Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Covid-19: Có thực Việt Nam đã 'chậm trễ' trong tiêm phòng?

Tuesday, June 1, 2021 3:21:00 PM // ,

BBC

Covid tại Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,LINH PHAM/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam cần tăng tỷ lệ tiêm chủng chống Covid-19 từ 1% hiện nay lên 70-75% các đối tượng cần chủng ngừa trong cộng đồng và dân số, theo giới quan sát

Mới đây có ý kiến trong dư luận tại Việt Nam đặt vấn đề và cho rằng có thể nước này đã chậm trễ trong việc tiến hành tiêm phòng chống Covid-19 như một biện pháp quan trọng cần ưu tiên.

Bình luận với BBC News Tiếng Việt về vấn đề này, hôm 01/6/2021 hai nhà quan sát thời sự từ Hà Nội và Nha Trang nêu quan điểm của mình.

"Trước hết, tôi rất đồng tình với ý kiến là mục tiêu quan trọng nhất trong việc chống Covid bây giờ là việc tiêm chủng bằng vaccine," ông Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động xã hội dân sự nói với BBC từ Hà Nội.

Bà Phạm Chi Lan: Ưu tiên số một ở VN phải là tăng tốc tiêm chủng Covid

"Tôi đã đề cập trên các trang cá nhân cũng như trong các bình luận suốt trong một thời gian khá dài từ trước là Việt Nam không thể làm theo một phương pháp là 'bắt cóc bỏ đĩa'. Bởi vì nếu chỉ có cách ly, cách ly và cách ly, trong khi nguồn vaccine về rất hạn chế, thì Việt Nam sẽ không có sức đâu mà có thể ngăn chặn được đại dịch.

"Tôi cho rằng việc này là việc rõ ràng không phải một mình riêng cá nhân nào, mà cả hệ thống chính trị, những người cầm quyền phải chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ này."

Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo nói với BBC:

"Tôi cũng đồng ý với ý kiến đó. Trước tình hình dịch bệnh rất căng thẳng, ai cũng ngóng chờ vaccine. Tôi nhớ đợt đầu tiên vaccine do Covax tài trợ là 117.000 liều, về đến Tân Sơn Nhất ngày 24/2/2021, mừng lắm, tuy biết chẳng thấm tháp gì với Việt Nam ngót 100 triệu dân.

"Nhưng triển khai tiêm chủng lại quá chậm chạp. Mãi mấy tuần sau, mới chích chưa được một nửa số đó. Tôi đã viết trên FB của mình là "tốc độ rùa bò". Thấy Hoa Kỳ mỗi ngày chích hàng triệu mũi, lại càng sốt ruột cho dân mình.

"Đành rằng ta chưa hoàn thành thử nghiệm vaccine tự sản xuất, hiện nay vẫn phụ thuộc nhập khẩu, nhưng ta quá chậm tiêu thụ nguồn vaccine đã nhập."

Đâu là nguyên nhân chính?

Covid tại Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Một phụ nữ đang đóng cửa hàng bún đậu của mình hôm 25/5/2021 ở Hà Nội sau khi có lệnh mới của thành phố về tăng cường phòng chống Covid-19

Bình luận về đâu là nguyên nhân chính nếu đã có sự chậm trễ và cách thức khắc phục thế nào, các nhà quan sát này nói:

"Tôi cho rằng không chỉ là với Chính phủ mới hiện nay, mà từ Chính phủ trước của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng gặp phải, đó là hệ thống này kìm hãm con người sáng tạo, chủ động chịu trách nhiệm," kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói.

"Có rất nhiều rào cản mà bản thân ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng hiện nay, hay là cả những ông khác, nếu như muốn bứt phá hay muốn đưa ra những chính sách quyết liệt để vận động, thì phải có một chính sách rất dài hơi.

"Trong khi đó, từ trong lịch sử, đã có rất nhiều nhân tài đã không được trọng dụng, bởi các ý kiến phản biện của họ ở trong xã hội, cộng đồng không được quan tâm, trong lúc Chính phủ nhiều khi chỉ lo lắng về 'thế lực thù địch', lo lắng với những ý kiến về phê bình hay phản đối dù có tính xây dựng với những chính sách của quốc gia, chính phủ.

"Thế thì những việc đó sẽ triệt tiêu sức sáng tạo cũng như khả năng phát triển những nhân vật có năng lực, kể cả năng lực chính trị và những đường lối đúng đắn có thể giúp đất nước trong những lúc khó khăn này.

"Tôi cũng phải nói thêm rằng việc Việt Nam không nhận được vaccine chống Covid như ý trong thời gian vừa qua từ một số quốc gia và khối ở quốc tế, cũng có thể là một tín hiệu cho thấy Việt Nam đã tự cô lập mình vì bản chất của chính thể chế và chế độ làm cho lâu nay chưa đạt được dân chủ hóa mạnh, cũng như đề cao, tôn trọng nhân quyền, pháp quyền đích thực như quốc tế lâu nay chờ đợi.

"Giải pháp kỹ thuật, theo tôi phải được tiến hành dựa trên một nền tảng cơ bản và đồng bộ như trên, chứ không phải chỉ là giải quyết phần ngọn, trước mắt và coi như thế là xong, vì đây là câu chuyện có thể kéo dài."

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu góc nhìn của mình:

"Theo tôi, sự chậm trễ là có, và có thể do mấy nguyên nhân sau. Thứ nhất là Bộ Y tế Việt Nam chưa nhanh nhạy chủ động sớm đặt mua, có thể đặt cọc, ứng trước v.v...

"Thứ hai, ngành Y tế chưa chủ động khẩn trương chuẩn bị đủ mạng lưới phân phối, các điểm tiêm chủng để vaccine về bao nhiêu, dùng hết nhanh trong vài ngày bấy nhiêu.

Covid tại Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam sẽ cần đến khoảng ít nhất 150 triệu liều vaccine để tăng tốc và đảm bảo tiêm phòng Covid trong thời gian tới đây, theo nhận định từ giới quan sát

"Để khắc phục, ngành Y tế cần đôn đốc, hỗ trợ các địa phương khẩn trương hình thành mạng lưới tiêm chủng đủ cần thiết.

"Việc Bộ Y tế vừa mới kêu gọi hơn hai chục doanh nghiệp đang được phép kinh doanh vaccine cùng nỗ lực tìm mua vaccine là một thay đổi có chút hy vọng. Nhưng cần đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chất lượng vaccine, tránh vaccine giả, kém chất lượng, lừa đảo trục lợi bất chính qua tiêm chủng, gây tiền mất, tật mang."

Có gì để nói về công khai, minh bạch?

Bàn về khía cạnh công khai, minh bạch trong ứng phó Covid-19 cũng như qua chiến dịch tìm kiếm vaccince, tiến hành tiêm chủng chống dịch bệnh này ở Việt Nam đến nay, các nhà bình luận nói:

"Tôi cho rằng có những sự bất nhất trong vấn đề thông tin về dịch bệnh, cụ thể có những trường hợp lây nhiễm virus ở những người là quan chức, là cán bộ, những thông tin này người dân thường bị che dấu và họ không công khai tên tuổi, cũng như là lịch trình," ông Nguyễn Lân Thắng nói.

"Trong khi đó, một số những thành phân dân cư khác, và đặc biệt là gần đây có việc liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng ở TP Hồ Chí Minh liên quan một ổ dịch, thì người ta bị lên án rất nhiều, nêu tên, nêu tuổi và nêu lịch trình sinh hoạt, đi lại.

Covid tại Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Người dân chấp hành lệnh gia hạn đóng tạm thời các cửa hàng ăn uống và một số dịch vụ khác tại Hà Nội vừa được giới chức thành phố ban hành vào cuối tháng Năm 2021

"Và họ làm dư luận để dư luận trở nên rất phẫn nộ về một giáo phái nhỏ như vậy, trong khi việc bầu cử Quốc hội do đảng CSVN lãnh đạo chỉ diễn ra trước đó mấy ngày thôi, cộng với việc thả lỏng cho xã hội trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 01-5 đi chơi khắp các nơi đông nghịt thì người ta lại không đưa ra mạnh mẽ, công khai những thông tin trên báo chí, truyền thông chính thống của đảng và nhà nước để chỉ rõ đâu là nguyên nhân, vấn đề mà Việt Nam đang mắc phải trong đợt bùng phát Covid-19 này."

Còn ông Võ Văn Tạo phát biểu:

"Tôi thấy rằng Chính phủ và bộ Y tế của Việt Nam cần cập nhật kịp thời, công khai về diễn tiến nhập khẩu vaccine và tiêm chủng chống Covid trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

"Đọc thông tin trên báo chí Việt Nam, chẳng hạn như trên báo Lao Động ngày 21/5/2021, tôi không biết vì sao bộ Y tế phân bổ đợt 3, gồm 1,7 triệu liều, rất thiên lệch, theo đó bệnh viện lớn nhất phía Bắc là Bạch Mai được 23.000 liều.

"Rồi Bệnh viện Nhi trung ương được tới 25.000 liều, trong khi đó, bệnh viện lớn nhất phía Nam là Chợ Rẫy và bệnh viện lớn nhất miền Trung là C Đà Nẵng đều chỉ được vỏn vẹn có 1.500 liều?"

Có ai phải chịu trách nhiệm không?

Hôm 31/5/2021, từ Hà Nội, nhà quan sát và tư vấn chính sách, kinh tế gia Phạm Chi Lan đưa ra nhận xét với BBC về liệu có chuyện Việt Nam chậm trễ về tìm kiếm vaccine và tiến hành tiêm chủng chống Covid-19 trong cộng đồng hay không, bà nói:

"Theo tôi nghĩ, ngay từ các đợt bùng phát trước, không phải từ nhiệm kỳ trước, ngay cả không phải Chính phủ mà nói chung phổ biến cả trong xã hội Việt Nam, người ta chưa thực sự hiểu về tầm quan trọng của vaccine.

Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,STR/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tăng tốc tỷ lệ tiêm chủng chống Covid-19 trong cộng đồng lên ít nhất 70-75% diện đối tượng cần được chủng ngừa cần đang là thách thức với chính phủ của tân Thủ tướng VN Phạm Minh Chính (phải)

"Cho nên thấy là Việt Nam qua ba lần có dịch, mọi người đều qua được, phanh lại được tương đối nhanh, thì có phần theo tôi là chủ quan, cho rằng như vậy là đã biết cách xử lý rồi và không phải lo sợ gì về dịch nữa.

"Cái đó là cái dở và tôi nghĩ trách nhiệm ở đây không những chỉ là về phía Chính phủ, tầm nhìn của Chính phủ, những người lãnh đạo, nhưng mà ngay cả tầm nhìn của những người về khoa học, y tế chẳng hạn, cũng chưa thật là đầy đủ, cho nên chưa thấy vấn đề.

"Mặc dù ngay cả những lần trước, những người ở diện xét nghiệm ở Việt Nam không nhiều, cho nên phát hiện ra số người bị lây nhiễm không nhiều, thế nhưng các nước họ làm khác, họ tăng tốc và phạm vi xét nghiệm lên, thì họ có thể phát hiện được tiềm năng của bệnh rộng ra, nhưng ở Việt Nam, việc xét nghiệm cũng tương đối hẹp hơn, cho nên chỉ những người nào có những biểu hiện nhất định thì mới đi xét nghiệm thôi, cho nên số lây nhiễm không được nhiều, may mắn có thể là ngẫu nhiên rằng số lây nhiễm tiềm năng ở những lần trước trên thực tế không phát tán hết ra.

"Nhưng thực sự tôi thấy rằng đã có sự chủ quan và nhất là khi các nước như là Ấn Độ hoặc là mấy nước ở khu vực, hay sát biên giới Việt Nam bị mắc nhiều, mà Việt Nam vẫn còn khá chậm như tới nay đã thấy, trong việc tìm kiếm các nguồn vaccine về, tôi nghĩ rằng đấy là cái sai khá là rõ.

"Có thể là trong thời gian vừa rồi, do chuyển giao Chính phủ, rồi bận rộn những việc khác của công việc của Đại hội đảng, rồi bầu bán, bầu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp này khác v.v..., nên th sự cũng không quan tâm một cách thích đáng, cần thiết đến tình hình Covid chưa xong như vậy, thì phải hết sức đề phòng và không thể chủ quan được.

"Tôi cho rằng đây thực sự cũng có trách nhiệm của những người lãnh đạo, nhưng mà nói chung kể cả những người lãnh đạo bây giờ thì họ cũng đã từng tham gia vào các vị trí khác nhau trong hệ thống lãnh đạo ở Việt Nam, chứ không phải là những người mới toanh, mà không phải chịu trách nhiệm gì mà chỉ những người lãnh đạo cũ chịu mà thôi.

"Bởi vì tình hình diễn biến từ đầu năm đến giờ, những dấu hiệu ở xung quanh đã rất rõ, thế mà Việt Nam đang có vẻ vẫn chưa chưa chủ động về vaccine và tăng tốc tiêm phòng, và như vậy thì thực sự là chưa ổn," bà Phạm Chi Lan nói với BBC. 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.