Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 06/09/2016

Tuesday, September 6, 2016 5:39:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 06/09/2016

Việt Nam mua thêm 40 máy bay Airbus

Ba hãng hàng không của Việt Nam đặt mua máy bay của Airbus, Pháp với tổng giá trị hợp đồng dự tính khoảng 6,5 tỷ USD.
Thỏa thuận mua bán được ký kết hôm 06/09, trong chuyến thăm Việt Nam chính thức hai ngày của Tổng thống Francois Hollande.
Tổng cộng phía Việt Nam mua 40 máy bay, trong đó Vietnam Airlines mua 10 chiếc A350, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific mua 10 chiếc A320 và VietJet Air đặt 20 chiếc loại A321.
Ông Hollande là vị Tổng thống Pháp thứ ba tới Việt Nam, nói thỏa thuận mua máy bay này “cực kỳ quan trọng” và trong nỗ lực nhằm thiết lập quan hệ kinh tế “trên cơ sở chuyển giao công nghệ”giữa hai quốc gia.
Đây là động thái mới nhất của hàng không Việt Nam nhằm tăng số lượng máy bay và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu ở cả trong nước và quốc tế, AFP phân tích.
Mua loại máy bay thân rộng của Airbus có thể giúp Vietnam Airlines phát triển các tuyến bay dài, bắt đầu bằng dịch vụ bay nối thành phố Hồ Chí Minh với Los Angeles, Hoa Kỳ, theo Reuters.
Image copyrightADRIAN DENNIS AFP GETTY IMAGESImage captionMáy bay A350 của Airbus
VietJet Air được cho là đã chiếm 40% thị phần nội địa Việt Nam, và có thể sẽ vượt qua Vietnam Airlines trong năm nay, trở thành hãng hàng hàng không cung cấp dịch vụ nội địa lớn nhất của Việt Nam.
Hồi tháng 5/2016, VietJet Air cũng đã ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD đặt mua 100 chiếc 737 MAX 200 của Boeing, trong chuyến Tổng thống Obama tới Việt Nam.
Hãng tin Reuters đánh giá ở thời điểm đó rằng, VietJet Air sẽ trở thành một trong hai hãng hàng không giá rẻ duy nhất trong khu vực sử dụng cả máy bay Airbus A320 và Boeing 737, mà giới chuyên gia cho là tốn kém hơn nhiều so với việc chỉ dùng một loại.

Thủ lĩnh Nathan Law trong mắt tình nguyện viên người Việt

Nathan Law, 23 tuổi, một trong những thủ lĩnh của phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông, còn được gọi “Cách mạng Dù” năm 2014, vừa được bầu vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, trở thành nghị sĩ trẻ tuổi nhất của vùng lãnh thổ này.
Nathan Law hiện là thủ lĩnh đảng chính trị mới thành lập Demosisto hồi tháng Tư. Anh cũng là Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông, và từng tham gia phong trào ủng hộ dân chủ cách đây 2 năm, đã khiến cho nhiều khu vực của Hồng Kông tê liệt suốt 79 ngày. Sau cuộc biểu tình rầm rộ, Nathan Law là một trong 5 thủ lĩnh sinh viên được mời ngồi vào bàn đàm phán với các giới chức hàng đầu của Hồng Kông.
Gương mặt thủ lĩnh sinh viên được mô tả là một người “ăn nói nhỏ nhẹ” nói với tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, có trụ sở ở Hồng Kông) hồi tháng 6 rằng thuở ấu thơ, anh chưa bao giờ nghĩ sẽ bước chân vào chính trị vì coi đó là “một trò chơi bẩn thỉu mà trong đó người ta đấu đá với nhau vì lợi ích cá nhân”.
Tin tức về thắng lợi của thủ lĩnh trẻ Hồng Kông đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ ủng hộ dân chủ trên thế giới và trong khu vực.
Khánh An của đài VOA có cuộc trao đổi trực tiếp với bạn Effy Nguyễn, một Vlogger được biết tiếng gần đây về những video blog mang tính thời sự, đặc biệt là về sự cố ô nhiễm môi trường Formosa.
Effy Nguyễn là một sinh viên năm thứ 4 ngành Khoa học Chính trị tại Philippines. Anh cũng là một trong những tình nguyện viên trong một chiến dịch vận động của lãnh tụ trẻ Nathan Law. Hiện Effy Nguyễn đang có mặt tại Hồng Kông để tìm hiểu về quá trình bầu cử ở Hồng Kông và để ủng hộ cho những người bạn của mình là Nathan Law và Alex Chow, những lãnh tụ trẻ của phong trào biểu tình Dù, trong quá trình tranh cử để trở thành nghị sĩ quốc hội Hồng Kông.
Trong cuộc phỏng vấn ngắn với VOA tối thứ Hai, Effy Nguyễn cho VOA biết:
Effy Nguyễn: Một trong những lý do em đến Hồng Kông là vì 1 người bạn của em là Nathan Law, cậu ấy hiện giờ ra ứng cử vào chức nhà lập pháp trong nghị viện của Hồng Kông hiện tại bây giờ. Số ứng viên của cậu ấy là số 8.
VOA: Em quen Nathan Law và các lãnh tụ trẻ của Hồng Kông lâu chưa? Em có thể giới thiệu đôi nét đặt biệt về gương mặt lãnh tụ trẻ này không?
Effy Nguyễn: Em quen bạn Nathan Law và Alex Chow khoảng 5 tháng. Tụi em có gặp nhau trong một hội thảo về thanh niên dân chủ châu Á. Tụi em quen nhau qua hội thảo đó, cũng có nói chuyện sơ sơ, cười đùa với nhau… Em cũng tương đối hiểu tính của hai bạn. Bạn Alex Chow thì lớn hơn bạn Nathan Law, nhưng Alex Chow có vẻ tương đối dễ nói chuyện hơn vì bạn ấy còn nói chuyện đến các vấn đề xã hội. Còn Nathan Law thì rất tập trung vào chuyện chính trị. Bạn ấy là một người rất ư là dứt khoát và rất quyết đoán. Bạn ấy đã đặt ra con đường của mình và bạn ấy cứ tiến thẳng theo con đường ấy. Khi nói chuyện với bạn ấy thì thật sự là hơi khó nói về những vấn đề khác, chỉ có thể nói về chính trị với bạn ấy thôi. Bạn ấy có vài sở thích là chơi game, đọc sách hoặc tham gia hội thảo, nói chuyện với người khác về vấn đề chính trị.
Trong kỳ bầu cử vừa rồi, em cũng có tới thăm bạn ấy khi bạn ấy đang đứng ở trên đường, gặp gỡ mọi người, gặp gỡ cử tri để kêu gọi mọi người bầu cho bạn ấy. Bạn ấy cũng vui tính vẫy tay chào mọi người nhưng trông bạn ấy rất mệt mỏi vì chương trình của bạn ấy phải đặt kế hoạch trước 5, 6 tháng, rồi phải vận động tài chánh, người tình nguyện, vận động xã hội để được ngày hôm nay và việc trở thành nghị sĩ quốc hội là một con đường rất dài đối với bạn ấy. 5 tháng trước em gặp bạn ấy trông bạn ấy có vẻ mập mạp chút xíu, mà giờ trông bạn ấy gầy rục đi.
Hy vọng dân chủ cho Hồng Kông từ các lãnh tụ trẻ?
VOA: Theo quan sát của em, mức độ ủng hộ của cử tri Hồng Kông dành cho Nathan Law hiện nay như thế nào?
Effy Nguyễn: Bối cảnh ở Hồng Kông bây giờ không đơn giản như mọi người nghĩ như khi phong trào biểu tình Dù nổ ra. Trước phong trào biểu tình Dù, chỉ có 2 phe trong xã hội là phe dân chủ và phe ủng hộ Bắc Kinh. Phe dân chủ là phe đã làm bùng nổ ra cuộc biểu tình Dù. Nhưng sau cuộc biểu tình Dù, phe dân chủ đã bị vỡ tan tành thành nhiều mảnh. Có những người đồng ý với cuộc biểu tình Dù, có những người không đồng ý vì họ cảm nhận là cuộc biểu tình Dù đã thất bại, nhưng có những người xem đó là một thành công, và sau đó nó trở thành 3 hướng chính trong phong trào dân chủ ở Hồng Kông.
Đó là hướng cũ, tức là tiếp tục đấu tranh biểu tình ôn hòa, đấu tranh nghị trường để giành quyền lợi của mình để có thể đàm phán với Trung Quốc, với Bắc Kinh. Trong khi một phong trào khác trở nên cực đoan hơn. Họ sử dụng bạo lực, họ biểu tình bạo lực và họ đòi độc lập cho Hồng Kông trở thành một nước riêng giống như Singapore và họ được xã hội rất ủng hộ vì xã hội có vẻ mệt mỏi với phong trào đấu tranh ôn hòa và đấu tranh nghị trường.
Ngay sau đó lại có thêm một phong trào khác chống lại cái gọi là phong trào localist (địa phương) này. Họ muốn bảo vệ phong trào ôn hòa và họ thiết lập nên một cái gọi là New People Power, tức là Quyền lực của Nhân dân Mới. Họ cố gắng lấy lượng phiếu trong nhân dân bầu cho họ, để giảm lượng phiếu dành cho phe cực đoan kia.
Những người như Nathan Law và Joshua Wang thì họ lập ra một đảng phái khác. Những người này gọi là “radical”, là những người không đến nỗi cực đoan như những người kia nhưng cũng tương đối cực đoan. Khi em đi cùng họ, em thấy rất nhiều người đi qua đi lại giơ tay lên hô “Yes! Yes” như kiểu “Tôi ủng hộ bạn! Tôi ủng hộ bạn”, nhiều người lại chụp ảnh chung rồi ôm hôn… Nhưng cũng có nhiều người đi qua, đặc biệt là những người già, chỉ vào mặt Nathan Law và Joshua Wang cũng như những người tình nguyện cho Nathan Law, lúc đó em cũng là một tình nguyện viên của Nathan Law, em cũng đi giơ biển để kêu gọi mọi người ủng hộ cho Nathan Law, thì những người già nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của Bắc Kinh thì đi qua chửi là “bán nước”, “mấy đứa gây rối loạn xã hội”…
Trước kết quả bầu cử đưa ra, em cảm nhận như xã hội Hồng Kông đánh mất hy vọng cho nền dân chủ. Nhưng khi đa số phần phiếu bầu được công bố ra, em thấy là họ rất ủng hộ Nathan Law và Joshua Wang, vì Nathan Law đứng thứ 2 trong quận mà cậu ấy ra ứng cử. Người đứng đầu là một người thuộc phe Bắc Kinh. Người này rất giàu có, rất có quyền lực trong xã hội và Bắc Kinh họ có cách để giàn xếp lấy được nhiều phiếu. Mà Nathan Law đứng được thứ 2 thì em thấy rất ngạc nhiên. Em nghĩ là xã hội Hồng Kông đang tìm lại hy vọng của mình và họ đang rất hy vọng vào những người trẻ như vậy.
Từ trường hợp Nathan Law, nghĩ về “tự do học thuật” tại VN
VOA: Từ trường hợp của Nathan Law, được xem là một lãnh tụ trẻ trưởng thành từ phong trào biểu tình dù ở Hồng Kông, so sánh với tình hình tại Việt Nam, em thấy có thể có một hay nhiều Nathan Law khác trong giới trẻ của Việt Nam trong tương lai hay không?
Effy Nguyễn: Thật sự mà nói, nó có một sự khác biệt giữa tình hình Hồng Kông và tình hình nước mình. Một phần nào đó Hồng Kông vẫn chịu sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhưng họ vẫn có chính quyền riêng của họ và họ vẫn có những người dân biểu tại nghị viện là người của họ. Và họ có cái gọi là “academic freedom”, tự do học thuật, và học sinh có quyền tự do thể hiện ý kiến, thể hiện chính kiến của mình và tự do biểu tình. Còn ở Việt Nam, theo em được biết, những cái đó không có.
Tuy nhiên, về tinh thần, em cũng biết và quen rất nhiều người ở Việt Nam họ thể hiện chính kiến của mình, có lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh, xuống đường biểu tình để phản đối bạo quyền, bất công, sẵn sàng lãnh đạo phong trào thanh niên. Nhưng sự đàn áp và bắt bớ của chính quyền Việt Nam căng thẳng hơn. Chính quyền Việt Nam có sự kiểm soát tốt hơn so với chính quyền Hồng Kông. Và người dân Hồng Kông nếu thấy cảnh sát đánh người thì họ lập tức lên tiếng, những cảnh sát này có thể bị tòa tuyên án và có thể bị phạt nữa.
Trong khi ở Việt Nam rất nhiều cảnh sát đánh người mà không bị sao cả. Cho nên cảnh sát cứ mặc sức đánh sinh viên nếu sinh viên xuống đường biểu tình. Một phần nữa là có sự ảnh hưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Họ đã bao vây kín cái gọi là tự do học thuật của sinh viên thì đâu thể có một phong trào sinh viên hùng mạnh ở trong các trường đại học ở Việt Nam được. Cho nên em rất thông cảm với sinh viên ở Việt Nam.
VOA: Cám ơn Effy Nguyễn đã dành thời gian cho đài VOA.

Tổng thống Pháp đi uống cà phê tại quán ‘Cà Phê Cộng’

Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm Thứ Ba 6 tháng 9 có chuyến du ngoạn phố cổ Hà Nội được người dân thủ đô Việt Nam chú ý.
Ông Hollande và đoàn tùy tùng đã đi bộ trên phố Mã Mây. Thay vì ghé vào ngôi nhà cổ trăm tuổi số 87 trên phố này như truyền thông trong nước đồn từ mấy ngày nay, Tổng thống Hollande đã đi thẳng tới quán cà phê Cộng cùng với một vị khoa bảng nổi tiếng thế giới tốt nghiệp ở Pháp, là nhà toán học Ngô Bảo Châu.
Cà phê Cộng từng là một cái gai trong mắt cơ quan kiểm soát văn hóa Cộng Sản Việt Nam vì cách bài trí sử dụng những hình ảnh của chủ nghĩa cộng sản một cách hài hước có nhiều phần mỉa mai. Các quán thuộc chuỗi cà phê Cộng thường dùng hình ảnh các tổ sư cộng sản như Karl Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Fidel Castro như những diễn viên hề quảng cáo đồ uống. Một khẩu hiệu của Lenin là “Học, học nữa, học mãi” bị chế thành “Cộng, cộng nữa, công mãi”. Một câu thơ của Hồ Chí Minh là “Tiến lên, toàn thắng ắt về ta” được sửa thành “Ngồi im… toàn thắng ắt về tay” để treo trong quán cà phê.
Ngay thực đơn của quán cà phê cũng được chế tác từ cuốn “Lê-nin Toàn Tập”. Chủ quán dùng bút lông viết tên đồ ăn đồ uống thẳng vào trang sách chuyển tải thứ triết lý lỗi thời của chủ nghĩa cộng sản.
Huy Lam / SBTN

Yên Bái: ‘Chưa tìm ra nguyên nhân’ mà đã chôn cất cấp tốc?

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/8/2016, thêm một mâu thuẫn bí ẩn nữa được phơi lộ: người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã cho biết “Hiện nay Bộ Công an đã khởi tố vụ án bắn hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Vụ việc vẫn đang được điều tra” và “Chưa tìm ra nguyên nhân vụ bắn chết hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái”.
Như vậy, vụ việc bị nghi ngờ “quan chức bắn nhau” (hoặc ai đó bắn quan chức) ở Yên Bái đã chính thức được Bộ Công an, chứ không phải là Công an tỉnh Yên Bái tổ chức khởi tố vụ án.
Trước đó vào đúng ngày xảy ra vụ thảm sát quan chức, giám đốc Công an Yên Bái đã cho báo chí biết là “không khởi tố vụ án”, nhưng ngay sau đó lại tuyên bố “sẽ khởi tố vụ án”. Tính bất nhất 180 độ này cho thấy rất nhiều khả năng Thường vụ đảng Yên Bái phải chịu một chỉ đạo dứt khoát nào đó từ cấp trên rất cao, không loại trừ qua vụ Yên Bái để “làm cỏ” nhân sự lãnh đạo địa phương này.
Nay, việc Bộ Công an trực tiếp khởi tố vụ án càng cho thấy vụ thảm sát quan chức ở Yên Bái có “tầm quốc gia” và có thể liên quan đến những nhân vật cao hơn là dàn thường vụ Yên Bái.
Nhưng mâu thuẫn lớn nhất đang thuộc về giới tuyên truyền của đảng khi tuyên bố “chưa tìm ra nguyên nhân vụ án”, trong khi trước đó đã vội vàng chôn cất quá nhanh cả ba người bị chết là ông Đỗ Cường Minh – người được báo chí nhà nước mô tả là “tự sát với viên đạn bắn từ gáy” – và bí thư cùng chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh. Hành động chôn cất cấp tốc này như một sự cố ý bỏ qua thủ tục giám định pháp y tử thi và bỏ quan luôn giám định khoa học hình sự về đường đạn gây án.
Hiện tượng bỏ qua hàng loạt thủ tục giám định pháp y và khoa học hình sự trên càng cho thấy có thể tồn tại một bí mật rất lớn trong/hoặc sau vụ thảm sát Yên Bái. Có thể, bản chất vấn đề không đơn giản chỉ là mâu thuẫn lợi ích và quyền lực ở cấp địa phương để giới quan chức thanh toán nhau, mà còn có thể liên đới sự tranh giành quyền lực và lợi ích ở cấp trung ương.
Thậm chí, không loại trừ một khả năng, dù vẫn mơ hồ, về mối liên quan giữa vụ thảm sát Yên Bái với cái chết gây nghi ngờ của Thiếu tướng Lê Xuân Duy – người mà cho đến sau khi chết vẫn bị đảng coi là “Phụ trách tư lệnh Quân khu 2” chứ không phải với chức danh Tư lệnh Quân khu 2.
Về dư luận, vẫn đang ồn ào một luồng dư luận ở Hà Nội cho là “cả ba bị bắn”, tức cả ông Đỗ Cường Minh cũng chỉ là nạn nhân của một bàn tay sát thủ bí ẩn nào đó.
Trong khi đó, khác hẳn với không khí bàn tán nhộn nhạo về tình hình nhân sự và cả về cuộc đấu đá nội bộ ngay trước đại hội 12, vào lần này bầu không khí trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan quân đội, công an và những cơ quan mang chức năng nội bộ đảng đã im ắng một cách rất bất thường. Rất ít người dám hé môi về chuyện Yên Bái, trong khi đa số im lặng, và còn tỏ vẻ không biết gì về vụ việc kinh động này.
Tâm lý hoang mang và sợ sệt, rời rã và co thủ đang phủ trùm….
Lê Dung / SBTN

Lệ phí nhập cảnh Việt Nam

dành cho công dân Mỹ tăng gấp 5 lần

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, sẽ khiếu nại nhà nước CSVN về việc tăng lệ phí chiếu khán du lịch gấp 5 lần so với mức cũ, đối với người có quốc tịch Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam.
Kể từ ngày 29 tháng Tám vừa qua, nhà nước CSVN bắt đầu áp dụng chính sách cấp chiếu khán nhập cảnh Việt Nam nhiều lần, có thời hạn một năm dành cho công dân Hoa Kỳ, với khoản lệ phí lên tới 135 Mỹ kim. Trước đó, lệ phí du lịch Việt Nam một lần dành cho du khách đi Tàu chỉ có 5 Mỹ kim, và trong những trường hợp khác chỉ có 25 Mỹ kim.
Ông Vũ Thế Bình, phó giám đốc Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói rằng, nhiều công ty du lịch lo ngại sẽ rơi vào tình trạng tê liệt hoạt động, vì lệ phí chiếu khán tăng vọt như trên. Báo mạng The Saigon Times dẫn lời ông Bình nói nhiều nhóm du khách Hoa Kỳ coi việc tăng lệ phí cao đột ngột là trở ngại, khiến họ không muốn đến Việt Nam. Phần lớn du khách đến Việt Nam trong một thời gian ngắn, và sẽ không chịu bỏ tiền quá nhiều để xin chiếu khán nhập cảnh.
Nhiều công ty du lịch còn phàn nàn rằng, họ không được thông báo trước về chính sách mới vừa được ban hành, và cũng không nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào.
Hoa Kỳ là quốc gia có công dân đến Việt Nam đông nhất hiện nay, với gần 400 ngàn người tính từ đầu năm 2016 đến nay, tăng 15% so với năm ngoái.
Song Châu / SBTN

Thị trường Việt Nam,

mục tiêu chính của chuyến công du tổng thống Pháp

Là nguyên thủ Pháp đầu tiên đến thăm Việt Nam từ 12 năm nay, sau Jacques Chirac vào tháng 10/2004, chuyến công du của tổng thống François Hollande trong hai ngày 06 và 07 tháng 9, mang màu sắc biểu tượng và chính trị. Hợp tác kinh tế mới là trọng tâm trong bối cảnh cán cân thương mại bất lợi cho Pháp.
Theo giải thích của chủ nhân điện Elysée trước khi lên đường sang châu Á, qua Trung Quốc, Việt Nam và Lào, chuyến công du này nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với khu vực có sức tăng trưởng mạnh cũng như để trao đổi văn hóa và Pháp thoại.
Hôm nay, tại Hà Nội, trong cuộc hội kiến với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, tổng thống Pháp tuyên bố mục đích là qua chuyến công du này để hỗ trợ cho doanh nghiệp Pháp mở rộng đầu tư, xây dựng cơ sở và ký kết các hợp đồng thương mại trên thị trường Việt Nam.
Cũng theo phân tích của chính nguyên thủ Pháp, tuy lịch sử có nhiều « thăng trầm » nhưng quan hệ kinh tế,văn hóa và giáo dục bậc đại học luôn chặt chẽ.
Theo nhận định của AFP, tuy quan hệ kinh tế Pháp-Việt hanh thông nhưng cán cân trao đổi thương mại càng ngày càng bất lợi cho Pháp. Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam gần như tăng gấp đôi, nhưng nhập siêu lên đến 2,6 tỷ euro trong năm 2015 so với 2,4 tỷ trong năm 2014.
Để « chỉnh sửa » cách biệt này, tháp tùng tổng thống François Hollande là một phái đoàn doanh nhân hùng hậu đại diện cho khoảng 40 tập đoàn và đại công ty Pháp, từ hàng không, xây dựng, năng lượng sạch và y tế. Quyết tâm này đã được cụ thể hóa.
Hai ông François Hollande và Trần Đại Quang chứng kiến nghi lễ ký kết ba thỏa thuận bán 40 máy bay Airbus tổng trị giá 6,5 tỷ euro cho Hàng không Việt Nam và hai công ty chuyên chở giá rẻ Vietjet và Jestar Pacific.
Tập đoàn xây dựng BTT và Vinci cũng ký thỏa thuận với công ty Xa lộ Cao tốc Việt Nam (Vietnam Expressway Corporation) trong việc quản lý và xây dựng đường giao thông trong bối cảnh hệ thống quốc lộ Việt Nam bị tai tiếng thiếu chất lượng.
Biển Đông và an ninh hàng hải
Trong lãnh vực chính trị, chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang cũng biểu lộ quyết tâm « thắt chặt quan hệ chính trị » và quốc phòng với Pháp. Hồi cuối tháng 8/2016, trong diễn văn đọc tại Singapore, lãnh đạo nhà nước Việt Nam kêu gọi quốc tế, nhất là Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, hợp tác duy trì hoà bình ở Biển Đông để ngăn chận lòng tham của Bắc Kinh. Thế nhưng, Paris phản ứng thận trọng, với lý do Liên Hiệp Châu Âu đang bị « chi phối vì tình hình ở nhiều khu vực khác ».
Nhân quyền
Paris trợ giúp nhiều cho Việt Nam cải thiện về mặt luật pháp kể từ chuyến viếng thăm của tổng thống François Mitterrand vào năm 1993, mở ra một chương mới trong quan hệ song phương và tạo điều kiện cho chế độ Hà Nội thóat khỏi cô lập.
Trong một bức thư ngỏ, ba tổ chức nhân quyền Pháp kêu gọi tổng thống Hollande nêu vấn đề nhân quyền khi gặp giới lãnh đạo Việt Nam và yêu cầu chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến, các nhà họat động nhân quyền.
Trong những giờ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, vấn đề nhân quyền chỉ được tổng thống François Hollande đề cập một cách gián tiếp khi tuyên bố « rất quan tâm đến Nhà nước thượng tôn pháp luật » và « nhân dân Pháp cũng như Việt Nam luôn nhắc nhở những nguyên tắc về tự do và nhân quyền ».

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.