Tin khắp nơi – 20/11/2016
Tintin thu bộn tiền nhờ « bước trên Mặt Trăng »
Một bản vẽ trong tập Chúng ta bước trên Mặt Trăng của bộ truyện tranh Những cuộc phiêu lưu của Tintin đã được bán với giá kỉ lục, hơn 1,5 triệu euro trong buổi đấu giá ngày 19/11/2016 tại nhà đấu giá Artcurial, Paris.
Trên bản vẽ dài 50 cm và rộng 30 cm, được vẽ bằng mực Tầu và mầu bột trắng, Tintin, chú cho Milou và thuyền trưởng Haddock mặc bộ áo phi hành gia đang vui mừng khám phá tình trạng không trọng lực trên Mặt Trăng và ngắm Trái Đất.
Chỉ riêng bản vẽ này đã tóm tắt được tiêu đề tập thứ 17 trong loạt phiêu lưu của Tintin do họa sĩ người Bỉ Hergé sáng tác.
Bản vẽ được thẩm định từ 700.000 đến 900.000 euro, cuối cùng đã được bán với giá 1,55 triệu euro. Ông Eric Leroy, đặc trách về khu vực truyện tranh của Artcurial, đã phải thốt lên : « Quá tuyệt vời. Đây là giá đặc biệt cho một tác phẩm đặc biệt ». Thuộc sở hữu của một nhà sưu tầm châu Âu, đây là « bản vẽ đẹp nhất đang lưu hành trên thị trường », theo đánh giá của chuyên gia Eric Leroy.
Trong toàn bộ 62 bản vẽ của tập Chúng ta bước trên Mặt Trăng, chỉ có bốn bản được giao dịch trên thế giới. Cùng ngày, một bản vẽ khác (51 X 37 cm) trong tập 17 đã được bán tại phòng đấu giá Christie’s với giá 602.500 euro, trong khi giá thẩm định ban đầu là 350.000 đến 400.000 euro.
Aleppo tiếp tục bị dội bom,
đặc phái viên Liên Hiệp Quốc đến Damas
Ngày 20/11/2016, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffran de Mistura đến Damas thảo luận với ngoại trưởng Walid Mouallem. Quân đội Syria tiếp tục dội bom ở Aleppo, làm 52 thường dân tử thương trong 24 giờ qua ở khu vực phía đông, bệnh viện cuối cùng bị đánh sập. Truyền thông nhà nước đưa tin ở phía tây có 7 trẻ em thiệt mạng vì pháo của phe nổi dậy.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi “chấm dứt” các hành động tấn công vào thường dân trong khi Hoa Kỳ lên án hành động bạo lực của“ Nga và đồng minh Syria” nhắm vào nhà thương Syria, thường dân và nhân viên hoạt động cứu hộ. Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh tường trình :
“Một trận mưa bom trút xuống Aleppo trong ngày Thứ Bảy, hôm qua. Hàng chục đợt oanh kích nhắm vào các khu vực do phe nổi dậy chiếm giữ. Chiến sự khốc liệt chưa từng thấy. Quân đội của chính phủ Damas và đồng minh mở các đợt tấn công tại một số địa điểm để gia tăng áp lực với phe nổi dậy. Tất cả các trường học đều phải đóng cửa để tránh bị dội bom.
Tại các khu vực bị phong tỏa, người dân bắt đầu thiếu đủ mọi thứ : điện đã bị cắt, dầu cặn thì chỉ được cung cấp một cách nhỏ giọt. Các kho dự trữ lương thực đang cạn dần. Hầu hết các bệnh xá đều không còn hoạt động.
Đôi khi người dân phẫn uất đến nỗi, bất chấp đạn và bom, họ vẫn xuống đường phản đối các nhà lãnh đạo cấp địa phương do phe nổi dậy dựng lên để cung cấp lương thực thực phẩm cho dân cư tại chỗ.
Bộ Quốc Phòng Nga tố cáo phe nổi dậy Syria nã súng vào đám đông làm khoảng 20 thường dân thiệt mạng. Matxcơva và Damas đang lao vào một cuộc chạy đua với thời gian để chiếm lại phía đông thành phố Aleppo càng sớm càng tốt. Nga và Syria vừa gia tăng sức ép quân sự vừa lợi dụng phẫn uất và nỗi khổ đau của người dân tại chỗ để đạt được mục tiêu đó”.
Đức :
Thủ tướng Angela Merkel nhắm đến nhiệm kỳ thứ tư
Ngày 20/11/2016, Angela Merkel tuyên bố ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ thủ tướng Đức. Theo những người ủng hộ, bà Merkel là thành trì cuối cùng để chống lại khuynh hướng dân túy ngày càng phát triển nhanh mà minh chứng là « Brexit » và chiến thắng của tỉ phú Mỹ Donald Trump.
Đứng đầu chính phủ Đức từ 11 năm nay, người phụ nữ đang giữ kỷ lục về thời gian nắm quyền tại phương Tây có thể sẽ công bố trước báo chí quyết định ứng cử thêm một nhiệm kỳ mới vào 7 giờ tối nay, giờ địa phương, sau cuộc họp với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của bà tại Berlin.
Nghị sĩ châu Âu Elmar Brok của đảng CDU, ngày 19/11/2016, đã tuyên bố : « Mọi người đều biết là bà Merkel sẽ lại ra tranh cử ». Đây cũng là nhận định của Sigmar Gabriel, lãnh đạo đảng Xã Hội-Dân Chủ SPD.
Theo kết quả các cuộc thăm dò, bà Angela Merkel có cơ hội giành chiến thắng để tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư. Nếu đúng vậy, bà sẽ đi vào lịch sử nước Đức vì vượt qua kỷ lục của thủ tướng nổi tiếng thời hậu chiến Konrad Adenauer (với 14 năm điều hành chính phủ) và đứng ngang hàng với người đỡ đầu cho bà trong sự nghiệp chính trị là Helmut Kohl (16 năm).
Trước làn sóng dân túy trên khắp thế giới, nhật báo New York Times đánh giá thủ tướng Angela Merkel « là thành trì để cuối cùng để bảo vệ các giá trị nhân đạo của phương Tây ».
Ba phi hành gia « cập bến » an toàn
trạm không gian quốc tế ISS
Sau hơn 48 giờ cất cánh từ căn cứ không gian Baikonur ở Kazakhstan, tầu vũ trụ Soyuz đã đưa ba phi hành gia Thomas Pesquet (Pháp), Oleg Novitskiy (Nga) và Peggy Whitson (Mỹ) đến Trạm không gian quốc tế ISS trong đêm 19, rạng sáng 20/11/2016.
Ba phi hành gia nói trên sẽ thay thế ba đồng nghiệp đang làm việc tại đây, Shane Kimbrough người Mỹ và Serguei Ryjikov, Andrei Borissenko đều là người Nga.
Nhà du hành vũ trụ Pesquet là công dân Pháp đầu tiên được Cơ quan Vũ trụ châu Âu gửi đến ISS kể từ năm 2008. Trong vòng 6 tháng, Thomas Pesquet sẽ tiến hành ít nhất 62 cuộc thí nghiệm cho Cơ quan Vũ Trụ châu Âu (ESA) và Trung tâm Nghiên cứu Không gian quốc gia Pháp (CNES).
Ngoài ra, phi hành gia người Pháp cũng thực hiện khoảng 55 thí nghiệm khác trong chương trình hợp tác với các cơ quan không gian của Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Nữ phi hành gia người Mỹ, Peggy Whitson, sẽ nghiên cứu về tác động của ánh sáng đối với giấc ngủ của con người. Còn nhà du hành Oleg Novitski sẽ thực hiện hơn 50 thí nghiệm khoa học cho Cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos.
Trạm ISS liên tục có người sống và làm việc từ hơn 15 năm nay.
Hiện tầu vũ trụ Soyuz là phương tiện duy nhất có thể đưa các phi hành gia đến trạm ISS kể từ khi Hoa Kỳ chấm dứt chương trình phi thuyền vào năm 2011. Trong mỗi hành trình, tầu Soyuz chỉ có thể chở được ba người. Chi phí để đưa một phi hành gia lên trạm ISS là 71 triệu đô la.
Ấn Độ : Xe lửa trật đường ray, hơn 100 người thiệt mạng
Tai nạn xảy ra vào lúc 3 giờ sáng ngày 20/11/2016, giờ địa phương, gần thành phố Kanpur, bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ, làm hơn 100 người chết và khoảng 150 người bị thương. Đây là tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất xảy ra tại nước Nam Á này từ năm 2010.
Chưa biết rõ về nguyên nhân dẫn vụ xe lửa bị trật đường ray nói trên. Thông tín viên Antoine Guinard từ New Delhi cho biết thêm :
“Hình ảnh trên đài truyền hình cho thấy hành khách ngơ ngác, chờ các toán cứu trợ bên cạnh 14 toa tàu đâm xuyên vào nhau như cái đèn xếp sau khi con tàu Indore-Patna Express bị trật đường ray vào sáng sớm ngày Chủ Nhật. Khoảng 30 xe cứu thương, 250 cảnh sát đã có mặt tại hiện trường, cách không xa thành phố Kanpur ở phía bắc Ấn Độ.
Trước mắt chưa biết nguyên nhân gây ra tai nạn nghiêm trọng này. Báo chí Ấn Độ nêu lên khả năng một đoạn đường sắt bị hư hại dẫn đến thảm họa sáng nay. Hai toa tàu gần đầu máy xe lửa bị nặng nhất.
Trên trang mạng cá nhân Twitter, thủ tướng Narendra Modi cam kết là bộ Giao Thông Đường Sắt sẽ cho mở điều tra, làm rõ vụ việc. Kanpur là nơi mỗi ngày có hàng trăm đoàn tàu đi qua, tương tự như ở rất nhiều các thành phố lớn khác tại Ấn Độ. Tai nạn xe lửa thường gây chết người tại một quốc gia mà hệ thống đường sắt đã quá cũ kỹ, trong lúc mỗi ngày vẫn có hơn 20 triệu người phải sử dụng phương tiện di chuyển này.
Tháng 3/2015 một vụ trật đường ray tại phía bắc Ấn Độ đã làm 39 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Nội các của thủ tướng Modi cam kết đầu tư 137 tỷ đô la trong 5 năm tới để hiện đại hóa và bảo đảm an toàn cho các tuyến đường sắt trên toàn lãnh thổ”
Tổng thống Hàn Quốc bị nghi “thông đồng” tham nhũng
Chiếc ghế của tổng thống Hàn Quốc ngày càng bị đe dọa sau khi Viện Công Tố, ngày 20/11/2016, nghi ngờ bà Park Geun Hye « thông đồng » với những nhân vật chủ chốt trong vụ tai tiếng tham nhũng. Từ bốn tuần nay, vụ « Choi Gate » đã khiến người dân Hàn Quốc rầm rộ xuống đường biểu tình đòi tổng thống từ chức.
Biện lý Lee nhắc lại là Viện Công Tố không thể ra lệnh truy tố tổng thống Hàn Quốc, nhưng đã bắt đầu theo dõi vụ điều tra ngày càng liên quan trực tiếp đến bà Park Geun Hye.
Còn theo Roh Seung Kwon, một cán bộ điều tra khác, được AFP trích dẫn, ban đầu bà Park có thể được mời thẩm vấn với tư cách là nhân chứng nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tổng thống Hàn Quốc có thể bị coi là « là một nghi can ».
Hơn 50 tập đoàn, trong đó có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Samsung và Hyundai, đã phải rót tổng cộng 77,4 tỉ won (61,8 triệu euro) cho hai quỹ do bà Choi Soon Sil, một người bạn thân của tổng thống Park, thành lập.
Biện lý Lee cho biết các doanh nghiệp này phải chấp thuận nộp phần lớn các khoản tiền từ thiện đó do sợ bị « trù úm » dưới hình thức kiểm tra thuế hay bị gây khó dễ từ phía chính quyền đối với hoạt động kinh doanh của họ.
Ngoài ra, « quân sư » Choi Soon Sil, 60 tuổi, còn gây áp lực đối với một số tập đoàn như Huyndai hay tập đoàn gang thép Posco để họ trao hợp đồng cho nhiều doanh nghiệp có liên quan đến bà Choi.
Vụ tai tiếng này đã khiến người dân Hàn Quốc rầm rộ xuống đường biểu từ bốn tuần nay. Ngày 19/11/2016 , theo ban tổ chức, khoảng 450.000 người biểu tình tại Seoul giương cao biểu ngữ đòi tổng thống Park Geun Hye từ chức.
APEC : Obama kêu gọi thế giới cho Trump « cơ hội »
Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC diễn ra ngày 20/11/2016 tại Lima, thủ đô Peru trong bối cảnh quan ngại Hoa Kỳ sẽ theo đuổi chính sách bảo hộ thị trường. Tổng thống Barack Obama kêu gọi thế giới không nên sợ những lời tuyên bố gây sốc của tổng thống tân cử của Mỹ lúc tranh cử.
Bên lề diễn đàn thường niên APEC quy tụ lãnh đạo 21 quốc gia hai bờ Thái Bình Dương, tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhân cơ hội tham dự lần cuối cùng để trấn an thế giới. Theo tổng thống mãn nhiệm thì « lãnh đạo quốc gia khác với vận động cử tri ». Do vậy, thế giới « không nên vội phê phán » qua những lời tuyên bố lúc tranh cử mà hãy để cho ông Donald Trump « một cơ hội ».
APEC cam kết chống bảo hộ mậu dịch
Theo chương trình, những thách thức kinh tế đang chờ đợi thế giới là chủ đề của cuộc họp vào sáng nay giữa 21 thành viên APEC và tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IFM Christine Lagarde. Theo AFP, dự thảo tuyên bố chung của APEC khẳng định « chống mọi hình thức bảo hộ mậu dịch » nguồn cội làm suy yếu kinh tế toàn cầu.
APEC cam kết « tiếp tục mở cửa thị trường » và về lâu về dài « xây dựng một vùng trao đổi thương mại tự do xuyên Thái Bình dương toàn diện ».
Lập trường này, theo AFP, hoàn toàn đi ngược lại chủ trương « nước Mỹ trước đã » của ông Donald Trump, tạo cơ hội cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ tham vọng « lãnh đạo độc tôn » trong tiến trình xây dựng một hiệp định mới thay thế sáng kiến TPP của Mỹ có nhiều khả năng bị Donald Trump khai tử.
Từ Lima, thông tín viên Eric Samson tường thuật :
“Tổng thống Barack Obama có mặt tại thượng đỉnh Lima, nhưng mọi chú ý đều hướng về Donald Trump. Chủ tịch Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội để nhấn mạnh đến những khác biệt trong chính sách của Bắc Kinh với chủ trương của tổng thống tân cử Hoa Kỳ.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Trump đã hứa áp dụng chính sách bảo hộ để bảo đảm công việc làm cho người lao động Mỹ trước sức cạnh tranh của Trung Quốc.
Về mặt chính thức, ông Tập Cận Bình mong muốn Bắc Kinh và Washington ‘tiếp tục hợp tác, giải quyết những bất đồng để bảo đảm giai đoạn chuyển tiếp được diễn ra một cách êm thắm’. Dù vậy lãnh đạo Trung Quốc đã lợi dụng cuộc gặp gỡ cuối cùng với tổng thống mãn nhiệm Hoa Kỳ, Barack Obama để quảng bá cho dự án Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực –RCEP- bao gồm Trung Quốc, 10 nước thành viên ASEAN và một số quốc gia như Úc hay Ấn Độ, nhưng trong đó không có Hoa Kỳ.
Dự án RCEP của Bắc Kinh trên nguyên tắc sẽ là viên gạch đầu tiên trên tiến trình xây dựng một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn cho toàn khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Quốc muốn dự án này thay thế cho Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương TPP do tổng thống Barack Obama đề xuất và tới nay, đã có 12 nước tham gia.
Hiệp định xuyên Thái Bình Dương của Hoa Kỳ bị chựng lại sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Ông Barack Obama không còn làm chủ tình thế tại một khu vực mà 21 thành viên diễn đàn APEC chiếm đến 60 % trao đổi mậu dịch toàn cầu” .
Giới chức tình báo Mỹ đề nghị loại bỏ Giám đốc NSA
Truyền thông Mỹ hôm thứ Bảy, 19/11, đưa tin các lãnh đạo hàng đầu của giới tình báo và quân đội Mỹ muốn Tổng thống Barack Obama sa thải giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).
Tờ Washington Post là báo đầu tiên đưa tin là Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter và Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper hồi tháng trước đã đề xuất với Tòa Bạch Ốc về việc loại bỏ Đô đốc Michael Rogers, người đứng đầu cả Cơ quan An ninh Quốc gia lẫn Bộ tư lệnh Không gian mạng của Mỹ.
Ngay lúc này, chưa rõ vì lý do gì mà hai ông Carter và Clapper thúc giục việc sa thải. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes đã đề nghị hai ông ra điều trần trước ủy ban về đề xuất của họ trước khi hết năm.
Tổng thống đắc cử Donald Trump, người đang cân nhắc ông Rogers cho một chức vụ về tình báo trong chính quyền của ông, đã phỏng vấn ông Rogers hôm 17/11. Có tin các quan chức trong chính quyền đã bị bất ngờ về cuộc gặp đó vào một thời điểm Tòa Bạch Ốc có thể đang xem xét việc loạt bỏ ông Rogers.
Ông Obama bổ nhiệm ông điều hành NSA vào năm 2014 sau khi xảy ra vụ lộ nhiều bí mật lớn do nhân viên hợp đồng Edward Snowden gây ra. Kể từ đó, đã xảy ra thêm nhiều vụ lộ thông tin mật. Cục Điều tra Liên bang hồi tháng 8 đã bắt giữ nhân viên hợp đồng Harold Martin của NSA, có tin người này đã lấy cắp lượng dữ liệu mật lớn đến mức 200 máy tính xách tay mới chứa hết.
Ông Obama nói với giới trẻ
‘đừng giả định về điều tồi nhất’
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Bảy, 19/11, đã chuyển một thông điệp đến 1.000 thủ lĩnh trẻ của khu vực Mỹ Latinh và Caribê về Tổng thống đắc cử Donald Trump, đó là “Đừng đặt giả định về điều tồi tệ nhất”.
Tại thủ đô của Peru, trước cử tọa là những người trẻ tuổi và là một phần trong chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ châu Mỹ, ông Obama phát biểu rằng:
“Cách thức một người tranh cử không phải lúc nào cũng giống hệt cách thức người đó điều hành chính phủ. Đôi khi, khi người ta tranh cử, ngườu ta cố gắng khuấy động niềm đam mê. Khi người ta nắm quyền, người ta thực sự có thực tế trước mặt và người ta phải nghĩ để giải quyết công việc”.
Sau cuộc gặp với các đại biểu trẻ, ông Obama gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Họ đã bàn về các mối đe dọa từ những nỗ lực của Bắc Triều Tiên nhằm nâng cấp vũ khí hạt nhân và hệ thống tên lửa đạn đạo của nước này.
Ông Obama và ông Tập cũng nêu ra Hiệp định Paris mới đây về chống biến đổi khí hậu như là một ví dụ của sự tiến bộ hai nước, và lợi ích của hiệp định đối với cộng đồng quốc tế.
Sau khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau, Tòa Bạch Ốc ra tuyên bố cho biết: “Hai nhà lãnh đạo đã suy ngẫm về những tiến bộ đáng kể đã đạt được trong việc tăng cường mối quan hệ song phương thông qua sự can dự lâu bền”.
Tổng thống Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo thế giới khác đang ở Lima để tham gia hội nghị thường niên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh APEC.
http://www.voatiengviet.com/a/ong-obama-noi-voi-gioi-tre-dung-gia-dinh-ve-dieu-toi-nhat/3604345.html
Ông Trump, Romney họp bàn ‘tường tận, cặn kẽ’
về tình hình thế giới
Mitt Romney, một trong những nhân vật theo Đảng Cộng hòa từng chỉ trích gay gắt Donald Trump trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, đã gặp gỡ Tổng thống đắc cử hôm thứ Bảy và cho biết họ đã có “một cuộc thảo luận rất tường tận và cặn kẽ” về tình hình thế giới.
Ông Romney, ứng cử viên Đảng Cộng hòa thất bại trước Tổng thống Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, gần đây được nhắc tới như một ứng viên có thể được ông Trump lựa chọn làm bộ trưởng ngoại giao. Không có chỉ dấu nào từ cuộc hội đàm này cho biết ai sẽ nắm giữ chức vụ này. Cuộc hội đàm Trump-Romney diễn ra ở bang New Jersey, tại một câu lạc bộ golf do ông Trump sở hữu.
“Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện sâu rộng về nhiều khu vực của thế giới nơi có những lợi ích to lớn của Hoa Kỳ,” ông Romney nói sau cuộc gặp gỡ. “Chúng tôi đã bàn về những khu vực đó và trao đổi quan điểm của chúng tôi về những chủ đề đó.”
Trong một diễn biến dường như là một cử chỉ hòa giải công khai với những nhà lãnh đạo chính thống của Đảng Cộng hòa, ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đã nồng nhiệt chào đón ông Romney bằng những cái bắt tay khi cựu Thống đốc bang Massachusetts đến dự cuộc hội đàm.
Ông Trump và ông Romney đã có mối quan hệ không mấy thuận thảo trong quá khứ, nhưng Thượng nghị sĩ Jeff Sessions, người được ông Trump chọn làm bộ trưởng tư pháp và là phó chủ tịch nhóm chuyển tiếp của ông, đã kêu gọi Tổng thống đắc cử cân nhắc ông Romney cho một vị trí trong chính quyền sắp tới.
Trong một bài phát biểu hồi tháng 3 thu hút nhiều sự chú ý, ông Romney đả kích ông Trump là “kẻ lừa đảo” và “tay bịp bợm.” Ông Trump phản pháo rằng ông Romney “sặc như một con chó” trong nỗ lực tranh cử của ông bốn năm trước, và nhiều lần gán cho doanh nhân triệu phú này cái mác “kẻ thua cuộc.” Mối quan hệ của họ chỉ bắt đầu tan băng trong tháng này, sau khi ông Romney gọi điện thoại cho ông Trump để chúc mừng chiến thắng gây kinh ngạc của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống.
Tin cho hay ông Trump đang cân nhắc một số người để bổ nhiệm vào chức vụ ngoại giao hàng đầu của đất nước, nhưng Tổng thống đắc cử đã nói rằng chỉ có mình ông mới biết ai là “những người nằm trong danh sách cuối cùng” cho chức vụ này.
Bạn và cựu trợ lý của tổng thống Hàn Quốc
chính thức bị truy tố
Các công tố viên Hàn Quốc hôm Chủ nhật cho biết họ đã chính thức truy tố một người bạn của Tổng thống Park Geun-hye và hai trợ lý cũ của bà trong vụ bê bối tham nhũng đang bao trùm chính quyền của bà.
Choi Soon-sil, bạn của bà Park, và cựu trợ lý tổng thống An Chong-bum bị buộc tội lạm quyền trong việc gây sức ép lên những tập đoàn để họ đóng góp ngân khoản cho những quỹ tài chính là tâm điểm của vụ bê bối, theo lời Lee Young-ryeol, trưởng Văn phòng Công tố viên Quận Trung tâm Seoul.
Ông Lee nói thêm rằng nhóm của ông tin là bà Park có vai trò đồng phạm trong vụ việc nhưng cho biết bà không thể bị truy tố vì bà có quyền miễn tố hiến định.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra tổng thống,” ông Lee nói với các phóng viên.
Dinh Ngói Xanh, phủ tổng thống của Hàn Quốc, không đưa ra phát biểu nào.
Những cáo trạng này không gây bất ngờ. Bà Choi bị cáo buộc hợp tác với ông An để gây áp lực lên những tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc để giúp huy động 77,4 tỉ won (65,59 triệu đôla) thay mặt cho hai quỹ phi lợi nhuận, theo các công tố viên.
Chính quyền của Tổng thống Park đã bị rúng động bởi những cáo buộc nói rằng bà Choi đã lợi dụng mối quan hệ của bà với Tổng thống để can dự vào công việc nhà nước và gây ảnh hưởng không thỏa đáng, nhưng bà đã kháng cự những lời kêu gọi từ chức.
Hàng trăm ngàn người biểu tình đã đổ xuống đường phố Seoul vào ngày thứ Bảy trong tuần thứ tư liên tiếp có những cuộc biểu tình chống lại bà.
Các công tố viên cũng truy tố một cựu trợ lý thứ hai của tổng thống, Jeong Ho-seong, về tội rò rỉ thông tin mật cho bà Choi.
Ông An và ông Jeong đều đã từ chức vào cuối tháng trước khi cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng.
Bà Park đã cam kết hợp tác trong cuộc điều tra nhưng lại kháng cự kế hoạch của các công tố viên định thẩm vấn bà vào tuần trước.
Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một dự luật bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt, người sẽ tiến hành một cuộc điều tra riêng biệt và sâu rộng hơn.
Chiến sự tái diễn ở Syria, hơn 30 người chết
Các nguồn tin Syria nói phiến quân pháo kích vào một trường học, giết chết ít nhất 7 trẻ em hôm Chủ nhật, 20/11, ở khu vực do chính phủ kiểm soát ở Aleppo.
Có tin hàng chục người khác đã bị thương do vụ bắn rocket vào khu dân cư Furqan.
Các cuộc không kích và pháo kích của quân chính phủ ở Aleppo giết chết ít nhất 27 người hôm thứ Bảy, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp diễn ra các vụ oanh tạc vào thành phố có hơn 275.000 người sinh sống.
Tổ chức Đài quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết máy bay chiến đấu của Syria đã ném bom hơn 20 khu dân cư hôm 18/11.
Kể từ khi cuộc tấn công lại diễn ra hôm 15/11, khoảng 100 người đã thiệt mạng, trong đó có hai người chết vì đạn súng cối của phiến quân nhắm mục tiêu vào những phần do chính phủ kiểm soát trong thành phố.
Chiến sự mới tái diễn ở Aleppo sau một thời gian ngắn yên ắng khi Nga đồng ý ngừng không kích và cho phép viện trợ nhân đạo đi vào thành phố còn những người dân di tản được đi ra.
Hôm thứ Bảy, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc Susan Rice cảnh báo chính phủ Syria và những người Nga hậu thuẫn họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các vụ ném bom “đáng ghê tởm” vào các bệnh viện trong các những khu vực phiến quân kiểm soát ở Aleppo.
Bà nói: “Mỹ lên án mạnh mẽ nhất về các cuộc tấn công khủng khiếp này đánh vào hạ tầng cơ sở về y tế và các nhân viên cứu trợ nhân đạo. Không có gì biện minh cho những hành động đáng ghê tởm này. Chế độ Syria và các đồng minh của họ, nhất là Nga, chịu trách nhiệm về những hậu quả trước mắt và lâu dài mà những hành động này đã gây ra ở Syria và ở những nơi khác”.
Tòa Bạch Ốc lên án Nga,
Syria ‘tàn ác’ vì ném bom bệnh viện ở Aleppo
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Susan Rice hôm thứ Bảy cảnh báo chế độ Syria và đồng minh Nga của họ rằng họ sẽ bị buộc phải chịu trách nhiệm về những vụ ném bom “tàn ác” nhắm vào những bệnh viện ở khu vực do phiến quân kiểm soát của thành phố Aleppo.
“Hoa Kỳ lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất những cuộc tấn công khủng khiếp này nhắm vào cơ sở hạ tầng y tế và nhân viên cứu trợ nhân đạo. Không có lý do nào biện minh cho những hành động tàn ác này,” bà nói. “Chế độ Syria và những đồng minh của họ, cụ thể là Nga, chịu trách nhiệm về những hậu quả trước mắt và lâu dài mà những hành động này đã gây ra tại Syria và xa hơn nữa.”
Những cuộc không kích và pháo kích của lực lượng chính phủ ở Aleppo giết chết ít nhất 27 người hôm thứ Bảy, đánh dấu ngày thứ năm liên tiếp thành phố này bị ném bom. Hiện có hơn 275.000 người đang sống ở Aleppo.
Vào ngày thứ Sáu, bom của chính phủ rơi trúng bốn bệnh viện ở Aleppo, khiến ban giám đốc y tế được phiến quân bổ nhiệm phải tuyên bố tất cả bệnh viện trong khu vực do phe đối lập nắm giữ ngừng hoạt động.
“Việc hủy hoại có chủ ý cơ sở hạ tầng giúp duy trì sinh tồn đã khiến cho những người kiên định sống giữa vòng vây, bao gồm trẻ em, người già, những người đàn ông và phụ nữ, không có cơ sở y tế để chữa trị cho họ,” ban giám đốc cho biết trong một thông cáo.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria ở Anh cho biết máy bay chiến đấu của Syria đã dội bom hơn 20 khu phố.
Kể từ khi cuộc tấn công mới tiếp tục vào ngày thứ Ba, 92 người đã thiệt mạng, trong đó có hai người được nói là chết vì đạn súng cối của phiến quân nhắm vào những khu vực do chính phủ kiểm soát trong thành phố, theo truyền thông nhà nước.
Chiến sự bùng phát trở lại ở Aleppo sau một khoảng thời gian hưu chiến ngắn ngủi khi Nga đồng ý ngừng những cuộc không kích của mình và cho phép viện trợ nhân đạo vào thành phố và người dân thoát ra ngoài.
Đặc sứ về Syria của Liên Hiệp Quốc, Staffan de Mistura, theo lịch trình sẽ đến thủ đô Damascus vào Chủ nhật để hội đàm với bộ trưởng ngoại giao và những quan chức quân sự cấp cao khác của Syria. Cuộc vây hãm Aleppo dự kiến sẽ là một trong những chủ đề thảo luận.
Syria: không kích ở Aleppo làm chết bảy trẻ em
Bảy trẻ em và một phụ nữ thiệt mạng trong khu vực do chính phủ kiểm soát ở mạn tây Aleppo sau khi một trường học bị trúng hỏa lực của quân nổi dậy, truyền thông nhà nước cho hay.
Ít nhất 32 người khác bị thương trong một trường học ở khu Furqan lân cận, theo hãng tin Sana.
Cuộc tấn công xảy ra vài ngày sau vụ đánh bom nặng nề ở mạn đông do quân nổi dậy kiểm soát.
Hôm Chủ nhật, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc Staffan De Mistura đề nghị chính quyền cấp quyền tự trị cho các khu vực ở thành phố do quân nổi dậy nắm giữ, nhưng đề nghị đã bị bác bỏ.
Ông De Mistura cảnh báo hồi đầu tuần này rằng Chính phủ Syria theo đuổi một chiến thắng theo kiểu ‘bạo lực’ ở Aleppo, nếu họ không đi tới một giải pháp chính trị với phe đối lập.
Điều này đã hoàn toàn bị từ chối… Đây là một sự vi phạm chủ quyền của chúng tôiNgoại trưởng Syria Walid Muallem
Ông De Mistura được hiểu là đã tới thủ đô Damascus để thực hiện một động thái thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình, đề xuất một chính quyền tự trị, theo Ngoại trưởng Syria Walid Muallem.
‘Bác bỏ đề xuất’
Tuy nhiên, ông Muallem nói ông không sẵn sàng xem xét đề xuất nói trên.
“Điều này đã hoàn toàn bị từ chối… Đây là một sự vi phạm chủ quyền của chúng tôi”, ông Muallem nói trong một họp báo được truyền hình sau khi hội đàm với ông De Mistura.
Ông De Mistura đến Syria trong bối cảnh quan ngại ngày càng gia tăng đối với 275.000 cư dân ở miền đông Aleppo, mà Tổ chức Y tế Thế giới nói là gần như hoàn toàn không còn cơ sở bệnh viện nào sau cuộc tấn công mới nhất của chính phủ.
Theo Tổ chức quan sát nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh, ít nhất 103 người đã thiệt mạng trong khu vực mà quân nổi dậy kiểm soát kể từ khi oanh kích ném bom bắt đầu hôm thứ Ba, sau một lệnh cấm ba tuần.
Mười ba người – trong đó có chín trẻ em – đã thiệt mạng ở mạn Tây do chính phủ kiểm soát.
Dân phòng Syria, một tổ chức tình nguyện cứu hộ cho hay có 180 cuộc không kích đánh vào miền đông Aleppo chỉ riêng trong ngày thứ Bảy.
Cả hai tổ chức trên nói các cuộc tấn công vẫn tiếp tục vào Chủ nhật, với bom thùng được thả xuống quận al-Sakhour.
Trong số những người chết là một gia đình gồm có sáu người mà các nhân viên y tế cho rằng họ đã bị ngạt thở đến chết do bom thùng được tẩm với khí clo.
Tuy nhiên, Tổ chức Quan sát nhân quyền Syria đã không thể khẳng định liệu khí clo có được sử dụng hay là không.
Những nhà lãnh đạo tại APEC kêu gọi sự cởi mở về kinh tế
Những nhà lãnh đạo tề tựu tại một hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn ở Peru đang kêu gọi Mỹ và những quốc gia khác đừng từ bỏ những thỏa thuận thương mại toàn cầu.
Vào lúc mà cử tri ở Mỹ và Châu Âu đang bầu chọn những chính trị gia bày tỏ sự ngờ vực sâu sắc rằng những thỏa thuận này rồi sẽ làm lợi cho người dân của mình, những nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương đang kêu gọi các nước chớ thoái lui khỏi thương mại tự do hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Bảy, kêu gọi các nước chấp nhận sự cởi mở về kinh tế.
“Chúng ta phải dốc sức xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung,” ông Tập nói tại hội nghị ở thủ đô Lima của Peru. “Và điều đó nên khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn thay vì xa cách.”
Nhắc đến việc ông Donald Trump mới đắc cử tổng thống Mỹ hồi gần đây, ông Tập cho biết Bắc Kinh và Washington đang ở tại “thời điểm bản lề” trong mối quan hệ của hai nước.
“Tôi hy vọng hai bên sẽ cùng nhau làm việc để tập trung vào hợp tác, quản lý những khác biệt của chúng ta, và bảo đảm có sự chuyển tiếp suôn sẻ trong mối quan hệ và rằng nó sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai,” ông Tập nói.
Ông Obama phát biểu tương tự như vậy. Ông ca ngợi mối quan hệ đối tác hữu hiệu của hai nước về những thách thức toàn cầu từ tăng trưởng, ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân, cho tới phản đối những hành động khiêu khích hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đến những nỗ lực nhằm chấm dứt dịch bệnh Ebola.
“Đặc biệt, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đóng một vai trò then chốt trong việc thúc giục thế giới hành động về biến đổi khí hậu,” ông Obama nói thêm. “Bây giờ chúng ta đối mặt với công tác bảo đảm rằng hai nền kinh tế của chúng ta chuyển tiếp để trở nên bền vững hơn.”
Trung Quốc muốn các nước trong khu vực chấp thuận một hiệp định thương mại kinh tế, được gọi là FTAAP (Khu vực Thương mại Tự do Châu Á-Thái Bình Dương). Kế hoạch này được nhiều người coi là đối thủ cạnh tranh với Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ hậu thuẫn, giờ phải được 12 quốc gia đàm phán thỏa thuận này phê chuẩn.
Nhưng với việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ hủy bỏ TPP, khả năng thỏa thuận này đi vào hiệu lực thực sự khó thành hiện thực.
Trung Quốc đưa phái đoàn lớn nhất từ trước tới giờ của họ tới dự hội nghị thượng đỉnh APEC. Nhiều đại biểu xem đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang muốn đi đầu về thương mại tự do nếu Mỹ quay sang hướng bảo hộ thương mại.
Thủ tướng New Zealand John Key kêu gọi thực hiện những thay đổi nhỏ đối với TPP để xoa dịu ông Trump, hoặc thiết lập một thỏa thuận thương mại mới mà không có Mỹ tham gia.
“Thậm chí nếu Mỹ không muốn tham gia vào thương mại tự do, Tổng thống Trump cần hiểu rằng những nước khác vẫn muốn,” ông Key nói.
Tổng thống Enrique Peña Nieto của Mexico thì bênh vực hiệp định thương mại NAFTA mà nước ông đạt được với Mỹ vào năm 1992, nói rằng nó đã làm lợi cho người lao động ở cả hai phía biên giới. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền Mexico sẵn lòng thảo luận về hiệp định này để “hiện đại hóa” nó.
Tổng thống Obama tiếp tục trấn an những nhà lãnh đạo trong chặng cuối của chuyến công du nước ngoài cuối cùng của mình trên cương vị tổng thống.
“Chúng tôi sẽ có một chương trình nghị sự bận rộn tại APEC, nhưng đây luôn là dịp rất hữu ích để chúng tôi hội họp và cân nhắc làm thế nào chúng tôi có thể bảo đảm rằng chúng tôi đang tạo ra thêm nhiều việc làm, nhiều cơ hội và nhiều sự thịnh vượng hơn cho tất cả các quốc gia của chúng tôi,” ông Obama nói với báo giới ở Lima hôm thứ Bảy.
Ông Obama đã đưa sự chú trọng đối với khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, được gọi là sự tái cân bằng về Châu Á-Thái Bình Dương, vào làm nền tảng chính sách đối ngoại của mình. Nhưng điều này có thể thay đổi đáng kể sau khi ông li nhiệm trong chín tuần nữa.
Tổng thống và những đồng minh ủng hộ thương mại tự do của ông trong những năm qua đã ra sức vận động để khởi động TPP. Nhưng trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump nói rằng ông sẽ giải tiếp với Châu Á, chỉ trích một số đồng minh của Mỹ, và gọi TPP là “sự cưỡng hiếp” lợi ích của Mỹ.
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang bế mạc hội nghị vào ngày thứ Bảy và gửi lời mời các nước tham dự hội nghị năm sau được tổ chức tại Việt Nam.
Duterte nói phương Tây ‘đạo đức giả’
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chọn gặp song phương với lãnh đạo Trung Quốc và Nga đầu tiên, khi đến Peru dự hội nghị Apec có mặt 21 nguyên thủ quốc gia.
Tại Lima, Peru, ông Duterte gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tiên.
Và hôm thứ Bảy, giờ địa phương, ông Duterte gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tại cuộc gặp với ông Putin, ông Duterte phê phán nhiều nước phương Tây “bắt nạt nước nhỏ” và “đạo đức giả”.
“Gần đây, tôi thấy nhiều nước phương Tây bắt nạt nước nhỏ. Và họ thật đạo đức giả.”
“Họ có vẻ bắt đầu một cuộc chiến nhưng lại sợ tham chiến. Đó là vấn đề của Mỹ và các nước khác.”
Ông Duterte nói tiếp: “Họ đã gây chiến ở nhiều nước, tại Việt Nam, Afghanistan và Iraq.”
“Họ đòi nếu anh liên minh với họ thì phải theo họ.”
Trước chuyến đi tới Peru, ông Duterte không giấu sự ngưỡng mộ ông Putin, gọi Tổng thống Nga là “anh hùng”.
Ông cũng từng nói ông sẽ là người đầu tiên gia nhập “trật tự thế giới mới” của Nga và Trung Quốc.
Khi thăm Trung Quốc vào tháng 10, ông Duterte nói: “Có ba nước đối đầu thế giới – Trung Quốc, Philippines, Nga.”
0 comments