Đọc báo Pháp – 16/12/2016
Putin : Vị khách « ma » tại thượng đỉnh châu Âu
Thượng đỉnh châu Âu tại Bruxelles trong nỗi ám ảnh bóng ma Nga, Ê-kip ngoại hạng của Donald Trump, đất nước Brazil vẫn chìm đắm trong khủng hoảng chính trị, là những chủ đề quốc tế chính trên các nhật báo Pháp hôm nay 16/12/2016.
« Một thượng đỉnh trong cái bóng của Kremlin » là tựa đề nhận định của báo Le Figaro. Chưa có lần nào chiếc bóng Nga lại ám ảnh thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (EU) mạnh mẽ như lần này. Tất cả các nước thành viên EU cùng chia sẻ một nỗi lo lắng : tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và sự thành công của chiến dịch tuyên truyền từ điện Kremlin trong công luận các nước phương Tây.
Thế nhưng trước một Putin cương quyết, châu Âu dường như bất lực. Nhìn thất bại của Aleppo, Liên Hiệp Châu Âu chỉ biết giận dữ tố cáo « những lời dối trá thường trực » của Nga, rằng « Nga không giữ lời hứa » như cáo buộc của Paris, hay như chế độ Syria và nhiều nước khác phải « chịu trách nhiệm và trả giá về những hành động tàn bạo này » như lời chỉ trích của thủ tướng Anh Theresa May.
Syria, Ukraina : Châu Âu ngoài cuộc chơi
Nếu xét kỹ, châu Âu chẳng có mấy lựa chọn. Đối mặt với chiếc xe ủi khổng lồ Nga, sự thoái lui của Hoa Kỳ, thất bại tại Aleppo, Syria, đã gạt châu Âu hoàn toàn ra khỏi cuộc chơi. Paris và Berlin chỉ biết ngậm bồ hòn nhủ thầm : « Không có chuyện châu Âu nhúng tay vào việc tái thiết Syria nếu như Bachar al Assad vẫn còn ngồi đó ». Điều đó có quan trọng gì đối với nhà độc tài Syria ? Bởi vì ông ta đã cứu vãn được chiếc ghế của mình nhờ vào sự hỗ trợ quân sự như « thần sấm » của Vladimir Putin.
Hồ sơ Ukraina cũng tương tự. Châu Âu chẳng làm gì được ông Putin ngoài việc triển hạn các lệnh trừng phạt thêm sáu tháng nữa. Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực năng lượng (như dầu hỏa, nhưng không có khí đốt vì châu Âu cần), quốc phòng hay lĩnh vực ngân hàng. Các biện pháp trừng phạt này thường xuyên được triển hạn thêm từ 30 tháng qua.
Tuy nhiên, một số nước thành viên lại tỏ ra bất bình trước các biện pháp này. Roma và Budapest tỏ rõ thái độ phản đối, bởi vì Nga đã đáp trả lại bằng cách cấm vận các mặt hàng nông phẩm của Liên Hiệp Châu Âu và những biện pháp đó cũng chẳng làm cho Nga suy nghĩ lại.
Những tham vọng của Nga : Nhưng vào thời điểm quan trọng này, không một thành viên nào trong khối muốn phá vỡ sự đồng thuận. Dù nhìn nhận là không thể « ngăn cản » Nga, nhưng châu Âu không thể khoan dung trước các hành động thảm sát tại Aleppo.
Có điều, cách thức triển hạn các lệnh trừng phạt có thể sẽ khác đi và phải đợi đến tháng 06/2017, do các cuộc bầu cử quan trọng tại Pháp và Hà Lan. Tại hai quốc gia này, các ứng viên đứng đầu các thăm dò dư luận, François Fillon (Pháp) và Geert Wilders (Hà Lan), muốn chấm dứt các trừng phạt nhắm vào ông Putin.
Đặc biệt là trường hợp tại Hà Lan chứng minh rõ các mối liên hệ chằng chịt giữa tham vọng của Nga ở phía đông và chiến dịch tranh cử ở phía tây. Hà Lan là quốc gia duy nhất trong khối Liên Hiệp Châu Âu chưa phê chuẩn hiệp ước Hợp tác EU – Ukraina, mà đối với Nga, đó là chiếc gai cần phải nhổ. Người dân Hà Lan, dưới sự hô hào của Geert Wilders, đã nói « không » với hiệp ước này trong một cuộc trưng cầu dân ý. Để tránh gây bế tắc cho tiến trình phê chuẩn văn bản này của Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời phải chú ý tới kết quả cuộc trưng cầu dân, thủ tướng sắp mãn nhiệm, ông Mark Rutte, đã yêu cầu châu Âu có những « bảo đảm » rằng hiệp định này sẽ không phải là « bước chuẩn bị cuối cùng » giúp Ukraina gia nhập mái nhà chung châu Âu.
Nếu như 28 nước thành viên từ chối đáp ứng đề nghị trên, thì hiệp ước sẽ tan thành mây khói và đó có lẽ sẽ là « món quà tốt nhất » dành cho tổng thống Nga. Ngược lại, nếu thượng đỉnh châu Âu đồng ý, hiệp ước có hiệu lực nhưng châu Âu đã gián tiếp chấp nhận điều kiện của mà Kremlin đưa ra (tức là Ukraina chưa hoặc không thể gia nhập Liên Hiệp Châu Âu). Nói tóm lại, trong cả hai giải pháp, đường nào Nga cũng thắng cả.
Mua chuộc báo giới phương Tây : bài ruột của Nga : Một câu hỏi khác cũng được Le Figaro đặt ra : « Vladimir Putin đã đẩy các quân cờ của mình tại Lục địa già và tại Pháp như thế nào ? ». Theo nhật báo cánh hữu, thói quen thâm nhập vào nội bộ châu Âu và Pháp của Nga đã có từ xa xưa.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, dưới thời Sa hoàng, giới tài phiệt Nga đã bỏ tiền mua chuộc giới phóng viên phương Tây, nhất là Pháp, để ca ngợi những điểm mạnh của Nga. Hình thức mua chuộc xưa như lịch sử ngành quan hệ quốc tế đó vẫn tiếp tục được duy trì dưới thời Xô Viết. Liên Xô không bao giờ từ bỏ ý định mua chuộc và dọ thám các tập đoàn Pháp.
Khi chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, sự đối đầu giữa Nga và phương Tây trong một thời gian rơi vào quên lãng. Thế nhưng, khi lên cầm quyền, Putin cho rằng nước Nga đã bị đối xử tệ trong suốt giai đoạn Boris Eltsin cầm quyền, trước việc mở rộng NATO và đường biên giới Liên Hiệp Châu Âu, và ông đã quay trở lại với cuộc chơi đối đầu.
Về mặt chính thức, Nga là « đối tác », nhưng trong sâu thẳm, Kremlin đã phát triển mạnh các mạng lưới công khai hay ngầm của mình trên khắp châu lục. Song song, truyền thông Nga không ngừng chế nhạo các « chú lùn » châu Âu, mô tả họ như là những kẻ yếu kém và thoái hóa, cũng như không ngần ngại chỉ trích mạnh mẽ nước Mỹ của ông Obama, người đã để rộng đường cho Nga tại châu Âu với chính sách « xoay trục sang châu Á ».
Thêm vào đó, cuộc chiến chống Hồi Giáo cực đoan và khủng hoảng bản sắc đang lan khắp châu Âu đã giúp cho ông Putin tự cho mình là giải pháp thay thế địa chính trị và là người bảo vệ các giá trị Cơ Đốc Giáo. Chính bước đi này đã giúp cho tổng thống Nga có được những đồng minh vững chắc : các đảng chính trị dân túy cực hữu như Mặt Trận Quốc Gia Front National tại Pháp và cả những đảng cánh hữu ôn hòa như chính đảng Những Người Cộng Hòa, mà một bộ phận của đảng này là « thân Nga », đứng đầu là ông François Fillon.
Đối với cựu bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan và nhiều chuyên gia, Nga đang có ý đồ chia rẽ châu Âu với Hoa Kỳ để trở thành chủ nhân lớn trong cuộc chơi châu Âu. Giới phân tích và các cơ quan tình báo quan ngại hành động của Nga sẽ được triển khai khắp nơi, nối kết những kỹ thuật dọ thám truyền thống với phương thức tuyên truyền hiện đại như các trang mạng xã hội.
Brazil lún sâu vào cuộc khủng hoảng chế độ : Trang quốc tế báo Le Monde có bài nói về vụ tổng thống Brazil Miche Temer, người lên thay bà Dilma Rousseff bị phế truất, lại dính vào tham nhũng làm rung chuyển chính trường. Giờ đây đến lượt ông Temer nằm trong tầm ngắm của tư pháp.
Theo Le Monde, tệ nạn tham nhũng của giới lãnh đạo Brazil không phải là điều gì bí mật ở Brazil. Thế nhưng các tiết lộ mới trong vụ « Rửa tiền nhanh – Lava Jato » đã phơi bày ra ánh sáng một hệ thống biển thủ công quỹ bên trong tập đoàn dầu lửa quốc gia Petrobras, được tổ chức rất bài bản và trắng trợn.
Ngày 10/12, báo chí Brazil đăng các lời thú nhận của một lãnh đạo tập đoàn xây dựng BTP Odebrecht, khẳng định rằng ông Temer đã đòi chủ nhân doanh nghiệp này Marcelo Odebrecht chi ra 10 triệu real (2,8 triệu euro) trước khi diễn ra chiến dịch vận động tranh cử năm 2014. Đây chỉ là một trong số 70 lời khai của các lãnh đạo tập đoàn xây dựng để được tư pháp giảm án.
Các tiết lộ tham nhũng, biển thủ công quỹ này đã đập tan luận điểm cho rằng chỉ có Đảng Lao Động và gương mặt tiêu biểu của đảng này là cựu tổng thống Lula da Silva, là có dính líu tham nhũng, là mặt trái của giới lãnh đạo chính trị. Một bộ phận người dân Brazil đã nghĩ rằng việc phế truất tổng thống Dilma Rousseff, hồi cuối tháng Tám vừa qua, sẽ cho phép đất nước lật qua một trang sử mới, khép lại thời kỳ khủng hoảng kinh tế, chính trị và đạo đức. Thế nhưng, mọi chuyện chưa kết thúc.
Giờ đây, việc tổng thống Temer phải ra đi là một giả thuyết khả tín. Theo một cuộc thăm dò dư luận được công bố hôm thứ Bẩy, 10/12, 63% người dân Brazil mong muốn ông Temer từ chức để tiến hành bầu cử tổng thống trước thời hạn.
Trang nhất báo Pháp :
FED rung chuông báo tử thời kỳ tiền rẻ
Quyết định tăng lãi xuất chỉ đạo của Ngân hàng dự trữ Liên bang Hoa Kỳ – FED là chủ đề chính một số nhật báo Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất nhận thấy hậu quả tức thì của FED : « Đô la mạnh trở lại làm rớt giá đồng euro ». Đồng tiền chung châu Âu đã xuống đến mức thấp nhất kể từ tháng Giêng năm 2003. Tờ báo lấy làm tiếc rằng nước Pháp đã không tận dụng được gì trước việc đồng euro mất giá. Điều đó chứng tỏ là nền kinh tế Pháp khá thiếu năng động.
Le Monde trên trang nhất chạy tựa lớn « Ngân hàng Dự trữ Liên bang rung chuông chấm dứt thời kỳ tiền rẻ ». FED thông báo tăng ¼ điểm lãi suất chỉ đạo và cho biết sẽ có ba đợt tăng trong năm 2017. Như vậy, sau nhiều năm duy trì lãi suất cực kỳ thấp, gần như là cho vay không lãi, thông báo của FED khởi sự một thời kỳ bình thường hóa các hoạt động tiền tệ. Do vậy, báo Le Monde có bài xã luận « Đoạn tuyệt tiền tệ ».
Tuy chưa nhậm chức và các đại cử tri Mỹ chưa bầu, nhưng ông Trump đã rất rõ ràng : Chấm dứt thời kỳ tiền rẻ, cho vay không lãi. Sau gần một thập niên khủng hoảng siêu nợ làm chao đảo các nền kinh tế phương Tây, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã quyết định « bình thường hóa » chính sách tiền tệ.
Quyết định này dựa trên các kết quả vững chắc của nền kinh tế Mỹ và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh. Đồng thời cũng do chương trình kinh tế mà ông Trump đã thông báo trong chiến dịch tranh cử tổng thống, như giảm mạnh thuế cho các doanh nghiệp, đầu tư khoảng 1000 tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng và tổng thống đắc cử Mỹ chuẩn bị ngân sách với các khoản chi lớn, giống như thời kỳ Ronald Reagan (trong những năm 1980 với các khoản chi quân sự khổng lồ).
Như vậy, theo Le Monde, các chủ trương chính sách trước đây sẽ được tái áp dụng : các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn sẽ giúp ngăn chặn hoặc tái cân bằng chủ trương ngân sách linh hoạt, thậm chí được thả lỏng.
Từ năm 2004, Hoa Kỳ đã tìm cách thoát ra khỏi chính sách tiền tệ « dễ dãi », vốn rất cần thiết do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng không dám làm vì lo ngại tác động đến tăng trưởng và lại gây ra những cơn bão táp tài chính mới. Với việc Donald Trump vào Nhà Trắng, những lo ngại này được gạt bỏ.
Những chủ đề thời sự khác
Cũng liên quan đến nước Mỹ, Libération chú ý đến ê-kíp lãnh đạo của chính quyền Donald Trump tương lai. Trên nền ảnh Nhà Trắng, Libération đặt tít : « Goldman Sachs ở Nhà Trắng : Những người đầy quyền lực ». Tờ báo nhắc lại : trong suốt cuộc vận động tranh cử, Donald Trump luôn chỉ trích mối quan hệ của bà Hillary Clinton với giới tài chính. Thế nhưng, giờ đây, trong nội các do ông thành lập, có đến ba người từng là lãnh đạo đế chế ngân hàng. Nói tóm lại, « Tại Hoa Kỳ, In Goldman Sachs We Trust », như tựa đề bài điều tra của Libération.
Trên nền ảnh về cảnh tan hoang của thành cổ Palmyra, Le Figaro thông báo trên trang nhất : « Tại Đại Điện (Grand Palais), một cuộc triển lãm làm sống lại những công trình bị tàn phá hay bị quân khủng bố Hồi giáo đe dọa ». Nhờ vào những hình ảnh mới nhất được các thiết bị bay không người lái chụp lại tại Syria và Irak, người xem được dịp đắm mình trong những địa điểm lịch sử ngày nay bị cấm hay bị đe dọa. Đây cũng là cách đánh động dư luận về số phận của những di sản văn hóa tuy xa vời nhưng lại là rất chung với nhân loại.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Việt Nam kết án tù hai nhà ly khai
Tư pháp Việt Nam hôm nay kết án nặng hai nhà ly khai Trần Kim Anh, 67 tuổi và Lê Thanh Tùng, 48 tuổi. Tòa án Việt Nam cáo buộc hai người muốn lật đổ chính quyền qua việc thành lập một lực lượng dân chủ để tiến hành một cuộc cách mạng. Tòa án tỉnh Thái Bình kết án cựu chiến binh Trần Kim Anh, 13 năm tù. Ông Lê Thanh Tùng, lãnh án 12 năm tù. Cả hai người đã bị bắt từ năm 2015.
(AFP) – Trung Quốc kết án anh em nhà Lệnh Kế Hoạch
Theo tin của báo chí Trung Quốc, ngày 16/12/2016, tòa án thành phố Thường Châu của tỉnh Giang Tô kết án ông Lệnh Chính Sách 12 năm rưỡi tù và phạt 1,5 triệu nhân dân tệ, tương đương với hơn 200 ngàn đô la Mỹ, vì tội nhận 2,4 triệu đô la tiền hối lộ. Người anh của Lệnh Chính Sách là ông Lệnh Kế Hoạch, một cố vấn thân cận cho cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, cũng đã bị kết án tù chung thân hồi tháng 07/2016 vì tội tham nhũng. Một người em khác là Lệnh Hoàn Thành đã bỏ sang Mỹ để trốn lệnh truy nã của chính quyền Bắc Kinh. Vụ án anh em nhà họ Lệnh được đa số dư luận Trung Quốc nhìn nhận như là một vụ thanh lọc chính trị dưới vỏ bọc chống tham nhũng.
(AFP) – Tuần duyên Trung Quốc và Philippines gặp gỡ trao đổi hợp tác
Ngày 16/12/2016, tại Manila, lần đầu tiên, lực lượng tuần duyên của Philippines và Trung Quốc gặp nhau. Hai bên thỏa thuận tăng cường hợp tác song phương. Cuộc gặp kéo dài hai ngày trong khuôn khổ Ủy ban Tuần duyên hỗn hợp. Theo thông cáo chung, hai bên sẽ tiến hành hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả đấu tranh chống buôn lậu ma túy và các tội phạm hàng hải khác, bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn.
(AFP) – Thái Lan thắt chặt luật quản lý thông tin
Ngày 16/12/2016, Quốc Hội do chính quyền quân sự Thái Lan chỉ định, đã thông qua luật tin học sửa đổi đại đa số phiếu thuận. Theo văn bản luật được sửa đổi, người nào chia sẻ trên mạng xã hội văn bản có nội dung « gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia, an toàn công cộng, sự ổn định kinh tế đất nước hay gây hoảng loạn xã hội » có thể bị phạt tù tới 5 năm. Các tổ chức xã hội dân sự cho rằng cách diễn giải rất mù mờ của luật sẽ cho phép trừng phạt những tiếng nói chỉ trích chính quyền quân sự. Từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 2014, giới quân đội Thái đã bóp nghẹt nhiều quyền tự do của người dân: biểu tình bị cấm, báo chí bị bịt miệng, một số địa chỉ internet bị khóa.
(AFP) – Cúm gia cầm, Hàn Quốc nâng báo động tới mức tối đa
10 % gà vịt trên toàn quốc đã bị tiêu hủy. Trường hợp lây nhiễm virus H5N6 đầu tiên được phát hiện tại Hàn Quốc hôm 18/11/2016. Trong vòng 1 tháng, 16 triệu gia cầm bị tiêu hủy và đây là một kỷ lục. Hậu quả trực tiếp là giá thịt gà, vịt và trứng tại Hàn Quốc tăng cao. Trước mắt, chưa có ca lây nhiễm sang người.
(AFP) – Châu Âu cũng phải đối mặt với cúm gà
Rất xa Hàn Quốc, nông dân ở các vùng miền tây nam nước Pháp cũng đang phải đối mặt với dịch cúm gia cầm. Bộ Y Tế thông báo có tất cả 19 ổ dịch trên toàn quốc. Tại Châu Âu, 13 nước phải đối mặt với dịch cúm do virus H5N8 gây ra. Hungarie bị ảnh hưởng nặng nhất, với 120 ổ dịch.
(AFP) – Bầu cử tổng thống Pháp
Cho đến sáng ngày 16/12/2016 có tất cả 9 ứng viên (8 nam và 1 nữ) ghi tên tham gia các vòng bầu cử sơ bộ cánh tả của Pháp để chuẩn bị ra tranh cử tổng thống 2017. Ngoài cựu thủ tướng Pháp Manuel Valls, còn có 4 bộ trưởng của tổng thống François Hollande ra tranh cử. Phần lớn các ứng viên thuộc đảng Xã Hội đang cầm quyền, một đại diện của đảng Xanh và một người đại diện cho cánh tả cấp tiến. Cuộc bỏ phiếu sơ bộ sẽ diễn ra vào hai ngày 22 và 29/01/2017.
(UPI) – Nhật Bản chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ
Lần đầu tiên từ năm 2015, trong tháng 10/2016, Nhật Bản qua mặt Trung Quốc, trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nắm giữ 1.131 tỷ đô la công trái của chính phủ Hoa Kỳ. Trong khi đó Bắc Kinh chỉ có trong tay 1.115 tỷ. Các con số nói trên do bộ ngân khố Mỹ công bố ngày 15/12/2016. Từ nhiều tháng qua, Trung Quốc bán bớt công trái của Mỹ với mục đích giữ giá đồng nhân dân tệ. Dù vậy, tỷ giá hối đoái của đơn vị tiền tệ Trung Quốc so với đô la đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ 8 năm qua.
(AFP) – Đại sứ của chính quyền Trump tại Israel muốn đặt trụ sở ở Jerusalem
Vừa được tổng thống tân cử Danald Trump đề cử làm đại sứ Hoa kỳ tại Israel, luật sư David Friedman ngay lập tức đã tỏ ý muốn được làm việc « tại thủ đô vĩnh cửu của Israel, Jerusalem ». Lời lẽ trên đã động chạm đến một vấn đề rất nhạy cảm trong khu vực vốn vẫn được ví như thùng thuốc súng. Tuy nhiên, ông đại sứ tương lai của Hoa Kỳ chỉ nhắc lại đúng lập trường của Donald Trump trong chiến dịch tranh cử, theo đó ông Trump cam kết nếu đắc cử sẽ thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ đặt sứ quán Mỹ ở đó. Cho tới nay, Washington và đại đa số cộng đồng quốc tế đều không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và đều đóng sứ quán tại Tel Aviv.
0 comments