Tin Hoa Kỳ – 13/11/2016
Hoa Kỳ : Hillary Clinton và Đảng Dân Chủ tự kiểm
Dù được nhiều phiếu bầu hơn Donald Trump trên bình diện quốc gia, nhưng bà Hillary Clinton vẫn bị thua, vì đã không giành được số đại cử tri quy đinh sau cuộc bỏ phiếu ở từng tiểu bang. Đảng Dân Chủ bắt đầu tự kiểm để hiểu các nguyên nhân thất bại và chuẩn bị cho tương lai. Riêng bà Hillary Clinton đã tìm thấy một giải thích cho thất bại của bà : sự can thiệp của giám đốc FBI.
Thông tín viên RFI tại Washington, Jean -Louis Pourtet tường thuật :
Hillary Clinton đã giải thích trước các ủng hộ viên một trong các lý do tại sao bà bị bại : đó là hai bức thư mà giám dốc FBI James Coney đã gởi lên Quốc Hội đã làm khựng đà vận động của bà vào lúc chót.
Trong bức thư đầu gởi khoảng hơn 10 ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông thông báo mở lại điều tra về hồ sơ e mail của bà, và bức thứ hai gởi cách cuộc bỏ phiếu 2 ngày và thông báo không tìm được điều gì bất hợp pháp và đóng lại cuộc điều tra.
Đối với bà Clinton chính bức thư thứ hai như để xóa tội cho bà, rốt cuộc đã gây ra rất nhiều thiệt hại vì đã khiến giới ủng hộ ông Trump phẫn nộ, thúc đẩy họ đi bỏ phiếu đông đảo hơn nữa.
Đấy là một giải thích. Nhưng đối với một số người trong đảng Dân Chủ, bà Hillary và ê kíp vận động của bà cũng có trách nhiệm trong thất bại này, một phần trách nhiệm mà ứng viên trước đây, Bernis Sanders tóm tắt trong một câu :
” Không thể nói với người lao động là ta sát cánh bên họ khi mà cùng lúc ta lại đi gây quỹ nơi Wall Street và các nhà tỷ phú ». Bà Hillary đã thu về gần 1 tỷ đô la, một phần lớn là nhờ các nhà tài trợ giàu có.”
Thế hệ mới trong giới lãnh đạo đảng Dân Chủ muốn trong tương lai chú ý hơn đến nguyện vọng tầng lớp trung bình hơn là đi gây quỹ trong các buổi tiệc mà vé tham dự thường cao hơn rất nhiều tiền lương cả năm của một người Mỹ tầng lớp trung bình.
Donald Trump làm tổng thống Mỹ,
Châu Âu họp tìm đối sách
Không đầy một tuần sau khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử tổng thống Mỹ, ngày 13/11/2013, các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu đã tề tựu về Bruxelles tham gia một cuộc họp bất thường, theo đề nghị của lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, bà Mogherini. Cuộc họp phản ánh mối quan ngại của châu Âu trong nhiều lãnh vực.
Thông tín viên RFI, Laxmi Lota phân tích từ Bruxelles :
Tình hình còn mờ mịt đối với Châu Âu. Họ quyết định họp lại để thảo luận về cách thức quan hệ với Hoa Kỳ thời Donald Trump. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã nêu bật bối cảnh mới trước sinh viên vào hôm qua :
« Chúng ta phải giải thích cho tổng thống Mỹ vừa đắc cử biết Châu Âu là như thế nào, những nguyên tắc hoạt động của Châu Âu ra sao. Ông (Trump) đã đặt ra những vấn đề rất tai hại vì ông đòi xem xét lại Hiệp Ước Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, tức là mô hình phòng thủ mà Châu Âu dựa vào. Thái độ của ông đối với những người tị nạn và những người Mỹ không phải là da trắng, không phản ánh suy nghĩ và cảm nhận của Châu Âu. Tôi cho rằng chúng ta sẽ phải lãng phí hai năm để chờ ông Trump đi xong một vòng thế giới mà ông không biết ».
Châu Âu lo ngại trước tiên về các hiệp định thương mại. Tổng thống Mỹ trong cuộc tranh cử đã chủ trương bảo hộ mậu dịch. Ông có thể xét lại các hiệp định đối tác hiện hành. Nhưng các đối tác Châu Âu cũng tự trấn an : làm như thế cái giá mà Mỹ phải trả sẽ không nhỏ. Riêng hiệp định tự do mậu dịch Mỹ-Châu Âu TTIP, thì kể như đã bị xếp vào kho lạnh, theo lời Ủy Viên Thương Mại Châu Âu.
Vấn đề lớn thứ hai là quốc phòng. Donald Trump từng khẳng định trong một bài diễn văn là NATO quá đắt đỏ đối với Mỹ. Lãnh đạo NATO đã lên tiếng ngay sau kết quả bầu cử « trước một môi trường an ninh đầy bất trắc, vai trò lãnh đạo của Mỹ càng quan trọng hơn bao giờ hết ».
Nhìn chung, trước khẩu hiệu tranh cử của Donald Trunmp « Nước Mỹ trước đã ! », thì Châu Âu sẽ phải tìm ra chỗ đứng của mình.
Mỹ: Donald Trump có thể
phải điều chỉnh nhiều cam kết cực đoan
Kể từ khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, ngày 08/11/2016, liên tục có các tín hiệu cho thấy ông Donald Trump đang buộc phải điều chỉnh nhiều cam kết cực đoan trong quan hệ quốc tế, cũng như trong các vấn đề của nội bộ nước Mỹ.
Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington:
Liệu Donald Trump sẽ yêu cầu Mêhicô bỏ tiền chi cho việc xây dựng bức tường biên giới giữa hai nước ? Ông Newt Gingrich, người có thể sẽ trở thành ngoại trưởng, trả lời rằng : Rất ít khả năng. Ông Trump sẽ trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp ? Chắc chắn là không ! Bởi vì điều này sẽ khiến nền kinh tế Hoa Kỳ tổn thất 400 tỉ đô la.
Về việc ngăn cản người Hồi Giáo vào nước Mỹ, người vừa đắc cử tổng thống tránh trả lời. Tuy nhiên, ông Trump đã giới hạn, việc cấm người Hồi Giáo chỉ liên quan đến những nước có lực lượng khủng bố.
Về cam kết sử dụng tra tấn, Mike Rogers, cựu lãnh đạo Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho rằng đây chỉ là ‘‘các luận điệu tuyên truyền tranh cử’’. Về khả năng tăng 45% thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc, theo cố vấn của ông Trump, Wilbur Ross, điều này chỉ xảy ra, nếu Bắc Kinh can thiệp vào giá trị đồng nhân dân tệ.
Về viễn cảnh bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, cố vấn của ông Trump về chính sách đối ngoại Walid Phares, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với BBC, nhấn mạnh là : ‘‘Ông ấy sẽ xem xét, sẽ đưa ra Quốc Hội, yêu cầu phía Iran phải sửa đổi một vài điểm, và sẽ có một thảo luận’’.
Khó khăn của ông Trump hiện nay là, sau chiến thắng gây bất ngờ cho chính bản thân ông ta – theo New York Times, tổng thống tân cử sẽ buộc phải xem xét lại một số cam kết tranh cử cực đoan nhất, hoặc giảm nhẹ mức độ các cam kết, mà không làm mất lòng cử tri đã ủng hộ mình ».
Donald Trump cũng từng nhiều lần tuyên bố xóa bỏ hệ thống bảo hiểm y tế cho người nghèo, Obamacare, một chủ trương hàng đầu của tổng thống Obama, áp dụng từ năm 2010, đã cho phép 22 triệu người Mỹ được bảo hiểm y tế, nhờ hỗ trợ của Nhà nước. Sau cuộc gặp tổng thống mãn nhiệm tại Nhà trắng ngày 10/11, ông Donald Trump có thể sẽ có quan điểm mềm mại hơn về vấn đề này.
Tổng thống tân cử khẳng định những người đang được hưởng Obamacare sẽ không bị mất bảo hiểm trong giai đoạn chuyển đổi, và thậm chí cả khi Obamacare bị xóa bỏ. Về phần mình, chính quyền kêu gọi người Mỹ tiếp tục đăng ký bảo hiểm này trước khi nhiệm kỳ Obama kết thúc.
Abe sẽ nhấn mạnh với Trump
về tầm quan trọng của trục Nhật-Mỹ
Trong bối cảnh chính sách đối ngoại của tổng thống tân cử Hoa Kỳ gây hoài nghi, ngoại trưởng Nhật khẳng định thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc gặp tổng thống tân cử sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ Tokyo-Washington với ông Donald Trump trong cuộc gặp quan trọng này. Ngoại trưởng Nhật cũng cho biết Tokyo sẽ tiếp tục đường lối không sở hữu vũ khí nguyên tử.
Theo Reuters, trả lời kênh truyền thông Nhật NHK ngày 13/11/2016, ngoại trưởng Fumio Kishida cho biết : « Cuộc gặp quan trọng sắp tới là nhằm để xây dựng lòng tin… chúng tôi hy vọng sử dụng cơ hội này để thúc đẩy liên minh Nhật-Mỹ ».
Ngày thứ Năm 17/11/2016, thủ tướng Nhật dự kiến sẽ có cuộc hội kiến đầu tiên với tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump tại Mỹ, trong chặng dừng chân trên đường tới Peru dự APEC. Ông Shinzo Abe phải tìm cách làm rõ chủ trương về quan hệ song phương Mỹ-Nhật của chính trị gia Cộng Hòa hoàn toàn không có kinh nghiệm quốc tế nào, sau hàng loạt tuyên bố của ông Trump trong thời gian tranh cử, đi ngược lại với mối quan hệ đồng minh lâu đời với Tokyo.
Cũng liên quan đến quan hệ với Hoa Kỳ, ngoại trưởng Nhật khẳng định : « Tôi không tin Nhật sẽ có vũ khí hạt nhân. Nguyên tắc này sẽ không thay đổi ». Ông Donald Trump trong quá trình tranh cử đã để ngỏ khả năng Nhật Bản phải trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.
Nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada một lần nữa nhấn mạnh : hiện tại Nhật Bản đang đảm nhiệm phần lớn gánh nặng tài chính cho lực lượng Mỹ triển khai tại nước này, trái ngược với những lời tuyên bố của chính trị gia Mỹ trước khi đắc cử, là Tokyo không đóng góp gì nhiều.
Về phía tổng thống đắc cử Hoa Kỳ, hôm 11/11 vừa qua, theo Reuters, một cố vấn của ông Donald Trump –xin giấu tên – cho biết các lo ngại của thủ tướng Nhật là « không có cơ sở », Washington sẽ tiếp tục các cam kết liên minh về an ninh với Tokyo, và khẳng định sự hiện diện lâu dài của Hoa Kỳ tại châu Á.
Siêu sao Hollywood trước chiến thắng của ông Trump
Trong khi hàng nghìn người khắp Hoa Kỳ tiếp tục biểu tình chống lại Tổng thống đắc cử Donald Trump, nhiều ngôi sao Hollywood hôm 12/11 kêu gọi tôn trọng “quyền tự do ngôn luận”.
Ca sĩ kiêm nhà sản xuất âm nhạc Pharrell Williams từng vận động ủng hộ cho ứng viên Hillary Clinton.
Ông bày tỏ sự thất vọng về chiến thắng của ông Trump, và cho rằng kết quả này sẽ “kích động” các cử tri.
Kể từ khi tỷ phú bất động sản giành thắng lợi, người biểu tình đổ ra đường phố ở nhiều nơi để phản đối các cương lĩnh tranh cử của ông Trump về vấn đề nhập cư, người Hồi giáo cũng như các cáo buộc về chuyện cựu ngôi sao truyền hình thực tế này lạm dụng tình dục phụ nữ.
Hàng chục người biểu tình, theo Reuters, đã bị bắt giữ, và một số cảnh sát đã bị thương.
Ông Lin-Manuel Miranda, tác giả của vở nhạc kịch “Hamilton”, nói rằng “đất nước của chúng ta không thay đổi qua một đêm”.
Ông Miranda được Reuters trích lời nói: “Các giá trị về lòng nhân từ, khoan dung, và tôn trọng lẫn nhau không mất đi…”
Còn ca sĩ và diễn viên Janelle Monae nói rằng là “một phụ nữ Mỹ gốc Phi đầy niềm tự hào, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta phải thực thi quyền tự do ngôn luận của chúng ta”.
Cô nói thêm rằng nếu mọi người biểu tình trong ôn hòa thì “hòa bình và tình yêu sẽ song hành với nhau”.
Nữ diễn viên người Pháp từng đoạt giải Oscar Marion Cotillard cũng khuyến khích mọi người thực thi quyền tự do ngôn luận của mình.
Cô cũng kêu gọi mọi người ủng hộ quyền này cũng như những người dám lên tiếng phản đối “chống lại người đàn ông từng có những tuyên bố mang tính xúc phạm”. “Họ không nên sợ hãi, và tôi ủng hộ họ”, cô nói.
Tổng thống đắc cử Donald Trump từng phản đối các cuộc biểu tình, nhưng sau đó thay đổi quan điểm, ca ngợi “nhiệt huyết của họ vì đất nước vĩ đại của chúng ta”.
Tổng thống đắc cử Trump kêu gọi ‘đoàn kết’
Ông Donald Trump hôm 12/11 kêu gọi “đoàn kết”, giữa bối cảnh hàng nghìn người đổ ra đường phố khắp nước Mỹ để phản đối tổng thống đắc cử.
Trên trang Twitter, ông Trump viết rằng việc ông giành thắng lợi sẽ dẫn tới “khoảng thời gian tuyệt vời trong cuộc đời của tất cả mọi người Mỹ”, và rằng “chúng ta sẽ đoàn kết, và chúng ta sẽ chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng!”
Trong khi đó, hàng nghìn người tiếp tục xuống đường phản đối tân tổng thống đắc cử thứ 45 của Hoa Kỳ.
Theo Reuters, một số cuộc tuần hành lớn nhất xảy ra ở các thành phố Washington DC, Portland, Oregon, Los Angeles và Chicago.
Tại thủ đô của nước Mỹ, hàng trăm người đã tuần hành một cách hòa bình qua Nhà Trắng trước khi tập hợp bên ngoài khách sạn Trump International Hotel cách không xa nơi ở và làm việc chính thức của tổng thống đắc cử vào năm sau.
Kể từ khi ông Trump giành thắng lợi gây sốc, nhiều người biểu tình đã xuống đường phản đối tân tổng thống Mỹ vì những tuyên bố tranh cử gây tranh cãi của ông.
Phần lớn các cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa, nhưng bạo lực đã xảy ra ở Portland, và một người đã bị thương vì bị bắn khi đi biểu tình chống ông Trump. Cảnh sát cho biết vẫn đang truy tìm nghi phạm.
Hôm 10/11, ông Trump lên Twitter để chỉ trích các cuộc biểu tình mà ông coi là “bất công”, và “bị kích động bởi truyền thông”.
Vài giờ sau đó, tỷ phú này thay đổi quan điểm, ca ngợi hàng nghìn người biểu tình đó là “bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ vì đất nước vĩ đại của chúng ta”.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “60 minutes” của kênh truyền hình CBS, sẽ phát sóng hôm 13/11, ông Trump nói rằng mạng xã hội như Twitter đã giúp ông đánh bại bà Clinton, trong bối cảnh báo chí chính thống đưa nhiều tin tức tiêu cực về ông.
Tuy nhiên, tỷ phú này nói rằng ông sẽ “tiết chế” việc sử dụng truyền thông xã hội, sau khi chính thức nhậm chức.
Ngoại trưởng Kerry chưa từ bỏ hy vọng về TPP
Đương kim ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 13/11 bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ ngưng phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam, từng trở thành một vấn đề nóng trong chiến dịch tranh cử, và ông Trump cho rằng TPP sẽ khiến nước Mỹ mất đi công ăn việc làm.
Trong khi đó, ông Kerry nói rằng thương mại quốc tế là điều quan trọng đối với quyền lợi của Mỹ, và rằng TPP có thể giúp phát triển nền kinh tế.
Hãng tin AFP dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói với các phóng viên trong chuyến công du tới New Zealand: “Tôi nghĩ rằng khi người ta xem xét kỹ nó [TPP] ngoài khuôn khổ của chiến dịch tranh cử, tôi hy vọng rằng nó có thể nhận được sự hậu thuẫn cần thiết”.
Hiệp định thương mại đã được 12 quốc gia thuộc vành đai châu Á – Thái Bình Dương ký kết, nhưng chưa được các nhà lập pháp Mỹ thông qua.
Ông Kerry nói rằng Tổng thống Obama vẫn “thực sự cam kết” đối với TPP, nhưng sẽ không thúc đẩy hiệp định này để nó được thông qua tại Quốc hội Mỹ trong thời kỳ chuyển giao trước khi ông Trump nhậm chức.
Đương kim ngoại trưởng Mỹ còn bác bỏ ý kiến cho rằng TPP nhằm mục đích tạo ra một liên minh kinh tế để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Kerry được AFP trích lời nói thêm: “Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy một cách hòa bình của một quốc gia vĩ đại như Trung Quốc, và chúng tôi đã nói trực tiếp điều đó với Chủ tịch Tập”.
Hãng tin Reuters hôm 10/11 dẫn lời quan chức Trung Quốc nói rằng tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Peru cuối tháng này, Bắc Kinh sẽ mưu tìm hậu thuẫn cho một thỏa thuận về khu vực thương mại tự do ở châu Á – Thái Bình Dương do Trung Quốc dẫn đầu.
Một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc được trích lời nói rằng Trung Quốc tin là cần phải “thiết lập một kế hoạch làm việc mới, thực tiễn để phản hồi tích cực trước các kỳ vọng cũng như duy trì tiến độ và thiết lập một khu vực thương mại tự do ở châu Á- Thái Bình Dương sớm nhất có thể”.
Còn về phần Việt Nam, báo điện tử VnExpress hôm 10/11 dẫn lời Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói rằng “hiện chưa thể đánh giá kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ ảnh hưởng thế nào đến TPP, song quan điểm của Việt Nam là luôn sẵn sàng hội nhập, cạnh tranh”.
“Các thay đổi hay bất cứ tình hình phức tạp gì thì vẫn còn thời gian dự đoán, tiếp tục xây dựng các phương án. Tất nhiên những phương án đưa ra phải dựa trên cơ sở của các chính sách đối ngoại được công bố chính xác”, ông Anh nói.
Còn tại Nhật Bản, một trong 12 nước tham gia TPP, Hạ viện nước này hôm 10/11 đã thông qua thỏa thuận thương mại này, một động thái mà nhiều nhà quan sát cho là “vô vọng” vì sự phản đối lâu nay của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Bà Clinton
quy trách cho giám đốc FBI về thất bại bầu cử
Bà Hillary Clinton quy trách cho giám đốc FBI James Comey về thất bại gây choáng váng của bà trong cuộc bầu cử tổng thống hôm thứ Ba, trong một cuộc gọi tập thể với những nhà tài trợ hàng đầu cho chiến dịch của bà vào ngày thứ Bảy, theo lời hai người tham gia cuộc gọi cho biết.
Bà Clinton nói với những người ủng hộ rằng đội ngũ của bà đã soạn thảo một bản ghi nhớ xem xét những cuộc khảo sát ý kiến cho thấy sự thay đổi trước cuộc bầu cử và bức thư từ ông Comey chính là bước ngoặt. Bà nói quyết định của ông Comey loan báo điều tra lại máy chủ email của bà đã khiến sự ủng hộ suy giảm ở vùng Trung tây, theo lời của ba người tham gia cuộc gọi.
Bà Clinton thất bại ở bang Wisconsin, lần đầu tiên kể từ năm 1984 bang này ủng hộ một ứng cử viên Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống. Dù vẫn chưa kiểm hết phiếu ở Michigan, bang này hiện đang nghiêng về phía Cộng hòa. Lần gần đây nhất mà Michigan ủng hộ ứng cử viên Đảng Cộng hòa là vào năm 1988.
Ông Comey gửi một bức thư cho Quốc hội chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, thông báo rằng ông đang mở lại cuộc điều tra xem liệu bà Clinton có xử lý thiếu thỏa đáng những thông tin mật hay không khi bà sử dụng một máy chủ email riêng tư thời bà còn là bộ trưởng ngoại giao từ năm 2009 đến năm 2012.
Một tuần sau đó ông Comey cho biết ông đã duyệt lại những email và tiếp tục tin rằng bà Clinton không nên bị truy tố, nhưng tổn hại chính trị đã không thể đảo ngược được nữa.
Bà Clinton nói với những nhà tài trợ rằng ông Trump đã có thể chớp lấy hai thông báo của ông Comey và sử dụng chúng để tấn công bà, theo lời hai người tham gia cuộc gọi.
Dù bức thư thứ hai xác nhận bà không có hành vi sai trái, bà Clinton nói rằng điều này càng khiến những người ủng hộ ông Trump tin rằng hệ thống bị gian lận để có lợi cho bà và thôi thúc họ ồ ạt đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử.
Hãng tin Reuters cho biết đã xem qua bản ghi nhớ mà ban vận động của bà Clinton soạn thảo, trong đó nói rằng những cử tri quyết định ủng hộ ứng cử viên nào trong tuần cuối cùng có thể đã ủng hộ ông Trump nhiều hơn bà Clinton.
“Cuối cùng, những diễn biến xảy ra vào phút cuối trong cuộc đua là một trở ngại quá lớn để chúng tôi vượt qua,” bản ghi nhớ kết luận.
Một phát ngôn viên của FBI không đưa ra bình luận ngay tức thì.
Trong cuộc gọi điện thoại, Dennis Chang, người từng làm chủ tịch tài chính của bà Clinton cho biết, chiến dịch của bà và Đảng Dân chủ toàn quốc đã huy động được hơn 900 triệu đôla từ hơn 3 triệu nhà tài trợ cá nhân, theo lời hai người tham gia nói với Reuters.
Hàng ngàn người tuần hành
chống Trump khắp các thành phố
Những người biểu tình lại tụ tập vào ngày thứ Bảy tại các thành phố trên khắp nước Mỹ để phản đối Tổng thống đắc cử Donald Trump, người mà họ nói sẽ đe dọa những quyền dân sự và quyền con người của họ, một ngày sau khi một người biểu tình bị bắn ở thành phố Portland, bang Oregon.
Những cuộc biểu tình đã được hoạch định suốt cả ngày ở New York, Los Angeles và Chicago, nơi mà những người tổ chức cho biết họ hy vọng sẽ tiếp tục đà tiến sau nhiều đêm biểu tình, bùng ra sau chiến thắng bất ngờ của tỉ phú bất động sản này trong cuộc bầu cử tổng thống hôm thứ Ba.
Hô những khẩu hiệu như “Không phải tổng thống của tôi!” vài ngàn người biểu tình đã tuần hành trên Đại lộ Năm của thành phố New York tới tòa nhà chọc trời Trump Tower, nơi cư ngụ của tổng thống đắc cử.
Cũng có những cuộc biểu tình ở Chicago và Los Angeles, nơi hàng ngàn người biểu tình tụ tập bên dưới những cây cọ của Công viên MacArthur với những biểu ngữ “Dump Trump” và “Minorities Matter,” trước khi tuần hành về phía trung tâm thành phố.
Khoảng 100.000 người cho biết trên Facebook rằng họ định tham gia hoặc quan tâm tới những sự kiện này ở ba thành phố. Những người tổ chức nhấn mạnh rằng bạo lực và phá hoại sẽ không được dung thứ.
Vài giờ trước khi những cuộc biểu tình hôm thứ Bảy bắt đầu, một người biểu tình ở Portland bị bắn khi anh ta đang tham gia một cuộc tuần hành qua Cầu Morrison. Anh ta bị thương không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nghi phạm vẫn đang tại đào, theo cảnh sát.
Kể từ chiến thắng của ông Trump, người biểu tình tại nhiều thành phố đã lên án những lời hứa tranh cử của ứng cử viên Đảng Cộng hòa về việc hạn chế nhập cư và theo dõi người Hồi giáo, cũng như những cáo buộc nói rằng cựu ngôi sao truyền hình thực tế này đã xâm hại tình dục nhiều phụ nữ.
Những cuộc biểu tình cho đến giờ phần lớn là hòa bình, tuy nhiên một số người biểu tình ở Portland đã đập vỡ cửa sổ cửa hàng, xịt sơn và phá hoại xe hơi khi họ đụng độ với cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông.
Chủ tịch Ủy ban Đảng Cộng hòa Toàn quốc Reince Priebus hôm thứ Sáu rằng những người biểu tình phải chấp nhận kết quả bầu cử.
Ông Trump ban đầu lên án những người biểu tình và nói rằng họ bị giới truyền thông “kích động,” nhưng hôm thứ Sáu lại quay ngoắt thái độ và ca ngợi “nhiệt huyết của những người biểu tình dành cho đất nước vĩ đại của chúng ta.
“Tất cả chúng ta sẽ đến với nhau và sẽ tự hào!” ông Trump viết trên Twitter.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo công dân
tránh những cuộc biểu tình chống Trump ở Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo công dân của mình đang sống ở Mỹ hoặc đang du hành đến Mỹ tránh “những căng thẳng xã hội” ở những thành phố lớn của Mỹ, chẳng hạn như những cuộc biểu tình giận dữ về chiến thắng bầu cử tổng thống của ông Donald Trump.
Chính phủ Ankara cũng khuyến nghị du khách thận trọng nếu gặp phải những vụ bột phát mang tính “kì thị chủng tộc,” điều mà nhiều người Mỹ xem là hành động của những kẻ cực đoan có thể được khích lệ bởi những phát biểu chỉ trích người nhập cư của ông Trump.
Thổ Nhĩ Kỳ không nói rõ tình hình bất ổn chính trị tại Mỹ sau bầu cử có liên quan tới những cảnh báo của họ.
Một thông cáo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ công bố hôm thứ Bảy kêu gọi công dân nước này “dè chừng do những rủi ro liên quan đến những sự kiện hiện thời và căng thẳng xã hội.”
Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà các chính phủ phương Tây trong những tháng gần đây thường xuyên đưa ra cảnh báo du hành, cũng lưu ý “sự gia tăng những hành vi xâm hại bằng lời nói và thể chất có tính chất bài ngoại hay phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.”
Du khách Thổ Nhĩ Kỳ và những người cư trú ở Mỹ được yêu cầu theo dõi những khuyến cáo khả dĩ trong tương lai trên website của Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington.
Chính phủ Ankara thường xuyên lên án bạo lực hoặc những mối đe dọa bạo lực nhắm vào người Hồi giáo tại Mỹ và Châu Âu. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Bảy đã lên tiếng cảnh báo về sự bất khoan dung, nói rằng tình trạng này “đang lây lan như dịch hạch ở một số nước Châu Âu.”
10 câu hỏi khi ông Trump thành Tổng thống Mỹ
Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, và Quốc hội thuộc quyền kiểm soát của đảng Cộng hòa, đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai nước Mỹ.
Từ hoạt động kinh doanh của ông Trump, chính sách của ông về hôn nhân đồng tính, Bắc Hàn, Nato – các câu hỏi này được thế giới quan tâm.
Khi nào ông Trump nhậm chức?
Lễ nhậm chức tổng thống diễn ra buổi trưa thứ Sáu, 20/1/2017.
Từ đây đến lúc đó, ông Donald Trump sẽ nêu tên nhóm trợ lý, cho biết lập trường chính sách, được phép tiếp cận hồ sơ chính phủ, gồm cả thông tin mật về an ninh quốc gia và chiến dịch quân sự.
Tổng thống Trump sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh?
Có vẻ là không. Trả lời CNN, luật sư của ông Trump nói Tổ chức Trump – một công ty có hoạt động ở Mỹ và nước ngoài gồm cả khách sạn, sân golf – sẽ thuộc một quỹ ủy thác của ba con trưởng thành của ông Trump, Donald Junior, Ivanka và Eric.
Nhưng liệu quỹ ủy thác này có tránh xung đột lợi ích hay không thì còn gây tranh luận. Vì khi đó, ông Trump vẫn được biết về các hoạt động kinh doanh và cách thức chính sách chính phủ ảnh hưởng đến chúng, và những họ hàng của ông vẫn quản lý tài sản trực tiếp.
Ông Trump sẽ đuổi người nhập cư bất hợp pháp?
Có khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ. Ông Trump đã công bố kế hoạch 10 điểm về nhập cư, trong đó có việc xóa bỏ việc ân xá được Tổng thống Obama đưa ra, trục xuất những người không có giấy tờ.
Nhưng ở Mỹ, người nhập cư bất hợp pháp vẫn có quyền pháp lý. Vì thế, cần có bổ nhiệm thẩm phán và luật sư của bên công tố, và việc này có thể khiến hồ sơ tòa án kéo dài nhiều năm. Quốc hội sẽ cần thông qua ngân sách cho quá trình này.
Dự kiến ông Trump sẽ xóa bỏ lệnh của Tổng thống Obama năm 2014, đem lại tình trạng hợp pháp tạm thời cho hàng trăm ngàn người.
Ông Trump nói ngay ngày đầu tiên làm tổng thống, ông sẽ xóa bỏ chính sách tạm dung của ông Obama và tạm giam những người nhập cư phi pháp trong lúc chờ trục xuất họ.
Ông Trump sẽ giảm việc nhập cư hợp pháp vào Mỹ?
Ông Trump nói ông muốn việc làm phải cho người Mỹ trước tiên và muốn giảm số lao động nước ngoài được vào Mỹ.
Ông nói người nhập cư sẽ phải qua việc kiểm tra các tiêu chí như khả năng tự chủ tài chính và “kiểm tra ý thức hệ”.
Ông Trump muốn tạm ngừng nhập cư từ các khu vực “xuất khẩu khủng bố và những nơi mà việc kiểm tra an toàn không bảo đảm”.
Nhưng có tranh cãi liệu ông có thể áp đặt giới hạn số lượng nhập cư hay thay đổi tiêu chí thẻ xanh mà không cần quốc hội.
Ông Trump được phép tự đánh bom hạt nhân?
Tổng thống Mỹ có quyền đánh bom hạt nhân chỉ trong vài phút. Vali hạt nhân luôn ở gần tổng thống. Tổng thống Mỹ cần đánh mật mã để ra lệnh quân đội tấn công hạt nhân. Cũng cần bộ trưởng quốc phòng đánh thêm mật mã vào nhưng người này không được phép bác quyết định của tổng thống.
Những người chỉ trích tự hỏi ông Donald Trump có đủ bình tĩnh và trí tuệ để đánh giá các thông tin phức tạp trong bối cảnh gặp sức ép cao độ.
Những vụ kiện dở dang với ông Trump sẽ ra sao?
Ông Donald Trump hiện đang đối diện 75 vụ kiện, theo báo USA Today.
Trong đó, có lẽ gây mất mặt nhất là các vụ kiện nhắm vào Đại học Trump mà nay không còn tồn tại. Các cựu sinh viên nói họ đóng hàng chục ngàn đôla cho các khóa học hứa hẹn thuật kinh doanh bất động sản nhưng rốt cuộc không có gì.
Ông Trump đã bác bỏ cáo buộc.
Vì những vụ kiện này xảy ra trước khi ông làm tổng thống, nên ông không được quyền miễn trừ và vẫn sẽ phải ra tòa khi được yêu cầu.
Ông Trump sẽ làm uy yếu Nato?
Chính sách ngoại giao của ông Trump, thể hiện qua kế hoạch “Nước Mỹ Đầu Tiên”, nói rằng ông luôn ưu tiên lợi ích của Mỹ.
Ông nói đồng minh hải ngoại cần đóng thêm tiền cho hoạt động quân sự và quốc phòng. Ông Trump khẳng định ông muốn xem lại sự can dự của Mỹ trong Nato.
Hồi tháng Bảy, trả lời New York Times, ông nói nếu Nga tấn công, các thành viên Nato chỉ nên hy vọng Mỹ bảo vệ nếu họ “đã đáp ứng các ràng buộc với chúng ta”. Câu này dường như đi ngược lại hiệp định tương trợ quốc phòng của Nato.
Sau khi ông thắng cử, châu Âu đã yêu cầu ông Trump giải thích lập trường. Hiện không rõ các bên sẽ tìm được thỏa hiệp hay không.
Ông Trump sẽ tấn công Bắc Hàn?
Nhiều điều trong chính sách ngoại giao của ông Trump còn chưa rõ ràng.Hồi tháng Năm, ông nói ông sẽ ngồi xuống nói chuyện với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un để ngừng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng khen ông là “chính khách khôn ngoan”, và thích thú khi ông nói Hàn Quốc cần trả thêm tiền để lính Mỹ còn ở lại đất nước này.
Nhưng sau cuộc bầu cử Mỹ, Bắc Hàn đã nói họ không từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Trump cũng từng nói ông có thể cho phép Nhật và Hàn Quốc tự làm vũ khí hạt nhân để tự vệ trước Bắc Hàn và Trung Quốc.
Canada sẽ đón thêm dân Mỹ nhập cư?
Khi có tin ông Trump sắp thắng cử, trang web nhập cư Canada bị sập, có vẻ vì quá nhiều người truy cập. Trang web nhập cư New Zealand cũng có thêm người vào.
Nhưng mặc dù nhiều người Mỹ dễ nhận visa để vào Canada, nhưng sống hẳn tại đó mới là vấn đề.
Canada có nhiều chương trình nhập cư khác nhau, mỗi cái có tiêu chí khác nhau. Có ba cách để sang hẳn Canada: có kỹ năng đặc biệt, đi theo người thân đang sống ở Canada, hoặc xin tị nạn chính trị.
Nhưng với nhiều người khác, họ sẽ bị xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như quốc tịch, tuổi, khả năng ngôn ngữ, giáo dục và kinh nghiệm làm việc.
Hôn nhân đồng tính có được công nhận?
Suốt nhiều năm, ông Trump vẫn nói ông phản đối hôn nhân đồng tính.
Ông nói vấn đề này cần được quyết định tại cấp tiểu bang chứ không phải quốc gia.
Ông không hài lòng khi Tòa án Tối cao đầu năm nay đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên toàn nước Mỹ.
Ông đã nói với Fox News rằng ông “cân nhắc” bổ nhiệm các quan tòa tối cao mà sẽ phủ quyết việc này.
Người sẽ thành phó tổng thống, Mike Pence, phản đối hôn nhân đồng tính.
0 comments