Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 01/11/2016

Tuesday, November 1, 2016 7:17:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 01/11/2016

Clinton hay Trump,

liệu chính sách đối ngoại Mỹ có thay đổi?

Brian Padden
SEOUL —
Trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc, cả hai ứng cử viên đều chỉ trích các hiệp định thương mại quốc tế, thậm chí có người còn đe doạ sẽ rút lực lượng quân sự Mỹ ra khỏi Châu Á, nhưng giới quan sát tình hình khu vực dường như không mấy quan tâm tới những lập luận có tính cách cường điệu được đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ. Họ cho rằng các quyền lợi của Hoa Kỳ ở ngoài nước vẫn không thay đổi và những vấn đề mà tân Tổng thống Mỹ phải đối mặt sẽ vẫn phức tạp.
Cả ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump lẫn đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, trong thời gian qua đều đã có những phát biểu chỉ trích các chính sách thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, hiện vẫn chưa được thông qua. Những lời chỉ trích đó phản ánh sự phẫn nộ đang tăng của công chúng thể hiện trong chiến dịch vận động về tình trạng người Mỹ đã mất đi nhiều công ăn việc làm trong mấy thập niên qua.
Nhưng hiệp định TPP, về nguyên tắc, cũng tạo điều kiện cho các công ty Mỹ tiếp cận các thị trường ở Châu Á để đối trọng lại với quyền lực kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
​Yếu tố Trung Quốc
Thời còn làm Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton ủng hộ Hiệp định TPP. Hồi năm 2012, bà từng miêu tả hiệp định TPP là “tiêu chuẩn vàng trong các thoả thuận thương mại”, thế nhưng bà đã thay đổi lập trường trong chiến dịch vận động chức Tổng thống Mỹ.
Ông Trump đặc biệt nặng lời chỉ trích Trung Quốc, ông tố cáo Bắc Kinh là “thao túng giá trị đồng nguyên để có lợi thế thương mại một cách không công bằng”, và ông đe doạ sẽ áp đặt các sắc thuế cao đối với các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất. Các nhà kinh tế nói rằng những chiến thuật đó có thể khơi mào cho một cuộc chiến tranh thương mại có nguy cơ phương hại tới cả kinh tế Mỹ lẫn kinh tế Trung Quốc.
Những lời chỉ trích của bà Hillary Clinton thì tập trung nhiều hơn vào các vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh để khẳng định tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nơi được tin là dồi dào trữ lượng dầu hoả và khí đốt, và là một hải lộ thương mại quan trọng của thế giới.
Giáo sư Xie Tao dạy môn Khoa học Chính trị tại Đại học Ngoại thương Bắc Kinh, dự kiến những chỉ trích mạnh mẽ và công khai nhắm vào Trung Quốc trong chiến dịch vận động tranh cử sẽ giảm cường độ và sẽ được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao truyền thống sau cuộc bầu cử.
Giáo sư Xie Tao nhắc lại chiến dịch vận động năm 1992, khi ứng cử viên Bill Clinton có lúc đã gọi giới lãnh đạo Trung Quốc là “những tên đồ tể ở Bắc Kinh.”
Ông nói tiếp:
“Đấy, rồi các bạn xem chuyện gì xảy ra khi ông trở thành Tổng thống? Giai đoạn đầu khá là tiêu cực, nhưng sau năm 1994, ông ấy quyết định tách vấn đề nhân quyền ra khỏi vấn đề thương mại với Trung Quốc, và từ đó mọi sự đều suôn sẻ trong các quan hệ Mỹ-Trung.”
​Vấn đề Bắc Triều Tiên
Về liệu người Mỹ nên đáp ứng thế nào trước mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Triều Tiên? Bà Clinton đã bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách giữ nguyên trạng, là duy trì liên minh quân sự chặt chẽ với Hàn Quốc và Nhật Bản để răn đe Bắc Triều Tiên, và làm việc với Trung Quốc để tăng cường các biện pháp chế tài đối với chế độ Kim Jong Un.
Ông Trump nói ông sẽ đòi Trung Quốc, đối tác kinh tế chủ yếu của Bắc Triều Tiên, buộc chính quyền họ Kim phải đình chỉ chương trình hạt nhân.
Bắc Kinh tỏ ra miễn cưỡng, không muốn thực thi các biện pháp có thể dẫn tới bất ổn tại biên giới của mình, hoặc dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Kim Jong Un, vì tình huống đó có thể dẫn tới một nước Triều Tiên thống nhất dưới quyền kiểm soát của Hàn Quốc, nước liên minh với Mỹ.
Ông Trump cũng chỉ trích các đồng minh quân sự của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, là đã không làm đủ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho sự hiện diện của các lực lượng Mỹ đóng quân tại nước họ. Ông Trump đã doạ sẽ triệt thoái binh sĩ về nước và cho phép các đồng minh trong khu vực phát triển vũ khí hạt nhân nếu họ không đồng ý đóng góp thêm để giảm bớt gánh nặng tài chính đối với Mỹ, để đánh đổi sự bảo vệ của người Mỹ.
Nhưng giáo sư Kim Hyun-Wook thuộc Học viện Ngoại giao Triều Tiên bác bỏ những lời phát biểu của ông Trump, là ông chỉ đưa ra một lập trường có vẻ cứng rắn để có thể mà cả sau này, và ông cho rằng bất cứ ai đắc cử, thì tân Tổng thống Mỹ vẫn muốn duy trì sự hiện diện hùng hậu của Mỹ trong khu vực.
​Nam Á
Trong khi cả hai ứng cử viên bất đồng gay gắt với nhau trong các cuộc tranh luận về một đường lối để có thể đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq, cả hai không ai đặt nặng vấn đề Afghanistan, một điểm nóng vẫn nguy hiểm bất chấp sự hiện diện của Mỹ tại đây trong suốt 15 năm qua.
Hoa Kỳ chính thức chấm dứt các hoạt động tác chiến ở Afghanistan vào cuối năm 2014, nhưng hãy còn 10.000 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan trong lực lượng đa quốc tham gia các chiến dịch chống khủng bố và huấn luyện.
Theo chương trình đã định, các binh sĩ ấy sẽ triệt thoái dần dần, theo đà phát triển của các lực lượng an ninh Afghanistan, sẽ được triển khai sau khi đã được huấn luyện. Tuy nhiên, phe Taliban đã đẩy lùi các lực lượng Afghanistan, và chiếm lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn trong năm ngoái.
Các cuộc thương thuyết giữa Afghanistan và các thủ lãnh Taliban ở Qatar, mà theo tin cho hay có sự tham dự của một nhà ngoại giao Mỹ, cho tới nay đã thất bại, không đạt được giải pháp khả thi nào.
Giới lãnh đạo Afghanistan và Mỹ vẫn quan ngại về vai trò của Pakistan, sợ nước này can thiệp, bất chấp là trên thực tế, nhiều thủ lãnh Taliban có nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan.
Ông Trump và bà Clinton không ai kêu gọi gửi thêm quân sang Afghanistan.

Các trường cao đẳng nhỏ ở Mỹ chật vật duy trì hoạt động

Hàng chục trường cao đẳng nhỏ ở Mỹ đã đóng cửa trong vòng 10 năm gần đây. Có dự báo con số đóng cửa sẽ còn tăng nhiều trong năm tới.
Nhiều người Mỹ có lẽ chưa bao giờ nghe nói đến trường cao đẳng McIntosh College ở bang New Hampshire. Tương tự như vậy đối với St. Catharine College ở Kentucky hoặc Đại học Bethany University ở California.
Nhưng ba trường này đều có hai điểm chung. Họ đều là các trường cao đẳng tư nhân nhỏ và đã phải đóng cửa trong vòng 10 năm qua.
Hoa Kỳ hiện có hơn 4.700 trường cao đẳng và đại học. Hầu như mỗi năm, đều có một số trường lâu năm đóng cửa, trong khi có các trường khác mở ra.
Và giờ đây một số chuyên gia đang cảnh báo về khả năng có sự tăng mạnh về con số các trường cao đẳng nhỏ của tư nhân phải đóng cửa. Họ tin rằng số trường phải đóng cửa hàng năm có thể tăng gấp ba vào năm 2017. Đây là sự gia tăng 200% so với hai năm trước đây.
Dịch vụ Nhà Đầu tư của Moody’s là một doanh nghiệp xếp hạng tín dụng. Họ nghiên cứu về giá trị và sự thành công của các công ty và các tổ chức khác. Năm ngoái, Moody phát hành một báo cáo về việc đóng cửa các trường cao đẳng của Hoa Kỳ. Báo cáo dựa trên thông tin được thu thập bởi Bộ Giáo Dục. Báo cáo cho thấy rằng trong quá khứ trung bình có 5 trường cao đẳng hoặc đại học đóng cửa mỗi năm.
Kế đến, báo cáo dự báo số trường đóng cửa hàng năm có thể lên đến 15 trường vào năm tới. Báo cáo cũng nói các trường cao đẳng nhỏ gặp rủi ro nhiều nhất.
Báo cáo định nghĩa rằng các trường cao đẳng nhỏ là trường tư có lợi tức hoạt động dưới 100 triệu đôla. Các trường cao đẳng công lập được xác định là những trường có thu nhập dưới 200 triệu đôla.
Dennis Gephardt là một lãnh đạo của nhóm giáo dục đại học tại hãng Moody’s. Ông lưu ý mức dự báo về con số đóng cửa vẫn chưa đến 1% tổng số tất cả các trường cao đẳng và đại học phi lợi nhuận trong cả nước. Ông cho rằng các trường tư, nhỏ thường rất khó cạnh tranh với các trường lớn hơn.
Ông Gephardt phân tích rằng trước hết các trường lớn có thể nhận nhiều sinh viên. Điều này có nghĩa là họ thu được nhiều tiền hơn từ học phí. Ông nói thêm các trường lớn thường có các khoản tiền và các khoản đầu tư khác do họ kiểm soát.
Nguồn thu là số tiền một trường cao đẳng hoặc đại học nhận được từ các khoản tài trợ và lợi nhuận từ đầu tư. Các trường thường sử dụng các nguồn thu của họ để giúp chi trả cho các hoạt động hàng ngày. Các nguồn thu cũng có thể giúp chi trả các chi phí vận hành nếu xảy ra sự sụt giảm khoản thu học phí.
Các trường lớn thường có nguồn thu lớn hơn.
Ông Gephardt bổ sung rằng các trường lớn hơn cũng thường nổi tiếng hơn. Những trường như vậy có thể cung cấp nhiều chương trình học hơn và có nhiều tiền hơn để quảng cáo đến với đông đảo mọi người hơn. Ông nói rằng trong một số trường hợp các trường lớn mang lại nhiều trải nghiệm hơn mà cũng chỉ có mức chi phí tương tự như các trường nhỏ hơn.
Ông nói thêm là cuộc suy thoái kinh tế trong một vài năm trước đây khiến nhiều tân sinh viên đại học suy nghĩ nhiều hơn về giá trị. Vào thời điểm đó có thêm nhiều sinh viên bắt đầu cân nhắc về các trường cao đẳng công lập lớn hơn có thể cung cấp hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Ông nói điều này buộc các trường cao đẳng nhỏ phải cạnh tranh hơn với nhau về việc trường nào có thể cung cấp nhiều hơn mà lại thu ít tiền hơn.
Ông Gephardt nói: “Họ liên tục cạnh tranh khốc liệt về giá. Và do đó, những trường cao đẳng được coi là có giá trị thị trường thấp hơn hơn đã có một thời kỳ khó khăn”.
Một ví dụ về một trường phải đối mặt với thời kỳ khó khăn là Sweet Briar College ở bang miền đông Virginia.
Sweet Briar, một trường cao đẳng tư nhân dành cho giới nữ, mở cửa vào năm 1901. Trong năm 2015, ban điều hành của trường bắt đầu lo lắng rằng tình hình tài chính của nhà trường có vẻ khó khăn. Trong tháng 3 năm đó, các thành viên hội đồng quản trị công bố họ sẽ đóng cửa trường Sweet Briar vĩnh viễn. Họ đã không thảo luận về mối quan tâm hoặc các kế hoạch của họ với các sinh viên, giáo viên, hay các nhân viên khác trước khi đưa ra thông báo.
Các sinh viên phải tìm trường mới và các nhân viên phải tìm việc làm mới.
Nhưng sau đó có chuyện đã xảy ra.
Tin tức về việc đóng cửa bắt đầu lan rộng. Các cựu sinh viên của Sweet Briar biết tin ngôi trường mà trường họ rất yêu quý sẽ không còn tồn tại. Và cùng với các sinh viên hiện tại và những người khác, họ bắt đầu chiến đấu chống lại.
Đội ngũ giảng viên đã tiến hành kiện hội đồng quản trị về việc vi phạm hợp đồng giảng dạy. Phụ huynh của các sinh viên cũng kiện. Họ lập luận rằng con cái họ đã không nhận được sự giáo dục đầy đủ như trường đã hứa.
Đến tháng 7 của năm đó, tòa án đã ra lệnh loại bỏ các thành viên hội đồng quản trị và dừng việc đóng cửa trường. Các cựu sinh viên sau đó có thể chọn một chủ tịch mới cho trường. Họ đã chọn Philip Stone.
Ông Stone có nhiều năm kinh nghiệm làm chủ tịch trường đại học và là thành viên quản trị của các tổ chức giáo dục. Nhưng khi ông đến Sweet Briar, ông biết sẽ mất rất nhiều công sức để cứu vãn ngôi trường. Khoảng 60% các giảng viên và nhân viên đã nhận các công việc mới.
Ngoài ra, ông Stone chỉ có 6 tuần để chuẩn bị trước khi các lớp khai giảng vào mùa thu.
Nhưng ông Stone đã hành động nhanh chóng. Ngay lập tức ông đã đưa trở về 200 người trong số đội ngũ giảng viên và nhân viên trước đây. Ông lên lại lịch cho tất cả các hoạt động thể thao từng bị hủy bỏ khi trường thông báo đóng cửa. Ông cũng đã lấy lại được chứng nhận kiểm định dành cho Sweet Briar.
Tuy nhiên, ông Stone đã không sửa chữa được tất cả các vấn đề của trường. Các cựu sinh viên cũng đã cùng với nhau quyên góp được hơn 20 triệu đôla trong vòng 12 tháng kế tiếp để giúp thanh toán chi phí pháp lý và điều hành.
Khi trường bắt đầu học kỳ mùa thu năm 2015, chỉ có 240 sinh viên. Nhưng ông Stone lưu ý rằng hiệu quả về tài chính của Sweet Briar trong năm học 2015-2016 đạt mức tốt nhất trong lịch sử của trường.
Ông Stone dự định sẽ kết thúc sự nghiệp của mình trong năm tới. Tuy nhiên, ông tin rằng Sweet Briar sẽ tiếp tục phát triển và sẽ sớm trở lại vị thế trước đây. Ông tin vào điều này vì các sinh viên của một trường cao đẳng nhỏ có sự kết nối vững chắc với nhau và với trường của họ.
Ông nói: “Một người mới tốt nghiệp sau 3 năm ra trường có thể gọi điện cho một người ở đâu đó trên đất Mỹ mà cô chưa bao giờ gặp, có thể người đó đã ra trường cách đây 50 năm, và họ ngay lập tức có sự gắn bó nhờ cảm giác họ là chị em trong môi trường đặc biệt của trường cao đẳng dành cho phụ nữ này”.
David Warren đồng ý rằng tương lai của các trường cao đẳng nhỏ của tư nhân không xám xịt như báo cáo của Moody’s cho biết. Ông Warren là người đứng đầu của Hiệp hội Quốc gia Các Trường Cao Đẳng và Đại Học Độc lập. Tổ chức của ông đại diện cho hơn 1000 trường cao đẳng tư nhân, bao gồm cả Sweet Briar.
Ông Warren nói Moody’s đã không phân biệt được giữa các trường cao đẳng và đại học đóng cửa hoàn toàn với những trường sáp nhập vào các trường khác. Ông Warren nói tính trung bình thực tế hiện nay chỉ có 2 trường đóng cửa mỗi năm.
Ông Warren công nhận rằng cả việc sáp nhập lẫn đóng cửa đều có thể là những trải nghiệm khó khăn cho sinh viên, giảng viên và nhân viên. Nhưng cả hai đều hiếm khi xảy ra, đặc biệt là ở các trường nhỏ có bề dày lịch sử về lòng trung thành của tất cả mọi người liên quan.
Ông nói: “Những trường cao đẳng nhỏ này đã tồn tại bấy lâu nay, một số trường đã hoạt động trong 150 hay 200 năm. Họ có sự tận tụy phi thường của các cựu sinh viên, bạn bè và cộng đồng địa phương nơi họ có trụ sở. Và có câu ngạn ngữ là “Một trong những cái khó tiêu diệt nhất chính là một trường cao đẳng tư nhân nhỏ”.
Ông Warren nói cơ hội tốt nhất để các trường cao đẳng tư nhân quy mô nhỏ thành công là thông qua việc hiểu rõ giá trị của riêng mình. Các trường cao đẳng nhỏ có thể mang lại nhiều trải nghiệm cá nhân hơn với những lớp học nhỏ hơn. Và các trường cao đẳng nhỏ thường có thể chuyên vào một bộ môn, như điều dưỡng hay nghiên cứu tôn giáo.
Nhưng quan trọng nhất, ông Warren nói, các trường cao đẳng nhỏ phải học cách cắt giảm chi phí. Họ sẽ có thể cạnh tranh với các trường lớn hơn nếu họ có thể tìm cách giảm học phí và quản lý tiền bạc của mình tốt hơn.

Người Việt ủng hộ ông Trump

ở ‘bang chiến trường’ Florida

Đối với ông Phạm Ngọc Cửu, sự xuất hiện đông đảo của những quảng cáo chính trị trên đường phố ở thành phố Orlando, bang Florida, kêu gọi bỏ phiếu cho ông Donald Trump là dấu hiệu cho thấy ứng cử viên Đảng Cộng hòa đang giành được nhiều sự ủng hộ hơn so với ứng cử viên Đảng dân chủ Hillary Clinton.
Đến định cư tại bang miền nam này của Mỹ vào năm 1991, người công nhân về hưu này nói ông “quan tâm đến cuộc bầu cử vô cùng.”
Lá phiếu của ông sẽ góp phần định đoạt kết quả cuộc bầu cử Tổng thống năm nay tại bang mà lâu nay được mệnh danh là “bang chiến trường,” nơi mà ứng cử viên Tổng thống của cả hai đảng ồ ạt đổ tiền quảng cáo và liên tục xuất hiện trong những buổi vận động tranh cử ráo riết trong những tuần cuối cùng chạy đua nước rút.
Năm 2000, Florida trao cho ứng cử viên Đảng Cộng hòa George W. Bush chiến thắng chung quyết sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy ứng cử viên Đảng Dân chủ Al Gore thất bại chỉ với 537 phiếu bầu. Florida cũng góp phần mang lại chiến thắng cho ông Barack Obama trong hai cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2008 và 2012 khi Tiểu Bang Ánh Dương (Sunshine State) hai lần ngả về Đảng dân chủ.
Năm nay, Florida là bang bà Clinton phải thắng để cắt đứt mọi ngả đường dẫn đến Tòa Bạch Ốc của ông Trump.
Nhưng ông Cửu không muốn điều đó xảy ra.
“Bà Hillary Clinton hào nhoáng về bề ngoài nhưng thật sự con người đó là con người không thể tin cậy,” ông nói. “Những cái email của bả đó, bao nhiêu cái quan trọng của một người bộ trưởng ngoại giao mà khi xảy ra như vậy đó thì không có biện pháp nào hết. Trong khi một ông tướng bốn sao [James Cartwright], mấy cái email gì đó này khác, rồi bị cắt chức luôn.”
“Tôi thấy chính quyền của Đảng Dân chủ không thể là một cái chính quyền tốt được,” ông Cửu nhận định.
Nhiều cử tri gốc Việt ở Florida nhìn thấy triển vọng ở ứng cử viên Đảng Cộng hòa. Với khẩu hiệu tranh cử “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại,” tỉ phú bất động sản với phong cách huênh hoang này tuyên bố ngăn chặn công ăn việc làm rời bỏ nước Mỹ, thương thuyết lại những thỏa thuận thương mại, xây một bức tường ngăn di dân ở biên giới Mexico, và đe dọa rút binh sĩ Mỹ khỏi những điểm nóng an ninh khắp thế giới.
Đối với ông Cửu, ông Trump là một doanh nhân thành đạt và chính những kinh nghiệm trên thương trường của ông Trump sẽ giúp ông thành công trên chính trường. “Bởi vì họ giải quyết được những vấn đề, mà cái nhìn của họ có những cái tinh tế riêng mà người bình thường không làm được,” ông nhận xét.
Bác sĩ Đỗ Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ, cho biết lâu nay đa số người Việt ở Florida thường có khuynh hướng ủng hộ Đảng Cộng hòa “bởi vì họ cho rằng trước đây Đảng Cộng hòa cũng đã giúp người Việt chống Cộng sản.” Ông nói thêm tình hình Việt Nam hiện thời là mối quan tâm đặc biệt của nhiều người.
“Người ta muốn bầu cho người nào có tư tưởng rất là mạnh về vấn đề quốc phòng cũng như ngoại giao, để làm thế nào giải quyết vấn đề Biển Đông,” ông Hội nói.
Theo ông Cửu, ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump chính là người như vậy.
“Trong vấn đề đối với Trung Quốc hiện nay, đó là một vấn đề lớn mà mình quan tâm, nhất là người Việt Nam ở sát [Trung Quốc]. Mình thấy rằng mối đe dọa mà nó chiếm cứ, Hán hóa là mối đe dọa rất là quan trọng mà may ra có những người có phản ứng một cách mạnh mẽ thì mới phần náo cứu vãn được cái công việc hỗ trợ cho mình trong vấn đề cứu nước.”
Ông Trump đã nhiều lần quy trách Trung Quốc “cướp mất công ăn việc làm” của người lao động Mỹ. Trong kế hoạch 7 Điểm của mình, ông Trump cho biết nếu làm Tổng thống ông sẽ yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra những vụ kiện thương mại nhắm vào Trung Quốc ở Mỹ và ở Tổ chức Thương mại Thế giới, và sẽ chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.
Ông Trump cũng nói rằng Trung Quốc đang xây những “pháo đài mà thế giới chưa từng thấy cái gì tương tự như vậy” ở Biển Đông.
Ông Trump hiện đang dẫn trước bà Clinton bốn điểm phần trăm ở Florida trong một cuộc khảo sát mới công bố hôm Chủ nhật của báo The New York Times, dù ở những nơi khác bà Clinton vẫn đang dẫn trước. Giới phân tích nhận định đó là sự dịch chuyển đáng kể trong những cuộc khảo sát ở bang này vì trước đây vị trí đầu thường thuộc về bà Clinton.
Đó là dấu hiệu lạc quan cho nhiều cử tri người Việt ở đây. “Tôi tin là ổng sẽ thắng ở tiểu bang Florida,” ông Cẩn nói. Ông cho biết thêm là ông đã bỏ phiếu khiếm diện cho ông Trump.
Lá phiếu cử tri chứa đựng hy vọng được nhìn thấy những điều ứng viên Tổng thống Mỹ hứa hẹn trong cương lĩnh tranh cử, nhưng người tranh cử có làm được những gì mình tuyên bố hay chăng thì còn tùy vào nhiều yếu tố. Bởi lẽ, với cơ chế dân chủ Mỹ, quyết định của Tổng thống còn phải phụ thuộc vào ý dân thông qua Quốc hội.

Tòa Bạch Ốc:

FBI không tìm cách gây ảnh hưởng bầu cử

Tổng thống Barack Obama tin rằng Giám đốc FBI, James Comey, là người trung hòa không tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ qua việc loan báo điều tra thêm một số email có liên hệ tới máy chủ cá nhân của ứng cử viên Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, Tòa Bạch Ốc loan báo hôm nay 31/10.
Phát ngôn nhân Josh Earnest từ Tòa Bạch Ốc nói thêm rằng ông không biết Giám đốc FBI đã đi đến quyết định công khai vụ điều tra thêm này như thế nào và ‘những yếu tố nào đã được cân nhắc’ trong quyết định loan báo vừa qua.
Giám đốc FBI ngày 28/10 công bố sẽ điều tra thêm một số email vừa hé lộ liên quan đến việc sử dụng email cá nhân của bà Hillary Clinton để xác định xem những email này có chứa thông tin mật hay không.
Trong bức gửi một số chủ tịch ủy ban Quốc hội Mỹ, Giám đốc James Comey nói ông chưa thể dự đoán công tác mới này sẽ hoàn tất trong bao lâu.
Loan báo này là một diễn tiến bất ngờ trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 8/11.
Hôm 28/10, bà Hillary Clinton đã mạnh mẽ kêu gọi Cục Điều tra Liên bang công bố “đầy đủ toàn bộ dữ kiện” về quyết định mới đưa ra, đồng thời nhấn mạnh bà “tin rằng dù có gì đi nữa thì nó cũng sẽ không thay đổi kết luận hồi tháng 7,” nhắc tới đề nghị của FBI không truy tố hình sự bà.
Reuters dẫn nguồn từ New York Times cho biết các email mới vừa được phát hiện trong lúc FBI đang tiến hành điều tra về các tin nhắn tình dục của cựu dân biểu Anthony Weiner, qua việc thu giữ các thiết bị điện tử của phụ tá cho bà Clinton là bà Huma Abedin và chồng bà Abedin, ông Anthony Weiner.
Trước đây, sau khi phát hiện trong một số email của bà Clinton có chứa thông tin mật của chính phủ, FBI đã mất khoảng một năm điều tra việc bà dùng máy chủ email cá nhân cho công vụ thời còn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ từ năm 2009 đến năm 2013.
Hồi tháng 7, Giám đốc FBI cho biết có bằng chứng cho thấy bà Clinton và nhân viên có thể đã phạm luật, nhưng FBI nói rằng công tố viên, nếu làm việc đúng tình đúng lý, thì sẽ không truy tố bà.

Đặc sứ Mỹ tới Venezuela

thúc đẩy giải tỏa bế tắc chính trị

Một giới chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ sẽ tới Venezuela hôm nay 31/10 để hậu thuẫn các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập nhằm xoa dịu bế tắc chính trị căng thẳng giữa cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng của nước này.
Chuyến đi của ông Tom Shannon, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị và là một chuyên gia về châu Mỹ Latin, có thể giúp thúc đẩy các cuộc thương thuyết giữa đôi bên vốn trong nhiều năm nay đã tổ chức đàm phán nhiều lần nhưng không mấy đạt được kết quả cụ thể.
“Chuyến thăm của ông Shannon nêu bật sự hậu thuẫn của chúng tôi đối với tiến trình đối thoại tiếp diễn và sự quan tâm của chúng tôi về an bình của người dân Venezuela,” Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Mỹ trong hơn chục năm nay bất đồng về tư tưởng với chính phủ Venezuela theo chủ nghĩa xã hội.
Tổng thống Nicolas Maduro và giới lãnh đạo đối lập đã đồng ý xúc tiến các cuộc đàm phán được tổ chức dưới sự hỗ trợ từ Vatican sau cuộc họp khởi sự chiều Chủ nhật kéo dài sang sáng sớm thứ Hai.
Tổng thống Maduro bị cáo buộc là ‘độc tài’ khi ngăn cản một cuộc trưng cầu dân ý về việc bãi nhiệm Tổng thống.
Phe đối lập đòi chính phủ cho phép một cuộc trưng cầu dân ý về sự cai trị của ông Maduro, phóng thích hàng chục nhà hoạt động đối lập đang bị giam cầm, và tôn trọng các quyết định của Quốc hội.
Ông Maduro nói ông là nạn nhân của âm mưu đối lập muốn truất phế ông và của một “cuộc chiến kinh tế” do giới doanh nghiệp khơi mào với sự hậu thuẫn của Washington. Ông đang chật vật tìm cách kiểm soát tình trạng thiếu hụt hàng hóa tiêu dùng và giá cả phi mã trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Mỹ đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao với Venezuela kể từ năm 2014, khi Tổng thống Barack Obama cho chuyển động tiến trình khôi phục các mối quan hệ với quốc gia cộng sản Cuba sau hơn nửa thế kỷ cấm vận kinh tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Shannon đang đối mặt trước một tình thế khó khăn tại Venezuela, nơi hai phe chính phủ và đối lập không tỏ dấu nhất trí về con đường tiến tới phía trước và đã nhiều lần không đạt được đồng thuận qua các cuộc đối thoại song phương.
Ông Jesus Torrealba, người đứng đầu liên minh đối lập, ngày 31/10 tuyên bố không thể tiếp tục đối thoại với chính phủ nếu trong những ngày tới không có hành động cụ thể và tức khắc về việc phóng thích tù nhân chính trị.
Quốc hội Venezuela đang tiến hành phiên xử chủ yếu mang tính biểu tượng đối với Tổng thống Maduro để công bố ông chịu trách nhiệm về mặt chính trị đối với cuộc khủng hoảng quốc gia và để chính thức tuyên bố ông vi phạm các nguyên tắc dân chủ.
Phe đối lập dự trù sẽ tổ chức tuần hành tới dinh Tổng thống trong tuần này , sau các cuộc biểu tình rầm rộ hồi tuần trước và cuộc đình công trên toàn quốc hôm thứ Sáu vừa qua.

Nổ mỏ ở Trung Quốc, 13 người chết

Ít nhất 13 người chết, 20 người mất tích sau vụ nổ tại một mỏ than ở vùng Trùng Khánh của Trung Quốc.
Tân Hoa Xã đưa tin vụ nổ tại mỏ Kim Sơn Câu của tư nhân ở thị trấn Lai Tô xảy ra trước buổi trưa thứ Hai, 31/10.
Phó thị trưởng Trùng Khánh cho biết đang có hoạt động tổng lực để tìm kiếm các thợ mỏ mất tích – tuy nhiên, việc cứu hộ đã bị cản trở bởi những hư hại do vụ nổ và nồng độ khí độc còn cao.
Nhà chức trách đã tiến hành điều tra về vụ nổ chết người và các quan chức địa phương đã ra lệnh tạm thời đóng cửa các mỏ than nhỏ trong khu vực.
Trước đây trong năm nay, Tân Hoa Xã đưa tin là Cục Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc ghi nhận 171 trường hợp tử vong trong 45 vụ tai nạn vì khí mỏ than trong năm 2015.

Trung Quốc bị chỉ trích

không sòng phẳng trên sân chơi quốc tế

Trung Quốc khẳng định chính sách chào đón và thu hút đầu tư nước ngoài của họ vẫn không thay đổi, đáp lại những lo ngại rằng đầu tư nước ngoài của những công ty châu Âu đang trở nên khó khăn hơn ở Trung Quốc.
Bộ trưởng Kinh tế Đức kiêm Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel viết trong một cột báo của tờ Welt am Sonntaghôm thứ Bảy rằng Trung Quốc đang mua trọn những công nghệ quan trọng về mặt chiến lược ở Đức trong khi không cho công ty nước ngoài thâu tóm những công ty của chính mình bằng “những quy định mang tính kỳ thị.”
Ông Gabriel hối thúc Liên minh châu Âu bảo đảm một sân chơi công bằng và thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Tân Hoa Xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, trong cuộc họp báo thường nhật hôm 31/10, nhấn mạnh rằng Trung Quốc và châu Âu đang ở trong những giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau và sử dụng những mô hình quản lý khác nhau.
Lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc vẫn nhất quán theo đuổi khai mở nền kinh tế, bà Hoa nói rằng chính sách chào đón và thu hút đầu tư nước ngoài vẫn không thay đổi.
“Trung Quốc sẵn lòng kiến tạo một môi trường đầu tư công bằng và minh bạch cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, bao gồm các nhà đầu tư từ Đức,” bà Hoa nói.
Bà cho biết thêm những doanh nghiệp Trung Quốc được khuyến khích đầu tư nước ngoài phù hợp với những nguyên tắc thị trường, luật pháp nước sở tại và những chuẩn mực quốc tế vì lợi ích chung.
Những công ty của Trung Quốc lâu nay vẫn đang lùng sục khắp thế giới để mua công nghệ, thương hiệu, và những tập đoàn đa quốc gia. Xu hướng này đã tăng đáng kể trong năm nay.
Báo Financial Times cho biết trị giá những vụ thâu tóm ở nước ngoài của Trung Quốc trong chín tháng đầu năm nay đạt tổng cộng 191 tỉ đôla, gần gấp đôi đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc trong cùng kỳ.
Dù những vụ thâu tóm này nhìn chung được các nước tiếp nhận chào đón vì chúng tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế, song những chỉ dấu cho thấy sự chống đối đang tăng lên ở Mỹ và Úc và gần đây cũng ở Châu Âu. Gần 40 triệu đôla những thỏa thuận với Trung Quốc đã bị hủy bỏ từ giữa năm 2015, chủ yếu là do vấn đề cạnh tranh và an ninh quốc gia bị săm soi nhiều hơn.
Danh sách những những thỏa thuận bị săm soi đang trở nên dài hơn với việc đình hoãn thỏa thuận 44 tỉ đôla của ChemChina thâu tóm công ty nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ.
Đức mới đây đã tuyên bố không chấp thuận để Fujian Grand Chip mua lại công ty sản xuất thiết bị bán dẫn Aixtron, dẫn ra “thông tin liên quan tới an ninh trước đây chưa được biết tới.”
Nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức dẫn những nguồn tin tình báo Đức cho biết nhà chức trách Mỹ đã cho chính phủ Đức xem những bằng chứng cho thấy những con chip làm từ thiết bị của Aixtron có thể được sử dụng vì mục đích quân sự.
Nhưng sự bất cân đối về đầu tư nước ngoài giữa Trung Quốc và các nước phương Tây mới là điều đáng lưu ý. Các công ty của phương Tây gần như không bao giờ được Bắc Kinh chấp thuận cho mua lại một công ty quốc doanh quan trọng của Trung Quốc hoặc thậm chí một công ty tư nhân trong ngành bị hạn chế tiếp cận.
Điều này có nghĩa là những công ty như Đại Liên Vạn Đạt, một công ty có những liên hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, có thể thâu tóm những phim trường mang tính biểu tượng của Hollywood nhưng những công ty nước ngoài lại bị ngăn cản mua lại những công ty tương đương của Trung Quốc.
Tương tự, công ty Midea của Trung Quốc mua được Kuka, công ty sản xuất robot và là một trong những công ty tiên tiến nhất của Đức. Thế nhưng khi Carlyle, một công ty góp vốn tư nhân của Mỹ, tìm cách mua lại XCMG, công ty sản xuất công cụ máy móc của Trung Quốc, thì việc này bị Bắc Kinh ngăn chặn.
Trong một bài xã luận phản ánh quan điểm của mình, Financial Times, nhật báo chuyên về những vấn đề tài chính kinh doanh của Anh, gọi sự mất cân đối này là “không thể kéo dài và không đáng mong muốn.”
“Nếu Trung Quốc muốn tiếp tục hưởng lợi từ sự tiếp cận gần như miễn phí đối với những thương hiệu và công nghệ tốt nhất mà phương Tây có, họ cần xem xét nghiêm túc sự tương hỗ qua lại,” bài báo viết.
Theo Reuters, Xinhua, Financial Times

Trung Quốc áp dụng chiến dịch ‘chia để trị’ với Đài Loan

Trung Quốc đang áp dụng chiến dịch ‘chia để trị’ đối với lãnh thổ tự trị Đài Loan, ngỏ lời giúp thúc đẩy du lịch tới các thành thị và quận hạt thân Bắc Kinh tại Đài Loan trong khi tỏ ra lạnh nhạt với tân chính phủ ủng hộ độc lập của Đài Loan, theo nguồn tin từ giới chức chính phủ và các chính trị gia.
Những hứa hẹn của Bắc Kinh có trở thành hiện thực hay không còn phải chờ xem, nhưng rạn nứt chính trị đang thúc đẩy Dân Tiến đảng đang cầm quyền Đài Loan phải đề ra những biện pháp riêng đối phó với tình trạng du khách từ Hoa lục tới Đài Loan sụt giảm một cách đáng báo động.
Tám quan chức chính quyền địa phương của Đài Loan, chủ yếu đại diện các quận hạt do phe đối lập thân Bắc Kinh (Quốc Dân đảng) kiểm soát, trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng rồi với nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, đã được hứa hẹn về các mối quan hệ du lịch và nông nghiệp mở rộng.
Tuần này, dự kiến Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp chủ tịch Quốc Dân đảng khi bà Hồng Tú Trụ sang thăm Bắc Kinh.
Trong khi đó, Bắc Kinh đã đình chỉ liên lạc chính thức với chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn cho đến khi nào chính phủ này đồng ý công nhận chính sách ‘một nước Trung Hoa.’
Trung Quốc nói Đài Loan là một phần của ‘một nước Trung Hoa’ do Bắc Kinh thống trị và xem Đài Loan là một tỉnh có thể bị sáp nhập thống nhất nếu cần. Quan hệ đôi bên đã trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái lên nhậm chức hồi tháng 5 năm nay.
Chính quyền Quốc Dân đảng trước đây đồng ý công nhận ‘đồng thuận 1992’ về một nước Trung Hoa, mỗi bên có cách diễn giải khác nhau.
Tám quan chức Đài Loan vừa từ Bắc Kinh trở về đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì ‘quỳ lụy’ trước chính sách một nước Trung Hoa của Bắc Kinh.
Số du khách từ Hoa lục vốn Bắc Kinh có thể kiểm soát dễ dàng qua các cơ quan lữ hành của nhà nước đã giảm 71% từ ngày 1 đến ngày 18/10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Đài Loan.

Ấn: Cảnh sát bắn chết 8 tù nhân Hồi giáo vượt ngục

Cảnh sát Ấn bắn chết 8 tù nhân Hồi giáo vượt ngục hôm 31/10, theo nguồn tin từ các giới chức.
Sáng sớm hôm nay, nhóm tù nhân thành viên của một nhóm dân quân bị cấm hoạt động tại Ấn đang chờ bị kêu án đã dùng chăn bện thành dây trèo tường tẩu thoát từ một trại giam được canh phòng an ninh cao độ tại thành phố Bhopal, bang Madhya Pradesh, sau khi cắt cổ một nhân viên cai ngục.
Cảnh sát lần ra dấu vết của nhóm tù nhân có võ trang này sau khi dân làng báo cáo có những dấu hiệu khả nghi. Cảnh sát đã bao vây nhóm này bên ngoài thành phố và bắn chết tất cả 8 người trong nhóm, Tổng thanh tra cảnh sát Yogesh Choudhary cho biết.
Nguồn tin này nói nhóm tù nhân vượt ngục đã nổ súng vào cảnh sát trước khi bị đáp trả, và tại hiện trường thu được 4 khẩu súng và 3 con dao.
Trước đó, nhóm này bị truy tố về các tội danh bao gồm giết người và cướp bóc, thanh tra Choudhary cho biết. Ba người trong số đó từng vượt ngục tại một trại giam khác ở Ấn cách đây 3 năm.
Cả 8 người đều thuộc Phong trào Hồi giáo Sinh viên Ấn, nhóm được thành lập từ 1977 từng bị tố cáo có liên hệ tới các vụ đánh bom trên khắp nước.
Truyền thông Ấn đưa tin Bộ Nội vụ đã ra lệnh điều tra vụ vượt ngục này.

Bà Suu Kyi bị áp lực vì cuộc khủng hoảng Rohingya

Nhà lãnh đạo Myanmar, Aung San Suu Kyi, ngày càng bị chỉ trích vì cách chính phủ của bà xử lý cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine miền bắc Myanmar, nơi đa số dân theo Hồi Giáo. Tại đây, các binh sĩ chính phủ đã ngăn không cho nhân viên cứu trợ tiếp cận dân làng và bị cáo buộc cưỡng hiếp, giết hại thường dân.
Cuộc hành quân đã làm tăng thêm căng thẳng giữa chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi mới thành lập 6 tháng nay với quân đội, lực lượng đã cai trị Myanmar trong nhiều thập niên và vẫn duy trì những quyền hành chính, kể cả kiểm soát một số bộ về an ninh.
Theo một giới chức dân sự cao cấp, trước việc chính phủ thiếu kiểm soát lực lượng võ trang, các cấp chỉ huy quân sự đã phớt lờ những yêu cầu về thông tin liên quan đến những cáo buộc về những hành vi sai trái của các binh sĩ trong hơn 10 ngày.
Quân đội đã di chuyển đến miền bắc Rakhine, gần biên giới với Bangladesh, sau khi các phần tử hiếu chiến giết chết 9 cảnh sát biên phòng trong một cuộc tấn công phối hợp vào ngày 9 tháng 10 vừa qua.
Kể từ đó, chính phủ cho biết có 5 binh sĩ và ít nhất 33 phần tử nổi dậy bị giết trong những cuộc đụng độ với một nhóm mà chính phủ tin là gồm khoảng 400 thành viên đa phần là những người Hồi giáo thiểu số Rohingya vô Tổ quốc.
Trong khi hiến pháp Myanmar do quân đội soạn thảo qui định quân đội kiểm soát chặt chẽ các vấn đề an ninh, trong vòng riêng tư, các nhà ngoại giao và các nhân viên cứu trợ cho biết họ bất bình trước việc bà Aung San Suu Kyi không can dự nhiều trong việc giải quyết khủng hoảng.
Bà Suu Kyi, người tỏ ra hữu hiệu trong việc lãnh đạo chính phủ với tư cách là cố vấn nhà nước và cũng là Ngoại trưởng, đã tiến hành một chương trình hoạt động bận rộn với những chuyến đi nước ngoài.
Khi giao tranh bùng phát tại Rakhine, bà lên đường đi thăm Ấn Độ 4 ngày, và thứ Ba tới đây bà sẽ lên đường thăm Nhật trong 5 ngày.
Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã thúc đẩy chính phủ Myanmar điều tra những cáo buộc về nạn bạo hành của binh sĩ chính phủ. Các cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi cho phép cứu trợ được tiếp cận khu vực này.
Bà Suu Kyi không trực tiếp bình luận về những lời kêu gọi hay những tuyên bố của các nhà quan sát nhân quyền, dù bà đã yêu cầu quân đội tự chế và hành động theo khuôn khổ luật pháp.

Yemen bên bờ vực nạn đói

Giới chức đứng đầu lĩnh vực nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, Stephen O’Brien, cảnh báo Yemen, nước bị chiến tranh tàn phá, “sắp rơi vào nạn đói”.
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 31/10, Ông O’Brien nói rằng hơn hai triệu người Yemen bị suy dinh dưỡng, trong số đó 370.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.
Giá lương thực đã tăng 20% kể từ khi cuộc chiến bắt đầu hồi năm ngoái, và cuộc phong tỏa do A-rập Xê-ut áp đặt đã cản trở việc phân phối lương thực ở một đất nước mà trước cuộc xung đột đã nhập tới 90% các mặt hàng lương thực.
O ‘Brien cho biết hơn 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã chết vì các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, nhiều em chết vì thiếu chủng ngừa, không được điều trị bệnh tiêu chảy và viêm phổi kể từ khi liên minh do A-rập Xê-út đứng đầu bắt đầu chiến dịch không kích.
Ông cũng cảnh báo rằng dịch tả đã bắt đầu xuất hiện ở Yemen. Liên Hiệp Quốc và các đối tác trong lĩnh vực nhân đạo đang thiết lập 21 trung tâm điều trị bệnh tả, nhưng ông O’Brien nói các trung tâm đó không đủ để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của bệnh.
Liên Hiệp Quốc đã xếp hạng Yemen ở vào tình trạng khẩn cấp mức độ 3. Chỉ có hai nước khác là Syria và Iraq cũng rơi vào khủng hoảng nhân đạo ở mức độ nghiêm trọng như vậy.
Hồi tháng 9/2014, phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn đã cố giành chính quyền từ Tổng thống Abdu Rabu Mansour Hadi được quốc tế công nhận, dẫn đến một chiến dịch không kích do A-rập Xê-út lãnh đạo nhằm khôi phục quyền lực của ông vào mùa xuân năm 2015. Kể từ đó, Liên Hiệp Quốc cho biết hàng ngàn thường dân đã thiệt mạng và bị thương, và hơn 3 triệu người đã mất nơi ở.

Tương lai bấp bênh chờ đón người tị nạn Afghanistan

Hơn 800.000 người Afghanistan, gồm cả người tị nạn có giấy tờ lẫn những người bị trục xuất không có giấy tờ đã trở về nước từ Pakistan và Iran trong năm nay. Chính quyền Afghanistan dường như thiếu năng lực và nguồn lực để xử lý làn sóng người hồi hương. Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo và tức thời phát động chiến dịch quyên góp để tìm ngân quỹ bổ sung hầu đối phó với tình huống khẩn cấp này.
Các nước láng giềng, đặc biệt là Pakistan, đã nhận vài triệu người tị nạn Afghanistan trong bốn thập kỷ nhưng trong hai năm trở lại đây đã thúc ép họ hồi hương. Những người Afghanistan sống ở Pakistan cho biết những trường hợp bị cảnh sát sách nhiễu đã tăng hồi gần đây, buộc họ phải ra đi.
Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng số người hồi hương sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong số hơn một triệu người Afghanistan dời cư trước cuối năm nay. Ho hầu hết sẽ cần được trợ giúp. Ít nhất 40% được coi là thuộc thành phần dễ bị tổn thương.
Chính phủ Afghanistan đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của thành phần này.
Liên Hiệp Quốc đã phát động chiến dịch khẩn cấp kêu gọi quốc tế đóng góp 150 triệu đôla. Nhưng tính đến nay, chỉ góp được có 13% ngân khoản cần thiết. Giữa lúc mùa đông sắp đến, tình hình đang đang xấu đi nhanh chóng và có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Lực lượng Iraq áp sát Mosul

Một toán binh sĩ tinh nhuệ thuộc Lực lượng Đặc biệt Iraq đã bắt đầu cuộc tấn công vào Mosul, vượt qua sự kháng cự mãnh liệt khi chọc thủng tuyến phòng thủ để tiến vào các vùng ngoại ô của Mosul đang nằm trong tay của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thiếu tướng Sami al-Aridi cho biết các binh sĩ đã tiến vào khu phố Gojali của Mosul vào sáng thứ Ba, 1/11, ở đó họ đã giao chiến ác liệt với các phần tử Nhà nước Hồi giáo.
Ông cho biết các phần tử IS đã dựng lên các rào cản bê tông khắp thành phố để cố ngăn chặn đà tiến của các binh sĩ Iraq.
Trước cuộc tiến quân của các lực lượng Iraq, các vị trí của IS bên trong khu phố Gojali bị dội bom dữ dội. Các phần tử thánh chiến bắn trả bằng tên lửa chống tăng điều hướng và súng phóng rocket.
Bước đột phá này diễn sau hai tuần sau khi khởi sự chiến dịch quân sự của liên minh gồm các lực lượng Iraq và người Kurd, với hậu thuẫn của lực lượng dân quân Shia và các cuộc không kích của Mỹ. Đây là chiến dịch quân sự lớn nhất ở Iraq kể từ năm 2003 để quét sách các phần tử IS khỏi thành phố.
Hôm thứ Hai, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cảnh cáo các phần tử IS còn lại ở Mosul rằng quân đội Iraq đã trong tư thế sẵn sàng ập vào tấn công chúng “từ mọi hướng”.
Ông phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng “Chúng không có đường ra, chúng không có lối thoát, chúng chỉ có thể đầu hàng. Chúng sẽ chết hoặc ra đầu hàng”.
Các nhà phân tích nói rằng các cuộc giao tranh sẽ trở nên phức tạp hơn trong vài tuần tới, một phần vì có dân thường bị cầm giữ bên trong thành phố, và một phần các phần tử IS đã cài chất nổ vào nhiều các tòa nhà và đường xá, theo những người dân đã thoát ra cho biết.
Theo Liên Hiệp Quốc, số người bị buộc dời cư có thể lên đến 1 triệu người khi chiến sự gia tăng trong thành phố. Hơn 17.900 người đã bỏ chạy khỏi thành phố kể từ khi chiến dịch tái chiếm Mosul bắt đầu.

Trung Quốc và Vatican

đạt thỏa thuận về việc bổ nhiệm Giám mục

Hai đoàn thương thuyết đại diện cho Tòa thánh Vatican và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận về vai trò của Tòa Thánh và Nhà nước Bắc Kinh khi chọn tu sĩ làm Giám mục, theo tin của tờ The Wall Street Journal (WSJ).
Trong bản tin gửi từ Vatican, tờ báo viết rằng thỏa thuận đang chờ quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxico và sau đó là quyết định của nhà lãnh đạo Bắc Kinh, viết thêm rằng nếu được chấp thuận, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ đôi bên, nhưng đồng thời cũng nói vẫn còn nhiều điều chưa thể giải quyết ngay lúc này.
Dựa theo những nguồn tin khác nhau, tờ WSJ cho hay Tòa Thánh Vatican sẽ công nhận 8 vị Giám Mục được nhà nước Trung Quốc phong chức, Vatican sẽ ngưng việc phong chức giám mục chui cho những tu sĩ thuộc Giáo Hội Thầm Lặng, tức Giáo Hội trung thành với Tòa Thánh, không làm việc dưới quyền chỉ đạo của nhà nước Trung Quốc.
Hai bên cũng đồng ý từ giờ trở đi, Trung Quốc sẽ gửi cho Tòa Thánh danh sách những tu sĩ được đề cử làm giám mục, Đức Giáo Hoàng sẽ chọn người trong danh sách này hoặc bác bỏ, yểu cầu Bắc Kinh đưa danh sách khác.
Ngoài ra, Tòa Thánh được quyền điều tra những tu sĩ có tên trong danh sách được Bắc Kinh đề nghị, nhưng thủ tục điều tra phải được thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc.
Bản tin cũng viết rằng ngay chính phái đoàn đàm phán đại diện cho Vatican cũng không hài lòng với thỏa thuận mới đạt được, dù vẫn cho rằng thỏa thuận này mang tính lịch sử, vì đây là lần đầu tiên chính quyền cộng sản Trung Quốc công nhận Đức Giáo Hoàng là vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hoa Lục.
Tờ WSJ còn viết rằng thảo thuận mơi đạt được không nói rõ vai trò của Giáo Hội Nhà Nước do chính phủ Bắc Kinh dựng lên, đồng thời sẽ gặp sự chống đối mạnh mẽ của những người sinh hoạt với Giáo Hội Thầm Lặng, trong đó có những người chấp nhận tù đầy và từng bị tù đầy để bảo vệ đức tin và trung thành với Tòa Thánh.
Tờ báo nói rõ những người thuộc Giáo Hội Thầm Lặng có thể xem thỏa luận này là một thắng lợi lớn cho Bắc Kinh.
Hiện đang có khoảng 10 triệu tín đồ Công Giáo ở Trung Quốc. gồm cả những giáo dân sinh hoạt với Giáo Hội Nhà Nước hoặc sinh hoạt với Giáo Hội Thầm Lặng.
Tại Vatican, phát ngôn viên Greg Burke của Tòa Thánh lưu ý mọi người những thỏa thuận hai bên đạt được vẫn chỉ ở mức sơ khởi, ý muốn nói  chưa chắc các thỏa thuận này sẽ được chấp thuận.

Người phụ nữ thân với Tổng thống Park

bị tạm giam khẩn cấp

Người phụ nữ là tâm điểm của vụ bê bối chính trị đe dọa sự nghiệp của Tổng thống Nam Hàn đã bị bắt giữ.
Choi Soon-sil, bạn lâu năm của Tổng thống Park Geun-hye, bị cáo buộc can thiệp vào công việc chính phủ và lợi dụng quan hệ để tạo ảnh hưởng.
Bà bị thẩm vấn hôm 31/10 sau khi xin lỗi vì phạm “tội không thể dung thứ”.
Các công tố viên có 48 giờ để quyết định về việc chính thức bắt giữ bà Choi.
Bà bị tạm giam khẩn cấp đêm 31/10 trong lúc các công tố viên cho hay họ sợ rằng bà có thể tiêu hủy bằng chứng và có nguy cơ đào tẩu, theo hãng thông tấn Yonhap.
“Bà ấy từng bỏ trốn ra nước ngoài trong quá khứ, và bà không có địa chỉ thường trú tại Nam Hàn nên có khả năng sẽ đào tẩu”, một công tố viên nói với Yonhap. “Bà ấy cũng đang trong tình trạng tâm lý rất bất ổn.”
Sáng 1/11, một chiếc xe máy xúc tông văn phòng công tố Trung ương Seoul, làm bị thương một bảo vệ và gây đổ vỡ.
Người lái xe 45 tuổi khai báo ông ta gây chuyện này để “giúp bà Choi Soon-sil chết”, sau khi bà Choi nói với phóng viên rằng bà “phạm tội đáng chết”, khi đang trên đường đến gặp các công tố viên.
Tuần trước, bà Park công khai xin lỗi và thừa nhận “một số tài liệu” đã được chia sẻ với bà Choi và bà này được phép chỉnh sửa những bài diễn văn của tổng thống.
“Choi khuyên tôi về cách diễn đạt trong các diễn văn và quan hệ công chúng trong chiến dịch tranh cử tổng thống và bà ấy tiếp tục giúp tôi trong một khoảng thời gian sau khi tôi nhậm chức”, bà Park nói.
“Tôi xin lỗi người dân”, bà nói và cúi đầu trước ống kính.
Động thái này không ngăn được sự tức giận của người dân và khoảng 8.000 người tham gia biểu tình hôm 29/10, một số người kêu gọi bà Park từ chức.
Bà Choi có cha là ông Choi Tae-min, một lãnh tụ giáo phái, người từng là cố vấn thân cận cho bà Park cho tới khi ông qua đời vào năm 1994.

Thủ tướng Iraq Abadi giục IS ‘đầu hàng hay là chết’

Thủ tướng Iraq kêu gọi Nhà nước Hồi giáo (IS) đầu hàng khi quân chính phủ áp sát thành trì cuối cùng của tổ chức ở nước này, Mosul.
Ông Haider al-Abadi xuất hiện trên kênh truyền hình nhà nước mặc quân phục và tuyên bố: “Họ không có sự lựa chọn. Hoặc là đầu hàng hoặc là chết.”
Lực lượng đặc biệt của Iraq hiện chỉ còn cách phía đông Mosul khoảng 1km và chuẩn bị tiến vào.
Trong khi đó, các đơn vị quân đội tiến vào từ phía nam.
Ông al-Abadi cho biết: “Chúng tôi sẽ bao vây Daesh (tên khác của IS) từ mọi góc độ và Chúa muốn chúng tôi sẽ cắt đầu con rắn này. Họ sẽ không còn cách nào trốn thoát.”
Ông al-Abadi là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Iraq.
Phóng viên BBC Ian Pannell, hiện đang đi cùng lực lượng chống khủng bố (CTS), cho biết có một số vụ chống cự trên đường tiến quân của họ hôm 31/10.
Ông cho hay IS nhắm đánh bom vào đoàn xe.
Rakan Jauid Aid kể về cuộc sống thời IS:
“Khi Daesh vào Mosul, họ giết cha tôi, vì ông là sĩ quan cảnh sát. Tôi bỏ đi và họ không truy đuổi tôi.
Làng tôi bị bao vây trong hơn hai năm. Nếu tôi nói chuyện với bất cứ ai về việc gia nhập cảnh sát hoặc quân đội, Daesh sẽ giết chết tôi.
Việc này xảy ra với nhiều bạn thân của tôi. Daesh đến nhà và đưa bạn tôi đi.
Daesh buộc quý vị phải tham dự tất cả các buổi cầu nguyện tại đền thờ Hồi giáo. Nếu vợ của quý vị không đeo khăn trùm đầu, họ sẽ đánh quý vị – họ có quyền kiểm soát hoàn toàn.”
Các đơn vị quân đội Iraq chiếm lại một số ngôi làng ở phía đông, bắc và nam của Mosul hôm 31/10, quân đội cho hay.
Hiện chưa rõ khi nào cuộc tấn công cuối cùng vào Mosul sẽ nổ ra trong lúc IS trong thành phố đang tăng cường chống đỡ.
Khoảng 50.000 lính Iraq, chiến binh Peshmerga người Kurd, các lực lượng dân quân Hồi giáo Ả rập Sunni và dân quân Hồi giáo Shia tham gia cuộc tấn công này.
Mosul rơi vào tay các chiến binh thánh chiến tháng 6/2014 và thủ lĩnh của họ, Abu Bakr al-Baghdadi, tuyên bố thành lập một vương quốc Hồi giáo, tức caliphate.
Trước khi cuộc tấn công nổ ra hôm 17/10, khoảng 3.000 đến 5.000 chiến binh đóng ở Mosul, cùng với hơn 1,5 triệu dân thường.
Hơn 17.700 người dân đã chạy trốn đến nay và, theo dự báo trường hợp xấu nhất của Liên Hiệp Quốc, khoảng 700.000 người khác có thể ra đi.

Liệu Trump có tạo ra bất ngờ phút chót?

Ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã thề sẽ tạo ra một cú lội ngược dòng giờ chót “gấp năm lần Brexit” trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Liệu điều đó có thể thành hiện thực?
Hàng triệu cử tri Anh đã tắt TV đi ngủ sớm vào Thứ Năm ngày 23 tháng Sáu, với tâm trạng tương đối tự tin rằng, bất kể tốt xấu ra sao, sẽ chẳng có gì thay đổi cả.
Khi tỉnh giấc, họ nhìn thấy Nigel Farage – lãnh đạo Đảng Độc lập Anh quốc (UKIP) – tuyên bố với những ủng hộ viên đang sung sướng ngây ngất rằng “Mặt trời lại mọc trên một Vương quốc Anh độc lập”.
Nước Mỹ có khi nào sẽ gặp một sự bất ngờ tương tự lúc ban mai ngày mùng 9 tháng Mười một?
Các cuộc thăm dò nói không…
Nhìn qua thì, khả năng đó không lớn.
Ông Donald Trump đã bị bà Hillary Clinton dẫn trước từ 3% đến 10% trong phần lớn các cuộc thăm dò dư luận trên phạm vi toàn quốc.
Đó là trước khi Cục Điều tra Liên bang (FBI) thông báo họ sẽ xem xét các tài liệu mới liên quang đến cuộc điều tra vào hệ thống email của bà Clinton. Cần thêm thời gian để có thể đánh giá tác động của bản tin này lên ý kiến của các cử tri.
Trump và những người ủng hộ chỉ ra rằng các cuộc thăm dò dư luận đã sai về kết quả Brexit, nhưng sự thật thì nó phức tạp hơn một chút.
Thực tế là, ngoại trừ một sự dịch chuyển sai nhưng khá đồng đều về phía Ở lại trong những ngày cuối, các cuộc thăm dò dư luận cho những kết quả rất khác nhau, khi thì phe Ra đi thắng, khi thì phe Ở lại thắng.
Điều thú vị là, các cuộc thăm dò qua internet trong những tuần cuối cùng trước bầu cử, ngoại trừ một vài trường hợp, đều dự đoán phe Ra đi sẽ thắng trong khi các cuộc thăm dò qua điện thoại thì hướng đến kết quả là Ở lại.
Nhưng giới chính trị và truyền thông chính thống đều cho rằng tính thận trọng cố hữu của các cử tri sẽ khiến họ lựa chọn giữ nguyên hiện trạng vào phút chót.
Các nhà cái – ý kiến của họ luôn được tin tưởng hơn ở Anh – cũng đồng ý.
Và ngay cả những cổ động viên nhiệt thành nhất của phe Ra đi cũng không đánh giá cao khả năng chiến thắng. Sau khi cuộc bỏ phiếu ngày 23 tháng Sáu kết thúc ít lâu, Farage đã trả lời một phóng viên truyền hình thế này: “Dường như là phe Ở lại sẽ thắng sít sao.”
…Nhưng sự tin tưởng vào chúng thì đã giảm sút
Kết quả của Brexit là một cái tát vào uy tín của các công ty chuyên thăm dò dư luận, những người cũng dự báo sai về kết quả bầu cử toàn quốc 2015 ở Anh và Israel và kết quả một số bang trong vòng sơ bộ của Đảng Dân chủ năm 2016.
Ở cả Anh và Mỹ, các công ty đang ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chọn ra các nhóm cử tri thật sự tiêu biểu để lấy ý kiến.
Từng có thời họ có thể dựa vào việc quay số ngẫu nhiên đến các máy điện thoại bàn nhưng sự bùng nổ điện thoại di động – và sự ngần ngại ngày càng cao của công chúng với việc tham gia khảo sát – đã làm cho việc đảm bảo chất lượng thăm dò ý kiến trở nên khó khăn và tốn kém.
Luật pháp Mỹ hạn chế việc sử dụng các máy quay số tự động, có nghĩa là những người phỏng vấn phải quay số bằng tay. Không hiếm trường hợp người ta phải quay đến 20.000 số điện thoại chỉ để đạt mốc 1.000 người cần thăm dò.
Các công ty viễn thông không dư dả về tài chính đang ngày càng dựa nhiều hơn vào việc thăm dò ý kiến qua Internet, rẻ hơn nhưng thường bị cho là kém chất lượng hơn, dù rằng có vẻ như chúng lại gần với sự thật hơn trong sự kiện Brexit.
IBD/TIPP, một công ty Mỹ có tiếng là đưa ra các kết quả chính xác nhất ngành và có trong mẫu khảo sát một tỉ lệ người sử dụng điện thoại di động so với điện thoại bàn rất cao so với trung bình, đã dự đoán một kết quả sít sao hơn so với các công ty khác trước khi Clinton bứt lên.
Ravagan Mayr, chủ tịch công ty TechnoMetrica Market Intelligence điều hành cuộc thăm dò IBD/TIPP, đã phát biểu rằng kết quả của Brexit cho thấy sự khiếm khuyết của “mô hình ‘cử tri biểu kiến’ độc quyền” mà đa phần các công ty sử dụng để dự đoán xem cử tri nào sẽ đi bầu.
Ông cũng nhấn mạnh vấn đề truyền thống – cử tri không chịu tiết lộ ý kiến của mình trong các thuộc thăm dò – có thể đã ảnh hưởng đến hiện tượng Brexit: “Những người ủng hộ Trump có thể ngại thông báo lựa chọn của mình vì không muốn là đối tượng của các chỉ trích bởi giới tinh hoa trên truyền thông hoặc những người khác,” ông nói.
Gallup, một trong những công ty đầu ngành, thì nhanh chóng bỏ cuộc, thông báo rằng họ sẽ không dự đoán người chiến thắng năm nay sau khi đã thất bại trong lần trước đó. Thay vào đó họ đang tập trung vào nghiên cứu ý kiến cử tri về các chính sách.
Những cử tri thờ ơ có đi bầu?
Hãy dẹp đi tất cả những phỏng đoán quanh cách thức tiến hành thăm dò và những gì còn lại là một sự thật không thể chối cãi về kết quả Brexit.
Khoảng 2.8 triệu người – gần 6% khối cử tri – vốn không đi bầu trong hàng thập kỷ nay, hoặc chưa bao giờ đi bầu, đã đi bỏ phiếu vào ngày 23 tháng Sáu – và hầu như tất cả bọn họ bỏ phiếu Ra đi.
“Thế là quá đủ để đảm bảo chúng ta thua,” thủ lĩnh phong trào Ở lại, Ngài Craig Oliver, viết trong một cuốn sách mới.
“Đáng ra chúng ta đã phải nỗ lực hơn để tìm hiểu những lo toan của họ và giải thích cho họ tại sao rời khỏi Liên minh Châu Âu sẽ mang lại kết quả tiêu cực cho họ.”
Phong trào Ở lại đã tin lời các chuyên gia, theo ông Oliver, những người đã quả quyết rằng các cử tri thờ ơ sẽ tiếp tục bàng quan.
Nhưng các chuyên gia đã nhầm to.
Nếu hiện tượng này lặp lại trong cuộc bầu cử Mỹ, có vẻ như Trump sẽ có nhiều cơ hội vào Nhà Trắng. Đặc biệt là nếu các cử tri theo Đảng Dân chủ không hăng hái bỏ phiếu với số lượng lớn như năm 2013 khi bầu Obama. Giống như chiến dịch tranh cử của bà Clinton, phong trào Ở lại tập trung vào việc cảnh báo mối đe dọa về kết quả khó lường của một sự thay đổi đột ngột.
Nhưng họ đã không lường trước được cơn giận dữ từ các cộng đồng dân lao động, những người dường như cảm thấy quan điểm của họ về tình trạng nhập cư và toàn cầu hóa đã bị làm ngơ quá lâu bởi những người họ coi là tầng lớp tinh hoa chính trị ích kỷ.
Bầu cử và trưng cầu dân ý không giống nhau
Một vài người ủng hộ Brexit – giống như những người ủng hộ Trump – tin rằng kết quả bỏ phiếu sẽ bị làm sai lệch bởi những thế lực cầm quyền. Một số thậm chí còn thúc giục, qua mạng xã hội, bạn bè mình mang bút mực đến phòng bỏ phiếu, đề phòng trường hợp lực lượng an ninh tìm cách xóa vết bút chì trên lá phiếu.
Trưng cầu dân ý, tuy thế, lại có bản chất rất khác với các cuộc bầu cử. Kết quả không phụ thuộc vào một số nhỏ “chiến trường” hay các cuộc đối đầu có kết quả sít sao. Tất cả các phiếu đều có giá trị như nhau.
Cuộc trưng cầu dân ý về Brexit cũng có tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn nhiều, ở mức 72%, so với số cử tri được trông chờ là sẽ đi bầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng, dựa theo tỷ lệ ủng hộ thấp của cả hai ứng cử viên chính.
Nhưng dự đoán kết quả là một nghề đầy rủi ro trong cuộc bầu cử khác thường này.
“Chưa đến lúc ăn mừng”
Nate Silver, chủ trang blog FiveThirtyEight, nổi danh nhờ dự đoán đúng kết quả ở cả 50 bang trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, cho Trump một cơ hội thắng cao hơn nhiều so với các nhà chuyên môn khác.
Ông đưa ra ý kiến, trong một bài viết gần đây, rằng nhiều công ty thăm dò dư luận đã không đưa vào mô hình dự đoán của mình đủ các yếu tố khó lường, đặc biệt trong tình cảnh các ứng cử viên đảng thứ ba đang nhận được sự ủng hộ cao và còn rất nhiều cử tri chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông vẫn tin rằng Clinton “nhiều khả năng” sẽ trở thành Tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo, nhưng bổ sung “Nếu bạn là người ủng hộ Trump thì đừng bỏ cuộc, và cũng chưa tới lúc ăn mừng nếu bạn đang bầu cho Clinton.”
Thường thì khi các chính trị gia đang tuyệt vọng phải chứng kiến bằng chứng về sự thiếu tín nhiệm cử tri dành cho họ, họ thường lẩm bẩm rằng con số duy nhất có giá trị là con số vào ngày bầu cử.
Năm nay điều đó có khi lại đúng.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.