Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 11/11/2016

Friday, November 11, 2016 8:02:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 11/11/2016

Venezuela : Chính quyền và đối lập trở lại bàn đàm phán

Trong bối cảnh kinh tế tê liệt, lạm phát phi mã, chính phủ xã hội Venezuela và đối lập trung-hữu gặp lại nhau trong ngày 11/11/2016 dưới sự bảo trợ của Tòa thánh Vatican. Theo AFP, cuộc đối thoại lần thứ hai khó có hy vọng mang lại kết quả. Trong 10 ngày qua, sau cuộc tiếp xúc lần đầu, căng thẳng không hề giảm sút. Bế tắc chính trị có thể dẫn đến bạo lực đẫm máu.
Từ Caracas, thông tín viên Julien Gonzalez phân tích :
« Cuộc hưu chiến mà chúng tôi quyết định theo yêu cầu của Tòa thánh Vatican kết thúc vào thứ Sáu 11/11. Lời tuyên bố này do Jesus Torrealba, tổng thư ký Liên Minh Dân Chủ Venezuela, người điều hợp phong trào đối lập, ký tên và phổ biến cách nay vài tiếng đồng hồ (thứ năm).
Từ sau cuộc tiếp xúc đầu tiên với chính phủ cánh tả Venezuela, trong 10 ngày qua, ngày nào liên minh đối lập cũng nhắc nhở chính quyền phải thả hết những người mà họ gọi là « tù nhân chính trị », xem đây là điều kiện tiên quyết để đối thoại.
Yêu sách không khoan nhượng thứ hai của đối lập là phải tổ chức trưng cầu dân ý để thoát khỏi khủng hoảng. Tiến trình trưng cầu dân ý bất tín nhiệm tổng thống Nicolas Maduro bị đình hoãn từ ba tuần nay. Liên minh đối lập đòi ủy ban bầu cử phải phát khởi trở lại tiến trình này hoặc phải dời ngày bầu cử tổng thống sắp tới sớm hơn dự trù : tức là vào đầu năm 2017 thay vì chờ đến cuối năm 2018.
Yêu sách tối hậu thư của đối lập bị phe tổng thống Venezuela bác bỏ. Mỗi ngày, lãnh đạo đảng cánh tả cầm quyền Diosdado Cabello cũng đều xác quyết : Sẽ không có trưng cầu dân ý, cũng không có bầu cử trước thời hạn. 
Hai phe đều bám chặt lập trường của mình, do vậy khó có cơ may thỏa hiệp. 
Hãy nghe tuyên bố của đặc sứ Tòa thánh Vatican như một lời cảnh báo : Nếu một trong hai phái bộ rút khỏi cuộc đối thoại thì không phải Đức Giáo Hoàng bị thất bại mà chính nhân dân Venezuela sẽ là kẻ bị thiệt hại vì con đường trước mặt có thể sẽ kết thúc trong bể máu ».

Năm ngân hàng Nga bị tin tặc tấn công

Ngày 10/11/2016, công ty an ninh mạng Nga Kaspersky thông báo một chiến dịch tấn công tin học quy mô đã xảy ra trong hai ngày, từ 08 đến 10/11/2016, nhắm vào 5 ngân hàng lớn của Nga. Loạt tấn công này xuất phát từ các máy điện toán đặt tại hơn 30 quốc gia khác nhau.
Thông tín viên đài RFI từ Matxcơva, Muriel Pomponne cho biết thêm :
« Có lẽ đây là chiến dịch tấn công quy mô nhất nhắm vào các ngân hàng Nga. Dù sao đi chăng nữa, theo công ty chống tin tặc Kaspersky thì đây cũng là lần đâu tiên xảy ra một vụ nghiêm trọng như vậy. Năm ngân hàng lớn của Nga là mục tiêu tấn công. Tập đoàn ngân hàng số 1 trên toàn quốc là Sberbank thông báo đã bị tấn công và đã vô hiệu hóa được các hành vi đó, các hoạt động của ngân hàng này không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó thì Sberbank cũng cho biết đã bị tấn công đến 68 lần từ đầu năm tới nay.
Theo Kaspersky, đây là một vụ tin tặc khá “phức tạp”, với mục tiêu là làm cho máy chủ bị tê liệt bằng cách làm quá tải các yêu cầu tìm kiếm, đến tận 660.000 truy cập tìm kiếm/giây. Các vụ tấn công dồn dập đó đã được lặp lại nhiều lần và kéo dài trong vòng từ 1 đến 12 tiếng đồng hồ. Giới điều tra phát hiện là giới tin tặc sử dụng một mạng lới gồm khoảng 24.000 máy tính đã có gài virus tại khoảng 30 quốc gia khác nhau. Phần lớn số máy này được đặt tại Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đài Loan và Israel.
Kaspersky lo ngại vụ tấn công này nhằm đánh lạc hướng công luận trước một kế hoạch tấn công sắp tới còn quy mô hơn. Cũng nhân thông báo này, công ty Nga đã quảng cáo cho khả năng chống tin tặc của mình ».

Ấn Độ Nhật Bản thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự

Hợp tác kinh tế, hạt nhân và kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Ấn Độ. Đó là những hồ sơ chính trong chuyến công du Nhật Bản hai ngày, kể từ ngày 11/11/2016, của thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi.
Tokyo và New Delhi ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự vào sáng 11/11, ngày đầu chuyến công du Nhật Bản của thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi. Theo thỏa thuận vừa được ký kết, Tokyo cung cấp nhiên liệu, trang thiết bị và công nghệ cho các nhà máy điện hạt nhân Ấn Độ.
Cụ thể hơn, New Delhi đang đàm phán với công ty Westinghouse Electric, thuộc tập đoàn Toshiba của Nhật, để xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân tại miền nam Ấn Độ. Mục tiêu mà nội các Modi đề ra là vào năm 2032, tăng gấp 10 lần khả năng sản xuất điện hạt nhân của Ấn Độ.
Đây là lần đầu tiên Tokyo cung cấp công nghệ điện hạt nhân cho một quốc gia không phê chuẩn Hiệp ước chống phổ biến hạn nhân. Về phía New Delhi, thỏa thuận được ký kết tại Tokyo là một cột mốc quan trọng, cho phép Ấn Độ tiếp cận với công nghệ hạt nhân.
Một hồ sơ nổi bật khác liên quan đến dự án Nhật xuất khẩu thủy phi cơ cứu hộ US-2 cho Hải Quân Ấn Độ. Đây có thể là lần đầu tiên Tokyo xuất khẩu trang thiết bị quân sự, kể từ khi thủ tướng Abe sửa đổi bản Hiến Pháp chủ hòa cấm Nhật Bản xuất khẩu vũ khí.
Trước khi làm việc với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Modi đã tiếp kiến Nhật hoàng Akihito. Trả lời báo chí, thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh đến những « mối tương đồng » giữa hai nước và theo ông Modi, quan hệ chặt chẽ song phương là nền tảng để châu Á được « ổn định ».
Chuyến công du Nhật Bản lần này của thủ tướng Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Châu Á. Hoa Kỳ, một đối tác quan trọng của Ấn Độ và đồng minh thân thiết của Nhật Bản, vừa bầu lên một vị tổng thống mới, Donald Trump, với chủ trương đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết, “America First”, đang gây lo ngại.
Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã từng đẩy mạnh hợp tác quân sự qua các cuộc tập trận ba bên thường niên.

Taliban tấn công tòa lãnh sự Đức tại Afghanistan

Đức ngày 11/11 loan báo tất cả nhân viên tòa lãnh sự Đức ở miền Bắc Afghanistan bình an vô sự sau cuộc tấn công của Taliban đêm qua nhắm vào trụ sở ngoại giao của Đức.
Vụ nổ súng và đánh bom tại thành phố Mazar-i-Sharif khiến ít nhất 6 người chết và hơn 130 người khác bị thương, chủ yếu là thường dân, theo nguồn tin từ các giới chức bệnh viện.
Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier gửi lời chia buồn tới những người thiệt mạng. Một thông cáo chính thức dãn lời ông nói rằng ‘Tât cả nhân viên Đức và Afghanistan làm việc trong tòa lãnh sự đều vô sự.’
Một nhóm đánh bom tự sát Taliban được trang bị hùng hậu ngày 10/11 thực hiện cuộc tấn công phối hợp ngay trước giữa đêm, kích nổ xe bom trong khu vực xung quanh tòa lãnh sự Đức.
Vụ nổ lớn làm vỡ tung hàng rào bảo vệ xung quanh khu nhà, rung chuyển các cao ốc, và phá hỏng hơn 100 nhà cửa, hàng quán xung quanh tòa lãnh sự Đức, phái bộ hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan cho biết.
Nguồn tin này nói đa số bị trúng thương từ kính vỡ, còn những người bị thương nặng vẫn còn trong bệnh viện.
Các tay súng Taliban mở đường vào tòa nhà này trong cuộc đọ súng kéo dài nhiều giờ đồng hồ trước khi binh sĩ NATO và Afghanistan kết thúc cuộc vây hãm, bảo vệ an toàn cho tòa nhà và sơ tán nhân viên lãnh sự quán.
Một phát ngôn nhân của phong trào Hồi giáo nổi dậy ở Afghanistan ngay lập tức lên tiếng nhận trách nhiệm.
Taliban tuyên bố đây là cuộc tấn công trả đũa một đợt không kích trước đây trong tháng tại tỉnh Kunduz lân cận. Phe nổi dậy nói vụ oanh tạc do các máy bay Mỹ thực hiện đã giết chết 32 thường dân trong đó có trẻ em.
Giới hữu trách Mỹ đang điều tra vụ việc và cho biết có nhiều phần chắc đợt không kích đó do các máy bay Mỹ thực hiện. Đợt dội bom diễn ra sau một cuộc tấn công của Taliban làm 2 binh sĩ Mỹ và 3 thành viên lực lượng đặc nhiệm Afghanistan thiệt mạng.
Chính phủ Đức đã triệu tập một cuộc họp khẩn tại Berlin để thu thập thông tin về vụ tấn công tòa lãnh sự.
Đức hiện có 983 binh sĩ phục vụ với lực lượng NATO tại Afghanistan, đa số ở tỉnh Balkh, nơi có thủ phủ Mazar-i-Sharif.
NATO cho hay đã khẩn trương bố trí lực lượng đáp ứng nhanh và hỗ trợ để sơ tán an toàn tất cả 21 nhân viên tòa lãnh sự Đức.
NATO và Afghanistan đồng loạt lên án hành động của Taliban. Tổng thống Afghanistan gọi đây là ‘tội ác chống lại nhân loại và đi ngược lại luật lệ quốc tế.’
Một phát ngôn nhân của Taliban hôm nay phản bác tố cáo về thương vong nơi thường dân, nói rằng khu vực bị nhắm mục tiêu là nơi chiếm đóng của các binh sĩ và đặc vụ tình báo Đức và rằng cuộc tấn công vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các đối tượng này.

Trung Quốc kêu gọi đoàn kết quốc gia

Trung Quốc kêu gọi đoàn kết quốc gia tại tất cả các nơi mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ của mình.
Lên tiếng tại lễ kỷ niệm ngày sinh lần thứ 150 của Chủ tịch đầu tiên của Trung Quốc, Tôn Trung Sơn, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ không dung chấp bất cứ âm mưu nào, từ các vùng mà họ xem là lãnh thổ của họ, muốn tách rời Trung Quốc.
Phát biểu của ông Tập được đưa ra trong lúc Trung Quốc đang tạm ngưng giao tiếp qua lại với lãnh thổ tự trị Đài Loan cho tới khi nào vùng đất này công nhận chính sách ‘một nước Trung Hoa’ và giữa bối cảnh Bắc Kinh vừa cấm không cho hai nghị sĩ dân cử Hong Kong nhậm chức vì dám biểu thị thái độ bài Trung.
“Tất cả mọi hoạt động nhằm chia tách đất nước nhất định sẽ bị toàn thể nhân dân Trung Quốc cực lực phản đối. Chúng ta nhất quyết không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức, hay đảng phái nào tách rời một phần lãnh thổ nào của Trung Quốc, dưới bất kỳ hình thức nào, vào bất cứ lúc nào,” ông Tập nhấn mạnh tại Đại sảnh đường Nhân dân ở trung tâm Bắc Kinh.
Nữ Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, lãnh đạo Dân Tiến Đảng (DPP), lên nắm quyền hồi tháng 5 sau chiến thắng áp đảo trước Quốc Dân Đảng (KMT) thân Trung Quốc. Bà kêu gọi Bắc Kinh đối diện thực tế về sự hiện hữu của chính quyền của bà và nền dân chủ của Đài Loan. Bà Thái đề nghị đôi bên nên cùng ngồi xuống đối thoại về vấn đề này.
Ngược lại, Bắc Kinh nhất mực khẳng định Đài Loan là một phần thuộc Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc cũng tố cáo các nhà cổ súy cho nền độc lập của Hong Kong là những phần tử ly khai và thu hẹp họ như một thiểu số ngoài rìa.
Trong chuyến thị sát Hong Kong hồi tháng 5, nhân vật lãnh đạo số 3 của Trung Quốc, Trương Đức Giang, đã cảnh cáo rằng Hong Kong sẽ ‘tất nhiên thối nát’ nếu từ bỏ thể thức tự trị theo kiểu ‘một quốc gia, hai hệ thống’ quy định trong Luật Cơ bản của Hong Kong.

TQ: Trump nên công nhận

lợi ích hợp tác kinh tế Mỹ-Trung

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Shi Yaobin ngày 10/11 tuyên bố Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, nên nhận thức rõ những lợi ích của hợp tác kinh tế với Trung Quốc, sau khi ông Trump thách thức nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong chiến dịch vận động tranh cử.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở London, ông Shi mô tả những hứa hẹn của ông Trump thách thức Trung Quốc chỉ là những luận điệu hùng biện để thắng cử và liệu ông Trump có thực hiện hay không, còn phải chờ xem.
Qua lời một thông dịch viên, ông Shi nói: “Tôi muốn nhấn mạnh đến sự hợp tác lâu dài giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, đặc biệt trên những lĩnh vực kinh tế, sự hợp tác này đã có lợi cho cả người dân Trung Quốc lẫn người dân Hoa Kỳ.” “Theo tôi, những thực tế đó cần phải được Tổng thống đắc cử và người dân hai nước công nhận”
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cam kết sẽ đánh thuế trên những hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc để ngăn chặn việc Bắc Kinh phá giá đồng nguyên.

Mùa xuân Ả-rập ‘gây tổn thất cho khu vực 600 tỷ USD’

Phong trào nổi dậy Mùa xuân Ả-rập đã khiến khu vực này tổn thất 614 tỷ đôla do không tăng trưởng kể từ năm 2011 đến nay, Liên Hiệp Quốc nói.
Đây là con số ước tính đầu tiên do một tổ chức kinh tế lớn đưa ra.
Con số này tương đương với 6% tổng GDP của khu vực trong thời gian từ 2011 đến 2015, Ủy ban Kinh tế Xã hội vùng Tây Á (ESCWA) của Liên Hiệp Quốc nói.
Các cuộc nổi dậy, khởi đầu từ Tusinia, đã khiến các nhà lãnh đạo tại bốn quốc gia bị lật đổ, và dẫn tới chiến tranh tại Libya, Syria và Yemen.
Liên Hiệp Quốc nói các nước Ả-rập đã phải đối diện với tình trạng trì trệ về kinh tế xã hội kể từ khi có các cuộc nổi dậy, 2011. Bản phúc trình mô tả tiến trình xã hội ở khu vực là “ảm đạm” và nói quyền công dân đã bị thụt lùi tại một số quốc gia.
Số liệu cũng cho thấy các cuộc xung đột đã làm tồi tệ thêm tình trạng nợ nần, thất nghiệp, tham nhũng, đói nghèo, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tỵ nạn.
Các phân tích kinh tế được đưa ra dựa trên các ước tính tăng trưởng có từ trước khi nổ ra tình trạng nổi dậy.
Việc phân tích xem xét đến cả các quốc gia không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi xung đột chính trị nhưng bị tác động từ hậu quả xảy ra, chẳng hạn như do dòng người tỵ nạn đổ vào, do mất các khoản tiền chuyển từ nước ngoài về, và do ngành dịch vụ du lịch bị đi xuống.
Phong trào nổi dậy ở thế giới Ả-rập
Phòng trào nổi dậy, hay còn được gọi là Mùa xuân Ả-rập, bắt đầu nổ ra sau khi một thanh niên trẻ, thất nghiệp, Mohamed Bouazizi, tự thiêu do bị một số nhân viên công quyền cấm bán rau quả tại miền trung Tusinia hồi tháng 12/2010.
Hành động của Bouazizi đã làm nổ ra hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối trên toàn Tusinia, khiến tổng thống khi đó phải từ chức và đi lưu vong, dẫn đến cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở nước này được tổ chức vào 2011.
Các cuộc biểu tình tại Tunisia như ngòi nổ, dẫn tới các cuộc nổi dậy, biểu tình ở một số quốc gia Ả-rập khác, gồm Ai Cập, Yemen, Syria, Bahrain, Libya, Oman, Jordan và Morocco.
Hầu hết các cuộc biểu tình đòi có thêm tự do dân chủ và chấm dứt tình trạng tham nhũng. Nhưng nhiều sự kiện đã bị chính phủ đáp trả bằng bạo lực và trấn áp mạnh tay.
Libya, Yemen và Syria hiện vẫn đang trong tình trạng nội chiến, tổn thất hàng chục ngàn nhân mạng, và rơi vào tình trạng chính quyền trung ương không hoạt động nổi.
Tại Syria, nơi các cuộc biểu tình chống chính phủ đã dâng cao thành cuộc xung đột với sự can dự của các thế lực nước ngoài, GDP và tổn thất kinh tế kể từ 2011 đến nay đã tới 259 tỷ đôla Mỹ, theo Nghị trình Quốc gia về Tương lai Syria do ESCWA đưa ra.
Tại các nước có tiến trình chuyển giao chính trị, tân chính phủ đã không đáp ứng được việc cải cách kinh tế nhằm xử lý “những vấn đề dẫn tới tình trạng bạo loạn từ lúc ban đầu,” bản phúc trình viết.

Trung Quốc và cơ hội làm suy yếu Hoa Kỳ

Carrie GracieBiên tập viên chuyên về Trung Quốc, BBC
Ông Trump có thể đã giành chiến thắng tại đất nước của mình, nhưng trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, câu nói trở thành thương hiệu của tổng thống mới được bầu Donald Trump “Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” đã trở thành sự đối đầu trực tiếp với khẩu hiệu của Trung Quốc, làm hồi sinh lại dân tộc Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa.
Ngay tại thời điểm ông Trump có bài diễn văn mừng thắng lợi, các kênh truyền hình của Trung Quốc phát dày đặc các chương trình về công cuộc chinh phục không gian và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói chuyện với các phi hành gia về kết quả bầu cử Mỹ thông qua đường truyền vệ tinh.
Khó có thể phủ nhận câu nói của ông Trump là một cách diễn đạt khác của John F Kennedy, “Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng”, thông điệp nhằm nhắc nhở người dân rằng dù chúng ta có đi đâu trên thế giới này, vẫn phải chú ý đến vấn đề Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Có lẽ ở chốn riêng tư, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang ăn mừng với thắng lợi từ cuộc bầu cử Mỹ.
Như tôi và nhiều người khác đã từng nói trước đó, cuộc đua tranh vào Nhà Trắng lần này giống như một món quà cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại đất nước được vận hành bởi chế độ độc đảng mà người dân không thể bàn tán công khai về điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống, thì Hoa Kỳ, với những lợi thế về phương tiện, văn hóa và chính trị, luôn là một chuẩn để so sánh.
Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu về giấc mơ Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình chính là sự phản ảnh từ giấc mơ Mỹ. Với một cường quốc đang trỗi dậy, Hoa Kỳ chính là đối thủ họ cần phải đánh bại.
Trong những năm gần đây, các nhà bình luận Trung Quốc luôn nói cuộc chiến của người Mỹ ở Afghanistan và Iraq làm ảnh hưởng đến niềm tin của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh khó có thể tin cậy vào Hoa Kỳ trong việc giải quyết các vấn đề địa chính trị của thế giới; cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008 khiến Trung Quốc không còn tin Hoa Kỳ trong việc dẫn dắt kinh tế toàn cầu.
Với cuộc bầu cử tổng thống vừa kết thúc trong đó hai đối thủ có quá nhiều sự thóa mạ lẫn nhau cũng như dính vào nhiều vụ bê bối, Trung Quốc thậm chí không còn tin rằng Hoa Kỳ có thể tự làm chủ đất nước họ.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc rất thận trọng trong việc đưa ra những nhận định trực tiếp đến các ứng cử viên hoặc về chiến dịch tranh cử, truyền thông nhà nước, vốn bị kiểm soát chặt chẽ, vẫn được toàn quyền trong việc đưa tin về sự chia rẽ và sự nhục mạ lẫn nhau của cuộc đua ở Hoa Kỳ.
Tổng thống mới được bầu cũng nhắc lại nhận định của Bắc Kinh khi cho rằng hệ thống bầu cử Mỹ bị lũng đoạn bởi những nhà tài phiệt.
Và truyền thông Trung Quốc cũng đã thảo luận khá sâu về những công chức có nhiều kinh nghiệm và năng lực trong cơ chế độc đảng như một ưu việt so với chế độ bầu cử dân chủ có tính mị dân và hời hợt.
Với một dân tộc còn những ký ức đau thương bởi cuộc nội chiến và những ám ảnh của cuộc Cách mạng Văn hóa, thì vị đắng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã xóa nhòa những câu chuyện đẹp mà nền dân chủ Hoa Kỳ đã từng đại diện.
Tuy nhiên, cái nhìn của công chúng về tân tổng thống Hoa Kỳ lại khá lẫn lộn.
Rất nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ ông Trump trên tư cách một nhà kinh doanh, là một người hay nói thẳng và kẻ ngoại đạo về chính trị. Nếu trong bốn năm tới, ông Trump có thể “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thì hệ thống chính trị của Mỹ có thể lấy lại được một chút sự tín nhiệm.
Nhưng nếu dàn lãnh đạo đứng sau “giấc mơ Trung Hoa” làm người dân Trung Quốc giàu hơn, đưa tên lửa lên sao Hỏa và kiểm soát toàn châu Á, thì ngày 09/11/2016 sẽ là ngày mà Trung Quốc biến “giấc mơ Hoa Kỳ” thành chuyện đứng sau mãi mãi.
Nhưng trước tiên, chính phủ Trung Quốc cần phải chấp nhận sự thật là Donald Trump đã trở thành tổng thống và không có tí thành tích nào được ghi nhận, không có một đội ngũ được biết đến và không có một chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc.
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump từng nói Mỹ có thể làm bạn với Trung Quốc. Nhưng cũng chính ông nói: “Họ đến đây, họ lấy việc làm của chúng ta, họ kiếm được kha khá. Chúng ta phải sống cùng với kẻ ăn cướp việc làm lớn nhất trong lịch sử thế giới.”
Và đôi khi ông Trump cho thấy dường như đã tìm được giải pháp.
“Tôi đã ký nhiều hợp đồng làm ăn với Trung Quốc. Trung Quốc rất tuyệt vời. Tôi không có gì bực tức Trung Quốc, mà tôi giận dữ với những người đã để chuyện đó xảy ra. Trung Quốc rất tuyệt, nhưng họ đã thoát tội ‘sát nhân’.”
Một phần trong lời hứa “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của mình, ông Trump thường nói rằng Hoa Kỳ phải “chiến thắng” trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Nhưng hơn bốn thập kỷ qua, những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hiểu ra rằng không nên tin vào những hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử ở Hoa Kỳ.
Họ theo dõi bao đời tổng thống Mỹ đến rồi đi, đưa ra những đe dọa kinh khủng với Trung Quốc khi vận động tranh cử, để rồi quay lại chính sách bắt tay hợp tác chỉ sau vài tháng lên nắm quyền.
Có thời điểm mức độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bị giảm sút, đường vào thị trường Hoa Kỳ rất quan trọng và khi đó, chính phủ Trung Quốc sẽ lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ của chính phủ ông Trump.
Nhưng các nhà thương thuyết về thương mại tự do vẫn còn nhiều tháng để tìm hiểu về động thái của ông Trump về thuế quan, cơ hội tiếp cận thị trường và tỉ giá hối đoái.
Và Bắc Kinh sẽ cần tiếp cận với nhiều chuyên gia gốc châu Á trong đảng Cộng Hòa, là những người cho biết sẽ không làm việc khi ông Donald Trump làm tổng thống. Bắc Kinh sẽ sẵn sàng đối đầu với cuộc chơi về kinh tế của ông Trump.
Ngoài ra, thương mại chính là cuộc chơi có thể giúp ông Trump giành một số thắng lợi, đổi lại là một số ưu thế trong cuộc tranh giành về địa chính trị ở châu Á.
Ở điểm này, ông Trump chính là cơ hội lớn cho Trung Quốc.
Khi tranh cử, tân tổng thống tỏ ra không mặn mà với việc Mỹ hiện diện ở châu Á bằng Trung Quốc. Ông đặc biệt phê phán chính sách xoay trục về châu Á theo góc độ kinh tế của chính phủ Tổng thống Obama.
Hơn vậy, trên góc độ quân sự, ông Trump từng tuyên bố rằng những đồng minh lâu đời của Mỹ như Nhật và Nam Hàn phải trả tiền để đổi lại sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ.
Dư luận trong vùng cảnh báo rằng sự gia tăng của chủ nghĩa cô lập hoặc chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, hoặc mọi cuộc trao đổi với Bắc Kinh, sẽ làm Đài Loan và Biển Đông trở nên nguy hiểm, và giảm đi sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á vào thời điểm khi mà cả Philippines, Malaysia và Thái Lan đều đang cân nhắc lợi ích chiến lược sẽ đặt vào nước nào.
Những nhà nghiên cứu địa-chiến lược của Trung Quốc đang hy vọng rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ giúp Trung Quốc làm giảm đi sự ảnh hưởng của Mỹ và có thể vẽ lại bản đồ châu Á. Và hy vọng của họ hoàn toàn có thể đúng.

IS ‘bêu xác 40 người tại Mosul’

Nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hôm thứ Ba đã bắn chết 40 dân thường tại thành phố Mosul của Iraq sau khi cáo buộc họ tội phản bội, Liên Hiệp Quốc nói.
Thi thể những người này sau đó bị treo lên cột điện tại một số quận, văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ dẫn một số nguồn tin nói.
Tin tức nói một người đàn ông bị bắn chết nơi công cộng tại trung tâm Mosul vì dám phớt lờ lệnh cấm sử dụng điện thoại mà IS đưa ra.
Các lực lượng an ninh Iraq đang tiếp tục nỗ lực lấy lại Mosul từ tay IS.
Vụ sát hại dân thường có vẻ như đã được thực hiện theo lệnh của “các tòa án” tự mở, theo bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc.
40 thường dân này bị cáo buộc “phản bội và hợp tác với kẻ thù”, bị bắt mặc đồ màu cam trên có ghi những chữ viết màu đỏ “những kẻ phản bội, tay chân của ISF” (tức Các lực lượng An ninh Iraq).
Liên Hiệp Quốc nói 20 dân thường cũng bị bắn chết vào tối hôm thứ Tư tại căn cứ quân sự Ghabat ở miền nam Mosul, có lẽ bởi họ bị cho là đã làm tiết lộ thông tin.
Liên Hiệp Quốc cũng tỏ ý quan ngại về việc IS sử dụng thiếu niên và trẻ em trai. Trong một video của IS, được đưa ra hôm thứ Tư, người ta thấy trẻ em bắn chết bốn người về tội làm gián điệp.
IS hôm 6/11 cũng tuyên bố họ đã chặt đầu bảy tay súng về tội bỏ chạy khỏi chiến trận tại quận Kokjali thuộc miền đông Mosul, Liên Hiệp Quốc nói.
Trong số các nguồn cung cấp tin cho Liên Hiệp Quốc có một người đàn ông, là người đã giả chết trong một vụ các tay súng IS tiến thành thảm sát.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền Zeid Raad al-Hussein đã kêu gọi chính phủ Iraq phải “hành động nhanh chóng để lập lại pháp luật tại các khu vực đã lấy lại được từ tay IS để đảm bảo rằng các tay súng bị bắt giữ và những người ủng hộ họ được đối xử theo đúng pháp luật.”
Những lượng lớn chất amoniac và lưu huỳnh, là các nguyên liệu có thể dùng để chế tạo vũ khí hóa học, đang được IS tích trữ và cất giấu ở gần khu dân cư, Liên Hiệp Quốc nói.
Các lực lượng thân chính phủ hồi tháng trước đã bắt đầu chiến dịch nhằm tái chiếm Mosul, thành phố bị IS kiểm soát từ 2014.
Chiến dịch hiện đang trong tuần thứ tư, với sự tham dự của chừng 50,000 người thuộc các lực lượng an ninh, quân đội, cảnh sát Iraq, các tay súng Peshmerga người Kurd, các thành viên bộ lạc Ả-rập Sunni, và các dân quân người Shia.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.