Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 02/12/2016

Friday, December 2, 2016 6:52:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 02/12/2016

Viện Viễn Đông Bác Cổ,

EFEO và kho sách quý hiếm về Việt Nam

Ngay năm 1886, khi vừa được bổ nhiệm làm tổng công sứ Trung-Bắc Kỳ, Paul Bert đã có ý tưởng thành lập Bắc Kỳ Hàn Lâm Viện (Académie tonkinoise) nhằm tạo bầu không khí hữu hảo và kiềm chế sự chống đối của người dân Bắc Kỳ vừa bị đặt dưới chế độ bảo hộ Pháp.
Dù bị thất bại « ngay trong trứng nước », nhưng kế hoạch trên trở thành cơ sở cho các sáng lập viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Ecole française d’Extrême-Orient, EFEO), thuộc Viện Hàn Lâm Văn Khắc và Văn Chương Pháp (Académie des Inscriptions et Belles-Lettres).
Hơn một thế kỷ vì châu Á
Ban tiếng Việt đài RFI đã có dịp trao đổi với chị Magali Morel, cán bộ thư viện phụ trách kho sách Đông Nam Á, về sự ra đời của Viện Viễn Đông Bác Cổ :
« Ban đầu, người ta muốn lập một Hội Nghiên cứu Khảo cổ châu Á. Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Louis Finot, muốn thành lập một ngôi trường Pháp, theo mẫu trường đã được thành lập ở Roma hay Athens. Thời gian đầu, ông muốn trường tập trung nghiên cứu về Ấn Độ, nhưng kế hoạch không thành. Lúc đó Paul Doumer đang làm toàn quyền Đông Dương lại bị dự án này cuốn hút và cuối cùng, Viện Viễn Đông Bác Cổ được thành lập ở Hà Nội ».
Tiền thân của Viện là Hội Nghiên cứu Khảo cổ Đông Dương (Mission archéologique d’Indo-Chine) được thành lập tại Sài Gòn năm 1898 với hai nhiệm vụ chính : khuyến khích các nhà nghiên cứu Pháp đến thực địa tại châu Á và phụ trách thống kê cũng như bảo quản di sản văn hóa Đông Dương.
Năm 1900, theo quyết định của toàn quyền Paul Doumer, tên gọi và cơ cấu của hội được thay đổi, trở thành Viện Viễn Đông Bác Cổ. Theo nhận xét của bán nguyệt san La Quinzaine coloniale (n° 101, 10/03/1901), quyết định này đánh dấu tính thường trực và đề cao vai trò quan trọng của Viện trong việc « nghiên cứu và phổ biến kiến thức về lịch sử các công trình và chữ tượng hình của các dân tộc Đông Dương mà quá khứ còn xa xưa hơn lịch sử của chúng ta vẫn chưa tiết lộ hết những bí mật ».
Từ năm 1902, trụ sở của Viện được chuyển ra Hà Nội với các nhiệm vụ chính : thăm dò khảo cổ học, sưu tập bản thảo, bảo tồn các công trình, thống kê nhân chủng học các tộc người, nghiên cứu di sản ngôn ngữ, lịch sử các nền văn minh phương Đông, từ Ấn Độ đến Nhật bản.
Để hỗ trợ cho kế hoạch nghiên cứu khoa học đầy tham vọng này, một thư viện và một viện bảo tàng (sau này trở thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) được thành lập. Thư viện ở Hà Nội trở thành kho dữ liệu quan trọng của các nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Ngày 27/11/1909, trong bài diễn văn nhân dịp khai mạc phiên họp của Hội đồng Tối cao, toàn quyền Đông Dương Antony Klobukowski đã cho biết về kho sách quý giá này : « Thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ ngày càng phong phú hơn nhờ 100 tập sách do Quốc Sử Quán(triều Nguyễn) in ấn và được Hoàng đế An Nam trao tặng. Ngoài ra, còn có rất nhiều tác phẩm đến từ Trung Quốc và các bản sao chép tác phẩm quý hiếm của Việt Nam nhờ các vị quan hay nho sĩ cho mượn. Vì vậy, có thể nói đây là thư viện về nghiên cứu Đông phương đầy đủ nhất thế giới ».
Trong suốt thế kỷ XX, kho sách của thư viện ngày càng thêm phong phú về số lượng và chất lượng nhờ đặt mua, trao đổi và được di tặng. Trong cuốn Một thế kỷ vì châu ÁViện Viễn Đông Bác Cổ, 1898-2000, tác giả Catherine Clémentin-Ojha Manguin cho biết, sau hiệp định Geneve 1954, một phần kho sách, được đóng thành 500 kiện, đã rời Hà Nội vào cuối tháng Bẩy cùng năm để sang Phnom Penh (Cam Bốt), Vientiane (Lào) và một chi nhánh mới của Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Sài Gòn. Trung tâm tại Hà Nội tiếp tục hoạt động đến 1957 để sao chụp các bộ sưu tập sách của thư viện, chủ yếu là các bản viết tay, nhằm phục vụ cho các trung tâm khác và trụ sở ở Paris, như lời giải thích của chị Magali Morel :
« Kho sách Việt Nam gốc hiện đang được bảo quản tại Nhà Châu Á (Maison de l’Asie) ở Paris đến từ thư viện được thành lập ở Hà Nội. Các bộ sưu tập được thu thập tại đó, liên quan rất nhiều đến Đông Dương. Sau đó, chúng được chuyển đi sau loạt sự kiện trong những năm 1950 tại Việt Nam.
Những bộ sưu tập này được phân chia sang các nước thuộc Đông Dương cũ là Việt Nam, Cam Bốt, Lào, nhưng cũng có cả Thái Lan. Rất nhiều kiện sách (318 kiện) được gửi từ Việt Nam đến Cam Bốt, rồi từ Cam Bốt đến Pondichéry và cuối cùng đến Paris trong những năm 1950.
Trung tâm của kho sách Đông Dương, đặc biệt là của Việt Nam, ban đầu chính là các bộ sưu tập tài liệu được hình thành ở Đông Dương vào đầu thế kỷ XX ».
Kho sách cổ với tác phẩm có từ thế kỷ XVII
Một trong những tài liệu quý hiếm giúp thư viện của Viện Viễn Đông Bác Cổ Paris trở thành một trong những trung tâm quan trọng trong giới nghiên cứu về Đông Dương và Việt Nam là bộ sưu tầm 20.000 ván khắc Hán Nôm. Đây là kho tài liệu quan trọng giúp tái dựng cổ sử Việt Nam.
Ngoài ra, còn phải kể đến bộ sưu tập tranh dân gian Việt Nam với khoảng 400 bức tranh do nhà nghiên cứu Maurice Durand thu thập. Được bảo quản trong điều kiện tốt, bộ sưu tập đa dạng và phong phú về nhiều đề tài khác nhau : cuộc sống thường nhật, các ngành nghề nhỏ, chúc tụng và những tấm bùa hộ mệnh, tôn giáo và tín ngưỡng, lịch sử, văn học, giáo dục, tục ngữ, ngạn ngữ…
Cuối cùng, còn có hơn 3.000 đầu sách về Việt Nam, trong đó có rất nhiều sách cổ, trên tổng số gần 33.000 tác phẩm thuộc kho Đông Nam Á. RFI đã có dịp được ngắm hai tác phẩm cổ liên quan đến Việt Nam, được in năm 1631 và 1646, hiện không còn phục vụ độc giả.
« Tôi mang ra đây mấy cuốn sách cổ để giới thiệu. Cuốn sách nhỏ này có từ thế kỷ XVII, có tựa đềRelations de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine (tạm dịch : Mối quan hệ của phái đoàn các Cha dòng Tên với Vương quốc Nam Kỳ). Tác phẩm được dịch từ tiếng Ý và là một trong số những cuốn sách cổ nhất của bộ sưu tập được thu thập ở Hà Nội. Hầu hết bộ sưu tầm được hình thành từ những cuốn hồi ký du lịch hay những cuốn sách của các nhà truyền đạo miêu tả Nam Kỳ thời kỳ đó.
Còn đây là một cuốn khác, Histoire du Royaume de Tonquin (Lịch sử Vương quốc Bắc Kỳ), cũng là một tác phẩm có từ thế kỷ XVII. Chúng tôi có nhiều tác phẩm về những tiếp xúc đầu tiên của phương Tây với Đông Dương và Việt Nam. Tiếp theo, còn có những kho sách liên quan đến nghiên cứu Đông Dương từ lúc Viện Viễn Đông Bác Cổ được thành lập ở châu Á, trong đó có rất nhiều nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng học và triết học đáng quý ».
Viện Viễn Đông Bác Cổ nằm trong quần thể Nhà Châu Á (Maison de l’Asie), tọa lạc trong quận 16 nổi tiếng của Paris, ngay gần Trocadéro và quảng trường Nhân Quyền (Parvis des droits de l’homme) nhìn ra tháp Eiffel. Đây cũng là trụ sở của nhiều trung tâm nghiên cứu về châu Á khác thuộc các trường Nghiên cứu nâng cao về Khoa học Xã hội (EHESS) và trường Cao Đẳng Thực Hành (EPHE), như trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Trung Hoa hiện đại và đương đại, Đông Nam Á (CASE) và Tây Tạng, cũng như thư viện của những cơ sở này.
Dù độc giả đến đây có thể tra cứu được các kho sách của cả ba trường trên (EFEO, EPHE và EHESS), nhưng số lượng người đọc không nhiều so với các thư viện khác. Chị Magali Morel giải thích :
« Vì Viện Viễn Đông Bác Cổ là một cơ quan chuyên biệt. Chúng tôi đón sinh viên cao học, các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực trọng điểm, rất đặc biệt. Hiện chúng tôi đang cố trao đổi nhiều hơn nữa với bên ngoài vì cần phải tiếp nhận những công nghệ mới và trao đổi với mạng xã hội… Đây cũng là dự án mà chúng tôi đang làm để mở rộng hơn một chút và có thể để lập một địa điểm năng động hơn. Đúng là chúng tôi là một cơ quan chuyên biệt, nhưng dù sao cũng mở rộng với tất cả ».
Ngoài trụ sở tại Paris, Viện Viễn Đông Bác Cổ có mặt tại Pondichéry, Ấn Độ. Trong khu vực Đông Nam Á có các trung tâm hoặc chi nhánh ở Lào, Việt Nam, Cam Bốt, Thái Lan và Indonesia. Riêng Miến Điện mới chỉ có một đại diện. Cuối cùng, Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng có mặt ở Nhật Bản và mới đây một văn phòng đã được mở ở Trung Quốc.

Việt Nam dập tắt tin đồn đổi tiền

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng chính phủ sắp đổi tiền sau khi tin đồn này lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày gần đây.
Truyền thông trong nước đưa tin về phản ứng hoang mang và lo sợ của người dân về những tin đồn đổi tiền mới khi họ đổ đi mua vàng và ngoại tệ.
Để trấn an dư luận, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Túc được báo chí trích lời nói tại buổi họp báo Chính phủ ngày 29/11 tại Hà Nội, khẳng định tin đổi tiền là hoàn toàn thất thiệt và xã hội cần hết sức cảnh giác. Ông Tú nói thông tin sai lệch như vậy có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và đặc biệt đối với an ninh tiền tệ quốc gia.
Một chuyên gia kinh tế của Đại học Texas cũng nhận định không có cơ sở cho một cuộc đổi tiền vào lúc này:
“Nhìn về mọi mặt thì không có lý do gì mà người ta phải đổi tiền vào lúc này cả.”
Sức hấp dẫn của nhiều kênh đầu tư như vàng và USD luôn rất lớn ở Việt Nam và đó chính là nơi xuất phát những tin đồn. Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng được Infonet trích lời nói rằng “để tạo biến động, giới đầu cơ khôn ngoan có thể tung ra một số tin đồn thất thiệt để tạo lợi ích cho mình, đánh vào tâm lý yếu đuối của một bộ phận người dân để “thổi” cái mà họ định “thổi” và làm lợi cho một nhóm người nào đó.
Trong quá khứ đã nhiều lần có tin đồn đổi tiền ở Việt Nam và theo Infonet, những tin đồn đổi tiền xuất hiện trong vài năm gần đây phần lớn dựa trên một số sự kiện xảy ra trước đó.
Khi ban soạn thảo Hiến Pháp đề xuất ý kiến đổi tên nước thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 2013, tin đồn NHNN sẽ đổi tiền lan truyền, và trước đó 2 năm khi lạm phát bắt đầu leo thang và NHNN chính thức phá giá đồng Việt Nam thì thị trường cũng lan truyền thông tin sẽ đổi tiền và phát hành tờ 1 triệu đồng.
Việc NHNN Việt Nam đã thực hiện 1 số lần đổi tiền trước đây, theo chuyên gia kinh tế của Đại học Texas, là cơ sở cho những tin đồn hiện nay lan truyền:
“Bởi vì mình đã có chuyện đổi tiền trong quá khứ rồi thì bây giờ khi có tin đồn đấy người ta hay speculate, bàn tán.”
Trước đây Việt Nam đã có 6 lần đổi tiền. Lần đầu tiên vào năm 1947, 2 năm sau khi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đồng tiền đầu tiên, và lần gần đây nhất là vào năm 1985 khi nhà nước công bố đổi tiền mới để phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương.
Ấn Độ là nước mới đây nhất vừa tiến hành đổi tiền để điều chỉnh các vấn đề trong xã hội. Thủ tướng Narenda Modi bất ngờ tuyên bố hủy bỏ lưu hành các tờ tiền mệnh giá 500 và 1000 rupee hôm 8/11 để trấn áp tham nhũng.
Tâm lý lo sợ và đầu cơ tích trữ của người Việt cũng được thể hiện khi giá đô la tăng mạnh trong những tuần gần đây, bất chấp cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá trao đổi ngoại tệ trên thị trường.
Giải thích về việc xuất hiện các tin đồn như vậy ở Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính từng có thời gian làm ngân hàng ở Mỹ, nói với Infonet rằng trong nền kinh tế có độ mở ít, thông tin không thông thoáng và đầy đủ, cơ quan chức năng không đưa nhiều tin tức thì việc xuất hiện tin đồn là hiện tượng tất yếu.
Cũng theo chuyên gia này, việc các cơ quan lên tiếng để dập tắt tin đồn sau khi xuất hiện là điều cần thiết trước khi nó gây nên hậu quả xấu.

Việt Nam cần cảnh giác

với vốn vay dễ nhưng nguy hiểm của Trung Quốc

Các chuyên gia cảnh báo về sức cám dỗ của nguồn vốn rất dễ tiếp cận của Trung Quốc nhất là đối với những nước mới nổi lên để có mức thu nhập trung bình như Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế và tài chính tham gia một hội thảo tổ chức hôm 29/11 về đánh giá tác động của vốn vay Trung Quốc, kêu gọi chính phủ phải thận trọng khi cân nhắc các khoản vay từ Trung Quốc vì chúng có những tác động xấu tới xã hội và môi trường.
Truyền thông trong nước đưa tin về hội thảo dẫn lời các nhà chuyên môn nói rằng vốn vay của Trung Quốc được đánh giá là dễ tiếp cận bởi các ràng buộc về môi trường, lợi ích dân quyền trong chính sách vay vốn không chặt chẽ, tuy nhiên họ cảnh báo tình trạng đó có thể đưa đến những hậu quả ghê gớm.
Giám đốc Chương trình Nghiên Cứu Trung Quốc của viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách Việt Nam (VEPR), tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, được báo chí trích lời nói rằng: “Vốn Trung Quốc được coi là dễ chứ không phải là rẻ.”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cũng có mặt tại cuộc hội thảo nhằm đánh giá tổng quan và đầy đủ về nguồn vốn vay ODA Trung Quốc, nhận định “khi vay vốn Trung Quốc thì gánh nặng nợ nần có khi sẽ lớn hơn cả khoản vay”. Bà Lan được báo chí trích lời đưa ra dẫn chứng bằng công trình đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội trong đó vốn vay ban đầu là 300 triệu USD nhưng hiện nay tổng số vốn vay là 900 triệu USD – “tăng gấp 3 lần vốn ban đầu mà vẫn chưa xong.”
Gần đây chính phủ đã có ý định vay 7.000 tỷ đồng để xây đường cao tốc Quảng Ninh. Bà Phạm chi Lan nói bà phản đối ý định này và khuyến nghị huy động vốn và trao những dự án như vậy cho các công ty Việt Nam đảm nhận.
Theo VietNamNet, do lo sợ những điều khoản ràng buộc về nhà thầu của Trung Quốc, chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chọn nhà đầu tư trong nước xây cao tốc Vân Đồn-Móng Cái và không vay vốn của Trung Quốc.
Một đặc điểm khác của vốn vay từ Trung Quốc, theo tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, là “tiền đi tới đâu thì người đi tới đó.”
Báo Đất Việt trích lời ông Thành nói trong nhiều dự án khai thác tài nguyên của Trung Quốc ở các nước châu Mỹ La Tinh, châu Phi và Đông Nam Á, Trung Quốc đều đưa nhiều lao động phổ thông vào các dự án. Ông Thành nói “điều này là cảnh báo to lớn đối với các nước đang và chậm phát triển, lạm dụng vốn Trung Quốc.”
Các dự án ở miền Trung Việt Nam, theo ông Thành, cũng cho thấy đặc điểm này của vốn vay từ Trung Quốc. Nhưng một chuyên gia kinh tế của Đại học Texas cho VOA biết, điều đó còn phụ thuộc vào sự quản lý lao động của nước sở tại:
“Câu chuyện trên thực tế tại sao nó lại xảy ra chuyện có nhiều công nhân Trung Quốc ở vùng này vùng kia như vậy thì tôi nghĩ là nó có những lý do khác. Trên nguyên tắc Việt Nam có thể sử dụng luật để giải quyết những trường hợp đấy. Vào Việt Nam thì phải có work permit – giấy phép lao động – chứ có phải anh muốn vào làm là vào được đâu. Quá trình xét duyệt work permit ở Việt Nam không đơn giản chút nào, rất là phức tạp. Tôi nghĩ mình đã bỏ lơ về mặt quản lý hay lý do gì đấy thôi chứ còn giấy phép không có lỗ hổng đâu.”
Theo số liệu của Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội, phần nhiều trong số lượng lao động Trung Quốc được đưa sang Việt Nam không có giấy phép. Lượng lao động không có giấy phép trong các dự án ngành điện là hơn 1.000 trong tổng số hơn 1.700 người, trong ngành than khoáng sản là gần 1 nửa – hơn 700 trong tổng số hơn 1.900 và trong ngành dầu khí là gần 1/3 – hơn 500 trong tổng số hơn 1.700.
Theo trích lời của tiến sĩ Thành trên Người Lao Động, vốn vay của Trung Quốc chưa xử lý được vấn đề phát thải ô nhiễm, chống tham nhũng ngay từ chính sách quốc gia của họ, do đó cơ chế khá lỏng lẻo trong cho vay nên nhiều nước khát vốn dễ dàng dính bẫy với dòng vốn này.
Các sự cố môi trường gần đây ở Việt Nam như ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh và sau đó là các cảnh báo từ nhiệt điện Vĩnh Tân đã làm dấy lên những tranh cãi về tác động từ những dự án công nghiệp từ dòng vốn của Trung Quốc.
Việt Nam đã vay khoảng hơn 600 triệu USD vốn ODA từ Trung Quốc và 50 triệu USD vốn không hoàn lại từ chính phủ này trong 23 năm qua. Hầu hết các khoản vay từ Trung Quốc vào các dự án nhiệt điện, hạ tầng đường sắt theo ghi nhận của Người Lao Động.
Theo Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Trung Quốc thuộc VEPR, trong vài năm qua, Trung Quốc đã cho các nước trên toàn thế giới vay hơn 116 tỷ USD và nhiều nước phát triển đang bị hấp dẫn bởi các khoản vay dễ dãi này. Tiến sĩ Thành của viện nghiên cứu này nói: “Có thể nói Trung Quốc giống như gã khổng lồ sẵn sàng cung ứng tiền cho cả thế giới, lấp chỗ trống cho những quốc gia vừa đạt mức thu nhập trung bình không còn đủ điều kiện vay ưu đãi của các định chế tài chính khác nữa, trong đó có Việt Nam.”

Chưa dám đả hổ chỉ đập vài con ruồi

Nam Nguyên, phóng viên RFA
Hầu hết báo điện tử dòng chính ở Việt Nam đều đưa tin về sự kiện hàng loạt cán bộ bị kỷ luật vì dính tới quy trình bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Nhân vật này đã đào thoát sang Châu âu, ngay sau khi Đảng và Chính phủ khởi động điều tra và truy cứu trách nhiệm về vụ thất thoát hơn 3.300 tỷ đồng ở Tổng Công ty xây lắp dầu khí PVC, giai đoạn ông Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch Hội đồng Quản trị.
Chưa thấy trách nhiệm người đứng đầu
Dư luận từng cho rằng, ông Trịnh Xuân Thanh là khởi điểm của chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng được gọi là chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam.
Nhận định về sự kiện hai lãnh đạo Tỉnh ủy, một nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương cùng 3 thứ trưởng Bộ Nội vụ bị Ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hoặc đề nghị Ban Bí thư xem xét xử lý, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon phát biểu:
Vấn đề quan trọng là kỳ này họ muốn bốc ra những người có trách nhiệm liên quan ở các cấp, nhưng mà vẫn chưa bốc lên đến cấp cao nhất…
-LS Trần Quốc Thuận
“Vấn đề quan trọng là kỳ này họ muốn bốc ra những người có trách nhiệm liên quan ở các cấp, nhưng mà vẫn chưa bốc lên đến cấp cao nhất… Bởi vì những danh hiệu như là anh hùng lao động hay là chuyện phê chuẩn phó chủ tịch tỉnh thì mấy ông tham mưu chỉ đề xuất thôi, chứ muốn thành được cái chức đó thì phải có người ký…Những người ký đó là ai thì kỳ này không thấy nêu ra mà chỉ nêu ra bộ phận tham mưu, bộ phận giúp việc, phê bình cũng lớn chức nhưng ở cấp Bộ, Ủy ban Trung ương nhưng cũng chỉ là cơ quan tham mưu thôi, chưa phải là cơ quan quyết định. Như vậy cơ quan quyết định là ai, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chưa chỉ ra tận gốc.”
VnExpress, VietnamNet, Dân Trí điện tử cũng như các báo khác đã đưa tin chi tiết về nội dung kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra ở Hà Nội từ 28 đến 30/11. Trong đó có nội dung 8 điểm về xem xét, xử lý và đề nghị thi hành kỷ luật một số đảng viên và tổ chức đảng vì can dự vào việc đề bạt bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh vào chức vụ sau cùng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Trong thẩm quyền của mình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cơ quan giữ cây roi kỷ luật của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định  thi hành kỷ luật 4 trường hợp. Bao gồm cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; khiển trách ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015 -2020; khiển trách bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua – Khen thưởng Trung ương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, các vi phạm, khuyết điểm của ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chưa đến mức phải thi hành kỷ luật. Yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục.
Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư cảnh cáo đối với ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Một Thứ trưởng Nội vụ khác là ông Nguyễn Duy Thăng cũng bị đề nghị xem xét xử lý về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Riêng tập thể Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2011-2016 phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc vì có liên quan tới việc thẩm định và đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho ông Trịnh Xuân Thanh, cũng như  từng đề nghị khen thưởng cho Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Quang cựu đại tá ngành công an hiện nghỉ hưu ở Hà Nội trình bày ý kiến:
“Tôi cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh này không chỉ đơn thuần là nội hàm của riêng vụ này và qua vụ này còn nói lên nhiều vấn đề khác. Theo cảm nhận của tôi việc xử lý vụ này nói chung còn lúng túng còn chưa rõ ràng. Cứ đợi thêm một thời gian nữa xem hình thức kỷ luật đối với ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng như thế nào thì mới rõ hơn được.”
Đối với dư luận cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng và làm trong sạch Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa mang tính quyết liệt, Luật sư Trần Quốc Thuận nhắc lại vấn đề kỷ luật cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về nhiều vụ việc trong đó có vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhưng dư luận nói nhiều về việc làm sao cách chức một người không còn chức vụ nào cả. Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh:
“Phải truy tận gốc, truy tận nơi, truy trách nhiệm cao nhất. Tự nhiên đâu phải chuyện luân chuyển, chuyện cho chỉ tiêu Hậu Giang bầu ra phó chủ tịch…Nhà nước Việt Nam hay nói trách nhiệm người đứng đầu, như vậy người đứng đầu là ai. Trong sự việc này trách nhiệm người đứng đầu thế nào không thấy nói. Tôi nghe nói toàn cấp phó không thấy nói gì tới người đứng đầu, rồi sau khi bầu xong thì phê chuẩn, thì phải là bên Chính phủ, Thủ tướng phê chuẩn… như vậy chỗ đó được biết thế nào thì không thấy nói.”
Vụ Formosa: chưa lộ diện dê tế thần
Cùng thời gian với việc công bố kỷ luật 7 cán bộ lãnh đạo liên quan tới quy trình đề bạt bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, từ một người chịu trách nhiệm cao nhất trong vụ bê bối ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí PVC trở thành Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, hôm 30/11/2016  báo chí dòng chính ở Việt Nam còn được độc giả chú ý với thông tin liên quan tới Formosa Hà Tĩnh và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Ông Võ Kim Cự là người trực tiếp vận động và đưa dự án thép khổng lồ về Vũng Áng Hà Tĩnh. Hiện nay ông Võ Kim Cự là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 14 đương nhiệm.
Tôi có theo dõi nghiên cứu thấy rằng ông Võ Kim Cự đã vi phạm nhiều điều, làm không đúng thẩm quyền, vi phạm nhiều quy định làm không đúng Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
-Nguyễn Đăng Quang
Theo VnExpress, sáng 30/11/2016 trong dịp tiếp xúc cử tri thành phố Đà Nẵng, ông Đinh Thế Huynh Thường trực Ban Bí thư xác nhận là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm rõ trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong thảm họa môi trường Formosa. Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng bị kiểm tra, đặc biệt là quá trình lắp đặt hệ thống xả thải của Formosa. Ông Đinh Thế Huynh cho biết sau khi kiểm tra xong sẽ có thông báo.
Cựu đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang nêu nhận xét về trường hợp ông Võ Kim Cự và thảm họa môi trường Formosa. Ông nói:
“Tôi có theo dõi nghiên cứu thấy rằng ông Võ Kim Cự đã vi phạm nhiều điều, làm không đúng thẩm quyền, vi phạm nhiều quy định làm không đúng Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Trong đó rõ nhất là khi chưa có quyết định của Chính phủ thì ông ấy đã có công văn chấp nhận cho Formosa thuê đất 70 năm, đó là vượt quyền, lộng quyền. Việc này Thanh tra Chính phủ đã có ý kiến rồi, nhưng cho đến giờ này ông ấy vẫn gọi là ‘nhâng nháo’ nói là mình làm đúng thẩm quyền.”
Đáp câu hỏi về khả năng kỷ luật ông Võ Kim Cự nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đặc biệt hiện nay ông đang là Đai biểu Quốc hội Khóa 14, Chủ tịch Liên Minh hợp tác xã Việt Nam. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:
“Việc kỷ luật Đảng thì cứ việc kỷ luật, còn ông ấy là đại biểu Quốc hội, nếu có truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ta mới xem xét tới tư cách đại biểu Quốc hội. Kỷ luật Đảng thì không ảnh hưởng gì tới danh hiệu đại biểu Quốc hội. Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ta phải đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội của ông đó đi, hoặc sai phạm nặng thì bãi miễn. Bây giờ kỷ luật Đảng mà nặng thì ngươi ta sẽ xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự, thí dụ kỷ luật Đảng đến mức khai trừ thì chắc chắn chức danh đại biểu Quốc hội sẽ không còn.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, dư luận hay nói tới một con dê tế thần trong vụ thảm họa môi trường Formosa. Nhưng theo ông hiện nay chưa thấy con dê tế thần đó ở đâu vì cần phải có chứng cứ rõ ràng. Vẫn theo lời cựu quan chức Quốc hội Việt Nam, đưa Formosa về Hà Tĩnh không phải là việc mà một mình ông Võ Kim Cự có thể làm được, ông ấy từng nói có các Bộ ngành ở Trung ương đồng ý và có phê duyệt của người đứng đầu Chính phủ.

Thêm một nhà hoạt động bị hành hung

Một nhà hoạt động tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, anh Nguyễn Công Huân, hôm nay bị hành hung bởi một nhóm người lạ mặt khi anh đang trên đường đến dự đám cưới một cựu tù nhân lương tâm là anh Nguyễn Đình Cương.
Anh Nguyễn Công Huân thuật lại vụ việc bị hành hung:
“Khi đến gần nơi mình muốn đến thì họ dừng xe lại và thêm 4-5 người nữa và họ kéo mình xuống rồi đánh gần Quốc lộ 1A, ngay khi dân đi lại nhiều.
Sau đó họ bồng lên xe 7 chỗ và họ đánh tiếp rồi chở lên rừng, cách thành phố Vinh chừng 60 cây số. Họ đánh, lột hết đồ, lấy hết điện thoại, lấy hết tiền.”
Một nhà hoạt động khác tại Vinh xin được không nêu tên cho biết những hoạt động lâu nay của anh Nguyễn Công Huân mà theo nhận định đó có thể là lý do khiến anh này bị hành hung:
“Anh Huân có rất nhiều hoạt động và hoạt động gần đây nhất mà anh rất tích cực là giúp những người dân thấp cổ, bé miệng về luật, nhất là luật giáo dục. Anh giúp cho nhiều cha mẹ, các bậc phụ Huynh đòi lại quyền lợi cho con mình như là chống lạm thu, các khoản thu quá mức, thu sai pháp luật…”
Gần đây nhiều người công khai lên tiếng về những bất công trong xã hội, những nhà hoạt động dân chủ bị những thành phần không rõ lai lịch tấn công, hành hung. Những người trong cuộc cho biết họ trình báo việc vị tấn công cho cơ quan chức năng nhưng rồi đều không được giải quyết.

Thất nghiệp tăng cao ở Việt Nam

Tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam đang tăng cao, số liệu chính thức ghi nhận khoảng 1 triệu 100 ngàn người trong độ tuổi lao động không có việc làm vào thời điểm quí 3 năm 2016. Như vậy số người thất nghiệp đã tăng thêm 29.000 so với cùng kỳ năm 2015.
Theo công bố ngày 2/12 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, trong số người thất nghiệp thuộc độ tuổi lao động có đến 456.000 người có chuyên môn kỹ thuật. Cụ thể, khoảng hơn 200.000 người có trình độ đại học, 122.000 người có trình độ  cao đẳng chuyên nghiệp và khoảng 73.000 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Ông Vũ Đình Duy bị kỷ luật buộc thôi việc

Ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vừa bị Bộ Công thương kỷ luật buộc thôi việc kể từ ngày 1/12/2016.
Ông Vũ Đình Duy được cho là đã ra nước ngoài để chữa bệnh từ ngày 22/10/2016 và cho đến nay chưa trở lại. Theo tin báo chí dòng chính ở Việt Nam, ông Vũ Đình Duy từng là tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và sơ sợi dầu khí và là chủ đầu tư dự án sơ sợi Đình Vũ làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng tiền nhà nước.
Trường hợp ông Vũ Đình Duy và các dự án thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng được cho là liên quan đến trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Ông Cựu Bộ trưởng vừa qua đã bị kỷ luật về mặt Đảng do nhiều sai phạm trong 10 năm tại chức. Một trong các vụ bê bối được chú ý là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang hiện bỏ trốn ở Châu Âu và bị truy nã quốc tế.

Quan tham “ăn” đất bị xử 12 năm tù

Chiều nay 2/12, ông Nguyễn Văn Bổng nguyên Chủ tịch  Ủy ban Nhân dân huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh đã bị Tòa án tỉnh này kết án 12 năm tù về  tội cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây là vụ án liên quan đến hoạt động giải tỏa đất đai cho dự án nhà máy thép Formosa và Cảng nước sâu Sơn Dương trong những năm 2008-2009. Bị cáo Nguyễn Văn Bổng và các cán bộ đồng lõa bị cáo buộc biến hóa đất công, hoặc đất tranh chấp thành đất nông nghiệp, để được hưởng đền bù 100%.
Phiên tòa xét xử quan tham Nguyễn Văn Bổng đã kéo dài 4 ngày, kể cả ngày sau cùng dành cho công tác nghị án. Ngoài bị can Bổng, Tòa án cũng kết án một số cán bộ khác. Trong đó ông Phạm Huy Tường, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Kỳ Anh, kiêm phó chủ tịch Hồi đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh lãnh án 11 năm tù.
Ngoài ra còn có một số bị cáo là cán bộ lãnh đạo chính quyền đảng ủy địa phương bị án tù từ  3 năm tới  10 năm vì liên can tới việc làm sai trái của nguyên Chủ tịch huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng. Tất cả các bị cáo còn phải bồi thường 10,4 tỷ đồng cho nhà nước.

Tại sao ngư dân Kỳ Anh

vẫn chưa nhận được tiền đền bù của Formosa?

Hoàng Dung, thông tín viên RFA
Theo quyết định 1880 QĐ – TTg do ông Trương Hòa Bình phó thủ tướng chính phủ ký ngày 29 tháng 09 năm 2016, thì yêu cầu các địa phương phải xác định kinh phí, mức bồi thường gửi về cho trung ương để xem xét và làm sao các ngư dân có thể nhận được tiền đền bù trong tháng 10 để ngư dân có thể ổn định cuộc sống, tuy nhiên đến hôm nay đã là tháng 12 các bà con ngư dân ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chính quyền vẫn làm chậm trễ trong việc sao kê những thiệt hại cho bà con, trong khi ngư dân ở 3 tỉnh còn lại đã nhận được tiền đền bù.
Từ tháng 10 đến nay, chính quyền thị xã Kỳ Anh đã tập trung bà con nhiều lần để họp, để thảo luận trong việc sao kê những thiệt hại, tuy nhiên trong những cuộc họp đó thì chính quyền không giải đáp những thắc mắc của bà con, không lắng nghe ý kiến của bà con. Trước tiên, vào tháng 10 thì chính quyền Kỳ Anh đã dùng quyết định số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT để sao kê tài sản, tuy nhiên quyết định này đã không có hiệu lực, sau khi có quyết định mới của chính phủ, trước việc chính quyền dùng sai quyết định để sao kê tài sản, thì người dân đã phản đối kịch liệt và không sao kê vì họ cho rằng chính quyền cố ý làm sai. Trước sự phản đối của người dân thì chính quyền mới dùng quyết định số 1880 để sao kê, tuy nhiên sau đó theo quyết định 1880 thì các em trên 15 tuổi được tính 1 lao động nhưng chính quyền Kỳ Anh vẫn không chấp nhận, nhiều ngư dân họ cho biết họ rất mệt mỏi trước những việc làm không minh bạch của chính quyền Kỳ Anh, họ chỉ mong muốn chính quyền Kỳ Anh làm giống với quyết định số 1880 của chính phủ, để ngư dân sớm nhận được tiền đền bù, vì tính đến nay đã gần 8 tháng ngư dân không có việc làm, không có thu nhập gì.
Người dân bức xúc
Chính phủ đưa ra một công văn của chính phủ là từ 15 tuổi trở lên là đủ tuổi kê khai cho lao động bắt hàu, bắt ốc cho nên dân ở đây không đồng ý như rứa.
-Bà Truyền
Trước việc chính quyền liên tục làm sai với quyết định, không giải quyết thỏa đáng cho người dân, thì nhiều ngư dân tỏ ra bức xúc, chia sẻ với chúng tôi bà Truyền ở xã Kỳ Hà, Kỳ Anh cho biết, trong thông báo mới của chính phủ thì trẻ em trên 15 tuổi thì được tính 1 lao động, nhưng chính quyền xã, huyện không đồng ý, bà Truyền cũng cho biết, ở vùng quê của bà thì các em học sinh từ 6,7 tuổi trở lên, buổi đi học buổi đi bắt ốc, bắt Hàu để kiếm sống rồi không riêng gì các em từ 15 tuổi trở lên, bên cạnh đó nhiều người già sống neo đơn sống bằng việc bắt Hàu cũng không được đền bù nên người dân đang đòi.
Bà Truyền chia sẻ:
Nhà chị đây là ba đứa sinh viên mà đến mùa hè là hắn về hắn nghỉ ba tháng hè là con nhà chị đây là tập trung ra ngoài rào để hắn bắt con nghêu, con hàu, con cua, con ốc để hắn kiếm tiền để vào trường học. Chính phủ đưa ra một công văn của chính phủ là từ 15 tuổi trở lên là đủ tuổi kê khai cho lao động bắt hàu, bắt ốc cho nên dân ở đây không đồng ý như rứa
Chị Bàu ở Kỳ Hà cũng cho biết thêm là chính quyền ở đây đang cố tình làm sai quyết định mới của chính phủ về việc đền bù, 1 số chủ ghe, chủ thuyền cũng bị bớt xén.
Luật của chính phủ ra là ghe cũng có, rồi người chủ ghe cũng có mà giờ họ nói lại là chủ ghe lại không có thuyền viên đi thuyền không có mà chủ ghe cũng không có. Giờ kiểu họ đang bắt làm đi làm lại là dân họ không chịu hiện giờ vẫn chưa có một đồng tiền đền bù mô hết.
Ông Hoa ở thôn Đông Yên cũng cho biết, chính quyền làm sai quyết định của chính phủ nên anh liên tục phản đối và sẽ không nhận tiền đền bù đó.
“Quyết định của chính phủ 1 đàng nó làm 1 nẻo”
Đến khi nào người dân mới nhận được tiền đền bù?
Từ khi thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra đến nay, thì người dân không còn thu nhập nào nữa hết, 1 số người trẻ đã đi làm culi ở các nơi khác để kiếm sống, giờ ở nhà toàn phụ nữ và trẻ em, nhưng họ rất chờ vào khoản đền bù ít ỏi này của Formosa để duy trì cuộc sống, nhưng câu hỏi để khi nào người dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhận được tiền đền bù thì là câu hỏi mà người dân cũng rất khó để trả lời.
Bà Truyền cho biết, chính quyền nói nếu người dân làm theo ý của chính quyền xã, huyện Kỳ Anh thì đến lễ Noel người dân sẽ nhận được, còn nếu người dân vẫn không hợp tác và đòi quyền lợi của mình thì chưa biết đến khi nào.
Nếu mà  đồng ta như quyết định của họ đưa ra thì họ nói đến lễ Noel là có tiền mà giờ dân đây nói là nọ biết đến lễ Noel là có tiền có thể sang năm cũng chưa có.
Chị Bàu cũng cho biết thêm:
“Giờ họ nói là làm nhanh thì có không thì ra ngoài tết.”
Ở xã Kỳ Lợi việc sao kê đã xong, nhưng khi nào dân nhận được tiền đền bù thì chưa biết, vì chính quyền hết lần này đến lần khác thẩm định.
Ông Hoa cho biết:
“Cũng không biết nữa, hấn nói làm xong khi mô nhận tiền khi đó, nhưng thẩm định các thứ nữa”
Người dân vẫn tiếp tục đấu tranh
Người dân ở Kỳ Anh cho biết họ sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình, dù có thể nào đi nữa, họ cũng cho biết thời tiết hiện nay không thuận lợi nên người dân không có những cuộc xuống đường.
Bà Truyền chia sẻ:
Dân muốn xuống đường để biểu tình để nhà báo quốc tế về để họ phỏng vấn để mà nói với họ là:
Cuộc sống người dân giờ chưa có nghề chi mà giờ dân khổ lắm nghề thì không có nghề chi cả tiền đền bù thì giờ đang nằm một nơi thì chưa có nói thật chứ giờ tiền cũng không có một đồng mà tiêu giờ khổ lắm.
-Chị Bàu
Tiền xử lý rác thải,
Tiền đền bù thiệt hại,
Đảng đã lấy từ lâu,
Nay đã để ở đâu,
Phải nói cho dân biết,
Đừng đồng loã cấu kết,
Dân sống không bằng chết,
Là để mà nói nhà báo để họ quay phim để họ đòi hỏi đồng tiền cho mình chứ giờ khổ lắm sống không bằng chết dân ở đây. Vẫn tiếp tục đấu tranh vẫn xuống đường nhưng mà về mùa này là do thời tiết không thuận lợi chứ họ rất muốn xuống đường để mà đi đòi hỏi cho con em họ. Rồi đây họ sẽ bắt con em mình bỏ học chứ họ cũng không cho đi học nữa bởi vì lấy gì mà mà ăn mà học đây.
Chị Bàu cũng cho biết hiện cuộc sống của người dân rất khó khăn, nhiều gia đình phải chấp nhận vay nặng lãi để trang trải cuộc sống:
“Cuộc sống người dân giờ chưa có nghề chi mà giờ dân khổ lắm nghề thì không có nghề chi cả tiền đền bù thì giờ đang nằm một nơi thì chưa có nói thật chứ giờ tiền cũng không có một đồng mà tiêu giờ khổ lắm, dân giờ khổ và bức xúc lắm rồi nói xuống đường mà giờ đang mưa gió đây không thì họ cũng xuống đường rồi.”
Nhiều ngư dân ở Kỳ Anh chia sẻ với chúng tôi, cuộc sống của người dân quá khổ do Formosa gây nên rồi, giờ họ chỉ mong chính quyền Hà Tĩnh làm đúng quyết định đền bù để ngư dân sớm có tiền để trang trải cuộc sống, nhất là trong dịp cuối năm này.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.