Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bí quyết lái xe an toàn trong mùa mưa bão

Saturday, October 8, 2016 7:10:00 PM // , ,

BBC
8 tháng 10 2016

Image copyrightREUTERSR
Đại Tây Dương trong tháng Chín là lúc cao điểm, với các trận bão dữ dội nhất.
Nhưng cho dù có trận bão nhiệt đới đổ xuống hay không, thì các trận lụt lịch sử cùng thời tiết khó lường đều xảy ra vào một vài tháng trước và sau tháng Chín, chẳng hạn như trận mưa lịch sử gây ngập lụt tại các tiểu bang Texas và Louisiana của Hoa Kỳ, hay những cơn mưa như trút gần đây tại Anh.
Trong những điều kiện khắc nghiệt đó, xe hơi đã được ‘thử sức’ tới mức tối đa, thậm chí có xe còn bị cuốn trôi trong dòng nước.
Bạn nên xử lý thế nào nếu bị mắc kẹt giữa dòng nước khi đang đi trên đường? Chúng tôi đã nói chuyện với các chuyên gia thời tiết và các chuyên gia về xe cộ, những người đã mổ xẻ các lỗi thường gặp, các tình huống đáng sợ, và các kế hoạch thoát hiểm dễ thực hiện mà bạn có thể áp dụng khi gặp bão lúc đang lái xe.
Câu hỏi đặt ra: Cách tốt nhất để lái xe trong trời mưa bão dữ dội là gì?

Không làm

Lời khuyên thích hợp nhất là hãy ở trong nhà, tránh lái xe. “Chỉ đi lại trong trường hợp không còn cách nào khác,” Pete Williams, phát ngôn nhân của RAC, công ty dịch vụ chuyên cứu hộ xe hơi ở Anh và là thành viên thuộc Nha Khí tượng Anh, nói. “Hãy chuẩn bị tinh thần tấp xe vào lề đường nếu thời tiết trở nên quá xấu, và nếu đã đỗ được xe vào nơi đủ điều kiện an toàn, hợp pháp, bạn hãy gọi điện cho người nhà hoặc bạn bè để báo cho họ biết là bạn đã dừng xe lại.”
Nhưng nếu như bạn đang lái xe và bị bão ập xuống, thì điều quan trọng nhất cần làm là…

Image copyrightAP

Đi chậm

Trong cơn bão, có rất nhiều nước trên mặt đường. Đây là những điều kiện dẫn tới tình trạng ‘ván trượt’ (hay còn gọi là ‘thủy phi cơ’), tức là khi các bánh xe của bạn ‘nổi’ trên mặt nước thay vì bám đường, dẫn tới nguy cơ dễ mất kiểm soát. Việc kiểm soát tốc độ sẽ giúp bánh xe bám đường tốt hơn.
“Hầu hết mọi người gặp phải tình trạng là đang chạy trên đường cao tốc thì thấy một vũng nước lớn trên làn đường của mình,” Bob Burns, một chuyên gia huấn luyện tài xế tại Land Rover Bắc Mỹ, nói. “Ở tốc độ 60 dặm/giờ thì vũng nước đó tuy có thể nông chưa tới 2,5cm cũng đã đủ để xe bạn rơi vào tình trang thủy phi cơ. Cũng là vũng nước đó nhưng nếu chạy ở tốc độ 20 dặm một giờ thì chẳng sao hết.”

Theo dõi hướng gió

Williams từ công ty cứu hộ xe hơi RAC nói rằng tốc độ cũng rất quan trọng khi phải đối phó với gió lớn. “Gió lớn có thể quét xuống dưới gầm xe, gây ảnh hưởng đáng kể tới việc điều khiển và phanh xe.” Ông cũng khuyên nên giữ tay lái thật chắc, bởi gió lớn thường thổi không liên tục và có thể tấn công đúng lúc bạn sơ sảy.

Image copyrightAP

Đừng đánh tay lái quá nhiều

Cho dù là trong cơn lốc xoáy hay trong trận bão tuyết, việc cố gắng điều khiển xe chống lại sức gió một cách hoảng hốt và đánh tay lái quá mức sẽ gây vấn đề nhiều hơn là đem lại giải pháp thích hợp. Bạn cần nhớ là bạn đang chạy xe trên nền đường rất trơn trượt. Hãy lái chậm lại sẽ có tác dụng hơn.
Với tình trạng nền đường bị láng nước, các chuyên gia nói hầu hết mọi người không nhận thức được là mình đang chạy xe trong tình trạng “thủy phi cơ”. Và khi nhận ra thì đã là quá muộn; Việc hoảng hốt sẽ khiến bạn đánh tay lái quá mức, dẫn đến tình trạng xe bị văng, trượt trên mặt đường.
Nếu bạn cảm nhận được là xe đang mất độ ma-xát với mặt đường, hoặc khi đánh tay lái nhưng không có cảm giác điều khiển được hướng xe, thì nhiều khả năng là bạn đang trong tình trạng “thủy phi cơ”.
Việc rơi vào trạng thái này hay không phụ thuộc vào một số yếu tố: độ nông, sâu của lượng nước trên mặt đường, kiểu lốp (vỏ xe), độ căng hay non của lốp, và kiểu đường bạn đang chạy. Nhưng không yếu tố nào có tác động lớn hơn tốc độ. Càng chạy nhanh, bạn càng gặp nhiều rủi ro.

Hiểu loại lốp (vỏ xe) mình đang dùng

“Lốp xe không phải chỉ là một ‘phần’ trong chiếc xe của bạn,” Sarah Robinson, một người chuyên lái xe thử ở trung tâm Laurens Proving Grounds của Michelin tại bang Nam Carolina, Hoa Kỳ, nói.
Image copyrightAFP
“Chúng là bộ phận chủ chốt đóng vai trò cho độ an toàn và hiệu năng hoạt động của xe. Nếu chúng ta không bao giờ phải lái xe trong điều kiện mưa, tuyết, bùn lầy, hoặc đường đầy sỏi đá, thì lốp nào cũng tốt cả, đều đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, kiểu dáng các đường rãnh trên các loại lốp khác nhau là khác nhau, chúng đã được nghiên cứu, phát triển cẩn trọng nhằm thích ứng tốt nhất trong các điều kiện có nước, hay lái xe trong tuyết, hay khi đi trên đường bùn lầy.”
Ngoài việc phải thường xuyên kiểm tra độ nông-sâu của các đường rãnh trên lốp, bạn nhớ là càng lái xe nhiều thì bạn càng cần thay lốp thường xuyên hơn. Robinson nói là “khoảng mỗi tháng một lần, bạn cần bỏ ra năm phút để kiểm tra lốp xe”.
Bạn có thể áp dụng cách thử đơn giản này: Dùng một đồng một xu hoặc 20 xu Mỹ nhét vào chỗ rãnh trông có vẻ mòn nhất trên lốp. Nếu có bất kỳ phần nào của đầu ông Abraham Lincoln lút trong vạch rãnh thì lốp vẫn còn tốt, chưa mòn tới mức cần thay; đó là chỉ dấu cho thấy lốp của bạn vẫn nằm trong giới hạn an toàn, hợp pháp để lưu thông trên đường và đảm bảo không ảnh hưởng tới việc bạn lái xe trong điều kiện thời tiết xấu.
Tương tự, nếu vòng ngoài của đồng 20 xu nằm lọt trong rãnh thì lốp của bạn vẫn mới, chưa mòn tới mức cần thay.

Sử dụng đúng đèn

“Quy tắc vàng,” theo William Van Tassel, người phụ trách chương trình đào tạo lái xe tại Hiệp hội Xe hơi Mỹ, nói, “là bật đèn lên bất kỳ lúc nào bạn lái xe. Việc này giúp bạn được những người khác cùng lưu thông trên đường dễ dàng nhận biết gấp đôi.” Tuy nhiên, đèn dầm cao (đèn pha) thì cần để ở chế độ tối bớt khi đi trong dòng xe, và khi đi sau xe khác, Van Tassel nói.
Đèn chiếu gần (đèn cốt) nên dùng khi chạy xe trong điều kiện nhiều sương mù hoặc mưa lớn. Vì sao vậy? Bởi ánh sáng từ đèn pha sẽ được chiếu vào các giọt sương mù, làm giảm tầm nhìn của bạn.

Image copyrightEPA

Giữ khoảng cách

RAC khuyên nên giữ khoảng cách xa hơn giữa xe bạn và xe chạy phía trước trong điều kiện thời tiết xấu, gồm cả khi có gió mạnh và mưa lớn. Thông thường, bạn áp dụng quy tắc “đi cách xe trước 2 giây”, nhưng vào những lúc này bạn nên đi cách xe trước bốn giây (các bạn hẳn đều được giải thích cụ thể về quy tắc hai giây này trong những bài tập đầu tiên khi mới học lái xe, phải không?).
Việc tăng khoảng cách này sẽ giúp bạn có thời gian xử lý khi gặp sự cố, giảm nguy cơ va đụng giữa các xe. Quy tắc này áp dụng cho cả xe tải, xe buýt, và xe máy.
“Các phương tiện rất dễ bị gió bạt thổi bay,” Williams nói. Và nhớ là đừng cố tìm cách vượt những xe cao như xe tải. “Lái xe ngang qua các xe lớn có thể tạo ra luồng gió mạnh đột ngột từ bên hông xe khi bạn vượt lên trên.”

Hãy ngồi trong xe

Nếu tình hình trở nên tồi tệ quá mức, và bạn có thể bị kẹt trong dòng nước lũ như từng xảy ra tại Houston và Baton Rouge, Louisiana trong năm nay, có thể xe của bạn sẽ bị trôi nổi trong dòng nước. Cho dù là nước lũ hay nước bùn, hãy ở yên trong xe. “Các nhân viên cứu hộ không thể nhìn thấy bạn trong dòng nước, nhưng họ sẽ kiểm tra chiếc xe,” Burns nói.
Khi ngồi trong xe, hãy đóng kín các cửa, kéo cửa sổ lên. Và nhớ để sẵn búa phá cửa sổ khẩn cấp trong tầm tay.

Image copyrightREUTERS

Đừng đánh giá sai tình hình và khả năng của bản thân

Nếu chỉ nhìn qua cửa sổ và thấy có vài milimet nước trên mặt đường, đừng nghĩ rằng chừng đó không đủ để khiến bạn lâm vào tình huống “thủy phi cơ” hoặc bị xoay xe mất kiểm soát. Hầu hết các xe hơi đều đối phó không được bao nhiêu nước đâu.
Mưa đá là một ví dụ nữa. Hiệp hội Xe hơi Mỹ nói ngay cả mưa đá với các hạt đá có đường kính dưới một inch (2,5cm) cũng gây nguy hiểm. “Hầu hết những khi có mưa đá gây hại cho xe cộ, thì là làm hư hại tới các phần vỏ kim loại của xe, là những phần có thể sửa chữa được,” Van Tassel nói.
“Nhưng mưa đá với đường kính lớn hơn có thể làm vỡ hỏng kính chắn gió và cửa sổ xe, và lập tức làm hạn chế tầm nhìn của người lái. Cho nên sẽ rất nguy hiểm.”
Nhưng điều gì có thể tệ hơn việc coi nhẹ sức mạnh của nước mưa và mưa đá mà bạn nhìn thấy ở bên ngoài xe? Đó chính là việc đánh giá quá mức khả năng bản thân… hoặc khả năng của chiếc xe bạn đang lái.
“Ngày nay, xe hơi về căn bản cũng giống như các máy tính xách tay được đặt trên bánh xe mà thôi,” Burns từ hãng xe Land Rover nói. “Không cần phải tác động gì quá mức thì xe đã có thể bị hư hại rồi. Mọi người thường đánh giá quá cao kỹ năng lái xe của bản thân, và độ thích ứng của chiếc xe họ lái.”
Burns nói rằng ngày nay, con người ta thường có tâm lý tin rằng xe cộ chắc chắn là đủ tốt để đưa họ đi an toàn từ điểm này tới điểm khác.
Không hẳn thế. Và đó là lý do vì sao một chút khiêm nhường, một chút thực tế, và một chút kiên nhẫn sẽ là những tài sản quý giá nhất của bạn khi thời tiết trở nên khắc nghiệt trên đường.
“Hãy lái xe chậm cho phù hợp với điều kiện thực tế,” Sara Robinson từ Michelin nói. “Chẳng có giải thưởng ‘thắng cuộc’ nào trong trận bão cả.”
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Autos.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.