Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giới – 22/09/2016

Thursday, September 22, 2016 7:12:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 22/09/2016

Cuba : Raul phục hận Fidel sau 50 năm ẩn nhẫn chờ thời

Sau gần nửa thế kỷ chấp hành mệnh lệnh của ông anh Fidel Castro, ngày 31/07/2006, Raul Castro lên làm quyền chủ tịch Cuba. Từ đó, Cuba dần dần biến đổi, cải cách kinh tế và tái lập bang giao với Hoa Kỳ, lật qua trang sử « cách mạng đối đầu » của Fidel Castro đẩy Cuba vào thế cô lập suốt 50 năm. Sơ kết mười năm cầm quyền của Raul Castro.
Tạm thay Fidel Castro bệnh tật vào năm 2006, Raul Castro phải chờ đến năm 2008 mới chính thức lên làm chủ tịch nước. Sau đó, phải đợi đến năm 2011, cha đẻ cách mạng Cuba mới chịu nhường chức vụ cuối cùng « lãnh đạo tối cao » cho người em.
Nhân đại hội đảng Cộng sản Cuba năm đó, một loạt 300 biện pháp cải cách kinh tế, mở cửa cho lãnh vực tư nhân trách nhiệm tự quản lý cho các công ty Nhà nước được thông qua. Nhưng biến cố ngoạn mục nhất là trong lãnh vực ngoại giao. Ngày 17/12/2014, Raul Castro long trọng thông báo tái lập bang giao với Washington. Sau diễn văn, chủ tịch Cuba đưa tay gạt nước mắt, nhưng lập tức ông kiểm soát xúc động, không quay lại nhìn ông anh.
Sau 50 năm tuân lệnh Fidel một cách mù quáng, Raul, mà nhiều người cho là « thiên tài quân sự và tổ chức » đã dứt khóat đứng thẳng trước định mệnh của chính mình. Nhân danh chủ tịch Cuba, Raul vĩnh viễn quay lưng lại với Fidel, vi phạm một điều cấm kỵ của chế độ cộng sản Cuba, đó là dám phạm tội tày trời, hoà giải với « kẻ thù không đội trời chung » Yankee ( Mỹ) , nắm bàn tay của « tên trùm đế quốc số một » Barack Obama.
Vào thời điểm này, tuần báo cánh tả Pháp Người Quan Sát (l’Obs) đặt câu hỏi : Phải chăng « tiểu lãnh tụ » phục hận ?
Raul, người em nhút nhát, người em có biệt tài « xuyên tường », ở 83 tuổi, đã bẻ gẫy lời nguyền, tự giải phóng để mang lại nụ cười và hy vọng cho một dân tộc mỏi mệt, kiệt quệ vì một chế độ độc tài lố bịch.
Trong suốt nửa thế kỷ, tuy đeo sao trên cổ áo, Raul đóng nhiều vai trò phụ thuộc bên cạnh « tư lệnh tối cao ». Từ sĩ quan thuộc hạ, sĩ quan tùy viên, quản gia, bù nhìn, cầu nối với Matxcơva, giữ con cho ông anh, công tố viên, bình định viên. Lúc nào cũng sẵn sàng, lúc nào cũng sẵn lòng báo che những hành động điên rồ, lố lăng và tội ác của ông anh lãnh tụ …
Thật ra, nếu xem xét kỹ càng cuộc đời chính trị của Raul, người ta sẽ hiểu vì sao ông biết nhẫn nại và thi hành sứ mệnh cho đến hơi thở sau cùng. Sứ mệnh đó là bảo vệ hình ảnh chế độ Castro và quyền lực bằng mọi giá cho đến khi hương tàn khói lạnh.
Vụ án ma túy Arnaldo Ochoa : giết bạn để cứu anh
Một trong những sự kiện, đúng hơn là một vụ án dàn dựng vào năm 1989, truy tố 47 sĩ quan và cán bộ, tử hình bốn người trong đó có tướng Arnaldo Ochoa, đại tá Antonio de la Guardia, thuộc lực lượng đặc biệt, hai cán bộ cao cấp của bộ Tài Chính và bộ Nội Vụ với tội danh « phản quốc ». Bộ trưởng Nội Vụ José Abrante, cũng bị 20 năm tù với tội danh đồng lõa và sau đó bị ám sát trong nhà giam.
Vào năm 1989, Cuba lập một đường dây buôn ma túy với phương tiện là máy bay vận tải, 15 chuyến từ Colombia, đáp thẳng xuống các sân bay quân sự và dân sự Cuba mà « không ai hay biết », kể cả tổng tư lệnh tối cao Fidel Castro, bộ trưởng quốc phòng Raul.
Mục đích của kế hoạch « dịch vụ đặc biệt này » là tìm ngoại tệ đôla. Tuy nhiên, khi quan hệ giữa La Habana và các trùm ma túy Colombia sắp bị Washington tố cáo với quốc tế, Fidel Castro quyết định hy sinh các sĩ quan và cán bộ liên can. Thiếu tướng Arnaldo Ochoa, từng tổ chức nổi dậy ở Venezuela, nhưng thất bại, nguyên là tư lệnh lực lượng viễn chinh Cuba tại Angola, một người hùng của quân đội, cùng với 13 sĩ quan, đa số là khai quốc công thần từ năm 1959, bị kết án nặng nề , kẻ bị xử bắn, người bị giam cầm.
Giết tướng anh hùng
Vụ án này cho thấy Nhà nước Cuba quản lý đường dây ma túy. Tuy nhiên, không một nhà quan sát nào tin rằng một tướng lãnh như Arnaldo Ochoa, đứng đầu đường dây phạm pháp này. « Tòa » cũng không đưa ra được chứng cớ cụ thể.Thế thì tại sao anh em nhà Castro lại giết tướng ?
Vụ này bắt nguồn từ hai nguyên nhân sâu xa. Theo nhà báo Pháp Serge Raffy, (l’Obs 15/04/2015), vào năm 1989, khi Liên Xô của Mikhail Gorbachev đổi mới, Raul Castro khuyên ông anh nên thừa cơ hội cải cách, nương theo lá bài Perestroika mở cửa Cuba cho giới đầu tư Mỹ.
Thế nhưng nhà độc tài vẫn đóng kín trong tâm lý hoang tưởng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Fidel nghi ngờ đứa em âm mưu đảo chính với sự đồng lõa của tướng Arnaldo Ochoa mới từ chiến thắng Angola (chống lực lượng Nam Phi và đối lập không cộng sản Angola), trở về. Cũng như Raul Castro, tướng Arnaldo Ochoa rất thân với bộ tham mưu quân đội Liên Xô, đa số là tướng lãnh ủng hộ tân tổng bị thư Mikhail Gorbachev và chính sách Perestroika.
Để triệt hạ băng « phản bội », Fidel Castro ra lệnh bắt hết những người bị nghi ngờ theo chủ trương của Gorbachev và kết án họ « buôn ma túy ». Fidel Castro còn thâm hiểm đến mức buộc Raul mặc chiếc áo « chưởng lý » để trong suốt vụ xử dàn dựng đúng theo kịch bản Stalin thời thanh trừng nội bộ.
Raul tuân lệnh nhưng không bao giờ tha thứ cho ông anh đã bắt mình đóng vai trò vu khống, phản bạn và đưa nhiều bạn thân, chiến hữu, đồng chí ra pháp trường.
Raul đã sống những ngày thê thảm, đớn đau trong các phiên toà giả dối này. Chính ông kêu án tử hình người bạn chiến đấu từ thời còn gian khó. Thời khắc kinh khủng nhất là khi Raul đọc bản luận tội Arnaldo Ochoa. Ông dìm xúc động trong cơn say, trấn áp nổi đắng cay và lợm giọng trong men rượu Rhum và Whisky ( Le Monde 11/05/2015 và L’Obs 15/04/2015).
Nguyên nhân thứ hai, hãy nghe Illeana de la Guardia, con gái của đại tá Antonio de la Guardia bị xử bắn cùng với tướng Ochoa, kể lại : Fidel tiếp gia đình các tù nhân, giải thích với chúng tôi vụ xử này chỉ là dàn dựng. Tổ chức các phiên toà là để che mắt Hoa Kỳ vì CIA có bằng chứng chế độ có dính liếu vào đường dây buôn lậu ma túy với các trùm Colombia.
Sau vụ xử, thì tất cả sẽ được tự do. Thật ra, chúng tôi ai cũng biết kẻ chủ mưu buôn ma túy là Fidel Castro và bây giờ thì ông ta tìm cách cứu bộ lông của mình. Fidel lừa dối chúng tôi. Chúng tôi phải chọn con đường lưu vong. Còn Raul, người bạn thân của gia đình, làm sao có thể bình tâm sau một tội ác (giết bạn thân vô tội để cứu anh) như vậy.
Anh em Castro trong mắt giới lãnh đạo Liên Xô
Thái độ của Raoul trong phiên toà dàn dựng, bất bình nhưng không dám chống lại Fidel phải được hiểu như thế nào ?
Nikita Krouchtchev, tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô khi thấy Fidel Castro tịch thu tài sản và quốc hữu hóa các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia của Mỹ, đã gọi Fidel là một kẻ ngông cuồng, là « con ngựa điên » không đáng tin cậy. Matxcơva đã chọn Raoul, được trung tá KGB Leonov móc nối từ thời sinh viên, làm điểm tựa để cắm dùi tại hải đảo. Trong mắt Liên Xô, Raoul là một nhân vật « thực tế, sùng bái Stalin tuyệt đối », còn Fidel « khó kiểm soát ».
Giáo sư Jacobo Machover, người Cuba, tác giả quyển sách « Raul et Fidel, la tyranie des frères ennemis », tạm dịch là « Raul và Fidel, chế độ bạo ngược của hai anh em thù nghịch » nói rõ : Raul không phải là chiếc bóng hay thuộc hạ của Fidel. Trong nhiều năm dài chỉ huy quân đội, Raul đóng vai trò « người dọn rác » cho Fidel, thi hành những công tác sắt máu cho ông anh. Đó là hai nhân vật mà cá tính trái ngược nhau. Raul cư xử như một người cha có tình người trong khi Fidel tự cho mình là kẻ « giác ngộ cách mạng vị kỷ » ngay con ruột cũng không quan tâm.
Người cha có tình cảm này, sau một loạt vố đau, và từ khi chính thức lãnh đạo quốc gia vào năm 2008, đã quyết định tiến hành hoài bão manh nha chuẩn bị từ thập niên 1980 nhưng bị Fidel giết từ trong trứng nước qua vụ án Arnaldo Ochoa.
Để thực hiện kế hoạch bí mật này mà kết quả đầu tiên được thế giới biết đến là cú « bắt tay »ngoạn mục, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với Mỹ 7 năm sau đó, « người dọn rác » của Fidel đã nhanh chóng « quét sạch » tay chân của ông anh : Cải tổ nội các, loại trừ những nhân vật có thể kế nghiệp, đặt người thân tín vào Bộ chính trị đảng Cộng sản, bổ nhiệm người thân vào các chức vụ quan trọng.
Đưa tướng Julio Casas Regueiro, 80 tuổi, và con rể là đại tá Luis Alberto Rodriguez làm phó, đứng đầu tập đoàn doanh nghiệp quân đội Geasa, độc quyền quản lý một cách 80% lãnh vực kinh tế trọng yếu từ vũ khí, xăng dầu, khách sạn, nhà hàng, xuất nhập cảng, viễn thông, phi trường, hải cảng, xây dựng…. Con gà đẻ trứng vàng đáp ứng nhu cầu mở cửa kinh tế.
Khi tướng Julio Casas Regueiro qua đời, Luis Alberto Rodriguez chính thức lên thay và được bố vợ thăng cấp tướng, bất chấp những dị nghị. Chưa hết, ngành an ninh tình báo, lá chắn bảo vệ chế độ và an nguy của Raul nằm trong tay đại tá Alejandro Castro, không ai khác hơn là con trai của Raul.
Raul tham khảo rất kỹ hồ sơ mật, báo cáo mật về tâm tư, suy nghĩ dự án của thành phần cán bộ, sĩ quan cốt cán của chế độ và hiểu rằng chuyện sinh tử của gia đình Castro là làm cách nào để cứu sống toàn gia khi bị dân chúng đòi xét công luận tội. Raul nhất định không để xảy tới ngày này sau khi ông anh « Râu Xồm », biệt danh của Fidel, từ giã cõi đời.
Hiểu rõ não trạng người dân Cuba, Raul không tin vào « Mùa Xuân Cuba » theo mô hình các nước Ả Rập. Theo ông, dân Cuba, nhất là thế hệ trẻ khát khao lối sống và văn hóa Mỹ. Sau nửa thế kỷ bị trói buộc, thanh niên Cuba không quan tâm đến chính trị, họ bất cần ký ức và chỉ lo « xoay sở » sao cho có cái ăn nhét vào bụng mỗi ngày. Nếu có nổi dậy thì cũng vì cái dạ dày. (l’Obs 15/01/2015).
Cho dân ăn no để tránh nổi dậy …
Do vậy, nổi ám ảnh ông Raul Castro là nuôi dân để tránh biển máu. Đáp án của ông là phải đổi mới kinh tế, mà muốn đổi mới kinh tế thì phải giải tỏa cấm vận. Mà muốn cấm vận được giải tỏa thì phải hoà giải với kẻ thù.
Thế là Raul bổ nhiệm hai chuyên gia kinh tế trẻ không có thẻ đảng vào Hội đồng Nhà nước. Omar Everleny và Pavel Vidal có trọng trách lập kế hoạch dự báo kinh tế Cuba trong 10 năm tới. Theo hai nhà kinh tế Cuba này thì tương lai Cuba không tùy thuộc một cường quốc xa xôi nào, ám chỉ Nga và Trung Quốc, mà tùy thuộc vào nam Mỹ và bắc Mỹ nhất là Brasil và… Hoa Kỳ.
Tháng 7/2007, một năm sau khi Fidel Castro nằm bệnh viện, Raul Castro đọc một bài diễn văn gây chấn động : « phải cải cách tận gốc rễ từ cấu trúc cho đến học thuyết kinh tế. Hoặc chúng ta đổi mới, hoặc sẽ bị tụt hậu » (Orectificamos, o nos hundimos). Thực ra, theo giới quan sát, Raul chỉ muốn cho dân đủ ăn mà thôi để họ đừng làm loạn.
Cho Fidel đi vào quên lãng …
Với đầu óc thực tế, không như ông anh Fidel, Raul thấy rõ là chế độ La Habana sống còn là nhờ Venezuela. Hai nhà « cách mạng hoang tưởng » Fidel Castro và Hugo Chavez không bao giờ quan tâm đến kinh tế và đời sống của dân chúng. Được Caracas mỗi ngày cho không từ 80.000 đến 100.000 thùng dầu, La Habana bán lại một phần cho thị trường quốc tế thu vào một số ngoại tệ đủ để cầm hơi xây dựng Xã hội Chủ nghĩa.
Cái chết của tổng thống Hugo Chavez và cuộc khủng hoảng kinh tế, lương thực, chính trị làm rung chuyển Venezuela cho thấy Raul sáng suốt, phải đổi mới. Tiến trình bình thường hóa bang giao với Mỹ, do vậy, được tăng tốc.
Rút kinh nghiệm thất bại đắng cay trong việc khuyến khích ông anh chủ tịch bắt chước Mikhail Gorbachev, Raul âm thầm thương lượng với nước Mỹ của Barack Obama từ năm 2013. Fidel hoàn toàn không hay biết gì về 9 cuộc gặp gỡ bí mật ở Canada và ở Vatican qua sự giúp đỡ của Giáo Hội Công Giáo Cuba và Toà Thánh.
« Thằng em nhỏ », sau 50 năm nhẫn nhịn chờ thời, đã « giết chết thằng anh lớn hơn 5 tuổi » ( L’Express 02/01/2015). Từ thuở thiếu thời cho đến tuổi 83, Raul mới thật sự thoát khỏi bóng phủ của Fidel, cho dù trong thời cách mạng, Raul mới là bộ não chính trị và quân sự. Fidel chỉ đóng vai người hùng « trừ gian diệt bạo » trước ống kính của truyền hình quốc tế.
Điều trớ trêu là vào ngày 17/12/2015, khi Washington và La Habana long trọng thông báo lật qua trang sử hận thù trước sự chứng kiến của hàng tỷ khán giả truyền hình thế giới thì Fidel Castro vắng mặt. Sức khỏe suy nhược, ở tuổi 88, Fidel đã vĩnh viễn bị loại khỏi đấu trường chính trị.
… Và hoa giải dân tộc để tránh biển máu
Tương lai của đảng Cộng sản Cuba và của 93% dân chúng không là đảng viên giờ đây tùy thuộc vào quân đội, yếu tố bảo vệ « ổn định » như các nước chậm tiến châu Phi.
Báo mạng Mediapart nhân bầu cử Quốc Hội Cuba năm 2013 đã nhận định : Một khi Raul qua đời, quân đội có thể phải lên nắm quyền, ít nhất là trong giai đoạn đầu, để những hận thù kềm chế trong suốt 50 Fidel cầm quyền không dẫn đến « bạo loạn và biển máu ».
« Biển máu » là một trong số những ưu tư ám ảnh Toà Thánh Vatican qua một số điện thư mà Wikileak đã tiết lộ. Cũng vì thế mà Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ cũng như Giáo Hội Cuba đã giúp Cuba trong tiến trình « hòa giải dân tộc và hoà giải với Hoa Kỳ » (Mediapart 05/02/2013).

Bạo động bước sang đêm thứ hai tại Charlotte

Một người đã bị bắn vào khuya 21/9 tại thành phố Charlotte, bang North Carolina, khi những người biểu tình tuần hành sang ngày thứ nhì để phản đối việc cảnh sát bắn chết một người đàn ông Mỹ gốc Phi.
Thống đốc bang North Carolina tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Charlotte và bố trí lực lượng Vệ binh Quốc gia trong thành phố.
Trước đó trong ngày đã diễn ra các cuộc tuần hành ôn hòa, nhưng sau đó biến thành bạo lực khi các cuộc đụng độ nổ ra giữa cảnh sát chống bạo động và những người biểu tình. Cảnh sát phải xịt hơi cay để giải tán đám đông. Một số người đập vỡ cửa sổ của các cửa hàng và gây ra những đám cháy nhỏ trên đường phố.
Tình hình tương đối lắng dịu vào sáng sớm 22/9.
Ban đầu, chính quyền thành phố nói có một người thiệt mạng vào đêm 21/9, do một thường dân chứ không do cảnh sát bắn, nhưng sau đó cho biết nạn nhân bị thương trầm trọng. Sở cảnh sát Charlotte cho biết bốn nhân viên của họ bị thương, nhưng không ai bị đe dọa đến tính mạng.
Hôm 20/9, đêm đầu tiên của cuộc biểu tình, có khoảng 24 người bị thương, trong đó có 16 cảnh sát.
Thị trưởng Jennifer Roberts kêu gọi người dân bình tĩnh, nói rằng Charlotte luôn luôn là nơi mà mọi người có thể đối thoại ôn hòa.
Cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản đối vụ bắn ông Keith Lamont Scott, 43 tuổi, hôm 20/9 tại một khu chung cư. Cảnh sát cho biết nhân viên cảnh sát trong lúc truy tìm một người khác thì thấy ông Scott bước ra khỏi một chiếc xe với một khẩu súng, và rằng một nhân viên cảnh sát đã nổ súng sau khi ông Scott làm ngơ cảnh báo phải buông súng.
Gia đình của ông Scott nói ông không hề có vũ khí, và chỉ mang theo một cuốn sách khi bị bắn. Các nhân chứng nói ông đã giơ tay đầu hàng.
Các camera trên người của cảnh sát đã quay được cảnh nổ súng, nhưng đoạn video này chưa được công bố.
Thị trưởng Roberts nói bà sẽ cùng với các lãnh đạo cộng đồng xem đoạn video này trong ngày 22/9.
Đây là vụ mới nhất trong một chuỗi vụ nổ súng của cảnh sát đã làm nổi cộm vấn đề cảnh sát sử dụng vũ lực, đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Phi.
Tổng thống Barack Obama đã nói chuyện qua điện thoại với bà Roberts và Thị trưởng Dewey Bartlett của thành phố Tulsa, Oklahoma, nơi một nhân viên da trắng bắn chết một người đàn ông da đen hôm 16/9.
Tòa Bạch Ốc nói sau cuộc đối thoại, cả ba khẳng định rằng bất kỳ cuộc biểu tình nào cũng phải ôn hoà, và tổng thống hứa cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào cho cả hai thành phố.
Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump viết trên trang Twitter rằng “tình trạng ở Tulsa và Charlotte thật bi thảm. Chúng ta phải cùng nhau làm cho nước Mỹ an toàn trở lại”. Ông nói ông hy vọng bạo lực và bất ổn ở Charlotte sẽ chấm dứt ngay lập tức.
Tờ Washington Post đang thực hiện một dự án theo dõi số lượng người bị cảnh sát Mỹ giết chết. Nguyên nhân thực hiện dự án này là do thiếu một hồ sơ dữ liệu hoàn chỉnh trong cơ sở dữ liệu của chính phủ liên bang. Tính đến ngày 22/9, tờ Washington Post đã ghi nhận có 706 người bị bắn chết bởi cảnh sát vào năm 2016, trong đó có 173 người Mỹ gốc Phi.

North Carolina hạn chế tiếp cận camera cá nhân của cảnh sát


Việc tăng cường trang bị camera như một phần của bộ đồng phục cảnh sát cho phép xem lại những gì xảy ra khi các nhân viên cảnh sát không ở trong phạm vi tầm nhìn của camera đặt trong xe.
Giữa lúc ngày càng có nhiều sự chú ý vào các trường hợp cảnh sát Mỹ sử dụng vũ lực, một đáp ứng là tăng cường sử dụng máy ảnh gắn trên người của cảnh sát trên khắp nước Mỹ.
Từ lâu cảnh sát Mỹ vẫn được trang bị máy ảnh bên trong xe để ghi lại những trao đổi khi cảnh sát giao thông chặn xe lại, nhưng tăng cường trang bị camera như một phần của bộ đồng phục cảnh sát cho phép việc xem lại những gì xảy ra khi các nhân viên cảnh sát không ở trong phạm vi tầm nhìn của camera đặt trong xe.
Nhưng với các máy ảnh mới này có nhiều câu hỏi được đặt ra là ai có quyền xem lại các băng video này.
Tại bang North Carolina, nơi các cuộc biểu tình nổ ra tuần này sau khi cảnh sát bắn một người đàn ông ở thành phố Charlotte, một đạo luật mới sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng 10, theo đó các băng video này không phải là tài liệu công.
Luật mới hạn chế nghiêm ngặt ai được phép xem video, và nói rằng có những đoạn hoặc ngay cả nguyên băng video sẽ không được công bố, trừ phi có lệnh của toà án.
Bất cứ ai được ghi hình hay lên tiếng trong video đều có thể gửi đơn yêu cầu được xem nó. Như vậy đại diện của một trẻ được thu hình hoặc nghe thấy trong video cũng vậy.
Quy định cũng tác động tới các trường hợp nhân viên công lực sử dụng vũ lực – vốn thường gây chú ý đến các máy thu hình. Theo luật trên, đại diện của một người bị thiệt mạng hoặc bị mất khả năng được ghi hình, hoặc thâu âm trong video có thể yêu cầu xem video.
Những người ủng hộ việc sử dụng camera nói các máy thu hình hối thúc tính minh bạch vì cho phép công chúng tận mắt xem những gì xảy ra thay vì dựa trên những thông báo của các sở cảnh sát. Nhưng những người khác cảnh báo rằng một băng video duy nhất không cho thấy bối cảnh đầy đủ bên sau các sự kiện, dẫn đến việc cảnh sát bị chỉ trích oan ức.
Sau khi ký phê chuẩn đạo luật, Thống đốc North Carolina Pat McCrory nói:
“Luật này thực hiện cam kết của chúng ta là bảo vệ cơ quan thi hành công lực và lấy lại niềm tin bằng cách cổ võ sự thống nhất, rõ ràng và minh bạch”.

Biểu tình sẽ tiếp diễn ở North Carolina?

Cơ quan thực thi pháp luật ở Charlotte, bang North Carolina (Mỹ), đang chuẩn bị đối mặt với khả năng xảy ra thêm các cuộc biểu tình trong lúc cuộc điều tra về vụ một cảnh sát da đen bắn chết một người Mỹ gốc Phi đang được tiến hành.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát và phong tỏa một đường cao tốc từ tối ngày 20/9 sang tới sáng ngày 21/9 sau khi ông Keith Lamont Scott bị bắn chết. Ông bị trúng đạn của một cảnh sát thường phục trong lúc nhân viên công lực này đang truy lùng một nghi phạm hình sự tại một khu chung cư.
Cảnh sát trưởng địa phương, Kerr Putney, cho biết ông Scott cầm súng bước xuống xe trong khi gia đình ông Scott mạnh mẽ phản bác rằng ông không có súng và rằng lúc bị bắn, ông đang cầm một quyển sách.
Cảnh sát nói họ có video từ hiện trường vụ nổ súng, nhưng không định công bố cho công chúng tại giai đoạn điều tra lúc này. Trước đó, báo giới được biết rằng cảnh sát bắn ông Scott cảm thấy cần phải hành động trước ‘một mối đe dọa sắp xảy ra’ và rằng một khẩu súng đã được thu hồi tại hiện trường.
Các cuộc đụng độ đêm qua khiến khoảng hai chục người bị thương, trong đó có 16 cảnh sát. Thị trưởng Jennifer Roberts cam kết rằng giới hữu trách sẽ tiếp tục làm việc ‘kỹ lưỡng và minh bạch’, nhưng cũng bày tỏ lo ngại rằng trong số những người biểu tình có những người ‘kích động’ từ bên ngoài khu vực Charlotte.
Thị trưởng Jennifer Roberts cũng kêu gọi ‘hòa bình, bình tĩnh, và đối thoại.’

Mỹ tiếp tục giữ lãi suất cho vay ở mức thấp

Các giới chức kinh tế Hoa Kỳ ngày 21/9 tuyên bố giữ lãi suất chính ổn định ở mức thấp gần kỷ lục, nhưng cho biết khả năng tăng lãi suất ngày càng rõ hơn.
Nhiều chuyên gia nói tín hiệu này cho thấy Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tăng lãi suất trong tháng 12. Fed nhiều lần tuyên bố rằng khi nào bắt đầu tăng lãi suất cho vay thì sẽ tăng một cách từ từ.
Các ngân hàng trung ương dùng lãi suất thấp như một bàn đạp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và lãi suất tăng lên cũng giống như một chiếc phanh giữ cho nền kinh tế không bị rơi vào tình trạng lạm phát cao hoặc giá trị chứng khoán ảo.
Quyết định của Fed được đưa ra sau cuộc tranh luận của giới lãnh đạo của Ngân hàng Nhật Bản, định chế đề ra chính sách cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Giới chức Ngân hàng Nhật Bản điều chỉnh nỗ lực chống tình trạng giảm phát bằng cách tăng tốc tăng trưởng kinh tế. Chương trình phức tạp này tập trung nhiều đến các mức lãi suất dài hạn cực kỳ thấp và tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện dễ dàng cho dân vay vốn khởi nghiệp kinh doanh hay mua nhà.
Giới chức ngân hàng trung ương ở Washington, Tokyo và nhiều nơi khác đang đối mặt với tình trạng trì trệ tăng trưởng toàn cầu và thương mại quốc tế, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Các chuyên gia OECD ngày 21/9 công bố một nghiên cứu mới cho biết kinh tế toàn cầu dự kiến mở rộng chỉ 2,9% trong năm nay, và 3,2% trong năm sau, tức dưới mức dự kiến trước đây khoảng 0,1%.

Mỹ cho phép bán 17 máy bay sang Iran

Chính phủ Mỹ cấp giấy phép cho Airbus bán 17 máy bay sang Iran, một hợp đồng mang tính bước ngoặt được hãng sản xuất máy bay của châu Âu công bố hôm 21/9.
Thỏa thuận ban đầu vào tháng Giêng, ước tính trị giá gần 25 triệu đôla, trở thành hiện thực nhờ thỏa thuận hạt nhân hồi năm ngoái, qua đó bãi bỏ lệnh trừng phạt dành cho Iran với điều kiện Iran kiềm chế chương trình hạt nhân của họ.
Hãng hàng không Iran Air đồng ý mua nhiều loại máy bay khác nhau, bao gồm cả các máy bay A320 một lối đi và máy bay A380 hai tầng, theo thỏa thuận hồi tháng Giêng. Iran rất cần những chiếc máy bay này để nâng cấp phi đội máy bay chở hành khách vốn là đối tượng của lệnh trừng phạt nhiều năm nay và thiếu bảo trì.
Thỏa thuận đang được theo sát bởi công ty Boeing có trụ sở tại Chicago. Công ty Boeing cũng có một thỏa thuận với Iran với hy vọng rằng Tehran sẽ ngừng việc dùng máy bay của hãng này để vận chuyển máy bay chiến đấu và khắp khu vực Trung Đông

TT Mỹ: Khủng hoảng tị nạn

là một trắc nghiệm về các giá trị nhân bản

Cindy Saine
NEW YORK —
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh về Tị nạn ở thành phố New York, đây là hội nghị cấp cao đầu tiên trong lịch sử quy tụ các lãnh đạo quốc gia về vấn đề người tị nạn. Phát biểu tại đây, Tổng thống Obama nói thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tị nạn với quy mô chưa từng thấy. Nhưng cũng có một số tin vui cho ước lượng 21 triệu người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa để ra đi lánh nạn.
Tổng thống Obama đi thẳng vào vấn đề về tình cảnh mà hàng triệu người tị nạn đang phải đối mặt:
“Chúng ta có mặt tại đây là bởi vì ngay trong lúc này trong các trại tị nạn đông nghẹt người tại các thành phố trên khắp thế giới, có những gia đình đến từ Darfur ở xứ Chad, người Palestine đến từ Libang, người Afghanistan đến từ Pakistan, người Colombia đến từ Ecuador, đã phải chịu đựng nhiều năm, trong một số trường hợp, nhiều thập niên, cuộc đời tị nạn, sống sót nhờ những phần ăn và viện trợ, những người luôn ước mơ rằng một ngày nào đó, theo cách nào đó, họ sẽ có một mái ấm của riêng mình.”
Một trong những người tị nạn đã tháo chạy khỏi Syria, rồi tham gia cuộc tranh tài tại Thế vận hội Rio năm nay, giờ đang sinh sống tại Đức. Cô có một thông điệp dành cho các nhà lãnh đạo thế giới đang cân nhắc số phận của các gia đình như gia đình của cô. Cô nói:
“Phải rời bỏ nhà cửa của mình để chạy đi lánh nạn không phải là một sự chọn lựa… Và những người tị nạn chỉ là những người bình thường, có thể đạt được những thành tích phi thường nếu được cho một cơ hội.”
Số phận của biết bao nhiêu người bị dời cư là động lực đã khiến Hoa Kỳ, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và các nhà lãnh đạo đến từ Canada, Ethiopia, Đức, Jordani, Mexico và Thuỵ Điển, cam kết hoặc sẽ nhận thêm người tị nạn, hoặc cung cấp thêm tài trợ để giúp người tị nạn.
Hôm thứ Ba, Toà Bạch Ốc loan báo rằng 51 công ty Mỹ kể cả Google, Microsoft, Twitter và Facebook, đã cam kết sẽ đầu tư, tặng hoặc quyên góp 650 triệu đôla để giúp đỡ người tị nạn trên khắp thế giới. Các công ty này còn cung cấp những sự hỗ trợ khác dưới hình thức viện trợ, kể cả cung cấp các máy tính bảng, huấn nghiệp, và giáo dục cũng như giúp tìm việc.
Tổng thống Obama kêu gọi nhân dân khắp thế giới hãy tỏ lòng trắc ẩn, và đừng ngoảnh mặt làm ngơ trước cuộc khủng hoảng tị nạn, mà theo lời ông, là một cuộc trắc nghiệm đối với giá trị nhân bản chung của con người.

Thượng đỉnh Đại hội đồng LHQ bước sang ngày thứ nhì

Ngày thứ nhì của cuộc họp thường niên Đại Hội đồng Liên hiệp quốc khai mở hôm 21/9 với bài phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Ukraine, Liên hiệp châu Âu, Afghanistan, Pakistan, cùng các nước khác.
Đến cuối ngày sẽ có tổng cộng 42 lãnh đạo diễn thuyết tại cuộc họp lần thứ 71 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra ở New York.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki gọi hôm nay là Ngày Quốc tế Hòa bình và thúc giục các bên đang tham chiến trên thế giới ngừng bắn 24 giờ đồng hồ.
Phát biểu trong phiên họp sáng nay, Thủ tướng Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Lý Khắc Cường, tuyên bố Bắc Kinh cam kết tôn trọng hòa bình và đang ‘mở cửa rộng hơn với thế giới bên ngoài.’
Về tranh chấp Biển Đông, ông Lý nói Trung Quốc khuyến khích mở thêm các cuộc thảo luận và rằng Bắc Kinh luôn luôn tôn trọng hòa bình.
Phó Tổng thống Afghanistan, Sarwar Danesh, lưu ý thế giới rằng nước ông vẫn còn đang chống chọi với đe dọa khủng bố thường xuyên và đang tìm cách bảo vệ ký giả.
Bà Aung San Suu Kyi của Myanmar và nhà độc tài cầm quyền lâu năm của Zimbabwe cũng đọc diễn văn trong phiên họp sáng nay.
Nhiều bài diễn văn hôm qua (20/9) chú trọng đến Syria và cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tổng thống Obama nói sẽ không có chiến thắng quân sự cuối cùng nào tại Syria và cần phải theo đuổi một giải pháp ngoại giao.
Ông Obama cũng cảnh báo là “đám than hồng của chủ nghĩa cực đoan sẽ tiếp tục bùng cháy” trên thế giới, tuy nhiên “thế giới quá nhỏ đối với chúng ta để có thể xây một bức tường” nhằm ngăn chặn, không để chủ nghĩa cực đoan ảnh hưởng tới xã hội của chúng ta.
Hội nghị năm nay đánh dấu bài diễn văn cuối cùng của Tổng thống Mỹ Barack Obama và của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon. Ông Obama sẽ rời nhiệm sở vào tháng 1 năm tới, và sau gần một thập niên lãnh đạo Liên hiệp quốc, ông Ban Ki-moon sẽ từ nhiệm vào cuối năm nay.

Các lãnh tụ sinh viên Hồng Kông thoát án tù

Chính quyền Hồng Kông hôm 21/9 đã thất bại trong nỗ lực bỏ tù 3 sinh viên nổi tiếng nhất trong phong trào dân chủ kéo dài 79 ngày. Phong trào này đã làm tê liệt trung tâm thương mại của vùng lãnh thổ này vào năm 2014.
Người xét xử vụ án ngay từ đầu, Thẩm phán June Cheung Tin-ngan, trước đó đã buộc bộ ba – Joshua Wong, Alex Chow và Nathan Law – phải lao động công ích thay vì án tù, viện dẫn sự non nớt và động cơ chân thành của họ.
Nhưng lý lẽ và phán quyết của bà không làm Trưởng quan hành chánh Hồng Kông Lương Chấn Anh thỏa mãn. Ông này đã thực hiện một đường lối cứng rắn để chống lại phong trào biểu tình có tên là cuộc Cách mạng Dù và xem các việc xử phạt của tòa án là quá nương tay.
Các luật sư của Bộ Tư pháp đã được gửi tới Thẩm phán Cheung để yêu cầu phải thi hành các án tù ngay lập tức. Lập luận của các luật sư từ phòng xử án kín tại Tòa án quận Đông chủ yếu tập trung vào việc có một số lượng lớn người đã tham gia vào các cuộc biểu tình, nhiều nhân viên an ninh đã bị thương (khoảng 10 người), và sự tính toán trước các hành động của 3 người tổ chức và họ thiếu sự hối hận. Những người tổ chức này phải đối diện với các tội liên quan đến kích động và tụ tập phi pháp.
Nhưng khi Thẩm phán Cheung từ chối yêu cầu của chính quyền, thì không có bằng chứng mới nào được đưa ra để cho thấy việc bỏ tù là thích hợp hơn lao động công ích đối với hành vi phạm tội trên.
Sau phiên toà hôm 21/9, 3 thanh niên trẻ, những người đã thoát án tù, đã đứng trên bậc thềm bên ngoài tòa án quận Đông và những người ủng hộ, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự độc lập của ngành tư pháp và trả lời các câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước. Họ đã phát biểu về “những người giám hộ” đang theo dõi các quyền tự do của người dân ở Hồng Kông.
Một trong ba thanh niên trẻ, Alex Chow, đã dành một chút thời gian để chia sẻ về ý nghĩa của những gì họ đã trải qua. Anh nói với VOA: “Tôi nghĩ trường hợp của chúng tôi là một ví dụ cho thấy không có gì sai trái đối với sự bất tuân dân sự”.
Anh Chow nói thêm rằng “Bạn có thể thấy những người tham gia vào sự kiện bất tuân dân sự đều có được sự hỗ trợ rất lớn từ công chúng, từ người dân Hồng Kông, và điều này phản ánh rằng nếu bạn đang thuộc về lẽ phải và bạn đang làm đúng, và điều này sẽ không gây tổn hại đến tương lai của bạn. Nó sẽ chỉ mang lại cho bạn nhiều hơn thôi, bởi vì tranh đấu cho công chúng cũng có lợi cho lợi ích riêng của bạn”.

Tấn công ở Kashmir, Ấn triệu Cao ủy Pakistan để phản đối

Anjana Parischa
NEW DELHI —
Ấn Độ ngày 21/9 triệu tập Cao ủy Pakistan, Abdul Basit, sau một cuộc tấn công nhắm vào một căn cứ quân sự Ấn tại Kashmir khiến 18 binh sĩ thiệt mạng.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết họ đề nghị cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra của Islamabad về vụ này và yêu cầu Pakistan tuân thủ cam kết không hỗ trợ và tài trợ khủng bố chống lại Ấn Độ.
Ấn Độ quy trách nhiệm các phần tử chủ chiến đóng ở Pakistan thực hiện vụ tấn công xuyên biên giới vừa kể, Islamabad khẳng định không dính líu tới vụ việc.
Bộ Ngoại giao Ấn nói với Cao ủy Pakistan rằng họ có thể cung cấp dấu vân tay và mẫu DNA của bốn tay khủng bố đã thiệt mạng trong vụ tấn công ở Uri hôm Chủ nhật cũng như dấu vân tay của các phần tử chủ chiến tử vong trong một cuộc tấn công khác nhắm vào một căn cứ không quân của Ấn hồi tháng Giêng.
Giới chức Ấn Độ nói những thứ thu hồi được từ địa điểm xảy ra tấn công như lựu đạn, lương thực và thuốc men đều được làm từ Pakistan.
Vụ tấn công hôm Chủ nhật khơi dậy phẫn nộ tại Ấn và làm leo thang căng thẳng giữa hai nước. Thủ tướng Ấn, Narendra Modi, tuyên bố sẽ xử lý vụ này tới nơi tới chốn.

HRW chế giễu

blogger miêu tả kỳ nghỉ hè ‘thú vị’ ở Bắc Triều Tiên

Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch đã công khai chỉ trích một blogger du lịch người Anh được hâm mộ vì đã đưa lên mạng những nhận xét tích cực và thú vị về chuyến đi thăm Bắc Triều Tiên mới đây của ông, trong khi bỏ qua những điều mà chế độ áp bức của nước này không muốn thế giới nhìn thấy, là tình trạng áp bức và nghèo đói trên diện rộng.
Ông Louis Cole có lẽ không ngờ về mức độ phẫn nộ của công chúng mà ông đã khơi lên khi trong tháng qua ông tải lên trang blog của ông một loạt video về chuyến đi 10 ngày đến thăm Bắc Triều Tiên có tên là Fun for Louis.
Ông Cole nói ông cố ý tập trung vào “những điều tích cực đẹp đẽ” trong video chiếu cảnh ông có mặt tại một công viên nước, lướt sóng và đi tham quan khắp nơi tại Bắc Triều Tiên, trong khi không tập trung vào sự kiện các giới chức chính phủ Bắc Triều Tiên đã hạn chế nhóm du lịch, chỉ cho họ tiếp cận những người hoặc những địa điểm đã được chuẩn y trước.
Trong một băng video tiếp sau video về chuyến đi, ông Cole nói: “Tôi không phải là một phóng viên điều tra. Tôi không bình luận về chính trị, trên Internet có nhiều nơi khác bạn có thể truy cập để tìm những thông tin đó.”
Ông Cole bị truyền thông mô tả là không hay biết gì hay là một con tốt tự nguyện để Bắc Triều Tiên lợi dụng nhằm đánh bóng hình ảnh của nước này. Người viết blog du lịch này đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng chế độ cầm quyền ở Bình Nhưỡng đã trả tiền cho ông để thực hiện băng video quảng cáo này.
Viết trên báo Korea Times ở Seoul trong tuần này, Phó Giám đốc Human Rights Watch đặc trách châu Á Phil Robertson nêu lên sự khác biệt giữa những lời miêu tả cảnh đẹp và sự thân thiện của Bắc Triều Tiên với những vụ tàn sát có hệ thống đã diễn ra tại quốc gia chuyên chế và đầy bí mật này, nơi truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ và các quyền cá nhân bị giới hạn nghiêm trọng.
Vào năm 2014, Đại hội đồng Liên hiệp quốc biểu quyết đưa Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế về những tội ác đối với nhân loại.
Vụ này được dựa trên một phúc trình của một Uỷ ban Điều tra Liên hiệp quốc thu thập những tài liệu về một mạng lưới các nhà tù chính trị trong nước và những hành động vi phạm nhân quyền tràn lan, kể cả các hình phạt lao động khổ sai, tra tấn, bắt làm nô lệ, hiếp dâm và giết người.
Nghị quyết bị trì hoãn tại Hội đồng Bảo an vì các đồng minh của Bắc Triều Tiên là Nga và Trung Quốc, có phần chắc sẽ phủ quyết nếu nó được đưa ra biểu quyết.
Ông Cole đã đưa ra một lời xin lỗi ngắn, nói rằng ông không ủng hộ ý thức hệ của Bắc Triều Tiên, và lẽ ra ông phải khuyến khích độc giả của ông nên tự nghiên cứu về các điều kiện tại nước này.
Blogger người Anh này cũng bênh vực video của ông về mặt tích cực của Bắc Triều Tiên như một hình thức giao tiếp với nước này, và như một cách để xây dựng những mối quan hệ hòa bình với đất nước bị cô lập này.
Ông Robertson nói ông Cole không xây dựng những cầu nối, mà ông đã bị lợi dụng.
Trang blog du lịch sôi nổi của ông Cole cũng làm giảm nhẹ nguy cơ bị bắt giữ tùy tiện tại Bắc Triều Tiên, đặc biệt là đối với các du khách Mỹ.
Vào tháng 1 năm nay, một sinh viên Trường đại học Virginia bị bắt tại Bình Nhưỡng vì đã giật ra một bích chương treo trên tường của khách sạn nơi ông tạm trú, khi đang đi theo một tour du lịch. Sau đó ông này bị xử 15 năm lao động khổ sai.
Chính quyền Bình Nhưỡng trong quá khứ đã sử dụng những người Mỹ bị bắt để được những nhân vật tăm tiếng ở Washington tới thăm.
Có ít nhất 14 công dân Mỹ bị giam giữ tại Bắc Triều Tiên trong 10 năm qua.
Vào tháng 4 năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra cảnh báo du lịch khuyên các công dân Mỹ nên tránh xa Bắc Triều Tiên.

Aleppo bị tấn công dữ dội

sau khi Mỹ kêu gọi chấm dứt không kích

Các cuộc không kích đánh trúng nhiều khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của phe nổi dậy ở Aleppo qua đêm thứ Tư, đánh dấu các cuộc oanh kích dữ dội nhất mà thành phố này từng chứng kiến trong nhiều tháng qua, chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry kêu gọi chấm dứt các phi vụ của máy bay chiến đấu trên “các khu vực chủ yếu” của Syria.
Giới hoạt động đối lập lập tức quy lỗi cho chính quyền Syria, mặc dù các giới chức vẫn chưa bình luận gì về tin này. Giao tranh ác liệt bùng nổ dọc theo các khu ngoại ô của Aleppo sáng hôm thứ Năm – giờ địa phương, ngay tiếp theo sau các vụ không kích.
Các vụ không kích ở Đông Aleppo trước đó trong cùng ngày đã giết chết 12 thường dân và đặt ra một thách thức lớn cho thoả thuận ngưng bắn do Mỹ và Nga giàn xếp trước đây trong tháng.
Ngoại trưởng Kerry hôm qua nói rằng nếu muốn cứu vãn cuộc ngưng bắn đang có dấu hiệu tan rã ở Syria, thì các chiến đấu cơ phải ngưng dội bom vào những địa điểm nơi mà các cơ quan cứu trợ nhân đạo đang tìm cách phân phối lương thực và thuốc men.
Sau những vụ vi phạm trắng trợn đối với thoả thuận ngưng bắn ở Syria, đặc biệt là vụ không kích gây tử vong đã phá huỷ một đoàn xe cứu trợ hôm thứ Hai vừa rồi, mà Mỹ đổ lỗi cho Nga, ông Kerry nói tất cả các bên trong cuộc tranh chấp đang đứng trước một thời điểm có tính cách quyết định.
Đề nghị của nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ được gói ghém trong những ngôn từ ngoại giao, không nêu đích danh các máy bay Nga hoặc Syria, hai bên bị quy lỗi đã thực hiện phần lớn các vụ tấn công gây tử vong nhắm vào các khu vực dân cư trong năm vừa qua trong cuộc chiến tranh Syria. Ông Kerry nói đề nghị cấm bay sẽ được áp dụng cho tất cả các máy bay trên những vùng không phận nhất định ở Syria, kể cả các máy bay của Hoa Kỳ và các đối tác trong liên minh do Mỹ lãnh đạo.
Ngoại trưởng Kerry đưa ra lời kêu gọi của ông tại một cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông nói hạn chế các chuyến bay như vậy là điều thiết yếu để chấm dứt đổ máu ở Syria:
“Chúng ta phải hướng tới phía trước và tìm cách lập tức chấm dứt các chuyến bay ngang qua các khu vực chủ yếu đó hầu có thể giảm căng thẳng tại đây và cho phép công tác cứu trợ nhân đạo được hoạt động trong khu vực này mà không bị cản trở.”
Nga không mấy hưởng ứng đề nghị đó.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trước Ngoại trưởng Kerry, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không tức thời đáp ứng đề nghị của Mỹ, mặc dù một nữ phát ngôn viên của ông sau đó nói rằng đề nghị của Mỹ không có thực chất mà chỉ có tính cách phô diễn mà thôi.
Ông Kerry nói mục đích của ông là để “ngăn cản Syria làm những gì mà nước này đã thường xuyên làm trong quá khứ, đó là tấn công các mục tiêu dân sự, viện cớ họ chỉ theo đuổi khủng bố và các phần tử cực đoan mà thôi.”
Nusra và Nhà nước Hồi giáo là hai nhóm khủng bố bị loại ra khỏi thoả thuận ngưng bắn ở Syria, và Mỹ và Nga trên nguyên tắc phải hợp tác với nhau để đánh bại hai nhóm khủng bố này.
Ông Kerry nói ông muốn nhấn mạnh với phía Nga rằng Washington vẫn ủng hộ nỗ lực tìm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề Syria. Ông nói:
“Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng sẽ có một phương cách để hướng tới phía trước, dù cho con đường còn lắm chông gai, đầy khó khăn và bất định, nhưng vẫn có thể dẫn tới một lối đi để thoát khỏi cảnh giết chóc đổ máu.”
Một người phát ngôn của nhóm đối lập chủ yếu tại Syria, là Uỷ ban Đàm phán cấp cao – gọi tắt là HNC, đã hoan nghênh đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ, để buộc lực lượng không quân Syria ngưng hoạt động, bởi vì theo ông không lực Syria là bên đã giết hại nhiều thường dân Syria nhất. Nhưng người phát ngôn của HNC, ông Basma Kodmani nói nhóm của ông cực kỳ hoài nghi các thoả thuận với Nga, là bên “sẵn sàng vi phạm các thoả thuận đạt được, và trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế.”
Ông Kerry nói những người tin rằng cuôc khủng hoảng ở Syria không thể nào tệ hại hơn nữa là “hoàn toàn sai lầm”, ông nói mặc dù kế hoạch ngưng bắn hiện nay không hoàn hảo, nhưng trong các điều kiện bây giờ, không có một giải pháp thay thế khả thi nào khác.

Philippines cử phái đoàn qua Nga tìm mua vũ khí

Theo báo chí Philippines vào hôm qua, 21/09/2016, một đoàn cán bộ cao cấp của bộ Quốc Phòng Philippines vừa đến Nga để thăm dò khả năng tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, đặc biệt trong lãnh vực vũ khí. Chuyến đi này đã cụ thể hóa hướng mới, vừa được tổng thống Philippines xác nhận gần đây, theo đó Manila sẽ mua vũ khí từ Nga và Trung Quốc, thay vì chủ yếu dựa vào Mỹ như trước.
Theo nhật báo Philippines Daily Inquirer, tại Mátxcơva, phái đoàn Philippines đã tiếp xúc với quan chức Cơ Quan Hợp Tác Kỹ Thuật Quân Sự Nga (gọi tắt là FSMTC) để tìm hiểu khả năng hợp tác quân sự nhằm tăng cường năng lực quân sự Philippines (tức là mua vũ khí), và tăng gia công tác huấn luyện cho quân đội và cảnh sát Philippines.
Theo Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, vị thế cường quốc thế giới của Nga và kinh nghiệm dự phòng tranh chấp của Nga có thể góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và việc mua các thiết bị quân sự và công nghệ hiện đại từ Nga sẽ giúp nước này đảm bảo an ninh trên biển.
Trong một bản thông báo đăng trên trang web của bộ Ngoại Giao Philippines vào hôm qua, Đại sứ Philippines tại Nga ông Carlo Sorreta cho biết là trong các cuộc tiếp xúc với phái đoàn Manila, phía Nga đã giới thiệu các loại thiết bị quân sự, khả năng hợp tác huấn luyện để sử dụng các thiết bị đó, cũng như các dịch vụ bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi mua. Ngoài ra còn có vấn đề Nga đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất vũ khí tại Philippines, cũng như các phương thức tài trợ khác nhau.
Giới quan sát đã lồng các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Manila và Mátxcơva về vũ khí vào trong chiều hướng mới đã được Tổng thống Philippines Duterte tiết lộ gần đây, theo đó Manila sẽ tăng cường hợp tác trong lãnh vực quân sự với cả Nga lẫn Trung Quốc.
Bộ Ngoại Giao Philippines vào hôm qua như đã cố biện minh cho ý định tìm mua vũ khí Nga khi nêu bật sự kiện là ngay cả Mỹ cũng mua động cơ tên lửa từ Nga, không kể đến việc Nga là nguồn cung cấp vũ khí cho Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Tổng thống Philippines giơ ngón tay thối, lăng mạ Liên Hiệp Châu Âu
Hôm qua, khi bị Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích về chiến dịch trấn áp tội phạm tàn bạo, tổng thống Philippines đã giơ ngón tay thối và lăng mạ Liên Hiệp Châu Âu. Tuần trước, Quốc Hội Châu Âu tỏ ra lo ngại về « số người bị bị cảnh sát giết hại nhiều bất thường». Tổng thống Philippines phê phán Châu Âu « dám cả gan » chỉ trích ông trong khi Pháp và Anh đã giết hàng triệu người Ả Rập và người dân nhiều nước khác. Ông đả kích hai nước này là « đạo đức giả ». Ông đã bác bỏ cáo buộc « diệt chủng ». Ông nói : « Họ rao giảng đạo đức chỉ để giảm mặc cảm tội lỗi. Tôi đã giết những ai ? Nói cho chính xác là 1.700 người. Nhưng họ là ai ? Những kẻ phạm tội. Và các ông gọi đó là diệt chủng à ?». 
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160922-philippines-cu-phai-doan-qua-nga-tim-mua-vu-khi

Ngoại trưởng Nga – Mỹ đấu khẩu ở Hội Đồng Bảo An về Syria

Hôm qua, Hội Đồng Bảo An đã họp ở New York để bàn về tình hình Syria. Cuộc họp diễn ra rất căng thẳng, với cuộc đấu khẩu dữ dội giữa Nga và Mỹ.
Từ Washington, đặc phái viên Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
Ngoại trưởng Nga là người đầu tiên phát biểu. Ông thông báo đã nhận được thông tin về việc đoàn cứu trợ bị tấn công. Ông nhắc tới vụ việc với giọng lạnh lùng : « Một số người gọi đó là một vụ không kích, nhưng chúng ta phải tỉnh táo, không được để cảm xúc lấn át ». 
Cảm thấy bực bội, ngoại trưởng Mỹ đã đáp lời : « Khi nghe người đồng nhiệm Nga nói, tôi có cảm giác chúng ta đang sống ở hai thế giới khác nhau ». Ông John Kerry nói thêm, trước sự ngạc nhiên của người Nga : « Chúng ta sẽ phải cố gắng giữ các máy bay ở mặt đất, không cho bay trên vùng trời trong khu vực để làm dịu căng thẳng ». 
Ông Vitali Churkin, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc khi ra khỏi phòng họp đã tuyên bố : « Ông Kerry đã bóp méo lời những lời tuyên bố của chúng tôi về sự cố bi thương liên quan đến đoàn cứu trợ nhân đạo. Tôi thấy điều này là không đúng. Chúng tôi muốn có một cuộc điều tra công bằng và độc lập. Chúng tôi có đầy đủ các tài liệu.»
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson thì bình luận : « Ông Kerry và Lavrov không nhất trí về quan điểm nhưng tình hình chưa đến mức tuyệt vọng và có thể nối lại cuộc đàm thoại ». 
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thì đề nghị các đơn vị quân đội của Syria phải rút về căn cứ và phải có cơ chế giám sát việc thực thi thỏa thuận hưu chiến.

Nga đưa tàu sân bay

đến tăng viện cho lực lượng tham chiến ở Syria

Trong một động thái được cho là mang tính khoa trương rõ rệt, lần đầu tiên Nga cho tàu sân bay đến hỗ trợ cho lực lượng của mình đang tham chiến tại Syria. Chính bộ trưởng Quốc Phòng Nga vào hôm qua 21/09/2016 đã loan báo tin này.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một bản thông cáo, bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu cho biết là tàu sân bay Đô Đốc Kuznetsov sẽ đến vùng Địa Trung Hải góp sức cho số sáu chiến hạm và ba hoặc bốn tàu tiếp liệu đang có mặt tại chỗ để tham gia chiến dịch quân sự tại Syria.
Đặt căn cứ tại Murmansk ở vùng Biển Barents, tàu sân bay Đô Đốc Kuznetsov hiện là hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga. Theo truyền thông Nga, sắp tới đây, tàu này sẽ được trang bị bằng loại chiến đấu cơ Mig-29 thế hệ thứ tư.
Cho đến nay, để giúp chế độ Damas, Hải Quân Nga đã cho triển khai các loại khu trục hạm và tàu ngầm tại vùng Địa Trung Hải. Tên lửa hành trình đánh vào Syria chẳng hạn đã đặc biệt được bắn đi từ tàu ngầm hay từ các chiến hạm đóng tại vùng Biển Caspi.
Thông báo tăng cường lực lượng quân sự của Nga được đưa ra khi lệnh ngừng bắn từ ngày 09/09 dày công đàm phán giữa Nga và Mỹ đã bị tan vỡ chỉ sau một tuần thực hiện.
Trong những ngày qua, hai bên đã khẩu chiến dữ dội về việc bên nào là thủ phạm vụ oanh kích vào đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai vừa qua, khiến khoảng hai chục người thiệt mạng.
Vào hôm qua, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc xác định rằng không hề có bất kỳ một phi cơ nào – có người lái hay không có người lái -của liên minh do Mỹ lãnh đạo bay gần khu vực bị đánh bom vào lúc xẩy ra sự cố.
Tuyên bố này nhắm phản bác lời tố cáo của Quân Đội Nga trước đó ít lâu, theo đó đã có một chiếc phi cơ không người lái Predator của liên minh bay trên khu vực lúc vụ oanh kích xẩy ra.

Ấn Độ mua Rafale

để đối phó với đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan

Ngày 21/09/2016, chính phủ Ấn Độ thông báo mua của Pháp 36 chiếc máy bay chiến đấu Rafale với giá trị đơn hàng gần 8 tỷ euro. Đây là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất của tập đoàn chế tạo máy bay quân sự Dassault, sau khi đã bán được cho Qatar và Ai Cập mỗi nước 24 chiếc Rafale. Hợp đồng mua sắm vũ khí lớn này sẽ tăng cường tiềm lực cho không quân Ấn Độ để đối phó với những đe dọa tiềm ẩn từ hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.
Thông báo chính thức từ phía chính phủ của thủ tướng Narenda Modi được đưa ra sau gần một năm rưỡi thương lượng giữa Paris và New Delhi. Đây cũng là hợp đồng thương mại trọng tâm của quan hệ Pháp- Ấn.
Thực trạng lực lượng không quân Ấn Độ hiện nay
Cho đến năm 2015, Ấn Độ mới chỉ có 35 đội bay chiến đấu mà mỗi phi đội như vậy chỉ gồm 18 chiếc. Trong khi đó không quân Ấn Độ dự trù phải cần ít nhất 42 phi đội để có thể bảo vệ được đường biên giới phía tây và bắc với Pakistan và Trung Quốc.
Đội chiến đấu cơ của không quân Ấn Độ hiện tại không những thiếu mà còn lạc hậu, gồm chủ yếu toàn những loại máy bay đã cũ kỹ và không đồng bộ. Của Nga thì có Mig 21, Mig 27, Mig 29 và các loại SU-30 MKI, của Pháp có Mirage hay Jaguar của Anh và vài chiếc Tejas tự đóng trong nước.
Từ nhiều năm nay, không quân Ấn Độ đã phải rút các loại Mig 21 cũ kỹ vừa lạc hậu vừa hết giờ bay nhưng vẫn chưa được bù lại bằng các loại chiến đấu cơ mới. Năm ngoái, trước Ủy ban Quốc Phòng của Quốc Hội Ấn Độ, một đại diện không quân đã báo cáo là từ nay đến năm 2022, Ấn Độ sẽ co lại chỉ còn 25 phi đội chiến đấu cơ. Về số lượng, như vậy là ngang bằng với Pakistan. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh rằng Ấn Độ còn phải rất chú ý tới mối đe dọa của Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện nay.
36 chiếc Rafale đã đủ cho không quân Ấn Độ ?
Năm 2012, Ấn Độ bắt đầu đàm phán riêng với tập đoàn Dassault trong dự án mua 126 chiến đầu cơ hiện đại với điều kiện được chuyển giao công nghệ. Nhưng hợp đồng khổng lồ đó đã không thể đạt được vì giá thành chuyển gia công nghệ của Rafale quá cao.
Hai bên đã phải trải qua nhiều cuộc thương lượng để xích dần từng bước lại với nhau. Hồi tháng 5 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã giải thích là chính phủ sẽ điều chỉnh lại việc đặt hàng sau khi thảo luận với lực lượng không quân.
Trong chuyến công du Paris hồi tháng 4 năm 2015, thủ tướng Narendra Modi đã thông báo New Delhi có ý định mua 36 chiếc Rafale hoàn chỉnh và hợp đồng mua bán chỉ được đàm phán trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai Nhà nước.
Trang bị chiến đấu cơ hiện đại Rafale, quân đội Ấn Độ sẽ trút bớt nỗi lo về khả năng quốc phòng yếu kém. Từ nhiều năm nay, giới chức quân sự nước này luôn phàn nàn về tình trạng trang bị của quân đội Ấn Độ không đủ tầm để đối mặt với những thách thức địa chính trị trong vùng.
Ngoài mối hiềm khích với người hàng xóm Pakistan từ khi dành độc lập đến giờ, Ấn Độ đang phải sẵn sàng đối mặt với đà gia tăng sức mạnh quân sự cùng với những tham vọng chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại châu Á. Đó là chưa kể Ấn Độ vẫn luôn có những tranh chấp lãnh thổ dai dẳng với hai người hàng xóm này xung quanh vùng núi Hymalaya.
Mua chiến đấu cơ Rafale, mục tiêu trước mắt của Ấn Độ hiện đại hóa lực lượng không quân hiện gồm chủ yếu các máy bay Nga đang gần hết hạn sử dụng. Còn về lâu dài hợp đồng cộng với chuyển giao công nghệ sẽ giúp Ấn Độ phát triển công nghiệp hàng không quân sự, hiện mới chỉ đang còn chập chững với sản phẩm duy nhất là loại chiến đấu cơ Tejas rất hạn chế về khả năng tác chiến.
Theo các chuyên gia quân sự Ấn Độ, hợp đồng 36 chiếc Rafale này mới chỉ là bước đầu, New Delhi sẽ còn phải chi tiêu nhiều hơn nữa để đối phó với sự bành trước sức mạnh của Trung Quốc ngày nay. Cho đến lúc này, với Pakistan, Ấn Độ đã có thể kiềm chế được, nhưng so với Trung Quốc tiềm lực quân sự của Ấn Độ vẫn còn là thấp hơn nhiều.
Rafale từng bước chinh phục thị trường vũ khí nước ngoài
Hợp đồng bán cho Ấn Độ 36 chiếc Rafale là một thắng lợi cho xuất khẩu vũ khí Pháp. Mặc dù được đánh giá là tinh hoa của ngành hàng không quân sự Pháp, nhưng không phải dễ dàng để Rafale có mặt trong không lực Ấn Độ.
Cuộc phiêu lưu của Rafale đến Ấn Độ bắt đầu từ năm 2007 khi New Delhi mở thầu mua 126 chiến đấu cơ, khi đó có không ít các đối thủ cạnh tranh với Rafale nhảy vào cuộc.
Cuối cùng thì Rafale đã thuyết phục được không quân Ấn Độ trước các lựa chọn nhiều loại chiến đấu cơ hiện đại như Eurofighter Typhoon và Gripen của tập đoàn Saab, các loại chiến đấu cơ Mỹ F-16 của Lockheed-Martin, F-18 của McDonnell Douglas hay như Mig-35 của Nga.
Được quân đội Pháp đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhưng Rafale liên tiếp gặp phải thất bại trên thị trường xuất khẩu vũ khí. Thành công đầu tiên được biết đến là vào tháng 2/2015, Ai Cập bất ngờ đặt mua của Pháp 24 chiếc Rafale. Hai tháng sau đó, một hợp đồng 24 chiếc khác tiếp tục được ký với Qatar.
Nếu tính cả đơn hàng ký với Ấn Độ vào ngày mai (23/09), số lượng Rafale xuất khẩu đã chiếm được gần một nửa so với tổng số (180 chiếc) mà không quân Pháp đặt hàng của Dassault.
Rafale đã hấp dẫn được không quân Ấn Độ nhờ khả năng tác chiến rộng và đảm trách được nhiều vai trò cùng lúc của một chiến đấu cơ. Ưu điểm của Rafale là một khi xuất kích, chiến đấu cơ này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như : tác chiến phòng không, ném bom chiến lược, oanh kích mặt đất, tấn công tàu chiến và cả do thám trên không.
Rafale đã được không quân Pháp triển khai ngay từ năm 2007 trên chiến trường Afghanistan, can thiệp tấn công ở Libya năm 2011 và tại Mali năm 2013. Hiện tại 12 chiếc Rafale của quân đội Pháp đang tham gia vào các cuộc oanh kích Daech ở Irak.
Chiến đấu cơ Rafale nặng 10 tấn có thể mang theo lượng vũ khí và nhiên liệu nặng gấp 1,5 lần trọng lượng. Về mặt vũ khí, Rafale có thể được trang bị đại liên 30 ly dùng chiến đấu trên không và oanh kích mặt đất, tên lửa không đối không, bom dẫn đường bằng laser và tên lửa hành trình.
Rafale có thể bay với tốc độ 2.200km/h và cất cánh trên quãng đường băng ngắn 400 mét và bán kính hoạt động tới 1850 km. Rafal có thể được trang bị cho không quân và hải quân. Máy bay có thể tác chiến từ tàu sân bay. Hiện tại Rafale là chiến đấu cơ chủ chốt của không quân Pháp, ít nhất cho tới tận năm 2044.
Chính nhờ những hợp đồng bán Rafale đầu tiên ra nước ngoài mà xuất khẩu vũ khí của Pháp trong năm 2015 đã đạt doanh số kỷ lục 16,9 tỷ euro, tức là tăng gấp hai lần so với năm trước.

Bài học xử lý thảm họa môi trường: Từ BP đến FORMOSA

Đầu năm 2016, một thảm hoạ môi trường quy mô lớn xảy ra tại bốn tỉnh miền trung Việt Nam, hoá chất thải ra từ nhà máy luyện thép Formosa khiến hàng trăm tấn cá chết, cả một vùng bờ biển dài hơn 200 km bị nhiễm độc, hàng trăm nghìn cư dân mất nguồn sinh kế. Theo các nhà quan sát, chính quyền Việt Nam hết sức lúng túng trong việc khắc phục thảm hoạ. Vụ Formosa khiến nhiều người nghĩ đến một thảm họa tràn dầu quy mô lớn tại vùng Vịnh Mêhicô (Hoa Kỳ) cách nay 6 năm. Kinh nghiệm điều tra, đánh giá tác động môi trường trong vụ BP để lại những bài học nào cho Việt Nam ? Tạp chí Khoa học của RFI phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (Đức).
Thảm hoạ lớn hàng đầu trong ngành dầu mỏ thế giới – đe doạ nghiêm trọng các hệ sinh thái – đã buộc công ty BP Anh Quốc phải đền bù hàng chục tỉ đô la (chú thích 1). Hai thảm hoạ môi trường BP-Vịnh Mêhicô và Formosa-miền Trung Việt Nam chắc chắn có rất nhiều khác biệt về quy mô và và tính chất, nhưng điều đáng chú ý là, ngay từ đầu, BP đã chấp nhận chi ra nhiều tỷ đô la cho việc nghiên cứu đánh giá thiệt hại môi trường và sức khỏe dân cư, đi liền với các dự án phục hồi, làm cơ sở cho việc đền bù. Bởi thảm họa môi trường trên biển tác động rất phức tạp đến các hệ sinh thái và mức độ thiệt hại sẽ không được đánh giá đúng, công việc sẽ trở nên phức tạp bội phần, nếu việc này không được làm sớm và làm đúng cách. Đây là điều mà tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến coi là một bài học xương máu đối với việc khắc phục thảm họa nhiễm độc biển do Formosa gây ra tại miền trung Việt Nam (phỏng vấn thực hiện ngày 19/09/2016).
Đánh giá khẩn trương, toàn diện  thiệt hại
RFI : BP đã làm gì trong việc điều tra tác động của thảm họa để khắc phục. Xin chị cho biết một số điểm chính.
TS. Nguyễn Thị Hải Yến : Khi thảm họa xảy ra, ngoài việc cứu hộ ngay, BP ngay lập tức công bố hai khoản ngân sách rất lớn cho những « nghiên cứu đánh giá thiệt hại » và những « nghiên cứu sâu, lâu dài ». Dành cho ngân sách đầu tiên, BP chi tổng cộng là 8,7 tỉ, vừa cho đánh giá, vừa cho các chương trình phục hồi sinh thái.
Cụ thể về hoạt động này, ngay sau khi thảm họa xảy ra, chính quyền liên bang và các tiểu bang vùng thảm họa đã họp bàn và thành lập một Hội Đồng Ủy Thác Đánh Giá Thiệt Hại Tài Nguyên/ Natural Resource Damage Assessment Trustees Council (chú thích 2). Mục đích là để đưa ra một bức tranh đầy đủ về thiệt hại sinh thái, từ đó có kế hoạch phục hồi khả thi.
Hội đồng Ủy thác này phân chia thành 14 nhóm kỹ thuật, phủ hết các dạng sinh thái và các loài sinh vật quan trọng (chú thích 3). Hơn 240 dự án đã thực hiện và nhiều nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.
Ở giai đoạn đầu, gọi là « tiền đánh giá và phục hồi sớm », người ta đã đưa ra ngay 57 dự án phục hồi sớm ở 5 tiểu bang. Và dựa vào kết quả đánh giá thiệt hại tổng thể và lâu dài (với năm tiêu chí – chú thích 4), Hội đồng Ủy thác gần đây đã quyết định là cần phải phục hồi ở 38 địa điểm, với 13 kiểu phục hồi sinh thái khác nhau (chú thích 5), với trọng tâm là phục hồi các hệ sinh thái ven biển. Tiền chi cho các dự án phục hồi các hệ sinh thái này chiếm phần chủ yếu : 4,1 tỉ (chiếm khoảng 50% ngân sách).
Việc khẩn trương đánh giá thiệt hại sinh thái, và giai đoạn đầu tập trung vào các vấn đề có tính nhạy cảm về thời gian, như Hội Đồng Ủy Thác thực hiện ở Vịnh Mêhicô, đã giảm thiểu việc mất dấu tích do ảnh hưởng điều kiện tự nhiên. Bài học của việc này là việc chậm trễ đánh giá thiệt hại ở thảm họa Formosa Vũng Áng sẽ rất nguy hiểm khi dấu vết chất độc trên bề mặt đáy biển đã bị sóng, dòng hải lưu xóa mờ, hoặc bị bùn cát lấp phủ trong khi đó chất độc vẫn bị chôn vùi trong bùn cát/trầm tích không quan sát được. Dẫn đến những chỗ này sẽ bị bỏ sót khi khảo sát. Và cũng sẽ bị bỏ qua trong kế hoạch khắc phục hậu quả.
Việc khẩn trương đánh giá thiệt hại, như Hoa Kỳ thực hiện, cũng giúp ngay lập tức phát hiện ra những khu vực hoặc các loài sinh vật cần phải được cứu nạn khẩn cấp và triển khai phục hồi sớm tránh tình trạng bị kéo dài phơi nhiễm dẫn đến diệt vong.
Bên cạnh chương trình nói trên, BP còn dành một ngân sách khác cho nghiên cứu, để « cài răng lược », để khiến cho thông tin khoa học xác thực hơn. Bởi vì ảnh hưởng môi trường ở biển rất phức tạp, các diễn tiến như từ dòng hải lưu phân tán, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, rồi đến lượt các chất dầu tự hủy hoặc do sinh vật phân hủy, hoặc biến đổi khi tác động với các chất khác… Vì vậy, phải có các nghiên cứu chuyên sâu hơn, để khẳng định (hay điều chỉnh) các ước tính thiệt hại ban đầu.
Nghiên cứu độc lập, chuyên sâu
RFI : Xin chị cho biết rõ hơn về ngân sách thứ hai, tức ngân sách điều tra tác động lâu dài.
TS. Nguyễn Thị Hải Yến : Một tháng sau khi xảy ra thảm họa, ngày 24/05/2010, BP đã cam kết chi một khoản 500 triệu USD cho 10 năm công việc nghiên cứu đánh giá tác động ảnh hưởng và tái phục hồi sinh thái và môi trường. Một tổ chức có tên Sáng Kiến Nghiên Cứu Vịnh Mêhicô (Gulf of Mexico Research Initative/GoMRI) đã được thành lập. Đây là một chương trình tổ chức độc lập với BP và chính phủ Hoa Kỳ (vì BP và chính phủ Hoa Kỳ là đối tác của hợp đồng thương mại khai thác dầu ở Vịnh Mêhicô). Tiến sỹ Rita Colwell, người đã có kinh nghiệm làm lãnh đạo của Quỹ Khoa Học Quốc Gia (National Science Foundation), một tổ chức xã hội dân sự, được chọn làm giám đốc của chương trình này.
Chương trình nghiên cứu độc lập này GoMRI được đặt trong Viện nghiên cứu Vịnh và đới bờ của liên bang. Đã có 3.941 nhà nghiên cứu đến từ 286 Viện/Trường của 20 quốc gia đồng hành và đóng góp. Họ chia thành các nghiên cứu 1-2 năm, 2-4 năm, 3-5 năm, 6-8 năm… ứng với các diễn biến của thảm họa (ví dụ như đầu tiên là phải nghiên cứu các dòng chảy, hướng phát tán của dầu, sau đó là các nghiên cứu về độc tố…).
Với 500 triệu đô la, chương trình này đã có sản phẩm là 784 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học. Ở đây cũng chia thành 5 lĩnh vực :
1)Các nghiên cứu về động lực học và khí tượng hải dương để đánh giá sự di chuyển và phát tán của dầu vào môi trường (cả trên mặt nước, trong cột nước và trầm tích).
2) Các nghiên cứu về sự biến đổi hóa học cũng như quá trình tự phân hủy sinh học của dầu và hóa chất cũng như sự tương tác của chúng lên các hệ sinh thái.
3) Các nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường của dầu lên các hệ sinh thái ven bờ, đáy, và các tầng nước.
4) Các nghiên cứu phát triển công nghệ để nâng cấp các phương pháp ứng phó với thảm họa.
5) Các nghiên cứu về ảnh hưởng của thảm họa tràn dầu lên sức khỏe động vật và con người.
Sáng Kiến Nghiên Cứu Vịnh Mêhicô có những chương trình nghiên cứu tương tự như hoạt động của Hội Đồng Ủy Thác, nhưng chuyên sâu. Hai chương trình này phụ trợ cho nhau. Bên Hội Đồng Ủy Thác là đánh giá trên diện rộng và đi thực tế nhiều, còn bên Sáng Kiến Nghiên Cứu Vùng Vịnh Mêhicô thì mang tính chuyên sâu và làm trong phòng thí nghiệm nhiều hơn. Sáng Kiến Nghiên Cứu Vùng Vịnh Mêhicô bổ sung những thiếu hụt cho chương trình đánh giá thiệt hại tài nguyên của Hội Đồng Ủy Thác. Việc các chương trình nghiên cứu sâu song hành từng bước với chương trình đánh giá thiệt hại và phục hồi tái tạo sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả phục hồi hệ sinh thái và tài nguyên dựa trên cả khoa học và thực tế.
Tôi thấy rằng chính phủ Việt Nam và giới trí thức Việt Nam cần kêu gọi để có một chương trình nghiên cứu độc lập như thế để có thể mời được các trí thức thế giới tham gia.
Tôi thấy rất tiếc, vì ở Việt Nam có mời một số chuyên gia nước ngoài tham gia, nhưng thay vì mời họ tham gia vào đoàn của nhà nước, nên để họ làm độc lập, thì họ sẽ có thể đánh giá khách quan hơn, và cung cấp các đối chứng, như thế sẽ thuyết phục được người dân nhiều hơn.
Thông tin đầy đủ, minh bạch
RFI : Khó khăn chính trong các điều tra về tác động thảm họa ?
TS. Nguyễn Thị Hải Yến : Có một điều rất quan trọng khiến Hoa Kỳ và BP thành công là họ có được thông tin. Khi thảm họa tràn dầu xảy ra thì ngay lập tức Trung tâm ứng phó quốc gia và các đại diện địa phương/focus point của các cơ quan có chức năng liên quan biển. Họ có trách niệm thu nhập tất cả thông tin từ mọi nguồn báo về (vùng nào thấy xuất hiện dầu, vùng nào có sinh vật chết… Bất cứ thông tin nào gây nghi ngờ đều được trung tâm này tiếp nhận). Từ đó họ có được một cơ sở dữ liệu đầy đủ về thảm họa, để có thể ứng phó, ứng cứu, và tiếp theo là đánh giá thiệt hại và nghiên cứu lâu dài, và sau cùng là phục hồi.
Ở Việt Nam, không có trung tâm ứng cứu quốc gia, và mạng lưới địa phương. Chính vì thế, thảm họa xảy ra từ đầu tháng 4, mà đến cuối tháng 4 mới bắt đầu rầm rộ, truyền thông mới biết, người dân mới biết (chú thích 6).
Điều quan trọng nữa là, ở Việt Nam hầu hết tất cả những thông tin về thảm họa của người dân (thường chỉ được phản ánh qua facebook hoặc blog) (chú thích 7) đều không được chính quyền các cấp ghi nhận. Đấy là sự lãng phí vô cùng, sự thiếu thông minh của chính quyền, khi không tận dụng các thông tin, đóng góp của cả xã hội. Điều này dẫn đến tình trạng hiểu biết về thảm họa là rất thiếu hụt. Việc bỏ qua các thông tin phản ánh của người dân thì vừa không tận dụng nguồn lực rộng lớn không phải trả công từ người dân, nguồn nhân lực có thể quan sát môi trường theo từng giờ ở mọi nơi với thông tin sâu sát và đầy kinh nghiệm.
Chính vì thế, với 100 nhà khoa học tham gia đánh giá xác định nguyên nhân thảm họa, thông tin đưa ra vẫn luôn thiếu hụt so với những quan sát của người dân (Ví dụ rất nhiều thông tin của người dân trên facebook và blog cho biết, chim chết nhiều, nhiều nơ rừng ngập mặn chết. Trong khi đó chính quyền công bố chỉ có san hô bị ảnh hưởng). Vì thế càng đẩy chính quyền vào tình thế bị đánh giá là không có đủ trình độ, không minh bạch và cố tình bao che cho Formosa (xem bài : Nhiễm độc miền Trung Việt Nam : Chưa rõ vùng biển nào hải sản an toàn“).
Rất nguy hiểm là những kế hoạch khắc phục cũng sẽ thiếu hụt, không hiệu quả hoặc thậm chí là chệch hướng.
Ví dụ như việc tranh cãi, có nên hút rửa đáy biển hay không ? Người thì bảo nên, người bảo không, người bảo hút cả chiều dài 200 km dọc bờ biển. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ là người ta sử dụng các máy rò, xem chỗ nào có dầu tồn lắng nhiều, thì người ta mới tẩy rửa. Trong khi thảm họa do Formosa, chính vì thiếu hụt thông tin nên không thực hiện được phục hồi, tẩy rửa, hoặc kế hoạch phục hồi bị lệch hướng.
Điểm đáng nói là, trong vụ tràn dầu BP, ngay lập tức người ta công bố là thảm họa quốc gia, và người ta sẵn sàng đối mặt với các thực tế của thảm họa, trong khi ở Việt Nam, cá chết hàng trăm tấn, san hô chết 50%, nhưng vẫn cứ nói là « sự cố môi trường ». Chính vì đánh giá lệch lạc về tính chất thảm họa, thành ra không có chương trình nghiên cứu. Cho đến bây giờ không nghe thấy một chương trình nghiên cứu đánh giá thiệt hại hay phục hồi.
RFI : Nhìn chung vụ tràn dầu BP còn để lại thêm bài học nào khác về vai trò của Nhà nước ?
TS. Nguyễn Thị Hải Yến : Để tránh cho người dân phơi nhiễm chất độc, ngay lập tức Hoa Kỳ đã đóng cửa các bãi biển (chú thích 8). Trong khi đó, ở Việt Nam, các quan chức nhảy xuống tắm biển. Rất là ngược đời. Rất là đau khi thấy người dân tay trần đi thu gom cá chết. Ở trong cá chết, có thể có rất nhiều chất độc khác lây nhiễm qua đường da. Chính quyền đã không có thông tin, truyền thông nào để cảnh báo cho người dân, một là không tắm biển, hai là phải có các phương tiện bảo hộ (chú thích 9).
Tìm hiểu quá trình khắc phục hậu quả dầu tràn ở vịnh Mêhicô, tôi thấy chính quyền Hoa Kỳ và BP rất chú trọng đến việc phục hồi các hệ sinh thái. Theo tôi, Việt Nam cũng cần ưu tiên ngay lập tức việc nghiên cứu đánh giá thiệt hại và xây dựng các dự án phục hồi các hệ sinh thái như san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn. Đó là ba hệ sinh thái quan trọng, mà chúng tôi là những nhà khoa học về lĩnh vực này chúng tôi rất sốt ruột (chú thích 10).
RFI xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến đã dành thời gian cho tạp chí.
*** Phải minh bạch độc chất FORMOSA thải ra biển ***
Ngày 20/09/2016 – hơn 5 tháng kể từ vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung Việt Nam – bộ Y Tế cùng bộ Tài Nguyên Môi Trường và bộ Nông Nghiệp lần đầu tiên xác nhận hải sản « ở tầng đáy » trong phạm vi 20 hải lý dọc bờ biển không « an toàn ». Tiếp theo việc công ty thép Formosa (hồi cuối tháng 6/2016) nhận lỗi xả thải độc chất tại Vũng Áng (Hà Tĩnh), thông báo nói trên một lần nữa khẳng định thực chất và quy mô của tình trạng nhiễm độc ven biển bốn tỉnh miền Trung Việt Nam đang dần dần sáng tỏ, bất chấp các nỗ lực che giấu (*).
Bài học từ thảm họa dầu tràn (Hoa Kỳ) cho thấy việc đánh giá khẩn trương, toàn diện và đầy đủ các tác động môi trường hậu thảm họa là vô cùng quan trọng, để giảm thiểu các thiệt hại với con người và môi trường. Chính quyền Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Mỹ trong việc thành lập một cơ chế nghiên cứu độc lập, nhằm thu hút rộng rãi các đóng góp quốc tế, bên cạnh các hoạt động của nhóm các nhà khoa học nhà nước. Tuy nhiên, nghiên cứu sẽ chỉ thực chất và hiệu quả khi làm sáng tỏ được các chất độc mà Formosa đã thải xuống biển.
Theo nhiều chuyên gia, nếu những thông tin này – cũng như thông tin cụ thể về quá trình di chuyển của các độc chất trong nước biển – bị chính quyền tiếp tục che đậy, thì việc điều tra về tác động của chúng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người không thể cho ra được kết quả chính xác. Việc khắc phục do vậy sẽ muôn vàn khó khăn, nếu không nói là bất khả thi.
Trong một thảm họa như vụ Formosa, hy vọng các hệ sinh thái bị nhiễm độc nặng tự hồi phục – mà không có các nghiên cứu đánh giá tác động và dự án phục hồi – chỉ là ảo tưởng. Cho rằng sức khỏe người dân tự điều chỉnh, mà không cần các biện pháp phòng tránh, chẩn đoán, điều trị kịp thời chính là cách các lãnh đạo chính quyền thoái thác trách nhiệm, để mặc người dân trong đau khổ, tuyệt vọng. Tình hình càng để chậm, càng khó cứu vãn.

(*) Có người cho rằng vụ cá chết vừa qua có thể trong cái rủi lại có cái may đầy nghịch lý. Đó là nếu không có vụ cá chết hàng loạt, hóa chất độc hại từ (các) nhà máy cứ tiếp tục xả ra biển với liều lượng vừa đủ để hải sản nhiễm độc, nhưng không chết ngay, từ đó con người ăn phải mà mắc nhiều bệnh nan y, chết dần, chết mòn. Bên cạnh đó là tình trạng yên ổn giả tạo, khi các hệ sinh thái tầng đáy bị hủy diệt dần dần, nhưng tầng mặt vẫn tỏ ra bình yên vô sự. Đó có thể chính là tình trạng đáy biển bốn tỉnh miền Trung mà bộ Y Tế vừa công nhận ngày 20/09.

Phần chú thích do tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến cung cấp
1 – BP đã phải chi trả hơn 29 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó với thảm họa, trong đó có xác định ô nhiễm, làm sạch môi trường, theo dõi sức khỏe, kiểm nghiệm hải sản, phụ trợ du lịch, và thiệt hại kinh tế cho người dân. Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ 5 tiểu bang bị ảnh hưởng thảm họa đã đại diện người dân kiện BP ra tòa. Đến tháng 7 năm 2015, BP chấp nhận chi trả 18,7 tỷ USD cho đền bù thiệt hại trong vòng 18 năm.
2- Các tổ chức liên bang tham gia gồm National Oceanic and Atmospheric Administration (NOAA); U.S Department of the Interior; U.S Environmental Protection Agencies, và U.S Department of Agriculture cùng với các cơ quan bảo vệ và phục hồi đới bờ, cơ quan quản lý các vườn quốc gia và động vật hoang dã, sở tài nguyên môi trường, cơ quan quản lý tài nguyên đất, cơ quan quản lý chất lượng môi trường, cơ quan bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vv…
3 – 14 nhóm làm việc (Technical Working Groups) bao gồm các chuyên gia, các nhà khoa học từ các cơ quan liên bang, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức khác. Họ đã phát triển kế hoạch thực hiện các tài liệu hướng dẫn và các quy trình nghiên cứu đánh giá thiệt hại và những phương pháp thu thập dữ liệu. Các hoạt động của họ là cụ thể, liên ngành và từ chi tiết từng loại độc tố, từ tế bào đến cá thể sinh vật và rộng lớn đến hệ sinh thái và vùng biển. Từ những ảnh hưởng như khả năng sống sót, tốc độ sinh trưởng, sinh sản, sức khỏe, tình trạng lý-sinh, đến các quá trình và chức năng sinh thái, chất lượng và cấu trúc sinh cảnh sống.
4 – 5 tiêu chí: Phục hồi và bảo tồn các sinh cảnh sống/ Restore and Conserve Habitat
- Phục hồi chất lượng nước/ Restore Water Quality
- Tái tạo và bảo vệ nguồn lợi sinh vật biển và vùng bờ/Replenish and Protect Living Coastal and Marine Resources
- Cung cấp và tăng cường cơ hội giải trí/ Provide and Enhance Recreational Opportunities
- Cung cấp quan trắc, quản lý phù hợp, giám sát quản trị và hỗ trợ việc thực hiện phục hồi và tái tạo/Provide for Monitoring, Adaptive Management, and Administrative Oversight to Support Restoration Implementation
5 – 13 kiểu phục hồi và ngân sách :
- Phục hồi và tái tạo các hệ sinh thái đất ngập nước, hệ sinh thái vùng bờ (coastal) và vùng cận bờ (nearshore): ~4,7 tỷ USD
- Phục hồi và tái tạo các vùng dự áng về bảo vệ các sinh cảnh sống cấp liên bang: 75,5 triệu USD
- Giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ: 110 triệu USD
- Phục hồi chất lượng nước: 300 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài cá và động vật không xương sống sống trong tầng nước (pelagic): 400 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài cá tầm: 15 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài rùa: hơn 212 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài thực vật sống đáy: 22 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài động vật biển: 144 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài chim: hơn 501 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các loài hầu: hơn 200 triệu USD
- Phục hồi và tái tạo các quần xã sinh vật sống vùng biển sâu và vùng bán sâu: 273 triệu USD
- Phục hồi các hoạt động giải trí: hơn 131 triệu USD
Việc phục hồi các hệ sinh thái là rất tốn kém so với việc phục hồi đối với từng loài.
6 – Nếu các cơ quan biên phòng đóng ở các tỉnh có một bộ phận/người làm đại diện (focus point) cho hệ thống ứng cứu quốc gia, thì người dân chỉ cần báo vụ việc cho đại diện tại vùng. Đại diện tại vùng này sẽ báo về Trung tâm ứng phó quốc gia. Và từ Trung tâm ứng phó quốc gia sẽ kết nối với tất cả các đại diện trong mạng lưới và ngay lập tức cùng nhau triển khai ứng phó.
7 – Không những thế mà còn giới hạn báo chí đưa tin, và nhiều bài viết trên các trang blog và facebook cho rằng nhiều cá nhân đã bị gây khó dễ và không thể có cơ hội thực hiện các chuyến khảo sát vùng thảm họa.
8 – Nhiều bài viết chia sẻ trên facebook và blog cũng cho biết nhiều người dân đã bị từ chối dịch vụ khám chữa bệnh khi có có biểu hiện phơi nhiễm, và bỏ qua điều tra trường hợp những công nhân và thợ lặn của Formosa đã chết ngay sau thảm họa xảy ra càng đẩy chính quyền Việt Nam không những chỉ người dân trong nước mà cả quốc tế đánh giá là chính quyền bất nhân, mà còn bị lên án vi phạm quyền con người theo hiến pháp của VN và các điều khoản về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, trong đó Việt Nam là một thành viên.
9 – Hoạt động đánh giá tác động sức khỏe trong thảm họa dầu tràn : 30.000 mẫu khí được phân tích độc lập để theo dõi với tình trạng sức khỏe của công nhân. Hơn 30.000 công nhân đã được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe ngay sau thảm họa. 6.000 mẫu nước được phân tích. 15.000 mẫu không khí ở vùng bờ biển đã được phân tích, với 499.000 kết quả của hàng loạt các thông số khí độc. Thêm vào đó còn có 874.000 kết quả quan sát về chất lượng không khí vùng dân cư và 319.000 kết quả quan sát chất lượng khí đối với vùng hoạt động của công nhân. BP chi trả 33,5 triệu USD cho các chi phí phân tích mẫu và 105 triệu USD như một phần đóng góp để thành lập chương trình y tế vùng Vịnh. Cũng như tài trợ 52 triệu USD để giúp đỡ chương trình y tế tâm thần của vùng.
10 – Trong cuộc họp báo ngày 22/08/2016, một số đại diện của chính quyền (như ông Mai Trọng Nhuận trưởng nhóm điều tra) tuyên bố môi trường biển đã sạch, san hô đã phục hồi trở lại, đã xuất hiện cá con…. Có mấy vấn đề nguy hiểm từ tuyên bố này: 1) Biển sạch: chính quyền VN đã và đang đánh đồng biển sạch ở tầng nước với vùng còn ô nhiễm ở tầng đáy và trong các hệ sinh thái. Nước biển do có thể được làm sạch bằng các dòng hải lưu, nhưng chất độc trong trầm tích và tích tụ trong cơ thể san hô và thân rễ của các loài thực vật thì không thể một sớm một chiều tẩy được, nếu không nhờ vào quá trình tự phân hủy sinh học (biological degradation). Các mẫu phân tích ở Vịnh Mêhicô gần đây cho thấy vẫn còn ô nhiễm của dầu. Biển vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề, các sinh vật đều đang bị tổn thương chưa phục hồi được lấy đâu ra mà thực hiện chức năng sinh thái của chúng. 2) San hô đã phục hồi sau 4 tháng thảm họa, chuyện khoa học viễn tưởng chỉ có ở Việt Nam. Công bố như thế, chính quyền chỉ chuốc lấy sự bất bình và coi khinh từ giới chuyên môn. 3) San hô phục hồi cá nhỏ đã xuất hiện: việc công bố này rất dễ phạm sai lầm. Xét dưới góc độ chuyên môn, điều này đáng lo hơn là đáng mừng. Bởi sự xuất hiện của các đàn cá nhỏ này rất có thể là những loài cơ hội (opportunist), những loài dễ thích ứng (tolerant), ít có giá trị kinh tế và không có chức năng sinh thái, sau thảm họa đã phát sinh nhanh chóng chiếm đoạt không gian của các loài bản địa trước đây, và cản trở sự phát triển đa dạng sinh học. Và nếu thế thì có thể khẳng định rằng các hệ sinh thái bản địa đã bị thay đổi hoàn toàn sang một dạng sinh cảnh khác kém giá trị và không bền vững.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.