ngắn của Mỹ về hành động xâm nhập mạng của Nga “để đảm bảo rằng chúng ta hiểu đây là một việc mà ông Putin đã làm trong một thời gian đáng kể ở châu Âu, ban đầu ở các quốc gia chư hầu cũ, nơi có rất nhiều người nói tiếng Nga, nhưng ngày càng gia tăng trong các nền dân chủ phương Tây”.
Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ kết luận rằng Nga đã xâm nhập hàng ngàn email của John Podesta, người đứng đầu chiến dịch vận động của bà Clinton và công bố chúng thông qua trang WikiLeaks là trang cổ súy sự minh bạch trong vòng một tháng trước cuộc bầu cử ngày 08 tháng 11. Trong số các email đó, nhiều email đã tiết lộ những chi tiết gây mất thể diện cho thấy các nhân viên đảng Dân chủ tìm cách giúp Clinton đánh bại đối thủ là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont để được đảng đề cử làm ứng cử viên tổng thống.
Bản báo cáo đã không đánh giá liệu việc rò rỉ có làm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử không, đó là một điểm mà ông Trump đã lưu ý trong một loạt các bài viết ngắn trên Twitter kể từ khi nghe báo cáo tình báo hôm thứ Sáu.

Mỹ sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Bắc Hàn

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter hôm 8/1 nói rằng Mỹ sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Bắc Hàn nếu nó đe dọa Mỹ và đồng minh.
Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Meet the Press” của kênh truyền hình NBC, ông Carter nói rằng khả năng vũ khí hạt nhân cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với Hoa Kỳ.
Theo Reuters, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ còn nói thêm rằng Mỹ sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Bắc Hàn “nếu nó bay về hướng lãnh thổ của chúng ta hay lãnh thổ của các nước bạn hữu và đồng minh”.
Trước đó, Bắc Hàn tuyên bố có thể phóng thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “vào bất cứ lúc nào” từ “bất kỳ địa điểm nào do lãnh tụ Kim Jong Un quyết định”.
Hãng thông tấn KCNA đưa tin rằng chính sách mang tính thù nghịch của Mỹ đã khiến nước này phải thực thi chương trình phát triển vũ khí.
Theo Reuters, hôm 1/1, ông Kim cho biết rằng Bình Nhưỡng gần xong việc chuẩn bị tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Đáp lại, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng “điều đó sẽ không xảy ra!”
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước nói rằng Hoa Kỳ không tin là Bắc Hàn có đủ khả năng lắp một đầu đạn hạt nhân lên một tên lửa đạn đạo.
Bắc Hàn bị áp đặt lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2006 vì các cuộc thử nghiệm tên lửa hạt nhân và đạn đạo của nước này.
Các biện pháp chế tài đã được thắt chặt tháng trước sau khi Bình Nhưỡng tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ năm và cũng là lớn nhất từ trước tới nay hồi tháng Chín năm 2016, theo Reuters.

Thủ tướng Israel quy cho Nhà nước Hồi giáo

đứng sau vụ tấn công ở Jerusalem

WASHINGTON —
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã quy cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo về vụ tấn công bằng xe tải ở Jerusalem hôm Chủ nhật. Bốn binh sỹ Israel bị giết hại trong vụ tấn công đó, gồm 1 nam và 3 nữ. Năm ngoái, một vụ tấn công bằng xe tải đã giết chết 86 người khi đang ăn mừng ngày quốc khánh Pháp ở thành phố Nice và một vụ tấn công tương tự đã giết chết 12 người tại một khu chợ Giáng Sinh ở thành phố Berlin của Đức. Nhà nước Hồi giáo tuyên bố đã thực hiện cả 2 cuộc tấn công đó nhưng chưa lên tiếng vụ tấn công ở Jerusalem.
Tại hiện trường vụ tấn công hôm Chủ nhật, thủ tướng Netanyahu nói giới hữu trách đã xác định được kẻ tấn công là một người Palestine ở đông Jerusalem.
Thủ tướng Netanyahu: “Chúng tôi biết danh tính của kẻ tấn công. Những dấu hiệu cho thấy hắn là một kẻ ủng hộ Nhà nước Hồi giáo.”
Ông Netahyahu nói các giới chức tìm thấy một sự liên hệ giữa cuộc tấn công ở Jerusalem với những cuộc tấn công tương tự xảy ra vào năm ngoái ở Pháp và Đức, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết. Ông nói các lực lượng an ninh đã phong tỏa khu vực dân cư ở đông Jerusalem, nơi người lái xe tải đã chết và đang có kế hoạch tiến hành các biện pháp khác để ngăn tránh những cuộc tấn công tương tự.
Bốn người đã thiệt mạng và ít nhất 15 người khác bị thương khi chiếc xe tải đâm vào một nhóm binh sỹ đang đứng gần một chiếc xe buýt du lịch. Người hướng dẫn du lịch đã may mắn sống sót. Anh nói với đài VOA bằng tiếng Do Thái:
“Góc phải của chiếc xe tải đâm vào tôi và hất tôi bay lên mấy vòng, rồi rơi xuống bãi cỏ. Tôi vẫn ngạc nhiên vì sao tôi lại còn đứng đây lúc này. Điều kỳ diệu thứ 2 là khẩu súng của tôi không bị mất. Trong mấy phút đầu, tôi nghĩ đó chỉ là một tai nạn, mặc dù chúng tôi đứng cách đường 10m. Đột nhiên chiếc xe tải quay vòng lại, có lẽ để đâm thêm nhiều người nữa. Đến lúc đó thì tôi nhận ra cái gì đang xảy ra, tôi liền rút khẩu súng ra bắn 1 phát vào bánh xe và sau đó chạy đến phía bên trái của kẻ tấn công, đứng trước mặt hắn và bắn cho đến khi hết đạn thì thôi.”
Nhóm Nhà nước Hồi giáo không lập tức nhận đã thực hiện vụ tấn công nhưng một người phát ngôn cho phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã ca ngợi cuộc tấn công. Người phát ngôn Fawzi Barhoum nói:
“Hamas, Phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Palestine), chúc mừng cuộc tấn công dũng cảm ở Jerusalem và chúng tôi coi đó là một phản ứng tự nhiên đối với sự xâm phạm vào sự chiếm đóng của người Israel và những tội ác đối với người dân của chúng tôi, vùng đất của chúng tôi và những nơi linh thiêng của chúng tôi.”
Người phát ngôn Hamas nói cuộc tấn công là một lời cảnh báo gởi tới Israel rằng những người Palestine sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh cho quyền của họ. Mỹ và nhiều nước khác coi Hamas là một nhóm khủng bố.

Trung Quốc lại cảnh báo Mỹ về Đài Loan

Báo chí Trung Quốc lại lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ phải tuân thủ chính sách ‘Một Trung Quốc’ sau khi Tổng thống Đài Loan quá cảnh Houston.
Bà Thái Anh Văn đã có cuộc gặp gỡ với Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz và Thống đốc Greg Abbott khi quá cảnh tại Houston trên đường đến Trung Mỹ.
Tuy nhiên, vào hôm 7/1, đại diện của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông Trump và các nhân viên của ông sẽ không có cuộc gặp gỡ với bà Thái.
Vào cuối năm ngoái, ông Trump đã khiến Trung Quốc nổi giận khi có cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chưa có bất kì một Tổng thống Mỹ hoặc Tổng thống được bầu cử nào có cuộc nói chuyện chính thức với lãnh đạo Đài Loan trong suốt những thập niên qua.
Theo tin từ Thời Báo Hoàn Cầu, trực thuộc nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh không cần “biết ơn” ông Trump vì đã không gặp chính thức bà Thái, bởi vì chính sách “một Trung Quốc” là nền móng của mối quan hệ giữa Sino- Mỹ.
“Giữ vững nguyên tắc này không phải là một đòi hỏi thất thường của Trung Quốc đối với các Tổng thống Mỹ, mà là một nghĩa vụ của các Tổng thống Mỹ để duy trì quan hệ Trung-Mỹ… Đây không phải là một vấn đề có thể thoả thuận.”
Công du Trung Mỹ
Chuyến quá cảnh của bà Thái xảy ra trong chuyến công du đến một loạt quốc gia gồm Honduras, Nicaragua, Guatemala, và El Salvador.
Trong một thông cáo chính thức của Thượng nghị sĩ Cruz, dân biểu Đảng Cộng hòa cùng tranh cử với ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Cruz chia sẻ rằng ông và bà Thái đã trao đổi về việc “buôn bán vũ khí, quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế.”
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo dân biểu tại Houston không có cuộc gặp chính thức với bà Thái. Tuy nhiên, ông Cruz chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp các nhà lãnh đạo, kể cả lãnh đạo Đài Loan, nếu chúng tôi thấy cần thiết.”
Bà Thái cũng sẽ dừng chân tại San Francisco trong chặng quay về từ Trung Mỹ.

Singapore yêu cầu Hong Kong

trả 9 chiếc xe quân sự bị giữ từ năm ngoái

Thủ Tướng Singapore gửi thư cho đặc khu trưởng đặc khu Hồng Kong, yêu cầu trao trả 9 chiếc xe quân sự bọc thép mà Hồng Kong đã giữ từ tháng Mười Một năm ngoái.
Chín chiếc xe này được binh sĩ Singapore sử dụng trong một cuộc thao diễn chung với bình sĩ Đài Loan, sau đó được chở bằng tầu thủy về Singapore và bị Hồng Kong chận giữ.
Trong thư gửi cho ông Lương Chấn Anh, Đặc Khu Trưởng Đặc Khu Hồng Kong, Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long viết rằng những chiếc xe bọc sắt này là tài sản của Singapore và Hồng Kong không có lý do gì để chận giữ.
Hôm nay, khi ra điều trần trước Quốc Hội, Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore, ông Ng Eng Hen cho biết phía Hồng Kong trả lời rằng đang mở cuộc điều tra, cần có thêm thì giờ để hoàn tất, hứa hẹn sẽ giải quyết câu chuyện theo đúng với luật pháp.

Úc và Đông Timor đồng ý giải quyết vấn đề lãnh hải

Hai chính phủ Đông Timor và Úc ngày 09/01/2017 đồng loan báo quyết định xóa bỏ một thỏa thuận song phương ký kết năm 2006 liên quan đến biên giới trên biển Timor giữa hai nước và phân chia thu nhập từ các mỏ dầu khí ở khu vực Greater Sunrise. Từ 10 năm nay, Dili và Canberra bất đồng ý kiến về vấn đề này, và vào năm 2016, Đông Timor đã nhờ Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye phân xử.
Trong một tuyên bố chung, hai nước nhất trí là thỏa thuận mang tên « Một số thỏa thuận trên biển ở biển Timor », tên tắt tiếng Anh là CMATS, sẽ được chính thức xóa bỏ trong vòng 3 tháng sắp tới. Tuyên bố đồng thời xác nhận là hai bên cam kết sẽ đàm phán về đường biên giới lãnh hải vĩnh viễn.
Vấn đề ranh giới trên biển giữa hai láng giềng Úc và Đông Timor được đặt ra từ ngày Đông Timor tách khỏi Indonesia năm 2002. Hai bên đã mở đàm phán và đến năm 2006, hai bên ký thỏa thuận CMATS, ấn định mức phân chia thu nhập từ việc khai thác các mỏ dầu khí nằm trong vùng biển này. Thỏa thuận này cũng đình chỉ việc đàm phán về biên giới trên biển trong vòng 50 năm
Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, Đông Timor đã đòi hủy bỏ thỏa thuận này với lý do là Úc đã sử dụng gián điệp để thu lợi thương mại trong các cuộc đàm phán năm 2004. Úc không chịu hủy bỏ cho rằng thỏa thuận đã ký hoàn toàn có giá trị và hợp pháp.
Trước tình trạng bế tắc kể trên, Đông Timor đã kiện Úc ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan), yêu cầu PCA giải quyết tranh chấp giữa nước này với Úc về đường biên giới lãnh hải đi ngang qua khu vực có trữ lượng dầu khí lớn ở vùng biển Timor cuối tháng 8/2016. Úc đã tuyên bố PCA không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp, tuy nhiên, ngày 26/9/2016, PCA xác định có đủ thẩm quyền giải quyết, một quyết định mà Canberra tôn trọng.

Điện Ảnh : Pháp tự hào với hai giải Quả Cầu Vàng

Tối ngày 08/01/2017 bộ phim « Elle » của đạo diễn Paul Verhoeven đoạt hai giải thưởng lớn của điện ảnh Hoa Kỳ với Quả Cầu Vàng (Golden Globes) dành cho phim ngoại quốc và nữ diễn viên xuất sắc nhất. Các nghệ sĩ Mỹ và quốc tế không quên nhắc nhở tổng thống tân cử Hoa Kỳ về nét đa dạng trong văn hóa mà người ngoại quốc mang lại cho nước Mỹ nói chung, cho làng điện ảnh Hollywood nói riêng.
Ngôi sao điện ảnh Pháp, Isabelle Huppert được xướng tên trên bảng vàng. Nhận Quả Cầu Vàng cùng với đạo diễn Paul Verhoeven nhờ thủ vai một người đàn bà từng bị hãm hiếp trên đường truy lùng thủ phạm, cô đã rất xúc động cảm ơn ban giám khảo, gồm đại diện của nghệ thuật thứ bảy và báo chí Mỹ, đã dành cho cô phần thưởng lớn lao này.
Isabelle Huppert không khỏi tự hào đã được tham gia vào một bộ phim Pháp, do một đạo diễn Hà Lan thực hiện và đã chinh phục được giới yêu phim ảnh trên đất Hoa Kỳ.
Vào lúc tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump chủ trương đóng cửa biên giới và hứa xây một bức tường giữa Mỹ với Mêhicô, nữ diễn viên Pháp khi bước lên sân khấu nhận phần thưởng đã nhấn mạnh rằng « Đừng ai chờ đợi thế giới điện ảnh xây những bức tường chia cách hay lập nên những đường biên giới ».
Vài phút sau Isabelle Huppert, đến lượt một cây đại thụ của điện ảnh Mỹ, ngôi sao Meryl Streep, người đã ba lần đoạt giải Oscar, đả kích chính sách bài ngoại của ông Trump. Bà tuyên bố : Nếu không có người nước ngoài đóng góp, các sinh hoạt văn hóa của Mỹ sẽ bị thu hẹp lại để chỉ còn được gói trọn trong bộ môn bóng bầu dục và một vài môn võ nghèo nàn.
90 phóng viên Hiệp Hội Báo Chí Ngoại Quốc tại Hollywood là ban giám khảo giải thưởng Quả Cầu Vàng. Đây luôn là tiền đề cho mùa trao giải Oscar. Nhưng bộ phim được chú ý nhất trong lễ trao giải Golden Globes 2017 là « La La Land » của đạo diễn Canada Damien Chazelle. Mới 32 tuổi, Chazelle đã áp đảo các nhà làm phim khác, khi ra về với 7 Quả Cầu Vàng ở 7 hạng mục được đề cử tranh giải.

Liên Hiệp Quốc nêu khả năng

Iran vi phạm cấm vận vũ khí

Hãng tin Reuters ngày 08/01/2017 đọc được một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc, cho thấy Iran vi phạm lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế khi cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang Hezbollah Liban.
Trên nguyên tắc báo cáo định kỳ 6 tháng một lần của Liên Hiệp Quốc sẽ được Hội Đồng Bảo An thảo luận vào ngày 18/01/2017. Văn bản nói trên theo như tiết lộ của hãng thông tấn Anh, Reuters, trích dẫn cáo buộc của Pháp, theo đó, vào tháng 3/2016 một tàu chở vũ khí của Iran đã bị chận lại ngoài khơi Ấn Độ Dương, khi trên đường tới Somalia hay Yemen. Bản báo cáo này đã được trình lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon ngày 30/12/2016, tức hai ngày trước khi ông bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm Antonio Guterres.
Tháng 7/2015, Teheran đã đạt được một thỏa thuận lịch sử về hạt nhân với nhóm 5+1, bao gồm 5 thành viên thường trực Liên Hiệp Quốc (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ) cộng với Đức. Các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran đã từng bước được dỡ bở, nhưng Teheran vẫn bị cấm xuất nhập khẩu vũ khí.
Tháng 6/2016, lãnh đạo lực lượng vũ trang Hezbollah Iran công khai nhìn nhận hầu hết vũ khí của tổ chức này do Iran cung cấp. Ông Ban Ki Moon đặc biệt « quan ngại » trước tuyên bố trên của Hezbollah Liban, vì nếu quả là như vậy thì Iran đã thực sự « vi phạm nghị quyết của Hội Đồng Bảo An ».
Về phía Iran, được Reuters hỏi về vấn đề này, đại diện nước này bên cạnh Liên Hiệp Quốc trả lời là « những biện pháp chống khủng bố và chống các hành vi bạo lực quá khích trong khu vực đều phù hợp với quyền lợi an ninh của bản thân Iran và quốc tế, cũng như những cam kết của Teheran với thế giới ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.