Tin Việt Nam – 20/09/2016
Hòa Thượng Thích Không Tánh
trở về thắp nhang trên đống gạch của chùa Liên Trì cũ
Trên trang web Tin Mừng Cho Người Nghèo đã đưa lên những hình ảnh xúc động đến nghẹn ngào. Vào sáng ngày 17/09, Hòa Thượng Thích Không Tánh lần đầu tiên đã trở về nơi xưa đã từng là ngôi Chùa Liên Trì.
Sau khi rời bệnh viện để về tạm trú ở chùa Giác Hoa, Hòa Thượng Thích Không Tánh trở lại chùa Liên Trì, để chứng kiến cảnh tượng đau lòng mà Thầy đã hình dung ra từ trước. Ngôi chùa thân yêu ngày nào bây giờ chỉ còn là đống gạnh vụn. Vì quá xúc động, Thầy đã lên cơn đau tim, không nói nên lời.
Thầy đi lần mò trong cảnh hoang tàn, đi tìm lại những nơi dấu tích ngày xưa là chánh điện, là tượng Phật Thích Ca. Thầy đã thắp lên 3 nén nhang tại đó, lâm râm khấn vái Phật mà không cầm được nước mắt. Thầy nói: “Nhà cầm quyền này quá ác tâm! Không còn gì hết. Tất cả chỉ còn đống đổ nát. Bằng mọi cách Thầy phải trở về đây để kính Phật. Thầy đã ở ngôi Chùa này 50 năm rồi. Giờ chẳng còn gì!”
Đàn bồ câu ngày xưa được chùa nuôi, thấy bóng dáng Thầy trở về cũng tìm lối quay về. Trước đây, đàn lên đến hàng trăm con, nhưng nay chỉ còn thưa thớt. Thầy chỉ về những con bồ câu và nói: “Mấy Phật tử kể lại sau khi Chùa bị phá, những con chim bồ câu này bị chúng nó bắn, giết làm thịt. Giờ chỉ còn nhiêu đây!”.
Những người Phật Tử, những người còn chút lương tâm không khỏi ngậm ngùi và căm phẫn khi xemnhững hình ảnh này. Nó gợi nhớ lại hình ảnh nhóm Hồi Giáo cực đoan Taliban phá hủy những tượng Phật cổ ở Afganistan trước đây. Thật khó mà hình dung được, một đất nước Việt Nam một thời đã từng thịnh trị cùng Phật Pháp.
Vào Thế Kỷ thứ 13, khi mà Đức Trần Nhân Tông sau 3 lần phá tan giặc Nguyên, đã từ bỏ ngôi báu về núi Yên Tử, hình thành một Thiền phái lừng lẫy nhất Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam vươn lên trong tinh thần Bi-Trí –Dũng. Vậy mà trong Thế Kỷ thứ 21 ngày nay, những người đang cai trị đất nước lại là những kẻ vô thần, nhẫn tâm phá hoại chùa chiền chỉ vì quyền lợi phe nhóm. Vì tham vọng bảo vệ nền độc tài, mà họ sẵn sàng phá hoại những tôn giáo không chịu nằm trong sự kiểm soát của họ.
Ngày nay là chùa Liên Trì. Ngày mai sẽ đến đền đài, nhà thờ của các tôn giáo khác.
“Giặc đến Bồ Đề thì giặc lại tan…”. Đây chính là thời điểm mà Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước phải đoàn kết lại, cùng các tồn giáo khác đứng lên đòi lại quyền tự do tôn giáo, đòi lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam.
Đoàn Hưng / SBTN
Hải sản ở gần Formosa ‘vẫn còn độc’
Một nhà nghiên cứu nói “độc tính” trong hải sản ở các tỉnh miền Trung vẫn còn sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam về hải sản trong khu vực bị ảnh hưởng vì thảm họa môi trường Formosa.
Tiến sỹ khoa học Nguyễn Tác An – Nguyên viện trưởng Viện Hải dương Học giải thích: “Chất độc của Formosa, tôi nghĩ từ góc độ khoa học, là chưa thể nào sạch ngay được. Nó còn hiệu ứng tích lũy và còn dài dài. Và những sinh vật sống trong môi trường như vậy là rất không an toàn về mặt sức khỏe”.
Báo cáo của Bộ Y tế được công bố sáng thứ Ba 20/9, từ 1.340 mẫu hải sản lấy từ bốn tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế) bị ảnh hưởng vì vụ cá chết hàng loạt.
Cá sống ở các “tầng nổi” và “hải sản tại đầm nuôi” được cho là “đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Không có mẫu nào phát hiện có Phenol”, báoNgười Lao Động tường thuật buổi báo cáo.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng nói “hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý đã phát hiện 132/1.040 mẫu hải sản của 4 tỉnh có Phenol” và “đều nằm trong vùng từ 5 – 25 km (tương đương với khoảng từ 2,7- 13,5 hải lý) với tỉ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô – Thừa Thiên Huế”.
Bộ Y tế Việt Nam nói người dân “không sử dụng các loại hải sản” ở tầng đáy sống trong vòng 20 hải lý.
“Tự bảo vệ mình”
Nói với BBC Tiếng Việt từ Quảng Nam, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, một giáo viên trung học nói: “”Nhà tôi đã không dám ăn gì có nguồn gốc ở miền Trung, dù ở Quảng Nam Đà Nẵng xa Hà Tĩnh. Tôi cũng nói gia đình ngừng ăn cá biển.”
Bà Trang giải thích vì “không biết cá biển từ đâu, cũng không biết tác hại đến đâu”.
“Tôi chưa thấy nhà khoa học nào nói ăn cá bị nhiễm độc sẽ bị gì cụ thể, nên tốt nhất là không có ăn, đề phòng cho bản thân.
“Dù các lãnh đạo nói biển đã an toàn tôi cũng không tin, vì không có nghiên cứu cụ thể. Đặc biệt là trong tình trạng hiện nay thì kết quả nghiên cứu độc lập từ tổ chức nước ngoài sẽ đáng được xem xét hơn là các tuyên bố chung chung.”
“Trong khi đó tốt nhất là tự mình phòng tránh để bảo vệ mình và gia đình,” bà nói.
“Khá lâu” để hồi phục
Trả lời BBC chiều 20/9, Tiến sỹ Nguyễn Tác An giải thích hiện tượng khác nhau này: “Sinh vật tầng đáy cũng cư trú bản địa tại đó nên người ta phát hiện ra độc tố được. Còn sinh vật nổi là sinh vật duy cư ở vùng khác đến. Tôi nghĩ trong nước thì độc tính vẫn còn nhưng vẫn theo thời gian trầm lắng xuống, tích lũy ở tầng đáy. Và sinh vật sống tại đó không di cư đi đâu được thì ta thấy có độc tố.”
“Còn trong nước do sinh vật nổi di cư ở các vùng ngoài khơi vào, tất nhiên độc tố Formosa cũng chỉ ảnh hưởng, theo nghiên cứu hải dương học, là ảnh hưởng 170km thôi. Ra xa nữa thì chưa thấy ảnh hưởng sinh vật ngoài khơi,” nhà nghiên cứu này nói.
Khi BBC hỏi về việc ăn hải sản đã an toàn hay chưa với kết luận này, ông nói các sinh vật bắt được bằng bẫy, lưới, cào đáy biển là “không an toàn”.
“Các chất này [phenol, xyanua] là độc cấp tính, ăn vào là có tác dụng ngay, và có thể dẫn đến tử vong. Còn nguy cơ sức khỏe là chuyện rất dài, rất nhiều bệnh con người sẽ chịu hậu quả vì ô nhiễm công nghiệp. Điển hình nhất là các chất độc này tác động đến thần kinh,” nhà nghiên cứu giải thích về các độc tính của phenol, xyanua có thể gây ra.
“Về độc tính học, dù có 0,1% cũng phải cảnh báo rồi. Đã có độc tố có nghĩa là có người nào đó bị nhiễm độc. Do đó không thể lấy con số nhiều hoặc cao, chỉ cần có biểu hiện là phải cảnh báo mọi người không sử dụng ngay. Không cần phải chờ có số lượng nhiều vì trong độc tố học với sức khỏe con người thì chỉ cần có vết thôi là đã cảnh báo rồi,” tiến sỹ An nhận định, và nói thêm báo cáo là “đáng hoan nghênh” vì “cảnh báo cho người dân biết thực trạng”.
Ông cũng nói, vùng biển nhiễm độc chất thải công nghiệp trong thảm họa môi trường này sẽ mất thời gian “khá lâu” để có thể hồi phục.
“Trong biển do động lực trôi dạt đi. Do khả năng của vùng biển nhiệt đới, có thể do các phản ứng hóa học, quang hóa, chuyển hóa đi, nhưng vẫn còn khả năng tích lũy lại trong các loại sinh vật, trầm tích vẫn còn. Tôi nghĩ thời gian không thể nhanh được,” ông nói.
Sự kiện cá chết xảy ra tại miền Trung Việt Nam từ tháng 4/2016, khiến nhiều ngư dân trong khu vực ảnh hưởng phải ngưng đánh bắt và không bán được hải sản.
Công ty Formosa bị kết luận là đã xả thải xuống biển gây ra thảm họa môi trường này.
Thanh Hóa đề nghị thu hồi
tên miền các trang đăng tin Bí thư có bồ nhí
Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa gửi một văn bản cho Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 19/9 đề nghị “xử lý” các tờ báo điện tử, trang blog, mạng xã hội đã đưa tin “xuyên tạc, bịa đặt” nhằm “hạ uy tín” Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, trong đó có việc thu hồi tên miền của các trang mạng trên và đề nghị Bộ Công an điều tra “thông tin xuyên tạc về ông Bí thư.
Trước đó, mạng xã hội Facebook và một số trang mạng khác lan truyền thông tin và hình ảnh tố cáo Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến có “bồ nhí” là một nữ trưởng phòng có số “tài sản khổng lồ” đang công tác tại Sở Xây dựng tỉnh này. Thông tin nói cô này có con nhỏ, sở hữu xe sang và nhiều biệt thự ở các khu đô thị lớn tại Thanh Hóa và Hà Nội.
Trả lời báo Dân Trí, ông Trịnh Văn Chiến khẳng định những thông tin trên là “hoàn toàn bịa đặt, bôi nhọ cán bộ” và cho biết tỉnh Thanh Hóa đã giao cho cơ quan chức năng xử lý, điều tra và làm rõ thông tin “bôi nhọ” trên.
Công văn của tỉnh Thanh Hóa cũng khẳng định những thông tin trên mạng xã hội về đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh trong những ngày qua là “hoàn toàn sai sự thật, không có căn cứ, nhằm mục đích bêu xấu, bôi nhọ, hạ uy tín của các vị lãnh đạo tỉnh, nhằm phục vụ cho mưu đồ, mục đích cá nhân của một số người”.
Ngoài yêu cầu thu hồi tên miền, tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu các cơ quan báo chí Việt Nam “đấu tranh phản bác các blog, mạng xã hội vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí”.
Theo Dân Trí, Báo Nông nghiệp Việt Nam
Bà Cấn Thị Thêu bị kết án 20 tháng tù,
gia đình bị công an dọa giết
Bà Cấn Thị Thêu, một nhà đấu tranh về đất đai, đã bị một tòa án ở Hà Nội kết án 20 tháng tù hôm 20/9.
Con trai bà Thêu, anh Trịnh Bá Phương, cho VOA biết tòa án của quận Đống Đa đã kết án bà về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Phiên tòa đã diễn ra sau khi nhà chức trách bắt giữ bà Thêu cách đây hơn 3 tháng khi bà cùng nhiều người khác đến các cơ quan công quyền đòi hỏi quyền lợi về đất đai một cách ôn hòa. Có nhiều người và hình ảnh chứng minh điều này.
Anh Trịnh Bá Phương đã phản ứng về bản án:
“Gia đình tôi phản đối bản án bất công này. Tòa án của quận Đống Đa kết án mẹ tôi dù chỉ một ngày cũng là oan sai, nhưng họ đã quy mức án rất nặng nề là 20 tháng tù giam. Trước phiên tòa tôi cũng có nhận định tôi cũng không bất ngờ nhiều vì bản chất của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay là họ lấy bạo lực và nhà tù để trấn áp người dân, để cai trị người dân”.
Bà Cấn Thị Thêu và nhiều người dân ở Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cách đây 2 năm đã đấu tranh, phản đối việc nhà chức trách thu hồi đất của dân để giao cho một doanh nghiệp tư nhân để kinh doanh bất động sản. Họ cho rằng qui trình thu hồi đất không đúng pháp luật, điều này sau đó đã được Thanh tra Chính phủ xác nhận.
Vì hoạt động đấu tranh của mình, bà Thêu và chồng đã bị bắt một lần vào cuối tháng 4/2014 và phải nhận án tù 15 tháng. Họ mới mãn án vào cuối tháng 7 năm ngoái.
Cho rằng việc bắt giữ và xét xử lần này là vô lý, bất công, gia đình bà và khoảng 100 người dân đã đến tòa án để biểu tình, đòi nhà chức trách xét xử công khai.
Tuy nhiên, anh Phương cho hay đoàn người đã bị công an chặn lại, sau đó nhiều người đã bị bắt về một đồn công an. Anh cho biết các nhân viên công an, an ninh đã đối xử thô bạo với người biểu tình. Anh cho biết thêm rằng tại đồn số 6 Quang Trung, gia đình anh đã bị dọa giết.
Anh nói:
“Khi vào trong đồn công an, họ lại tiếp tục thể hiện bản chất của chế độ công an trị. Họ đã đe dọa giết cả gia đình nhà tôi. Chính tai tôi nghe rằng họ đã nói rằng là chỉ một phút có thể cho đi đời luôn. Họ đe dọa giết cả nhà, ám sát cả gia đình. Trong đồn công an họ thể hiện rất là côn đồ”.
Tại phiên tòa, bào chữa cho bà Thêu là các luật sư Võ An Đôn, Nguyễn Khả Thành, Lê Văn Luân và Hà Huy Sơn. Họ lâu nay vẫn thường bào chữa cho những người đấu tranh, các nhà hoạt động và những người yếu thế.
Trước phiên tòa, luật sư Đôn bày tỏ trên trang Facebook cá nhân là ông sẽ bào chữa cho bà Thêu “theo hướng vô tội” vì bà là “người phụ nữ đấu tranh vì quyền lợi của những người nông dân bị mất đất” và bà “không có bất kỳ hành vi gây rối nào”.
Nhưng thực tế là bà vẫn bị nhận án tù. Con trai bà, anh Phương, đánh giá cao nỗ lực của các luật sư song anh nói bản án dành cho mẹ anh là bản án do nhà chức trách định sẵn, thường gọi là “án bỏ túi” vì vậy các luật sư khó có thể xoay chuyển. Anh nói:
“Cả bốn luật sư rất nỗ lực bào chữa cho mẹ tôi theo hướng vô tội. Tuy nhiên cả bốn luật sư cũng đã không mang lại tự do cho mẹ tôi. Nguyên nhân, tính chất ở sâu bên trong là do cái án này là cái án bỏ túi. Phía nhà cầm quyền đã bất chấp dư luận, cũng như bất chấp các tiếng nói của luật sư, sự phản biện của luật sư, bất chấp sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền quốc tế”.
Về bản án mới tuyên đối với bà Thêu, nhà hoạt động vì dân chủ Hoàng Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh viết trên Facebook cá nhân rằng chính quyền Việt Nam thời gian gần đây chỉ kết án những nhà hoạt động hoặc những người đấu tranh với thời gian tù giam từ 2 đến 5 năm để tránh “sự lên án mạnh mẽ của các quốc gia văn minh” cũng như “sự kiên trì lên tiếng đòi trả tự do của cộng đồng đấu tranh trong nước”. Anh Dũng cho rằng chiến thuật mới của chính quyền có mục đích “vừa đủ để cách ly [những nhà hoạt động, những người đấu tranh] khỏi xã hội một thời gian, vừa đủ để phong trào đòi trả tự do không lớn mạnh, vừa đủ để quốc tế không cảm thấy quá ngột ngạt”.
Anh Trịnh Bá Phương cho VOA biết tới đây gia đình và những người ủng hộ bà Thêu sẽ tiếp tục biểu tình, đấu tranh ôn hòa, và vận động tiếng nói của các đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội như Anh, Úc, Thụy Sĩ, Mỹ, cũng như của các tổ chức nhân quyền quốc tế để đòi trả tự do cho mẹ anh và những người đấu tranh khác.
Bên cạnh đó, anh Phương cho biết sẽ có một cuộc đấu tranh pháp lý để kiện “những người cướp đất” và “chính phủ Việt Nam” ra Tòa án Hình sự Quốc tế ICC về những bất công trong chính sách đất đai và các hành vi vi phạm nhân quyền.
HRW:Việt Nam phải hủy bỏ
bản án đối với Blogger Ba Sàm và cộng sự
Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch cũng vừa cho phổ biến bản tuyên bố, với nội dung đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải hủy bỏ bản án mang động cơ chính trị đã tuyên với Blogger Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự của ông là bà Nguyễn Thị Minh Thúy, và trả tự do cho 2 người vừa nói.
Tuyên bố được Huamn Rights Watch đưa ra hồi chiều hôm qua vì thứ Năm tới đây, tức ngày 22 tháng Chín năm 2016, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ xử phiên phúc thẩm đối với blogger nổi tiếng là ông Nguyễn Hữu Vinh cùng người cộng sự là bà Nguyễn Thị Minh Thúy, là những người đã điều hành trang web phê phán chính quyền Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, bút danh Ba Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bị công an bắt giữ hồi tháng Năm năm 2014, cáo buộc họ với tội danh lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, theo điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam. Đến tháng Ba năm 2016, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội kết án ông Vinh năm năm tù và bà Nguyễn Thị Minh Thúy ba năm tù.
Theo ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, Việt Nam có cả ngàn tờ báo, trang web, đài phát thanh và truyền hình của nhà nước để đăng tải các tin tức được chính quyền cho phép, thế mà vẫn đi truy tố những blogger và nhà báo dũng cảm không chịu đưa tin theo đúng đường lối.
Ông Adams cũng cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam cần biết rằng bỏ tù những nhà báo và blogger này không thể khiến họ ngừng đưa tin về thực trạng đất nước tới những người dân Việt Nam.
Ông Adams cũng kêu gọi các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế cần công khai gây sức ép, để Việt Nam chấm dứt đàn áp những công dân đang thực thi các quyền cơ bản của mình một cách ôn hòa.
Tuyên bố của Human Rights Watch cũng nhắc lại rằng trong năm 2016, chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp những người sử dụng Internet để bày tỏ quan điểm, đưa ra dẫn chứng chỉ trong 9 tháng vừa qua tòa án Việt Nam đã xét xử và tuyên án tù ít nhất là 18 blogger và nhà hoạt động, cáo buộc những người này vào tội vi phạm luật hình sự, trong khi những người bị bắt giam và kêu án chỉ bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa.
Human Rights Watch cũng trích lời vợ của ông Nguyễn Hữu Vinh là bà Lê Thị Minh Hà, cho hay gia đình chưa được gặp ông trong hơn 11 tháng qua, cho dù đã nhiều lần gửi đơn đề nghị.
Quan chức đảng cấp địa phương
“vật lộn” với các tin đồn trên trang mạng xã hội
Việt Hà, phóng viên RFA
Vài ngày qua, trên trang mạng xã hội đồng loạt xuất hiện một số những bài viết tiết lộ những thông tin liên quan đến hai lãnh đạo đảng của tỉnh Thanh Hóa và Hà Giang cho thấy hai vị bí thư đảng cấp tỉnh đã lợi dụng chức quyền để làm lợi cho gia đình và tham nhũng. Tuy nhiên, ngay sau đó, cả hai vị bí thư này đã đồng loạt lên báo chí chính thống để bác bỏ các thông tin cáo buộc. Phản ứng này hoàn toàn khác so với những gì đã diễn ra trước kia khi các trang mạng xã hội cũng loan tin về đời tư các quan chức đảng và nhà nước mà không ai lên tiếng thanh minh chính thức. Có ý kiến cho rằng đây là một dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng trong đảng nhưng cũng có người cho rằng đây là một dấu hiệu tốt của minh bạch thông tin.
Một dấu hiệu tốt?
Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh và Bí thư tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến hôm 17 và 18 tháng 9 đã đồng loạt lên các trang báo chính thống để phản bác những thông tin loan truyền trên mạng xã hội cuối tuần qua về việc các ông đã lợi dụng chức quyền để làm lợi cho gia đình và tham nhũng.
Theo các trang mạng xã hội, Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh có vợ, em trai, em gái đều là những người nắm các chức vụ quan trọng trong tỉnh. Trong khi đó, Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến bị cáo buộc là có bồ nhí, và tham nhũng mua nhà cửa cho bồ nhí, bổ nhiệm cô này lên các chức vụ cao trong tỉnh.
Những thông tin đó là thông tin trên mạng mà hai ông bí thư lên đính chính như vậy là một dấu hiệu tích cực, tốt. Thông thường trước đây các tin trên mạng được coi là tin ảo, không đáng trả lời. Giờ họ chịu trả lời…
-LS Trần Quốc Thuận
Nói với báo vnexpress hôm 17 tháng 9, ông Triệu Tài Vinh cho biết quy trình bổ nhiệm những người trong gia đình ông đều tuân thủ đúng quy định của đảng, nhà nước. Ông còn nói thêm là ông không cảm thấy vui khi những người trong gia đình mình được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo.
Báo Dân Trí hôm 18 tháng 9 trích lời Bí thư Trịnh Văn Chiến cho biết những thông tin trên trang mạng xã hội là hoàn toàn bịa đặt, bôi nhọ cán bộ. Ông cũng cho biết là tỉnh đã giao cho cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Báo vnexpress hôm 19 tháng 9 trích lời ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết tỉnh đã có công văn gửi Ban Tuyên giáo và Bộ thông tin truyền thông đề nghị chỉ đạo, xử lý việc đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật về Thanh hóa của một số blog, mạng xã hội.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng từ Sài gòn nhận định những thông tin trên mạng xã hội trong hai trường hợp này đã có tác dụng nhất định:
“Về thông tin về mạng xã hội thì cần chú ý thế này là những thông tin hết sức cụ thể về con người, về thời gian, địa điểm, tài sản, về hình ảnh và về giá trị và cả về dư luận. Trên mạng xã hội đã xuất hiện hai bài dài của một tác giả tên là Trịnh Văn Duy, cùng họ với ông Bí thư tỉnh Thanh Hóa. Tác giả này viết hai bài dài đưa ra những dẫn chứng, dữ liệu và minh họa rất cụ thể, thậm chí còn cụ thể hơn cả mạng chân dung quyền lực nêu về các nhân vật của Bộ Chính trị. Xét về mặt hiệu ứng truyền thông thì tính cụ thể như vậy dễ thuyết phục người đọc. Điểm thứ hai là phản hồi. Điều đó cho thấy mạng xã hội bây giờ lan tỏa rất rộng rãi và phần lớn quan chức việt Nam bây giờ đặc biệt quan tâm đến mạng xã hội và họ phải phản ứng ngay.”
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội thì nhận định đây là một dấu hiệu tốt:
“Những thông tin đó là thông tin trên mạng mà hai ông bí thư lên đính chính như vậy là một dấu hiệu tích cực, tốt. Thông thường trước đây các tin trên mạng được coi là tin ảo, không đáng trả lời. Giờ họ chịu trả lời… nó đưa ra một vấn đề là các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để thẩm tra thẩm định. Nếu đúng như vậy thì sẽ có biện pháp phản ứng….(1m48) trước đây thì họ khinh không trả lời nhưng giờ thì họ có phản ứng thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy họ tôn trọng mạng xã hội.”
Vừa đánh vừa lợi dụng
Đây không phải là lần đầu tiên, các trang mạng xã hội đưa các bài viết chứa đựng những thông tin và hình ảnh cáo buộc các quan chức của đảng và nhà nước các tội tham nhũng hay lợi dụng chức quyền. Hồi năm 2012, trước hội nghị trung ương 6, trên mạng internet đã xuất hiện trang mạng quan làm báo được cho là có nhiều thông tin tấn công Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và gia đình ông. Năm 2015, trước đại hội đảng 12, trên internet cũng xuất hiện trang mạng chân dung quyền lực với nhiều bài viết về nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và gia đình, cùng các bài viết và hình ảnh về đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên không có một quan chức nào bị tố cáo trên các trang mạng xã hội sau đó đã lên tiếng đính chính trên báo chí chính thống.
Nhiều người quan tâm đến tin chính trường Việt Nam nhận định, các trang mạng xã hội này là nơi các quan chức Việt Nam sử dụng để công kích lẫn nhau vì các trang này hoàn toàn không bị tấn công hay cấm truy cập như các trang mạng xã hội lề trái khác. Các trang mạng này lại thường xuất hiện vào những thời gian quan trọng khi sắp xảy ra các sự kiện liên quan đến sắp xếp nhân sự trong đảng và nhà nước. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, điều này đã trở thành xu hướng ngày càng phổ biến:
“Nếu như trước đây nội bộ đảng muốn triệt tiêu mạng xã hội và họ dựng ra nghị định 72 vào tháng 7 năm 2013 nhưng đã không làm được. Sau đó nó có một hiệu ứng như thế này là dường như các quan chức đảng nhận thấy mạng xã hội có tác động quá, hấp dẫn quá. Từ việc triệt tiêu mạng xã hội thì một số người trong nội bộ đảng lại quay qua lại vận dụng mạng xã hội để thanh toán nhau. Xu hướng sắp tới là càng phát triển của mạng xã hội và càng phát triển hơn nữa việc các quan chức lợi dụng, sử dụng mạng xã hội để đấu đá với nhau. Trong điều kiện đó, thông tin trong nội bộ đảng càng ngày càng bùng nổ trên mạng xã hội. Và người dân càng biết được nhiều những chân tơ kẽ tóc, những điều cực kỳ thiếu minh bạch mà trước đây họ không thể biết được về nội bộ đảng cộng sản.”
Giáo sư Zachary Abuza thuộc trường đại học về chiến tranh của Hoa Kỳ, người đã có nhiều các bài viết về chính trị Việt Nam nhận định về xu hướng này như sau:
Dường như có một dấu hiệu gì đó không bình thường trong nội bộ đảng cộng sản đều liên quan đến Bí thư tỉnh ủy hai tỉnh. Nó có thể có liên quan tới một chiến dịch thanh trừng trong nội bộ đảng nhưng không diễn ra ở cấp trung ương mà ở cấp địa phương.
-TS Phạm Chí Dũng
“Chúng ta đang thấy sự bùng nổ của truyền thông, nghĩa là người dân đói thông tin truyền thông. Chúng ta cũng thấy sự biến chuyển trên mạng từ các blog sang các diễn đàn, trang web với nhiều người viết, được biên tập một cách chuyên nghiệp. Điều này rất quan trọng vì nhiều người Việt Nam bây giờ nhận được các thông tin trên mạng qua truyền thông mạng xã hội.”
Theo giáo sư Abuza, mặc dù chính phủ đang cố gắng hết sức để kiểm soát mạng xã hội nhưng dường như họ đang tham gia một cuộc chiến mà họ khó thắng.
Báo hiệu khủng hoảng
Câu chuyện của hai bí thư tỉnh ủy và các trang mạng xã hội mới đây dường như cũng đang cho thấy một cuộc khủng hoảng khác trong nội bộ đảng theo nhận định của nhà báo Phạm Chí Dũng:
“Dường như có một dấu hiệu gì đó không bình thường trong nội bộ đảng cộng sản đều liên quan đến Bí thư tỉnh ủy hai tỉnh. Nó có thể có liên quan tới một chiến dịch thanh trừng trong nội bộ đảng nhưng không diễn ra ở cấp trung ương mà ở cấp địa phương. Trước đây đã từng có một số chuyên gia dự báo là chiến dịch được coi là chống tham nhũng hay còn gọi là đả hổ diệt ruồi của ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ làm phát sinh một hệ lụy là sẽ diễn ra một làn sóng thanh trừng quyền lực từ trung ương đến địa phương và có những nhân vật, nơi, địa phương không liên quan đến chiến dịch đả hổ diệt ruồi của ông Trọng cũng sẽ bị rơi vào tầm ảnh hưởng của việc thanh trừng dữa nhóm lợi ích và nhóm quyền lực mới với nhóm quyền lực và nhóm lợi ích cũ.”
Tổng Bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng đang phát động một phong trào chống tham nhũng rầm rộ hay còn gọi là đả hổ diệt ruồi. Đã có quan chức địa phương đầu tiên bị điều tra là trường hợp của Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh, người đang bị phát lệnh truy nã. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng thì ông Thanh có thể đã tẩu thoát thành công vì ông đã được giúp đỡ bởi những thế lực ngay trong đảng.
Công nhân Việt Nam tại Thái Lan
Hoàng Dung, RFA
Trong những ngày qua, truyền thông Thái Lan cho biết, hiện nay có rất nhiều lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan, chính việc này đã làm người Thái mất cơ hội tìm việc làm.
Lao động bất hợp pháp
Thứ Sáu ngày 9/9/2016, trên truyền thông thời sự kênh Now 26 của Thái Lan cho biết, hiện nay có rất nhiều người Việt Nam đang lao động bất hợp pháp tại nước này, trong khi Thái Lan chưa chấp nhận cho lao động Việt Nam làm việc tại Thái Lan, trừ 2 nghành nghề là xây dựng và người giúp việc.
Truyền thông Thái Lan cũng cho biết, người Việt Nam đã xin Visa đi du lịch, nhưng không phải đi du lịch mà ở lại để lao động, điều này đã lấy đi cơ hội tìm kiếm việc làm cho các lao động phổ thông Thái Lan.
Chính quyền Thái Lan cũng cho biết, đợt này cảnh sát Thái Lan sẽ vào cuộc để bắt những lao động hợp pháp tại nước này, nhất là may mặc và buôn bán, những nghành này được dành cho công nhân nước Thái, vì việc người nước ngoài tranh giành công việc của người Thái có ảnh hưởng đến sự phát kinh tế và bền vững của nước này.
Trên trang báo VietThaiToday dẫn lời người đứng đầu sở di trú Thái Lan cũng cho biết:
“Người VIệt Nam đã tới Thái Lan lao động trái phép bằng Visa du lịch với số lượng lớn, họ là nhóm lao động bất hợp pháp lớn nhất trong các ngành nghề vốn chỉ dành riêng cho các công dân Thái Lan”.
Công nhân Việt Nam nói gì?
Theo một thống kê của báo điện tử Người Lao Động cho biết, thì hiện nay có khoảng hơn 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Thái Lan, phần lớn công việc của họ là: Phục vụ nhà hàng, may mặc, bán hoa, bán hàng rong, bán kem, v.v…
Sau khi quân đội Thái Lan lên nắm chính quyền, thì đã có rất nhiều cuộc càn quét của cảnh sát Thái nhằm vào những lao động bất hợp pháp tại nước này. Trước đây những cuộc càn quét thường lẻ tẻ, không có quy mô, và những người còn Visa sẽ không bị bắt.
Tuy nhiên, lần này những cuộc càn quét diễn ra trên diện rộng, huy động rất nhiều lực lượng vào cuộc, nhiều lao động còn Visa cũng sẽ bị bắt.
Hiện nay, Thái Lan chỉ mới công nhận cho công nhân của những nước giáp biên giới làm việc như Lào, Campuchia và Myanmar làm việc hợp pháp, còn về phía lao động Việt Nam thì Thái Lan mới công nhận 2 nghành nghề là xây dựng và người giúp việc, tuy nhiên 2 nghành nghề này lại rất ít người Việt Nam làm, nhất là xây dựng hầu như không có.
Vào cuối năm 2015 Thái Lan cũng đã cho những lao động Việt Nam ở đây làm giấy để lao động hợp pháp, tuy nhiên thời gian quá ngắn cộng với nhiều điều kiện khó khăn nên chỉ có khoảng 2.000 Việt Nam có giấy phép lao động của Thái Lan.
Theo anh Tuấn đến từ Hà Tĩnh, một lao động làm việc tại Thái Lan 4 năm rồi cũng cho biết, chưa có cuộc càn quét người lao động bất hợp pháp nào lại có quy mô như hiện nay, chưa tính các lực lượng vào cuộc mà truyền thông Thái Lan cũng đưa tin rất nhiều, nên cuộc sống và công việc của lao động Việt Nam tại Thái Lan khá khó khăn, hiện nay 1 số chủ người Thái không dám thuê công nhân Việt Nam nữa vì họ cũng sợ bị chính quyền phạt:
“Đợt giờ, Thái ra cái lệnh truy nã người làm việc bất hợp pháp ở Thái, họ ra cái lệnh thì bắt nhiều người hơn, công việc khó khăn hơn, chủ người Thái không dám nhận người Việt, bởi vì họ sợ lệnh họ ra trên bị bắt 1 cái là phạt gấp đôi lần trước, giờ đi ra làm việc anh có hộ chiếu thì cũng bị bắt”.
Anh Tuấn cũng cho biết, nếu khi bị công an Thái bắt mà công nhân còn có hộ chiếu thì có thể nhờ chủ người Thái đứng ra bảo lãnh, nạp 50.000 Bath (= $1.4000) thì có thể ra, còn không thì sẽ bị giam 48 ngày, rồi đưa ra tòa và họ bị trả về nước:
“Có hộ chiếu thì nếu Pa cằn (đóng tiền bảo lãnh) được thì Pa cằn có người Thái đứng ra thì mình ở lại được, còn không họ bắt ở tù 48 ngày, rồi họ mua máy bay đưa về Việt, nộp phạt 50.000 Bath”.
Linh mục Anthony Lê Đức hiện đang truyền giáo ở Thái Lan, cũng là linh mục linh hướng cho lao động Công Giáo tại Thái cũng cho biết:
“Trong lúc này, chính quyền Thái Lan cũng như truyền thông Thái, đang có dư luận về người Việt Nam, họ cho là sang Thái Lan này họ làm trong những nghành nghề mà nó được dành riêng cho người Thái, khi người này làm việc không được phép với luật pháp Thái Lan, họ có dư luận là ảnh hưởng đến kinh tế của người Thái cũng như sự bền vững của nước họ, họ đang ra kế hoạch để giải quyết vấn đề này”
Người Thái Lan và cơ quan chức năng nói gì
Để tìm hiều về thông tin, cũng như việc lao động Việt Nam đang làm việc ở Thái Lan như thế nào, chúng tôi liên lạc với bà Dui một chủ người Thái Lan thuê lao động người Việt Nam và bà cho biết:
Bà Dui cho biết:
“Thuê lao động VN là việc làm trái pháp luật Thái Lan, trước đây tôi có thuê họ song đến nay thì không dám vì tôi đã từng bị truy tố, cũng vì không biết điều đó. Còn người Việt Nam có thái độ và tính tình ra sao, thì khó có thể đánh giá vì phụ thuộc vào mỗi người khác nhau. Về thu nhập của họ thì lâu rồi không thuê họ, nên khó nói, nhưng trên cơ sở thỏa thuận”.
Về phía đại diện chính quyền Thái Lan, thì một người xin giấu danh tính ở Bộ Lao Động Thái Lan cho biết:
“Lao động nước ngoài người VN khi đã được cấp thẻ lao động người nước ngoài (màu hồng), chỉ cho phép làm các nghề làm thợ, phục vụ và người giúp việc. Những người đó không được phép ra chợ bán hàng, vì họ không phải là công dân Thái Lan, nếu họ làm là vi phạm pháp luật. Vì việc bán hàng như thế là giành việc làm của công dân Thái lan.”
Hiện nay, rất nhiều lao động Việt Nam đang rất hoang mang trước thông tin này, nếu về Việt Nam thì sẽ không có công việc rồi sẽ sống làm sao, mà ở lại mà bị bắt thì sẽ bị phạt rất nhiều tiền và có khả năng sẽ không được về Việt Nam nữa, họ đang rất băn khoăn.
Anh Tuấn cũng chia sẻ với chúng tôi, ở quê nhà thì không có việc làm, đi xuất khẩu lao động những nước lớn khác thì lại không có tiền, nên anh chọn Thái Lan để đi lao động, nhưng thời gian gần đây việc lao động ở Thái Lan gặp nhiều khó khăn, anh cũng mong muốn rằng chính quyền Việt Nam nên thỏa thuận với chính quyền Thái Lan để lao động Việt Nam có thể làm việc một cách thuận lời ở đây trong khi chờ chính quyền ở quê nhà tạo việc làm cho công nhân.
Ý kiến chuyên gia về dự án thép của Tôn Hoa Sen tại Cà Ná
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
Thông tin về dự án thép do Tập đoàn Tôn Hoa Sen Việt Nam tại Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục gây bão dư luận tại Việt Nam.
Đa số ý kiến đều phản đối cho rằng thảm họa do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh vẫn không biết khi nào mới giải quyết xong thì nay lại nghe Bộ Công Thương công bố đưa dự án thép Tôn Hoa Sen vào qui hoạch tại ven biển tỉnh Ninh Thuận.
Trong chuyên mục Khoa học – Môi trường kỳ này mời quí vị theo dõi thông tin liên quan và ý kiến của chuyên gia Việt Nam đang ở nước ngoài bàn về dự án gây tranh cãi của Tôn Hoa Sen.
Cơ sở phản đối
Ngành thép Việt Nam vào giữa năm nay có văn bản gửi hai bộ Công thương và Tài chính ở Hà Nội nêu rõ đến hết năm 2015, các doanh nghiệp thép trên cả nước chỉ vận hành được gần 60% công suất lắp đặt.
Các sản phẩm thép đều dư thừa, ngoại trừ gang là sản xuất chưa đạt mục tiêu đề ra. Đơn cử sản lượng thép năm 2015 là 1 triệu 700 ngàn tấn trong khi công suất lắp đặt là 2 triệu 700 ngàn tấn. Ngành thép căn cứ trên những con số thực tế cho biết đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về các loại sản phấm thép xây dựng, phôi thép, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm của họ ra nước ngoài.
Theo giới chuyên môn nhà máy luyện thép cần lượng nước dồi dào phục vụ quá trình sản xuất; tuy nhiên Cà Ná, Ninh Thuận lâu nay nổi tiếng là vùng nóng nhất Việt Nam, nguồn nước ngọt ít ỏi.
Chính phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Văn Hậu, trong trả lời phỏng vấn mạng báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 9 vừa qua nói rõ nhà máy nước Phước Nam tại địa phương này với công suất 30 ngàn mét khối/ngày chỉ đủ đáp ứng chừng 13% nhu cầu của nhà máy thép mà công suất thiết kết được nói là 16 triệu tấn thép mỗi năm.
Cách đây hơn chục năm liên doanh giữa Vinashin và Lyon Group của Malaysia cũng có một dự án thép với vốn đăng ký hằng tỷ đô la Mỹ đầu tư vào Ninh Thuận; nhưng rồi sau đó bị rút.
Đối với dự án nhà máy thép với tổng vốn được nói là 10 tỷ đô la Mỹ của Tôn Hoa Sen đã có nhiều vấn đề được công luận nêu ra: chưa có hồ sơ cụ thể về dự án, tư vấn vẫn chưa có, dây chuyền công nghệ nào được chọn cho nhà máy…
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang, một chuyên gia về môi trường ở Hoa Kỳ cũng nên ra một số thắc mắc khi nghe về dự án thép tại Cà Ná, Ninh Thuận:
Tôi thấy có hai điểm: thứ nhất theo môn địa lý tôi học trước đây thì không thấy ở vùng Ninh Thuận không có quặng sắt nào hết, nay nghe nói là nhà máy thép 16 triệu tấn/năm thì cần rất nhiều quặng.
-Kỹ sư Nguyễn Minh Quang
-Kỹ sư Nguyễn Minh Quang
“Tôi thấy có hai điểm: thứ nhất theo môn địa lý tôi học trước đây thì không thấy ở vùng Ninh Thuận không có quặng sắt nào hết, nay nghe nói là nhà máy thép 16 triệu tấn/năm thì cần rất nhiều quặng.
Tôi không rõ họ dùng quặng từ đâu, hoặc họ sẽ nhập cảng quặng sắt từ nước ngoài? Điều đó tôi không rõ.
Thứ hai nữa làm thép cần nhiều điện; nhưng hiện nay ở Ninh Thuận chưa có nhà máy nào lớn hết, ngoại trừ nhà máy gần nhất mà tôi biết là nhà máy thủy điện Đa Nhim. Có thể sử dụng nguồn điện Đa Nhim nhưng không biết có đủ để cung cấp cho nhà máy thép ở Ninh Thuận hay không?
Một điểm nữa là vùng Ninh Thuận ít mưa nhất Việt Nam. Khi làm thép thì tôi không rõ phải dùng nước ở đâu cho việc luyện thép.
Đó là 3 câu hỏi rất lớn mà nếu muốn làm thép thì phải trả lời 3 câu hỏi đó.
(Tại Ninh Thuận) có nắng và gió nhưng khả năng của nó đến đâu thì tôi không được rõ lắm! Nhưng nếu làm thép theo tôi nghĩ thì đối với điện cần phải có dự phòng rất lớn. Ví dụ như nhà máy về mặt trời thì cần nguồn năng lượng dự trữ để chứa như pin rất lớn để tích điện ban ngày cho sử dụng vào ban đêm.
Đó là vấn đề không thuận lợi cho công nghiệp nhất là công nghiệp luyện thép vì chúng ta cần phải luyện 24/24 giờ đồng hồ; lúc nào cũng cần một lượng điện như nhau!”
Điều kiện cần có
Kỹ sư Tư vấn Đặng Đình Cung, hiện sống tại Pháp và có nhiều bài viết về tình hình ô nhiễm, sản xuất công nghiệp và ô nhiễm tại Việt Nam cho rằng vẫn có thể tiến hành dự án thép nhưng cần phải đạt cho được những điều kiện mà theo ông này như sau:
“Điều kiện thứ nhất là không lỗ lã vì ( lỗ ) thì kinh doanh làm gì!
Thứ hai là không gây hại cho an toàn người dân và sự ‘toàn vẹn’ môi trường. Nếu môi trường không toàn vẹn thì đương nhiên an toàn của người dân không được bảo đảm.
Báo cáo về tác động môi trường được gọi là ‘Report on Safety and Integrity’ cần có những điểm như sau:
-Đã có những biện pháp ngăn ngừa rủi ro thành hiện thực.
-Đã có những biện pháp đối phó nếu rủi ro trở nên hiện thực.
-Có biện pháp kiểm tra định kỳ các biện pháp ngăn ngừa một cách liên tục, hữu hiệu.
-Có qui trình kiểm tra định kỳ các biện pháp đối phó liên tục, sẵn sàng can thiệp nếu tại nạn tiềm tang xảy ra.
-Nhân viên có trách nhiệm ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra được đào tạo thích nghi và có kỹ năng nghiệp vụ được rèn luyện qua thao luyện định kỳ.
-Các thiết bị ngăn ngừa, đối phó, kiểm tra có chức năng thích nghi được kiểm tra theo định kỳ cho thấy vẫn còn tốt, sẵn sàng cho việc sử dụng khi cần đến.
-Các qui trình ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra được rà soát theo định kỳ để có chỉnh sửa thích hợp với những thay đổi của cơ sở sản xuất hay công trường xây dựng cũng như tiến bộ của công nghệ.
Phải có tất cả những điều kiện vừa nêu để xem có quyết định nên làm hay không.”
Bài học giám sát
Một điểm yếu tại Việt Nam lâu nay là công tác giám sát, chế tài những vi phạm qui định mà luật pháp đề ra.
Kỹ sư Đặng Đình Cung cho biết nhận xét của ông về công tác giám sát, xử phạt ở Việt Nam và thực tế công tác này ở Pháp nơi ông từng công tác:
“Tối thấy cứ nói đã làm đúng qui trình nhưng đến khi bị hạch tội thì nói nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm và có người nói sẽ xử lý nghiêm.
Tôi đọc trên mạng thấy hết dự án này đến dự án kia cứ như vậy, chừng 6-7 tháng lại có một chuyện như vậy.
Những điều kiện mà tôi vừa nêu lên ở Pháp người ta thi hành rồi.
Dĩ nhiên không thể tránh được tai nạn, vì thế người ta có những qui trình để đối phó với một tai nạn tiềm tàng: ví dụ như một đập thủy điện vỡ, một nhà máy lọc dầu nổ, hay ‘nói dại’ một nhà máy điện nguyên tử có lõi bị nung chảy.
Người ta có sẵn kế hoạch rồi, nếu như tai nạn xảy ra thì mỗi một người biết nhiệm vụ phải làm như thế nào rồi!”
Kỹ sư Nguyễn Minh Quang cũng trình bày về công tác này tại Hoa Kỳ:
Hiện tại vẫn còn có tranh luận vì khi khai thác một quặng thì đương nhiên có ảnh hưởng đến môi trường – ít hay nhiều mà thôi, chứ không thể nào tránh chuyện ảnh hưởng môi trường.-Kỹ sư Nguyễn Minh Quang
“Hiện tại vẫn còn có tranh luận vì khi khai thác một quặng thì đương nhiên có ảnh hưởng đến môi trường – ít hay nhiều mà thôi, chứ không thể nào tránh chuyện ảnh hưởng môi trường.
Đơn cử việc khai quặng lộ thiên sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường vì phải phá rừng, phá cảnh quang.
Do đó vấn đề là làm thế nào để giảm thiểu ảnh hưởng về môi trường. Đó là điều cần thiết.
Ở Mỹ, họ có những luật lệ rất nghiêm nhặt để kiểm soát chất thải khí, nước thải, hay chất thải rắn… Họ kiểm soát những thứ đó rất chặt chẽ nên giảm thiểu được ảnh hưởng đến môi trường.”
Vào trung tuần tháng 9 vừa qua, mạng Bauxite Vietnam nhờ đăng thư của tiến sĩ Trần Văn Bình gửi từ Công hòa Liên bang Đức gửi đến ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Tôn Hoa Sen bàn về dự án thép Cà Ná- Ninh Thuận.
Tiến sĩ Trần Văn Bình cho biết ông là chuyên viên cao cấp lĩnh vực năng lượng và môi trường.
Trong thư sau khi nêu ra những hệ quả rõ ràng nếu như triển khai dự án thép tại Cà Ná, Ninh Thuận, tiến sĩ Trần Văn Bình đề nghị ông Lê Phước Vũ thay vì đầu tư xây dựng nhà máy luyện thép ở Cà Ná, Ninh Thuận hãy nhanh chóng chuyển đổi mục đích sang xây dựng khu công nghiệp năng lượng xanh, trong đó có trung tâm năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Tiến sĩ Trần Văn Bình nêu ra những tiềm năng của tỉnh Ninh Thuận đầy nắng, gió ven bờ biển xanh, đó là hai dạng năng lượng tái tạo gió và năng lượng mặt trời.
Vị tiến sĩ này dẫn nguồn của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỉnh Ninh Thuận là nơi có tốc độ gió vào hạng nhất, nhì của Việt Nam, trung bình 7,10 mét/giây ở độ cao 65 mét. Ở độ cao 85 mét còn tốt hơn nữa cho các động cơ gió thuộc loại hiện đại nhất. Mật độ gió là từ 400 đến 500 W/m2. Vận tốc gió mạnh nhất trong năm có tháng đạt đến 18-20m/s. Vùng gió tiềm năm của Ninh Thuận ghi nhận được là 18 vùng với tổng diện tích khoảng 8 ngàn héc ta.
Điểm đáng lưu ý là Ninh Thuận có lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng theo vận tốc đều trong cả năm là từ 6,4 đến 9,6 m/s, bảo đảm cho turbine gió phát điện ổn định.
Về năng lượng mặt trời thì Ninh Thuận có lượng chiếu sáng mặt trời rất cao, đều suốt nhiều tháng trong năm. Lượng bức xạ mặt trời mà tỉnh Ninh Thuận hấp thu được rất lớn trên 230kcal/cm2. Trung bình cả năm có khoảng từ 2600 đến 2800 h nắng. Tiềm năng năng lượng mặt trời của Ninh Thuận là lớn nhất Việt Nam với tổng qui mô lắp đặt khoảng 1500MW.
Tuy nhiên theo những chuyên gia ngành điện thì hiện nay giá thành điện gió và điện mặt trời vẫn còn cao so với những dạng năng lượng điện khác. Giới cổ xúy cho năng lượng tái tạo lập luận là xu thế này phải là tất yếu và các nhà khoa học đang cố phát minh ra những công nghệ cao hơn giúp giảm giá thành cho các loại năng lượng tái tạo.
Mục Khoa học – Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí vị và các bạn trong chương trình kỳ tới. Gia Minh chào tạm biệt.
‘Bùn bô xít’ Hà Tĩnh: Đang điều tra
Bộ Công Thương Việt Nam tối 19/9 phát đi thông cáo nói bộ này không cấp phép cho Công ty TNHH Gang Thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhập khẩu 160 tấn bùn bô xít.
Bộ Công Thương tuyên bố họ đã thành lập tổ công tác để “xác định chính xác chủng loại, tính chất… của lô hàng trên” và sẽ thông báo thêm.
Trước đó chiều 15/9, có tin một tàu chở các thiết bị, linh kiện kèm theo bùn thải bô xít từ cảng Đại Liên (Trung Quốc) cập cảng Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh – Hà Tĩnh).
Đây là lần đầu tiên loại bùn thải này được nhập vào dự án Formosa Hà Tĩnh, theo truyền thông Việt Nam.
Theo báo Dân Trí, Công an và Hải quan Hà Tĩnh đã tạm giữ số hàng, và bước đầu xác định đây là bùn chịu nhiệt dùng để trét mạch lò cao, được phép nhập vào Việt Nam.
Tuy vậy, vì có lo ngại trong số hàng có bùn bô xít, một chất thải độc hại, nên chính quyền địa phương đã tiến hành lấy mẫu kiểm định.
Trong khi đó, ngày 20/9, Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Đình Bình – chi cục phó chi cục hải quan Vũng Áng thuộc Hải quan Hà Tĩnh, nói Formosa về nhập mặt hàng bùn bôxit NJ-42 và bùn nhôm cacbon HM-SC3 không thuộc danh mục hàng cấm.
Ông Bình nói 168 tấn bùn này không phải xin phép bộ ngành nào.
“Formosa nhập mặt hàng này không phải xin phép bộ ngành nào cả nên chắc chắn Bộ Công thương cũng không phải cấp phép làm gì,” ông Bình nói.
0 comments