Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tranh chấp Biển Đông – 04/10/2016

Tuesday, October 4, 2016 2:23:00 PM // , ,

No sub-categories
Tin Biển Đông – 04/10/2016

Tập trận Mỹ – Philippines bắt đầu

Philippines và Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên, trong khi Tổng thống Duterte nói đây sẽ là sự kiện cuối cùng khi ông còn tại vị.
Tổng thống Rodrigo Duterte nói hồi tuần rồi, mặc dù sau đó bộ trưởng quốc phòng của ông giải thích chưa có lệnh chính thức.
Philippines, từng là thuộc địa của Mỹ, có quan hệ quốc phòng lâu năm với Washington.
Nhưng ông Duterte nói ông muốn có liên minh mới với Trung Quốc.
Ông cũng tuyên bố sẽ xem lại hiệp định quốc phòng từng ký với Mỹ hai năm trước, cho phép gửi thêm quân Mỹ tới Philippines.
Hiệp định được xem là rất quan trọng cho Mỹ để phản ứng trước hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Cuộc tập trận tám ngày có sự tham gia của 1.100 quân Mỹ và 400 lính Philippines, diễn ra ở đảo Luzon.
Mỹ nói vẫn chưa nhận được thông báo chính thức của ông Duterte rằng đây sẽ là cuộc tập trận cuối cùng.
Quan hệ hai nước căng thẳng tháng rồi khi Mỹ hủy cuộc gặp song phương sau khi ông Duteret dùng ngôn từ lăng mạ để chỉ tổng thống Mỹ.
Hai chiến hạm của Hoa Kỳ mới lần đầu tiên cập cảng Cam Ranh chiến lược của Việt Nam trong nhiều thập kỷ.
Hải quân Mỹ hôm qua, 3/10, cho biết rằng tàu tiếp liệu tàu ngầm USS Frank Cable và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain ngày 2/10 đã cập bến cảng nằm ở tỉnh Khánh Hòa.
Hai tàu chiến này hiện ở Việt Nam để tham gia một sự kiện giữa hai nước có tên gọi Chương trình Giao lưu Hải quân 2016.
Trên trang Facebook, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí Minh, xác nhận việc hai tàu chiến Mỹ cập cảng Cam Ranh, đồng thời nói rằng cuộc thao dượt trên “được thiết kế nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng niềm tin trên biển và củng cố quan hệ giữa Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng như cộng đồng địa phương”.
Theo giới quan sát, các động thái này diễn ra trong bối cảnh tình hình biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hồi năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy là ông Leon Panetta trở thành quan chức Hoa Kỳ cấp cao nhất tới thăm Vịnh Cam Ranh kể từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt.
Hồi tháng Ba, hải quân trong nước khánh thành cảng quốc tế Cam Ranh nằm trong vùng biển chiến lược của Việt Nam, hướng ra biển Đông, với số vốn đầu tư 2 nghìn tỷ đồng.
Báo chí trong nước khi đó dẫn lời các quan chức nói rằng cảng này “phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự”, “vừa phát triển kinh tế, và vừa tăng cường quan hệ với các lực lượng hải quân quốc tế”.
Ngoài ra, quan chức trong nước được trích lời nói rằng nó sẽ “góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực; bảo đảm đồng bộ cho các tàu hoạt động, góp phần xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định”.

Biển Đông :

Không quân Indonesia mở tập trận lớn chưa từng thấy

Trong một động thái phô trương thanh thế rõ nét, không quân Indonesia đang tham gia cuộc tập trận được đánh giá là lớn chưa từng thấy trên không phận Biển Đông gần quần đảo Natuna. Theo một số quan chức Indonesia vào hôm nay, 04/10/2016, đợt tập trận nhằm chứng minh chủ quyền của Jakarta trên một vùng giàu khí đốt sát cạnh vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền.
Theo phát ngôn viên Không Quân Indonesia, Jemi Trisonjaya, nước này « muốn chứng tỏ sự tồn tại của mình ở trong vùng, với một lực lượng không quân đủ hùng hậu để răn đe đối phương».
Viên chức này cho biết là cuộc tập trận kéo dài kéo dài hai tuần sẽ chấm dứt vào ngày thứ năm 06/10, huy động các phi đội chiến đấu cơ Sukhoi của Nga và F-16 của Mỹ. Những binh chủng khác của quân đội Indonesia không tham gia tập trận.
Vào tháng 6 vừa qua, tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tung ra một chiến dịch chưa từng thấy để đẩy mạnh việc tăng cường hoạt động đánh cá, khai thác dầu khí và củng cố các cơ sở quốc phòng ở vùng quần đảo Natuna sau một loạt những vụ chạm trán giữa Hải Quân Indonesia và tàu Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc không tranh chấp chủ quyền quần đảo Natuna, nhưng đã làm Indonesia bực tức khi cho rằng hai bên có yêu sách chồng lấn tại một phần vùng biển xung quanh Natuna, tại một khu vực bị đường lưỡi bò lấn vào.
Riêng chuyên san quốc phòng Anh IHS Jane’s tiết lộ là ngay từ ngày 06/10, quân đội Indonesia sẽ tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn huy động cả ba binh chủng Hải, Lục và Không Quân tại vùng Natuna.
Theo các nguồn tin từ ban tham mưu lực lượng võ trang Indonesia, Không Quân nước này sẽ đưa các loại chiến đấu cơ, máy bay vận tải và trực thăng chuyên dùng vào cuộc tập trận, kết hợp với các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt ở dưới đất. Lực lượng Hải Quân cũng sẽ tập trận để thử nghiệm lại một số tên lửa chống hạm, mua của Trung Quốc, nhưng đã gặp thất bại trong những lần thử trước đây.
Điểm đáng lưu ý, theo chuyên san Jane’s, thì lẽ ra cuộc tập trận phải diễn ra trên đảo Belitung, ở Đông Sumatra, nhưng đã được chuyển đến khu vực quần đảo Natuna, trên đảo Pulau Natuna Besar.
Lý do di chuyển địa điểm tập trận không được chính thức loan báo, nhưng hòn đảo mới được chọn nằm gần đường « chín đoạn » mà Bắc Kinh đã đơn phương vạch ra để tuyên bố chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Cần giải pháp thực tiễn để xoa dịu Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore ngày 30/9 tuyên bố các nước cần tìm kiếm những phương thức thực tiễn để xoa dịu những sự cố ở Biển Đông, nơi có các tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa các nước bao gồm Việt Nam.
Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN tại Haiwaii, Bộ trưởng Ng Eng Hen nói thêm rằng những sự cố đó không nhất thiết dính líu tới tàu quân sự vì hải quân các nước đã lập các tiêu chí hành xử trong các vụ va chạm trên biển.
Những vụ đối đầu có thể xảy ra giữa các tàu cá hoặc tàu dân sự, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore.
Ông Ng cho biết thêm rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, trong cuộc họp tại Haiwaii, đã thảo luận tìm phương cách ngăn ngừa không để các sự cố như thế leo thang.
Ông nói Singapore dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng quan tâm đến vùng biển này vì đây là hải lộ vận chuyển chính của nhiều nền kinh tế.
Vẫn theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, phán quyết của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc bác đường lưỡi bò hồi tháng 7 là về khía cạnh luật pháp, nhưng vẫn còn nhiều ‘mối quan tâm thực tiễn’ phải cân nhắc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết ông cùng các đối tác ASEAN đã bàn về việc tăng cường hợp tác giữa quân đội các nước và giữ cho các đường hải lộ trong khu vực được mở rộng.
Ông Carter cho hay đã yêu cầu giới lãnh đạo hải quân và tuần duyên Mỹ mở một cuộc họp với các đối tác ASEAN vào năm tới để chia sẻ kinh nghiệm về an ninh hàng hải.

Singapore tố cáo báo Trung Quốc ‘bóp méo’ sự thật

Singapore tố cáo báo của nhà nước Trung Quốc bóp méo những chi tiết trong một bài tường thuật mà Singapore nói rằng đã mô tả sai lệch về cách hành xử của Singapore tại một thượng đỉnh gần đây ở Venezuela.
Bài báo trên trang mạng Hoa ngữ Global Times nói Singapore đề nghị văn kiện chung quyết tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết (NAM) phải thể hiện sự tán đồng đối với phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, bác bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. Bản tin của Global Times dẫn các nguồn tin không nêu danh mà họ gọi là ‘biết rõ tình hình.’
Bài báo còn nói rằng đa số các nước phản đối đề nghị của Singapore khiến phái đoàn Singapore giận dữ và rằng phái đoàn Singapore đã ăn nói thô lỗ với giới chức các nước phản đối đề nghị đó.
Bài viết đã khơi mào một cuộc tranh cãi công khai giữa đại sứ Singapore tại Trung Quốc và tổng biên tập của tờ Global Times.
Trong thư gửi tổng biên tập báo này, đại sứ Stanley Loh nhấn mạnh bài viết đã gán ghép những lời lẽ và hành động cho phái đoàn Singapore hoàn toàn vô căn cứ và không đúng sự thật.
Đại sứ Loh nói ‘đề nghị cập nhật các đoạn viết về Đông Nam Á trong văn kiện chung quyết của NAM không được thực hiện vào phút chót không bởi bất kỳ một nước đơn lẻ nào. Có một quan điểm chung và thống nhất giữa các nước ASEAN.’
Thư của đại sứ Loh nói Singapore rất thất vọng khi thấy một tờ báo chính thống lại đăng tải một tường trình thiếu trách nhiệm, đầy những tố cáo xuyên tạc và vô căn cứ không hề dựa trên dữ kiện thực tế.
Tổng biên tập Global Times, Hu Xijin, phản bác rằng bài viết đó ‘dựa trên một nguồn tin quan trọng đáng tin có tham gia thượng đỉnh.’
Đại sứ Singapore đã viết một lá thư thứ nhì, bác bỏ những phản hồi của ông Hu.

Biển Đông :

Phải bắt Bắc Kinh đối đầu với Luật quốc tế, thay vì với Mỹ

Thật là đáng tiếc khi Liên Hiệp Châu Âu đã không bày tỏ được thái độ ủng hộ phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường trực (PCA) ở La Haye, đã phủ nhận yêu sách của Trung Quốc đòi quyền kiểm soát rộng khắp trên Biển Đông. Trong bài phân tích ngày 19/08/2016, trên trang web Atlantic-Community.org, tiến sĩ Michael John Williams, thuộc Đại học New York cho rằng Liên Hiệp Châu Âu phải khẳng định quyết tâm hậu thuẫn cho luật pháp quốc tế bằng cách hỗ trợ phán quyết của PCA, qua đó cho thấy rằng cuộc đối đầu hiện nay ở Biển Đông không phải là giữa Trung Quốc với Mỹ, mà là giữa Trung Quốc với luật pháp quốc tế. Châu Âu không thể bỏ quên nghĩa vụ quốc tế của mình, trong đó có việc bảo tồn trật tự thế giới dựa trên luật pháp.
Tiến sĩ Williams trước hết ghi nhận là sau khi phán quyết Biển Đông được đưa ra, các lãnh đạo châu Âu đã không thể nhất trí được với nhau về một phản ứng chung, mà chỉ ghi nhận một cách yếu ớt là họ không bênh ai trong tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Có điều, theo ông Williams, vấn đề không phải là ủng hộ nước này chống lại nước kia, mà là hậu thuẫn luật pháp quốc tế chống lại một hình thức của “chủ nghĩa xét lại“.
Vào lúc đang bị Nga thách thức với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở châu Âu, lẽ ra Liên Hiệp Châu Âu phải thoải mái hơn trong việc đưa ra một ý kiến nói rằng phán quyết của tòa án quốc tế phải được tôn trọng. Xa hơn nữa, lẽ ra các nước châu Âu cần phải hỗ trợ Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương khác đang tìm cách bảo vệ luật pháp quốc tế thông qua các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải.
Theo tiến sĩ Williams, Liên Hiệp Châu Âu luôn muốn trở thành một cường quốc thế giới, thậm chí còn có riêng một ngoại trưởng. Thế nhưng lạ thay, khi có một cơ hội tuyệt vời để quảng bá giá trị nền tảng của mình là duy trì luật pháp quốc tế một cách hòa bình, thì các thành viên lại thoái thác trách nhiệm quốc tế của mình. Liên Hiệp Châu Âu cho biết sẽ « nghiên cứu» phán quyết PCA, nhưng một tuyên bố như vậy thật phi lý và có nguy cơ làm suy yếu các quy tắc thượng tôn luật pháp mà Liên Hiệp Châu Âu lúc nào cũng nói là cần phải bảo vệ.
Các nước Đông Âu không nên vì sợ Trung Quốc mà chống PCA
Có một số thành viên Châu Âu đã lo ngại về nguy cơ quan hệ thương mại với Trung Quốc bị tổn hại, đặc biệt là các nước Đông Âu đã được Trung Quốc chiêu dụ bằng các hợp đồng thương mại. Câu hỏi đặt ra là các nước đó sẽ cảm thấy như thế nào, nếu phần còn lại của châu Âu và Mỹ bỏ mặc Đông Âu và luật pháp quốc tế để theo Nga vì lợi ích thương mại ? Nền kinh tế Đức đã bị thiệt hại lớn, vì thủ tướng Merkel ban hành lệnh trừng phạt chống nước Nga, nhưng bà đã làm vậy chính là để bảo vệ luật pháp quốc tế và các thành viên mới nhất của Liên Hiệp Châu Âu.
Quốc gia Châu Âu nào, mà cho rằng Tòa Trọng Tài Thường Trực đã lạm quyền, đều đã hoàn toàn sai lầm. Rõ ràng là PCA có thẩm quyền đối với các trường hợp quy định trong Điều 288 (1) phù hợp với Phần XV của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Hơn nữa, để tránh rơi vào những vấn đề ‘chính trị’, tòa án đã cẩn thận tách riêng 15 đề xuất của Philippines để phán quyết trong tinh thần chỉ dựa trên luật về tranh chấp biển, chứ không phán quyết về vấn đề chủ quyền rộng lớn… Vì thế, phán quyết của PCA theo đó Trung Quốc, một quốc gia thành viên UNCLOS, đã vi phạm Công Ước 1982, là một văn kiện hợp lệ và không cần phải được Liên Hiệp Châu Âu « nghiên cứu » kỹ lưỡng trước khi ủng hộ.
Các nước Liên Hiệp Châu Âu cần phải chứng tỏ là mình có năng lực tập thể để chống lại các áp lực của Trung Quốc. Lập luận của Croatia, theo đó mọi tuyên bố chính thức đều không được đề cập đến UNCLOS là một đòi hỏi đáng khinh…
Một khối hùng mạnh như Châu Âu cần bạo dạn bảo vệ luật quốc tế
Một câu hỏi khác là phán quyết về Biển Đông thì có liên quan gì đến Liên Hiệp Châu Âu ? Với người tị nạn từ Trung Đông đang tràn ngập, một nước Nga muốn phuc hận, với nạn khủng bố gia tăng trên lục địa, Châu Âu phải chăng đã có đủ việc để lo rồi ?
Lập luận đó tuy nhiên rất ngớ ngẩn. Một cường quốc phải có khả năng vừa đi bộ, vừa nhai kẹo cao su. Ba nước đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu như Anh, Pháp và Đức – chưa kể đến phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu rộng lớn – có nghĩa vụ duy trì sự tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp trên thế giới. Hiện nay, họ đã chối bỏ trách nhiệm này, với hệ quả là để cho Hoa Kỳ một mình đối đầu với Trung Quốc về tính hợp pháp của các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Điều này rất nguy hiểm.
Nếu Mỹ trở thành cường quốc duy nhất tiến hành các cuộc tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, một cuộc đối đầu lẽ ra là giữa Trung Quốc và luật pháp quốc tế, lại biến thành một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng nếu các quốc gia Châu Âu ủng hộ phán quyết của tòa án La Haye, thì cuộc đối đầu sẽ được quốc tế hóa, và làm cho căng thẳng giảm bớt, tránh được nguy cơ nổ ra xung đột Mỹ-Trung.
Thay vào đó, khi các nước Châu Âu thực hiện các hoạt động tuần tra, và bị Trung Quốc chống lại, thì cục diện sẽ biến thành Bắc Kinh đối đầu với « luật pháp quốc tế » được cả thế giới nói chung ủng hộ, chứ không chỉ đơn giản là một xung khắc song phương Mỹ-Trung. Bắc Kinh sẽ không còn có thể đổ lỗi cho một mình Mỹ, nếu cả cộng đồng quốc tế hậu thuẫn cho phán quyết của PCA…
Hậu thuẫn cho luật pháp quốc tế thông qua các hoạt động tuần tra vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sẽ chứng tỏ quyết tâm của Liên Hiệp Châu Âu trong việc duy trì một trật tự thế giới dựa trên các nguyên tắc của pháp luật. Điều đó đồng thời là tín hiệu cảnh cáo Trung Quốc, cho biết là Bắc Kinh đừng hòng áp đặt luật lệ theo ý mình.
Tóm lại, ủng hộ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực là một chính sách đơn giản, nhưng rất quan trọng để thúc đẩy lợi ích của Liên Hiệp Châu Âu, ở cả bên trong lẫn bên ngoài.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.