Trung Quốc và Nhật Bản đang tạo ra một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á, và vũ khí được sử dụng là những liều vắc-xin. Việt Nam tuy đang có nhu cầu rất lớn và cấp bách nhưng lại tỏ ra thận trọng trước nguồn cung vắc-xin tới từ Trung Quốc
Trường Sơn 2021-06-17
Hình minh hoạ. Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Hà Nội hôm 8/3/2021
AP
Việt Nam trước cuộc cạnh tranh cung cấp vắc-xin giữa Trung Quốc và Nhật Bản
00:00/03:36
Việc Nhật Bản chuyển gần một triệu liều vắc-xin cho Việt Nam hôm 16 tháng 6 là động thái mới nhất trong cuộc đua với Trung Quốc trong việc cung cấp vắc-xin cho khu vực Đông Nam Á.
Bộ ngoại giao Nhật Bản thông báo rằng nước này cũng có kế hoạch gửi vắc-xin đến một loạt các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan vào đầu tháng Bảy.
Các nỗ lực kể trên của Nhật Bản nhằm bắt kịp với Trung Quốc, nước vốn đã đi trước trong việc cung cấp vắc-xin cho khu vực.
Cụ thể, Trung Quốc cho đến nay đã chuyển cho Cambodia tám triệu liều vắc-xin, giúp nước này trở thành quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia khác trong vùng cũng đã nhận viện trợ hoặc mua vắc-xin từ Trung Quốc.
Hôm 8 tháng 6, Ngoại trưởng Vương Nghị thông báo Trung Quốc đã cung cấp 100 triệu liều vắc-xin cho các quốc gia Đông Nam Á, và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ khu vực này chống chọi với đại dịch.
Việt Nam, quốc gia đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiệm trọng, và có nhu cầu về vắc-xin rất lớn bởi dân số đông và tỷ lệ tiêm chủng thấp, hôm 4/6 cho biết đã duyệt khẩn cấp có điều kiện các loại vắc-xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy có thông tin về việc sử dụng bất cứ loại vắc-xin nào của Trung Quốc.
Bình luận về hiện tượng Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chưa sử dụng vắc-xin cung cấp bởi Trung Quốc, thạc sĩ Hoàng Việt từ Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết vấn đề có thể nằm ở cả hai phía. Ông nói:
“Gần đây lãnh đạo Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận và mua vắc-xin từ bất cứ quốc gia nào, thế nhưng vấn đề là dù Trung Quốc đã tuyên bố viện trợ vắc-xin cho nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam lại không nằm trong danh sách đó”.
Điều này, theo thạc sĩ Hoàng Việt là có hai khả năng.
“Khả năng thứ nhất là mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không còn nồng ấm như trước, khả năng thứ hai là có thể Trung Quốc đòi hỏi một số điều kiện để viện trợ hoặc bán vắc-xin nhưng Việt Nam không chấp nhận”.
Về phần mình, Chính phủ Việt Nam cũng phải tính tới làn sóng phản đối của người dân trong nước nếu việc sử dụng vắc-xin Trung Quốc xảy ra.
Thạc sĩ Hoàng Việt tiếp tục bình luận về khía cạnh này, ông cho biết:
“Khi Chính phủ nói về khả năng mua vắc-xin từ Trung Quốc thì rất nhiều người dân đã lên tiếng phản đối, tạo ra sức ép và khiến chính phủ phải hết sức thận trọng”.
Cùng nhận định với thạc sĩ Hoàng Việt, Giáo sư Carl Thayer của trường Đại học New South Wales cho RFA biết rằng:
“Chính phủ Việt Nam đang lùng sục nguồn cung vắc-xin từ rất nhiều quốc gia khác nhau, nhưng Trung Quốc lại không xuất hiện trong danh sách này vì sự phản đối của dư luận trong nước đối với vắc-xin Trung Quốc”.
Ngoài ra, Giáo sư Thayer cũng bình luận thêm về cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn trong việc cung cấp vắc-xin cho khu vực. Ông cho biết câu hỏi lớn bây giờ đó là liệu Phương Tây và đồng minh của họ là Nhật Bản có thể cung cấp vắc-xin nhanh hơn và nhiều hơn so với Trung Quốc.
Việt Nam cho đến nay đã tiêm chủng cho khoảng 1,7 triệu người trong tổng số 97 triệu dân, tất cả các liều vắc-xin được sử dụng cho đến nay đều được sản xuất bởi công ty Oxford-AstraZeneca của Anh Quốc.
Bộ Y Tế Việt Nam hồi tháng 6 công bố về việc đặt mua hơn 120 triệu liều vắc-xin từ các công ty khác nhau, bao gồm năm triệu liều từ Moderna, 20 triệu liều từ Sputnik V, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer, và 38.9 triệu liều từ chương trình COVAX Faciliity của WHO.
0 comments