Tin Thế giới – 28/09/2016
Tranh luận Trump-Clinton phá kỷ lục truyền hình
Cuộc tranh luận của hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump được 84 triệu người theo dõi trên truyền hình Mỹ, phá kỷ lục thiết lập 36 năm trước.
Cuộc tranh luận giữa Jimmy Carter và Ronald Reagan năm 1980 đã thu hút 80,6 triệu người xem.
Thống kê chỉ tính những người theo dõi cuộc tranh luận được tường thuật trực tiếp trên 13 kênh truyền hình của Mỹ, nghĩa là con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Hàng triệu khán giả trên toàn thế giới được cho là đã xem sự kiện này qua Facebook live hoặc tv trong quán bar hoặc trong bữa tiệc.
Nhà cung cấp dữ liệu Nielsen cho biết rằng nhiều người xem không chuyển kênh trong suốt cuộc tranh luận dài 98 phút.
Ông Trump nói với những người ủng hộ hôm 27/9 rằng ông biết cuộc tranh luận sẽ thu hút “một trong những lượng khán giả lớn nhất trong lịch sử truyền hình”, nhưng ông “hít một hơi thật sâu” và “giả vờ tôi đang nói chuyện với người nhà”.
Năm 2015, giải Super Bowl của giành được lượng khán giả truyền hình Mỹ lớn nhất đến nay với 114,4 triệu người xem trận đấu giữa đội New England và Seattle.
Sẽ có thêm hai cuộc tranh luận giữa các ứng viên diễn ra ngày 9/10 và 19/10 – trước khi cuộc bầu cử tiến hành hôm 8/11.
Ngày 9/10, cuộc tranh luận của bà Clinton và ông Trump diễn ra cùng thời điểm thi đấu giữa hai đội Packers Green Bay và New York Giants nên sẽ phải cạnh tranh về lượng khán giả.
‘Khác biệt rõ ràng’
Các cuộc thăm dò mới nhất đã dự báo ai thắng trong cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên, nhưng các cuộc khảo sát công phu hơn sẽ được tiến hành trong những ngày tới.
Hôm 27/9, bà Clinton cho biết bà cảm thấy cuộc tranh luận đã nêu bật những khác biệt quan trọng giữa bà và ông Trump.
“Phong thái, tính khí, hành vi của ông ấy trên sân khấu được tất cả mọi người nhìn thấy và mọi người có thể rút ra kết luận của riêng mình,” bà nói.
“Và tôi nghĩ rằng đã vài lần ông ấy cáo buộc những điều rõ ràng là không đúng sự thật – trong lúc đưa ra những ý kiến mà tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu và bị xúc phạm.”
“Vấn đề đáng quan tâm với một ứng viên tổng thống là phong thái, thể chất và năng lực để đảm nhiệm vị trí quan trọng và khó khăn nhất thế giới.”
“Và tôi nghĩ đêm qua mọi người đã nhìn thấy một số sự khác biệt rất rõ ràng giữa hai chúng tôi.”
Phản hồi về cuộc tranh luận trong chương trình Fox and Friends, ông Trump cho biết sự kiện diễn ra tốt đẹp, nhưng phàn nàn rằng người chủ trì chương trình Lester Holt đã không hỏi xoáy bà Clinton về “những vụ bê bối” của bà.
Ông cho biết thoạt đầu định nêu “nhiều vụ ngoại tình của Bill Clinton”, nhưng cuối cùng giữ lại vì Chelsea, con gái nhà Clinton ngồi ở hàng ghế khán giả.
“Tôi có thể tấn công bà ấy theo những cách nhất định nhưng tôi không muốn làm tổn thương tình cảm của bất cứ ai,” ông nói.
Ông nói thêm rằng ông có thể “tấn công bà Clinton dữ dội hơn” trong cuộc tranh luận kế tiếp.
Tên lửa bắn MH17 ‘được chuyển đến từ Nga’
Nhóm điều tra Hà Lan hôm 28/09/2016 công bố báo cáo nói trái hỏa tiễn bắn hạ phi cơ MH17 của hàng không Malaysia “được chuyển từ Nga sang lãnh thổ Ukraine”.
Hỏa tiễn đất đối không BUK được bắn lên từ vùng do phiến quân ủng hộ Nga tại miền Đông Ukraine kiểm soát, theo báo cáo.
Báo cáo mới nhất được công bố loại trừ khả năng MH17 bị bắn từ một phi cơ như một số gợi ý ban đầu.
Chuyến bay MH17 từ Amsterdam đến Kuala Lumpur bị rơi trong lúc xung đột giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly thân thân Nga dâng cao.
Có ba nạn nhân quốc tịch Hà Lan gốc Việt tử nạn trong vụ MH17 bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine tháng 7/2014.
Bà Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1977 và hai con là Đặng Minh Châu (sinh 1997), Đặng Quốc Huy (sinh 2001) bị tử nạn trên chuyến bay từ Hà Lan về qua Kuala Lumpur, Malaysia, để tới Hà Nội nghỉ hè cùng gia đình.
Tổng cộng có 298 người trên chiếc phi cơ, đa số mang quốc tịch Hà Lan, bị thiệt mạng.
Hồi tháng 5/2016, tin tức cho hay gia đình các nạn nhân của chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines đã kiện Nga và Tổng thống Vladimir Putin lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu.
Các nước Phương Tây và Ukraine nói những người nổi dậy phải chịu trách nhiệm về vụ phi cơ Malaysia trúng hỏa tiễn, nhưng Nga buộc tội lực lượng Ukraine.
Việc khởi kiện của các gia đình nạn nhân dựa trên sự vi phạm về quyền sống của hành khách, theo trang News.com.au.
Cáo buộc này đòi 10 triệu đô-la Úc (7,2 triệu đô-la Mỹ) cho từng nạn nhân, vụ kiện đưa ra tên bị đơn là chính quyền và Tổng thống Nga.
Di sản cựu tổng thống Israel Shimon Peres
Kevin ConnollyCựu phóng viên Trung Đông của BBC
Shimon Peres là chính trị gia cuối cùng trong thế hệ lập quốc của Israel năm 1948 đã rời sân khấu chính trị.
Nhưng dù cuộc đời chính trị của ông kéo dài suốt 70, không khó để tìm ra những điểm chính.
Năm 1993, ông là một người trong số nhóm chính trị gia gồm có Bill Clinton, Yasser Arafat và Yitzhak Rabin cùng ký Hiệp định Oslo – hiệp định hòa bình đầu tiên với người Palestine.
Đó không phải là thực hiện một lời hứa sớm – mà trong những ngày lạc quan đó không ai thể hiện lời hứa đó tốt hơn chính ông.
“Chúng ta sống trong một vùng đất cổ xưa,” ông nói trong lễ ký kết hiệp định trên sân cỏ của Nhà Trắng.
“Vùng đất của chúng ta nhỏ, vì thế sự hòa giải của chúng ta phải to lớn. Tôi muốn nói với đoàn đại biểu Palestine là chúng tôi chân thành… Tất cả chúng ta hãy biến đạn pháo thành những lá phiếu, biến súng ống thành cuốc xẻng. Chúng tôi sẽ cầu nguyện với các bạn. Chúng tôi sẽ giúp đỡ các bạn làm Gaza thịnh vượng và Jericho bừng nở trở lại.”
“Vì chúng tôi đã hứa, chúng tôi muốn thương thảo với các bạn một sự định cư lâu dài, và hòa bình toàn diện cho tất cả láng giềng của chúng ta mãi mãi.”
Bài diễn thuyết đã khắc hoạ những điều quan trọng nhất khiến ông Shimon Peres được nhớ tới trên chính trường thế giới – dĩ nhiên là theo cách mà ông muốn được nhớ tới – là một người Israel đã hàn gắn và đấu tranh cho hoà bình.
Thành tựu khó nắm bắt
Nhưng dù Shimon Peres thường nói về tầm nhìn của ông về một Israel chung sống hoà bình với những quốc gia Ả Rập xung quanh, như chia sẻ nguồn nước và tự do thương mại qua việc mở cửa biên giới, nhưng đồng thời ông lại nỗ lực rất nhiều để xây dựng lực lượng vũ trang của Israel mạnh hơn.
Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, ông là một chính khách quan trọng tham gia thương thảo hợp đồng với các nhà buôn vũ khí nước ngoài và tiến hành thương thuyết bí mật để giúp Israel trở thành cường quốc hạt nhân.
Khi được trao giải Nobel Hoà Bình vì ký Hiệp định Oslo, ông nói một cách triết lý về sức mạnh quân đội Israel mà ông đã bỏ nhiều công sức xây dựng: “Chúng tôi buộc phải chiến đấu với những cuộc chiến xảy ra với mình. Nhờ vào Lực lượng Phòng vệ Israel, chúng tôi đã chiến thắng tất cả, nhưng chúng tôi không có được chiến thắng vĩ đại nhất mà chúng tôi khao khát: đó là được tự do không cần phải chiến thắng gì nữa.”
Có lẽ vì ông đã phát biểu quá thường xuyên và quá tốt về hoà bình, Shimon Peres nhận được sự hoan nghênh nhất định trên chính trường thế giới, nhưng điều này không hoàn toàn có nghĩa là thành công trong nền chính trị nội địa Israel.
Ông chưa bao giờ thực sự thắng một cuộc bầu cử nào, nhưng đã hai lần làm thủ tướng, bao gồm cả lần ông nhậm chức thay vị trí ông Yitzhak Rabin khi ông này bị một người cực hữu Israel sát hại năm 1995 vì đã tham gia thoả thuận hoà bình với Palestine.
Vào khoảnh khắc đó, Shimon Peres tìm được lời lẽ thích hợp để kết nối với những gì mà nhiều người Israel cảm thấy.
“Bạn có thể giết chết một người,” ông nói, “nhưng bạn không thể giết một ý tưởng vĩ đại và cao quý về hoà bình.”
Trong cuộc diễu hành kỷ niệm 20 năm sau vụ ám sát, ông vẫn tranh luận về cùng một điều, chối bỏ các phê phán của phe cánh tả về những người đã tìm kiếm hoà bình với người Palestine, khi bị gọi là “ảo tưởng”.
Sự kiện Entebbe
Không có vị trí bộ trưởng nào mà ông từng không kinh qua trong suốt nhiều thập niên dài trên chính trường, và hiếm có một chương quan trọng nào của lịch sử quốc gia Israel mà không có bóng dáng ông ở vị trí nào đó.
Ông là một sĩ quan quân đội như rất nhiều đối thủ khác của mình, nhưng ông làm bộ trưởng quốc phòng năm 1976 khi những tên không tặc người Palestine và người Đức buộc một chuyến bay dân sự chuyển hướng đang bay từ Athens (Hy Lạp) đến Paris (Pháp) phải đến Entebbe ở thành phố Idi Amin ở Uganda.
Khi lính biệt kích Israel lao vào nhà ga sân bay, tiêu giệt không tặc và giải cứu hầu hết con tin, cũng chính ông Peres là người sau đó nói những lời ca ngợi và an ủi đến người Israel.
Ông nói với đất nước mình: “Đây là một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ vì nó là nhiệm vụ kéo dài nhất nếu tính về phạm vi, và là nhiệm vụ ngắn nhất nếu tính về thời gian và là nhiệm vụ can đảm nhất mà ta có thể tưởng tượng.”
Lập trường cứng rắn
Thời gian đã thay đổi rất nhiều trong cuộc đời chính trị dài của ông, Shimon Peres theo cách nào đó đã thay đổi cùng với nó.
Người từng là thành viên của chính phủ cho phép xây khu định cư người Do Thái trong vùng bị chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967, sau này lại nhìn khu định cư là một cản trở cho hiệp định hoà bình.
Nhưng ông không bao giờ dao động quan điểm và cho rằng việc này không có gì đối lập với khát vọng hoà bình của ông khi cho rằng người Israel phải sẵn sàng chuẩn bị sức mạnh quân sự để chống lại kẻ thù như các tổ chức dân quân của Palestine như Hamas chiếm đóng ở Dải Gaza.
“Chúng tôi kiên định”, ông từng nói, “chiến đấu chống lại Hamas và cuộc thánh chiến Hồi giáo không chút hối tiếc và không giới hạn, cũng kiên định như khi chúng tôi nỗ lực vì tiến trình hoà bình.”
Khi nhóm dân quân Lebanon Hezbollah bắn tên lửa vào miền Bắc Israel năm 1996, thủ tướng Shimon Peres lúc đó ra lệnh tiến hành một chiến dịch quân sự để phản công, trở thành cuộc phản công 16 ngày khiến hàng trăm người dân Lebanon bị thiệt mạng và bị thương, hàng trăm người mất nhà cửa.
Nhiệm vụ có tên “Chùm Nho Phẫn nộ” ghi nhận nhiều thường dân thương vong khi Israel đánh bom một khu trại của Liên hiệp Quốc, nơi người dân trú ẩn, gây ra sự chỉ trích và lên án ở nhiều nơi.
Sự nghiệp chính trị dài của Shimon Peres có một dấu ấn quan trọng cuối cùng – ông vẫn tham dự hầu hết các hoạt động của một tổng thống khi ông qua tuổi 90, khiến ông trở thành một trong những lãnh đạo lớn tuổi nhất thế giới
Là vị cha già dân tộc của đất nước Israel, ông đón nhận những lời ca ngợi mà ông chưa có được trong giai đoạn đầu của sự nghiệp.
Shimon Peres:
Một đời phụng sự cho Israel và hoà bình thế giới
Cựu Tổng thống Israel Shimon Peres, cũng từng nắm chức vụ Thủ tướng, đã phục vụ trong hệ thống công vụ Israel từ thời lập quốc, vừa qua đời ở tuổi 93, sau khi lên cơn đột quỵ cách đây 2 tuần. Ông qua đời hôm thứ Tư 28/9 tại bệnh viện ở Tel HaShomer.
Trong sự nghiệp dài của mình, ông Shimon Peres đã nắm giữ gần như tất cả mọi vị trí chính trị quan trọng tại nước ông, kể cả 2 nhiệm kỳ Thủ Tướng, Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng, và Bộ Trưởng Ngoại giao.
Ông là thành viên phục vụ quốc hội lâu năm nhất trong lịch sử của Israel, và đã giữ chiếc ghế trong cơ quan này mà người Israel gọi là Knessett, trong suốt 48 năm.
Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ông Peres đã cống hiến cả đời cho quyền tự quyết của nhân dân Israel.
“Trong tư cách là một người có viễn kiến, ông luôn hướng nhìn về tương lai. Là một người phục vụ cho an ninh, ông đã củng cố sức mạnh của Israel về nhiều phương diện, một số phương diện vẫn chưa được biết rõ ngày hôm nay. Trong cương vị là một người phụng sự cho hoà bình, ông đã làm việc cho tới những ngày cuối đời nhắm tới hoà giải với các nước láng giềng của chúng ta vì tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta.”
Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama nói không có ai đã làm nhiều hơn ông Shimon Peres để xây dựng liên minh giữa Hoa Kỳ và Israel. Ông Obama mô tả ông Peres là một người có sức thuyết phục người khác trông đợi nhiều hơn từ chính mình.
Trong một thông báo, Tổng Thống Obama viết:
“Kim chỉ nam của ông là viễn kiến về nhân phẩm con người và những tiến bộ mà ông biết những người có thiện chí có thể cùng nhau thăng tiến. Ông đã đưa những người trẻ tuổi đến với nhau từ khắp nơi trên thế giới bởi vì ông biết rằng những bạn trẻ đó có thể đưa chúng ta đến gần hơn với những lý tưởng về công lý và bình đẳng.”
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton nói với cái chết của ông Peres, Trung Đông đã “mất đi một người nhiệt thành cổ vũ cho hoà bình và hoà giải.”
Ông Peres ra đời năm 1923 tại vùng đất ngày nay là Belarus. Gia đình ông dời sang Israel khi ông lên 11 tuổi, lúc mà vùng đất sau này trở thành nước Israel hãy còn nằm dưới quyền cai trị của Anh quốc.
Lần đầu tiên tiếp cận với chính trị và ngoại giao, khi ông được bổ nhiệm vào nghị hội của phong trào Do thái giáo tại Basel, Thuỵ Sĩ, ở tuổi 23. Tổ chức này được thành lập vào năm 1897 để khuyến khích người Do thái di cư sang Palestine.
Ông Peres trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Israel lần đầu vào năm 1952, khi ông mới lên 29 tuổi.
Ông được cho là có công trong nỗ lực phát triển công nghiệp quốc phòng và không gian của Israel, và tìm nguồn để thủ đắc các vũ khí tiên tiến đã giúp cho dất nước Israel mới thành lập sống còn. Ông Peres còn được cho là đã làm việc để phát triển chương trình hạt nhân của Israel, mà mãi cho tới nay, nước này chưa từng công nhận mình sở hữu.
Quân đội Israel đã bị bứng gốc trong chiến tranh Yom Kippur 1973, và trách nhiệm nằm trong tay ông Peres, lúc đó lại phục vụ trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng sau khi nắm nhiều vị trí khác, để tái thiết Israel thành một cường quốc quân sự.
Trong khi ông quyết tâm xây dựng sức mạnh của Israel hơn bao giờ hết, ở hậu trường ông cũng bắt tay làm việc cho hoà bình với Ai Cập. Trong khi nắm chức Thủ Tướng luân phiên với ông Yitzhak Shamir, ông Peres còn ra sức giảm thiểu căng thẳng với Libang và Jordani.
Thành tích chủ yếu của ông là trong cương vị Ngoại Trưởng để đạt hiệp định Oslo, một thoả thuận để Palestine được quyền tự cai trị, đã dẫn tới việc ông Peres, và Thủ Tướng Israel lúc bấy giờ là ông Yitzhak Rabin và cố lãnh tụ Palestine Yasser Arafat chia chung Giải Nobel Hoà bình năm 1994
Ông Peres lên làm Thủ Tướng lần thứ nhì khi ông Rabin bị ám sát năm 1995, nhưng ông thất cử năm sau đó.
Ông nắm chức Tổng thống Israel từ năm 2007 tới năm 2014, một chức vụ về phần lớn có tính cách nghi lễ nhưng là một chức vụ ngoại giao quan trọng.
Ông Shimon Peres còn là người sáng lập Trung tâm Hoà bình Peres, nơi phát triển các dự án hỗn hợp, kinh tế, giáo dục và văn hoá với người Palestine, Ai Cập và Jordan.
Ông vẫn tiếp tục làm việc cho hoà bình và hợp tác cho tới khi bị đốn ngã vì chứng đột quỵ.
Cha của thiếu niên theo Nhà nước Hồi giáo tìm câu trả lời
Vào buổi sáng ngày 9 tháng 11 năm 2014, hai nhân viên FBI đến nhà ông Yusuf Aden Abdurahman tại thành phố Minneapolis và hỏi ông có biết Zacharia con ông ở đâu không thì ông Abdurahman trả lời “theo chỗ tôi biết Zacharia hiện có mặt trong thành phố, trong trường đại học.”
Tuy nhiên nhân viên FBI cho ông biết ngược lại là FBI đã chặn Zacharia tại phi trường JFK, New York khi con ông chuẩn bị lên máy bay đi Athen qua ngả Moscow. Nhân viên FBI nói Zacharia không bị bắt nhưng FBI có lý do để tin rằng Zacharia có kế hoạch lên đường đi Syria để gia nhập Nhà nước Hồi giáo.
Ông Abdurahman nhớ lại ông và vợ nhìn nhau. Ông nói “Tôi cảm thấy như trời sập”.
Tuy nhiên cảm giác này không sánh nổi với cảm giác của ông 5 tháng sau đó khi Zacharia chính thức bị bắt, lần này vì có kế hoạch cùng với những người khác, mua hộ chiếu giả, từ Minnesota đi Mexico, và bay ra nước ngoài để gia nhập Nhà nước Hồi giáo, một tổ chức chính phủ Mỹ liệt vào danh sách những tổ chức khủng bố nước ngoài.
Vào tháng 9 năm 2015, Zacharia nhận tội âm mưu đến Syria trong một nỗ lực hỗ trợ vật chất cho Nhà nước Hồi giáo. Zacharia là một trong số 6 người nhận cùng một tội trạng và đang chờ ra tòa vào tháng 11 tới đây. Mỗi người có thể bị 15 năm tù giam.
Việc Zacharia tìm cách gia nhập Nhà nước Hồi giáo khiến ông Abdurahman đặt câu hỏi là làm thế nào con trai ông bị cực đoan hóa để trở thành một phần tử hiếu chiến Hồi giáo. Đây là một vấn đề đã hoành hành trong cộng đồng người Mỹ gốc Somalia tại Minnesota trong một thập niên, kể từ khi nhóm nổi dậy Somalia al-Shabab bắt đầu tuyển chiến binh tại tiểu bang này.
Zacharia dường như không phải là người dễ bị những tổ chức cực đoan như vậy tuyển mộ. Zacharia sinh tại Minneapolis vào năm 1995, thuộc thế hệ đầu tiên người Mỹ gốc Somalia do sinh tại Mỹ.
Ông Abdurahman nói ông rất gần gũi con trai ông, chơi các trò chơi với Zacharia và đưa con đi xem phim. Ông nói ông và vợ đều thương Zacharia và thúc đẩy con thành đạt.
Các nỗ lực của ông Abdurahman dường như thành công. Sau 9 năm học các trường công lập, Zacharia theo học một trường trung học Somalia địa phương đặc biệt và tốt nghiệp vào năm 2013. Sau khi nghỉ một năm, Zacharia ghi tên học Trường đại học Cộng đồng và Công nghệ Minneapolis với mục đích trở thành một kỹ sư phần mềm máy vi tính. Zacharia cũng có một việc làm tại Bệnh viện Quận Hennepin.
Tuy nhiên những người có cảm tình với Nhà nước Hồi giáo móc nối với Zacharia. Ông Abdurahman đổ lỗi cho trung tâm giáo dục Somalia không bảo vệ trẻ em tránh xa những tư tưởng tôn giáo cực đoan.
Bà Dequa Hussein có con trai cũng nhận cùng một tội như Zacharia đồng ý và cho biết bà không nói là thầy giáo và giáo sĩ Hồi giáo tuyển mộ con trai bà cho Nhà nước Hồi giáo nhưng họ không bảo vệ con bà.
Ông Sheikh Ahmed Tajir, giáo sĩ của Trung tâm Hồi giáo Ummatul cho rằng những chỉ trích này không đúng.
Tuy nhiên ông Abdirizaka Bihi, một lãnh tụ cộng đồng Minneapolis nói các ngôi đền không nên phủ nhận việc này. Cháu trai của ông Bihi là Burhan Hassan đến Somalia vào năm 2008 để gia nhập al-Shabab và chết tại đây.
Ông Abdurahman nói ông rất hài lòng khi con ông bị bắt trước khi đến được Syria. Hiện ông thường xuyên đi thăm con ông trong tù. Ông nói Zacharia hối tiếc về những việc đã làm.
http://www.voatiengviet.com/a/cha-cua-thieu-nien-theo-nha-nuoc-hoi-giao-tim-cau-tra-loi/3528040.html
Tranh luận Trump-Clinton: Phản ứng của giới đầu tư
Giới đầu tư trên toàn thế giới có lẽ theo dõi rất sát sao khi hai ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton của đảng Dân chủ, và Donald Trump của đảng Cộng hòa tranh luận về những hướng tiếp cận rất khác biệt về vấn đề kinh tế và nhiều vấn đề khác. Nhiều nhà đầu tư và các kinh tế gia nói tình trạng bất định về các chính sách tương lai sẽ định hướng nền kinh tế lớn nhất thế giới là một trong những rủi ro lớn nhất mà các thị trường chứng khoán phải đối mặt.
Mặc dù vậy, các thị trường chứng khoán toàn cầu không thay đổi đáng kể trong những giờ đầu tiên sau cuộc tranh luận. Tại châu Á, chỉ số Hằng Sinh của Hồng Kông tăng 1,1%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng hơn tám phần mười điểm của 1%. Tại châu Âu, trong khi chỉ số FTSE ở London giảm bảy phần mười của 1%, chỉ số DAX của Đức giảm gần 1,2%, và chỉ số CAC của Pháp giảm chín phần mười của 1%.
Trong phiên giao dịch sáng hôm nay trên các thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones sụt hai phần mười của 1%. Thị trường chứng khoán giao động trên dưới 1% là điều xảy ra thường xuyên trong vài năm qua.
Báo Politico viết rằng ông Trump đã đưa ra những lập luận mạnh mẽ nhất trong cuộc tranh luận khi ông đổ lỗi cho cựu Ngoại trưởng Clinton về các vấn đề phát sinh từ các thoả thuận thương mại và đà hồi phục chậm chạp của nền kinh tế. Tuy nhiên, tờ báo nói ông Trump đã không đưa ra những chi tiết về cách làm cách nào để cải thiện tình hình.
Báo Wall Street Journal viết rằng các chuyên gia đầu tư đang theo dõi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cuộc đua sẽ rất sít sao giữa ông Trump và bà Clinton, và khả năng ông Trump có thể giành chiến thắng bắt đầu được coi một cách nghiêm túc. Một số người đã bắt đầu tư vấn cho khách hàng về những sự lựa chọn để đầu tư dựa trên tác động có thể có của các chính sách của ông Trump.
Giới phân tích:
Bà Clinton giành phần thắng trong cuộc tranh luận
Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton và Donald Trump quay trở lại vận động tranh cử hôm thứ Ba, một ngày sau cuộc tranh luận quyết liệt giữa họ mà đa số những nhà phân tích độc lập có chung nhận định rằng bà giành phần thắng và có thể giúp bà vượt lên trong những cuộc khảo sát ý kiến toàn quốc, sáu tuần trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8 tháng 11.
Những cuộc khảo sát chính trị trước cuộc tranh luận cho thấy hai ứng cử viên tranh đua sít sao. Bà Clinton, ứng cử viên Đảng Dân chủ, dẫn trước với cách biệt mong manh 2 điểm.
Nhưng nhà khoa học chính trị Alan Abramowitz của Đại học Emory ở thành phố Atlanta và nhà phân tích khảo sát ý kiến Nate Silver đều nói bà Clinton có thể giành thêm hai điểm nữa sau khi bà đẩy ông Trump vào thế thủ suốt phần lớn cuộc tranh luận, công kích ông về chuyện ông từ chối công bố hồ sơ khai thuế thu nhập ở Mỹ, về chuyện ông không thanh toán tiền cho một số nhà thầu mà ông thuê để xây dựng sân golf và sòng bạc, và về chuyện ông lâu nay chê bai nhiều người phụ nữ.
Ông Abramowitz gọi phần tranh luận của bà Clinton là “bình tĩnh, điềm nhiên” và nói rằng bà đã” có thể nói về nhiều vấn đề.” Ông mô tả ông Trump là “khá khoa trương và hời hợt. Tôi nghĩ ông ấy gặp rất nhiều rắc rối về vấn đề chủng tộc và giới tính.”
John Sides, nhà khoa học chính trị tại Đại học George Washington, nói với VOA: “Cảm giác ban đầu của tôi là hầu hết những nhà báo và những nhà bình luận đều cho rằng bà Clinton vượt trội so với ông Trump. Vì có bằng chứng cho thấy bất kỳ sự đồng thuận nào của giới truyền thông đều có thể định hình cách nhìn nhận của cử tri đối với cuộc tranh luận, điều này gợi ý rằng bà Clinton có nhiều phần chắc sẽ hưởng lợi hơn ông Trump.”
Trong những giờ sau cuộc tranh luận, ông Trump khoe một số cuộc khảo sát tức thì không có tính khoa học, được thực hiện với những người xem cuộc tranh luận, cho thấy ông là người giành phần thắng, ngoại trừ một cuộc khảo sát do CNN thực hiện cho thấy bà Clinton giành phần thắng.
Nhưng sáng ngày thứ Ba ông Trump đổ lỗi cho người điều khiển cuộc tranh luận, người dẫn chương trình tin tức của đài NBC Lester Holt. Ông Trump nói rằng ông Holt đã đặt những câu hỏi khó hơn cho ông so với bà Clinton, và đổ lỗi cho micro “tồi tệ” trên sân khấu tranh luận mà theo lời ông được chỉnh âm lượng thấp hơn so với micro của bà Clinton.
Bà Clinton, khi đến bang bầu cử hệ trọng North Carolina để dự một buổi vận động chính trị, chế giễu lời than phiền về micro của ông Trump.
“Người nào than phiền về micro là người đó đã không thể hiện tốt trong đêm đó,” bà nói.
Nhưng ông Trump khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên đài Fox News rằng ông thể hiện tốt hơn bà Clinton và cho bà điểm C trừ, trong khi từ chối không tự chấm điểm cho mình về cuộc tranh luận. Cuộc tranh luận được hàng chục mạng lưới truyền hình phát sóng trực tiếp với 81 triệu người xem, và thêm hàng triệu người xem trực tuyến.
Những cố vấn của ông Trump gợi ý rằng ông có thể bỏ qua cuộc tranh luận tiếp theo với bà Clinton diễn ra vào ngày 9 tháng 10 tại thành phố St. Louis của bang Missouri thuộc vùng trung tây, nhưng ông Trump cho biết ông định sẽ tham dự cả hai cuộc tranh luận còn lại.
Ông Trump cho biết ông có thể “tấn công mạnh hơn” vào lần tới hai người chạm trán.
“Tôi thực sự đã nương tay bởi vì tôi không muốn làm tổn thương tình cảm của bất cứ ai,” ông Trump nói. Ông nói lẽ ra ông đã “nêu lên nhiều vụ ngoại tình của Bill Clinton” nhưng đã không làm như vậy vì con gái của hai vợ chồng Clinton, Chelsea, có mặt trong hàng ghế cử tọa tại Đại học Hofstra, bên ngoài Thành phố New York.
Khi được hỏi về khả năng ông Trump có thể nhắc tới những vụ ngoại tình của chồng, bà Hillary Clinton nói với phóng viên: “Ông ta muốn vận động tranh cử kiểu gì là tùy ông ta.”
Ông Trump:
TQ chiếm việc làm của người Mỹ, không kiềm chế Bắc Hàn
Bill Ide
BẮC KINH —
Trung Quốc vô hình chung trở thành tâm điểm bị chú ý trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hôm thứ Hai, khi ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump tố cáo Bắc Kinh là đánh cắp việc làm của người Mỹ, và đã không làm đủ để kiềm chế mối đe doạ hạt nhân từ Bắc Hàn.
Trong cuộc tranh luận, Trung Quốc được nêu tên hơn chục lần, nhiều nhất là do ông Trump nhắc đến.
Trong phần mở đầu phát biểu, ông Trump quy lỗi cho Trung Quốc là đã thao túng đơn vị tiền tệ của mình để tăng sức cạnh tranh thương mại. Ông nói: “Họ đang lạm dụng đất nước chúng ta như một ngân hàng để tái thiết Trung Quốc.” Ông nói thêm rằng “Về phương diện hạ giá đơn vị tiền tệ, thì Trung Quốc giỏi nhất, giỏi nhất từ trước tới nay.”
Ông Trump còn tố cáo Trung Quốc và các nước khác là chiếm đoạt công việc làm ăn của người Mỹ.
Lời tố cáo Trung Quốc đánh cắp công ăn việc làm không phải là mới, nhưng sau cuộc tranh luận có nhiều người trên mạng và trên các đường phố ở Trung Quốc không đồng tình, ngay cả những người cảm thấy ông Trump là ứng cử viên mà họ thích hơn:
“Trung Quốc mạnh về kinh tế, nhưng điều này không tồn tại lâu, không phải tất cả công ăn việc làm đều đã chạy sang vùng Đông Nam Á và Ấn Độ hay sao?”
Đó là nhận định của Jana, một nhà thiết kế ở Bắc Kinh. Cô ngưỡng mộ phong cách vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton và khả năng khẳng định bản thân của bà.
Cô nói tiếp: “Nguồn lao động trước đây khá rẻ ở Trung Quốc, nhưng bây giờ thì nguồn lao động dồi dào hơn và đắt đỏ hơn. Nhiều công xưởng đã phải đóng cửa và đang chuyển hoạt động sang những nơi khác.”
Lucy, một người làm việc trong lĩnh vực tài chính, nói theo cô, ông Trump là sự lựa chọn tốt hơn so với bà Clinton, nhưng cô không đồng ý với lập trường của ông về vấn đề việc làm.
Cô nói: “Mỗi quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề thất nghiệp. Không phải là nền kinh tế toàn cầu đang bị thiên lệch và chính phủ không có khả năng điều chỉnh bởi vì một số nước gây áp lực lên việc tuyển dụng.”
Đổ lỗi cho Trung Quốc
Truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn hạn chế việc đưa tin về cuộc tranh luận tổng thống Mỹ, và có vẻ như có một nỗ lực phối hợp nhằm giữ, không để cho tin về cuộc tranh luận này gây chú ý. Nhưng điều đó không ngăn được nhiều người bàn tán và mổ xẻ phần trình bày và phát biểu của hai ứng cử viên.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, chủ đề này đứng thứ tư trong số các chủ đề được tìm kiếm ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc. Nhưng nhiều người có cảm tưởng rằng những lời tố cáo nhắm vào Trung Quốc là nhằm mục đích giành được lá phiếu của cử tri và không nhất thiết phản ánh ý định thực sự của các ứng cử viên.
Một người viết trên Weibo: “Các ứng cử viên phải đổ lỗi cho Trung Quốc để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Thực tế là bạn không tưởng tượng được những người nắm quyền ở Mỹ thích Trung Quốc tới mức nào.”
Kiềm chế Bình Nhưỡng
Nhiều người nhận thấy phát biểu của ông Trump về Bắc Triều Tiên là không thực tế.
Trong cuộc tranh luận, ông Trump nói rằng ông trông cậy vào Trung Quốc giải quyết mối đe dọa hạt nhân đang gia tăng ở Bắc Triều Tiên. Ông nói: “Trung Quốc nên giải quyết vấn đề đó cho chúng ta. Trung Quốc nên can thiệp ở Bắc Triều Tiên. Trung Quốc có sức ảnh hưởng cực lớn vì họ hiểu được Bắc Triều Tiên.”
Tuy nhiên ít người ở Trung Quốc tin rằng nước họ có khả năng để làm điều đó do bản chất không thể tiên liệu được của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, và do lịch sử phức tạp lâu nay giữa hai nước láng giềng.
Syria chiếm được trung tâm thành phố Aleppo
với sự hỗ trợ của Nga
Theo các tin tức của đài truyền hình nhà nước Syria và tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền Syria, quân đội Syria đã chiếm được một khu vực trung tâm Aleppo, thành phố phía bắc Syria, trong tay phe nổi dậy.
Sau khi chiếm được khu vực Farafra, các lực lượng chính phủ tiếp tục đụng độ với phe nổi dậy tại cùng một khu vực gần cổ thành nổi tiếng tại Aleppo.
Một giới chức phe nổi dậy tại một cứ điểm ở Aleppo nói các máy bay chiến đấu của Syria và Nga cũng như pháo binh pháo kích và oanh tạc một số khu vực bên trong và chung quanh thành phố giữa lúc bộ binh tấn công.
Việc chiếm được Farafra diễn ra sau khi lực lượng chính phủ bao vây những khu vực khác trong những tuần lễ gần đây tại phía đông Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát làm cho nhiều người thiệt mạng và một số tòa nhà bị phá hủy.
Các nhân viên cứu trợ thuộc Hội các nhà Truyền giáo và Sứ giả Anh giáo, viết trên Twitter là trong số những người thiệt mạng có cả trẻ em. Những người này nói thêm là các nhân viên y tế và bệnh viện bị quá tải, và các phẩm vật cứu trợ và thuốc men chưa đến được Aleppo.
Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết có gần 260 người thiệt mạng tại Aleppo và những vùng xa xôi hẻo lánh kể từ khi cuộc ngưng bắn mong manh bị tan vỡ trước đây trong tháng.
Cuộc ngưng bắn này do Nga và Hoa Kỳ dàn xếp, kêu gọi cho phép các nhân viên cứu trợ phân phối các thực phẩm và thuốc men cần thiết cho hàng trăm ngàn thường dân bị cắt đường tiếp tế.
Tuy nhiên các nhà quan sát khi đề cập đến vụ oanh tạc một đoàn xe cứu trợ gần Aleppo trong tuần qua, cho biết là cuộc ngưng bắn hầu như thất bại ngay từ lúc đầu. Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói chính phủ của Tổng thống Syria.
Bashar al-Assad và đồng minh Nga “dường như có ý định chiếm Aleppo và hủy bỏ lệnh ngưng bắn trong tiến trình thi hành.”
Cuộc tấn công mới của quân đội Syria nhằm chiếm lại quyền kiểm soát Aleppo. Làm như vậy sẽ giáng một đòn chí tử vào cuộc nổi dậy chống Tổng thống Assad đã kéo dài 5 năm nay.
Các cuộc giao tranh tại Aleppo, thành phố lớn nhất Syria, đã được tiến hành kể từ năm 2012. Trong thời gian này, thành phố được chia cắt giữa một bên là lực lượng chính phủ và bên kia là dân quân phe nổi dậy, các phần tử cực đoan Hồi giáo và các chiến binh người Kurd.
Kể từ năm 2012, một năm sau khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ, các giới chức Liên Hiệp Quốc ước lượng là có khoảng 400.000 người thiệt mạng, hầu hết là thường dân.
Cựu Tổng thống Iran không ra tranh cử năm 2017
Cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cho biết ông sẽ không ra tranh cử tổng thống sang năm, vì nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo là việc ông ra tranh cử sẽ làm cho chia rẽ gia tăng tại nước này.
Nhà lãnh đạo tối cao Khamenei là tiếng nói cuối cùng trong tất cả các vấn đề của quốc gia, ngày hôm qua được trích lời nói rằng việc ông Mahmoud Ahmadinejad ra tranh cử sẽ tạo phân cực trong xã hội Iran và gây chia rẽ trầm trọng trong nước.
Trước đây ông Mahmoud Ahmadinejad là tổng thống Iran trong hai nhiệm kỳ từ năm 2005 cho đến năm 2013.
Tự nguyện không ra tranh cử, ông Ahmadinejad đã loại ra ngoài một đối thủ nặng ký của Tổng thống Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng 5 sang năm. Tuy nhiên ông Rouhani chắc chắn sẽ phải đối mặt với một đối thủ chống lại chính sách giảm bớt căng thẳng với phương Tây của ông.
Ông Ahmadinejad tái đắc cử nhiệm kỳ hai sau một cuộc kiểm phiếu gây tranh cãi vào năm 2009 làm phát sinh những cuộc biểu tình rộng lớn chưa từng có trước đây trong lịch sử của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tiếp theo những cuộc biểu tình này là những vụ đàn áp của lực lượng an ninh trong đó có hàng ngàn người bị bắt giam, hàng chục người thiệt mạng và những người khác bị tra tấn.
Kể từ năm 1981, tất cả các tổng thống Iran đều chỉ phục vụ 2 nhiệm kỳ trong một quốc gia do các giáo sĩ lãnh đạo.
Luật Iran cấm tổng thống phục vụ 3 nhiệm kỳ liên tiếp, nhưng ông Ahmadinejad có thể ra tranh cử khi tổng thống Rouhani đương nhiệm rời khỏi chức vụ.
Bắc Kinh phản đối Hoa Kỳ truy tố công dân Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc phản đối việc Hoa Kỳ quyết định truy tố hình sự 4 người Hoa đang điều hành một công ty bị cáo buộc làm ăn phi pháp với Bắc Hàn.
Hôm qua trong cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng không một quốc gia nào có quyền tự ý truy tố, xét xử công dân Trung Quốc.
Lời phản đối được đưa ra sau khi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ra thông cáo, cho hay sẽ truy tố hình sự 4 nhân vật cao cấp của Công Ty Phát Triển Công Nghiệp Hồng Tường về tội cung cấp cho Bắc Hàn những vật dụng cần thiết để Bình Nhưỡng có thể theo đuổi chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Trong số những người bị Hoa Kỳ truy tố, có ông Tổng Giám Đốc công ty và 3 người đồng sự.
Ngoại tội danh vừa nêu, những người này còn bị Hoa Kỳ truy tố về tội rửa tiền, và tài sản của họ bị phong tỏa.
Công ty Phát Triển Công Nghiệp Hồng Tường có trụ sở đặt tại Đan Đông, thuộc tỉnh Liêu Ninh.
Tài liệu do truyền thông Hoa Kỳ phổ biến nói rằng trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2015, công ty này đã bán cho Bắc Hàn số hàng trị giá 532 triệu dollars, trong đó có cả những mặt hàng bị Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cấm đoán, vì Bình Nhưỡng có thể dùng để chế tạo võ khí hạt nhân.
Tuần trước, phía Bắc Kinh cũng nói đang mở cuộc điều tra hoạt động của Công Ty Hồng Tường, cho biết thêm đây là một vụ án kinh tế quan trọng.
Ngoài ra, hai ngày trước đây, tờ JoongAng xuất bản ở Seoul cho hay hệ thống ngân hàng Kwangson của Bắc Hàn cũng đang bị Trung Quốc điều tra, vì là cơ sở nhận và chuyển tiền chính phủ Bắc Hàn trả cho công ty Hồng Tường.
Trung Quốc tập trung bài trừ tham nhũng
Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ đặt trọng tâm vào kế hoạch bài trừ tham nhũng, khi các ủy viên trung ương gặp nhau ở Bắc Kinh vào tháng tới.
Những nguồn tin đáng tin cậy khác nhau cho hay tại hội nghị kéo dài từ ngày 24 đến 27 tháng Mười, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ duyệt xét lại điều lệ của đảng, thông qua những điều lệ mới, để sử dụng trong kế hoạch bài trừ tham nhũng mà Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước Tập Cận Bình đang thực hiện.
Cũng có tin nói hội nghị trung ương lần này sẽ là hội nghị trung ương cuối cùng, vì đại hội đảng sẽ được tổ chức vào năm tới.
Cũng theo dự đoán, ở đại hội tới ông Tập Cận Bình sẽ giới thiệu người sẽ kế nhiệm ông trong vai trò lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội.
Tranh cử và tranh luận tại Hoa Kỳ
Kính Hòa & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
Cuộc tranh cử tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ có sắc thái hào hứng khác hẳn nhiều cuộc tranh cử trước. Tối Thứ Hai 26, giờ miền Đông, cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên của hai đảng chính là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ và doanh gia Donald Trump bên đảng Cộng Hòa đã thu hút một sự chú ý kỷ lục, không những của dư luận Hoa Kỳ mà của thế giới lẫn của các thị trường tài chính quốc tế. Vì lý do khá bất thường này, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về cuộc tranh luận trong khung cảnh của cuộc tranh cử năm nay.
Vì sao cả thế giới theo dõi tranh cử tại Mỹ
Kính Hòa: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Kính Hòa xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ năm nay có những nét đặc biệt hiếm có, thậm chí còn mang ý nghĩa lịch sử vì đề cập tới nhiều vấn đề của nước Mỹ lẫn của thế giới, với một phong cách hơi kỳ lạ. Tối Thứ Hai, cuộc tranh cử còn đi vào bước ngoặt với cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa. Vì vậy, mục Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ đặc biệt đề cập tới cuộc tranh cử và vụ tranh luận mà hiển nhiên là ông phải theo dõi. Kính Hòa xin ông tóm lược về bối cảnh cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khách quan mà nói thì cuộc tranh cử Tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ tất nhiên là có tầm quan trọng đặc biệt vì ba lý do sau đây. Thứ nhất, cử tri Hoa Kỳ phải chọn vị đại diện dân cử cao cấp nhất sau khi nước Mỹ bị vụ khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 khiến kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng. Cho đến nay, ảnh hưởng đó vẫn chưa dứt, ngay tại Hoa Kỳ lẫn nhiều nơi khác, từ Tây Âu qua tới Đông Á. Thứ hai, Hoa Kỳ chưa ra khỏi một cuộc chiến khởi sự từ Tháng 10 năm 2001 và tới nay, cuộc chiến còn lan từ Trung Đông qua Trung Á, với hình thái mới là nạn khủng bố và cảm giác bất an ngay trong lòng các nước dân chủ Tây phương. Thứ ba, các biến động quốc tế trên đại lục Âu-Á, từ Tây Âu qua Liên bang Nga, Trung Đông tới Đông Á cho thấy trật tự thế giới hình thành từ sau Thế chiến II, tức là từ 70 năm qua, đang có những thay đổi lớn nhưng Hoa Kỳ vẫn phải giữ vai trò trọng yếu trong các thay đổi này. Giữa khung cảnh có ba lĩnh vực quan trong đó, ai cũng muốn biết rằng người sẽ lãnh đạo nước Mỹ có những chủ trương gì? Điều ấy mới giải thích vì sao thế giới theo dõi rất sát cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ, trái với các cuộc tranh cử tại nhiều xứ khác.
Tranh cử tại Hoa Kỳ có màu sắc của một cuộc đấu vật trong bùn nhơ mà các xã hội khác thấy là kỳ cục. Năm nay thì mức kỳ cục có thể lên tới kỷ lục như ta có thể thấy qua cuộc tranh luận tối Thứ Hai 26 vừa rồi mà tôi gọi là “vùng oanh kích tự do”!
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Kính Hòa: Kính Hòa còn thấy rằng cuộc tranh cử Tổng thống năm nay tại Hoa Kỳ lại mang sắc thái kỳ lạ, đôi khi kỳ cục, mà lại rất hào hứng. Ông nghĩ sao về khía cạnh đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa là về câu hỏi này, tôi thiển nghĩ chúng ta nên nhìn ra năm ba chuyện. Thứ nhất, kinh tế và xã hội Hoa Kỳ lẫn thế giới có nhiều thay đổi chậm rãi mà lớn lao, nay mới nổi lên bề mặt từ vụ Tổng suy trầm 2008-2009. Thứ hai, như tại nhiều xứ Tây phương khác, các đảng chính trị truyền thống từng thay nhau cầm quyền qua mấy chục năm đều bị bất ngờ, thậm chí bị mất tín nhiệm, và bây giờ mới lật đật ứng phó với thực tế mới. Trường hợp nổi bật nhất là sự lúng túng của đảng Cộng Hòa khi nhiều ứng cử viên sáng giá của họ thất bại trong vòng sơ bộ mở đầu từ cuối năm ngoái cho tới Tháng Tám vừa rồi.
Thứ ba là sự xuất hiện của một nhân vật chưa từng hoạt động trong lĩnh vực chính trị là tỷ phú Donald Trump. Ông ta có vẻ dị hợm với cách phát ngôn bất nhất và thô tục, mà lại là người thấy ra tâm lý bi quan của một thành phần không nhỏ của xã hội Mỹ, nhờ vậy mà ông loại được các đối thủ sáng giá trong đảng Cộng Hòa và còn khiến nhiều bậc trưởng thượng trong đảng bất mãn mà xoay ra ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân Chủ. Thứ tư, ngay trong đảng Dân Chủ, xu hướng trung tả cố hữu lại có vẻ thất thế nên đảng này thiên về chủ trương cực tả trong nhiều lĩnh vực, với ảnh hưởng không nhỏ của Nghị sĩ Bernie Sanders vào chương trình hành động của ứng cử viên Hillary Clinton.
Thứ năm, khoa học kỹ thuật về thông tin có nhiều thay đổi lớn trong cách giao tiếp của mọi người nên từng chi tiết lý thú hay kỳ cục của cuộc tranh cử đều được công khai hóa và tác động luôn vào cuộc tranh cử và vào nhận thức của dư luận về cuộc tranh cử theo lối tôi xin gọi là “tức thời”. Ứng cử viên vừa nói gì là ai cũng biết và kiểm chứng nên lập tức chi phối luôn cách ứng đối sau đó của ứng cử viên và của đối thủ.
Sau cùng, có một chi tiết mà thế giới bên ngoài ít biết là từ thời lập quốc rồi, các chính khách và ban tranh cử Hoa Kỳ thường mạt sát nhau rất nặng rồi sau bầu cử lại vui vẻ bắt tay nhau, chứ không đòi đảo chính hoặc thủ tiêu kẻ đối lập! Vì vậy, tranh cử tại Hoa Kỳ có màu sắc của một cuộc đấu vật trong bùn nhơ mà các xã hội khác thấy là kỳ cục. Năm nay thì mức kỳ cục có thể lên tới kỷ lục như ta có thể thấy qua cuộc tranh luận tối Thứ Hai 26 vừa rồi mà tôi gọi là “vùng oanh kích tự do”!
Chiêu dụ cử tri ra sao?
Kính Hòa: Khi theo dõi cuộc tranh luận thì ông cảm nghĩ thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi đã phải theo dõi cuộc tranh luận, rồi xem lại lần thứ nhì và là tìm đọc cả chục hệ thống truyền thông báo chí khi họ tường thuật và kiểm chứng từng lời phát biểu đốp chát của hai ứng cử viên. Điều ấy có nghĩa là phải xem hai ứng viên chiêu dụ cử tri ra sao, có gì đúng có gì sai, rồi xem cách suy diễn của truyền thông và giới bình luận, xem họ có trung thực hay là cũng nhân đó mà tác động vào cảm quan nhận thức của dân chúng vì thiên kiến riêng. Nói nôm na thì ta xem đấu vật trong bùn rồi xem khán giả luận bàn thế nào về trận đấu. Tôi không thấy khó chịu về bùn nhơ vì đấy là một đặc tính văn hóa của tranh cử tại Hoa Kỳ, nhưng tò mò tìm hiểu ảnh hưởng của việc ném bùn đối với quần chúng và biết rằng mọi việc sẽ chỉ ngã ngũ vào tối Thứ Ba mùng tám Tháng 11 này.
Kính Hòa: Nhưng Kính Hòa thì tò mò muốn hiểu xem ông đánh giá cuộc tranh luận này như thế nào? Nó có làm ông suy nghĩ và thay đổi cách nhìn về cuộc tranh cử không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngay từ đầu, ông Trump được đa số đánh giá là người ăn nói hàm hồ bất nhất nên thiếu hẳn phong độ của một Tổng thống. Vì vậy, sau khi loại hết 16 đối thủ để thành ứng cử viên Cộng Hòa bước vào cuộc tranh luận đầu tiên, mục đích yêu cầu của ông chỉ là bày tỏ tính chất đĩnh đạc của một người xứng đáng được lãnh đạo. Theo tiêu chuẩn ấy thì ông không thất bại, nhưng lại có vẻ lui về thế thủ, trong khi đối thủ là bà Clinton thì thắng điểm vì có dáng nghiêm túc và chuyên môn hơn. Tuy nhiên các ứng cử viên sẽ còn tranh luận nữa và, đây là chuyện chính, mục đích yêu cầu khi tranh cử là thắng cử, chứ khi thắng cử và lãnh đạo trong thực tế thì những hứa hẹn tranh cử đều chỉ là hứa hẹn thôi. Tôi không mất thời giờ xem ông này bà kia hứa tăng thuế hay giảm thất nghiệp được bao nhiêu vì thực tế sẽ khác hẳn, nhưng chú ý đến viễn kiến và tầm nhìn của ứng cử viên trong khung cảnh quốc tế và kinh tế có quá nhiều thách đố. Nói chung thì tôi hơi thất vọng về tầm nhìn của cả hai trước các vấn đề quá mới của thế giới. Về kinh tế và quốc tế, bà Clinton vẫn có viễn kiến cổ điển còn ông Trump thì có tầm nhìn bất định! Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng truyền thông báo chí Hoa Kỳ đã nhặm lẹ thu thập dữ kiện để kiểm chứng và cho dư luận thấy được một phần của sự thật qua từng con số hay từng lời phát biểu của hai ứng cử viên. Đấy là một ưu điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ, họ không thần thánh hóa lãnh đạo và cố gắng đi tìm sự thật với tốc độ rất nhanh.
Kính Hòa: Một cách cụ thể thì ông thấy gì từ viễn kiến của hai đảng và của hai ứng cử viên về những thách đố đang chờ đợi Hoa Kỳ và thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như diễn đàn của chúng ta nhiều lần đề cập, hiện tượng toàn cầu hóa đang thoái trào nên cả hai đảng đều lui về xu hướng bảo hộ mậu dịch, đòi xét lại các hiệp ước thương mại đã ký kết hoặc đang thương thuyết, như NAFTA tại Bắc Mỹ, TPP của Thái Bình Dương hay TTIP với Âu Châu, nên sẽ gây vấn đề kinh tế cho thế giới khi lượng ngoại thương toàn cầu đều sút giảm. Thứ hai, cũng về viễn kiến, cả hai ứng cử viên đều chỉ nhìn vào kinh tế mà không thấy ra nhiều khía cạnh khác, kể cả an ninh và chính trị, trong luồng trao đổi thương mại của nước Mỹ với các nước khác. Theo chiều hướng này, các quốc gia cần xuất khẩu sẽ khốn đốn vì Hoa Kỳ cũng lại muốn tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu, trong khi một phương thức sản xuất mới đang xuất hiện và sẽ càng đẩy lui trào lưu toàn cầu hóa mà giới chính trị lại chưa biết.
Kính Hòa: Thưa ông, phương thức sản xuất mới mà ông vừa nhắc tới là gì?
Thế giới chỉ có vài quốc gia theo kịp đà tiến hóa đó trong một số lãnh vực, như Nhật Bản, Đức hay Nam Hàn, nhưng trên tổng thể thì Hoa Kỳ dẫn đầu về mọi lãnh vực và còn lãnh đạo rất lâu.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ 60 năm nay, các nước tiên tiến nhất đều thấy ra lợi thế của hợp tác quốc tế và quy luật thị trường nên phát huy chủ trương tự do mậu dịch và mặc nhiên thúc đẩy hiện tượng toàn cầu hóa. Ngày nay, nhiều người thấy ra mặt trái của toàn cầu hóa, đòi lui về chế độ bảo hộ mậu dịch, đấy là bối cảnh chung có thể giải thích lập trường của hai ứng cử viên.
Nhưng chìm sâu bên dưới, tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nhất là tại Hoa Kỳ và trước hết tại Hoa Kỳ, đang tạo ra một cuộc cách mạng mới về sản xuất. Lý do của sự tiến bộ này là Hoa Kỳ có địa thế thuận lợi và chính sách cởi mở nên vừa có tư bản và kỹ thuật hơn hẳn thiên hạ lại vừa thu hút được nhân tài của thế giới vào hệ thống giáo dục, đào tạo và tổ chức sản xuất. Thật ra, dân Mỹ đang hốt hoảng lo sợ khiến giới chính trị hứa hẹn lung tung trong khi nước Mỹ đã tiến vào một cuộc cách mạng khác.
Về khoa học kỹ thuật, những phát minh và cải tiến rất nhanh trong cà chục lãnh vực đã đảo lộn từ phương pháp sản xuất đến các thành phần hàng hóa và dịch vụ: đó là công nghệ nano hay cực cực tiểu, là trí thông minh nhân tạo, kỹ thuật sản xuất người máy tự động robots và xe hơi tự lái, là kỹ thuật biến đổi gen với nhiều đột phá về y tế, sức khỏe và tuổi thọ, là kỹ thuật sản xuất từng lớp mà người ta gọi là “3-D Printing” và dịch sai thành ấn loát ba chiều, v.v…
Kính Hòa: Ông nhắc tới những điều có vẻ khoa học giả tưởng mà thật ra người ta đã thấy có mặt trên thị trường và mỗi năm lại thấy một đổi khác.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta thiếu chữ để diễn tả những phát minh quá mới, như additive manufacturing, advanced manufacuting hay nano-technology. Kết quả là cứ vài năm nước Mỹ đã lại áp dụng một phương pháp sản xuất mới, cần ít nguyên nhiên vật liệu và thải ra ít độc tố hơn, nhưng quan trọng nhất là có thể tự sản xuất lấy thay vì đòi hỏi sự hợp tác của cả chục quốc gia trong một chuỗi cung ứng toàn cầu. Đấy là hiện tượng tôi xin tạm gọi là “quốc gia hóa” hay “quốc thể hóa” trái với toàn cầu hóa, và sẽ đảo lộn quan hệ kinh tế giữa các nước.
Thế giới chỉ có vài quốc gia theo kịp đà tiến hóa đó trong một số lãnh vực, như Nhật Bản, Đức hay Nam Hàn, nhưng trên tổng thể thì Hoa Kỳ dẫn đầu về mọi lãnh vực và còn lãnh đạo rất lâu. Chúng ta cần một chương trình riêng để đào sâu hiện tượng mới đó vì nó cho thấy đôi khi nền dân chủ và các chính trị gia Mỹ có vẻ lố lăng kỳ cục nhưng nền dân chủ này còn mở ra nhiều chân trời mới mà các chính khách chạy theo không kịp!
Kính Hòa: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Kính Hòa xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi hôm nay.
0 comments