Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giớii – 20/09/2016

Tuesday, September 20, 2016 6:06:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 20/09/2016

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ

bình luận về vụ đánh bom ở New York

Jeff Swicord
WASHINGTON —
Hai ngày sau khi một quả bom phát nổ trên đường phố New York và những thiết bị nổ khác được tìm thấy ở thành phố này và ở bang New Jersey, một nghi phạm đang bị câu lưu. Và ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton đang đưa ra bình luận của riêng họ về vấn đề khủng bố.
Chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố là một vấn đề quan trọng đối với cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống vào mùa thu này.
Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm thứ Hai trấn an cử tri rằng nước Mỹ sẽ thắng thế trong khi nêu bật kinh nghiệm của bà về an ninh quốc gia:
“Tôi là ứng cử viên duy nhất trong cuộc đua này đã tham gia trong những quyết định khó khăn để loại những kẻ khủng bố khỏi chiến trường. Và tôi đã đề ra một kế hoạch toàn diện để ứng phó với mối đe dọa luôn phát triển này và tiến công ISIS ở khắp mọi nơi mà chúng đe dọa chúng ta, bao gồm cả trên mạng.”
Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump thì nêu ra quan điểm rất khác trước đó trong cùng ngày. Ông nói rằng vụ đánh bom ở New York xảy ra là do điều mà ông gọi là hệ thống di trú nhiều lỗ hổng cho phép những kẻ khủng bố vào Mỹ:
“Những vụ tấn công này và nhiều vụ khác thực hiện được là do hệ thống di trú cực kỳ mở của chúng ta, không rà soát kỹ lưỡng những cá nhân hoặc những gia đình vào đất nước của chúng ta.”
Nhà sử học chính trị Mathew Dallek thuộc Đại học George Washington nói rằng gắn vấn đề nhập cư với khủng bố có thể cho ông Trump đề tài nói chuyện để củng cố lập luận, nhưng nó có thể không lọt tai những cử tri có học thức sống ở vùng ngoại thành, là đối tượng mà ông cần phải thu hút để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Ông Dallek nói: “Câu hỏi chính là liệu nó có giúp ông ấy mở rộng thành phần cử tri đủ để ông ấy có thể giành chiến thắng ở những nơi như Florida, Pennsylvania và Ohio hay không. Ông ấy cũng rất có thể giành chiến thắng ở ít nhất là một số trong số những nơi này, nhưng tôi không chắc. Ví dụ, đa số người dân cả nước không đồng ý với ông ấy về vấn đề nhập cư.”
Ông Dallek nói luận điệu gây chia rẽ của ông Trump sau vụ tấn công khủng bố ở thành phố Orlando, bang Florida, nơi 49 người thiệt mạng trong một hộp đêm của người đồng tính, đã không có lợi cho ông. Ông Dallek nói rằng công chúng phản ứng tích cực hơn trước luận điệu thể hiện vốn kiến thức và sự từ tốn của bà Hillary Clinton. Và ông dự đoán phản ứng cũng sẽ như vậy sau vụ đánh bom ở New York:
“Hillary Clinton có bề dày thành tích về việc hiểu biết từng li từng tí chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia và suy nghĩ sâu sắc về nhiều vấn đề này. Bà ấy không phải lúc nào cũng đúng. Đó là một trong những mối nguy của việc tham chính quá lâu, nhưng rõ ràng về mức độ kinh nghiệm và thành tích của họ thì không thể so sánh được.”
Phát biểu của cả hai ứng cử viên được đưa ra trong khi những nhà điều tra vẫn đang tìm kiếm động cơ của vụ đánh bom. Nhà chức trách không cho rằng nghi phạm 28 tuổi, tên Ahmad Khan Rahami, công dân Mỹ sinh ra tại Afghanistan, thuộc một mạng lưới khủng bố rộng lớn hơn.

Điều tra động cơ và liên hệ của kẻ đánh bom ở New York

Giới thẩm quyền Mỹ đang tìm cách xác định xem liệu nghi can trong các vụ đánh bom vào các thành phố New York và New Jersey hôm thứ Bảy có bất cứ mối liên hệ nào với các nhóm khủng bố quốc tế hay không, và đâu là động cơ dẫn tới cuộc tấn công đã làm bị thương 29 người.
Cảnh sát bắt giữ Ahmad Khan Rahami, 28 tuổi, hôm thứ Hai sau một cuộc tìm kiếm tập trung vào Rahami vì sự hiện diện của nghi can này trong một băng video an ninh tại địa điểm vụ nổ và một địa điểm gần nơi mà một quả bom tương tự được tìm thấy nhưng không phát nổ. Các nhà điều tra còn nói rằng họ đã tìm thấy dấu tay và chứng cớ DNA.
Rahami đã bị truy tố về 5 tội mưu sát có liên hệ tới một vụ chạm súng với các nhân viên cảnh sát đã chặn và bắt giữ anh ta ở Linden, New Jersey, nằm về hướng Tây của New York. Một chủ quán bar tại đó đã phát hiện Rahami đang nằm ngủ bên trong một cánh cửa và gọi cảnh sát.
Các công tố viên liên bang vẫn chưa lập hồ sơ để truy tố nghi can về bất cứ tội gì có liên quan tới vụ đánh bom.
Linden nằm cách thị trấn Elizabeth khoảng 5 km, là nơi cảnh sát được tin báo về một túi sách đeo lưng có chứa nhiều thiết bị nổ, một trong các thiết bị này đã phát nổ khi một robot tìm cách tháo ngòi. Túi sách đó được phát hiện tại một địa điểm gần một nhà hàng do gia đình Rahami điều hành.
Nhà chức trách cũng nghi ngờ Rahami là người có liên can trong một vụ nổ trong một thùng rác tại một cuộc chạy đua nhằm mục đích từ thiện sáng hôm thứ Bảy ở công viên Seaside, bang New Jersey, cách New York 130 km về hướng Nam. Không có ai bị thương trong vụ nổ này.
Nghi can Rahami ra đời tại Afghanistan, và là một công dân nhập tịch Mỹ.

New York tiếp tục cảnh giác cao

sau khi nghi can khủng bố bị bắt

NEW YORK, NY —
Sau khi nhanh chóng bắt được Ahmad Khan Rahami – nghi can chính trong các vụ đánh bom cuối tuần qua ở New York – giới hữu trách New York trấn an rằng thành phố sẽ tiếp tục chứng kiến hoạt động an ninh được tăng cường trong suốt tuần, cao hơn mức độ đã được thực hiện để bảo vệ an ninh cho Ðại hội đồng Liên hiệp quốc năm nay.
Từ cuối tuần qua cho đến sáng thứ Hai, thành phố New York thật khác với thường lệ.
Khoảng 8 giờ sáng, cư dân được thông báo khẩn cấp “truy lùng Ahmad Khan Rahani, 28 tuổi” – nghi can chính trong các vụ đánh bom ở New York và New Jersey hồi cuối tuần làm bị thương 29 người. Vài giờ sau đó có tin đã bắt được nghi can này.
Ông James O’Neil, Ủy viên cảnh sát New York, cho biết:
“Tôi nghĩ đây là một chiến công của tất cả những người tham gia. Theo tôi, hệ thống cảnh báo rất hữu ích cho cơ quan cảnh sát và FBI trong vụ này và cả trong các vụ khác. Nó mở ra cho mọi người có thể tham gia. Đó là ý thức trách nhiệm chung.”
Sau khi mối lo sợ chính đã được khống chế và không có manh mối nào cho thấy có một tổ chức khủng bố đang hoạt động trong khu vực, ủy viên vừa được bổ nhiệm vào lực lượng cảnh sát của thành phố lớn nhất nước nay đứng trước một nhiệm vụ lớn lao khác – đó là bảo vệ an ninh cho thành phố vừa bị rúng động vì những vụ đánh bom xảy ra ngay trước Ðại hội đồng Liên hiệp quốc, nơi các nhà lãnh đạo của 195 quốc gia trên thế giới sẽ nhóm họp trong suốt tuần lễ này.
Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo ra lệnh triển khai thêm 1.000 cảnh sát viên và vệ binh quốc gia. Thị trưởng Bill de Blasio trấn an công chúng New York rằng họ sẽ thấy cảnh sát hiện diện nhiều hơn, nhưng ông kêu gọi người dân New York tiếp tục đề cao cảnh giác:
“Đề cao cảnh giác là rất quan trọng. Nếu chúng ta thấy bất cứ điều gì bất thường, nhất là túi xách vô chủ, thì xin thông báo ngay lập tức.”
Tại khắp các địa điểm trung chuyển giao thông chính của thành phố, lực lượng cảnh sát được trang bị vũ khí và chó rà bom tiếp tục cảnh giác cao trong nhiệm vụ canh giữ an ninh. Nhưng người dân New York vẫn bất nhất trước việc liệu họ có cảm thấy an ninh hơn hay không.
Ông Mauricio Panuela, một cư dân địa phương làm việc cách chỗ xảy ra vụ nổ ở Chelsea một khu phố:
“Giờ đây nguy cơ đánh bom đã ở ngay đây rồi. Tôi tưởng tượng là nó có thể xảy ra với tôi, hoặc với bất cứ người quen nào của tôi. New York không còn an toàn nữa. Thử tưởng tượng một kẻ nào đó xuất hiện với khẩu AK-47 và làm những chuyện điên rồ.”
Bà Katie Seiler, một cư dân New York, nói:
“Thành phố có an ninh. Có rất nhiều người luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau. Chắc chắn sẽ có khi tôi cảm thấy nghi ngờ điều đó, nhưng bởi vì tôi thực sự cảm nhận được tình cảm thân thiện trong thành phố này, tôi thực sự cảm thấy khá an toàn.”
Nhưng người dân New York đồng ý về một điều – đó là lực lượng chống khủng bố của thành phố họ là một trong những lực lượng tinh vi và giỏi nhất thế giới. Và tùy vào người dân New York có bỏ cuộc vì sợ hãi hay không.
Ông Fred Thompson, một người New York, nói:
“New York là một mục tiêu của nhiều kẻ điên, những kẻ muốn phá hoại. Chúng tôi đã tiến bộ nhiều lắm rồi, và chúng tôi tiếp tục tiến bộ. Hãy đứng lên, chúng ta cùng tiến tới.”

Nghi can đánh bom ở New York ‘từng theo học luật hình sự’

Thêm nhiều thông tin về nghi can đánh bom ở New York và New Jersey xuất hiện, sau khi nhân vật này bị bắt giữ.
Các hãng tin cho biết rằng, sau một cuộc đọ súng với cảnh sát, Ahmad Rahami bị bắt cuối giờ sáng nay, 19/9, ở Linden, New Jersey. Tin cho hay, anh ta bị phát hiện vì dấu vân tay trên một trong những quả bom chưa phát nổ.
Người đàn ông mang quốc tịch Mỹ gốc Afghanistan sinh sống ở Elizabeth, New Jersey, cách nơi bị “tóm” khoảng 6km. Đây là một trong số các thành phố mà Rahami nhắm mục tiêu.
Truyền thông Mỹ dẫn các hồ sơ cho biết rằng nghi can 28 tuổi này cũng không xa lạ với lực lượng thi hành công lực Mỹ. Hồi tháng Tám năm 2014, anh ta bị truy tố tội hành hung gây thương tích nghiêm trọng, sở hữu vũ khí trái phép, nhưng rồi được thả sau khi trả một khoản bảo lãnh 25 nghìn đôla.
Nhưng hiện chưa rõ lý do ngay là vì sao bồi thẩm đoàn của quận hạt Union ở New Jersey không kết tội anh này. Khi ấy, nghi can sống tại Perth Amboy cũng thuộc tiểu bang New Jersey.
Năm 2011, gia đình Rahami đâm đơn kiện cấp liên bang đối với thành phố Elizabeth, cáo buộc cảnh sát thành phố này đã gây trở ngại cho họ cũng như quán bán gà rán có tên gọi “First American Fried Chicken” vì họ là tín đồ Hồi giáo.
Gia đình của nghi can sinh sống ở phía trên cửa hàng này, nằm cách không xa sân bay quốc tế Newark Liberty.
Ông Ryan McCann, một khách hàng của “First American Fried Chicken”, nói về nghi can: “Anh ta rất thân thiện, và đó là điều đáng sợ. Tôi đến đây một hoặc hai lần một tuần, và lần nào cũng thấy anh ta ở đó. Họ không khác người. Họ dường như đã bị Mỹ hóa. Ta có lẽ không biết trước được điều gì vì anh ta lúc nào cũng nói về xe ôtô”.
Nghi can này cùng với những người anh chị em của mình từng giúp làm việc thu ngân tại quán. Tin cho hay, các nhân viên của Cục Điều tra Liên bang Mỹ đã có mặt ở quán ăn này để truy tìm bằng chứng.
Một chủ cửa hàng gần đó cho biết gia đình Rahami “sống rất tách biệt, và ít khi trò chuyện với người khác”.
Theo phát ngôn viên của trường Cao đẳng Cộng đồng Middlesex, Rahami theo học chuyên ngành luật hình sự tại trường này từ năm 2010 tới 2012, nhưng không tốt nghiệp. Hiện chưa rõ ngay lý do vì sao.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng tên của Rahami không nằm trong dữ liệu chống khủng bố của Hoa Kỳ.
Theo NBC, USA Today, BBC, Reuters, VOA

Nghi can đánh bom New York đang hồi phục

Nghi can vụ đánh bom khiến 29 người bị thương đêm 17/9 tại thành phố New York đang hồi phục trong một bệnh viện. Đương sự bị trúng đạn sau cuộc chạm súng với cảnh sát.
Cảnh sát đã bắt giữ Ahmad Rahami (28 tuổi) tại Linden, New Jersey, bên ngoài Manhattan, vài giờ sau khi cảnh sát gửi thông báo trên toàn thành phố với hình ảnh của nghi can. Nội dung thông báo ghi rằng nghi can này bị truy nã để thẩm vấn.
Một chủ quán bar ở Linden sáng ngày 19/9 gọi cảnh sát phàn nàn rằng có một người đàn ông nằm ngủ trước cửa tiệm của mình. Cảnh sát nhận ra đó là Rahami. Rahami đã nổ súng, làm bị thương hai cảnh sát trước khi bị trúng thương.
FBI không cho biết bằng cách nào xác định được Rahami là nghi can đánh bom. Nhưng tin nói các nhà điều tra nhìn thấy Rahami trên camera theo dõi an ninh tại địa điểm đánh bom ở khu Chelsea của Manhattan, và tại địa điểm gần một quả bom thứ nhì cách đó vài tòa nhà. Quả bom thứ hai được phát hiện trước khi phát nổ.
Tin cũng cho biết các nhà điều tra tìm thấy dấu vân tay trên một mảnh bom.
FBI cũng muốn thẩm vấn Rahami về một vụ đánh bom khác vào sáng ngày 17/9 tại Seaside Park, New Jersey, phía nam của New York khiến người ta phải hủy bỏ một cuộc đua từ thiện. Không có ai bị thương tại đây.
Các quả bom khác được tìm thấy trong một thùng rác tại một trạm xe lửa vào sáng chủ nhật 18/9 tại Elizabeth, New Jersey. Một trong những quả bom này phát nổ trong lúc một robot của cảnh sát đang tìm cách vô hiệu hóa nó. Không ai bị thương tại đây.
Chưa rõ động cơ đánh bom của Rahami là gì.
Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio, cho biết tới nay Rahami là nghi can duy nhất. Thị trưởng Blasio ngày 19/9 tuyên bố có mọi lý do để tin rằng các vụ đánh bom này là hành vi khủng bố và rằng FBI đang tìm kiếm bất kỳ sự liên kết nào với các nhóm khủng bố nước ngoài.
Phát biểu tại New York, Tổng thống Barack Obama cho biết cuộc điều tra đang xúc tiến khẩn trương và mọi người đang bắt tay nhau để tìm ra nguyên nhân. Ông nói những kẻ khủng bố và cực đoan muốn làm tổn thương những người vô tội, gieo rắc sự sợ hãi và phá rối đời sống.
Ông nói: “Khủng bố đang tìm cách làm tổn thương những người vô tội và muốn gieo rắc sự sợ hãi , làm xáo trộn cuộc sống của chúng ta, và gây phương hại các giá trị của chúng ta. Chúng ta phải cảnh giác và mạnh mẽ không chỉ để ngăn ngừa những hành vi bạo lực vô nghĩa này mà còn để truy tìm những kẻ ra tay và mang họ ra trước công lý. Mỗi người chúng ta đều có vai trò phải gánh vác trong tư cách là công dân để đảm bảo rằng chúng ta không cúi đầu sợ hãi.”
Nghi can đánh bom Rahami sinh ra tại Afghanistan và nhập tịch Mỹ. Gia đình Rahami có một tiệm bán gà rán tại Linden có khách ổn định, nhưng tiệm này có vấn đề với thành phố Linden vì hàng xóm than phiền về tình trạng đông đúc, ồn ào của quán.

Kêu gọi hành động từ sau vụ đánh bom New York

Các vụ đánh bom ở New York và New Jersey đã trở thành điểm gây tranh cãi trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và khơi dậy những lời kêu gọi hành động tại Quốc hội Mỹ hôm 19/9.
Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, nói bà muốn tăng cường tình báo để chống khủng bố. Theo bà, các chuyên gia ở trung tâm công nghệ Silicon Valley của Mỹ có thể giúp tìm ra những cách để theo dõi các trao đổi trên Internet giữa những kẻ chủ mưu và ngăn chặn ‘các cuộc tấn công trước khi chúng xảy ra.’
Ứng cử viên bên Đảng Cộng hòa, Donald Trump, một lần nữa kêu gọi siết chặt các tiêu chuẩn nhập cư vào nước Mỹ.
Đề cập đến những người đã gây ra các cuộc tấn công khủng bố tại Hoa Kỳ, ông Trump nói: “Bà Hillary Clinton muốn cho phép hàng trăm ngàn những người như thế” vào nước Mỹ.
Ông Trump nói cảnh sát Mỹ biết rõ nhiều người trong số đó là ai nhưng không dám làm gì để ngăn chặn các vụ tấn công vì họ không muốn bị buộc tội phân biệt chủng tộc.
Bà Clinton cũng quả quyết rằng chính bà cũng muốn có các cuộc thanh lọc rà soát kỹ lưỡng, nhưng cho rằng nước Mỹ ‘trang bị tốt’ để đáp ứng với thách thức ngăn chặn các tay khủng bố.
Tại Quốc hội, các cuộc tấn công cuối tuần qua làm vực dậy những lời kêu gọi phải hành động.
Lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện, ông Harry Reid, lâu nay chủ trương cấm những người trong danh sách theo dõi khủng bố của chính phủ Mỹ không được mua súng.
Ông nói: “Quốc hội phải nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn những hành vi khủng bố. Trong lúc chúng ta đang lên tiếng đây, vẫn còn một kẽ hở trong luật pháp cho phép các nghi can khủng bố trên danh sách của FBI được quyền mua súng và chất nổ một cách hợp pháp. Hãy dừng lại và suy ngẫm về điều đó.”
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, John Cornyn, kêu gọi Tổng thống Barack Obama ký một dự luật đã được Quốc hội thông qua cho phép người Mỹ khởi kiện các tổ chức nước ngoài tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Collins cũng thúc giục người dân Mỹ giao tiếp nhiều hơn với cộng đồng Hồi giáo tại Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cấp quốc tịch ‘nhầm’ cho hàng trăm di dân

Chính phủ Mỹ đã sai sót khi cấp quốc tịch cho hơn 800 di dân mà lẽ ra đã bị trục xuất.
Một cuộc thanh tra nội bộ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ công bố ngày 19/9 phát hiện 858 di dân đến từ các nước đề ra nguy cơ an ninh đối với Hoa Kỳ hoặc những quốc gia có tỉ lệ gian lận di trú cao. Phúc trình không cho biết đó là những nước nào.
Tổng Thanh tra John Roth của Bộ An ninh Nội địa nói những di dân này dùng tên hay ngày sinh khác nhau để xin nhập quốc tịch. Ông nói sai sót này xảy ra vì dấu vân tay của các người đệ đơn bị thất lạc trong kho dữ liệu của chính phủ.
Ông Roth nói thêm “Tình trạng này tạo ra những sơ hở cho các cá nhân được hưởng những quyền và ưu tiên của công dân Mỹ do .”
Ít nhất có 3 trong số những người này đã dùng quốc tịch để xin đươc việc làm trong những lĩnh vực an ninh nhạy cảm, trong đó có những công việc tại những cơ sở hàng không và hàng hải thương mại. Bộ An ninh Nội địa cho biết là cả ba đã bị thu hồi tình trạng khả tín an ninh.
Người thứ 4 đã trở thành một nhân viên thi hành luật pháp.
Năm ngoái các nhà điều tra đã phát hiện 953 trường hợp khả nghi khác.
Bộ An ninh Nội địa nói phúc trình đã nêu bật thách thức lâu nay đối với các giới chức di trú – đó là việc các tài liệu trước kia trên giấy có dấu vân tay không thể tìm ra bằng máy tính được.
Phúc trình thanh tra khuyến cáo là các dấu vân tay trên giấy phải được lưu trữ bằng kỹ thuật số và đưa vào kho dữ liệu của chính phủ. Phúc trình cũng khuyến nghị là các giới chức nên tạo ra một hệ thống để đánh giá hàng trăm người được cấp quốc tịch vì sai sót.
Chỉ hai trường hợp trong số này bị truy tố.
Di dân được yêu cầu phải tiết lộ cho các giới chức di trú bất cứ bí danh nào được sử dụng trước đây cũng như về lịch sử di trú của họ, nhưng đôi khi họ bỏ sót thông tin này.
Ứng cử viên Tổng thống bên Đảng Cộng hòa Donald Trump đưa việc kiểm tra chặt chẽ di dân làm một phần chính trong cương lĩnh tranh cử. Ông đã kêu gọi tạm thời cấm di dân thuộc các nước có khủng bố vào Mỹ cho đến khi nào tiến trình kiểm tra chặt chẽ được thực hiện.

Gia đình nghi can đánh bom New York từng bị chú ý

Trước khi FBI liệt kê Ahmad Rahami là nghi can trong các vụ nổ bom cuối tuần qua xung quanh New York, gia đình của đương sự đã ‘có tiếng’ tại thành phố Elizabeth, bang New Jersey, vì các cuộc cãi cọ thường xuyên với hàng xóm liên quan đến nhà hàng gà rán họ làm chủ.
FBI dự định thẩm vấn Rahami (28 tuổi, sinh ra tại Afghanistan nhưng nhập tịch Mỹ) về vụ đánh bom khiến 29 người bị thương tại New York City hôm 17/9 và về các vụ nổ tại New Jersey.
Rahami bị câu lưu tại khu vực Linden lân cận thuộc New Jersey sau vụ chạm súng với cảnh sát hôm 19/9.
Rahami không có tên trong danh sách chống khủng bố của Mỹ, 3 giới chức Hoa Kỳ cho hãng tin Reuters biết như thế. Tuy nhiên, tên của nghi can này không lạ gì đối với Thị trưởng thành phố Elizabeth, Chris Bollwage, vì những khiếu nại thường xuyên về những tiếng ồn từ nhà hàng do gia đình Rahami làm chủ.
Ahmad Rahami từng theo học ngành tư pháp hình sự tại trường Middlesex County College ở Edison, bang New Jersey, theo thông tin nhà trường cung cấp. Đài NBC cho biết Rahami theo học trường này từ 2010 đến 2012 nhưng không tốt nghiệp.
Flee Jones, một người bạn thiếu thời của Rahami nói với Reuters rằng vài năm trước nghi can này có đi Afghanistan và kể từ sau đó, đương sự bắt đầu để râu quai nón và mặc y phục tôn giáo.
Chưa rõ chuyến đi này có tác động ra sao đối với Rahami, nhưng Jones cho biết Rahami trở nên trầm tư và nghiêm nghị hẳn từ sau chuyến thăm.
Cha của Rahami, ông Mohammed Rahami, mở nhà hàng gà rán tên là First American Fried Chicken từ năm 2002, theo hồ sơ tòa án.
Năm 2008, gia đình Rahami từng bị cảnh sát thành phố Elizabeth ‘sờ gáy’ vì lịch hoạt động 24/24. Thành phố này có chỉ thị cấm các tiệm bán thức ăn mở cửa sau 10 giờ đêm.
Năm 2011, tiệm ăn nhà Rahami từng đứng đơn một vụ kiện dân sự liên bang, khiếu nại rằng họ bị phân biệt đối xử. Vụ án bị đình chỉ vào năm 2012 và chưa được mở lại.
Thị trưởng Bollwage ngày 19/9 cho báo giới biết cách hành xử của thành phố đối với tiệm ăn nhà Rahami không hề liên quan gì đến sắc tộc hay tôn giáo của gia đình này.

Mỹ dùng hệ thống báo động qua điện thoại

để truy lùng khủng bố

Sau khi một nghi can được nhận dạng trong các vụ đánh bom tại New York và New Jersey, các giới chức New York đã dùng hệ thống báo động khẩn cấp qua điện thoại di động. Đây là lần đầu tiên hệ thống này được dùng trong một tình huống không phải báo động thời tiết hay báo động tìm trẻ lạc.
Ngày hôm nay, các điện thoại di động trong thành phố đều phát ra một tín hiệu khẩn cấp.
Dòng tin có nội dung: “Truy nã: Ahmad Khan Rahami, 28 tuổi, nam giới. Xem ảnh trên báo đài. Phát hiện gọi ngay 9-1-1,” theo báo New York Times.
Tờ New York Times nói tin nhắn được gởi hầu như cùng lúc khi Thị trưởng New York, Bill de Blasio, xuất hiện trên CNN để loan báo tên tuổi của nghi can.
Hệ thống Báo động Khẩn cấp Vô tuyến thường được dùng trong trường hợp thời tiết quá xấu hay có trẻ em bị mất tích.
Báo động có 3 loại: báo động thời tiết và tìm trẻ lạc gọi là Báo động Amber, và báo động do Tổng thống Mỹ ban hành. Mọi người có thể chọn không tiếp nhận hai loại báo động đầu, nhưng bắt buộc phải nhận báo động của Tổng thống.
Vào giữa ngày 19/9, Rahami bị bắt sau khi trúng thương trong một cuộc chạm súng với các nhân viên thi hành công lực ở New Jersey.

Tổng thống Mỹ trấn an dân chúng sau các vụ khủng bố

Trấn an dân chúng sau loạt tấn công khủng bố diễn ra mấy ngày qua tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama khẳng định lực lượng thực thi luật pháp và các cơ quan chống khủng bố đang tích cực hoạt động, đồng thời ông cũng thúc giục người Mỹ chớ có nao núng sợ hãi.
Phát biểu từ New York, nơi ông tham dự các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Obama nhấn mạnh tại những thời khắc như lúc này cần phải lưu ý mục tiêu mà khủng bố đang nhắm tới khi thực hiện các cuộc tấn công như nổ bom ở New York, New Jersey và đâm dao tại Minnesota.
Ông nói: “Khủng bố đang tìm cách làm tổn thương những người vô tội và muốn gieo rắc sự sợ hãi, làm xáo trộn cuộc sống của chúng ta, và gây phương hại các giá trị của chúng ta. Chúng ta phải cảnh giác và mạnh mẽ không chỉ để ngăn ngừa những hành vi bạo lực vô nghĩa này mà còn để truy tìm những kẻ ra tay và mang họ ra trước công lý. Mỗi người chúng ta đều có vai trò phải gánh vác trong tư cách là công dân để đảm bảo rằng chúng ta không cúi đầu sợ hãi.”
Tổng thống Mỹ nói các chuyên viên chống khủng bố và chấp pháp mọi cấp đang nỗ lực hết mình để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố, đã vô hiệu hóa nhiều âm mưu cũng như cứu được nhiều mạng người.
Ông khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu liên minh toàn cầu chống lại nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo, nhóm đã kích động nhiều vụ tấn công khủng bố thông qua mạng internet.
Các giới chức thực thi luật pháp Hoa Kỳ cho hay ngày 19/9 đã bắt giữ Ahmad Rahami, 28 tuổi, người liên quan đến các vụ nổ bom hôm thứ bảy tại New York và New Jersey. Họ cho biết nghi can này đang bị câu lưu sau một vụ chạm súng với cảnh sát.
Liên quan những thắc mắc rằng quá trình điều tra đang xúc tiến ra sao, Tổng thống Obama nói ông nhường câu trả lời cho Cục Điều tra Liên bang.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi truyền thông chớ có ‘cầm đèn đi trước ô tô’ hoặc tường trình những tin tức vô căn cứ và phiến diện.

Bắc Triều Tiên thử thành công động cơ phi đạn mới

Truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên hôm thứ Ba cho biết nước này đã thử nghiệm thành công một động cơ phi đạn mới, có công năng cao, dưới sự giám sát trực tiếp của lãnh tụ Kim Jong Un. Vụ thử nghiệm này diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm đầu đạn hạt nhân thứ năm và cũng là mạnh nhất của mình.
Phát ngôn viên của Hội đồng Tham mưu trưởng của Hàn Quốc Jeon Ha-kyu cho biết vụ thử nghiệm bao gồm một động cơ dành cho một phi đạn tầm xa:
“Dựa trên những gì Bắc Triều Tiên công bố, chúng tôi nhận thấy lực đẩy của động cơ đã cải thiện. Chúng tôi sẽ theo dõi và giám sát chặt chẽ thêm bất kỳ chuyển động nào có thể xảy ra của quân đội Bắc Triều Tiên vào tháng sau.”
Thông tấn xã của Bắc Triều Tiên cho hay động cơ mới sẽ cho Bắc Triều Tiên “đủ khả năng chuyên chở để phóng nhiều loại vệ tinh, bao gồm vệ tinh quan sát Trái đất ở cấp độ thế giới.”
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un được cho là đã trực tiếp giám sát vụ thử nghiệm. Hãng thông tấn KCNA dẫn lời ông Kim nói rằng ông ta đã chỉ thị các quan chức chuẩn bị cho một vụ phóng vệ tinh “sớm nhất có thể.”
Trong một cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Ba, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng được hỏi liệu Trung Quốc có xem vụ thử nghiệm này thuộc một chương trình không gian hòa bình hay không, hay là một sự vi phạm những biện pháp trừng phạt.
Ông Lục nói: “Về hoạt động phóng phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên, hiện tại Hội đồng Bảo an đã có những quy định rất rõ ràng. Vì vậy chúng tôi hy vọng tất cả các bên tôn trọng những nghị quyết có liên quan của Liên Hiệp Quốc.”
Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Triều Tiên nhưng đã ủng hộ những chế tài của Liên Hiệp Quốc nhắm vào chương trình hạt nhân và phi đạn của nước này.
Trong năm qua, Bắc Triều Tiên đã thực hiện một số vụ thử nghiệm phi đạn tầm xa trong khuôn khổ một chương trình không gian mà Liên Hiệp Quốc và những nước khác cho là vỏ bọc cho một vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo và hỏa tiễn.
Vụ thử nghiệm động cơ mới diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm đầu đạn hạt nhân thứ năm và mạnh nhất của nước này. Bắc Triều Tiên tuyên bố vụ thử nghiệm cho họ khả năng gắn một đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên phi đạn.

Hy Lạp: Cháy trại tị nạn, hàng ngàn người tháo chạy

Hàng ngàn người buộc phải bỏ chạy sau khi một đám cháy bùng lên tại một trại tị nạn trên đảo Lesbos của Hy Lạp.
Các tình nguyện viên tại trại tị nạn Moria cho biết khoảng 4.000 người đã được sơ tán khỏi đám cháy. Không có báo cáo về thương tích.
Các giới chức cứu hỏa đang điều tra nguyên nhân trận hỏa hoạn đêm 19/9 và đang đánh giá mức độ thiệt hại.
Có tổng cộng 5.400 di dân và người tị nạn sống trên đảo Lesbos, đích đến chính của hơn 1 triệu người từ Thổ Nhĩ Kỳ đặt chân tới các hòn đảo phía đông Hy Lạp kể từ đầu năm 2015.
Hy Lạp đang chật vật để giảm bớt tình trạng quá tải của các trại tạm cư cho di dân trên các hòn đảo mặc dù dòng chảy di dân năm nay đã giảm so với năm ngoái. Tiến trình xử lý đơn xin tị nạn chậm chạp càng châm ngòi cho những bức xúc đôi khi dẫn tới bạo động.
Trong số những người trên đảo, có 60.000 di dân bị mắc kẹt ở Hy Lạp. Hầu hết số này đã thực hiện những chuyến hải hành nguy hiểm vượt Địa Trung Hải để chạy thoát chiến tranh và nghèo đói ở châu Phi và Trung Đông.

Nhóm Hỗ trợ Quốc tế Syria họp khẩn

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết đặc sứ từ Nhóm hỗ trợ Syria Quốc tế gồm 19 quốc gia ngày 20/9 sẽ mở phiên họp khẩn tại New York để đánh giá các điều kiện trên thực địa tại Syria.
Cuộc họp được công bố hôm 19/9, chỉ vài giờ sau khi lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố chấm dứt cuộc ngưng bắn kéo dài một tuần lễ.
Không lâu sau, Liên Hiệp Quốc xác nhận tin đoàn xe cứu trợ chung của Liên Hiệp Quốc và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Syria chở hàng viện trợ cho gần 80.000 người ở phía tây thành phố Aleppo bị trúng không kích.
Cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Jan Egeland, cho báo giới biết có nhiều người chết và nhiều người bị thương. Không có chi tiết nào khác được tiết lộ tức thì và cũng chưa rõ máy bay của phe nào thực hiện các cuộc không kích.
Thỏa thuận ngưng bắn, do Nga_đồng minh của Syria_ và Hoa Kỳ thương lượng nhằm cho phép thực phẩm viện trợ và thuốc men tối cần thiết được chuyển tới các khu vực bị binh sĩ Syria ngăn trở tiếp cận viện trợ. Lệnh ngưng bắn không buộc Syria, đồng minh Nga, hoặc phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn phải ngưng các cuộc tấn công nhắm vào các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo đang tìm cách chiếm quyền kiểm soát Syria.
Hôm 19/9, chỉ huy quân sự Syria cáo buộc các nhóm nổi dậy tìm cách lật đổ chính phủ Assad đã phá vỡ cuộc ngưng bắn bằng cách sử dụng thời gian này để tái vũ trang và củng cố các vị trí của họ.
Tuy nhiên, giới quan sát, các phần tử nổi dậy, và nhân viên nhân đạo của Liên Hiệp Quốc đang tìm cách phân phối hàng viện trợ đã phản pháo những cáo buộc đó, nói rằng chính quân đội nhà nước Syria đã cản trở các nỗ lực cứu trợ trong khi liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn.
Tới trưa ngày 19/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, John Kirby, cho biết một ít chuyến hàng cứu trợ khởi sự sớm thứ Hai, nhưng chỉ đến được rất ít các khu vực. Ông Kirby cũng cho biết Washington đang chuẩn bị mở rộng và tăng cường lệnh ngưng bắn, và sẽ nhờ ảnh hưởng của Nga đối với chính quyền Assad để đạt những mục tiêu đó.

Biểu tình ở Congo, 17 người chết

Cảnh sát Cộng hòa Dân chủ Congo loan báo ít nhất 17 người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình đòi Tổng thống Joseph Kabila từ nhiệm.
Các quan chức cho biết trong số này có 3 cảnh sát và 14 thường dân. Bạo lực bùng phát sáng ngày 19/9 khi cảnh sát ngăn người biểu tình tập trung tại thủ đô Kinshasa.
Các nhân chứng cho biết một số người biểu tình đã ném đá, nổi lửa đốt lốp xe và ô tô trong khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn thật vào người biểu tình.
Vào giữa trưa, cảnh sát chống bạo động và binh sĩ bố trí trên khắp con đường dẫn đến nơi họp mặt của người biểu tình gần tòa nhà quốc hội. Đài VOA ghi nhận lực lượng an ninh đã ngăn chặn ít nhất 6 người trông như các quan sát viên nước ngoài và tống họ lên xe.
Một lãnh đạo đối lập nói với đài VOA qua điện thoại rằng ông và những người khác bị cầm chân tại một trong những trụ sở đảng của họ và không được phép bước ra khỏi đây.
Phe đối lập cáo buộc Tổng thống Kabila tìm cách gia hạn thời gian cầm quyền một cách vi hiến bằng cách trì hoãn bầu cử. Phe ủng hộ Tổng thống bác tố cáo này.
Lẽ ra hôm nay 19/9 là ngày tiến trình bầu cử Congo phải được khởi sự để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tháng 11 tới đây. Nhưng ủy ban bầu cử loan báo nên trì hoãn bầu cử tới năm sau để nó thêm thời gian soạn một danh sách cử tri mới.
Mỹ bày tỏ thất vọng vì Congo hôm nay không công bố lịch bầu cử và cho biết Washington hết sức quan ngại trước các tin tức về tình trạng bạo động đang diễn ra. Mỹ đe dọa sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Congo chịu trách nhiệm về vụ đàn áp và bạo động.

OSCE: Bầu cử Hạ viện Nga thiếu tự do, công bằng

Các nhà quan sát bầu cử lưu ý cuộc bầu cử Quốc hội Nga, nói rằng không tự do và không công bằng.
Phái bộ quan sát bầu cử của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), cơ quan theo dõi các quyền công dân và giám sát an ninh của châu Âu, ngày 18/9 cho biết cuộc bỏ phiếu Hạ viện Nga hôm 18/9 được ‘quản lý minh bạch’ nhưng ‘vẫn còn những thách thức về cam kết dân chủ.’
Ông Ilkka Kanerva, một nghị sĩ người Phần Lan đứng đầu phái bộ giám sát bầu cử của OSCE, nói với các phóng viên tại Moscow hôm 19/9 rằng ngày bầu cử ‘nhìn chung được tiến hành một cách có trật tự,’ nhưng ‘ghi nhận có nhiều bất thường về mặt thủ tục trong quá trình kiểm phiếu.’
Ông nói thêm môi trường bầu cử của Nga đã ‘bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những hạn chế đối với các quyền tự do và quyền chính trị căn bản, bởi phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ và xã hội dân sự bị siết chặt nghiêm ngặt.’
‘Sự minh bạch và tin tưởng được cải thiện mà chúng tôi ghi nhận trong khâu quản lý bầu cử là những bước đi quan trọng, nhưng các hạn chế pháp lý về các quyền căn bản vẫn còn là một vấn đề,’ ông Kanerva nói.
Với hơn 99% số phiếu từ cuộc bầu cử hôm 18/9 đã được đếm, Đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin dành được hơn 54% số phiếu, Đảng Dân chủ Tự do Nga và Đảng Cộng sản Liên bang Nga theo sau, mỗi đảng được khoảng 13% số phiếu. Đảng A Just Russia chỉ được 6%. Tỷ lệ cử tri đi bầu xấp xỉ 48%.
Cơ quan giám sát bầu cử kết luận rằng cuộc bầu cử Hạ viện Nga năm nay ‘chưa thể gọi là thật sự tự do và công bằng.’
Lên tiếng ngày 19/9 ca ngợi kết quả bầu cử, Tổng thống Nga nói rằng kết quả này cho thấy ‘công dân Nga phản ứng ra sao trước áp lực từ bên ngoài đối với Nga, trước những đe dọa trừng phạt, và trước những âm mưu gây mất ổn định tình hình nước ta từ bên trong.’

Israel lập phái bộ ngoại giao tại trụ sở NATO

Israel lập một phái bộ tại trụ sở NATO ở Brussels, nhằm tăng cường quan hệ với liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Tòa đại sứ Israel cho hay đại sứ Israel tại Liên hiệp châu Âu, ông Aharon Leshno-Yaar, thứ Sáu tuần rồi đã trình giấy ủy nhiệm cho Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg.
Thư nói phái bộ ngoại giao vừa thành lập dự kiến sẽ củng cố sự đóng góp của Israel đối với NATO.
Thông cáo cho hay đại sứ Israel và Tổng thư ký NATO đã thảo luận về Kế hoạch Hành động chung giữa Israel và liên minh, đồng thời lưu ý rằng ông Stoltenberg đánh giá cao sự tăng cường hợp tác giữa Israel và NATO trong những năm gần đây.
Đại sứ Leshno-Yaar nói ‘thành lập một văn phòng thường trực phản ánh vai trò của Israel trong việc cổ súy hòa bình và ổn định trong khu vực.’
Hồi tháng 6, Tổng thư ký Stoltenberg từng tuyên bố tăng cường hợp tác là thiết yếu vì Israel đã là một đối tác tích cực của liên minh trong 20 năm qua.

Đức: Đảng chống nhập cư được ủng hộ

trong cuộc bầu cử ở Berlin

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm thứ Hai, 19/9, đã nhận một phần trách nhiệm về việc đảng của bà bị thua trong cuộc bầu cử ở Berlin. Ngoài ra, bà cam kết sẽ không lặp lại việc mở cửa biên giới cho người tị nạn đầy hỗn loạn hồi năm ngoái.
Mặc dù bà bảo vệ quyết định “mang tính chính trị và đạo đức” về mở biên giới của Đức cho một triệu người tị nạn trong nỗ lực ngăn chặn một thảm họa nhân đạo tiềm tàng hồi năm ngoái, bà Merkel thừa nhận có những sai lầm mà bà sẽ tránh trong tương lai.
Bà cho biết chính phủ “không sẵn sàng lắm hồi cuối mùa hè năm 2015″.
Đảng chống nhập cư có tên Sự thay thế dành cho nước Đức (AfD) đã hưởng lợi từ phản ứng dữ dội của nhiều người đối với quyết định của bà Merkel cách đây một năm về việc vẫn mở cửa biên giới Đức cho người tị nạn. Tuy chỉ đứng vị trí thứ năm, đảng AfD đã giành được 14% số phiếu, giúp cho đảng mới có 3 năm tuổi có ghế trong 10 hội đồng cấp bang trong tổng số 16 bang của Đức.
Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc của bà Merkel đứng thứ hai tại Berlin, với 17,6% số phiếu, đây là kết quả tồi tệ nhất của đảng từ trước đến nay ở thủ đô.
Đảng Dân chủ Xã hội giành được 22% số phiếu. Nhưng do sự thất bại của cả hai đảng trong cuộc bỏ phiếu ở Berlin, họ không có đủ sự ủng hộ dành cho một chính phủ liên minh.

Nạn nhân lũ lụt ở Bắc Hàn được hỗ trợ ra sao?

Hàng ngàn người dân Bắc Hàn sống sót sau trận lũ lụt tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2 sẽ không nhận được hỗ trợ nhân đạo từ Nam Hàn dù Bình Nhưỡng có kêu gọi giúp đỡ đi chăng nữa.
Hôm qua tại buổi họp báo, Phát ngôn nhân Jeong Joon-hee của Bộ Thống nhất Nam Hàn cho biết Bắc Hàn đã không lên tiếng nhờ vả Nam Hàn giúp đỡ trong trận lũ lụt lịch sử này.
Theo suy luận của ông Jeong Joon-hee, trong trường hợp Bình Nhưỡng có kêu gọi giúp đỡ thì khả năng hỗ trợ của Seoul là rất thấp vì chính Bình Nhưỡng còn bỏ mặc người dân, chỉ tập trung tài lực với những khoản chi phí khổng lồ để thử nghiệm vũ khí nguyên tử.
Bắc Hàn xác nhận đã có 133 người chết và 395 người bị mất tích. Gần 70 ngàn người trong cảnh màn trời chiếu đất. Hàng chục ngàn ngôi nhà, trường học, các cơ sở vật chất và 40 ngàn héc-ta đất canh tác bị hư hại.
Các cơ quan cứu trợ quốc tế như Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc đã gửi thực phẩm cùng nhiều hình thức cứu trợ khác đến Bắc Triều Tiên, đồng thời kêu gọi sự đóng góp hàng triệu đô la của quốc tế.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Bắc Hàn loan đi lời phát biểu của Chủ tịch Kim Jong-Un rằng các nỗ lực phối hợp cứu trợ người dân, dưới sự điều hành của chính quyền Bình Nhưỡng, chứng minh “tình yêu con người mà các quốc gia tư bản không có được”, cũng như sẽ khiến thế giới ngạc nhiên như lần thử nghiệm hạt nhân lần thứ 5 vừa qua.

TQ áp giải nghi can từ Pháp

Trung Quốc tiết lộ đã áp giải một nghi phạm tham nhũng từ Pháp về nước.
Đây là vụ đầu tiên từ khi hai nước ký hiệp định dẫn độ, có hiệu lực từ 2015.
Ông Trần Văn Hoa bị công an tỉnh Chiết Giang truy nã.
Chiều ngày 20/9, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc truy bắt tội phạm tham nhũng đã trốn ra nước ngoài cùng tang vật.
Trung Quốc “luôn coi trọng hợp tác quốc tế trong truy bắt tội phạm tham nhũng đã trốn ra nước ngoài cùng tang vật”, ông Lục nói tại buổi họp báo ở Bắc Kinh.
Nghi can Trần Văn Hoa bị đưa về Trung Quốc tuần trước.
Ông này trốn sang Pháp tháng Ba 2013 sau khi bị tố cáo biển thủ khoảng 3 triệu đôla từ 2009 đến 2012, theo Tân Hoa Xã.
Năm 2014, công an Trung Quốc phát lệnh truy nã, Interpol phát lệnh truy nã đỏ, và cảnh sát Pháp bắt giữ ông này năm ngoái.
Tân Hoa Xã nói chiến dịch của công an Trung Quốc đã phát hiện 409 người trốn ở nước ngoài.

Đoàn cứu trợ bị ném bom ở Syria

Đoàn hộ tống các xe tải chở hàng cứu trợ đã bị không kích gần thành phố Aleppo của Syria, tin tức cho biết, nhiều giờ sau khi quân đội công bố thời gian đình chiến kết thúc.
Tin chưa xác nhận cho biết có 12 người thiệt mạng trong cuộc tấn công gần thị trấn Urm al-Kubra.
Phát ngôn viên Liên hiệp Quốc nói ít nhất 18-31 xe tải đã bị tấn công nhưng không xác nhận có phải do không kích gây ra hay không.
Đặc sứ Liên hiệp Quốc về Syria Staffan de Mistura nói đó là điều gây “giận dữ”.
“Đoàn hộ tống là kết quả của một tiến trình dài xin giấy phép và chuẩn bị để hỗ trợ những thường dân bị cô lập,” ông nói trong một thông cáo gửi tới hãng tin Reuters.
Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Syria nói đoàn hộ tống thực hiện chuyến phân phát hàng cứu trợ hàng ngày từ Aleppo đến các khu vực ngoại thành do phiến quân nắm giữ. Hình ảnh trên mạng cho thấy các xe tải và các xe đầu kéo chìm trong biển lửa.
Nhóm hoạt động Đài Quan sát Nhân quyền Syria (SOHR) nói 12 người trong đó có nhân viên cứu trợ và tài xế xe tải – đã thiệt mạng trong cuộc không kích do máy bay Nga và Syria tiến hành. Chính phủ Syria chưa bình luận gì.
Một nhân chứng nói với hãng tin Reuters qua điện thoại cho biết 5 tên lửa đã đánh vào các xe tả đang đậu ở một trung tâm của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm đỏ ở Urm al-Kubra.
Cố vấn nhân quyền của đặc sứ de Mistura, ông Jan Egeland, nói đoàn hộ tống đã “bị đánh bom” khi đang dỡ hàng tại nhà kho. Khoảng 78.000 người cần được cứu trợ ở khu vực Urm al-Kubra.
Ingy Sedky, từ Hội đồng Quốc tế Tổ chức Chữ thập Đỏ, mô tả tình hình tại hiện trường “rất hỗn loạn”.
“Chúng tôi cực kỳ sốc khi biết những nhân viên thực hiện sứ mệnh nhân đạo một lần nữa phải hứng chịu sự tàn bạo của cuộc xung đột này,” bà nói với hãng tin AFP.
việc phân phát hàng cứu trợ đến những khu vực bị chiếm đóng là nội dung chủ chốt của thỏa thuận đình chiến giữa Nga và Hoa Kỳ bảy ngày trước.
Nhưng quân đội Syria và phe phiến quân đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn.
Trước đó, tin cho biết không kích đã tấn công Aleppo và các thành phố khác sau khi quân đội Syria tuyên bố bảy ngày “chế độ bình ổn” kết thúc.
Quân đội Syria nói các nhóm phiến quân mà họ gọi là “khủng bố”, đã không tuân thủ bất cứ quy định nào của cuộc đình chiến.
Hoa Kỳ, bên môi giới ngừng bắn cùng với Nga, nói họ đang làm việc để kéo dài thỏa thuận, nhưng kêu gọi phía Nga làm rõ tuyên bố của Syria.
“Thỏa thuận của chúng tôi là với Nga, bên đang chịu trách nhiệm về sự tuân thủ của chính phủ Syria, vì thế chúng tôi kêu gọi Nga làm rõ vị trí của họ,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby nói.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chỉ trích tuyên bố của Syria, nói: “Sẽ tốt hơn nếu họ không nói với báo chí trước mà là nói chuyện với những người đang thực sự thương thảo về vấn đề này.”
Trước đó ông miêu tả cuộc đình chiến là “vẫn còn nhưng mong manh”.
Hoa Kỳ và Nga sẽ có các đàm phán trong tương lai về tình hình Syria tại thành phố New York hôm thứ Ba 20/9, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria nói các cuộc không kích nhắm vào các khu vực phiến quân nắm giữ ở Aleppo và các khu làng phía tây.
Phóng viên của hãng tin AFP trong thành phố nói pháo kích và không kích đã đánh vào Sukkari và Amiriyah, hai quận miền Đông.
Các cuộc không kích của chính phủ cũng được ghi nhận tại hành phố Homs, thành phố Hama và Idlib.
“Đau đớn và thất vọng”
Thỏa thuận ngừng bắn bao gồm việc cứu trợ nhân đạo đến những vùng bị tấn công nặng nề nhất, nhưng chuyến chuyển hàng ngày thứ Hai đã không đến nơi.
Đội hộ tống gồm 20 xe tải dự định sẽ cung cấp nhu yếu phẩm cho các khu vực phiến quân chiếm đóng ở miền đông Aleppo, nơi khoảng 275.000 người dân mắc kẹt và không có thực phẩm hay hỗ trợ y tế.
Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề Nhân đạo Stephen O’Brien nói ông “đau đớn và thất vọng” khi đoàn hộ tống đã không thể vào Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số hàng cứu trợ đã được phân phát tại thị trấn Talbiseh bị chiếm đóng ở tỉnh Homs vào hôm thứ Hai 19/9, Tổ chức Chữ Thập Đỏ cho biết.
Cuộc đình chiến tan vỡ hôm thứ Bảy 17/9, khi các máy bay chiến đấu của liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ném bom lính Syria ở thành phố miền Đông Deir al-Zour, có lẽ là do vô ý.
Các quan chức nói cuộc không kích làm thiệt mạng 60 binh lính. Tổng thống Bashar al-Assad gọi đó là “ví dụ mới nhất cho thấy sự hiếu chiến rõ ràng của người Mỹ nhắm vào các vị trí quân đội của Syria vì lợi ích của Tổ chức khủng bố Daesh [IS].”
Hôm thứ Hai 19/9, Hoa Kỳ xác nhận máy bay của Anh – được cho là máy bay không người lái điều khiển từ xa Reaper – đã thực hiện cuộc không kích – cùng với phi cơ chiến đấu của Úc và Đan Mạch.

Bầu cử 2016: trái tim mù lòa!

Công luận đang nhận xét rằng:  cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2016-2020 là một cuộc bầu cử kỳ lạ nhất trong lịch sử.  Cử tri sẽ không chọn người giỏi hơn, kinh nghiệm hơn hay, ít nhất… tốt hơn.  Mà dân chúng Hoa kỳ sẽ đối mặt với sự lựa chọn để bầu một người… ít tệ hơn.
Vào cuối tuần qua, từ ngày Thứ Bảy 17/9 sang qua Chủ Nhật 18/9, đã xảy ra liên tục ba sự kiện mang tính chất tấn công khủng bố.  Thứ nhất là vụ nổ bom tại Mannhatan, New York làm 29 người bị thương.  Thứ nhì là vụ tấn công 9 người bằng dao tại một khu thương xá ở tiểu bang Minnesota, hung thủ đã cảnh sát bị bắn chết.  Thứ ba là tìm thấy một túi chứa các dụng cụ gây nổ tại thành phố Elizabeth, New Jersey.
3 sự kiện mang tính khủng bố trên đem lợi thế cho quan điểm chống di dân lậu, bài Hồi giáo cứng rắn của ứng cử viên Cộng hòa, Donald Trump.  Tuy nhiên, cũng trong tuần lễ này, ông Robert Gates, thuộc đảng Cộng Hòa, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng dưới thời tổng thống Bush con và tổng thống Obama, đã viết một bài xã luận trên tờ Wall Street Journal rằng: Donald Trump không đủ sức và không thích hợp trở thành vị tổng tư lệnh.  Theo ông Gates, thì Trump cứng đầu không tiếp thu thông tin về tình hình thế giới và cách để lãnh đạo đất nước, cũng như tính khí nóng dễ bị khiêu khích nên không phù hợp để chỉ huy quân đội.  Nặng nề hơn, ông Gates nhận định: trên phương diện an ninh quốc gia, Trump là hết thuốc chữa trong hàm ý thiếu xót khả năng lãnh đạo.
Tương tự, về mặt an ninh, bà Clinton cũng không đem lại cảm giác an toàn cho dân chúng.  Bởi vì, với những scandal liên quan đến vấn đề xử dụng email không qua hệ thống bảo mật của chính phủ. Cùng với quỹ từ thiện Clinton Foundation của gia đình bà nhận những sự quyên góp có nguồn gốc ngoại quốc. Rồi đến những cáo buộc trách nhiệm trong vụ tấn công tòa lãnh sự tại Benghazi đã được các đối thủ tận dụng tấn công tối đa. Những điều này khiến dân chúng Hoa kỳ nghi ngờ rằng bà có thật sự làm việc vì quốc gia, hay chỉ là tham vọng cá nhân.
Ngay cả việc bà Clinton quỵ chân khi tham dự lễ tưởng niệm vụ tấn công khủng bố vào  ngày 11/9 tại New York vừa qua, chẳng những sức khỏe không được công luận quan tâm lo lắng, mà bà còn bị tra hỏi nhiều hơn về việc không công bố hồ sơ bệnh lý, khi mà trước đó 2 ngày bác sĩ đã chẩn đoán bà bị viêm phổi.  Điều này đã đưa ban tranh cử của ứng viên đảng Dân Chủ một lo lắng mới, khi sự ủng hộ thành phần cử tri trẻ nòng cốt của đảng Dân Chủ bị tuột xuống.
Trong khi vì những lời biện hộ quanh co về chuyện email và sức khỏe khiến sự ủng hộ dành bà Clinton bị mất dần, thì ông Trump với chiến thuật nói khoác, nói đi nói lại và thậm chí nói không đúng sự thực lại lên điểm.
Từ luận điệu cuồng nhiệt đòi xây bức tường biên giới bằng tiền của Mexico, nhưng lại tường thuật một cách yếu ớt sau khi gặp tổng thống Nieto. Tới kế hoạch không thực tế, đầy ảo tưởng khi đòi tống xuất 11.5 triệu người di dân lậu. Thậm chí ca ngợi tổng thống Nga Putin, cựu gián điệp KGB của Sô viết, người vừa thâu tóm  miền đất Crimea. Vậy mà ông Trump lại từng bước xây dựng vững chắc thành phần cử tri hậu thuẫn cho mình, giữa lúc dư luận thắc mắc về hồ sơ thuế, cũng như bị những vụ kiện lừa đảo về đại học mang chính tên mình.  Không ai có thể đoan chắc chiến thuật tranh cử của ông Trump dựa trên tiêu chuẩn lập trường xác quyết nào.  Bời vì, ông sẵn sàng tung ra một điều không thật, ngay khi ông phải chấm dứt một tin đồn do chính mình dựng lên.  Rõ ràng, giữa lúc lên tiếng để kết thúc vụ ồn ào liên quan đến phong trào Birthers- không tin tổng thống Obama sinh ra tại Hoa kỳ- do chính ông gây ồn ào và theo đuổi, thì ông lại tung ra một điều không thật khác, là chính bà Clinton đã khởi xướng phong trào Birthers này.
Trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2016-2020 này, cử tri Mỹ không có sự lựa chọn bằng lý trí.  Bởi vì, với cả hai ứng cử viên: một bên nói không ai tin và một bên xây dựng cuồng nhiệt bằng những luận điệu giả trá.
Nhưng nhiệt tình của 2 thành phần cử tri đều mạnh giống nhau.
Do đó, sự lựa chọn chỉ còn thuần túy là cảm tính.
Mà con tim thì … luôn luôn mù lòa!
Mai Phi-Long/SBTN

Công ty Trung Quốc

hỗ trợ chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng?

Hôm nay, 20/09/2016, Nhà Trắng thông báo tổng thống Mỹ Barack Obama và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, trong cuộc gặp bên lề cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, đã quyết định lưu ý đến hoạt động tài chính của công ty Liêu Ninh Hồng Tường (Liaoning Hiongxang). Washington nghi ngờ công ty này hậu thuẫn cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Nhật báo Mỹ, Wall Street Journal,  trích nhiều nguồn tin thân cận, cho biết tuần này bộ Tư Pháp Hoa Kỳ sẽ ra thông báo điều tra các công ty Trung Quốc mà họ nghi ngờ đã trợ giúp về tài chính cho Bình Nhưỡng. Tháng trước, các quan chức tư pháp Hoa Kỳ đã hai lần sang Trung Quốc để giải thích cho tư pháp Trung Quốc về các hoạt động phạm pháp của công ty Liêu Ninh Hồng Tường.
Hãng tin Reuters cho biết, theo một thông cáo xuất hiện trên các mạng xã hội vào tuần trước, công an tỉnh Liêu Ninh đang điều tra về « các vụ vi phạm kinh tế nghiêm trọng » và các nghi phạm có liên quan có thái độ hợp tác.
Công ty Liêu Ninh Hồng Tường hoạt động dưới sự lãnh đạo của một quan chức đảng Cộng Sản Trung Quốc. Theo nhật báo Mỹ, một số tài sản của doanh nghiệp này, tài sản của bà Mã Hiểu Đông, người sáng lập và lãnh đạo công ty cũng như tài sản của người thân trong gia đình bà Mã và các đối tác bên ngoài của bà đã bị chính quyền Trung Quốc phong tỏa trong vài tuần qua.
Viện nghiên cứu chính sách Asan của Hàn Quốc và Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng nâng cao của Washington (C4ADS) đã phát giác ra là Bình Nhưỡng và tập đoàn Liêu Ninh Hồng Tường đã có các giao dịch trị giá hơn 500 triệu đô la trong khoảng thời gian từ 01/2011 đến 09/2015. Theo một ước tính, khoản tiền này đủ để vận hành các cơ sở làm giàu uranium cũng như việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Tập đoàn Liêu Ninh Hồng Tường cũng có quan hệ trên lĩnh vực hàng hải với Bắc Triều Tiên. Một đoàn tàu gồm 10 chiếc của tập đoàn này thường xuyên di chuyển giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
Nhân dịp này, Nhà Trắng cũng thông báo là Bắc Kinh và Washington đã quyết định tăng cường hợp tác trên nhiều cấp độ sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5.
Trong khi đó, hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay thông báo nước này đã thử nghiệm thành công một động cơ tên lửa mới và rất mạnh, và như vậy Bình Nhưỡng có cơ hội để phóng các vệ tinh, bao gồm các vệ tinh quan sát trái đất.

Syrie : Đối lập Syria cầu cứu Liên Hiệp Quốc

Tình hình bi thảm của Syria là trọng tâm các cuộc thảo luận tại Liên Hiệp Quốc nhân phiên họp Đại Hội Đồng khai mạc vào thứ Ba 20/09/2016 ở New York. Trên chiến trường, thỏa thuận ngưng bắn đã tan vỡ nhưng ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, các nhà ngoại giao vẫn còn tin vào cơ may hàn gắn. Trong khi đó, đối lập Syria do Tây phương ủng hộ, khẩn thiết kêu cứu.
Từ New York, đặc phái viên Anne Corpet tường trình :
« Liên Hiệp Quốc vẫn hy vọng khai mạc Đại Hội Đồng thường niên vào thứ Ba với tình hình yên ắng tại Syria. Nhưng, ngày thứ Hai 19/09, đoàn xe chở hàng nhân đạo, tiếp tế cho thành phố Aleppo và do Liên Hiệp Quốc tổ chức, bị oanh kích. Tin này làm cho các nhà ngoại giao phải nhìn nhận một thực tế là họ bất lực.
Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Riad Hijab, điều hợp viên của đối lập Syria không giấu thất vọng và bất bình : « Đã đủ lắm rồi. Thế giới chỉ khoanh tay ngồi nhìn. Đã đến lúc phải hành động và nhận lấy trách nhiệm. Phải chờ thêm bao nhiêu nghị quyết vô ích nữa của Hội Đồng Bảo An ? Vì sao không có biện pháp chế tài khi nghị quyết bị vi phạm ? ».
Chính đại sứ Ả Rập Xê Út tại Liên Hiệp Quốc, Abdalah al-Mouallimi, báo tin đoàn xe cứu trợ của Liên Hiệp Quốc bị máy bay dội bom. Ông khằng định là không có thông tin gì thêm và hy vọng vụ oanh kích này không làm tan vỡ thỏa thuận ngưng bắn mà các nhà ngoại giao từ chối chôn vùi.
Phát ngôn viên của đối lập Syria, Monzer Makhous tỏ ra bi quan : Hy vọng vào phiên họp của Hội Đồng Bảo An sẽ mang lại một ít tiến triển. Nhưng cơ may này rất mong manh.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault kêu gọi các nước liên can « hợp lực » để thỏa thuận hưu chiến được tôn trọng. Ngoại trưởng Pháp thúc giục Washington và Matxcơva « gia tăng đối thoại » cho dù “không thể chỉ giới hạn giữa hai nước” Mỹ -Nga. »

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.