Tin Việt Nam – 02/11/2016
Hậu vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội
Tác giả của nhiều tập tản văn về Hà Nội chia sẻ suy nghĩ với BBC sau vụ cháy quán karaoke khiến 13 người thiệt mạng tại quận Cầu Giấy.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy hôm 1/11.
Tin cho hay, ông Dương Cao Thanh, chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy loan báo quyết định tạm dừng hoạt động đối với tất cả các quán karaoke trên địa bàn quận để tiến hành kiểm tra.
Hôm 2/11, trang Thông tin Chính phủ cho hay cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại quán karaoke này.
“Nguyên nhân vụ cháy bước đầu được xác định là do thiếu cẩn trọng khi hàn bảng quảng cáo tại tầng 2 nhà 68, là địa chỉ kinh doanh quán karaoke. Đây là cơ sở kinh doanh có 9 tầng”, trang này viết.
“Chủ tịch quận Cầu Giấy khẳng định, đây là cơ sở kinh doanh mới đang trong quá trình đầu tư và hoàn thiện thủ tục pháp lý.”
“Gần đây nhất là ngày 25/10, tổ công tác của phường tiến hành kiểm tra cơ sở. Tại thời điểm đó, tổ công tác yêu cầu cơ sở không được kinh doanh dịch vụ karaoke khi chưa có đủ giấy phép theo quy định của pháp luật”.
Hôm 2/11, trả lời BBC, nhà văn Nguyễn Trương Quý, tác giả nhiều tập tản văn về Hà Nội, nói: “Đi hát karaoke là hình thức giải trí phổ thông với người Việt và người dân các nước châu Á khác.”
“Nhưng sau sự vụ này, tôi nhận ra cuộc sống đang có quá nhiều nguy cơ rình rập, ảnh hưởng đến sinh mạng của người dân.”
Điểm đáng lưu ý qua vụ này là nhận thức của đám đông và trách nhiệm của giới chức về việc đảm bảo an toàn tại các cơ sở kinh doanh cũng như những tòa nhàNguyễn Trương Quý
“Điểm đáng lưu ý qua vụ này là nhận thức của đám đông và trách nhiệm của giới chức về việc đảm bảo an toàn tại các cơ sở kinh doanh cũng như những tòa nhà.”
‘Thiếu quyết liệt’
Nhà văn nói thêm: “Người Việt chúng ta có thể hơi dễ dãi trong việc bảo vệ sinh mạng của chính mình trong lúc công tác phòng cháy chữa cháy quá yếu.”
“Bình thường thì nguyên tắc lúc sửa sang xây dựng thì các hoạt động khác phải tạm dừng để đảm bảo thi công.”
“Tôi hoài nghi nếu có sự cố cháy nổ xảy ra ở các khu chung cư thì liệu việc chữa lửa có thể hiệu quả đến đâu trong lúc Hà Nội ngày càng nhiều nhà cao tầng hơn.”
“Dường như nhà chức trách còn thiếu sự quyết liệt trong việc đảm bảo an toàn, dự phòng cho những tình huống sự cố cháy nổ xảy ra.”
Hỏa hoạn chết người tại quán karaoke ở Hà Nội
Cùng ngày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay “11 trong số 13 nạn nhân của vụ cháy là học viên lớp cao cấp chính trị của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh”.
“Đây là lớp cán bộ nguồn cấp trưởng phó phòng, học viên đến từ nhiều tỉnh thành, trong đó Hà Nội có một cán bộ cấp phòng tham gia lớp học này. Các học viên vừa thi xong môn học, tổ chức liên hoan thì xảy ra vụ cháy”, theo báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh.
Hôm 31/10, website của Thông tấn xã Việt Nam tường thuật, Cầu Giấy được coi là một trong những địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh karaoke nhất Hà Nội, với 88 cơ sở.
Website này dẫn lời ông Quách Tuấn Anh, Phòng An ninh chính trị nội bộ, PA83, Công an Hà Nội cho biết: “Với các cơ sở kinh doanh karaoke phục vụ người nước ngoài, phần lớn chủ cơ sở là nữ, am hiểu về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế, các trang thiết bị của cơ sở chủ yếu nhập qua đường tiểu ngạch không được kiểm định, lượng tiếp viên người Việt đông, hình thức hoạt động chủ yếu về đêm… nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ về phòng cháy, chữa cháy rất lớn.”
Tháng 9/2016, một vụ cháy quán karaoke 8 tầng ở phố Nguyễn Khang, cũng ở quận Cầu Giấy khiến 20 nhân viên và khách tháo chạy.
Báo chí Việt Nam tường thuật, thời điểm xảy ra hỏa hoạn, quán “đang sửa chữa nhưng vẫn kinh doanh karaoke”.
Việt Nam tìm hỗ trợ từ Mỹ
vào lúc Manila xích lại gần Bắc Kinh
Vào lúc tổng thống Philippines Duterte càng lúc càng khẳng định xu hướng xa rời Mỹ để xích lại gần Trung Quốc, quan hệ Việt-Mỹ lại có nhiều dấu hiệu được thắt chặt thêm, đặc biệt với chuyến thăm
Hoa Kỳ (24-30/10/2016) của ông Đinh Thế Huynh, một lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam được cho là sắp tới đây có thể thay thế tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bên cạnh đó là nhiều sự kiện khác cho thấy hậu thuẫn của Việt Nam đối với sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông như mở cửa cảng Cam Ranh đón chiến hạm Mỹ, hay phản ứng thuận lợi trước việc khu trục hạm Mỹ USS Decatur vào tuần tra vùng biển Hoàng Sa (21/10).
Câu hỏi đặt ra là phải chăng Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với Mỹ để tìm cách giảm thiểu tác hại tiềm tàng từ việc Philippines xa rời Hoa Kỳ để thân thiện với Trung Quốc, sẵn sàng bắt tay Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, gây hại cho Việt Nam ?
Trong một chừng mực nào đó, có thể nói là Washington cũng đang chia sẻ mối quan tâm chiến lược của Hà Nội và suy nghĩ đến phương án nâng cao vai trò của Việt Nam trong chính sách xoay trục qua châu Á của mình. Hãng tin Anh Reuters, ngày 03/10/2016, đã dẫn lời một viên chức Hoa Kỳ xin giấu tên, xác nhận rằng trong lãnh vực quốc phòng chẳng hạn, để giảm nhẹ tác hại của việc Philippines thay đổi chính sách, chính quyền Obama đã nghĩ đến một số phương án thay thế trong đó có việc sử dụng các hải cảng tại Việt Nam.
Ba hướng vận động ngoại giao: Philippines, Trung Quốc và Mỹ
Đối với giáo sư Carl Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, tất cả những diễn biến mới đây liên quan đến quan hệ Việt-Mỹ không chỉ bắt nguồn duy nhất từ việc tổng thống Duterte xoay trục qua Trung Quốc. Trả lời RFI qua thư điện tử, giáo sư Thayer phân tích:
Thayer : Nhân tố Duterte, dù quan trọng, nhưng không phải là động lực chính đằng sau những động thái của Việt Nam…
Động lực chính chi phối các hoạt động gần đây của Việt Nam là mối quan ngại của Hà Nội trước tiến trình thay đổi lãnh đạo tại Hoa Kỳ và tác động tiềm tàng của sự kiện này đối với chính sách tái cân bằng lực lượng về mặt quân sự và kinh tế của chính quyền Obama qua châu Á. Hà Nội cũng rất muốn tìm hiểu về triển vọng của việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực.
Nhưng suy cho cùng thì Việt Nam quan tâm đến việc duy trì an ninh hàng hải và tình hình ổn định ở Biển Đông. Nhìn từ Hà Nội, thì các vấn đề kinh tế và tiến trình chuyển đổi quyền lực tại cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều sẽ ảnh hưởng đến an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Rõ ràng là Việt Nam đã tổ chức cho ông Đinh Thế Huynh đi thăm Bắc Kinh và Washington sau khi kết thúc Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ tư (09-15/10). Hội nghị này tập trung vào việc xây dựng đảng và triển vọng kinh tế trong những năm tới.
Đối với giáo sư Thayer, ngay từ đầu, sau khi tổng thống Philippines nhậm chức, và đã có những phát biểu không mấy rõ ràng về chính sách Biển Đông của Manila, Việt Nam đã tìm cách bảo đảm sao cho quan hệ chiến lược giữa hai nước vẫn được duy trì, đặc biệt trên vấn đề Biển Đông. Đó chính là trọng tâm được bàn thảo nhân chuyến công du Việt Nam của ông Duterte vào cuối tháng 9 vừa qua :
Thayer : Điều quan trọng cần lưu ý là Việt Nam đã mời tổng thống Philippines Duterte đến Hà Nội vào cuối tháng Chín để củng cố quan hệ đối tác chiến lược song phương giữa hai nước, và tìm lời giải thích rõ ràng về đường hướng đối ngoại của ông Duterte.
Thayer : Điều quan trọng cần lưu ý là Việt Nam đã mời tổng thống Philippines Duterte đến Hà Nội vào cuối tháng Chín để củng cố quan hệ đối tác chiến lược song phương giữa hai nước, và tìm lời giải thích rõ ràng về đường hướng đối ngoại của ông Duterte.
Tổng thống Duterte và chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã nhất trí tiếp tục hợp tác thông qua các cơ chế song phương hiện có, xây dựng một kế hoạch hành động sáu năm (2017-2022), mở rộng một thỏa thuận về việc Việt Nam bán gạo cho Philippines, và thúc đẩy hợp tác hàng hải và đại dương thông qua ủy ban hỗn hợp của hai nước.
Hai lãnh đạo cũng cam kết theo đuổi chính sách cơ bản của ASEAN về Biển Đông bằng cách ủng hộ quyền tự do lưu thông trên không và trên biển, quyền làm thương mại mà không bị cản trở, và giải quyết tranh chấp thông qua « các tiến trình pháp lý và ngoại giao ».
Sau Philippines, Việt Nam đã quay sang phía Trung Quốc, và lần này, phái viên của Việt Nam không ai khác hơn là ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư Ban Chấp hành Trung Ương, một nhân vật được cho là có thể là tổng bí thư tương lai của đảng Cộng Sản, thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Theo giáo sư Thayer, Biển Đông cũng nằm trong chương trình nghị sự chuyến thăm Trung Quốc trong hai ngày của ông Đinh Thế Huynh :
Thayer : Ông Đinh Thế Huynh đã đến Bắc Kinh (19-20/10) trước khi mở ra hội nghị trung ương lần thứ sáu của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 24 đến 27/10. Ông Huynh đã có cuộc tiếp xúc với tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình và xem xét lại tổng thể quan hệ song phương Việt-Trung, bao gồm cả việc khôi phục lòng tin chính trị và « xử lý thỏa đáng » tranh chấp Biển Đông.
Ông Huynh có thể là đã tranh thủ chuyến thăm đó để thẩm định quyền lực của ông Tập Cận Bình trước khi Trung Quốc tổ chức Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19 vào năm tới, mà có tin cho là sẽ diễn ra vào tháng 11. Nhân dịp đó, ông Tập Cận Bình có thể sẽ được bầu lại làm chủ tịch nước và lãnh đạo đảng. Chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Việt Nam trong một chừng mực nào đó cũng giống như những gì Tập Cận Bình đang tiến hành ở Trung Quốc.
Cuối năm 2017 là gần đến thời điểm giữa nhiệm kỳ của giới lãnh đạo Việt Nam được bầu ra nhân đại hội đảng toàn quốc năm năm một lần. Thời điểm đó đã gần kề, nhưng vẫn chưa rõ là đương kim tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tại chức cho đến hết nhiệm kỳ thứ ba – điều chưa từng thấy – hay là sẽ được thay thế. Nếu ông Trọng ra đi, thì ông Huynh rất có thể là một ứng viên vào chức tổng bí thư.
Thông điệp gởi Mỹ : Nên tiếp tục dấn thân vào Biển Đông
Thông điệp gởi Mỹ : Nên tiếp tục dấn thân vào Biển Đông
Ngay sau chuyến ghé Trung Quốc, ông Đinh Thế Huynh đã công du Hoa Kỳ trong một chuyến thăm được giáo sư Thayer nhận định là để tìm kiếm một sự bảo đảm rằng Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực Đông Nam Á và vào hồ sơ Biển Đông.
Thayer : Ông Đinh Thế Huynh công du Mỹ từ ngày 24 đến 30/10 và đã tiếp xúc với ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Chuyến thăm của ông Huynh diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Mỹ (08/11).
Cho dù chính quyền Obama đang ở trong những tháng cuối, ông Huynh rõ ràng là rất quan tâm đến việc tìm hiểu về khả năng Quốc Hội Mỹ thông hiệp định thương mại TPP, và nếu không được, thì cũng nhận được sự bảo đảm từ phía chính quyền Mỹ là sẽ tiếp tục thực thi, thậm chí đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện song phương.
Cụ thể là ông Huynh đã thúc giục Mỹ tăng cường các quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư, phê chuẩn hiệp định TPP càng sớm càng tốt, và công nhận Việt Nam như là một nền kinh tế thị trường, như vậy thuế đánh trên hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể được hạ thấp.
Đây là chuyến viếng thăm Washington đầu tiên của ông Đinh Thế Huynh, và là một cơ hội tiếp cận rất quan trọng với hệ thống chính trị Mỹ. Chuyến công du này cũng nhấn mạnh việc Mỹ sẵn sàng công nhận vai trò trung tâm của đảng Cộng Sản trong hệ thống chính trị Việt Nam. Nếu ông Huynh trở thành vị lãnh đạo sắp tới của đảng Cộng Sản Việt Nam, thì kinh nghiệm đó sẽ rất tốt cho ông.
Chuyến thăm Washington của lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng Sản Việt Nam một lần nữa đã nêu bật một sự đối nghịch quan điểm giữa Trung Quốc và Việt Nam về vai trò của Mỹ ở Biển Đông. Nếu Bắc Kinh luôn lớn tiếng tố cáo sự can thiệp của Mỹ, Nhật, hay các nước khác ngoài vùng, thì Hà Nội lại hoan nghênh sự có mặt của Mỹ. Giáo sư Thayer phân tích :
Thayer : Dứt khoát là theo quan điểm của Hà Nội, sự hiện diện quân sự của Mỹ là một nhân tố thiết yếu để làm đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Huynh và ngoại trưởng Mỹ Kerry đã thảo luận về vấn đề này. Ông Huynh đã nhắc lại nhận định của tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ Quốc Phòng là Việt Nam hoan nghênh vai trò tích cực của Mỹ trong việc đóng góp vào hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Ông Huynh cũng kêu gọi tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh trong đó có việc thực hiện thỏa thuận Tầm Nhìn Chiến Lược Chung (Joint Vision Statement) trong đó có vấn đề thương mại quốc phòng(vũ khí) và khả năng đồng sản xuất.
Trước chuyến đi Washington của ông Huynh, Mỹ và Việt Nam đã tiến hành đợt hoạt động hải quân lần thứ 7 ở Đà Nẵng (28/09 – 01/10), và ngay sau đó là chuyến ghé cảng chưa từng thấy của hai chiến hạm Mỹ USS John S. McCain and USS Frank Cable ở cảng quốc tế Cam Ranh. Đây là chuyến ghé cảng Cam Ranh đầu tiên của tàu chiến Mỹ từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam. Việt Nam và Mỹ cũng đã tổ chức Đối thoại về chính sách quốc phòng lần thứ 7 tại Hà Nội (17/10). Trong lúc ông Huynh thăm Washington thì đô đốc Harry Harris, tư lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương của Mỹ, cũng đến Hà Nội (26/10).
Tuy nhiên, sự kiện chiến hạm Mỹ ghé cảng Cam Ranh cần phải được đặt trong bối cảnh chung. Việt Nam hoan nghênh các chuyến ghé cảng quốc tế Cam Ranh – khác với cảng quân sự – của tàu bè đến từ mọi quốc gia. Sau khi cảng được mở ra vào tháng 3, tàu chiến từ Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp đã đến đây. Tàu Nga thì được ghé cảng quân sự. Gần 3 tuần sau chuyến ghé cảng của khu trực hạm Mỹ USS John McCain, thì cảng quốc tế Cam Ranh đã đón 3 tàu hải quân Trung Quốc (22-26/10).
Tàu Mỹ vào vùng biển Hoàng Sa để trấn an Việt Nam ?
Tuy nhiên, sự kiện chiến hạm Mỹ ghé cảng Cam Ranh cần phải được đặt trong bối cảnh chung. Việt Nam hoan nghênh các chuyến ghé cảng quốc tế Cam Ranh – khác với cảng quân sự – của tàu bè đến từ mọi quốc gia. Sau khi cảng được mở ra vào tháng 3, tàu chiến từ Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ và Pháp đã đến đây. Tàu Nga thì được ghé cảng quân sự. Gần 3 tuần sau chuyến ghé cảng của khu trực hạm Mỹ USS John McCain, thì cảng quốc tế Cam Ranh đã đón 3 tàu hải quân Trung Quốc (22-26/10).
Tàu Mỹ vào vùng biển Hoàng Sa để trấn an Việt Nam ?
Như để trấn an Việt Nam về quyết tâm không rời Biển Đông, Hải Quân Mỹ ngày 21/10 đã cho chiến hạm đi vào tuần tra trong vùng biển Hoàng Sa, nhằm thách thức các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Đây nơi chỉ có Việt Nam và Trung Quốc (cùng với Đài Loan) tranh chấp với nhau, và tín hiệu trấn an của Washington đã được Hà Nội hoan nghênh. Giáo sư Thayer ghi nhận :
Thayer : Hoa Kỳ luôn luôn cẩn thận lên kế hoạch về các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải từ lâu trước đó. Việc cuộc tuần tra lần thứ tư ngày 21/10 diễn ra ở vùng biển gần Hoàng Sa chứ không phải gần vùng Trường Sa có nhiều tranh chấp hơn, là một điều rất có ý nghĩa.
Một cuộc tuần tra của Mỹ ỏ vùng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc có thể làm tăng thêm căng thẳng ở một vùng vốn đã rất nhạy cảm và khiến ông Duterte có thêm những phát biểu thô lỗ đối với Hoa Kỳ.
Một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam đã có phản ứng ngày 24/10, ghi nhận rằng: « Việt Nam tôn trọng việc các quốc gia thực hiện các quyền tại Biển Đông phù hợp với quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. »
Tóm lại, trong tháng 10, Washington đã chứng minh cho ông Huynh thấy là Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện hải quân ở Biển Đông và Việt Nam công nhận sự hiện diện đó.
Nhìn chung, giáo sư Carlyle Thayercho rằng Việt Nam nên tiếp tục cổ vũ cho vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực, củng cố thêm quan hệ với Singapore, nước hiện là điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, khuyến khích Indonesia có vai trò năng động hơn tại Đông Nam Á.
Ngoài ra, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy việc hình thành « nhóm nước Biển Đông » trong ASEAN cùng với Brunei, Malaysia và Philippines, để cố vấn về chính sách cho toàn khối.
Luật sư Thuận:
Triển khai Nghị quyết 04 ‘không đơn giản’
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 30/10 đã ban hành Nghị quyết 04 của Trung ương Đảng. Nghị quyết do ông Nguyễn Phú Trọng ký nêu ra các dấu hiệu về việc đảng đang biến chất, và xác định các biện pháp để chỉnh đốn đảng.
Toàn văn nghị quyết được đăng trên nhiều báo Việt Nam, chỉ ra 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng.
“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là những thuật ngữ Đảng Cộng sản Việt Nam thường dùng để nói về việc nhiều đảng viên không còn tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản và mong muốn áp dụng một hệ thống chính trị khác.
Cụ thể, Nghị quyết 4 viết rằng “một bộ phận không nhỏ đảng viên” trong những năm gần đây “phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh … đòi thực hiện ‘đa nguyên, đa đảng’ … đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, phát triển ‘xã hội dân sự’.
Về suy thoái đạo đức, lối sống, nghị quyết chỉ ra các vấn đề trong các đảng viên như cá nhân chủ nghĩa, tranh chức, tranh quyền, lạm quyền, tham ô, tham nhũng, không trung thực; quan liêu, vô cảm, thiếu trách nhiệm với nhân dân; lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước. Ngoài ra còn có những đảng viên đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, hoặc dính líu vào các tệ nạn xã hội khác.
Để xử lý các vấn đề kể trên, nghị quyết xác định 4 nhóm giải pháp bao gồm: công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; cơ chế chính sách; kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Sau khi được công bố, nghị quyết đã thu hút sự quan tâm lớn của đảng viên và nhân dân. Luật sư Trần Quốc Thuận, một cựu quan chức ở Việt Nam, nói nghị quyết cho thấy Đảng Cộng sản đã nhận thấy nguy cơ về sự tồn vong của đảng. Tuy nhiên, vị cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng đảng sẽ gặp nhiều khó khăn khi tự giải quyết các vấn đề:
“Chống tham nhũng, chống suy thoái bắt đầu đặt ra từ Đại hội lần thứ 8, bây giờ đã chuyển sang năm thứ 26 rồi. Nhưng câu chuyện nó không giảm mà ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Bệnh tham nhũng, suy thoái đã nhập vào tạng phủ con người rồi. Bóc ra để mà chống cái chuyện đó là một chuyện không đơn giản một chút nào. Với tư cách là một người trong đội ngũ của Đảng Cộng sản, tôi cho rằng việc triển khai nghị quyết này cũng không đơn giản. Cái cơ thể mà mình tự mổ xẻ, tự xử lý rõ ràng là không đơn giản. Theo tinh thần nghị quyết, tự mổ xẻ, tự phê phán, tự làm chính trị tư tưởng, thì rõ ràng tôi cho là giải pháp sẽ không đáng bao nhiêu”.
Luật sư Thuận bổ sung thêm rằng riêng trong việc chống tham nhũng ở Việt Nam, khi nhà chức trách cần truy tố, khởi tố những người là đảng viên, họ vướng một rào cản là Chỉ thị 15 do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ban hành năm 2007.
Theo chỉ thị, cơ quan bảo vệ pháp luật nếu muốn truy tố một đảng viên phải báo cáo cho đơn vị đảng đang quản lý đảng viên đó biết. Đơn vị đó phải kỷ luật đảng viên như khai trừ đảng hoặc cảnh cáo rồi cơ quan bảo vệ pháp luật mới có thể truy tố, khởi tố vụ án. Ông Trần Quốc Thuận khẳng định “muốn xử một đảng viên mà có cương vị thì cũng không đơn giản một chút nào”.
Năm 2015, thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Sở Công an TP Hồ Chí Minh, phát biểu tại một hội nghị về phòng chống tham nhũng rằng công an thành phố “cũng phải chấp hành Chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên”.
Với thực tế là Đảng Cộng sản Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề lớn, kể cả đặt ra sự tồn vong của đảng, song cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho rằng ở thời điểm này ông chưa thấy có lực lượng nào có thể thay thế ngay đảng này. Ông nói:
“Nhìn tất cả các lực lượng chính trị-xã hội thì chưa thấy lực lượng nào thay thế ngay Đảng Cộng sản được. Cho nên kỳ này, Đảng Cộng sản tự chỉ bệnh, tự chữa bệnh cho mình. Còn tự chữa bệnh cho mình không được, có thể là tự diễn biến, tự chuyển hóa thành một tổ chức nào đó mà nó không còn được như cũ. Chứ còn nói lực lượng nào đứng ra thay thế thì đến bây giờ tôi nhìn thấy ở Việt Nam, kể cả lực lượng nước ngoài về thì cũng chưa đủ sức, chưa có lực lượng nào có thể thay thế được”.
Trên mạng xã hội, nhiều người dân quan tâm và bình luận về Nghị quyết 04. Một số người cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không nên lo sợ sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vì đó có thể chính là “tự đổi mới”, “tự sáng tạo” để đối phó với những thách thức mới hoặc tận dụng những cơ hội mới đặt ra cho đất nước.
Tại sao Việt Nam cứ cháy là chết?
Một đám cháy tại quán karaoke ở Hà Nội hôm 1/11 làm 13 người thiệt mạng khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam cứ “cháy là chết” và số người chết lại cao.
Chị Bích Phượng, một người trực tiếp chứng kiến quá trình chữa cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, tỏ ra bức xúc khi chứng kiến sự việc và nhận xét với VOA về công tác chữa cháy tại Việt Nam:
“Tôi cho là rất kém. Tôi đã xem những cái clip chữa cháy ở nước ngoài, ít ra là không phải chỉ có một vòi nước, mà nó phải chụm lại nhiều vòi nước để tập trung vào dập kiểu nước biển. Mà đây chỉ có 1, 2 cái. Mỗi biển chỉ có 1 vòi thôi. Nước thì lúc mạnh lúc yếu. Mà tôi thấy rất kỳ lạ là khi nước mạnh, họ cứ xịt vào cửa kính. Trong khi đó các khung nhà khác đang có lửa, khói bốc lên thì họ lại không dập vào chỗ đấy. Tôi mới tức mình tôi bảo không hiểu họ phun vào chỗ đấy để làm gì nhỉ. Cái thứ hai nữa, lửa cháy ở tầng trên mà họ không phun, lại phun ở tầng dưới là chỗ chả có lửa gì cả. Phun rất lâu. Mà tôi nói với bạn thế này, một cái xe cứu hỏa như thế nó bé lắm, anh phun như thế thì một tí là hết nước. Lúc mà tôi thấy khói đã vãn rồi, gần như là lửa không còn thấy nữa, thì họ lại không tiếp tục làm cho nó dứt điểm đi. Lúc đó họ lại dừng lại. Một lúc sau khói lại cuồn cuộn bốc lên. Xe cứ xếp hàng dài bên cạnh, ý là chờ thằng kia hết nước thì mới vào. Tôi cho là ở đằng trước, khi mà anh hết nước thì anh phải lùi ngay ra chỗ khác để cho xe khác tiến vào, hoặc là trên mặt phố đấy rất rộng, ít ra nó có chỗ để có thể cho 3, 4 xe tập trung bắc vòi vào trong đó”.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, khẳng định với VOA rằng lực lượng PCCC luôn “làm hết sức mình” trong điều kiện có được và công tác PCCC đòi hỏi phải có sự cộng tác của xã hội, của người dân.
“Tôi nghĩ rằng để làm tốt việc phòng cháy chữa cháy, tôi nghĩ lực lượng PCCC không chưa đủ, mà nó còn đòi hỏi ý thức của mỗi người, của các chủ doanh nghiệp trong vấn đề tuân thủ các quy định về pháp luật PCCC. Còn đương nhiên khi xảy ra sự cố, thì trong những điều kiện và phương tiện hiện có, chúng tôi đã hết sức cố gắng để làm tốt và làm tròn nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, nhiều khi do sự cố quá lớn, hoặc do điều kiện trong ngôi nhà, văn phòng khi xảy ra các sự cố, nhiệt độ rồi các điều kiện khói… dẫn đến những thiệt hại về nhân mạng. Chuyện này thì không ai muốn. Nhưng khi đã xảy ra các sự cố thì mọi sự việc xảy ra trong ứng phó, chúng tôi thấy là chúng tôi đã hết sức cố gắng”.
Một số ý kiến trên mạng cho rằng ngoài phương pháp tiếp cận, trang bị và phương pháp chữa cháy, những bất cập trong việc tuân thủ quy định an toàn phòng cháy trong xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân khiến các vụ cháy ở Việt Nam gây thiệt hại nặng nề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối 1/11 đã yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội điều tra vụ cháy gây thiệt hại nhân mạng nghiêm trọng trên.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Cánh sát PCCC Hà Nội, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, được báo Tuổi Trẻ hôm 2/11 dẫn lời cho biết quán karaoke trước đây là nhà dân và được chuyển đổi sang kinh doanh karaoke. Cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục. Giới chức Việt Nam cho biết chủ đầu tư cam kết chỉ đưa cơ sở vào hoạt động sau khi đã có đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, quán karaoke này vẫn đón khách trong quá trình hoàn thiện giấy tờ.
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được cho biết là do thợ hàn bất cẩn khi sửa chữa tầng 2 của quán.
12 trong số 13 nạn nhân của vụ cháy là học viên lớp cao cấp chính trị của Học viện Chính trị quốc gia, trong đó có 1 cán bộ của Hà Nội. Những nạn nhân này gặp nạn khi tổ chức liên hoan sau khi thi xong.
Những vụ cháy gây thiệt hại tài sản và nhân mạng cao liên tục xảy ra tại Việt Nam trong những năm gần. Ngoài những vụ cháy ở các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn, chỉ riêng các vụ cháy tại cơ sở tư nhân, nhà riêng, cũng đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Hồi tháng 5/2015, một vụ cháy do chập điện cũng tại quán karaoke ở Hà Nội đã giết chết 5 người. Tháng 4/2014, một ngôi nhà trên đường Nguyễn Trãi, TP.HCM, cháy khiến 7 người trong gia đình tử vong. Chỉ riêng trong năm 2016, đã có hơn 10 vụ cháy xảy ra ở các quán karaoke tại Việt Nam.
Sau vụ cháy hôm 1/11, tin cho hay từ ngày 2/11, cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ tổ chức tổng kiểm tra công tác an toàn phòng cháy chữa cháy của toàn bộ 1.204 quán karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tỉnh Lạng Sơn muốn nối với Trung Quốc
Tỉnh nằm giáp ranh với Trung Quốc đã đề xuất chính phủ chỉ thị cho các cơ quan liên quan nhanh chóng xây dựng một tuyến đường sắt nối với quốc gia láng giềng phương bắc.
Theo dự án trong tương lai, tuyến đường sắt cao tốc sẽ chạy từ thủ đô Hà Nội qua thị trấn Đồng Đăng của Lạng Sơn và nối với đường sắt Trung Quốc để phục vụ chuyên chở hàng hóa, Xinhua đưa tin, dẫn báo chí Việt Nam hôm 2/11.
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ trích UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết “mục đích là để tăng năng lực vận tải hàng hóa khi kết nối đồng bộ với đường sắt của Trung Quốc”.
Tờ báo cũng dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết rằng “không chỉ Lạng Sơn, trước đây Hải Phòng và Lào Cai cũng đề nghị làm đường sắt tốc độ cao kết nối với đường sắt Trung Quốc nhằm tăng năng lực vận tải”.
Ông Đông được trích lời nói rằng “với điều kiện hiện nay, đây vẫn là vấn đề cần phải phân tích đánh giá tính khả thi nằm trong tổng thể phát triển”, và rằng “hiện nay về nhu cầu vận tải, tuyến Hà Nội đi Lạng Sơn rồi qua Nam Ninh (Trung Quốc) không nhiều lưu lượng hàng hóa cần vận chuyển bằng đường sắt”.
Trang tin điện tử Zing News cuối năm ngoái trích lời lãnh đạo Lạng Sơn nói rằng “phía Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét tài trợ vốn nếu ngành giao thông Việt Nam có chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn – Hà Nội”.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trần Sỹ Thanh, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã đưa ra đề xuất nói trên khi làm việc với tỉnh Lạng Sơn và ngỏ ý sẽ thu xếp vốn nếu dự án này được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc 11 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, báo chí trong nước dẫn lời ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, Năm 2015, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đạt 66,6 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2014.
Học vấn của người Việt ở Mỹ thấp hơn các sắc dân khác?
Trong một bài viết trên trang web của Viện Chính sách Di dân Hoa Kỳ cho biết, những người nhập cư Việt Nam có trình độ học vấn hơi thấp hơn so với những sắc dân khác và người Mỹ bản địa. Trong năm 2014, khoảng 25% người nhập cư Việt (tuổi từ 25 trở lên) có bằng cử nhân hoặc cao hơn, so với 29% dân số của những người nhập cư nước ngoài khác và 30% của người Mỹ.
Cũng theo bài viết trên, những người nhập cư Việt tham gia tầng lớp lao động cao hơn so với các sắc dân khác và người Mỹ bản địa. Trong năm 2014, khoảng 67% người nhập cư Việt (tuổi từ 16 trở lên) tham gia lực lượng lao động dân sự, so với 66% của tất cả những người nhập cư và 62% của người dân bản địa.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Cường Nguyễn, Hiệu trưởng trường Đào tạo Kỹ sư thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ cho biết, không chỉ người nhập cư, mà chính những người Việt thế hệ thứ hai được sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ đôi lúc cũng chưa thật sự nhận thức được tầm quan trọng của việc học.
Ông nói: “Tôi thấy thế hệ thứ hai thì họ không phải đi ra khỏi Việt Nam trong thời kỳ sau chiến tranh thì họ có ỷ y hơn, là nhiều người họ không nghĩ là phải đi học, bởi thế nó cũng bị ảnh hưởng lây. Họ không như thế hệ đầu là vấn đề phải sinh sống, phải có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ để sinh sống; còn các con em ở bên này họ thấy đủ quá, họ nghĩ rằng rất là đầy đủ, họ nghĩ rằng đôi lúc cái vấn đề đi học đại học không có cần thiết. Đó là chuyện ưu tư rất nhiều cho các phụ huynh bên này cho các con em vì các con em không thấy vấn đề quan trọng để đi học đại học. Họ nghĩ rằng trước sau gì cũng tốt thôi, không cần thiết lắm. Thay vì thế hệ đầu nghĩ đó là cái quan trọng nhất.”
Trong khi đó, chị Katherine, hiện đang công tác tại tập đoàn truyền thông Zeni Max, cho biết khi chuyển đến Mỹ sinh sống, chị thậm chí không biết một chữ tiếng Anh nào, chị lao vào học và nỗ lực làm việc để được đề bạt lên các cấp cao hơn. Chị cho biết: “Làm gì thì làm cũng phải học mới có bằng cấp, người ta mới cho mình lên tới chức cao được, chứ không có bằng cấp thì cũng đâu có làm gì được.”
Đối với gia đình chị Katherine, những người thuộc thế hệ thứ 2 tại Mỹ đều chú trọng việc học và có bằng cấp cao cũng như công việc ổn định. Chị tâm sự: “Mấy đứa cousin (họ hàng) thế hệ thứ 2 đó là 1 đứa bác sĩ, 2 đứa luật sư, 1 đứa học pharmacy (dược), một đứa học CPA (kế toán viên). Tụi nó bây giờ khoảng 25-26 tuổi, tụi nó sinh đẻ ở đây đó, tụi nó ham học lắm. Because (bởi vì) mình nói với nó là nếu ở đây không có bằng cấp là không có làm gì được hết trơn đó. Bây giờ cái bằng 4 năm là không có làm gì được hết. Phải bằng master hoặc PhD.”
Giáo sư Cường nói nếu người Việt nhập cư không chú trọng học hành để lấy bằng cấp thì khi hòa nhập vào xã hội Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn hơn khi làm việc và thăng tiến. Để thay đổi tình trạng học vấn này thì cần phải có sự giáo dục từ ngay trong chính gia đình mỗi cá nhân.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chỉ có vấn đề dạy dỗ trong gia đình từ nhỏ đến lớn. Có nghĩa là mình phải khuyên các con em của mình rằng vấn đề giáo dục có bằng cấp rất quan trọng cho tương lai tại vì đó là cái chìa khóa cho sự thành công trong đời. Có nghĩa rằng mình không chỉ đủ ăn đủ uống nhưng mà nghĩ rằng muốn phát triển trí tuệ hay là muốn có thành công nhiều hơn thì vấn đề đi học để có bằng là quan trọng nhất.”
Mặc dù có sự so sánh, nhưng sự khác biệt giữa các con số không nhiều và có thể những người nhập cư nước khác có bằng cử nhân cao hơn, nhưng điều quan trọng hơn vẫn là phẩm chất của con người đó như thế nào.
Vị hiệu trưởng này chia sẻ: “Mặc dầu không có bằng cử nhân, chỉ có bằng 2 năm thôi thì tôi nghĩ rằng theo đức tính của người Việt Nam cần cù và siêng năng thì vấn đề trong tương lai, không có bằng cử nhân thì họ cũng kiếm đủ thì giờ trong thời gian đi làm việc để kiếm được bằng cử nhân để có thể làm lãnh đạo trong tương lai.”
Giáo sư cũng đưa ví dụ về trường hợp một sinh viên từ Đà Nẵng, Việt Nam, nhận học bổng của Trường Đại học Công giáo để sang Mỹ học tập. Sinh viên Nghĩa lớn lên trong một gia đình nghèo và sang Mỹ học từ năm 2010. Trong quá trình học tập, ngoài việc nỗ lực để đạt kết quả tốt, sinh viên này cũng cố gắng đi làm thêm kiếm tiền để phụ giúp bố trả nợ những khoản tiền vay mượn để cho con đi học. Với những phẩm chất cần cù và thông minh của người Việt, sau 6 năm học tập tại Mỹ, anh Nghĩa sẽ trở thành một Tiến sĩ vào tháng 5 tới.
0 comments