Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giới – 06/09/2016

Tuesday, September 6, 2016 5:45:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 06/09/2016

Bà Clinton nói sẽ không ghé thăm Mexico dù được mời

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ Hillary Clinton nói rằng bà sẽ không ghé thăm Mexico trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11.
Đối thủ Đảng Cộng hòa của bà, Donald Trump, tuần trước đã sang Mexico sau khi Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto mời cả hai nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai của Mỹ tới để thảo luận về mối quan hệ giữa hai nước láng giềng.
Bà Clinton hôm 6/9 nói với đài ABC News rằng thay vào đó bà hiện giờ đang tập trung nỗ lực vào việc tạo ra công ăn việc làm ở Mỹ. Trước đó trong ngày 5/9, bà gọi cuộc hội đàm của ông Trump với ông Pena Nieto là “một sự kiện quốc tế đáng hổ thẹn,” và nói rằng ông Trump không biết nói chuyện với một nguyên thủ quốc gia sao cho hữu hiệu.
Bà Clinton cũng nói với những người ủng hộ ở thành phố Cleveland, bang Ohio rằng chính quyền của bà sẽ đấu tranh cho quyền lợi và phẩm giá của người lao động trong khi bà đả kích thành tích kinh doanh của ông Trump với nhiều vụ phá sản và những cáo buộc ông ta xử tệ với nhân viên của mình. Bà nói “những tuyên bố ngông cuồng, khoác lác” của ông Trump lộ rõ chân tướng khi bị săm soi.
Sau đó, bà nói với những phóng viên có mặt trên chuyên cơ vận động tranh cử của bà rằng bà hết sức lo ngại về cáo buộc “chính phủ Nga can thiệp vào những cuộc bầu cử của chúng ta.”
“Chúng ta sẽ phải coi những mối đe dọa và những vụ tấn công đó là nghiêm túc,” bà nói. Bà cũng chỉ trích ông Trump về việc ông “thúc giục những tin tặc của Nga tấn công nhiều hơn.” Ông Trump trước đây đã từng công khai kêu gọi tin tặc Nga tìm kiếm những email thất lạc của bà Clinton.
Ông Trump cũng có mặt ở bang Ohio hôm 5/9. Ông gặp gỡ những thành viên công đoàn và quy trách Tổng thống Barack Obama về việc cho phép những công ty Mỹ di dời công ăn việc làm qua Mexico.
Lập trường lúc cứng rắn lúc ôn hòa của ông Trump về vấn đề di trú càng trở nên mập mờ hơn hôm 5/9. Tuần trước ông nói với một đám đông ở bang Arizona rằng người nhập cư không giấy tờ tìm kiếm tư cách hợp pháp ở Mỹ trước tiên sẽ phải quay về nước.
Nhưng hôm 5/9 ông nói với báo giới rằng họ có thể không phải quay về nước, nói rằng ông sẽ không “loại trừ bất cứ khả năng nào.” Ông cho biết một quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong tương lai.
Chuyên cơ vận động tranh cử của ông Trump và bà Clinton đều xuất hiện tại sân bay Cleveland cùng lúc hôm 5/9, nhưng hai ứng cử viên không chạm mặt nhau.
Không phải ngẫu nhiên mà cả hai người đều đến vận động ở bang miền trung tây này vào ngày Lễ Lao động. Ohio là một bang nông nghiệp lẫn công nghiệp, với một số thành phố lớn nằm rải rác khắp bang. Đây cũng là một bang chiến trường trọng yếu, chưa rõ ngả về ứng cử viên nào cho tới ngày bầu cử chính thức.
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy bà Clinton dẫn trước ông Trump với tỉ lệ 44-41% ở Ohio, và 4 điểm trên toàn quốc.

‘Chính trị gia dân túy như Wilders, Trump lợi dụng nỗi sợ hãi’

Trưởng phụ trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết những chính trị gia có chủ trương dân túy Geert Wilders, người mang tư tưởng dân tộc ở Hà Lan, và ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đang lợi dụng nỗi sợ hãi và lời hứa về một thế giới chưa hề tồn tại để tìm cách gia tăng sức lôi cuốn.
Ông Zeid Ra’ad al-Hussein hôm 5/9 phát biểu tại thành phố La Haye ở Hà Lan rằng việc những chính trị gia này lệ thuộc vào “những sự thật nửa vời và sự đơn giản hóa vấn đề quá mức” là một chiến thuật thông tin được Nhà nước Hồi giáo sử dụng trong công tác tuyên truyền của họ.
Ông nói: “Công thức rất đơn giản: làm cho những người vốn đã lo âu cảm thấy sợ hãi, và rồi nhấn mạnh rằng tất cả là vì một nhóm người nước ngoài lăm le tấn công nằm bên trong dân số. Sau đó làm cho khán giả được nhắm tới của bạn cảm thấy thỏa mãn bằng cách đưa ra điều huyễn tưởng, nhưng lại là sự bất công khủng khiếp đối với những người khác.”
Ông Zeid hướng chỉ trích của mình vào ông Wilders, người mà cuối tháng 8 đã đưa ra một bản tuyên ngôn trong đó kêu gọi Hà Lan cấm những người nhập cư đến từ những nước Hồi giáo, đóng cửa nhà thờ Hồi giáo và trường học Hồi giáo và cấm kinh Koran.
Ông Wilders đáp lại bằng cách gọi ông Zeid là kẻ ngu ngốc và gọi Liên Hiệp Quốc là “xấu xa.”
Ông Zeid kêu gọi mọi người “lên tiếng và lớn tiếng phát biểu,” nói rằng những lời lẽ của ông Wilders gây nên ít phản ứng ngày hôm nay nhưng một thập kỷ trước sẽ “gây phẫn nộ khắp thế giới.”
Những người khác như Marine Le Pen của Pháp, Nigel Farage của Anh, và Thủ tướng Viktor Orban của Hungary cũng là một số trong số những nhà lãnh đạo chính trị Châu Âu có chủ trương dân túy, dân tộc bài Hồi giáo.

Tổng thống Philippines hối tiếc

về phát ngôn thô tục nhắm vào ông Obama

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 6/9 tỏ ý hối tiếc về một phát biểu mà ông đưa ra sử dụng ngôn ngữ thô tục, bị nhiều người hiểu là một lời công kích cá nhân nhắm vào Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Ông nói trong một thông cáo: “Mục đích chính của chúng tôi là vạch ra một chính sách đối ngoại độc lập đồng thời thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với tất cả các quốc gia, đặc biệt là Hoa Kỳ, nước mà chúng tôi đã có mối quan hệ đối tác từ lâu.”
Trước khi khởi hành đến dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Lào hôm 5/9, ông Duterte cảnh báo ông Obama chớ giáo huấn ông về một chiến dịch trấn áp những người buôn ma túy đã dẫn tới hơn 2.000 vụ giết người kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 6.
“Ông phải tôn trọng người khác. Đừng có hỏi này nọ,” ông Duterte nói. Sử dụng cụm từ trong tiếng Tagalog có nghĩa là “đồ chó đẻ,” ông nói tiếp: “Putang ina, tôi sẽ chửi thề vô mặt ông ở cái diễn đàn này.”
Ông Obama ban đầu phớt lờ phát biểu của ông Duterte, nói với báo giới rằng: “Rõ ràng, ông ta là người có cá tính gây chú ý.” Nhưng Tòa Bạch Ốc sau đó nói rằng ông Obama đã hủy bỏ một cuộc hội kiến đã được lên lịch với ông Duterte và thay vào đó sẽ hội đàm với nhà lãnh đạo của Hàn Quốc.
Thông cáo của ông Duterte bày tỏ sự hối tiếc rằng phát biểu của ông đã gây nên “nhiều tranh cãi” và nói rằng ông mong muốn “loại bỏ những khác biệt.”
Ông Duterte vận động tranh cử tổng thống Philippines dựa trên lời hứa sẽ xóa bỏ hoạt động ma túy bất hợp pháp ở đất nước này. Cuộc trấn áp chết người của ông đã khiến một loạt những tổ chức nhân quyền bày tỏ lo ngại. Ông Duterte đã lên tiếng bênh vực những vụ giết người, nói rằng ông đang làm theo ý nguyện của những người bỏ phiếu cho ông.

Tổng thống Obama đối mặt với những vấn đề nhức nhối ở Lào

WASHINGTON —
Trong chuyến thăm dấu mốc đến Lào, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mang theo một nhiệm vụ đầy thách thức trong việc giải quyết những tổn thất mà quốc gia Đông Nam Á này đã phải gánh chịu từ thời chiến tranh Việt Nam. Hàng triệu quả bom bi mà Hoa Kỳ thả xuống cách đây nửa thế kỷ vẫn còn nằm rải rác khắp quốc gia không giáp biển này. Bất chấp những nỗ lực giúp Lào rà phá bom mìn chưa nổ, các quả bom bi còn sót lại tiếp tục gây thiệt mạng và thương tật cho những nạn nhân mới.
Các chuyên gia rà phá bom mìn đang nỗ lực mở rộng diện tích đất đai được dọn sạch bom mìn để người dân có thể trồng trọt lương thực. Nhưng đôi khi đã quá trễ.
Chuyên viên chỉnh hình Khamsouk Phimsimmavong cho biết:
“Anh này đang đốt cỏ trong vườn thì một quả bom chùm nằm trong đất ở gần đó phát nổ, khiến anh ấy mất đi cánh tay”.
Trong những năm 1960 và 1970, cuộc chiến từ Việt Nam đã lan sang nước láng giềng Lào, khi Hoa Kỳ hậu thuẫn chính phủ miền Nam Việt Nam chống cộng sản. Trong hơn một thập niên, các lực lượng của Hoa Kỳ đã dội hơn 2 triệu tấn bom đạn xuống Lào. Ước tính khoảng 1/3 trong số đó chưa nổ, để lại nhiều bom đạn chưa nổ nguy hiểm chết người dưới lòng đất. Những quả bom còn sót lại đã gây thiệt mạng hoặc thương tích cho khoảng 20.000 người. Bất chấp những hướng dẫn, lúc nào cũng có các nạn nhân mới. Trong những năm gần đây, hầu hết các nạn nhân là trẻ em ở độ tuổi dưới 15.
Ông Thoummy Silamphan, người sáng lập của tổ chức phục hồi Chất lượng Cuộc sống cũng là một nạn nhân của một vụ nổ khi ông chỉ mới 8 tuổi, cho biết:
“Trong năm 2015, tổ chức chúng tôi tiếp xúc với 46 người bị thương vì bom mìn trước đó, và chưa người nào nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào. Những người này cần sự hỗ trợ và chăm sóc dài hạn”.
Hoa Kỳ lâu nay hỗ trợ tài chính và phát triển cho Lào, nhưng vẫn cần nhiều viện trợ hơn để khảo sát về quy mô của vấn đề và hạn chế nguy hiểm tối đa.
Ông Neil Arnold của tổ chức tư vấn về mìn nói:
“Các ước tính cho thấy thực hiện khảo sát trên toàn quốc sẽ mất 5 năm, và dọn sạch tất cả bom mìn sẽ mất thêm 20 năm nữa. Khoảng thời gian này có thể rút ngắn nếu việc khảo sát và dọn bom mìn được thực hiện cùng một lúc”.
Lào vẫn là nơi có lượng bom mìn tính bình quân trên đầu người nhiều nhất thế giới. Lâu nay, Hoa Kỳ đã nỗ lực xây dựng lại các quan hệ với nước cựu thù từ chiến tranh Việt Nam, nhưng ông Obama là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Lào.
Bà Bounlanh Phayboun của một trung tâm chỉnh hình tại thủ đô Viêng Chăn nói:
“Bạn biết đấy, chúng tôi là những người vị tha. Chúng tôi không phải là những người hay căm tức. Chúng tôi phải hướng đến tương lại, chứ không sống mãi với quá khứ”.
Tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, Tổng thống Obama đang gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và các nhà lãnh đạo của các đối tác chủ chốt của hiệp hội là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Kinh tế Nga khó khăn

đẩy hàng triệu người dân vào nghèo túng

Daniel Schearf
MOSCOW —
Nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Nga đã đẩy hàng triệu người dân vào tình trạng nghèo túng trong lúc đồng tiền Nga mất giá và lạm phát tăng cao. Trong tình hình vật giá leo thang, nhiều người Nga ở các làng quê tập trung vào trồng hoa mầu trong vườn tược quanh nhà để kiếm sống thêm. Từ Moscow, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA tường trình về một sáng kiến chia sẻ thực phẩm đang được nhiều người tham gia.
Vào lúc khan hiếm lương thực, thực phẩm thời Xô Viết, tự trồng hoa mầu trong vườn tược quanh nhà ở nông thôn Nga trở thành một việc thiết yếu.
Nhưng trong tình trạng kinh tế đang bị suy thoái ngày nay, ngay cả nhiều gia đình ở Moscow cũng phải nhờ vào rau quả, hoa mầu trồng trong vườn nhà của ông bà họ.
Cô Irina Bulozhenko, nhân viên kế toán ở Moscow, cho biết:
“Bà ngoại tôi có vườn ở nông thôn để trồng được rất nhiều thứ như bắp cải, củ cải. Tôi đang nấu món súp bằng củ cải và cà rốt mà bà của tôi trồng. Hành tây cũng do bà trồng. Nhờ vậy mà chúng tôi tiết kiệm được khá từ hoa mầu tự trồng trong mùa hè. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi cảm thấy đỡ chật vật hơn.”
Với những gia đình khó khăn như bà Tatyana, tự trồng thêm hoa mầu cũng vẫn chưa đủ.
Những người tình nguyện Nga tổ chức một chương trình chia sẻ thực phẩm bằng cách đi thâu gom thực phẩm dư ở các nhà hàng và phân phối đến những nơi thiếu.
Bà Tatyana Golubyeva cho biết:
“Với gia đình tôi, chương trình chia sẻ thực phẩm giúp ích rất nhiều. Hiện chúng tôi chi tiêu cho thực phẩm ít hơn rất nhiều so với trước đây, khi chúng tôi chưa biết về chương trình chia sẻ thực phẩm để tham gia. Nay gia đình tôi hy vọng không những được chia sẻ bánh mì mà còn các loại thực phẩm khác nữa.”
Với bà Tatyana, việc cho tặng thực phẩm đã giúp gia đình bà giảm được chi tiêu cho thực phẩm rau quả xuống một nửa.
Bà nói: “Tôi nghĩ rằng chương trình chia sẻ thực phẩm sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai ở Nga. Vấn đề chính là phải nói cho công chúng về chương trình này, để mọi người biết đó là gì, và cần phải làm gì. Theo tôi, rất nhiều người sẽ tham gia.”
Trong khi đó, người dân Nga hy vọng nền kinh tế sớm hồi phục để việc lo lắng đối phó với tình trạng giá thực phẩm leo thang không còn là một gánh nặng ngày càng tăng nữa.

Iran-Ả Rập Xê Út khẩu chiến về vụ giẫm đạp gây thương vong

Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran một lần nữa chất vấn về khả năng của Ả Rập Xê Út trong việc quản lý các địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo, tố cáo vương quốc này về vụ giết người trong sự cố giẫm đạp gây thương vong nhân cuộc hành hương Hajj năm ngoái.
Lời cáo buộc được ông Khamenei đưa ra trong một thông cáo trên website của ông, tưởng niệm ngày xảy ra thảm họa. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng hỗ trợ cho các cáo buộc đó.
Ả Rập Xê Út ngay lập tức phản công. Thái tử kiêm Bộ trưởng Nội vụ Mohammed bin Nayef nói Iran đang tìm cách ‘chính trị hóa’ hoạt động hành hương.
Vụ giẫm đạp tại cuộc hành hương Hajj năm ngoái khiến 769 người thiệt mạng, theo thống kê của chính phủ Ả Rập Xê Út.
Theo tin AP, số thương vong ít nhất là 2.426 người, sau khi kiểm tra thông tin của truyền thông nhà nước và bình luận của các quan chức từ các quốc gia có công dân tham gia cuộc hành hương.
Tehran nói trong số các nạn nhân có 464 công dân Iran, và đổ lỗi rằng sự quản lý yếu kém của Ả Rập Xê Út dẫn tới thảm họa này.

Tranh cãi bầu cử, Bộ trưởng Tư pháp Gabon từ chức

Bộ trưởng Tư pháp Gabon, ông Seraphin Moundounga, vừa từ chức vì những tranh chấp trong việc Tổng thống Ali Bongo tái đắc cử. Đây là quan chức chính phủ cấp cao đầu tiên từ chức kể từ sau cuộc bỏ phiếu.
Ủy ban bầu cử Gabon tuần rồi công bố ông Bongo thắng lãnh đạo đối lập Jean Ping khoảng 5.000 phiếu bầu, khơi mào các cuộc biểu tình và bạo lực đường phố khiến ít nhất 6 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Moundounga ngày 5/9 nói với Đài phát thanh Quốc tế của Pháp rằng chính phủ không đáp ứng những mối quan tâm về nhu cầu hòa bình, khiến ông quyết định từ chức.
Cũng trong ngày 5/9, ông Ping, người cũng đã tuyên bố là lãnh đạo của Gabon, kêu gọi một cuộc tổng đình công và nói rằng sự tắc nghẽn kinh tế sẽ gây áp lực với chính phủ. Tuy nhiên, rất ít người ở nhà hôm 5/9, nhiều ngân hàng và cửa tiệm ở thủ đô Libreville đã hoạt động trở lại sau cuộc bạo động. Một số cư dân thành phố cho biết họ không nghe lời kêu gọi đình công.
Ông Ping nói chiến dịch tranh cử của ông có bằng chứng về gian lận bầu cử và ông sẽ đưa ra tòa án hiến pháp của Gabon.
Trong một diễn biến khác hôm 5/9, Pháp bày tỏ quan ngại về sự an toàn của một số công dân Pháp, lưu ý rằng ‘trong những ngày gần đây đã có một số vụ bắt giữ.’
Bộ trưởng Nội vụ Pacome Moubelet Boubeya cho biết hơn 1.000 người bị bắt trên toàn quốc, trong đó có tới 800 người ở thủ đô. Ông xác nhận có 3 trường hợp tử vong trong bạo động hậu bầu cử.

Mỹ-Nga chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Syria

Bill Ide
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về nước tay không, không đạt được một thỏa thuận với Ngoại trưởng Nga về một lệnh ngừng bắn ở Syria sau các nỗ lực ngoại giao.
Hai nước còn cần phải giải quyết ‘những vấn đề kỹ thuật’ và thảo luận giữa các nhà đàm phán Mỹ và Nga dự kiến sẽ tiếp tục trong tuần này, theo nguồn tin từ các quan chức Bộ Ngoại giao hôm 5/9.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu (Trung Quốc), Tổng thống hai nước Mỹ-Nga đã hội đàm về Syria. Tổng thống Barack Obama mô tả các cuộc họp này giống các cuộc đàm phán ‘thương mại’ và rằng ‘mang tính xây dựng nhưng không đi đến kết luận.’
Tổng thống Nga tại một cuộc họp báo cho biết các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp diễn liên quan tới vấn đề Syria và rằng các nhà thương thuyết đã đạt được một bước tiến.
Ngoại trưởng Mỹ và các trợ lý cao cấp đã khẳng định rằng họ không muốn đạt một thỏa thuận mong manh chỉ để loan báo, mà muốn Washington và Moscow thống nhất về một việc thực tiễn để đạt được một sự chấm dứt chiến sự một cách bền vững trên toàn quốc tại Syria.
Nga là nước hậu thuẫn lâu đời của Syria. Người ta cho rằng Nga muốn Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục nắm quyền tại Damascus để duy trì ảnh hưởng của Moscow trong khu vực.
Tổng thống Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang chứa 3 triệu người tị nạn Syria, cho biết ông đã nhắc lại với Tổng thống Nga-Mỹ tại G-20 ở Trung Quốc về nhu cầu cần phải có một ‘vùng cấm bay’ trên không phận Syria và một ‘khu an toàn’ không có giao tranh với hy vọng ngăn dòng người di cư.
Một nửa thập kỷ chiến tranh đã tàn phá Syria. Hơn 250.000 người thiệt mạng vì súng đạn, súng cối, và các cuộc không kích. Hàng triệu người đã bỏ chạy khỏi đất nước. Và 18 triệu người vẫn phải đối mặt trước số phận vô định, đa số cần được trợ giúp nhân đạo, theo các cơ quan cứu trợ Liên Hiệp Quốc.
Hội đồng Bảo an LHQ sắp thảo luận về các vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ họp vào ngày 6/9 để thảo về các vụ phóng phi đạn gần đây của Bắc Triều Tiên, theo nguồn tin từ các giới chức ngoại giao.
Bình Nhưỡng hôm 5/9 bắn 3 phi đạn đạn đạo vào Biển Nhật Bản từ một địa điểm ở tỉnh Hwanghae, nằm trên duyên hải phía Đông.
Tham mưu Trưởng Liên Quân của Hàn Quốc xác định các phi đạn này là phi đạn Rodong, có tầm bắn 1.000km.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết các phi đạn vừa kể rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong vài tháng qua, các vụ phóng phi đạn của Bình Nhưỡng đã trở nên quá thường xuyên.
Bắc Triều Tiên trong năm nay đã tiến hành một loạt các vụ thử nghiệm phi đạn bất chấp các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc ban ra sau cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư của Bình Nhưỡng hồi tháng giêng.
Vụ phóng phi đạn hôm 5/9 xảy ra trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới họp tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G-20 2 ngày vừa kết thúc với sự tham dự của các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Một quan chức Hoa Kỳ tham dự hội nghị đã lên án hành động của Bắc Triều Tiên và gọi các vụ phóng phi đạn là mối đe dọa cho cả phi cơ lẫn tàu thuyền hoạt động trong khu vực.

Mỹ đạt tiến bộ về Syria tại hội nghị G-20

Tại hội nghị thượng đỉnh của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở thành phố lịch sử Hàng Châu của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry gặp những người đồng cấp nước ngoài để tìm giải pháp cho những vấn đề lớn trên toàn cầu, bao gồm biến đổi khí hậu và bất ổn ở Trung Đông. Ông Obama đã đạt một thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong việc giảm thiểu ô nhiễm. Các cuộc đàm phán khác của ông Obama tập trung vào xung đột ở Syria và các mối quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh lớn. Ngoại trưởng Kerry đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong một nỗ lực để đạt một thỏa thuận ngừng bắn cho Syria.
Lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh G-20 hôm Chủ nhật hoành tránh như lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008. Chính phủ một lần nữa mời đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu dàn dựng cho sự kiện lớn của quốc gia. Buổi trình diễn đặc biệt kết hợp âm thanh, vũ đạo, và hiệu ứng ánh sáng trên mặt nước trước vẻ đẹp tự nhiên của Hồ Tây ở Hàng Châu. Bản thân các nghệ sĩ trình diễn không hẳn là những người làm nên điều kỳ diệu này-có một sân khấu chìm dưới mặt nước, nhưng hiệu ứng vẫn gây choáng ngợp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón các quan khách tham gia hội nghị tại một buổi tiệc tối hôm Chủ nhật.
Tổng thống Obama nhân cơ hội này đã có các cuộc thảo luận riêng với những nhà lãnh đạo lớn trên thế giới. Trong cuộc họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, ông Obama cam kết Hoa Kỳ sẽ giúp truy tìm các nghi phạm trong cuộc đảo chính quân đội bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không nói rằng điều đó sẽ bao gồm việc dẫn độ một giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ mà ông Erdogan quy trách nhiệm thực hiện vụ đảo chính. Hai bên cũng bàn thảo về vấn đề Syria.
Tổng thống Obama nói:
“Tổng thống Erdogan và tôi cũng đã đồng ý tiếp tục theo đuổi một cuộc chuyển tiếp chính trị hòa bình ở Syria, vốn là cách lâu bền duy nhất để chấm dứt cuộc nội chiến tệ hại ở đó. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng nhau làm dịu bớt nỗi thống khổ của người dân, đảm bảo rằng thường dân Syria sẽ lại có thể sống an bình, và rằng chúng tôi có thể bình ổn toàn bộ khu vực”.
Tình hình Syria trở nên phức tạp vì số lượng các bên dính líu vào xung đột. Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác chống lại Nhà nước Hồi giáo và cả hai phản đối chính phủ của ông Bashar al-Assad. Tuy nhiên, không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ cũng đồng thời ủng hộ những người Kurd chiến đấu chống lại khủng bố tại Syria. Ông Assad nhận sự hậu thuẫn của Nga và Iran. Thường dân Syria bị mắc kẹt trong làn đạn.
Tại hội nghị thượng đỉnh G-20, Ngoại trưởng Mỹ làm việc với người đồng cấp Nga về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Ông cho biết cần có thêm nhiều cuộc họp nữa để giải quyết “các vấn đề khó khăn” còn lại.
Ông Kerry nói:
“Chúng tôi sẽ không làm những gì mà chúng tôi tin là ít có cơ hội chính đáng để thử và hoàn thành.”
Nghị trình làm việc hôm 5/9 của Tổng thống Obama cũng bao gồm một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tại sao Putin lại ‘bênh Trung Quốc’?

Hôm 5/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin gây ngạc nhiên khi tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague trong vụ kiện biển đảo của Philippines.
“Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc không công nhận phán quyết của tòa [PCA].”
Phát biểu tại cuộc họp báo 5/9 sau khi hội nghị G20 kết thúc ở Trung Quốc, ông Putin cũng nói can thiệp của các nước ngoài khu vực Biển Đông chỉ gây hại cho tình hình.
Đây là lần đầu tiên Nga công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề liên quan tới tòa trọng tài quốc tế.
Ông Putin giải thích rằng lập trường của ông “hoàn toàn mang tính chất pháp lý, chứ không phải chính trị”.
“Mọi thủ tục trọng tài cần do các bên liên quan tranh chấp đề xuất, và tòa trọng tài nên nghe luận điểm và lập trường các bên liên quan tranh chấp. Trung Quốc đã không ra Tòa Trọng tài The Hague và không ai ở đó nghe lập trường của họ.”
BBC đã hỏi một số chuyên gia về Biển Đông về phát ngôn bất ngờ và gây tranh cãi của Tổng thống Putin.
Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.Vasily Kashin, Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow
Vasily Kashin, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga ở Moscow:
“Phần đầu trong tuyên bố của Putin chỉ là lặp lại lập trường lâu nay của Nga, rằng chúng tôi không có ý kiến gì về tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và các nước láng giềng, nhưng chúng tôi cực lực phản đối các thế lực ngoài khu vực (ám chỉ Hoa Kỳ) can thiệp vào vấn đề này.
Phần thứ hai thì quan trọng hơn. Đây là lần đầu tiên ông Putin tuyên bố Nga không thừa nhận phán quyết của tòa trọng tài PCA.
Phát biểu của Putin có thể nói là thành tựu to lớn của phía Trung Quốc. Bắc Kinh đã rất nỗ lực để kêu gọi ủng hộ của quốc tế nhưng cho tới nay mới chỉ có một số quốc gia, đa phần không có biển, lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Bắc Kinh cũng vận động Moscow một thời gian rất dài nhưng không có kết quả.
Có một giải thích rất đơn giản cho câu hỏi tại sao Nga lại đột ngột thay đổi lập trường: Nga có thể sắp lâm vào tình trạng phân xử tương tự với Ukraine.
Hồi cuối tháng Tám, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho hay Ukraine đang cân nhắc kiện Nga lên Tòa Trọng tài PCA theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) về Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Crimea.
Khiếu nại có thể bao gồm các vùng biển Azov, Biển Đen và Eo biển Kerch cùng tài nguyên tại các vùng biển đó.
Bởi vậy, lập trường của Trung Quốc về phán quyết của tòa theo UNCLOS đâm ra lại trở nên có lợi cho Nga.”
TS Ian Storey, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute) ở Singapore:
“Trước đây Nga luôn kiềm chế không giữ lập trường mạnh mẽ về tranh chấp Biển Đông vì muốn duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam, hai đối tác chính của Nga ở Á châu. Thế nhưng nay Putin dường như đã bước hẳn sang phía Trung Quốc với tuyên bố không thừa nhận phán quyết của Tòa PCA.
Trong khi tinh thần của phán quyết này là có lợi cho Việt Nam, chắc chắn Hà Nội sẽ rất tức giận.
Tuy nhiên phát biểu của Putin cho thấy ông ta không hiểu biết lắm về quá trình phân định trước khi đưa ra phán quyết.
Ông ta nói rằng Trung Quốc không có điều kiện trình bày quan điểm của mình nhưng thực ra không phải vậy. Trung Quốc đã có nhiều cơ hội, nhưng họ từ chối không làm.”

TQ cảnh báo giới dân chủ Hong Kong

Trung Quốc cảnh báo bất kỳ ai ủng hộ để Hong Kong đứng độc lập có thể bị bị trừng phạt, truyền thông nhà nước đưa tin.
Thông điệp mạnh mẽ được ra sau khi các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ trẻ tuổi giành ghế trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong (Legco).
Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh lập trường ” kiên quyết phản đối ” của mình đối với bất kỳ hoạt động độc lập nào trong hội đồng hoặc bên ngoài hội đồng này.
Nhiều người ở Hong Kong ngày càng lo ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh vào nền chính trị của họ.
30 ứng viên ủng hộ dân chủ đã được bầu vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong với 70 ghế vào hôm Chủ Nhật, tăng từ 27 ghế trước đây, và điều này có nghĩa là họ duy trì khả năng phủ quyết các thay đổi lớn về hiến pháp.
Ít nhất sáu ứng viên trẻ, những người ủng hộ quyền tự quyết hoặc một mức độ độc lập lớn hơn cho Hong Kong, giành được ghế vào hội đồng này.
Trong số này có Nathan Law, 23 tuổi, người đã đóng vai trò nổi trội trong “Cuộc Biểu tình Dù” năm 2014.
Một số ứng viên đã bị cấm ra tranh cử trong các cuộc bầu cử vì không chứng minh được rằng họ không còn ủng hộ Hong Kong đứng độc lập.
Chính phủ Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc để Hong Kong độc lập hơn về chính trị.
‘Ý tưởng ly khai’
Trong một tuyên bố, Văn phòng Sự vụ Hong Kong và Macau của Trung Quốc nói các ứng viên đã được công khai ủng hộ cho độc lập trong suốt chiến dịch tranh cử.
“Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Đặc khu Hành chính xử phạt theo pháp luật”, Tân Hoa Xã đưa tin.
Tờ China Daily hôm thứ Ba nói kết quả cuộc bầu cử có thể dẫn đến “ý tưởng ly khai” trôi nổi trong Hội đồng Lập pháp, hãng tin AFP cho hay.
Trong khi Hong Kong là Đặc khu Hành chính thuộc Trung Quốc, Hong Kong được điều hành theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống”.
Sự sắp xếp này cho phép lãnh thổ cựu thuộc địa của Anh một mức độ tự trị cao và cho phép Hong Kong bảo vệ hệ thống kinh tế và xã hội của mình cho đến năm 2047.
Cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật là hoạt động bỏ phiếu đầu tiên trên lãnh thổ kể từ khi có các cuộc biểu tình đường phố năm 2014, khi khu vực trung tâm Hong Kong bị tê liệt trong nhiều tuần do biểu tình với chủ yếu người tham gia là giới trẻ kêu gọi quyền tự chủ nhiều hơn từ Trung Quốc.

Nga tập trận quy mô lớn gần biên giới với Ukraina

Ngày 05/09/2016 bộ trưởng Quốc Phòng Nga thông báo bắt đầu cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần biên giới với Ukraina. Cuộc diễn tập quân sự mang tên « Caucasus 2016 », liên quan đến bán đảo Crimée mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014 và vùng Bắc Kavkaz.
Theo Reuters, cuộc tập trận dự kiến kéo dài đến ngày 10/09/2016, với sự tham gia của các hạm đội Hắc Hải và Caspi của Nga với 12.500 binh sĩ, nhằm kiểm tra khả năng lên kế hoạch và phối hợp tác chiến của quân đội. Bộ Quốc Phòng Nga coi đây là cuộc tập trận cuối cùng và với quy mô lớn nhất của Nga trong năm 2016.
Kiev và các đồng minh phương Tây của Ukraina đã cáo buộc Matxcơva triển khai quân và vũ khí qua biên giới phía đông của Ukraina để khích động cuộc xung đột ly khai đã khiến gần 10.000 người thiệt mạng kể từ tháng Tư năm 2014.
Tổng thống Ukraina Porochenko không loại trừ khả năng nước này sẽ bị Nga xâm lược. Ông đánh giá là ngày càng khó để có được sự giúp đỡ của phương Tây nhằm đối mặt với sự đe dọa từ Nga. Nguyên thủ Ukraina đặc biệt lo ngại rằng do châu Âu đang phải đối phó với một số vấn đề, như khủng khoảng di dân hay khủng bố, hồ sơ Ukraina sẽ bị lơ là.
Trong khi đó, Kiev lại bị các đồng minh phương Tây chỉ trích, vì khoảng 20 người Ukraina theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã phóng hỏa đài truyền hình thân Nga Inter TV tại Ukraina.

Báo chí quốc tế quan ngại tình trạng nhân quyền tại Lào

Thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane mở ra từ ngày 06 đến 08/09/2016. Đây là một sự kiện quan trọng đối với Lào đang giữ chức chủ tịch luân phiên Hiệp Hội các nước Đông Nam Á -ASEAN, đặc biệt là với sự hiện diện của tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đây cũng là lần đầu tiên tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm chính thức công du Lào kể từ khi đảng Cộng sản Pathet Lào lên cầm quyền năm 1975. Theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI tại khu vực Đông Nam Á, Arnaud Dubus, thượng đỉnh ASEAN tại Vientiane là cơ hội để các tổ chức bảo vệ nhân quyền chú ý đến tình trạng nhân quyền tại Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào.
Thông tín viên Arnaud Dubus- Đông Nam Á.06/09/2016Nghe
Arnaud Dubus : Nhiều phương tiện truyền thông châu Âu, Úc, Mỹ và cả của châu Á đều tập trung vào vế nhân quyền tại Lào khi đưa tin về thượng đỉnh Vientiane. Phần lớn các bài báo đều chú ý tới vụ cách nay 4 năm, một gương mặt đấu tranh hàng đầu trong xã hội dân sự Lào, ông Sombath Somphone, đã mất tích. Ông này bị công an bắt đi vào tháng 12/2012 và từ đó trở đi không ai biết số phận ông ra sao.
Ngoài trường hợp của nhân vật này, còn có nhiều trường hợp khác được quan tâm. Chẳng hạn như năm ngoái, ba người chỉ trích chính phủ Lào trên mạng xã hội cá nhân Facebook và họ đã biểu tình trước sứ quán Thái Lan tại Vientiane. Đầu năm nay, cả ba đã bị bắt giữ.
Ngày 31/08/2016, nhiều tổ chức phi chính phủ và đại diện của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc họp báo tại Bangkok để trình bày về tình hình chính trị, nhân quyền tại Lào, về viện trợ quốc tế, về những cam kết của chính quyền Vientiane trong lĩnh vực nhân quyền nhân khóa họp thường kỳ tại Genève năm 2015. Nhân dịp này, vợ của nhà đấu tranh nhân quyền Sombath Somphone là bà Shui Meng, một nhà xã hội học người Singapore, sống tại Vientiane, đã tỏ rất năng động và đã được nhiều hãng truyền thông phỏng vấn về trường hợp của ông Sombath.
RFI : Còn hệ thống chính trị tại Lào thưa anh Arnaud Dubus ?
Arnaud Dubus : Cũng giống như nhiều nước cộng sản hay từng trải qua chế độ cộng sản khác, Lào là quốc gia mà ngay cả trong hàng ngũ lãnh đạo không ai tin vào lý tưởng cộng sản. Nhưng đây là nơi mà guồng máy an ninh, chính sách đàn áp của Đảng vẫn tồn tại. Thành thử, Lào là một dạng Nhà nước công an trị và Nhà nước mafia, ở đó gia đình các nhân vật lãnh đạo đua nhau làm giàu, và họ đối mặt với thế giới bên ngoài để bảo vệ những quyền lợi đó.
Trong xã hội như vậy, người dân hứng chịu nhiều hậu quả : nông dân bị tịch thu đất đai để phục vụ cho các dự án đầu tư, thường là để hướng tới các kế hoạch như là trồng bắp, cây cao su, trồng chuối hay những đề án công nghiệp, xây dựng đập, khai thác quặng mỏ.
Những người bị trưng thu đất đai như vậy không thể khiếu kiện. Nếu có biểu tình chống đối thì lập tức công an và quân đội can thiệp, hù dọa. Một trong những nguyên nhân có thể giải thích cho vụ ông Sombath Somphone mất tích là do ông này đã công khai tố cáo những vụ dân làng bị cưỡng bức và bị cướp đất. Tại Lào, không có tự do báo chí, tự do hội họp, tự do ngôn luận. Nông dân chỉ còn cách cam chịu.
RFI : vậy trong chuyến viếng thăm lịch sử Lào lần này, liệu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có đề cập đến các vấn đề nhân quyền tại Vientiane hay không ?
Arnaud Dubus : Nhiều bức thư được các tổ chức bảo vệ nhân quyền gửi đến tổng thống Barack Obama trước khi ông lên đường công du Lào, để yêu cầu chủ nhân Nhà Trắng đề cập tới hồ sơ này. Bản thân bà Shui Meng cũng đã chính thức kêu gọi tổng thống Mỹ lưu ý đến trường hợp của chồng bà khi hội đàm với các giới chức ở Vientiane. Giới thân cận với tổng thống Obama có hứa là sẽ không quên vế nhân quyền, kể cả vụ ông Sombath Somphone mất tích.
Nhưng liệu rằng tổng thống Obama có công khai nhắc tới tình trạng nhân quyền tại nước Lào trong cuộc họp báo hay không, hay ông chỉ đề cập tới trong những buổi làm việc riêng với các lãnh đạo ở Vientiane ? Trước mắt không thể trả lời câu hỏi này. Nhưng chắn chắn là các phóng viên sẽ chất vấn tổng thống Mỹ trong cuộc họp báo.
RFI : Arnaud Dubus, anh vừa mô tả Lào như một chế độ chuyên chế và chủ trương đàn áp các tiếng nói bất đồng, nhưng liệu có một sự thay đổi nào hay không trong guồng máy lãnh tạo Vientiane thưa anh ?
Arnaud Dubus : Vâng đúng như vậy. Chủ tịch nước kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Lào ông Boonheuang Vorachit còn thuộc thế hệ lãnh đạo cũ, nhưng thủ tướng Thongloune Sisoulith thuộc thành phần trẻ hơn và ông hiện là nhân vật số hai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nội các Sisoulith cũng gồm nhiều bộ trưởng tương đối trẻ.
Thế hệ lãnh đạo này ý thức được là Vientiane cần cải thiện hình ảnh của mình với cộng đồng quốc tế, ít ra là để thu hút đầu tư nước ngoài, mở mang kinh tế.
Thủ tướng Sisoulith đã công khai đề cập đến một vấn đề lớn của Lào là nạn tham nhũng. Ông cũng đã lên tiéng chống lại hiện tượng phá rừng bất hợp pháp, đánh bắt và mua bán các loài động vật quý hiếm.
Một sự thay đổi đang thực sự diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo Lào, và điều đó đang làm dấy lên hy vọng. Nhưng giai đoạn chuyển tiếp là một công trình dài hơi. Không thể chờ đợi Lào nhanh chóng có những bước đột phá.

Anh Quốc vẫn giữ thái độ mập mờ trong hồ sơ Brexit

Hôm qua, 05/06/2016, các dân biểu Anh xem xét kiến nghị được khoảng 4 triệu người ký, đòi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit. Vào dịp này, ông David Davis, bộ trưởng phụ trách về Brexit, lại có những phát biểu mập mờ về chính sách của Anh trong hồ sơ này.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix gửi về bài tường trình :
« Trong phát biểu đầu tiên tại Nghị viện với tư cách là bộ trưởng phụ trách hồ sơ Brexit, ông David Davis muốn tỏ thái độ lạc quan. Theo ông, chính phủ quyết tâm có được sự đồng thuận trên toàn quốc để tiến hành đàm phán với châu Âu về các quyền tự do và cơ hội mới cho nước Anh.
Vào lúc các dân biểu xem xét kiến nghị có 4 triệu chữ ký đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit, ông bộ trưởng đã tranh thủ dịp này để nhắc lại là không có chuyện bác bỏ kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06. Ông nói : Không thể có chuyện nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu, cũng không có chuyện làm chậm trễ hoặc ngăn cản ý nguyện của người dân. Không thể có ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai bởi vì cuộc trưng cầu dân ý lần thứ nhất không làm vừa lòng một số người.
Tuy nhiên, ngoài việc thông báo là 180 quan chức hiện đang tích cực làm việc chuẩn bị cho việc đàm phán Brexit, ông David Davis đã làm cho nhiều người thất vọng, bởi vì ông không cung cấp thông tin nào về vấn đề nhập cư, thị trường duy nhất hoặc lúc nào thì áp dụng điều 50 trong Hiệp ước về Châu Âu, liên quan đến thủ tục rời khỏi Liên Hiệp.
Nếu như các dân biểu ủng hộ Brexit tỏ ra kiên nhẫn thì phe chống đã không ngần ngại chỉ trích chính phủ là đưa ra một loạt những phát biểu nhạt nhẽo, rỗng tuếch và vẫn chưa có được một chiến lược rõ ràng để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ».

Bắc Kinh cảnh cáo các tân dân biểu Hồng Kông đòi độc lập

Trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông ngày 04/09/2016, lần đầu tiên 5 ứng cử viên có chủ trương Hồng Kông tự trị hay độc lập với Hoa lục, lọt vào nghị viện. Ngay lập tức, Bắc Kinh lên tiếng cấm các tân dân biểu này «vận động độc lập cả ở trong lẫn ngoài nghị trường ».
Ngày 05/09/2016, tức ngay sau khi có những kết quả bầu cử đầu tiên, phát ngôn viên Văn phòng Hồng Kông và Macao sự vụ dọa trước là không tha thứ « bất kỳ ai đề cập đến độc lập bên trong cũng như bên ngoài viện Lập Pháp ».
Theo Tân Hoa xã, Bắc Kinh « cực lực chống lại mọi hoạt động có liên quan đến (chủ trương) Hồng Kông độc lập dưới mọi hình thức, bên trong cũng như bên ngoài Hội Đồng Lập Pháp » và «ủng hộ mạnh mẽ chính phủ Hồng Kông để trừng phạt (những dân biểu vi phạm) theo quy định của pháp luật ».
Trung Quốc lo ngại các dân biểu trẻ tuổi Hồng Kông xuất thân từ phong trào cách mạng Dù Vàng sẽ biến nghị trường thành diễn đàn tranh đấu sau khi chiến dịch chiếm đóng đường phố gây áp lực chính trị vào năm 2014 thất bại trước thái độ không khoan nhượng của Bắc Kinh.
Bản thông cáo lên án các ứng cử viên « lợi dụng bầu cử để cỗ vũ công khai » cho xu hướng đòi độc lập. Hành động này, theo quan điểm của Bắc Kinh là « đi ngược lại quyền lợi » của tất cả người dân Kồng Kông, vi phạm Hiến pháp Trung Quốc và Hồng Kông, theo như trích dẫn của Tân Hoa xã .
Theo AFP, cuộc bầu cử hôm Chủ nhật xảy ra trong bối cảnh người dân địa phương ngày càng nghi ngờ Bắc Kinh muốn giới hạn mọi quyền tự do tại nhượng địa cũ của Anh Quốc. Cử tri đi bầu đông đảo đạt mức kỷ lục 58%.
Cho dù chính quyền thân Trung Quốc đã cấm 6 ứng cử viên có xu hướng đòi độc lập tranh cử nhưng phe đối lập vẫn giành thêm ghế và củng cố thiểu số có quyền phủ quyết nhất là các dự luật được xem đi ngược lại các quyền tự do.

Tại sao ASEAN luôn nói dối là mình đoàn kết ?

Nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh với các cường quốc thế giới tại Lào bắt đầu từ ngày 06/09/2016, khối ASEAN lại tìm cách che giấu sự chia rẽ trong nội bộ trên vấn đề chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách phô trương một bề ngoài đoàn kết. Báo South China Morning Post, Hồng Kông, ngày 05/09/2016 trích dẫn các chuyên gia đã nêu lên nhận định trên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, tổng thống Nga Valdimir Putin, thủ tướng Nhật Shinzo Abe, tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với một số đại diện khác sẽ họp với lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á, EAS, mở ra trong ba ngày tại Vientiane ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu.
Thượng đỉnh ASEAN, lần đầu tiên tổ chức tại Lào từ 12 năm nay, diễn ra trong bối cảnh không thuận thảo giữa các thành viên có lập trường đối nghịch nhau về đòi hỏi chủ quyền hầu như trên toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc. Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei có tranh chấp với Trung Quốc, còn Cam Bốt và Lào – hai quốc gia được trợ giúp nhiều nhất và đầu tư hậu hỉnh của Trung Quốc– thì đã nỗ lực hậu thuẫn Bắc Kinh.
Giới quan sát cho rằng tình trạng chia rẽ trong ASEAN vẫn in đậm trong tâm trí các lãnh đạo khi họ gặp nhau, cho dù ngoài mặt, họ vẫn phô diễn tình đoàn kết trước các lãnh đạo thế giới.
Charles Santiago, một nghị sĩ đối lập Malaysia và là chủ tịch nhóm Nghị Sĩ ASEAN vì Nhân Quyền nhận định : « Lãnh đạo ASEAN sẽ rón rén giữa họ với nhau…với sự hiện diện của Obama và Lý Khắc Cường, họ sẽ chơi trò đoàn kết, trong lúc thật ra không có đoàn kết gì cả. »
Theo phân tích của ông Santiago, thiện chí phô trương bề mặt đó xuất phát từ « việc Mỹ và Trung Quốc sử dụng các ‘đại diện’ trong vùng để thay họ đánh nhau ».
Thitinan Pongsudhirak, một chuyên gia về ASEAN ở Đại học Chulalongkorn University, Bangkok, nhận định : « Có lẽ chúng ta sẽ thấy một loại hành động như giấm giúi vấn đề Biền Đông dưới chiếc thảm ‘ASEAN đoàn kết’ một lần nữa ».
Đây là Thượng Đỉnh ASEAN đầu tiên sau phán quyết ngày 12/07/2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.
Đại sứ lưu động Singapore Ong Keng Yong nhận thấy sẽ không có một thượng đỉnh « nẩy lửa » vì lẽ Philippines, nước đệ đơn kiện Trung Quốc đã cho biết là họ sẽ không nêu vấn đề Biển Đông ra trước hội nghị.
Đơn kiện được chuyển đến Tòa Trọng Tài vào năm 2013, dưới thời tổng thống Philippines tiền nhiệm Benigno Aquino. Đương kim tổng thống Rodrigo Duterte thì giữ khoảng cách với quyết định đó, không có thái độ cứng rắn với Trung Quốc như người tiền nhiệm.
Theo nhân vật nguyên là tổng thư ký ASEAN này thì « nếu không có sự khơi mào của Philippines, thì Trung Quốc và Hoa Kỳ khó có thể lao vào những điểm tranh cãi nếu không muốn tỏ ra là mình quá đáng ».
Tuy nhiên, ông Ong Keng Yong cho rằng « phía Mỹ chắc chắn sẽ nhấn mạnh trên tính chất thiêng liêng của quyền tự do hàng hải và hàng không, trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế ».
Trung Quốc đã cực lực bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng Tài và đã thành công trong việc thuyết phục hai đồng minh Cam Bốt và Lào đảm bảo sao cho Tuyên bố chung của Hội Nghi Ngoại Trưởng ASEAN mấy tuần lễ sau đó, không nêu vấn đề phán quyết.
Trung Quốc vẫn gia tăng công việc xây dựng tại các vùng tranh chấp cho dù vấn đề được nêu lên trước Tòa Trọng Tài. Hành động của Trung Quốc bị Hoa Kỳ xem là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống trị khu vực, coi thường luật biển quốc tế.
Giới phân tích cho là các lãnh đạo ASEAN sẽ làm mọi cách để không tái lập lại tình trạng như Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN năm 2012 tại Cam Bốt : Cuộc họp đã không ra được Tuyên Bố Chung do bất đồng trên vấn đề tranh chấp biển đảo.
Richard Javad Heydarian, một giáo sư chính trị học tại đại học De La Salle tại Philippines cho rằng Tuyên Bố Chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Lào sẽ « không quá bất thân thiện đối với Trung Quốc ».
Theo chuyên gia này : « Người ta có thể thấy những câu như ‘bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc về Biển Đông’, nhưng phán quyết của Tòa La Haye « có lẽ sẽ không được nhắc đến ».
Ông cũng nói thêm : « Điều đó chứng tỏ là Trung Quốc có một sức ảnh hưởng cực kỳ to lớn nhằm kềm chế tác hại xấu về mặt ngoại giao mà người ta chờ đợi sau phán quyết của Tòa Trọng Tài ».
Cho dù vấn đề tranh chấp biển đảo phủ bóng lên Hội nghị Thượng đỉnh tại Lào, theo giới chuyên gia, các lãnh đạo ASEAN cũng sẽ sử dụng cơ hội này để bàn về an ninh và hợp tác kinh tế, trong đó có việc thảo luận về thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên và cảnh cáo Bình Nhưỡng, cũng như phương thức hợp tác chặt chẽ hơn để chống lại đe dọa khủng bố trong vùng.
Năm 2015, ASEAN đã cho hình thành Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN hầu xây dựng một thị trường chung cho hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động lành nghề và luồng vốn được tự do lưu chuyển trong khối. Trong nghị trình các cuộc họp còn có kế hoạch nối mạng rộng lớn giữa 10 quốc gia Đông Nam Á.
Theo ông Mustafa Izzuddin, một chuyên gia tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore : « Nền ngoại giao kinh tế, sự lệ thuộc lẫn nhau và hội nhập cũng sẽ là những chủ đề lớn trong các cuộc họp nhân hội nghị thượng đỉnh Vientiane.
Một nét khác rất được chú ý : Đây là Thượng đỉnh ASEAN cuối cùng trước khi tổng thống Mỹ Obama rời Nhà Trắng. Ông Obama có lẽ sẽ sử dụng Hội Nghị như diễn đàn để nhấn mạnh đến chiến lược xoay trục qua Châu Á của Mỹ.
Nhưng nhiều người ở Đông Nam Á sợ rằng chiến lược này của ông Obama đã mất đi động lực và sẽ mất thêm hơi sức còn lại với chính quyền mới tại Mỹ vào năm tới đây

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.