Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 03/11/2016

Thursday, November 3, 2016 7:17:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 03/11/2016

Nga có thật sự muốn trở lại Cam Ranh ?

Trong thời gian gần đây, Nga có nhiều tuyên bố về khả năng khôi phục các khu căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Cuba và Việt Nam. Nếu tin vào Matxcơva, cùng với bốn căn cứ quân sự hiện có tại Armenia, Kyrgyzstan, Tajikistan, Syria, và nếu kế hoạch mở lại các khu căn cứ tại Biển Đông, vùng Caribe và nam Địa Trung Hải trở thành hiện thực, Nga có thể mở rộng đáng kể khả năng triển khai sức mạnh tại nhiều vùng trọng điểm.
Câu hỏi đặt ra: Liệu Cam Ranh có thể nào được mở rộng thành một căn cứ quân sự hoàn toàn tạo thuận lợi cho các hoạt động quân sự tương tự như của Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc hay không?
Ông Artyom Lukin, giáo sư trường đại học Viễn Đông Liên Bang Vladivostok trên trang mạng East Asia Forum ngày 02/11/2016 đã khẳng định là không. Việt Nam đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng mở một căn cứ quân sự nước ngoài ngay trên chính lãnh thổ của mình. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã xúc tiến mở rộng cảng Cam Ranh tiếp nhận tầu chiến đến từ nhiều nước khác nhau.
Đây là một phần chiến lược phòng thủ của Hà Nội, đang tìm cách đối phó trước tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh bằng thiết lập các mối liên kết chiến lược với nhiều cường quốc khác ngoài khu vực. Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất. Đây cũng là thị trường quan trọng hàng đầu cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Do đó, Hà Nội cũng không thể nào làm phật lòng Washington khi đồng ý để cho Matxcơva đóng quân thường trực tại đây.
Về phía Nga, liệu nước này có đủ khả năng tái thiết lập và duy trì một hệ thống các khu căn cứ quân sự trên toàn cầu, vốn dĩ đòi hỏi những khoản tiền thuê đắt đỏ, nhu cầu bảo trì và chi phí nhân sự cao? Vào lúc mà nền kinh tế Nga vẫn còn hạn hẹp, việc chi ra những khoản tiền lớn cho các căn cứ quân sự ở nước ngoài quả thật là một thách thức khó khăn.
Nếu như ý tưởng khôi phục các cơ sở có từ thời Xô Viết phần lớn là không khả thi, vậy tại sao Nga lại đề cập đến kế hoạch này? Theo tác giả bài viết, có nhiều cách giải thích.
Thứ nhất là nhằm khiêu khích Hoa Kỳ bằng cách làm trỗi dậy nỗi ám ảnh sự hiện diện quân sự Nga tại nhiều điểm chiến lược trên toàn cầu.
Đó cũng có thể là động tác nghi binh nhằm che giấu động cơ thật sự của điện Kremlin.
Bất kể ở trường hợp nào, Matxcơva cũng không muốn che giấu bí mật về chiến lược chính yếu của mình, đó là nhằm mục đích thay đổi mối tương quan lực lượng tại vùng Á-Âu. Chiến lược này hơn bao giờ hết cần sự liên kết chặt chẽ với Trung Quốc.
Mối quan hệ “đối tác chiến lược” Nga – Trung giờ trông có vẻ vững chắc và hiệu quả hơn là một số “hiệp ước liên minh” của Hoa Kỳ. Cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Putin và Tập Cận Bình hồi tháng 6/2016 đã gây chú ý, do những luận điểm chống Hoa Kỳ mạnh mẽ một cách bất thường.
Nga và Trung Quốc đã tiến hành một loạt các chiến dịch chính trị và quân sự chung, như cùng đưa tầu chiến vào vùng lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư, nơi có tranh chấp lãnh hải giữa Tokyo và Bắc Kinh; tập trận hải quân tại vùng Biển Đông có tranh chấp; hay như Putin lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vụ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài về Biển Đông.
Mối hợp tác quân sự giữa hai nước còn thể hiện rõ trong việc Nga chấp nhận bán cho Trung Quốc hệ thống vũ khí tối tân nhất như hệ thống tên lửa địa đối không S-400 hay chiến đấu cơ Su-35. Đỉnh điểm của mối quan hệ này là Matxcơva và Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận cùng sản xuất động cơ tên lửa bằng nhiên liệu hóa lỏng, một lãnh vực Nga có nhiều chuyên gia, để đổi lấy việc Trung Quốc cung cấp kỹ thuật điện tử hàng không cho ngành công nghiệp không gian của Nga.
Từ những quan sát trên, tác giả bài viết đặt giả thuyết: Nếu tiếp tục đà hợp tác chiến lược này, bước kế tiếp có thể là sự hiện diện của binh sĩ Nga tại Trung Quốc, và tương tự, Bắc Kinh sẽ triển khai quân trên lãnh thổ của Nga. Trong vài năm tới, chúng ta có thể sẽ không bàn đến vịnh Cam Ranh nữa, vậy liệu có triển vọng nào cho Nga đặt căn cứ hải quân tại Hải Nam, và cho Trung Quốc tại quần đảo Kuril của Nga hay không?

Việt Nam :

Thêm một blogger bị bắt với tội danh chống Nhà nước

Tại Việt Nam, không đầy một tháng, chính quyền bắt hai blogger vì các bài viết có liên quan đến nạn xả thải gây ô nhiễm biển, nhưng bị xem là chỉ trích nhà nước. Bác sĩ Hồ Văn Hải tức blogger Hồ Hải, 52 tuổi, đã bị công an bắt « khẩn cấp » vào ngày hôm qua 02/11/2016 vì « phát tán tài liệu chống Nhà nước ».
Cơ quan công an ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết « đã bắt khẩn cấp blogger Hồ Hải, tức bác sĩ Hồ Văn Hải 52 tuổi » và ông « sẽ bị điều tra và trừng phạt vì tội phát tán tài liệu chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa ».
Báo chí chính thức ở Việt Nam cũng như các trang mạng xã hội và thông tấn quốc tế như AFP, AP cùng đưa tin này.
Bác sĩ Hồ Văn Hải bị bắt tại nơi làm việc là Phòng khám bệnh đa khoa Á châu, quận Thủ Đức.
Chiến lược giải quyết vấn nạn môi trường ở Việt Nam”, “Hãy kiện tập đoàn Formosa ra toà án quốc tế“, “Formosa Hà Tĩnh phát thải siêu độc”, “Phải đóng cửa không chỉ tập đoàn thép“… là một số bài viết của blogger Hồ Hải.
Theo báo Tuổi Trẻ, một sĩ quan công an tên Nguyễn Sỹ Quang cho rằng bác sĩ Hồ Văn Hải loan tải những bài viết làm người dân mất niềm tin vào chính phủ, vi phạm điều 88 luật hình sự.
Tuy nhiên, theo AFP, đạo luật này bị các tổ chức nhân quyền quốc tế xem là « mơ hồ ».
Tháng 10 vừa qua, blogger Mẹ Nấm, tức bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ở Nha Trang cũng bị công an bắt giam và cho đến nay vẫn không cho mẹ già và hai con nhỏ thăm viếng.
Trong vụ Formosa thải chất độc làm cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung, hai nhà báo mạng này đưa lên nhiều bài phân tích bảo vệ môi trường, kêu gọi truy tố tập đoàn Formosa và đòi Nhà nước minh bạch.

Bộ trưởng TN&MT kêu gọi quốc hội

ngăn phát triển kinh tế xâm hại môi trường

Từ thảm họa cá chết tới hạn hán và lũ lụt, môi trường Việt Nam đã hết ngưỡng chịu đựng.
Đó là lời giải trình tại quốc hội của bộ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà tại phiên họp quốc hội hôm 2/11 được truyền hình trên VTV1:
“Sau hàng loạt sự cố, chúng ta nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa.”
Những vụ cá chết hàng loạt trên biển miền Trung và các sông hồ ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trận lụt lớn gần đây đều được cho là có liên hệ tới sự tập trung vào phát triển kinh tế mà không chú trọng đúng mức đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo bộ trưởng Hà, ngay sau sự cố môi trường biển miền Trung chính phủ đã tiến hành rà soát toàn bộ nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế trước đây. Nhưng gần đây ông công nhận rằng chính phủ đã xử lý chậm chạp trước thảm họa cá chết do tập đoàn Formosa xả thải độc gây nên.
Những vụ cá chết hàng loạt gần đây trên các hồ ở Hà Nội, nhất là trên Hồ Tây, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự “không thể chịu đựng hơn được nữa” của môi trường thiên nhiên trong sự phát triển ồ ạt về công nghiệp cũng như quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Giám đốc Trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng Nguyễn Ngọc Lý nhận xét với VOA Việt Ngữ:
“Trong sự phát triển nhanh về công nghiệp và về đô thị hóa hiện nay, nó đã đẩy đi quá nhanh mà việc bảo vệ môi trường đang rất bị hạn chế không theo kịp với sự phát triển đó. Và cũng như các nước, nó sẽ phải đi theo một lộ trình khá là vất vả.”
Người đứng đầu bộ TN&MT cũng đã nhận định tại quốc hội hôm 2/11 rằng “lâu nay môi trường đi sau phát triển” và kêu gọi cho việc chú trọng vào đầu tư cho môi trường ngay từ đầu:
“Trước đây môi trường thường đi sau các hoạt động phát triển – phát triển trước làm sạch sau – thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó. Trước đây chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển nhưng bây giờ môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch.”
Ông Hà nói với các đại biểu quốc hội rằng bộ “đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, giấy, dệt, nhuộm.” Dựa theo những dữ liệu đó, bộ trưởng kêu gọi có các biện pháp quyết liệt và nghiêm túc trong việc thực hiện luật môi trường.
Nhận xét về vấn đề thực thi luật, chuyên gia môi trường Lý nói:
“Những cơ chế hoặc những luật hiện nay ra chưa đủ mạnh để có thể kiểm soát được các ô nhiễm thải xuống sông, hồ hoặc các thủy vực khác nhau. Và khi anh không kiểm soát được ô nhiễm, thì ô nhiễm rất là lớn, thì nó có thể tạo ra hàng loạt các vấn đề như hiện nay chúng ta thấy.”
Nhiều chuyên gia cho rằng sự hủy hoại về môi trường là cái giá mà Việt Nam đang phải trả cho sự phát triển quá nhanh và thiếu kiểm soát.
Để giải quyết vấn nạn môi trường đang đến mức báo động, bộ trưởng Hà cho quốc hội biết sắp tới bộ sẽ “đề xuất sửa luật Môi Trường, sửa luật Đầu Tư và doanh nghiệp trong đánh giá tác động môi trường, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường.” Ông Hà kêu gọi chấm dứt sử dụng công nghệ lạc hậu và Việt Nam phải hướng tới xu hướng của thế giới là phát triển 1 nền kinh tế xanh và nền kinh tế carbon thấp.

Có thể chấm dứt nạn bạo lực học đường ở Việt Nam không?

Một nhóm nữ sinh trung học đã lột áo, túm tóc, giẫm đạp 1 hoặc 2 học sinh khác, hoặc bắt quỳ xuống liếm chân. Người bị đánh chỉ biết khóc lóc xin tha. Những học sinh khác vây quanh quay lại các hình ảnh này rồi tung lên mạng.
Những sự việc này xảy ra thường xuyên ở các trường trung học Việt Nam. Và không chỉ có các học sinh nữ mà các học sinh nam cũng đã thực hiện những hành động bạo lực tương tự, đánh hội đồng các nạn nhân trước mặt người khác.
Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới ở Việt Nam mà nó đã là một vấn nạn từ nhiều năm qua. Nhưng bây giờ vấn nạn này đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội và ngành giáo dục khi gần đây, nhiều video clip quay những cảnh bạo lực học đường được phát tán cho mọi người xem trên Internet.
Một cuộc nghiên cứu năm 2015 cho thấy hơn 50% học sinh trung học ở Việt Nam tham gia bạo lực học đường. Theo thống kê của Cơ quan Chăm Sóc và Bảo Vệ Trẻ Em công bố năm 2012, bạo lực học đường tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước đó.
Có nhiều ý kiến cho rằng sự phổ biến của mạng xã hội đã làm tăng bạo lực học đường nhưng nhà xã hội học Lê Bạch Dương không đồng ý với ý kiến đó:
“Cá nhân thì tôi không nghĩ rằng mạng xã hội sẽ là một nguyên nhân để làm gia tăng. Nhưng mà nó cũng có là nhiều khi các em nhỏ cái gì cũng đưa lên mạng. Có thể là đánh bạn, đánh nhau thì tung lên mạng để thể hiện bản lĩnh và cũng là để thể hiện cái tôi của mình. Cái đấy nó gây nên hiệu ứng là làm cho một số khác nghĩ cái này là hay.”
Thứ trưởng bộ Giáo Dục và Đào Tạo Nguyễn Thị Nghĩa hôm 31/10 đã phải lên tiếng về tình trạng suy đồi đạo đức trong giới học sinh sinh viên. Bà Nghĩa được báo chí trong nước trích lời nói đây là “một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh hiện nay.
Nhà xã hội học Lê Bạch Dương cũng đồng tình với ý kiến của bà bộ trưởng nhưng cho rằng mối quan hệ trong xã hội càng ngày càng căng thẳng và giáo dục là nguyên nhân chính trong vấn nạn bạo lực học đường:
“Giáo dục ở mình, ở Việt Nam, thực ra không chú trọng dạy các vấn đề liên quan đến ứng xử, nhân cách và kỹ năng sống – chủ yếu là tập trung vào dạy kiến thức. Còn việc dạy về đạo đức thì rất sách vở. Cũng có những môn giáo dục công dân dạy phải cư xử như thế nào nhưng đa phần là sách vở. Nó không thu hút đối với học sinh vì nó rất là xa vời.”
Bộ trưởng Nghĩa cho rằng có nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực học đường như sự thay đổi tâm lý lứa tuổi, nguyên nhân từ phía xã hội nhưng giáo dục là một nguyên nhân chính. Theo bộ trưởng, giáo dục của Việt Nam nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và do đó khó ngăn được bạo lực học đường.
Theo cơ quan Chăm Sóc và Bảo Vệ Trẻ Em, một trong những nguyên nhân chính của sự gia tăng bạo lực học đường là giáo dục từ phía gia đình.
Nhà xã hội học Dương cho rằng bố mẹ đã không tập trung giáo dục kỹ năng sống cho con mà chỉ hướng chúng đến những thành quả học tập xa vời:
“Người lớn cũng chẳng có kỹ năng sống. Bản thân họ từ bé đã không có kỹ năng sống. Lớn lên họ cũng không có kỹ năng sống. Và như vậy làm sao họ có thể giáo dục (trẻ con) được. Cho nên tôi nghĩ rằng cái này nó mang tính hệ thống. Và muốn thay đổi nó thì cần phải làm rất nhiều tạm gọi là cách mạng về mặt xã hội thì may ra mới có thể thay đổi được.”
Theo một cuộc khảo sát gần đây của trường Đại Học Khoa Học và Xã Hội Nhân Văn ở 2 trường trung học ở Hà Nội, 85% học sinh sinh ra và lớn lên trong những gia đình thiếu vắng sự giáo dục của bố mẹ tham gia vào bạo lực học đường. Thứ trưởng Nghĩa được các báo trích lời nói rằng để ngăn chặn và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường “rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.”

Bàn tròn thứ Năm:

Tranh cãi xung quanh Dự thảo Luật về Hội

Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Tiếng Việt cùng các khách mời thảo luận về những tranh cãi xung quanh bản Dự thảo Luật về Hội được trình trong kỳ họp Quốc hội Việt Nam.
Đã có mong đợi rằng dự thảo này sẽ được thông qua trong kỳ họp thứ hai, khóa 14 đang diễn ra.
Tuy nhiên, Hôm 25/10, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói “xin lùi” việc thông qua dự luật.
Trong một trao đổi trước chương trình, luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng, đây là món nợ với dân đã nhiều chục năm, cần được trả.
Nhưng ông cho rằng việc dự thảo này khó được thông qua do có một số điểm chưa thỏa đáng, như việc cần xin phép và có giấy phép của chính quyền trong việc lập hội.
“Tôi nghiêng về ý kiến không cần xin phép mà chỉ cần thông báo,” nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói.
Theo dõi thảo luận phát trực tiếp
tại: https://www.youtube.com/watch?v=Cag3tNBB11w&feature=youtu.be lúc 19h30 giờ Việt Nam, thứ Năm ngày 03/11.
Hôm 15/10, trả lời BBC từ Hà Nội, nhà văn Phạm Thành, chủ blog Bà Đầm Xòe, nói: “Điều tôi bức xúc nhất về Dự thảo Luật về Hội là chính quyền buộc các hội phải có tính pháp nhân mới được hoạt động.”
“Nghĩa là chính quyền chỉ thừa nhận những hội mà họ có thể chi phối sự hoạt động.”
Cũng trong cùng ngày, luật sư Trần Vũ Hải cho biết: “Nếu dự thảo này thành luật, những công dân tham gia những nhóm hội mà không đăng ký pháp nhân được nhà nước công nhận, hóa ra công dân tham gia các hội bất hợp pháp.”
Theo dự thảo hiện thời, Luật về Hội không áp dụng đối với Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Nếu được thông qua, Luật về Hội mới sẽ thay thế quy định về quyền lập hội được công bố năm 1957.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi thảo luận trực tiếp lúc 19h30 giờ Việt Nam, thứ Năm ngày 03/11: https://www.youtube.com/watch?v=Cag3tNBB11w&feature=youtu.be

Thế nào là 18 ‘suy thoái’ và 9 ‘tự diễn biến’?

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đưa con số cụ thể các dạng tư duy và hành vi mà ban lãnh đạo hiện nay cho là ‘suy thoái’ về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và biểu hiện của ‘tự suy thoái’ và ‘tự diễn biến’ trong nội bộ.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10, sau Hội nghị Trung ương 4 mô tả ba nhóm định nghĩa, mỗi nhóm gồm đúng chín điều.
Báo chí Việt Nam hôm 02/11/2016 trích văn bản này nói tổng cộng có 27 “biểu hiện suy thoái” nhưng không giải thích vì sao mỗi nhóm lại gồm đúng 9 định nghĩa mà không phải là ít hơn hoặc nhiều hơn.
Nhóm đầu tiên ghi rõ là “Chín biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị”, nhấn mạnh đến tư duy ý thức hệ.
Điều đầu tiên là “Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.”
Tiếp sau là “Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.”
Sau đó là 7 điều khác, gồm cả “lười học tập chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, và “làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân”…
Các thói xấu trong dân gian như “nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng” cũng được đưa vào nhóm này.
Điều đáng chú ý là “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu” cũng trở thành một mục cần né tránh, cảnh giác.
Trong dư luận Việt Nam nhiều năm qua có ý kiến một số lãnh đạo Đảng Cộng sản, Chính quyền sau khi về hưu thì phát biểu “gần dân” hơn và phê phán bộ máy mạnh hơn.
Nay hành vi này bị cho là một dạng “suy thoái”.
Và có vẻ như Trung ương Đảng CSVN nhắc nhở cả các quan chức đương quyền khi đưa vào mục suy thoái số 8 nói về “tham vọng chức quyền”, và số 9 nói về “tư duy nhiệm kỳ”.
“Tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo…” cũng được đặt vào mục này.
Nhiều báo Việt Nam đã đăng tải về các trường hợp “cả họ làm quan” như ở Hà Giang hoặc đưa con cái, thân quyến vào các chức vụ của chính quyền và bộ máy kinh tế.
Trong 9 điều về “suy thoái về đạo đức, lối sống” thì “tham ô, tham nhũng” chỉ đứng số 7, gần cuối, thấp hơn nhiều so với các mục nói về đạo đức thuần tuý như “cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi” (số 1), hoặc “gây mất đoàn kết nội bộ” (số 2).
Một số vấn đề dân sinh và tệ nạn xã hội như “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan” được cho vào điểm số 9, nằm cuối cùng trong hạng mục suy thoái lối sống.
Sau 18 điều đã nêu thì đến 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ của chính Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khác với thời chiến tranh, có vẻ như hiện nay lo ngại ‘tự vỡ’ trong Đảng này lớn hơn các mối lo về đối lập chính trị hoặc kẻ thù bên ngoài.
Chẳng hạn “Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động…truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước”, mà theo các điều luật khác thì thuộc tội phản quốc, lại chỉ đứng số 6.
Mục này thấp hơn hẳn so với các điều trừu tượng như “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (số 1) và “phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” (số 2).
Vận động và tổ chức chống Đảng cũng không quan trọng về hạng mục bằng việc “sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng” (số 4).
‘Giành lại lòng tin’
Ngay từ giữa tháng 10/2016, báo chí chính thống ở Việt Nam đã nhất loạt đăng tải nhiều ý kiến trong giới quan chức nói về nhu cầu phải chống lại các biểu hiện “tự suy thoái” và “tự diễn biến” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra.
Mục tiêu chung là để “giành lại lòng tin của người dân” đối với Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị.
Chẳng hạn, trước Hội nghị Trung ương 4, ông Phạm Xuân Hằng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo lòng tin trong nhân dân, để dân thấy Đảng nói và đang làm”.
Ông hối thúc “Phải quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, theo trang VOV hôm 15/10.
Còn tạp chí Tuyên giáo của Đảng CSVN thì kêu gọi chủ động phòng và chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong bộ máy chính trị hiện hành.
Hiện chưa có nhiều đánh giá quốc tế về phong trào này tại Việt Nam nhưng một số điểm nêu ra ở trên trùng hợp với mục tiêu của công cuộc ‘Đả hổ diệt ruồi’ mà lãnh đạo Tập Cận Bình tung ra mấy năm qua ở Trung Quốc.
Theo học giả Cheng Li từ Viện Brookings thì chiến dịch chống tham nhũng và trừng phạt các quan chức có mục tiêu phục hồi niềm tin trong dân về tính chính danh cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (to restore public confidence in the Communist Party’s mandate to rule).
Còn học giả phương Tây, ông Jonathan Fenby viết trên trang BBC lại cho rằng ông Tập Cận Bình chống tham nhũng còn vì mục tiêu kinh tế: phá tính độc quyền kiên cố của các nhóm lợi ích (entrenched vested interests) để thu hồi tiền bạc bị thất thoát và tái định hướng nguồn lực và tài chính quốc gia.

Đuổi hết công an giao thông

để ra tín hiệu chống tham nhũng?

Trả lời cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thừa nhận chống tham nhũng “là vấn đề lớn, đặt ra từ lâu, nay lại tiếp tục lưu ý, nói phải đi đôi với làm”.
Ông cũng nói:
“Chúng tôi tha thiết muốn làm hiệu quả…nhưng thực tế vô vùng khó khăn. Chống ngoại xâm đã khó, chống nội xâm còn khó hơn vì là ta đánh vào ta”, VietnamNet trích thuật cuộc tiếp xúc cử tri Ba Đình, Hà Nội của ông Trọng hôm 17/10.
Ngay từ 2012, Ngân hàng Thế giới đã thực hiện một cuộc điều tra rộng khắp về tham nhũng tại Việt Nam.
Bản tổng kết phát hành năm 2013 mang tên ‘Corruption from the perspective of citizens, firms, and public officials’ nêu nhiều khuyến nghị cho công tác chống tham nhũng ở Việt Nam:
“Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam cần có các hành động không khoan nhượng từ các lãnh đạo cao nhất để chứng tỏ rằng chống tham nhũng là việc nghiêm túc.
“Một số nước khác đã có những biện pháp dứt khoát nhằm tạo ra thay đổi trước hết về thái độ.
Ở Hong Kong và Singapore, chống tham nhũng bắt đầu bằng việc “làm sạch” hệ thống cảnh sát giao thông.
Tại Georgia (Gruzia), người ta sa thải toàn bộ các công an giao thông và tuyển mới lại để thay thế.
Ở một số nước trong giai đoạn chuyển đổi thuộc Đông Âu, số liệu về tài sản, thu nhập và các quyền lợi làm ăn của quan chức được đăng ngay trên mạng internet cho cả thế giới xem.
Mongolia và Indonesia thì tăng quyền cho các cơ quan độc lập nhằm điều tra ngay các quan chức cao cấp nhất.
Ở Romania, một công tố viên cao cấp chuyên về chống tham nhũng được bổ nhiệm để điều tra các vụ cao cấp.
Những biện pháp đó không phải là dễ làm nhưng đã gửi ra tín hiệu cho người dân thấy không thể nào dung thứ được tham nhũng và không ai “miễn nhiễm” khỏi trách nhiệm giải trình.”
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị
Báo chí quốc tế hồi tháng 4/2014 trích lời cựu tổng thống Georgia, ông Mikhail Saakashvili kể lại chiến dịch chống tham nhũng khi ông cầm quyền từ 2008 đến 2013:
“Chúng tôi sa thải mọi nhân viên công an và phòng thuế. Georgia không có họ trong ba tháng, và sau đó nhân dân tuyển chọn mọi nhân viên mới.”
“Điều ngạc nhiên là lượng tội phạm không hề tăng sau chiến dịch đó, chứng tỏ chính cảnh sát là nguyên nhân của vấn đề an ninh.”
Nhưng ngoài các biện pháp mạnh, Ngân hàng Thế giới cũng đề ra một loạt cải cách cho Việt Nam, gồm có:
Đặt ra luật về quyền được tiếp cận thông tin
Sửa lại Luật Đất để giảm các vụ cưỡng chế giao đất cho các dự án tư
Sửa Luật Phòng chống tham nhũng làm sao quyền tiếp cận thông tin của công dân được tăng cường
Có các biện pháp giám sát các quyền lợi riêng tư mâu thuẫn nhau
Có biện pháp mạnh để công khai tài sản và thu nhập quan chức
Tuyển công thức theo tài năng
Ngân hàng Thế giới cho rằng để tiến lên quốc gia có thu nhập trung bình, đã đến lúc Việt Nam cần cải tổ các cơ quan để hiện đại hóa chúng, nhằm chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngàyGS Nguyễn Phú Trọng
Tuy thế, có vẻ như là tình hình chống tham nhũng đến cuối năm 2016 vẫn còn nhiều thách thức.
Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục thừa nhận, theo trang VietnamNet 17/10/2016:
“Thực tế cuộc sống là thế nên chống tham nhũng chưa được như mong muốn. Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh và thông cảm với cái chung”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.