Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 08/01/2017

Sunday, January 8, 2017 6:58:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 08/01/2017

“Rồng” Hải Phòng xấu xí tốn 60 tỉ

bị mạng xã hội phản đối, phải che lại

Trong những ngày qua, dư luận xã hội loan tải bức hình về một chú rồng giấy, được trang trí ở Tp Hải Phòng hết chi phí 60 tỉ đồng, nhưng lại giống chú chó Scooby Doo trong phim hoạt hình, nên bị dân mạng cười khinh.
Được biết, chú rồng giấy màu vàng được trang trí trên đường Lê Hồng Phong, Tp Hải Phòng nhằm chào đón tết Đinh Dậu 2017 sắp tới. Tuy nhiên, sau khi bức hình được đăng tải, cư dân mạng đã lên án mạnh  con vật có hình thù kỳ quái này. Không chỉ vì nó xấu, mà còn vì kinh phí bỏ ra hơn 60 tỷ đồng tiền thuế dân (2, 664,000 ngàn Mỹ kim) để thực hiện con rồng này và các trang trí Tết khác tại Hải Phòng
FB Chiêu Anh Nguyễn bình luận: “Rồng thế này chả trách được dân Việt mình không ngóc đầu lên nổi.. “Con Rồng cháu Tiên” cơ mà.. Rồng này chắc đọc triết Marx-Lê quá độ nên có vẻ mặt rất ngơ ngác. Nghe đồn em ấy được nặn lên bằng nhiều tỉ… Vừa được thông tin, em ấy được đắp áo hoa với giá 60 tỉ đấy.. coi bộ mang thiêu lấy tro rồi rải cúng tế những nạn nhân đợt lũ miền Trung vừa rồi, không biết họ có siêu thoát được không?…”
Trên Fb Lê Thanh Tùng: “… Thậm chí kêu ông tò he nặn con rồng bằng bột màu cũng không thể xấu như thế này được. Mấy bạn này nên được mời về làm tượng con gà ở đường hoa Nguyễn Huệ, đảm bảo sẽ nhìn y chang…con vịt Donald… ”
Sau khi hình ảnh con “rồng” Hải Phòng bị dư luận mạng xã hội đã có những phản ứng mạnh, các quan Hải Phòng đã “lắng nghe” bằng cách … che nó lại. Vì quá xấu hổ, hay để chuẩn bị phi tang?
Người dân nay đã nhận ra rằng, vỡ nợ, vỡ ngân sách nhà nước, tức là phí phạm tiền thuế của dân- cũng từ các kế hoạch vô bổ, phi văn hóa nghệ thuật này mà ra.
Nguyên Nguyễn / SBTN

Giao thông Việt Nam: Liệu có thể thay đổi?

Thanh Trúc, phóng viên RFA
Năm 2017, Việt Nam nêu vấn đề an toàn giao thông với tiêu chí xây dựng văn hóa giao thông nơi thanh thiếu niên,  xử lý nghiêm những vụ vi phạm, hạ tỷ lệ tai nạn cũng như mức tử vong xuống thấp hơn năm 2016.
Một vấn nạn về kinh tế
Hôm thứ Tư 4 tháng Giêng, phó thủ tướng thường trực chính phủ Việt Nam, ông  Trương Hòa Bình, khẳng định Việt Nam phải thực hiện được mục tiêu nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiếp Quốc này 15 tháng  Tư 1016 là giảm số thương vong do tai nạn giao thông đường bộ xuống còn 50% so với năm ngoái tính cho đến 2020.
Một cách chi tiết hơn, mục tiêu nhắm tới năm nay là tai nạn giao thông phải giảm từ 5 đến 10% so, giảm số người chết xuống dưới mức của năm 2016, tức là thấp hơn con số hơn 8.600 của năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, thường có những bài viết về các vấn đề xã hội trên các báo trong nước, nhận định:
Từ nhiều năm nay tai nạn giao thông là một vấn nạn của Việt Nam, dẫn đầu chuyện thiệt hại về nhân mạng. Mặc dù nhà nước đã có rất nhiều nỗ lực, rất nhiều biện pháp từ các nghị quyết các chỉ thị nhưng chẳng những không giảm mà có khuynh hướng ngày càng gia tăng.
Tôi nói tai nạn giao thông là vấn nạn về kinh tế bởi vì thiệt hại đó rất ghê gớm, con số chết phải tính hàng chục ngàn, hơn cả những cuộc chiến tranh bình thường mình đang thấy.
Tôi nói tai nạn giao thông là vấn nạn về kinh tế bởi vì thiệt hại đó rất ghê gớm, con số chết phải tính hàng chục ngàn, hơn cả những cuộc chiến tranh bình thường mình đang thấy.
- Ông Nguyễn Văn Mỹ
Còn hậu quả xã hội thì biết rồi, chết người tạo ra những nghịch cảnh trong gia đình, mất cha, mất mẹ, mất con, thương tật, thương chấn tâm lý. Tai nạn giao thông  không chừa một ai, mình không đụng người ta thì người ta đụng mình. Ở trong nhà nhiều khi xe nó chạy vô nó ủi sập luôn. Vấn đề này nhà nước Việt Nam thấy cấp bách cho nên tìm mọi cách nhưng chưa cách nào có hiệu quả thôi.
Hai yêu cầu khác quan trọng không kém trong an toàn giao thông mà Việt Nam đề ra cho năm nay là giải tỏa nhanh chóng nạn ùn tắc giao thông, trừng phạt nghiêm người vi phạm giao thông và người giữ nhiệm vụ xử lý để không xảy ra tình trạng xin xỏ, nhờ vã chổ thân quen hoặc lo lót tiền bạc cho qua.
An toàn và trật tự giao thông là những vấn đề được giới hữu trách lập đi lập lại mà quên rằng mọi thứ đều có nguyên nhân sâu xa của nó, là nhận định của bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm thuộc nhóm nhân sĩ trí thức thành phố Hồ Chí Minh:
Các ông của mình phát biểu hơi nhiều hơi lạc quan đấy, khhông phải lời nói mà có thể thực hiện được đâu. Cái đó chỉ là điều mong ước, không thể một sớm một chiều mà có thể làm được. Thí  dụ ông Nguyễn Xuân Phúc vừa rồi cũng có  nói chuyện tại sao Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh xây quá nhiều nhà cao tầng, người ta phải quay trở về trung tâm thành phố để ở, thế thì làm sao không bị kẹt xe không bị tai nạn giao thông.
Như đã thông báo trên báo chí, giảm được một phần tai nạn giao thông cũng là đã cố gắng lắm rồi, nhưng thực tế mà nói thì mỗi ngày nó tăng chứ không có giảm. Tình trạng giao thông kiểu xe thì quá nhiều, nhập cảng gần như vô tội vạ, đường xá cũng không được mở rộng, tai nạn giao thông là chuyện đương nhiên.
Ý thức của người dân
Ý thức của người tham gia giao thông cũng là yếu tố vô cùng cần thiết,  ông Huỳnh Tấn Mẫm nói tiếp:
Nhưng nếu có sự điều khiển giao thông tốt thì tai nạn cũng giảm đi. Hệ thống g giao thông của mình nó chằng chịt, xe thì hiện nay nhiều chiếc cũ mèm, rơi vào chỗ hư hỏng giữa chừng và tai nạn xảy đến. Tôi không bi quan nhưng tôi nghĩ tai nạn giao thông hiện nay là nguy cơ không giải quyết được.
Nội năm 2016 Việt Nam có 21.000 vụ tai nạn giao thông khiến hơn 8.600 người thiệt mạng và trên 19.000 người bị thương tật. Đó là thông tin do phó chủ tịch Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, ông Khuất Việt Hùng, đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2016 cũng trong ngày 4 tháng Giêng vừa qua. Số liệu này cho thấy tai nạn giao thông năm 2016 chỉ giảm gần 1/10 so với chỉ tiêu 5% mà quốc hội đặt ra.
Vẫn theo báo cáo của Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến ô tô, tức xe bốn bánh, có khuynh hướng gia tăng mà lỗi do người lái xe chiếm gần 27% số vụ tai nạn.
Những cái này do con người tạo ra thì con người cũng có thể khắc phục được, giải quyết được. Vấn đề có dám làm triệt để, có dám làm quyết liệt hay không mà thôi.
- Ông Nguyễn Văn Mỹ
Chỉ tính trong 3 ngày Tết Dương Lịch vừa qua, Việt Nam có gần 80 người chết vì tai nạn xe. Tai nạn giao thông cũng là vấn đề của đất nước  láng giềng Thái Lan với đa số di chuyển bằng xe gắn máy  trong lúc số lượng xe bốn bánh càng ngày càng nhiều.
Tuy nhiên theo nhà hoạt động du lịch Nguyễn Văn Mỹ với kinh nghiệm  đi qua nhiều quốc gia thì  chuyện không hẳn là như vậy:
Thật ra tai nạn giao thông ở Việt Nam có thể nói là lớn nhất. Ví dụ tôi đi về Phan Thiết hay Nha Trang thì lần nào đi về cũng thấy tai nạn chết người dọc đường, nhưng đi các nước trong mấy ngày mình không thấy tai nạn. Tôi đi cũng khá nhiều nên tôi thấy rằng tỷ lệ tai nạn giao thông của Việt Nam thuộc loại đứng đầu thế giới chớ còn Thái Lan không ăn thua.
Về tình trạng ùn tắc giao thông mà Việt Nam đề hướng giải quyết năm nay, câu hỏi phải chăng là vì đường hẹp mà lại quá nhiều xe chạy được  ông Nguyễn Văn Mỹ giải thích:
Ở Việt Nam xe 2 bánh thì nó áp đảo xe bốn bánh, nhưng  tính đổ đầu người thí dụ 1 xe hơi bằng khoảng 2 hay 3 xe gắn máy thì thật ra mật độ xe giao thông ở Việt Nam chưa phải lớn so với nhiều nước khác mà tại sao Việt Nam ngày càng kẹt xe và kẹt xe ngày càng trầm trọng,  xe hơi thì đổ tại xe gắn máy, xe gắn máy thì đổ tại xe hơi, tôi thì tôi bảo là tại con người chứ không phải tại xe. Hạn chế bớt là chuyện hoàn toàn có thể, vấn đề là có chịu làm, có quyết tâm làm và làm tới nơi tới chốn hay không thôi.
Thứ nhất là có chỉ thị, nghị quyết nhưng mà rất chung chung, thiếu biện pháp cụ thể, thiếu địa chỉ trách nhiệm cụ thể. Tại sao tai nạn giao thông năm nào cũng tăng mà chưa có ai bị kỷ luật.  Phải có người chịu trách nhiệm, chừng nào mình có xử lý  trách nhiệm cá nhân chừng đó tình hình mới khá  hơn được. Còn cứ đổ cho tập thể, cứ tại và bị và đủ thứ nguyên nhân thì tôi nói rằng tình hình cứ năm sau tăng hơn năm trước. Những cái này do con người tạo ra thì con người cũng có thể khắc phục được, giải quyết được. Vấn đề có dám làm triệt để, có dám làm quyết liệt hay không mà thôi.
Nhằm bảo đảm an toàn và trật tự giao thông, đặc biệt trong giai đoạn Tết Âm Lịch sắp tới, một chiến dịch có tên  Lễ Ra Quân An Toàn Giao Thông 2017 được Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia phối hợp thực hiện cùng Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội .
Theo chỉ thị của phó thủ tướng Trương Hòa Bình, các bộ, ngành và các cấp địa phương phải thực hiện nghiêm túc những yêu cầu  bảo đảm an toàn giao thông, vận tải, chống ùn tắc, đồng thời nghiêm khắc xử phạt những trường hợp vi phạm trật tự giao thông trong dịp lễ Tết.

TBT Nguyễn Phú Trọng

thăm Trung Quốc từ ngày 12 đến 15/1

Hãng Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV hôm Chủ Nhật 8/1 dẫn nguồn Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản nước này cho hay ông Trọng sẽ thăm Bắc Kinh từ thứ Năm tới Chủ nhật nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Truyền thông Việt Nam nói chuyến đi diễn ra trong dịp kỷ niệm 67 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, 18/1/1950, và cũng trùng với dịp người dân hai nước chuẩn bị đón mừng Tết Nguyên đán.
Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Trọng tới Trung Quốc sau Đại hội Đảng lần thứ 12.
Mục đích chuyến đi nhằm “tiếp tục đưa quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, thịnh vượng của khu vực và thế giới”, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Lần cuối ông Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc là tháng 4/2015, gần một năm sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt Giàn khoan Hải dương 981 trên vùng biển có tranh chấp, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ của người dân Việt Nam trên toàn quốc.
Trong số các chuyến thăm Trung Quốc trước đây của giới lãnh đạo Việt Nam, đáng chú ý là chuyến đi hồi tháng 10/2011 của ông Nguyễn Phú Trọng, khi đó mới được bầu làm Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng lần thứ 11, tháng 1/2011.
Đây là chuyến đi trong đó hai bên ra Tuyên bố chung và Thỏa thuận nguyên tắc về việc Chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển.
Kể từ sau Đại hội Đảng 12 tới nay, đã có ba gương mặt cao cấp của Việt Nam lần lượt tới thăm Trung Quốc, gồm Bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đi hồi cuối tháng Tám; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Chín; và Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, trong tháng Mười, ngay trước khi đi thăm Hoa Kỳ.

40 người Việt Nam bị bắt vì vượt biên vào Đài Loan

40 thuyền nhân Việt Nam cùng với 6 thủy thủ người nước ngoài đã bị chận bắt ngoài khơi bờ biển Nghi Lan tối thứ Sáu 6/1/2017, lực lượng biên phòng Đài Loan cho biết tin này hôm nay.
Thông tấn xã trung ương Đài Loan CNA trích dẫn giới chức biên phòng nước này cho biết, 40 di dân bất hợp pháp từ Việt Nam, gồm 25 nam và 15 nữ, đã được phát hiện trong hầm chiếc tàu đánh cá Đài Loan chỉ cao có 1,2m.
6 người còn lại là thủy thủ của chiếc tàu cá.
Chiếc tàu cá bị chận bắt khi còn cách bờ biển thành phố Nghi Lan phía đông bắc Đài Loan, khoảng 9,2 hải lý; sau khi biên phòng Đài Loan nhận được tin báo về chiếc thuyền chở di dân lậu.
Cơ quan Biên phòng Đài Loan cho biết, theo lời khai của những thuyền nhân Việt Nam này, để vượt biên đến Đài Loan, họ đã tìm cách sang Trung Quốc bằng đường bộ. Sau đó họ thuê thuyền đánh cá chở sang Đài Loan.
Các thuyền nhân này cũng khai rằng họ phải trả từ 4.000 đôla đến 6.500 đôla mỗi người để được chở sang Đài Loan. Và mỗi chuyến vượt biển như vậy thường kéo dài 4 ngày.
Theo cơ quan biên phòng Đài Loan, đây là vụ bắt giữ thuyền nhân Việt Nam với số lượng lớn nhất từ trước tới nay.
Hiện tất cả 40 thuyền nhân Việt Nam và 6 thủy thủ bị bắt đã được chuyển sang cơ quan công tố Đài Loan để điều tra.

Phù sa độc

Câu chuyện lũ lụt tại miền Trung lẽ ra đã khép lại và đã có quá nhiều thông tin về nó. Tuy nhiên, dường như hậu quả do lũ lụt để lại vẫn chưa hề lắng xuống, từ chuyện lương thực của người miền Trung bị ảnh hưởng, mùa màng hư hại cho đến dịch bệnh… tất cả các vấn đề này vẫn còn hoành hành. Và một vấn đề khá mới mẻ sau lũ lụt miền Trung, đó là chuyện phù sa độc.
Hết mong lụt về!
Một nông dân tên Hiên, ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, chia sẻ: “Phù sa thì năm ni nó độc quá, chẳng còn như mọi năm là làm tốt tươi ruộng đồng. Năm ni nó về hình như các công ty nó thải cái chất xả gì vào sông đó nên làm cho da ngứa ngáy, khó chịu lắm, làm cho da mình mẫm cảm và tấy đỏ hết. Cây cỏ, lúa cũng chết nữa thì người làm sao mà dám lội bùn!”.
Ông Hiên chia sẻ thêm là với người nông dân, phù sa là thuốc bổ cho ruộng đồng và mùa màng, không có thứ gì làm vệ sinh cho lòng sông hay ruộng đồng tốt hơn nước lụt. Chính vì tác dụng rất đáng quí của nước lụt mà hầu như với bất kì người nông dân nào, lụt có ý nghĩa rất lớn. Và trong nhiều năm liền, kể từ khi thủy điện đầu nguồn các tỉnh miền Trung hoạt động ruộng đồng thiếu vắng những trận lụt mang phù sa về làm màu mỡ cho đất và giảm lượng sâu bọ, mùa khô thì nắng hạn, thiếu nước trầm trọng, mùa mưa thì không có lụt nhỏ và vừa như trước đây.
Và cũng khác nhiều năm trước đây, từ năm năm trở lại, hầu như mỗi khi có lụt là người nông dân miền Trung trở nên tan hoang, lũ lụt càn quét đi mọi thứ từ mùa màng đến nhà cửa, tài sản và cả mạng người. Dòng nước chảy xiết, dữ tợn và dâng cao một cách bất thường không những phá hoại mọi thứ mà còn để lại hậu quả độc hại.
Ông Hiên nói rằng chưa bao giờ ông lại thấy hiện tượng phù sa độc nặng nề như năm nay. Nghĩa là thay vì phù sa do nước lũ mang về làm cho ruộng đồng tươi tốt, cây cối sum suê thì phù sa của các trận lụt trong mùa mưa năm qua đã làm cho cây cỏ bị khô héo, mọi thứ cây trong vườn đều rụng lá, chết dần chết mòn. Điều này dễ nhận biết nhất với người nông dân trồng hoa và cây cảnh. Hầu như chưa có năm nào mà lụt làm cho các vườn mai, vườn cúc chết trơ gốc nhiều như năm nay.
Ông Hiên than thở với chúng tôi là bùn non năm nay mang theo quá nhiều chất thải, rác rưởi và chất hóa học do các công ty thải ra nên mức độ gây ngứa và lở loét của nó cao một cách khác thường. Một nông dân quen chân lấm tay bùn như ông không dễ gì bị nấm móng và lở loét chỉ vì lội bùn non hai ngày. Thế nhưng sau trận lụt, đi làm đồng, dọn cỏ chuẩn bị cày bừa cho ruộng chưa đầy một buổi, tay chân ông bị ngứa ngáy và nổi mẩn đỏ, cứ nơi nào dính bùn non thì nơi nó nổi mẩn đỏ, ngứa râm ran. Và không riêng gì ông Hiên, những người trong gia đình ông và các nông dân khác, ai bước xuống ruộng cũng bị ngứa và lở loét.
Năm ni nó về hình như các công ty nó thải cái chất xả gì vào sông đó nên làm cho da ngứa ngáy, khó chịu lắm, làm cho da mình mẫm cảm và tấy đỏ hết. Cây cỏ, lúa cũng chết nữa thì người làm sao mà dám lội bùn!.
- Ông Hiên, Quảng Ngãi
Theo một cán bộ thú y tên Sinh ở Hương Khê, Hà Tĩnh, một tỉnh Bắc Miền Trung Việt Nam cho biết thì trâu bò, lợn gà ở Hương Khê cũng bị hiện tượng tiêu chảy, giảm cân và lở loét sau khi kiếm ăn trên các bãi cỏ vừa bị lũ cuốn qua. Điều này chứng tỏ phù sa năm nay quá độc và nguy cơ mất mùa, vật nuôi bị chết vì bệnh sẽ còn kéo dài, kinh tế người nông dân bị ảnh hưởng không nhỏ một chút nào.
Nghiệt nỗi, ngoài những phần quà cứu trợ của các nhà từ thiện, về phía thủy điện vẫn chưa có động thái nào cho thấy họ hối lỗi về điều này và họ vẫn hoạt động bình thường, vẫn hưởng một cái Tết thắng lợi với quà cáp và tiền thưởng không nhỏ. Theo chỗ ông Sinh biết thì tiền thưởng Tết của ngành điện lực ở Hà Tĩnh năm nay khá cao. Như vậy, người nông dân thì đau khổ, thiếu thốn và thiếu cả không khí Tết, điều này khiến ông Sinh cảm thấy bị tổn thương vì trót làm người dân trong một tỉnh có quá nhiều tai ương đến từ biển, từ núi rừng, từ hệ thống quản lý.
Ông Sinh cho biết: “Cái nguồn thu của công nhân viên nhà nước, có vai có vế mới có tiền, còn lài, dân tròn (dân đen) thì không có thu nhập gì, cả năm trúng được chừng 40 triệu tiền bán cây, xong rồi thì không có khoản nào khác. Nhưng cũng không phải nhà nào cũng có được điều đó, có một số gia đình có thôi. Phần lớn thì đi làm thuê tứ xứ, vào Nam làm thuê là chính. Năm nay dù đã tháng Chạp nhưng chưa thấy Tết gì cả. Dường như Tết là của ai chứ không phải của mình. Mọi năm thì Noel xong thì xuống giống, năm nay đến giữa tháng Chạp rồi mà chỉ mới bắt đầu gieo sạ thôi!”.
Bốn bề trùng vây
Tình trạng người nông dân bị vây bùa bốn bề, cái đói, nỗi đau mất mát và thiệt hại vẫn chưa nguôi, Tết đang đến sát bên lưng mà vẫn chưa có gì để lo sắm Tết, thậm chí không khí tang tóc vẫn còn quanh quất đâu đó trong các gia đình có người thân thiệt mạng bị lũ cuốn… Một người nông dân ở huyện Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, tên Vĩnh, chia sẻ: “Giờ hiện tại thì dân mình họ đang sạ, cũng có đám chưa gieo, hiện tại thì khắc phục dần dần. Trâu bò thì thiệt hại vì cỏ không có, rơm bị lụt ngấm nó thối nên không có cho trâu bò ăn, bệnh tật cũng nhiều. Hiện nay chỉ lo cặm cụi mùa màng chứ chưa ai dám nghĩ tới Tết cả!”.
Theo ông Vĩnh, tình trạng làm trễ mùa vụ, nguy cơ thiếu lương thực vào thời điểm giáp hạt và khắc phục hậu quả lâu dài, thậm chí chưa kịp khắc phục thì phải nhận chịu tiếp những trận xả lũ của năm tới có vẻ như đang hiện rõ dần trước mắt người nông dân Ba Đồn, Quảng Bình. Vì hiện tại, chỉ còn ngót nghét hai mươi ngày nữa đã là Tết, mà mọi chuyện vẫn còn dang dở. Nhiều gia đình vẫn chưa khắc phục hết hậu quả lũ lụt, nhiều ngôi nhà bị sập vẫn chưa xây dựng lại được vì không có tiền.
Trâu bò thì thiệt hại vì cỏ không có, rơm bị lụt ngấm nó thối nên không có cho trâu bò ăn, bệnh tật cũng nhiều. Hiện nay chỉ lo cặm cụi mùa màng chứ chưa ai dám nghĩ tới Tết cả!
- Một nông dân Quảng Bình
Mọi năm, hiện nay bà con nông dân trồng rau, củ, quả đã chuẩn bị thu hoạch vụ Tết, thậm chí đang thu hoạch vụ Tết sớm để bán ra các tỉnh phía Bắc nhưng năm nay thì mọi chuyện ngược lại. Rau củ quả từ phía Bắc đưa vào bán cho người dân miền Trung với giá cao ngất, một bó rau muống có giá 15 ngàn đồng, tương đương với 1,5 ký gạo hạng ngon. Và các loại củ quả cũng đắt tỉ lệ, có nhiều loại rau muống mua được một bó phải tốn đến 3 ký gạo. Nhưng đáng sợ nhất là hầu hết nguồn rau đều nhập từ Trung Quốc.
Bởi với kinh nghiệm lâu năm của một nông dân chuyên trồng rau, ông Vĩnh dễ dàng nhận ra đâu là rau Trung Quốc, đâu là rau trồng trên cánh đồng Việt Nam. Điểm dễ nhận biết nhất là rau củ quả Trung Quốc được bơm thuốc bảo dưỡng nên để rất lâu vẫn không hư hỏng. Rau do nông dân Việt Nam trồng không có đặc tính này, chỉ cần để qua hai ngày thì hoặc là khô héo, hoặc là úng nhũn.
Hơn nữa, Tết sắp về, người nông dân vừa không có nguồn thu nhập, mùa màng còn dang dở, vừa thiếu lương thực lại vừa phải còng lưng để mua thực phẩm độc hại của Trung Quốc. Mọi chuyện đều là mối nguy khó nói!

Gần 1,500 công nhân đình công đòi quyền lợi

Sáng ngày 7/1/2017, khoảng 1,500 công nhân của công ty Neobags đã kéo nhau về chi nhánh công ty tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long để đòi quyền lợi. Được biết, đây là ngày thứ 3 liên tiếp công nhân của công ty này đình công.
Phía công nhân yêu cầu phải tăng lương, tăng tiền trợ cấp xăng xe, tiền chuyên cần. Cùng với đó, công nhân cho rằng, việc liên tục tăng ca khiến sức lực họ bị kiệt quệ, trong khi thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe không hợp lý.
Chưa hết, rất nhiều người có thâm niên trong công ty than phiền rằng, họ không có bất cứ quyền lợi nào, vì công ty không ký hợp đồng lao động với họ. Vì không có đãi ngộ cho những người làm thâm niên, thành ra có những người đã làm việc 4-5 năm nhưng lương bổng cũng chỉ bằng những người mới vào làm. Những quy định làm việc quá gắt gao khiến công nhân không có thời gian nghỉ ngơi. Ví dụ, nếu công nhân xin nghỉ một ngày để dưỡng sức liền bị trừ đến 50% tiền chuyên cần (250,000 đồng/tháng).
Việc gần 1,500 công nhân đình công khiến con đường qua lại bị kẹt xe. Lực lượng có trách nhiệm liền huy động công an, lãnh đạo đến thương lượng với công nhân.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long đã có cuộc họp với lãnh đạo công ty Neobags. Cuộc họp kéo dài đến 13h chiều cùng ngày. Theo phía công ty, những công nhân đình công trong ngày 7/1 sẽ bị trừ 50% tiền chuyên cần vì tội ngưng việc tập thể. Nhưng nếu đến ngày 9/1, công nhân quay lại làm việc bình thường, phía công ty sẽ cho công nhân được hưởng 100% lương tháng 13 theo đúng quy định của nhà nước.
Phía lãnh đạo Sở Lao động đã giải thích cho công nhân, nhưng đa phần công nhân vẫn không đồng ý với những giải đáp từ phía công ty Neobags.
Đến 14h cùng ngày, công nhân kéo nhau ra về.
Công ty Neobags có vốn 100% của Hàn Quốc, lâu nay liên tục xảy ra những vụ đình công vì lương thấp, đãi ngộ kém. Tuy vậy, người dân miền Tây vẫn phải chấp nhận làm vì không biết tìm đâu ra việc.
Ngọc Quân/SBTN

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.