Tin Việt Nam – 20/11/2016
Mỹ giúp VN chống buôn lậu động vật hoang dã
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius hôm 18/11 công bố “Dự án bảo tồn các loài quý hiếm” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ với mục tiêu giúp Việt Nam giảm tội phạm về các loài hoang dã.
Theo cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Hà Nội, dự án trị giá 10 triệu đôla được thực hiện trong 5 năm này “sẽ giúp giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trái phép từ các loài hoang dã, nâng cao năng lực thi hành pháp luật và xét xử tội phạm về các loài hoang dã, đồng thời kiện toàn và thống nhất khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống tội phạm về các loài hoang dã ở Việt Nam”.
Đại sứ Mỹ công bố dự án mới trên tại buổi toạ đàm có chủ đề “Đối tác Sáng tạo chống buôn lậu các loài hoang dã” được tổ chức tại Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội.
Ông Osius phát biểu: “Việt Nam là quốc gia ưu tiên của Chính phủ Hoa Kỳ trong Tuyên bố Hành pháp của Tổng thống [Mỹ] và Chiến lược Quốc gia Hoa Kỳ về Chống Buôn lậu các Loài hoang dã, vì vậy chúng tôi vui mừng hợp tác với Chính phủ Việt Nam, các nhóm bảo tồn trong nước và các cộng đồng địa phương để tạo nên chuyển biến thực sự trong công tác bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng và các loài đặc hữu trong nước”.
Theo Đại sứ quán Mỹ, tội phạm toàn cầu về các loài hoang dã tiếp tục gia tăng nhanh chóng và hiện đã đến mức khủng hoảng. Hoạt động săn bắt và buôn bán bất hợp pháp động vật biển và động vật sống trên cạn có giá trị ước tính 20 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Với tốc độ hiện tại, các chuyên gia dự đoán rằng những loài nguy cấp mang tính biểu tượng nhất của thế giới, trong đó có tê giác, voi và hổ sẽ biến mất khỏi hành tinh trong vòng một thập kỷ tới.
Dự án của Mỹ được công bố đúng ngày kết thúc hội nghị quốc tế cấp cao lần thứ 3 về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã ở Hà Nội, với sự chủ trì của Hoàng tử Anh William.
Việt Nam hôm 12/11 đã thiêu hủy nhiều tấn ngà voi và sừng tê giác, trị giá hơn 7 triệu đôla theo giá “chợ đen”, trong sự bảo vệ của lực lượng an ninh vũ trang.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện việc thiêu hủy công khai quy mô lớn để phát đi thông điệp cứng rắn trong cuộc chiến chống tình trạng buôn bán các sản phẩm động vật trái phép.
Ông Tập Cận Bình gặp riêng Chủ tịch Việt Nam ở Peru
Chủ tịch Trung Quốc gặp riêng với ông Trần Đại Quang bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru, nhấn mạnh rằng tranh chấp biển Đông cần được xử lý song phương, báo chí quốc gia đông dân nhất thế giới đưa tin hôm 20/11.
Tân Hoa Xã viết rằng Chủ tịch Trung Quốc nói rằng hai nước nên “giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn song phương, tuân theo đường hướng hợp tác ‘gác lại các khác biệt để tham gia phát triển chung,’ và xử lý phù hợp các vấn đề nhằm duy trì hòa bình và bình yên trong khu vực”.
Tuy nhiên, hãng tin của Trung Quốc không đưa tin việc Chủ tịch Việt Nam có nhắc tới biển Đông trong cuộc gặp với ông Tập hay không.
Trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đưa tin về cuộc gặp giữa chủ tịch hai nước hôm 19/1, nhưng không thấy đề cập tới lời kêu gọi giải quyết song phương biển Đông của ông Tập.
Trang này viết: “Tại cuộc hội đàm cấp cao giữa Việt Nam – Trung Quốc, hai nhà lãnh đạo cho rằng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc thời gian qua tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực; việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác sâu rộng, toàn diện giữa hai đảng, hai nước là phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước”.
Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói thêm rằng ông Quang và ông Tập “cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp, hai bên cần thường xuyên trao đổi chiến lược, giải quyết ổn thỏa bất đồng, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực”.
Đây là cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Trung Quốc của ông Quang trên cương vị Chủ tịch Việt Nam.
Theo báo chí Việt Nam, ngoài cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc, ông Quang còn tiếp xúc và thảo luận với nhiều nhà lãnh đạo thế giới tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương ở thủ đô Lima của Peru, như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
“Chia rẽ và chế ngự”
Tuần trước, hãng tin Reuters đưa tin rằng Cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế ở thủ đô Washington công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Việt Nam mở rộng một đường băng ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh sau đó đã kêu gọi Hà Nội “ngừng xây dựng trên biển Đông”.
Ngoài việc kêu gọi Việt Nam giải quyết song phương vấn đề biển Đông, theo Xinhua, ông Tập cũng lên tiếng như vậy trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi ông Duterte “tích cực cân nhắc hợp tác hàng hải và thúc đẩy sự trao đổi tích cực trên biển” để biến biển Đông thành “một cơ hội cho hợp tác hữu nghị song phương”.
Theo Reuters, những tuyên bố của ông Tập cho thấy việc Bắc Kinh tiếp tục phản đối các nước khác hoặc các tổ chức quốc tế tham gia xử lý tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và các nước khác như Việt Nam hay Philipppines.
Hãng tin của Anh dẫn lời các chuyên gia nói rằng Bắc Kinh muốn áp dụng chiến thuật “chia rẽ và chế ngự” thay vì để cho các đối thủ hợp lực với nhau.
Bắc Kinh thời gian qua đã nhiều lần cáo buộc Hoa Kỳ khuấy động biển Đông, đồng thời phản đối phán quyết nghiêng về Philippines hồi tháng Bảy của Tòa Trọng tài Quốc tế.
VN ‘khó đối thoại sớm’ với ông Trump như Nhật Bản?
Quốc PhươngBBC Việt ngữ
Giới quan sát tiếp tục bình luận về việc tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống và phản ứng chính sách đối ngoại của quốc tế và khu vực, trong đó có Việt Nam trước sự kiện này.
Hôm thứ Bảy, 19/11/2016 từ Nhật Bản, nhà báo, nhà bình luận Đỗ Thông Minh cho rằng mặc dù chuyến thăm không chính thức của Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, tới Mahattan, New York gặp Tổng thống đắc cử thứ 45 của Mỹ là một động thái có tính ‘chủ động’, nhưng Việt Nam khó có thể ‘làm theo’, do vị thế của Việt Nam so với Nhật Bản trong quan hệ với Mỹ có khác biệt.
Ông Đỗ Thông Minh nói:
“Thực ra, ngay Nhật Bản cũng vậy, từ trước đến giờ không có kênh nào để liên lạc với ông Trump cả, vì ông chỉ là một thương gia thôi. Thế nhưng bây giờ vai trò của ông khác hẳn, nên tất cả chính quyền ở khắp mọi nơi trên thế giới đều phải tìm cách liên lạc với những người tham mưu của ông ta để đặt sự quan hệ.
Việt Nam là một nước nhỏ, không phải là quan tâm hàng đầu của ông Trump lúc này, cho nên nếu có muốn chủ động, thì cũng phải từ từ, đợi thời gian, nhất là mình là nước nhỏ, thì mình phải nhìn các nước lớn xem họ hành xử như thế nào, rồi mới làmNhà báo Đỗ Thông Minh
“Tuy nhiên, Việt Nam là một nước nhỏ thôi, không phải là quan tâm hàng đầu của ông Trump lúc này, cho nên nếu có muốn chủ động, thì cũng phải từ từ, đợi thời gian, nhất là mình (Việt Nam) là nước nhỏ, thì mình phải nhìn các nước lớn xem họ hành xử như thế nào, rồi mới làm.
“Chúng tôi không nghĩ Việt Nam sẽ có cuộc đối thoại sớm với ông Trump như là vai trò của ông Abe.”
‘Chủ động mạnh mẽ’
Bình luận về tính chủ động của người Nhật qua chuyến thăm Mỹ không chính thức gặp ông Trump của Thủ tướng Abe hôm 18/11, nhà báo Đỗ Thông Minh nói tiếp:
“Chúng ta đều biết Thủ tướng Shinzo Abe là người đầu tiên, (trên cương vị) lãnh đạo một quốc gia, tiếp xúc với một Tổng thống vừa đắc cử nhưng chưa chính thức nhậm chức, ông là người đầu tiên và ông chủ động bay qua tận bên Mỹ với tới Trump Tower để tiếp xúc với ông Trump.
“Thành ra chúng ta thấy sự chủ động rất mạnh mẽ, nhưng nó cũng phần nào tỏ ra sự quan tâm cao độ của Nhật trước hai vấn đề quan trọng, đó là vấn đề kinh tế và vấn đề quân sự.
“Trước đây chúng tôi cũng nghe một chương trình của BBC, chúng tôi thấy rằng có những nguồn tin cho rằng Việt Nam đang chờ đợi để xem những hành động cụ thể của ông Trump như thế nào, có Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng không nên thụ động mà nên bám sát hành động, thì có lẽ trường hợp của ông Abe là một trong những trường hợp chủ động như vậy,” nhà bình luận nói với BBC từ Nhật Bản.
Trước đó, trong một cuộc trao đổi trực tuyến khác giữa tuần với BBC Việt ngữ, hôm 16/11, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) của Singapore, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm:
“Về mặt an ninh khu vực, cũng như an ninh của Việt Nam, thì vẫn hy vọng rằng kiến trúc an ninh khu vực sẽ không bị phá vỡ bởi đường lối có thể có của vị Tổng thống mới của Mỹ.
Đường lối đối ngoại của Việt Nam là chủ động, tích cực, đa phương hóa, đa dạng hóa với nhiều đối tác lớn, với nhiều quan hệ với các nước lớn, thì có thể có một nước lớn nào đó thay đổi chính sách, thì nó không phá vỡ khung chính sách đối ngoại của Việt NamTS. Hà Hoàng Hợp
‘Đặc biệt Việt Nam’
“Đặc biệt đối với Việt Nam, như chúng ta thấy và biết rằng đường lối đối ngoại của Việt Nam là chủ động, tích cực, đa phương hóa, đa dạng hóa, cho nên với nhiều đối tác lớn, với nhiều quan hệ với các nước lớn, thì có thể có một nước lớn nào đó thay đổi chính sách, nó không phá vỡ khung chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đây là điều rất đặc biệt đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam.
“Và chính sách đối ngoại chủ động và tích cực này của Việt Nam phản bác lại tất cả quan điểm của tất cả mọi người rằng ‘đợi và xem’ như thế nào. Không có đâu, ngay từ sáng 09/11 (ngày có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ), người ta đã rất tích cực rồi,” ông Hà Hoàng Hợp nói với BBC từ Singapore.
BBC Việt ngữ tiếp tục có các tin bài và trao đổi, phỏng vấn với giới bình luận, phân tích và quan sát về các diễn tiến hậu bầu cử Mỹ và tác động tới quốc tế, khu vực, cũng như Việt Nam, mời quý vị đón theo dõi; và quý vụ có thể bấm vào các đường dẫn sau đây để theo dõi một số trao đổi mà chúng tôi đã thực hiện.
Tàu đánh cá Indonesia đụng tàu chở hàng Việt Nam
Tuban, East Java, Indonesia. (Reuters) – Các đội cứu nạn của Indonesia hôm nay tiếp tục tìm kiếm 15 ngư dân bị mất tích, một ngày sau vụ tàu đánh cá của họ va chạm với một chiếc tàu chở hàng của Việt Nam tại Java Sea.
Chiếc tàu này bị lật chìm sau tai nạn, khi đang chở tổng cộng 27 người. Tai nạn bất ngờ xảy ra tại vùng biển ngoài khơi Tuban, thuộc tỉnh East Java, Indonesia, theo thông báo của National Disaster Mitigation Agency của Indonesia. Nguồn tin này nói rằng, 12 người đã được đưa vào bờ an toàn sau tai nạn, trong đó có 2 người bị thương nặng. Chiếc tàu đánh cá của Indonesia đã va vào tàu chở hàng của Việt Nam, MV Thaison vận chuyển bột mì đang trên đường đến Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia.
Theo Reuters, tai nạn tàu bè thường xuyên xảy ra tại Indonesia vì việc vận chuyển hàng hoá qua lại giữa 17 ngàn đảo của nước này chỉ dựa vào phương tiện giao thông hàng hải. (Song Châu)
Nhà máy bột giấy Lee & Man Hậu Giang của Trung Cộng
bị buộc tạm dừng xây cất
Tổng Cục Môi Trường thuộc Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường Cộng Sản Việt Nam vừa yêu cầu công ty trách nhiệm hữu hạn Lee & Man Việt Nam- một công ty 100% vốn Hồng Kong – Trung Cộng- phải tạm dừng xây cất nhà máy bột giấy ở tỉnh Hậu Giang.
Báo Dân Trí dẫn lời ông Hoàng Văn Thức, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Môi Trường, cho hay như vậy hôm Chủ Nhật ngày 20 tháng 11. Nhà máy giấy của Lee & Man đang bị các cơ quan hữu trách, bao gồm cả cảnh sát môi trường, của tỉnh Hậu Giang điều tra về việc tuân thủ luật lệ về môi trường. Mặc dù cuộc điều tra đang diễn ra, ông Hoàng Văn Thức tiết lộ rằng các giới chức đã phát hiện một số bất cập trong việc thẩm định và báo cáo tác động môi trường tại dự án này. Đặc biệt là Lee & Man đã xây dựng một số công trình bảo vệ môi trường nhưng chưa bảo đảm an toàn.
Nhà máy giấy của Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang có ba cụm chính, gồm nhà máy giấy công suất 420,000 tấn một năm, nhà máy bột giấy 330,000 tấn một năm, và một số công trình hỗ trợ gồm hải cảng, nhà máy điện và khu giải quyết chất thải. Lee & Man bị buộc phải tạm dừng xây cất nhà máy bột giấy để chờ kết quả một cuộc duyệt xét của Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường. Theo báo Dân Trí, ủy ban tỉnh Hậu Giang đã sai phạm khi cấp chứng nhận đầu tư cho nhà máy giấy của Lee & Man khi chưa có ý kiến của Bộ Công Thương vào năm 2006.
Huy Lam / SBTN
0 comments