Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khăp nơi – 02/12/2016

Friday, December 2, 2016 6:55:00 PM // , ,

No sub-categories
Tin khăp nơi – 02/12/2016

Bị chia rẽ nặng nề, cánh tả Pháp khó giữ được ghế tổng thống

Tổng thống François Hollande đã quyết định không ra tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai vì ông muốn tránh cho cánh tả bị thảm bại trước cánh hữu và phe cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017. Thế nhưng, quyết định này sẽ không đủ để đảng Xã Hội và các đồng minh cánh tả vượt qua được vòng đầu bầu cử tổng thống, do tình trạng chia rẽ quá nặng nề.
Ông Hollande đã thông báo quyết định nói trên đúng vào ngày đảng Xã Hội bắt đầu nhận đơn tranh cử cho cuộc bầu cử sơ bộ trong cánh tả vào tháng 01/2017 chọn người đại diện ra tranh chức tổng thống vào năm 2017.
Sau khi tổng thống Hollande thông báo không ra tái tranh cử, mọi con mắt đang đổ dồn vào nhân vật được xem là có thể đương đầu với cánh hữu, đó là thủ tướng Manuel Valls, mà từ mấy ngày qua đã không che dấu tham vọng ứng cử tổng thống năm 2017. Tuy nhiên, sau phát biểu của ông Hollande ngày 01/12, thủ tướng Valls chỉ ca ngợi sự chọn lựa « khó khăn »của tổng thống Pháp, chưa chính thức tuyên bố tranh cử, mà vẫn giữ nguyên lịch trình làm việc của ông.
Nhưng nếu có quyết định lao vào cuộc đấu, thì trước hết, ông Manuel Valls phải vượt qua được vòng bầu cử sơ bộ của đảng Xã Hội, với nhiều đối thủ sẵn sàng so găng với ông. Ngoài hai cựu bộ trưởng Benoit Hamon và Arnaud Montebourg, hai bộ trưởng đương nhiệm Najat Vallaud-Belkacem (Giáo Dục) và Marisol Touraine (Y Tế) cũng đã không loại trừ khả năng ra ứng cử bầu cử sơ bộ của cánh tả. Chưa kể bộ trưởng Môi Trường Ségolène Royal, mà một số người đang thúc giục ra tranh cử lần nữa, sau thất bại của năm 2007.
Mặt khác, dù ứng cử viên Xã Hội là ai thì nhân vật này sẽ còn phải đương đầu với đại diện cánh cực tả Jean-Luc Mélenchon và cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron, cả hai đều không chấp nhận tham gia vào bầu cử sơ bộ, mà ra ứng cử riêng, gây rối loạn thêm đội hình cánh tả.
Lao vào cuộc đấu với tình trạng « chia năm sẻ bảy » như vậy, cánh tả càng khó mà có cơ may giữ được chiếc ghế tổng thống. Hiện giờ, hai đối thủ nặng ký nhất của cánh tả chính là cựu thủ tướng François Fillon, vừa được cánh hữu chọn làm ứng cử viên tổng thống, và lãnh đạo đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen. Theo kết quả các cuộc thăm dò, hai ứng cử viên cánh hữu và phe cực hữu sẽ lọt vào vòng hai để tranh nhau chiếc ghế nguyên thủ quốc gia. Còn ông Manuel Valls, theo thăm dò dư luận, nếu có đại diện đảng Xã Hội ra ứng cử thì chỉ thu được 11% số phiếu.
Như vậy, việc tổng thống Hollande quyết định không ra tái tranh cử đang mở ra một thời kỳ vô định cho cánh tả. Trong lúc cánh hữu đang nắm chắc cơ may phục thù, thì cánh tả vẫn loay hoay tìm vị cứu tinh. Nhưng không dễ gì mà tìm ra được một nhân vật có thể dung hòa được những xu hướng khác nhau, thậm chí đối chọi nhau trong cánh tả Pháp hiện nay.

Tổng thống Pháp Hollande thông báo không tái ứng cử

Trong một bài phát biểu long trọng được truyền hình trực tiếp tối hôm qua, 01/12/2016, tổng thống Pháp François Hollande thông báo không ra tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, vì muốn tránh cho cánh tả bị thảm bại trước cánh hữu và phe cực hữu.
Sau khi nêu lên những thành quả mà ông đã đạt được, cũng như những thất bại trong nhiệm kỳ của ông, tổng thống Hollande, thuộc đảng Xã hội, cánh tả, tuyên bố : « Tôi ý thức về những nguy cơ mà hành động của tôi sẽ gây ra, một hành động sẽ không tập hợp rộng rãi được. Cho nên tôi đã quyết định sẽ không ứng cử tổng thống ».
Ông Hollande, 62 tuổi, như vậy là tổng thống đầu tiên ở Pháp tính từ năm 1958 không ra tranh cử cho nhiệm kỳ hai (ngoại trừ tổng thống George Pompidou, qua đời khi đang tại chức vào năm 1974).
Trước khi loan báo quyết định không ra tái tranh cử tổng thống, ông Hollande đã chỉ trích cánh hữu đang muốn phá hỏng mô hình xã hội Pháp, đồng thời ông cảnh báo dân Pháp về nguy cơ cánh cực hữu lên nắm quyền.
Đắc cử vào năm 2012 trước đối thủ cánh hữu Nicolas Sarkozy, uy tín của tổng thống Hollande nay đã rơi xuống đến mức rất thấp : chỉ có 13% dân còn tín nhiệm ông. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy là ông Hollande có rất ít khả năng tái đắc cử, vì chỉ có chưa tới 10% cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông ở vòng đầu bầu cử tổng thống. Trong những tháng gần đây, tổng thống Hollande gặp sự chống đối ngày càng mạnh từ chính trong phe của ông, đặc biệt là sự chống đối dự luật lao động vào đầu năm 2016, mà đã khiến hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối.
Cuốn sách được xuất bản tháng 10 vừa qua, ghi lại những lời thổ lộ của tổng thống Hollande với hai phóng viên, khiến ngay cả những người ủng hộ ông hết mình nhất vừa bàng hoàng, vừa thất vọng. Trong cuốn sách này, ông Hollande đã chê bai ngay cả những người thân cận nhất.
Trong nhiệm kỳ của tổng thống Hollande, nước Pháp đã đưa quân can thiệp vào nhiều nơi ( Mali, Trung Phi, Irak, Syria ), nhưng nước Pháp cũng đã hứng chịu các vụ khủng bố tàn khốc nhất từ trước đến nay, khiến tổng cộng 238 người thiệt mạng : tấn công tòa soạn Charlie Hebdo tháng 01/2015, tấn công ở Paris và Saint-Denis tháng 11 năm ngoái, ở Nice ngày 14/07 năm nay.

“Bắc Triều Tiên :

Phi hạt nhân hoá sẽ kéo theo chế độ sụp đổ”

Kim Jong Un nổi tiếng khắp Bắc Triều Tiên. Người dân không còn chết đói, nhưng các cuộc thanh trừng tiếp tục reo rắc cái chết trong hàng ngũ cao cấp của quân đội và bộ máy an ninh. Trên đây là nhận định với nhật báo Le Monde (27/11/2016) của nhà sử học người Nga Andrei Lankov.
Từng nghiên cứu tại đại học Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) ở Bình Nhưỡng trong thập niên 1980, ông Andrei Lankov trở thành một chuyên gia nổi tiếng về quốc gia khép kín nhất thế giới và hiện đang giảng dạy tại đại học Kookmin, Seoul.
Kim Jong Un có phải là một nhà lãnh đạo nổi tiếng không?
Có, ông ấy rất nổi tiếng và điều này có thể hiểu được. Một trong những cách nhìn nhận sai về Bắc Triều Tiên ngày nay là người ta tưởng đất nước này dường như sắp làm mồi cho nạn đói, thậm chí là sắp nổi loạn hay sụp đổ. Đúng là chính phủ rất tàn nhẫn và người dân sợ sệt. Nhưng tình hình kinh tế đã được cải thiện rất nhiều trong vòng 15 năm gần đây, đặc biệt dưới thời Kim Jong Un. Tình hình cải thiện này không chỉ dừng ở Bình Nhưỡng mà cả các vùng nông thôn đều được hưởng, dù sự thay đổi này càng khiến chênh lệch giầu-nghèo tăng thêm. Một căn hộ đẹp ở Bình Nhưỡng có giá hơn 100.000 euro!
Sự cải thiện kinh tế có nguồn gốc từ đâu?
Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành (1912-1944), mọi người được phân phối theo khẩu phần, thức ăn được phát miễn phí. Dưới thời Kim Jong Il (1941?-2011), rất nhiều người chết vì đói. Còn đến thời Kim Jong Un, đa số người dân không còn nhận khẩu phần nữa mà họ có thời cơ thật sự để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Vì vậy, họ đánh giá cao nhà lãnh đạo trẻ. Ban đầu, Kim Jong Un cũng khiến mọi người nghi ngờ hay khó chịu, nhưng thời gian sau, ông ấy đã áp đặt được phong cách riêng.
Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao sự nổi tiếng của Kim Jong Un, tiếng tăm có thể bốc hơi một chốc một chiều như trường hợp ông Rumani Nicolae Ceausescu từ 1974-1989, năm ông bị xử tử. Ông từng là một trong số các nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất Đông Âu trong thời gian đầu làm chủ tịch nước, trước khi bị biến thành một nhà độc tài cộng sản đáng ghét nhất và bị căm ghét.
Các hành động trên phải chăng cho thấy Kim Jong Un đã chấp nhận nền kinh tế thị trường?
Kim Jong Un hoàn toàn có thể hủy các quyết định của mình bất kỳ lúc nào, nhưng cho đến nay, ông vẫn duy trì. Từ năm 2013, ông ấy đã cho thi hành một chính sách nông nghiệp mới: các nhóm nhỏ, thường là một hoặc hai gia đình, có thể làm việc trên cùng một cánh đồng (vẫn thuộc tài sản Nhà nước) và được giữ một phần thu hoạch. Khoảng 30% thu hoạch sẽ phải nộp cho Nhà nước.
Sau đó, đến năm 2014, Kim Jong Un đã sửa đổi hệ thống giám sát công nghiệp. Từ giờ, các công ty lớn có quyền mua những gì họ cần trên thị trường và bán đồ mà họ sản xuất theo giá do thị trường ấn định. Các công ty này có thể tuyển dụng, sa thải và trả lương, với mức lương tại một số doanh nghiệp thành công, cao hơn rất nhiều so với trước đây, khoảng 30-100 euro/tháng. Nếu anh là một doanh nhân tại Bắc Triều Tiên, chưa bao giờ cuộc sống của anh lại an toàn và thịnh vượng đến như vậy và cảnh sát không truy bắt anh.
Điều này cũng có nghĩa là chế độ kiểm soát dân chúng ngày càng khó khăn hơn? Liệu đây là một mối nguy hiểm hay mang lợi cho Bình Nhưỡng?
Cách đây 10 năm, có thể tôi sẽ trả lời đây là một vấn đề lớn đối với chế độ: thông qua thị trường, người ta học được những “điều nguy hiểm” về thế giới bên ngoài, về chế độ mà họ đang sống và họ trở thành “phản chế độ”.
Nhưng những người giầu có không muốn cách mạng. Bởi vì các cuộc nổi dậy tác động xấu đến việc kinh doanh và nhiều người trong số họ, trong đó có cả nhiều quan chức, biết rằng khả năng của họ sẽ trở nên lạc hậu trong một nền kinh tế thị trường bình thường. Họ biết lèo lái trong một nền kinh tế xám xịt và mù mịt.
Nếu chế độ sụp đổ, Bắc Triều Tiên sẽ thống nhất với Hàn Quốc và họ sẽ không có bất kỳ cơ hội nào để cạnh tranh được với miền Nam. Có thể hiểu là, Nhà nước Bắc Triều Tiên là vỏ bọc bảo vệ họ, giúp họ phát triển. Tầng lớp tư sản mới cần Nhà nước, cũng như các thành viên có thế lực của đảng.
Tầng lớp tư sản mới này có ủng hộ tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên không?
Họ có thể chỉ trích về chính phủ, nhưng họ yêu đất nước dù vẫn còn nghèo, nhưng nổi bật nhờ phát triển hạt nhân. Ngoài ra, nếu nhiều người cho rằng phát triển vũ khí nguyên tử rất tốn kém, còn họ lại thấy còn rẻ hơn và hiệu quả hơn so với việc duy trì vũ khí thông thường. Họ nghĩ rằng khi đã hoàn thành lực lượng tấn công bằng vũ khí hạt nhân, đất nước họ sẽ tập trung tiềm lực vào phát triển kinh tế.
Tại sao các cường quốc thế giới không thể ngăn được Bình Nhưỡng phát triển vũ khí nguyên tử?
Bình Nhưỡng nghĩ rằng nếu họ có loại vũ khí đó, họ sẽ không bị tấn công. Ví dụ trường hợp Libya, vào năm 2003, Mouammar Kadhafi chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy những lời hứa về lợi ích kinh tế, đây cũng là điều mà phương Tây đề xuất với Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, Kadhafi bị hạ sát năm 2011, nhiều người thân cận cũng chịu chung số phận.
Bình Nhưỡng cho rằng nếu họ có vũ khí nguyên tử, không một nước nào dám can thiệp vào tình hình lục đục nội bộ; như trường hợp Libya, nếu như lực lượng của Kadhafi tàn sát người bạo động thì họ có lẽ vẫn đang cầm quyền. Một trường hợp khác là bán đảo Crimée, trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994, Ukraina nhận được lời hứa toàn vẹn lãnh thổ đổi lại việc từ bỏ kho hạt nhân thời Xô Viết. Kết quả là bán đảo Crimée của Ukraina bị Nga sáp nhập năm 2014.
Vậy mục tiêu để Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hoá là điều không tưởng?
Một nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên không thể xem xét từ bỏ hạt nhân được, vì điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận cái chết. Đây không phải là sự ám ảnh, mà họ biết rằng không có hạt nhân, họ sẽ không còn nắm quyền. Khác với người cha, Kim Jong Un không tuyên bố từ bỏ một phần một cách tượng trưng mà còn có tham vọng đạt được phiên bản thu nhỏ như các cường quốc Mỹ, Nga, Pháp đã đạt được. Kim Jong Un muốn có đội tầu ngầm chiến lược được trang bị vũ khí và tên lửa xuyên lục địa, có nghĩa là một lực lượng quân sự thật sự.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã cố thuyết phục Kim Jong Un, nhưng không thành công? Có phải Bắc Kinh ngây thơ quá không?
Người Trung Quốc nắm rõ hệ thống Bắc Triều Tiên hơn bất kỳ ai, nhưng lại không hiểu rõ hoàn toàn. Vấn đề là nếu Trung Quốc thật sự gây sức ép bằng cách ngừng trao đổi thương mại, nền kinh tế Bắc Triều Tiên sẽ bị bóp nghẹt. Kết quả là nạn đói xảy ra trên diện rộng. Và sau khi có hàng trăm nghìn người chết sẽ là một cuộc nổi dậy. Điều này sẽ không xảy ra, vì nếu nền kinh tế Bắc Triều Tiên chỉ hơi chao đảo, Bắc Kinh sẽ ứng cứu tức thì. Trung Quốc chiếm đến 90% ngoại thương của Bắc Triều Tiên nhưng lại không thu được lợi nhuận kinh tế, vì người Bắc Triều Tiên rất mánh khoé lừa người nước ngoài. Năm 2012, Bình Nhưỡng đã cướp trắng một doanh nghiệp Trung Quốc, công ty Tích Dương (Xiyang). Công ty này đầu từ 40 triệu đô la vào một khu khai thác quặng sắt. Ngay khi công ty nước ngoài kiếm được tiền, Bắc Triều Tiên tìm cách tịch biên tài sản. Ngược lại, Trung Quốc đạt được quyền lợi chiến lược.
Tại sao Trung Quốc không “thả” chế độ Bình Nhưỡng?
Dường như, về quan điểm từ phía Trung Quốc, sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên là một mối bận tâm quan trọng. Trung Quốc miễn cưỡng chấp nhận một Bắc Triều Tiên có hạt nhân, vì nếu không phải vậy, chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ hay hai miền thống nhất và nằm trong vòng kiểm soát của Hàn Quốc, nơi có đến 28.000 quân nhân Mỹ đồn trú.
Một Bắc Triều Tiên tỏ ra nguy hiểm, một Bắc Triều Tiên rơi vào nội chiến hay một Bắc Triều Tiên bị Hàn Quốc nuốt gọn, cả ba kịch bản này đều không có lợi cho Trung Quốc. Thế nhưng, nếu phải chọn, Bắc Kinh sẽ hướng theo kịch bản thứ nhất. Chế độ Bắc Triều Tiên cho rằng dù họ có làm gì thì Trung Quốc sẽ chấp nhận. Và chắc chắn là họ có lý.
Kim Jong Un đã thanh trừng hàng loạt trong vòng 5 năm cầm quyền. Ông ấy nhắm vào ai?
Phần lớn là cán bộ trong ngành an ninh, bị coi là các thành phần nguy hiểm vì họ đánh giá Kim Jong Un là một chàng trai béo tròn và không đề cao ông. Kim Jong Un đã khiến hệ thống quân sự đủ sợ để các tướng lĩnh không làm gì đe dọa đến quyền lực của mình. Nhưng Kim Jong Un không hề động đến các nhà quản lý kinh tế.
Các cá nhân trong chính quyền Bắc Triều Tiên nghi ngờ nhau đến mức nào?
Mức nghi kị nhau rất cao vì nếu anh muốn được thăng chức, có một cách rất đơn giản là loại một người ngáng đường: chỉ cần “mách” lại là người đó đã nói điều gì không phải, và người này sẽ bị trừ khử. Có bao nhiêu người đã bị hành quyết từ năm 1953? Người ta không biết, nhưng có thể là vài chục, thậm chí là vài trăm nghìn người.
Một số quan chức đã đào tẩu sang Hàn Quốc, trong đó có nhân vật số 2 của đại sứ Bắc Triều Tiên ở Luân Đôn. Đây có phải là một dấu hiệu không?
Liệu điều này có đủ làm lung lay chế độ không? Có thể, nhưng tôi không tin. Làn sóng đào tẩu này có thể đoán trước được, vì với loạt thanh trừng quan chức cao cấp thì hoàn toàn lô-gic là một số người, ở hàng ngũ thấp hơn, chọn cách bỏ trốn. Nếu người bảo hộ của anh là nạn nhân của vụ thanh trừng, thì anh hoàn toàn có thể là người tiếp theo. Nhà lãnh đạo trẻ khá mạnh tay vì từ những năm 1960, giới tinh hoa quân đội chưa gặp trường hợp này bao giờ. Thế nhưng, những người bình thường lại không trực tiếp bị nhắm đến.

Bắc Triều Tiên tập trận giả định tấn công Hàn Quốc

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vào ngày 01/12/2016, đã đích thân chỉ huy một cuộc tập trận pháo binh rầm rộ, giả định những cuộc tấn công vào Hàn Quốc và một số mục tiêu khác. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 02/12, tiết lộ một số biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bình Nhưỡng, do việc Bắc Triều Tiên đẩy mạnh chương trình hạt nhân.
Theo hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA, được AFP trích dẫn, nhiều giàn đại pháo đã được triển khai trong đợt tập trận này. Bài tập nhắm vào 5 hòn đảo Hàn Quốc ở vùng biên giới cũng như « các cơ quan lãnh đạo phản động » ở Seoul và tại nhiều thành phố khác ở Hàn Quốc.
Chỉ huy cuộc thao diễn ngày 01/12, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã đe dọa : « Nếu nổ ra chiến tranh, những cuộc tấn công này sẽ tiêu diệt lực lượng Hàn Quốc, ý chí kháng cự của họ sẽ bị hủy diệt ngay vào lúc khởi đầu. Không ai có thể sống sót ».
Cuộc tập trận được tung ra vài giờ sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua một nghị quyết mới trừng phạt cuộc thử nghiêm hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng tiến hành tháng 09/2016. Văn kiện được Mỹ đệ trình sau 3 tháng thương lượng gay go với Trung Quốc nhằm giới hạn mức xuất khẩu than, nguồn thu nhập ngoại tệ chính của Bắc Triều Tiên.
Riêng Hàn Quốc vào ngày 02/12 đã tiết lộ những biện pháp trừng phạt của riêng mình nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, thêm một số tên nhân vật và tổ chức vào danh sách đen.
Cùng ngày, Nhật Bản cũng đưa ra quyết định tương tự và còn có thêm biện pháp cấm cập bến Nhật Bản tất cả những chiếc tàu đã ghé cảng Bắc Triều Tiên, kể cả tàu Nhật.
Vào hôm thứ Tư, 30/11, Hội Đồng Bảo An đã thúc giục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng phía Bắc Triều Tiên đã đáp trả, cho là các biện pháp trừng phạt chỉ khiến họ « tăng cường những biện pháp tự vệ ».

Syria : Damas phái lực lượng tinh nhuệ đến Aleppo

Sau khi chiếm được nhiều khu phố đông Aleppo từ tay quân nổi dậy, quân đội Syria đã phái các đơn vị thiện chiến đến tăng viện cho lực lượng tấn công Aleppo, để nhanh chóng triệt hạ hoàn toàn thành trì của đối phương. Damas đã triển khai hàng trăm người thuộc lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa và Sư Đoàn 4 trong các khu phố đông dân cư nhất ở đông Aleppo.
Giới quan sát không còn chút nghi ngờ nào về kết cục cuộc chiến, quân nổi dậy không thể chịu nổi sức tấn công của quân đội Syria và đồng minh của họ. Nga vào hôm qua đã đề nghị mở 4 hành lang nhân đạo để di tản khoảng 400 người bị thương. Trong 2 tuần lễ qua, chiến sự đã làm 300 người thiệt mạng. Theo Liên Hiệp Quốc, đến nay đã có 30.000 người chạy khỏi Aleppo.
Thông tín viên RFI, Paul Khalifeh, từ Beyrouth cho biết tình hình :
” Các vụ không kích và pháo kích đã giảm cường độ hôm qua, do cơn bão đổ xuống Syria, nhưng những trận đụng độ dưới đất thì mãnh liệt hơn, đặc biệt tập trung vào khu phố Cheikh Said, vùng cực đông nam thành phố, nơi mà quân đội Syria đã có những bước tiến đáng kể.
Quân đội Syria đã triển khai hàng trăm quân tinh nhuệ, tham chiến bên cạnh lực lượng Hezbollah Liban, dân quân Shia Irak và cả các đơn vị người Palestine.
Phía quân nổi dậy cũng chuẩn bị đọ sức trên đường phố : Các trận đánh sẽ ác liệt hơn khi chiến sự lan đến khu phố cổ. Theo ước tính của tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, phe nổi dậy có khoảng 13.000 quân trong Aleppo, bị 30.000 lính Syria và đồng minh bao vây.
Do thời tiết xấu, số dân chúng chạy lánh nạn cũng có phần giảm bớt vào hôm qua. Cho đến giờ, khoảng 50.000 người đã rời bỏ khu vực do quân nổi dậy kiểm soát để chạy sang khu vực trong tay chính quyền Damas ở phía tây hay trong tay người Kurdistan ở phía bắc.
Thế nhưng vẫn còn chừng 200.000 người bị kẹt lại trong vùng do quân nổi dậy kiểm soát. Họ phải sống dưới bom đạn trong những điều kiện thật khủng khiếp “.

Mỹ: D. Trump chọn tướng chống Iran

làm bộ trưởng Quốc Phòng

Ngày 01/12/2016, tổng thống tân cử Mỹ thông báo đã chọn đại tướng James Mattis chỉ huy Lầu Năm Góc. Vị tướng Thủy Quân Lục Chiến bốn sao này, hồi hưu từ ba năm nay, có lập trường chống lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Cùng ngày, Thượng viện Mỹ, biểu quyết triển hạn thêm 10 năm lệnh cấm vận Iran. Lập trường chống Iran tại Mỹ được củng cố.
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình :
« Iran là hồ sơ mà lập trường của Donald Trump và tướng James Mattis hoàn toàn cứng rắn như nhau. Tướng James Mattis không bao giờ che dấu sự hoài nghi của ông đối với thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ông nhận định : « Teheran là mối đe dọa thường trực đối với Hoa Kỳ » và « vị tổng thống mới sẽ phải đương đầu với một thứ cửa hàng tạp hóa lạ đời ». Quan điểm này đã có chỗ tựa để gây tác động lên hồ sơ Iran.
Để có thể được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng James Mattis cần phải được Quốc Hội lưỡng viện đồng ý phá lệ. Theo luật Mỹ, một quân nhân muốn nhận chức vụ chính trị phải rời quân đội trước ngày đó 7 năm.Vị tướng Thủy Quân Lục Chiến này sau hai đợt tham chiến tại Irak và Afghanistan, về làm tư lệnh tối cao NATO và mới giải ngũ vào năm 2013. 
Những người biết tính khí của ông lo ngại sẽ xảy ra xung khắc với tổng thống tương lai và nhất là với các cố vấn của ông Trump. 
Tướng James Mattis không có thói quen nhượng bộ. Binh sĩ dưới quyền gọi ông là « tu sĩ lính chiến » hay « chó điên » một cách trìu mến. Tổng thống tân cử Donald Trump không ngần ngại dùng biệt danh này để mô tả bộ trưởng Quốc Phòng tương lai ».
Quốc hội Mỹ triển hạn thêm 10 năm cấm vận Iran
Tên tuổi một nhân vật cứng rắn với Iran làm bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ được thông báo cùng ngày với quyết định của Quốc Hội Mỹ gia hạn thêm 10 năm lệnh trừng phạt Iran. Với đa số áp đảo 99 phiếu thuận, không phiếu chống, Thượng Viện Mỹ đã thông qua biện pháp đã được Hạ Viện biểu quyết.
Nhà Trắng cho biết tổng thống Barack Obama sẽ ký ban hành cho dù Iran, qua phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Bahram Ghasemi, kêu gọi tổng thống sắp mãn nhiệm dùng quyền phủ quyết.
Trong lãnh vực kinh tế, tổng thống tân cử Donald Trump nhân lúc viếng thăm một công ty chế tạo máy điều hòa nhiệt độ ở bang Indiana, đưa ra điều mà ông gọi là « giải pháp bảo vệ việc làm cho người Mỹ » : vừa hứa hẹn vừa đe dọa. Công ty ở lại trong nước được bớt thuế. Xí nghiệp dời ra nước ngoài sẽ bị mất các hợp đồng với chính phủ liên bang và bị đánh thuế cao sản phẩm tái nhập khẩu.

Europol : Khủng bố có thể tấn công châu Âu bằng xe bom

Các mạng lưới thánh chiến như tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech có thể thay đổi chiến thuật để có thể tấn công đẫm máu hơn tại châu Âu như ở Irak. Theo cảnh sát châu Âu Europol, xe bom có thể là vũ khí mới của thánh chiến Hồi Giáo.
Theo AFP, trong bản phúc trình được công bố vào ngày 02/12/2016 tại La Haye, trụ sở của Europol tại Hà Lan, cơ quan cảnh sát châu Âu cho biết thì tới thời điểm này « dùng bom tự chế hay chế tạo thuốc nổ bằng hóa chất mua trên thị trường để làm xe bom tấn công như ở Syria và Irak chưa được Daech thi hành tại châu Âu ». Tuy nhiên, do xu hướng những tay khủng bố tại châu Âu bắt chước cách thức tấn công tại Trung Đông, Europol không loại trừ khả năng « một ngày nào đó Daech sẽ ra tay tại châu Âu bằng xe bom ».
Cụ thể là những thủ phạm tấn công tự sát ở Paris và Bruxelles thoạt đầu đã tính sử dụng xe gài chất nổ nhưng sau đó chúng phải đổi kế hoạch vì cảnh sát can thiệp.
Vào tháng 09/2016, một chiếc xe du lịch chở nhiều bình gas đậu gần Nhà Thờ Đức Bà (Paris) được phát hiện kịp lúc. Toán « biệt động » gồm ba phụ nữ, nhận lệnh từ Daech ở Syria tiến hành âm mưu này, bị cảnh sát Pháp bắt được sau đó. Trong năm 2015, các cơ quan an ninh ở châu âu đã bắt được 667 nghi can họat động thánh chiến.
Europol và giới chuyên gia chống khủng bố lo ngại sau Syria, đến lượt Libya trở thành một căn cứ hậu cần thứ hai của Daech, từ đó chúng tấn công vào Bắc Phi và Liên Hiệp Châu Âu.

Trump và Putin, cặp bài trùng

Đây là nhận định của Frederic Autran, thông tín viên của tờ Libération, tại Washington trong số báo ra ngày 25/11/2016. Trong số tất cả các nước trên thế giới, dường như Nga là quốc gia hài lòng nhất về thắng lợi của Donald Trump, với hy vọng hâm nóng lại mối quan hệ song phương có lợi cho Matxcơva.
Cũng có thể đó là nước duy nhất. Vào giữa tháng 10/2016, vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, viện Gallup đã hỏi gần 50 ngàn công dân thuộc 45 nước bầu chọn Hillary Clinton hay Donald Trump. Ở khắp nơi, ứng viên của đảng Dân Chủ đều giành thắng lợi áp đảo, trừ tại Nga. Tại đây, nhà tỷ phú đã dẫn đầu, vượt đối thủ hơn 20 điểm.
Nếu như tại Nga, triển vọng thời kỳ Trump làm tổng thống có sức « quyến rũ » hơn là gây lo ngại, đó là bởi vì nhiều người coi đây là một cơ hội sưởi ấm mối quan hệ giá lạnh giữa Matxcơva và Washington, vốn xuống rất thấp kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Vả lại, ngày 14/11, sau cuộc điện đàm đầu tiên, Vladimir Putin và Donald Trump cũng không nói điều gì khác.
Theo điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo « có cùng nhận định không mấy hài lòng về tình trạng mối quan hệ Nga-Mỹ và cả hai cùng tuyên bố sẽ làm việc tích cực với nhau để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước ». Về phần mình, nhóm cộng sự của tổng thống Mỹ tương lai đã nhấn mạnh đến quyết tâm của Trump xây dựng « mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững với Nga và với nhân dân Nga ».
Phải chăng nhà tỷ phú phần nào phải chịu ơn Matxcơva về thắng lợi của mình ? Không thể khẳng định được điều này một cách chắc chắn và nếu nghĩ như vậy thì dường như lại quá coi trọng ảnh hưởng của Putin. Thế nhưng, có một điều chắc chắn : từ trước đến nay, chưa bao giờ bóng ma nước Nga lại ám ảnh chiến dịch tổng thống Mỹ, một đối thủ lớn của nước Nga, đến như vậy. Donald Trump –không hề che giấu sự kính nể và một số người còn nói đến sự ngưỡng mộ – đã có những phát biểu tốt đẹp dành cho Vladimir Putin.
Donald Trump đã thường xuyên nhấn mạnh, « ông ta (Putin) là một nhà lãnh đạo tốt hơn tổng thống của chúng ta », và đề cao hình ảnh toàn trị của chủ nhân điện Kremlin để chỉ trích những điểm được cho là yếu kém của Barack Obama. Rồi còn có những hành động tấn công của tin tặc Nga đánh cắp thư điện tử của đảng Dân Chủ và của John Podesta, lãnh đạo chiến dịch vận động tranh cử của Hillary Clinton, và sau đó bị WikiLeaks tung lên mạng.
Đầu tháng 10/2016, các cơ quan tình báo Mỹ đã cáo buộc chính phủ Nga đứng sau các vụ tấn công tin học và tìm cách can thiệp vào tiến trình bầu cử tại Mỹ. Trong một thông cáo hiếm thấy, các cơ quan tình báo liên bang nhấn mạnh : « Do quy mô và mức độ nhậy cảm của các ý đồ, chúng tôi nghĩ rằng chỉ có những quan chức cao cấp của Nga mới có thể cho phép những hoạt động này ».
« Chuyện tầm phào »
Bất chấp những kết luận của tình báo Mỹ, mà Nga coi là « chuyện tào lao, tầm phào », Trump đã từ chối thừa nhận vai trò của Matxcơva trong các vụ tin tặc này. Đối với một số người, sự chối bỏ này lại càng làm tăng thêm nghi ngờ về mối quan hệ bí mật giữa chính phủ Nga và chiến dịch tranh cử của Trump. Vả lại, ngay sau khi nhà tỷ phú đắc cử, thứ trưởng ngoại giao Nga Sergeui Ryabkov thừa nhận là đã có những « tiếp xúc » với nhóm cộng sự của Trump trong thời gian vận động tranh cử.
Ông Ryabkov nói : « Đương nhiên, chúng tôi quen biết phần lớn những người trong nhóm thân cận của ông Trump ». Phát ngôn viên của Trump đã kiên quyết bác bỏ những phát biểu này. Dẫu sao, thì cũng có những nghi ngờ đối với Paul Manafort, phụ trách chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Tám và đặc biệt là có liên quan đến các nhóm thế lực Ukraina thân Nga.
Cũng như trên nhiều hồ sơ khác, tiên đoán chính sách của Trump đối với Nga chỉ là một sự diễn dịch, ngoại suy. Cuộc gặp đầu tiên của Trump với Putin, cho dù ở Matxcơva hay Washington, sẽ được theo dõi rất chặt. Về phía Nga, người ta đang mường tượng ra điều mà Kremlin hy vọng có được từ phía tân chính quyền Mỹ : trước tiên là bãi bỏ cấm vận kinh tế đối với Nga, kể từ sau vụ sáp nhập Crimée.
Nếu Trump lao theo hướng đó, thì sự đồng thuận vốn mong manh giữa châu Âu và Mỹ trên hồ sơ này chắc chắn sẽ tan vỡ. Cũng trong hồ sơ Ukraina, liệu vị tổng thống tương lai của nước Mỹ có thể đi xa đến mức chính thức thừa nhận việc sáp nhập Crimée vào Nga hay không ? Dù thế nào đi chăng nữa thì hồi tháng Bẩy vừa qua, Trump đã tuyên bố : « Theo những gì mà tôi nghe thấy, thì người dân Crimée mong muốn thuộc về nước Nga ».
Mariya Omelicheva, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Kansas dự báo, « chính phủ Trump chắc sẽ giảm mức độ ủng hộ Ukraina, Gruzia và các nước cộng hòa hậu Xô Viết khác, điều này sẽ giúp cho Nga được tự do hơn trong việc theo đuổi bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình tại những quốc gia này. Bãi bỏ trừng phạt giáng vào Nga do sáp nhập Crimée và liên tục ủng hộ phiến quân ở miền đông Ukraina, sẽ là phần thưởng quý nhất đối với Nga ».
« Những khác biệt tinh tế »
Trong vấn đề Syria, Trump đã nhiều lần tuyên bố mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với Matxcơva để chống lại các lực lượng thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo có hiệu quả hơn. Trump trấn an là có một « kế hoạch bí mật » đối với khu vực này, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Tuy vậy, ông lại hàm ý rằng phe đối lập ôn hòa Syria, được chính quyền Obama ủng hộ, không nằm trong kế hoạch nói trên. Gần đây, trên Wall Street Journal, ông nói : « Chúng ta ủng hộ phe nổi dậy chống lại chế độ Syria nhưng chúng ta không hề biết họ là ai ».
Việc xích lại gần Nga mà Trump chủ trương, nếu điều này được khẳng định, có thể làm dấy lên những rối loạn trong phe Cộng Hòa, bởi vì nhiều người – kể cả phó tổng thống Mike Pence – rất phàn nàn về thái độ của Matxcơva ở Đông Âu và Syria. Việc gia tăng hợp tác chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa các trao đổi quân sự và thông tin tình báo và đây là điều mà nhiều quan chức của bộ Quốc Phòng Mỹ phản đối mạnh mẽ.
Ngoài ra, Max Boot, thuộc Hội đồng Đối ngoại, một tổ chức tư vấn chuyên về chính sách đối ngoại, chỉ trích trò chơi hai mặt của Matxcơva. Ông nói, các vụ tấn công vào Aleppo « cho thấy là Nga có ý định tiêu diệt phe nổi dậy Syria hơn là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bởi vì Matxcơva cho rằng phe nổi dậy ôn hòa cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với Bachar Al Assad. Thế nhưng, đối với vị tổng thống đắc cử (Donald Trump) chắc là không có những khác biệt tinh tế này ».
Có một điều chắc chắn : Trump sẽ không phải là vị tổng thống Mỹ đầu tiên tìm cách tạo ra một xung khí mới cho quan hệ Mỹ-Nga. Trước ông ta, George W Bush và Barack Obama – với ý định tái khởi động – đã hồ hởi tiến hành nhưng không thành. Các nỗ lực của họ đã tiêu tan do Nga xâm lược Gruzia vào năm 2008, rồi Ukraina năm 2014. Nếu xẩy ra một cuộc xâm lược thứ ba trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, có thể Donald Trump sẽ không phật ý.

Indonesia: Hai trăm ngàn người Hồi Giáo

đòi “bỏ tù” đô trưởng Djakarta

Thành phần Hồi Giáo cực đoan Indonesia lại tổ chức xuống đường chống đô trưởng Djakarta, một tín đồ Thiên Chúa giáo bị cáo buộc « báng bổ » đạo Hồi. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lần thứ hai của phe cực đoan tại quốc gia có đông tín đồ Hồi Giáo nhất địa cầu nhưng có truyền thống ôn hòa.
Theo AFP, từ sáng ngày 02/12/2016, có ít nhất 200.000 người, đa số mặc y phục trắng, tập trung ở trung tâm thủ đô Jakarta trước khi tuần hành. Họ cầm biểu ngữ đòi « bỏ tù Ahok »biệt danh của đô trưởng Basuki Thahaja Purmana. An ninh phải huy động một lực lượng đông đảo, với 22.000 cảnh sát viên và quân nhân đề phòng xảy ra bạo động như trong cuộc biểu tình lần trước ngày 04/11.
Chỉ vì lời tuyên bố « một số giáo sĩ đạo Hồi đã diễn dịch sai kinh Coran khi cho rằng tín đồ đạo Hồi chỉ bầu cho người theo đạo của mình », đô trưởng gốc Hoa Ahok đã gây ra một làn sóng chống đối. Nhà chính trị Indonesia thuộc cộng đồng thiểu số, gốc Hoa và theo đạo Thiên Chúa, đã xin lỗi nhưng các nhóm cực đoan vẫn không giảm áp lực. Hai tuần sau cuộc biểu tình lần thứ nhất, đô trưởng Jakarta bị tư pháp truy tố với tội danh « báng bổ » đạo Hồi.
Đối với các nhà quan sát, vụ việc này có thể xem là một cuộc trắc nghiệm về tính bao dung tín ngưỡng tại Indonesia trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ tấn công nhà thờ Thiên Chúa giáo. Theo dự báo thăm dò ý kiến, kết quả cuộc bầu cử đô trưởng vào tháng 02/2017 sẽ rất khít khao.

Hàn Quốc : Đối lập kiến nghị truất phế tổng thống

Kiến nghị bãi nhiệm tổng thống Park Geun Hye đã được đệ trình Quốc Hội Hàn Quốc ngày 02/12/2016 để được biểu quyết vào tuần tới. Ba đảng đối lập chính muốn tổng thống từ chức trước ngày 07/12.
Theo AFP, đối lập Hàn Quốc quyết định tiến hành thủ tục truất phế tổng thống Park Geun Hye. Bị công tố xem là « đồng lõa » với một nữ cố vấn thân cận tham ô và lạm quyền, bà Park Geun Hye tuyên bố để cho Quốc Hội định đoạt số phận và sẵn sàng ra đi trước khi hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đối lập nghi ngờ tổng thống và phe đa số dùng kế « hoãn binh ».
Ngày 02/12, ba đảng đối lập chính thông báo đệ trình Quốc Hội kiến nghị truất phế bà Park Geun Hye và nỗ lực vận động phe thân chính phủ ủng hộ. Buổi thảo luận « luận tội » tổng thống dự kiến vào ngày 09/12 theo truyền thông Hàn Quốc.
Để nghị quyết được thông qua, cần phải hội đủ đa số hai phần ba trong khi phe đối lập và độc lập chỉ có 171 ghế trên 300 đại biểu Quốc Hội. Theo dân biểu Park Jie Won (đảng Nhân Dân), đối lập đang tích cực vận động các đại biểu của đảng bảo thủ cầm quyền Thế Giới Mới Saenuri để có thêm 30 phiếu thuận.
Trong khi đó, đảng cầm quyền cho tổng thống một tuần lễ để quyết định : thông báo từ chức vào tháng 04/2017 để hai tháng sau đó, Hàn Quốc bầu tổng thống mới.

Bruxelles thành lập Quỹ quốc phòng châu Âu

Ủy Ban Châu Âu, ngày hôm qua, 30/11/2016, công bố kế hoạch hành động trong lĩnh vực quốc phòng trong đó có việc thành lập một quỹ chung nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về quốc phòng và cùng sử dụng các thiết bị quân sự, cho phép tiết kiệm hàng tỷ euro trong bối cảnh các nước cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Từ Bruxelles, thông tín viên Joana Hostein cho biết thêm thông tin :
Thông cáo của Ủy Ban Châu Âu không hề nói tới việc thành lập một quân đội châu Âu hay một ban tham mưu chung… Để tránh gây khó khăn cho các nước thành viên, Ủy Ban Châu Âu đã quyết định tập trung vào khía cạnh tài chính. Do vậy, Ủy Ban đề nghị thành lập một quỹ chung châu Âu để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực quốc phòng. Các khoản tài chính sẽ được huy động cho mục tiêu này : 25 triệu euro trong năm 2017 và 90 triệu từ nay đến năm 2020.
Ủy Ban cũng kêu gọi các nước thành viên hãy phối hợp, cùng nhau mua các thiết bị quân sự, qua đó, giúp phát triển các ngành công nghiệp quy mô. Mục tiêu của châu Âu là có được sự tự chủ chiến lược về an ninh và quốc phòng, vào lúc nước Nga ngày càng trở nên đáng gờm hơn, và cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ châu Âu dường như không còn chắc chắn rõ ràng như trước nữa.
Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jyrki Katainen nhấn mạnh : Tôi xin nói rõ là kết hoạch này không có gì liên quan đến các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã thảo luận nhiều với các nước thành viên và tất cả mọi người đều nói rằng các nước châu Âu không có phương tiện để bảo vệ công dân của mình, nếu không hợp tác với nhau trong lĩnh vực quốc phòng.
Trong những năm qua, các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã giảm chi tiêu quân sự hơn 10%. Thế nhưng, việc cắt giảm này lại không được bù đắp bằng cách tăng cường hợp tác giữa các nước. Theo tính toán của Bruxelles, do thiếu hợp tác, châu Âu đã tốn kém ít nhất là 25 tỷ euro mỗi năm.

Ông Trump và lễ nhậm chức triệu đô

Có nhiều thứ trong lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Ví dụ như một bữa trưa “độc quyền” với những người được bổ nhiệm vào nội các, một bữa tối “riêng tư” với Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence và phu nhân, hay một “bữa trưa quý cô” với các thành viên nữ trong đệ nhất gia đình Trump.
Theo The New York Times, đó là những “đặc quyền” mà các nhà tài trợ lớn sẽ được hưởng khi mở hầu bao chi từ 25 ngàn đến 1 triệu đôla đóng góp cho các sự kiện xung quanh lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump.
Nhóm của ông Trump hy vọng sẽ lập lỷ lục với số tiền quyên góp khoảng 65-75 triệu đôla vào cuối tháng Giêng để tài trợ cho một danh sách các sự kiện từ ngày 17-21/1 cho hàng triệu khách du lịch đổ về thủ đô Washington.
Đại úy James Van Thach, người mang hai dòng máu Việt-Mỹ, từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, cho biết qua email rằng hiện anh không thể tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống vì đang làm tình nguyện viên cố vấn phòng chống tự tử cho Cựu chiến binh và dân thường cũng như dạy lịch sử Chiến tranh Việt Nam và Quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đại úy James Van Thach cho biết, nếu được cung cấp một vé VIP cùng chi phí đi lại, anh cũng muốn tham dự.
Tổng cộng có 20 lựa chọn chia thành 5 gói vé khác nhau dao động từ 25 ngàn đến trên 1 triệu đôla. Với khoản tiền quyên góp từ 25-99 ngàn đôla sẽ bao gồm 2 vé tham dự lễ tuyên thệ của tân Tổng thống. Và với khoản tiền từ 1 triệu đôla trở lên, người đóng góp sẽ có 8 vé VIP tham dự lễ diễu hành nhậm chức, hòa nhạc và pháo hoa, khiêu vũ và lễ tiếp đón “tràn ngập hoạt động giải trí” cùng nhiều hoạt động khác.
Những nhà tài trợ sẵn sàng chi bạo với khoản tiền lên đến một triệu đôla được quyền tiếp cận một số trong những người giàu nhất nước Mỹ, các tập đoàn quyền lực và cơ hội gặp ông Trump và những người thân tín trong thời gian chuyển giao quyền lực.
Đại úy Van Thach cho biết, anh trông đợi vào tính dân chủ trong thời kỳ chuyển giao quyền lực nhằm mang tới sự thành công của đất nước trong tương lai, và rất vui vì các phe phái chính trị đang nỗ lực để mang lại điều đó.
Cựu quân nhân gốc Việt trích phát biểu của Tổng thống Obama đã nói trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng, chúng ta sẽ giúp ông Trump trong quá trình chuyển giao bởi vì thành công của ông ấy chính là thành công của chúng ta, của quốc gia.
Trước nhiệm kỳ Tổng thống mới, Đại úy Van Thach hy vọng vào việc cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ. Anh viết: “Là một người gốc Việt, tất nhiên tương lai của mối quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam là quan trọng bởi vì các chính phủ cần tập trung vào “mục tiêu” có thể đạt được, bởi vì chúng ta còn nợ điều đó với tất cả các Cựu chiến binh đã hy sinh mạng sống của họ trong chiến tranh. Bên cạnh chính trị, chúng ta có thể tập trung vào vấn đề con người. Chúng ta có thể đồng ý rằng cuộc sống là không hoàn hảo nhưng tập trung vào những gì chúng ta có thể làm để cải thiện nền tảng tình hình hiện tại mà cả hai bên có thể thỏa hiệp và cùng giữ lời hứa.”
Lễ nhậm chức của tân Tổng thống sẽ diễn ra vào lúc 12 giờ trưa ngày 20/1. Trong trường hợp ngày 20 rơi vào cuối tuần thì lễ nhậm chức sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai của tuần kế tiếp.
Sau lễ tuyên thệ, tân Tổng thống sẽ có bài diễn văn kéo dài khoảng 20 phút với những tuyên bố về chính sách. Sau đó là lễ diễu hành nhậm chức và tân Tổng thống chính thức chuyển vào Tòa Bạch Ốc.

Ông Trump hứa đoàn kết đất nước

trong cuộc mít tinh ở Ohio

Greg Flakus
CINCINNATI, OHIO —
Tổng thống tân cử Donald Trump hôm thứ Năm 01/12, đã tạm ngưng công việc chuẩn bị cho tiến trình chuyển tiếp để đến gặp cử tri tại một cuộc mít tinh ở thành phố Cincinnati, bang Ohio. Hàng ngàn người đã đến dự, trong không khí giống như các cuộc tập họp chính trị trong chiến dịch vận động tranh cử. Đây là cuộc tập họp đầu tiên trong một loạt cuộc mít tinh sẽ được thực hiện trên toàn quốc để ông Trump cám ơn cử tri đã ủng hộ ông và tái khẳng định những gì ông đã hứa với họ. Nhưng theo tường trình từ Cincinnati của thông tín viên Greg Flakus của đài VOA, thì ông Trump cũng thừa nhận rằng chiến thắng của ông đã gây chia rẽ trong dân chúng Mỹ, và tác động của tình trạng chia rẽ đó trong những ngày sắp tới.
Mặc dù đã đắc cử và chiến dịch vận động tranh cử đã kết thúc, Tổng thống tân cử Donald Trump một lần nữa đã đến gặp những người ủng hộ để bảo đảm với họ là ông sẽ hoàn thành những gì đã hứa hẹn. Ông nói:
“Chúng tôi sẽ dẹp bỏ những sự lạm dụng trong ngành thương mại đã phương hại tới khả năng cạnh tranh của quý vị và của các doanh nghiệp của quý vị. Thời đó đã chấm dứt.”
Cuộc mít tinh được tổ chức tiếp theo sau quyết định của công ty Carrier, không chuyển khoảng 1.000 việc làm từ một nhà máy của công ty này ở Mỹ sang Mexico sau khi ông Trump gặp gỡ các lãnh đạo của công ty.
Bước hành động đó của ông Trump được sự tán dương của giới cử tri đã ủng hộ ông, như cô Heidi Morris:
“Ông Trump có kỹ năng và kinh nghiệm của một doanh nhân khi ông ngồi vào thương thảo với những người có đầu óc kinh doanh để đi đến hợp đồng làm ăn. Ông Trump biết ông cần nói gì và làm gì để biến những dự định thành hiện thực.”
Nhưng một nhóm mấy mươi người đã tụ tập bên ngoài địa điểm mít tinh để phản ảnh quan điểm của phân nửa dân số Mỹ không có quan điểm tốt đẹp về ông Trump như vậy. Nhiều người lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra sau khi ông chính thức lên nhậm chức vào tháng Giêng tới.
Tại cuộc mít tinh, ông Trump nhắc đến những bất đồng sâu sắc đó và nhu cầu phải hàn gắn chia rẽ:
“Chúng ta sẽ đoàn kết đất nước, sẽ mang tất cả mọi người lại với nhau. Chúng ta sẽ tìm một tiếng nói chung và chúng ta sẽ thực hiện mục tiêu của chúng ta.”
Những người ủng hộ ông Trump, như bà Irene McNulty, tin rằng ông sẽ làm được điều đó:
“Ông Trump không quên chúng tôi. Thường thì một khi đã thắng cử thì chúng tôi chẳng bao giờ gặp lại họ nữa, nhưng ông Trump đã quay trở lại để cám ơn chúng tôi.”
Nhưng những người phản đối, như bà Winnie Boal, có quan điểm hoàn toàn khác:
“Ông ấy có khả năng tập trung ngắn. Chắc ông ấy chán ngán với công việc chuyển giao chính phủ nên muốn đi ra ngoài để được nghe lời tán dương của những người ủng hộ ông.”
Quả vậy không thiếu những lời lẽ bày tỏ sự ngưỡng mộ và tán dương ông ở cuộc mít tinh, nơi ông loan báo quyết định chọn Tướng Thủy quân Lục chiến hồi hưu James “Mad Dog” Mattis làm bộ trưởng quốc phòng.
Mặc dù cuộc mít tính có không khí giống như một cuộc vận động tranh cử, nhiều người ủng hộ ông Trump nói rằng đối với họ, đây cũng là một lời kêu gọi để họ giúp sức hầu có thể hoàn thành nghị trình táo bạo đã thôi thúc họ ủng hộ ông trong cuộc bầu cử vừa rồi.

Hành trình tạ ơn của Tổng thống tân cử Mỹ

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm khởi sự một hành trình để gọi là cảm ơn cử tri, bằng một cuộc tập hợp ở thành phố Cincinnati, bang Ohio, tương tự như các cuộc tập hợp chính trị trong chiến dịch vận động tranh cử của ông.
Vài giờ sau khi rời Ohio, ông sẽ xuất hiện ở bang Indiana để nêu bật một thoả thuận đạt được với công ty sản xuất máy điều hoà không khí Carrier, hầu duy trì 1.000 việc làm cho tiểu bang này.
Theo lịch trình tại Indiana, ông cùng Phó Tổng thống tân cử Mike Pence sẽ đến thăm nhà máy của công ty Carrier ở Indiannapolis, và tại đây sẽ ra loan báo chính thức về thoả thuận với công ty Carrier để họ giữ việc làm lại tại tiểu bang miền trung-tây này, thay vì dời sản xuất sang Mexico.
Một thành viên thuộc uỷ ban chuyển tiếp của ông Trump, ông Anthony Scaramucci, nói đây là một ví dụ thực tiễn về các chính sách kinh tế của Tổng thống tân cử Donald Trump:
“Nếu chúng ta giữ được 1000 việc làm cho công ty Carrier ở bang Indiana, thì coi như chúng ta đã tăng cường thay vì giảm thiểu lực lượng công nhân viên chức đóng thuế cho chính phủ. Thế cho nên ý kiến ở đây là dùng chính sách thuế để kiền tạo thêm việc làm cho giới trung lưu, và tăng lương bổng cho thành phần lao đông.”
Công ty Carrier, một đơn vị của tập đoàn công nghệ United Technologies, trước đó trong năm cho biết sẽ dời các hoạt động sản xuất tại Indiana để giảm chi phí hoạt động.
Hôm qua, thứ Tư 30/11 tập đoàn này ra thông báo cho biết là các yếu tố đã khiến họ thay đổi ý định và duy trì các hoạt động ở Indiana là những biện pháp khích lệ và lời hứa của tân chính phủ Mỹ do ông Trump lãnh đạo, cam kết sẽ “tạo ra một môi trường cạnh tranh hơn cho các doanh nghiệp nội địa.”
Bà Meredith McGehee, nhà phân tích chính sách của nhóm Issue One, một tổ chức phi chính phủ, nhận định rằng quyết định của công ty Carrier là một tin vui, nhưng nêu lên những nghi vấn về ảnh hưởng của quyền lực và tiền bạc đối với chính sách công. Bà nói:
“Những gì xảy ra với công ty Carrier là một ví dụ điển hình về quyền lực vô song của vị trí Tổng thống, và nó chứng tỏ tính cách đặc biệt của diển tiến này và vì sao những vấn đề về xung đột lợi ích lại quan trọng đến như vậy.”
Cả công ty Carrier lẫn ông Trump không cho biết chi tiết về các biện pháp khích lệ, hay những đe doạ có thể được dùng để áp lực công ty Carrier thay đổi ý định, hoặc liệu tập đoàn mẹ United Technologies có sẽ chuyển một số việc làm từ một nhà máy khác ở Indianapolis sang Mexico hay không.
Ông Trump có thể ở trong vị thế có thể tăng sức ép với tập đoàn United Technologies, vốn sở hữu một công ty cung cấp động cơ máy bay phản lực và một phần phải lệ thuộc vào các hợp đồng ký với quân đội Mỹ.
Thoả thuận với Carrier là một thắng lợi đối với ông Trump, trong chiến dịch tranh cử, ông thường xuyên hứa hẹn sẽ ngăn cản các công ty dời sản xuất ra nước ngoài để khai thác lao động giá rẻ, và mang về nước những công việc đã bị xuất khẩu trước đây, bằng cách áp dụng các sắc thuế cao hơn đánh trên các sản phẩm sản xuất ở nước ngoài được mang ra bán trên các thị trường nội địa.
Quốc hội Hàn Quốc hôm thứ Sáu 2/12 loan báo rằng cuộc biểu quyết để luận tội Tổng thống Park Geun-hye đã được hoãn lại cho đến ngày 9 tháng 12.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã bị lôi cuốn vào một vụ tai tiếng tài chính và lạm dụng quyền lực đã làm tan vỡ hình ảnh của bà dưới con mắt của công chúng như một nhà lãnh đạo cương nghị và không thể bị mua chuộc.
Hồi đầu tuần này bà Park đề nghị sẽ từ nhiệm, nhưng các nhà lập pháp đối lập cho rằng đây chỉ là một thủ đoạn chính trị để chặn trước các nỗ lực đòi mang bà ra luận tội. Nếu quả thật đó là một thủ đoạn, thì giới phân tích cho rằng thủ đoạn ấy đã thành công.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, các công tố viên nêu đích danh một Tổng thống đương nhiệm là nghi can trong một cuộc điều tra hình sự.
Các nhà lãnh đạo đối lập trước đó cho biết họ đã đạt hai phần ba đa số cần thiết tại Quốc hội gồm tổng cộng 300 thành viên, để luận tội tổng thống, và đã có kế hoạch tiến hành biểu quyết trong ngày hôm nay, thứ Sáu 2/12. Để đạt 200 phiếu thuận, hai đảng đối lập chính là Đảng Dân chủ Triều Tiên và Đảng Nhân dân Triều Tiên, vốn nắm giữ 159 ghế ở quốc hội, sẽ cần tới sự ủng hộ của một số nhà lập pháp độc lập và các thành viên bất mãn trong đảng Saenuri đang cầm quyền.
Tuy nhiên đề nghị của Tổng thống Park hôm thứ Ba, rằng bà sẽ từ chức với một số điều kiện nhất định đã có tác dụng đoàn kết đảng đương quyền chống biện pháp luận tội, ít nhất là vào lúc này, gây bất bình cho phe đối lập. Bà Choo Mi-ae, Chủ tịch Đảng Dân chủ Triều Tiên nói:
“Các nhà lập pháp của đảng Saenuri không có ý định ủng hộ việc luận tội, ngay cả khi chúng tôi giàn xếp cuộc biểu quyết ngày 9 tháng 12.”
Các nhà lập pháp thuộc Đảng Saenuri hậu thuẫn một kế hoạch để đáp ứng các điều kiện để bà Park từ chức, cụ thể là Quốc hội trước tiên phải giàn xếp một tiến trình chuyển giao quyền lực ổn định. Tiến trình đó gồm việc đề cử một thủ tướng mới và các quan chức tạm quyền khác để điều hành guồng máy chính phủ từ khi bà Park từ chức cho đến khi một tổng thống mới tân cử tuyên thệ nhậm chức.
Ông Chung Jin-suk, lãnh đạo Đảng Saenuri ở Quốc hội cho biết:
“Tất cả các thành viên của đảng Saenuri đã nhất trí ủng hộ giải pháp chuyển giao quyền lực một cách ổn định và giàn xếp một giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp”.
Một số đảng viên đảng Saenuri trước đây ủng hộ giải pháp luận tội đã ra dấu hiệu sẽ xét lại vị thế của họ vào tuần tới, sau khi các bên tranh luận về thời biểu để Tổng thống Park từ chức.
Giới chỉ trích nói rằng Tổng thống Park chỉ tìm cớ hoãn binh để có thể hoàn tất nhiệm kỳ năm năm duy nhất của bà, kết thúc vào đầu năm 2018.
Tiến trình luận tội có thể mất từ sáu đến chín tháng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử để chọn một tổng thống mới. Toà án Hiến pháp trước tiên phải xem xét đề xuất luận tội, một tiến trình có thể mất đến 180 ngày. Nếu được chấp thuận, các nhà lập pháp sau đó sẽ có 60 ngày để sắp xếp một cuộc bầu cử mới.
Nếu bị kết tội, Tổng thống Park sẽ bị đình chỉ nhiệm vụ ngay lập tức và thủ tướng sẽ đứng đầu chính phủ tạm thời.

Nhật, Hàn áp đặt các biện pháp chế tài mới

đối với Bắc Triều Tiên

Hàn Quốc và Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp cấm vận đơn phương đối với Bắc Triều Tiên vì chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của nước này.
Hôm thứ Sáu, hai nước loan báo các biện pháp trừng phạt mới sau khi Bình Nhưỡng thề sẽ trả thù các biện pháp chế tài mới do LHQ đưa ra hồi đầu tuần.
Hàn Quốc và Nhật Bản trước đây đã thi hành các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, các biện pháp mới về phần lớn chỉ mang tính tượng trưng bởi vì trao đổi thương mại giữa Bắc Triều Tiên và hai nước láng giềng hầu như không có do đang áp dụng các biện pháp chế tài hiện nay, nhất là các biện pháp chế tài của LHQ.
Đợt thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Bắc Hàn là nguyên do khiến các nước láng giềng loan báo các biện pháp chế tài mới.
Theo các biện pháp chế tài mới của Seoul là nhắm vào hai phụ tá hàng đầu của ông Kim Jong Un, là ông Choe Ryong Hae và ông Hwang Pyong So.
Hôm thứ Sáu Nhật Bản nói sẽ không cho phép tàu bè đã neo đậu ở các bến cảng của Bắc Triều Tiên tới nước họ. Nhật Bản cũng sẽ đóng băng các tài sản của các cá nhân và tổ chức có liên hệ với các chương trình sản xuất tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Hôm thứ Tư, Hội đồng Bảo an LHQ đã bỏ phiếu kín, nhất trí áp đặt một đợt cấm vận mới với những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân ngày 9/9.
Mục tiêu của các biện pháp chế tài của LHQ là những lĩnh vực kinh tế có thể tài trợ cho các vụ thử hạt nhân, các biện pháp này sẽ khiến chính quyền Bình Nhưỡng thất thu khoảng 800 triệu đôla hàng năm, tương đương với ¼ tổng thu nhập do xuất khẩu mang lại.
Nghị quyết của LHQ tập trung vào việc giới hạn xuất khẩu than của Bình Nhưỡng, một ngành mang về nhiều ngoại tệ cho Bắc Triều Tiên, ước tính hơn 1 tỷ đô la trong năm nay. Theo các chuyên gia, nghị quyết áp đặt mức trần gắt gao, sẽ cắt giảm 60% lượng than xuất khẩu của Bắc Hàn, trị giá khoảng 700 triệu đô la/năm.

TQ: Giám mục bị Vatican dứt phép thông công

tham dự lễ tấn phong

Một Giám mục Công Giáo Trung Quốc đã bị Vatican dứt phép thông công đã tham dự lễ tấn phong một giám mục mới tại nước này hôm 30/11, một diễn tiến mà giới chuyên gia cho rằng có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhằm hàn gắn rạn nứt trong nhiều chục năm qua giữa Tòa Thánh với chính phủ cộng sản ở Bắc Kinh.
Buổi tấn phong giám mục mới diễn ra dưới sự canh phòng an ninh cẩn mật tại nhà thờ thành phố Thành Đô, Tây nam Trung Quốc.
Hàng chục cảnh sát đứng canh không cho công chúng vào xem.
Trong khoảng 200 người tham dự lễ tấn phong này có ông Lôi Thế Anh, giám mục Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên, là một giám mục được chính phủ ủng hộ. Ông được tấn phong tại Trung Quốc vào tháng 6 năm 2011 mà không có sự chuẩn y của Rome, vào thời điểm căng thẳng lên cao giữa Vatican và Bắc Kinh.
Ông bị Vatican dứt phép thông công vì đã chấp nhận trở thành giám mục không được sự chuẩn nhận của Đức Giáo Hoàng. Đây là một hình phạt nặng nhất đối với một tín đồ Công Giáo, liên hệ đến việc không được nhận các phép bí tích.
Theo luật của giáo hội Công Giáo, các tu sĩ bị dứt phép thông công không thể tham dự vào những hành vi có tính cách nghi thức như một lễ tấn phong.
Vatican chưa có bình luận chính thức.

Nga muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1/12 bày tỏ mong muốn khỏa lấp rạn nứt với Mỹ và chung sức nỗ lực chống khủng bố.
Bài diễn văn của ông Putin phản ánh hy vọng của Moscow rằng Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ sẽ giúp hàn gắn các mối quan hệ với Washington vốn đã tuột dốc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, cuộc chiến Syria và các tranh chấp khác.
Ông Putin nhấn mạnh rằng mối quan hệ hữu nghị giữa hai siêu cường Nga-Mỹ là rất cần thiết cho ổn định toàn cầu.
“Hợp tác Nga-Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực đáp ứng lợi ích của cả thế giới,” ông Putin nói và thêm rằng hai nước “chia sẻ trách nhiệm đảm bảo an ninh-ổn định toàn cầu.”
Bài phát biểu trực tiếp của ông Putin lần này tương phản với một vài diễn văn gần đây của ông vốn thường tấn công Hoa Kỳ và các đồng minh.
Căng thẳng hai nước lên cao trong chiến dịch bầu cử Mỹ vừa qua, khi chính quyền Tổng thống Barack Obama cáo buộc Moscow tấn công tin tặc các trang web và tài khoản email chính trị của Mỹ nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử. Điện The Kremlin đã bác bỏ những tố cáo đó.
Trong bài diễn văn, ông Putin lưu ý rằng Nga dù bị cáo buộc nhiều chuyện, nhưng không thù hận phương Tây mà sẵn sàng cởi mở đối thoại ‘hữu nghị và bình đẳng’ về các vấn đề thế giới.
“Chúng ta không muốn đối đầu với ai cả,” ông Putin nhấn mạnh trước cử tọa gồm các giới chức cấp cao và các nhà lập pháp tại sảnh đường Điện Kremlin.
Nhà lãnh đạo Nga nói Moscow “sẵn sàng hợp tác với tân chính quyền Mỹ” và hy vọng cùng góp nỗ lực với Washington tiêu diệt khủng bố quốc tế.
Ông Putin nhắc tới ý định phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Ấn Độ và nói thêm rằng điều này xuất phát từ các lợi ích lâu dài chứ không phải do tác động của căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và Châu Âu.
Trong cuộc điện đàm hôm 16/11, ông Trump nói với ông Putin rằng ông trông đợi một mối quan hệ vững mạnh bền vững với Nga và nhân dân Nga.

Vì sao ông Trump không được phép lái xe của mình?

S.J. VelasquezBBC Autos
Mỗi tuần, BBC Autos sẽ lựa chọn những câu chuyện hay nhất trên tin tức liên quan đến giao thông, những bài và video đặc biệt trên mạng. Với việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống sắp tới ở Mỹ thì nhiều tin tức, kể cả về xe hơi và giao thông, dứt khoát mang màu sắc chính trị.
Đồ chơi của ông Trump
Ông Donald Trump, tổng thống đắc cử ở Mỹ, có bộ sưu tập xe khác thường mà ông không bao giờ được lái. Các bạn biết đấy, tổng thống Mỹ và các cựu tổng thống không được phép lái xe trên đường công cộng, nghĩa là việc đi lại là do Sở Mật vụ đảm nhận. Với phó tổng thống thì cũng vậy tuy rằng phó tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã xoay xở để được lái chiếc xe Corvette 1967 yêu quý của mình trên những đường chính phủ đảm bảo an toàn.
Vậy tổng thống sắp sửa không được lái những xe nào? Trong danh sách dài có chiếc Mercedes-Benz SLR McLaren 2003, chiếc Rolls-Royce Silver Cloud 1956 (được biết là một trong những chiếc đầu tiên mà ông từng có), chiếc Chevy Camaro Indy 500 Pace Car 2011 và chiếc Gold Orange County Chopper 24-Karat, theo trang mạng Gearheads.com.
Máy bay Air Force One của Melania Trump
Máy bay Air Force One (Không Lực Một) là dành riêng cho tổng thống nhưng đệ nhất phu nhân là người sẽ cho trang trí nội thất theo ý bà. Ron Wagner, phi công Không lực Hoa Kỳ của đội bay của tổng thống tại Căn cứ Andrews bang Maryland, mới đây đã chia sẻ những điều ông biết về máy bay tổng thống trên trang mạng Quora. Ông tiết lộ những chi tiết mà các đệ nhất phu nhân đã chọn về thảm trải, đồ pha lê, dao dĩa và màu sơn. Không hiểu bà Melania Trump có sẽ thay toàn bộ thiết kế nội thất của máy bay hay chỉ theo những gì bà Michelle Obama đã chọn.
Cần vé bay một chiều đi Canada? Hãy vào mạng
Những công cụ tìm kiếm chuyến bay phải hoạt động tăng vọt vì số người tìm chuyến bay một chiều từ Mỹ đi Canada trong ngày bầu cử ở Mỹ. Hãng Forbes cho biết đã có cao điểm về tìm kiếm vào chiều thứ ba, sau đó giảm nhanh, rồi lại một đợt cao điểm vào tối khuya ngày hôm đó và kéo sang sáng hôm sau, thứ Tư. “Trang mạng Cheapflights.com cho biết vé bay một chiều đi Canada đã tăng 1.000%,” theo hãng Forbes. Đặt vé đi Canada là việc dễ dàng. Tuy nhiên chuyển đến sống ở Canada là rất khó, như tờ Washington Post đã nói rõ. Thế nhưng có những lựa chọn khác đối với những người muốn bỏ trốn nước Mỹ bằng được. Trang mạng TrumpingShip.com thỉnh thoảng lại đưa ngẫu nhiên một địa điểm đến và cung cấp thông tin về trình tự di trú tương ứng của những nơi đó, cũng như địa chỉ mạng trực tiếp để mua vé một chiều.
Bài tiếng Anh đăng trên BBC Autos

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.